Có rất nhiều sử liệu ghi lại khác nhau về ngày, tháng, năm liên hệ
đến các sự kiện lịch sử đức Phật. Các nhà học giả Phật giáo và các
nhà nghiên cứu Phật học đã nêu nhiều lý do về sự sai biệt đó. Chẳng
hạn, Lương Khải Siêu trong tập "Phật học Nghiên cứu Thập bát thiên"
cho rằng: "Vì người Ấn Độ xem thường lịch sử, vả lại, quan niệm thời
gian của họ rất mơ hồ, nên những sách vở Ấn ngữ đối với niên đại
sanh diệt của đức Phật không một sách nào chép rõ ràng, minh xác"
(1). Về điều này, không hẳn là người Ấn không có quan niệm rõ ràng
về thời gian, hay không có quan niệm lịch sử rõ ràng. Lịch sử cho
thấy người Ấn có quan niệm lịch sử sớm nhất, đặc biệt là ở Phật
giáo. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều sử liệu qua năm Nikàyas và bốn
A-hàm (Àgamas), qua bia ký của vua A-dục (Asoka), trong Thiện Kiến
Luật, Tỳ-bà-sa, A-tỳ-đạt-ma v.v...
Người viết nghĩ rằng sự sai khác về các
niên đại lịch sử đức Phật có thể là do các lý do đơn giản sau đây:
- Lịch ghi của các nước thời xưa khác nhau, và các lịch ghi ấy lại
khác hẳn với Tây lịch mà thế giới hôm nay đang dùng, nó cũng khác
hẳn với âm lịch của Trung Hoa.
- Thời đức Phật tại thế, gồm cả kỳ kiết tập đầu tiên, các vị tu sĩ
thiếu điều kiện ghi chép, chỉ trùng tuyên. Khi trùng tuyên, các vị
đệ tử thường nhớ rõ nội dung giáo lý giải thoát mà khó nhớ đúng
ngay, tháng của các sự kiện lịch sử, hoặc không chú ý ghi lại các
ngày, tháng ấy... Cũng có thể các sử liệu ghi lại đúng các ngày,
tháng lịch sử, nhưng trải qua các thay đổi, chiến tranh, các thế kỷ
truyền thừa v.v... các sử liệu ấy bị thất lạc, hoặc bị ghi chép sai
lầm.
- Có khi do sự tranh chấp ảnh huởng giữa các học phái mà ngày, tháng,
năm ra đời của đấng Giáo chủ hay của hệ tư tưởng bị sửa lại khác đi,
như trường hợp cạnh tranh ảnh hưởng Phật, Lão, Khổng ở Trung Hoa.
- Cũng có thể có các tài liệu giả do ngoại đạo đánh tráo vào các tài
liệu lịch sử của Phật giáo để phục vụ ý đồ của ngoại gia'o.
- Cũng có thể do các lý do xã hội, chính trị của các thời đại, tài
liệu bị ghi lại lệch đi, hoặc do sự ghi chép chủ quan và bị giới hạn
của người biên khảo.
- Cũng có thể sử liệu được ghi lại và được điều chỉnh theo quan niệm
của bộ phái.
Qua một số lý do vừa nêu, chúng ta không phải quá bận tâm đến sự chính
xác của một số sự kiện lịch sử và các ngày, tháng, lịch sử của đức
Phật. Điều đáng ghi nhận nhất là hầu hết các sử liệu, gồm bia ký của
vua A-dục, đều xác nhận đức Phật là một nhân vật lịch sử, chứ không
phải là một nhân vật thần thoại, dù được nhìn dưới cái nhìn của Bắc
tạng hay Nam tạng.
Ở đây, người viết lược sử đức Thế Tôn dựa trên kinh tạng Nikàya, kinh
tạng A-hàm (Àgama), bia ký của vua A-dục, tài liệu của kỳ đại hội
Tổng Hội Phật giáo Thế giới họp lần II tại Tokyo năm 1952, với sự
tham khảo thêm tài liệu Phật giáo của Edward J. Thomas (tác giả cuốn
"The life of Buddha", "Buddhist Thought", "Early Budhist
Scriptures") và của Kimura Taiken (tác giả của bộ "Lịch sử Tư tưởng
Nguyên Thủy, Tiểu thừa và Đại thừa").
Bồ Tát Trước Khi Nhập Thai
Nam tạng và Bắc tạng nhìn khác nhau về đức Phật, Thượng tọa bộ và Đại
chúng bộ cũng nhìn khác nhau về Ngài.
Bắc tạng cho rằng đức Phật đã thành Phật từ lâu, kiếpy nà chỉ là thị
hiện. Nam tạng thì cho rằng kiếp này của Thế Tôn là kiếp cuối cùng
thành Phật; kiếp trước đây, Ngài là Bồ Tát ở cung trời Đâu-suất
(Tusita) -- cõi trời thứ tư trong sáu cõi trời Dục giới (Tứ thiên
vương, Tam thập tam, Dạ-ma, Đâu suất. Hóa lạc và Tha hóa tự tại).
Cõi này có bốn ngàn tuổi thọ, tương đương với năm trăm bảy mươi sáu
triệu năm của con người trên trái đất (theo kinh Đại Bổn, Trường Bộ
kinh III; kinh Hi Hữu Vị Tăng Hữu Pháp, Trung Bộ III; Vị Tăng Hữu
Pháp, Trung A-hàm, số 32 đại I, 469c; và Kinh Tập, Tiểu Bộ kinh).
Quan niệm của Bắc tạng thì tương tự với quan niệm tôn giáo của phần
lớn các tôn giáo khác, thường có khuynh hướng siêu thực, Thánh hóa
vị Giáo chủ.
Thượng tọa bộ thì nhìn đức Phật một cách hiện thực hơn, đi sát với các
sự kiện lịch sử. Nhưng cả hai Nam và Bắc tạng, đều xác nhận: trước
khi thành Phật, Thế Tôn được gọi là một Bồ Tát ở Đâu-suất.
Cách nay chín mươi mốt kiếp (1 kiếp "kappa, kalpa": bằng đời sống của
một thế giới, bằng một ngày đêm của cõi trời Phạm thiên, bằng bốn
ngàn ba trăm hai mươi triệu năm ở trái đất: theo Tự điển Sanskrit
của Amarasimhakosa), Thế Tôn Ti`-bà-thi (Vipassi) ra đời. Cách nay
ba mươi mốt kiếp, Thế Tôn Thi-khí (Sikhi), Tỳ-xá-phù (Vessasbhù),
Câu-lưu-tôn (Kakusandha), Câu-na-hàm (Konàgamana) và Thế tôn Ca-diếp
(Kassapa) đã ra đời. (Theo kinh Đại Bồn và Vị Tằꮧ Hữu Pháp, như vừa
trích dẫn ở trên).
Ở Đâu-suất, Thế Tôn luôn luôn an trú trong chánh niệm tỉnh giác. Một
lần, một số chư Thiên ở Đâu-suất và chư Thiên ở các cõi Sắc giới,
"các vị Trời trước đây đã được Thế Tôn Tỳ-bà-thi giáo hóa - thuật
lại cho Bồ Tát nghe về các sự kiện chư Thế Tôn trước đây đã ra đời
và thỉnh cầu Bồ Tát xuống trần để hóa độ chúng sinh". Nay là thời
điểm của đức Thế Tôn.
Bồ Tát Vào Thai Mẹ
(Theo kinh Hi Hữu Vị Tằng Hữu Pháp; Vị Tằng Hữu Pháp...)
Khi hết tuổi thọ ở Đâu-suất, Bồ tát chánh niệm tỉnh giác đi vào thai
mẹ, Hoàng hậu Ma-da (Màyadevi) ở kinh thành Ca-tỳ-la-vệ
(Kapilavatthu, Skt. Kapilavastu).
Bấy giờ một hào quang kỳ diệu, thắng xa hào quang chư Thiên, thắng xa
ánh sáng mặt trời, soi sáng khắp các cõi, khắp đến những nơi tối tăm
mà ánh sáng mặt trời không thể soi thấu, mười nghìn thế giới rung
động, chấn động mạnh Bồ tát ở trong thai mẹ như ở trong chiếc hộp
kim cương trong sáng, có bốn Thiên tử canh gác bốn góc trời, không
để cho loài Người hay khác loài Người xúc phạm đến thai nhi và Hoàng
hậu.
Trong lúc mang thai, người mẹ hưởng đầy đủ năm dục công đức (sắc,
thanh, hương, vị, xúc) và thấy rõ thai nhi như thấy rõ viên ngọc ở
trong lòng bàn tay, với đầy đủ các bộ phận của cơ thể, rất hoàn mỹ.
Thời gian mang thai là mười tháng. Trong thời gian này, tâm người mẹ
thường hoan hỷ, không khởi lên dục ý với bất cứ người khác phái nào.
Ngày Đản Sanh
(Theo kinh Đại Bổn; Vị Tằng Hữu Pháp...)
Theo truyền thuyết Phật giáo, mẹ của Bồ tát đứng mà sanh. Hoàng hậu
Ma-da sanh Hoàng tử nơi cội hoa Vô-Ưu, khi đang thưởng hoa ở vườn
Ngự Lâm-tỳ-ni (Lumbini). Khi ra khỏi lòng mẹ, Thái tử oai nghiêm như
một Pháp sư đang bước xuống Pháp tòa, sáng chói như một viên hồng
ngọc, thanh tịnh, không dính một chất dơ nào từ lòng người mẹ, chân
Thái tử không chạm đất, có bốn Thiên tử đỡ (rồi chuyển qua tay con
người), đặt Thái tử trước Hoàng hậu và thưa: "Hoàng hậu hãy hoan hỷ.
Hoàng hậu vừa sanh một vĩ nhân". Từ hư không có một dòng nước ấm và
một dòng nước mát tắm gội cho Thái Tử và Hoàng hậu. Thái tử đứng
vững chân, mặt hướng về phương Bắc, buớc đi bảy bước (đây là bảy
bước đi truyền thống của chư Phật), có lọng trắng che, nhìn khắp mọi
phương, rồi cất tiếng nói với giọng êm ả như tiếng chim
Ca-lăng-tần-già (sống ở Hi-mã), vừa trầm hùng như tiếng Ngưu vương,
rằng: "Ta là bậc Tối thượng ở đời. Ta là bậc Tôn kính ở đời. Nay là
đời sống cuối cùng, không còn sanh lại nữa".
Truyền thống kinh Bắc tạng và A-hàm (Kinh Đại Bản Duyên) cho rằng Thái
tử sanh ra từ hông bên hữu của Hoàng hậu, bước đi hay bước, tay chỉ
trời, tay chỉ đất mà nói rằng: "Trên trời và dưói đất chỉ có Ta là
hơn cả".
Bấy giờ, một hào quang kỳ diệu... chiếu khắp mưòi nghìn thế giới, các
thế giới đều chấn động, rung động.
Đại hội Phật giáo Thế giới họp kỳ II tại Tokyo (Nhật Bản), 1952, ghi
ngày Phật đản sinh là ngày trăng tròn tháng Vesaskha của Ấn Độ, năm
624 trước Tây lịch. Ngày, tháng, năm này dựa vào truyền thống của
Phật giáo Tích Lan. Theo đó, Phật lịch tính từ năm đức Phật nhập
Niết bàn, năm 544 trước Tây lịch.
Theo Edward J. Thomas trong cuốn "The life of Buddha as Legend and
History", ấn hành ở London năm 1956, thì ngày Đản sanh vào năm 563
trước Tây Lịch. Cách tính này dựa vào bia ký của triều đại các vua
xứ Ma-kiệt-đà, vua A-dục và Chandagupta, liên hệ đến sự kiện lịch sử
của đức Phật.
Theo tài liệu của Lương Khải Siêu, trong tập "Phật học Nghiên cứu Thập
bát thiên", dẫn chứng từ "Thiện Kiến Luật" thì Phật nhập Niết Bàn
vào năm thứ 35 vua Kinh Vương nhà Châu, hay là nhằm đời Ai Công năm
thứ 7 nước Lỗ, tức trước Tây Lịch 485 năm; liền sau khi Phật nhập
Niết bàn, Tôn giả Ưu-ba-ly (Upàli) kiết tập Luật tạng, lập nên bộ
Thiện Kiến Luật. Mỗi năm, vào ngày Tự tứ, bộ luật được dâng hương
cúng dường và ghi vào phía sau một điểm (chấm). Bộ luật này được
truyền thừa liên tục. Ngài Tăng-già-bạt-đà-la (Sanghabhadra) đem bộ
Luật sang Trung quốc vào đời Tề, năm 489 Tây lịch và dịch ra Hán văn
tại chùa Trúc Lâm, Quảng Châu. Ngày Tự tứ năm ấy ghi đến điểm thứ
967 (Dựa vào đây để xác định năm Phật nhập Niết bàn).
Thân Thế Hoàng Tử
(Theo Kinh Đại Bổn; Kinh Tập - Sutta Nipatta; bia ký của vua A-Dục; và
tài liệu Edward J. Thomas).
Thái tử tên là Tất đạt đa (Siddhattha, Skt. Siddhar-tha), thân phụ là
vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và thân mẫu là Hoàng hậu Ma-da (Màyà),
dòng dõi Thích Ca (Sakya, Skt. Sàkya), giai cấp Sát-đế-lợi (Khattya,
Skt. Kastriya), ở kinh đô Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu, Skt.
Kapilavastu) thuộc xứ Nepal Therai, Đông Bắc Ấn Độ.
Di mẫu của Thái tử là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahàpajapati) em ruột của
Hoàng hậu Ma-da, con gái của vua Anjana, dòng họ Koliya.
Bảy ngày sau khi đản sanh, hoàng hậu Ma-da thác sinh về cung trời
Đâu-suất. Bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề nuôi dưỡng Hoàng tử để về sau kế vị
vua Tịnh Phạn.
Tướng Mạo Của Hoàng Tử
(Kinh Đại Bổn, Kinh Tập, Tiểu Bộ Kinh).
Liền sau ngày Đản sanh, vua Tịnh Phạn cho mời các Ba-la-môn đến xem
tướng Thái tử. Các Bà-la-môn tâu rằng: "Thái tử có đủ ba mươi hai
tướng tốt, là một bậc vĩ nhân. Ai có đủ ba mươi hai tướng quý sẽ sẽ
là một Chuyển luân Thánh vương nếu sống tại gia; sẽ là một A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác nếu xuất gia". Riêng Đạo sĩ A-tư-đà (Asita) người tu
ở núi Hi-mã, vốn đã được nghe lời chư Thiên Tam thập tam bàn tán về
Thái tử rằng Người sẽ là bậc Chánh Đẳng Giác, quả quyết nói rằng
"Thái tử nhất định sẽ xuất gia, nhất định sẽ thành Phật và chuyển
bánh xe Pháp".
Ba mươi hai tướng quý của Thái tử gồm có:
1. Lòng bàn chân bằng phẳng.
2. Gót chân thon.
3. Ngón tay, ngón chân thon dài.
4. Tay, chân mềm mại.
5. Chân có màn da lưới.
6. Mắt cá tròn như con sò.
7. Ống chân như chân con dê rừng.
8. Tay dài đến đầu gối.
9. Tướng mã âm tàng.
10. Da trơn mượt, bụi không thể nào dính.
11. Mỗi lỗ chân lông có một lông mọc.
12. Màu da như đồng, màu sắc như vàng.
13. Lông mọc xoáy tròn về phía bên phải, màu xanh đậm như thuốc bôi
mắt.
14. Thân hình cao thẳng.
15. Bảy chỗ tròn đày.
16. Nửa mình trước thân sư tử.
17. Không có lõm khuyết giữa hai vai.
18. Thân cân đối như cây bàng (Nigrodha), bề cao của thân bằng bề dài
của hai sải tay dang rộng.
19. Nửa thân trên vuông tròn.
20. Vị giác hết sức bén nhạy.
21. Quai hàm sư tử.
22. Có bốn mươi răng.
23. Răng không khuyết hở.
24. Răng trơn láng.
25. Răng đều đặn.
26. Lưỡi rộng và dài.
27. Giọng nói êm ả như tiếng chim Ca-lăng-tần-già
28. Đôi mắt màu xanh đậm.
29. Có lông mi như con bò cái.
30. Có một sợi lông trắng mịn giữa hai lông mày.
31. Hai lòng bàn chân có hai hình bánh xe với một ngàn tăm xe.
32. Có nhục kế trên đầu.
Một số tài liệu khác còn kể thêm tám mươi vẻ đẹp phụ nữa.
Đời Sống Và Giáo Dục Của Thái Tử
(Theo các Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Kinh III; Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ
Kinh I; Đại Kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh I; Nidànakatthà, Tiểu Bộ
Kinh; Kinh La-ma, A-hàm; Đại I 775C).
Thuở nhỏ, Thái tử được vua Tịnh Phạn và Di mẫu cưng chiều, chăm sóc và
giáo dục rất hoàn mỹ, được mọi người yêu vì. Các danh sĩ
Tỳ-sa-mật-đa-la (Visvàmistra) dạy Thái tử về văn; San-đề-đề-bà
(Ksantidiva) dạy về võ kể từ năm bảy tuổi. Không bao lâu sau Thái tử
tinh thông văn võ.
Ngoài tài năng lỗi lạc, Thái tử được các bậc thầy và mọi người quý
kính về đức hạnh và tình người.
Trong một buổi lễ xuống ruộng (hạ điền) do nhà vua chủ trì, giữa lúc
các thị nữ mải mê xem lễ, Thái tử, bấy giờ còn nhỏ, một mình ngồi
kiết già dưới cội cây Gioi (Rose-apple) và chứng nhập Sơ thiền. Khi
vua cha trở lại thấy dáng dấp trầm tư, tĩnh mặc của Thái tử đầy đạo
khí, đã phải kinh ngạc thốt lên: "Ôi, con thân yêu! Đây là lần thứ
hai cha nghiêng mình trước con" (Lần thứ nhất vào lúc Đản sanh).
Lớn lên, Thái tử Tất-đạt-đa luôn luôn lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Vua
Tịnh Phạn lo lắng, cho xây cất ba tòa nhà hợp với ba mùa khí hậu, và
truyền cho Thái tử hưởng thọ sung mãn năm thứ dục lạc. Nhưng hạnh
phúc trần gian không làm khuây khoả được ưu tư của người xuất thế,
Thái tử vẫn mỗi ngày xích lại gần với quyết định xuất gia. Nhà vua
lại vội cưới Công chúa nước láng giềng Da-du-đà-la (Yasodhàra), một
trang tuyệt sắc, cho Thái tử với hy vọng hương sắc tình yêu của nàng
sẽ buộc chân Thái tử.
Có những lần ra khỏi bốn cửa thành, dạo chơi vườn Ngự, chứng kiến các
cảnh sanh, già, bệnh, chết, lòng Thái tử trở nên u buồn, dao động
đến cực độ.
Một hôm, nói chuyện với một Đạo sĩ sống đời ly dục, Thái tử thấy
thoáng hiện đằng sau mẫu người thanh thoát này một con đường giải
thoát.
Bấy giờ, Thái tử vừa hai mươi chín tuổi, bà Da-du-đà-la vừa mới mang
thai (có tài liệu chép bấy giờ bà đã sanh Ràhula). Thái tử nhất
quyết từ bỏ cung vàng vào rừng xanh tìm đạo.
Quãng Đường Tu Hành Của Thái Tử
(Theo Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ Kinh I; Đại Kinh Saccaka; Kinh La-Ma;
Đại I. 775C; Kinh Sư Tử Hống, Đại I, Trung Bộ I; Kinh Khô Ấm, A-hàm,
Đại I. 584-C; bia ký của vua A-dục; và tài liệu Kimura Taiken).
Nhìn thấy rõ tướng vô thường và khổ đau đang bủa xuống quanh cuộc
sống, đêm rằm tháng hai âm lịch, Thái tử lên ngựa Kiền-trắc
(Kanthaka) cùng với người hầu cận trung thành Xa-nặc (Chandaka) vượt
hoàng thành vào Hy-mã để lại đằng sau cuộc sống thương yêu và vương
vị.
Dưới chân núi Tuyết, Thái tử lại một lần nữa từ giã Xa-nặc thân thương
và Kiền-trắc trân quý (Sử chép, về sau Kiền-trắc bỏ ăn mà chết).
Đằng trước Ngài là rừng xanh, đằng sau Ngài là sanh tử.
Thái tử tìm đến học đạo với A-đa-la Già-đa-na (Alàra Kàlàma), một đạo
sĩ đã chứng đắc Vô sở hữu xứ định. Không bao lâu, Ngài chứng đắc
những gì mà Alàra đã chứng đắc. Biết rằng đây không phải là đích
giải thoát, Ngài từ giã Alàra đến học đạo với Ưu-đà Già-la-ma Tử
(Uddaka Ràmaputta), vị đạo sĩ đã chứng đắc Phi tưởng phi phi tưởng
xứ định. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài chứng đắc những gì mà
Uddaka đã chứng đắc. Lại biết rằng đây vẫn còn ở trong vòng sanh tử,
Ngài lại ra đi, chẳng còn ai để theo học đạo nữa. Ngài cùng với năm
anh em Tôn giả Kiều-trần-như (Kodanna) tu khổ hạnh sáu năm. Ngài trở
thành đạo sĩ đệ nhất khổ hạnh, đệ nhất bàn uế, đệ nhất yếm ly, và đệ
nhất độc cư Thiền định. Cho đến khi thân chỉ còn da bọc xương, Ngài
nhận ra rằng đây chỉ là một ngõ đường tu lầm lẫn; rồi một mình một
bóng ra đi.
Trong thời gian khổ hạnh, có ba tư tưởng đặc biệt chưa từng có trước
đây đã khởi lên trong tâm Ngài.
- Như với một khúc cây xanh, đầy nhựa sống, để trong nước thì sẽ không
nhúm lên lửa được. Cũng vậy, với lòng đầy dục vọng, tham ái, người
tu sẽ không chứng được Chánh Đẳng Giác.
- Như với khúc cây xanh ấy, sau khi vớt ra khỏi nước, sẽ không nhúm
lên được lửa. Cũng vậy, với lòng đầy tham ái, nhiệt não, người tu sẽ
không đi đến chứng ngộ Vô thượng Bồ Đề?
- Như với khúc cây khô, được lấy ra khỏi nước, và được để trên một chỗ
đất khô, với đồ làm lửa, người ta có thể nhúm lên được lửa. Cũng
vậy, với lòng xả ly dục ái, tham ái, người tu có thể chứng đắc
A-la-hán. Chánh Đẳng Giác (2).
Ngài bắt đầu dồn hết nổ lực vào việc tu tập Thiền định, dùng tâm chế
ngự tâm. Nỗ lực tu tập quá mức, thân Ngài bị đau đớn và tâm Ngài dao
động. Ngài tập nín thở đến thời gian lâu nhất có thể nín được, lại
càng nghe đau đớn bất an. Nỗ lực nín thở thêm nhiều lần nữa, Ngài
vẫn không thấy được ánh sáng giải thoát. Bỗng nhiên, trong một
thoáng, Ngài nhớ lại kinh nghiệm vào Sơ thiền trong dịp lễ Xuống
ruộng, lòng đầy hân hoan, Ngài tin rằng đây là ngõ vào Chánh giác.
Ngài đi đến nước Ma-kiệt-đà (Magadha) tụ lạc Ưu-lâu-tần-loa (Uruvelà),
nơi có một khóm rừng xinh đẹp, có con sông trong trẻo, êm ả chạy
gần, có làng mạc rất dễ khất thực. Ngài dừng chân và chọn đây làm cứ
điểm tìm đạo sau cùng.
Ngài giữ chánh niệm, tỉnh giác hành Thiền, ly dục và lần lượt vào Tứ
sắc định, hướng tâm đến Tam minh, Ngài thấy rõ lý Duyên khởi, khéo
tác ý thuận chiều, biết rằng:
Do cái này có mặt, cái kia có mặt;
Do cái này sanh, cái kia sanh;
Do vô minh có hành, do hành có thức v.v...
Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau: chính sự tập khởi của Mười hai
nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn. Ở canh một này, Ngài
chứng Túc mệnh thông (Túc mệnh minh) thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ
của mình (Tự thân).
Sang canh hai, Ngài chứng Thiên nhãn thông (Thiên nhãn minh), thấy rõ
vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh, với các nghiệp nhân và nghiệp
quả, và thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sanh.
Qua canh ba, Ngài tác ý nghịch chiều Duyên khởi:
Do cái này không có, cái kia không có;
Do cái này diệt, cái kia diệt;
Do vô minh diệt nên hành diệt v.v...
Ngài như thật thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận khổ
đau và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Ở canh này, Ngài chứng
Lậu tận thông (Lậu tận minh), biết rằng đây ra đời sống cuối cùng,
không còn tái sanh nữa - Ở đầu canh một, khi vào Thiền định lạc là
khi Ngài đã chứng rốt ráo Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông và Thần túc
thông. Như thế ở canh ba, Ngài chứng đủ Lục thông.
Đến canh năm, Ngài tác ý thuận và nghịch chiều. Duyên khởi, thấy rõ:
Do cái này có, cái kia có;
Do cái này sanh, cái kia sanh;
Do cái này không có, cái kia không có;
Do cái này diệt, cái kia diệt.
Đúng lúc sao mai mọc, Ngài chứng đắc Vô thượng Chánh Đẳng Giác. Ngài
là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác đầu tiên trong hiện kiếp. Về sau,
Ngài được xưng tán là Thế Tôn, đầy đủ mười danh hiệu: Như Lai, Ứng
Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Con Đường Giáo Hóa
Đức Thế Tôn phân vân trước con đường giáo hóa: Giáo lý giải thoát thì
tế nhị, thâm sâu, ly dục, vô ngã, đi ngược với tập quán ham muốn và
suy tư chấp ngã của con người, làm sao để con người chấp nhận giáo
lý ấy?
Giữa lúc ấy, Phạm thiên Sahampati xuất hiện thỉnh cầu Thế Tôn cứu thế,
chuyển bánh xe Pháp vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người. Rồi
hình ảnh hồ sen trước mặt, có những cọng sen vươn ra khỏi mặt nước,
có những cọng lưng chừng, có những cọng ở sâu trong lòng nước v.v...
gợi lên trong Thế Tôn hình ảnh căn cơ bất đồng của con người: Có
những căn cơ thấp như những cánh sen ở đáy hồ, những căn cơ trung
bình như những cánh sen ở lưng chừng nước, cũng có những căn cơ cao
có thể tiếp nhận giáo lý giải thoát của Ngài, như những cánh sen đã
nhô ra khỏi mặt nước có thể tiếp thu ánh sáng mặt trời. Thế Tôn liền
quyết định lên đường chuyển vận bánh xe Pháp.
Ngài dùng tuệ nhãn quán sát ai sẽ là người có cơ duyên được độ trước.
Ngài nghĩ đến hai vị thầy cũ, Alàra và Uddaka. Hai người đã thác
sanh. Tiếp đến Ngài nghĩ đến năm người bạn cùng tu khổ hạnh, thấy họ
đang trú ở vườn Nai (Lộc Uyển), ở Banares (Bàranàsi). Ngài liền đi
bộ đến đấy. Tại đây, bài pháp đầu tiên về Tứ đế được giảng gọi là
"Sơ Chuyển Pháp Luân". Nghe xong, Tôn giả Kiều-trần-như (Kodanna)
chứng đắc Tu-đà-hoàn. Thế Tôn thu nhận năm Tôn giả làm các đệ tử đầu
tiên.
Lần đầu tiên, Ngôi Tam Bảo được hình thành, khởi đầu của Giáo hội Phật
giáo.
Thế Tôn giảng tiếp Vô ngã, rằng Năm uân là vô thường, nếu ai thoát
khỏi tham ái, thì sẽ ra khỏi tái sinh, được giải thoát. Năm Tôn giả:
Kiều-trần-như (Kodanna) Bà-phạ (Vappa), Bà-đề (Bhaddhiya), Ma-ha-nam
(Mahànàma) và Thuyết Thị (Assaji) lần lượt chứng đắc A-la-hán.
Thế Tôn tiếp độ Da-xá (Yasa) ở Benares với bốn người khác nữa, tất cả
đều đắc A-la-hán. Thế là, tại Benares, Giáo hội được hình thành gồm
mười một vị A-la-hán (kể cả Thế Tôn).
Sau khi dạy mười vị A-la-hán đầu tiên mỗi vị đi về một phưong để hoằng
hóa, Thế Tôn tiếp tục đi đén Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) thuyết pháp độ
ba anh em Ca-diếp (Kassapa) và ngót một ngàn đệ tử của ba Ngài. Ở
đây, vua Tần-bà-sa-la (Bimbisàra) yết kiến Thế Tôn. Sau khi nghe Thế
Tôn thuyết giảng, nhà vua hiểu pháp, liền cung thỉnh Thế Tôn cùng
một ngàn vị A-la-hán thọ trai, rồi dâng cúng Thế Tôn và chư Tăng
tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana), một khuôn viên rộng lớn gần thành Vương
Xá. Bấy giò là tháng Vesakha, giữa tháng tư và tháng năm dương lịch,
đầu mùa kiết hạ. Giáo hội của Thế Tôn an cư mùa mưa đầu tiên ở đây.
Hai tháng tiếp theo mùa an cư, Thế Tôn và chư Tăng trú ở Vương Xá.
Chính trong thời gian này, một đạo sĩ tu khổ hạnh có ngót năm trăm
đệ tử, trong đó có tôn giả Xá-Lợi-Phất (Sàriputta) và Mục-Kiền-Liên
(Moggallàna), được Thế Tôn hóa độ. Từ đấy, thường có một ngàn hai
trăm năm mươi vị Tỳ-kheo tháp tùng Thế Tôn.
Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vốn là hai người bạn chí thân.
Trên đường tìm đạo giải thoát, trước khi gặp Thế Tôn, Tôn giả
Xá-lợi-phất đã chứng đắc Tu-đà-hoàn quả khi lần đầu tiên nghe Tôn
giả Thuyết thị nói tóm tắt giáo lý Duyên khởi. Sau đó, trước Thế
Tôn, hai Tôn giả đều chứng đắc A-la-hán.
Tôn giả Xá-lợi-phất là bậc trí tuệ bậc nhất của Giáo hội, Tôn giả
Mục-kiền-liên là bậc thần thông đệ nhất. Do lẽ đó, Thế Tôn chọn Tôn
giả Xá-lợi-phất làm trưởng tử, bậc Tướng quân Chánh pháp và chọn Tôn
giả Mục kiền liên là đại đệ tử thứ hai. Từ đấy, hai Tôn giả thường
thay mặt Thế Tôn để hướng dẫn Tăng chúng. Đây là thời điểm đánh dấu
sự phát triển mạnh của Giáo hội Phật giáo dưới sự lãnh đạo của Thế
Tôn.
Giữa mùa đông năm ấy, Thế Tôn trở về Ma-kiệt-đà, Vua Tịnh Phạn hay
tin, liền gởi một sứ thần và phái đoàn gồm một ngàn người đến thỉnh
mời Thế Tôn về thăm hoàng triều. Cả phái đoàn đều xuất gia. Nhà vua
lại phái một phái đoàn gồm một ngàn người khác đi thỉnh mời. Tất cả
lại đều xuất gia, không trở về triều. Lần thứ ba nhà vua cử
Ka-lưu-đà-di (Kàludàyi), con một đại thần, là bạn cùng tuổi thời
trai trẻ của Thái tử Tất-đạt-đa, Ka-lưu-đà-di cũng xuất gia. Tất cả
hai ngàn người của hai đoàn sứ giả và Ka-lưu-đà-di đều chứng đắc
A-la-hán. Liền sau đó, Ka-lưu-đà-di bạch lên Thế Tôn lời thỉnh cầu
của vua Tịnh Phạn. Thế Tôn nhận lời, rồi cùng một ngàn hai trăm năm
mươi vị Tỳ-kheo lên đường hóa độ Hoàng tộc.
Bấy giờ, Nan-đà (Nanda), em trai của Thế Tôn, và La-hầu-la (Ràhula)
con của Thế Tôn đều xuất gia. Vua Tịnh Phạn đắc Tư-đà-hàm, di mẫu
Ma-ha-ba-xà-ba-đề đắc Tu-đà-hoàn (về sau di mẫu cùng bà Da-du-đà-la
xuất gia và đắc A-la-hán); vua Tịnh Phạn ở tại vị và đắc A-la-hán
vào lúc xả báo thần, đúng theo truyền thống của Phật-đà ghi ở Kinh
Đại Bổn. Các hoàng thân Bà-đề (Bhaddiya), A-nậu-lâu-đà (Anuruddha),
A-nan (Ànanda), Bà-già (Bhagu), Bạc-câu-la (Kimbila), Đề-bà-đạt-đa
(Devadatta) cùng người thợ hớt tóc của các hoàng thân, Ưu-ba-ly
(Upàli), cũng xin xuất gia. Bà-đề từ đầu đắc liền Tam minh,
A-nậu-lâu-đà đắc Thiên nhãn và Túc mệnh minh, A-nan đắc Tu-đà-hoàn.
Ưu-ba-ly về sau đắc A-la-hán, Đề-bà-đạt-đa đắc Tứ thiền sắc giới.
Tiếp tục cuộc hành trình hoẵng hóa, Thế Tôn đến Xá-vệ (Sàvatthì) độ cư
sĩ Cấp Cô Độc (Anàthapindika), nhận ngội vườn và Tịnh xá Kỳ Hoàn
(Jetavana) do cư sĩ này dâng cúng, và độ nữ cư sĩ Lộc Mẫu (Visàkhà).
Hai người cư sĩ này hộ pháp rất đắc lực, hàng ngày đến vấn an sức
khỏe đức Thế Tôn và lo tứ sự cúng dường (y áo, thức ăn, thuốc men và
sàng tọa) cho chư Tăng.
Năm thứ năm sau ngày Thế Tôn thành đạo, bà Ma-ba-xà-ba-đề được Thế Tôn
nhận lời, qua lời khẩn khoản thỉnh cầu của Tôn giả A-nan, cho xuất
gia kèm theo điều kiện "Bát Kỉnh Pháp". Giáo hội Ni ra dời từ đây.
Từ đây, khi Giáo hội Tăng và Ni thành lập với số Tăng-Ni khá đông,
nhiều qui luật tu hành bắt đầu được thiết lập.
Theo tài liệu của Edward J. Thomas, Chương X, trong cuốn "The Life of
Buddha...", thì một số vấn đề giới luật bắt đầu tượng hình vào năm
thứ sáu sau ngày Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp, và thành hình rõ từ
năm thứ mười sau ngày thành đạo. Theo Luật tạng thì giới luật hẳn
nhiên được đặt ra từ năm thứ mười ba, do Tôn giả Ưu-bà-ly đặc trách
(vấn đề này sẽ được bàn đến ở phần Giới học, chương Pháp Bảo).
Trong giáo hội Tăng và Ni, Thế Tôn đã tuỳ duyên hóa độ đủ mọi giai cấp
trong xã hội, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, sang hèn, ngưòi có
trình độ văn hóa cao, thấp, địa vị v.v.:
- Tôn giả Xá lợi Phất và Mục-kiền-liên đại biểu thành phần học giả,
trí thức.
- Tôn giả A-nậu-lâu-đà, A-nan... đại biểu cho thành phần hoàng tộc,
vua chúa.
- Tôn giả Ưu-ba-ly đại biểu giai cấp công nhân.
- Tôn giả Angulimàla là một tướng cướp.
- Nữ tôn giả Patàcàrà là người bình dân, đã loạn trí vì đau khổ cùng
độ (mất hết cha mẹ, em, chồng và con).
- Một cô gái giai cấp cùng đinh.
- Ni cô Addahakasi vốn là kỹ nữ, v.v... (Trưởng lão Ni kệ).
Thế Tôn tiếp tục giáo hóa độ sanh cho đến tám mươi tuổi mới vào Niết
bàn vô dư y. Kinh chép, hàng đệ tử nổi bật của Ngài gồm có:
Về chư Tăng: (Tăng Chi Bộ Kinh I, Phẩm Tối Thắng).
- Tôn giả Kiều-trần-Như là vị xuất gia đầu tiên.
- Tôn giả Xá-lợi-phất: Trí tuệ đệ nhất.
- Tôn giả Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất.
- Tôn giả Ca-diếp: Đầu đà đệ nhất.
- Tôn giả Ưu-ba-ly: Trì giới đệ nhất.
- Tôn giả A-nậu-lâu-đà: Thiên nhãn đệ nhất.
- Tôn giả Bà-đề (Bhaddiya): Âm thanh vi diệu đệ nhất.
- Tôn giả Phú-lâu-na (Punna Mantàniputta): Thuyết pháp đệ nhất.
- Tôn giả Ca-chiên-diên (Mahà Kaccana): Thuyết giảng rộng rãi đệ nhất
- Tôn giả Bà-đề (Bhaddiya): Quí tộc đệ nhất.
- Tôn giả Pindola Bhàradyàja: Nói pháp với tiếng rống sư tử đệ nhất.
- Tôn giả La-hầu-la: Ưa thích học tập đệ nhất.
- Tôn giả Tu-bồ-đề (Subhùti): Thanh tịnh và vô tránh đệ nhất, được
cúng dường đệ nhất.
- Tôn giả Ràdha: Biện tài đệ nhất.
- Tôn giả Kiếp-tân-na (Mahà Kappina): Giáo giới đệ nhất.
- Tôn giả Revata: Độc cư Thiền định đệ nhất.
Về chư Ni:
- Nữ tôn giả Ma-ha-ba-xà-ba-đề: Trưởng lão Ni đệ nhất (tu đầu tiên).
- Khemà: Trí tuệ đệ nhất.
- Uppalavannà: Thần thông đệ nhất.
- Dhammadinnà: Thuyết pháp đệ nhất.
- Nandà: Tu thiền đệ nhất.
- Bakulà: Thiên nhãn đệ nhất.
- Bhaddakàccàna: đại thắng trí đệ nhất.
- Kisagotami: Đệ nhất mang thô y.
- Sigalàkamàtà: Tín giải đệ nhất.
- Sonà: Tinh cần đệ nhất.
Về Nam cư sĩ:
- Cư sĩ Tapassubhalli: quy y đầu tiên.
- Cấp Cô độc: Bố thí đệ nhất.
- Citta: Thuyết pháp đệ nhất.
- Hatthaka Àlavaka: Nhiếp phục hội chúng đệ nhất.
- Hatthigàmaka Uggata: Hộ trì chư Tăng đệ nhất.
- Ambattha: Tịnh tín đệ nhất.
- Nakulapità: Thân mật đệ nhất.
Về Nữ cư sĩ:
- Sujàta (Tu-xà-đề): Quy y đầu tiên.
- Visàkhà: Bố thí đệ nhất.
- Khujjutarà: Đa văn đệ nhất.
- Uttara: Tu thiền đệ nhất.
- Suppiyà: Săn sóc bệnh nhân đệ nhất.
- Kàtiyàni: Tịnh tín đệ nhất.
- Nakulamàtà: Thân mật đệ nhất.
- ...
Những Ngày Cuối Cùng
(Theo kinh Đại Bát Niết bàn. Trường Bộ Kinh III).
Năm tám mươi tuổi, trở nên già yếu, Thế Tôn quyết định nhập Niết Bàn
Vô dư y, sau ba lần Ma vương (Màra) thỉnh cầu, và sau ba lần Thế Tôn
gợi ý cho Tôn giả A-nan thỉnh cầu Thế Tôn trú thế mà Tôn giả không
nhận ra ý của Ngài.
Ba tháng cuối cùng, Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi bộ từ thành Vương Xá
đến Beluva.
Trên đường đi, trong thời gian này, Thế Tôn đã ngăn được một chiến sắp
xảy ra giữa xứ Ma-kiệt-đà của vua A-xà-thế (Ajatasattu) và xứ Bạt-kỳ
(Vajji).
Thế Tôn tiếp tục độ những ai đáng được độ. Du sĩ ngoại đạo Subbaddha
là ngưòi sau cùng được Thế Tôn cho xuất gia, thọ đại giới. Không bao
lâu sau đó, Subbadha đắc A-la-hán. Đây là vị A-la-hán sau cùng trước
khi Thế Tôn nhập diệt.
Một cư sĩ khác, Cư sĩ Thuần-đà (Cunda), người thợ sắt, được Thế Tôn
thuyết pháp khích lệ, đã dâng cúng Thế Tôn chiếc áo kim sắc (vàng
chói) và cúng dường bữa ăn sau cùng. Trong bữa ăn này, ngoài món ăn
thượng vị còn có thứ mộc nhĩ (Sùkara-madde). Dùng xong, Thế Tôn bị
bệnh lỵ huyết, đau đớn, nhưng Thế Tôn dùng định lực nhiếp phục khỏi
bệnh cùng Tôn giả A-nan tiếp tục cuộc hành trình đến Kusinàra. Thế
Tôn dạy Cunda "Đó là một loại nấm độc; chỉ trừ Như Lai ăn xong mới
không bị chết, hãy đem chôn phần thức ăn còn lại". Thế Tôn lại dặn
dò Tôn giả A-nan hãy đánh tan mọi hối hận có thể xảy ra trong lòng
Cunda về bữa cơm cúng dường ấy, và đánh tan dư luận bàn tan hiểu lầm
về lòng thành cúng dường của Cunda - (Theo kinh Đại Bát Niết-Bàn,
Trường Bộ III).
Những Lời Dạy Cuối Cùng
- "Này A-nan, Pháp và Luật mà Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta
diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là bậc Đạo sư của các Ông" (Ibid.
tr. 154).
- "Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, có thể huỷ bỏ những học giới nhỏ
nhặt" (Ibid. tr. 154).
- "Này các Tỳ-kheo (Bấy giờ có mặt năm trăm vị Tỳ-kheo đều là Thánh
hữu học), vô học, nếu có Tỳ-kheo nào nghi ngờ về Phật, Pháp và chúng
Tăng, Đạo hay phương pháp, thời hãy hỏi đi, về sau chớ có hối
tiếc...".
Thế Tôn hỏi ba lần, nhưng tất cả đều im lặng, biểu lộ sự không còn có
nghi ngờ.
- "Này các Tỳ-kheo, nay Như Lai khuyên các Ông; Các pháp hữu vi là vô
thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật" (Ibid. tr. 156).
Chính đây là lời dạy sau rốt trong những lời dạy sau cùng của Như Lai.
Thế Tôn Nhập Vô Dư Y Niết-Bàn
Thế Tôn dạy Tôn giả A-nan cùng đi đến rừng Ta-la (Sàlà) của dòng họ
Mallà ở Kusinàra. Ta-la tự nhiên trổ hoa trái mùa đầy cành. Thế Tôn
dạy dọn chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc, giữa hai cây Ta-la song đôi.
Thế Tôn nằm nghiêng về hông bên phải, hai chân để lên nhau. Sau khi
dạy xong những lời dạy cuối cùng. Thế Tôn nhập định sơ Thiền rồi
xuất sơ Thiền, nhị Thiền rồi xuất nhị Thiền.... Phi Tưởng phi phi
tưởng rồi xuất Phi tưởng phi phi tưởng, nhập Diệt thọ tưởng rồi xuất
Diệt thọ tưởng định, nhập Phi tưởng phi phi tưởng rồi xuất phi tưởng
phi phi tưởng... nhập sơ Thiền, xuất sơ Thiền, cho đến nhập tứ
Thiền, xuất tứ Thiền, Thế Tôn lập tức diệt độ.
Sau khi Thế Tôn nhập diệt, chư Thiên và loài Người, những ai chưa tận
trừ trừ tham ái thì khóc than, áo não; những ai đã tận trừ tham ái
thì vững trú trong chánh niệm rằng: "Các hành là vộ thường, làm sao
có thể khác được?"
Lễ Hỏa Thiêu Xá Lợi Và Dựng Tháp Tôn Thờ Xá Lợi
Dân chúng Mallà ở Kusinàrà liên tục đảnh lễ, cung kính cúng dường kim
thân Thế Tôn với các điệu múa, điệu nhạc, hướng và hoa, rồi lập
những dàn hỏa thiêu tại đền Makuta Bandhana.
Kim thân của Thế Tôn được học 500 lớp vải (cứ một lớp vải tinh, một
lớp vải thô), đặt vào một hòm đầu bằng sắt, hòm này lại được bọc kín
bởi một hòm sắt khác. Dàn hỏa thiêu làm bằng loại gỗ hương thơm.
Dàn hỏa thiêu không thể bắt lửa cho đến khi Tôn giả Đại Ca-diếp kịp về
đảnh lễ dưới chân Thế Tôn. (Khi được tin Thế Tôn thị tịch thì Tôn
giả Đại Ca-diếp đang ở giữa chặng đường từ Pàvà đến Kusinàra).
Khi thiêu xong, không có thân hay tro còn lại, mà chỉ có Xá lợi. Một
dòng nước từ hư không và một dòng nước từ cây ta-la rưới tắt dàn
hỏa. Dân Mallà thì rưới tắt với các thứ nước thơm.
Dân Mallà tôn tri Xá-lợi trong giảng đường, suốt bảy ngày cung kính
đảnh lễ, dâng vũ, nhạc, hương hoa cúng dường.
Xá Lợi được phân chia làm tám phần cho:
1. Vua nước Maggadha.
2. Dòng họ Licchavi ở Vesàni (Dòng Sát-đế-lợi).
3. Dòng Thích-ca ở Ca-tỳ-la-vệ.
4. Dòng người Puli ở Allakappa (Dòng Sát-đế-lợi).
5. Những người Koli ở Ràmagàma (Dòng Sát-đế-lợi).
6. Những người Mallà ở Kusinàra.
7. Những người Mallà ở Pàvà.
8. Bà-la-môn Vethadipaka.
Mười ngôi tháp được dựng lên để tôn thờ Xá-lợi:
- Tám tháp tôn thờ tám phần Xá-lợi.
- Một tháp thờ cái bình dùng để phân chia Xá-lợi.
- Một tháp tôn thờ tro Xá-lợi.
Sự Khác Biệt Giữa Tư Tưởng Ấn Độ Và Phật Giáo Dưới Thời Thế Tôn
Tư tưởng Ấn Độ trước thời đức Phật và trong thời đức Phật:
Các nhà nghiên cứu về tư tưởng Ấn Độ thường có nhiều nhận định khác
nhau. Phát biểu về sự liên hệ giữa Vệ-đà và Phật giáo cũng thế. Phải
là một công trình nghiên cứu thật công phu mới có thể có sự phân
biệt rõ ràng và có giá trị về những điểm dị đồng giữa tưởng Ấn Độ và
Phật giáo.
Trong phần trình bày ngắn gọn này, chúng tôi
chủ trương trưng dẫn vài nhận định tiêu biểu và thêm vào ý kiến của
riêng mình dựa vào năm Nikàya và bốn Agàma.
Theo Radhakrishnan và Moore, trong cuốn "Indian Philophy", Triết lý Ấn
Độ chia ra làm năm giai đoạn:
* Giai đoạn I: Từ 2500 TTL đến 600 TTL là giai đoạn của tư tưởng
Vệ-đà.
* Giai đoạn II: Từ 600 TTL đến 200 TL là giai đoạn tư tưởng Anh hùng
ca.
* Giai đoạn III: Là giai đoạn của những thế kỷ đầu Tây Lịch, giai đoạn
của Kinh (Sutra). Giai đoạn này gồm các phái Triết học:
- Nyàna hay Thực tại luận lý (Logical Realism).
- Vaisesika hay Thắng luận, hay Đa nguyên thực tại luận.
- Sàmkhya hay số luận, hay Tiến hóa nhị nguyên luận (Evolutionary
Dualism).
- Yoga hay Thiền định.
- Pùrva Mìmamsa: những công trình diễn dịch đầu tiên về Vệ-đà liên hệ
đến Giới, và Uttara Mimamsa hay những khảo cứu về sau về Vệ đà liên
hệ đến tri kiến, cũng gọi là Vệ-đàn-đà (Vedanta), đích của Vệ-đà.
* Giai đoạn IV: là giai đoạn học thuật, giai đoạn của
các bản luận viết để giải thích các Kinh đã ra đời.
* Giai đoạn V: Tư tưởng Ấn Độ đương thời.
Giai đoạn Vệ-đà là giai đoạn tư
tưởng của văn hóa và văn minh Aryans, từ Trung Á truyền qua. Đây là
giai đoạn triết học tựu thành ở Upanishads. Có bốn loại Vệ-đà: Xưng
tụng cái Biết (Rig-Veda), Ve- đà về Tế tự (Yajur-Veda); Ve- đà về
Thần chú, Ca vịnh (Samma-Veda), và Vệ-đà do Đạo sĩ Atharva truyền
lại, có tính cách tham bác và triển khai ý nghiã của ba bộ kia
(Atharva-Veda).
Tư tưởng chủ yếu của người Ấn trong
thời Vệ-đà này là: Chân lý do Thượng Đế mặc khải cho loài Người ở
đầu mỗi chu kỳ vũ trụ (mỗi chu kỳ: 4320 triệu năm trên trái đất.
Rig-Veda đề cập đến rất nhiều vị thần như thần Mặt trời (Sùrya),
thần Lửa (Aggi), thần Bầu trời (Dyaus), thần Bão tố (Maruts), thần
Gió (Vayu hay Vàta), thần Nước (Àpas), thần Bình minh (Usas), thần
Đất (Prthivì), v.v... Nhưng theo Radhakrishnan và Moore (Ibid, tr.
5) khi dân Ấn thờ vị thần nào thì vị thần ấy trở nên vị Thần chúa tể
(đấng sáng tạo và hủy diệt vũ trụ.) Vì thế, Vệ-đà vừa mang ý nghĩa
đa thần, vừa mang ý nghĩa nhất thần, có thể được gọi là Ưu đẳng thần
(Henotheism hay Kathenotheism).
Đến thời kỳ thứ hai của tư tưởng Ấn Độ, Phật
giáo xuất hiện cùng với Kỳ-na giáo (Jainism), Saivism và Vaisnavism.
Phật giáo xuất hiện có nghĩa là Phật giáo
mang một nội dung khác với nội dung tư tưởng Ấn Độ bấy giờ và trước
đó.
P.D. Mehta, trong cuốn "Early Indian
Religious Thought", nhà xuất bản Lusac và Company Limited xuất bản ở
London năm 1956, viết rằng: "Tôn giáo được đức Phật đề xuất thì rất
độc đáo, nó khác biệt một cách sửng sốt với tất cả các tôn giáo lớn
khác. Chánh pháp, mà không phải là một con người thần thánh hay
tuyệt đối, là suối nguồn. Mục đích là vô ngã, sự chấm dứt khổ đau,
và sự chứng ngộ bất tử, Niết bàn...".
(But Religion as pronounced by the Buddha is so
orginal that it is startling different from all the other great
religions. The Dhamma, and not a Divine Person or Absolute, is the
fountain head. The goal is selflessness, the cessation from being a
source of sufffering and evil, and the realization of the
Deathlessness of Nirvàna...) (p. 186-187).
Geogre Grimm, một học giả người Đức, là
một Phật tử, trong phần phụ lục "The Doctrine of the Buddha as the
Flower of Indian Thought" của cuốn "The Doctrine of the Buddha" (Bản
dịch ra Anh ngữ của Tỳ-kheo Sìlàcàra) viết: "Giáo lý của đức Phật
cũng gọi là giáo lý của Vô ngã, tương phản với giáo lý Ngã của
Vệ-đàn-đa" (... "The Doctrine of the Buddha is also called the
doctrine of not-I, anattà-vàda, as contrasted with the I-doctrine,
the Attà-vàda, of the Vedanta") - (p. 370).
Có rất nhiều kinh ở Nikàya và Àgama trình bày sự khác biệt rõ ràng
giữa các học thuyết Ấn Độ và Phật giáo. Chúng tôi, người viết, ghi
nhận đây là quan điểm riêng của Thượng tọa bộ và Nhứt thiết hữu bộ.
Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Suttam) trình bày có sáu mươi hai luận chấp
của các học thuyết Ấn Độ bấy giờ khác biệt hẳn với Phật giáo. Trong
đó có mười tám luận chấp về quá khứ (gồm bốn thường trú luận, bốn
bán thường bán vô thường luận, bốn hữu biên vô biên luận, bốn ngụy
biện, và hai vô nhân luận), ba mươi chín luận chấp về tương lai (gồm
mười sáu luận chấp có tưởng sau khi chết, tám luận chấp vô tưởng sau
khi chết, tám luận chấp không phải có tưởng không phải không có
tưởng sau khi chết, và bảy đoạn diệt luận) và năm luận chấp về hiện
tại Niết bàn luận (Hán tạng tương đương: kinh Phạm Động, A-hàm).
Phẩm Tương Ứng Không Thuyết (Avyàkata), Tương Ưng Bộ Kinh IV, trình
bày các luận chấp, các quan điểm sở dĩ có mặt là do sự có mặt của ái
thủ, ái hữu, ái ái, là do có chấp thủ ngã (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và
Thức). Đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa các học thuyết Ấn Độ dưới
thời Thế Tôn với Phật giáo. Một đằng chủ trương các thuyết liên hệ
đến Ngã, một đằng chủ trương hết thảy các pháp là Vô ngã. Một số các
học giả bấy giờ cho rằng tư tưởng Vệ-đà và Phật giáo gặp gỡ nhau ở
thuyết Nghiệp báo (Kamma, Skt. Karma), Luân hồi (Samsàra) và Giải
thoát. Người viết nghĩ rằng đây chỉ là sự giống nhau ở tên gọi (danh
từ), nhưng nội dung thì chứa đựng những gì khác hẳn nhau. Chủ trương
về nghiệp báo, luân hồi, nhân quả, giải thoát của Phật giáo sẽ được
trình bày ở Chương Pháp Bảo.
Kinh Phạm Động (Hán tạng, Trường A-hàm, quyển 14) trình bày tương tự
về sáu mươi hai luận chấp trên và có kết luận ngay trong phẩm kinh
này rằng "Ngoại đạo do chấp thủ ngũ uẩn mà khởi xướng sáu mươi hai
luận chấp ấy".
Lập trường của Nikàya và Àgama có thể được xem như là lập trường trung
thành với Phật giáo khởi nguyên (nguyên thủy) nhất. Ở đây hiện rõ
điểm khác biệt rất là nền tảng giữa Phật giáo và các tư tưởng Ấn Độ
đương thời và trước đó.
Đi vào hiện tượng xã hội của sự phân biệt giai cấp Ấn Độ, điểm khác
biệt so với Phật giáo lại càng dễ thấy hơn. Hiện tượng phân chia
giai cấp ấy có từ ngàn năm trước đến thời Thế Tôn và kéo dài cho đến
cận đại và hiện đại.
Bốn giai cấp của xã hội Ấn (Gồm Bà-la-môn, Sát đế lợi, Phệ-xá và
Thủ-đà) có nguồn gốc từ kinh Rig-Veda, bản kinh xưa nhất của Ấn
giáo. Rig-Veda, chương X, 90, 11 ghi rằng: "Miệng Ngài thành tu sĩ
Bà-la-môn (Brahmana), hai tay Ngài được tạo thành chiến sĩ
(Kshatriya), hai bắp chân Ngài thành thương nhân (Vaishya), hai bàn
chân Ngài thành tôi tớ (Shudra)".
Các người giai cấp khác nhau không được cưới hỏi nhau, không được ăn
chung bàn, không được cùng hành lễ. Giai cấp cùng đình Thủ-đà-la đặc
biệt bị hành hạ và khinh miệt.
Trong khi đó, Phật giáo chủ trương bình đẳng giai cấp, bình đẳng giữa
con người có máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Quan điểm này được
trình bày trong nhiều kinh của Nikàya và Àgama. Chính vì điểm khác
biệt này mà có một số Bà-la-môn giáo cho đến nay, xem Phật giáo như
là thù nghịch, cho rằng chính đức Thế Tôn đã làm đảo ngược truyền
thống Ấn Độ.
Chủ trương bình đẳng bốn giai cấp Ấn là
chủ trương mang đầy tính cách mạng tư tưởng và cách mạng xã hội. Chủ
trương đó của Thế Tôn, cùng với quan điểm về giáo lý giải thoát của
Ngai, nói lên vị trí độc đáo của Phật giáo trong lịch sử Ấn, cũng
như trong lịch sử nhân loại. Cho dù các bộ phái Phật giáo có nhìn
một số nét khác biệt nhau về Thế Tôn, điều đó cũng không làm thay
đổi giá trị độc đáo đó.
Ghi chú:
(1)Bản dịch của Nguyên Hồng, Phật học viện Nha Trang, 1957.
(2) Đại kinh Saccaka (Mahàsaccakasuttam), Trung Bộ I.
Nguồn: www.quangduc.com