- Chương
VI
-
- Các Năm
Sau
-oOo-
CÁC
TRIẾT LÝ ÐỐI LẬP
Khoảng giữa năm 515 và 500 trước CN, tại vùng "Trung
Nguyên", xuất hiện bảy vị Ðạo Sư trong số các Sa-môn có ảnh hưởng lớn
đặc biệt. Ngoài đức Phật, các nguồn Kinh Ðiển Phật Giáo nêu lên danh
sách các vị này (DN 2.2)
1. Pùrana kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp)
2. Makkahi Gosala (Mạt-già-lê Cù-xá-lợi).
3. Ajita Kesakambilin (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la).
4. Pakkuda Kaccàyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-diên).
5. Sanjaya Belatthiputta (Tán-nhã-di
Tỳ-la-phê-phất).
6. Nigantha Nàtaputta (Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử).
Các vị này đều là bậc trưởng thượng, đáng tôn trọng
(DN 2.2) - nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng thọ mạng trung bình của
người ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu - thứ năm trước CN được dự trù vào khoảng
hai mươi hai tuổi, vì vậy một người trên năm mươi tuổi được xem là già
lắm rồi.
1) Pùrana Kassapa:
Pùrana kassapa tự xưng là Toàn tri kiến (AN 9.39) vì
thế tên vị này có lẽ phải được giải thích là Purananõàna: có toàn tri
kiến, nhất tri kiến.
Chúng ta chỉ được biết về nguồn gốc vị này là người
thuộc gia tộc thấp hèn, và theo hạnh du sĩ lõa thể - "mặc bộ y đức
hạnh", tình trạng lõa thể này được gọi như thế. Các Kinh điễn Kỳ-na giáo
nhắc đến một "kẻ khổ hạnh ngu si" tên là Pùrana có gốc từ Bebhela, chắc
hẳn là vị Purana này. Một giả thuyết cho rằng vị ấy đã nhịn đói đến chết
sau mười hai năm khổ hạnh và đã chết ở Sàvittha. Nhưng theo một bài Kinh
Phật về sau của tạng Sanskrit (Divyàvadàna), vị ấy buộc một bình đầy đất
vào cổ rồi trầm mình.
Một số lời thuyết giảng của Pùrana còn được lưu lại
vừa đủ để ta có thể thấy sơ lược nội dung triết lý này. Vua Ajàtasattu,
người đã làm đạo với du sĩ Pùrana, tường thuật chuyện này với đức Phật
như sau:
"Ðạo sĩ Pùrana Kassapa nói: "Thưa Ðại Vương, không có
ác nghiệp do người làm hay người xúi gục kẻ khác làm, như chém giết, đốt
cháy, gây phiền muộn, khổ não, kích động, sát sanh hay cướp bốc. Thậm
chí người nào dùng một bánh xe sắc như dao giết chết hết mọi chúng sanh
trên quả đất này thành một đống thịt cũng không có tội ác do kết quả
việc làm kia, và tội ác cũng không tăng trưởng. Hoặc nếu kẻ nào bố thí,
tế lễ, cũng không có phước đức do kết quả việc làm ấy, và làm phước cũng
không tăng trưởng. Bố thí, tu tập thân tâm, nói lời chân thật ... cũng
không có phước báo gì". (DN 2.17, giản lược)
Phù hợp với điều trên, một đệ tử của Pùrana tóm tắt
Giáo lý của thầy mình bằng những lời này: "Ðạo sư Kassapa không thấy tội
ác gì trong việc chém giết, lừa đảo, dối gian cả. Vị ấy cũng không tin
có phước báo gì cho mỗi người" (SN 2.3.10), và Mahàli người Licchavì,
tường thuật với đức Phật lời tuyên bố của Pùrana: "không có nhân duyên
(điều kiện) đối với sự ô nhiễm của chúng sanh. Không có nhân duyên,
chúng sanh bị nhiễm ô. Không có nhân duyên, chúng sanh trở thành thanh
tịnh". (SN 22.60)
Như vậy Pùrana chủ trương rằng thiện hành hay ác hành
đều không có hậu quả gì đối với người tạo nghiệp, tức là vị ấy phủ nhận
qui luật nghiệp báo. Vì giải thoát không cần điều kiện tiên quyết nên nó
không thể được thực hiện nhờ hành động của chính mình. Nói cách khác,
chúng sanh không thể góp phần gì vào sự giải thoát của mình cả, mà phải
chấp nhận số phận và chờ đợi được giải thoát một cách thụ động. Thuyết
định mệnh của Pùrana tương tự với thuyết của người giữ vững lập trường
Aụjivika, là Makkhali Gosala.
2) Makkhali Gosala:
Bản Kinh Bhagavatìsùtra của Kỳ-na giáo nêu tên của
Makkhali theo lối chữ Ardha-Màgadhì là Makhaliputta Gosalà. Do vậy, vị
này là con trai của người hát dạo (mankha), cái nghề mà có lẽ chính vị
này đã nối tiếp cha ông. Ðứa bé thuở ấy được sinh ra trong một chuồng bò
(gosàla) ở Saravana, vì thế có tên này.
Makkhali gặp Nigantha Nataputta (tức Mahàvìra), vị kế
thừa tổ sư sáng lập Kỳ-na giáo, khi vị này đang tu tập khổ hạnh vào năm
thứ ba (524 trước CN). Bị lôi cuốn theo cách này, Makkhali cầu xin
Mahàvìra nhận mình làm đệ tử, nhưng Mahàvìra im lặng bước đi. Một thời
gian sau, Makkhali quyết định vứt bỏ hết y phục giống như Mahàvìra và từ
đó sống suốt đời làm một Sa-môn lõa thể. Tại Paniyabhùmi, một nơi không
xa Nàlandà, vị ấy gặp lại Mahàvìra, và thỉnh cầu lần nữa được nhận làm
đệ tử. Lần này Mahàvìra nhận lời, và suốt sáu năm ròng, hai người sống
cùng nhau chia xẻ mọi nỗi khó khăn của đời du sĩ vô gia đình.
Chính trong thời gian này, Makkhali phát triển niềm
tin vào tính chất tiền định của mọi việc diễn tiến. Vị này hết sức thán
phục vị thầy thông thái của mình tiên đóan nhiều sự kiện không thể nào
ngăn cản được. Ví dụ, có lần Mahàvìra tiên đoán rằng vào một ngày nhất
định nào đó, Makkhali sẽ được cho một đồng tiền giả lúc đi khất thực, và
mặc dù Makkhali tìm hết mọi cách ngăn cản việc này, nó vẫn xảy ra chính
xác như Mahàvìra đã tiên đoán. Vì thế Makkhali kết luận "Việc gì phải
xảy ra thì sẽ phải xảy ra như vậy, chứ không thể khác được".
Chính một phần do triết lý này và một phần do tính
khoe khoang khoác lác mà Makkhali liên tục đặt mình và vị thầy minh trí
của mình vào các cảnh khốn đốn ngặt nghèo. Hơn một lần vị ấy bị đám đông
đánh đập tả tơi. Thỉnh thoảng hình như vị ấy ngầm trả thù những kẻ từ
chối bố thí cho vị ấy thì nhà của họ và cả làng họ có thể bị hỏa hoạn,
và chuyện ấy cũng xảy ra thực!
Vì có lần Mahàvìra không giúp sức chống lại những kẻ
tấn công nên Makkhali rời bỏ vị thầy dạn dày kinh nghiệm ấy ra đi, để
rồi chẳng mấy chốc liền nhận ra rằng không có thầy bảo vệ, vị ấy càng
gặp nhiều gian lao vất vả mới sống mà chẳng hề hấn gì. Sáu tháng sau, vị
ấy tìm lại thầy, nhưng chẳng học hỏi được gì về kinh nghiệm sống của
thầy và vẫn tiếp tục lối cư xử đầy khiêu khích và tinh quái. Vào một dịp
có một đám cưới đi qua, vị ấy bình luận là cả cô dâu lẫn chú rễ đều xấu
xí lạ lùng. Sau khi bị đám cưới cho một trận đòn chí tử, vị ấy nhận ra
rằng lời nói của mình chẳng khôn khéo gì cả.
Sự đỗ vỡ sau cùng với đạo sư Mahàvìra là do một trong
các trò lừa gạt khác của vị đệ tử này. Trên con đường đi qua Magadha,
Makkhali chỉ một cây mè và hỏi thầy xem thử riêng cây mè này sẽ có quả
nào không. Mahàvìra bảo có nhiều lắm. Khi họ tiếp tục du hành, Makkhali
đi lùi ra sau một chút và đợi lúc Mahàvìra không để ý, bèn nhổ cây mè
lên. Một thời gian sau, cả hai cùng đến lại chỗ ấy và thấy cây mè kia,
dù bị nhổ lên, vẫn không chết. Một trận mưa đã làm cho cây bén rể lại và
nó còn sinh ra trái mè nữa! Do vậy, mặc dù Mahàvìra được chứng tỏ là đã
tiên đoán đúng, trò đùa tinh quái của Makkhali để thử tài thầy cũng là
lý do đủ làm cho vị đạo sư tống cổ vị đệ tử kỳ quặc này.
Bị bỏ lại theo đường lối riêng của mình, Makkhali nỗ
lực rèn luyện mong đạt thần thông và tri kiến, những mục đích mà theo
lời đồn vị ấy chứng đắc trong vòng sáu tháng. Việc này có lẽ được ghi
lại vào năm 517 trước CN. Từ đó đến lúc mạng chung, Makkhali sống đời
Sa-môn du sĩ, nhưng bao giờ cũng an cư mùa mưa trong nhà một người đàn
bà làm đồ gốm. Theo thời gian, vị ấy dần tạo được một số đệ tử xuất gia
lẫn tại gia. Chắc hẳn vị ấy cũng có vài đặc điểm kỳ diệu nào đó nên đã
gây được sự cảm phục ngay cả Ðại Vương Pasensdi nước kosala, vị thân hữu
của đức Phật.
Các Kinh điển Kỳ-na giáo ghi đầy đủ chi tiết về cuộc
đời của Makkhali một lần nữa vào năm du hành thứ hai mươi bốn của vị ấy,
tức là năm vị ấy từ trần (501 trước CN). Năm ấy Makkhali họp sáu đệ tử
quanh mình để kết tập giáo lý theo hệ thống. Khi Mahàvìra, đạo sư thông
thái cũ của vị ấy, nghe tin về cuộc hợp này, liền nhớ lại các trò điên
khùng của Makkhali từ thời hai vị còn sống chung với nhau, và nói toang
mọi việc cho đám đồ chúng nghe. Chuyện này lan truyền nhanh như cháy
rừng, gây biết bao phiền muộn cho Makkhali.
Phẫn nộ vì bị làm trò cười như vậy, vị ấy liền đến
trước mặt Mahàvìra, tuyên bố rằng mình không còn là chàng Makkhali
Gosala cũ kỹ trong thời quá khứ xa xưa: nhiều lần tâm trí được tái sanh
đã biến cải vị ấy thành một người mới hoàn toàn. Khi Mahàvìra khinh bỉ
phủ nhận luận điệu này, Makkhali mất hết bình tĩnh và thét lên vào mặt
Mahàvìra: "Người sẽ bị thần thông của ta đục thủng! Trong sáu tháng
ngươi sẽ chết vì sốt!". Tuy nhiên Mahàvìra chẳng hề dao động: phép mầu
không có tác động gì đối với vị này cả mà sẽ trở về với kẻ sử dụng nó:
"Trong bảy đêm kể từ nay, chính ngươi sẽ chết vì sốt".
Và quả thực, các Kinh điển Kỳ-na giáo nói tiếp,
Makkhali trở về lò gốm ở Sàvittha, và bắt đầu lâm bệnh. Vị ấy lên cơn
sốt mê sảng, nhảy múa, ca hát và trét đất sét nguội của lò gốm lên khắp
mình mẩy. Ðối với những người hâm mộ đến thăm vị ấy trong tình trạng
này, vị ấy cũng nói toàn những lời lú lẫn do loạn trí. Ít lâu sau vị ấy
ra huấn thị cho đám đệ tử về việc hỏa táng của mình, và lễ hỏa táng ấy
phải được cử hành linh đình trọng thể.
Nếu ngày nay ta có thể tin tưởng được các Kinh điển
Kỳ-na giáo (chắc chắn có nhiều thành kiến), thì Makkhali, vào đêm thứ
bảy sau cuộc so tài nguyền rủa kia, đã thú nhận việc phạm giới khổ hạnh
của mình với các đệ tử rằng vị ấy không phải là một A-la-hán chứng đắc
thắng trí mà chỉ là một kẻ lừa đảo, do vậy đã chết vì lời nguyền của
chính mình. Vội rút lui lời huấn thị về việc tổ chức hỏa táng trước kia
của mình, vị ấy truyền lệnh rằng cần phải làm ô nhục thân xác mình, các
Sa-môn phải phỉ nhổ ba lần vào mặt thầy, rồi buộc một dây thừng vào chân
trái thi thể và kéo đi khắp thành Sàvitthi rồi quẳng thây đâu đó.
Các môn đồ chỉ làm chuyện xúc phạm thánh thể ấy một
cách tượng trưng mà thôi. Họ vẽ bản đồ thành Sàvatthi trên sàn túp lều
của lò gốm rồi kéo di hài lên, sau đó làm lễ hỏa táng vô cùng long
trọng!
Trong đám ngoại đạo sư đồng thời, đức Phật khinh bỉ
Makkhali. Ngài tuyên bố: "Ta không thấy ai đem lại nhiều tai họa và bất
hạnh cho nhiều người bằng Makkhali Gosala, kẻ điên khùng ấy". (AN 1.17)
Trong tất cả giáo lý của Sa-môn Bà-la-môn ngoại đạo,
chủ thuyết của Makkhali là hạ liệt nhất. Vì Makkhali ngu si này tuyên bố
chủ trương không có (qui luật) nghiệp nhân, không có nghiệp quả, không
có tinh tấn (năng lực để đạt giải thoát)." (AN 3.135)
Và trong một cuộc đối thoại với du sĩ Bà-la-môn
Vacchagotta, ngài tuyên bố không một người nào thuộc phái Ajìvika từng
đạt giải thoát khổ đau, chỉ trừ được một người tái sanh Thiên giới,
nhưng vị này không hẳn là một vị Ajìvika đích thực và vị ấy đã không tin
vào nghiệp (do vậy đã tạo được một số công đức cho mình).
Kinh Tạng Pàli ghi lại sơ lược lý thuyết của Makkhali
Gosala từ miệng vị này thốt ra. Vua Ajìtasattu tường thuật với đức Phật
những lời của vị ấy, được xem là y nguyên văn:
"Không có nhân duyên đối với sự ô nhiễm của chúng
sanh. Không có nhân duyên, chúng sanh bị ô nhiễm. Không có nhân duyên
đối với sự ô nhiễm của chúng sanh. Không có nhân duyên, chúng sanh được
thanh tịnh. Sự thành đạt hình thái hiện hữu nào cũng không tùy thuộc vào
tự lực, tha lực hay tinh tấn... .Tất cả mọi hữu tình, mọi sinh vật, mọi
sinh loại, mọi sinh mạng (Jìva) đạt đến hình thái hiện hữu của chúng đều
không do tinh tấn hay tự lực, nhưng đã thành thục như là kết quả của
định mệnh (niyati), cha mẹ sinh sản (sangati) và hiện hữu (bhàva) ở đời
trong sáu loại tái sanh, nơi mà giờ đây chúng hưởng thọ khổ hay lạc. Sau
8.400.000 kiếp (trong vòng luân hồi sanh tử), người hiền trí cũng như kẻ
ngu si nhiều đoạn tận khổ ưu. Ta không nên suy nghĩ: "nhờ kỷ luật này,
giới hạnh này, khổ hạnh này hay Phạm hạnh này ta sẽ làm thành thục các
nghiệp chưa chín muồi, và sẽ đoạn trừ các nghiệp đã thành thục". Những
việc ấy không thể xảy ra, khổ hay lạc đều được định phần và không thể
tăng hay giảm vòng luân hồi sanh tử. Giống như một cuộn dây được tung ra
sẽ kéo dài mãi cho đến khi tháo hết, cũng vậy, cả kẻ ngu lẫn người trí
đều chấm dứt khổ đau khi nào họ đã lưu chuyển trọn vòng luân hồi sanh
tử." (DN 2.20, giản lược).
Quan điểm chính của triết lý này là số mệnh (niyati)
quyết định con đường của mọi chúng sanh qua vòng luân hồi . Nó không
chịu tác động của bất cứ điều gì, do vậy thiện nghiệp hay ác nghiệp đều
không gây hậu quả đối với tính chất các cuộc tái sanh.
Cũng vậy, Giới Luật tu tập cũng không có giá trị gì,
và thâm chí một vị Aụjìvika cũng không thể thúc đẩy tiến trình giải
thoát. Các Sa-môn Ajìvika làm đạo sĩ vì số phận đã định phần cho họ như
vậy, chứ không phải vì họ có hy vọng cải thiện số phận tương lai. Tuy
nhiên, một động lực chung của họ là học nghệ thuật tiên đoán. Nếu số
phận mọi người đã được tiền định, theo họ suy nghĩ, ít ra họ có thể tìm
cách biết việc tương lai gần xảy ra.
Vì con đường của mọi người qua vòng luân hồi đã được
hoạch định sẵn, nên phải phân lượng hạnh phúc hay khổ ưu mà họ thọ hưởng
đều được số phận ban bố trước. Do vậy, thái độ hợp lý duy nhất là chấp
nhận mọi sự xảy ra và chịu đựng mà không than phiền. Giải thoát sẽ tự
động diễn tiến ngay khi mỗi người trải qua 8.400.000 kiếp. Có một tục
ngữ của phái Ajìvika như sau:
Không đường lên thiên giới,
Cứ sống hết phận mình,
Mọi buồn vui xảy tới
Ðều do số phận dành.
Vòng luân hồi chung cuộc
Khiến mọi người tịnh thanh.
Ðừng nóng lòng muốn biết
Những việc sắp thành hình.
(Jàkata VI 544)
Giới chiến sĩ đặc biệt bị thuyết định mệnh này lôi
cuốn nhưng rất nhiều người khác nữa thường thích nhớ lại một tục ngữ nào
đó của phái Ajivika mỗi khi có chuyện không may xảy ra.
Cùng với sự biến mất của phái Ajìvika vào thế kỷ thứ
hai trước CN ở bắc Ấn và thế kỷ thứ mười bốn sau CN ở Nam Ấn, tất cả
kinh sách của họ cũng thất lạc luôn; cho nên mọi điều chúng ta hiểu biết
về triết lý của phái này đều phát xuất từ các trích đoạn trong thi văn
của các phái đối lập. Một số vấn đề cốt yếu như bản chất của linh hồn
hay sinh mạng (Jìva) tạo nên mối liên lạc giữa các đời sống với nhau, và
bản chất của giải thoát ở chặng cuối cùng của sinh tử lộ dài dằng dặt ấy
đều được số phận phát họa sẵn, do vậy, không có câu giải đáp chính xác
nào cả.
3) Ajita Kesakambalin:
Không có các chi tiết nào được lưu truyền về tiểu sử
của Ajita Kesakambalin (ngoại trừ sự kiện là vị này già hơn đức Phật
nhiều. Biệt hiệu trên chứng tỏ là vị ấy mang áo khoác (kambala) bằng tóc
(kase) một loại y mà như đức Phật nhận xét (AN 1.135), hết sức bất tiện:
lạnh lẽo về mùa lạnh, và nóng nực về mùa nóng, lại hôi hám và ngứa ngáy.
Không ai hiểu được tại sao vị ấy mặc y này quanh năm, bởi vì vị ấy phủ
nhận giá trị của khổ hạnh , nên vị ấy cũng không hy vọng cái ý này làm
gì được cho việc giải thoát.
Lý thuyết duy vật- hư vô của Ajita tương tự với lý
thuyết của các phái Lokàyatas, Càrvàkas hoặc Nàstikas và theo lời vua
Ajìtasattu, được tóm tắt như sau:
" Không có bố thí, hy sinh hay tế lễ, (những việc có
thể đem giá trị cho giải thoát). Không có kết quả của các nghiệp thiện
ác (kamma), không có đời này hay đời sau (mà chỉ có sự gặp gỡ các giác
quan). Không có mẹ, không có cha, và cũng không có các loài hóa sanh. Ở
trên đời này không có các Sa-môn hay Bà-la-môn thành tựu cứu cánh tối
thượng, những vị đạt giác ngộ viên mãn, tuyên thuyết thế giới này và thế
giới khác, sau khi đã chứng tri chúng bằng thắng trí của mình. Ðúng ra,
con người này do tứ đại hợp thành. Khi mạng chung, địa đại trở về với
đất, thủy đại trở về với nước, hỏa đại trở về với lửa, phong đại trở về
với không khí và các căn tan biến vào cõi hư vô. Cả năm, nghĩa là bốn kẻ
gánh quan tài và thi thể trong quan tài là năm, cùng đi đến nơi hỏa
táng. Bọn người kiêng xác cứ ca ngợi tán dương cho đến tận nơi kia, nơi
đống xương hóa ra màu trắng xóa và lễ vật trở thành tro bụi. Chỉ có
người ngu si truyền bá các sự bố thí tế lễ. Khi chúng bảo có ích lợi cho
việc kia, đó chỉ là lời dối trá trống rỗng. Kẻ ngu cũng như người trí,
khi thân hoại mạng chung đều hủy diệt, tiêu vong, không còn tồn tại sau
khi chết". (DN 2.23)
Thật khó tưởng tượng rằng Ajita, người không đưa ra
một tia hy vọng nào về đời sau hay con đường giải thoát, lại có thể được
Sa-môn nào theo làm đồ đệ. Hình như vị ấy xuất hiện như một diễn giả đơn
độc và chỉ có đám đệ tử tại gia mà thôi.
4) Pakudha Kaccàyana:
Một lý thuyết về nguyên tử của vật chất được Pakudha
Kaccàyana đề xướng, từ đó vị này rút ra những kết luận thô thiển hạ
liệt. Ta chỉ đây là một người thuộc giai cấp Bà-la-môn qua danh tánh ấy.
Vị này công nhận có bảy yếu tố căn bản hay thân
(kàya) thuộc về bảy loại hoàn toàn khác biệt do đó
mọi vật được cấu thành. Chúng không được sáng tạo, thường hiện hữu và
bất biến. Bảy yếu tố căn bản ấy là: đất, nước, lửa, gió, lạc, khổ và
linh hồn hay mạng căn (Jìva).
"Không có người bị giết hay người chết, không có
người nghe hay người nói, cũng không có người biết hay người cho biết.
Bất kỳ ai chặt đầu người khác với kiếm sắc bén cũng không đoạt mạng sống
của ai cả. Kẻ ấy chỉ xuyên lưỡi kiếm vào khoảng hư không nằm giữa bảy
yếu tố kia (chứ không làm hại vật gì cả). (DN 2.26)
Sự thật là bảy yếu tố căn bản kia, nếu được phối hợp
thành một tổng thể có sức sống, khả dĩ bao hàm một hiện tượng cao quí
hơn, vĩ đại hơn con số cọng đơn giản tất cả yếu tố lại, rõ ràng điều này
không soi sáng vào lý luận của Pakudha. Tuy nhiên ,về phương diện lịch
sử, đạo sư này cũng có địa vị quan trọng như một người chủ trương thuyết
nguyên tử vật chất đầu tiên của Ấn Ðộ. Bảy yếu tố căn bản của vị này về
sau được phái Ajivika phương nam tiếp nhận, vì vậy đôi khi vị ấy cũng
được gọi là một vị Ajivita.
5) Sanojaya Belatthipputta:
Kinh điển Phật giáo đưa ra một hình ảnh khá mờ nhạt
về vị này, có lẽ đây chính là vị Sanojaya ở Ràjagaha đã có thời là đạo
sư của hai tôn giả Sàriputta và Moggallàna. Trong cuộc đàm luận với vua
Ajàtasattu, vị này tự xem mình là một người theo thuyết hoài nghi và bất
khả tri, bài bác mọi lý thuyết không được thiết lập trên quan sát và
kinh nghiệm. Có lẽ triết lý này cũng có một ý nghĩa nội dung tích cực
nào đó, song nếu vậy thì nội dung ấy đã không tồn tại qua hai ngàn năm
trăm năm kể từ thời sơ khai.
6) Nigantha Nàtaputta (nam tử của gia tộc Nàtha
theo phái Ly Hệ Phược), có tên riêng là Vardhamàna, và là con trai của
vị võ tướng quý tộc nhiều quyền lực Siddhattha cùng phu nhân Trisalà. Vị
ấy sinh năm 557 trước CN tại Kundagràma (nay là Basukund) gần Vesàli, về
sau nỗi tiếng hơn với các danh hiệu tôn quý như Mahàvìra (Ðại Hùng) và
Jina (Thắng Giả). Tên gọi tôn giáo của đạo sư này, Kỳ-na giáo, phát xuất
từ biệt hiệu thứ hai.
Vardhamàna lớn lên trong hoàn cảnh gia đình hưng
thịnh, tiếp nhận một nền giáo dục thông thường của một vị Sát-đế-lỵ. Khi
đến tuổi trưởng thành, vị ấy kết hôn và có một con gái. Cha mẹ vị này
theo giáo lý của Pàrsva (Nàtha), có lẽ đó là một đạo sư có thật trong
lịch sử, tương truyền xuất thân từ Benares, sống vào thế kỷ thứ tám
trước CN và đám môn đồ được gọi là Nigantha (Ni-kiền-tử: Ly hệ phược).
Họ theo giáo phái khổ hạnh thật nghiệm khắc đến độ, muốn đạt thanh tịnh
bản thân để tiêu trừ nghiệp quá khứ (kamma), họ nhịn đói cho đến chết.
Theo bước chân cha mẹ, ngoài Vardhamàna, vị huynh trưởng Nandivardhana
cũng là một Ni-kiền-tử. Sau khi cha mất, Nandivardhana lãnh nhiệm vụ
chính trị của cha và dùng thế lực ở Vesàli để truyền bá đạo Ni-kiền-tử.
Hai năm sau khi cha mẹ nhịn đói đến chết, vào dịp đầu
mùa đông, Vardhamàna từ giã gia đình để theo đời Sa-môn. Thời ấy, (527
trước CN) vị này được ba mươi tuổi. Vì tuân thủ lời dạy của sơ tổ
Pàrsva, vị ấy không cần tìm một đạo sư mới mà chỉ sống theo Giới Luật
của sơ tổ. Trước tiên, vị ấy làm du sĩ khổ hạnh, chỉ đắp một y, nhưng
sau mười ba tháng vị ấy bỏ y này và từ đó "mặc y không khí:, tức là lõa
thể, một tập tục mà đồ đệ một thời của vì này là Makkhali Gosala, một du
sĩ Ajivika, đã chấp nhận.
Vardhamàna tự buộc mình theo những điều luật khắc
nghiệt, tương truyền là đã dựng một bức tường cao quanh mình để hành
thiền bên trong. Suốt hai năm hai tháng vị ấy vẫn ở chỗ cũ theo cách
này, và sau đó bắt đầu du hành, dần dần tiến về hướng đông từ vùng
"Trung Nguyên" vào phía Tây vịnh Bengal ngày nay, và có lẽ ra tận biển.
Việc tiếp xúc của vị ấy với quần chúng miền đông Ấn không được hoàn toàn
tốt đẹp, vì dân chúng ở đó xem hình thức lõa thể là vô liêm sĩ và không
hiểu được lối sống khất sĩ. Ðôi khi họ còn thả chó ra vồ cả Sa-môn lõa
thể kia nữa!
Vardhamàna sống đời khổ hạnh cùng cực, dù vị ấy chưa
theo đuổi một kiểu hành hạ xác thân nào. Sự kiện Giác Ngộ của vị này
được xem là đã khiến vị này thành bậc Toàn Tri Kiến xuất hiện sau mười
hai năm sống đời du sĩ không nhà, nghĩa là năm 515 trước CN. Khung cảnh
giác ngộ là một cây Sàla gần Jrimbhikagràma. Do giác ngộ, đạo sư
Vardhamàna trở thành Thắng Giả (jina) cùng với danh hiệu này, thời kỳ bị
quần chúng bài xích cũng qua đi: vị Thắng Giả đã được thiên hạ đối xử
tôn kính.
Sau ba mươi năm hành đạo và tạo nên sự nghiệp thành
công với địa vị giáo chủ, Mahàvìra từ trần tại Pàvà (nay là Pàvapurì)
gần Patna vào năm 485 trước CN ở tuổi bảy mươi hai. Cũng giống như cha
mẹ đạo sư này nhịn đói cho đến chết. Vị ấy để cho hậu thế một hội chúng
Sa-môn và đệ tử tại gia, cả nam lẫn nữ, ít hơn số tăng chúng Phật giáo
hay phái Ajivika, nhưng cũng khéo tổ chức theo đoàn thể. Giáo lý
Nigantha được vị này phục hưng, dần dần theo thời gian được gọi là Kỳ-na
giáo, tồn tại ở Ấn Ðộ cho đến nay và có khoảng hai triệu môn đồ, phần
lớn ở Bombay.
Ðại cương giáo lý Kỳ-na mà chúng ta thấy được trong
Kinh Tạng Pàli (DN 2.29) thiếu mất điểm trọng yếu của hệ thống này. May
mắn là chúng ta không cần phải theo nguồn Kinh điển ấy, vì chính môn đồ
Kỳ-na giáo có nguồn thánh điển bao quát đầy đủ được chép thành văn vào
thế kỷ thứ năm sau CN và lưu truyền theo ngôn ngữ Ardhamagàdhì (ngôn ngữ
của sư tổ Mahàvìra), Apadhramsa và Sanskirt.
Ngoài ra, văn học của dân chúng Ấn Ðộ chịu nhiều ảnh
hưởng của đạo Kỳ-na. Giáo phái này xem việc bảo tồn các kinh sách cổ
điển quan trọng là công đức tạo phước nghiệp bằng cách chép tay hay in
lại các sách này hư nát sau khoảng chừng một trăm rưỡi năm.
Cũng như Phật giáo, đạo Kỳ-na không tin vào sự tăng
hay giảm theo định kỳ của thế giới. Thế giới xưa nay vẫn tồn tại như vậy
và không hoại diệt, mặc dù mọi hình thức thay đổi cứ tiếp diễn trong đó
và mọi hoàn cảnh luôn biến dịch. Vạn pháp diễn ra theo qui luật nhân quả
tự nhiên và không có một vị thần linh nào kiểm tra cơ chế của thế giới
cả. Mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào qui luật tự nhiên là điều không
thể có được.
Toàn thể thế giới gồm các yếu tố phi sinh mạng và
sinh mạng, điều này được phái Kỳ-na phân biệt rất rõ ràng. Lãnh vực phi
sinh mạng (ajìva) bao gồm năm thể loại, hình thái, và thực tại, đó là:
không gian, chuyển động, đình chỉ, thời gian và vật chất (pudgala). Vật
chất (tức là đất, nước, lửa, không khí) do các nguyên tử (anu) tạo
thành, các nguyên tử này không thể phân chia nhỏ hơn nữa. Các nguyên tử
kết hợp cùng với nhiều nguyên tử khác, và từ sự hòa đồng này phát sinh
nhiều biểu hiện vật chất đa dạng mà ta có thể thấy được. Bóng tối, ánh
sáng, âm thanh và tiếng động cũng đều được xem là vật chất.
Trái với lãnh vực phi sinh mạng ấy là lãnh vực sinh
mạng (jìva). Vô số linh hồn hay tự ngã riêng biệt (àtman) thuộc về lãnh
vực này, chúng trường tồn, có ý thức, toàn tri kiến, vô ưu và hoàn hảo,
bao lâu chúng chưa bị suy thoái thành các "sinh mạng" (jìva) hay "linh
hồn nhập thể" do sự ô nhiễm từ bên ngoài. Cả hai từ àtman và jìva đều
chỉ chung linh hồn, theo cách nó hiện hữu trong trạng thái thanh tịnh
hay trạng thái nhập thể. Tất cả mọi atmans đều giống nhau, trong khi các
jìvas lại khác nhau do quá trình hiện thân nhập thể ấy.
Sự suy thoái của àtman thành một jìva do sự lắng động
một chất bất tịnh tinh tế tạo nên, mắt thường không thấy được, nó dính
vào àtman như thể các hạt bụi dính vào một bề mặt trơn láng. Theo cách
này, àtman trước hết tạo ra một thực thể tâm linh, sau đó là một thực
thể vật chất. Thực thể này ban đầu che dấu và cuối cùng bao phủ lên mọi
tính chất căn bản àtman. Như thế àtman trở thành một jìva, là một hữu
tình sống thực bị trói buộc vào vòng luân hồi sanh tử (samsàra), vì vậy
phải chịu đựng khổ đau triền miên tái diễn.
Mọi khổ đau phát xuất từ sự trói buộc linh hồn vào
thể chất. Các jìvas không chỉ là loài người, sinh vật, mà còn là cỏ,
cây, đất, nước, lửa, gió, cho đến đá, sỏi nữa. Các loài vật này có một
linh hồn tập thể. Theo quan điểm Kỳ-na giáo như thế, phần lớn các phạm
vi hiện hữu đều sống động, trong khi các trường phái tư duy khác thường
xem chúng là vô tri, bất động. Niềm tin này giải thích sự quan tâm đặc
biệt của người theo đạo Kỳ-na tránh làm hại môi trường xung quanh.
Sự trói buộc (yoga) các linh hồn vào thế giới vật
chất và vòng luân hồi sanh tử đã xuất hiện từ thời vô thủy. Nó được tạo
ra bởi các nghiệp (karman) từ ý, khẩu, thân của mỗi vị hữu tình. Mọi
hành động dù thiện hay ác, đều cuộn lên những hạt bụi của nghiệp lực
-được gọi là những karman trong thuật ngữ Kỳ-na giáo - chúng làm cấu uế
sinh mạng tức là người hành động: những karman này được xem là các "chất
tội lỗi" tinh tế. Các hành động độc ác và ích kỷ tạo nhiều bụi bặm ô
nhiễm nghiệp lực hơn các hành động khác, và càng trói chặt loài hữu tình
vào vòng luân hồi hơn nữa.
Cứu cánh của Kỳ-na giáo là giải thoát linh hồn khỏi
vòng tái sanh. Giải thoát, nghĩa là biến đổi sinh mạng (jìva) trở về
trạng thái linh hồn (àtman) thanh tịnh, được thực hiện bằng cách sống
cho hết mọi nghiệp quá khứ (karman), như vậy chúng được tận diệt, đồng
thời bằng cách không tạo thêm các nghiệp mới. Phương pháp đi đến cứu
cánh này qua nhiều kiếp tái sanh thật trường kỳ và khổ đau. Phái Kỳ-na
do vậy nhận định rằng chỉ có một số ít hữu tình đi con đường ấy cho đến
đích, còn đa số phải chịu tái sanh vĩnh viễn.
Ðể hủy diệt các nghiệp cũ càng nhanh càng tốt, nhiều
người theo đạo Kỳ-na thực hành nhiều giới khổ hạnh khắc nghiệt gồm cả
nhịn ăn đến chết. Chết do khổ hạnh thì được chấp nhận, mặc dù tự sát
thông thường được xem là dấu hiệu của hèn nhát. Nhằm mục đích đề phòng
các nghiệp mới sanh khởi, họ thường theo nếp sống vô cùng nghiêm ngặt.
Tất cả mọi đệ tử Kỳ-na giáo, tu sĩ cũng như tại gia,
có năm điều luật căn bản (vrata), được suy diễn là khá nới lỏng đối với
cư sĩ, nhưng cực kỳ nghiêm khắc đối với tu sĩ, đó là: không hại bất cứ
jìva nào (ahimsà), không trộm cắp hoặc nói dối, sống tiết chế nhục dục
và không tạo quá nhiều tài sản.
Con đường đi đến giải thoát dành cho cư sĩ được chia
làm mười một giai đoạn (pratimà). Vì không thể nào tránh làm hại các
sinh vật bé nhỏ ở trong đất, nên giữa các nghề, người thế tục bị cấm làm
nghề nông. Thế là cộng đồng cư sĩ đạo Kỳ-na đa số gồm thương gia, nhiều
người đã trở thành giàu có nhờ buôn bán vàng ngọc. Vàng ngọc là vật vô
tri, do vậy sử dụng chúng không làm hại jìva nào cả.
Chứng đắc viên mãn (siddhi) và giải thoát (moksa) chỉ
có thể do giới tu sĩ thành tựu. Ðiều này cốt yếu là giải thoát linh hồn,
phục hồi sự thanh tịnh của àtman. Những ai được giải thoát (kevalin) sau
khi chết sẽ cư trú trên cõi trời cao hơn vũ trụ này. Tại đó họ tồn tại
như những linh hồn phi thể chất trong một trạng thái cực lạc toàn tri
kiến, bất động, ly hỷ, vô ưu.
Trên đây là sơ lược giáo lý Kỳ-na, mặc dù một vài
điểm có thể đã được phân loại về sau, tuy nhiên, điều chắc chắn là các
tư tưởng tinh túy đều đã có từ thời tổ sư Mahàvìra, thậm chí cả tổ
Pàrsva nữa.
Kinh điển Pàli không có dấu hiệu nào cho thấy đức
Phật đã từng đích thân hội kiến bất kỳ ai trong số lục sư ngoại đạo danh
tiếng ở thời ngài cả. Theo nguyên tắc ngài tránh các cuộc gặp mặt như
vậy (Snip 828, 912) mặc dù rất có thể là ngài sẽ thắng trong bất kỳ cuộc
tranh luận nào với chư vị ấy. Ngài được xem là một đối thủ đáng kính nể,
khó thắng được.
"Sa-môn Gotama đầy mưu lược, vị ấy biết nhiều xảo
thuật mê hoặc lôi cuốn (tức là cảm hóa) các đệ tử ngoại đạo". Vị đệ tử
Kỳ-na giáo Dìhatapassin (Trường Khổ Hạnh Giả) tường trình với đạo sư
Mahàvìra của mình như vậy, sau khi đã tranh luận với đức Phật (MN 56).
Tổ Mahàvìra có lễ cúng để dễ dàng tạo được một số ý kiến cá nhân đánh
giá "Sa-môn Gotama", vì cả hai vị đều ở gần nhau tại Nàlandà (MN 56). Về
phương diện khác, đức Phật cũng không quan tâm đến việc kết giao với tổ
Mahàvìra.
Trong hai thập niên hoằng pháp đầu tiên, việc hóa đạo
của đức Phật thành công tương đối dễ dàng. Nhiệt tình của ngài còn tinh
nguyên và truyền cảm, trong khi các giáo lý đối lập lại yếu hơn. Ðám
người cạnh tranh gay gắt để chiếm ưu thế giữa quần chúng và các đạo sư
đối lập điêu luyện chỉ xuất hiện dần theo thời gian, trước tiên từ phái
jìvikas, về sau từ phái Kỳ-na. Trong thập niên cuối cùng của đời ngài,
hầu như chỉ còn phái Kỳ-na là nhóm triết gia đối lập với ngài.
Mặc dù đức Phật chưa bao giờ đích thân gặp mặt bất cứ
vị lãnh đạo nào của các giáo phái khác, thông thường đệ tử của các đạo
sư ấy, nhất là của tổ Mahàvìna, vẫn đến yết kiến ngài. Kinh điển Pàli
tường thuật nhiều cuộc viếng thăm kia, ví dụ như sau:
"Một thời, Thế Tôn trú tại Nàlandà, ở tinh xá trong
Vườn Xoài Pàvàrika. Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của đạo sư
Lõa thể Mahàvìra đến yết kiến Thế Tôn. Khi vị ấy ngồi xuống bên tả Thế
Tôn, Thế Tôn hỏi:
-Này thôn trưởng, giáo pháp của Nigantha Nàtaputta
dạy đệ tử thế nào?
-Bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta dạy như vầy:
" Bất cứ ai sát hại sinh mạng, tất cả chúng đều phải
vào đọa xứ, địa ngục. Bất cứ ai lấy của không cho, sống theo tà hạnh
trong các dục, nói láo, tất cả chúng đều phải vào đọa xứ, địa ngục. Theo
cách một người có thói thường sống như thế nào, kẻ ấy đi về hướng sanh
thú ấy". Bạch Thế Tôn, như vậy là giáo pháp mà Nigantha Nàtaputta dạy đệ
tử".
-Này thôn trưởng, ông nói: "Theo cách một người có
thói thường sống thế nào thì kẻ ấy đi về hướng sanh thú ấy". Song
nếu sự tình là như vậy, thì không ai vào đọa xứ, địa ngục cả. Vì ông
nghĩ thế nào, này thôn trưởng? Nếu một người thỉnh thoảng có sát sanh,
thì thời nào là thông thường hơn (= nhiều hơn) đối với kẻ ấy: thời gian
kẻ ấy sát sanh hay thời gian kẻ ấy không sát sanh?
-Bạch Thế Tôn, dĩ nhiên thời gian kẻ ấy không sát
sanh là thường hơn.
-Nhưng ông nói: "Theo cách một người có thói thường
sống như thế nào, thì kẻ ấy đi về hướng sanh thú ấy". Do vậy, theo giáo
pháp của Nàtaputta, không ai được đọa xứ, địa ngục cả.
(Ðiều này cũng phù hợp với các ác nghiệp được tổ
Mahàvìra bác bỏ).
Này thôn trưởng, một đạo sư khác thuyết giảng (điều
trái ngược hẳn với những gì Mahàvìra tuyên bố) và đệ tử đặt lòng tin vào
thầy mình. Kẻ ấy nghĩ: "Thầy tuyên bố rằng bất cứ ai sát sanh - tất cả
chúng đều vào đọa xứ, địa ngục. Nay ta cũng đã sát sanh, vậy ta sẽ phải
vào đạo xứ, địa ngục". Và bởi vì kẻ ấy chấp chặt tà kiến kia, không
buông bỏ tà kiến kia, chắc chắn kẻ ấy phải vào địa ngục, đọa xứ.
* Nhưng ở đây, này thôn trưởng, Như Lai xuất hiện ở
đời, bậc A-la-hán Cánh Ðẳng Giác. Như Lai kịch liệt chỉ trích sát sanh,
lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, và nói láo. Vị đệ tử đặt lòng
tin vào đạo sư, bèn suy nghĩ: "Nay ta đã sát sanh. Việc ấy là không
đúng, như vậy là không tốt. Phải luôn ghi nhớ rằng hành động ác kia ta
đã lỡ làm, nay ta hãy ăn năn hối cải". Và do suy nghĩ như vậy, vị ấy từ
bỏ sát sanh và bằng cách này vị ấy vuợt qua ác nghiệp (kamma)... và đồng
thời tu tập chánh kiến, hộ trì các căn, phát triển thiền định, quán từ
âm...
Cũng giống như chiếc tù và bằng vỏ ốc vang dội bốn
phương, vị ấy biến mãn khắp bốn phương với tâm từ, bi, hỷ, xả, vô lượng,
vô biênẨ, này thôn trưởng, nhờ từ tâm giải thoát và xả tâm giải thoát
được tu tập như vậy, phàm việc gì có hạn lượng sẽ không có dư tàn, sẽ
không còn tồn tại".
Khi nghe những lời này, thôn trưởng Asibandhakaputta
thưa với Thế Tôn:
" Thật vi diệu thay, Bạch Thế Tôn, thật hy hữu thay,
bạch Thế Tôn, ước mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ tại gia quy ngưỡng Thế
Tôn từ nay cho đến trọn đời". (SN 42.2,8 giản lược)
Bài kinh này thật thú vị, không chỉ vì miêu tả một
cuộc thảo luận giữa các giáo phái, mà còn vì kỹ thuật biện luận được đức
Phật dùng ở đây, kỹ thuật này có thể được gọi là "phương pháp hạn chế".
Sau khi nêu rõ lý thuyết về nghiệp (kamma) của Mahàvìra là cực đoan A
(các hành động ác thỉnh thoảng xảy ra không đưa đến nghiệp quả), và của
một đạo sư khác là cực đoan Z (tất cả các hành động ác đều đưa đến
nghiệp quả), ngài trình bày lý thuyết về nghiệp của ngài là Trung
Ðạo M hợp lẽ phải: " Nghiệp quả của một hành động ác có thể được khắc
phục nhờ ăn năn hối cải và tu tập phát triển công đức giới hạnh". Cả
trong thực chất của vấn đề cũng như phương pháp lý luận, ở đây đức Phật
đều chứng minh Trung Ðạo của ngài.
Ðức Phật không đánh giá cao khả năng thuyết giảng
cùng giáo lý của tổ Mahàvìra. Ngài bảo chư Tỳ-kheo, các giáo lý Kỳ-na
không thỏa đáng từ bất cứ quan điểm nào. Bởi vì nếu khổ lạc của chúng
sanh đều do nghiệp quá khứ quyết định thì mọi đệ tử phái Kỳ-na, những kẻ
sống theo Giới Luật khắc nghiệt, phải chịu đựng quá nhiều khổ đau như
vậy, chắc hẳn phải là những kẻ tạo nhiều ác nghiệp trong kiếp quá khứ.
Hoặc nếu ta giả thiết khổ lạc đều do một đấng sáng tạo nào đó, hoặc do
ngẫu nhiên, thì hẳn mọi đệ tử Kỳ-na phải do một đấng Sáng Tạo ác độc tác
thành, hoặc là kết quả của tai họa ngẫu nhiên đầy bất hạnh. (MN 107)
Trí tuệ linh hoạt mẫn tiệp của đức Phật khiến ngài dễ
dàng phản bác các triết lý đối lập bằng cách nêu ra các điểm mâu thuẫn
nội tại của họ. Một ví dụ là cuộc đối thoại với vị thôn trưởng phái
Kỳ-na vừa nêu trên, một ví dụ khác là cuộc đàm luận của ngài đối với du
sĩ ngoại đạo Dìghanakha Aggivessana, con trai của bà chị tôn giả
Sàriputta (MN 74). Dìghanakha (Trường Trảo) đến yết kiến đức Phật trên
núi Linh Thứu (Gijjhakuta) gần Ràjagaha, và nêu quan điểm: "Tất cả đều
không làm tôi thích thú". Ðức Phật đáp rằng nếu tất cả (sabbam) đều
không làm vị ấy thích thú, thì điều này phải bao gồm luôn cả triết lý
với vị ấy nữa. Túng thế, Dìghanakha buộc phải thừa nhận điều này chính
là vậy. Sau đó đức Phật thuyết giảng rằng những quan niệm đầy mâu thuẫn
nội tại như vậy làm chướng ngại sự an tịnh của tâm. Cứu cánh giải thoát
chỉ có thể đạt được bằng cách từ bỏ mọi hý luận triết lý, nhờ tuệ giác
thấu triệt bản chất như thật của hiện hữu, sắc thân là vô thường, khổ,
vô ngã (tức là không có bản ngã tồn tại sau khi chết). Nhận thức này sẽ
đưa đến yếm ly mọi cảm thọ (khổ, lạc, bất khổ bất lạc), ly tham, giải
thoát và đoạn tận tái sanh. Dìghanakha cảm phục khi nghe lời thuyết
giảng này, liền xin gia nhập hội chúng cư sĩ tại gia của đức Phật.