Tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật rất cần thiết cho các Phật tử trên con đường tu nghiệp. Nếu các Phật tử biết cách thực hiện đúng các nghi lễ, biết dụng tâm hành trì và hành trì một cách quyết liệt thì tin rằng công đức và phước báu đạt được sẽ là vô biên, vô lượng để từ đó hóa giải được mọi đau khổ trong cuộc đời.
Tụng Kinh, trì chú và niệm Phật là ba nghi lễ trợ duyên mang đến cho Phật tử công hạnh để nhanh chóng đạt kết quả trên con đường tu tiến. Chính vì vậy, đã là Phật tử thì không ai không biết tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật. Tuy nhiên, đối với một số Phật tử tại gia thì đây là những nghi lễ khá phức tạp. Có nhiều Phật tử thắc mắc và lo sợ nếu thực tập sai thì sẽ mang tội với đức Phật hoặc không thể tạo ra công đức vô lượng như mong muốn.
Trên thực tế, theo như lời của đức Phật thì dù tu bằng cách nào, tu sai hay tu đúng, tu thành tâm hay vọng tâm thì các Phật tử đều có phước báu nhất định nhưng với mức độ khác nhau và tuyệt nhiên không có tội.
Sự khác nhau đó là, người tu vọng tâm cũng có phước báu nhưng phước báu ít hơn người tu thành tâm; và người tu thành tâm nhưng tu sai cũng sẽ có ít phước báu hơn người tu thành tâm mà còn tu đúng…
Chính vì như vậy, các Phật tử, đặc biệt là các Phật tử tại gia cần nắm rõ và đúng cách tụng Kinh, trì chú và niệm Phật để khi thực hiện hành trì tại nhà có thể phát huy được công năng một cách hiệu quả và tiến xa hơn trên con đường tu nghiệp của mình. Dưới đây là tổng hợp các cách tụng Kinh, trì chú, niệm Phật dành cho Phật tử tại gia mà người viết đã sưu tầm từ nhiều tư liệu Phật học để cùng chia sẻ với quý Phật tử.
1. Tụng Kinh
Tụng kinh là hành động đọc để tìm hiểu ý nghĩa và ghi nhớ lời dạy của Phật trong những bài Kinh. Từ đó, các Phật tử sẽ ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày để có thể chuyển hóa, chế ngự được cái “Tâm viên, ý mã” (tâm và ý không lúc nào ngơi nghỉ. Tâm như con khỉ chuyền nhảy lung tung; Ý như con ngựa cứ suốt ngày rong ruổi) của bản thân mình.
Trên cơ bản, tất cả những bộ Kinh của Đức Phật đều có ý nghĩa về mặt phước báu như nhau. Dù chúng ta tụng Kinh gì, bằng ngôn ngữ gì và trong hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng đều có phước báu. Chính vì vậy, tùy theo sở thích và căn cơ mà mỗi Phật tử có thể chọn bất cứ bộ Kinh nào để tụng cũng được chứ không nhất thiết phải: tụng Kinh Phổ Môn, Dược Sư khi muốn cầu an; tụng Kinh Di Đà, Vu Lan khi cầu siêu hoặc khi ăn chay mới được tụng Kinh Pháp Hoa… như một số Phật tử tại gia vẫn thường quan niệm xưa nay.
Nhưng tốt nhất là các Phật tử nên chọn những bộ Kinh đã được dịch ra tiếng Việt. Vì tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn lời dạy của đức Phật, và đôi khi vì hiểu nên nó còn có thể tạo ra hiệu ứng cảm xúc đối với các Phật tử.
Về cách thức tiến hành thì tùy vào hoàn cảnh và điều kiện mà các Phật tử tại gia có thể linh hoạt sao cho phù hợp, nhưng cơ bản gồm các bước sau đây:
Trước hết các Phật tử phải chuẩn bị tư thế trang nghiêm: vệ sinh sạch sẽ, trang phục chỉnh tề.
Sau đó bước đến thắp hương lên bàn thờ Phật và vái 3 lạy , để nguyên tư thế chắp tay (thể hiện sự trang nghiêm thành kính) và tụng luôn một bài Kinh mình chọn. Các Phật tử có thể tụng đầy đủ Phẩm hay tụng tắt. Nghĩa là nếu không có thời gian hoặc sức khỏe thì chúng ta sẽ đặt ra mục tiêu hôm nay chúng ta tụng mấy Phẩm. Khi dừng lại ở Phẩm nào cần có một tờ giấy để đánh dấu và hôm sau ta sẽ tụng Phẩm tiếp theo.
Trong khi tụng, các Phật tử có thể tụng thành tiếng khi ở một mình trong phòng riêng hoặc tụng thầm nếu không muốn người khác nghe thấy. Và mặc dù tụng Kinh với hình thức như thế nào: tự xướng hay có Khánh, Chuông, Mõ thì điều quan trọng nhất chính là sự thành tâm.
Chính vì vậy, trong khi hành trì các Phật tử phải có chánh niệm tuyệt đối, loại bỏ được ý niệm đời thường thì công đức và phước báu tạo ra mới được viên mãn.
Cũng tương tự như trên, nhưng nếu muốn hành trì tụng Kinh một cách bài bản và đầy đủ hơn thì các Phật tử có thể thêm lời dẫn nhập. Sau phần dẫn nhập chúng ta sẽ đọc bài Kinh tùy ý và sau đó kết thúc. Lời dẫn nhập tiếp nối sau khi chúng ta đã thắp nhang và vái lạy. Thông thường chúng ta hay đọc bài Nguyện Hương, rồi sau đó đọc Chí Tâm Đảnh Lễ, tiếp theo một bài Kinh như trên và kết thúc bằng bài Bát Nhã, bài Kệ Niệm Phật, Hồi Hướng, Sám hối và Quy y.
2. Trì Chú
Người Phật tử trì Chú để được đức Phật và các vị Bồ Tát trợ duyên tiêu trừ tà ác và gặp được điều lành. Chẳng hạn như
Phật tử trì Chú “Tiêu tai kiết tường” để tiêu trừ hoạn nạn, tai chướng;
Trì Chú “Lăng Nghiêm”: để phá trừ ma chướng và nghiệp báo nặng nề;
Trì Chú “Chuẩn Đề” để trừ tà diệt quỷ…
Tuy nhiên, vì những Phật tử tại gia còn bận rộn với cuộc sống gia đình nên chúng ta thường chọn trì Chú Đại Bi và Thập Chú là những Chú ngắn và dễ hiểu hơn để trì Chú. Khi Trì chú, các Phật tử cũng chú ý giữ thái độ trang nghiêm, từ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, trang phục chỉnh tề và đặc biệt trong suốt hành trì phải thành tâm mà khấn nguyện.
Ngay từ ban đầu khi chuẩn bị trì Chú, các Phật tử nên đặt ra mục tiêu mình sẽ trì Chú nào và trì bao nhiêu Biến (không nhất thiết phải trì đầy đủ Biến) và sau đó sử dụng hạt tràng chuỗi 18 hoặc 108 hạt để đếm. Các Phật tử có thể tiến hành trì chú ở bất cứ đâu: trên xe, tàu, trên giường ngủ, phòng khách và trang phục cũng có thể linh hoạt. Duy chỉ khi đứng trước bàn thờ Phật thì nhất thiết phải trang nghiêm và hành đủ lễ.
Cũng như tụng Kinh, hành trì trì Chú một cách bài bản nhất cũng cần phải có lời dẫn nhập và phần kết thúc. Phần dẫn nhập thì các Phật tử có thể chỉ tụng Pháp Giới, tụng Khẩu Nghiệp hoặc tụng Tam Nghiệp rồi sau đó đọc Nam Mô quan Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Đại Thượng Quan thế Âm Bồ Tát. Sau phần dẫn nhập chúng ta sẽ tiến hành trì Chú. Trì chú xong cũng kết thúc bằng một bài Hồi Hướng bất kỳ và lời cầu nguyện được vãng sinh tịnh độ, tùy theo sở nguyện của mỗi người.
Điều quan trọng nhất là khi trì Chú là các Phật tử phải chuyển hóa được tâm thức của mình để loại bỏ mọi ý niệm trần tục thì công năng mà những lời Chú mang lại mới thật sự hiệu quả và viên mãn.
3. Niệm Phật
Như trên đã nói, con người chúng ta luôn có cái “Tâm viên, ý mã”. Cho nên, Niệm Phật có nghĩa là chúng ta đang tưởng nhớ đến những tấm gương sáng như đức Phật và các vị Bồ Tát để chuyển hóa tâm tính của chính bản thân mình.
Khi niệm Phật, các Phật tử niệm danh bất cứ đức Phật nào cũng đều nhận được công đức vô lượng vô biên. Bởi vì đức Phật nào cũng đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phước trí vô biên và thương chúng sanh vô cùng tận.
Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta thường niệm Tam thế Phật: Niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; niệm đức Phật A-Di-Đà (đức Phật tiếp dẫn chúng ta về Tịnh Độ); và niệm đức Phật Di Lặc (đức Phật vị lai) là những đức Phật gần gũi và liên quan trực tiếp đến những sở nguyện của con người.
Khi tiến hành niệm Phật, cũng tương tự như Trì Chú, các Phật tử phải hoàn toàn từ bỏ ý niệm, thành tâm và khấn nguyện. Các Phật tử có thể niệm Phật trong tư thế thiền là tốt nhất. Thời gian và không gian hay hình thức niệm to, niệm nhỏ, niệm nhiều, niệm ít… đều có thể tùy vào hoàn cảnh của từng người mà linh hoạt sao cho phù hợp.
Nếu như các Phật tử niệm Phật tiếp theo khi đang hành trì tụng Kinh và trì Chú thì phần dẫn nhập chúng ta không cần nhắc lại, mà chỉ thêm phần Hồi Hướng. Còn nếu chúng ta đi vào niệm Phật luôn thì chỉ cần đọc bài A Di Đà thân Kim Sắc hoặc bài Chúng thích tử kiền thiền xưng tán Đức Di Đà rồi sau đó đi vào niệm Phật luôn. Các Phật tử nên chú ý đến thời lượng mặc định khi niệm Phật rồi sau đó tiến đến kết thúc bằng một bài Hồi Hướng bất kỳ và cầu nguyện Phật tùy theo ý nguyện của mỗi người.
Bài viết:" Cách thức Tụng Kinh – Trì Chú – Niệm Phật"
Bích Ngọc - Vườn hoa Phật giáo
Đoan Trang(TinTamLinh.Com)