Danh nhân thế giới - Về những đóng góp của Pháp sư Huyền Trang cho mảng A tỳ đàm của Luận tạng.

 

 

 

 

Về những đóng góp của Pháp sư Huyền Trang
cho mảng A tỳ đàm của Luận tạng

 

Đào Nguyên 


 

---o0o---

 

Thời Đại sư Chân Đế (Paramàrtha) vào Trung Quốc, lần đến nhà Trần (557-588) ở phương Nam là thời kỳ Trung Quốc còn chia hai, miền Bắc còn cát cứ, mảng A tỳ đàm chưa được dịch nhiều, những từ ngữ, thuật ngữ liên hệ còn đang ở giai đoạn dò dẫm, hình thành. Thời đại của Pháp sư Huyền Trang, nhà Đường (618-906) đã thống nhất đất nước, xã hội đã có những phát triển tốt, bản thân Pháp sư Huyền Trang đã sang tận Ấn Độ cầu học, tham khảo, ghi chép v.v... lại dịch sau gần 1 thế kỷ do đó những từ ngữ, thuật ngữ liên hệ đến A tỳ đàm nói riêng, đến Luận tạng nói chung, qua việc chuyển dịch của Pháp sư Huyền Trang đã sáng rõ hơn, chuẩn xác hơn.

Tam tạng Pháp sư Huyền Trang (602-664) là bậc danh tăng vào hàng kỳ của Phật giáo Trung Quốc, cả về sự nghiệp cầu pháp và sự nghiệp dịch thuật. Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) trong sách Sử Trung Quốc đã ghi nhận: “Huyền Trang sinh năm 602 ở Hà Nam... Năm thứ 3 đời Đường Thái Tôn (629), ông một mình băng qua sa mạc Qua Bích dài non 500 cây số, tới nước Cao Xương, được vua nước đó rất trọng, rồi leo núi Thông Lĩnh cao 7.200 thước trong dãy Thiên Sơn, tiến theo đường chở lụa tới Thiết môn sơn, một nơi vô cùng hiểm trở. Từ đây, ông theo hướng Đông Nam qua nhiều nước nhỏ, vòng qua Đại Tuyết Sơn rồi vào Tây Trúc.

Pháp sư thật là một nhà mạo hiểm, đời sau không chắc có ai hơn. Lại có tinh thần nhận xét của nhà khoa học, ghi rất kỹ và rất đúng những điều mắt thấy tai nghe ở các nơi ông đi qua. Ông đi một vòng nước Tây Trúc, coi hết các nơi có di tích của Phật Thích Ca, lại ở hơn một năm tại chùa Nalanda, một ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất, mà cũng là một trường đại học cổ nhất... Ông học hết bộ luận Du già sư địa, học thêm triết lý Bà la môn và Phạn ngữ, rồi đi chu du Tây Trúc tìm hiểu thêm các giáo phái khác. Tới đâu ông cũng thuyết pháp, được hoan nghênh, ai cũng muốn lưu ông lại.

Lần về, ông theo một con đường khác, ghé nhiều nơi để giảng đạo. Năm 645, ông về tới Tràng An, sau khi xa quê hương 16 năm, đi gần 30 ngàn cây số, qua 128 nước, đem về được 657 bộ kinh, không kể nhiều vật quý khác. Mới về nước được hơn 1 tháng, ông bắt tay ngay vào công việc dịch thuật đại quy mô, và mải miết làm việc suốt trong 19 năm, cho tới khi tắt thở. Ông tổ chức một ban dịch thuật, mời các vị cao tăng thông cả Hoa ngữ lẫn Phạn ngữ hợp tác. Công việc làm rất có phương pháp và kỹ lưỡng, soát đi soát lại nhiều lần... Tới năm 663, ông dịch được 600 quyển...

Công việc dịch kinh của ông chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Đông Á mà còn có ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa... Huyền Trang tịch năm 664, một triệu người ở Tràng An và tứ xứ đi đưa linh cữu ông...” (Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, T1, NXB Văn Hóa, 1997, tr.331-333).

Ghi nhận như thế là gọn và đủ(1). Nơi bài viết này, chúng tôi xin nói rõ thêm về một phần trong sự nghiệp dịch thuật của Pháp sư Huyền Trang. Đó là những đóng góp rất lớn của Pháp sư cho mảng A tỳ đàm của Luận tạng (Hán tạng).

A tỳ đàm còn gọi là A tỳ đạt ma (Phạn: Abhidharma), là tạng Luận trong 3 tạng Kinh, Luật, Luận, nhưng ở đây nói A tỳ đàm là chỉ cho mảng luận rất phong phú của phái Thuyết Nhất thiết hữu bộ (Hữu bộ).

Cũng như tạng Kinh, tạng Luật và những phần khác nơi tạng Luận, mảng A tỳ đàm đã được đưa vào Trung Quốc và Hán dịch rất sớm. Đại sư An Thế Cao (thế kỷ thứ II TL) với dịch phẩm: Kinh A Tỳ đàm Ngũ pháp hành (Đại tạng kinh Đại Chánh tân tu: ĐTK/ĐCTT, tập 28, No1557, 1 quyển) dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ II TL, đời hậu Hán (25-220) được xem là tác phẩm thuộc A tỳ đàm được Hán dịch sớm nhất. Tiếp theo, các tác phẩm thuộc mảng A tỳ đàm đã lần lượt được Hán dịch gồm:

- Luận A tỳ đàm cam lộ vị: tác giả là Tôn giả Cù Sa (Diệu Âm), Hán dịch (mất tên người dịch) vào khoảng 220-265 TL đời Tam Quốc. (ĐTK/ĐCTT, T28, No1553, 2 quyển).

- Luận Tỳ bà sa: Tác giả là Tôn giả Thi Đà Bàn Ni, Hán dịch là Đại sư Tăng Già Bạt Trừng, dịch vào đời Phù Tần (351-384). (ĐTK/ĐCTT, T28, No1547, 14 quyển).

- Luận Tôn Bà Tu Mật Bồ tát sở tập: Tác giả là Tôn giả Tôn Bà Tu Mật (Thế Hữu), Hán dịch là Đại sư Tăng Già Bạt Trừng, dịch vào đời Phù Tần. (ĐTK/ĐCTT, T28, No1549, 10 quyển).

- Luận A tỳ đàm bát kiền độ: Tác giả là Tôn giả Ca Chiên Diên Tử, Hán dịch là Đại sư Tăng Già Đề Bà và Trúc Phật Niệm, dịch vào đời Phù Tần (ĐTK/ĐCTT, T26, No1543, 30 quyển).

- Luận A tỳ đàm tâm: Tác giả là Tôn giả Pháp Thắng, Hán dịch là Đại sư Tăng Già Đề Bà và Huệ Viễn (334-416), dịch vào đời Đông Tấn (317-419). (ĐTK/ĐCTT, T28, No1550, 4 quyển).

- Luận Xá Lợi Phất A tỳ đàm: Hán dịch là Đại sư Đàm Ma Da Xá và Đàm Ma Quật Đa, dịch vào đời Hậu Tần (384-417). (ĐTK/ĐCTT, T28, No1548, 30 quyển).

- Luận A tỳ đàm Tỳ bà sa: Do 500 vị A la hán chú giải, quảng diễn, Hán dịch là Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái, dịch vào đời Bắc Lương (397-439). (ĐTK/ĐCTT, T28, No1546, 60 quyển).

- Luận Chúng sự phần A tỳ đàm: Tác giả là Tôn giả Thế Hữu, Hán dịch là Đại sư Cầu Na Bạt Đà (394-468) và Bồ Đề Da Xá, dịch vào đời Lưu Tống (420-478). (ĐTK/ĐCTT, T26, No1541, 12 quyển).

- Luận Tạp A tỳ đàm tâm: Tác giả là Tôn giả Pháp Cứu, Hán dịch là Đại sư Tăng Già Bạt Ma, dịch vào đời Lưu Tống. (ĐTK/ĐCTT, T28, No1552, 11 quyển).

- Luận Kinh A tỳ đàm tâm: Tác giả là Tôn giả Pháp Thắng, Đại sư Ưu Ba Phiến Đa chú giải, Hán dịch là Đại sư Na Liên Đề Da Xá, dịch vào đời Cao Tề (550-576). (ĐTK/ĐCTT, T28, No1551, 6 quyển).

- Thích luận A tỳ đạt ma Câu xá: Tác giả là Tôn giả Thế Thân, Hán dịch là Đại sư Chân Đế (419-564), dịch vào đời Trần (557-588). (ĐTK/ĐCTT, T29, No1559, 22 quyển).

Đại thể, tình hình Hán dịch mảng A tỳ đàm trước Pháp sư Huyền Trang là như thế. Chúng tôi xin nêu ra 4 điểm:

- Thứ nhất: Bộ luận A tỳ đạt ma Câu xá: Tác giả là Tôn giả Thế Thân (Vasubandhu) rất nổi tiếng, được xem là phần cương yếu của luận A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa, là sự tập đại thành của giáo lý Bộ phái Phật giáo, tuy đã được Đại sư Chân Đế (499-569) Hán dịch (Thích luận A tỳ đạt ma Câu xá, 22 quyển), nhưng nhìn chung, bản dịch này chưa đạt (sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Như vậy, trên tinh thần cầu học, cần dịch lại bộ luận trên là điều rất hợp lý.

- Thứ hai: Bộ luận A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa, thuộc loại đồ sộ (bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Trang gồm 200 quyển), là thành quả nổi bật của lần kết tập kinh điển thứ 4 (theo Phật giáo Bắc truyền) tổ chức tại nước Ca Thấp Di La, dưới sự bảo trợ của vua Ca Nị Sắc Ca. Tác phẩm này dù đã được Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái dịch (luận A tỳ đàm Tỳ bà sa, 60 quyển), tuy nhiên bản dịch này vốn gồm 100 quyển, do binh lửa chiến tranh, nên bị thất tán, bản hiện còn chỉ có 60 quyển, chỉ mới chú giải, quảng diễn 3 uẩn trong 8 uẩn. Do đó, việc tìm nguyên bản tiếng Phạn để dịch lại đầy đủ bộ luận đồ sộ kể trên cũng là điều rất hợp lẽ.

- Thứ ba: Bộ luận A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa chính là chú giải, quảng diễn bộ luận gốc là luận A tỳ đạt ma phát trí, tác giả là Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử (Ca Chiên Diên Tử). Luận A tỳ đạt ma phát trí đã được hai Đại sư Tăng Già Đề Bà và Trúc Phật Niệm Hán dịch (luận A tỳ đàm bát kiền độ 30 quyển), nhưng nếu đã dịch đầy đủ bộ luận chú giải, quảng diễn kia (luận A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa) thì cũng có thể dịch lại bộ luận gốc này.

- Thứ tư: luận A tỳ đạt ma phát trí của Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử là một trong 7 bộ luận căn bản của Hữu bộ, 6 bộ luận kia là túc (chân), bộ luận của Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử là thân (thân mình). Đã Hán dịch bộ luận thân, tức cũng nên dịch hết 6 bộ luận túc kia, cũng là điều hết sức hợp lý. (Pháp sư Huyền Trang đã dịch 5 bộ trong 6 bộ luận lục túc ấy. Luận Thi thiết, do Đại sư Pháp Hộ (963-1058) dịch vào đời Triệu Tống (960-1276) là bản tóm lược của luận A tỳ đạt ma thi thiết túc - một trong lục túc luận - Pháp sư Huyền Trang chưa dịch (ĐTK/ĐCTT, T26, No1538, 7 quyển).

Nêu ra 4 điểm như vậy, để chúng ta thấy thêm về những nỗ lực và thành tựu của Pháp sư Huyền Trang trong sự nghiệp cầu pháp và dịch thuật. Ngoài việc Hán dịch các bộ kinh, luận đồ sộ như kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa: (ĐTK/ĐCT, 3 tập 5, 6, 7, No220, 600 quyển), luận Du già sư địa (ĐTK/ĐCTT, tập 30, No1579, 100 quyển), về mảng A tỳ đàm, Pháp sư Huyền Trang đã Hán dịch:

+ Luận A tỳ đạt ma tập dị môn túc: Tác giả là Tôn giả Xá Lợi Tử. (ĐTK/ĐCTT, T26, No1536, 20 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma pháp uẩn túc: Tác giả là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên. (ĐTK/ĐCTT, No1537, 12 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma thức thân túc: Tác giả là Tôn giả Đề Bà Thiết Ma. (ĐTK/ĐCTT, T26, No1539, 16 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma giới thân túc: Tác giả Tôn giả Thế Hữu. (ĐTK/ĐCTT, T26, No1540, 3 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma phẩm loại túc: Tác giả là Tôn giả Thế Hữu. (ĐTK/ĐCTT, T26, No1542, 18 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma phát trí: Tác giả là Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử. (ĐTK/ĐCTT, T26, No1544, 20 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa: Do 500 vị A la hán chú giải, quảng diễn. (ĐTK/ĐCTT, toàn tập 27, No1545, 200 quyển).

+ Luận Nhập A tỳ đạt ma: Tác giả là Tôn giả Tắc Kiến Đà La. (ĐTK/ĐCTT, T28, No1554, 2 quyển).

+ Luận Ngũ sự tỳ bà sa: Tác giả là Tôn giả Pháp Cứu. (ĐTK/ĐCTT, T28, No1555, 2 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma Câu xá: Tác giả là Tôn giả Thế Thân (Vasubandhu). (ĐTK/ĐCTT, T29, No1558, 30 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma Câu xá - Bản Tụng: Tác giả là Tôn giả Thế Thân. (ĐTK/ĐCTT, T29, No1560, 1 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma thuận chánh lý: Tác giả là Tôn giả Chúng Hiền. (ĐTK/ĐCTT, T29, No1562, 80 quyển).

+ Luận A tỳ đạt ma tạng hiển tông: Tác giả là Tôn giả Chúng Hiền. (ĐTK/ĐCTT, T29, No1563, 40 quyển).

(Tổng cộng là: 13 luận, 444 quyển, trên 2.500 trang Hán tạng).

Về số lượng là như thế. Mảng A tỳ đàm gồm 2/3 tập 26, và 3 tập 27, 28, 29 nơi ĐTK/ĐCTT, phần dịch của Pháp sư Huyền Trang đã chiếm gần 3 tập. Về phương pháp dịch thuật, chúng ta đã biết đến quan điểm “Ngũ chủng bất phiên” cùng danh từ Tân dịch, được các nhà nghiên cứu dùng để chỉ cho hệ dịch thuật từ pháp sư Huyền Trang(2). Nói chung, Pháp sư Huyền Trang đã luôn theo sát và dịch đầy đủ đối với nguyên bản, đã sử dụng hoặc theo cách phiên âm, hoặc là dịch nghĩa, để dịch mới hầu hết các nhân danh, địa danh và một số từ ngữ, thuật ngữ tiêu biểu nơi kinh, luận. Nếu ở tạng Kinh, ảnh hưởng của hệ Tân dịch không bằng hệ Cựu dịch (tiêu biểu là Pháp sư Cưu Ma La Thập) thì nơi tạng Luận, ảnh hưởng ấy là rất lớn, nhất là khi tông Duy Thức đã được xác lập và phát huy ở Trung Quốc. Sau đây chúng tôi xin đối chiếu về một số điểm tiêu biểu giữa 2 bản Hán dịch luận A tỳ đạt ma Câu xá của Pháp sư Huyền Trang và Đại sư Chân Đế, qua đó giúp chúng ta thấy rõ phần nào công sức cùng những thành tựu về dịch thuật của Pháp sư Huyền Trang.

- Đối chiếu luận A tỳ đạt ma Câu xá (No1558, 30 quyển, Pháp sư Huyền Trang Hán dịch) và Thích luận A tỳ đạt ma Câu xá (No1559, 22 quyển, Đại sư Chân Đế (Paramàrtha) Hán dịch: Chúng tôi lần lượt đối chiếu: tên luận, tên phẩm, số lượng các phẩm và bố cục của luận, một số từ ngữ thuật ngữ tiêu biểu, một vài đoạn chính.

 I- Tên luận

Chúng tôi dùng từ Đường dịch để chỉ cho bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Trang (602-664), và từ Trần dịch để chỉ cho bản dịch của Đại sư Chân Đế (499-569).

- Đường dịch: Luận A tỳ đạt ma Câu xá (Abhidharma Kosa-sàstra). (ĐTK/ĐCTT, T29, No1558, 30 quyển, tr.1-1596) thời điểm dịch là năm 651 TL.

- Trần dịch: Thích luận A tỳ đạt ma Câu xá: (ĐTK/ĐCTT, T29, No1559, 22 quyển, tr.161-310C) thời điểm dịch là năm 563 TL.

Sở dĩ Trần dịch đã thêm chữ Thích vì dịch giả đã đọc bản luận A tỳ đạt ma Câu xá của Tôn giả Thế Thân (Vasubandhu) theo chiều hướng là một Thích luận: Xem phần kệ tụng là chính, và toàn bộ phần văn xuôi sau kệ chỉ là giải thích, quảng diễn từ kệ. Nơi hầu hết các đoạn kệ, Đại sư Chân Đế đã tách ra thành từng kệ nhỏ (2 câu, có khi chỉ là 1 chữ, 2-3 chữ) để giải thích. Toàn bộ dịch phẩm đã được diễn đạt theo hướng ấy, và sau mỗi phần kệ nhỏ, người dịch đều dùng từ Giải thích (Thích viết). Đọc Thích luận A tỳ đạt ma Câu xá, người đọc có cảm tưởng bản luận của Tôn giả Thế Thân hầu như là nhằm giải thích một luận gốc viết bằng kệ. Trong khi nơi bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Trang, phần kệ giữ vai trò là mở đầu, tóm lược những điểm chính cho phẩm ấy, hoặc cho đoạn luận đó, nên tiếp theo kệ, người dịch đã dùng từ luận nêu (luận viết) và phần văn xuôi đã giải thích, quảng diễn, đối chiếu, biện luận, nhiều khi rất dài về các vấn đề liên hệ. Chúng tôi không có và cũng không đủ trình độ để so sánh với nguyên bản tiếng Phạn, nhưng thiển nghĩ lối dịch như Pháp sư Huyền Trang là hợp lý hơn, dễ đọc hơn.

II- Tên phẩm, số lượng

các phẩm và bố cục của luận:

Đường dịch gồm 30 quyển, Trần dịch gồm 22 quyển, nhưng về số trang thì chênh lệch không bao nhiêu (158 trang 1/2 [Đường dịch] và 150 trang [Trần dịch]), mỗi bản đều có 9 phẩm, tên của các phẩm là đại đồng, tiểu dị.

1- Bố cục của Đường dịch:

- Phẩm thứ 1: Phân biệt Giới, gồm 2 phần (quyển 1-2)

- Phẩm thứ 2: Phân biệt Căn, gồm 5 phần (quyển 3-7)

- Phẩm thứ 3: Phân biệt Thế, gồm 5 phần (quyển 8-12)

- Phẩm thứ 4: Phân biệt Nghiệp, gồm 6 phần (quyển 13-18)

- Phẩm thứ 5: Phân biệt Tùy miên, gồm 3 phần (quyển 19-21)

- Phẩm thứ 6: Phân biệt Hiền Thánh, gồm 4 phần (quyển 22-25)

- Phẩm thứ 7: Phân biệt Trí, gồm 2 phần (quyển 26, 27)

- Phẩm thứ 8: Phân biệt Định, gồm 2 phần (quyển 28 và 1/2 quyển 29)

- Phẩm thứ 9: Phá chấp Ngã, gồm 2 phần (1/2 quyển 29 và quyển 30)

2- Bố cục của Trần dịch:

- Phẩm thứ 1: Phân biệt Giới, gồm 2 phần (quyển 1 và non nửa quyển 2)

- Phẩm thứ 2: Phân biệt Căn, gồm 4 phần (hơn 1/2 quyển 2 - quyển 5)

- Phẩm thứ 3: Phân biệt Thế gian, gồm 4 phần (quyển 6-9)

- Phẩm thứ 4: Phân biệt Nghiệp, gồm 4 phần (quyển 10-13)

- Phẩm thứ 5: Phân biệt Hoặc, gồm 2 phần (quyển 14, 15)

- Phẩm thứ 6: Phân biệt Thánh đạo quả nhân, gồm 3 phần (quyển 16-18)

- Phẩm thứ 7: Phân biệt Huệ, gồm 2 phần (quyển 19, 20)

- Phẩm thứ 8: Phân biệt Tam Ma Bạt Đề, gồm 1 phần (quyển 21)

- Phẩm thứ 9: Phá Thuyết Ngã, gồm 1 phần (quyển 22)

Như vậy, về tên một số phẩm có khác nhau giữa 2 bản là do cách dùng từ của người dịch.

III- Về một số từ ngữ -

thuật ngữ tiêu biểu:

Xin được nhắc lại: Thời điểm dịch của Trần dịch là 563 TL, thời điểm dịch của Đường dịch là 651 TL. Thời Đại sư Chân Đế (Paramàrtha) vào Trung Quốc, lần đến nhà Trần (557-588) ở phương Nam là thời kỳ Trung Quốc còn chia hai, miền Bắc còn cát cứ, mảng A tỳ đàm chưa được dịch nhiều, những từ ngữ, thuật ngữ liên hệ còn đang ở giai đoạn dò dẫm, hình thành. Thời đại của Pháp sư Huyền Trang, nhà Đường (618-906) đã thống nhất đất nước, xã hội đã có những phát triển tốt, bản thân Pháp sư Huyền Trang đã sang tận Ấn Độ cầu học, tham khảo, ghi chép v.v... do đó những từ ngữ, thuật ngữ liên hệ đến A tỳ đàm nói riêng, đến Luận tạng nói chung, qua việc chuyển dịch của Pháp sư Huyền Trang đã sáng rõ hơn, chuẩn xác hơn, cũng là điều hợp lẽ. Chúng tôi dựa theo phẩm để đối chiếu, tóm tắt nội dung của phẩm, nêu những từ ngữ, thuật ngữ tiêu biểu nơi Đường dịch trước, tiếp đấy mới nêu các từ ngữ, thuật ngữ cùng loại nơi Trần dịch. Công việc đối chiếu của chúng tôi ở đây, tuy chỉ giới hạn vào luận Câu xá, nhưng cũng có thể giúp chúng ta thấy được phần nào tiến trình sử dụng các thuật ngữ trong mảng A tỳ đàm nói riêng, trong Luận tạng (Hán tạng) nói chung(3).

1- Phẩm thứ 1:

- Đường dịch: Phân biệt Giới: (No1558, tr.1-13B)

Nội dung của phẩm này gồm 2 phần: Phần mở đầu: Nêu kệ đảnh lễ, tán thán Phật, giải thích tên luận. Phần tiếp theo: Lần lượt thuyết minh về các pháp - yếu tố thành lập của Giới, 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 22 căn.

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

A tỳ đạt ma thắng nghĩa, A tỳ đạt ma thế tục, Năm uẩn vô lậu, Huệ vô lậu, Huệ hữu lậu, tự tướng, pháp tướng (Phần giải thích tên luận).

Pháp hữu lậu, vô lậu, vô vi, trạch diệt, phi trạch diệt, pháp hữu vi.

Năm uẩn, thủ uẩn, hữu tránh, kiến xứ, tam hữu, năm căn, năm cảnh, tự tướng, cộng tướng, vô tướng, hữu biểu (sắc, nghiệp), đại chủng, 12 xứ, 18 giới, tầm, tứ, đẳng lưu, dị thục sinh, 22 căn.

- Trần dịch: Phân biệt Giới (No1559, tr.161-173A)

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

A tỳ đạt ma chân thật, A tỳ đạt ma giả danh, Năm Ấm vô lưu, Trí vô lưu, Huệ hữu lưu, tự thể tướng, pháp chân thật trong tất cả pháp (Phần giải thích tên luận).

Pháp hữu lưu, vô lưu, vô vi, trạch diệt, phi trạch diệt, pháp hữu vi, năm ấm, thủ ấm, hữu đấu tránh, kiến xứ, tam hữu, năm căn, năm trần, vô giáo, hữu giáo (sắc, nghiệp), tự tướng, cộng tướng, 4 đại, 12 nhập, 18 giới, giác, quán, đẳng lưu, quả báo sinh, 22 căn.

2- Phẩm thứ 2:

- Đường dịch: Phân biệt Căn (No1558, tr.13B-40C)

Nội dung của phẩm này lần lượt thuyết minh về 22 căn (tính chất riêng biệt, nghĩa loại sai khác) các tâm sở, 6 nhân, 5 quả, 4 duyên.

* Một số từ ngữ – thuật ngữ tiêu biểu:

Tăng thượng, liễu tự cảnh, 3 cõi dục, sắc, vô sắc, đạo vô gián, đạo giải thoát, đạo thế gian, đạo xuất thế, 4 quả Sa môn (Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán) vi tụ - cực vi tụ. 5 loại Tâm sở pháp: 10 pháp đại địa (thọ, tưởng, tư, xúc, dục, huệ, niệm, tác ý, thắng giải, tam ma địa). 10 pháp đại thiện địa (tín, bất phóng dật, khinh an, xả, tàm, quý, 2 căn thiện: Vô tham, vô sân, bất hại, cần). 6 pháp đại phiền não địa (si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử). 2 pháp đại bất thiện địa (vô tàm, vô quý). 10 pháp tiểu phiền não địa (phẫn, phú, xan, tật, não, hại, hận, siểm, cuống, kiêu). 4 tâm sở bất định (ố tác, thùy miên, tầm, tứ). Tâm bất tương ưng hành (đắc, phi đắc, đồng phần, hai định vô tưởng định diệt tận mạng, tướng các pháp hữu vi: sinh trụ dị diệt danh thân, cú thân, văn thân). 6 nhân: Nhân năng tác, Nhân câu hữu, Nhân đồng loại, Nhân tương ưng, Nhân biến hành, Nhân dị thục. 5 quả: Quả dị thục, Quả tăng thượng, Quả đẳng lưu, Quả sĩ dụng, Quả ly hệ. 4 duyên: Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên. 12 tâm nơi 3 cõi (cõi Dục 4, cõi sắc, vô sắc: 3+3. Vô lậu: 2). Ngoài 5 quả nêu trên, còn có 4 quả: Quả an lập, Quả gia hạnh, Quả hòa hợp, Quả tu tập.

- Trần dịch: Phân biệt căn (No1559, tr.173A-198A):

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

Tăng thượng, đắc tự trần, 3 cõi dục, sắc, vô sắc, đạo thứ đệ, đạo giải thoát, đạo thế gian, đạo xuất thế. 4 quả Sa môn (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán) Lân hư. 5 loại tâm pháp: đại địa, thiện đại địa, hoặc đại địa, ác đại địa, tiểu phần hoặc địa. 10 pháp đại địa: thọ, tác ý, tưởng, dục, xúc, huệ, niệm, tư duy, tướng tiểu, định. 10 pháp thiện đại địa: tín, bất phóng dật, an, xả, tu (xấu hổ), tàm - quý (hổ thẹn), 2 căn thiện vô tham, vô sân, phi bức não, tinh tấn. 6 pháp hoặc đại địa: si, phóng dật, giải đãi, vô tín, vô an, trạo. 2 pháp ác đại địa: vô tu (không xấu hổ), vô tàm. 10 pháp tiểu phần hoặc địa: hiềm, hận, siểm, tật đố, ngận, phú, xan lận, cuống, túy, bức não. 4 tâm pháp bất định: ố tán, miên, giác, quán. Tâm bất tương ưng hành: (chí đắc, phi chí đắc, đồng phần, 2 định vô tưởng xứ, thọ mạng, các tướng hữu vi, sinh lão trụ vô thường danh tụ, cú tụ, tự tụ). 6 nhân: nhân tùy tạo, nhân câu hữu, nhân đồng loại, nhân tương ưng, nhân biến hành, nhân quả báo. 5 quả: quả quả báo, quả tăng thượng, quả đẳng lưu, quả công lực, quả ly diệt (quả tương ly). Ngoài 5 quả trên, còn có 4 quả: quả y chỉ, quả gia hạnh, quả tích tập, quả tu tập. 4 duyên: nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên. 12 tâm nơi 3 cõi...

3- Phẩm thứ 3:

- Đường dịch: Phân biệt Thế (No 1558, tr.40C-67A)

Phẩm này lần lượt thuyết minh về Hữu tình thế gian, khí thế gian, 12 duyên khởi, hành tướng của luân hồi (Nghiệp cảm duyên khởi luận), sự an lập khí thế gian.

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Cõi Dục gồm 20 trụ xứ: Địa ngục (8 địa ngục lớn), Bàng sanh, Ngạ quỷ, cõi người gồm 4 đại châu (Nam Thiệm Bộ, Đông Thắng Thần, Tây Ngưu Hóa, Bắc Câu Lư). 6 tầng Trời thuộc dục giới (Tứ đại vương chúng, Tam thập tam, Dạ ma, Đổ sử đa, Lạc biến hóa, Tha hóa tự tại).

- Cõi Sắc gồm 17:

Tĩnh lự thứ 1: Trời Phạm chúng, Phạm phụ, Đại phạm. Tĩnh lự thứ 2: Thiểu quang, Vô lượng quang, Cực quang tịnh. Tĩnh lự thứ 3: Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh. Tĩnh lự thứ 4: Vô vân, Phước sanh, Quảng quả, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Sắc cứu cánh.

- Cõi Vô sắc gồm 4: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tướng phi phi tưởng xứ.

4 thứ thức trụ: Thức tùy sắc trụ, Thức tùy thọ trụ, Thức tùy tưởng trụ, Thức tùy hành trụ.

7 thứ hữu: Hữu của 5 nẻo (thú), Nghiệp hữu, Trung hữu.

5 thủ uẩn là thể của hữu, gồm: Trung hữu, Sanh hữu, Bản hữu và Tử hữu.

12 chi duyên khởi: Vô minh, Hành (giai đoạn trước) thức, Danh sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu (giai đoạn giữa) Sanh, Lão tử (giai đoạn sau).

4 thứ thực (ăn): Đoạn, xúc, tư, thức. Đoạn thực có 2: Thô, tế.

An lập khí thế gian: Phong luân, Thủy luân, Kim luân. 9 núi lớn như mê lô (diệu cao)...

Ao lớn Vô Nhiệt não, nơi phát xuất của 4 sông lớn: Căng già, Tín độ, Đồ đa, Phược sô.

Tiểu thiên giới, Trung thiên giới, Đại thiên giới.

4 kiếp: Hoại, thành, trung, đại.

3 tai họa nhỏ: Đao binh, tật dịch (bệnh tật), cơ cẩn (đói khát)

3 tai họa lớn: lửa, nước, gió.

- Trần dịch: Phân biệt Thế gian (No1559, tr.198A-225A)

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- 20 trụ xứ của cõi Dục: Địa ngục (8 đại địa ngục), quỷ, súc sanh, cõi người với 4 châu lớn: Diêm phù, Phất bà Tỳ đề ha (Đông Thắng Thần), A bà la cù đà ni (Tây Ngưu Hóa), Uất đa la cưu lâu (Bắc Thắng Sinh). 6 tầng trời thuộc cõi Dục: Tứ đại vương, Tam thập tam, Xướng lạc, Thiện tri túc, Hóa lạc, Tha hóa tự tại.

- 17 trụ xứ của cõi Sắc: Định thứ 1: Trời Phạm chúng, Phạm Tiên hành, Đại phạm). Định thứ 2: Tiểu quang, Vô lượng quang, Biến quang. Định thứ 3: Tiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh. Định thứ 4: Vô vân phước sanh, Quảng quả, Vô đại cầu, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Vô hạ.

- Cõi Vô sắc gồm 4: Không vô biên nhập, Thức vô biên nhập, Vô hữu vô biên nhập, Phi tưởng phi phi tưởng nhập.

4 thứ thức trụ: Ái sắc thức trụ, Ái thọ thức trụ, Ái tưởng thức trụ, Ái hành thức trụ.

7 thức hữu: Địa ngục hữu, Súc sanh hữu, Quỷ thần hữu, Nhân hữu, Thiên hữu, Nghiệp hữu, Trung hữu.

Năm thủ ấm là thể của hữu, gồm: Trung hữu (trung ấm), Sanh hữu, Tiêu hữu, Tử hữu.

12 pháp duyên sanh: Như Đường dịch (chỉ khác: Lục nhập thay vì Lục xứ).

4 thứ thực (ăn): Đoạn thực, Xúc thực, Tác ý thực, Thức thực.

An lập khí thế giới: Phong luân, Thủy luân, Kim địa luân. 9 núi lớn như Tu Di Lâu...

Ao lớn A na bà đát đa, nơi xuất phát của 4 sông lớn: Hằng già, Tân đầu, Tư đa, Bạc sưu.

Tiểu thiên thế giới, Nhị thiên trung thế giới, Tam thiên đại thiên thế giới.

4 kiếp: Biệt kiếp, Hoại kiếp, Thành kiếp, Đại kiếp.

3 tai họa nhỏ: Đao trượng, Tật dịch, Cơ ngạ (đói khát).

3 tai họa lớn: Lửa, nước, gió.

4- Phẩm thứ 4:

- Đường dịch: Phân biệt Nghiệp (No 1558, tr.67B-98B): Nội dung của phẩm này thuyết minh về nguyên nhân của luân hồi, về chủng loại nghiệp.

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Hai thứ nghiệp: Tư nghiệp, Tư dĩ nghiệp.

- Ba thứ nghiệp: Thân nghiệp, Ngữ nghiệp, Ý nghiệp.

- Biểu, Vô biểu: Thân biểu, Thân vô biểu, Ngữ biểu, Ngữ vô biểu.

- 3 loại sắc: Hữu kiến - hữu đối, Vô kiến hữu đối, Vô kiến vô đối (Vô biểu sắc), Sắc vô lậu, Pháp vô lậu.

Biểu nghiệp, Vô biểu nghiệp.

Vô biểu gồm 3: Luật nghi, Bất luật nghi, Phi luật nghi phi bất luật nghi.

Luật nghi có 3: Luật nghi Biệt giải thoát, Luật nghi Tĩnh lự sanh và Luật nghi Đạo sanh (Giới vô lậu).

Tướng của Luật nghi Biệt giải thoát có 8: Luật nghi Bí sô, Bí sô ni, Chánh học cần sách, Cần sách nữ, Cận sự, Cận sự nữ, Cận trụ.

Nghiệp bất thiện, Nghiệp thắng thiện.

Hành ác, Giới ác, Nghiệp, Nghiệp đạo.

4 loại Bí sô: Danh tưởng, Tự xưng, Khất cái, Phá hoặc.

4 loại Sa môn: Thắng đạo, Thị đạo, Mạng đạo, Ô đạo.

Nghiệp có 3 loại: Thiện, ác, vô ký. Phước, phi phước, bất động.

Nghiệp có 3 loại: Thuận lạc thọ, Thuận khổ thọ, Thuận bất khổ bất lạc thọ. Thuận thọ có 5 loại: Tự tánh, tương ưng, đối tượng duyên, dị thục, hiện tiền.

3 loại nghiệp Thuận lạc thọ... đều có tính chất định, bất định. Tính chất định gồm 3: Thuận hiện pháp lạc thọ, Thuận thứ sanh thọ, Thuận hậu thứ thọ.

Nghiệp có 4 loại: Nghiệp đen dị thục đen, Nghiệp trắng dị thục trắng, Nghiệp đen trắng - dị thục đen trắng, Nghiệp không đen không trắng, không có dị thục nhưng có thể hủy diệt các nghiệp khác.

Nghiệp đạo tham, Nghiệp đạo sân, Nghiệp đạo tà kiến.

Nghiệp hữu lậu. Nghiệp vô lậu. Nghiệp ưng tác, Nghiệp bất ưng tác, Nghiệp phi ưng tác phi bất ưng tác, Tác ý như lý, Tác ý phi lý.

3 trọng chướng: Nghiệp chướng, Phiền não chướng, Dị thục chướng.

5 nghiệp vô gián: Ân điền, đức điền, Phá yết ma tăng, Phá pháp luân tăng, Tu tập viên mãn 6 Ba la mật đa: Bố thí, giới, nhẫn, tinh tấn, định, huệ.

Trụ định kim cang dụ.

Có 2 loại nghiệp: Nghiệp tạo tác, Nghiệp tăng trưởng.

Thuận 3 phần thiện: Thuận phần phước, Phần giải thoát, Phần quyết trạch.

- Trần dịch: Phân biệt Nghiệp (N01559, tr.225A-252B).

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Hai thứ nghiệp: Nghiệp cố ý (Tâm nghiệp), Nghiệp cố ý đã tạo.

- Ba thứ nghiệp: Thân, Khẩu, Ý.

- Hữu giáo, Vô giáo, Thân hữu giáo, Thân vô giáo, Khẩu hữu giáo, Khẩu vô giáo.

- Ba loại sắc: Hữu hiển hữu ngại. Vô hiển hữu ngại. Vô hiển vô ngại. (Vô giáo sắc) Sắc vô lưu, Pháp vô lưu.

- Hữu giáo nghiệp, Vô giáo nghiệp.

- Vô giáo gồm 3: Hộ, Bất hộ, Phi hộ phi bất hộ.

- Hộ có 3: Hộ Ba la đề mộc xoa, Hộ định, Hộ vô lưu (Giới vô lưu).

- Mộc xoa giới (Hộ Ba la đề mộc xoa) có 8: Giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Ưu ba bà sa (cận trụ).

- Nghiệp ác, Nghiệp thiện hạnh. Hành ác, Giới ác, Nghiệp, Nghiệp đạo.

- 4 loại Tỳ kheo: Danh, Tự xưng, Khất giả, Phá phiền não.

- 4 loại Sa môn: Đạo sanh, Thuyết đạo, Đạo hoạt, Ô hoại đạo.

- 3 loại Nghiệp: Thiện, Ác, Vô ký. Phước đức, Phi phước đức, Bất động.

- 3 loại Nghiệp: Hữu lạc thọ, Hữu khổ thọ, Hữu bất lạc bất khổ thọ.

- Thuận thọ có 5: Tự tánh, Tương ưng, Cảnh giới, Quả báo, Hiện tiền. 3 loại nghiệp Hữu lạc thọ... đều có tính chất định, bất định.

- Nghiệp định có 3: Hiện pháp ưng thọ, Sanh ưng thọ, Hậu ưng thọ.

- Nghiệp có 4 loại: Nghiệp đen, quả báo đen. Nghiệp trắng, quả báo trắng. Nghiệp đen trắng, quả báo đen trắng. Nghiệp không đen không trắng, quả báo không đen không trắng, có thể hủy diệt các nghiệp khác.

- Nghiệp đạo tham dục. Nghiệp đạo sân nhuế. Nghiệp đạo tà kiến.

- Nghiệp hữu lưu. Nghiệp vô lưu. Nghiệp phi lý tác. Nghiệp như lý tác. Nghiệp phi lý-phi phi lý tác. Từ chánh tư sanh, bất chánh tư sanh.

- 3 trọng chướng: Nghiệp chướng, Phiền não chướng, Quả báo chướng.

- 5 nghiệp vô gián: Ân điền, Công đức điền, Phá tăng hòa hợp, Phá luân, Yết ma phá.

- Tu tập viên mãn 6 Ba la mật đa: Thí, Giới, Nhẫn, Tinh tấn, Định, Huệ.

- Trụ nơi vị Tam ma đề Kim Cang.

- Có 2 loại nghiệp: Nghiệp sở tác, Nghiệp sở trưởng.

- Thuận 3 phần thiện: Phần Phước đức, phần Giải thoát, phần Quyết trạch.

5- Phẩm thứ 5:

- Đường dịch: Phân biệt Tùy miên (N01558, trang 98B-113B). Phẩm này lần lượt thuyết minh về chủng loại Tùy miên: 6 loại, 7 loại, 10 loại, 98 loại, 108 loại, quá trình đối trị, đoạn trừ. Biện minh về 3 đời là thực có theo quan điểm của Hữu bộ.

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Gốc của các Hữu. 6 loại Tùy miên: Tham, Sân, Mạn, Vô minh, Kiến, Nghi. Nếu phân Tham làm 2: (Dục tham, Hữu tham) thì thành 7. Nếu phân Kiến làm 5: Hữu thân kiến, Biên chấp kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ thì thành 10 tùy miên.

- Do Bộ, Giới không đồng nên thành 98 Tùy miên (cõi Dục 36, cõi Sắc 31, cõi Vô sắc 31). Kiến tứ đế đoạn (Kiến đạo đoạn). Tu sở đoạn (Tu đạo đoạn).

- Ngã, Ngã sở, Đoạn, Thường.

- 4 thứ điên đảo: Vô thường chấp là thường. Khổ chấp là vui. Bất tịnh chấp là tịnh. Vô ngã chấp là ngã.

- Tùy miên mạn có 7: Mạn, Quá mạn, Mạn quá mạn, Ngã mạn, Tăng thượng mạn, Ty mạn, Tà mạn.

- 9 loại mạn: Ngã thắng mạn, Ngã đẳng mạn, Ngã liệt mạn, Hữu thắng ngã mạn, Hữu đẳng ngã mạn, Hữu liệt ngã mạn, Vô thắng ngã mạn, Vô đẳng ngã mạn, Vô liệt ngã mạn.

- Biến hành, Phi biến hành. Vô minh bất cộng.

- Tùy miên biến hành, Tùy miên tùy tăng.

- 2 thứ tùy miên: Tự tướng (Tham, Sân, Mạn). Cộng tướng (Kiến, Nghi, Si). Tâm hữu tùy miên gồm có 2: Hữu nhiễm, Vô nhiễm.

- Tùy miên hợp với Triền thành Lậu, Bộc lưu, Ách, Thủ.

- Lậu có 3: Dục, Hữu, Vô minh. Bộc lưu có 4: Dục, Hữu, Kiến, Vô minh.

- Ách có 4, như Bộc lưu. Thủ có 4: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã ngữ thủ. Các thứ Lậu, Bộc lưu, Ách, Thủ có 4 nghĩa: Vi tế, 2 Tùy tăng, Tùy trục, Tùy phược.

- Kiết có 9 loại: Ái, Giận, Mạn, Vô minh, Kiến, Thủ, Nghi, Tật, Xan.

- 5 kiết thuận phần dưới: Hữu thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Dục, Tham, Sân, Nhuế. 5 kiết thuận phần trên: 2 tham (Sắc, Vô sắc), Trạo cử, Mạn, Vô minh. Phược có 3: Phược tham, Phược sân, Phược si.

- Tùy phiền não. Triền có 8: Vô tàm, Vô quý, Tật, Xan, Hối, Miên, Trạo Cử, Hôn trầm, Thêm phẫn, Phú thành 10.

- Phiền não cấu gồm 6: Não, Hại, Hận, Siểm, Cuống, Kiêu. Cái có 5: Dục tham, Sân nhuế, Hôn miên, Trạo hối, Nghi. Đối trị có 4 thứ: Đoạn, Trì, Viễn, Yếm.

- Biến tri có 2: Trí biến tri (Trí vô lậu). Đoạn biến tri (các đoạn). Các đoạn có 9 thứ Biến tri, 6 thứ là Quả Nhẫn, 3 thứ là Quả Trí.

- Trần dịch: Phân biệt Hoặc (N01559, trang 252C-266A).

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

Gốc của Hữu. Tùy miên Hoặc có 6 loại: Dục, Sân, Kiêu mạn, Vô minh, Kiến, Tâm nghi. Nếu phân Dục làm 2 (Dục dục, Hữu dục) thì thành 7. Nếu phân Kiến làm 5: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, thì thành 10 tùy miên.

- Do Bộ, Giới không đồng nên thành 98: (cõi Dục 36, cõi Sắc 31, cõi Vô sắc 31). Kiến đế sở diệt. Tu sở diệt.

- Ngã, Ngã sở, Đoạn, Thường.

- Điên đảo có 4: Nơi vô thường, điên đảo thường. Nơi khổ, điên đảo lạc. Nơi bất tịnh, điên đảo tịnh. Nơi vô ngã, điên đảo ngã.

- Mạn có 7: Mạn, Quán mạn, Quá quá mạn, Ngã mạn, Tăng thượng mạn, Hạ mạn, Tà mạn.

9 loại mạn: Ngã thắng mạn, Ngã đẳng mạn, Ngã hạ mạn, Hữu thắng ngã mạn, Hữu ngã mạn, Vô đẳng ngã mạn, Vô hạ ngã mạn.

Biến hành, Phi biến hành. Vô minh độc hành. Hoặc biến hành. Hoặc do duyên cảnh tùy miên.

Hoặc có 2 thứ: Biệt tướng hoặc (Dục, Sân, Mạn), Thông tướng hoặc (Kiến, Nghi, Vô minh).

Tâm hữu phược có 2: Nhiễm, Vô nhiễm do Miên.

Tùy miên hoặc còn được gọi là Lựu (Lậu), Bộc hà (Bộc lưu), Hệ (Ách), Thủ.

Lưu (Lậu) có 3: Dục, Hữu, Vô minh. Bộc hà (Bộc lưu) có 4: Dục, Hữu, Kiến, Vô minh.

Hệ có 4: Như Bộc hà. Thủ có 4: Dục thủ, Kiến thủ, Giới chấp thủ, Ngã ngôn thủ.

Các thứ hoặc vừa nêu: Lưu, Bộc hà, Hệ, Thủ có 4 nghĩa: Vi tế, 2 thứ Tùy miên, Tùy trục, Phi công dụng hằng.

Kiết có 9 thứ: Tùy thuận kiết, Vi nghịch kiết, Mạn kiết, Vô  minh kiết, Kiến kiết, Thủ kiết, Nghi kiết, Tật đố kiết, Xan lận kiết.

Năm thứ kiết hạ phần: Thân kiến, Giới chấp thủ, Nghi, Tham dục, Sân nhuế. Năm thứ kiết thượng phần: 2 Dục (Sắc, Phi sắc). Trạo khởi, Mạn, Vô minh.

Phược có 3: Phược dục, Phược sân, Phược vô minh.

Tiểu phần hoặc. Đảo khởi (Triền) có 8: Vô tu, Vô tàm, Tật, Lận, Trạo khởi, Bì nhược (Hôn trầm), Ưu hối, Miên. Nếu thêm Phẫn, Phú thì thành 10.

6 thứ Tiểu hoặc gọi là Hoặc cấu: Cuống, Siểm, Túy, Bất xả, Kiết quá, Bức não. Năm cái: Tham dục, Sân nhuế, Thụy-Nhược, Trạo, Hối-Nghi. Đối trị có 4 thứ: Diệt, Trì, Viễn ly, Yếm ố.

Vĩnh đoạn (Biến tri) có 2: Trí vĩnh đoạn (Trí vô lưu), Diệt vĩnh đoạn (các diệt) có 9 thứ vĩnh đoạn: 6 thứ là Quả nhẫn, 3 thứ là Quả trí.

6- Phẩm thứ 6:

- Đường dịch: Phân biệt Hiền Thánh (N01558, trang 113C-134B). Nội dung của phẩm này lần lượt nêu bày về các quả vị Tam hiền, 4 Thiện căn, 4 Hướng 4 Quả, 16 Hiện quán về 4 đế...

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Kiến đạo, Tu đạo. Pháp Hữu lậu, Vô lậu.

- Tánh 3 khổ: Tánh Khổ khổ, Tánh Hành khổ, Tánh Hoại khổ.

- Các Hành vô thường, Hữu vi, Biến hoại, nên các Thọ đều khổ.

- 3 Huệ: Huệ do Văn tạo thành. Huệ do Tư tạo thành. Huệ do Tu tạo thành.

- Quán Bất tịnh, Trì Tức niệm (Quán Sổ tức).

- Tu 16 Hành tướng nơi 4 đế: Khổ đế (Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã). Tập đế (Nhân, Tập, Sanh, Duyên). Diệt đế (Diệt, Tĩnh, Diệu, Ly). Đạo đế (Đạo, Như, Hành, Xuất).

- 4 Thiện căn thù thắng gọi là Thuận phần quyết trạch (Noãn, Đảnh, Nhẫn, Pháp thế đệ nhất). Hiện quán Thánh đế. Nhập Chánh tánh quyết định (Chánh tánh ly sanh).

- Vị Kiến đạo có 2: Tùy tín hành, Tùy pháp hành.

- 4 Hướng, 4 Quả: Dự lưu (hướng, quả), Nhất lai (hướng, quả), Bất hoàn (hướng, quả), A la hán (hướng, quả).

- 3 Học: Giới tăng thượng, Tâm tăng thượng, Huệ tăng thượng.

- Chánh kiến vô học: Tánh Sa môn là đạo vô lậu.

- Có 6 loại A la hán: Thối pháp, Tư pháp, Hộ pháp, An trụ pháp, Kham đạt pháp, Bất động pháp.

- Thối chuyển có 3: Đã được thối chuyển, Chưa được thối chuyển, Thọ dụng thối chuyển.

- Hai Phật (Độc giác, Đại giác). 7 Thánh giả: Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín giải, Kiến chí, Thân chứng, Huệ giải thoát, Câu giải thoát.

- 4 Đạo (con đường của Niết bàn): Gia hạnh, Vô gián, Giải thoát, Thắng tấn.

- 4 thứ Thông hành (lộ trình): Khổ trì, Khổ tốc, Lạc trì, Lạc tốc.

- 37 Giác phẩm: 4 Niệm trụ, 4 Chánh đoạn, 4 Thần túc, 5 Căn, 5 Lực, 7 Giác chi, 8 Thánh đạo chi.

- 3 Bồ đề: Bồ đề Thanh văn, Bồ đề Độc giác, Bồ đề Vô thượng.

- Thể Giải thoát có 2: Hữu vi, Vô vi. Giải thoát Hữu vi là Thắng giải Vô học. Giải thoát Vô vi là các thứ hoặc đều dứt. Giải thoát Hữu vi lại có 2: Tâm giải thoát, Huệ giải thoát.

- Trần dịch: Phân biệt Thánh đạo quả nhân (Phân biệt về người đạt được đạo quả Thánh. N01559, trang 266A-285C).

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Kiến đạo, Tu đạo. Pháp Hữu lưu, Vô lưu.

- Loại Khổ có 3: Loại Khổ khổ, Loại Hành khổ, Loại Hoại khổ.

- Các hành vô thường, biến dị nên các thọ là khổ.

- 3 Huệ: Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ.

- Quán Bất tịnh, Tức niệm (Niệm Anabana).

- Duyên đủ nơi 4 đế làm cảnh có 16 Hành tướng: Khổ đế (Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã). Tập đế (Nhân, Tập, Sanh Duyên). Diệt đế (Diệt, Tĩnh, Diệu, Ly). Đạo đế (Đạo, Như, Hành, Xuất).

- 4 Thiện căn: Noãn, Đảnh, Nhẫn, Pháp thế đệ nhất là 4 công năng của phần Quyết trạch. Quán thứ lớp về 4 đế. Nhập Chánh định tụ.

- Vị kiến đạo có 2: Tín tùy hành, Pháp tùy hành.

- 4 Hướng 4 Quả: Tu đà hoàn (hướng quả), Tư đà hàm (hướng quả), A na hàm (hướng quả), A la hán (hướng quả).

- 3 Học: Giới học, Tâm học, Huệ học.

- Chánh kiến vô học: Nhã sa môn là đạo vô cấu.

- A la hán có 6 tánh: Thối đọa pháp, Tự hại pháp, Thủ hộ pháp, Trụ bất động pháp, Ứng thông đạt pháp, Bất hoại pháp.

- Thối đọa có 3: Đã được rồi thối đọa. Chưa được, thối đọa. Thọ dụng thối đọa.

- Hai Phật (Độc giác, Đại Chánh giác). 7 Thánh giả: Tín tùy hành, Pháp tùy hành, Tín lạc, Kiến chí, Thân chứng, Huệ giải thoát, Hai phần giải thoát.

- 4 Đạo: Gia hạnh, Vô gián, Giải thoát, Tăng tiến.

- 4 thứ Hành: Hành khổ trì trí, Hành khổ tốc trí, Hành lạc trì trí, Hành lạc tốc trí.

- 37 pháp Giác trợ: 4 Niệm xứ, 4 Chánh cần, 4 Như ý túc, 5 Căn, 5 Lực, 7 Giác phần, 8 Thánh đạo phần.

- 3 thứ Bồ đề: Bồ đề Thanh văn, Bồ đề Độc giác, Bồ đề Vô thượng chánh biến.

 - Giải thoát có 2 thứ: Hữu vi, Vô vi. Giải thoát Vô vi là các hoặc diệt hết. Giải thoát Hữu vi là Tâm vô học thanh tịnh. Giải thoát Hữu vi lại có 2: Tâm giải thoát, Huệ giải thoát.

7- Phẩm thứ 7:

- Đường dịch: Phân biệt trí (N01558, trang 134B-145A)

Nội dung phẩm này lần lượt thuyết minh về 10 Trí như Trí thế tục, Pháp trí, Loại trí v.v..., cùng nêu bày về 18 pháp Bất cộng của Phật.

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Huệ có 2 loại: Hữu lậu, Vô lậu.

- Trí có 10 loại, thâu tóm tất cả trí: Thế tục trí, Pháp trí, Loại trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tha tâm trí, Tận trí, Vô sanh trí.

- Định Kim Cang dụ.

- Do 7 duyên nên lập làm 10 Trí: do Tự tánh (nên lập Thế tục trí); do Đối trị (nên lập Pháp trí, Loại trí); do Hành tướng (nên lập Khổ trí, Tập trí); do Cảnh của hành tướng (nên lập Diệt trí, Đạo trí); do Gia hạnh (nên lập Tha tâm trí); do Sự hoàn thành (nên lập Tận trí); do Nhân tròn đủ (nên lập Vô sanh trí).

- 10 Trí với 3 Tánh: Thế tục trí có cả 3 tánh: Thiện, Bất thiện, Vô ký. 9 Trí còn lại chỉ là tánhThiện.

- 18 pháp Bất cộng của Phật: 10 Lực, 4 Vô úy, 3 Niệm trụ, Đại bi.

- 10 Lực là: Lực trí xứ phi xứ. Lực trí nghiệp dị thục. Lực trí tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí. Lực trí căn thượng hạ. Lực trí chủng chủng thắng giải. Lực trí chủng chủng giới. Lực trí biến thú hành. Lực trí túc trụ tùy niệm. Lực trí tử sanh. Lực trí lậu tận.

- 4 Vô úy: Vô úy Chánh đẳng giác, Vô úy Lậu vĩnh tận, Vô úy thuyết chướng pháp, Vô úy thuyết xuất đạo.

- Do 8 thứ nhân nên Tâm đại bi khác với Tâm bi: Tự tánh, Hành tướng, Đối tượng duyên, Chỗ dựa là địa, Chỗ dựa là thân, Chứng đắc, Cứu tế, Thương xót.

- 3 thứ Viên đức của Như Lai: Nhân viên đức, Quả viên đức, Ân viên đức.

- Các công đức khác của Như Lai, chung với hàng Thánh giả và phàm phu:Vô tránh, Nguyện trí, 4 Vô ngại giải, Thần thông, Tĩnh lự, Định vô sắc, Đẳng trì, Đẳng chí, 4 Tâm vô lượng, 8 Giải thoát, 8 Thắng xứ, 10 Biến xứ.

- Trần dịch: Phân biệt Huệ (N01559, trang 285C-296A)

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Trí có 2: Hữu lưu, Vô lưu.

- Trí có 10 loại thâu tóm tất cả trí: Tục trí, Pháp trí, Loại trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tha tâm trí, Tận trí, Vô sanh trí.

- Tam ma đề kim cang thí.

- Do 7 thứ nhân duyên nên an lập trí thành 10: do Tự tánh (nên an lập Thế tục trí); do Đối trị (nên an lập Pháp trí, Loại trí); do Tướng của đối tượng duyên (nên an lập Khổ trí, Tập trí); do Tướng của đối tượng duyên và Thể của cảnh giới (nên an lập Diệt trí, Đạo trí); do Gia hạnh (nên an lập Tha tâm trí); do Việc làm đã xong (nên an lập Tận trí); do Nhân duyên viên mãn (nên an lập Vô sanh trí).

- 10 Trí với 3 Tánh: Thế tục trí có cả 3 tánh: Thiện, Ác, Vô ký. 9 Trí còn lại chỉ là tánh Thiện.

- 18 pháp Bất cộng đắc nơi Phật: 10 Lực, 4 Vô úy, 3 Niệm xứ, Đại bi.

- 10 Lực là: Lực trí xứ phi xứ, Lực trí nghiệp và quả báo. Lực trí định giải thoát tam ma đề tam ma bạt đề. Lực trí chuyển chuyển căn. Lực trí chủng chủng dục. Lực trí chủng chủng tánh. Lực trí biến hành đạo. Lực trí túc trụ niệm. Lực trí tử sanh. Lực trí lưu tận.

- 4 Vô úy: Vô úy thứ 1: Như lực Trí xứ phi xứ (Ta nay đã thành bậc Chánh đẳng giác). Vô úy thứ 2: Như lực Trí lưu tận (Ta nay các lưu đã dứt hết). Vô úy thứ 3: Như lực Trí thuộc nghiệp (Ta đã giảng nói pháp tương ứng với chướng ngại). Vô úy thứ 4: Như lực trí Biến hành đạo (Ta đã giảng nói các phẩm đạo thanh tịnh xuất ly sanh tử).

- Đại bi và Bi có 8 thứ sai biệt: Tánh sai biệt, Hành tướng sai biệt, Cảnh giới sai biệt, Đại sai biệt, Sự nối tiếp sai biệt, Chí đắc sai biệt, Cứu tế sai biệt, Thương xót sai biệt.

- 3 thứ thắng đức viên mãn của Phật: Thắng đức Nhân viên mãn, Thắng đức Quả viên mãn, Thắng đức Ân viên mãn.

- Các công đức khác của Phật, chung với đệ tử và hàng phàm phu: Tam ma đề Vô tránh. Nguyện trí. 4 Vô ngại giải, Thông huệ, Định, Tam ma đề Vô sắc, 4 Tâm vô lượng, 8 Giải thoát, 8 Chế nhập, 10 Biến nhập.

8- Phẩm thứ 8:

- Đường dịch: Phân biệt Định (N01558, trang 145A-152B): Phẩm này lần lượt thuyết minh về 4 Thiền, 4 Định Vô sắc, 3 Môn Giải thoát, 4 Tâm Vô lượng...

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- 4 Tĩnh lự: Tĩnh lự thứ 1, Tĩnh lự thứ 2, Tĩnh lự thứ 3, Tĩnh lự thứ 4.

- Tâm nhất cảnh tánh.

- Dựa vào tướng gì để lập thành 4 loại tĩnh lự: Tĩnh lự 1 gồm đủ tứ, hỷ, lạc, cũng gồm cả tầm. Tĩnh lự 2 loại trừ tứ, chỉ còn hỷ lạc. Tĩnh lự 3 chỉ còn lạc. Tĩnh lự 4 không còn chi nào (xả).

- 4 Định Vô sắc: Xứ không vô biên, Xứ thức vô biên, Xứ vô sở hữu, Xứ phi tưởng, phi phi tưởng.

- Đẳng chí căn bản có 8: bốn Tĩnh lự và 4 Định Vô sắc.

- Lại có 3 loại Đẳng trì: Đẳng trì không, Đẳng trì vô nguyện, Đẳng trì vô tướng.

- Khi các Đẳng trì này thuộc loại Vô lậu thì chúng được gọi là 3 môn Giải thoát: Môn Giải thoát không, Môn Giải thoát vô tướng, Môn Giải thoát vô nguyện.

- Lại có 3 lớp Đẳng trì: Đẳng trì không không, Đẳng trì vô nguyện-vô nguyện, Đẳng trì vô tướng-vô tướng.

- Định Kim cang dụ.

- 4 Thức Vô lượng: từ, bi, hỷ, xả.

- Giải thoát có 8 thứ...

- Thắng xứ có 8 loại...

- Biến xứ có 10 thứ...

- Trần dịch: Phân biệt Tam ma bạt đề (N01559, trang 296B-304A)

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- 4 Định: định thứ 1, định thứ 2, định thứ 3, định thứ 4.

- Duy tâm nhất cảnh.

- Định thứ 1 có đủ Giác quán (tầm tứ) hỷ lạc. Định thứ 2 chỉ có hỷ, lạc. Định thứ 3 chỉ có lạc. Định thứ 4 chỉ có xả.

- 4 Định Vô sắc: Không biến nhập, Thức biến nhập, Vô sở hữu biến nhập, Phi tưởng phi phi tưởng biến nhập.

- 8 Địa là 4 Định sắc và 4 Định vô sắc.

- Lại có 3 loại Định: Định thông, Định vô tướng, Định vô nguyện.

- 3 loại định này nếu là vô lưu thì gọi là 3 môn Giải thoát: Môn Giải thoát không, Môn Giải thoát vô tướng, Môn Giải thoát vô nguyện.

- Lại có 3 Định riêng: Định không không, Định vô tướng-vô tướng, Định vô nguyện-vô nguyện.

- Tam ma đề Kim cang thí.

- 4 Định Vô lượng: từ, bi, hỷ, xả.

- Giải thoát có 8 thứ...

- Chế nhập (Thắng xứ) có 8 loại...

- Biến nhập (Biến xứ) có 10 thứ...

9- Phẩm thứ 9:

- Đường dịch: Phá chấp ngã (N01558, trang 152B-159B): Nội dung của phẩm này tác giả dựa trên đạo lý vô ngã để đả phá quan điểm “phi tức phi ly Uẩn-Ngã” của Độc tử bộ cùng kiến chấp Ngã của Thắng luận.

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Ngã chấp, Sở chấp ngã.

- Hiện lượng, Tỷ lượng.

- Bổ đặc già la các uẩn.

- 12 xứ. Không có tánh của Ngã, Ngã sở.

- Ác kiến thú (Nơi chốn ác kiến).

- Lãm chư uẩn (Tập hợp các uẩn).

- Năm thủ uẩn...

- Trần dịch: Phá thuyết ngã (N01559, trang 304A-310C)

* Một số từ ngữ - thuật ngữ tiêu biểu:

- Ngã kiến, Ngã chấp.

- Chứng lượng, Tỷ lượng.

- Ngã, các Ấm.

- 12 Nhập, Không ngã, Không ngã sở.

- Kiến xứ (Nơi chốn kiến chấp).

- Năm thủ Ấm...

Về phần đối chiếu một số từ ngữ, thuật ngữ tiêu biểu nơi 2 bản Hán dịch kể trên, chúng tôi xin nêu một vài ghi nhận:

   - Thứ 1: Thông qua việc đối chiếu một số từ ngữ, thuật ngữ tiêu biểu nơi 9 phẩm của luận A tỳ đạt ma Câu xá, chúng ta đã phần nào thấy được tính chất phong phú của bộ luận nổi tiếng ấy: bao quát, thâu tóm nhiều lãnh vực về nhận thức, quán chiếu, hành trì, tu chứng của hành giả học Phật.

- Thứ 2: Có một số từ ngữ và thuật ngữ tiêu biểu nơi A tỳ đàm đã được Trần dịch - kể cả những bản dịch trước - đạt đến sự chuẩn xác, định hình. Nhưng cũng còn khá nhiều các từ ngữ, thuật ngữ tiêu biểu do Đại sư Chân Đế dịch - gồm cả các dịch giả thời trước - còn đang là những dò dẫm, thử nghiệm, và đấy là phần đóng góp hết sức đáng kể của Pháp sư Huyền Trang để đạt tới sự chuẩn xác. Lấy thí dụ về các loại Nhân, Duyên, Quả:

a) Nhân:

- 6 Nhân theo cách dịch của Đại sư Chân Đế (Trần dịch, nơi phẩm Phân biệt căn): Nhân Tùy đạo, Nhân Câu hữu, Nhân Đồng loại, Nhân Tương ưng, Nhân Biến hành, Nhân Quả báo.

- Đối chiếu với một số dịch giả trước Đại sư Chân Đế:

+ 6 Nhân theo cách dịch của Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái trong luận A tỳ đàm tỳ bà sa, dịch vào đời Bắc Lương (397-439): Nhân Sở tác, Nhân Cộng sanh, Nhân Tương tự, Nhân Tương ưng, Nhân Nhất thiết biến, Nhân Báo (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01546, tr.72A,75B).

+ 6 Nhân, theo cách dịch của Đại sư Tăng Già Bạt Trừng trong luận Tỳ bà sa, dịch vào đời Phù Tần (351--384): Nhân Sở tác, Nhân Cộng hữu, Nhân Tự nhiên, Nhân Tương ưng, Nhân Nhất thiết biến, Nhân Báo (ĐTK/ĐCTT, T28, No1547, tr.472B).

+ 6 Nhân theo cách dịch của Đại sư Tăng già Đề Bà và Huệ Viễn (334-416) trong luận A tỳ đàm tâm, dịch vào đời Đông Tấn (317-419): Nhân Sở tác, Nhân Cộng, Nhân Tự nhiên, Nhân Tương ưng, Nhân Nhất thiết biến, Nhân Báo (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01550, trang 811C).

- 6 Nhân theo cách dịch của  Pháp sư Huyền Trang (Đường dịch, nơi phẩm Phân biệt căn), được xem là định hình: Nhân Năng tác, Nhân Câu hữu, Nhân Đồng loại, Nhân Tương ưng, Nhân Biến hành, Nhân Dị thục.

b) Duyên:

- 4 Duyên theo cách dịch của Đại sư Chân Đế (Trần dịch): Duyên Nhân, Duyên Thứ đệ, Duyên Duyên, Duyên Tăng thượng.

- Đối chiếu...

+ 4 Duyên theo cách dịch của Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái trong luận A tỳ đàm tỳ bà sa: Duyên Nhân, Duyên Thứ đệ, Duyên Cảnh giới, Duyên Oai thế (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01546, trang 87C).

+ 4 Duyên theo cách dịch của Đại sư Tăng Già Bạt Trừng trong luận Tỳ bà sa: Duyên Nhân, Duyên Thứ đệ, Duyên Sở duyên, Duyên Tăng thượng (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01547, trang 472B).

+ 4 Duyên theo cách dịch của Đại sư Tăng Già Đề Bà và Huệ Viễn trong luận A tỳ đàm tâm: Duyên Nhân, Duyên Thứ đệ, Duyên Duyên, Duyên Tăng thượng (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01550, trang 812A).

- 4 Duyên theo cách dịch của Pháp sư Huyền Trang (Đường dịch, đạt đến định hình): Duyên Duyên, Duyên Đẳng vô gián, Duyên Sở duyên, Duyên Tăng thượng.

c) Quả:

- 5 Quả theo cách dịch của Đại sư Chân Đế (Trần dịch): Quả quả báo, Quả đẳng lưu, Quả công lực, Quả tăng thượng, Quả ly diệt.

- 5 Quả theo cách dịch của Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái trong luận A tỳ đàm tỳ bà sa: Quả báo, Quả y, Quả công dụng, Quả oai thế, Quả giải thoát.

-  5 Quả theo cách dịch của Pháp sư Huyền Trang (Đường dịch) xem như là chuẩn: Quả dị thục, Quả đẳng lưu, Quả sĩ dụng, Quả tăng thượng, Quả ly hệ.

IV- Đối chiếu một vài đoạn chính

Như đã nói ở trước, bản Hán dịch Thích luận A tỳ đạt ma câu xá của Đại sư Chân Đế, nhìn chung là chưa đạt. Đại sư Chân Đế (499-569) cùng với Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413), Huyền Trang (602-664) và Nghĩa Tịnh (635-713) được xem là “Tứ đại dịch kim gia” của Phật giáo Trung Hoa. Tuy nhiên, ở đây, với bản Hán dịch luận Câu xá này, trong tinh thần cầu học, phải nói là chưa đạt. Tính chất chưa đạt ấy, có thể xét thấy qua 2 khía cạnh chủ quan và khách quan.

1- Khía cạnh chủ quan: Nơi hầu hết các đoạn kệ ở đầu quyển, đầu đoạn luận, dịch giả đã tách ra thành từng kệ nhỏ (2 câu, có khi chỉ là 1 chữ, 2-3 chữ) để giải thích. Và toàn bộ dịch phẩm đã được diễn đạt theo hướng ấy, khiến mặt bằng của sự diễn đạt nơi luận mất cân đối, vì chỉ là sự nối tiếp của những đường gãy, các ý tưởng bị đứt quãng...

2- Khía cạnh khách quan: vào thời đại Trần dịch, kể cả các thời đại trước, một số từ ngữ, thuật ngữ tiêu biểu của A tỳ đsàm được Hán dịch và sử dụng chưa chuẩn, khiến cho sự diễn đạt bị hạn chế, nhiều khi trở thành tối nghĩa.

Lấy thí dụ về từ Hữu biểu, Vô biểu nơi phẩm Phẩm biệt giới (Sắc vô biểu, Nghiệp vô biểu) và phẩm Phân biệt nghiệp (Thân vô biểu, Ngữ vô biểu)..., nơi Trần dịch đã dịch là Hữu giáo, Vô giáo (Sắc hữu giáo, Sắc vô giáo, Thân vô giáo, Nghiệp vô giáo). Từ Hữu giáo, Vô giáo chưa chuẩn, chưa diễn đạt được nội dung của sự việc, vấn đề. Nơi một số dịch phẩm thuộc A tỳ đàm dịch trước Trần dịch, chúng ta cũng gặp từ Hữu giáo, Vô giáo như:

+ Luận Xá Lợi Phất A tỳ đàm: do Đại sư Đàm Ma Da Xá và Đàm Ma Quật Đa, dịch vào đời Hậu Tần (384-417) (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01548, trang 526B-526C).

+ Luận Tỳ bà sa: do Đại sư Tăng Già Bạt Trừng dịch vào đời Phù Tần (351-384) (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01547, trang 462A...).

+ Luận A tỳ đàm tâm: do Đại sư Tăng Già Đề Bà và Huệ Viễn dịch vào đời Đông Tấn (317-419) (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01550, trang 809C).

Phải đến Pháp sư Huyền Trang, chúng ta mới có từ Hữu biểu, Vô biểu. Chúng tôi xin đối chiếu 2 đoạn:

a) Đoạn mở đầu nói về các pháp nơi phẩm Phân biệt giới:

- Đường dịch:  “Những pháp nào gọi là được lựa chọn, nhân đấy mới truyền lại lời Phật thuyết giảng về đối pháp? Tụng viết:

"Pháp hữu lậu, vô lậu

Hữu vi trừ đạo đế

Nơi kia lậu tùy tăng

Nên nói là hữu lậu.

Vô lậu tức đạo đế

Cùng ba thứ vô vi

Là hư không hai diệt

Trong ấy, không vô ngại

Trạch diệt là lìa buộc

Theo buộc, sự đều khác

Rốt ráo ngăn sẽ sanh

Riêng được phi trạch diệt”.

Luận nêu: Nói tất cả pháp, lược có 2 loại là Hữu lậu, Vô lậu. Pháp Hữu lậu là thế nào? Là hết thảy pháp Hữu vi, trừ Đạo đế. Vì sao? Vì các lậu đối với các pháp Hữu vi đều tùy tăng; đối với Đạo đế, các lậu tuy có sanh nhưng không tùy tăng, nên Đạo đế không phải là Hữu lậu. Ý nghĩa của không tùy tăng sẽ được nói rõ trong phẩm Phân biệt về tùy miên.

Đã biện giải về Hữu lậu, vậy Vô lậu là gì? Đó là đạo Thánh đế và 3 Vô vi. Những gì là 3 Vô vi? Là Hư không và 2 Diệt. Hai diệt là Trạch diệt, Phi trạch diệt. Ba thứ Vô vi như Hư không cùng đạo Thánh đế được gọi là pháp Vô lậu. Vì sao? Vì các lậu không thể tùy tăng trong các pháp này" (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01558, trang 1B-1C).

- Trần dịch:  “Những pháp nào là được lựa chọn để khiến người khác lựa chọn nơi pháp kia, Đức Phật Thế Tôn thuyết giảng A tỳ đạt ma? Kệ viết: “Pháp Hữu lưu, Vô lưu (Hữu lậu, Vô lậu). Giải thích: Lược nói về tất cả pháp, nghĩa là Hữu lưu, Vô lưu. Trong ấy, Hữu lưu là gì? Kệ viết: “Hữu vi trừ Thánh đạo: Hữu lưu”. Giải thích: Trừ đạo Thánh đế, các pháp Hữu vi còn lại nói là Hữu lưu. Vì sao? Kệ viết: “Trong ấy, lưu do tùy tăng nơi Miên”. Giải thích: Nếu có nghĩa như ở đây. Các lưu duyên nơi 2 đế diệt, đạo, làm cảnh khởi, trong đó không tùy tăng. Vì thế, diệt đạo đế không thể lập là Hữu lưu. Về nghĩa không tùy tăng, trong phẩm Phân biệt hoặc ở sau sẽ nói rộng.

Nói về pháp Hữu lưu xong. Vậy pháp Vô lưu là gì? Kệ viết: “Pháp Vô lưu: Thánh đạo. Cùng 3 thứ Vô vi”. Giải thích: Những gì là 3 Vô vi? Kệ viết: Hư không và 2 Diệt. Giải thích: Hai diệt là gì? Là Trạch diệt và Phi trạch diệt. Ba thứ Vô vi như Hư không v.v cùng với Thánh đạo nói là pháp Vô lưu. Vì sao? Vì trong ấy, các lưu không thể tùy tăng...” (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01559, trang 162A-B).

b) Đoạn mở đầu nơi phẩm Phân biệt Hiền Thánh:

- Đường dịch: “Như thế là đã nói về sự đoạn trừ phiền não nơi quả vị thù thắng, được mang tên là Biến tri. Nhưng sự đoạn trừ tất do đạo lực nên đạt được. Vậy chỗ do đạo lực ấy về tướng như thế nào? Tụng viết:

Đã nói đoạn phiền não

Do kiến đế, tu đạo

Kiến đạo chỉ vô lậu

Tu đạo chung hai thứ.

Luận nêu: Trước đã nói rộng việc đoạn trừ các phiền não do tạo Kiến đế (Kiến đạo) cùng Tu đạo. Kiến đạo và Tu đạo chỉ là Vô lậu hay cũng là Hữu lậu? Kiến đạo nên biết chỉ là Vô lậu. Tu đạo thì chung cả hai: Hữu lậu và Vô lậu...” (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01558, trang 113C).

- Trần dịch: “Nghĩa này đã nói, nghĩa là như diệt trừ phiền não được mang tên là Trí đoạn trừ vĩnh viễn. Lại nữa, nghĩa này, kệ viết:

Phiền não đã diệt trừ
           
Do kiến, tu bốn đế.

Giải thích: Các phiền não có 2 loại: Một loại do Kiến đế diệt trừ. Một loại do Tu đạo diệt trừ. Nghĩa này nơi phần trước đã nói rộng. Sự diệt trừ kia cũng như vậy. Hai đạo Kiến, Tu nay sẽ nói. Hai đạo này là Hữu lưu hay là Vô lưu? Kệ viết: Tu đạo có 2 thứ. Kiến đạo chỉ Vô lưu. Giải thích: Vì sao Tu đạo có 2 thứ? Do dựa nơi thế gian và xuất thế gian để tu, còn Kiến đạo hoàn toàn là xuất thế gian...” (ĐTK/ĐCTT, T.28, N01559, trang 166A).

Như nơi phần mở đầu đã nêu rõ, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang đã Hán dịch luận A tỳ đạt ma câu xá, luận A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa, luận A tỳ đạt ma pháp trí v.v... Chúng tôi sẽ có bài viết giới thiệu tóm lược bộ luận đồ sộ A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa (ĐTK/ĐCTT, T.27, N01545, 200 quyển) sẽ đối chiếu với luận gốc là luận A tỳ đạt ma phát trí, đối chiếu với bản Hán dịch trước là luận A tỳ đàm tỳ bà sa, tất cả sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn nữa những đóng góp lớn của Pháp sư Huyền Trang cho mảng A tỳ đàm của Luận tạng. 

 

 

---o0o---

Nguồn: Giác Ngộ

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-09-2006

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

心累的时候 换个角度看世界 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 生日快乐 描写家乡的桥的句子 ï¾ ï½ Hà nh お寺との付き合い 檀家 梵僧又说我们五人中 簡単便利戒名授与水戸 看完新闻联播的观后感 丢失菩提心的因缘 中国渔民到底有多强 地藏十轮经 chùa pháp bảo 人生是 旅程 風景 åƒäæœä½ Ï chua phuoc luu ä½ å æ æ 中国佛度 ÃÏ 多彩的活动作文六年级 崔红元 Tấm lòng của mẹ 義交 å BÃi Lửa 栃木県寺院数 TP メス 禅の旋 phan tich ngu uan vo nga làm thế nào để không trở thành nạn Lễ tưởng niệm húy nhật Đức 僧人食飯的東西 大学生贫困证明 义云高世法哲言 ペット僧侶派遣 仙台 Trái tim bất tử Kỳ 4 Sự thật về 即刻往生西方 ä ƒäº ä Làm thức uống bổ dưỡng từ đậu nành 淨界法師書籍 ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器 长寿和尚 Cho sanh tâm vô trú