Tuyển tập
Phật Thành
Đạo
Nhiều tác giả
---
o0o ---
Phần
III
Phật giáo và các vấn đề thời đại
---
o0o ---
CỘNG ĐỒNG
THẾ GIỚI VÀ
SỰ CẦN
THIẾT CHO TRÁCH NHIỆM PHỔ QUÁT
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Nguyên Tâm và Tâm Đăng dịch
Mục đích của tôn giáo không phải là để
xây dựng những ngôi nhà thờ hay đền chùa xinh đẹp, nhưng là
tưới tẩm những phẩm chất tích cực của con người như lòng
khoan dung, sự rộng lượng, và lòng thương yêu. Mọi tôn giáo
thế giới, cho dù quan điểm triết lý như thế nào đi nữa, một
cách rốt ráo, phải được đặt nền trên điều luật rằng chúng ta
phải giảm đi tính ích kỷ và phải phục vụ người khác.
CỘNG ĐỒNG THẾ GIỚI
Thế kỷ
20 sắp chấm dứt, chúng ta thấy rằng thế giới trở thành nhỏ hơn
và nhân loại trên khắp thế giới hầu như trở thành một cộng đồng.
Nhiều liên minh chính trị và quân sự đã hình thành nhiều nhóm
lớn mạnh gồm nhiều quốc gia, kỹ nghệ và mậu dịch quốc tế đã tạo
ra nền kinh tế toàn cầu, và sự truyền thông trên khắp thế giới
đã loại bỏ những chướng ngại xa xưa về khoảng cách, ngôn ngữ, và
chủng tộc. Chúng ta cũng xích lại gần nhau hơn vì những vấn đề
nghiêm trọng mà chúng ta phải cùng đối đầu: nạn nhân mãn, tài
nguyên thiên nhiên cạn kiệt, và sự khủng hoảng sinh môi đã đe
dọa bầu không khí, nguồn nước, và rừng cây, cùng với vô số sinh
thể kỳ diệu mà chính chúng là nền tảng cho sự hiện hữu của hành
tinh nhỏ bé mà chúng ta đang sống.
Tôi tin
rằng để đối phó được với những thách đố trong thời đại chúng ta,
con người cần phải phát triển tình cảm rộng lớn về trách nhiệm
phổ quát. Mỗi người chúng ta phải học làm việc không phải chỉ
cho chính chúng ta, gia đình và quốc gia chúng ta, mà còn phải
vì ích lợi chung của toàn nhân loại. Trách nhiệm phổ quát là
chìa khóa đích thực để con người tồn tại. Đó là nền tảng tốt
nhứt cho nền hòa bình thế giới, cho sự sử dụng hài hòa tài
nguyên thiên nhiên, và cho sự quan tâm đến những thế hệ tương
lai, sự chú ý đúng mức về sinh môi.
Từ lâu,
tôi đã suy nghĩ về cách thức để tăng trưởng tình cảm của chúng
ta về một trách nhiệm hỗ tương và động cơ tâm lý vị tha mà từ đó
nảy sinh ra trách nhiệm. Tóm lại, tôi muốn đưa ra một vài suy
nghĩ của tôi.
MỘT GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI
Cho dù
chúng ta thích hay không, tất cả chúng ta đều đã được sinh ra
trên quả địa cầu này như là một phần tử của một gia đình nhân
loại vĩ đại. Giàu hay nghèo, học thức hay thất học, thuộc về
quốc gia này hay quốc gia khác, tôn giáo này hay tôn giáo khác,
theo chủ nghĩa này hay chủ nghĩa khác, nhưng trước hết, mỗi
chúng ta cũng chỉ là một con người như mọi người khác: tất cả
đều ước muốn có được hạnh phúc và không muốn đau khổ. Hơn nữa,
mỗi chúng ta đều có quyền bình đẳng đạt đến mục tiêu này. Thế
giới ngày nay đòi hỏi chúng ta chấp nhận sự hợp nhứt của cộng
đồng nhân loại. Trong quá khứ, những cộng đồng riêng biệt có thể
nghĩ đến một cộng đồng khác như hoàn toàn biệt lập và ngay đến
có thể hiện hữu hoàn toàn cô lập. Tuy nhiên, giờ đây, biến cố
xảy ra ở một nơi trên thế giới sẽ dần dần ảnh hưởng đến toàn
hành tinh này. Vì thế chúng ta phải đối xử với từng vấn đề của
địa phương như là mối ưu tư toàn cầu ngay từ lúc bắt đầu. Chúng
ta không còn có thể đưa ra những tấm chắn về quốc gia, về chủng
tộc, hay về ý thức hệ để chia cách chúng ta mà không chịu ảnh
hưởng tiêu cực. Trong điều kiện của sự tương thuộc mới này, quan
tâm đến lợi ích của kẻ khác rõ ràng là hình thức tối hảo cho lợi
ích của chính mình.
Tôi coi
điều này như là cội nguồn của hy vọng. Sự cần thiết phải hợp tác
chỉ có thể làm vững mạnh cho tình nhân loại, bởi vì nó giúp
chúng ta nhận rõ rằng nền tảng an toàn nhứt cho một trật tự thế
giới mới không phải đơn giản là sự liên kết rộng lớn hơn về
chính trị và kinh tế, mà chính là mỗi cá nhân phải thực tập lòng
thương yêu và bi mẫn. Để có một tương lai tốt đẹp hơn, hạnh phúc
hơn, vững vàng hơn và văn minh hơn, mỗi chúng ta phải phát triển
tình cảm chân thành, nồng nhiệt về tình huynh đệ.
LIỀU THUỐC CỦA LÒNG VỊ THA
- Tây
Tạng, chúng tôi cho rằng có nhiều cơn bệnh có thể được chữa lành
bằng tình thương và lòng bi mẫn. Những phẩm chất này là nguồn
gốc tối hậu cho hạnh phúc con người, và sự cần thiết của chúng
nằm ngay ở gốc rễ của sự hiện hữu của con người. Bất hạnh thay,
tình thương và lòng bi mẫn, từ lâu, đã bị lãng quên trong nhiều
trường hợp giao tế xã hội. Thường được coi như là chỉ giới hạn
trong phạm vi đời sống gia đình, sự thực hiện lòng từ bi trong
phạm vi đời sống công cộng thường được coi là thiếu thực tế, có
khi còn bị coi là ấu trĩ nữa. Đây là điều bi thảm. Theo tôi,
thực hiện lòng từ bi không phải là một hội chứng của chủ nghĩa
lý tưởng không tưởng mà thực ra là một phương thức hiệu quả nhứt
để giúp ích người khác cũng như cho chính mình. Chúng ta - như
là một quốc gia, một nhóm hay một cá nhân - càng tùy thuộc vào
người khác thì chính chúng ta lại càng muốn bảo đảm sự an toàn,
tốt đẹp của người khác.
Thực sự
sống với lòng vị tha là cội rễ đích thực của sự thỏa thuận và
hợp tác - chỉ nhận thức sự cần thiết phải hòa hợp không thôi thì
chưa đủ. Một tâm thức hướng tới lòng từ bi cũng giống như một
dòng suối tuôn chảy - một suối nguồn tức khắc của năng lực, của
quyết tâm, và lòng tử tế. Tâm thức nầy giống như một hạt giống -
khi được tưới tẩm vun trồng, sẽ đưa tới những phẩm chất tốt đẹp
khác, như sự tha thứ, lòng khoan dung, sức mạnh nội tâm, và lòng
tự tin có thể thắng được nỗi sợ hãi và bất an. Tâm từ bi là một
liều thuốc - nó có thể chuyển hóa những hoàn cảnh xấu trở thành
tốt đẹp hơn. Vì thế chúng ta không nên giới hạn sự bày tỏ lòng
từ bi chỉ trong phạm vi gia đình và bạn bè mà thôi. Và lòng từ
bi cũng không phải chỉ là trách nhiệm của hàng giáo phẩm, những
chuyên viên y tế, và những nhân viên xã hội. Nhưng đó là điều
rất cần thiết trong mọi thành phần của cộng đồng nhân loại.
Cho dù
xung đột trong lãnh vực chính trị, thương mại, hay tôn giáo,
phương thức vị tha thường là phương tiện duy nhứt để giải quyết
chúng. Đôi khi, ngay chính khái niệm mà chúng ta dùng để hòa
giải xung đột thì tự nó lại là nguyên nhân tạo ra vấn đề. Những
lúc như thế, khi mà một giải pháp hình như không thể nào có
được, cả hai bên nên nghĩ tới bản chất nhân tính cơ bản đã kết
hợp con người lại với nhau. Điều này sẽ giúp giải tỏa được bế
tắc, và về lâu dài, sẽ giúp mọi người đạt được mục tiêu của họ
dễ dàng hơn. Mặc dù không bên nào được hoàn toàn thỏa mãn, nếu
cả hai cùng nhân nhượng, thì ít ra cũng tránh được nỗi nguy hiểm
do sự xung đột nhiều hơn gây ra. Tất cả chúng ta đều biết giải
pháp tương nhượng này là phương thức hiệu quả nhứt để giải quyết
mọi vấn đề - vậy thì, tại sao chúng ta lại không sử dụng nó
thường hơn?
Khi tôi
nghĩ tới sự thiếu sót của sự hợp tác trong xã hội loài người,
tôi chỉ có thể kết luận rằng nó bắt nguồn từ sự vô minh về bản
chất tương thuộc của chúng ta. Tôi thường xúc động bởi những
kiểu mẫu sinh hoạt của loài côn trùng, như loài ong chẳng hạn.
Quy luật thiên nhiên buộc loài ong phải cùng làm việc với nhau
để sống còn. Kết quả là, chúng có một cảm tính bản năng về trách
nhiệm xã hội. Chúng không có hiến pháp, luật lệ, cảnh sát, tôn
giáo, hoặc rèn luyện đạo đức nào, thế nhưng, bởi vì bản tính của
chúng, chúng làm việc với nhau một cách cật lực. Thỉnh thoảng
chúng cũng có đánh nhau, nhưng nói chung cả tổ đã sống còn trên
căn bản hợp tác. Ngược lại, loài người có hiến pháp, nhiều hệ
thống luật lệ, và lực lượng cảnh sát; chúng ta có tôn giáo, trí
óc thông minh đáng kể, và một quả tim có đầy khả năng yêu
thương. Nhưng, cho dù với nhiều phẩm chất ưu việt như thế, trong
thực tế chúng ta còn thua kém những côn trùng nhỏ bé đó. Một
cách nào đó, tôi cảm thấy chúng ta còn nghèo nàn hơn loài ong.
Thí dụ
như, hàng triệu người sống với nhau trong những thành phố lớn
trên khắp thế giới, nhưng cho dù sống chung đụng gần gũi như
thế, nhiều người vẫn cô đơn. Một số người đã không có được một
người nào để họ có thể chia sẻ những tình cảm sâu kín nhứt, và
đã sống trong một tình trạng khủng hoảng thường xuyên. Thật là
điều đáng buồn. Chúng ta không phải là những con vật cô độc và
chỉ tìm nhau vì nhu cầu kết hợp lứa đôi. Vì nếu như thế, tại sao
chúng ta lại xây dựng những thành phố, những tỉnh ly?to lớn. Thế
nhưng, cho dù chúng ta là những sinh vật xã hội buộc phải sống
cùng nhau, chúng ta lại thiếu hẳn trách nhiệm đối với đồng loại.
Có phải lỗi lầm này do ở nơi cơ cấu xã hội của chúng ta - cơ cấu
nền tảng của gia đình và cộng đồng đã nuôi dưỡng xã hội chúng
ta? Hay do ở những nguyên nhân bên ngoài - như máy móc, khoa học
và kỹ thuật? Tôi không nghĩ như thế.
Tôi tin
rằng cho dù những tiến bộ nhanh chóng bởi nền văn minh trong thế
kỷ này, nguyên nhân trực tiếp nhất của những nghịch lý hiện tại
của chúng ta là do chỉ quá nhấn mạnh đến sự phát triển vật chất.
Chúng ta trở thành quá bận tâm về đời sống vật chất, ngay cả
không còn biết rằng chúng ta đã coi thường việc nuôi dưỡng những
nhu cầu nhân tính căn bản như tình thương, lòng tử tế, sự hợp
tác, và sự chăm sóc lo lắng cho nhau. Nếu chúng ta không biết
một người nào hay không tìm thấy một lý do nào khác để không cảm
thấy liên đới với một cá nhân đặc biệt hay một nhóm nào đó,
chúng ta cứ bỏ qua luôn. Thế nhưng, sự phát triển của xã hội
loài người hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ của con người với nhau.
Một khi chúng ta đã đánh mất cái nhân tính chủ yếu đã là nền
tảng của chúng ta, vậy thì chỉ theo đuổi sự cải thiện vật chất
để làm gì?
Với
tôi, thật rõ ràng quá: một tình cảm đích thực về trách nhiệm chỉ
có thể là kết quả của sự phát triển lòng từ bi. Chỉ có một tình
cảm tự phát về sự thông cảm với người khác mới có thể thực sự
thúc đẩy chúng ta hành động vì người khác. Tôi đã từng giải
thích làm thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi ở nhiều bài khác.
Phần còn lại cho bài tham luận ngắn này, tôi xin được bàn luận
về điều: làm thế nào để tình trạng toàn cầu hiện tại có thể được
cải thiện bởi những liên kết rộng lớn trên trách nhiệm phổ quát.
TRÁCH NHIỆM PHỔ QUÁT
Trước
hết, tôi cần lưu ý rằng tôi không tin tưởng vào việc phát động
những phong trào hay khởi xướng những chủ thuyết. Tôi cũng không
thích việc cố gắng thiết lập một tổ chức để đề xướng một ý kiến
đặc thù nào, vì như vậy có nghĩa là tổ chức đó - chỉ gồm một
nhóm người - sẽ chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành mục tiêu
đó, còn những người khác chỉ đứng bên ngoài. Trong hoàn cảnh
hiện tại của chúng ta, không có ai có thể cho rằng người khác sẽ
giải quyết vấn đề của chúng ta; mỗi chúng ta phải dự phần vào
một trách nhiệm phổ quát. Bằng cách này, khi mà số người có
trách nhiệm và ưu tư gia tăng, hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn,
và ngay cả đến hàng trăm ngàn người, thì sẽ cải thiện mạnh mẽ
đến tình trạng chung. Những thay đổi tích cực sẽ không đến một
cách nhanh chóng và đòi hỏi phải cố gắng mãi. Nếu chúng ta chán
nản, thì chúng ta sẽ không đạt được một kết quả nào, dù đơn giản
đi nữa. Với sự vận dụng dứt khoát và liên tục, chúng ta có thể
hoàn thành ngay đến những mục tiêu khó khăn nhứt.
Chấp
thuận một thái độ với trách nhiệm phổ quát hoàn toàn là một vấn
đề cá nhân. Kiểm chứng đích thực của lòng từ bi không phải là
những điều chúng ta nói trong những cuộc bàn thảo trừu tượng mà
ở chỗ là chúng ta đã sống như thế nào trong đời sống hàng ngày
của chúng ta. Tuy nhiên, một vài quan điểm nền tảng là điều căn
bản để thực tập lòng vị tha.
Mặc dù
chưa có một hệ thống chính quyền nào là tuyệt hảo, chế độ dân
chủ vẫn là điều gần gũi nhất với bản tính chủ yếu của con người.
Thế nên, tất cả chúng ta, những người đang vui sống trong chế độ
đó phải tiếp tục tranh đấu cho mọi người khác được quyền sống
như thế. Hơn nữa, chế độ dân chủ là nền tảng vững chãi duy nhất
mà dựa vào đó một cơ cấu chính trị toàn cầu có thể được xây
dựng. Để làm việc thống nhất, chúng ta phải tôn trọng mọi người
và mọi quốc gia để họ có quyền duy trì những giá trị và phẩm
cách riêng biệt của họ.
Đặc
biệt, cần phải cố gắng lớn lao để thể hiện lòng từ bi vào lãnh
vực công tác quốc tế. Kinh tế không đồng đều, đặc biệt là giữa
những nước đã phát triển và đang phát triển, vẫn là nguyên nhân
lớn nhất cho nỗi đau khổ trên hành tinh này. Cho dù họ có thể lỗ
lã trong một thời gian ngắn, nhưng các công ty liên quốc gia lớn
sẽ chiếm giữ sự bóc lột các quốc gia nghèo. Bòn rút nguồn tài
nguyên thiên nhiên quý giá và ít ỏi mà các quốc gia nghèo có
được chỉ để nhằm cung ứng cho sự tiêu thụ hoang phí ở các quốc
gia phát triển là một thảm họa, nếu điều này cứ được tiếp tục mà
không kiểm soát được, thì dần dà tất cả chúng ta đều đau khổ.
Đẩy mạnh việc phát triển các nền kinh tế yếu kém và đơn điệu là
một chính sách khôn ngoan hơn để hướng tới sự ổn định cả về kinh
tế và chính trị. Một cách lý tưởng, lòng vị tha, chứ không phải
sự cạnh tranh và tham vọng làm giàu, nên là động cơ thúc đẩy
trong thương mại.
Chúng
ta cũng cần hâm nóng lại quyết tâm của chúng ta về những giá trị
nhân bản trong lãnh vực khoa học hiện đại. Mặc dù mục đích chính
của khoa học là thấu hiểu rõ hơn về thực tại, nhưng nó cũng có
một mục đích khác là cải thiện phẩm chất của đời sống. Không có
động cơ vị tha, khoa học không thể phân biệt giữa kỹ thuật phúc
lợi và mánh khoé tự lợi. Sự tàn phá sinh môi là một thí dụ rõ
ràng nhất do kết quả của sự lầm lẫn này, thế nhưng, một động cơ
thích đáng có thể thích hợp hơn trong việc điều hành làm thế nào
để chúng ta điều khiển được sự sắp xếp mới mẻ lạ thường của kỹ
thuật sinh học mà qua đó giờ đây chúng ta có thể chi phối tới
những cơ cấu tinh vi của chính đời sống. Nếu mỗi hành động của
chúng ta không được dựa trên một nền tảng đạo đức, chúng ta sẽ
gặp phải nỗi nguy hiểm là phải chịu đựng sự đau đớn ghê gớm về
sự đan dệt mỏng manh của đời sống.
Các tôn
giáo trên thế giới cũng không được miễn trừ về trách nhiệm này.
Mục đích của tôn giáo không phải là để xây dựng những ngôi nhà
thờ hay đền chùa xinh đẹp, nhưng là tưới tẩm những phẩm chất
tích cực của con người như lòng khoan dung, sự rộng lượng, và
lòng thương yêu. Mọi tôn giáo thế giới, cho dù quan điểm triết
lý như thế nào đi nữa, một cách rốt ráo, phải được đặt nền trên
điều luật rằng chúng ta phải giảm đi tính ích kỷ và phải phục vụ
người khác. Buồn thay, nhiều khi chính tôn giáo là nguyên nhân
gây tranh cãi nhiều hơn là giải quyết. Những tín đồ của những
tôn giáo khác nhau cần nhận ra rằng mỗi truyền thống tôn giáo có
một giá trị thực chất lớn lao và những phương tiện để giúp ích
cho sức khoẻ tinh thần và tâm trí. Một tôn giáo, giống như một
loại thực phẩm, không thể vừa ý mọi người. Tùy theo khuynh hướng
tâm lý khác nhau, một số người được lợi lạc theo một đường lối
giáo hóa này, nhóm người khác lại thích hợp với đường lối khác.
Mỗi niềm tin có khả năng xây dựng con người thiện hảo tốt đẹp và
cho dù họ tin theo những nền triết lý thường khi đối chọi nhau,
mọi tôn giáo đều thành công trong việc xây dựng con người đó. Vì
thế, không có lý do gì để gây ra sự mù quáng và bất khoan dung
tôn giáo đầy chia rẽ, và ngược lại, có đủ lý do để kính ngưỡng
và tôn trọng mọi dạng thức sinh hoạt tinh thần khác nhau.
Chắc
chắn rằng, địa hạt quan trọng nhất để gieo trồng hạt giống vị
tha là những liên lạc quốc tế. Trong vài năm gần đây, thế giới
đã thay đổi một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều
đồng ý rằng sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh và sự sụp đổ của chủ
nghĩa cộng sản ở Đông Âu và Liên Bang Sô Viết đã mở ra một thời
kỳ lịch sử mới. Vào cuối thập niên 1990 hình như kinh nghiệm của
con người trong thế kỷ 20 đã hoàn tất.
Đây là
giai đoạn đau khổ nhất trong lịch sử nhân loại, thời đại mà, bởi
vì sự tăng trưởng lớn lao sức mạnh tàn phá của vũ khí, nhiều
người đã bị thương tích và sát hại hơn bất cứ lúc nào trước đây.
Hơn nữa, chúng ta đã chứng kiến cuộc đụng độ chết người giữa
những chủ nghĩa cực đoan đã luôn chia cắt cộng đồng nhân loại:
một bên là bạo lực và quyền hành bất chính, và một bên là tự do,
đa nguyên, quyền tự do cá nhân, và dân chủ. Tôi tin rằng kết quả
của cuộc đấu tranh dữ dội này giờ đây đã rõ ràng. Mặc dù tinh
thần nhân tính thiện lành về hòa bình, tự do và dân chủ còn phải
đương đầu với nhiều bạo quyền và tội ác, nhưng dù sao đi nữa một
điều chắc chắn là đa số con người đều muốn nó chiến thắng. Thế
nên, thảm kịch của thời đại chúng ta không phải là hoàn toàn vô
ích, và trong nhiều trường hợp nó chính là phương tiện để tâm
trí con người được mở rộng. . .
Chủ
nghĩa cộng sản đã có nhiều ý tưởng cao đẹp, bao gồm cả lòng vị
tha. . . Các chính phủ này đã có một thời gian dài kiểm soát
toàn bộ nguồn thông tin trong xã hội và đã xây dựng một hệ thống
giáo dục để mọi công dân của họ làm việc cho phúc lợi chung. Mặc
dù một tổ chức chặt chẽ có thể là cần thiết lúc ban đầu để phá
hủy chế độ đàn áp trước đó, một khi mục đích đã tựu thành, tổ
chức đó đóng một vai trò nhỏ nhoi trong việc xây dựng một cộng
đồng nhân loại hữu ích. . .
Bạo
lực, cho dù nó được sử dụng mạnh mẽ thế nào đi nữa, cũng không
bao giờ khuất phục được uớc vọng nền tảng của con người là tự
do. Hàng trăm ngàn người đã biểu tình tại các nước Đông Âu đã
chứng minh điều này. Họ chỉ bày tỏ một cách đơn giản là con
người cần có tự do và dân chủ. Đó là điều rất xúc động. Yêu cầu
của họ không có liên quan gì đến một vài chủ thuyết mới mẻ,
những người này chỉ giản dị nói lên những điều từ con tim của
họ, muốn chia xẻ ước vọng tự do, muốn bày tỏ rằng nó được bắt
nguồn từ cốt lõi của bản tính con người. Thật vậy, tự do chính
là nguồn suối sáng tạo cho cả cá nhân và xã hội. Sẽ không đầy đủ
cho con người, như hệ thống cộng sản thường chủ trương, nếu chỉ
cung cấp cho con người thực phẩm, nhà cửa, và quần áo. Nếu chúng
ta có tất cả những thứ đó nhưng lại thiếu cái không khí tự do
quí giá để giữ vững bản tính sâu xa của chúng ta, chúng ta mới
chỉ là con người một nửa; chúng ta giống như những con vật chỉ
biết hả hê vui lòng với những nhu yếu vật chất.
Tôi
nghĩ rằng, cuộc cách mạng ôn hòa tại Liên Bang Sô Viết và các
nước Đông Âu đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Một trong
những điều giá trị là sự thật. Con người không thích bị bắt nạt,
bị lừa phỉnh, hoặc bị dối gạt bởi một người hay một hệ thống
nào. Những việc như thế là phản lại với tinh thần nhân bản nền
tảng. Vì thế, những người sử dụng thủ đoạn quỷ quyệt và bạo lực
có thể thành tựu được một thành công nhất thời đáng kể, nhưng
trước sau gì họ sẽ bị lật đổ.
Mặt
khác, ai cũng biết rõ giá trị của sự thật, và lòng tôn trọng sự
thật luôn có trong huyết quản của chúng ta. Sự thật là điều bảo
đảm nhất và cũng là nền tảng chân thật nhất cho tự do và dân
chủ. Cho dù bạn yếu hay mạnh, cho dù nguyên nhân hành động của
bạn có nhiều hay ít liên hệ chấp trước, sự thật rồi sẽ thắng
thế. Sự kiện các phong trào tranh đấu cho tự do thành công năm
1989 và sau đó, đã dựa trên sự phát biểu chân thực của tình cảm
căn bản nhất của con người là một nhắc nhở giá trị, rằng sự thật
tự nó vẫn còn thiếu vắng trầm trọng trong đời sống chính trị của
chúng ta. Đặc biệt trong lãnh vực bang giao quốc tế, chúng ta
rất ít tôn trọng sự thật. Rõ ràng là, những quốc gia yếu hơn bị
ảnh hưởng và bị đàn áp bởi các quốc gia mạnh hơn, cũng như những
nhóm yếu kém của nhiều xã hội đã bị đau khổ gây ra bởi những
nhóm người có ảnh hưởng và quyền lực hơn. Mặc dù trong quá khứ
phát biểu sự thật đã luôn bị bỏ qua như là điều thiếu thực tế,
nhưng trong vài năm qua, nó đã cho thấy rằng đó là một sức mạnh
lớn lao trong tâm thức con người, và kết quả là, đã tạo ảnh
hưởng đến lịch sử.
Bài học
quan trọng thứ hai từ các nước Đông Âu là sự thay đổi trong ôn
hòa. Trong quá khứ, những người nô lệ thường phải dùng đến
phương tiện bạo động để tranh đấu cho tự do. Giờ đây, theo dấu
chân của Mahatma Gandhi và Martin Luther King, Jr., những cuộc
cách mạng ôn hòa này đã cho các thế hệ tương lai một thí dụ
tuyệt vời về một cách mạng bất bạo động và đã thành công. Trong
tương lai, khi những thay đổi quan trọng trong xã hội vẫn còn
cần thiết, con em chúng ta có thể nhìn lại thời hiện tại như một
khuôn mẫu tranh đấu hòa bình, một biến cố thành công thực sự
chưa từng có trước đây, liên hệ đến hơn một chục quốc gia và mấy
trăm triệu người. Hơn nữa, nhiều biến cố gần đây cho thấy là ước
vọng hòa bình và tự do nằm trong tận nền tảng của bản tính con
người, và bạo động chính là phản đề của nó.
Trước
khi xét đến dạng thức trật tự thế giới nào là tốt nhất cho chúng
ta trong thời hậu Chiến Tranh Lạnh, tôi nghĩ rằng rất cần thiết
nói về vấn đề bạo động mà sự chấm dứt của nó trong từng mức độ
là một nền tảng thiết yếu cho nền hòa bình thế giới và mục đích
tối hậu của bất cứ trật tự quốc tế nào.
BẤT BẠO ĐỘNG VÀ TRẬT TỰ
QUỐC TẾ
Hằng
ngày, hệ thống truyền thông báo cáo nhiều tin tức về khủng bố,
tội ác, và gây hấn, xâm lăng. Tôi chưa từng đến một quốc gia nào
mà những câu chuyện bi thảm về chết chóc, tàn sát đẫm máu đã
không tràn ngập báo chí và truyền thanh, truyền hình. Những báo
cáo như thế đã trở thành một thói nghiện ngập cho các thông tín
viên cũng như thính giả nữa. Nhưng tuyệt đại đa số loài người
không có thái độ tiêu cực, phá hoại - rất ít trong số 5 tỷ người
trên hành tinh nầy thực sự bạo động. Hầu hết chúng ta luôn muốn
được hòa bình.
Một
cách căn bản, chúng ta yêu chuộng sự thanh bình yên tĩnh, ngay
cả đến những người đã từng bạo động. Thí dụ như, khi mùa xuân
đến, ngày dài hơn, ánh nắng chan hòa, cây cỏ bừng sống, và mọi
vật đều tươi mát. Con người cảm thấy hạnh phúc. Vào mùa thu, một
chiếc lá rơi, rồi chiếc khác rơi, rồi bông hoa úa tàn cho đến
khi chung quanh chúng ta chỉ còn cây cành trơ trụi. Chúng ta cảm
thấy không vui thích lắm. Tại sao vậy? Bởi vì trong tận đáy
lòng, chúng ta ước muốn sự trưởng thành tốt đẹp, có kết quả và
không thích những sự vật bị suy tàn, chết chóc, hay bị tàn phá.
Mọi hành động tàn phá đều đi ngược lại bản tính căn bản của
chúng ta; xây dựng là lối sống của con người.
Tôi
chắc rằng mọi người đều đồng ý rằng chúng ta phải vượt qua bạo
động, nhưng nếu chúng ta muốn hủy bỏ nó hoàn toàn, thì trước hết
chúng ta cũng cần phân tích xem nó có một giá trị gì chăng.
Nếu
chúng ta nói đến câu hỏi nầy một cách rất cụ thể, thì chúng ta
thấy rằng trong một vài trường hợp, thật ra bạo động có vẻ như
hữu ích. Người ta có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng
bằng bạo lực. Tuy nhiên, cùng một lúc, thành tích đó được tạo ra
bởi những thiệt thòi về quyền lực và phúc lợi của người khác.
Kết quả là, cho dù một vấn đề được giải quyết, thì mầm mống của
một vấn đề khác đã được phát sinh.
Mặt
khác, nếu nguyên nhân hành động của một ai đó có đầy đủ lý do
vững chắc, thì không lý gì phải dùng đến bạo lực. Chỉ có những
ai không có động cơ nào khác hơn là tham vọng vị kỷ và không thể
đạt được mục đích bằng cách lý luận hợp lý mới sử dụng đến bạo
lực. Ngay đến khi trong gia đình và thân hữu bất đồng ý kiến,
những ai có lý do vững chắc họ sẽ viện dẫn chúng và sẽ bàn luận
từng điểm một, còn những ai không có đầy đủ chứng lý thì sẽ dễ
dàng trở thành nạn nhân của cơn thịnh nộ. Vì thế, nổi giận không
phải là dấu hiệu của dũng mãnh mà là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Sau
cùng, cũng rất quan trọng cần phải thẩm định ý hướng của một
người cũng như của đối thủ của người đó. Có nhiều loại bạo động
và bất bạo động, nhưng người ta không thể phân biệt chúng chỉ từ
những yếu tố bên ngoài. Nếu ý hướng của một người là tiêu cực,
thì hành động sẽ là bạo động - trong ý nghĩa sâu xa nhất - cho
dù nó có thể diễn ra một cách nhẹ nhàng êm thắm. Ngược lại, nếu
ý hướng của một người là tích cực và thành thực nhưng hoàn cảnh
đòi hỏi một thái độ dữ dằn, một cách căn bản người đó đã bất bạo
động. Cho dù trường hợp nào đi nữa, sự quan tâm lo lắng đến lợi
ích của người khác - chứ không phải chỉ cho mình - là một chứng
lý vững chắc cho việc sử dụng bạo lực.
Một
cách nào đó, việc thực thi đích thực tính bất bạo động vẫn còn
là một thử nghiệm trên hành tinh của chúng ta, nhưng sự theo
đuổi nó, dựa trên lòng thương yêu và sự hiểu biết, là điều
thiêng liêng. Nếu kinh nghiệm này thành tựu, nó có thể mở ra một
con đường dẫn đến một thế giới hòa bình hơn trong thế kỷ tới.
Tôi
cũng có nghe một vài người Tây phương cho rằng đấu tranh dài lâu
theo kiểu của Gandhi chỉ dùng đến sức phản kháng thụ động và bất
bạo động thì không thích hợp cho mọi người và những hành động
như thế chỉ xảy ra nhiều ở Đông phương. Bởi vì người Tây phương
rất năng động, họ mưu tìm những kết quả tức khắc trong mọi
trường hợp, cho dù phải hy sinh mạng sống của họ. Tôi tin rằng,
phương thức này không phải luôn luôn là ích lợi. Nhưng chắc rằng
phương thức bất bạo động sẽ thích hợp cho tất cả chúng ta. Nó dễ
dàng dẫn tới sự quyết định. Cho dù phong trào tranh đấu đòi tự
do ở Đông Âu đã đạt được mục đích một cách nhanh chóng, trong
chính bản chất của đấu tranh bất bạo động luôn đòi hỏi sự kiên
nhẫn.
Với ý
hướng đó, tôi mong rằng mặc dù bị đàn áp khốc liệt và những khó
khăn mà họ phải đương đầu, những người tham dự vào phong trào
đấu tranh dân chủ ở Trung Hoa sẽ luôn giữ phương thức ôn hòa.
Tôi vững tin họ sẽ như thế. Mặc dù phần lớn những sinh viên trẻ
tham dự đấu tranh ở Trung Hoa đã sinh ra và lớn lên dưới chế độ
cộng sản, nhưng trong mùa xuân 1989, họ đã tự động vận dụng
phương thức đấu tranh bất bạo động của thánh Gandhi. Đây là điều
nổi bật và cho thấy rõ ràng rằng, một cách rốt ráo, mọi người
đều muốn theo đuổi con đường hòa bình, cho dù họ đã bị uốn nắn
thế nào đi nữa.
THỰC TẠI CHIẾN TRANH
Dĩ
nhiên, chiến tranh và những thiết chế quân sự khổng lồ là những
cội nguồn lớn nhất của bạo lực trên thế giới. Cho dù mục đích
của chúng là để tự vệ hay tấn công, những tổ chức đầy sức mạnh
nầy hiện hữu chỉ nhằm để giết người. Chúng ta nên suy nghĩ kỹ
càng về thực tế của chiến tranh. Hầu hết chúng ta đã từng có lúc
xem chiến đấu quân sự như một điều hấp dẫn và quyến rũ - một cơ
hội cho con người chứng tỏ sự chiến đấu hào hùng và can đảm của
mình. Bởi vì quân đội được thiết lập hợp pháp, nên chúng ta có
cảm tưởng rằng chiến tranh là điều chấp nhận được; nói chung,
con người không thấy chiến tranh là tội ác, và cũng không cảm
thấy rằng chấp nhận chiến tranh là một thái độ có tội. Thật vậy,
chúng ta đã bị tẩy não. Chiến tranh không phải là điều quyến rũ
hay hấp dẫn. Đó là điều phản tự nhiên. Ngay chính bản tính của
nó đã là điều bi thảm và đau khổ.
Chiến
tranh ví như một đám cháy của cộng đồng nhân loại, mà chất đốt
là chính con người. Tôi thấy rằng thí dụ nầy rất thích hợp và
hữu ích. Chiến tranh hiện đại diễn ra dưới nhiều hình thức khác
nhau, tuy nhiên chúng ta đã bị điều kiện hóa để thấy rằng chiến
tranh rất hứng thú khi chúng ta nói về nhiều loại vũ khí như là
một sản phẩm nổi bật của kỹ thuật mà không nhớ rằng nếu sử dụng
nó, nó sẽ đốt cháy con người. Chiến tranh cũng rất giống với
ngọn lửa với cách lan rộng của nó. Nếu một vùng nào bị yếu, thì
vị tư lệnh sẽ gởi lực lượng tiếp viện đến. Điều nầy cũng giống
như ném con người vào lửa. Thế nhưng, chúng ta đã bị tẩy não để
nghĩ như vậy, mà không để ý đến nỗi đau khổ của từng cá nhân
người lính. Không có người lính nào muốn bị thương hay bị giết,
hoặc bị tàn tật suốt đời, và ít ra cũng có 5 hoặc 10 người khác
- bà con và bạn bè của họ - cũng bị khổ lây. Tất cả chúng ta cần
phải cảnh giác về thảm cảnh nầy, nhưng chúng ta đã quá thờ ơ.
Thành
thật mà nói, hồi còn bé, tôi đã rất ham thích quân đội. Bộ quân
phục trông rất đẹp và thông minh quá. Thế nhưng, đó chính là
khởi điểm của sự cám dỗ. Trẻ con bắt đầu chơi những trò chơi mà
một ngày kia chúng sẽ gặp rắc rối. Có nhiều trò chơi rất hấp dẫn
và những bộ quần áo đẹp mà không dựa trên những hành vi giết
người. Một lần nữa, nếu những người lớn chúng ta không bị chiến
tranh mê hoặc, chúng ta cần phải thấy rõ rằng nếu chúng ta để
cho trẻ con làm quen với những trò chơi chiến tranh thì đó là
một điều bất hạnh. Một vài cựu chiến binh đã kể với tôi rằng,
khi họ bắn người đầu tiên thì họ cảm thấy bất an, nhưng khi họ
cứ tiếp tục bắn giết thì sự việc trở thành khá bình thường. Với
thời gian, chúng ta có thể trở thành quen thuộc với bất cứ việc
gì.
Không
phải chỉ trong thời gian chiến tranh mà những thiết chế quân sự
mới cần phải được giải tán. Bởi ngay chính ý hướng thành lập của
chúng, chúng đã là những kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất,
và chính các quân nhân là những người tiếp tục gánh chịu nỗi khổ
đau do chính họ gây ra. Sau khi vị tư lệnh đưa ra những giải
thích đẹp đẽ về sự quan trọng của quân đội, tính kỷ luật, và sự
cần thiết phải chiến thắng quân thù thì nhân quyền của phần lớn
quân nhân đã hầu như bị tước đoạt hoàn toàn. Lúc đó, họ bị buộc
phải dẹp đi những ước vọng riêng tư của họ, và cuối cùng là họ
hy sinh mạng sống. Hơn nữa, khi mà quân đội đã trở thành một lực
lượng đầy quyền lực, thì có cơ nguy là họ sẽ phá hủy sự hạnh
phúc của chính đất nước họ.
Trong
bất cứ xã hội nào cũng đều có những người tiêu cực, và khát vọng
muốn chiếm giữ quyền chỉ huy để có thể thoả mãn những tham vọng
của họ có thể trở nên cuồng nhiệt. Nhưng cho dù họ quỷ quyệt và
độc ác thế nào đi nữa, những nhà độc tài sát nhân hiện đang đàn
áp nhân dân họ và gây ra những vấn đề quốc tế, cũng không thể
tiếp tục gây thương tổn cho kẻ khác hay hủy diệt vô số mạng
người nếu như họ không có một tổ chức quân đội được xã hội chấp
nhận và dung thứ. Bao lâu mà có những quân đội đầy quyền lực,
thì luôn có cơ nguy của chế độ độc tài. Nếu chúng ta thực sự tin
rằng chế độ độc tài là một chế độ đáng khinh và là một dạng thức
chính quyền tiêu cực, thì chúng ta phải nhận rằng sự hiện hữu
của những thiết chế quân sự đầy quyền lực là một trong những
nguyên nhân chính.
Chủ
nghĩa quân phiệt cũng rất tốn kém. Theo đuổi hòa bình qua sức
mạnh quân sự sẽ đặt một gánh nặng tiêu phí khổng lồ trên xã hội.
Chính phủ phải chi những số tiền lớn để gia tăng những vũ khí
phức tạp khi mà, thực ra, không ai thực lòng muốn sử dụng chúng.
Không phải chỉ có tiền mà ngay đến những năng lực giá trị và sự
thông minh của loài người cũng bị hoang phí, tất cả chỉ để tăng
thêm nỗi sợ hãi.
Tuy
nhiên, tôi muốn nói rõ rằng mặc dù tôi chống chiến tranh một
cách mạnh mẽ, tôi không phải là người bênh vực cho những thỏa
hiệp vô nguyên tắc. Nhiều khi cần phải cứng rắn chống lại cuộc
xâm lăng bất bình đẳng. Thí dụ như, thật dễ dàng cho chúng ta
nhận thấy rằng Thế Chiến II là một cuộc chiến hoàn toàn được
chính đáng. Nó đã "cứu vớt nền văn minh" khỏi bạo quyền Đức Quốc
xã, như Winston Churchill đã phát biểu một cách thích đáng. Theo
tôi, chiến tranh Triều Tiên cũng là một cuộc chiến thích đáng,
vì nó đã cho Nam Hàn cơ hội từ từ phát triển thể chế dân chủ.
Nhưng chúng ta chỉ có thể phán đoán rằng một cuộc xung đột có
chính đáng hay không dựa trên những nền tảng đạo đức khi mọi
việc đã xảy ra. Thí dụ như, giờ đây chúng ta có thể thấy rằng
trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nguyên tắc giảm trừ vũ khí
nguyên tử đã có một giá trị nào đó. Tuy nhiên, rất khó thẩm định
các dữ kiện đó một cách chính xác. Chiến tranh là bạo lực và bạo
lực thì không thể tiên đoán được. Vì thế, sẽ tốt đẹp hơn biết
bao nếu có thể tránh được chiến tranh, và đừng bao giờ đoán rằng
chúng ta biết trước hậu quả của cuộc chiến tranh nào đó sẽ có
lợi hay không.
Thí dụ
như, trong trường hợp của cuộc Chiến Tranh Lạnh, mặc dù sự giảm
trừ vũ khí có thể đã giúp cho tình hình ổn định, nhưng nó đã
không tạo được một nền hòa bình thực sự. Trong 40 năm qua ở châu
Âu hầu như vắng bóng chiến tranh, nhưng đó không phải là nền hòa
bình thực sự mà chỉ là tình trạng tương tự nhưng đặt nền trên sự
sợ hãi. Tốt nhất, xây dựng quân đội để gìn giữ hòa bình chỉ nên
coi như là một giải pháp ngắn hạn. Khi mà các đối thủ không còn
tin tưởng lẫn nhau, thì bất cứ yếu tố nào cũng có thể làm
nghiêng lệch cán cân quyền lực. Một nền hòa bình bền vững chỉ có
thể được bảo đảm trên căn bản của sự tin tưởng thực sự.
GIẢI TRỪ VŨ KHÍ
Qua
lịch sử, con người đã theo đuổi hòa bình bằng cách nầy hay cách
khác. Sẽ quá lạc quan nếu nghĩ rằng nền hòa bình thế giới cuối
cùng đã ở trong vòng tay của chúng ta. Tôi không tin rằng số
người mang lòng hận thù đã gia tăng, chỉ vì con người có khả
năng chế tạo những vũ khí phá hoại mạnh mẽ. Mặt khác, chứng kiến
thảm cảnh của những cuộc tàn sát tập thể gây ra bởi những vũ khí
như thế trong thế kỷ nầy đã cho chúng ta một cơ hội để kiểm soát
chiến tranh. Để được như thế, rõ ràng là chúng ta phải giải trừ
vũ khí.
Giải
trừ vũ khí chỉ có thể xảy ra trong khuôn khổ của những mối tương
quan kinh tế và chính trị mới. Trước khi xem xét vấn đề nầy một
cách chi tiết, chúng ta nên nghĩ tới một tiến trình hòa bình mà
từ đó chúng ta có thể đạt nhiều ích lợi nhất. Đây là điều khá
hiển nhiên. Trước hết, chúng ta nên giải trừ vũ khí nguyên tử,
kế đến, là vũ khí hóa học và sinh học, rồi đến vũ khí tấn công,
và sau cùng là vũ khí tự vệ. Đồng thời, để bảo vệ nền hòa bình,
chúng ta nên bắt đầu phát triển tại một hay nhiều vùng trên thế
giới một lực lượng cảnh sát quốc tế hình thành bởi sự đóng góp
đồng đều từ mỗi quốc gia và được đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ
chỉ huy tập thể. Lần hồi, lực lượng nầy sẽ chịu trách nhiệm trên
toàn thế giới.
Bởi vì
tiến trình song hành của việc giải trừ vũ khí cùng lúc với phát
triển một lực lượng liên hiệp phải có tính đa phương và dân chủ,
nên nhiều quốc gia có quyền phê bình và ngay đến can thiệp vào
nội bộ của một quốc gia nếu quốc gia nầy vi phạm những quyền căn
bản, và quyền nầy cần được bảo đảm. Hơn nữa, với sự giải tán của
mọi quân đội, cũng như mọi xung đột như những tranh chấp về ranh
giới đã được kiểm soát bởi Lực lượng Liên hiệp quốc tế, thì các
quốc gia lớn và nhỏ sẽ được thực sự bình đẳng. Một cuộc cải cách
như thế sẽ dẫn đến một tình hình quốc tế ổn định.
Dĩ
nhiên, khối lượng tài chánh khổng lồ tạo được do sự cắt giảm sản
xuất vũ khí cũng sẽ là nguồn tài trợ hữu hiệu cho việc phát
triển thế giới. Ngày nay, các quốc gia trên thế giới hàng năm đã
phải chi tiêu hàng ức (một ngàn tỉ) đô-la cho việc bảo trì quân
đội. Bạn hãy tưởng tượng với số tiền ấy chúng ta sẽ xây dựng
được biết bao nhà thương, trường học và gia cư. Hơn nữa, như tôi
đã nói trước đây, với một đội ngũ lớn lao dành cho việc phát
triển quân đội, không những đã ngăn chận sự giảm trừ nghèo đói,
ngu dốt và bệnh tật, mà còn đòi hỏi sự hy sinh chất xám quý giá
của nhân loại. Các nhà khoa học của chúng ta rất tài giỏi. Tại
sao lại để tài ba của họ hoang phí vào những nỗ lực giết người
như thế trong khi đáng lẽ được hướng đến công trình phát triển
thế giới tốt đẹp.
Những
vùng sa mạc bao la của thế giới như vùng Sahara và Gobi có thể
được trồng cấy để gia tăng sản lượng thực phẩm và làm giảm gánh
lo nhân mãn. Nhiều nước đang phải đương đầu với nạn hạn hán
trong nhiều năm. Chúng ta có thể phát triển một phương pháp khử
muối mới và ít tốn kém nhằm giúp cho con người tiêu dùng được
nước biển hay dùng nó cho các công việc khác. Có nhiều vấn đề
cấp bách trong lãnh vực năng lượng và y tế mà các nhà khoa học
có thể chú ý tới một cách ích lợi hơn. Bởi vì nền kinh tế thế
giới sẽ tăng trưởng nhanh chóng hơn nhờ nỗ lực của các nhà khoa
học, họ sẽ được đền bù nhiều hơn. Hành tinh này đã may mắn có
một nguồn tài nguyên bao la. Nếu chúng ta sử dụng nó một cách
thích đáng, khởi đầu bằng việc giảm trừ quân đội và chiến tranh,
thì mỗi con người sẽ có thể sống một đời sống an toàn và giàu
có.
Dĩ
nhiên, nền hòa bình toàn cầu không thể diễn ra cho mọi người
trong cùng một lúc. Vì tình hình trên thế giới rất khác biệt nên
nền hòa bình phải được lan dần ra. Thế nhưng, không có lý do gì
nó không được bắt đầu ở một vùng rồi lan dần từ lục địa nầy đến
lục địa khác.
Tôi
muốn đề nghị rằng những cộng đồng khu vực như Cộng đồng Âu châu
sẽ đóng một vai trò chủ yếu cho một thế giới hòa bình hơn mà
chúng ta muốn xây dựng. Quan sát tình hình thế giới hậu chiến
tranh lạnh một cách khách quan, thì rõ ràng là những cộng đồng
như thế là những thành tố tự nhiên nhất và đầy hy vọng cho một
trật tự thế giới mới. Như chúng ta thấy, hầu hết lực hút của nền
độc lập đang trưởng thành đòi hỏi chúng ta phải có những cơ cấu
mới, nhiều hợp tác hơn. Cộng đồng châu Âu đã đi đầu trong nỗ lực
nầy, đã thương thuyết để đạt tới một sự quân bình khéo léo giữa
một bên là sự liên minh về kinh tế, quân sự và chính trị và một
bên là quyền lợi riêng tư của các nước thành viên. Tôi rất là
cảm kích về việc nầy. Tôi cũng tin rằng Khối thịnh vượng chung
của các quốc gia độc lập cũng đang đương đầu với những vấn đề
tương tự và hạt giống của một cộng đồng như thế đã có mặt trong
tâm trí của nhiều thể chế cộng hòa. Trong chiều hướng nầy, tôi
xin nói vài lời về tương lai của hai quốc gia, quê hương tôi -
Tây Tạng - và Trung Hoa.
Như
Liên Xô trước đây, Trung Hoa là một quốc gia đa chủng tộc, được
hình thành một cách cưỡng ép dưới sự thúc đẩy của chủ nghĩa bành
trướng, và cho tới hôm nay, được cai trị theo kiểu thực dân. Một
tương lai hòa bình, thịnh vượng và trước hết ổn định chính trị
của Trung Quốc tùy thuộc vào sự thực hiện thành công một thể chế
dân chủ cởi mở hơn không những là ước vọng của chính dân tộc họ
mà còn của 80 triệu người "dân tộc thiểu số", những người muốn
giành lại nền tự do cho họ. Để có niềm hạnh phúc trở về với trái
tim của châu Á - quê hương của một phần năm nhân loại - một cộng
đồng hợp tác hỗ tương, dân chủ, đa nguyên phải thay thế cho
chính quyền hiện hữu được gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Dĩ
nhiên, một cộng đồng như thế không chỉ giới hạn vào những cộng
đồng hiện đang bị cai trị bởi Trung Hoa, như là Tây Tạng, Mông
Cổ, Tân Cương. Dân chúng Hồng Kông, những người đang tìm kiếm
nền độc lập cho Đài Loan, và ngay cả những người dân dưới các
chính quyền cộng sản khác ở Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Lào và
Cambodia cũng có thể góp phần xây dựng cộng đồng Á châu. Tuy
nhiên, điều đặc biệt khẩn cấp là những người đang bị Trung Hoa
cai trị phải quan tâm đến việc xây dựng cộng đồng nầy. Nếu được
theo đuổi một cách đúng mức, có thể giúp vào việc ngăn chận
Trung Cộng dùng bạo lực giải tán, chia vùng, hay trở lại tình
trạng hỗn loạn đã từng gây đau khổ cho đất nước vĩ đại nầy trong
suốt thế kỷ 20. Hiện tại, đời sống chính trị Trung Hoa rất phân
cực đến nỗi có đầy đủ lý do để lo sợ về một cuộc thảm sát hay
thảm kịch xảy ra. Mỗi người chúng ta - mỗi thành viên của cộng
đồng thế giới - phải có trách nhiệm đạo đức giúp vào việc ngăn
chận nỗi đau khổ khốc liệt mà những cuộc xung đột dân sự có thể
mang đến cho dân tộc Trung Hoa quá đông đảo đó.
Tôi tin
tưởng rằng chính qua quá trình thương thuyết, hòa giải và tương
nhượng trong việc xây dựng một cộng đồng gồm các nước Á châu sẽ
chính là niềm hy vọng thực sự cho một diễn tiến hòa bình hướng
tới một trật tự mới ở Trung Hoa. Ngay từ lúc khởi đầu, các nước
thành viên của cộng đồng phải cùng nhau quyết định các chính
sách về quốc phòng và bang giao quốc tế. Sẽ có nhiều cơ hội để
hợp tác. Điểm mấu chốt là chúng ta tìm được một cách thức hòa
bình, bất bạo động để các lực lượng tự do, dân chủ và hòa giải
có cơ thành công trong khung cảnh chính trị đầy bất công, đàn áp
hiện tại.
CÁC VÙNG HÒA BÌNH
Tôi
thấy rằng vai trò của Tây Tạng trong một Cộng đồng Á châu như
điều mà trước đây tôi đã gọi là "vùng hòa bình": một khu vực phi
quân sự, trung lập nơi mà vũ khí bị cấm đoán và con nguoời sống
hòa điệu với thiên nhiên. Đây không phải chỉ là một giấc mộng -
vì đó chính là cách mà dân Tây Tạng đã cố gắng sống trong hơn
một ngàn năm trước khi đất nước chúng tôi bị xâm lược. Như mọi
người đều biết, ở Tây Tạng, mọi dạng thức của đời sống đều được
bảo vệ nghiêm túc theo những giới luật của đạo Phật. Cũng vậy,
ít ra trong khoảng 300 năm qua, chúng tôi không có một quân đội
tương xứng. Tây Tạng đã dẹp bỏ việc sử dụng chiến tranh như là
một chính sách quốc gia vào thế kỷ thứ 6 và thứ 7, sau khoảng
thời gian cai trị bởi 3 vì Pháp vương vĩ đại của chúng tôi.
Trở về
mối liên hệ giữa việc phát triển những cộng đồng khu vực và
nhiệm vụ giải trừ vũ khí, tôi muốn đề nghị rằng, "trung tâm" của
mỗi cộng đồng là một hay vài quốc gia đã quyết định trở thành
"vùng hòa bình", khu vực mà lực lượng quân sự bị cấm đoán. Một
lần nữa, điều này không phải là một giấc mộng. Bốn thập niên
trước đây, vào tháng 12-1948, Costa Rica dã giải tán quân đội.
Gần đây, 37 phần trăm dân chúng Thụy sĩ biểu quyết giải tán quân
đội. Tân chánh phủ của Tiệp Khắc đã quyết định ngưng sản xuất và
xuất cảng mọi vũ khí. Nếu dân chúng đã quyết định như thế, thì
quốc gia đó có thể bước một bước căn bản trong việc thay đổi
chính bản tính của nó.
Những
vùng hòa bình trong những cộng đồng khu vực sẽ là những cái nôi
cho sự ổn định. Trong khi đóng góp công bình vào chi phí cho các
lực lượng tập thể xây dựng bởi cộng đồng, các vùng hòa bình nầy
sẽ là người tiên phong, dẫn đường cho một thế giới hoàn toàn hòa
bình và sẽ đứng ngoài tất cả mọi xung đột. Nếu các cộng đồng khu
vực được xây dựng ở Á châu, Nam Mỹ, và Phi châu, và việc giải
trừ binh bị được tiến hành sao cho lực lượng quốc tế từ mọi vùng
được xây dựng, những vùng hòa bình nầy sẽ được mở rộng, lan dần
một cách êm thắm.
Chúng
ta không cần phải nghĩ rằng chúng ta đang hoạch định cho một
tương lai quá xa xôi khi chúng ta xem xét điều nầy hoặc bất cứ
dự án nào khác để xây dựng một thế giới mới, hợp tác với nhau
hơn về chính trị, kinh tế, và quân sự. Thí dụ như, Hội đồng An
ninh và Hợp tác Âu châu gồm 48 thành viên vừa mới thành lập đã
đặt ra nền tảng cho một liên minh không những giữa các quốc gia
Đông Âu và Tây Âu mà còn giữa các nước trong khối Thịnh Vượng
Chung và Hoa Kỳ nữa. Những biến cố đáng ghi nhớ nầy đã giúp làm
giảm đi nguy cơ chiến tranh giữa các siêu cường nầy.
Tôi đã
không nhắc đến Liên Hiệp Quốc trong bài tham luận nầy vì vai trò
quan trọng của nó trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn
cũng như tiềm năng lớn lao của nó trong việc thực hiện đó đã quá
rõ ràng. Liên Hiệp Quốc phải giữ vai trò trung tâm trong mọi
thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, có thể cần phải thay đổi cơ cấu
tổ chức của nó trong tương lai. Tôi luôn đặt kỳ vọng tốt đẹp vào
Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, và với ý hướng xây dựng, tôi chỉ muốn
trình bày rằng khung cảnh Hậu Thế chiến II - mà qua đó Liên Hiệp
Quốc được thành lập - đã thay đổi. Và với sự thay đổi đó đã dẫn
đến cơ hội dân chủ hóa hơn tổ chức nầy, đặc biệt là đối với Hội
Đồng Bảo An với 5 hội viên thường trực, mà đáng lẽ ra cần có
nhiều đại biểu hơn.
KẾT LUẬN
Tôi
muốn kết luận rằng, một cách tổng quát, tôi cảm thấy lạc quan về
tương lai. Vài hướng phát triển gần đây cho thấy tiềm năng lớn
lao của chúng ta cho một thế giới tốt đẹp hơn. Trong khoảng thập
niên 50 và 60, người ta vẫn còn tin rằng chiến tranh là điều
không thể tránh khỏi cho nhân loại. Đặc biệt, Chiến tranh Lạnh
đã hỗ trợ cho ý niệm rằng những hệ thống chính trị đối lập chỉ
có thể dẫn đến xung đột, chứ không thể nào cạnh tranh hay hợp
tác. Giờ đây, không còn mấy người giữ ý kiến nầy. Hiện tại, con
người trên khắp hành tinh nầy đều quan tâm mạnh mẽ về nền hòa
bình thế giới. Họ không còn quan tâm mấy về ý thức hệ nhưng lại
rất quan tâm về việc cùng sống chung. Đây là những phát triển
rất tích cực.
Cũng
thế, trong hàng ngàn năm người ta tin rằng chỉ có những tổ chức
chuyên chế sử dụng những phương pháp kỷ luật chặt chẽ mới có thể
cai trị xã hội loài người. Tuy nhiên, con người có một ước vọng
bẩm sinh về tự do và dân chủ, và hai sức mạnh nầy đã đối nghịch
nhau. Giờ đây, đã quá rõ ràng điều gì đã thắng. Sự xuất hiện của
phong trào "sức mạnh nhân dân" bất bạo động đã cho thấy rõ rằng
con người không thể chịu đựng được cũng như không thể hoạt động
thích đáng dưới sự cai trị của bạo quyền. Nhận xét nầy là một
tiến bộ đáng kể.
Một sự
phát triển đầy hi vọng khác là sự phát triển đồng bộ giữa khoa
học và tôn giáo. Suốt thế kỷ 19 và hầu hết thế kỷ 20, con người
rất bối rối bởi những xung đột giữa những thế giới quan đối
nghịch nhau. Hiện nay, vật lý học, sinh vật học và tâm lý học đã
đạt đến trình độ sâu sắc đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu đã bắt đầu
đặt những câu hỏi rất nền tảng về bản tính tối hậu của vũ trụ và
đời sống, cũng cùng một số câu hỏi đã từng là mối quan tâm cơ
bản của tôn giáo. Vì thế, có một tiềm năng thực sự dẫn đến một
quan điểm thống nhất hơn. Đặc biệt là, hình như có một khái niệm
mới về tâm và vật đã khởi phát. Phương Đông đã quan tâm nhiều
đến việc tìm hiểu về tâm thức, phương Tây tìm hiểu về vật chất.
Giờ đây, họ đã gặp gỡ, nhân sinh quan duy tâm và duy vật có thể
hài hòa hơn.
Sự thay
đổi nhanh chóng của thái độ chúng ta đối với quả địa cầu cũng là
một cội nguồn hi vọng. Cách đây chỉ khoảng mười hay mười lăm
năm, chúng ta tiêu phí tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi,
như thể là chúng không bao giờ cạn. Giờ đây, không những nhiều
cá nhân mà còn nhiều chính phủ đang tìm kiếm một trật tự sinh
thái mới. Tôi thường nói đùa rằng mặt trăng và các vì tinh tú
trông rất đẹp, nhưng nếu bất cứ ai trong chúng ta sống trên đó,
thì quả là điều bất hạnh. Chúng ta biết là hành tinh xanh của
chúng ta là một nơi cư trú kỳ diệu. Đời sống của nó là đời sống
của chúng ta; tương lai của nó là tương lai của chúng ta. Và mặc
dù tôi không tin trái đất là một chúng sinh hữu tình, nhưng nó
đã thực sự là bà mẹ của chúng ta, và như những đứa con, chúng ta
lệ thuộc vào nó. Bây giờ, bà mẹ thiên nhiên đã kêu gọi chúng ta
phải hợp tác. Đứng trước những vấn đề của thế giới như hiệu quả
nhà kính và sự xoáy mòn của tầng "ozone", thì những tổ chức cá
nhân và những quốc gia riêng lẻ cũng không giúp ích được gì. Trừ
khi tất cả chúng ta cùng hợp tác với nhau, sẽ không có một giải
pháp nào. Bà mẹ của chúng ta đã dạy chúng ta bài học về trách
nhiệm phổ quát.
Tôi
nghĩ chúng ta có thể nói rằng, vì chính những bài học chúng ta
vừa học được, thế kỷ tới sẽ thân thiện hơn, hài hòa hơn, và ít
tàn hại hơn. Từ bi, hạt giống của hòa bình, sẽ có thể nở hoa.
Tôi rất hi vọng. Đồng thời, tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có
trách nhiệm hướng dẫn "gia đình toàn cầu" đi đúng hướng. Chỉ
thiện ý không thôi sẽ không đủ; chúng ta phải nhận trách nhiệm.
Những phong trào lớn mạnh được khởi nguồn từ những sáng kiến cá
nhân. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn không thể tạo được ảnh hưởng gì
nhiều, người kế tiếp có thể trở thành chán nản và chúng ta đã
mất đi một cơ hội tốt. Ngược lại, mỗi chúng ta có thể tạo hứng
khởi cho người khác một cách rất giản dị bằng cách cố gắng làm
việc để phát triển động cơ vị tha của mình.
Tôi
chắc rằng có rất nhiều người thành thực, thiện tâm trên khắp thế
giới đã có cùng quan điểm với tôi như tôi đang trình bày ở đây.
Buồn thay, không có ai lắng nghe họ. Mặc dù, tiếng nói của tôi
cũng có thể rơi vào quên lãng, tôi nghĩ tôi phải cố gắng nói lên
tiếng nói của họ. Dĩ nhiên, nhiều người có thể nghĩ rằng thật là
quá tự phụ cho một vị Đạt Lai Lạt Ma nói như vậy. Nhưng, vì tôi
đã nhận giải Nobel Hòa bình, tôi cảm thấy tôi phải có trách
nhiệm làm điều nầy. Nếu tôi chỉ nhận số tiền từ giải Nobel rồi
tiêu phí thế nào tùy thích, thì hóa ra lý do duy nhất mà tôi nói
những điều tốt đẹp trước đây chỉ để nhận được giải nầy. Tuy
nhiên, giờ đây, tôi đã nhận lãnh nó rồi, tôi phải được danh dự
tiếp tục phát biểu những quan điểm mà trước đây tôi luôn nói
tới.
Tôi là
người thực sự tin tưởng rằng cá nhân có thể làm thay đổi xã hội.
Bởi vì những thời kỳ có những thay đổi lớn lao như thời kỳ hiện
tại thường ít khi đến trong lịch sử nhân loại, vậy thì, mỗi
người trong chúng ta phải cố gắng hết sức mình để xây dựng một
thế giới hạnh phúc hơn.
--- o0o ---
|
Mục Lục
|
Mục lục chi tiết
|
|Phần
I
|
Phần II
|
Phần III
|
Phần IV
|