Bông hồng cài áo
Vu lan, theo cái tục từ lâu, ai còn mẹ sẽ được cài hoa hồng màu đỏ, ai mất mẹ sẽ phải cài hoa trắng. Cái tục ấy ngày càng thấy lan rộng trong cộng đồng, mỗi người đến mùa báo hiếu lại muốn được nghe bài Bông hồng cài áo: “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh…để được vui sướng hơn”.
Tình mẹ, đó có lẽ là tình cảm trường cửu mà mỗi người ai cũng trân quý, nâng niu, phải có trong cuộc đời để mình “lớn” lên. Tôi sinh ra được mẹ nuôi lớn hình hài và nuôi lớn yêu thương nhờ tình thương vô bờ của mẹ. Mẹ tôi là một người phụ nữ hiền hậu, không chỉ với con mà cả với những người hàng xóm.
Một lần nghe bài hát Ơn nghĩa sinh thành tôi đã khóc, khóc vì nhận ra tình mẹ cao vời quá mà có lúc tôi đã vô tâm không nhận ra, có lúc tôi đã là người con không tốt để mẹ phải lo lắng, sầu khổ. Đến lúc xa mẹ thì biết thêm một cái tội nữa với mẹ: tội làm mẹ buồn vì nhớ con, làm mẹ lo con ở xa không ai chăm sóc. “Mẹ già trăm tuổi còn thương con tám mươi”, tình mẹ bao la, không giới hạn, chỉ dừng lại khi mẹ nhắm mắt xuôi tay. Thường thì những đứa con kém may mắn trong cuộc sống như hay bệnh tật, thất bại trong công việc hoặc những đứa con không nên người bởi sa vào ăn chơi, hút sách, phá của…l à những đứa con làm cho mẹ lo lắng nhất.
Hẳn là niềm vui của tất cả những người mẹ trên thế gian này đều có chung một điểm: được nhìn thấy con mình hạnh phúc. Do đó tôi phải sống hạnh phúc - ấy cũng là hành động thương mẹ một cách thiết thực nhất. Nếu thương mẹ mà làm cho mẹ lo thì đâu phải là thương.
Mùa Vu lan, tôi cài lên ngực áo mình bông hồng màu đỏ, hạnh phúc vì mình còn có mẹ. Nhưng tôi hạnh phúc hơn là khi tôi tự nhủ: “Mình phải sống tốt như mẹ mong”.
TẤN KHÔI (TTO)
Ngọc Sương (TinTamLinh.Com)