Tuyển tập
Phật Thành Đạo
Nhiều tác giả
---
o0o ---
Phần III
Phật giáo và các vấn đề hiện tại
--- o0o
---
THIỀN MINH SÁT VÀ KHỦNG HOẢNG MÔI SINH
Prof. Lily de Silva
Minh Thông, MSc. dịch
Phật giáo tin rằng tất cả những yếu tố như ý thức đạo đức, thân tâm con
người, thế giới chung quanh như cây cỏ và muôn thú cùng yếu tố xã hội
đều quyện chặt vào nhau qua mạn lưới nhân quả để tạo thành một hệ thống
môi sinh có phản ứng và mẫn cảm về phương diện tâm lý.
Ô
nhiễm môi sinh là điều đe dọa nghiêm trọng đối với sự sinh tồn của nhân
loại trên hành tinh này. Nếu chúng ta không có những biện pháp giải
quyết cụ thể và tức khắc thì hậu quả của vấn đề ô nhiễm môi sinh và sức
tác động của tia tử ngoại do tầng ozone bị bào mòn sẽ mang đến một thảm
họa tàn phá tương đương với sức tàn phá của chiến tranh nguyên tử, đó sẽ
là điều không thể nào tránh khỏi. Nếu đem so sánh thì tỷ số mà con người
tự làm cho môi trường sống của mình bị ô nhiễm cao hơn nhiều lần so với
khả năng con người có thể thanh lọc giúp cho nước và không khí tinh sạch
trở lại. Ngày nay chúng ta hiểu được tai họa chúng ta đang đối diện, do
đó chúng ta cần phải nỗ lực nghiên cứu khả năng bảo quản môi sinh. Chúng
ta hiện chưa tìm ra được một giải pháp căn để cho vấn đề, chúng ta chỉ
mới đang cố gắng lần mò vào vấn đề rắc rối to lớn có qui mô toàn cầu này
bằng những vá víu manh mún có tính cách kỹ thuật.
Theo cách nhìn bằng giáo lý nhà Phật, ô nhiễm môi sinh chỉ là sự bộc lộ
ngoại vi của một thực tế ô nhiễm luân lý nội thể đến mức độ khủng hoảng
và báo động. Một số kinh điển Pali như Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganna
Sutta, Trường Bộ Kinh III, số 80), Kinh Chuyển Luân Thánh Vương
Sư Tử Hống (Cakkhavatti-Sihanada Sutta, Trường Bộ Kinh
III 58) cùng một số kinh khác trong bộ Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttaranikaya,
I. 160; II. 75) cho chúng ta thấy tệ nạn sa sút đạo đức tràn lan trong
xã hội sẽ gây ra những sự thay đổi nghịch lý trong cơ thể con người và
môi trường sống. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganna Sutta)
nói sự sa sút đạo đức sẽ kéo theo sự sút giảm về vẻ đẹp nhân cách và
thực phẩm ngoài thiên nhiên. Những hậu quả nghịch lý này chỉ là một phần
hậu quả của sự sa sút đạo đức. Tội ác cũng sẽ gia tăng trong xã hội, để
giải quyết những vấn nạn này, con người đã nỗ lực tổ chức những định chế
xã hội thích hợp hầu giúp cho đời sống dễ chịu đựng hơn, yên ổn hơn và
thoải mái hơn.
Phật giáo tin rằng tất cả những yếu tố như ý thức đạo đức, thân tâm con
người, thế giới chung quanh như cây cỏ và muôn thú cùng yếu tố xã hội
đều quyện chặt vào nhau qua mạn lưới nhân quả để tạo thành một hệ thống
môi sinh có phản ứng và mẫn cảm về phương diện tâm lý. Từ thực tế đó đức
Phật đã tóm tắt ngắn gọn trong bài kệ:
"Cittena niyyati loko
cittena parikissati
Cittassa ekadhammassa sabbeva vasam anvaguti"
Cõi giới này do tâm
dẫn dắt
Tâm lôi kéo
cõi này lếch thếch mọi nơi
Tâm
là một thực thể mà mọi vật đều bị sức mạnh của nó chi phối (Tương Ưng
Bộ Kinh, I. 39).
Nếu chúng ta phóng dịch cụm từ "cittena niyyati loko" thành "cõi
giới này vận hành nhờ tư tưởng con người," thì chúng ta có thể thấy rõ
ràng song hành với chiều dài lịch sử bộ mặt của trái đất đã bị tư tưởng
và kiến thức của con người thay đổi đến độ như thế nào. Vào thuở bình
minh của nền văn minh nhân loại khi mà con người còn săn bắn và hái trái
để ăn thì thiên nhiên không hề bị quấy phá. Cho đến thời kỳ canh tác ổn
định thì chương trình dẫn thủy nhập điền được phát triển và bộ mặt thiên
nhiên ở một chừng mực nào đó đã bị thay đổi. Cuộc cách mạng kỹ nghệ mang
lại nhiều thay đổii hơn nữa bằng những công cuộc sản xuất đại quy mô và
người ta triệt để khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Vào thế kỷ
hai mươi, thế kỷ mà người ta vỗ ngực tự hào đã sản sinh đến 90% khoa học
gia trong lịch sử nhân loại thì cũng đã sản sinh ra kỷ nguyên nguyên tử
và không gian.
Quả vậy chúng ta có thể thấy được tư tưởng con người đã đem đến bao
nhiêu là thay đổi to lớn đối với thiên nhiên, to lớn đến độ mà khả năng
tinh lọc, trẻ hóa và phục hồi của thiên nhiên đã bị các hoạt động khai
phá của con người cướp đi mất để sản sinh ra sự ô nhiễm và nghèo nàn
sinh thái. Giải thích những sự kiện này theo cách nhìn Phật giáo chúng
ta thấy nguyên nhân căn để gây ra những khủng hoảng này chính là lòng
tham lam sự xa hoa, tài sản và quyền lực. Bộ óc con người phát triển
không đồng bộ với trái tim và trách nhiệm đạo đức. Về phương diện tri
thức, con người hiện đại có thể là một anh chàng khổng lồ, trong khi đó
về phương diện cảm thức, con người hiện đại chỉ là một chàng lùn bị
khánh tận hết cả tâm hồn. Một nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã nhận xét
rằng con người hiện đại có một chân bị cột vào chiếc máy bay phản lực
còn chân kia thì kẹt cứng vào chiếc xe bò.
Vì
vậy, những hiện thực cụ thể và những ước vọng tương nghịch đã chia xé
con người. Hơn nữa, tri thức con người thì hạn hẹp, con người thiếu hẳn
khả năng nhìn thấy viễn ảnh của thái độ và hoạt động của mình, không thể
nhìn ra hết được ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với sự an sinh của
họ cũng như những hoạt động vật lý không ngờ đến được của thiên nhiên.
Thuyết thập nhị nhân duyên (Paticcasamuppada) của đức Phật cũng
đề cập đến một nguyên tắc giống như vậy, đó là các yếu tố như tâm lý và
vật lý, con người và thiên nhiên đều có liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng
lại độc lập với nhau. Con người nương tựa vào thiên nhiên để sinh tồn,
vì vậy người ta nói rằng: "Sabbe sata aharatthitika." Trên đường
tìm kiếm thực phẩm và may mặc cùng cư ngụ và thuốc men, con người đã
thay đổi môi trường theo khả năng kỹ thuật của mình. Thí dụ như con
người thời hiện đại thì dùng phân hóa học, thuốc sát trùng và thuốc diệt
cỏ dại trong nông nghiệp để tăng thu hoạch. Nhưng những hoạt động này
lại tàn phá sự quân bình vi sinh trong thiên nhiên khiến nảy sinh hàng
loạt những phản ứng nghịch lý khác, những phản ứng này đến lượt nó lại
gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và an toàn cuộc sống.
Thực tế tương quan giữa người với thiên nhiên được chỉ rõ trong những
luận phẩm về thuyết năm luật vũ trụ (Panca niyama dhamma). Năm
luật đó là: Luật vật lý (Utuniyama), Luật sinh vật (Bijaniyama),
Luật tâm lý (Cittaniyama), Luật đạo đức (Kammaniyama) và
Luật nhân quả (Dhammaniyaama). Luật nhân quả hoạt động tàng ẩn
bên trong và liên đới với bốn luật trước.
Do
vậy, tất cả các luật vũ trụ, vật lý, sinh vật, tâm lý và đạo đức đều hỗ
tương với nhau và con người nhận diện bạn hay thù, hạnh phúc hay đau khổ
tùy thuộc vào tính chất của năng lượng đạo đức mà họ đã tạo tác. Nếu như
năng lượng đạo đức thiện căn được ban rải, người ấy sẽ thấy an lạc và
đời sống sẽ tương đối hạnh phúc cùng dễ chịu. Nếu năng lượng đạo đức bất
thiện tràn lan, người ấy sẽ phải đấu tranh nhiều trong xã hội và cuộc
sống sẽ gặp ngày càng nhiều trắc trở.
Thế kỷ thứ năm, thứ sáu trước công nguyên có thể được xem là một kỷ
nguyên vô cùng may mắn, năng lượng từ thiện tuôn tràn mọi nơi trên trái
đất nhờ những giảng dạy của các bậc thầy tâm linh vĩ dại như đức Phật,
Jina Mahavira, Zoroastra, Khổng Phu Tử và Socrates. Thế kỷ thứ hai mươi
dường như là một kỷ nguyên hoàn toàn ngược hẳn. Ngày nay tội ác, khủng
bố và chiến tranh ngự trị khắp nơi. Đói kém và suy dinh dưỡng đang nuốt
trững nhiều quốc gia trong thế giới thứ ba. Tại các quốc gia cường thịnh
thì bệnh AIDS (liệt kháng) và những bệnh nhà giàu khác đang lan tràn.
Tình trạng này khiến chúng ta nhớ đến lời khuyến cáo liên quan đến vận
mạng nhân loại trong một thế giới băng hoại đạo đức. Theo lời khuyến cáo
này, vào thời điểm nhân loại bị tham sân si khống chế người ta sẽ thấy
nạn đói, bom, lửa và dịch bệnh luân phiên nhau tàn phá (Trường Bộ
Kinh III. 854). Tình trạng thế giới hiện thời cho thấy rằng cả ba
nhân tố suy đồi về mặt đạo đức ấy đang hiện diện còn loài người thì đang
bị ba gọng kềm trả đủa của nó do những nghiệp quả bất đạo đức của chính
họ gây ra.
Một điểm quan trọng khác có đề cập đến trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn
(Agganna Sutta) rằng loài người là một sinh vật có khuynh hướng
bắt chước rất mạnh mẽ (ditthanugatim apajjamana). Vì vậy những ý
tưởng, cử chỉ hay hành động mới của một nhóm nhỏ này có thể chẳng bao
lâu sẽ trở thành những mẫu mực mới trong xã hội, đặc biệt là khi những
yếu tố này dẫn đến lạc thú và hấp dẫn nhưng lại ít tốn kém. Nhờ những
phương tiện thông tin khổng lồ và tuyên truyền thương mãi, chủ nghĩa duy
cảm, tính chất táo tợn, đói khát tài sản, địa vị và quyền lực đã và đang
là những xu thế xã hội trong thế giới tân tiến ngày hôm nay. Chúng ta
nghĩ rằng khuynh hướng bắt chước này do được cả ý thức hệ của nhân loại
hỗ trợ (từ Pali gọi là pháp giới) không phải là nhân tố duy nhất chịu
trách nhiệm về những xu thế hiện nay ở mọi nơi trên thế giới. Do đó
chúng ta thường hay lý luận rằng bao quanh thạch quyển là sinh quyển (biosphere)
và khí quyển (atmosphere), còn khí quyển thì thẩm nhập tất cả
những thứ mà chúng ta gọi là tâm lý quyển (psychosphere). Chúng
ta nên kết hợp ý tưởng này lại như sau:
Kinh Sa Môn Quả (Samannaphala
sutta, Trường Bộ Kinh I. 76) dạy rằng giống như sợi chỉ màu xuyên
qua hạt ngọc trong suốt, tâm quyện chặt với thân mà chỉ người đã đạt đến
trình độ tứ thiền mới có thể nhìn thấy. Chúng ta cũng có thể phỏng đoán
được rằng tâm kết hợp với thể khí của thân vì nhịp thở của chúng ta thay
đổi khi cảm xúc thay đổi, thí dụ như chúng ta thở dài khi buồn bã, ngáp
khi lười biếng, gầm gừ khi giận dữ và rên rỉ khi đau đớn. Những thay đổi
này có thể được chấp nhận để làm bằng cớ chứng minh rằng tâm và thân có
mắc xích với nhau. Các nhà khoa học cũng biết lượng thán khí lúc thở ra
sẽ gia tăng khi chúng ta bị những cảm xúc tiêu cực chi phối. Điều này có
thể là do hơi thở đã thẩm ngấm những hoá chất độc hại trong dòng máu do
các tuyến nội tiết thảy vào khi tâm bị thay đổi do những cảm xúc tiêu
cực như giận dữ hay hoảng sợ. Khi thật nhiều người thải ra những chất
độc ấy qua đường hô hấp, khí quyển bị ô nhiễm một cách vi tế, chúng ta
cũng biết được rằng con người và cả cây cỏ đều rất mẫn cảm với loại ô
nhiễm này. Người ta đã làm thí nghiệm và thấy cây cỏ lớn rất nhanh chóng
trong môi trường đầy an hoà và thương yêu, trong khi đó thì cây cỏ sẽ
trở nên tàn úa khi người ta cư xử với chúng bằng những lời chửi mắng dù
rằng cả hai nhóm đều được cung cấp nước, phân bón, ánh sáng cùng săn sóc
y hệt như nhau.
Theo các nhà khoa học, ô nhiễm không khí vì lượng thán khí gia tăng là
do người ta đốt nhiên liệu, về lâu về dài sẽ làm trái đất nóng dần lên
gây nên những hậu quả tàn khốc cho sự an sinh của cả nhân loại. Ngày nay
người ta thấy rằng khủng long bị tuyệt chủng trên hành tinh này là do
nạn thiếu oxy và nạn gia tăng thán khí trong không khí. Tình trạng ô
nhiễm môi trường hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều so với tình trạng ô
nhiễm làm tuyệt giống những sinh vật khổng lồ vì vào thời đại khủng long
nhân loại chưa có máy móc thải ra thán khí. Đang vào lúc những bộ máy cơ
khí ngày càng gia tăng làm ô nhiễm khí quyển thì hàng tỷ bộ máy người
ghép thêm những độc tố tâm lý vào các hạt thán khí mà họ thở ra. Do đó,
chúng ta có thể cả quyết được rằng ô nhiễm tâm quyển là yếu tố nghiêm
trọng của sự khủng hoảng môi sinh mà con người ngày nay phải đối diện. Ô
nhiễm vật lý do các nhà máy gây ra cùng sự khai thác bừa bãi tài nguyên
thiên nhiên là hậu quả của lòng tham lam xa xỉ, của cải và quyền lực của
con người. Do vậy chúng ta có thể kết luận được rằng ô nhiễm môi trường,
trên bình diện thực tế, chỉ là hình thái ngoại tại của sự ô nhiễm đạo
đức nội tại trong lòng con người hiện đại mà thôi.
Do
thái độ đạo đức của con người có quan hệ trực tiếp với khủng hoảng môi
trường cho nên thiền minh sát (Vipassana meditation) giúp cho
chúng ta một phương pháp rất thực tế để tạo nên những thay đổi thiện căn
ngõ hầu chúng ta có thể tìm thấy hướng đi và mục đích trong cuộc sống,
đồng thời cũng giúp chúng ta tái lập sự quân bình sinh thái.
Theo cách nói của Erich Fromm chúng ta có thể thấy rằng con người cần
phải thay đổi thái độ của chính mình, phải nên "là hình thái cuộc sống"
chứ không nên "có hình thái cuộc sống." Con người sống bằng kiểu "có
hình thái cuộc sống" lúc nào cũng cố thoả mãn lòng tham bằng cách rút
rỉa thiên nhiên càng nhiều càng tốt, do đó sẽ dẫn đến tình trạng khai
phá bừa bãi để nảy sinh cơn bệnh ô nhiễm và thiếu hụt. Trong khi đó, con
người sống bằng kiểu "là hình thái cuộc sống" trái lại đã sử dụng tài
nguyên thiên nhiên chỉ để thỏa mãn nhu cầu của mình, và điều này đã dẫn
đến công cuộc bảo tồn và gìn giữ thiên nhiên. Điều thú vị mà người ta
nhận thấy là trong kho tàng ngôn ngữ Ấn Độ ngày xưa của tiếng Sanskrit
và Pali, người ta không thấy những từ có gốc từ động từ "có" (= sở hữu).
Ý tưởng có phải được diễn tả hơi vòng vo một chút. Trong tiếng Pali nếu
người ta muốn nói "Tôi có con trai và tài sản" thì người ta phải nói thế
này "Putta me atthi dhanam atthi," nghĩa đen là "đối với tôi, có con
trai, có tài sản." Do vậy tư tưởng "là hình thái cuộc sống" đã ăn sâu
tận tâm hồn của nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa dù rằng ngôn ngữ của họ thiếu
hẳn động từ "có" (= sở hữu).
Thiền minh sát dạy con người cách sống đời đơn giản để thỏa mãn những
nhu cầu của mình. Appicchata, khả năng thỏa mãn tối thiểu được
rèn luyện có hệ thống là một đức tính có giá trị lớn. Nếu đức tính này
được cả loài người cùng nhau rèn luyện, cả loài người cùng chịu bỏ qua
một bên tất cả thói quen tiêu thụ hiện tại, thì nạn khủng hoảng sinh
thái sẽ giảm thiểu rất nhiều. Tất cả những căn bệnh trầm kha do nạn phá
rừng với qui mô lớn như đất màu mỡ bị bào mòn, đất chùi, thời tiết thay
đổi bất thường, hạn hán, v.v... tất cả đều có liên quan căn để với chủ
nghĩa tiêu thụ. Nếu con người chẳng muốn chịu đổi lấy đời sống đơn giản
thì một giải pháp hiệu quả cho những vấn nạn đang đe dọa đời sống hiện
nay sẽ không thể nào có thể đạt đến được.
Lòng từ là một phần của cuộc đời thiền định. Một người thực hiện lòng từ
sẽ tự biết tiết chế không khai phá và tiêu thụ bừa bãi, tình cảm này
phát xuất từ lòng thương đối với các thế hệ tương lai cũng như lòng
thương đối với các tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo lại được,
những tài nguyên mà hiện đang ngày càng giảm dần do nhu cầu của kiểu
sống tiêu thụ ngày nay. Thực hiện lòng từ, con người cũng sẽ có lòng lân
mẫn đối với những chủng loại sống khác hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Chúng ta cần nhớ rằng sự đa dạng sinh thái là một yếu tố có giá trị cực
kỳ quan trọng để tạo nên một hệ thống sinh thái quân bình tươi khoẻ.
Thiền minh sát cũng tẩy sạch những uế nhiễm tâm lý trong lòng người.
Thiên nhiên có thể điều trị được những uế nhiễm sinh học do con người
gây ra, nhưng thiên nhiênkhông thể giúp hay điều trị được ô nhiễm tâm lý
của con người. Do vậy sự lan tràn tội ác, giết chóc và chiến tranh
truyền nhiễm trong xã hội, những căn bệnh do ô nhiễm đe dọa đời sống
nhân loại, nạn tàn phá thiên nhiên với quy mô lớn làm nghiêm trọng thêm
sự mất quân bình và ô nhiễm sinh thái.
Chúng ta nên nhớ đến lời dạy của đức Phật: "cittena niyyati loko,"
cõi giới này vận hành nhờ tâm của con người. Vậy thì bao lâu mà tâm con
người còn do những ý định thiện lành về phương diện đạo đức tác động thì
con người còn có thể có được một cuộc sống hạnh phúc và thiên nhiên còn
dành phần ưu ái. Thoảng như những căn rễ của ác ma phát khởi, con người
sẽ gánh lấy những khổ đau như hai câu kệ đầu trong Kinh Pháp Cú
có nói đến.1
Ngày nay người ta có thể thấy rằng ác ma đang rộng phá đến độ thiên nhiên
đã và đang bị tác động và bị xem như kẻ thù. Khủng hoảng môi trường nên
được xem như hậu quả của khủng hoảng đạo đức. Con người phải nên rèn
luyện thái độ và kiểu sống thiện lành về phương diện đạo đức để có thể
thay đổi ngày càng tốt hơn và điều này phải nên được chấp nhận như một
mệnh lệnh để sống còn.
***
CHÚ THÍCH
(1) Trích ý
từ Phẩm Song Yếu:
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ ý
tạo,
Nếu với ý ô
nhiễm,
Nói lên hay
hành động,
Khổ não
bước theo sau
Như xe,
chân vật kéo.
Ý dẫn đàu
các pháp,
Ý làm chủ ý
tạo,
Nếu với ý
thanh tịnh,
Nói lên hay
hành động,
An lạc bước
theo sau
Như
bóng, không rời hình.
(Kinh Pháp Cú)
(2) Bản nguyên tác tiếng Anh được trích từ
trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, do đại đức Nhật Từ biên tập. Địa chỉ của
bài viết là:
http://www.buddhismtoday.com/english/
ecology/002-relevance.htm
--- o0o ---
| Mục Lục
|
Mục lục chi tiết
|
|Phần
I
|
Phần II
|
Phần III
|
Phần IV
|
--- o0o ---
|
Thư Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng
phiên bản điện tử tuyển tập này.
--- o0o ---
Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định
Cập nhật ngày: 01-05-2002
|