BÁT KỈNH PHÁP
CHƯỚNG NGẠI HAY CĂN BỆNH
THỜI ĐẠI
Thích Lệ Thọ
---o0o---
Hai
truyền thống của Nam và Bắc truyền đều thừa nhận rằng, vào thời hoàng kim Phật
giáo, mười ba năm đầu trong Tăng đoàn không có giới luật, nhưng sau đó sự lớn
mạnh của Tăng đoàn, sự khác biệt về nhận thức nên đức Phật đã chế ra giới luật
để “phòng hộ các căn” nhằm giúp cho mỗi thành viên trong Tăng đoàn được thanh
tịnh và giả thoát. Thiết nghĩ, Bát kỉnh pháp cũng không ngoài những thiện ý đó!
Theo Ni sư In
Young Chung nhận định: “Mặc dù, hầu hết các học giả và các nhà nghiên cứu Phật
giáo đều tán thành Tỳ-kheo-ni dưới quyền Tỳ-kheo Tăng là do có quá nhiều giới
thêm vào cho Tỳ-kheo-ni và Bát Kính Pháp buộc họ phải tuân thủ, tôi vẫn không
đồng ý với những ý kiến này. Hơn nữa, dựa vào thực tế của đời sống khi các giới
hình thành, nếu khảo sát hoặc so sánh các điều luật của cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni
một cách tỉ mỉ, chúng ta sẽ thấy rằng các điều luật ấy hết sức thực tiễn và cảm
thông cho đời sống tu sĩ cả Tăng lẫn Ni. Điều này phải được nhìn nhận một cách
sâu sắc về “đời sống khất sĩ” của chư Ni như đã mô tả trong Luật Tạng. Thật sai
lầm khi chúng ta chỉ dựa vào sự hiện diện của các giới trội hơn cho Tỳ-kheo-ni
mà lại khái quát hóa quan điểm của Phật giáo về phụ nữ nếu không khảo sát nguồn
gốc của các giới đó hoặc bối cảnh xã hội”. Như vậy, vào thời điểm nào người ta
đã đưa Bát kỉnh pháp lên cán cân để xem trọng lượng mà ước tính giá trị và đặt
nó vào diện xét lại, xem có đúng lời Phật dạy hay không?
Những giá trị đạo
đức xã hội từ trước đến nay bị lệch lạc là do những thành kiến, phong tục tập
quán hoặc tôn giáo tạo nên (trong đó không có Phật giáo) những quy định tàn nhẫn
đối với phụ nữ, xem phụ nữ như một món đồ giải trí, một cái máy để duy truyền sự
sống, khi ra đường phải trùm từ trên đầu đến dưới chân, đôi khi còn phải may một
tấm vải thưa để che cả hai mắt… Từ những quan niệm sai lầm trên, người ta mới
vận động cả thế giới hãy đối xử bình đẳng với phụ nữ là để chống lại thế lực tôn
giáo và tập quán. Trên lập cước đó, một số học giả: Diana Y. Paul, Susan
Murcott… đã cho Phật giáo là Tôn giáo, và phê bình vài điểm trong kinh Pháp Hoa
và Bát kỉnh pháp là bất bình đẳng trong Phật giáo! Tôi cho đây không phải là
điều mới lạ, vào thời đức Phật, sáu phái Triết học và những người khác đạo cũng
đã phê bình, chỉ trích lộ trình giải thoát của Ngài! (Kinh Trung Bộ-Hàng Ma)
Thậm chí có một số người chưa hiểu biết nhiều về đạo Phật, họ còn thốt lên sao
đạo Phật giống thần quyền quá vậy? Người nào biết lịch sử các tôn giáo khác thì
nói Phật giáo sao mà giống các tôn giáo thời bán khai quá vậy? Các giới luật chi
phối con người nhiều quá? …Các học giả có quyền phê bình chỉ trích mọi vấn đề
trong Tam Tạng kinh điển, vì Phật giáo giống như một trái núi to, mỗi người có
mỗi góc độ nhìn và đánh giá khác nhau, như họ đã nhìn vào Bát Kỉnh Pháp:
1. Dầu cho thọ đại
giới 100 năm, một Tỳ kheo Ni đối với một Tỳ Kheo mới thọ giới một ngày cũng phải
đảnh lễ, chấp tay, xử sự đúng pháp.
2. Tỳ kheo Ni
không thể An cư tại nơi không có Tỳ kheo Tăng.
3. Nửa tháng một
lần, Tỳ Kheo Ni cần phải thỉnh chúng Tỳ kheo hỏi ngày đến giáo giới.
4. Sau khi An-cư
xong, Tỳ kheo Ni cần phải làm lễ Tự-tứ trước hai bộ chúng về ba vấn đề thấy,
nghe và nghi.
5. Tỳ kheo Ni phạm
trọng tội, nửa tháng phải hành pháp sám Ma-na-đoạ.
6. Sau khi học tập
sáu giới pháp trong hai năm, Tỳ Kheo Ni phải đến xin thọ Cụ túc giới trước hai
bộ chúng.
7. Không vì duyên
cớ gì, một Tỳ kheo Ni có thể mắng nhiếc hoặc chỉ trích một Tỳ Kheo.
8. Không có sự phê
bình của Tỳ Kheo Ni với Tỳ Kheo mà Tỳ Kheo có quyền phê bình Tỳ kheo Ni.
Đó là những
điều làm các học giả cảm thấy “chướng tai gay mắt”, vì nó không có sự bình đẳng
giữa Tăng và Ni, nên họ đi đến kết luận Bát kỉnh Pháp không phải do Phật nói, vì
đức Phật chủ trương bình đẳng! Có thể nói đó một kết luận vững chắc: A+B=C,
nhưng hoàn toàn sai, vì Tăng Ni không như Nam và Nữ bình thường, đồng thời giáo
lý của đức Phật không là “bình đẳng hình thức” như xã hội lập ra, nên có rất
nhiều trường hợp Logic lại sai với thực tế, và chính Albert Enstain đã thừa nhận
rằng: “Thành công của tôi có đến 90% là sai khi đặt ra những giả thuyết!”
Huống hồ, văn bản
Pàli đâu phải là ngôn ngữ của thời đức Phật dùng, vậy mà chỉ dựa vào câu thứ 6
của Bát Kỉnh Pháp “Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, Tỳ Kheo Ni phải
đến xin thọ Cụ túc giới trước hai bộ chúng” rồi kết luận Bát kỉnh pháp không
phải là Phật nói. Tức là chúng ta lấy kiến thức hạn hẹp của chúng ta rồi qui
đồng lại với tri kiến siêu việt của Ngài! Tại sao chúng ta không nghĩ là Ngài đã
lường trước mọi chuyện sẽ xảy ra nên đắn đo khi quyết định cho phụ nữ thành lập
Ni đoàn và phải ngăn ngừa điều gì sau khi Ngài vào Vô Dư Y Niết Bàn! Chúng ta
không thấy Quân sư Gia Cát Lượng còn biết đến chuyện sau 200 năm có Tư Mã Hiên
đến đào mộ của mình! Thì chúng ta thử so sánh giữa kiến thức của chúng ta, Gia
Cát Lượng và Đức Phật là chênh lệch bao nhiêu? Vậy, tại sao chúng ta không
nương theo ý bài kinh của Ngài dạy cho dân Kalama “Đừng tin những gì do kinh
sách. Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền. Đừng tin điều gì vì được người ta
nhắc đi nhắc lại. Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhơn...” (Kàlàma trong
Tăng Chi Bộ (Tập I, Phẩm Lớn, 65, ĐTKVN, tr.338) để tránh đi tình trạng “đào
xới”, lý luận, phân tích giáo lý thực hành của Ngài đã 2600 năm trôi qua, mà
quên rằng đó chỉ là ngón tay chứ không phải là mặt trăng. Sự cố chấp đó, chẳng
có ích lợi gì cho đời sống hòa hợp của Tăng Ni trong hiện tại! mà vô tình những
tư tưởng đó lại manh nha cho chuyện chia rẽ và đào tạo thêm những “Vô Thượng Sư”
trong tương lai! Đó chính là một trong những trường hợp sai lầm của các học giả
đến với giáo lý Phật giáo! Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo dụ đức Phật khẳng
định rằng: “Như Lai biết rõ chủng tướng, thể tánh của chúng sinh nhớ việc gì,
nghĩ việc gì, tu việc gì? nhớ thế nào, nghĩ thế nào, tu thế nào? dùng pháp gì để
nhớ, dùng pháp gì để nghĩ, dùng pháp gì để tu và dùng pháp gì để được pháp gì!”
Điều đó, cho chúng ta thấy rằng các thầy thuốc nổi tiếng như Hoa Đà, Hải Thượng
Lãng Ông…chỉ trị được những bệnh của thân, còn đức Phật là vị đại Y Vương có khả
năng chữa lành cả Tâm: Khi tham lam thì Ngài dạy bố thí cúng dường, nặng về sân
hận, si mê thì phải Từ bi, trầm tĩnh và có lòng yếu đuối, dễ tin, sống thiêng
về tình cảm thì phải quán thân Bất tịnh, phải tuân thủ Bát kỉnh pháp…còn chư
Tăng thì Ngài dạy khác: “Khi gặp Phụ nữ nhiều tuổi thì phải quán niệm như là mẹ,
người nhỏ hơn phải tâm niệm như là dì, là chị, ngang hàng phải tâm niệm như là
trong cùng thân tộc và nhỏ hơn thì thì phải quán niệm như là em gái của mình!”
(Kinh Tứ Thập Nhị Chương) Tùy theo căn cơ trình độ và giới tính mà Ngài cho
“thuốc” để chữa trị. Đặc biệt hơn nữa, là tạo nên một khoảng cách an toàn tuyệt
đối giữa Tăng và Ni! Đồng thời, Bát Kỉnh Pháp còn là một loại áo giáp tuyệt vời
cho Ni giới khi chấp nhận cuộc sống, “bình bát cơm nghìn nhà, thân chơi muôn dặm
xa”.
Nói tóm lại,
Ngài đã cân nhắc thận trọng khi Ngài dạy học trò, và đưa ra những giới luật giúp
cho Tăng Ni được thanh tịnh, chứ giới luật của Ngài không hề có tính trói buộc
hay làm cho con người mất tự do! Ngài dạy: “Ànanda, một người vì nghĩ đến tương
lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này
Ànanda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban kinh tám pháp này, cho các Tỳ-kheo-ni
cho đến trọn đời không vượt qua.” (Tăng Chi, I-51, (Mahàpajàpatì Gotamì) Tuân
thủ giới luật là việc làm ắt có và đủ trong Phật giáo:
1. Vì sự kiện toàn
của Tăng đoàn.
2. Vì sự an
lành cho Tăng đoàn.
3. Để kiềm
thúc những người có tâm xấu ác.
4. Vì sự an
lạc cho chư Tăng có giới hạnh.
5. Để đoạn
trừ các triền phược ở đây và bây giờ.
6. Đoạn trừ
các phiền trược ở vị lai.
7. Khiến
người chưa có tín tâm sanh tín tâm.
8. Khiến
nhiều người có tín tâm tăng trưởng thêm tín tâm.
9. Để chánh
pháp được trường tồn.
10. Để giới
luật được lưu hành.
Vậy mà, hiện nay
có một số ít học giả trong cộng đồng Phật giáo lại đã và đang vận động hủy bỏ
Bát kỉnh pháp (Buddhismtoday-Ni giới Đài Loan vận động hủy bỏ Bát kỉnh Pháp),
tôi cho đó là những quan niệm sai lầm của các học giả, đã dựa vào quan niệm “Nam
Nữ bình đẳng” của xã hội, và một số học giả có cái nhìn phiến diện về Phật giáo
mà áp dụng cho Tăng Ni là đi ngược lại lộ trình giải thoát của đức Phật và đưa
Phật giáo vào con đường thế tục hóa! Tôi cho đây là một thiệt thòi lớn cho chư
Ni thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, vì đã đến với “khu rừng giáo lý
Phật giáo” mà không biết đi tìm lõi cây, lại nhặc cành và lá!
Không thể biện hộ,
Bát Kỉnh Pháp không do Phật nói rồi hủy bỏ nó đi, mà không nhìn thấy được một
vai trò quan trọng của nó đã giữ một khoảng cách an toàn cho Tăng Ni, nên Phật
giáo mới phát triển và tồn tại cho đến ngày hôm nay! Tại sao các học giả không
vận động hủy bỏ các bản kinh 100% là “kinh phát triển” như: Bát nhã tâm kinh,
Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Kinh Phạm Võng…phải chăng các bản kinh đó không hề đề cập
đến “lợi ích cá nhân, danh dự và đặc biệt là không đụng đến ‘bản ngã’ của một
ai”, nên người ta đã để yên các bản kinh đó, còn ngược lại thì người ta tìm cách
hủy bỏ nó đi! Tôi cho đây là căn bệnh thời đại, một căn bệnh hướng ngoại tự đánh
mất chính mình của một số ít học giả Phật giáo. Mong rằng, chuyện đó sẽ không
xảy ra nữa để Phật pháp được mãi mãi trường tồn!
Tôi mượn lời nhận
định của hai Hành giả Ven. Maha Narin Sea Liu và Chatsumarn Kabilsingh: “Theo
thiển ý của chúng tôi, Bát Kính Pháp đã hỗ trợ một phần nào ổn định đời sống của
cả hai bộ Tăng Ni trong các sinh hoạt. Nhờ khoảng cách khá lớn giữa chư Tăng và
chư Ni như theo luật định, chư Tăng và chư Ni hạn chế bớt những tệ đoan có thể
phát sinh như trong Luật ghi lại. Lại nữa, nhờ Bát Kính Pháp mà chư Ni được sự
giúp đỡ của chư Tăng về trú xứ, như khi xây dựng, hoặc tổ chức an cư, tự tứ,
giáo giới, hướng dẫn tu học hoặc các lễ lạc khác. Chư Tăng có thể là người cố
vấn cho những sinh hoạt về mặt xã hội và tâm linh, vì theo kinh nghiệm cho thấy
phần lớn chư Tăng có sở trường về mặt giao tế thuộc xã hội. Hơn nữa, trong thời
đại ngày nay ít có vị Ni chứng được các quả vị giác ngộ như các vị thánh Ni ở
thời đức Phật, trí tuệ thiện xảo của chư Ni nhìn chung không bằng chư Tăng, sức
khoẻ để độc cư tu tập hay sống trong cộng đồng cũng không bằng chư Tăng, các
tâm sở bất thiện có phần trội hơn so với chư Tăng. Chính vì những lý do này, chư
Tỳ-kheo-ni nên tuân thủ Bát Kính Pháp để thiết lập cho đời sống cộng đồng được
ổn định hơn!”.(Buddhismtoday-Bát Kỉnh Pháp tầm quan trọng và những vấn đề)
--- o0o ---
Nguồn: chuyenphapluan.com
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-12
-2006