Lời yêu thương:
Cái bếp của mẹ
Giác Ngộ - Cái bếp nấu ăn của mẹ tôi cũng giống như bao cái bếp khác ở miền núi hoặc ở vùng trung du. Bếp được làm chặt chẽ trên bốn cây trụ tre rừng, mặt trên nện đất sét, nhồi rơm. Nấu nướng càng lâu chừng nào, thì bề mặt của cái bếp càng dẽ dặt chừng ấy, nhờ độ nóng của lửa và tro tích tụ lâu ngày.
Bếp của mẹ - Ảnh minh họa
Mẹ đặt trên bàn bếp một cái kiềng sắt 3 chân và một bếp 3 ông táo bằng đất. Khoảng trống bên dưới cái bếp đứng, mẹ tôi để đủ thứ, nào là củi tre, tàu cau khô, rơm khô, hoặc vài nhánh cây gãy, mẹ lượm trong vườn. Sáng nào cũng thế, mẹ dậy thật sớm, lui hui nấu nước chè xanh, hoặc chè đen cho cả nhà cùng dùng. Nồi nước chè luôn luôn nóng ấm trên cái kiềng sắt 3 chân.
Mẹ tôi qua đời đã hơn 10 năm rồi, nhưng cái bếp thân yêu, như là chỗ ghi nhớ bóng dáng mẹ, thì vẫn được các em tôi dùng làm nơi đun nước hàng ngày, dù cho bây giờ, nhà vẫn nấu bếp ga.
Tôi sống xa xứ đã lâu, thường về thăm quê vào những ngày giỗ mẹ. Cứ mỗi lần đi qua ngăn bếp cũ, hoặc vào lấy chén đũa ăn cơm, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến, tưởng chừng dáng mẹ đâu đây, vẫn vào ra, lom khom thổi lửa nhóm bếp bằng cái ống tre nhỏ.
Đã hơn hai năm, tôi chưa về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, để thắp nén hương nguồn cội. Một hôm, nhận được điện thoại của em tôi mời về chơi nhân dịp cậu ta khánh thành ngôi nhà mới, kết hợp tổ chức vào ngày giỗ của mẹ.Khi đứng trước căn nhà tường xây, mái ngói đỏ tươi, thay cho mái lợp tôn cũ kỹ, tôi vô cùng vui mừng về sự thành đạt của đứa em út. Căn phòng khách đầy đủ tiện nghi, còn có phòng ngủ, phòng vi tính riêng… Nền nhà lát gạch hoa màu xanh lam, sạch bóng. Tất cả được thiết trí đẹp, thanh nhã. Nhưng khi đến chỗ căn bếp của mẹ thuở xưa, tôi không thể nén được những giọt nước mắt xúc động.
Căn bếp chật hẹp của mẹ ngày nào, mọi đồ dùng vẫn nguyên vẹn như xưa…
Võ Khoa Châu (Giác Ngộ số Vu lan 2011)
Ngọc Sương (TinTamLinh.Com)