Việc của năm cũ qua đi…
Mới hay cũ thì việc chắc cũng chừng đó.
Với người học
đạo và hành đạo thì có gì ngoài việc học đạo và hành đạo? Cũng chỉ loanh quanh
trong Phật sự và công phu. Hai phần quan trọng không thể tách lìa, giúp hành
giả hoàn thành việc phát tâm bồ-đề của mình “Thượng cầu Phật đạo. Hạ hóa chúng
sinh”.
Ở núi học đạo chỉ tìm tâm
Hà tất khư khư hướng ngoại tìm
Cất bước lại cần lên bảo sở
Chớ đem lá úa thế vàng ròng
(Sơn cư bách vịnh - Thiền sư Tông Bổn)
Đã nói đến bảo sở thì không chỉ có phần công phu mà thiếu phần giáo hóa chúng sinh, cũng không thể chỉ có phần giáo hóa chúng sinh mà không có phần công phu. Chỉ là tùy duyên mà lúc thì việc này ẩn, lúc thì việc kia ẩn, lúc thì hai việc cùng ẩn,1 lúc thì hai việc cùng hiện.
Nói đến công phu thì cứ ngay tâm mà nói chuyện. Cũng không ngoài Chỉ và Quán.
Chỉ, giúp hành giả dừng dòng vọng tưởng, là nhân của sanh tử luân hồi và khổ đau. Hoặc là dùng hình tượng Phật, hoặc là dùng câu niệm Phật, hoặc là dùng pháp Tứ niệm xứ, hoặc là dùng pháp Biết vọng không theo v.v… có rất nhiều pháp giúp chúng ta dừng vọng tưởng. Chỉ là tùy vào căn cơ của hành giả. Thích hợp với pháp nào thì dùng pháp đó.
Chỉ là nhân mà Định là quả.2
Quán là thấy, là biết. Là quán các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã v.v… Quán, để giúp Chỉ phát huy tác dụng. Dù là pháp môn niệm Phật, cũng không thể thiếu phần Quán này. Quán, giúp hành giả niệm Phật được nhất tâm. Quán, giúp hành giả thấu đạt thực tướng của các pháp.
Trong Tư qui tập, pháp môn niệm Phật được phân thành ba là Chuyên niệm Phật tự lực, Chuyên niệm Phật tha lực và Pháp tự tha đều niệm. Trong Chuyên niệm Phật tự lực, Đại sư Ấn Quang nói: “Chuyên niệm Phật tự lực là cùng tột thực tướng, lấy việc chứng ngộ làm gốc. Đối với các pháp như 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 7 đại v.v… dùng trí tuệ Bát-nhã chiếu soi, thấu rõ tất cả pháp xưa nay đương thể toàn không, thấy được tánh chân như vi diệu tròn đầy… Đây gọi là thực tướng niệm Phật. Thực tướng niệm Phật này tuy là thực lý tối thâm, song lại chẳng dễ tu, vì chỉ nương nhờ vào giới định tuệ của chính mình, không có sự trợ giúp của tha lực.3 Nếu chẳng phải là người có sẵn căn duyên đời trước thì hội nó còn chẳng dễ, huống là thực chứng”. Đã nói đến tuệ Bát-nhã thì không thể thiếu phần quán.
Luận Đại trí độ, chương 26 ghi: “Người khác được trí tuệ biết tổng tướng của các pháp mà lìa dục, như quán khổ, không, vô thường, vô ngã. Bồ-tát có thể phân biệt được biệt tướng của hết thảy pháp mà lìa dục”. Cái phân biệt đó thuộc Quán.
Quán là nhân mà Tuệ là quả.
Điều đó cho thấy tuy hình thức thấy có sai khác, nhưng đã là pháp của Phật Tổ thì dù là pháp môn nào cũng có đầy đủ hai môn Chỉ và Quán. Chỉ Quán song hành thì tương lai mới được định tuệ bình đẳng. Đây là chỗ khác nhau giữa pháp của Phật Tổ và ngoại đạo. Ngoại đạo lấy việc tu Định phát dụng làm chính nên dụng thần thông dễ đạt, nhưng bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả vẫn đầy đủ. Vì thế quả vị La-hán hay Bích Chi Phật không có phần, cũng không thể thấu đạt được thực tướng của các pháp.
Sau mấy chục năm học hỏi và hành trì, tôi chỉ có thể đúc kết một câu: Cuộc đời này, nói chính xác là trong dòng sống vô tận của mình, nếu không có Phật pháp, không biết về những gì mà Phật đã dạy trong kinh, không thực hành được những gì Phật đã nói đó, thì trầm luân khổ não không sao kể xiết. Bạn sẽ nói: “Thiếu gì người không có Phật pháp mà cuộc sống của họ vẫn sung túc phú quí hạnh phúc v.v…”. Là vì chúng ta chỉ khoanh vùng nó ở cái khoảng hiện tại, không thể thấy tiếp những kiếp về sau. Là do họ đã sống đúng với những gì Phật nói trong kinh dù chỉ vô tình. Tuy chỉ vô tình nhưng huân tập hoài cũng thành có lực. Song vô tình mà làm thì vấp váp không thể tránh khỏi. Được kiếp này không hẳn đã có kiếp sau. Được việc này không hẳn đã được tất cả. Làm sao bằng ý thức được việc mình làm một cách rõ rệt thông qua sự hiểu biết.
Chỉ một việc ăn, không khéo cũng thành gây nghiệp vô vàn. Chỉ cần muốn bổ dưỡng hơn chút hay ngon miệng hơn chút, mình dễ dàng tạo thành những cái nhân mà sau này, mình phải lãnh những cái quả không mong muốn. Nạn tai, bất an, bệnh tật và chết chóc.
Rồi còn những mối nhân duyên trong đời. Không khéo thì thành oan gia tương báo không cùng. Nghịch duyên này nối tiếp nghịch duyên kia trùng trùng không ngày ra khỏi. Thuận duyên bao đời, trùng trùng điệp điệp, không tỉnh cũng thành ràng buộc trái oan, gieo khổ cho nhau không biết bao nhiêu mà kể.
Ngày trước, ngày tôi mới tập tững viết những bài Phật pháp đầu tiên. Tôi đã nói đến nghiệp và nhân quả. Có người bảo vì sao cứ nhấn mạnh vấn đề đó cho cuộc đời thêm nặng nề. Hình như đó không phải ý định của tôi. Tôi không hề có ý nhấn mạnh đến cái gọi là nghiệp và nhân quả. Chỉ đơn giản là tôi đã trải nghiệm và viết. Có lẽ những gì tôi đã trải qua, từ những kiếp lâu xa về trước cho đến hiện tại, đều không qua được hai từ nghiệp và nhân quả, nên xuất văn liền thành như thế.
Mười mấy năm sau, là cái khoảng hiện tại tạm thời đây, càng nhận rõ nghiệp hiện diện trong từng hơi thở, nhân quả không lúc nào không chi phối. Chi phối tất cả. Từ tâm linh cho đến hiện tượng. Không có thứ gì ra ngoài nghiệp và nhân quả. Dù chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, cũng có cái quả của nó khi đủ duyên. Hít vào thở ra cũng không ra ngoài nhân quả. Không có hít vào thì không có thở ra. Không có thở ra thì không có hít vào. Chúng làm nhân cho nhau cùng sinh khởi. Hít vào là nhân, thở ra là quả. Thở ra là nhân, hít vào là quả. Chúng là một cặp duyên khởi. Hít vào và thở ra không phải là một hành tác để gọi là nghiệp? Nghiệp đó. Còn biết bao thứ khác, từ suy nghĩ cho đến hành động... Huân hoài sẽ thành tập và gọi là nghiệp tập. Đó chính là năng lực dẫn người luân hồi sinh tử triền miên và là tác nhân giúp thế giới và con người hiện diện.
Mọi nhận biết đó, không có Phật pháp không thể nhận được.
Cho nên, duyên phước lớn nhất trong đời chính là gieo được duyên với Tam bảo. Được niệm tưởng chư Phật. Được học pháp và hành pháp của Như Lai. Được kính lễ Tăng bảo.
Phật sự…
Nói đến Phật sự thì với cái nhìn của tôi bây giờ, thứ gì cũng có thể là Phật sự, dù có khi hình thức bên ngoài không mang tính Phật sự. Cũng phải mất một thời gian lâu xa, tôi mới thoát được cái nhìn phân biệt giữa đạo và đời như thế. Cũng chỉ ở một số việc, còn nhiều việc khác chưa thể thoát ra. Cái thấy đạo khác đời được huân tập khá sâu trong tiềm thức của mình, có thể từ vô lượng kiếp cũng nên, thành không dễ gì thấy được mặt đồng của chúng trong vài năm hay vài chục năm, dù đã ý thức rõ ràng về chúng. Mình nhận rất rõ về mặt “không một” của pháp. Trụ sâu ở đó. Và đánh mất mặt “không khác” của pháp, từ lý cho tới sự.
Mình phân biệt
rất rõ giữa Tăng Ni, cư sĩ và thường dân, giữa việc chùa và việc đời, giữa
người trong gia đình và người ngoài gia đình v.v... Việc gì cũng được phân định
rõ ràng và rồi bị nó dẫn chạy. Từ việc này sang việc khác. Sự phân biệt này
cũng tùy duyên mà có sai khác. Người đời, thấy đời hơn đạo. Mải miết theo đời,
trôi dạt mãi trong biển khổ trầm luân. Kẻ tu đạo, lại cho đạo hơn đời. Màu áo
nâu vàng mới là cao quý, còn lại đều bỏ đi. Đúng là đạo phải hơn đời. Vì nó
giúp mình ý thức rõ hơn về mọi thứ. Không có cái thấy đó thì không bao giờ
thoát khỏi lưới đời. Nhờ cái thấy đó mà hành giả một phen búng mình, bước dần
trên con đường an ổn.
Song về lâu về dài, nếu lưu giữ mãi ý niệm đó, không chịu đi trên lối mòn mà Phật Tổ đã đi (trung đạo) thì chướng ngại và phiền não sẽ xuất hiện. Bởi một khi đã thấy cơm nhão là số zách thì không thể dùng cơm khô mà thấy ngon như kẻ không vướng vào khô và nhão. Trụ chết vào một thứ gì đó rồi thì đương nhiên sẽ thành hạn cuộc với những thứ khác. Chỉ thấy việc này mới là tốt, không nhận được những mặt tốt của các việc khác.
Thân nhọc quá, dù
hình thức tọa thiền còn đó, cũng chỉ còn là hình thức, chất lượng không có
Khi thích những bài viết của tôi, nhiều Phật tử đã
nói: “Em cứ nghĩ chị là một sư cô”. Nhiều Ni đã nói với nhau “Sao CHT như vậy
mà không xuất gia cho rồi?”. Thực tế thì tôi không phải là sư cô, chỉ là một cư
sĩ bình thường. Cũng không phải là một cư sĩ độc hành độc bộ mà đã có gia đình.
Chồng và con đầy đủ. Tôi không có ý định xuất gia, dù tôi đã từng muốn như thế.
Bởi đó là ý tưởng mà những ai đã phát tâm bồ-đề, học pháp Như Lai và hành pháp
Như Lai đều ao ước được dự qua. Nó trở thành chuyện tự nhiên của mọi người.
Người nào đã đến thiền viện tu tập dưới hình thức cư sĩ thì việc mà mọi người đều trông chờ là thấy anh ta xuất gia, tha thiết mong chị đó xuất gia, dù có khi quên hỏi là bao giờ mình sẽ xuất gia. Nhưng hiện tại, tôi thấy việc đó không cần thiết. Bởi xuất gia thì được gì cho tôi? Với thân tướng cư sĩ hiện tại, tôi có thể làm được những việc mà Tăng Ni không làm được, từ công phu cho đến việc lợi ích tha nhân. Vậy vì sao tôi phải xuất gia? Liệu có gì tốt hơn cho tôi ngoài việc thay đổi một màu áo và nhận được sự kính trọng chỉ vì tôi có hình thức xuất gia? Đó không phải là nhu cầu cần thiết của tôi trong hiện tại.
Nêu ra như thế không phải để hãnh diện về cái tôi của mình. Đó là một điều sai lầm rất lớn của người học đạo. Càng phô trương càng chứng tỏ mình thấp kém. Cũng không phải để thấy mình làm được việc hơn Tăng Ni. Nói như thế là không hiểu về duyên khởi. Có những thứ mình làm được mà người khác không làm được, bù lại có những thứ mà chỉ người khác làm được, còn mình thì không. Mọi thứ đều hiện khởi theo duyên. Duyên khởi như thế mà vỗ ngực tự hào với những việc đã làm thì đúng là không có trí tuệ. Nêu ra, chỉ để hiểu cái chấp đạo hơn đời ăn sâu trong tiềm thức thế nào. Không phải là một cái chấp gì sâu xa vi tế cho lắm, chỉ là một cái chấp rất thô, còn nằm ở mặt hình thức. Tăng Ni và cư sĩ. Thứ gì là hay là tốt, mình liền liên tưởng đến Tăng Ni, dù thực tế không hẳn như thế.
Tôi phân tích rõ vậy, không có nghĩa là tôi đã thoát ra được những thứ đó.
Huân sâu quá, không phải một sớm một chiều mà có thể thanh lọc hết tất cả.
Một thời gian, tôi phải tạm gác qua những việc mà
tôi cho là đạo để làm việc đời. Nuôi một đứa trẻ thiếu cân và thiếu cả chiều
cao. Tôi không có thời gian để đi chùa hoặc tham gia các lễ hội. Nhiều người
bảo CHT đã thối tâm bồ-đề, dính mắc vào việc gia đình. Tôi không quan tâm đến những
lời nói đó, vì tôi tâm đắc câu HT. Trúc Lâm từng dạy “Người ta nói mình con
khỉ, không có nghĩa là mình đã trở thành con khỉ”. Vậy vì sao tôi phải quan tâm
đến những lời nói đó. Nhưng tôi thường xuyên bực bội với việc mình đang làm. Vì
việc nuôi trẻ, dù chỉ là phụ nuôi, đối với tôi quá cực nhọc. Tôi có con nhưng
chưa bao giờ phải vất vả vì chúng. Mọi thứ, mẹ đều lo hết cho đến khi bà mất.
Tôi bực bội, vì thấy công phu hành thiền của mình bị bỏ phế.
Thân nhọc quá, dù hình thức tọa thiền còn đó, cũng chỉ còn là hình thức, chất lượng không có. Không ngủ thì cũng ở trạng thái mơ mơ màng màng, chỉ là ngồi vẫn đủ thời gian để thấy là mình có hành thiền. Dịch kinh dịch luận cũng bị dẹp qua một bên. Bởi đó là việc đòi hỏi mình phải có thời gian ngồi yên một chỗ, với cái tâm không bận rộn và cái thân không quá nhọc thì việc tỉnh sáng mới tồn tại. Có tỉnh sáng thì việc dịch thuật mới tường tận, không thì mọi thứ đều đảo lộn. Rõ ràng việc đạo bị đình trệ vì tôi đã dành thời gian cho việc đời quá nhiều. Bận cháu rồi, cũng không thể tham gia các lễ hội như xưa. Rất nhiều hạn cuộc xảy ra khiến mình sinh tâm bực bội. Nhưng rồi, quá trình đó cũng giúp tôi nhận rõ được nhiều thứ.
Sinh tâm bực bội vì mình bị tâm phân biệt chi phối. Mình hiểu về trung đạo và nói đến trung đạo, nhưng hành trung đạo thì mình chưa nhập cuộc cừ. Cứ mé rìa rìa mà đi. Thành khi vào sự mình mới vướng. Mình để những huân tập ăn sâu trong tiềm thức của mình làm kẻ chỉ đường và chỉ nhận biết nó khi phiền não hiện khởi.
Đạo không nằm ở việc này hay việc nọ. Đạo ở khắp mọi nơi. Trong từng hơi thở. Nhưng ít ai nhận biết được điều đó vì còn bận chay theo những tham muốn của mình, chạy theo những phân biệt được huân tập từ bao đời kiếp và để tâm dấy khởi mạnh. Hoa nghiêm của mười phương chư Phật biến thành Sa-bà khổ đau vì do nghiệp thức của phàm phu, không phải Hoa nghiêm là Hoa nghiêm mà Sa-bà là Sa-bà, dù trong một duyên nào đó chúng mang ý nghĩa như thế. Sa-bà không khác Hoa nghiêm, chỉ vì cái duyên của phàm phu mà Sà-bà thành khác Hoa Nghiêm. Chỉ vì tâm tham của loài ngạ quỷ mà bát cơm thanh tịnh của một vị thánh bỗng trở thành lửa đỏ. Pháp vốn như, không tự xưng đó là đạo hay đời. Chỉ vì phân biệt và đối trị mà nói đạo, nói đời. Phân biệt mà không phân biệt thì đời và đạo không hai.
Sân, là một trạng khá thô mà bất cứ người tu đạo nào khi thấy nó hiện khởi ở tâm, đều tự sinh tâm hối hận và sám hối để từ bỏ. Tôi cũng thấy tội lỗi về điều đó và cũng phải tìm cách chuyển mình để tâm trở về trạng thái bình yên. Từ những việc nhỏ nhặt đó, tôi tìm thấy ý đạo trong việc mình làm. Nếu không sinh tâm phân biệt, kia mới là Phật sự, đây không phải Phật sự thì sẽ không sinh phiền não hay sân hận. Khi mọi việc đươc làm trong chánh niệm thì việc gì cũng thành đạo. Xưa, sư bà Thế Quán ngồi chằm nón cũng nguyện chúng sinh thành Phật. Sao bây giờ, không nương duyên lành này, dùng công đức chánh niệm và phục vụ chúng sinh mà nguyện mình và người cùng thành Phật đạo?
Chúng sinh ngoài tâm không khác chúng sinh trong tâm, chúng sinh trong gia đình không khác chúng sinh ngoài gia đình. Nếu tâm luôn ở trạng thái tu tập và nguyện hồi hướng bồ-đề luôn sẳn đủ thì lợi ích cho người trong gia đình hay ngoài gia đình đều là Phật sự. Lợi ích cho chúng sinh ngoài tâm cũng chính là đang hàng phục chúng sinh trong tâm.
Phân biệt thiện ác, đạo đời là việc cần thiết cho kẻ mới vào đạo nhưng lưu giữ nó lâu dài như một báu vật là điều bất hạnh cho kẻ muốn thành tựu quả Phật và lợi ích thiết thực cho tha nhân. Chính vì thế, trong bài tựa viết cho Trung luận, ngài Tăng Duệ nói: “Biết mà không cùng thì chưa thể lội qua trung đạo, dứt tuyệt nhị tế.4 Đạo tục không san bằng, nhị tế chẳng mất là nỗi ưu tư của Bồ-tát vậy”. Nhị thừa tuy chưa ý thức rõ về trung đạo, nhưng trên mặt công phu cũng đã đi trên con đường trung đạo. Nhưng phải “biết cùng”, là thể nhập được thực tánh của vạn pháp, mới có thể lội qua trung đạo. Cái “biết cùng” đó là nhân để có cái quả là san bằng được hai cặp nhị biên đạo và tục, Niết-bàn và sinh tử. Lý thấu rồi, lý phải được nghiệm trong từng sự thì lý sự mới viên dung, sự sự mới vô ngại.
Phân biệt dễ mang lại chướng ngại
Tự lợi cũng như lợi tha, một khi đã để cho tâm phân biệt làm chủ thì rất nhiều hạn cuộc xảy ra. Tôi đã thấy ngại ngùng khi phải làm việc chung với chư vị tôn túc, thành đã bỏ cuộc với những gì Thầy đã sắp đặt cho mình. Ngược lại, nếu bạn là người xuất gia hoặc là kẻ biết đạo mà bạn phân định quá rõ giữa người xuất gia và kẻ chợ đời thì bạn sẽ tạo cho họ cảm giác thấp kém, khó mà nhiếp được họ để nói đến hóa. Khi họ đã bực bội thì không phải chỉ bạn bị bôi nhọ và cả đạo Phật cũng bị bôi nhọ.
Lần đầu tiên tôi đi dự một buổi họp ở Viện Nghiên cứu Phật học. Tôi không thích vì tôi nghĩ đó là chỗ của Tăng Ni. Nhưng vì Thầy bảo đi thì đi. Tôi nghĩ vào hội trường rồi, mình chỉ cần chọn hàng ghế sau cùng là được. Nhưng đó là một cuộc họp bàn tròn, mọi thành viên ngồi ngang bằng và đối diện nhau, không có trước sau để giấu đi cái mặt của mình. Tôi khựng ngay tại cửa và hai mắt mờ đi. Ni sư NĐ đã ra tận nơi lôi tôi vào với một thái độ rất gần gũi. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Ni sư và biết ơn rất nhiều về hành động đó. Lần đầu tiên, không phải là lần đầu tiên tôi nhận được tâm vô biệt từ các bậc tôn túc, mà lần đầu tiên tôi nhận rõ tâm vô phân biệt nhiếp hóa được hạng chúng sinh yếu kém như thế nào.
Chưa bao giờ tôi nhận được những dòng email mời viết bài mà không có mấy chữ “kính cô” và những lời chúc thân thiện vui vẻ hiện rõ qua từng nét chữ. Tôi nhận ra giá trị của lời ái kính đó. Một lời ái kính xuất phát từ tâm vô phân biệt giúp hình thành những nối kết rất thuận duyên. Một lời ái kính của người trên đối với người dưới khi được dùng đúng duyên, phải nói là mang lại khá nhiều thành tựu tốt đẹp cho mình và người, mà có lẽ khi dùng nó ít ai để ý.
Mọi thứ đều cần có một tấm lòng. Không có một hình thức nào có thể kéo dài và mang lại kết quả tốt đẹp nếu ẩn trong đó không là một tâm vô phân biệt thực sự. Bạn ban phát quà cáp cho người cùi với một cái tâm sợ hãi ghê tởm thì khó mà nhiếp hóa được họ. Dù vô hình, sự ghê sợ đó cũng lan tỏa. Không thể có sự gần gũi cũng như tình yêu thương khi phân biệt đã xuất hiện. Vì thế cần một tâm vô phân biệt. Khi khởi tâm phân biệt, cần tỉnh giác và đặt nó qua một bên. Khi vô phân biệt được phát huy thì dù là một hình thức trái đạo, nó vẫn mang lại lợi ích cho tha nhân. Bởi vô phân biệt xuất hiện thì pháp luôn được sử dụng đúng duyên.
Vô phân biệt là phân biệt mà không phân biệt. Không phân biệt, vì đó là dụng của chân như tròn sáng. Phân biệt, vì tùy duyên mà có pháp để lợi ích cho tha nhân. Không phải vô phân biệt là đảo lộn tất cả mọi thứ. Chỉ là tùy duyên mà có pháp, pháp nào ứng đúng duyên pháp đó, không dụng pháp nhầm lẫn như phàm phu. Vì thế với tâm phân biệt của phàm phu, chúng ta dễ lầm lẫn những hành động mang tính ứng duyên với những hành động mang tính phân biệt. Đó là lý do vì sao học thiền là học câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”.
Những ngày mới học đạo, đó là khoảng thời gian khá
phiền não đối với tôi. Tới chùa thì thanh thản mà ở nhà sao phiền não quá mức.
Gặp người nào cũng thấy phiền não. Từ con cái, bà con cho đến hàng xóm. Người
nào cũng trất trất sao đó. Không hiểu đạo, không biết gì hết. Quán nhân quả,
quán huyễn v.v… được mang ra áp dụng liên tục nhưng không ăn thua. Vậy mà chỉ
cần một câu rất “bá đạo” xuất hiện trong đầu, mọi thứ đều được giải quyết. “Nếu
mình ra đời mà cuộc sống của mình được sung sướng như ý mọi thứ thì liệu mình
có ra đời không? Cái vui như ý ở đời sao bằng cái vui thiền định? Chính vì
chung quanh như thế mà mình mới có mặt”. Mô Phật! Cái câu chứa đầy chất ngã mạn
ấy lại có thể đánh bạt đi mọi phiền não trong tôi. Giống như thùng sơn lủng
đáy, tôi không còn bực mình với những rắc rối quanh mình, với những con người
mình cho là thiếu hiểu biết. Tôi chấp nhận mọi thứ dễ dàng hơn, như chấp nhận
làm người thì phải có lúc chết. Chấp nhận chúng như việc ăn cơm, uống nước hàng
ngày. Coi việc bình thản với những chuyện đó như một lý tưởng sống của mình.
Chỉ cốt sao làm tốt những gì mình đang gặp phải. Làm hết lòng và rút kinh
nghiệm cho những sai lầm nếu chúng xảy ra.
Từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động, đều được rút kinh nghiệm để mọi việc tốt hơn trong tương lai. Cũng không còn lấy làm lạ sao tu hành rồi mà nghịch cảnh vẫn có, công việc thêm nhiều, thân không nhàn hạ… Thứ gì cũng là pháp để mình học hỏi và giúp mình tạo công đức để hồi hướng cho mình và người cùng thành Phật đạo. Phải có công đức thì mới có thể cứu mình cứu người khi có việc xảy ra. Việc càng nghịch mà mình càng có tâm thì công đức càng lớn, mời đủ để đưa mình và người qua được biển khổ trầm luân.
Nhờ những sự việc đại loại như thế xảy ra trong đời sống của mình, tôi có cái nhìn bình đẳng hơn đối với các pháp ở thế gian. Pháp nào cũng có cái dụng của nó và trở thành diệu dụng nếu chúng ta biết sử dụng pháp đúng duyên. Nếu chỉ thấy những pháp như khiêm hạ, nhẫn nhục v.v… mới là pháp của Phật Tổ thì mọi thứ trở thành hạn cuộc. Tôi đã nhận được một lời pháp để thấy rằng dù là ác pháp, nếu được sử dụng đúng duyên thì vẫn mang lại hiệu quả rất tốt cho mình hay người. Luận Đại thừa khởi tín đã nói: “Người ấy, trong khoảng thời gian mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ-tát. Trong đó hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm oan gia, hoặc khởi Tứ nhiếp v.v… cho đến mọi việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sinh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy nếu nghe đều được lợi ích”. Pháp nào cũng có thể là pháp của Phật, là hiện thân của chư vị Bồ-tát. Oan gia cũng có thể là hiện thân của chư Bồ-tát nếu cái oan gia đó khiến người quy hướng Phật đạo. Pháp giới này phải nói thật khó nghĩ bàn.
Tự lợi và lợi tha thông qua những việc mang tính
nghịch duyên như thế giúp tôi phá bỏ khá nhiều cái tâm hướng ngoại phê phán.
Thứ gì cũng có mặt diệu dụng của nó khi nó được sử dụng đúng duyên. Trở thành
chướng ngại với mình vì mình vướng vào cái gọi là cố định. Pháp thế gian là
pháp duyên khởi, giá trị của pháp thay đổi theo duyên, không mang tính cố định.
Pháp vốn không tánh, nhưng mình hay gắn tánh cho pháp, thành sai lầm mới xảy
ra. Với cái nhìn đó, tôi thấy bình an hơn với những gì xảy ra quanh mình.
Năm mới sắp sang...
Dù là thuận hay nghịch thì mọi thứ vẫn không ra ngoài nhân quả. Một cái nhân khi đủ duyên đều có cái quả tương ưng. Bồ-tát hành Bồ-tát đạo khi sử dụng ác pháp để lợi ích chúng sinh cũng vẫn chịu phần quả báo tương ưng, không phải vì lợi ích chúng sinh mà “không rơi vào nhân quả”5. Đã có nhân đủ duyên liền có quả. Chỉ là vì lợi ích cho chúng sinh như kinh Hoa nghiêm đã nói mà phải dụng pháp đó: “Chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường”. Vì lợi ích cho tha nhân mà Bồ-tát chấp nhận lưu chuyển trong sáu đường để lợi ích tha nhân được viên mãn. Đó là một trong mười pháp cúng dường mà chư Bồ-tát dùng để cúng dường mười phương chư Phật.
Việc của năm cũ qua đi, vẫn còn có cái nhân để việc của năm mới bắt đầu, tương tục…
Sang năm mới…
Nguyện mang công đức có được hồi hướng cho:
- Chư Phật, được Phật sở trụ lạc không thể nghĩ bàn, nhiếp thủ đầy đủ Phật tam muội lạc không thể tính lường, thành tựu vô lượng đai bi khoái lạc, thành tựu Phật giải thoát lạc không thể tính nghĩ, nhiếp thủ đầy đủ Phật thần túc tự tại vô lượng khoái lạc…6
- Bồ-tát, sở nguyện chưa thành đều được thành tựu, sở nguyện chưa đủ đều được đầy đủ, trực tâm chưa có đều có trực tâm…
- Chúng sinh, người sống được an vui hạnh phúc, sống thiện và làm thiện để có quả báo an lành. Người chết thoát khỏi ba đường dữ, sống thiện và làm thiện để được quả báo an lành.
Cũng xin tri ân
tất cả chư vị tôi đã gặp trong đời, dù là thuận hay nghịch, dù là trực
tiếp hay gián tiếp… đã giúp tôi hoàn
thành ít nhiều tâm nguyện của mình. Thành kính tri ân.
Chân Hiền Tâm
_________________________
Ngọc Sương (TinTamLinh.Com)