Danh nhân thế giới - Truyện Lục Tổ Huệ Năng.

 

 

Truyện

Lục Tổ Huệ Năng

 

Cư sĩ Ngô Trọng Ðức biên tập

Tỳ kheo Thích Pháp Chánh dịch Hoa Việt

 ---o0o---
 

Lời giới thiệu 

Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn, thế nhưng, những mẫu chuyện huyền hoặc về cuộc đời ngài, thỉnh thoảng vẫn làm mờ đi phần nào sự thực.

 

Sự khai ngộ của Lục tổ Huệ Năng, khi nghe kinh Kim Cương đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", là một sự kiện lịch sử. Sự kiện đó, không những là một biến cố vĩ đại trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc nói riêng, mà cũng là một biến cố vĩ dại trong lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung. Ðiều này, đưa chúng ta đến sự ý thức được tầm mức quan trọng của trí tuệ Bát Nhã trong tòa nhà tư tưởng của nhân loại. Ðây là một giòng tư tưởng siêu việt, giúp cho hành giả vượt thoát tất cả những sự chấp trước khổ đau, hạn hẹp, dày vò, bức bách. Những sự chấp trước này, đã, đang, và sẽ trói buộc tất cả mọi người chúng ta trong vòng sinh tử luân hồi. Nếu như không có giòng tư tưởng Bát Nhã siêu việt thời gian và không gian này của Phật giáo, nhân loại nói riêng, và chúng sinh nói chung, vĩnh viễn bị chìm đắm trong những sự trói buộc triền miên.

 

Truyện Lục tổ Huệ Năng do cư sĩ Ngô Trọng Ðức, một hành giả thiền tông, sau nhiều năm sưu tầm những dữ kiện lịch sử cùng những mẫu truyện nhân gian, đã soạn thành câu truyện của cuộc đời ngài theo một mạch lạc thời gian. Tuy gọi là truyện, thế nhưng hầu hết dữ kiện trong đây, đều được trích lục từ quyển kinh Pháp Bảo Ðàn, cho nên có thể nói, truyện tức là kinh được mô tả lại dưới một hình thức dễ hiểu hơn. Văn chương, tuy đôi khi có phần dí dỏm, trào lộng, nhưng chung quy vẫn giữ được những sắc thái tôn nghiêm, trang trọng.

 

Người dịch, tuy không chuyên về pháp môn tu thiền, song đối với quyển kinh Pháp Bảo Ðàn, dường như đã từng trồng nhiều duyên lành, vì thế đối với lời dạy của Lục tổ Huệ Năng, đặc biệt "quy tâm ngưỡng mộ". Những lời dạy của ngài, chúng ta không nên hiểu một cách hạn hẹp là chỉ dành cho những người tu thiền, mà phải được coi là gia tài chung cho tất cả những người tu Phật. Như chúng ta sẽ thấy, trong quyển sách này, Lục tổ đã dùng những phương tiện khéo léo, để dẫn dắt chúng ta, từ sự trói buộc khổ đau ở bờ bên đây, đến sự giải thoát tự tại ở bờ bên kia, bằng một công cụ tuyệt diệu nhất là sự "phá chấp". Hành giả tu Phật, thường hay bị mắc vào một lỗi lầm thông thường nhất là "thiên kiến", nghĩa là "chấp vào một bên", hoặc là chấp vào lý, hoặc là chấp vào sự. Thế nhưng, sự tu hành, nếu muốn đạt được kết quả thực tiển, thì phải nên có một sự quân bình giữa lý và sự, mà không được bỏ phế bên nào. Không những tu thiền phải nên như vậy, mà tu tịnh, hay tu bất cứ pháp môn nào khác cũng phải nên như vậy. Ðây là điều kiện tiên quyết để đạt đến Niết bàn giải thoát. Nếu như đọc kinh Pháp Bảo Ðàn nói riêng, hoặc đọc các kinh Bát Nhã, cùng các kinh Ðại Thừa nói chung, mà còn tiếp tục, hoặc tăng gia "thiên kiến", thì e rằng chúng ta đã phụ lòng Lục tổ cùng tất cả các vị Thiện tri thức trong mười phương ba đời.

 

Ðọc truyện tức là đọc kinh, mà mục đích của sự đọc kinh là để chúng ta gần gũi chư Phật, chư Bồ tát, ôn lại lời khuyên bảo, dặn dò của các ngài, hầu có thể tiến bộ, tinh tiến trên con đường giải thoát. Như vậy, hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có cơ duyên được cùng các ngài "sánh vai, đàm đạo". Ước mong quyển sách nhỏ này sẽ đem lại được sự ích lợi cho tất cả chúng ta, những người học Phật.

 

Tường Quang Tự

Tỳ kheo Thích Pháp Chánh cẩn thức


 

 

Truyện Lục tổ Huệ Năng

Ðại sư Lục tổ Huệ Năng là tổ thứ sáu của Thiền tông Trung quốc. Cha của ngài là cụ Lô Hành Thao, người gốc vùng Phạm Dương, huyện Uyển Bình, tỉnh Hà Bắc, vốn là một vị quan nổi tiếng ở đời vua Ðường Cao Tổ, nhưng sau đó bị cách chức và đày đi làm người dân thường ở vùng Tân Châu, miền Lĩnh Nam. Cụ Thao cùng phu nhân là Lý thị đã lấy nhau hơn hai mươi năm mà vẫn chưa có con. Một hôm, phu nhân Lý thị nằm mơ thấy hai bụi cây ở trước cửa nhà nở đầy hoa trắng, sau đó hoa trắng lại biến thành một đôi hạc trắng vỗ cánh bay vút vào trời cao. Chẳng bao lâu lại có một mùi hương lạ tràn ngập gian phòng của bà, một lúc lâu sau mới từ từ tan đi. Phu nhân tỉnh giấc liền phát giác mình đã có thai.

 

Theo truyền thuyết, phu nhân mang thai sáu năm mới sinh ra Huệ Năng, khi đó là năm Trinh Quán thứ mười hai, đời Ðường Thái Tông (TL 638). Lúc vừa mới sinh ngài ra, trên không trung có một luồng ánh sáng chói rực, giống như từ đỉnh đầu của Ðức Phật phóng ra. Trong nhà lại có một mùi hương lạ thơm phưng phức. Sáng hôm sau có hai vị tăng tướng mạo phi phàm tìm đến hỏi thăm. Sau khi nói lời chúc mừng, hai vị nầy nói rằng họ đến với mục đích đặt tên cho đứa bé là Huệ Năng. Huệ có nghĩa là đem Phật pháp huệ thí, tế độ chúng sinh, còn Năng có nghĩa là có năng lực hoằng dương Phật pháp. Vừa nói xong, hai vị tăng liền biến mất. Ðiều nầy làm cho cụ Thao và phu nhân vô cùng kinh dị.

 

Huệ Năng ra đời vào lúc ngài Huyền Trang vẫn còn đang đi thỉnh kinh ở Ấn Ðộ. Ngài lớn lên trong sự chăm sóc tưng tiu của cha mẹ. Chẳng may, cha ngài qua đời vào lúc ngài vừa mới lên ba. Hai mẹ con bèn dời nhà đến vùng Nam Hải. Nhờ vào nghề may vá của phu nhân mà mẹ góa con côi đùm bọc nhau, sống qua những chuỗi ngày gian khổ. Khi Huệ Năng vừa trưởng thành, ngài bèn vào rừng đốn củi gánh ra chợ bán lấy tiền nuôi dưỡng mẹ già.

 

Một hôm, Huệ năng đem củi đến một quán trọ bán cho một người khách. Nhận tiền xong, Huệ Năng vừa định đi ra bỗng nghe có tiếng tụng kinh. Ngài tuy từ nhỏ chẳng học được bao nhiêu chữ nghĩa, nhưng khi nghe lời kinh lại có một cảm giác lạ lùng, giống như một người đang ở trong hang tối, vừa đục một lỗ hang, bỗng nhiên thấy được ánh sáng chan hòa. Tâm ngài đột nhiên bừng sáng, một niềm vui khó tả tràn ngập trong lòng.

 

Ðang lúc người đó vừa tụng đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" [i][1] Huệ Năng bỗng thấy chấn động trong lòng, ngài cảm giác như có một luồng ánh sáng dài muôn trượng chiếu xuyên qua từng lỗ chân lông. Trong giây phút đó, Huệ Năng cảm nhận một cách phảng phất hình như mình đã được khai ngộ. Ngài bèn đặt gánh xuống, hấp tấp hỏi xem người khách tên gì, lại hỏi ông ta làm thế nào mà có được bộ kinh đó. Người khách trọ nầy tên là An Ðạo Thành, nói với Huệ Năng là ông đang tụng kinh Kim Cương, và bộ kinh nầy được thỉnh từ chùa Ðông Thiền, chỗ của ngài Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, ở huyện Hoàng Mai, đất Kỳ Châu. Huệ Năng nghe xong, vô cùng ngưỡng mộ, bèn nao nức muốn đến chùa Ðông Thiền theo ngài Hoằng Nhẫn tu học Phật pháp, cầu mong Ngũ tổ ấn chứng cho sự khai ngộ của mình. Nhưng khi nghĩ lại mẹ già không người sớm hôm phụng dưỡng, ngài bỗng trở nên lo âu, lưỡng lự, không biết phải làm thế nào. Có lẽ do duyên lành từ đời trước, An Ðạo Thành thấy Huệ Năng nghèo khổ không được đi học, mà lại có tâm tha thiết mong cầu Phật Pháp, bèn rất khảng khái móc ra mười lượng bạc giúp cho Huệ Năng làm lộ phí, lại còn hứa giúp đỡ Huệ Năng trong việc chăm sóc mẹ già. Huệ Năng nghe xong rất cảm động, bèn trở về nhà hỏi ý mẹ. Xếp đặt công việc săn sóc cho mẹ xong, Huệ Năng bèn từ giã mẹ già lên đường cầu đạo.

 

Nhân vì tấm lòng tha thiết cầu đạo, Huệ Năng đã không quản đường xá xa xôi, tất tả trèo non lội suối, do đó chỉ trong vòng ba mươi ngày, ngài đã đến chùa Ðông Thiền ở huyện Hoàng Mai. Khi Huệ Năng tìm vào chùa, vị sư tri khách bèn dẫn ngài vào phương trượng ra mắt Ngũ tổ. Vừa thấy Huệ Năng, Tổ bèn vặn hỏi:

 

- Chú em là người xứ nào, đến đây làm gì?

 

Huệ Năng cung kính trả lời:

 

- Dạ thưa, con là người xứ Lĩnh Nam, đất Tân Châu. Con đến đây chỉ muốn học làm Phật, mà không có mục đích nào khác.

 

- Té ra chú em là dân man di ở vùng tây nam, sống như bọn mọi rợ, làm sao mà có thể giác ngộ thành Phật được?

 

Huệ Năng nghe xong liền thẳng thắn trả lời:

 

- Thưa Tổ! Người tuy có Nam, Bắc khác nhau, thế nhưng ai ai cũng có thể thành Phật. Phật tính nào có Nam, Bắc? Những kẻ hình dáng mọi rợ, tuy có khác với dung mạo tôn nghiêm của Ngài, thế nhưng Phật tính của họ, so với Ngài đâu có gì khác!

 

Thực là sự đối đáp bén nhọn, hợp lý hợp tình. Ngũ tổ trong tâm cảm thấy yêu thích, biết rằng Huệ Năng là kẻ có căn cơ lanh lợi. Tổ muốn kéo dài câu chuyện, song thấy chung quanh có nhiều người, sợ họ nghe Huệ Năng đối đáp nhanh nhẩu lại sinh tâm đố kỵ, liền bảo Huệ Năng không nên nói nhiều, kế đó kêu người dẫn Huệ Năng ra sau chùa làm công tác. Huệ Năng bèn thưa với Tổ:

 

- Tâm tính con vốn sáng suốt, thường sinh trí tuệ, biết rõ tất cả các pháp tức là tự tính của tâm. Do tâm tính nầy mà thành tựu tất cả phúc điền. Không biết Tổ muốn con làm công việc gì?

 

Ngũ tổ tấm tắc khen ngợi:

 

- Chà, chú nhỏ nầy tâm tính lanh lợi dữ à!

 

Thế nhưng, Tổ lại lo sợ sẽ có nhiều người sinh lòng ganh ghét, bèn bảo Huệ Năng:

 

- Không cần nói thêm gì nữa. Ði xuống phòng giã gạo làm việc!

 

Huệ Năng bèn theo người ra sau chùa. Có một hành giả[ii][2] giao phó cho Huệ Năng công việc bửa củi, và đạp cối giã gạo. Như vậy, thời gian thắm thoát cũng gần tám tháng.

 

Một hôm, Tổ ra sau chùa, thấy Huệ năng bèn nói:

 

- Ta thấy con là người trí tuệ, có cái nhìn khác thường không giống mọi người. Trong tương lai con có thể thành tựu. Song ta sợ có người sinh tâm ghen ghét tìm cách hại con, vì thế ta đã không nói chuyện với con nhiều. Con có hiểu như thế không?

 

Huệ Năng nói:

 

- Dạ thưa, con hiểu ý Tổ, vì thế con cũng không dám tùy tiện ra trước Pháp đường, tránh không cho kẻ khác sinh tâm nghi ngờ, bàn chuyện thị phi.

 

Tổ nói:

 

- Nếu vậy thì tốt. Mai mốt con sẽ có nhiều cơ hội đến nghe ta thuyết pháp. Hiện giờ con nên nhẫn nại một chút, không nên nghĩ nhiều. Có thể chỉ cần một đoạn thời gian ngắn nữa cơ duyên sẽ chín muồi.

 

- Dạ thưa, con biết!

 

Ngũ tổ bèn trở về phòng của ngài. Từ đó Huệ năng càng trở nên trầm mặc ít nói, chuyên tâm vào công việc đạp cối giã gạo của mình.

 

Ít lâu sau, Ngũ tổ biết rằng cơ duyên đã đến, bèn tập hợp mọi người trong chùa lại. Ngài nói:

 

- Trên đời nầy, không có vấn đề nào quan trọng hơn là vấn đề sinh tử. Không luận là giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, không kẻ nào có thể tránh khỏi vấn đề nầy. Nghiệp báo là do tự mình gây tạo, tự mình nhận chịu, mà không ai có thể thay thế cho mình được. Giả sử thân người nầy mất đi, thì có thể trong trăm ngàn kiếp bị đọa vào ba đường ác. Mấy ông cả ngày chỉ biết tham cầu quả báo hữu lậu[iii][3] trời người mà không biết siêng năng tu tập trí tuệ, hầu có thể thoát khỏi biển khổ sinh tử. Các ông nên biết rằng, một khi hưởng hết phúc báo trời người, sẽ vẫn có thể bị đọa vào đường ác. Nếu mê mờ tự tính, thì dù phúc báo có lớn đến bao nhiêu cũng không cứu mấy ông được. Bây giờ các ông trở về phòng, hồi tâm tự quán xét chính mình, khéo dùng trí tuệ sẵn có của các ông, mỗi người làm một bài kệ trình cho ta xem. Nếu như có người nào thực sự thấu triệt Phật pháp, ta sẽ đem y bát truyền từ Phật, tổ đến nay, trao truyền cho người đó làm tổ đời thứ sáu của Thiền tông. Bây giờ các ông nên lập tức trở về phòng mình làm kệ, không được trễ nải. Nếu còn nghĩ ngợi lâu lắc, chắc chắn không thể nào tức khắc thấy được[iv][4] bản tính của mình. Người như thế, không thể nào gọi là kẻ thấu triệt bản tính!

 

Sau khi nghe Ngũ Tổ dặn dò, mọi người trở về hậu liêu[v][5], bèn chạy đi báo cho người khác biết, bàn luận rầm rỉ:

- Chúng ta chẳng nên làm kệ làm gì cho tốn công nhọc sức. Giả sử có nặn hết đầu óc ra làm kệ cũng chẳng ích gì! Thầy giáo thọ[vi][6] của chúng ta là Thượng tọa Thần Tú, hiện giờ trong chùa không ai bằng Ngài. Nếu y bát không truyền cho Thượng tọa thì sẽ truyền cho ai bây giờ? Chúng ta nên biết thân phận của mình. Dù có mạo muội làm kệ, chẳng qua cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Chi bằng tiết kiệm sức mình, bỏ qua đừng nghĩ đến chuyện đó nữa!

 

Mọi người nghe qua lời nầy đều gật đầu tán thành, tất cả đều bỏ ý định làm kệ trình lên cho Tổ, kế đó cùng nhau phụ họa:

 

- Chúng ta cùng nhau nhất tâm nhất ý theo học với Thượng tọa Thần Tú, cần gì phải tranh nhau làm kệ cho khổ!

 

Thượng tọa Thần Tú vốn người họ Lý, gốc ở vùng Lạc Dương. Từ nhỏ đã đọc hết kinh sách của Nho, Lão, ..., và nỗi tiếng là một bậc học vấn uyên bác. Ðến khoảng năm mươi tuổi, ông bèn phát tâm xuất gia. Sau khi đến yết kiến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Thần Tú chính thức đảnh lễ xin xuất gia làm đệ tử của ngài. Hiện nay ông ta đã được năm mươi sáu tuổi. Tại chùa Ðông Thiền, ngoài Tổ Hoằng Nhẫn ra, Thần Tú là người có địa vị cao nhất. Thần Tú thân cao tám thước[vii][7], lông mày như mày rồng, cặp mắt rất đẹp, uy nghi siêu phàm, phẩm cách, học vấn cùng đạo hạnh đều thuộc hạng ưu tú. Hơn nữa, Thần Tú lại đem tinh thần tha thiết cầu đạo, cần cù khổ nhọc phụng sự cho chùa, do đó rất được Ngũ tổ kính mến. Ngũ tổ đã từng khen ngợi Thần Tú trước mặt mọi người:

 

- Phật pháp trong chùa Ðông Sơn nầy hoàn toàn nằm trong tay Thần Tú.

 

Thế nhưng, biến cố làm kệ nầy đem đến cho Thần Tú một cảm tưởng là đang bị áp lực nặng nề. Thần Tú biết rõ là mọi người chỉ hùa nhau làm ồn ào, thực sự ra không ai muốn làm kệ. Thần Tú nghĩ thầm:

 

- Mọi người đều không muốn làm kệ trình cho Tổ là vì mình là thầy giáo thọ của họ. Họ nghĩ rằng mình phải làm kệ trình Tổ là một điều đương nhiên, do đó họ nhân cơ hội nầy nhường cho mình. Làm sao cho hợp tình hợp lý đây? Nếu không làm kệ, chắc chắn Tổ không thể nào biết được kiến giải của mình sâu cạn thế nào, vả lại mình cũng chẳng thể nào được Tổ ấn chứng.[viii][8] Nhưng nếu làm kệ, lại sợ người khác hiểu lầm dụng ý của mình, cho là tham ngôi vị tổ sư mà làm kệ. Nếu vậy, chẳng khác nào một kẻ phàm phu tục tử lại mong tranh giành ngôi vị tổ sư?

 

Thần Tú suy đi nghĩ lại, lo tới lo lui, đến nỗi cơm nước không ăn, ban đêm lại trằn trọc không ngủ được. Qua ít lâu, sau những cơn giằn vật tâm hồn, Thần Tú cuối cùng cũng làm xong một bài kệ. Thần Tú phân vân năm lần bảy lượt, muốn đem kệ trình cho Tổ xem, nhưng mỗi khi đến trước phòng của Tổ, lại có cảm giác hoảng hốt, tâm trạng bàng hoàng, mồ hôi chảy ra như tắm. Thần Tú thầm nghĩ:

 

- Nếu Tổ thấy bài kệ, giả sử Ngài không hài lòng thì mình phải làm sao?

 

Cứ như thế cả bốn ngày, Thần Tú đến phòng của Tổ lại quay trở lại, trước sau tổng cộng mười ba lần, mà cũng không dám trình kệ cho Tổ xem, trong tâm càng lúc càng bối rối.

 

Thần Tú suy đi nghĩ lại, rốt cuộc cũng tìm ra được một biện pháp tốt đẹp. Thần Tú nghĩ:

 

- Tốt nhất mình đem bài kệ nầy viết lên bức tường của hành lang. Ðợi đến ngày mai, nếu Tổ đi qua chỗ đó, thế nào Ngài cũng thấy. Nếu Tổ khen bài kệ là hay, mình sẽ trình diện cho Tổ biết là mình viết. Còn nếu Ngài chê là dở, thì có lẽ mình nên âm thầm xuống núi là vừa! Chỉ nên tự trách mình tu học chưa đến nơi đến chốn, uổng phí công lao ở trong núi nầy mấy năm nay, thọ nhận sự cung kính lễ lạy của người khác. Như vậy cũng không bị mất mặt.

 

Suy nghĩ như vậy xong, buổi tối hôm đó vào canh ba, Thần Tú nhân mọi người đang ngủ say, bèn vội vàng xách đèn đến bức tường phía nam hành lang, hấp tấp viết bài kệ của mình lên tường:

 

Thân như Bồ đề thọ,

Tâm như minh kính đài,

Thời thời thường phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

 

Việt dịch:

 

Thân như cây Bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Thường thường siêng lau quét

Ðừng để dính bụi trần!

 

Viết xong, Thần Tú liền len lén trở về phòng không để ai hay biết. Thần Tú sau khi quay về phòng lại tiếp tục ngẫm nghĩ:

 

- Sáng mai Tổ xem xong, nếu Ngài vui lòng, thì mình là kẻ có duyên với Pháp. Còn nếu Tổ không hài lòng, thì chỉ nên trách mình phiền não nghiệp chướng quá nặng, chưa thể khai ngộ, không đạt được ý nghĩa chân thực của Phật pháp, âu cũng là đáng kiếp! Mà thôi, cảnh giới của các bậc thánh chẳng phải là chỗ phàm phu có thể suy lường được.

 

Cứ vậy cả đêm, Thần Tú tâm hồn ray rức, nằm xuống cũng không yên, tới lui cũng không yên, chẳng hề chợp mắt cho đến khi trời sáng.

 

Sự thực, Ngũ tổ từ lâu đã biết là Thần Tú vẫn chưa vào đạo, không thể minh tâm kiến tính.

 

Sáng hôm sau, khi sai người đi mời cư sĩ Lô Trân đến vẽ hai bức họa Lăng Già Kinh Biến Tướng và Ngũ Tổ Huyết Mạch Ðồ, Tổ cùng Lô Trân đi đến bức tường của hành lang thì ngài phát giác là đã có người viết chữ trên đó. Tổ đến gần nhìn kỹ, té ra là một bài kệ, lúc đó trong tâm ngài đã biết rõ việc gì đang xảy ra. Tổ liền quay lại nói với Lô Trân:

 

- Kinh Kim Cương có nói: "Hễ có hình tướng đều là hư vọng". Hiện giờ trên tường đã có người viết sẵn bài kệ rồi. Như vậy hai bức họa Lăng Già Kinh Biến Tướng và Ngũ Tổ Huyết Mạch Ðồ cũng không còn cần phải vẽ nữa. Nên giữ lại bài kệ nầy cho mọi người cùng đọc tụng, tu hành. Nếu quả thực có người theo đây mà tu, ít ra họ cũng không bị đọa vào đường ác, hơn nữa lại được lợi ích vô cùng.

 

Nhân đó, Tổ bèn tụ tập tất cả mọi người trong chùa đến trước bức tường có viết bài kệ, bảo họ đốt hương cung kính lễ bái, cùng nhau tụng niệm bài kệ đó. Mọi người đều vâng lời, tiếng tụng niệm lan khắp trong chùa, ê a không dứt. Ngũ tổ lại dặn dò mọi người:

- Các ông cần phải siêng năng đọc tụng bài kệ nầy, từ từ sẽ có thể minh tâm kiến tính.[ix][9]

 

Nghe xong mọi người càng chuyên tâm nhất ý trong việc đọc tụng. Trên bàn thờ đặt trước bài kệ, cả ngày khói hương nghi ngút. Hơn nữa, số người tò mò đến xem càng lúc càng đông. Mọi người đều khen ngợi bài kệ là tuyệt diệu. Ngũ tổ quay về phòng mình, trong bụng nghĩ thầm:

 

- Bài kệ nầy nhất định là do Thần Tú viết. Rất tiếc là công phu chưa đến!

 

Nhân đó, nửa đêm Tổ bèn sai người đi kêu Thần Tú đến phòng mình. Tổ hỏi:

 

- Bài kệ trên tường là do ông viết phải không?

 

Thần Tú đáp:

 

- Dạ chính con viết bài kệ đó. Thế nhưng con không dám mơ ước đến việc thừa kế y bát. Chỉ cầu xin Tổ mở lòng từ bi, xem con có thấy được ý nghĩa Phật pháp hay chưa?

 

Tổ nói:

 

- Ông làm bài kệ nầy, có thể nói là đã đến ngạch cửa, song vẫn chưa thấu được chân như bản tính. Giống như người đang mò mẫm trên mặt cửa, nhưng vẫn chưa tìm được chìa khóa để mở cửa vào nhà. Kiến giải như vậy mà muốn cầu Vô thượng Bồ đề, e rằng chưa đủ trình độ. Người muốn được Vô thượng Bồ đề phải là kẻ khi nghe một lời, trong khoảnh khắc phải thấy rõ được bản tâm của mình, nhìn rõ tự tính không sinh không diệt của chính mình. Trong tất cả mọi lúc, niệm niệm đều phải thấy rõ tự tính, hiểu rõ rằng tự tính của các pháp vốn không chướng ngại, cũng không biến đổi, nghĩa là các pháp không rời chân như, như như bất động, không sinh không diệt. Cái tâm như như nầy, tức là sự rời bỏ hai sự chấp trước: chấp ngã và chấp pháp. Nếu thấy được như vậy tức là thấy được Vô thượng Bồ đề. Bây giờ ông hãy trở về phòng, ta cho ông hai ngày để suy ngẫm, làm thêm một bài kệ đem lại cho ta xem. Nếu như kệ của ông thấy rõ được bản tính, ta sẽ đem y bát trao truyền cho ông.

 

Thần tú lạy Tổ xong, bèn quay trở về phòng. Trải qua nhiều ngày, tâm trạng lúc nào cũng như người hoảng hốt. Chỉ thấy ông ta ngày thì ngồi lên ngồi xuống, đêm thì trăn qua trở lại. Thế thì làm sao làm được kệ gì mới?!

 

Hai ngày sau khi bài kệ được viết trên tường, có một sa di đi ngang qua phòng giã gạo, vừa đi vừa lớn tiếng ngâm nga bài kệ. Huệ Năng nghe xong, biết rằng kẻ làm bài kệ nầy chưa thấy được bản tính, do đó mới bước tới hỏi:

 

- Dạ thưa, xin phép được hỏi chú, ai là người làm ra bài kệ nầy?

 

Sa di ngạc nhiên:

 

- Hả! Chùa mình xảy ra một sự kiện lớn lao như thế mà chú không biết? Bài kệ nầy là do Thượng tọa Thần Tú, một bậc đạo cao đức trọng trong chùa làm ra. Mấy ngày trước, Tổ cho mọi người biết rằng không bao lâu nữa Ngài sẽ viên tịch, do đó Ngài nghĩ đến việc tìm người để trao truyền y bát làm Tổ thứ sáu. Tổ bảo mọi người làm kệ trình lên cho Ngài xem, nếu Ngài nhận thấy người nào đã ngộ được Phật pháp, Ngài sẽ đem y bát truyền cho người đó. Tổ đã xem qua bài kệ của Thượng tọa Thần Tú và Ngài tỏ vẻ rất hài lòng. Do đó Ngài bảo mọi người nên đọc tụng, lại nói rằng nếu y theo đó mà tu hành sẽ khỏi bị đọa ba đường ác và được vô lượng lợi ích.

 

Huệ Năng nghe xong liền nói với chú sa di:

 

- Dạ thưa chú, Huệ Năng ở chỗ nầy làm việc giã gạo cũng đã hơn tám tháng, thế nhưng đến nay vẫn chưa biết Pháp đường ở đâu. Xin chú làm ơn dẫn đường, cho Huệ Năng có dịp đến đó xem bài kệ, không biết chú có đồng ý không. Huệ Năng hy vọng cũng giống như các vị trong chùa nầy, được đọc tụng bài kệ, hầu kết chút duyên lành với Phật pháp trong đời sau.

 

Chú sa di nghe xong liền dẫn Huệ Năng đến trước bài kệ. Huệ Năng thành thực nói với chú sa di:

 

- Huệ Năng vốn thất học, không hiểu mặt chữ, xin phiền chú đọc bài kệ cho Huệ Năng nghe.

 

Lúc đó có một vị quan biệt giá[x][10] vùng Giang Châu, tên là Trương Nhật Dụng, đứng bên cạnh, nghe Huệ Năng nói xong, bèn lớn tiếng đọc bài kệ. Huệ Năng nghe xong liền nói với Nhật Dụng:

 

- Tôi cũng có một bài kệ, xin quan lớn vui lòng viết dùm lên tường.

 

Trương Nhật Dụng tỏ vẻ không tin, có thái độ gần như khinh thị:

 

- Hả! Chú cũng biết làm kệ? Ðây quả thực là một điều kỳ lạ!

 

Huệ Năng vẫn điềm nhiên như không có gì, nhã nhặn nói với ông ta:

 

- Nếu muốn được Vô thượng Bồ đề, điều trước nhất là không nên coi thường kẻ mới vào đạo. Trên đời nầy không có gì là tuyệt đối cả. Người giai cấp hạ tiện vẫn có thể có trí tuệ cao siêu, còn kẻ giai cấp cao quí vẫn có thể là kẻ không có trí tuệ. Nếu tùy tiện coi thường kẻ khác, e rằng sẽ gặt vô lượng tội báo trong đời sau!

 

Trương Nhật Dụng nghe xong liền đổi thái độ, không còn dám tỏ vẻ khinh mạn, vội vàng nói với Huệ Năng:

 

- Chú cứ nói hết ra, tôi sẽ viết dùm cho. Trong tương lai nếu chú khai ngộ, xin chú đừng quên độ cho tôi.

 

Huệ Năng liền đọc kệ:

 

Bồ đề bổn vô thọ,

Minh kính diệc phi đài,

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai.

 

Việt dịch:

 

Bồ đề vốn không cây

Gương sáng chẳng phải đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính trần ai!

 

Trương Nhật Dụng viết xong, vừa nhìn kỹ lại, trong lòng cảm thấy rất là khâm phục. Những người đứng chung quanh đó tự nhiên cũng cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không ai mà không trầm trồ khen ngợi cho là kỳ đặc. Tin tức nầy lan truyền nhanh chóng. Mọi người kề đầu rỉ tai, nói với nhau:

 

- Chà, hay quá sức tưởng tượng. Chẳng ngờ trong chùa Ðông Sơn lại có thánh nhân ẩn nấp!

 

- Thật là không thể xem mặt mà bắt hình dung. Làm sao mới vừa không gặp mặt chỉ trong vài ngày mà hắn đã trở thành Nhục thân Bồ tát!

 

- Ngôi tổ đời thứ sáu không chừng sẽ thuộc về hắn!

 

- Thực là xui xẻo, Thượng tọa Thần Tú đã gặp đối thủ cao cường rồi!

 

Như thế, bài kệ của Huệ Năng được loan truyền nhanh chóng, chẳng bao lâu đã đến tai Ngũ tổ. Tổ nghe mọi người xôn xao bàn tán bèn đi ra ngoài đến chỗ bài kệ xem việc gì xảy ra. Ðến nơi, Tổ ngước xem bài kệ vừa mới được viết lên tường, bỗng nhiên ngài cảm thấy trong lòng khơi dậy một chút xao động. Ðầu tiên là một niềm vui, kế đến lại là một nỗi lo âu. Tổ vui là vì biết rằng Huệ năng là một kẻ phi phàm, hơn nữa, khi Tổ gặp mặt Huệ Năng lần đầu tiên tám tháng về trước, ngài đã biết rằng Huệ Năng là một kẻ đã khai ngộ, và Tổ cuối cùng đã tìm ra một người để truyền trao y bát. Song, kế đó Tổ lại cảm thấy lo lắng, bài kệ của Huệ Năng rõ ràng là một sự trái ngược với bài kệ của Thần Tú, thế nhưng Huệ Năng không thể nào so sánh được với Thần Tú. Tất cả mọi người trong chùa đều công nhận Thần Tú sẽ là kẻ được truyền y bát làm Tổ thứ sáu, còn Huệ Năng là một người không có một chút quyền thế nào hết, chỉ ở địa vị ti tiện của một kẻ giã gạo trong chùa. Giả sử có người ghen ghét muốn hại Huệ Năng, điều nầy sẽ dễ dàng như trở bàn tay. Nếu như Tổ đem y bát truyền cho Huệ Năng, chắc chắn sẽ đưa đến nhiều sự tranh chấp trong chùa.

 

Tổ vừa nghĩ đến điều nầy, như được dẫn dắt bởi linh tính, nên không một chút do dự, liền cởi một chiếc giầy đang mang, nói với mọi người chung quanh:

 

- Có gì mà mọi người phải rầm rỉ như thế! Bài kệ nầy rất tầm thường, cũng chưa thấy được tự tính, không đáng cho mọi người phải xôn xao như thế. Mọi người nên quay về phòng mình, y vào bài kệ của Thần Tú mà tu tập!

 

Tổ vừa nói vừa lấy gót giầy xóa bài kệ của Huệ Năng. Mọi người nghe Tổ nói như thế, ai cũng cho rằng bài kệ đó cũng chẳng có gì đáng quan tâm, cho nên tất cả đều im lặng quay về phòng mình, mà không còn bàn tán xôn xao nữa. Sau khi Tổ quay về phòng, ngẫm nghĩ đến bài kệ của Huệ Năng, Ngài bỗng cảm thấy rất vui vẻ trong lòng. Tổ nhớ là Huệ Năng đến chùa mới được tám tháng, hai người gặp nhau chỉ hai ba lần, thế nhưng, từ dáng dấp và thái độ, Huệ Năng đã biểu lộ một trình độ tâm linh rất cao xa. Hơn nữa, sự lý giải về thiền định và Phật pháp của Huệ Năng làm cho Tổ cũng cảm thấy kinh ngạc. Nhân đó, Tổ quyết định đem y bát truyền giao cho Huệ Năng.

 

Hôm sau, vì không muốn cho mọi biết nên Tổ bèn âm thầm đi đến phòng giã gạo, thấy Huệ Năng đang bận giã gạo, trên eo buộc đầy những viên đá nặng.[xi][11] Ngài bèn lên tiếng an ủi:

 

- Người tìm cầu đạo pháp, vì Phật pháp mà không màng đến sự gian khổ, giống như vầy chăng!

 

Huệ Năng nghe tiếng người bèn ngẩng đầu lên nhìn, vừa thấy Tổ, Huệ Năng vội vàng vái chào. Tổ thấy trong cối có gạo bèn hỏi Huệ Năng một cách ẩn ý:

 

- Gạo giã sạch chưa?

 

Huệ Năng đáp:

 

- Dạ, gạo đã sạch từ lâu, nhưng vẫn chưa có người sàng.

 

Tổ vừa nghe xong liền hiểu ý Huệ Năng muốn nói là mình đã khai ngộ, chỉ còn chờ một bậc thầy giỏi đến chỉ điểm mà thôi. Tổ thấy Huệ Năng đối đáp trôi chảy, hơn nữa ngài hiểu rõ nguyện vọng đang tha thiết tìm cầu một bậc minh sư[xii][12] của Huệ Năng. Tổ chẳng nói thêm lời nào nữa, liền đi đến bên cạnh cối giã gạo, lấy tích trượng gõ lên đó ba tiếng, kế đó quay trở về phòng.

 

Khoảng canh ba, Huệ Năng thức dậy, lần mò trong bóng đêm tìm đến phòng của Tổ. Huệ Năng thấy vẫn còn ánh đèn sáng trong phòng, hình như Tổ đang đợi mình đến. Huệ Năng bước vào, chắp tay cúi lạy xong, bèn thưa với Tổ:

 

- Dạ thưa, Tổ gọi con đến lúc nửa đêm, không biết Ngài muốn chỉ bảo việc gì?

 

Tổ không trả lời, bèn dẫn Huệ Năng vào phòng trong. Sau khi khóa cửa cẩn thận, Tổ vẫn còn sợ người khác trông thấy, bèn đem cà sa che ngang cửa sổ. Sau khi hai người ngồi yên, Tổ bèn nói với Huệ Năng:

 

- Ta biết căn tính của con không phải người tầm thường, song người trong chùa có nhiều thành phần phức tạp, ta sợ có người hại con nên mới sai con xuống làm ở phòng giã gạo.

 

Huệ Năng thưa với Tổ:

 

- Dạ thưa con hiểu điều nầy. Con rất cảm ơn Tổ đã tưởng nghĩ đến con, do đó mỗi ngày con đều tận tâm làm việc, không dám để người khác chú ý.

 

Tổ nói tiếp:

- Hình như con đã đọc qua kinh Kim Cương?

 

Huệ Năng lắc đầu:

 

- Dạ chưa! Con sinh ra trong gia đình nghèo khổ, không có cơ hội đi học.

 

- Như vậy, bài kệ con viết đó ...!?

 

Huệ năng hiểu ý Tổ định nói, liền tiếp lời:

 

- Dạ đúng, bài kệ đó là do con làm ra, nhưng con nhờ người khác viết dùm. Mấy tháng trước, con có nghe người khác tụng kinh Kim Cương, lúc đó tâm hồn con tràn đầy một sự cảm động không thể tưởng tượng được. Do đó con mới quyết tâm tìm đến đây, hầu mong được nghe Tổ giảng kinh.

 

Tổ nghe xong, gật đầu khen ngợi:

 

- Giỏi lắm! Con quả thực là thông minh lanh lợi, lại có tâm tha thiết cầu pháp. Nếu vậy, con nên lắng nghe, ta sẽ giảng kinh Kim Cương cho con nghe.

 

Nói xong, Tổ bèn đem kinh Kim Cương giải thích cho Huệ Năng. Ðang khi Tổ giảng đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", ngay lúc đó Huệ Năng hốt nhiên đại ngộ, thấy rõ được ý nghĩa chân thực là tất cả mọi vật đều không rời tự tính. Do đây, Huệ Năng liền thưa với Tổ:

 

- Chẳng ngờ tự tính xưa nay không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Không ngờ tự tính xưa nay vốn không biến động, mà lại có thể sinh ra tất cả các pháp, hoàn toàn không chướng ngại.

 

Ðến đây, Tổ quyết chắc là Huệ Năng đã triệt ngộ bản tính, bèn nói:

 

- Ðúng vậy, nếu không hiểu rõ tự tâm là chân Phật, không hiểu rõ tự tính là chân Pháp, mà lại cho rằng có Phật ở ngoài tâm, có Pháp ở ngoài tính, nếu đem sự hiểu lầm về tâm tính nầy mà đi học Phật pháp, hoàn toàn không có lợi ích gì hết. Chỉ có kẻ nào nhận thức bản tâm mình, thấy rõ bản tính mình, mới đáng gọi là bậc đại trượng phu, mới có thể làm bậc thầy của trời người. Ðây cũng chính là Phật!

 

Nói xong, Tổ bèn đem y bát ra, trịnh trọng nâng lên trên hai tay của mình, nói với Huệ năng:

 

- Ðức Thế Tôn trước khi nhập Niết Bàn đã đem Chính pháp giao phó cho Tôn giả Ca Diếp, Ca Diếp giao phó cho A Nan, A Nan lại giao phó cho Thương Na Hòa Tu, cứ như thế chuyển đến tay ta. Hôm nay ta quyết định giao phó cho con, hy vọng là con sẽ khéo léo giữ gìn, lo việc hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh, đừng cho đoạn tuyệt.

 

Huệ Năng ngẩng đầu lên nhìn Tổ, lòng bàng hoàng cảm động, không biết phải nói điều gì, chỉ vỏn vẹn kêu lên vài tiếng:

 

- Thưa Tổ, con ...

 

Tổ đưa cặp mắt sáng rực nhìn Huệ Năng một cách chăm chú, kế đó ngài đọc bài kệ:

 

Hữu tình lai hạ chủng,

Nhân địa quả hoàn sinh,

Vô tình diệc vô chủng,

Vô tính diệc vô sinh.

 

Việt dịch:

 

Trong ruộng chúng sinh gieo giống Phật

Nhân duyên chín muồi sinh quả Phật

Vô tình không có hạt giống Phật

Không có tính Phật không sinh Phật. [xiii][13]

 

Chỉ thấy Huệ Năng gật đầu, đưa hai tay lên nâng y bát. Tổ nói tiếp:

 

- Bắt đầu từ hôm nay, con chính thức là Tổ thứ sáu của Thiền tông Ðông độ,[xiv][14] con có trách nhiệm phải khéo léo hộ trì Phật pháp, làm cho Pháp nầy đời đời truyền nối, không được để cho đoạn tuyệt!

 

- Dạ thưa Tổ, con xin ghi lòng tạc dạ, không dám quên lời.

 

Nhân vì sự truyền pháp diễn ra lúc giữa đêm, cho nên cả chùa không ai hay biết. Truyền pháp xong, Tổ lại nói tiếp:

 

- Ngày xưa, khi Tổ sư Ðạt Ma vừa đến Trung quốc, vì sợ người khác không tin vào Pháp cùng sự thừa kế, do đó mới truyền y bát của Phật để làm chứng minh cho sự truyền thừa của Phật, tổ. Sự thực, chân lý không có hình tướng, không thể truyền cho nhau được. Các vị tổ sư, chẳng qua là dùng những phương tiện khéo léo đem tâm truyền tâm. Vật được truyền thọ chỉ là cái tự tính lý thể của mình. Ðiều bí mật mà các ngài giao phó cũng chỉ là vật mà xưa nay mọi người sẵn có, tức là kho tàng tự tính của chúng ta, chứ không phải y bát, là những vật hình thức bên ngoài. Thế nhưng, những kẻ phàm tục không thể thấy được cái kho tàng tự tính nầy, mà chỉ bo bo chấp vào hình tướng, do đó y bát nầy có thể trở thành sự tranh chấp. Từ con về sau, y bát nầy không cần phải truyền cho đời sau nữa. Nếu mà còn tiếp tục truyền xuống, e rằng ngay cả tính mệnh của con cũng không được bảo đảm. Bây giờ con phải cấp tốc rời khỏi chổ nầy, để khỏi mang họa vào thân!

 

Huệ Năng phân vân:

 

- Dạ thưa, con phải đi về đâu bây giờ?

 

Tổ nói:

- Con có thể chèo thuyền rời khỏi chỗ nầy, đi về phương nam. Nếu đến vùng mà tên có chữ Hoài, thì có thể dừng bước, còn nếu đến vùng mà tên có chữ Hội, thì phải nên ẩn dật.

 

Huệ Năng trả lời:

 

- Dạ thưa, con nhớ.

 

Huệ Năng lạy Tổ xong, bèn chuẩn bị quay trở về phòng. Tổ hỏi:

 

- Khoan đã, con định đi đâu vậy?

 

- Dạ thưa, con trở về phòng, đợi sáng mai lên đường.

 

- Không được! Nếu đợi sáng mai làm sao mà còn đi được? Con phải đi ngay bây giờ!

 

- Ði bây giờ? Thế nhưng con không rành đường. Sợ trong đêm tối sẽ bị lạc trong rừng núi!

 

Tổ nói:

 

- Chớ lo, ta sẽ đưa con đi một đoạn.

 

Nói xong, hai thầy trò trong đêm vắng vội vả xuống núi, đi một mạch về hướng bờ sông. Ðến nơi cả hai cùng leo lên một chiếc thuyền nhỏ không chủ, Tổ bèn cầm chèo định đưa Huệ Năng qua sông. Huệ năng thấy vậy hớt hãi nắm lấy mái chèo, vội vả thưa với Tổ:

 

- Dạ thưa Tổ ngồi nghỉ, để con chèo thuyền đưa Tổ qua sông.

 

Tổ mỉm cười nói với Huệ Năng:

 

- Ta là thầy, con là trò, đáng lẽ ta nên đưa con qua sông mới đúng.

 

Trong khoảnh khắc, Huệ Năng hiểu rõ ý Tổ, bèn trả lời:

 

- Dạ thưa Tổ, khi con còn mê muội đương nhiên là Tổ độ con, nhưng nay con đã khai ngộ, con phải tự độ chính mình.

 

Nghe nói xong, Tổ cảm thấy rất là hài lòng, ngài liền xuống thuyền nói với Huệ Năng:

 

- Nếu vậy ta đưa con đến đây, để con tự qua sông. Từ đây về sau, việc hoằng dương Phật pháp hoàn toàn trông cậy vào con. Con đi rồi, ba năm sau ta sẽ viên tịch. Bây giờ con phải đi nhanh về phương nam sống ẩn dật, ít nhất cũng từ mười đến mười lăm năm, chớ nên hấp tấp đi giảng kinh thuyết pháp. Ðợi nhân duyên chín muồi rồi đi ra hoằng dương Phật pháp cũng không muộn. Ðiều nầy con nên nhớ rõ, đạo lớn của Thiền tông không lớn mạnh một cách dễ dàng được.

 

Tổ đưa Huệ Năng xong liền trở về chùa, liên tiếp mấy ngày Tổ không lên Pháp đường giảng kinh. Mọi người trong chùa đều hoang mang không hiểu việc gì xảy ra, bèn cử người đại diện đến phòng Tổ thăm hỏi:

 

- Dạ thưa! Mấy hôm nay Tổ không lên Pháp đường giảng kinh, không hiểu Tổ có bệnh hoạn gì không, hay là chúng con có làm điều gì mà Tổ không vừa ý?

 

Tổ nói:

 

- Ta chẳng có bệnh hoạn gì cả, mà cũng chẳng buồn giận gì ai hết. Chỉ có điều là y bát đã được truyền về phương nam rồi.

 

Nghe xong, mọi người đều hớt hãi, bèn thưa với Tổ:

 

- Dạ thưa, xin hỏi Tổ ai là người được truyền y bát.

 

Tổ nói:

- Kẻ có đủ khả năng được truyền y bát.[xv][15]

 

Tin tức vừa loan ra, mọi người đều kinh ngạc trước biến cố vĩ đại nầy. Thượng tọa Thần Tú mới là kẻ đau khổ nhất, ông ta nghĩ thầm:

 

- Không ngờ mình lao khổ tu tập bao nhiêu năm như vậy, mà rốt cuộc cũng không được Tổ chấp nhận.

 

Ôm nỗi khổ đau ray rức trong lòng, Thần Tú gom góp đồ đạc, từ biệt mọi người xong, bèn lặng lẽ xuống núi.

 

Hai sự kiện Ngũ tổ truyền Pháp y và Thần Tú bỏ chùa, được nhanh chóng truyền đi khắp nơi trong chùa, làm cho cả chùa nổi cơn sóng gió. Trong chùa có một vị họ Trần, pháp danh Huệ Minh, là người cảm thấy bất mãn cho sự thiệt thòi của Thần Tú nhiều nhất. Huệ Minh tỏ vẻ rất bất bình, bèn tụ tập một nhóm người, chuẩn bị đi tìm đoạt y bát đem trở về chùa. Thế nhưng, Tổ đã truyền y bát cho ai? Mọi người cùng nhau suy đoán, bèn phát giác là tên "mọi" phương nam làm trong phòng giã gạo đã biệt vô tăm tích từ lúc nào! Lúc đó mọi người bèn quyết đoán là Huệ Năng đã đem y bát về phương nam.

 

Huệ Minh hầm hừ:

 

- Thực là đáng ghét, cái tên man di thất học đó lại dám ăn cắp y bát của Thiền tông trốn đi biệt tích. Chắc là hắn muốn làm tổ sư đời thứ sáu? Vậy mà lúc mới đến làm bộ như hiền từ, nói mình chỉ muốn học làm Phật, ngoài ra không có ý đồ gì khác. Thử xem, ta sẽ đi tìm bắt hắn đem về!

 

Sau đó nhóm người do Huệ Minh cầm đầu ồ ạt xuống núi, tìm về phương nam, đuổi bắt Huệ Năng.

 

Huệ Năng sau khi từ biệt Ngũ tổ, liền vội vả băng rừng lội suối đi về phương nam ngày đêm không nghỉ, trong vòng hai tháng đã đến Ðại Dữu Lĩnh. Ðây là vùng biên giới của Giang Tây và Quảng Ðông. Nếu vượt qua rặng núi nầy là đến đất Lĩnh Nam, quê cũ của ngài. Do vì đường dài bôn ba, lại thêm nhiều ngày không nghỉ, thân thể cảm thấy mệt mỏi, Huệ Năng bèn tạm ngồi nghỉ ngơi trên tảng đá bên vệ đường. Chẳng ngờ, chưa được bao lâu, bèn nghe có tiếng chân người dưới chân núi đang đuổi theo, ngài cúi xuống nhìn kỹ té ra là Huệ Minh chứ chẳng phải ai khác. Huệ Minh vốn là quan võ, cấp bậc tứ phẩm, xuất gia chưa được bao lâu, tính tình vẫn còn rất thô bạo. Huệ Năng thấy ông ta hung hăng chạy lên, trong bụng bèn nghĩ thầm:

 

- Phải làm thế nào bây giờ?

 

Ngài vội vàng quay nhìn bốn phía, chỉ thấy toàn là cỏ mọc rậm rì trên những tảng đá hình thù cổ quái, đúng là chỗ ẩn nấp an toàn. Huệ Năng vội vàng lao mình vào bụi rậm ẩn trốn, thế nhưng ngài lại không mang kịp y bát theo, bọc hành trang vẫn còn nằm nguyên trên tảng đá.

 

Chẳng bao lâu, Huệ Minh chạy đến, tuy không thấy bóng Huệ Năng, song ông ta biết là ngài đang ẩn nấp gần đó, bèn hả miệng định lên tiếng nhục mạ. Thốt nhiên, nhìn thấy y bát còn để trên tảng đá bên vệ đường, Huệ Minh mừng rỡ, vội vàng chạy đến chuẩn bị đoạt lấy đem về. Ô hay, lạ lùng thật! Bọc y bát hình như mọc rễ xuống đất.

 

Huệ Minh gồng hết sức mình cũng không làm cho nó nhúc nhích được, giống như nhấc lên tảng đá ngàn cân. Lúc đó, Huệ Minh trong lòng bắt đầu lo lắng. Ông ta nghĩ thầm:

 

- Quả thực cái tên quái nầy được Ngũ tổ truyền y bát là đúng rồi. Nếu không, làm gì mà hắn có pháp lực dữ dội như vậy!

 

Huệ Minh suy đi nghĩ lại, trong lòng càng lúc càng lo âu. Quay nhìn bốn bề, chỉ nghe thấy tiếng rì rào của cơn gió lạnh thổi qua triền núi. Trên mặt đất, những chiếc lá khô bị gió xoắn, lượn đi lượn lại, tạo thành những âm thanh xào xạc. Lúc đó, Huệ Minh không biết phải làm sao, trong lòng tràn ngập niềm lo sợ. Ông biết rằng y bát nầy không phải là người nào cũng có thể giành được, do đó bèn lớn tiếng kêu Huệ Năng:

 

- Hành giả! Hành giả! Làm ơn đến đây, tôi biết lỗi mình rồi! Vả lại, tôi cũng vì Pháp mà đến. Xin hành giả từ bi đến đây thuyết pháp!

 

Nghe Huệ Minh kêu la có vẻ thảm thiết như vậy, Huệ Năng bèn trong bụi rậm từ từ bước ra. Ngài nói với Huệ Minh:

 

- Y bát chỉ là một vật để làm tin, tại sao thầy lại muốn dùng vũ lực để tranh đoạt?

 

Huệ Minh tỏ vẻ ngượng nghịu:

 

- Dạ, dạ! Dạ mong hành giả từ bi nói Pháp cho Huệ Minh nghe.

 

Huệ Năng nói:

 

- Nếu như thầy thực tình vì pháp mà đến, như vậy trước tiên thầy phải xả bỏ cái tâm tranh đoạt, buông bỏ tất cả vọng tưởng, trong tâm không một niệm nào khác, tôi sẽ nói pháp cho thầy nghe.

 

Huệ Minh nghe xong bèn ngồi trầm lặng. Một lúc sau, Huệ Năng nói với ông ta:

 

- Không nghĩ thiện! Không nghĩ ác! Cái gì là bổn lai diện mục của thầy? Cái gì là chân thực tự tính của thầy? Nói mau! Nói mau!

 

Huệ Minh thốt nhiên có cảm giác như nghe một tiếng sét ngang trời. Ông ta thấy rõ được chân như tự tính trong dáng dấp nguyên sơ của nó. Trong khoảnh khắc đó, Huệ Minh đại ngộ! Cái không phân biệt thiện ác, há chẳng phải là sự biểu hiện của Phật tính hay sao?

 

Huệ Minh trong lòng tràn ngập niềm cảm động, bèn nói với Huệ Năng:

 

- Dạ xin hỏi Ngài, ngoại trừ điều mà Ngài vừa nói đó, còn có điều bí mật nào khác mà Ngài có thể dạy Huệ Minh hay không?

 

Huệ Năng nói:

 

- Những điều tôi vừa nói với thầy, đã rõ ràng như thế, chứng tỏ là tôi không có dấu diếm điều gì hết. Nếu thầy có thể dùng trí tuệ Bát nhã soi rõ tự tính, thầy sẽ khám phá ra là cái chân lý ẩn tàng trong đó, xưa nay trong tâm mình vẫn đầy đủ. Cũng giống như đóa hoa sen mà trong đó có chứa hạt minh châu.

 

Huệ Minh nghe xong, cảm thấy mừng rỡ như một kẻ bần cùng vừa lượm được một viên ngọc quí. Ông ta cảm động đến rơi nước mắt, nói với Huệ Năng:

 

- Huệ Minh tuy ở nơi Tổ Hoàng Mai cầu pháp nhiều năm, mà cho đến nay vẫn chưa thấy được Phật pháp, không biết bổn lai diện mục của mình. Hiện nay nhờ ơn của Ngài nên ngộ được tự tính. Từ trước đến nay, Huệ Minh chưa từng thấy được cái cảm giác khó hình dung như vậy, giống như người khát uống nước, lạnh nóng tự mình biết. Từ hôm nay trở đi, Ngài là thầy của Huệ Minh.

 

Nói xong Huệ Minh chấp tay định bái tạ Huệ Năng. Thấy thế, Huệ Năng liền vội vàng đở ông ta dậy, ngài nói:

 

- Thầy và tôi là người đồng môn, việc gì mà phải chấp nhất ai là thầy ai là trò. Chỉ cần chúng ta tuân theo lời dạy của Tổ mà tu hành là tốt rồi.

 

Huệ Minh lại hỏi:

 

- Hôm nay Huệ Minh đã ngộ được Phật pháp, không biết phải đi về đâu để quảng độ chúng sinh?

 

- Thầy đi đến vùng nào mà tên có chữ Viên thì có thể tạm ngừng, đi đến vùng nào mà tên có chữ Mông thì có thể ở lại.

 

Huệ Năng ngừng một lúc lại nói:

 

- Mà nầy! Thầy xuống núi không nên nói cho ai biết chuyện nầy, để khỏi phiền hà mai sau, mà tự làm hại chính mình!

 

Huệ Minh từ biệt Huệ Năng xong bèn xuống núi. Xuống đến chân núi Huệ Minh nói với những người trong nhóm vừa mới tìm đến:

 

- Tôi lên núi tìm cả buổi mà không thấy ai hết, chắc chắn không phải ở chỗ nầy. Tốt hơn, chúng ta nên theo hướng khác mà tìm.

 

Sau khi Huệ Minh đi rồi, Huệ năng bèn tiếp tục hành trình về đến Tào Khê.

 

Huệ Năng từ lúc trở về trú ẩn ở làng Tào Khê, đất Tiều Châu, sự kiện ngài được Tổ Hoàng Mai truyền y bát, vẫn không ai hay biết. Có một vị thư sinh tên là Lưu Chí Lược mới gặp Huệ Năng có một lần mà đã cảm thấy thân thiết như người bạn lâu năm. Hai người bèn kết nghĩa làm anh em. Chí Lược có một người cô xuất gia làm ni, pháp danh Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Ðại Niết Bàn. Vô Tận Tạng nghe cháu nói Huệ Năng là người tinh thông Phật pháp, bèn cầm quyển kinh đến tìm Huệ Năng hỏi ý nghĩa. Huệ Năng nói:

 

- Tôi không biết mặt chữ, xin cô cứ hỏi ý nghĩa trong kinh, tôi sẽ trả lời.

 

Vô Tận Tạng có vẻ nghi ngờ:

 

- Mặt chữ còn không biết, làm sao hiểu được ý nghĩa của kinh?

 

Huệ Năng trả lời:

 

- Nghĩa lý nhiệm mầu của chư Phật đều có đủ trong tất cả các pháp. Tôi tuy không biết chữ, cô cứ đem kinh ra đọc. Tôi nghe qua rồi, tôi sẽ đọc được và sẽ hiểu được ý nghĩa của kinh.

 

Vô Tận Tạng nửa tin nửa ngờ, bèn đem quyển kinh ra lật từ trang đầu đến trang cuối. Một lúc sau tìm được một đoạn mà chính cô ta cũng không hiểu muốn nói gì, bèn đọc cho Huệ Năng nghe. Quả thực, Huệ Năng vừa nghe qua liền có thể đọc lại không sai một chữ, mà lại còn giải thích tường tận ý nghĩa của kinh cho cô ta nghe. Vô Tận Tạng nghe xong, cảm thấy vô cùng kinh phục, không ngớt gật đầu khen ngợi:

 

- Thật đáng bội phục! Quả không hổ danh là học trò của Tổ Hoàng Mai!

 

Danh tiếng của Huệ Năng chẳng bao lâu truyền khắp trong làng. Mọi người trong làng đều đến yết kiến ngài, trong đó có cháu nhiều đời của Tào Tháo là Tào Thục Lương cũng tìm đến xin cầu Pháp. Thục Lương ra mắt Huệ Năng xong, bèn ở lại cùng Huệ Năng đàm luận về những vấn đề nhân sinh vũ trụ. Thục Lương lần lần đối với Huệ Năng sinh tâm cung kính, ngưỡng mộ, do đó muốn tìm cơ hội báo đáp ân huệ của ngài. Cơ duyên đến thật là đúng lúc! Phía trên làng Tào Khê có một ngôi chùa cổ, tên là Bảo Lâm, nhưng vì chiến tranh tàn phá, đến nay đã trở thành hoang phế. Tào Thục Lương bèn tụ hợp mọi người trong làng, gom góp tiền bạc vật dụng trùng tu lại ngôi chùa, và mời Huệ Năng về đó trụ trì. Ở đây, Huệ Năng bắt đầu công việc hoằng pháp của mình. Thời gian thắm thoát đã qua chín tháng. Thế nhưng trên đời nầy, chẳng có hạnh phúc nào lâu dài cả. Nhóm người chùa Ðông Thiền đi tìm đoạt y bát của Huệ Năng, dù trải qua ngàn dặm sơn khê, rốt cuộc cũng đã tìm đến! Bọn họ dự mưu là đuổi Huệ Năng từ trước núi ra đến sau núi, kế đó sẽ đốt rừng, bức bách Huệ Năng phải chạy ra mà túm bắt. Nhưng bọn họ không ngờ rằng Huệ Năng núp vào trong khe đá, may mắn thoát nạn.[xvi][16] Nghe nói, hiện nay chỗ ấy có một tảng đá hình giống bồ đoàn, trên đó có dấu vết Huệ Năng ngồi kiết già. In trên mặt đá là dấu vết của hai đầu gối, cùng dấu vết của những nếp áo của ngài!

 

Sáng hôm sau, Huệ Năng từ khe đá chun ra, nhìn về phía chùa Bảo Lâm đã bị thiêu rụi, ngài biết là không thể tiếp tục ở lại được nữa, bèn lần về phương nam. Khoảng ba bốn ngày sau, bất giác Huệ Năng đã đến chỗ giáp ranh của hai vùng Hoài Tập và Tứ Hội[xvii][17]. Ngài nhớ lại lời dặn dò của Tổ: "Gặp Hoài thì ngừng, gặp Hội thì ở". Do đó, ngài bèn định cư tại nơi nầy.

 

Từ đó, Huệ Năng bèn sống lẫn trong đám thợ săn, giả trang làm nghề săn bắn. Mỗi khi có cơ hội, Huệ Năng thường giảng cho bọn họ nghe về lòng từ bi đối với muôn loài. Bọn thợ săn giao phó cho ngài công việc canh chừng bẫy thú, thế nhưng mỗi khi thấy có thú rừng lọt vào trong bẫy, ngài lại cảm thấy bất nhẫn bèn mở bẫy để cho chúng chạy thoát, do đó, ngài thường bị bọn họ mắng nhiếc và xử phạt. Vì làm nghề săn bắn nên món ăn chính của bọn họ thường là thịt thú rừng. Huệ Năng lúc mỗi bữa ăn, đều nhặt rau rừng, măng tre, ..., bỏ vào trong một giỏ tre nhỏ, nhún trong nồi thịt, nấu chín mà ăn. Nếu bọn họ có hỏi lý do, thì ngài trả lời:

 

- Mỗi ngày tôi chỉ làm những công tác nhàn hạ là trông chừng bẫy, chẳng tốn bao nhiêu sức lực, bởi vậy chỉ cần ăn rau cải cũng đủ rồi.

 

Cứ như thế, thời gian như "bóng câu qua cửa sổ", thắm thoát mà đã gần mười lăm năm. Một hôm, Huệ Năng nghĩ thầm:

 

- Ðã đến lúc phải ra hoằng pháp, không còn có thể ẩn núp lâu được nữa!

 

Nhân đó, Huệ Năng bèn từ giả bọn thợ săn, đi về hướng nam, đến thành phố Quảng Châu. Ðầu tiên ngài đến chùa Trang Nghiêm; thấy cảnh chùa vắng vẻ, trong chùa chỉ có vài vị tăng, Huệ Năng hỏi thăm lý do, thì biết là mọi người trong chùa đã đến chùa Pháp Tính nghe pháp sư Ấn Tông giảng kinh Ðại Bát Niết Bàn.

 

Nghe nói như thế, Huệ Năng bèn tìm đường đến chùa Pháp Tính. Ðến nơi, thấy mọi người tụ hợp đông đảo trong Pháp đường, không có chỗ chen chân. Huệ Năng len lỏi vào đám đông, khó khăn lắm mới tìm được một chỗ đứng ngoài hành lang. Pháp sư Ấn Tông ngồi trên giảng tòa, đang giảng ý nghĩa thâm sâu của kinh Niết Bàn. Ông nói:

 

- Mọi vật trên thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Xin hỏi các vị, như vậy là trước phải có nhân, rồi sau đó mới có duyên? Hay là trước phải có duyên, rồi sau đó mới có nhân?

 

Vừa nói đến đó, bỗng nhiên có một cơn gió lớn thổi qua, làm cho tấm tràng phan treo trước cửa chùa phất phơ lay động. Ấn Tông thấy sự việc xảy ra như vậy, bèn hỏi mọi người:

 

- Các vị có vừa thấy tràng phan lay động không? Xin hỏi các vị, tràng phan tự nó lay động, hay là có vật gì làm cho nó lay động?

 

Trong đám đông có người đứng dậy trả lời:

 

- Tràng phan không thể tự nó lay động, mà là do gió thổi làm nó lay động.

 

Vừa nói xong, liền có người khác đứng dậy phản đối:

 

- Không đúng, chắc chắn là tràng phan tự nó lay động, vì cái tính động đã ở sẵn trong tràng phan, mà không ở trong luồng gió.

 

Cứ thế, hai người chẳng ai nhường ai, lời qua tiếng lại làm ầm ỹ cả lên. Pháp sư Ấn Tông ngồi trên giảng tòa chẳng biết phải làm sao, vì cả hai bên ai cũng có lý cả. Hơn nữa, pháp sư đối với vấn đề nầy cũng chưa có lời giải vững chắc.

 

Bất chợt, từ trong góc ngoài Pháp đường có một âm thanh sang sảng vang lên:

 

- Không phải là gió đang lay động, cũng không phải là tràng phan đang lay động, mà chính là tâm hai vị đang lay động!

 

Nghe Huệ Năng nói một câu vừa đơn giản vừa rõ ràng, mọi người trong Pháp đường đang ồn ào rầm rĩ, liền trở nên im thinh thích. Tất cả đều quay đầu tìm xem ai là người vừa nói câu đó, thấy Huệ Năng trong bộ quần áo dân quê lam lũ, dáng dấp tầm thường, mọi người đều chưng hửng, nửa tin nửa ngờ. Chỉ có Pháp sư Ấn Tông là người thấy rõ hơn ai hết, ông ta kề tai nói nhỏ với thị giả:

 

- Ðợi cho ta giảng kinh xong. Bây giờ ông nên đi mời vị cư sĩ đang đứng cạnh góc tường ngoài hành lang, đến phòng ta chờ một chút.

 

Ấn Tông nói xong, bèn kết thúc buổi giảng kinh, yêu cầu mọi người trở về suy ngẫm vấn đề đang được thảo luận vừa rồi. Ấn Tông quay về phòng, mời Huệ Năng an tọa xong, kế đó hỏi ngài về những ý nghĩa thâm sâu của Phật pháp. Huệ Năng trả lời suôn sẻ, ý nghĩa vừa sâu xa, vừa hợp tình hợp lý, mà lại ít dùng chữ nghĩa trong kinh luận. Ðiều nầy làm cho Ấn Tông vừa kinh ngạc vừa kính phục. Ông ta biết người đối diện mình không phải là một kẻ tầm thường, bèn hỏi:

 

- Hành giả chắc chắn không phải là một kẻ tầm thường. Tôi từ lâu có nghe rằng y bát của Tổ Hoằng Nhẫn đã được truyền về phương nam, chẳng biết có phải là hành giả hay không?

 

Huệ năng trả lời:

 

- Dạ, kẻ tàm quí nầy không dám.[xviii][18]

 

Ấn Tông nghe nói, biết rằng Huệ Năng là người được truyền y bát, ông ta bèn phá lệ, vội vàng xuống ghế làm lễ ra mắt[xix][19], kế đó thỉnh cầu Huệ Năng đem y bát ra cho mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng lễ lạy. Ấn Tông bèn hỏi Huệ Năng:

 

- Ngũ tổ Hoằng Nhẫn lúc đem y bát truyền cho Ngài, Tổ còn có dặn dò gì thêm nữa không, như vấn đề thiền định giải thoát chẳng hạn?

 

- Tổ chẳng có dặn dò điều gì đặc biệt cả!

 

Ấn Tông tỏ vẻ nghi ngờ:

 

- Thế à! Làm sao có thể như thế được?

 

Huệ Năng thấy Ấn Tông không hiểu ý mình, liền nói tiếp:

 

- Chẳng qua, Tổ chỉ nói đến ý nghĩa "kiến tính thành Phật", còn như vấn đề thiền định giải thoát, Tổ chưa đề cập đến.

 

Ấn Tông vẫn chưa hiểu rõ, bèn tiếp tục hỏi:

 

- Kẻ tu hành tọa thiền, do công phu của thiền định mà được giải thoát. Ðây là sự kiện mà mọi người đều biết đến, tại sao Ngũ tổ lại không đề cập đến vấn đề nầy?

 

Huệ Năng trả lời:

 

- Phật pháp là pháp bất nhị[xx][20], còn sự tu thiền định cầu giải thoát đã bao hàm hai pháp: một là kẻ muốn cầu sự giải thoát, hai là pháp đem đến sự giải thoát. Ðây không phải là chỗ cứu cánh của Phật pháp, cho nên Tổ không nói đến.

 

Ấn Tông lại hỏi:

 

- Nếu vậy, như thế nào mới gọi là pháp môn bất nhị trong Phật pháp?

 

Huệ Năng nói:

 

- Pháp sư mỗi ngày đều giảng kinh Niết Bàn, chắc cũng biết là "sự thấy rõ Phật tính" tức là pháp bất nhị. Mọi người xưa nay đều vốn đầy đủ Phật tính, và Phật tính nầy cũng không vì chúng sinh tạo nghiệp mà tăng thêm hoặc giảm bớt. Giống như trong kinh Niết Bàn, Bồ tát Cao Quí Ðức Vương đã từng hỏi Phật: "Bạch đức Thế Tôn, những kẻ phạm bốn giới trọng[xxi][21], hoặc những kẻ tạo năm tội nghịch[xxii][22], cùng những kẻ nhất xiển đề[xxiii][23], bọn họ có phải vì tạo ác nghiệp mà làm thiện căn Phật tính đoạn tuyệt hay không?" Phật đáp: "Thiện căn có thể phân làm hai loại: thường và vô thường. Thế nhưng Phật tính không phải thường, cũng không phải vô thường, cho nên không bị đoạn tuyệt, đây gọi là pháp môn bất nhị. Lại nữa, có thể đem sự vật phân thành thiện và bất thiện, đây là hai pháp. Thế nhưng Phật tính không phải thiện, cũng không phải bất thiện, không có phân biệt thiện ác, đây là pháp môn bất nhị". Các vật trên thế gian bị người đời phân chia thành muôn sự muôn vật, như đẹp, xấu, hay, dở ... Ðối với cái nhìn của người phàm thì có hai sự khác biệt, song người trí tuệ hiểu rõ Phật pháp, biết tất cả đều do nhân duyên sinh ra, đều không có tự tính, cho nên họ không có sự phân biệt. Cái chân tính không phân biệt nầy chính là Phật tính!

 

Huệ Năng giảng giải những điều mà Ấn Tông mới đề cập đến trong buổi giảng kinh vừa rồi, chẳng khác nào như chính ngài đang ở trên giảng tòa giảng cho mọi người nghe. Ðến đây, Ấn Tông đối Huệ Năng hoàn toàn kính phục, ông ta trong lòng tràn ngập một niềm vui chưa từng có, bèn chắp tay cung kính khen ngợi Huệ Năng:

 

- Chúng tôi giảng kinh chẳng khác nào như đá sỏi không có giá trị, còn Ngài giảng kinh thì giống như vàng ròng quí báu!

 

Nhân vì lúc đó Huệ Năng vẫn chưa chính thức xuất gia, do đó Ấn Tông bèn chọn ngày chuẩn bị làm lễ xuất gia cho ngài. Ngày mười lăm tháng giêng năm Nghi Phụng thứ nhất (TL 676), Pháp sư Ấn Tông chính thức làm lễ xuống tóc cho Huệ Năng, và xin lạy ngài làm thầy. Ngày tám tháng hai năm đó, Ấn Tông mời nhiều vị cao tăng đến làm lễ thọ giới. Trong buổi thọ giới, do ngài Luật sư[xxiv][24] Tuệ Tịnh ở chùa Linh Quang, đất Tô Châu, lo việc yết ma[xxv][25], chuyên phụ trách việc tuyên bố nhân duyên xuất gia của Huệ Năng. Ngài Luật sư Trí Quang ở chùa Tổng Trì làm thọ giới sư. Ngài Luật sư Thông Ứng ở chùa Thiên Hoàng, đất Kinh Châu, làm giáo thọ sư. Ngài Luật sư Kỳ Ða La, người Trung Ấn Ðộ, làm thuyết giới sư, và ngài Mật Ða Tam Tạng, người Tây Ấn Ðộ, làm chứng giới sư.

 

Tại đây, nơi mà ngài Pháp sư Trí Dược đã trồng cây Bồ đề, và nơi mà ngài Pháp sư Cầu Na Bạt Ðà đã lập giới đàn, Huệ Năng đã chính thức thọ giới cụ túc.[xxvi][26] Ðiều nầy ứng nghiệm với lời tiên đoán của hai ngài Trí Dược và Cầu Na Bạt Ðà hơn một trăm năm về trước.[xxvii][27]

 

Sau khi thọ giới hai tháng, Lục tổ Huệ Năng tại chùa Pháp Tính, nối tiếp Tứ tổ Ðạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, chính thức khai thị pháp môn thiền Ðông Sơn.

 

Mùa xuân năm Phụng Nghi thứ hai, Lục tổ rời chùa Pháp Tính, chuẩn bị trở về chùa Bảo Lâm. Buổi tiễn biệt, có hơn một ngàn người vừa xuất gia, vừa tại gia, cùng nhau rầm rộ đưa Lục tổ về Tào Khê. Ngài Luật sư Thông Ứng cùng hơn một trăm đệ tử cũng theo Tổ về Tào Khê tu học.

 

Sau khi Lục tổ về đến chùa Bảo Lâm, ngài cảm thấy cảnh chùa quá chật hẹp, không đủ chỗ cho một số người đến cầu học đông đảo như thế, bèn nghĩ cách mở rộng cảnh chùa. Thế nhưng, chung quanh đều là đất của người khác, Lục tổ không còn cách nào hơn là phải đi tìm người chủ đất tên Trần Á Tiên thương lượng về vấn đề nầy. Vị chủ đất nầy tính tình rất tử tế và ngay thẳng, vừa nghe Lục tổ đến tìm mình xin đất, ông ta liền hỏi ngài muốn cần bao nhiêu đất mới đủ.

 

Lục tổ nói:

 

- Tôi chỉ cần một khoảnh đất lớn như tấm tọa cụ nầy là đủ, không biết thí chủ có vui lòng bố thí hay không?

 

Á Tiên liền hỏi:

 

- Dạ thưa, không biết tấm tọa cụ của Tổ bao lớn?

 

Lục tổ bèn đem tấm tọa cụ ra cho Á Tiên xem, ngài nói:

 

- Không lớn bao nhiêu cả. Chỗ mà tôi muốn, chỉ lớn bằng tấm tọa cụ nầy, đủ chỗ cho tôi ngồi thiền hai bữa sớm chiều mà thôi.

 

Á tiên nghe nói, không thể nhịn cười được, bèn lớn tiếng cười ha hả. Ông ta cảm thấy rất hứng thú, bèn trả lời:

 

- Dạ không sao, tùy ý Tổ chọn lựa khoảnh đất mà Ngài vừa ý!

 

Nghe xong, Lục tổ bèn dẫn Á Tiên đến đỉnh đồi cao nhất trong vùng Tào Khê. Chỉ thấy Lục tổ mở tấm tọa cụ ra ném lên không trung. Lạ thay! Tấm toạ cụ nhỏ như vậy, lại càng lúc càng biến thành to lớn, giống như quả bóng được bơm hơi! Chẳng mấy chốc đã bao trùm hết vùng Tào Khê. Hơn nữa, lại thấy bốn vị Thiên vương đứng hầu ở bốn góc.

 

Á Tiên thấy được pháp lực thần thông của Lục tổ như thế, biết Tổ là một bậc chân tu thực chứng, chứ không phải là kẻ tầm thường, bèn nói với ngài:

 

- Dạ thưa Tổ, con đã thấy rõ pháp lực của Ngài thực là vô biên. Thế nhưng mồ mả của tổ tiên đều ở chỗ này. Hy vọng xin để lại ít đất hương hỏa, còn bao nhiêu con nguyện cúng dường cho Ngài hết.

 

Lục tổ nói:

 

- Tốt lắm, tốt lắm! Ðây là điều đương nhiên.

 

Sau đó, Lục tổ bèn đi xem xét khắp vùng, thấy nơi nào phong cảnh thanh tú ngài bèn lập một cảnh chùa. Trước sau, ngài lập được mười ba cảnh chùa như thế.

 

Trước chùa Bảo Lâm có một cái hồ nhỏ, nước trong vắt. Có một con rồng sống dưới đáy hồ, thường thường hiện ra tác yêu tác quái. Mỗi lần rồng xuất hiện thường thổi gió lớn, làm cho mặt hồ nổi sóng như gặp cơn bão dữ. Mọi người trong chùa đều sợ hãi, không ai dám đến gần bờ hồ.

 

Một hôm lúc rồng đang xuất hiện, Lục tổ bèn ra bờ hồ rầy mắng:

 

- Mi là đồ côn trùng nhỏ nhít mà cũng dám đến đây tác yêu tác quái. Mi chỉ biết hiện thân lớn để nhát người khác, mà không biết hiện thân nhỏ để làm thiện. Có gì là ghê gớm! Nếu mi thực sự là kẻ cao cường thì mi có thể biến nhỏ biến lớn. Mi thử biến nhỏ cho ta xem. Nếu được mới gọi là rồng thần.

 

Kỳ lạ thực! Lục tổ vừa nói xong, rồng liền biến mất. Chẳng bao lâu trên mặt nước yên lặng xuất hiện một con rắn, nhỏ như sợi dây bện bằng cỏ, bơi về phía Lục tổ. Ngài bèn đem bình bát ra, từ từ quì xuống bên bờ hồ, nói với rồng:

 

- Biến nhỏ biến lớn chưa có gì kỳ lạ, mi có đủ can đảm nhảy vào trong bình bát của ta hay không?

 

Rồng nghe Lục tổ thách thức, bèn bơi đến trước mặt ngài, không chút do dự nhảy ngay vào trong bình bát. Lúc đó Lục tổ thở phào một tiếng, mang bình bát quay trở về chính điện, vẻ mặt tươi cười rạng rỡ. Rồng nằm trong bình bát cảm thấy rất hoang mang sợ hãi, bèn vùng vẫy tìm cách thoát ra, nhưng làm cách nào cũng vô ích. Nó không biết phải làm sao, bèn nằm yên lặng, không còn dám cựa quậy nữa. Lục tổ bèn lên tòa thuyết pháp cho rồng nghe. Nghe xong, rồng liền thoát hóa[xxviii][28], biến thành một cụm khói xanh bay đi mất, chỉ để lại một bộ xương rồng dài độ bảy tấc. Về sau, vì muốn kỷ niệm, người trong chùa bèn lấp hồ lại cho bằng, trên đó xây một cái tháp sắt nhỏ để thờ bộ xương rồng nầy.

 

Lục tổ trở về chùa Bảo Lâm chẳng được bao lâu, danh tiếng của ngài đã được truyền đi khắp nơi, điều nầy làm cho thánh địa của Thiền tông càng lúc càng trở nên hưng thịnh.

 

Vào đời nhà Ðường, Tào Khê thuộc về đất Tiều Châu, huyện Khúc Giang. Lúc đó quan thứ sử của Tiều Châu, tên Vĩ Cừ, là một Phật tử thuần thành. Nghe tin y bát của Thiền tông đã được truyền về phương nam, lại nghe người kế thừa y bát là Lục tổ Huệ Năng đang trụ trì chùa Bảo Lâm ở Tào Khê, Vĩ Cừ cảm thấy rất hoan hỷ. Ðây là cơ hội hiếm có, ngàn năm một thuở, do đó ông ta bèn hướng dẫn một nhóm quan lại đến chùa Bảo Lâm, thỉnh Lục tổ đến chùa Ðại Phạm ở thành phố Khúc Giang khai thị Phật pháp cho nhân dân ở vùng đó. Sau khi nhận lời mời của Vĩ Cừ, Lục tổ đã đến chùa Ðại Phạm. Tại đây ngài lên tòa thuyết pháp. Mở đầu ngài nói đến gia thế của mình, về chuyện mình đã đi cầu pháp ở Tổ Hoàng Mai, sự thừa kế y bát, cùng sự kiện là sau khi được truyền y bát, ngài đã trải qua bao nhiêu sự gian nan khốn khổ. Ngài nói rằng trước khi ngài đến chùa Pháp Tính, sinh mệnh của ngài bị đoe dọa bởi sự nguy hiểm, cũng giống như chỉ mành treo chuông, không biết sẽ bị đứt lúc nào.

 

Kế đó Lục tổ nói:

 

- Hôm nay tôi có cơ hội được cùng các vị ngồi nơi đây, đều là do pháp duyên lành mà chúng ta đã cùng nhau gây tạo trong nhiều đời, đó là phước báo của mọi người đã nhiều đời trong quá khứ cúng dường Phật, vun trồng thiện căn. Do nhân duyên nầy mà các vị ngày hôm nay mới có cơ hội đến đây nghe được pháp môn truyền tâm đốn giáo nầy. Pháp môn nầy là do các bậc thánh nhân xưa đã đời đời truyền lại cho đến ngày hôm nay, chứ không phải do Huệ Năng tự đặt ra. Nguyện rằng mọi người sau khi nghe pháp môn đốn giáo nầy, đều có thể làm tâm thanh tịnh, dẹp trừ sự nghi ngờ. Dùng tự tính Bồ đề nầy, đều có thể thành Phật.

 

Ðại chúng nghe Lục tổ giảng xong, mọi người đều cảm thấy hoan hỉ, bèn lễ tạ mà lui ra.

 

Ngày hôm sau, thứ sử Vĩ Cừ bèn thỉnh Lục tổ giảng thêm, Lục tổ bèn lên tòa nói với mọi người:

 

- Trước hết, các vị nên đem tâm thanh tịnh, cùng nhau niệm Ma ha Bát nhã ba la mật đa.

 

Kế đó ngài nói tiếp:

 

- Các vị thiện tri thức, tất cả chúng sinh xưa nay vốn có đủ trí tuệ giác ngộ. Chỉ vì tâm địa bị mê hoặc, cho nên không cách nào tự mình giác ngộ, mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của các vị thiện tri thức. Phải biết là Phật tính của kẻ ngu si cùng người trí tuệ không có gì khác biệt. Bây giờ tôi sẽ vì các vị giảng pháp Ma ha Bát nhã ba la mật nầy, các vị nên chú tâm nghe tôi nói.

 

Các vị thiện tri thức, người thế gian tuy cả ngày miệng niệm "Bát nhã, Bát nhã", nhưng bọn họ không biết rằng Phật tính của mình đã có sẵn Bát nhã. Ðây cũng giống như có bọn người, ăn thì không chịu ăn, tuy cả ngày nói tên những món sơn hào mỹ vị, cũng chẳng làm cho bọn họ no bụng được. Học Phật cũng như vậy, nếu cả ngày cứ nói lý thuyết mà không chịu khó tu hành, thì có nói đến trăm ngàn vạn năm, cũng không cách nào thấy được tự tính của mình. Ðiều nầy không giúp ích được gì cho mình cả!

 

Kế đến Tổ bèn giải thích ý nghĩa của chữ "Ma ha Bát nhã ba la mật":

 

- Các vị thiện tri thức, Ma ha Bát nhã ba la mật là tiếng Ấn Ðộ, tiếng Ðường[xxix][29] dịch là Ðại trí tuệ đáo bỉ ngạn[xxx][30]. Học tập Phật pháp, phải chân thực buông xả sự trói buộc thế gian, nhìn thấu sự vật mới được, không phải chỉ là dùng miệng tụng niệm mà thôi. Nếu chỉ dùng miệng tụng, mà không đem trí tuệ Bát nhã ra tu hành, thì vẫn còn là kẻ đầy dẫy những vọng tưởng vô minh. Nếu học Phật như thế, chắc chắn là sẽ không đem đến hiệu quả nào hết. Cũng giống như sương mai buổi sớm, điện xẹt ngang trời, chỉ xuất hiện hoặc có mặt trong chốc lát rồi biến mất không còn gì. Trái lại, nếu miệng và tâm có thể hợp nhất, trong ngoài đều nhất trí thực hành, nếu như vậy thì có thể thấy được tự tính. Tự tính tức là Ðức Phật chân thực của mình. Nếu rời bỏ tự tính thì cũng chẳng có Phật. Ðức Phật có nói rằng ai ai cũng có thể thành Phật. Chỉ cần các vị "tu hành tự tính", đem luồng sáng của trí tuệ quay lại chiếu rọi chính mình, quay lại tìm cầu chính mình, không nên đi tìm Phật pháp ở ngoài tâm mình. Nếu được như vậy chắc chắn sẽ thành Phật.

 

Chữ "Ma ha" có nghĩa là gì? Ma ha dịch là đại (lớn). Ðiều nầy muốn nói là tâm mình phải nên rộng lớn như hư không, không có giới hạn, không có sự khác biệt về kích thước, hình dạng, màu sắc, mà cũng không nên phân biệt trên dưới, ngắn dài, cũng không có sự vui sướng hoặc giận dữ, cũng không có sự phân biệt thị phi, thiện ác, đầu đuôi, ... Cõi nước của chư Phật cũng rộng lớn như hư không. Cái diệu tính mà chúng ta vốn có cũng là không, xưa nay chưa từng được pháp nào hết. Cho nên nói:

 

Tự tính như hư không

Chân, vọng đều ở trong

Thấy rõ tự tính mình

Tất cả đều sẽ thông.

 

Tự tính chân không chính là như vậy.

 

Thế nhưng, cũng nên nói rõ, các vị ở đây nghe tôi giảng về Không, không nên chấp trước vào cái "không". Ðiều quan trọng nhất là không nên chấp trước vào cái "không"! Nếu như việc gì cũng không nghĩ đến, đem tất cả mọi vật trừ khiển làm cho không, tâm không mà thân cũng không. Ðem cái quan niệm mọi vật đều không như vậy, mà tu tập thiền định mong đạt được kết quả, thì cũng chỉ được một loại "vô ký không" mà thôi. Kẻ lạc vào vô ký không nầy, bên ngoài thì có vẻ như đoạn hết trần duyên vọng tưởng, kỳ thực vẫn chưa thấy được chân tâm, mà vẫn còn ở trong trạng thái u mê. Tuy là người đang sống, mà chẳng khác gì đã chết, việc gì cũng chẳng biết.

 

Các vị thiện tri thức, hãy nhìn thế giới mà chúng ta đang sống, vạn vật bao la, như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, núi, sông, đất, người lành, người dữ, ..., không có vật nào mà không ở trong hư không. Hư không cũng không nói: "Ông là người ác, tôi sẽ đuổi ông đi mau ra khỏi hư không, ông là người lành, tôi sẽ mời ông đi mau vào hư không". Hư không không biết phân biệt như vậy. Còn tự tính chúng ta thì sao? Cũng giống như hư không, bao hàm chứa đựng tất cả vạn vật.

 

Các vị thiện tri thức, như tôi vừa nói qua, các vị nên hiểu rõ tự tính vô cùng to lớn của mình bao hàm tất cả các pháp. Tất cả các pháp đều do tự tính mình sinh ra. Nếu như có kẻ giác ngộ được ánh sáng tự tính nầy, kẻ đó khi thấy người khác có những hành vi hoặc thiện, hoặc ác, hoặc tốt, hoặc xấu, kẻ đó không còn sinh ra ý tưởng ưa thích hoặc chán ghét, trong tâm không còn chấp trước. Tâm kẻ ấy cũng giống như hư không rộng lớn, đây gọi là đại (lớn), cũng tức là ý nghĩa chân thực của Ma ha.

 

Các vị thiện tri thức, người trí tuệ học Phật, thường thành thực với lòng mình, thực tiển tu hành, còn kẻ mê vọng lại chỉ nói lý thuyết, chỉ thích giảng nói toàn ba mớ "khẩu đầu thiền"[xxxi][31] mà thôi. Lại còn một loại người mê chấp, ngồi thiền với cái quan niệm tất cả đều là không, cho rằng việc gì cũng không nên nghĩ đến, việc gì cũng không nên làm, và cho rằng đây là sự chứng đạo, khai ngộ. Ðối với hạng người nầy, không nên nói Pháp cho họ. Vì sao? Vì bọn họ đã chấp trước vào cái gọi là "ngoan không"[xxxii][32] và vô ký không. Ðây là bọn tà tri tà kiến, chứ không phải chính tri chính kiến.

 

Lục tổ lại nói:

 

- Các vị đều là người trí tuệ, nên biết rằng tâm lượng của chúng ta rộng lớn bao trùm cả pháp giới nầy. Các vị có thể hiểu rõ cảnh giới của Phật pháp rộng lớn bao trùm tất cả. Một khi chân tâm phát sinh tác dụng, chúng ta có thể thấy rõ tất cả mọi vật trên thế gian nầy, giống như tấm gương lớn soi sáng vạn vật. Vật đến tức ảnh hiện trên gương, vật đi tức trong gương trống rỗng. Ðối với mặt gương, vạn vật đi lại tự do mà không có chướng ngại. Lại giống như mặt trăng trên trời, mặt trăng tuy chỉ là một, song nó sẽ chiếu đến bất cứ mặt nước nào, dù là mặt biển, mặt ao, mặt sông, mặt hồ. Mỗi nơi đều hiện ảnh của mặt trăng, cho nên số mặt trăng hiện trên mặt nước là vô lượng. Ðây không phải là ý nghĩa "một là tất cả, tất cả là một" hay sao? Nếu có thể nhận rõ tự tính mình, thì có thể tự do tự tại đối với tất cả sự vật, mà không bị chúng làm trở ngại. Ðây chính là trí tuệ Bát nhã.

 

Tất cả trí tuệ Bát nhã đều từ bản tính sinh ra, mà không phải từ sự vật bên ngoài. Do đó, chớ nên dụng tâm sai lầm, tìm cầu nơi sự vật ở ngoài tâm mình, như vậy mới gọi là người khéo dùng cái chân tâm của mình. Nếu mà dụng tâm đúng, thì tất cả mọi sự vật đều chân thực. Sự to lớn của cái tâm nầy, không phải là kẻ có trí khôn vặt, hoặc bọn bàng môn tả đạo[xxxiii][33] có thể hiểu rõ được. Tuyệt đối không nên chỉ có miệng nói "Phật tính hư không", nhưng trong tâm lại không theo lời dạy mà tu hành. Ðiều nầy cũng giống như người dân quèn mà tự xưng mình là vua, rốt cuộc cũng chẳng thực hiện được sự mơ ước hão huyền đó.

 

Nầy các vị, ý nghĩa rốt ráo của Bát nhã là gì? Bát nhã là tiếng Ấn Ðộ, tiếng Tàu gọi là diệu trí tuệ. Nếu có người, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, mỗi ý niệm đều minh bạch rõ ràng, không có mê muội vô minh, dùng trí tuệ xử lý tất cả mọi sự, đây gọi là người tu hạnh Bát nhã. Nếu như có một niệm vô minh sinh khởi, thì cái trí tuệ đó liền tiêu mất. Nói tiêu mất cũng chỉ là tỉ dụ, chứ không phải là cái trí tuệ chân thực hoàn toàn đoạn tuyệt. Bởi vì trí tuệ chân thực không sinh không diệt, làm sao mà tiêu mất được! Ðây chỉ có nghĩa là lúc đang ngu si thì Bát nhã không hiển hiện được, phải đợi đến hết ngu si thì trí tuệ mới hiện trở lại. Người đời vì ngu si mê muội thành thử không có cách nào biết được sự tồn tại của Bát nhã. Bọn họ thường thường miệng nói trí tuệ Bát nhã, trái lại trong tâm chấp trước những việc ngu mê, vậy mà vẫn tự cho là mình đang tu hạnh Bát nhã! Bát nhã không có hình tướng. Nếu trí tuệ phát sinh mà không còn vô minh thì gọi là Bát nhã. Khi hiểu rõ như vậy thì gọi là trí tuệ Bát nhã.

 

Còn Ba la mật có nghĩa gì? Ðây là tiếng Ấn Ðộ, có nghĩa là đến bờ bên kia. Nếu nói rõ hơn, có nghĩa là đã rời sự khổ đau sinh diệt, giải thoát sinh tử luân hồi. Bờ bên kia là gì? Nếu chúng ta đem phiền não ra tỉ dụ với biển lớn, thì bờ bên nầy tức là sinh tử, còn bờ bên kia tức là Niết Bàn. Chúng ta tại sao vẫn ở chỗ nầy chịu khổ não sinh tử luân hồi? Bởi vì chúng ta vẫn còn vọng niệm phiền não. Nếu chúng ta khởi tâm chấp trước mọi việc trên đời, thì chúng ta sẽ sinh khởi đủ thứ vọng niệm. Những vọng niệm nầy giống như gió lớn, làm cho mặt nước xưa nay vốn yên lặng, bỗng nhiên nổi lên từng đợt sóng to. Những đợt sóng trồi ngụp nầy tức là phiền não không ngừng sinh diệt, làm cho chúng ta bị khốn khổ. Thế nhưng, ngược lại nếu chúng ta có thể buông bỏ sự chấp trước, thì những cơn sóng phiền não nầy sẽ không còn sinh khởi nữa. Lúc đó mặt nước sẽ phẳng lặng trở lại, và chúng ta có thể đến bờ bên kia mà không bị trở ngại.

 

Các vị thiện tri thức, kẻ mê muội không giác ngộ, tuy miệng thì nói chuyện Phật pháp, thế nhưng trong tâm lại đầy dẫy vọng tưởng. Nếu học Phật như vậy, chắc chắn là không được gì hết. Chỉ có kẻ nào niệm niệm đều y theo trí tuệ Bát nhã mà thực hành, không làm điều ngu si, mới có thể y theo chân tính mình mà tu hành. Nếu hiểu rõ điều này, tức là hiểu rõ ý nghĩa của Bát nhã. Nếu không theo đây mà tu, thì gọi là kẻ phàm phu; y theo đây tu hành, tự thân sẽ thành Phật.

 

Lục tổ lại nói:

 

- Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ Ðề. Phật là từ địa vị phàm phu, tu tập hạnh Bát nhã mà thành Phật. Phàm phu chúng ta nhân vì một niệm ngu si, không biết tu tập pháp Bát nhã, không biết thực hành hạnh Bát nhã, cho nên bị tình dục trói buộc mà trở thành phàm phu. Còn nếu chúng ta biết rõ điều này, sau khi đã giác ngộ, chúng ta sẽ giống như Phật; cho nên nói phàm phu tức là Phật. Phiền não cũng như vậy. Nếu như chúng ta khởi một niệm chấp trước vào sự vật, ngay lúc đó sẽ sinh ra biết bao nhiêu phiền não. Nếu mà có thể buông bỏ được niệm chấp trước nầy, thì phiền não sẽ không sinh ra; do đó nói phiền não tức Bồ Ðề. Tức là phải xem cái tâm chúng ta chuyển biến như thế nào!

 

Các vị thiện tri thức! Ðiều mà tôi giảng vừa rồi tức là Ma ha Bát nhã ba la mật, là pháp tôn quí nhất, cao thượng nhất, đệ nhất trong Phật pháp. Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều từ đây mà sinh ra. Các vị nếu muốn học tập, phải dùng đại trí tuệ phá trừ năm uẩn phiền não trần lao, làm cho ba độc tham sân si biến thành giới định tuệ. Tu hành như thế nhất định sẽ thành Phật.

 

Các vị thiện tri thức! Pháp môn nầy là từ một Bát nhã sinh ra tám vạn bốn ngàn trí tuệ. Vì sao? Bởi vì người thế gian có tám vạn bốn ngàn phiền não khác nhau. Nếu người thế gian không có phiền não, thì lúc nào cũng sẽ tự nhiên phát hiện tự tính trí tuệ của mình, mỗi niệm đều không rời tự tính Bồ đề của mình. Người nào hiểu rõ pháp môn nầy, sẽ không còn sinh khởi vọng niệm. Nếu tâm không còn so đo chấp trước, không sinh khởi vọng niệm, tùy theo hoàn cảnh ứng dụng tự tính chân như của mình, dùng trí tuệ quán chiếu tất cả, đối với tất cả các pháp, dù sắc hay tâm, đều không tham luyến cũng không nhàm ghét; đây gọi là thấy được tự tính mà thành Phật.

 

Các vị thiện tri thức! Kẻ nào muốn tiến vào nhất chân pháp giới[xxxiv][34], cùng Bát nhã chính định[xxxv][35], nhất định phải tu hạnh Bát nhã. Ðọc tụng kinh Kim Cương Bát nhã Ba La Mật, tức có thể thấy rõ tự tính mình. Phải nên biết rằng công đức của kinh Kim Cương là vô lượng vô biên. Ðiều này, trong kinh đã nói rõ ràng, ở đây không thể nói hết được. Pháp môn nầy là giáo pháp tối thượng thừa, chuyên vì người đại trí tuệ mà nói, vì người căn tính thượng đẳng mà nói. Kẻ nào căn tính trí tuệ thấp kém, nghe pháp môn nầy sẽ nghi ngờ không tin. Vì sao? Ví như trời mưa trên cõi Diêm Phù Ðề, thành thị, làng xóm đều bị chìm ngập cuốn trôi trong giòng nước lũ, giống như cọng cỏ, lá cây. Thế nhưng, nếu trời mưa xuống biển lớn, thì nước biển sẽ không có sự tăng giảm. Cũng như vậy, những kẻ có căn tính Ðại thừa, hoặc tối thượng thừa, nghe kinh Kim cương Bát nhã ba la mật, liền có thể khai ngộ, và nhân đây biết rõ tự tính mình vốn có sẵn trí tuệ Bát nhã. Ðây là do thường dùng trí tuệ Bát nhã quán chiếu sự vật, chứ không phải do sự dùi mài chữ nghĩa mà hiểu được. Cũng giống như nước mưa từ trên trời rơi xuống, không phải không có nguyên nhân, mà là do trời, rồng làm ra, làm cho tất cả chúng sinh, tất cả cây cỏ, hữu tình vô tình, đều nhờ vào nước mà sinh trưởng, phồn thịnh. Trăm ngàn giòng nước, đều chảy vào trong biển lớn, nhập thành một thể. Bổn tính trí tuệ Bát nhã của chúng sinh cũng giống như thế.

 

Các vị thiện tri thức! Người căn tính hạ liệt giống như cây cỏ nhỏ. Cây cỏ nhỏ một khi gặp cơn mưa lớn, đều bị gãy ngã, không còn có thể tiếp tục sinh trưởng. Người căn tính hạ liệt nghe pháp môn lớn nầy cũng giống như vậy. Thực ra, người căn tính hạ liệt cũng vốn có đủ trí tuệ Bát nhã giống như người đại trí tuệ, không có gì khác biệt. Nếu vậy, tại sao họ nghe pháp lớn mà không thể khai ngộ? Ðiều này là do sự chấp trước tà kiến của họ quá sâu nặng, phiền não tập khí đầy dẫy. Giống như mây đen che mặt trời, nếu mây không bị gió thổi tan, thì ánh sáng mặt trời sẽ không soi sáng được mặt đất. Trí tuệ Bát nhã, xưa nay vốn đủ, không có phân biệt nhỏ lớn; chỉ vì chúng sinh mê, ngộ khác nhau, mà đưa đến trí tuệ khác biệt. Nếu mê muội bổn tâm, sinh khởi tà kiến, chỉ tu hành bề ngoài, bỏ tâm mình mà tìm Phật, thì rốt cuộc cũng không thấy được tự tính của mình, đây gọi là kẻ căn tính hạ liệt. Còn nếu như hiểu rõ pháp môn đốn giáo này, không chấp trước vào sự tu hành bề ngoài, mà chỉ trong tâm giữ gìn chính kiến, tất cả phiền não trần lao không làm mình nhiễm ô, đây gọi là kẻ khai ngộ, thấy được tự tính.

 

Các vị thiện tri thức! Ðối với cảnh giới trong tâm ngoài tâm phải đều không một chút chấp trước, đi lại tự do trong sinh tử. Nếu có thể trừ khiển tâm chấp trước của mình, thì có thể thông đạt lý vô ngã, không còn sự chướng ngại. Nếu có thể tu hạnh Bát nhã như vậy, tức là không còn gì khác biệt với những điều mà kinh Bát Nhã đã nói.

 

Các vị thiện tri thức! Tất cả kinh điển cùng văn tự giáo pháp Ðại thừa, Tiểu thừa, mười hai phần giáo[xxxvi][36], đều là tùy theo căn cơ chúng sinh cao thấp khác nhau mà thiết lập. Nhân vì căn tính chúng sinh có thắng, có liệt, thành thử Phật mới giảng nói những kinh điển này. Nếu như không có người thế gian, thì cũng không có tất cả mọi vật. Cho nên phải biết tất cả các pháp đều từ người thế gian mà sinh ra, tất cả kinh điển đều vì người thế gian mà giảng nói. Bởi vì trí tuệ của người đời khác biệt, cho nên mới có kẻ ngu người trí, kẻ ngu si gọi là tiểu nhân, người trí tuệ gọi là đại nhân. Người ngu hỏi pháp nơi người trí, người trí giảng pháp cho người ngu. Nếu người ngu thốt nhiên tỏ ngộ, tâm địa sáng suốt, thì lúc đó sẽ không còn khác biệt với người trí nữa.

 

Các vị thiện tri thức! Lúc chưa giác ngộ, Phật cũng là chúng sinh, một niệm giác ngộ, chúng sinh cũng là Phật. Cho nên biết là vạn pháp ở trong tự tâm của mình. Nếu vậy, tại sao không từ tự tâm của mình mà trực tiếp thấy rõ chân như tự tính. Kinh Bồ Tát Giới[xxxvii][37] nói: "Cội gốc của giới tức là tự tính thanh tịnh không nhiễm ô". Nếu có thể biết rõ tự tâm, thấy rõ tự tính, đều có thể thành Phật đạo. Kinh Duy Ma Cật nói: "Ngay lúc đó bỗng nhiên sáng suốt, quay nhìn bổn tâm của mình". Nghĩa là thấy rõ bổn tâm của mình tức là chân Phật.

 

Các vị thiện tri thức! Tôi ở nơi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, chỉ nghe ngài thuyết pháp một lần, liền được khai ngộ, ngay lúc đó thấu được chân như bổn tính. Vì thế mới đem pháp môn đốn giáo nầy lưu truyền rộng rãi, làm cho kẻ học đạo cũng có thể tức khắc ngộ được Bồ đề. Mỗi người tự quán chiếu bản tâm mình, thấy được lý tính vốn có của mình. Nếu như tự mình không thể khai ngộ, thì cần phải tìm các vị thiện tri thức khác, nghĩa là những kẻ thấu hiểu pháp Tối thượng thừa, để họ trực tiếp chỉ dẫn đường chính cho mình. Vị thiện tri thức nầy là một đại sự nhân duyên[xxxviii][38], nghĩa là dạy dỗ, chỉ dẫn làm cho chúng sinh thấy được tự tính, vì thế tất cả thiện pháp sinh ra đều là nhờ vào thiện tri thức.

 

Xưa nay mọi người đều có sẵn Phật pháp ở trong tự tính của mình, nếu như vì ngu mê mà không thể tự ngộ thì phải cần tìm thiện tri thức đến chỉ dẫn mới có thể thấy được. Nếu như người có thể tự giác ngộ, thấy được tự tính của mình, kẻ đó biết rõ là mình không cần phải tìm kiếm các vị thiện tri thức ở ngoài. Còn nếu chấp trước là nhất định phải nương nhờ vào thiện tri thức mới tìm được sự giải thoát, thì điều nầy quyết chắc là một sự sai lầm. Tại sao vậy? Vì trong tự tâm của mình vốn có sẵn lực lượng trí tuệ của Chính nhân Phật tính, có thể làm cho mình tự giác ngộ. Nếu mình lại khởi tà kiến, làm mê muội tự tâm của chính mình, vọng tưởng điên đảo, thì bên ngoài dù có thiện tri thức dạy dỗ chỉ dẫn, cũng không thể cứu mình được. Nếu như có thể sinh khởi trí tuệ chân chính, quán chiếu sự vật, thì chỉ cần trong một sát na, có thể hoàn toàn tiêu diệt vọng niệm, do đây mà thấy được tự tính, và nhân sự khai ngộ này mà có thể trực tiếp tiến vào địa vị của Phật.

 

Các vị thiện tri thức! Do sự quán sát của trí tuệ, có thể làm cho chúng ta nhìn thấu được sự vật trong ngoài, nhận rõ chân tâm vốn sẵn có của mình, tức là đạt được sự giải thoát tự tại vô ngại vốn sẵn có của mình. Nếu được giải thoát vô ngại tức là nhập vào Bát nhã chính định. Bát nhã chính định tức là nhất tâm vô niệm. Tại sao gọi là vô niệm? Ðối với các pháp sắc, thanh, ..., tất cả cảnh giới mà mình thấy biết, tâm không ô nhiễm chấp trước, đây gọi là vô niệm. Lúc chân tâm phát sinh tác dụng, có thể biết rõ rằng cái tâm nầy bao trùm tất cả mọi nơi, nhưng cũng không chấp vào bất cứ nơi nào. Chỉ cần giữ cho tâm mình thanh tịnh, làm cho sáu thức lúc được sinh khởi từ sáu căn, đối với sáu trần không còn khởi niệm tham nhiễm chấp trước nào nữa. Ra vào tới lui tự do tự tại, thông dụng tự nhiên, mà không bị trì trệ chướng ngại. Ðây tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, cũng gọi là "vô niệm hành".[xxxix][39] Nếu như chấp trước vào quan niệm sai lầm là việc gì cũng không nghĩ tưởng đến, đem tâm niệm làm cho đoạn tuyệt, như thế sự hiểu biết sai lầm sẽ làm chướng ngại cho mình, đây gọi là bị pháp trói buộc, cũng gọi là biên kiến.

 

Các vị thiện tri thức! Kẻ nào thể ngộ được pháp vô niệm nầy, có thể thông đạt tất cả pháp mà không chướng ngại; kẻ thấu rõ pháp vô niệm, tự mình đã thấy được cảnh giới chư Phật; kẻ thấu rõ pháp vô niệm, cũng giống như đạt đến địa vị của Phật.

 

Các vị thiện tri thức! Ðời sau nếu có kẻ nào ngộ được pháp của tôi, nên phát nguyện đem pháp môn đốn giáo nầy, ở nơi những kẻ có cùng ý hướng, có cùng tâm nguyện, cùng nhau phát tâm tín thọ, phụng trì, giống như phụng sự Ðức Phật. Kẻ nào tinh tiến mà không thoái chuyển, nhất dịnh sẽ tiến nhập thánh vị. Kẻ nào có thể nhập thánh vị, phải nên đem cái tâm ấn đã được mật truyền cho mình truyền thọ cho kẻ khác, chớ nên đem chánh pháp của tông môn mà ẩn giấu. Ðối với kẻ ở tông phái khác, không phải cùng ý hướng, tâm nguyện với mình, không được vọng truyền[xl][40], mà làm tổn hoại pháp môn bọn họ đã tu từ trước, rốt cuộc cũng không lợi ích gì cả! Ðáng sợ hơn hết, là có một số người ngu si, không hiểu rõ ý nghĩa chân thực của tông môn, mà quay lại phỉ báng. Tôi có một bài kệ vô tướng, các vị phải nên ghi nhớ đọc tụng, không luận kẻ tại gia xuất gia, chỉ cần y vào bài tụng vô tướng nầy tu hành là đủ. Nếu như tự mình không chịu tu hành, chỉ nhớ suông những lời tôi nói cũng không ích lợi gì. Hãy nghe tôi đọc kệ:

 

Thuyết pháp thông, cùng tự tâm thông

Giống như mặt nhật ở trên không

Ta chỉ truyền thọ pháp đốn giáo

Ra đời cứu độ, phá tà tông.

Xưa nay pháp không phân đốn tiệm

Mê, ngộ nên thấy có nhanh chậm

Duy có pháp môn kiến tính này

Người ngu không thể nào hiểu rõ.

Nói ra, tuy là trăm ngàn lời

Hợp lại, lý thể chỉ là một

Trong nhà đen tối nhiều phiền não

Cần có mặt trời trí tuệ soi.

Tà niệm mà đến, phiền não đến

Chính niệm mà đến, phiền não trừ

Hai tướng tà chính đều không dụng

Thanh tịnh đến cảnh giới Niết Bàn.

Bồ đề vốn là tính giác ngộ

Nếu mà khởi tâm tức thành vọng

Tịnh tâm nằm ẩn trong vọng tâm

Tâm niệm nếu chính, không ba chướng.[xli][41]

Người đời nếu muốn tu Phật đạo

Tất cả pháp môn đều không ngại

Thường thường nên thấy rõ lỗi mình

Tức là sẽ cùng đạo tương ưng.

Chúng sinh đều đầy đủ Phật tính

Tu hành, chớ gây người phiền não

Nếu bỏ Phật tính mà tu hành

Cả đời cũng không thấy được đạo.

Bôn ba lặn lội hết một đời

Rốt cuộc chỉ tự làm áo não

Nếu như muốn thấy chân thực đạo

Hành vi chính trực tức là đạo.

Nếu mà tự mình không đạo tâm

Như kẻ đi đêm không thấy đạo

Nếu mình là kẻ chân tu hành

Không thấy lỗi lầm của thế gian.

Nếu mình chỉ thấy lỗi người khác

Tức là chính mình có lầm lỗi

Mặc người có lỗi, mình không lỗi

Nói lỗi người khác tức mình lỗi.

Chỉ nên trừ bỏ tâm thị phi

Tức là phá được giặc phiền não

Dù ghét, dù thương cũng chẳng màng

Duỗi hai bàn chân, nằm tự tại.

Nếu nghĩ đến việc độ người khác

Tự mình phải có đủ phương tiện

Ðừng để người khác khởi lòng nghi

Tức là tự tính mình hiển hiện.

Phật pháp thường ở nơi thế gian

Chẳng rời thế gian cầu chính giác

Nếu bỏ thế gian cầu Bồ đề

Cũng giống như đi tìm sừng thỏ.

Chính kiến là trí tuệ xuất thế

Tà kiến là mê muội thế gian

Tà chính hai bên đều quét sạch

Bồ đề tự tính sẽ hiển hiện.

Bài tụng nầy là pháp đốn giáo

Cũng được gọi là thuyền pháp lớn

Mê: nghe không ngộ, phí nhiều kiếp

Kẻ trí đốn ngộ trong sát na.

 

Bản dịch của Thiền sư Minh Trực:

 

Nói thông, tâm cũng thông,

Như mặt nhật trên không,

Duy truyền pháp thấy tánh,

Xuống thế phá tà tông.

Pháp vốn không đốn tiệm,

Mê ngộ có chậm mau,

Chỉ môn thấy tánh ấy,

Kẻ muội chẳng kham vào.

Nói tuy muôn việc đủ,

Lý hợp một không hai,

Trong lòng sanh khổ não,

Thường tu tuệ phát khai.

Tà tâm phiền não dấy,

Chánh đến phiền não tan,

Chánh tà đều chẳng dụng,

Thanh tịnh chứng Niết Bàn.

Bồ đế là tự tánh,

Tâm động tức vọng mông,

Tịnh tâm trong chỗ vọng,

Tâm chánh chướng tiêu vong.

Người tu theo chánh đạo,

Muôn vật chớ tỗn thương,

Lỗi mình hay xét thấy,

Mới hợp đạo chơn thường,

Muôn loài tự có đạo,

Chớ giết hại loài nào,

Lìa đạo mà tìm đạo,

Chung thân đạo khó vào.

Bôn ba qua một kiếp,

Rồt cuộc não phiền còn,

Muốn thấy nền chơn đạo,

Làm chánh ấy đạo chơn.

Ðạo tâm mình chẳng có,

Làm quấy đạo lìa xa,

Người thật lòng hành đạo,

Lỗi đời khá bỏ qua.

Nếu thấy người lầm lỗi,

Ấy mình lỗi chẳng sai,

Người lỗi, ta không lỗi,

Ta lỗi bởi chê bai.

Hãy trừ lòng tưởng quấy,

Phiền não phá tiêu tan,

Ghét yêu đừng để dạ,

Duỗi cẳng nghỉ thanh nhàn.

Muốn toan lo độ thế,

Phương tiện phải sẳn sàng,

Chớ để người nghi hoặc,

Tánh họ mới minh quang.

Phật pháp ở trần thế,

Không xa thế giác mà!

Bỏ đời tìm đạo chánh,

Sừng thỏ kiếm sao ra.

Chánh kiến là xuất thế,

Tà kiến ấy thế gian,

Chánh tà đêu phá hết,

Phật tánh hiện rõ ràng.

Tụng này là đốn giáo,

Cũng kêu đại pháp thuyền,

Mê, nghe kinh lũy kiếp,

Ngộ, thấy Phật tâm liền.

Õ

Cuối cùng Lục tổ nói:

 

- Hôm nay tôi ở chùa Ðại Phạm giảng pháp môn đốn giáo, bố thí cho tất cả chúng sinh trong pháp giới. Nguyện cho kẻ nào nghe được đều sẽ thấy được chính pháp, viên thành Phật đạo.

 

Lúc đó, thứ sử Vĩ Cừ, cùng mọi người nghe Tổ nói bài tụng vô tướng xong, ai cũng đều tự phản tỉnh, thấu rõ tâm tính mình. Tất cả đều tán thán:

 

- Thật là tuyệt diệu! Không ngờ có Phật xuất hiện ở đất Lĩnh Nam hoang vu man dã nầy. Chúng ta thực là có phúc báo vô tận!

 

Một hôm, thứ sử Vĩ Cừ tổ chức trai tăng, cung thỉnh Lục tổ cùng đại chúng tham dự. Sau khi dùng trai xong, Vĩ Cừ thay mặt mọi người cung kính thỉnh cầu Lục tổ lên tòa thuyết pháp. Vĩ Cừ cùng các vị quan liêu và mọi người cung kính đảnh lễ, kế đó ông ta hỏi Tổ:

 

- Ðệ tử chúng con nghe Tổ giảng pháp, thật là tuyệt diệu không thể nghĩ bàn. Hiện nay có một điểm nghi vấn, hy vọng Tổ mở lòng từ bi giải thích cho chúng con.

 

Lục Tổ nói:

 

- Có vấn đề gì cứ nói ra, tôi sẽ hết sức mình vì các vị mà giải thích.

 

Vĩ Cừ hỏi:

 

- Tổ hiện nay thuyết pháp, so với lúc Sơ tổ Ðạt Ma truyền tâm pháp, có phải là giống nhau hay không?

 

Lục tổ nói:      

 

- Ðúng vậy! Ðiều tôi đã nói chính là Tổ Ðạt Ma dùng tâm ấn tâm, là pháp chỉ thẳng vào tâm, thấy tính thành Phật.

 

Vĩ Cừ nói:

 

- Ðệ tử nghe nói, lúc Tổ Ðạt Ma vừa từ Quảng Châu đến Nam Kinh để hóa độ Lương Vũ Ðế, Vũ Ðế từng hỏi Tổ Ðạt Ma: "Tôi cả một đời xây cất chùa chiền, bố thí tài sản, cúng dường chư tăng. Xin hỏi những việc như vậy được công đức gì?" Tổ Ðạt Ma trả lời: "Chẳng có công đức gì hết!" Ðệ tử không hiểu rõ điều nầy, cúi xin Tổ giải thích.

 

Lục tổ trả lời:

 

- Không nên nghi ngờ lời nói của Tổ! Ðúng là không có công đức. Nên biết rằng xây chùa, cúng tăng, đây là trồng phúc điền, không thể gọi là công đức. Công đức chân chính ở trong tự tính pháp thân của chúng ta, mà không phải ở trong sự tu phúc báo thế gian. Vũ Ðế nhân vì không hiểu rõ, cho nên hiểu lầm phúc báo là công đức.

 

Như vậy công đức là gì? Nếu có thể khám phá Phật tính của mình, đây là công. Có thể nhìn chúng sinh một cách bình đẳng (không còn phân biệt), đây là đức. Khi một kẻ có thể tự mình đạt đến trình độ niệm niệm đều thấy được Phật tính của mình mà không chướng ngại, cái Phật tính chân thực tồn tại nầy phát sinh tác dụng kỳ diệu, đây là công đức. Bên trong, tâm khiêm hư là công; bên ngoài, hành vi giữ lễ nghi là đức. Không rời bỏ Phật tính của mình là công, lúc Phật tính phát sinh tác dụng, không bị vọng niệm chuyển đổi là đức. Nếu muốn cầu công đức pháp thân, y theo phương pháp này tu hành, thì đây là công đức chân chính.

 

Người tu công đức, trong tâm không có những niệm tà vạy, khinh thị người khác, đối với tất cả chúng sinh đều có cái nhìn bình đẳng, tôn kính. Ngược lại, nếu trong tâm thường khinh thị người khác, không thể đoạn trừ tập khí cống cao ngã mạn, như vậy làm sao mà có công? Phật tính mình bị vọng niệm che lấp, làm sao mà có đức? Ðây chính là hậu quả của sự tự cao tự đại. Bởi vậy mới nói: Mỗi tâm niệm của mình đều không có sự phân biệt cao thấp, sang hèn, mới là công. Tư tưởng, hành vi đều ngay thẳng, không lươn lẹo, mới là đức. Tự mình tu sửa tâm tính là công, tự mình cải đổi hành vi là đức. Công đức chỉ có thể tìm được nơi Phật tính của mình, chứ không phải là do bố thí của cải, cúng dường tăng ni mà có thể có được. Cho nên phúc đức và công đức có sự khác biệt. Chính Lương Vũ Ðế không hiểu ý này, chứ không phải là Tổ Ðạt Ma trả lời không đúng.

 

Vĩ Cừ lại hỏi:

 

- Ðệ tử thường thấy các vị tăng ni cũng như cư sĩ tại gia trì niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, phát nguyện cầu sinh Tây Phương Cực Lạc. Xin phép hỏi Tổ, không biết tu hành phương pháp này, có thực là vãng sinh thế giới Cực Lạc hay không?

 

Lục tổ trả lời:

 

- Ông hỏi vấn đề này rất hay. Ông nên cẩn thận chú ý nghe tôi nói. Ðức Phật lúc còn ở thành Xá Vệ, nói đến Tây Phương Cực Lạc, mục đích là muốn hướng dẫn, dạy dỗ chúng sinh. Trong kinh có viết rõ ràng, nói thế giới Cực Lạc cách đây không xa. Nếu theo khoảng cách mà nói có mười vạn tám ngàn dặm. Ðiều này có nghĩa gì? Nên biết rằng chúng sinh cùng Phật vốn không có xa cách, bởi vì có mười ác, tám tà[xlii][42] làm cách biệt, cho nên trí tuệ chúng sinh không cách nào hiển lộ; do đây mới cho rằng Tây Phương Tịnh Ðộ xa tít không thể đến được. Ðây là đối với chúng sinh căn cơ thấp mà nói. Nhưng cũng có những người trí tuệ cao siêu, là những kẻ bỏ ác làm lành, biết rằng tâm mình tịnh tức Phật độ tịnh, cho nên đối với những người nầy, nói rằng Tây Phương Tịnh Ðộ ở trước mắt.

 

Nói tóm lại, tuy rằng căn tính của mọi người có lợi, có độn khác nhau, thế nhưng Phật pháp không có gì khác biệt. Chỉ vì do sự mê chấp và khai ngộ khác nhau, cho nên khả năng thấy bản tính mới có mau, có chậm. Kẻ mê chấp hy vọng nhờ niệm Phật cầu sinh tịnh độ, còn kẻ đã khai ngộ thì biết rằng trước hết phải làm tâm mình thanh tịnh, chỉ cần tâm tính thanh tịnh, thì lúc đó mình đã đến cõi Tịnh độ của Phật.

 

Lục tổ sợ mọi người chưa hiểu, bèn nói tiếp:

 

- Ví như Thứ sử Vĩ Cừ là người phương đông, nếu Thứ sử có thể làm cho tâm mình thanh tịnh, không có tạp niệm tà niệm, thì cũng không có tội lỗi. Các vị thử nghĩ xem, người phương đông tạo tội, niệm Phật cầu sinh phương tây. Vậy tôi hỏi thử các vị, người phương tây tạo tội thì cầu sinh về chỗ nào? Người phàm ngu si, không hiểu rõ tự tính, cho nên mới nguyện đây nguyện kia, còn người trí tuệ, đến đâu cũng đều an lạc, đối với họ chỗ nào cũng là tịnh độ thanh tịnh, cho nên mới có câu: "Tất cả nơi chốn thường an lạc."

 

Do đây, chỉ cần tâm của Thứ sử không còn chỗ nào bất thiện, thì thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không xa, còn nếu trong tâm của thứ sử mà còn những điều tà ác, thì dù thứ sử có niệm Phật cầu vãng sinh, cũng không thể nào đạt được ý nguyện của mình. Cho nên hiện nay tôi muốn khuyên nhắc các vị, trước hết phải diệt trừ mười điều ác, tu mười điều thiện; đây cũng giống như đã đi về Tây Phương được mười vạn dặm đường. Kế đó diệt trừ tám điều tà, đây cũng giống như đi hết đoạn đường tám ngàn dặm còn lại. Nếu như niệm niệm đều thấy được Phật tính của mình, thì những điều mình làm mình nghĩ, luôn luôn sẽ ngay thẳng, bình đẳng. Nếu được vậy, chỉ trong khoảnh khắc có thể đến Tây Phương Tịnh Ðộ, có thể tức khắc thấy được Phật A Di Ðà.

 

Kế đó Lục tổ hỏi mọi người:

 

- Hiện nay tôi muốn cùng với các vị, trong khoảnh khắc, đem Tây Phương Cực Lạc dời đến trước mặt mọi người, để cho mọi người có thể nhìn thấy. Các vị có muốn thấy không?

 

Mọi người nghe rằng có thể nhìn thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều vui mừng. Tất cả cùng nhau cúi lạy Lục tổ, nói:

 

- Nếu ngay chỗ này có thể thấy được Cực Lạc, thì cần gì phải phát nguyện vãng sinh nữa. Cúi mong Tổ từ bi thị hiện Tây Phương Cực Lạc cho mọi người được thấy.

 

Lúc đó Lục tổ nói:

 

- Các vị thiện tri thức! Sắc thân của chúng ta cũng giống như một tòa thành lũy. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cũng giống như cửa ngoài, còn ý cũng giống như cửa trong của thành. Tâm là phần đất phía trong thành, còn chân như tự tính của chúng ta thì cũng giống như quốc vương thống trị thành lũy. Nếu như tự tính rời bỏ tâm địa (nghĩa là chúng sinh mê mờ tự tính), thì cũng giống như thành lũy mất đi quốc vương, lúc đó thành lũy của thân tâm sẽ bị hủy hoại (ví như chúng sinh bị đọa ba đường ác). Cho nên muốn cầu thành Phật, phải hướng vào chân như tự tính của mình mà cầu. Tuyệt đối không nên tìm cầu ở ngoài tâm mình. Ðang khi chân như tự tính bị mê mờ, thì Phật biến thành chúng sinh. Ðợi đến lúc chân như tự tính được giác ngộ, thì chúng sinh biến thành Phật. Nếu có thể sinh khởi tâm từ bi, các vị sẽ là Bồ tát Quán Thế Âm; nếu đối với tất cả chúng sinh đều có thể hoan hỉ bố thí một cách bình đẳng, các vị sẽ là Bồ tát Ðại Thế Chí; nếu có thể làm cho tâm mình thanh tịnh, tự thân sẽ là Phật Thích Ca; nếu có thể ngay thẳng bình đẳng, tự thân sẽ là Phật Di Ðà.

 

Ðang khi trong tâm có sự phân biệt chấp trước nhân ngã, thì cũng giống như mình đắp lên một quả núi Tu Di, tự làm trở ngại con đường thành Phật của mình. Nếu trong tâm khởi niệm tà ác, thì cũng giống như mình bị rớt vào biển lớn, đang bị phong ba bão táp. Phiền não trong tâm cũng giống như sóng lớn đang vỗ mạnh, còn những ý niệm độc ác trong tâm cũng giống như rồng dữ đang hung hăng mãnh tợn. Nếu tâm mà lươn lẹo, lừa bịp thì cũng giống như quỉ thần đang tác quái, làm cho chúng ta mê muội tự tính. Nếu chúng ta còn bôn ba luân chuyển trong cõi trần lao nầy, thì cũng giống như cá, rùa đang bơi lặn trong biển, tuy cả ngày bận rộn bơi qua bơi lại mà không có mục tiêu, lại cũng không biết mình bận rộn việc gì? Trong tâm nếu khởi sân hận, thì cũng giống như tạo ra một địa ngục lớn; còn kẻ ngu si thì cũng chẳng khác gì súc sinh!

 

Các vị thiện tri thức! Nếu thường tu thập thiện thì thiên đường sẽ đến nhân gian. Trừ bỏ sự phân biệt chấp trước nhân ngã, thì núi Tu Di chướng ngại con đường thành Phật của mình, sẽ sụp đổ. Nếu trừ bỏ niệm tà, thì nước biển khô cạn. Trong tâm không còn sinh phiền não, thì sẽ sóng lặng gió yên. Trừ bỏ tâm độc ác thì trong tâm không còn cá rùa. Từ trong tâm, làm thức tỉnh đức Như Lai tự tính của mình, thì có thể phóng ra ánh sáng dài muôn trượng. Ở ngoài thì có thể chiếu sáng sáu căn của mình, làm cho thanh tịnh không nhiễm, phá trừ sự tham luyến của sáu cõi trời dục giới. Ở trong, có thể phá trừ tham sân si, làm cho tội ác địa ngục đều tiêu trừ. Nếu vậy, từ trong ra ngoài, ánh sáng đều chiếu khắp; và như thế so với Tây Phương Tịnh Ðộ cũng không có gì khác biệt. Nếu như không theo đây mà tu hành, làm sao mà đến được thế giới Cực Lạc?

 

Mọi người sau khi nghe Lục tổ chỉ điểm, đều hiểu rõ tự tính chân thực cao quí của mình. Do đây tất cả đều cung kính cúi lạy Lục tổ, đồng thanh nói rằng:

 

- Phổ nguyện cho tất cả chúng sinh, kẻ nào nghe được pháp môn nầy, đều sẽ sớm được khai ngộ, cùng nhau chứng được quả Bồ Ðề.

 

Lục tổ nói:

- Các vị thiện tri thức! Nếu các vị thực tình muốn tu hành, ở nhà cũng có thể tu mà không cần phải xuất gia vào chùa. Người tại gia nếu có thể y theo pháp mà tu hành, cũng giống như người phương đông mà có tâm thiện, tuy ở phương đông cũng như ở tịnh độ. Còn người xuất gia mà không chân thực tu hành, cũng giống như người phương tây mà trong tâm vẫn còn niệm ác. Ðương nhiên đây chỉ là thí dụ, người ở Tây Phương Tịnh Ðộ trong tâm quyết không có niệm ác. Chỉ cần tự tâm các vị thanh tịnh không nhiễm, tức là tự tính Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

 

Vĩ Cừ lại hỏi:

 

- Người tại gia làm thế nào tu hành, kính xin Tổ từ bi chỉ bảo.

 

Lục tổ nói:

 

- Tôi sẽ nói một bài tụng vô tướng cho các vị nghe. Nếu y vào đây tu hành, thì cũng giống như cùng với tôi ở chung một chỗ, còn nếu không theo đây tu hành, dù có cạo đầu xuất gia cũng chẳng ích lợi gì. Lắng nghe tôi nói:

 

Tâm địa bình đẳng, cần gì trì giới

Hành vi chính trực, cần gì tu thiền

Biết ơn, phải nên hiếu dưỡng cha mẹ

Biết nhân nghĩa, trên dưới phải thương nhau

Muốn khiêm nhượng, trên dưới nên hòa thuận

Học nhẫn nhục, chớ nói lỗi kẻ khác

Nếu siêng năng như cọ cây tìm lửa

Trong bùn, nhất định sẽ sinh hồng liên.

Thuốc đắng, nhất định là món thuốc hay

Lời khuyên khó nghe là lời chân thực

Biết sửa lỗi lầm là người trí tuệ

Che giấu lỗi lầm, không phải người hiền.

Mỗi ngày đều làm lợi ích kẻ khác

Thành Phật đạo, không phải do bố thí

Bồ đề, chỉ nên hướng vào tâm tìm

Cần gì tìm sự hão huyền bên ngoài

Nghe xong, phải y vào đây tu hành

Thiên đường sẽ tại trước mắt mình.

 

Bản dịch của ngài Thiền sư Minh Trực:

 

Lòng bình đẳng đâu cần trì giới,

Làm việc ngay há đợi tu thiền,

Ân, song thân hiếu dưỡng cần chuyên,

Nghĩa, huynh đệ dưới trên tương ái.

Nhượng, hoà mục tôn ti đối đãi,

Nhẫn, muôn điều ác hại chớ gây,

Siêng tu như lấy lửa cọ cây,

Thì bùn lấm nở đầy sen đỏ.

Ðắng miệng ấy thuốc trừ bệnh khổ,

Nghịch tai là lời độ chánh trung,

Sửa lỗi lầm, trí tuệ phát sung,

Che tội quấy, tâm tùng đọa ác.

Năng làm phước, giúp người lợi lạc,

Ðạo nào do thí bạc mà thành,

Vốn Bồ đề cầu ở tâm thanh,

Ngoài mộng ão, muội manh nhọc kiếm.

Nghe nói pháp, lòng vâng tu niệm,

Cõi thiên đường mầu nhiệm thấy liền.

 

Sau cùng Lục tổ lại nói:

 

- Các vị thiện tri thức! Chỉ cần mọi người y theo bài kệ nầy mà tu hành, tự nhiên sẽ có thể thấy được tự tính, trực tiếp đi trên con đường thành Phật. Nhớ kỹ, nhớ kỹ! Tu hành phải tự y vào tâm mình. Người khác không thể nào giúp các vị. Tôi muốn trở về Tào Khê. Nếu các vị còn thắc mắc, lúc đó đến Tào Khê hỏi tôi.

 

Lúc bấy giờ, thứ sử Vĩ Cừ cùng mọi người, nghe Lục tổ nói xong, tất cả đều mở rộng được tầm mắt của mình, thu thập được nhiều lợi ích, và đều quyết tâm y giáo phụng hành.

 

Một hôm, Lục tổ giảng pháp cho đại chúng, ngài nói:

 

- Các vị thiện tri thức! Cái pháp môn mà tôi truyền thọ này, dùng thiền định và trí tuệ làm căn bản. Các vị không nên hiểu lầm, cho rằng thiền định và trí tuệ là hai sự kiện khác biệt. Sự thực, thiền định và trí tuệ đều cùng một thể. Thiền định là bổn thể của trí tuệ, còn trí tuệ là tác dụng của thiền định. Lúc trí tuệ hiện tiền, thiền định đã được bao hàm trong trí tuệ. Cũng giống thế, khi đang thiền định, thì trí tuệ cũng tùy thời hiện tiền. Nếu hiểu rõ điều này, mới gọi là tu hành định tuệ một cách quân bình[xliii][43]. Người học Phật tuyệt đối không nên nói "Trước phải có định lực, rồi sau mới phát sinh trí tuệ", hoặc nói "Trước phải có trí tuệ, rồi sau mới phát sinh định lực". Bởi vì kẻ nào ôm giữ cái nhìn như vậy, sẽ bị phát sinh ra những tình trạng trong ngoài bất nhất. Ví như ngoài miệng thì nói ngọt ngào, mà trong tâm chứa toàn điều ác. Những kẻ như thế, nếu nói họ có định tuệ cũng là phí lời. Bởi vì định tuệ không quân bình, thì cũng giống như nói suông về định tuệ mà thôi[xliv][44]. Chỉ có kẻ lời nói cùng nội tâm đều thiện, trong ngoài đồng nhất, mới có thể coi là định tuệ quân bình.

 

Như những điều đã giảng nói ở trên, tự mình phải hiểu rõ, tự mình lo tu hành, không phải chỉ là "đấu võ mồm" với kẻ khác về sự trước sau của định tuệ. Bởi vì, một khi trong tâm khởi lên ý niệm hơn thua, thì sẽ sinh ra ngã chấp và pháp chấp, kế đó lại sinh đủ loại chấp trước và phân biệt. Như vậy, không thể nào có định lực, mà trí tuệ cũng theo đó mà tiêu tán.

 

Các vị thiện tri thức! Tôi đã giảng nhiều về vấn đề liên quan đến định tuệ, thế nhưng rốt ráo phải dùng sự vật cụ thể nào để có thể hình dung định tuệ? Ở đây tôi sẽ lấy đèn và ánh sáng làm thí dụ. Thắp đèn thì ánh sáng sẽ đến, tắt đèn thì bóng tối sẽ trở lại. Ðèn là bổn thể của ánh sáng, ánh sáng là sự biểu hiện của đèn. Tên gọi tuy có hai loại khác nhau, sự thực chỉ là hai mặt khác nhau của cùng một thực thể. Bổn thể của cả hai là đồng nhất. Vấn đề định tuệ mà tôi đang nói đây, cũng giống như vậy.

 

Lục tổ lại nói tiếp:

 

- Thế nào gọi là Nhất hành tam muội? Nhất hành tam muội có nghĩa là tại bất cứ nơi nào, không luận là đi, đứng, nằm, ngồi, ..., trong bất cứ lúc nào cũng giữ tâm mình chính trực (ngay thẳng). Kinh Tịnh Danh[xlv][45] nói: "Chính trực tức là đạo trường, trực tâm tức là tịnh độ". Tuyệt đối không nên trong tâm thì xiểm trá, dua nịnh, gian dối, lươn lẹo, còn ngoài miệng thì nói là chính trực. Lại cũng không nên miệng nói nhất hành tam muội, mà trên thực tế lại không chịu dùng tâm chính trực tu hành. Nếu muốn đạt đến nhất hành tam muội, không những phải đem tâm chính trực đối xử với người với vật, mà còn phải đối với tất cả sự vật không nên chấp trước, không nên so đo. Thế nhưng, lại có những kẻ ngu si không hiểu, chấp trước quan niệm của mình, cho rằng chính trực tức là ngồi yên không động, không khởi vọng tưởng; và cho rằng đây là định lực, là nhất hành tam muội. Kẻ nào có kiến giải như vậy, có thể nói rằng họ cũng giống như là cây, đá; không những sai lầm, mà đồng thời, trên con đường tu hành trong tương lai, lại vì những sự sai lầm này, mà tự tạo ra rất nhiều trở ngại.

 

Các vị thiện tri thức! Ðạo là gì? Cái gọi là đạo, đáng lẽ phải linh động, thông suốt, giống như giòng nước chảy. Tại sao hiện nay lại trái ngược, đình trệ không thông? Kinh Kim Cương có nói: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". Chỉ khi nào cái tâm nầy không có chỗ trụ, nghĩa là không chấp trước vào cái có, cũng không chấp trước vào cái không, cũng không chấp trước vào pháp, thì cái đạo của mình mới giống như dòng nước lưu thông không ngừng được. Khi mà cái tâm nầy chấp trước vào pháp, thì gọi là pháp chấp; giống như con tằm làm kén, tự mình trói buộc chính mình. Nếu nói thường ngồi yên không nhúc nhích là nhất hành tam muội, thì khi xưa lúc ngài Xá Lợi Phất đang ngồi tĩnh tọa ở trong rừng, ngài Duy Ma Cật quyết chắc đã không trách mắng rằng: "Ngài ngồi ngay đơ như thế này có ích lợi gì? Cũng chẳng khác gì thây chết!" Ðiều này chứng tỏ rằng ngồi cứng đơ chẳng phải là phương pháp tu hành chính xác.

 

Lại có một số người khác dạy ngồi thiền, bắt đầu bằng phương pháp quán tâm, quán tịnh; cố gắng giữ cho tâm không khởi vọng niệm. Phương pháp này thực sự cũng không có gì là sai lầm; thế nhưng, những người tầm thường không hiểu ý nghĩa thâm sâu của nó, bèn cho rằng chỉ cần ngồi quán tâm làm cho không động, như vậy sẽ có công phu, sẽ có thiền; do đó sinh ra bao nhiêu sự chấp trước điên cuồng. Thí dụ như có rất nhiều người y vào pháp ngồi thiền, liền tự cho rằng mình khai ngộ. Chẳng biết họ làm thế nào để khai ngộ, vậy mà vẫn cứ tự cho rằng mình khai ngộ. Bởi vậy có rất nhiều người, nhân vì tu tập không đúng phương pháp, mà sinh ra khùng khùng điên điên. Vậy mà họ còn đem phương pháp đó dạy cho kẻ khác. Làm cho chúng ta đi đến đâu cũng thấy nhiều kẻ nhân vì tu thiền mà bị "tẩu hỏa nhập ma".[xlvi][46] Do đó chúng ta có thể kết luận rằng phương pháp tu tập này là hoàn toàn sai lầm.

 

Lục tổ lại nói:

 

- Các vị thiện tri thức! Phật giáo xưa nay vốn chẳng có pháp gì kêu là tiệm hay đốn. Thế nhưng, nhân vì căn tính của chúng sinh khác nhau, hoặc thông minh lanh lợi hoặc chậm lụt ngu si, mà pháp có khác nhau. Như người căn tính chậm lụt, phải học từ từ chậm rãi, mới có hy vọng thành tựu; không giống như người căn tính lanh lợi, chỉ cần trong phút chốc liền có thể khai ngộ. Thực ra, chỉ cần nhận thức bổn tâm mình, soi rõ bổn tính mình. Không luận xưa nay căn tính thế nào, đến cuối cùng vẫn có thể khai ngộ thành Phật, kết quả không gì sai khác. Hôm nay chúng ta thấy có những danh từ đốn tiệm khác nhau, chẳng qua là những tên gọi tạm thời dùng để thích nghi với tình trạng hiện tại mà thôi.

 

Các vị thiện tri thức! Pháp môn đốn giáo mà tôi truyền thọ, từ các vị tổ sư nhiều đời đến nay, một mực đều dùng vô niệm làm tông chỉ, vô tướng làm bổn thể, vô trụ làm căn bổn. Ở đây nói vô tướng, có nghĩa là tuy chung đụng với cảnh vật (hình tướng), mà vẫn có thể rời tướng (không chấp trước vào hình tướng). Nói vô niệm, có nghĩa là tuy sinh khởi ý niệm, song đều không có tà niệm. Còn nói vô trụ, tức là tự tính của chúng sinh, cũng gọi là Phật tính. Cái Phật tính này, xưa nay vốn không tương ưng với các pháp thế gian như thiện ác, đẹp xấu, nhẫn đến người thân kẻ thù, ..., cho nên lúc xảy ra các việc như cãi cọ, ẩu đả ..., phải nên quán sát những sự việc nầy là huyễn hóa không có thực; không nên chấp trước, lại cũng không nên nghĩ đến việc trả thù hoặc làm tổn hại người khác. Niệm niệm đều có thể buông bỏ, không còn hoài niệm đến quá khứ, thì đây gọi là vô trụ. Cho nên, nếu không như vậy, thì niệm trước, niệm giữa, niệm sau sẽ liên tục không dứt, do đây sẽ sinh khởi vô lượng vô biên phiền não, và trở thành một sự trói buộc. Chỉ cần có thể đối với các pháp, niệm niệm đều không chấp trước, tự nhiên sẽ không bị trói buộc. Ðây tức là ý nghĩa của vô trụ làm căn bản.

 

Kế đến, đối với ngoại cảnh, rời bỏ tất cả hình tướng, không để cho hình tướng nhiễm ô tâm mình, đây gọi là vô tướng. Nếu có thể như vậy, thì tự tính pháp thể của mình tự nhiên sẽ thanh tịnh, cho nên gọi là dùng vô tướng làm bản thể. Lại nữa, đối với tất cả cảnh giới, tâm không bị ngoại cảnh làm ô nhiễm, đây gọi là vô niệm. Vô niệm, không chỉ là tâm mình rời bỏ tất cả ngoại cảnh, mà còn phải làm sao khi cảnh giới xuất hiện, tâm không còn bị dao động, không sinh vọng tưởng mới được. Không nên cho rằng tất cả cái gì cũng không tưởng nghĩ đến thì có thể trừ diệt vọng niệm, đây là quan niệm sai lầm. Các vị thử nghĩ xem, nếu mà trong tâm không còn nghĩ tưởng gì hết, thì có khác gì người chết. Mà giả sử có chết, thì cũng sẽ đi đầu thai vào cõi khác. Rốt cuộc, chẳng phải là cũng giống hệt như vậy hay sao?[xlvii][47] Cho nên các vị học Phật phải suy ngẫm kỹ lưỡng, và hiểu rõ điều này. Không thể tự mình hiểu sai, lại còn đi dạy cho kẻ khác những sự sai lầm này. Ðây là điều không tốt! Có nhiều người vì ngu si, không hiểu ý nghĩa chân thực của Phật pháp, trái lại còn phỉ báng kinh điển, cho là kinh nói sai lầm. Ðiều này không thể chấp nhận được.

 

Các vị thiện tri thức! Tôi thiết lập vô niệm làm tông chỉ cho Phật pháp, là vì có một số người, mồm thì ưa nói "kiến tính, kiến tính", mà trên thực tế lại không chịu khó tu hành. Những người này không có chút định lực nào cả, mỗi khi đụng cảnh liền sinh tâm động niệm, mà thường thường toàn là những niệm bất chính; do đây mà sinh ra biết bao nhiêu phiền não. Sự thực, tự tính vốn là thanh tịnh, không có nhiễm ô, mà cũng chẳng có cái được thêm, hay bị bớt. Nếu có người nói càn là mình đã chứng đắc, lại nhân đây mà nói những điều càn rỡ về họa phúc, thì các vị phải nên hiểu rõ là bọn này còn đầy phiền não tà kiến, chứ không phải thực sự giác ngộ.

 

Kế đó Lục tổ nói tiếp:

 

- Các vị thiện tri thức! Tôi vừa nói về chữ "vô (không có)", không có cái gì? Còn nói đến chữ "niệm", niệm vật gì? Ở đây nói không có, tức là không có hai tướng sai biệt, không có những tâm tà vạy, trần lao vọng tưởng. Còn niệm tức là niệm chân như tự tính. Chân như tự tính tức là Phật tính của chúng ta, nó là thể của niệm, còn niệm là tác dụng của chân như. Cái niệm sinh ra bởi chân như, không giống như cái niệm sinh ra do sự kích thích của ngoại cảnh đối với mắt tai mũi lưỡi. Nếu chân như Phật tính mà mất đi, thì chúng ta cũng giống như đất đá không khác. Giả sử có mắt tai mũi lưỡi đi chăng nữa, cũng chẳng phát sinh được tác dụng gì! Dù là sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, nhờ cái niệm sinh bởi chân như mà có được sự thấy nghe nhiểu biết, song cái niệm đó, trong những tình cảnh như vậy, vẫn không bị ngoại cảnh làm mê muội. Chân như tự tính vĩnh viễn tự tại đối với tất cả mọi cảnh giới, cho nên kinh Tịnh Danh mới nói: "Khéo léo phân biệt chư pháp tướng, nơi đệ nhất nghĩa không dao động".

 

Pháp môn tọa thiền này, tuy cũng nói đến việc đình chỉ tất cả tư lự, chuyên tâm soi xét tâm tính, thế nhưng cũng không thể nhân đây mà gán ghép vào đó những cái tên như quán tâm, quán tịnh, bất động ... Nếu nói quán tâm, như vậy cái tâm đang quán sát tâm đó là vật gì? Chẳng lẽ lại có hai cái tâm? Nên biết rằng, cái tâm mà mình đang dùng quán sát đó, xưa nay vốn là huyễn hóa không thực, vì thế không nên chấp trước, lại càng không nên quan tâm đến nó!

 

Kế đó nói đến quán tịnh. Tự tính của chúng ta xưa nay vốn thanh tịnh không nhiễm, bởi vì có vọng tưởng cho nên mới che lấp chân như tự tính. Chỉ cần không còn vọng tưởng, thì chân như bổn tính tự nhiên sẽ thanh tịnh. Giả sử các vị khởi một vọng niệm, cho rằng nhờ quán tịnh sẽ làm cho cho chân như Phật tính trở nên thanh tịnh, điều nầy chỉ là vọng tưởng, chấp trước vào cái tịnh. Vọng niệm sinh ra không có thời gian hoặc nơi chốn nào cố định, chỗ nào mà chúng ta chấp trước, thì chỗ đó vọng niệm sinh ra. Ðiều rất đáng buồn cười là, sự thanh tịnh xưa nay vốn không có hình tướng, nhưng vì chúng ta muốn quán tịnh, cho nên ngụy tạo ra cái một tướng tịnh (hình tướng của sự tịnh), mà lại còn cho rằng quán tịnh để cầu cái tướng thanh tịnh là công phu của sự tu hành. Cái sự hiểu biết cùng đường lối tu hành như vậy, không những chướng ngại chân như tự tính, mà đồng thời lại bị cái tướng tịnh trói buộc.

 

Các vị thiện tri thức! Kẻ tu thiền ngồi yên bất động, phải làm thế nào mới là đúng cách? Trước hết, bất động có nghĩa gì? Bất động, không có nghĩa là thân thể ngồi yên không lay động, mà có nghĩa là tự tính xưa nay vốn không lay động. Khi nhìn thấy kẻ khác, không thấy sự đúng sai, mà cũng không chê khen sự thiện ác, được mất ..., của họ. Làm sao cho tất cả những sự vật ở ngoài không vướng mắc vào tâm mình, cũng giống như ánh trăng trên mặt sóng, mặt trăng là mặt trăng mà sóng là sóng. Ðây mới gọi là tự tính của mình như như bất động. Còn kẻ ngu si, tuy có thể giữ cho thân thể họ ngồi cứng đơ không động, thế nhưng mỗi khi mở miệng lại bắt đầu bàn chuyện thị phi của người khác. Tu hành như thế hoàn toàn đi ngược với chánh đạo, giống như phần trên tôi đã nói về quán tịnh, cả hai đều đi ngược với chánh đạo.

 

Lục tổ lại nói:

 

- Các vị thiện tri thức! Tọa thiền có nghĩa là gì? Học tập pháp môn này, phải làm sao cho tất cả đều tự tại không ngại. Ðối với ngoại cảnh, không luận là thiện ác, đẹp xấu, dều không khởi tâm động niệm, một mực điềm tĩnh an hòa, đây gọi là tọa. Trong tâm, làm sao thấy được tự tính xưa nay vốn không động, đây gọi là thiền. Còn thế nào gọi là thiền định? Ðối với ngoại cảnh, không chấp trước vào tất cả hình tướng, đây gọi là thiền, trong tâm không khởi vọng tưởng, tạp niệm, đây gọi là định. Nếu như với đối ngoại cảnh mà còn chấp trước, thì trong tâm chắc chắn sẽ không có định. Chỉ khi nào đối với ngoại cảnh không còn chấp trước, thì trong tâm mới không còn bị động loạn. Tự tính của chúng ta xưa nay vốn thanh tịnh không nhiễm, tự nó có thể sinh ra định; chỉ nhân vì khi nhìn thấy ngoại cảnh, tâm liền so đo nghĩ ngợi, bởi thế mới bị cảnh làm loạn. Nếu như, khi thấy ngoại cảnh mà có thể giữ cho tâm mình không loạn, thì đây mới thực là chân định. Cho nên mới nói: "Ðối ngoại, không chấp tướng gọi là thiền; đối nội, tâm không loạn gọi là định". Ngoài có thiền, trong có định, đây mới là thiền định chân chính. Kinh Bồ Tát Giới nói: "Bổn tính của chúng ta xưa nay thanh tịnh". Chỉ cần các vị, trong bất cứ lúc nào, đều có thể thấy được bản tính vốn thanh tịnh của mình, sau đó siêng năng tu tập, thực hành, tự nhiên sẽ có thể thành Phật đạo!

Õ

Một hôm, Lục tổ thấy một số đông Phật tử từ các nơi tụ tập về, thỉnh cầu được nghe thuyết pháp, ngài bèn lên tòa khai thị cho đại chúng:

 

- Các vị thiện tri thức! Sự kiện quan trọng nhất của sự tu hành Phật pháp là phải bắt đầu từ cái tự tính giác ngộ của mình. Không luận lúc nào, niệm niệm đều phải giữ gìn chính niệm, không được sinh khởi tà niệm, như vậy mới có thể làm tâm mình thanh tịnh. Cái pháp môn này, phải tự mình tu, tự mình hành, không kẻ nào khác có thể thế cho mình được. Nếu như các vị không biết cách nào độ thoát chính mình, không thấy được tự tính pháp thân của mình, không thấy được Ðức Phật trong tâm của mình, như thế thật uổng phí công lao của các vị đã từ xa đến đây nghe tôi nói pháp. Hôm nay, các vị có thể từ những nơi xa xăm đến đây, cùng tham dự buổi thuyết pháp này, tức là các vị đã có duyên lành. Bây giờ mời tất cả đều quì xuống, trước hết tôi sẽ truyền cho các vị "tự tính ngũ phần pháp thân hương", kế đó sẽ truyền cho các vị "vô tướng sám hối".

 

Mọi người nghe xong, đều quì xuống chắp tay. Lục tổ bèn giải thích ý nghĩa của ngũ phần pháp thân hương, ngài nói:

 

- Thứ nhất là giới hương, tức là trong tâm mình không còn nghĩ đến những việc thị phi, ghen ghét, thiện ác, bỏn sẻn, sân hận, nhẫn đến những việc cướp giật, giết hại, đây gọi là giới hương.

 

Thứ hai là định hương, tức là khi nhìn thấy tất cả cảnh giới, dù thiện dù ác, trong tâm đều không động dao, tán loạn, đây gọi là định hương.

 

Thứ ba là trí tuệ hương, nghĩa là không nên tự làm chướng ngại chính mình. Phải thường dùng trí tuệ quán soi chân như tự tính của mình, không làm việc ác. Ngay chính khi làm những việc thiện, trong tâm cũng không chấp trước, lưu luyến. Ðối với bậc trên, như cha mẹ, sư trưởng, phải cung kính tôn trọng; đối với kẻ dưới phải thương xót, lo lắng; gặp kẻ nghèo khổ, cô độc, phải nên giúp đỡ cứu vớt, đây gọi là trí tuệ hương.

 

Thứ tư là giải thoát hương, nghĩa là tự tâm không bám víu vào ngoại cảnh, đối với việc thế gian không tham cầu, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, an nhiên tự tại, không còn bị chướng ngại, trói buộc, đây là giải thoát hương.

 

Thứ năm là giải thoát tri kiến hương, tuy tự tâm không còn bám víu vào thiện ác, song vẫn không vì thế mà rơi vào cảnh giới "trầm không thủ tịch"[xlviii][48], ngồi yên một chỗ, việc gì cũng không chịu học, không chịu làm, và cho đấy là "Không". Phải nên tìm cầu sự tiến bộ, học rộng nghe nhiều, tìm cầu các bậc thầy hướng dẫn, nhận thức bản tâm mình, thông đạt giáo lý. Lúc tiếp xúc với người thế gian, phải bỏ tâm ích kỷ, tâm phân biệt nhân ngã. Một mực cho đến khi viên mãn Bồ đề, quyết giữ cho chân như tự tính nầy hào ly không biến đổi. Ðây gọi là giải thoát tri kiến hương.

 

Các vị thiện tri thức! Ðiều mà tôi vừa giảng về "ngũ phần pháp thân hương", các vị phải tự mỗi người từ tâm mình, bắt đầu từ từ tu hành, huân tập. Chớ nên bỏ tự tâm tự tính của mình, mà hướng ra ngoài tìm cầu.

 

Bây giờ tôi sẽ truyền cho các vị pháp "vô tướng sám hối", diệt trừ nghiệp chướng của ba đời, làm cho thân khẩu ý của các vị được rốt ráo thanh tịnh. Các vị hãy cùng nhau lặp lại những lời mà tôi nói:

 

- Ðệ tử chúng con, nguyện cho tất cả tâm niệm, từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai, niệm niệm đều không bị ngu si, mê chấp làm nhiễm ô. Hiện nay chúng con xin sám hối tất cả những ác nghiệp mà chúng con đã tạo, cùng những nghiệp ngu si, mê chấp, ... Nguyện cho tất cả tội chướng này, trong một sát na đều bị tiêu diệt. Từ đây cho đến tận vị lai, không còn sinh trở lại.

 

- Ðệ tử chúng con, nguyện cho tất cả tâm niệm, từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai, niệm niệm đều không bị kiêu mạn, gian dối làm nhiễm ô. Hiện nay chúng con xin sám hối tất cả những ác nghiệp mà chúng con đã tạo, cùng những nghiệp kiêu mạn, gian dối, ... Nguyện cho tất cả tội chướng này, trong một sát na đều bị tiêu diệt. Từ đây cho đến tận vị lai, không còn sinh trở lại.

 

- Ðệ tử chúng con, nguyện cho tất cả tâm niệm, từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai, niệm niệm đều không bị ghen ghét làm nhiễm ô. Hiện nay chúng con xin sám hối tất cả những ác nghiệp mà chúng con đã tạo, cùng những nghiệp ghen ghét, ... Nguyện cho tất cả tội chướng này, trong một sát na đều bị tiêu diệt. Từ đây cho đến tận vị lai, không còn sinh trở lại.

 

Kế đó, Lục tổ giải thích cho mọi người về ý nghĩa của chữ sám hối:

 

- Các vị thiện tri thức! Vừa rồi là phần vô tướng sám hối. Thế nhưng ý nghĩa của sám hối là gì? Sám có nghĩa là tự mình nói rõ (Hán: phát lộ) cho người khác biết tất cả tội ác mà mình đã tạo từ trước. Ðem những tội ác mà mình đã tạo ra như ngu mê, kiêu mạn, ghen ghét, ..., đến trước sư trưởng, bạn đồng tu, nói hết ra cho họ biết, và đồng thời bày tỏ sự ăn năn của mình, và thệ nguyện cương quyết sẽ không bao giờ tái phạm, đây gọi là sám. Còn hối có nghĩa là quyết đoạn trừ những tội ác trong tương lai. Từ hôm nay cho đến mai sau, đối với tất cả mọi hành vi như ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ghen ghét, ..., con nay đã giác ngộ, xin quyết tâm đoạn trừ, nguyện chúng vĩnh viễn không còn phát sinh. Ðây gọi là hối. Hai sự kiện nầy hợp lại, cho nên gọi là sám hối. Thế nhưng chúng sinh ngu mê, tuy biết sám những tội lỗi đã phạm về trước, trái lại không biết phải quyết tâm vĩnh viễn đoạn trừ những lỗi lầm của mình, điều này đưa đến hậu quả là, tội ác đã phạm về trước, không thể nào hoàn toàn được tiêu trừ, một mặt lại tiếp tục phạm thêm tội ác. Như vậy làm sao có thể gọi là sám hối?

 

Sau khi giải thích ý nghĩa của sự sám hối, Lục tổ bèn hướng dẫn mọi người phát bốn hoằng thệ nguyện:[xlix][49]

 

Tự tâm chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ;

Tự tâm phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn;

Tự tính pháp môn vô lượng, thệ nguyện học;

Tự tính vô thượng Phật đạo, thệ nguyện thành.

 

Kế đến, Lục tổ bèn giải thích ý nghĩa của bốn thệ nguyện này:

 

- Các vị thiện tri thức, tuy rằng hiện nay tôi hướng dẫn các vị phát nguyện, chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, thế nhưng các vị không nên hiểu lầm là hiện nay các vị nương cậy vào tôi cứu độ các vị. Các vị thử nghĩ xem, trong quá khứ có vô lượng vô biên chư Phật xuất thế, thế sao các Ngài không thể độ hết chúng sinh? Bởi vì nếu đã là tự tính, thì phải tự độ, cho nên các vị phải tự độ chính mình. Không nên cho rằng chỉ có chúng sinh ngoài tâm mình mới là vô biên, mà chính chúng sinh trong tâm chúng ta cũng là vô biên, chẳng hạn như tâm tà kiến, tâm lừa dối, tâm ác độc, tâm ghen ghét, tâm ngu mê, ..., tức là vô lượng vô biên chúng sinh ở trong tâm chúng ta. Nếu muốn độ những chúng sinh này, chỉ có sự tự nương tựa vào chính mình, còn người khác không thể nào giúp mình được. Tự tính tự độ có nghĩa là đem chính kiến độ tà kiến, đem giác ngộ độ mê chấp, đem trí tuệ độ ngu si, đem niệm thiện độ niệm ác, ... Như vậy, đem đại trí tuệ Bát nhã ra phá trừ những chúng sinh mê muội trong tâm nầy, làm cho mỗi chúng sinh đều có thể đạt đến trình độ là mỗi người đều tự độ mình, đây mới gọi là sự cứu độ chân thực.

 

Lại nữa, "phiền não vô tận thệ nguyện đoạn" có nghĩa là gì? Tức là đem tự tính trí tuệ Bát nhã của mình ra trừ diệt cái tâm hư vọng điên đảo. Nếu được như vậy, tức là vô tận phiền não tự nhiên sẽ bị đoạn trừ.

 

Còn "pháp môn vô lượng thệ nguyện học" là thế nào? Tức là chúng ta phải tự mình quán soi cái tự tính của mình, lúc nào cũng y theo chính pháp mà hành động. Ðây mới gọi là sự tu học Phật pháp chân chính.

 

Nếu các vị có thể thực hành ba điều trên một cách xác thực, hơn nữa thường y theo Phật pháp mà thực hành, đối với sự mê muội, cùng sự giác ngộ đều không chấp trước, làm cho trong tâm thường tràn đầy trí tuệ Bát nhã, không chỉ trừ khử vọng tưởng, mà cũng không chấp trước Õ"chân thực" (chân, vọng đều không chấp), bởi vì Phật tính không chấp trước vào bất cứ vật nào. Như vậy, không bao lâu sẽ thấy được Phật tính, và khi đó có thể thành tựu Vô thượng Phật đạo. Cho nên phải biết, các vị hôm nay phát nguyện "Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành", không thể chỉ nói bằng miệng mà thôi, mà lúc nào cũng phải nhớ đến thệ nguyện của mình, và theo đó mà nỗ lực thực hành.

 

Sau khi hướng dẫn mọi người phát bốn hoằng thệ nguyện xong, Lục tổ kế đó truyền giới "vô tướng tam qui y". Giới "vô tướng tam qui y" là thế nào? Tức là qui y Giác (Phật), lưỡng túc tôn; qui y Chánh (Pháp), ly dục tôn; qui y Tịnh (Tăng), chúng trung tôn. Lục tổ không những khuyến khích mọi người từ ngày hôm nay, nên lấy sự giác ngộ (Phật) làm thầy, mà còn khuyến dụ mọi người nên dùng sự qui y tự tính Tam bảo này, chứng nghiệm rằng mình có quyết tâm đoạn trừ sự mê tín vào tà ma ngoại đạo hay không.

 

Lục tổ giải thích như sau:

 

- Tự tính Tam bảo có nghĩa gì? Tức là chỉ cho tự tính Phật bảo, tự tính Pháp bảo, và tự tính Tăng bảo. Phật có nghĩa là sự giác ngộ, Pháp có nghĩa là sự chân chính, Tăng có nghĩa là sự thanh tịnh. Một người, nếu tâm mình đã qui y Giác (Phật), tức không còn tà vạy mê muội, mà muốn ít biết đủ (thiểu dục tri túc), do đây mà rời xa sự dụ dỗ, mê hoặc của tài sắc danh vọng, đạt được phúc tuệ đầy đủ, cho nên gọi là lưỡng túc tôn. Nếu tâm mình đã qui y Chánh (Pháp), tự nhiên không còn tà niệm, không những xa rời tà kiến, mà cũng không còn những sự chấp trước như ích kỷ, ngã mạn, tham ái, ... Nhân vì, sự qui y chính là một phương pháp quí báu để xa lìa sự tham dục, cho nên gọi là ly dục tôn. Nếu tâm mình đã qui y Tịnh (Tăng), thì tất cả những việc trần tục thế gian, nguyên nhân sinh ra những phiền não, ái dục, ..., sẽ không còn trói buộc mình được nữa. Tự tính không ô nhiễm, có thể nhận được sự tôn trọng, cung kính của chúng sinh, cho nên gọi là chúng trung tôn. Nếu có thể y theo những phương pháp vừa nói trên mà tu hành, thì đây là ý nghĩa của sự tự qui y.

 

Rất tiếc, những kẻ phàm phu không hiểu cái ý nghĩa này, đều cho rằng Tam bảo Phật Pháp Tăng, là những hình thức bên ngoài mà chúng ta thấy được, biết được (tức là trụ trì tam bảo[l][50]), mà quên mất cái tự tính Tam bảo trong tâm của mình. Kết quả là có rất nhiều người đi khắp nơi thọ qui y Tam bảo, rốt cuộc chỉ qui y cái hình thức bề ngoài, mà quên mất sự qui y quan trọng nhất là qui y tự tính Tam bảo trong tâm mình. Nếu như chúng ta chỉ qui y Tam bảo trên hình thức thế gian, thử hỏi các vị, Ðức Phật mà các vị qui y đó đang ở chỗ nào? Ngay đến Phật ở chỗ nào cũng không biết, như vậy chúng ta đang qui y với ai? Ðây không phải là đã phạm tội vọng ngữ rồi hay sao? Bởi thế, các vị phải nên dụng tâm quán sát kỹ lưỡng, tuyệt đối không nên hiểu lầm ý nghĩa này. Trong kinh nói rõ ràng, là muốn chúng ta qui y tự Phật (Phật của chính mình), chứ không muốn chúng ta qui y tha Phật (Phật ở ngoài mình). Nếu ngay cả Ðức Phật tự tính của mình mà mình không biết qui y, thì còn chỗ nào để mình qui y? Cho nên từ đây về sau, xin các vị qui y Tam bảo trong tự tâm mình. Quay vào, điều phục tự tâm mình; quay ra, phải tôn trọng người khác. Như thế mới có thể gọi là tự qui y.

 

Sau khi đã qui y tự tính Tam bảo rồi, bây giờ các vị lắng nghe, tôi sẽ giảng cho các vị ý nghĩa của "nhất thể tam thân tự tính Phật", giúp cho các vị có thể nhìn thấy tự tính tam thân, hiểu rỏ tự tính giác ngộ của mình. Xin các vị lặp lại lời tôi nói:

 

Từ sắc thân mình, qui y thanh tịnh pháp thân Phật

Từ sắc thân mình, qui y viên mãn báo thân Phật

Từ sắc thân mình, qui y thiên bách ức hóa thân Phật

 

Các vị thiện tri thức, cái thân thể (sắc thân) này, giống như cái nhà của chúng ta, cho nên không thể nói là qui y sắc thân. Còn ba thân Phật: pháp thân, báo thân, hóa thân, xưa nay vẫn có sẵn trong tự tính của chúng ta. Mọi người trên thế gian đều có Phật tính này, chỉ vì họ mê chấp không hiểu, không biết trong thân mình vốn đã có Phật, cho nên mới chạy đi tìm Ðức Phật ở ngoài. Sự thực, ba thân Phật này là từ tự tâm của chúng ta hiển hiện, không thể tìm được từ bên ngoài.

 

Kế đến, các vị nên chú ý nghe tôi giải thích, các vị sẽ biết rằng tự mình có thể tìm được ba thân Phật này trong tự tâm của chính mình. Trước hết, thế nào là Thanh tịnh Pháp thân Phật? Tâm tính của chúng ta xưa nay vốn là thanh tịnh không nhiễm, tất cả các pháp đều do cái tự tính này tùy nhân duyên sinh ra. Ví như, tâm nếu nghĩ việc ác, kế đó liền sinh ra hành động ác; nếu mà nghĩ đến việc thiện, thì sẽ sinh ra hành động thiện. Các pháp thiện ác tồn tại trong tự tính như vậy, cũng giống như bầu trời xưa nay vốn quang đãng, mặt trời mặt trăng xưa nay vốn sáng soi, thế nhưng, nhân vì bị mây đen che lấp, mà tạo thành hiện tượng trên sáng dưới tối (ví cho tự tính trong sáng, còn tâm thì nhiễm ô). Nếu như có một trận gió bỗng nhiên thổi ngang làm mây tan đi, thì bầu trời sẽ trở lại tình trạng trên dưới đều sáng (ví cho sự giác ngộ). Trí tuệ của chúng ta cũng giống như mặt trời mặt trăng; nếu chúng ta đam mê cảnh vật thế gian, thì tự tâm sẽ bị mây đen vọng niệm che lấp, làm cho trí tuệ bị bao phủ bởi sự đen tối. Giả sử lúc đó có thiện tri thức đến khuyên răn dẫn dắt, giảng cho nghe chân lý chánh pháp, trừ khử vọng niệm mê chấp trong tâm, thì mây đen sẽ bị thổi tan, và tự nhiên trong ngoài đều sáng suốt, tất cả các pháp trong tâm sẽ hiện ra một cách rõ ràng. Kẻ kiến tính cũng giống như vậy, cho nên gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật.

 

Vì thế, qui y tự tâm là muốn chỉ đến sự qui y Phật tính vốn có của mình, đây mới là sự qui y chân thực. Ý nghĩa của chữ "tự qui y" là sự trừ diệt những sự bất thiện trong tâm tính của mình, chẳng hạn như tâm ghen ghét, tâm dua nịnh, cùng những hành vi bất thiện khác. Thường thường nên kiểm điểm những lỗi lầm của chính mình, không bàn chuyện thị phi của người khác, nên tỏ ra khiêm tốn, nhân nhượng, hơn nữa, đối với bất cứ kẻ nào cũng đều phải cung kính, tôn trọng. Như thế mới xứng đáng với sự qui y tự tính của chính mình.

 

Còn Viên mãn Báo thân Phật là gì? Ví như một ngọn đèn có thể chiếu sáng bóng tối đã từng hiện diện cả ngàn năm; dù chúng ta có bị chìm đắm trong bóng tối của sự ngu si đến cả ngàn năm đi chăng nữa, chỉ cần một luồng ánh sáng trí tuệ chiếu đến, thì bóng tối này sẽ tức thời bị tiêu diệt. Bởi thế, việc gì đã qua để cho nó qua, việc gì chưa xảy ra, thì cũng không nên mơ tưởng hão huyền. Nên để mỗi niệm trong tâm lúc nào cũng viên mãn sáng suốt. Lúc nào cũng có thể thấy được Phật tính vốn có của mình. Thiện và ác tuy khác biệt nhau như trời với đất, xong xét kỹ, bản tính của chúng đều không có sai khác. Cái bản tính không khác biệt này gọi là thực tính. Cái thực tính này không bị thiện ác làm cho nhiễm ô, cho nên gọi là Viên mãn Báo thân Phật. Vả lại, thiện ác cũng chỉ trong một niệm. Nếu như trong tâm khởi lên một niệm ác, tuy nhỏ như sợi tơ, cũng đủ tiêu diệt tất cả các phúc báo nhân duyên mà chúng ta đã từng gầy tạo từ hàng vạn kiếp. Ngược lại, nếu như trong tâm hiện ra một niệm thiện, dù chỉ nhỏ như sợi tơ, thì cũng có thể làm cho tội ác mà chúng ta đã tích tụ nhiều như hằng hà sa, tiêu diệt không còn dấu vết, một mực cho đến khi chúng ta chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Nếu có thể làm sao cho mình trong mỗi niệm đều thấy được tự tính, không còn mê muội mà làm mất đi cái niệm kiến tính này, thì gọi là báo thân.

 

Còn Thiên bách ức hóa thân là gì? Nếu chúng ta không bám víu vào những việc tạp nhiễm của thế gian, thì tâm tính của chúng ta xưa nay cũng giống như hư không. Nếu như chúng ta khởi lên một niệm suy nghĩ đắn đo, thì sẽ sinh ra sự biến hóa. Ví như chúng ta nghĩ đến việc ác, thì tự tâm chúng ta biến thành cảnh giới địa ngục. Nếu như chúng ta nghĩ đến việc thiện, thì tự tâm biến thành cảnh giới thiên đường. Lúc suy nghĩ việc độc hại, tự tâm biến thành cảnh giới của rồng rắn. Suy nghĩ việc từ bi, thì tự tâm biến thành cảnh giới Bồ tát. Lúc chúng ta phát sinh trí tuệ, thì tự tâm biến thành cảnh giới cõi trời. Lúc chúng ta ngu si mê chấp, thì tự tâm biến thành cảnh giới của ba đường ác. Tự tính của chúng ta biến hóa vô cùng. Người ngu si không biết tự phản tỉnh, tự giác ngộ, cho nên thường thường sinh khởi niệm ác, từ niệm ác sinh ra hành động ác. Nếu như biết quày đầu hướng thiện, thì trí tuệ Bát nhã sẽ sinh ra, đây gọi là tự tính biến hóa Phật.

 

Cho nên phải biết, Pháp thân xưa nay vốn có sẵn đủ trong tự tính của mình. Chỉ cần niệm niệm có thể quán soi tự tâm của mình, thì gọi là Báo thân Phật. Từ Báo thân Phật này, không ngừng suy tư, vận dụng trí tuệ, đây gọi là Hóa thân Phật. Tự mình giác ngộ, tự mình tu hành, đây gọi là tự tính công đức, đây gọi là chân thực qui y. Còn thân thể chỉ là sắc thân, giống như cái nhà mà chúng ta đang ở. Nay đã ở trong nhà, tại sao lại còn gọi là qui y? Chỉ cần có thể hiểu rõ rằng trong tự tính mình có đủ ba thân, tức là thấy được tự tính Phật của mình.

 

Tôi có một bài tụng vô tướng, tặng cho các vị. Nếu mọi người có thể nhớ kỹ trong tâm, y theo đây mà tu hành, thì có thể làm cho ác nghiệp từ vô thỉ đến nay nhất thời tiêu diệt. Bài tụng như sau:

 

Người mê tu phúc, không tu đạo

Cho rằng tu phúc là tu đạo

Bố thí, cúng dường, phúc vô biên

Trong tâm ba ác vẫn còn tạo.

Nghĩ rằng tu phúc để diệt tội

Ðời sau được phúc, vẫn còn tội

Trừ gốc tội, nên hướng vào tâm

Nơi tự tính, siêng cầu sám hối.

Nếu gặp pháp sám hối Ðại thừa

Trừ tà, cải chánh, sẽ hết tội

Học đạo, thường nên quán tự tâm

Tức là có thể đồng chư Phật.

Chư tổ chỉ truyền pháp đốn giáo

Nguyện được kiến tánh, đồng một thể

Nếu muốn tương lai chứng pháp thân

Phải lìa hình tướng, rửa nội tâm.

Cần phải nỗ lực, đừng biếng nhác

(Vì) Nếu hơi thở dứt, đời sẽ dứt

Nên hiểu Ðại thừa, thấy tâm tính

Chí thành cung kính, chắp tay cầu.

 

Bản dịch của ngài Thiền sư Minh Trực:

 

Người mê muội phước cầu, Ðạo phế,

Tu phước điền dối kể Ðạo mầu,

Thí cúng nhiều, phước được trùng thâu,

Nhưng ba ác, tâm đầu sanh mãi.

Tưởng tu phước, tội trừ ác cải,

Sau phước dành, tội lại còn sanh,

Ngó trong tâm, gốc lỗi trừ thanh,

Tự tánh phải chơn thành sám hối.

Phép sám hối Ðại thừa lãnh hội,

Cải tà quy chánh, tội không sanh,

Học Ðạo thường xem tánh tịnh thanh,

Tức cùng Phật cũng thành nhất loại.

Phép đốn giáo Tổ ta truyền dạy,

Nguyện chúng đồng đặng thấy tâm nguyên,

Pháp thân nay mong đặng thấy liền,

Lìa phaáp tướng, tâm điền trong lặng.

Gắng thấy tánh, đừng lòng xao lãng,

Niệm sau lià ,đời hẳn phế vong,

Hiểu Ðại thừa, thấy đặng tánh Không,

Phải cung kính, hết lòng cầu học..

 

Các vị thiện tri thức, các vị nên nhớ kỹ bài tụng vô tướng này, và phải y theo đây mà tu hành. Nếu như có thể nhân đây mà đại ngộ, thấy được chân như bản tính, thì dù các vị có cách xa tôi ngàn dặm, cũng như đang ở bên cạnh tôi. Còn nếu không thể lĩnh ngộ, thì dù các vị có ở trước mặt tôi, cũng giống như đang cách xa tôi ngàn dặm. Nếu mà [chứng ngộ] được như thế, các vị cần gì phải lao khổ từ những nơi xa xăm tìm đến đây học tập Phật pháp. Chúc các vị ra về trong thân tâm an lạc.

 

Mọi người nghe Lục tổ nói xong, không ai mà không khai ngộ. Tất cả đều vui mừng, y giáo phụng hành.

 

Chú thích


[i] Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm: nghĩa là không nên chấp trước vào bất cứ chỗ nào, mà hiển hiện ra cái tâm diệu tâm sinh ra vạn pháp.

[ii] Hành giả: tức là kẻ tại gia ở trong chùa, đang chuẩn bị xuất gia.

[iii] Phúc báo hữu lậu: tức là phúc báo thế gian, không những chỉ có giới hạn, mà còn là nguyên nhân cho sự tiếp tục của sinh tử luân hồi.

[iv]Tức khắc thấy được: dịch từ chữ Hán "đương hạ tức kiến".

[v] Hậu liêu: phòng ngũ của chư tăng phía sau chùa.

[vi] Thầy giáo thọ: là vị tăng chuyên môn phụ trách việc giảng dạy giáo lý cho chúng tăng trong chùa.

[vii] Tám thước tàu, độ chừng hơn hai thước tây.

[viii] Ấn chứng: chứng nhận cho sự khai ngộ

[ix] Minh tâm kiến tính: Tâm địa sáng suốt, thấy được bản tính.

[x] Biệt giá: là một chức quan nhỏ, người mình gọi là thông phán.

[xi]Huệ Năng thân thể ốm yếu, không đủ sức nặng để đạp cối, do đó phải mang thêm đá trên người để tăng thêm sức nặng.

[xii] Minh sư: tức là vị thầy sáng suốt.

[xiii] Ngô Trọng Ðức giải thích bài kệ này như sau: Cái Phật tính, nguyên nhân của sự thành Phật này, thực sự mỗi người đều có đủ. Thế nhưng, kẻ phàm không hiểu rõ điều này, đều cho rằng phải dùng phương pháp này, phương pháp nọ để tìm cầu thì mới thành Phật, do đó mới đem cái tâm mong cầu này đi học tập Phật Pháp. Ðương nhiên, sự chứng đắc của họ trong tương lai, cũng chỉ là quả báo hữu lậu mà thôi. Kỳ thực, Phật tính của mỗi người đều đầy đủ, không có cái pháp nào ở ngoài tâm mà có thể tu thành Phật. Trong cái Phật tính không sinh không diệt, không có sự tham luyến tất cả cảnh giới, không sinh những vọng tưởng về thấy nghe hay biết, mà các pháp đều bình đẳng như hư không. Không nhân, không quả, không tính, không sinh.

[xiv] Ðông độ: tức là nước Tàu.

[xv]Câu chữ Hán đọc là: Năng giả đắc chi. (Năng giả có hai nghĩa: (1) Người có khả năng, (2) Người có tên Năng.)

[xvi] Bọn ác ôn đó, sau trận cháy rừng, cho rằng ngài đã bị chết thiêu, bèn cùng nhau bỏ đi. (Người dịch)

[xvii] Hiện nay ở gần biên giới của Quảng Ðông và Quảng Tây.

[xviii] Tàm quí: Hổ thẹn, cảm thấy không xứng đáng. Ðây là lời nói khiêm nhượng.

[xix] Theo giới luật, các bậc xuất gia không được lễ lạy người tại gia, dù đó là cha mẹ mình, song Huệ Năng là kẻ được truyền y bát, trên cương vị ngài đã là một vị tổ sư của một tông phái, thành thử Ấn Tông mới làm lễ ra mắt.

[xx]Pháp Bất nhị: Chư pháp thực tướng như như bình đẳng, không có phân biệt, cho nên gọi là bất nhị. Kiến tính tức là thiền định giải thoát. Thiền định giải thoát đều ở trong kiến tính. Phân ra thì là ba (kiến tính, thiền định, giải thoát), hợp lại thì là một. Nếu chỉ nói giải thoát thiền định mà không nói đến kiến tính, thì có hai pháp. Còn chỉ nói đến kiến tính mà không nói đến thiền định giải thoát thì là pháp bất nhị.

[xxi]Bốn giới trọng: tức là giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối.

[xxii] Năm tội nghịch: tức là giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu (hoặc phá hủy tượng Phật) và phá hòa hợp tăng.

[xxiii] Nhất xiển đề: tức là kẻ không tin lời dạy của chư Phật, thiện căn hoàn toàn bị đoạn diệt.

[xxiv] Luật sư: Trong Phật pháp, các vị tỳ kheo, một cách khái quát,Õ có thể phân làm ba loại: pháp sư (chuyên môn nghiên cứu về kinh tạng), luật sư (chuyên môn nghiên cứu về luật tạng) và luận sư (chuyên môn nghiên cứu vềÕ luận tạng). Còn các vị thông suốt cả ba tạng kinh, luật, luận thì được tôn xưng là Tam tạng pháp sư.

[xxv]Yết ma: yết ma là tiếng Phạn, tiếng Hán dịch là tác nghiệp, tức là một nghi thức tuyên cáo làm các sự việc như sám hối, thọ giới, v.v...

[xxvi] Giới cụ túc: Giới luật của tỳ khưu, tỳ khưu ni là phương tiện đầy đủ có thể đưa đến Niết Bàn, cho nên gọi là cụ túc.

[xxvii] Chùa Pháp Tính, vốn ở phía tây bắc thành phố Quảng Châu. Ðời Lưu Tống, có ngài Tam tạng Pháp sư tên Cầu Na Bạt Ðà La đến Quảng Châu trụ tại chùa. Ngài xây một pháp đàn, và dựng bia với lời dự đoán : "Ðời sau sẽ có một vị nhục thân Bồ tát sẽ ở nơi đây thọ giới cụ túc". Ðời Lương Vũ Ðế, lại có ngài Tam tạng Pháp sư Ấn độ tên Trí Dược cũng đến nơi nầy, tự tay trồng một cây Bồ đề, đồng thời dựng bia, và tiên đoán là: "Sau này một trăm bảy mươi năm sẽ có một vị nhục thân Bồ tát sẽ ở dưới cây Bồ đề này khai diễn Phật pháp Ðại thừa, cứu độ vô lượng chúng sinh". Sau đó ngài Trí Dược đến Tào Khê bảo dân làng xây chùa Bảo Lâm v.v...

[xxviii] Thoát hoá: Cởi lốt, biến thành vật khác.

[xxix] Tiếng Ðường: tức là tiếng Tàu đời nhà Ðường.

[xxx] Ðáo bỉ ngạn: có nghĩa là "đến bờ bên kia". Bờ bên kia tức là sự giải thoát.

[xxxi] Khẩu đầu thiền: Chỉ nói thánh nói tướng mà không chịu thực tế tu hành.

[xxxii] Ngoan không: Cho rằng tất cả đều là không, không nhân không quả (một loại đoạn kiến).

[xxxiii] Bàng môn tả đạo: Chỉ chung cho những kẻ không tin Phật pháp.

[xxxiv] Nhất chân pháp giới: tức là chư pháp thực tướng.

[xxxv] Bát nhã chính định: còn gọi là Bát nhã tam muội, nghĩa là khai trí tuệ, thấy được thực tướng của các pháp.

[xxxvi] Mười hai phần giáo (còn gọi là mười hai bộ kinh): Kinh điển Phật giáo, tùy theo thể tài mà phân ra làm mười hai loại khác biệt, chứ không phải chỉ có mười hai bộ như nhiều người lầm tưởng.

[xxxvii] Kinh Bồ Tát Giới: tức là kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới.

[xxxviii] Ðại sự nhân duyên: Ở đây là dẫn ý của kinh Pháp Hoa, nghĩa là vì một nhân duyên to tát mà chư Phật xuất hiện thế gian.

[xxxix] Vô niệm hành: sống trong cảnh giới mà mọi hành động đều không chấp trước, đều vô niệm.

[xl] Vọng truyền: Truyền thừa không đúng người, không đúng chỗ.

[xli] Ba chướng: tức là phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng.

[xlii] Mười ác: ngược lại với mười điều thiện, nghĩa là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời thô ác, nói lời vô nghĩa, tham, sân và si. Tám tà (Hán: bát tà): ngược lại với bát chính, nghĩa là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mệnh, tà phương tiện (tương phản của chính tinh tiến), tà niệm và tà định.

[xliii] Nghĩa là nên không quá thiên lệch về bên nào

[xliv] Nghĩa là không có định, cũng chẳng có tuệ.

[xlv] Tức là kinh Duy Ma Cật

[xlvi] Tẩu hỏa nhập ma: nói nôm na là thần kinh thác loạn.

[xlvii] Nghĩa là tiếp tục sinh tử, tiếp tục vọng niệm.

[xlviii] Trầm không thủ tịch: Câu này vốn chỉ cho các vị Thanh Văn cầu mau được chứng Niết Bàn, không nghĩ đến việc độ sinh; còn ở đây muốn nói là không nên lấy ít làm đủ, thỏa mãn với hiện tại mà không mong cầu sự tiến bộ. (Người dịch)

[xlix] Bốn hoằng thệ nguyện: bốn lời thệ nguyện lớn.

[l] Trụ trì tam bảo: Phật (hình tượng, xá lợi ...), pháp (kinh điển ...), tăng (tức là các vị xuất gia thọ giới ...).

--- o0o ---

Cập nhật ngày: 01-12-2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

心累的时候 换个角度看世界 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 生日快乐 描写家乡的桥的句子 ï¾ ï½ Hà nh お寺との付き合い 檀家 梵僧又说我们五人中 簡単便利戒名授与水戸 看完新闻联播的观后感 丢失菩提心的因缘 中国渔民到底有多强 地藏十轮经 chùa pháp bảo 人生是 旅程 風景 åƒäæœä½ Ï chua phuoc luu ä½ å æ æ 中国佛度 ÃÏ 多彩的活动作文六年级 崔红元 Tấm lòng của mẹ 義交 å BÃi Lửa 栃木県寺院数 TP メス 禅の旋 phan tich ngu uan vo nga làm thế nào để không trở thành nạn Lễ tưởng niệm húy nhật Đức 僧人食飯的東西 大学生贫困证明 义云高世法哲言 ペット僧侶派遣 仙台 Trái tim bất tử Kỳ 4 Sự thật về 即刻往生西方 ä ƒäº ä Làm thức uống bổ dưỡng từ đậu nành 淨界法師書籍 ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器 长寿和尚 Cho sanh tâm vô trú