Nhớ nghĩ đến cuộc
đời giáo hóa độ sinh của Đức Phật, chúng ta hình dung ra những phong
cảnh từng lưu dấu ấn của Ngài, quả thật là trong lành, tuyệt đẹp vô
cùng.
Thật vậy, xuất hiện
trên thế gian này, Đức Phật đã chọn một cảnh thiên nhiên đơn giản,
nhưng tràn đầy sức sống. Đó là khu vườn Lâm Tỳ Ni, Ngài đản sanh
dưới cây Vô ưu trong vườn này. Khi phát tâm đi tìm chân lý, Ngài đã
trải qua 11 năm thiết thân thể nghiệm ở núi rừng. Và phút giây mà
Đức Phật chứng quả Vô thượng Chánh đẳng giác, sự thành đạo huy hoàng
của Ngài cũng đã ghi dấu ở cảnh hùng vĩ của núi rừng, dưới cội cây
Bồ đề.
Sau khi thành đạo, từ
cảnh núi rừng bao la, Đức Phật khởi đầu bước chân cứu độ chúng sinh;
Ngài đã đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp. Bước chân du hóa của Đức Phật
đã trải qua khắp vùng Ngũ hà Ấn Độ, soi sáng tâm trí cho mọi người,
ban rải tình thương khắp mọi nơi.
Và khi mọi việc cần làm
cho cuộc đời đã hoàn tất tốt đẹp, Đức Phật đi đến Câu Thi Na, thanh
thản rời bỏ thế gian. Ngài nhập diệt trong khu rừng, trên chiếc võng
giăng dưới tàng lọng của hai cây Sa la. Hầu như cả cuộc đời của Đức
Phật, Ngài sống đơn giản với thiên nhiên, cỏ cây, núi rừng nhiều
hơn.
Về Tổ đình Linh Sơn Bửu
Thiền, sống trong cảnh núi rừng hùng vĩ, thở không khí trong lành và
thanh tịnh kỳ diệu của đất trời bao la, tự nhiên gợi cho tôi liên
tưởng đến cuộc sống trầm mặc của Đức Phật thuở nào. Ngài đã tham
thiền nhập định và giảng pháp ở núi rừng thanh khiết.
Và nhất là trong cảnh
núi rừng vắng lặng êm đềm vô cùng, sáng tinh sương thơm mùi cây cỏ
hiền hòa vừa thức giấc, hay vào buổi chiều tà, ánh dương nhè nhẹ len
qua cây lá, cũng thoang thoảng hương dịu dàng của đất trời, hoa lá.
Từng bước chân hành Thiền trên con đường mộc mạc hoang sơ, trong
không khí nhẹ nhàng tinh khiết, càng làm cho tôi thanh thản kỳ diệu,
bắt gặp cái bản tâm mộc mạc, trong sạch như hiển hiện trước mặt một
cách dễ thương.
Đức Phật cũng từ cõi
thanh tịnh tuyệt vời của cái tâm trong sáng vô ngần ấy mà Ngài đã
đến với chúng ta. Trong mối giao cảm sâu sắc tột cùng như thế ở núi
rừng, trong tôi hiện hữu sáng ngời hình ảnh Đức Phật với từng bước
chân đi trong tỉnh thức một cách thật nhẹ nhàng, thanh thoát.
Như đóa sen tinh khiết
tỏa hương làm dịu lòng người, bước chân giác ngộ của Đức Phật đi
mãi, đi mãi, không hề mỏi mệt. Ngài đi qua biết bao núi rừng, qua
bao vườn cây, qua bao phố phường, làng mạc, đến tận hang cùng ngõ
hẻm. Ngài đến nơi nào cũng chỉ để mang lại sự an vui, hạnh phúc, yên
bình cho thế nhân, cho mọi người thăng hoa trí tuệ, đạo đức, phước
báo. Chẳng những Đức Phật mang lợi ích đến cho mọi người sống đồng
thời với Ngài, mà đến tận ngày nay, cả nhân loại vẫn còn hưởng thụ
được sự lợi lạc vô cùng khi bước theo dấu chân Phật, sống trong giáo
pháp của Ngài.
Hành Thiền trong núi
rừng tĩnh lặng bao la diệu vợi, từng bước, từng bước, cảm nhận đang
đi theo dấu chân Phật thuở nào; một cuộc hành trình về tâm linh khai
mở cho hành giả. Mỗi bước chân trên cuộc hành trình tâm linh đưa
hành giả đến gần với Tịnh độ của Phật hơn và thâm nhập vào thế giới
tâm linh vượt ngoài tính toan, mới nhận được ý nghĩa chân thật của
Tịnh độ như thế nào.
Đọc kinh Duy Ma,
nghe Phật dạy rằng Ngài chỉ dùng chân ấn đất là cảnh Tịnh độ hiện
ra. Hay trong kinh Pháp Hoa nhắc lại lời Phật nói rằng "Tịnh
độ của ta chẳng hư, mà chúng thấy cháy rã". Nghe Phật nói sao mà đơn
giản quá vậy. Chẳng lẽ Tịnh độ dễ có như thế hay sao và còn nhiều
thắc mắc khác nữa.
Giờ đây, từng bước chân
hành Thiền ở núi rừng tĩnh lặng trên Linh Sơn Bửu Thiền tự, một lần
nữa đã mở ra cho tôi cảnh Tịnh độ mà Đức Phật đã dạy trong kinh.
Vâng, hành Thiền trong
tỉnh thức, cảm nhận sự an lành kỳ diệu. Từng hơi thở, từng nhịp đập
của trái tim, từng dòng máu luân chuyển trong thân, từng bước chân
đi, tất cả đều bao phủ tràn ngập niềm an lành kỳ diệu. An lành trong
ta, an lành trong núi rừng bao la hiền hòa, an lành trong cỏ cây hoa
lá vô tư, an lành trong không khí thuần khiết, dịu dàng, an lành
trong mọi pháp lữ đồng hành xung quanh ta, an lành trong ánh mắt
ngây thơ của chú chim bé nhỏ hay chú sóc đang mở to mắt nhìn ta.
Sự an lành kỳ diệu của
hành giả an trụ trong tỉnh thức, an trụ trong sự hài hòa với đất
trời bao la, với những người cùng hạnh nguyện, với mọi sinh vật của
núi rừng. Mùa Xuân của chúng ta đó, mùa Xuân của những hành giả đang
đi theo dấu chân Phật, đang sống trong tỉnh thức.
Hãy cùng an trụ mùa
Xuân ấy, hãy sống với Tịnh độ ấy, như hai câu thơ mà Hòa thượng Nhất
Hạnh đã viết tặng tôi, khi tôi sang Pháp thăm ngài vào cuối năm qua
:
Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ
Làm người một kiếp cũng như không.