Không biết từ khi nào ngôi chùa bị quan niệm là nơi “gõ mõ tụng kinh” dành cho những người xa lánh trần tục. Quan niệm ấy vô hình trung đẩy ngôi chùa (mà cụ thể là đạo Phật) tách rời xã hội và bị xem như là nơi để con người tìm đến những khi sa cơ lỡ vận.
Ngôi chùa hay Phật giáo dĩ nhiên là luôn đón nhận những thành phần vừa nêu để giúp đỡ họ nhưng chùa còn có chức năng cao hơn, thiêng liêng và ý nghĩa hơn. Đó là chức năng giáo dục đạo đức và hướng dẫn tu tập tâm linh. Lịch sử Phật giáo cho thấy tinh xá (tên gọi thời Đức Phật) hay chùa (tên gọi phổ biến ở Việt Nam) có vai trò rất quan trọng trong đời sống tu học và sinh hoạt của Tăng Ni và hàng Phật tử tại gia.
Bài viết này tìm hiểu chức năng giáo dục của ngôi chùa thời Phật tại thế và ở Việt Nam vào thời Phật giáo hưng thịnh, và thảo luận vai trò ngôi chùa trong việc giáo dục thanh thiếu niên ở Việt Nam hiện nay.
Ngôi chùa là nơi giáo dục khi Phật còn tại thế
Tinh xá hay chùa được hàng Phật tử tại gia kiến thiết cúng dường cho Đức Phật và chư Tăng vào những năm đầu sau khi Thế Tôn thành đạo. Sử liệu ghi rằng trong chuyến viếng thăm và hoằng pháp đầu tiên của Đức Phật và Tăng đoàn ở xứ Ma-kiệt-đà (Magadha), vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) đã diện kiến Đức Phật và nghe Thế Tôn thuyết pháp. Sau thời pháp, đức vua được nói là chứng sơ quả và sau đó xin quy y với Phật, Pháp, Tăng. Để tỏ lòng biết ơn, vua đã cúng dường vườn Trúc Lâm cho Đức Phật và Tăng đoàn làm nơi cư trú tu tập. Đây là tinh xá đầu tiên và là nơi Đức Thế Tôn an cư tổng cộng 6 mùa mưa1. Tinh xá thứ hai và cũng là tinh xá nổi tiếng nhất được biết đến là tinh xá Kỳ Viên (Jevatana) do cư sĩ Cấp Cô Độc (Anathapindika) hiến cúng. Để có được mảnh đất xây tinh xá này, Trưởng giả Cấp Cô Độc phải dùng vàng miếng để lót hết diện tích đất trong khu vườn của hoàng tử Kỳ Đà (Jeta). Đây là trung tâm tu học lớn nhất của Phật giáo thời bấy giờ và là nơi Đức Thế Tôn an cư nhiều nhất – tất cả 19 mùa mưa2. Ngoài ra, chúng ta cũng biết đến các nơi cư trú tu học khác như tu viện của bác sĩ Jivaka, vườn xoài của Ambapali…
Chức năng của các tinh xá lúc bấy giờ là nơi cư trú và cũng là nơi tu học của Tăng Ni và tín đồ tại gia. Vào thời Phật, có nhiều du sĩ thuộc nhiều giáo phái khác nhau thực hành hạnh sống nay đây mai đó. Tăng đoàn của Phật ban đầu cũng theo hạnh này nhưng về sau khi các tinh xá/tu viện được thành lập họ thường tập trung ở chung để tu học, đặc biệt là vào mùa an cư.
Do đó, tinh xá trước hết có chức năng làm nơi cư trú, sinh hoạt an ổn cho Tăng chúng. Sống trong một cộng đồng gồm nhiều thành phần lớn nhỏ và trình độ tu tập khác nhau, việc giáo dục là vấn đề cốt lõi không thể thiếu được nhất là Tăng đoàn Phật giáo. Rất nhiều bài kinh ghi lại sinh hoạt giáo dục của Đức Phật và Tăng đoàn diễn ra nơi các tinh xá. Tất nhiên, giáo dục đạo đức và tu học tâm linh nơi các tinh xá không chỉ dành riêng cho hàng xuất gia mà còn bao gồm cả hàng tại gia thuộc nhiều thành phần và tuổi tác khác nhau.
Chúng ta dễ dàng tìm thấy nhiều bài kinh đề cập thính chúng tham dự nghe Phật thuyết pháp nơi các tinh xá bao gồm cả xuất gia và tại gia. Tín đồ tại gia đến các tinh xá thính pháp ắt hẳn cũng có con cháu của họ đi theo. Đại thí chủ Visakha khi còn rất trẻ đã được ông ngoại dẫn đi chùa là một ví dụ3. Đức Phật cũng dành thời gian nhất định để giáo hóa các cháu nhỏ4. Như vậy, Phật giáo và giáo dục thanh thiếu niên mà ngày nay gọi là giáo dục trung tiểu học đã có từ thời Đức Phật còn tại thế.
Vai trò giáo dục của ngôi chùa ở Việt Nam thời Phật giáo hưng thịnh
Đọc các tài liệu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, một điều phải công nhận là vai trò giáo dục của các ngôi chùa ở Việt Nam phần lớn nhắm vào giáo dục đạo đức tâm linh hơn là kiến thức xã hội. Cho đến ngày nay có thể nói Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần là hưng thịnh nhất. Vào thời ấy, mặc dù Phật giáo được xem là quốc giáo nhưng nền giáo dục Phật giáo phần lớn chú trọng vào đạo đức Phật giáo và tín ngưỡng tâm linh. Các kiến thức xã hội ít được giảng dạy cho tín đồ ngoại trừ số ít tu sĩ thông Nho giáo thực hiện.
Do đó, các ngôi chùa nơi được xem là trung tâm văn hóa giáo dục cũng chỉ giảng dạy đạo đức làm người, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và cao hơn là truyền bá tinh thần từ bi hỷ xả, thoát tục giữa đời thường. Ngoại trừ một số ít thiền sư bao gồm xuất gia và tại gia có thể đạt trình độ tâm linh cao, phần lớn tín đồ Phật tử vẫn thực hành Phật giáo theo tín ngưỡng cúng bái. Vì Phật giáo không đảm trách nổi vai trò giáo dục chính trị xã hội nên nền Nho học đã được đưa vào để thế vị trí. Từ thời Lý, Văn miếu Quốc Tử Giám đã được xây dựng để làm nơi giảng dạy và thi cử theo nền Nho học. Càng về sau nền Nho học càng khẳng định vị trí của nó trong đời sống chính trị xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, tinh thần Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng mạnh trong giới lãnh đạo thời Lý – Trần nên các chính sách xã hội vẫn phản ảnh đạo lý Phật giáo. Với giới bình dân, các ngôi chùa vẫn tiếp tục đóng góp giáo dục đạo đức và hướng dẫn đời sống văn hóa tâm linh. Nhìn chung, các ngôi chùa ở Việt Nam ngay trong lúc hưng thịnh cũng chỉ đáp ứng phần nào đời sống đạo đức và tín ngưỡng tâm linh.
Từ đó có thể suy luận giáo dục thiếu niên tại các ngôi chùa chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Phải chăng đây là bản chất của giáo dục Phật giáo Việt Nam? Các ngôi chùa có nên bổ sung kiến thức xã hội để thích nghi và đáp ứng nhu cầu giới trẻ chăng? Đây là vấn đề thời sự của Phật giáo Việt Nam đương đại.
Vai trò ngôi chùa trong việc giáo dục thanh thiếu niên thời đương đại
Vai trò giáo dục thanh thiếu niên của các ngôi chùa ở Việt Nam bị lãng quên trong suốt thời gian dài. Sau khoảng 4 thế kỷ Phật giáo có sự ảnh hưởng sâu sắc giới lãnh đạo và quần chúng thời Lý – Trần, Phật giáo đã dần dần chỉ còn ảnh hưởng mạnh đối với quần chúng và phần lớn là về mặt tín ngưỡng. Cùng lúc ấy, nền Nho học trở nên vững mạnh và chiếm vị trí độc tôn chi phối sâu sắc đời sống chính trị xã hội ít nhất tới thế kỷ XIX. Cho nên, giới thanh thiếu niên theo học Nho giáo để có cơ hội thăng tiến là điều dễ hiểu. Trước xu thế ấy, Phật giáo chưa có bước đột phá nào ngoài việc tiếp tục phục vụ sinh hoạt tâm linh cho những người có nhu cầu tìm đến các chùa chiền. Như vậy, việc giáo dục thanh thiếu niên tại các ngôi chùa từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX còn bị bỏ ngỏ.
Sang thế kỷ XX với phong trào chấn hưng Phật giáo, vấn đề giáo dục thanh thiếu niên được quan tâm và đã đạt được kết quả khả quan. Trong xu thế Tây học ảnh hưởng xã hội Việt Nam, nền giáo dục nước nhà bắt buộc phải thay đổi để tồn tại. Khi ấy, Nho giáo tỏ ra yếu kém nên không thể đảm trách vai trò giáo dục như trước được. Phật giáo từ chỗ phục vụ tín ngưỡng tâm linh buộc phải gách vác phần nào trách nhiệm mà Nho giáo bỏ lại.
Ý thức được tầm quan trọng và vai trò của giáo dục xã hội, một số bậc tôn đức đã có bước đột phá vượt qua những thành kiến và khó khăn để tiếp cận nền Tây học. Được sự cộng tác của một số cư sĩ cấp tiến có trình độ Tây học, các bậc tôn đức đã tiến hành xây dựng hệ thống giáo dục cho thanh thiếu niên qua việc mở các trường Bồ Đề và các cơ sở nuôi dạy trẻ. Tuy số lượng trường Bồ Đề Phật giáo còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và so với tôn giáo bạn nhưng nó cũng cho thấy nỗ lực lớn của các bậc tôn đức và cư sĩ Phật tử. Nhiều trường học được xây dựng bên cạnh các ngôi chùa để giảng dạy vừa kiến thức xã hội vừa giáo lý Phật giáo.
Theo tài liệu thống kê Phật giáo miền Nam, năm 1970 có 65 trường trung học Bồ Đề, 62 trường tiểu học Bồ Đề, 11 trường mẫu giáo với tổng số học sinh là 58.4665. Thành tựu này mang một ý nghĩa rất to lớn đối với giáo dục Phật giáo Việt Nam. Nó cho thấy Phật giáo không thể chỉ giáo dục đạo đức, tín ngưỡng tâm linh khép kín mà còn phải tham gia đóng góp vào giáo dục xã hội. Kết quả trên biểu hiện một sự thích ứng tích cực nhằm đưa giáo lý của Đức Phật được ứng dụng rộng rãi trong xã hội.
Những năm gần đây, Phật giáo đã có những quan tâm nhất định đối với giới trẻ. Sau khi đất nước thống nhất, do tình hình chung ở Việt Nam, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đều không thể tham gia vào giáo dục xã hội chính thống, trong khi hệ thống giáo dục Phật giáo trước đó đều dừng hoạt động. Cho đến những năm gần đây, một số rất ít chùa có mở cơ sở từ thiện nuôi dạy trẻ mồ côi và mở các lớp mầm non dưới hình thức tư thục.
Tuy nhiên, phần lớn giáo viên tham gia dạy là người cư sĩ. Số lượng chư Ni dạy các lớp mầm non khá khiêm tốn vì bị hai cản lực là hình thức tu sĩ và chuyên môn. Ngoài ra, một số chùa đã tổ chức hoặc kết hợp tổ chức các khóa tu cho các thanh thiếu niên. Hoạt động ấy có kết quả nhất định vì giới trẻ tham dự có cách nhìn đúng đắn và tích cực về đạo Phật. Đó là một đạo Phật thực tế, giúp con người đang sống giải quyết khổ đau chứ không phải chỉ dành cho người chết như nhiều người quan niệm. Dẫu con số ấy không nhiều nhưng đó cũng là những dấu hiệu đáng mừng.
Lời kết
Bản chất của giáo dục Phật giáo là sống đạo đức (giới), sống có ý thức (định) và nhằm đạt trí tuệ (tuệ). Đối tượng giáo dục của Phật giáo là con người được phân thành hai giới là xuất gia và tại gia. Giới xuất gia thì đương nhiên phải nhận được sự giáo dục trong các chùa viện. Với giới tại gia nói chung và giới trẻ nói riêng, Đức Phật có rất nhiều bài kinh về đạo đức nhằm giáo hóa họ trở thành những người đáng được tôn kính trong xã hội và sống an lạc hạnh phúc ngay cuộc đời này.
Phật giáo Việt Nam kế thừa truyền thống ấy và tiếp thu thêm những điều mới để thích nghi với xã hội trong từng thời kỳ. Phật giáo ngày nay không chỉ giáo dục đạo đức và hướng dẫn tâm linh cho tín đồ mà còn tham gia vào các hoạt động giáo dục xã hội khác như nuôi người già neo đơn, trẻ mồ côi, mở lớp mầm non… Do đó, cho rằng chùa chỉ là nơi gõ mõ tụng kinh là một ngộ nhận hoặc là một quan niệm xưa cũ lỗi thời.
Vai trò ngôi chùa trong việc giáo dục thanh thiếu niên rất quan trọng và cấp thiết. Ví như những người nếu hiểu biết cách bảo vệ sức khỏe thì sẽ hạn chế khổ đau do bệnh tật, giới trẻ nếu được hướng dẫn cách sống và cách giải quyết những khó khăn trong cuộc sống thì chúng sẽ hạn chế khổ đau khi phải gặp những nghịch cảnh trong hiện tại và tương lai. Các ngôi chùa tổ chức các khóa tu và thuyết giải Phật pháp cho giới trẻ là đang thực hiện trọng trách của mình và cũng là đang góp phần xây dựng xã hội an vui và thịnh đạt. Đó cũng chính là cách hữu hiệu để duy trì và bảo vệ Phật giáo trường tồn vậy.
Thích Hạnh Chơn - Vườn hoa Phật giáo
Minh Tuyết (TinTamLinh.Com)