|
. |
Tuyển tập
Phật Thành Đạo
Nhiều tác giả
---
o0o ---
Phần III
Phật giáo và các vấn đề thời đại
--- o0o
---
TĂNG ĐOÀN TRONG THẾ KỶ THỨ XXI
Ven. Ching Hisn
Thích Nguyên Tạng dịch
Qua hệ thống thư điện tử (e-mail) cũng có thể đạt được một cách dễ dàng
để chuyển tải giáo lý mà học trò không cần phải ở gần gũi pháp sư và
lãng phí thời gian để đi tới một địa điểm xa xôi để nghe giảng. Kết quả
là internet có thể giúp truyền bá? giáo lý, nhưng lại không thể nuôi
dưỡng lòng tôn kính của tín đồ đối với pháp sư và hết lòng hộ trì Phật
pháp.
Hàng trăm Tăng Ni từ khắp
nơi trên thế giới vân tập về Đài Loan để tham dự Đại Hội Tăng-già Thế
Giới lần thứ 7 (the Seventh General Conference of World Buddhist
Sangha Council, tổ chức từ ngày 13-16/11/2000). Thay mặt cho Tăng Ni
thuộc Phật giáo Trung Hoa, chúng tôi gởi lời chào mừng nồng nhiệt đến
với toàn thể liệt quý vị.
Chủ đề của Đại hội lần này
là "Hướng đến một kỷ nguyên mới về việc truyền bá lời Phật dạy qua
phương tiện truyền thông điện tử" (Heading towards a new era for
the propagation of Buddha's teachings through electronic media). Chủ
đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc sử dụng Đạo Phật để dẫn dắt
nhân loại trong thế kỷ thứ XXI. Điều này cho thấy rằng Đạo Phật là một
tôn giáo luôn có cái nhìn xa về thế giới.
Nếu thế kỷ thứ XX được gọi
là "thế kỷ của khoa học" thì thế kỷ XXI là "thế kỷ của tôn giáo." Sự
tiến bộ của khoa học đã không giải quyết được những khổ đau của nhân
loại và cũng không làm cho con người hạnh phúc. Cảm thấy thất vọng ở
khoa học, giới trí thức đã quay về tìm kiếm sự an ủi của tôn giáo. Vì
vậy, thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh.
Trong số những tôn giáo
đang hiện nay, duy chỉ có Phật giáo là một tôn giáo có một triết thuyết
uyên thâm, sâu sắc, phổ quát và không bị chướng ngại, có thể làm thỏa
mãn nhu cầu của tầng lớp trí thức và làm ổn định đời sống vật chất và
tinh thần. Do đó trong thế kỷ XXI, đạo Phật sẽ đóng một vai trò quan
trọng và cao quý trong sự hướng dẫn tinh thần cho con người. Do đó chúng
ta, những Tăng sĩ hiện nay, người mang sứ mạng kế thừa, nên chuẩn bị đầy
đủ và nghiên cứu một cách nghiêm túc để làm thế nào hoàn thành tốt đẹp
vai trò của mình trong việc truyền bá Phật pháp, làm lợi lạc quần sanh
trong thời đại mới. Vì vậy, tôi muốn đưa ra một vài vấn đề mà tổ chức
Tăng-già của chúng ta đang đối diện hiện nay và sau này. Những lời phê
bình và ý kiến đóng góp của đại hội sẽ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều để
giải quyết các vấn đề này.
TỔ CHỨC TĂNG-GIÀ
VÀ GIÁO DỤC TĂNG ĐOÀN
Đức Phật đã ban cho
Tăng-già một khuôn mẫu sinh hoạt và truyền bá chánh pháp, làm lợi lạc
quần sanh. Nhưng nó chỉ có thể nhận thức xuyên qua sự củng cố tổ chức
Tăng đoàn và sự gia tăng chất lượng của Tăng đoàn để làm cho mọi người
tôn kính và đi theo.
Đối với việc củng cố tổ
chức Tăng-già, Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Nhật Bản là hai quốc gia
có nhiều vấn đề cần xem xét.
Nhật Bản, một quốc gia
Phật giáo, từ tháng 4 năm 1872 đã cho phép Tăng sĩ ăn thịt, có gia đình,
và mặc áo thế tục khi hành lễ. Hiện nay có rất ít Tăng sĩ vẫn còn sống
đời phạm hạnh và ăn chay. Vì thế, dù các giáo phái Phật giáo mới ở Nhật
Bản, tuy có sự phát triển rất mạnh, nhưng họ không thể được gọi là
Tăng-già.
Mặt khác, Tăng sĩ Nhật Bản
không bao giờ thọ nhận đầy đủ giới pháp, do đó họ chỉ được xem là Cư sĩ
đoàn hay cộng đồng cư sĩ (Lay sangha). Ông Kikan Sasa, thuộc Viện
Đại học Hamazon ở Tokyo đã viết một tập sách với tựa đề
"Thân phận Thầy tu là gì?" (What is Monkhood ?), cảnh báo:
"cơn khủng hoảng tôn giáo của một quốc gia theo Đạo Phật mà không có
giới luật." Đây là một lời gợi ý đáng quan tâm đối với Phật giáo
Nhật Bản.
Về phần Phật giáo Trung
Hoa, mặc dù Tăng Ni đều nhận đầy đủ giới pháp và hành trì đúng giới
luật, tuy vậy trong những năm gần đây, nhiều Tăng Ni miễn cưỡng sống
trong tu viện, họ muốn sống một đời ẩn tu ở những am cốc, tịnh thất hay
một ngôi chùa nhỏ với một vài vị ở bên ngoài. Hiện tượng này đã tạo ra
tình trạng phân chia sức mạnh của Phật giáo một cách nghiêm trọng.
Nếu Tăng-già được định
nghĩa là "một đoàn thể gồm bốn người trở lên," mặc dù họ là Tỳ-kheo hay
Tỳ-kheo-ni, họ không sống theo chúng, họ vẫn không được xem là Tăng-già.
Đây là hiện tượng rất phổ biến của Phật giáo Trung Hoa ở Đài Loan,
Singapore và Mã-lai-á. Chúng tôi có thể nói rằng các cộng đồng Tăng lữ
này đang trên đà sụp đổ. Nếu khuynh hướng nầy tiếp tục, ngay cả cộng
đồng Tăng-già cũng không thể duy trì được nguyên vẹn. Khi họ sống tách
biệt như vậy, làm thế nào họ có thể có đủ năng lực để đảm trách công
việc truyền bá Phật pháp và làm lợi quần sanh?
Vấn đề giáo dục Tăng-già
được chia thành hai phần: ngắn hạn, ở những học viện, và dài hạn, học
suốt đời. Trong các khóa học ngắn hạn ở trường, ở học viện nghiên cứu,
nên cung cấp những chương trình huấn luyện, đào tạo nhắm vào nhân phẩm
và chất lượng của Tăng-già, lễ nghi, giới luật, kiến thức Phật học cơ
bản và đặc biệt là kỹ năng quản lý công việc trên nhiều lĩnh vực khác
nhau, đào tạo cho Tăng Ni sinh trở thành những tài năng toàn diện mà họ
có thể nói, viết, quản lý và đảm trách nhiều công tác chuyên môn về sau.
Sau khi tiếp nhận sự đào
tạo căn bản của chương trình Phật học, nếu họ có đủ tư cách và lòng mong
muốn, họ có thể đi thẳng vào học viện nghiên cứu để nhận được sự giáo
dục chuyên sâu để nghiên cứu Phật điển. Sau khi tiếp nhận sự giáo dục
ngắn hạn, vị ấy cũng phải vẫn tiếp tục tu học suốt đời. Bên cạnh việc
học hằng ngày và theo những khóa học tự tập hợp như thường lệ, vị ấy
phải thường tham vấn ở những bậc Pháp sư cao đức, cùng tham dự vào các
nhóm nghiên cứu chuyên đề ngắn hạn, hoặc lắng nghe những bài diễn thuyết
của những học giả và các chuyên gia khác, hoặc đọc sách về khoa học và
những loại kiến thức mới, hoặc khai phá những kiến thức mới ở các phương
tiện truyền thông hiện đại và mạng lưới điện toán toàn cầu, để nâng cao
kiến thức một cách liên tục. Một nhà truyền bá Phật pháp, không kể việc
nghiên cứu sâu sắc về Tam Tạng kinh điển và thực hành thuần túy về các
pháp môn, vị ấy phải cập nhật hóa những kiến thức mới để theo kịp với
thời đại, chưa kể đến việc tiến nhanh về phía trước của thời đại để có
thể dẫn dắt con người.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA
SỰ TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP QUA MẠNG LƯỚI INTERNET
Ngày nay là thời đại của
thông tin. Mạng lưới internet đã trở thành một nguồn thuận lợi nhất để
tìm kiếm thông tin và cũng là một phương tiện nhanh nhất để truyền bá
Phật pháp. Do đó, việc sử dụng hệ thống Internet để phổ biến giáo lý là
một sức mạnh to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo. Những pháp sư
cũng nên biết sử dụng email trong việc liên lạc thông tin. Bên cạnh đó,
nếu có thể, vị ấy có thể chuyển tải những tài liệu giảng dạy của họ vào
mạng Internet. Điều này cho phép việc truyền dạy Phật pháp nhanh hơn và
thuận lợi hơn. Vì vậy, những hiểu biết và cách sử dụng Internet đã trở
thành một đòi hỏi cần thiết ở những người có trách nhiệm truyền bá giáo
lý Phật-đà.
Việc sử dụng hệ thống
Internet từ trước đến nay để truyền bá Phật pháp có thể đạt đến tốc độ
và hiệu quả ở phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, qua hệ thống thư điện tử
(e-mail) cũng có thể đạt được một cách dễ dàng để chuyển tải giáo lý mà
học trò không cần phải ở gần gũi pháp sư và lãng phí thời gian để đi tới
một địa điểm xa xôi để nghe giảng. Kết quả là Internet có thể giúp
truyền bá?giáo lý, nhưng lại không thể nuôi dưỡng lòng tôn kính của tín
đồ đối với pháp sư và hết lòng hộ trì Phật pháp. Đó là vấn đề quan trọng
cho chúng ta quan tâm, hoặc thế hệ dùng email sẽ lại xa lánh những tu
viện và vì thế loại truyền thông này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của
Phật giáo.
TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA
VIỆC XA LÁNH TÔN GIÁO TRONG ĐẠO PHẬT
Ở Châu Âu và Châu Mỹ, ngày
càng nhiều người không đi nhà thờ. Nhiều nhà thờ không có khả năng duy
trì và đã đóng cửa. Ở nước Mỹ, nhiều nhà thờ đã bán lại cho Phật tử làm
chùa. Ở Nhật Bản sự xa lánh tôn giáo cũng là một vấn đề rất nghiêm
trọng. Cụ thể là hầu hết giới trẻ bây giờ không còn lưu ý đến đời sống
tâm linh nữa.
Ở Nhật, vào ngày XXI tháng
3 và ngày XXI tháng 9 hàng năm là ngày lễ hội mùa xuân và mùa thu. Mọi
người dân thay vì về chùa lễ Phật và tổ tiên của họ theo truyền thống,
thì bây giờ chính quyền Nhật chuyển hai ngày lễ này sang ngày nghỉ của
quốc gia, chính vì thế, người dân tổ chức đi du ngoạn, vãng cảnh thay vì
đi chùa. Từ đó chúng ta có thể hiểu lý do tại sao người Nhật thời nay
không còn gần gũi với Đạo Phật nữa. Đây là hậu quả của việc thay đổi cấu
trúc xã hội, tư tưởng và sự tiến bộ của nền khoa học kỹ thuật.
Càng hiện đại hóa ở một
quốc gia thì sự xa lánh tôn giáo càng nghiêm trọng. Cách đây vài năm, có
một số vụ người ngoại đạo lợi dụng hình thức cúng kính của Phật giáo để
làm ăn ở Đài Loan. Điều này khiến cho nhiều Phật tử bất mãn và từ bỏ
Đạo. Sau thảm họa động đất ngày XXI tháng 9 năm 1999, tình cảnh này còn
trở nên rõ ràng hơn. Thời đại hoàng kim của Phật giáo Đài Loan đã qua
rồi. Cơn khủng hoảng từ bỏ đạo của người tín đồ dần dần xảy ra. Hiện
tượng thay đổi này thường xảy ra ở các quốc gia có cấu trúc xã hội khác
nhau. Tuy nhiên, khi thế hệ trẻ trưởng thành và sẽ trở thành một bộ phận
chính cho xã hội, thì tầm xa lánh đời sống tâm linh sẽ chắc chắn là vần
đề nghiêm trọng.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ
THỎA MÃN NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI ?
Sau thế chiến lần thứ hai
(1945), ngày càng có nhiều tôn giáo mới xuất hiện ở Nhật Bản, giống như
những măng tre mùa xuân sau cơn mưa. Theo ngành thống kê, con số vượt
quá 500. Một vài đạo mới ra đời lại còn mạnh hơn cả đạo Phật truyền
thống. Ở Đài Loan, sức mạnh của sự thờ cúng của người ngoài đạo trá hình
Đạo Phật thì cũng là vấn đề hệ trọng.
Theo sự nghiên cứu của các
học giả tôn giáo Nhật Bản, sự thực cho thấy những tôn giáo truyền thống
không thể thỏa mãn nhu cầu của toàn thể quần chúng và đó là nguyên nhân
chính để cho các đạo mới ra đời và phát triển. Dân chúng đến với tôn
giáo để được giúp đỡ, nhưng họ lại không được gì cả, trong khi họ muốn
tôn giáo phải đáp ứng tức khắc và có được những lợi lộc, danh tiếng, và
địa vị xã hội. Chính vì thế, để thỏa mãn nhu cầu của người tín đồ, một
số tổ chức Phật giáo đã sử dụng "lợi ích cho thế gian" như là một phương
tiện trong quá trình truyền bá Phật pháp. Đây là một hình thức sai lầm
từ nguyên tắc cơ bản của Phật giáo, để giúp chúng sanh diệt trừ lòng
tham ái, sự ràng buộc, và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi trong
tam giới. Đây là một vấn đề rất quan trọng cho Phật giáo ngày nay và một
thử thách lớn nhất đối với các nhà truyền pháp, trong thời đại mới này,
làm thế nào Đạo Phật có thể thỏa mãn nhu cầu của đại đa số quần chúng và
giúp cho họ theo Đạo Phậ? mà không đánh mất những nguyên tắc cơ bản của
mình.
TÁC ĐỘNG CỦA DI
TRUYỀN HỌC TRONG PHẬT GIÁO
Di truyền học (genetics)
được ứng dụng đầu tiên trong sự cải thiện của ngành thực vật học, sau đó
là vô tính loài vật và sự đổi mới thân thể của loài người. Một con cừu
vô tính mang tên Dolly, đã chào đời lúc 5 giờ chiều ngày 5 tháng 7 năm
1996. Nó đã không được sinh ra từ một sự phối hợp giữa tinh trùng và
trứng theo truyền thống, mà nó được chiết từ trứng và một tuyến nhũ của
một con cừu mẹ 6 tuổi của tiến sĩ Ian Wilmut. Ông ta đã sử dụng phương
pháp điện giật để làm cho các gien của trứng bắt đầu chia ra trong phôi
thai. Sau đó ông ghép phôi thai vào trong tử cung của một con cừ? khác,
để nuôi dưỡng bào thai tiếp tục phát triển cho tới ngày sanh ra như tự
nhiên.
Sau khi con cừu Dolly vô
tính ra đời thành công, các khoa học gia đã tiếp tục áp dụng vô tính đối
với những con thú khác. Họ mong muốn rằng con người cũng có thể áp dụng
vô tính trong vòng 10 năm. Đó là một tin vui cho nhân loại nếu các gien
có thể được cải tiến để giúp cho cơ thể con người giảm bớt những bệnh
tật. Tuy nhiên, nếu di truyền học được sử dụng để vô tính con người, nó
sẽ tác động mạnh đến vấn đề đạo đức gia đình và cấu trúc xã hội hay cả
nhân phẩm của con người.
Sự thành công trong việc
vô tính các loài vật đã làm tan vỡ nền thần học cho rằng Thượng Đế tạo
ra mọi vật. Còn theo Đạo Phật, Kinh Thủ-lăng-nghiêm (Suramgama
Sutra) Đức Phật đã từng đề cập đến 12 hình thức của sự sinh sản: 1.
Sinh ra từ trứng; 2. Sinh ra từ bào thai; 3. Sinh ra từ nơi ẩm thấp; 4.
Sinh ra từ sự biến hóa; 5. Sinh ra có hình dáng; 6. Sinh ra không có
hình dáng; 7. Sinh ra có tri thức; 8. Sinh ra không có tri giác; 9. Sinh
ra không có hình thức; 10. Sinh ra không phải không có hình thức; 11.
Sinh ra không có nhận thức; 12. Sinh ra không phải không có nhận thức.
Chính vì thế mà sử dụng
gien vô tính cho các loài thú thì không có chuyện gì mới cả, nhưng sử
dụng phương pháp khác để tạo ra một sinh linh, thì nằm ngoài giáo lý
duyên sinh của Phật giáo.
Con người
là một loại sinh vật khôn ngoan nhất. Con người đã phát minh ra khoa học
để chinh phục thiên nhiên. Và giờ đây, đang ở trong tiến trình để chinh
phục cái tự nhiên bên trong họ, thay đổi cấu trúc của cơ thể và sự sinh
sản. Điều này sẽ tạo ra sự hủy diệt nền đạo đức gia đình và trật tự xã
hội. Chính vì thế, nhiều nhà xã hội học, ngay cả những vị lãnh đạo tinh
thần tôn giáo, bao gồm Gia-tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, tất cả đều
phản đối đề án vô tính loài người này. Họ tuyên bố rằng các nhà khoa học
không thể đảm trách nhiệm vụ ấy. Điều Phật giáo quan tâm không phải là
vấn đề các nhà khoa học có hoặc không có quyền tạo ra sinh vật mới mà
chính là vấn đề đạo đức và trật tự xã hội. Vì thế, Phật giáo cũng phải
nên đưa ra lời phản đối dự án vô tính loài người. Vì vậy, chúng tôi hy
vọng rằng đại hội kỳ này có thể
tthông qua nghị quyết để kêu gọi các nhà
khoa học nên chấm dứt chương trình nghiên cứu dự án vô tính loài người (Plan
of cloning mankind).
KẾT LUẬN
Chúng tôi đã đưa ra một
vài điểm mà Phật giáo sẽ phải đương đầu hôm nay hoặc mai sau. Đó là lý
do mà chúng ta thành lập Hiệp Hội Tăng-già Thế Giới để củng cố lại sức
mạnh của Phật giáo.
Đạo Phật có thể cung ứng
điều gì cho nhân loại vào thế kỷ XXI ? Thời đại thay đổi nhanh như hiện
nay, đạo Phật sẽ phải làm gì để có thể thỏa mãn được nhu cầu của con
người ? Đạo Phật sẽ phải xác định và ứng dụng điều gì để đổi mới chính
mình? Làm thế nào Tăng Ni có thể sống và làm việc trong một xã hội mới
mà vẫn giữ gìn được giới luật căn bản ?
Chúng tôi chân thành ước
nguyện rằng tất cả các vị sẽ quan tâm đến những vấn đề nầy và thành lập
một hội đồng đặc biệt để nghiên cứu một cách cẩn thận, cốt tìm ra đường
hướng thích hợp với những nguyên tắc chỉ đạo cho việc áp dụng và truyền
bá Chánh pháp. Điều này sẽ làm nổi bật tổ chức Tăng-già thế giới, củng
cố sức mạnh, phổ biến Chánh Pháp và làm lợi lạc chúng sanh.
GHI CHÚ:
Bài
viết này được thuyết trình tại Hội nghị Tăng đoàn Phật giáo Thế Giới lần
thứ 7, tổ chức tại Đài Loan ngày 13-16 / 11 / 2000.
--- o0o ---
| Mục Lục
|
Mục lục chi tiết
|
|Phần
I
|
Phần II
|
Phần III
|
Phần IV
|
--- o0o ---
|
Thư Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng
phiên bản điện tử tuyển tập này.
--- o0o ---
Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định
Cập nhật ngày: 01-05-2002
|
|