|
. |
Tuyển tập
Phật Thành Đạo
Nhiều tác giả
---
o0o ---
Phần III
Phật giáo và các vấn đề hiện tại
THÔNG ĐIỆP GIÁO DỤC CỦA ĐỨC PHẬT
Diệu Hương
Nền giáo dục của Đức
Phật đứng trên lập trường nhân bản, nêu cao tinh thần tự giác của con
người, đó là vấn đề chủ yếu giúp con người đánh thức trí tuệ của mình,
biết điều hành được cuộc sống tâm lý và vật lý của chính mình để đạt đến
giải thoát và giác ngộ, biết hướng con người thích ứng với môi trường
sống trong xã hội tiến bộ, biết sáng suốt nhìn và biết sống như thế nào
để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng xã hội…
Giáo dục là một trong
những yếu tố quan trọng nhất có thể diệt trừ sự dốt nát, những thành
kiến vốn là những nguyên nhân tạo nên những mâu thuẫn xung đột. Xung đột
chính nội tại của cá nhân đó, xung đột giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân
với môi trường, cá nhân với xã hội; hay nói rộng hơn là xung đột giữa
một tập thể này với một tập thể khác, giữa tôn giáo này với tôn giáo
khác hay quốc gia này với quốc gia khác. Nhưng suy cho cùng cũng là mâu
thuẫn của con người trong chính sự vận hành của mình. Chính vì vậy điều
kiện tiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn này, để đạt được sự bình
an nội tại, giải thoát mọi khổ đau vẫn chính con người phải tự biết
mình.
Đức Phật Thích-ca-mâu-ni
sau khi trải qua kinh nghiệm năm năm tìm thầy học đạo, sáu năm dài khổ
hạnh để cuối cùng dưới cội bồ đề rậm lá bên dòng sông Ni-liên-thuyền
xanh mát, chính tự Ngài đã thực chứng được con đường "trung đạo"
hay còn gọi là định lý duyên khởi. Bức màn định lý duyên khởi đã
được Ngài vén lên để đánh thức nhân loại ra khỏi giấc mơ trói buộc của
tham ái và chấp thủ, đánh thức nhân lọai phải tự biết mình là "chủ
nhân ông của nghiệp và thừa tự nghiệp," là chủ nhân ông của móc xích
mười hai khoen nhân duyên và cũng sẽ là thừa tự hậu quả của mười hai
nhân duyên đó.
Do vô minh mà có hành.
Do hành mà có thức.
Do thức mà có danh sắc.
Do danh sắc mà có lục nhập.
Do lục nhập mà có xúc.
Do xúc mà có thọ.
Do thọ mà có ái.
Do ái mà có thủ.
Do thủ mà có hữu.
Do hữu mà có sanh.
Do sanh
mà có lão tử, sầu bi khổ ưu não …
Chính tự mình đã tạo
vô minh để rồi đưa đến sanh lão bịnh tử … thì cũng chính tự mình mới là
người cởi bỏ những móc xích của mười hai nhân duyên đó.
Do vô minh diệt nên
hành diệt
Do hành diệt nên thức diệt.
Do thức diệt nên danh sắc diệt.
Do danh sắc diệt nên lục nhập diệt.
Do lục nhập diệt nên xúc diệt.
Do xúc diệt nên thọ diệt.
Do thọ diệt nên ái diệt.
Do ái diệt nên thủ diệt.
Do thủ diệt nên hữu diệt.
Do hữu diệt nên sanh diệt.
Do sanh
diệt nên lão tử, sầu bi khổ ưu não … diệt.
Tóm gọn lại, công thức
này còn được định hình trong bốn câu:
"Do cái này sanh nên
cái kia sanh,
Do cái này có nên cái kia có.
Do cái này diệt nên cái kia diệt,
Do cái này không nên cái kia không."1
Nghĩa là mấu chốt đưa
đến sanh tử đã được Đức Phật thực chứng và Ngài đã sung sướng thốt lên:
"Ta
lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp
kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay
Ta đã gặp ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa! Bao nhiêu rui mè của
ngươi đều gãy cả rồi, kèo cột của ngươi đã tan vụn cả rồi. Trí ta đã đạt
đến vô thương Niết bàn, bao nhiêu dục vọng đều dứt sạch cả."2
Chân lý Duyên sanh là
tiếng nói của bậc tuệ giác vĩ đại, chưa từng có trong hệ thống lịch sử
tôn giáo và triết học cổ truyền bấy giờ. Chân lý duyên khởi này đã đánh
tan thành kiến cố chấp thần linh của giai cấp bà-la-môn lúc bấy giờ, đã
thực sự làm rung chuyển các tôn giáo lớn của Ấn Độ cổ đại đã chủ trương
rằng con người và mọi hiện hữu trên thế gian này là những tạo vật của
Thượng đế, của Phạm thiên, của đấng toàn năng vô hạn, của một bản thể
đại ngã … và con người phải chịu sự chi phối thưởng phạt của những thế
lực siêu nhiên vô hình nào đó. Ngược lại bằng giáo lý duyên khởi, Đức
Phật chủ trương con người là chủ nhân của tất cả thừa tự nghiệp, là chủ
nhân kết lên 12 khoen nhân duyên và cũng sẽ là người tháo gỡ 12 khoen
sanh tử đó. Nghĩa là con người tự tạo những mâu thuẫn xung đột sát-na
tâm sanh diệt chính trong cá nhân mình và môi trường bên ngoài thì cũng
chính con người phải là người tự diệt nó đi.
Trong kinh tạng, nhiều chỗ
Đức Phật đã không bao giờ thừa nhận mình là vị thần linh hay đấng siêu
nhân tối thượng cầm quyền trừng phạt hay ban ân giải thoát cho bất cứ
ai. Ngài cũng là một con người bình thường bằng xương bằng thịt như
chúng ta, một con người có thật trong lịch sử nhân lọai. Cha là Vua Tịnh
Phạn, mẹ là Hoàng hậu Maya, và thái tử Sĩ-đạt-ta đã được sinh ra tại
vườn Lâm-tì-ni. Thái tử đã xót xa trước cảnh đau khổ sanh già bịnh chết
của kiếp người khi đi dạo bốn cửa thành. Ngài đã động lòng trắc ẩn trước
cảnh giun trùng bị giày xéo trước lưỡi cày của con người, đã thương tâm
trước cảnh nai tơ bị hổ vồ, ong ruồi sa lưới nhện, đã thương xót mang về
săn sóc con chim bị trúng tên (do thái tử Đề-bà-đạt-đa bắn) cho đến khi
lành mạnh thì thả cho chim tự do trên bầu trời.
Từ là ban vui,
bi là cứu khổ. Ban cái vui cứu cánh và cứu cái khổ triền miên. Đó là
động lực khiến Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan để tìm
con đường thoát khổ cho chúng sanh. Sáu năm khổ hạnh rừng già 49 ngày
kiên trì thiền định để cuối cùng Ngài giác ngộ lý "trung đạo" đó là nội
dung của bài chuyển pháp luân đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như tại
LộcUyển sau khi Đức Phật thành đạo tại cội bồ-đề. Nếu con người đã nhận
thức được nguồn gốc của khổ đau do tự mình trói buộc thì cũng chính con
người từ gốc khổ đau đó mà xả ly cởi trói ra. Đức Phật ngài chỉ là một
người chỉ đường, là người mong mỏi thoát ly và làm cho mọi người cùng
thoát ly. Đức Phật không phải là một con người của hư vô, không phải là
một con người của kiến chấp điên đảo như Bà-la-môn giáo. Ngài là một con
người như mọi người nhưng đã vực dậy được từ khổ đau của tự thân và muôn
loài, của tôn giáo và triết học, của cá nhân và cộng đồng xã hội, trong
đó nhân tính được Đức Phật đề cao với những lời dạy: "con người và
chỉ có con người mới có thể thực hiện được những hoài bão lý tưởng hướng
đến Phật quả." là ban vui,
bi là cứu khổ. Ban cái vui cứu cánh và cứu cái khổ triền miên. Đó là
động lực khiến Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan để tìm
con đường thoát khổ cho chúng sanh. Sáu năm khổ hạnh rừng già 49 ngày
kiên trì thiền định để cuối cùng Ngài giác ngộ lý "trung đạo" đó là nội
dung của bài chuyển pháp luân đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như tại
LộcUyển sau khi Đức Phật thành đạo tại cội bồ-đề. Nếu con người đã nhận
thức được nguồn gốc của khổ đau do tự mình trói buộc thì cũng chính con
người từ gốc khổ đau đó mà xả ly cởi trói ra. Đức Phật ngài chỉ là một
người chỉ đường, là người mong mỏi thoát ly và làm cho mọi người cùng
thoát ly. Đức Phật không phải là một con người của hư vô, không phải là
một con người của kiến chấp điên đảo như Bà-la-môn giáo. Ngài là một con
người như mọi người nhưng đã vực dậy được từ khổ đau của tự thân và muôn
loài, của tôn giáo và triết học, của cá nhân và cộng đồng xã hội, trong
đó nhân tính được Đức Phật đề cao với những lời dạy: "con người và
chỉ có con người mới có thể thực hiện được những hoài bão lý tưởng hướng
đến Phật quả."
Chúng ta có thể gọi Đức
Phật là một con người tuyệt vời trong nhân tính vì Đức Phật tuyệt đối
lấy nhân tính làm cơ sở để từ đó vươn lên tầm cao của hoàn thiện chính
mình ngay trong đời này và những người khác theo con đường đó thì sẽ đạt
được sự hòan thiện như Đức Phật vậy. Vì lý do đó mà Đức Phật đã thường
khẳng định vị trí của con người với chúng đệ tử của mình rằng: "Hãy
trở về nương tựa mình và nương tựa pháp; người là hải đảo là nơi nương
tựa của chính ngươi."
Ngài luôn luôn cổ súy tinh
thần tự lực của mỗi người để tìm lấy sự giải thoát cho chính mình và
điều này như một sợi chỉ xuyên suốt trong tòan bộ hệ thống giáo lý của
Đức Phật trong 49 năm hoằng pháp lợi sanh.
"Nương tựa mình,"
"Ngươi là hải đảo, là nơi nương tựa của chính ngươi"
vì chỉ chính mình mới hiểu mình hơn ai hết. Hãy quay lại với con người và
tâm thức của chính mình. Còn tất cả những hình sắc âm thanh của bên
ngoài, của núi sông đại địa, của con người … đều là những ảo giác do
biến kế sở chấp của tám thức mà phát sanh.
"Nương tựa pháp"
bởi chỉ có phương pháp tu tập của Đức Phật – bậc tối tôn của cuộc đời,
chúng ta mới biết người thợ xây nhà đã dùng 12 khoen nhân duyên của rui,
mè … để tạo thành hiện hữu kiến trúc con người. Chúng ta mới biết giới
định tuệ, tứ đế, bát chánh đạo, 12 nhân duyên, tam pháp ấn ... nói rộng
ra là 84.000 pháp môn sẽ đưa chúng ta từ một con người bình thường trở
thành những nhà mô phạm đạo đức thanh tịnh của cuộc đời, sẽ đem lại sự
giải thoát an lạc và hạnh phúc cho chính mình và xã hội chung quanh.
Chính trong lời giáo huấn
tối hậu của Đức Phật tại Câu-thi-la trước khi Đức Phật nhập niết-bàn,
Ngài đã ân cần dặn dò rằng:
"Này các Tỳ-kheo, đừng
nghĩ rằng sau khi ta nhập diệt các ngươi không còn biết nương tựa vào
ai. Chính giới pháp ta đã chỉ dạy các ngươi sẽ là nơi nương tựa. Các
pháp hữu vi đều vô thường, hãy tinh tấn lên để giải thoát."3
"Pháp" nghĩa là
chân lý mà dù chúng ta muốn hay không thì nó vẫn như thế. Tác giả Hoàng
Thượng4
đã nói rằng " Pháp xuất hiện như chân lý, vừa mang tánh hiện thực khách
quan – chân lý công ước, lâm thời và lại vừa mang tính tuyệt đối – chân
lý bất khả thuyết". Pháp là một con đường quy ngưỡng về nếp sống mà ở đó
vai trò của Thượng đế không có mặt. Mọi trách nhiệm về khổ đau và hạnh
phúc ở đời đều do con người phán quyết. Trở về nương tựa với Pháp là trở
về với trách nhiệm luân lý đạo đức, trách nhiêm trong cuộc sống tư duy
và hành động, trong thể cách ứng xử giữa tự thân và tha nhân, giữa cá
thể và xã hội của mỗi con người. Thế giới bao la và đời sống tâm thức
thì vô tận, do đó sẽ không có bất kỳ một động lực tự nhiên hay siêu
nhiên nào có thể ngự trị trong dòng sanh tử luân lưu, ngọai trừ chuỗi
nhân quả gồm 12 khoen nhân duyên.
Trở về nương tựa với
mình
cũng có nghĩa là trở về hạt giống giác ngộ hay năng lực giác ngộ. Hạt
giống Phật này tiềm ẩn, vốn có trong mỗi tâm thức chúng ta mà bấy lâu
nay chúng ta như gã cùng tử nghèo túng lang thang nhiều kiếp mà không
biết bảo vật châu báu nằm sẵn trong chéo áo của mình. Và để được trở
thành nhà tỷ phú giàu có hạnh phúc, chính chúng ta đóng vai trò trung
tâm gỡ chéo áo để lấy bảo vật ra. Còn Đức Phật chỉ là người chỉ cho ta
phương pháp lấy châu báu trong chéo áo đó như kinh Pháp cú có dạy:
"Ngươi phải làm công
việc của ngươi,
vì Như Lai chỉ chỉ dạy con đường."5
Hay
như trong Kinh Di Giáo Ngài đã khẳng định: "Như người dẫn
đường, chỉ dẫn đường cho mọi người, nhưng nghe rồi mà không đi thì lỗi
không phải ở người dẫn đường."6
Đức Phật là một nhà giáo
dục toàn diện, Ngài căn cứ trên tinh thần từ bi và trí tuệ để tạo điều
kiện tối ưu đưa con người đến với chân lý bằng tinh thần tự giác, hướng
con người quay về tự chứng nghiệm với chân lý đó. Việc giáo dục của Đức
Phật dựa trên sự đánh thức tâm tư của mỗi người tự giác trở về với sự
giác ngộ bản thân. Với hình thức giáo dục này Đức Phật không đưa ra một
giáo điều nào bắt mọi người phải tuân thủ hay mặc khải, coi ngài như một
đấng quyền năng tối thượng. Nền giáo dục của Đức Phật đứng trên lập
trường nhân bản, nêu cao tinh thần tự giác của con người, đó là vấn đề
chủ yếu giúp con người đánh thức trí tuệ của mình, biết điều hành được
cuộc sống tâm lý và vật lý của chính mình để đạt đến giải thoát và giác
ngộ, biết hướng con người thích ứng với môi trường sống trong xã hội
tiến bộ, biết sáng suốt nhìn và biết sống như thế nào để đem lại hạnh
phúc cho chính mình và cộng đồng xã hội.
"Ngươi là nơi nương tựa của chính ngươi, không ai khác có thể là nơi
nương tựa."7
"Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là thừa tự của
nghiệp."
"Hãy tự
mình thắp đuốc lên mà đi."
Đấy là thái độ giáo dục
mang tính tích cực, sáng tạo, dân chủ trong tinh thần vô ngã, có giá trị
xuyên suốt thời gian và không gian, có khả năng hóa giải được các căn
bịnh mâu thuẫn xung đột của chính nội tại cá nhân đó, mâu thuẫn xung đột
giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với môi trường, gia đình xã hội và thế
giới bên ngoài.
Đó là cánh thư xanh, là
bức thông điệp giáo dục vô tiền khoáng hậu của Đức Phật mà cách đây hơn
25 thế kỷ, Ngài đã gởi đến cho nhân loại chúng ta trong thiên niên kỷ
mới của mùa xuân Tân Tỵ 2001 này.
Chú thích:
1.
Gems of Buddhism Wisdom. (The Corporate Body of the Buddha Educational
Foundation, Taiwan, 1996), trang42.
2. Kinh Pháp Cú, Thích Trí Đức dịch.
Ấn Độ, 1999, câu 153-154.
3. Kinh Di Giáo, trích Báo Giác Ngộ, số 38
tháng 5-1999, trang 28.
4. Trong "Suy niệm từ Bức Thông Điệp của
Thời đại mới…", Báo Giác Ngộ số 38 tháng 5-1999, trang 9.
5. Dhammapada, XX 4, trích Báo
Giác Ngộ, nt, trang 11.
6. Trích Báo Giác Ngộ, số 8,9 ngày
25-5-1995 trang 15.
7. Dhammapada, XII 4; Báo Giác Ngộ
số 38, tháng 5-1999 trang 9.
--- o0o ---
| Mục Lục
|
Mục lục chi tiết
|
|Phần
I
|
Phần II
|
Phần III
|
Phần IV
|
--- o0o ---
|
Thư Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng
phiên bản điện tử tuyển tập này.
--- o0o ---
Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định
Cập nhật ngày: 01-05-2002
|
|