|
. |
Tuyển tập
Phật Thành Đạo
Nhiều tác giả
---
o0o ---
Phần II
Tưởng niệm Phật thành Đạo
và niên đại của Ngài
Ý NGHĨA PHẬT THÀNH ĐẠO
VÀ CÁC GIÁ TRỊ THỰC TIỄN
Thích Minh Diệu
Ngày nay, nhân loại đang trong cơn băng hoại và suy thoái đạo đức
trước sự cám dỗ của vật chất hiện đại. Đã đến lúc mọi người cần phải
quay lại chính mình và ứng dụng lời dạy của Đức Phật trong đời sống
thường nhật. Đây là con đường duy nhất để mọi người cùng thăng tiến
đạo đức tâm linh và tránh xa nạn hủy diệt văn hóa, văn minh và sự
sinh tồn của nhân loại.
Có 4 ý nghĩa quan trọng về sự thành đạo của Đức Phật:
Đức Phật đã chiến thắng Ma quân.
Đức Phật đã khai mở cửa bất tử cho tất cả chúng sanh.
Chứng minh mọi chúng sanh đều có khả năng giác ngộ giải thoát.
Con người là chủ nhân ông của chính mình.
Và có 3 giá trị thực tiễn về sự thành đạo của Đức Phật:
Đức Phật dạy phương pháp tu tập mang lại an lạc ngay trong hiện tại.
Đức Phật là nhà cách mạng đầu tiên về nhân quyền và bình đẳng.
Giáo lý Đức Phật có giá trị miên viễn.
Mỗi tôn giáo đều có những ngày kỷ niệm và những thánh tích về vị
Giáo tổ sáng lập ra giáo phái hoăc tôn giáo đó. Phật giáo là một tôn
giáo lớn, ngày nay được mọi người trên thế giới biết đến qua giáo lý
và cuộc đời Đức Phật thích ca, Vị chánh đẳng giác ra đời tại nước Ấn
Độ cách đây trên 25 thế kỷ. Đặc biệt vùng bắc Ấn đã lưu lại thánh
tích của Ngài mãi cho đến ngày hôm nay. Đây là những chứng liệu được
các nhà khảo cổ đã tìm ra và công bố cho mọi người biết về bốn thánh
tích:
1. Vườn Lumbini nơi Đức Phật đã Đản sanh (ngày nay thuộc nước cộng
hòa Nepal);
2.Bodhgaya (Bồ-đề Đạo Tràng) nơi Đức Phật thành đạo;
3. Lộc dã / uyển (Sarnath thuộc đô thị Varanasi) nơi Đức Phật chuyển
pháp luân;
4. Kusinagar nơi Đức Phật nhập niết-bàn.
Song song với bốn thánh tích là những ngày kỷ niệm vô cùng quan
trọng liên hệ đến cuộc đời của Đức Phật, đánh dấu sự hiện diện của
Thế Tôn trong cõi đời này. Đó là:
(1). Ngày Bồ-tát Hộ Minh từ cung trời Đâu-suất (Tusita) giáng trần:
ngày rằm tháng 4 âm lịch năm 624 trước TL.
(2). Ngày Thái tử Siddhata (Sĩ-đạt-ta) từ bỏ đời sống thế tục
xuất gia: nhằm ngày mồng tám tháng 2 âm lịch năm 595 tr. TL. (Theo
Bắc truyền thì năm 605).
(3). Ngày Đức Phật đã thành đạo, nhằm ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch
năm 589 tr. TL. (theo Bắc truyền năm 594 trước TL)
(4). Ngày Đức Phật nhập niết bàn, nhằm ngày mùng tám tháng 12 âm
lịch năm 544 tr. TL.
Tuy nhiên, theo truyền thống của nam truyền thì bốn ngày trọng đại
đã nêu trên cùng ngày rằm trăng tròn tháng 4, dĩ nhiên là khác năm.
Nhân kỷ niệm ngày đức Thế Tôn thành đạo cũng như nhập niết-bàn, từ
quê hương của Đấng cha lành, con thành kính đê đầu đảnh lễ Đấng đại
giác và xin ghi lại vài ý tưởng mộc mạc mà con đã học từ dòng sữa
giáo pháp của Ngài.
I. Ý NGHĨA QUAN TRỌNG VỀ SỰ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT
"Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem
lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho
đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài
người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh
đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở
đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì
lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho
chư Thiên và loài người."
"Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.
Của người nào? Của Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất
hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời." (Tăng
Chi I, phẩm Một người, tr. 28, xb. 1980)
1. Đức Phật đã chiến thắng Ma quân
Thái tử Siddhata nhận ra cảnh vô thường tạm bợ của kiếp người bị chi
phối bởi sanh, già, bệnh và chết nên đã quyết tâm từ bỏ đời sống
vương tôn, phú quí, ngai vàng, điện ngọc, từ bỏ phụ hoàng, vợ đẹp
con thơ, thân bằng quyến thuộc, một mình dấn thân vào chốn rừng sâu
tầm cầu chân lý giải thoát tứ khổ. Bước thử thách đầu tiên vô cùng
cam go, là con người ai không ham phú quí, vinh hoa, ai không thích
vợ đẹp con ngoan, nhưng với Thái tử thì những thứ trên là những gông
cùm, xiềng xích trói chặt chân người thế gian. Thái tử đã chiến
thắng sự cám dỗ của Ma quân phú quí bằng cách ?hận chân sự thật của
cuộc đời vui ít khổ nhiều, não hại lại nhiều hơn. Chỉ có bậc đại
trượng phu, đấng đại hùng như Thái tử mới đủ dũng chí xuất gia sống
đời du sĩ giữa chốn núi non tự mình tầm cầu chân lý. Sau đây là đoạn
trích Trong bài Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm
được Đức Phật đã kể lại những nỗi sợ hãi và khiếp đảm khởi sinh khi
Ngài sống một mình trong rừng sâu.
Này Bà-la-môn, tùy thuộc vào vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau:
”Trong những đêm được biết đến, được xác định, đêm mười bốn, đêm
mười lăm, đêm mồng tám mỗi nửa tháng, trong những đêm như vậy, Ta
hãy đến ở tại các trú xứ hãi hùng, lông tóc dựng ngược, như tự miếu
tại các thảo viên, tự miếu tại các rừng núi, tự miếu tại các cây
cối, để Ta có thể thấy sự sợ hãi khiếp đảm ấy.” Này Bà-la-môn, sau
một thời gian, trong những đêm được biết đến, tự miếu tại các cây
cối. Này Bà-la-môn, trong khi Ta ở tại các chỗ ấy, một con thú có
thể đến, hay một con công làm rơi một cành cây, hay gió làm rung
động các lá rơi; Ta khởi lên ý nghĩ: “Nay sự sợ hãi khiếp đảm ấy đã
đến !.” Này Bà-la-môn, rồi Ta suy nghĩ: “Sao Ta ở đây, chỉ mong đợi
sự sợ hãi khiếp đảm chớ không gì khác? Trong bất cứ hành vi cử chỉ
nào của Ta mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, trong hành vi cử chỉ ấy, Ta
hãy trừ diệt khiếp đảm ấy. ”Này Bà-la-môn trong khi Ta đi kinh hành
qua lại mà sự sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không
đứng, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi
đảm ấy trong khi Ta đi kinh hành qua lại ….
Nhờ nhiếp niệm, định tâm Bồ-tát đã nhiếp phục 'Ma sợ hãi và khiếp
đảm' tâm an lạc, chuyên nhất, định tĩnh, ly dục, ly các ác pháp,
chứng và trú thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, … hướng
tâm đến túc mạng trí, nhớ đến đời sống quá khứ từ một đời đến nhiều
đời, từ một kiếp đến nhiều kiếp Bồ-tát đã chứng đạt túc mạng trí.
Tuần tự Thái tử hướng tâm đến thiên nhãn trí, trí biết được sự
sống chết và hạnh nghiệp của tất cả chúng sanh…?à cuối cùng với tâm
định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến,
dễ sử dụng, vững chắc bình thản, Thái tử dẫn tâm hướng tâm đến lậu
tận trí. Ngài thắng tri như thật: "Đây là khổ,” "đây là nguyên nhân
của khổ,” "đây là khổ diệt,” "đây là con đường đưa đến khổ diệt.”
Thắng tri như thật: "Đây là những lậu hoặc, đây là nguyên nhân các
lậu hoặc, đây là các lậu hoặc diệt, đây là con đường đưa đến các lậu
hoặc diệt"[2].
Nhờ thấy như vậy, tâm Bồ-tát thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh
lậu. Vượt qua tầm mắt của Ma vương, Bồ-tát chứng đạt Phật quả và trở
thành Phật Thích-ca (Sakyamuni Buddha).
Trên đây chỉ nêu ra khái lược về cách nhiếp phục tâm, tu tập tâm để
thành tựu quả vị giải thoát. Trong bài Kinh Thánh Cầu (số 26 Trung
bộ I, tr. 361-390, xb. 1992.) đã mô tả về tiến trình từ lúc Bồ-tát
từ bỏ gia đình vào rừng rồi tu tập dưới hội chúng của Alara kalama
rồi đến hội chúng của Uddka Ramaputta, vì không thỏa mãn với giáo
pháp chưa rốt ráo giải thoát của hai Vị đạo sư nên Bồ-tát từ giả họ
rồi tiếp tục với pháp tu khổ hạnh cùng với năm người bạn đồng tu gồm
A-nhã Kiều-trần-như và bốn người bạn khác, với tận tâm nỗ lực nhưng
Bồ-tát vẫn không thành tựu mục đích tối thượng và cuối cùng Bồ-tát
tìm ra con đường tu tập trung đạo xuyên qua thiền định, quán chiếu
sự vận hành của các pháp nhân duyên (Giáo lý duyên khởi) cuối cùng
Bồ-tát đã giác ngộ, chứng đắc tam minh, lục thông, thoát ly sanh tử.
Trải qua sáu năm dài khổ hạnh vượt qua muôn vàn cam go, thử thách
Thái tử đã tìm ra con đường thoát khổ cho chính mình và nhân loại và
từ đó danh hiệu Phật Thích-ca chỉ cho Bậc chánh đẳng chánh giác duy
nhất trên thế gian này.
Lại nữa, trong bài Kinh Phạm Thiên Thỉnh Cầu[3]Đức
Phật đã tuyên bố với Ác ma:
"- Này Ác ma, Ta biết ngươi. Chớ có nghĩ rằng "Vị ấy (Thế Tôn)
không biết Ta (Ác ma). ”Này Ác ma, phàm là Phạm thiên, phàm là Phạm
thiên chúng, phàm là Phạm thiên quyến thuộc, tất cả đều nằm trong
tay của Ngươi. Này Ác ma, nếu Ngươi nghĩ rằng: "Mong vị này nằm
trong tay Ta; mong vị này nằm trong quyền lực của Ta!.” Này Ác ma,
Ta không nằm trong tay của Ngươi, Ta không nằm trong quyền lực của
Ngươi. Thông thường với tư duy nông cạn, chúng ta cho rằng Ma vương
đã đến thách thức ngăn cản sự tu tập thiền định của Bồ-tát dưới cội
bồ-đề trước khi Bồ-tát thành đạo và chỉ có một lần đó mà thôi. Nhưng
trên thực tế, những chướng ngại pháp cả tâm lý và vật lý, cả khách
quan và chủ quan có tác dụng cản trở trên bước tu tập tầm cầu giải
thoát của Bồ-tát đều được xem như là Ma quân, binh ma, Ác ma, nội
ma, ngoại ma vượt qua tất cả mọi chướng ngại không phải dễ đòi hỏi
một người đại hùng và đại lực mới có thể làm nổi. Chính vì ý nghĩa
trên, Bồ-tát chiến thắng Quân ma cũng có nghĩa là chiến thắng chính
mình và chỉ có chiến thắng mình (những tâm lý bất thiện) mới là
chiến thắng vinh quang, oanh liệt nhất (Thắng nhơn giả hữu lực, tự
thắng giả cường).
2. Đức Phật đã mở cánh cửa bất tử
Cho tất cả chúng sanh
Đức Phật sau khi thành đạo, Ngài tiếp tục thiền định để chiêm nghiệm
sự thâm sâu pháp Ngài vừa chứng đạt. Thế Tôn khởi lên suy nghĩ như
sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó
chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí
mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái lạc, ham
thích ái dục, thật khó mà thấy định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada
(Y tha duyên khởi tánh); sự kiện này thật khó thấy; tức sự tịnh chỉ
tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt,
Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta,
thời như vậy thật khổ cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!” (Kinh
Thánh Cầu, tr. 375)
Quả thật, căn tính chúng sanh độn nhiều (chậm lụt, thiếu trí tuệ),
lợi ít (thông minh, dễ thọ lãnh giáo pháp), giáo pháp giải
thoát quá cao siêu và xa la,?gược lại những tập khí thế gian từ
nhiều kiếp của họ vì thế thật không dễ cho Thế Tôn về vấn đề thuyết
giảng chánh phápﮠTuy nhiên, với sự thỉnh cầu Thế Tôn thuyết pháp của
Phạm thiên Sahampati: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện
Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị
nguy hại nếu không được nghe chánh pháp. (Nếu được nghe chánh pháp),
những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp."
Với lòng từ bi đối vơí chúng sanh, với Phật nhãn, Thế Tôn nhìn quanh
thế giới thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi
đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng
dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế
giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ
sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên
dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước.
Có một hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn
lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen
xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước,
vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ước. Cũng vậy với Phật
nhãn Thế Tôn thấy có hạng ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có
hạng lợi căn, có hạng độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng
dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế
giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Rồi Thế Tôn
nói lên bài kệ sau đây với Phạm thiên Sahampati:
Cửa bất tử rộng mở,
Cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm,
Không chính xác của mình.
Tự nghĩ đến phiền toái,
Ta đã không muốn giảng,
Tối thượng vi diệu pháp,
Giữa chúng sanh loài người.
(Ôi Phạm thiên)
Thế Tôn khai mở chân lý giải thoát là một sự kiện trọng đại trong
lịch sử Tôn giáo Ấn Độ thời bấy giờ. Vì rằng, từ trước thời Thế Tôn,
tôn giáo Ấn Độ chỉ mang hình thức nghi lễ do các Bà-la-môn tự xưng
là thanh tịnh, thuần huyết thống, con của Phạm thiên, sanh ra từ
miệng Phạm thiên, căn cứ vào ba bộ Vệ đà để chủ trì những cuộc tế lễ
mà họ cho rằng có công hiệu tiêu trừ tội lỗi, khổ đau, dẫn đến giải
thoát sanh thiên. Ngoài ra, Vô số các đạo sư ngoại đạo chủ trương
những giáo điều và quan điểm có tác dụng dẫn đến rối loạn trật tự xã
hội, băng hoại nền đạo đức, luân lý con người điển hình là sáu đạo
sư ngoại đạo cùng thời Đức Phật như Purana Kassapa chủ trương với
thuyết vô nghiệp không có quả báo tội, phước. Makkhali Gosàla chủ
trương thuyết luân hồi tịnh hóa, nghĩa là kẻ ngu và người hiền sau
khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Ajita Kesakambàli chủ
trương thuyết đoạn diệt, con người do bốn đại hợp thành khi thân
hoại sẽ trả về cho bốn đại (đất, nước, lửa, gió) không có gì tồn tại
sau khi chết…(Kinh sa môn quả, Trường bộ I tr. 102- 112, xb. 1991).
Quả thật, một niềm khát khao của nhân loại tự cổ chí kim, đó là khát
khao tầm cầu chân lý giải thoát bốn ách nạn sanh, lão, bệnh và tử đè
nặng lên đời sống con người. Vì vậy, giáo pháp Thế Tôn vừa chứng ngộ
sẽ có công năng như ánh sáng của thái dương phá tan mọi bóng tối vô
minh phủ lấp tâm, trí con người từ bao đời. Cuối cùng, Thế Tôn đã
chân chánh khai mở chân lý bất tử, chân chánh chuyển bánh xe pháp,
vì an lạc, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Dưới đây là
pháp ngữ đầu tiên Thế Tôn đã chuyển đến năm anh em của Tôn giả
Kiều-trần-như:
“Này các Tỷ-kheo, chớ có gọi Ta bằng tên và dùng danh từ Hiền giả.
Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A la hán, Chánh đẳng giác. Hãy lắng
tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp.
Sống đúng theo lời khuyến giáo, các ông không bao lâu, sau khi tự
tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, mục đích tối thượng của
phạm hạnh mà các Thiện nam tử, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình, các ông sẽ an trú."
Quả thật không bao lâu sau, năm vị đồng tu đều chứng đạt quả vị bất
sanh, dưới sự hướng dẫn của Đức Phật.
Trong suốt 45 năm (Bắc truyền 49 năm) truyền bá giáo lý, Đức Phật và
chư đệ tử của Ngài đã du hành khắp vùng bắc Ấn, từ thành thị phồn
hoa đến làng mạc xa xôi hẻo lánh thuyết giảng chân lý đem lại an lạc
cho mọi người, từ giới thượng lưu, quyền quí, vua chúa cho đến những
người hạ tiện, cùng đinh của xã hội đều thấm nhuần giáo lý giác ngộ.
3. Chứng minh mọi chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát
Bằng chứng hùng hồn từ kinh điển để lại, một số chư vị đệ tử của Đức
Phật là các vị Thiện nam tử xuất phát từ dòng dõi trâm anh, quí
phái, các vị vì tầm cầu an lạc tối thượng đã qui y, xuất gia sống
hành trì, tu tập dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, giáo pháp của Ngài
và Tăng đoàn, đều chứng đạt cứu cánh phạm hạnh. Chẳng những
thế, ngay cả những người căn tánh mê muội như Bàn-đặc, thấp hèn như
Upali (Ưu-ba-li) thợ hớt tóc, bần tiện như Ni đề nghề gánh phẩn,
sống đời phóng túng làm nghề mãi dâm như dâm nữ Ambabali, tàn ác như
Angulimala (Vô Não) …đều được giác ngộ, giải thoát sau khi nỗ lực,
tu tập dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Điều này cho thấy, tất cả
chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát như nhau (nhất
thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh) nếu hành trì, tu tập theo lời
dạy của Đức Phật.
4. Con người là chủ nhân ông của chính mình
Thái tử Siddhata, cũng như bao người khác, sinh ra và lớn lên trong
cuộc đời này, chỉ khác là Ngài nhận ra sự vô thường trước cảnh sinh,
lão, bệnh và tử quá tạm bợ và mỏng manh của kiếp người nên đã xuất
gia tu hành chứng ngộ đạo quả giải thoát. Ngài đã khám phá ra, con
người là chủ nhân của chính mình, con người thừa tự nghiệp của mình
làm ra, con người tự mình tạo ra tội lỗi, tự mình làm cho mình thấp
hèn, tự mình làm cho mình cao thượng chứ không phải vì dòng dõi,
huyết thống, nguồn gốc hoặc một vị Thượng đế nào có thể làm cho con
người thấp hèn hay cao thượng. Chính vì ý nghĩa này, Đức Phật, Ngài
không bao giờ tự xưng là bậc lãnh đạo Tăng đoàn mà khiêm tốn tự xem
mình như là vị đạo sư (người hướng dẫn con đường) mà thôi. Vì Đức
Phật không thể ban sự giác ngộ cho bất cứ ai, hoặc ban phước, rửa
tội cho bất cứ ai. Ngài thường khuyên chư vị Tỷ-kheo: "hãy tự mình
thắp đuốc lên mà đi, hãy nương tựa chính mình, đừng nương tựa một
ai, hãy lấy giáo pháp làm Thầy"[4].
Lại nữa vào canh cuối của đêm Thế Tôn thành đạo, ”với tâm thuần
tịnh, Thế Tôn hướng tâm đến thiên nhãn trí, trí tuệ về sanh tử của
chúng sanh. Thế Tôn thấy rõ rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao
sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do
hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời
và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà
kiến. Những người này thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ,
đọa xứ, địa ngục. Còn chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân,
lời và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các
nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng
chung, được sanh vào các thiện thú, cõi trời, trên đời này."[5]
Điều này chứng tỏ rằng: chính do hành động về thân, lời nói và ý
nghĩ đưa con người đến kết quả khổ hoặc vui tùy vào tác ý của hành
động.
II. GIÁ TRỊ THIẾT THỰC VỀ SỰ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC
PHẬT
1. Đức Phật dạy phương pháp tu tập mang lại an lạc ngay trong hiện
tại
"Vì đại sự nhân duyên Như Lai ra đời, vì sự lợi ích, an lạc cho chư
thiên và loài người Như Lai xuất hiện ở đời” (Pháp hoa kinh). Bằng
chứng rõ ràng, suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh, Thế Tôn giáo hóa vô
số chúng sanh thấm nhuần giáo lý, thể nhập sự an lạc, thanh tịnh
ngay trong đời sống hiện tại. Giáo lý ứng dụng cho mọi tầng lớp, mọi
lứa tuổi, mọi trình độ, mọi xã hội, giáo lý của mọi thời đại.
Một hôm vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) từ Nangaraka đến thị trấn Medalumpa
của dân chúng Sakka để yết kiến Thế Tôn. Khi gặp Thế Tôn nhà vua cúi
đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hôn xung quanh chân Thế Tôn, tay xoa rờ
xung quanh chân và tự xưng tên:
-Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala.
- Thế Tôn hỏi: “thưa đại vương, do thấy nguyên nhân gì, đại vương
lại hạ mình tột bực như vậy đối với thân này và biểu lộ thân ái như
vậy?"
- Bạch Thế Tôn, con có pháp truyền thống (Dhammanvaya) này đối với
Thế Tôn. “Thế Tôn là bậc Chánh đẳng giác, pháp được Thế Tôn khéo
thuyết giảng, chư Tăng đệ tử Thế Tôn khéo tu tập, hành trì.”…. Lại
nữa, Bạch Thế Tôn, con đi du hành tản bộ từ công viên này đến công
viên khác, từ cung uyển này đến cung uyển khác. Ở đấy con thấy một
số Sa-môn, Bà-la-môn gầy còm, khốn khổ, da xấu, bạc nhợt, tay chân
gân nổi, hình như không có gì đẹp mắt để người ta nhìn. Bạch Thế
Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật sự các bậc Tôn giả này sống Phạm
hạnh không được hoan hỷ hay có những ác nghiệp được giấu kín. Do
vậy, các vị Tôn giả này mới gầy mòn…. Con đi đến các vị ấy và hỏi:
"- vì sao chư Tôn giả lại gầy mòn, khốn khổ, da xấu…. Hình như không
có gì đẹp mắt để người ta nhìn?"
Các vị ấy trả lời như sau:
"- Tâu Đại vương, chúng tôi bị bệnh gia truyền."
Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỳ-kheo hân hoan, phấn khởi,
hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào
(sự hỷ cúng) của người khác, với tâm tư như con thú rừng. Bạch Thế
Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật sự các bậc Tôn giả này ý thức được
một sự tối thắng thù diệu nào trong giáo lý Thế Tôn, một sự thành
đạt tuần tự nên các Tôn giả này hân hoan, phấn khởi…., với tâm tư
như con thú rừng. Bạch Thế Tôn đây là pháp truyền thống của con đối
với Thế Tôn. (Kinh Pháp Trang Nghiêm, Trung Bộ II, tr. 616-618, xuất
bản năm 1992)
Câu chuyên trên cho thấy rằng, giáo pháp của Thế Tôn có công năng
giaỉ thoát phiền não khổ đau ngay trong hiện tại.
Ngày nay, nhiều trung tâm tu thiền của Phật giáo ở khắp mọi nơi trên
thế giới đã và đang đóng góp vào phận sự giải tỏa những căn thẳng
thần kinh, suy sụp tinh thần, khủng hỏang tinh thần của con người do
xã hội vật chất của thời đại gây ra. Ấy không phải công năng và diệu
dụng của giáo lý Đức Phật hay sao !?
2. Đức Phật là nhà cách mạng đầu tiên về nhân quyền và bình đẳng
Đức Phật là nhà cách mạng nhân quyền và bình đẳng đầu tiên của nhân
loại, Ngài dõng mãnh phá bỏ truyền thống phân chia giai cấp lâu đời
của giai cấp Bà-la-môn nhằm củng cố quyền lợi và địa vị thời bấy
giờ. Ngài tuyên bố hùng hồn: "không có giai cấp khi nước mắt mọi
người đều mặn và máu đều đỏ như nhau.” Chủ nghĩa bình đẳng được thể
hiện rõ trong giới luật và đời sống Tăng đoàn, tiêu biểu nhất là sáu
pháp lục hòa là thước đo trung thực nhất về tính bình đẳng nhất quán
được áp dụng trong đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn.
Lại nữa, nguồn gốc xuất thân và địa vị theo phân chia của thế gian
không có trong Tăng đoàn của Ngài. Mọi người khi vào Tăng đoàn đều
phải từ bỏ tất cả sự phân biệt cuả thế thường mà phải cử xử theo
pháp và luật của tăng đoàn. Điều này cho thấy Đức Phật từ bi quảng
đại đối xử mọi người bằng lòng bình đẳng. Sau đây là đoạn kinh tiêu
biểu cho tinh thần này: "Này các Tỷ-kheo, tất cả nước các sông,
suối, ngòi, lạch khi chưa đổ nước ra biển nó mang tên riêng của nó,
nhưng khi đã đổ nước ra biển nó mang tên chung là nước đại dương chứ
không còn mang tên riêng của nó như trước kia nữa. Cũng như vậy, khi
các Tỷ-kheo khi gia nhập vào Tăng đoàn sẽ không còn mang tên họ như
trước đây nữa mà mang tên chung là chư vị khất sĩ, Thích tử của Như
Lai.”
Đỉnh cao của bình đẳng và nhân quyền là năm giới cho người tín đồ
tại gia, là năm tiêu chuẩn mẫu mực tạo nền móng đạo đức, hạnh phúc
gia đình và trật tự xã hội, sâu xa hơn nữa là thềm bậc để bước đến
đời sống xuất gia giải thoát thanh cao.
3.
Giáo pháp của Đức Phật có giá trị miên viễn: sơ thiện, trung thiện
và hậu thiện
Này các Tỷ-kheo: "Nước của đại dương chỉ có một vị là vị mặn, cũng
vậy pháp và luật này chỉ có một vị là vị giải thoát.” (Cảm Hứng Ngữ:
Udana) trong một bài kinh khác Đức Phật tuyên bố: “Này các Tỷ-kheo
xưa cũng như nay Như Lai chỉ thuyết về khổ và con đường diệt khổ."
Lại nữa, trong Kinh Di Giáo, trước khi Thế Tôn vào niết-bàn Ngài đã
hỏi chư vị Khất sĩ có còn điểm nào còn nghi ngờ hoặc chưa hiểu về
giáo pháp hãy trình lên để Thế Tôn sẽ tùy nghi giảng giải.
Chư Tỷ-kheo im lặng, Tôn giả Ananda đại diện đại chúng bạch Thế Tôn:
"Bạch Thế Tôn tất cả đại chúng im lặng vì không có vị nào còn nghi
ngờ hoặc chưa hiểu giáo lý. Thế Tôn, cho dù mặt trăng trở nên nóng
và mặt trời trở thành lạnh; giáo pháp Thế Tôn thuyết giảng cũng
không bao giờ thay đổi giá trị và nghĩa lý."
Thật vậy, theo dòng thời gian, đã hơn 25 thế kỷ qua, nhưng chân lý
tứ đế vẫn sáng ngời không hề xê dịch nghĩa lý bởi vì giáo pháp được
bậc giác ngộ tự thân chứng tri, tự thân liễu tri. Đó là giáo pháp
mang tính miên viễn sơ thiện, trung thiện và hậu thiện.
Ngày nay, nhân loại đang trong cơn băng hoại và suy thoái đạo đức
trước sự cám dỗ của vật chất hiện đại. Đã đến lúc mọi người cần phải
quay lại chính mình và ứng dụng lời dạy của Đức Phật trong đời sống
thường nhật. Đây là con đường duy nhất để mọi người cùng thăng tiến
đạo đức tâm linh và tránh xa nạn hủy diệt văn hóa, văn minh và sự
sinh tồn của nhân loại.
[1]
Trung Bộ I, xb. 1992, H.T Thích Minh Châu dịch, tr. 51-53
[2]
Kinh đã dẫn., tr. 56-57
[3]
Kinh đã dẫn, tr. 717-725
[4]
Kinh Đại bát-niết-bàn, Trường Bộ I, tr. 662-663.
[5]
Trung Bộ I xb. 1992, tr. 405-406.
--- o0o ---
| Mục Lục
|
Mục lục chi tiết
|
|Phần
I
|
Phần II
|
Phần III
|
Phần IV
|
--- o0o ---
|
Thư Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng
phiên bản điện tử tuyển tập này.
--- o0o ---
Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định
Cập nhật ngày: 01-05-2002
|
|