Danh nhân thế giới - Thiền sư Cưu Ma La Thập & Pháp Đại Thừa

 

THIỀN SƯ CƯU-MA-LA-THẬP
(KUMARAJIVA)  và PHÁP ĐẠI THỪA

Trần Chung Ngọc

 

 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thường được gọi ngắn gọn là Kinh Pháp Hoa, là bộ Kinh Đại Thừa quan trọng và nổi tiếng của Phật Giáo, vì chủ yếu của Kinh khẳng định, qua cái thấy biết của Đức Phật, sự kiện là mọi người chúng ta, ai cũng có thể thành Phật, và chủ mãn của Kinh không ngoài cái hoài bão của Đức Phật khi thành Đạo; bày tỏ cho chúng sinh thấy, nhận và nhập vào cái thấy, biết của Phật.

Kinh nguyên bản bằng tiếng Phạn. Có ít nhất là ba bản dịch sang tiếng Trung Hoa, nhưng chỉ có bản dịch của Thiền sư Kamarajiva (Cưu-Ma-La-Thập) là được truyền tụng rộng rãi. Thượng tọa Thích Trí Tịnh đã dựa vào bản này để dịch sang tiếng Việt. Tiểu sử của Thiền sư Kumarajiva rất đặc biệt. Chúng ta có thể rút tỉa nhiều điều hay trong đó. Cho nên, trước hết tôi xin tóm lược tiểu sử của Ngài để cống hiến quý độc giả, tưởng không phải là chuyện vô ích.

Kumarajiva sinh năm 344. Cha là Kumarayana, con một viên chức cao cấp Ấn Độ. Vì mộ đạo nên Kumarayana từ bỏ đời sống gia đình tìm thầy học đạo, chẳng bao lâu nổi tiếng và được mọi người kính trọng. Khi đi tới Kucha, một nước ở vùng Trung Á khoảng giữa Ấn Độ và Trung Hoa, Vua nước này ra tận biên giới đón và mời làm Quốc Sư. Vua có người em gái trẻ đẹp tên là Jiva, tuổi vừa đôi mươi. Từ nhỏ Jiva đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên nàng không để mắt tới chàng trai nào trong nước, nhưng khi gặp Kumarayana, nàng cảm thấy yêu ngay, và thầm mong ước lấy Kumarayana. Vua biết ý, ngỏ lời gả Jiva cho Kumarayana. Kumarayana không từ chối.

Ít lâu sau Jiva thụ thai. Trước đó, Jiva thường tới chùa trong vùng nghe các cao Tăng thuyết pháp tuy nàng không hiểu mấy. Nhưng từ khi có mang Kumarajiva tự nhiên nàng thông hiểu Phật Pháp và trí tuệ mở mang nhanh chóng. Một vị A-La-Hán đương thời nhận xét : đứa con trong bụng Jiva không phải là một đứa trẻ thường, mà sẽ là một bậc đại trí, có thể sẽ giống như Xá Lợi Tử, đệ tử đại trí của Đức Phật. (Trường hợp này tương tự như trường hợp của bà mẹ Xá Lợi Tử : khi có mang Xá Lợi Tử, bà luôn luôn thắng trong những cuộc tranh luận Phật Pháp cùng người anh, mặc dầu trước đó lần nào cũng thua. TCN).

Sanh Kumarajiva được ít lâu, bà Jiva ngỏ ý muốn xuất gia, nhưng Kamarayana không ưng thuận. Vài năm sau, bà sanh thêm một trai. Khi Kumarajiva 7 tuổi, và đã từ lâu thấu hiểu những chân lý về khổ, vô ngã, vô thường và tánh Không của vạn Pháp, bà Jiva quyết định từ bỏ đời sống gia đình. Kumarayana trước cũng có ý định đi tu, nhưng từ khi được vợ đẹp, chức cao, nên bỏ ý định trên. Không những thế, ông còn ngăn cản ý muốn tu hành của vợ. Bà Jiva bèn lập nguyện : nếu không được đi tu thì chết, và bà bắt đầu tuyệt thực. Mới đầu, Kumarayana không để ý, nhưng khi thấy vợ quá yếu sau 6 ngày nhịn ăn, ông hứa : "muốn xuất gia cũng được, nhưng hãy ăn để phục hồi sức khỏe đã". Sợ chồng lại đổi ý, bà Jiva nói : "Hãy mời Pháp Sư đến xuống tóc cho bà trước". Không biết làm sao, Kumarayana đành phải mời vị Phương trượng của Chùa mà Jiva thường tới nghe thuyết pháp đến thế phát cho bà. Toại nguyện rồi, bà Jiva chuyên tâm tu học Phật Pháp với tấm lòng chân thành, chẳng bao lâu sau đắc quả A-La-Hán. Vì là em Vua nên bà được nhiều người cúng dường đầy đủ mọi vật. Không muốn sống trong tiện nghi vật chất, thành tâm trau dồi Phật Pháp, bà dắt Kumarajiva lang thang hành đạo, dù chồng bà không đồng ý. Bà thường dẫn con đến chùa nghe Pháp và lễ Phật. Tuy mới 7 tuổi, Kumarajiva thấy mọi người thắp hương lễ Phật cũng thắp hương lễ Phật. Năm Kumarajiva 9 tuổi, bà Jiva đưa con đến học đạo với một Pháp Sư theo Tiểu Thừa (Phật Giáo Nguyên Thủy) nổi tiếng tên là Bandhudatta. Kumarajiva học rất chăm, buổi sáng học và chép Kinh, buổi chiều tụng lại theo trí nhớ những Kinh chép buổi sáng.

Năm Kumarajiva 12 tuổi, hai mẹ con trở về Kucha. Khi qua miền núi phía Bắc Kusan, một vị A-La-Hán xem tướng Kumarajiva và nói : "Hãy săn sóc chàng Sa-Di này cẩn thận; nếu tới 35 tuổi mà hắn không phá giới thì hắn sẽ hoằng dương Chánh Pháp, cứu độ vô số chúng sinh như Tứ Tổ Upagupta bên Ấn Độ". Trên đường về, hai mẹ con ngừng ở Kashgar, trong một ngôi Chùa. Tại đây, Kumarajiva được Phương trượng giảng Pháp và ngộ được ý Vạn Pháp Qui Nhất, mọi sự vật đều do sự biến hiện của Tâm. Kumarajiva ở lại Kashgar để học về luận A-Tỳ-Đạt-Ma, và cũng chính tại đây Kumarajiva được tiếp xúc với Giáo Pháp Đại Thừa và nhận thức được rằng : Tuy Tiểu Thừa tuyệt diệu nhưng Đại Thừa lại là cái tuyệt diệu trong các tuyệt diệu.

Vua xứ Kucha phái sứ giả đến triệu hồi hai mẹ con bà Jiva trở về Kucha. Năm 20 tuổi, Kumarajiva chính thức làm lễ xuất gia trong cung Vua và học đạo với Vimalaksha, một vị cao Tăng nổi tiếng về hạnh giữa giới luật, từ Kashmir tới. Trước khi đi Ấn Độ để được ấn chứng đắc quả A-La-Hán bậc ba (Bất hồi). Bà Jiva thấy con có duyên với Trung Hoa nên nói : "Giáo Pháp Phương Đẳng (nối Tiểu Thừa với Đại Thừa) rất thâm thúy, cần được truyền bá rộng rãi ở Trung Hoa. Con có khả năng làm việc đó, nhưng cá nhân con sẽ không được gì. Con nghĩ sao ?" Kumarajiva trả lời : "Hạnh nguyện của Bồ Tát là quên mình, lợi người. Nếu con có thể truyền đạo giác ngộ chúng sanh thì dù phải nhảy vào vạc dầu con cũng không ngại".

Kumarajiva ở Kucha hai năm, chú tâm học hành các Kinh Đại Thừa. Vua xứ Kucha, nguyên là bác của Kumarajiva, cho làm một cái ngai sư tử bằng vàng để Kumarajiva ngồi thuyết pháp. Nhưng Kumarajiva lại cố ý muốn rời Kucha, vì muốn truyền Pháp Đại Thừa cho thầy cũ của mình là Bandhudatta. Điều này làm Vua phật ý vì cho rằng Kumarajiva không đáp lại sự đãi ngộ của Vua. Tình cờ, Bandhudatta đến biên giới xứ Kucha. Vua và Kumarajiva ra tận nơi đón. Vua hỏi : "Vì duyên cớ gì mà Ngài từ nơi xa xôi tới đây ?" Bandhudatta đáp : "Trước hết, bần tăng nghe tin đệ tử của bần tăng đã đại giác; thứ đến, bần Tăng nghe tin bệ hạ tích cực hoằng dương Đạo Pháp nên bần Tăng muốn được yết kiến".

Kumarajiva rất vui mừng được gặp thầy cũ, bèn thuyết Pháp Đại Thừa cho thầy nghe. Nghe xong, Bandhudatta hỏi : "So với Tiểu Thừa thì Đại Thừa có lợi ích đặc biệt gì ?" Kumarajiva đáp : "Đại Thừa chủ trương vạn Pháp đều Không, Tiểu Thừa còn chấp vào danh tướng". Bandhudatta bác : "Đại Thừa nói về Không, nhưng Không chỉ là Không, Không có gì cả. Nếu mọi vật đều Không thì học cái Không để làm gì ?". Kumarajiva giảng : "Trong cái Không có cái Có, trong Chân Không có Diệu Hữu, trong Diệu Hữu có Chân Không. Đại Thừa là Giáo Pháp rốt ráo, không như Tiểu Thừa bó buộc trong khuôn khổ danh tự vì vậy mà không dẫn tới giải thoát hoàn toàn". Bandhudatta nói : "Ta có một thí dụ về cái Không của Đại Thừa : Một người điên yêu cầu người thợ dệt, dệt cho một tấm lụa. Người điên chê tấm lụa thứ nhất không được tinh xảo, chê tấm lụa thứ hai vẫn còn thô, và tiếp tục chê đến khi người thợ dệt chịu không nổi, đến với tay không, dang hai tay và nói : "Đây là tấm lụa tinh xảo nhất". Người điên nói : "Nhưng chẳng có gì trong đó cả". Thợ dệt nói : "Tấm lụa này tinh xảo đến chính tôi là thợ dệt khéo mà cũng không nhìn thấy nó". Người điên hài lòng và hậu đãi người thợ dệt. Nhiều thợ dệt khác bắt chước lừa người điên lấy tiền. Giáo Pháp Đại Thừa cũng vậy : Ngươi nói trong cái Không có cái Có, nhưng chẳng ai thấy cái Có đó ở đâu cả". Kamarajiva đáp : "Không phải vậy, không phải vậy". Và tiếp tục giảng về cái Không và Diệu Hữu trong Chân Không, hơn một tháng sau mới thuyết phục được Bandhudatta. Sau cùng Bandhudatta nói : "Ta muốn lễ ngươi làm thầy". Kamarajiva đáp : "Ngài làm thế sao được. Đệ tử đã lễ thầy làm thầy rồi, sao thầy có thể lễ đệ tử làm thầy được". Bandhudatta nói : "Vấn đề đó không đáng để ý". Ta là thầy Tiểu Thừa của ngươi, ngươi là thầy Đại Thừa của ta. Như vậy cả hai đều có Tiểu Thừa và Đại Thừa để theo". Kamarajiva bèn nhận Bandhudatta làm đệ tử.

Danh tiếng Kamarajiva càng ngày càng nổi. Năm 384 Ngài được mời tới Trung Hoa, ở tại miền Bắc nước này hoằng dương đạo Pháp. Năm 402 Vua mời Ngài về kinh đô Tràng An và phong chức Quốc Sư. Ngày ngày, hàng ngàn tăng ni tới nghe Ngài thuyết Pháp. Trong hơn 10 năm ở Tràng An, Ngài dịch 72 tác phẩm Phật Giáo từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa. Năm 413, Ngài tịch, thọ 69 tuổi. 

Trên đây là sơ lược tiểu sử Kamarajiva, vị cao Tăng có công dịch rất nhiều Kinh điển Phật Giáo sang tiếng Trung Hoa, nhờ đó mà Việt Nam chúng ta cũng gián tiếp được hưởng cái gia tài quý báu trên. Đọc tiểu sử Ngài, chúng ta có thể rút tỉa vài điều như sau :

Như được viết trong Kinh 42 Chương : "Rất khó bố thí khi nghèo, rất khó học Đạo khi giàu". Cha của Kamarajiva trước đã có ý định xuất gia tu hành, nhưng khi được vợ đẹp, chức cao, bèn quên hết cả. Điều này cho thấy, không phải ai cũng có thể tu hành. Chỉ những người có căn trí đặc biệt mới có thể theo được con đường "tri hành hợp nhất". Biết mà không thực hành được cũng không biết vì tất cả chỉ là cái biết vay mượn. Những ai tự cho mình biết nhiều về Phật Giáo hãy tự đặt cho mình một câu hỏi : "Trả lại cái biết của ta cho sách vở, tai nghe, mắt thấy, ta còn lại cái gì ?". Ngoài ra, nếu hàng cư sĩ chúng ta có thấy vị tu sĩ nào phá giới vì không cưỡng được những sự cám dỗ vật chất ở ngoài đời thì cũng đừng nên khó chịu vì đó là thế gian thường tình. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận và dung dưỡng những tác phong trái ngược với tiêu chuẩn tu hành của các tu sĩ trong Phật Giáo. Chúng ta đều biết, trong Phật Giáo vấn đề tác phong đạo đức, giới hạnh của các tu sĩ đứng hàng đầu. Vai trò hộ Pháp của giới cư sĩ bao gồm nhiều phương diện đặc biệt là giúp phương tiện vật chất để các bậc tu hành yên tâm tu hành Chánh Quả. Nhưng nếu bậc tu hành nào lại chìm đắm trong những cám dỗ vật chất thì bổn phận của hàng cư sĩ là phải khuyến cáo và tìm biện pháp chấm dứt sự chìm đắm ấy. Không ai có thể chê cười những người vì lý do này hay lý do khác, hoàn tục sống một cuộc đời bình thường. Nhưng không ai có thể chấp nhận và dung dưỡng những người tu hành mà tác phong và đạo đức tôn giáo trái ngược với giới hạnh của đoàn thể Tăng Già. Kinh Pháp Cú, câu 9, nói rõ rằng : "Mặc áo cà sa mà không rời bỏ những điều uế trược (tham dục), không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn".

Jiva quả là một bà mẹ tuyệt vời, có ảnh hưởng không ít trên thành quả của Kamarajiva. Bà tu tập với tấm lòng chân thành và cương quyết, những điều kiện tất yếu để đạt được kết quả trong vấn đề tu tập. Đây chính là cái cũng trong Phật Giáo.

Kamarajiva tuy thông minh nhưng cũng học Phật rất chăm. Điều này cho thấy trí thông minh cùng với sự chăm chỉ sẽ đưa tới thành công trong bất cứ lãnh vực nào, không chỉ giới hạn trong việc học Phật.

Tứ Tổ Upagupta tu tập trong một hang đá, nhưng người đến học Đạo rất đông. Mỗi khi độ được một người, Ngài lại bẻ một que tre để trong hang. Về sau hang có đầy những que tre chứng tỏ Ngài đã độ được vô số người. Điều này chứng tỏ những ngôi Chùa nguy nga tráng lệ không hẳn là điều kiện tất yếu để truyền bá Đạo Pháp hoặc độ chúng sanh.

Hiển nhiên người xưa coi cái Ta rất nhẹ, và sự hiểu biết của các bậc cao Tăng là sự hiểu biết chân thực. Người xưa coi Đạo làm thầy, gặp Đạo cao hơn là có thể cúi lạy làm thầy và không hề quan tâm đến chức tước, địa vị. Nếu không, Bandhudatta không bao giờ lại tôn để tử làm thầy Đại Thừa của mình.

Đọc tiểu sử Kamarajiva, có môt điểm cần phải triển khai. Nếu không, vấn đề không được rõ ràng. Tôi chắc rằng, sẽ có nhiều người thắc mắc : "Kamarajiva giảng thuyết những gì mà mãi hơn một tháng sau mới thuyết phục thầy cũ là Bandhudatta theo Đại Thừa ?". Tôi phải nói ngay là tôi không đủ khả năng để giải đáp thỏa đáng thắc mắc này, vì đọc tiểu sử của Tam Tạng Pháp Sư Kamarajiva tôi chỉ biết tổng quát như trên chứ không biết thêm chi tiết nào khác. Tuy nhiên, ít ra, chúng ta cũng có thể biết chắc được rằng, Kamarajiva đã thuyết giảng những Kinh Đại Thừa và chủ đề giảng thuyết của Kamarajiva cho Bandhudatta là CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU, nền tảng của tất cả tư tưởng Đại Thừa. Theo ý tôi, thời gian hơn một tháng không phải mới có thể lãnh hội được tinh yếu của tư tưởng Chân Không Diệu Hữu trong một thời gian ngắn như thế. Sau đây, tôi xin mạo muội khai triển chủ đề này để chúng ta cùng nhau học hỏi một giáo thuyết có thể nói là cao siêu, khúc mắc nhất của Phật Giáo.

Tư tưởng Chân Không Diệu Hữu bắt nguồn từ Kinh Bát Nhã, bộ Kinh tối cổ và căn bản của Đại Thừa, và sau đó, các Kinh, Luận như Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật, Đại Thừa Khởi Tín v.v... đều dần dần khai triển phương diện Diệu Hữu trong Chân Không.

Muốn tìm hiểu quan niệm Chân Không Diệu Hữu trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là Chân Không trong Phật Giáo, rồi từ đó tiến đến việc tìm hiểu cái Có trong cái Không là thuật ngữ Phật Giáo gọi là Diệu Hữu trong Chân Không. Quan niệm trên có thể tóm tắt như sau :

"Hành giả phải tu tập để có được trí tuệ Bát Nhã, nghĩa là trí tuệ đưa tới sự nhận thức sâu sắc về thực tướng của mọi sự sự vật vật. Thực tướng của mọi sự vật chính là tính Không, và sự thấu suốt tính Không này (do học Đạo) sẽ tạo thành một sức sinh hoạt, hoạt động tự do, không bị ngăn ngại (để hành Đạo)".

Đây là lập trường Chân Không Diệu Hữu của Kinh Bát Nhã.

Tìm hiểu quan niệm về Chân Không hay tính Không trong Phật Giáo, chúng ta vấp phải một trở ngại. Đó là : Thấy được Tính Không của mọi sự vật thì tương đương với thấy được Phật Tánh. Nhưng Phật Tánh thì chỉ có thể thực chứng chứ không thể nghĩ bàn, do đó, người ta không thể định nghĩ Tính Không, bởi vì làm như thế là đặt Tính Không vào một giới hạn, trong khi thực thể của Không siêu việt mọi ngôn ngữ, giới hạn. Tuy nhiên thể định nghĩa được Tính Không, nhưng các vị cao Tăng đắc Đạo (đã thực chứng được Tính Không của mọi sự vật), vì muốn dẫn dắt chúng sanh trên con đường giải thoát (chuyển cái Không thành cái Có kỳ diệu), đã bắt buộc phải dùng ngôn ngữ tư thông thường để mô tả phần nào Tính Không. Trong phương diện mô tả này, tuy không thể khẳng định thế nào là Không, nhưng chúng ta có thể khẳng định những gì không phải là Không.

"Không" trong Phật Giáo không có nghĩa là không có thực, thí dụ như lông rùa, sừng thỏ.

"Không" cũng không phải là "không vắng" hay hủy diệt, nghĩa là trống rỗng hay trước có bây giờ không còn nữa, thí dụ như : trong phòng này trước có nhiều đồ đạc bây giờ trống trơn, không có gì, hay ông A, bà B, trước sống nay chết đi rồi, không còn nữa.

Vậy thì Phật Giáo muốn nói gì khi bảo mọi sự vật là "Không" ?. Tôi xin đưa ra đây vài lối giải thích nhưng sẽ không đi vào lý luận chi tiết để giải thích những lời giải thích ấy.

Vì mọi sự vật luôn luôn thay đổi, ngay cả trong khoảng thời gian ngắn nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được, nên chúng là Không. Ở đây, Không đồng nghĩa với quan niệm "Vô Thường" trong Phật Giáo Nguyên Thủy.

Vì mọi sự vật đều do duyên sinh nên chúng là Không. Không ở đây có nghĩa là không có tự tính, nghĩa là tính tự túc, tự tồn tại, độc lập, không tùy thuộc vào bất cứ cái gì khác. Không có tự tính trong Kinh Bát Nhã chỉ là sự mở rộng của thuyết "Vô Ngã" trong Phật Giáo Nguyên Thủy.

Vì thế giới Ta Bà chỉ là tổng thể của Cộng Nghiệp và là dự phóng của Tâm, chịu theo luật biến hiện nên mọi sự vật là Không. Đây là luận cứ của Duy Thức Tông theo đó mọi vật chỉ hiện hữu đối với những sinh vật sống trong cùng một cảnh giới, danh từ khoa học gọi là có cùng tần số giao cảm (do cộng nghiệp).

Những lời giải thích trên chỉ cho chúng ta một ý niệm khái quát về tại sao mọi sự vật là Không chứ không cho chúng ta biết cái Không là gì. Cho nên chúng ta không thể chấp vào cái Không này mà coi Không như là một cái gì đó, bằng cách nào đó, xuất hiện ở đâu đó. Nói một cách khác, chúng ta phải phủ nhận ngay cả chính cái Không này, vì nếu chúng ta nhận rằng có cái Không, chúng ta đã tự mâu thuẫn với chính những điều giải thích trên về tính Không. Chính cái Không của Không này mới tương đương với chân lý chung cùng của mọi sự sự vật vật. Đây chính là quan niệm Chân Không Tuyệt Đối, sự siêu việt rốt ráo, vượt khỏi mọi Pháp và mọi ý niệm mà Phật Giáo thường cho là : không thể nói ra hay không thể nghĩ bàn (bất khả thuyết hay bất khả tư nghị : Kinh Duy Ma).

Một câu hỏi được đặt ra là : nếu Không không thể nghĩ bàn thì cái Có ở đâu ra mà gọi là Diệu Hữu ? Đây có lẽ là điểm khó hiểu và khúc mắc nhất trong thuyết Chân Không Diệu Hữu của Phật Giáo. Bởi lẽ, theo nguyên tắc, hành giả phải thực chứng được cái Có gọi là Diệu Hữu. Tuy nhien? chúng ta cũng có nhiều cách lý luận để trình bày quan niệm Diệu Hữu trong Chân Không.

Lý luận theo khoa học, chúng ta có thể nói rằng : Diệu Hữu ở ngay trong Chân Không và chưa bao giờ rời các Không. Thật vậy, hai phủ định liên tiếp cho ra một xác định : Vì chính cái Không cũng là Không nên Không Không trở thành Có.

Theo triết lý về Nhị Đế của Bồ Tát Long Thọ thì : Chính vì Không mà mọi sự vật (Vạn Pháp) có thể thành lập được. Điều này có nghĩa là : Vì mọi vật là Không nên chúng mới có thể hiện hữu. Bởi lẽ, nếu chúng không phải là Không, nghĩa là có tự tính, tính cố định, độc lập v.v... thì không thể có bất cứ sự thay đổi nào, không có gì có thể sinh ra, không có gì có thể tiến bộ, mọi cố gắng sẽ trở nên vô ích. Do đó, quan niệm Chân Không của Bát Nhã là kết quả của sự quán chiếu Đệ Nhất Nghĩa Đế (Chân Đế) và được coi là chân lý chung cùng. Nhưng chính cái Không cùng là Không rồi, vậy thì trở lại cái thế giới giả danh (Tục Đế) để diệu hữu hóa nó, nghĩa là nắm giữ được Chân Đế nhưng không quên sự hiện hữu của Tục Đế. Và đây chính là Trung Đạo.

Những lý luận triết lý như trên thường là trừu tượng, khó hiểu. Để bạn đọc có một khái niệm về một khía cạnh nào đó của Chân Không Diệu Hữu tôi xin lược kê vào sắc thái của Chân Không Diệu Hữu :

Chân Không là tất cả mọi sự sự vật vật đều không có tự tính, Diệu Hữu là sự tồn tại của Vạn Pháp dù vạn Pháp đó không có tự tính.

Chân Không là kết luận của vọng tâm duyên sinh quan. Diệu Hữu là cảnh giới đã diệt trừ vọng tâm, làm sáng tỏ thể tướng của tịnh tâm.

Chân Không là : Trên cầu đạo Bồ Đề (Kinh Pháp Hoa : Thường Bất Khinh Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát), Diệu Hữu là : Dưới hóa độ chúng sanh (Kinh Pháp Hoa : Quán Thế Âm Bồ Tát).

Kinh Duy Cật : Tìm Đạo Giác Ngộ (Chân Không) ngay trong phiền não (Diệu Hữu).

Đạo Bồ Tát chủ yếu lấy sinh hoạt tại gia (Diệu Hữu) làm cơ sở tu hạnh Bồ Đề (Chân Không).

Lục Độ Ba La Mật là phương tiện đi tới Trí Tuệ Bát Nhã (Chân Không), và là yếu tố không thể thiếu để tạo thành thế giới (Diệu Hữu).

Bát Nhã xây dựng trên cơ sở Tâm Vô Sở Đắc (Chân Không) để hoàn thành các việc đạo đức xã hội (Diệu Hữu).

Tôi đã viết khá nhiều về Chân Không Diệu Hữu mà thực ra là không viết gì cả. Bởi vì, cốt lủy của tư tưởng Chân Không Diệu Hữu trong Phật Giáo không phải là những lý luận vẩn vơ thuần trí thức. Then chốt của vấn đề là những quan niệm, triết lý hay chủ thuyết mà là những đề tài Thiền Quán, có mục đích giải thoát con người khỏi sự chấp về một ngã thể giải tưởng, nguồn gốc của những tham muốn đưa tới sự khổ đau và hoang mang. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được đời sống thật là diệu dụng tuy bản thể của nó là Không chúng ta mới có thể tự do hành động theo những chiều hướng phục vụ chúng sanh, tôi cho rằng đây chính là mục đích hoạt động của Giao Điểm. Mong rằng mọi hoạt động của Phật tử chúng ta đều hướng theo mục đích này nhắm tới sự hỗ trợ cho niềm tin là : sau cùng mọi người trên thế gian này đều sống trong cảnh an lạc và hạnh phúc./.

  

- o0o -

| Mục lục Thích Nguyên Tạng | Mục lục Tác giả |


Vi tính: Ngọc Dung
Cập nhật ngày:01-07-2001

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Ð Ð Ð 牧牛 心累的时候 换个角度看世界 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 生日快乐 描写家乡的桥的句子 ï¾ ï½ Hà nh お寺との付き合い 檀家 梵僧又说我们五人中 簡単便利戒名授与水戸 看完新闻联播的观后感 丢失菩提心的因缘 中国渔民到底有多强 地藏十轮经 chùa pháp bảo 人生是 旅程 風景 åƒäæœä½ Ï chua phuoc luu ä½ å æ æ 中国佛度 ÃÏ 多彩的活动作文六年级 崔红元 Tấm lòng của mẹ 義交 å BÃi Lửa 栃木県寺院数 TP メス 禅の旋 phan tich ngu uan vo nga làm thế nào để không trở thành nạn Lễ tưởng niệm húy nhật Đức 僧人食飯的東西 大学生贫困证明 义云高世法哲言 ペット僧侶派遣 仙台 Trái tim bất tử Kỳ 4 Sự thật về 即刻往生西方 ä ƒäº ä Làm thức uống bổ dưỡng từ đậu nành 淨界法師書籍 ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器