công hạnh Tam Bộ Nhất Bái
LTS - Thời gian khá lâu trước đây, BS Nguyễn Thanh Giản, một ân nhân của Giao Điểm, gởi bài viết về "Công Nghiệp của Hai Thầy Thích Hằng Thiệt và Thích Hằng Châu", nhưng vì số trang của tạp chí Giao Điểm có giới hạn, nên bài viết được tóm lược với sự đồng ý của tác giả. Giao Điểm xin mời bạn đọc tìm biết về một quyết tâm hiếm có của hai vị sư người Hoa Kỳ.
Sự tiến bộ của khoa học ngày càng đẩy các tôn giáo Tây Phương vào bóng tối, và Phật Giáo được xem như dần dần sẽ thay vào chỗ trống tâm linh của con người ở Tây Bán Cầu.
Tại Hoa Kỳ có khoảng 6 triệu người theo Phật Giáo (chưa kể các di dân gốc Châu Á). Tại Ý có 39 ngàn Phật tử, Tin Lành có 100 nghìn, Chính Thống Giáo có khoảng 10 nghìn. Tại Pháp, Phật Giáo chiếm 5% dân số, Tin Lành 6%, Thiên Chúa Giáo chỉ còn 15%. Người Tây Phương theo đạo Phật hầu hết thuộc thành phần trí thức, khoa bảng. Họ theo Phật Giáo sau khi đã nghiên cứu và tự nguyện chứ không phải như đa số dân trong các nước nhược tiểu "theo đạo để có gạo mà ăn" hay theo đạo để dễ dàng đi Mỹ.
Thành phần tăng ni người Tây Phương được huấn luyện rất có qui củ, như quí độc giả thấy phần nào qua bài viết của Sư cô Karuna Dharma đăng trong "Tuyển Tập I Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới". Và sau đây là một trường hợp hết sức hi hữu về chí nguyện xuất gia của thầy Hằng Thiệt và thầy Hằng Châu người Hoa Kỳ.
Thầy Hằng Thiệt (Heng Sure) tên thật là Christopher, là một cầu thủ giã cầu (baseball) nổi tiếng, người Hoa Kỳ, sinh năm 1949 tại tỉnh Toledo, tiểu bang Ohio. Năm 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy xin xuất gia làm đệ tử Hòa thượng Tuyên Hóa chùa Vạn Phật Thành (San Francisco, Hoa Kỳ).
Vạn Phật Thành là một ngôi chùa rộng rãi, đủ tiện nghi, có trường trung học và đại học Phật Giáo, tọa lạc trên một ngọn đồi với diện tích đất là 480 mẫu tây. Hòa thượng Tuyên Hóa là một trong những bậc danh tăng đạo cao, đức trọng người Hoa đến truyền đạo tại Hoa Kỳ.
Để chứng tỏ quyết chí xuất gia, sau khi thọ giới xong, thầy Thích Hằng Thiệt cùng với một người bạn đồng tu, am hiểu Phật pháp tên là Hằng Châu, đã thực hiện một chí nguyện vô tiền khoáng hậu là, đoạn đường dài từ nhà ở thành phố Passadenna (Nam California) đến chùa Vạn Phật Thành (Bắc California) dài 1,300 km (gần bằng chiều dài nước Việt Nam), hai thầy cứ đi ba bước thì lại một lạy (tam bộ nhất bái) như quí độc giả thấy ở hình bìa báo Giao Điểm số 26 này. Với tâm chánh niệm, vui vẻ, ngày dùng một bữa cơm chay vào giờ ngọ. Suốt hai năm chín tháng, hai thầy đã đến Vạn Phật Thành. Để tỏ thêm quyết chí xuất gia của mình, hai thầy đã đi vòng quanh chùa, ba bước lạy một lạy, mất thêm một năm nữa mới ngừng chân.
Hòa thượng Tuyên Hóa viên tịch vào tháng 3, năm 1995, tất cả chương trình và sự nghiệp hoằng pháp đều phó chúc cho thầy Hằng Thiệt để hướng dẫn hằng trăm tu sĩ gồm nhiều sắc tộc tu học tại chùa.
Mặc dầu công việc đa đoan nhưng thầy Hằng Thiệt, năm nay 48 tuổi, có văn bằng tiến sĩ, vẫn thường xuyên đi thuyết pháp tại Trung Quốc (Thầy rất thông thạo tiếng Quan Thoại) và dạy Phật học tại đại học Berkely, Bắc California.
Trong một buổi tiếp xúc với thầy Hằng Thiệt trước đây tại Vạn Phật Thành, BS Nguyễn Thanh Giản ôn lại vài nét chính về lịch sử Phật Giáo tại Tích Lan, mà thời kỳ khởi đầu là do vua A Dục Ấn Độ cho hai người con của mình đến hoằng dương giáo pháp nơi đây, nên Tích Lan là một nước hoàn toàn theo Phật.
Thế kỷ 19, người Anh đô hộ xứ này, họ cưỡng bách dân chúng theo đạo Chúa để dễ bề thống trị. Phật Giáo tại Tích Lan trong thời kỳ bị xâm lăng chỉ còn 10% dân chúng vẫn còn theo Phật. Nhưng may nhờ có đại tá Henry Steel Olcott, người Hoa Kỳ, nỗ lực phục hưng Phật Giáo, nhờ vậy mà ngày nay Phật Giáo vẫn còn là quốc giáo tại Tích Lan.
Trong cái nhìn đầy sử tính và lòng yêu mến quê hương, BS Nguyễn Thanh Giản được thầy Hằng Thiệt hứa sẽ cộng lực với Giáo Hội Phật Giáo và Phật tử Việt Nam để sửa soạn cho Phật Giáo một lộ trình trước Thế Kỷ Mới. Để chứng tỏ quyết tâm ấy, thầy Hằng Thiệt sẽ Tam Bộ Nhất Bái từ cửa Hữu Nghị đến mũi Cà Mau.
Trên lộ trình, thầy sẽ dạy thiền và thuyết pháp cho quần chúng nếu chương trình nầy được giáo hội và chính quyền cho phép.
Đó cũng là một trong những chương trình mà Giao Điểm quan tâm và xin được góp sức với quí Phật tử khác để bảo trợ. Mong rằng mỗi một cư sĩ sẽ hợp lực với chư vị tôn túc để đẩy mạnh chương trình này./.
Source: Giao Điểm, số 26/ Spring 1997
Nguồn: www.quangduc.com