Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa quyết bỏ cuộc sống vinh hoa, vào rừng sâu xuất gia tìm đạo, vua Tịnh Phạn sai hai đại thần đi thuyết dụ Thái Tử trở về. Không thể lay chuyển được chí hướng của Thái Tử, hai vị đại thần đành trở về chiêu mộ người muốn tìm đạo, theo phù trợ cho Thái Tử. Trong số 5 người phát tâm theo Thái Tử tu khổ hạnh tại núi Dà Xa, xứ Ba La Nại có Kiều Trần Như là người nhiệt tình cầu đạo hơn cả.
Kiều Trần Như là ngườI theo Phật đầu tiên do đó được thành vị Thánh chúng có PHÁP LẠP SỐ 1.
Khi chỉ thấy khổ hạnh làm cho cơ thể suy nhược, tinh thần hết minh mẫn, Phật ra khỏi rừng khổ hạnh dùng bát sữa của mục nữ Ta Xà Đề, xuống sông Ni Liên tắm gội rồi trở lại thuyết dụ nhóm Kiều Trần Như trở về con đường Trung đạo, may ra mới có thể chứng thành Thánh qủa. Kiều Trần Như cho là Phật đã thối chí, nên không theo và tiếp tục lối tu ép xác, ngày ăn một hạt đậu hoặc một hạt mè v.v ..
Vì có thành kiến từ trước, khi nghe Phật trở lại rừng khổ hạnh để thuyết pháp cho nhóm của ông. Kiều Trần Như tính kế không tiếp đón. Nhưng với dung mạo oai lực của Phật, Kiều Trần Như thay đổi thái độ, từ lạnh nhạt qua tôn kính.
Sau khi nghe Phật thuyết giáo, Kiều Trần Như khai mở trí tuệ, nhận chân sự cố chấp kiến là chướng đạo. Sống ở đời say đắm theo lạc thú vật chất, con người sẽ sa đọa vào con đường tội lỗi. Trái lại tu theo pháp khổ hạnh, khiến cơ thể suy nhược, tinh thần rối loạn, không còn minh mẫn. Bởi thế, trên con đường Trung đạo mới đạt được giải thoát, khỏi luân hồi, sinh, già, bệnh, chết. Qua sự chuyển bánh xe chánh pháp lần đầu của Phật, Kiều Trần Như và các đạo sĩ đồng hành, biết rõ con đường trung đạo qua pháp Bát chánh. Đó là hiểu biết chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, mưu sinh chân chính, siêng năng chân chính, định tâm chân chính.
Tám pháp chân chính là con đường đưa chúng sanh đến cảnh Tịch diệt Niết bàn.
Ngược lại cuộc sống buông trôi theo thám ái giận hờn, si mê, đó là nguyên nhân chúng sinh đến 3 cõi 6 đường chịu nhiều khổ não.
Các khổ não mà chúng sinh phải trôi nổi trong sinh tử luân hồi, đó là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Rộng hơn đó là sinh, già, bệnh, chết, ân ái, xa lìa, oán thù gặp gở, mong cầu không được và thân 5 ấm không được điều hòa.
Nói ngược lại một cách khác hơn đó là 4 chân lý: Khổ, Tập, Diệt và Đạo.
VớI 4 chân lý qua lần chuyển pháp đầu tiên của Phật, Các đạo sĩ khổ hạnh và nhất là Kiều Trần Như đã rõ:
-Đó là khổ vì hay bức não
-Đó là tập vì hay chiêu cảm
-Đó là diệt vì có thể chứng
-Đó là đạo vì có thể tu tập
Và -Vì nó là khổ Chúng ta cần phải biết
Vì nó là tập Chúng ta cần phải trừ
Vì nó là diệt Chúng ta cần phải chứng
Vì nó là đạo Chúng ta cần phải tu học.
Kiều Trần Như thấy cần phải theo gương Phật, vì:
-Đó là khổ Phật đã biết.
-Đó là tập Phật đã trừ.
-Đó là diệt Phật đã chứng.
-Đó là đạo Phật đã tu.
Sau khi nghe Phật chuyển pháp luân lần đầu, Kiều Trần Như và các bạn đồng hành pháp nguyện bỏ lối tu hành và xin làm đệ tử Phật. Kiều trần Như đã có công lập thành giáo đoàn đầu tiên của Phật. Kiều Trần Như cũng tinh tấn tu tập và trở thành thánh đệ tử Phật, có pháp lạp số 1.
Nguồn: www.quangduc.com