Hiến tặng trong Phật giáo
Khái niệm “hiến tặng” trong Phật giáo
Hiến tặng, cách
nói khác của sự cho đi, là một nghĩa cử cao đẹp mà con người thường thể hiện
với nhau trong cuộc sống. Đó là cách chúng ta cho người khác những gì có thể
với lòng chân thành và trân trọng, kèm theo thông điệp ta muốn trao gởi đến
người nhận.
Thường thì sự cho đi ấy sẽ góp phần hỗ trợ và bổ sung những gì
người khác đang cần để giúp họ vượt qua khó khăn, bức bách, cấp thiết trong
cuộc sống về vật chất, đồng thời đem lại cảm giác ấm áp và được quan tâm về
tinh thần. Cùng một khái niệm “cho”, song tùy theo
đối tượng nhận, trường hợp hay hoàn cảnh mà nghĩa của từ này có những tên gọi
khác nhau như cho, biếu, tặng, cúng dường, bố thí…
Trong khi “hiến tặng” hay
“cho” theo cách hiểu thông thường của nhiều người là sự chia sẻ vật chất, thì
trong nhà Phật, nghĩa của từ này rộng hơn nhiều, bao gồm không chỉ bố thí vật
chất, mà còn bố thí Phật pháp, bố thí sự không sợ hãi, cũng như góp phần đem
lại sự bình an và hạnh phúc cho người và cho môi trường sống ta đang có mặt.
Hiện thân của từ bi và trí tuệ, Phật giáo mang sứ mệnh của một tôn giáo vị tha,
đem lại bao lợi ích thiết thực cho cuộc đời qua nghĩa cử “hiến tặng”.
Vì lẽ đó, khái niệm “hiến tặng” trong Phật giáo cũng bao quát nhiều phương diện trong cuộc sống và ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Bài viết này là một gợi mở về các cách hiến tặng trong Phật giáo thông qua sự thực hành các kỹ năng, đem lại lợi ích thiết thực cho mình và cho người.
Hiến tặng bình an...
Bố thí tài vật: tặng cảm thông cho đời
Theo quan niệm thông thường, bố thí thường được hiểu
là sự hiến tặng tài vật, là sự chia sẻ tiền bạc, của cải, tài sản... đến những
người cần giúp với sự cảm thông với người trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”
đượm tính nhân văn ở con người. Với một thái độ trân trọng hơn, sự bố thí tài
vật về bốn phương diện thức ăn, y phục, thuốc men và chỗ ngủ nghỉ của người
Phật tử dành cho chư Tăng Ni xuất gia được gọi là “cúng dường”.
Ở đây, đối tượng nhận không được xem là thiếu thốn cần giúp đỡ, mà chư Tăng Ni là biểu tượng của sự thiện lành, kết tinh những đức hạnh quý báu cần được phổ biến trong xã hội. Cúng dường là thể hiện tâm nguyện muốn góp phần nuôi dưỡng những hạnh quý ấy và làm cho những đức hạnh cao quý này lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Sự cúng dường thể hiện tinh thần chia sẻ về vật chất với chư Tăng Ni, những người không trực tiếp tạo ra của cải vật chất để nuôi thân, nhằm khuyến khích người xuất gia dành trọn vẹn thời gian và toàn tâm toàn ý cho con đường thực hành và hướng dẫn đời sống đạo đức ở nhân gian.
Không chỉ cúng dường, hiến tặng qua việc bố thí rất được đề cao trong cộng đồng Phật giáo, nhất là ở các nước châu Á. Thường ở các nước như Việt Nam, bố thí tài vật là một pháp tu, được thực hành thường xuyên trong gia đình có truyền thống văn hóa Phật giáo. Theo lời Phật dạy, bố thí được xem là một loại hương thơm cao quý, tỏa ra cùng khắp, theo mọi hướng, tạo ra nhiều tiếng lành, danh thơm cho xóm làng hay cộng đồng nơi chúng ta sinh hoạt (Tăng chi bộ, chương 3 pháp, phẩm VIII, kinh số 79). Với nhiều người, chỉ bố thí tài vật thôi đã được xem là “biết tu” và họ quan niệm đó là “tu phước”, cơ hội để tạo nhân giàu sang, sung sướng ở kiếp sau.
Khi thực hành bố thí, người con Phật cảm thấy trong
lòng rất vui, vì đã thể hiện được tâm từ của mình qua nghĩa cử cao đẹp này. Với
sự hiến tặng vật chất, người Phật tử gởi vào món quà trao tặng ấy một sự cảm
thông sâu sắc, sự chia sẻ từ đáy lòng.
Công đức bố thí, lợi ích bố thí, các
cách bố thí đúng pháp, các đối tượng tốt nhất nhận bố thí để được công đức
nhiều nhất, tâm ý người cho, người nhận, các thời điểm bố thí hợp lý nhất… được
trình bày khá nhiều trong kinh điển Nikāya, không thể kể ra đây trong phạm vi
giới hạn của một bài viết. Sự bố thí tài vật đầy đủ ý nghĩa là bố thí mà “tâm
không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa
thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí”(Tăng chi bộ kinh, chương
IV, phẩm VII, kinh 61).
Bố thí như gieo hạt giống thiện lành vào ruộng phước, đức hạnh của người nhận bố thí ví như chất lượng của mảnh ruộng để gieo giống và kết quả vụ mùa thu hoạch được tùy thuộc nhiều vào chất đất, cũng như vậy, công đức người bố thí tùy thuộc không nhỏ vào đức hạnh của người nhận (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm IV).
Như vậy, bố thí tài vật là một sự hiến tặng sự cảm
thông và chia sẻ đầy tình người thật đáng trân trọng và phát huy. Những nỗi đau
thực tế có thể dễ dàng quan sát như thiếu cơm, rách áo, nhà xiêu, bệnh tật ngặt
nghèo không thuốc men chữa trị… có thể được vơi đi, xoa dịu nhờ sự hiến tặng của tài thí.
Ngoài lợi ích ai cũng
có thể thấy là giúp người qua cơn túng quẫn, bức bách, khổ đau, việc bố thí
đồng thời cũng sẽ là món quà tặng lại cho chính người thực hành bố thí, đó là
tạo cho người bố thí có cảm giác rằng mình xứng đáng với tư cách là một con
người: có trí tuệ và tâm lành, bao dung trong suy nghĩ “của chung xài tạm, của
tạm xài chung” để thấy mình có thừa khả năng giúp đỡ kẻ khác với một tâm hồn
rộng mở.
Hành động bố thí cũng sẽ tạo ra một trạng thái tâm lý bình an, hoan hỷ, thoải mái trong tâm người cho. Với người Phật tử, bố thí là một pháp tu, là nối vòng tay lớn trong một thế giới duyên sinh và cộng sinh, làm nhòa đi ranh giới giữa người và người, góp phần tạo dựng một xã hội được vận hành bởi sự cảm thông, chia sẻ, độ lượng và đầy tình thương yêu. Bố thí tài vật, một nghĩa cử góp phần làm đẹp cho mình, cho người và cho đời ở nhiều mặt như vậy, tại sao ta lại bỏ lỡ cơ hội mà không thực hành?
Bố thí Pháp: tặng đường sáng cho đời
Sự hiến tặng
tài vật đáp ứng trực tiếp nhu cầu căn bản nhất của con người nên có ý nghĩa rất
lớn trong cuộc sống tương duyên tương kết này. Đức Phật cũng đã từng dạy “đói
là chứng bệnh lớn” (Pháp cú, câu 193). Muốn học đạo, tu tập gì đi
nữa thì cần phải no, nghĩa là những nhu cầu thiết yếu của đời sống cần phải
được đáp ứng. Điều này cũng phù hợp với mô hình “tháp nhu cầu” của nhà tâm lý
Abraham Maslow, rằng nhu cầu căn bản nhất về phương diện thể lý như ăn, mặc, ở
phải được đáp ứng trước, sau đó con người mới có thể hướng đến nhu cầu tình
cảm, tinh thần và tâm linh.
Vì nhu cầu vật chất quan trọng đến vậy, nên khi nói đến bố thí, nhiều người chỉ nghĩ đến sự cho tặng vật chất. Thế nhưng, quá chú trọng về bố thí tài vật và “bỏ quên” phương diện bố thí Pháp thì hiệu quả của sự hiến tặng rất hạn chế, vì vật chất chỉ mang lại lợi ích tạm thời và ngắn hạn. Bố thí Pháp mới là cách hiến tặng món quà tinh thần và tâm linh vô giá ở đời, giúp cho người nhận học được kỹ năng sống hạnh phúc, bình an ở hiện tại và tương lai, “bảo hành” hạnh phúc không thời hạn cho người nhận. Đức Phật dạy, “Có hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí Pháp. Trong đó, bố thí Pháp là bố thí tối thượng” (Kinh Phật thuyết như vậy, chương IV, phẩm I, Iti 101; Tăng chi bộ kinh, chương Hai Pháp, phẩm XIII).
Trong Tương
ưng bộ, Tập I, chương I, phẩm 5, Đức Phật nhấn mạnh “bố thí pháp là cho
sự bất tử” đủ thấy sự thù thắng và vi diệu của Pháp thí. Điều này chúng ta
dễ dàng cảm nhận được lợi ích vượt trội của Pháp thí vì tài thí góp phần giúp
người ta giải quyết những bức bách, khó khăn, thiếu thốn trước mắt nhưng chỉ có
tác dụng nhất thời và tạm thời.
Trong khi đó, Pháp thí là sự chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm tu tập để mở ra một con đường sáng, giúp người khác nghệ thuật sống thanh cao và hướng thượng, tĩnh lặng và an lạc. Đây là sự hiến tặng bình an, hạnh phúc chân thật cho người khác. Sự hiến tặng này có giá trị vô cùng to lớn, có thể giúp người khác thay đổi cả cuộc đời theo hướng tích cực nhờ vào nhận thức, thái độ sống và những trải nghiệm thực tế của mình. Sự hiến tặng cao quý này đem lại nhiều lợi ích cho cả người nhận lẫn người cho không chỉ trong hiện tại mà còn kéo dài hơn cả giới hạn của một đời người..
Ta không thể
cho đi những gì mình không có. Do vậy, muốn bố thí Pháp, ta phải học pháp thật
thấu đáo và thực hành pháp thật nhiều để có những trải nghiệm sinh động, từ kỹ
thuật, đến kỹ năng, dần đến thuần thục để sự thực hành pháp trở thành một nếp
sống tự nhiên thì mới có khả năng chia sẻ pháp với người khác.
Khi bố thí Pháp,
pháp vẫn còn ở lại với người cho, thậm chí còn nhiều hơn, như người mồi đèn,
giúp các ngọn đèn khác sáng, ngọn đèn ban đầu càng tỏa sáng nhiều hơn. Khi chia
sẻ, giảng giải, hướng dẫn người khác sống theo pháp, hiểu biết của ta sâu hơn,
trải nghiệm của ta chín hơn và thuần thục hơn. Nói cách khác, pháp càng cho
nhiều, càng có nhiều hơn.
Thêm vào đó, người nhận giáo pháp sống với tâm an lạc lâu dài, vì hạnh phúc tinh thần cao quý và giá trị hơn nhiều lần so với sự thỏa mãn vật chất có từ tài thí. Do vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần có cái nhìn xác thực hơn, lấy kinh điển làm nền tảng, thoát ra khỏi thói quen truyền thống là chỉ chú trọng tài thí, mà chúng ta cần thực hành cả hai phương diện tài thí và Pháp thí thì mới được lợi ích và công đức viên mãn hơn ở phương diện hiến tặng này.
Duy trì nếp sống đạo đức: tặng thiện lành cho đời
Đức Phật đưa ra
một số nguyên tắc căn bản làm nên mẫu người đạo đức mô phạm, nêu gương điển
hình trong xã hội. Đó là người sống đạo đức chuẩn mực, biết xét mình và khởi
tâm hổ thẹn với chính bản thân cũng như xấu hổ với người khác về những lỗi lầm
của mình. Người ấy đặt mình vào quỹ đạo của đời sống thanh tịnh: nghĩ thiện,
nói lành và làm điều lợi ích cho mình và cho tha nhân. Người có nếp sống đạo
đức nuôi sống bản thân và gia đình bằng nghề chân chánh chứ không lừa gạt dối
gian để sống trên sự đau khổ của người khác.
Ngoài ra, người ấy còn có khả năng làm chủ cảm xúc, sống với nội tâm tĩnh lặng, xử lý các tình huống cuộc sống với trí tuệ sáng suốt, hợp tình hợp lý (Đại kinh xóm ngựa, số 39 Trung bộ). Đây là những hiến tặng về phương diện tinh thần và tâm linh được triển khai trong những phần còn lại của bài viết này bên cạnh giá trị của hiến tặng tài vật và hiến tặng giáo pháp.
Hiến tặng về cách sống lành mạnh, đạo đức là một
trong những đóng góp lớn nhất của Đức Phật cho cuộc đời về phương diện đạo đức
xã hội. Những phương pháp Đức Phật dạy để xây dựng đời sống đạo đức, đem bình
an cho bản thân và cho môi trường xung quanh cũng như con người trong môi
trường ấy rất phong phú, đa dạng tùy vào căn cơ, hoàn cảnh của người học mà
Ngài nói.
Nền tảng căn bản chung của nếp sống này là rèn luyện các quy điều đạo đức (giới), sự định tĩnh của tâm (định) và sử dụng trí sáng suốt (tuệ) để sống và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hợp lý mà hợp tình, được việc mình mà thuận lòng người, để cùng nhau sống trong an vui và hạnh phúc thật sự.
Căn bản nhất về nếp sống đạo đức là năm nguyên tắc sống dành cho người cư sĩ tại gia nhằm giúp người có lối sống thiện và lành mạnh, đồng thời hướng về con đường phát triển tâm linh trong cuộc sống đời thường. Năm tiêu chuẩn sống căn bản ấy được hiểu là: thứ nhất, tôn trọng quyền được sống nên không phương hại tha nhân và hạn chế đến mức thấp nhất sự sát hại sinh vật; thứ hai là tôn trọng quyền sở hữu tài sản hợp lý mà không tham lam, trộm cắp; thứ ba là tôn trọng quyền được hưởng thụ hạnh phúc chính đáng nên sống lành mạnh chỉ một vợ một chồng; thứ tư là ý thức được lợi ích cũng như tác hại của lời nói mà khéo sử dụng ngôn ngữ chân thật đem lại lợi ích; và cuối cùng là hiểu rõ giá trị của trí tuệ sáng suốt mà không làm cho tâm trí mê mờ bằng cách sử dụng quá mức các chất gây nghiện như rượu bia và các chất kích thích như ma túy… Đây là đạo đức cơ bản cho tất cả mọi người và là nền tảng để thiết lập hệ thống giới luật chi tiết và cụ thể cho người xuất gia.
Các nguyên tắc sống này phù hợp với tất cả những ai hướng đến đời sống đạo đức, thánh thiện, thanh tịnh, không luận là xuất gia hay tại gia. Thực hành các nguyên tắc này, chúng ta có nếp sống không lỗi lầm, bình an trong nội tâm, thân thiện với mọi người và chung sống hòa bình với môi trường xung quanh. Mỗi con người là tế bào của xã hội; nếu nhiều người trong cộng đồng có ý thức tự xây dựng cho bản thân mình nếp sống đạo đức mẫu mực này, cộng đồng sẽ bình an, cuộc sống nhiều niềm vui và mọi người sẽ tin yêu nhau nhiều hơn, cùng nhau kiến tạo một môi trường sống an hòa chung cho tất cả. Đây là cách thiết thực để hiến tặng bình an cho nhau và cho tất cả loài người, mọi loài, góp phần làm tươi mát môi trường ta đang sống.
Biết xét mình và có lòng hổ thẹn: tặng thanh thản cho đời
Người biết soi
xét lại mình sẽ có ý thức nhận lỗi và nỗ lực tránh những lỗi lầm tương tự trong
tương lai. Ai làm được điều này thì trong tâm họ có hai phẩm chất rất đáng khen
ngợi mà trong kinh gọi là tàm và quý. Tâm tàm là tâm lý xấu hổ với chính mình,
là sự tự trách, áy náy với việc sai trái mình đã lỡ làm, quyết kiềm chế tâm
không cho mình vi phạm.
Tàm quý là tâm lý hổ thẹn với người khi mắc phải
lỗi lầm, vì sợ phải xấu hổ với người mà tự nhắc mình phải vô cùng thận trọng
trước khi làm một việc gì. Đức Phật gọi hổ (với mình) và thẹn (với người) là
hai pháp trắng hộ trì thế gian.
Nếu không có hai pháp này thì người chẳng khác nào loài cầm thú (Tăng chi bộ I, chương II, phẩm I). Nhờ trong tâm có hai phẩm chất này mà chúng ta biết đắn đo, chùn tay, kịp dừng lại trước sự u mê của tâm trí và sai khiến của dục vọng thế gian. Cũng nhờ đó mà bản thân ta được bảo hộ, thế gian được bảo hộ, chuẩn mực đạo đức được duy trì, để ta sống xứng đáng là con người.
Với Đức Phật,
người nói dối không có hai phẩm chất hổ và thẹn này, và người như thế, Đức Phật
kết luận, không có việc ác gì mà không làm (Kinh Giáo giới Rahula ở rừng
Ambala, Trung bộ kinh, số 61). Đúng vậy, xã hội sẽ loạn nếu con
người cứ sống dối trá, lừa dối, lường gạt nhau vì lợi ích cá nhân mình. Ngày
nay, cách sống chụp giựt đang xâm thực vào một bộ phận không nhỏ trong xã hội,
niềm tin giữa con người với nhau không còn nhiều, sự rạn nứt và mâu thuẫn xảy ra
ngay cả với những người có mối quan hệ huyết thống hay giữa bạn bè thân thiết
từng gắn kết trong nhiều năm với nhau.
Do vậy, khi các mầm thiện trong tâm không được nuôi dưỡng và tưới tẩm, sự hợp tác, tin tưởng, chia sẻ trong mối quan hệ tình người ngày càng ít đi, thay vào đó là sự dè chừng, dò xét, nghi kỵ, đối phó nhau đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian và năng lượng của mọi người. Đức Phật gọi pháp chân thật, biết hổ thẹn với những lỗi lầm là pháp nên hành trì, nhờ đó các pháp thiện được tăng trưởng (Kinh Nên hành trì không nên hành trì, số 114 Trung bộ kinh) và người nào sống theo pháp này được gọi là “người chơn chánh đầy đủ Chánh pháp” (Tiểu kinh Mãn nguyệt, số 110 Trung bộ kinh).
Như vậy, đức tính hổ thẹn là biểu hiện của lòng tự trọng, một trong những yếu tố tạo nên đời sống đạo đức thiện lành, là nền móng cơ bản để xây dựng một xã hội lành mạnh. Người sống biết “xét mình trước, trách người sau” thường biết nhận thức đúng-sai trong hành động của mình để nhìn lại lỗi lầm và nỗ lực hơn cho dần hoàn thiện, chứ không “chuyền bóng” trách nhiệm cho người khác để chối tội. Cách sống đầy tinh thần trách nhiệm với sự bảo hộ của tàm và quý là sự hiến tặng sự thanh thản cho bản thân mình và an lành cho những người xung quanh.
Giữ thân khẩu ý thanh tịnh: tặng an lạc cho đời
Với người có
hành động về thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, tâm ý thanh tịnh, người ấy sẽ
không làm tổn hại đến bản thân mình và người khác. Trong kinh điển Nikāya, Đức
Phật dạy các đệ tử của Ngài, người xuất gia sống trong hàng ngũ Tăng đoàn cũng
như người cư sĩ tại gia, cần phải giữ sự thanh tịnh về thân, miệng và ý như là
một nếp sinh hoạt mô phạm trong cuộc sống thường ngày. Giữ cho ba phương tiện
tạo nghiệp này thanh tịnh, Đức Phật gọi đây là điều “đáng phải làm” (Đại
kinh xóm ngựa, số 39 Trung bộ kinh).
Về sau, trong quá trình phát
triển, các ý kinh này được chi tiết hóa thành nhiều quy điều của hệ thống giới
luật dành cho người xuất gia nhằm đảm bảo sự thanh tịnh cho mỗi cá nhân và hòa
hợp cho tập thể. Với người cư sĩ, sự thanh tịnh này được cụ thể hóa thành mười
thiện nghiệp: không sát hại sinh mạng, không trộm cắp, không tà hạnh trong các
dục, không nói sai sự thật, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói
lời ác, không tham, không sân và không si.
Đây là sự triển khai chi tiết và sâu hơn của năm nguyên tắc đạo đức nêu ở trên. Sự thực hành mười nghiệp lành này cùng những công đức, lợi ích của chúng được nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều bài kinh. Đức Phật gọi các thiện pháp này là “xa lìa các việc đời, tức là các việc đưa đến khổ đau, bất an và tổn hại, thành tựu giới luật bậc Thánh” (Kinh Potaliya, Trung bộ kinh số 54). Đây là các pháp được Đức Phật xác chứng là có khả năng đưa đến an lạc và hạnh phúc lâu dài (Tăng chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm XII, kinh số 65; phẩm XX, kinh 193).
Đức Phật phân
định rất rõ ràng ranh giới giữa thiện và ác. Ngài nói rõ: Người nào không tham, không sân, không si là người
thiện. Những người với tâm ý thanh tịnh như vậy, có làm gì về thân, về lời nói,
về ý, thì những việc ấy đều là thiện lành. Những người như thế có thể làm chủ
được tâm ý mình, không ỷ có sức mạnh cơ bắp mà vu cáo làm người khác đau khổ
bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất (Tăng
chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm XII, kinh số 69).
Nghĩ thiện, nói lành, làm lợi ích - chỉ thực hành bấy nhiêu thôi cũng đủ để hiến tặng sự bình an, không nguy hiểm cho người rồi. Đức Phật gọi những người thực hành mười điều lành này là những người thiên nam, thiên nữ dù đang sống ở cõi đời này (Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm VI, kinh số 54). Đó là những người đáng được tôn kính, đáng được tôn trọng (Tăng chi bộ kinh, chương Năm pháp, phẩm XIV, kinh số 139), là gương lành cho nhiều người cùng soi mà theo đó trau mình.
Đức Phật dạy rất chi tiết, cụ thể những việc cần làm
để giữ thân tâm thanh tịnh. Trong ba phương diện tạo tác, tạo tác của tâm ý là
quan trọng hơn cả. Ý là cội nguồn để phát sinh ra hành động của thân và của
miệng (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm VI, kinh số 63). Không quán
triệt giải quyết vấn đề từ sự khởi tâm tạo tác của ý, chế ngự hành động của
thân và của miệng cũng giống như bệnh mà không trị tận gốc, chỉ chữa triệu
chứng mà thôi thì không hiệu quả lại rước họa vào thân, giống như bắt rắn mà
không biết cách nên nắm lấy cái lưng hoặc đuôi để rồi bị rắn cắn (Trung bộ
kinh số 22: Kinh ví dụ con rắn).
Đức Phật chỉ rõ, nếu tâm không được chế
ngự thì mỗi bước chân đi, hành giả đều bị sa đọa, nô lệ cho những tác ý mang
tính bản năng. Người thực hành pháp cần thâu nhiếp mọi suy tư của mình, không
để dính mắc bất cứ vật gì, không làm hại bất cứ ai, không chỉ trích một ai,
sống hoàn toàn thanh tịnh, ví như con rùa biết thu rút các chi và cổ vào bên
trong mai rùa để tự bảo hộ mình (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 2).
Đức Phật dùng hình ảnh rất sinh động này để phác họa rằng, nếu hành giả không
thu thúc, hộ trì các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, để các căn đắm nhiễm
pháp trần, thì sẽ bị tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên và chi phối
hành giả, ví như con rùa, khi thò các phần của thân và cổ ra ngoài thì sẽ bị dã
can đang rình rập suốt ngày đêm để tấn công và ăn thịt. Để an toàn, con rùa
phải biết rụt cổ, thu các chi vào bên trong vỏ cứng. Người tu tập Chánh pháp
cũng nên như vậy để tránh được vòng cương tỏa của ác ma (Tương ưng bộ kinh, tập
IV, chương I, phần Bốn).
Ác ma ở đây là những pháp trần lôi cuốn, quyến rũ người thực hành pháp đắm chìm trong sự ham muốn thuận theo bản năng và đau khổ, xa rời mục đích giải thoát, hạnh phúc chân thật và an lạc lâu dài và có thể chứng được tri kiến vô thượng bồ-đề (Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm XX, kinh số 196).
Nuôi mạng sống thanh tịnh: tặng niềm tin cho đời
Mạng sống thanh tịnh là chọn nghề nuôi sống thân mạng chân chánh, không duy trì mạng sống trên nỗi khổ niềm đau của người khác. Nuôi mạng chân chánh được định nghĩa trong kinh là không tà mạng (Trường bộ kinh, số 22: Đại Niệm xứ), mà tà mạng là “lừa đảo, nói lời mê ly, hiện tướng, gian trá, lấy lợi cầu lợi”(Trung bộ kinh, số 117: Đại kinh Bốn mươi). Thật không khó cho ta hình dung một môi trường sống trong đó người và người không lừa đảo nhau, không dùng lời đường mật với dụng ý đen tối để đối xử nhau, không đạo đức giả, không mưu mô xảo trá, không lợi dụng kiểu thả con tép, bắt con tôm thì tâm mình khỏe nhẹ và an lạc biết dường nào!
Trong xã hội ai
cũng hướng đến sự chân thật trong công việc và các mối quan hệ con người, niềm
tin là sợi chỉ thắm xâu kết bao trái tim nhân hậu của mọi người trong cộng đồng
lại với nhau, nơi ấy sẽ không có hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái mà chất lượng sản
phẩm, uy tín con người cũng như sức khỏe cộng đồng là trên hết. Người với người
sống cởi mở, thân thiện nhau trong niềm tin tưởng, thương yêu như những người
thân trong một gia đình lớn.
Nơi ấy, con người không phải tiêu hao quá nhiều năng lượng để dò xét nhau, nghi ngờ nhau và đề cao cảnh giác, tự vệ mà thay vào đó, người ta dành thời gian và năng lượng để hợp tác nhau để cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống trong niềm an lạc hạnh phúc. Như vậy, chỉ cần nuôi mạng chân chánh thôi ta cũng đã hiến tặng quá nhiều hạnh phúc cho cuộc sống này rồi.
Nuôi mạng thanh
tịnh còn thể hiện ở việc tránh xa
các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường, hối lộ, gian trá, lừa đảo,
không làm tổn thương, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá (Trường
bộ kinh số 30: Kinh Tướng). Nếu ta tránh xa các việc kể trên trong
công việc làm ăn, ta sẽ là người sống thanh thản, vì không làm tổn thương đến
ai trong cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền, mà sống bằng đồng tiền “sạch” do
công sức và trí tuệ mình bỏ ra mà có.
Dùng các mánh lới phi đạo đức thì sớm muộn gì cũng đi đến phá sản, nợ nần, tù tội và tệ hại hơn là gia đình tan nát, có khi tìm đến cái chết nếu rơi vào tình thế túng quẫn đến cùng cực, bế tắc không tìm ra lối thoát. Cho rằng phải lừa đảo, mua già bán non, gian trá thì mới tồn tại trên thương trường, vì thương trường là chiến trường, chỉ là lời biện hộ của những người gian dối làm ăn theo thói chụp giựt, sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài. Người ta có thể lừa nhiều người trong một lần nào đó, hoặc có thể lừa một người trong nhiều lần, nhưng không thể lừa nhiều người trong nhiều lần.
Điều đáng buồn là trong xã hội hiện nay, sự chân thật trong nghề nghiệp, tử tế trong làm ăn, giao thương ngày càng mất đi, nhưng không vì thế mà người học Phật chân chánh dao động tâm mình. Hãy vững tin rằng chân thật có giá trị muôn đời, trước và trên hết là giúp ta sống với tâm khỏe nhẹ. Cuộc sống xã hội có quy luật đào thải khắc nghiệt của nó để câu trả lời cuối cùng là: chánh sẽ thắng tà, chân sẽ thắng ngụy. Chỉ cần làm ăn lương thiện, nuôi mạng sống bằng đồng tiền lương thiện từ đôi tay và khối óc của mình, ta được đền trả xứng đáng bằng cuộc sống thanh thản của một tâm hồn “trắng như vỏ ốc”, đồng thời ta đã hiến tặng cho đời một món quà thật lớn: món quà bình an, hạnh phúc và tự tại.
Làm chủ cảm xúc: tặng tự tại cho đời
Làm chủ cảm xúc, còn gọi là hộ trì các căn, là khả năng kiểm soát, quản lý và điều khiển những hành động có tính bản năng của con người để không dính mắc và khổ đau. Khi làm chủ tâm ý, dù mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý nhận thức các pháp trần mà không đuổi theo, không vồ chộp, không dính mắc thì chúng ta rất tự tại. Phương pháp hộ trì các căn được Đức Phật giảng giải khá chi tiết rằng, khi các căn tiếp xúc với môi trường bên ngoài, không đắm nhiễm, không để những đặc điểm tổng quát và các đặc điểm chi tiết của các yếu tố bên ngoài hấp dẫn, lôi cuốn ta thông qua các cửa ngõ giác quan. Những nguyên nhân gì khiến các căn không được chế ngự, khiến cho ta khởi tâm tham ái, lo buồn, bất an, các suy nghĩ xằng bậy, xấu ác khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì các căn, thực hành sự hộ trì các căn. Rất nhiều kinh diễn tả nội dung này, tiêu biểu như: Trung bộ kinh, số 39: Đại kinh xóm ngựa; kinh số 53: Kinh hữu học; kinh số 107: Ganaka Moggallana; kinh số 112: Sáu thanh tịnh; kinh số 125: Điều ngự địa; Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương I, phần III, phẩm 2, kinh số 120; tập IV, chương I, phần III, phẩm 3, kinh số 127.
Nếu để những
ham muốn tầm thường tự do hành hoạt, con người chỉ biết thỏa mãn dục vọng, bất
kể sự thỏa mãn ấy đem lại nỗi khổ niềm đau cho người khác. Một khi không đặt
dưới sự kiểm soát của tâm ý, con người có xu hướng muốn thỏa mãn dục vọng bằng
mọi giá, bất chấp thủ đoạn. Bản năng thỏa mãn dục vọng thấp kém là động lực
mạnh mẽ, vì những gì mang tính bản năng thường rất hung hãn và hoang dã. Sống
thuần túy với cảm xúc mà không có tuệ quán soi đường dẫn lối, con người quờ
quạng trong vùng mù của vô minh, nghĩa là ta ngu si câu móc cái tham trong tâm
với cái bẫy mỗi ở bên ngoài, để rồi chuốc lấy khổ đau lâu dài (Trung bộ kinh
số 25: Kinh Bẫy mồi).
Đức Phật không bảo ta tránh không tiếp xúc với các pháp trần để giữ tâm an tịnh, vì điều đó không thể, khi pháp trần luôn có mặt quanh ta. Cách thực tế và hiệu quả nhất là khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nếu ta làm chủ được tâm ý, kiểm soát, làm chủ và điều khiển được các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý để không chìa những cái móc tham dục vào cái bẫy của sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp, nhờ đó không tạo đau khổ cho mình và cho người.
Nếu đặt những cảm xúc vốn có bản chất bạo loạn và hoang dã này dưới sự giám sát, kiểm soát, chế ngự, điều khiển, hộ trì của tâm, thì chúng ta ở thể chủ động và không bị bức bách, câu thúc từ bên trong, khi ấy môi trường bên ngoài không thể quyến rũ, mê hoặc và làm ta say đắm được. Phải dùng trí tuệ quán chiếu hậu quả đau khổ lâu dài do tham và sân gây ra. Đức Phật nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong kinh rằng “các dục vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn” (Trung bộ kinh số 14: Tiếu kinh khổ uẩn, kinh số 22: Kinh ví dụ con rắn). Nhờ làm chủ tâm ý, kiểm soát và hộ trì các căn, hành giả có nội tâm an lạc, không ô nhiễm (Trung bộ kinh, số 51: Kinh Kandaraka). Làm chủ cảm xúc là quà tặng cho chính bản thân mình và cho người khác với sự bình thản, nhẹ nhàng, yên tĩnh và tự tại.
Giữ tâm tĩnh lặng: tặng bình an cho đời
Chú tâm cảnh giác là một nguyên tắc quan trọng khác để có thể giữ thân, miệng, ý thanh tịnh không lỗi lầm, thiết lập đời sống nội tâm bình an, đồng thời hiến tặng sự không nguy hiểm, bình an cho những người xung quanh. Hành giả cần phải có chánh niệm tỉnh giác và phản tỉnh tâm mình thường xuyên trong mọi lúc mọi nơi. Với sự tỉnh giác và phản chiếu nội tâm này, hành giả có thể hiến tặng cho đời sự tĩnh lặng và bình an. Trong quá trình này, thiền định là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hành giả thành tựu được mục đích này.
Đức Phật dạy chư đệ tử phương pháp duy trì chánh niệm như sau: trước hết, phải chọn một môi trường thích hợp để hành thiền. Nơi ấy cần yên tĩnh, thanh vắng mà theo truyền thống trong kinh là “một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm”. Một nơi như thế sẽ hỗ trợ tốt cho hành giả tập trung quán chiếu tâm mình mà không bị sự chi phối của môi trường xung quanh. Thời điểm tốt nhất để thực hành thiền chánh niệm này là “sau khi ăn xong và đi khất thực trở về”. Để có thể minh mẫn thực hành thiền, Đức Phật dạy chư đệ tử một cách rất khoa học là không ăn quá nó, nếu không, sẽ sanh tâm lười biếng, uể oải, buồn ngủ, ngầy ngật, không thể thiền quán được. (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương II, phẩm 1). Tư thế ngồi là kiết-già, lưng thẳng và bắt đầu an trú chánh niệm trước mặt.
Với cách thực hành này, với chánh niệm tỉnh giác,
hành giả “từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gột rửa tâm
hết dục tham. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn
thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận, chánh niệm tỉnh
giác, không còn nghi ngờ đối với thiện pháp.” (Trung bộ kinh, số 51:
Kinh Kandaraka; Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương I, phần III, phẩm 2,
kinh 120; tập IV, chương I, phần III, phẩm 3, kinh số 127).
Một người với tâm ý hoàn toàn thanh tịnh nhờ chú tâm tỉnh giác trong thiền định như vậy có khả năng đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người vì tâm không còn tham lam, sân hận và si mê và các pháp chướng ngại chi phối.
Chánh niệm tỉnh giác được thực hành không chỉ
trong những lúc thiền quán như được mô tả trong kinh điển mà còn phải ứng dụng
kỹ năng chánh niệm này trong các hoạt động thường ngày để luôn ý thức và làm
chủ mọi hành vi, cử chỉ của mình trong cuộc sống, duy trì chánh niệm liên tục,
không gián đoạn trong mọi lúc, mọi nơi, ban ngày cũng như ban đêm, thức cũng
như ngủ, trong tất cả các tư thế đi đứng nằm ngồi.
Kinh ghi lại rằng “ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp, ban đêm trong canh giữa, vị này nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy lại. Ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp. Như vậy là vị Thánh đệ tử chú tâm cảnh giác” (Trung bộ kinh, số 53: Kinh hữu học; số 125: Điều ngự địa). Điều quan trọng là phải gột sạch tâm trí khỏi các pháp chướng ngại trên con đường thực hành.
Cụ thể hơn nữa, trong một số kinh, chánh niệm tỉnh giác được mô tả chi tiết hơn, rằng trong mọi hành động, đều phải chánh niệm: “Khi đi tới, khi đi lui, tôi đều tỉnh giác. Khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh, tôi đều tỉnh giác. Khi co tay, khi duỗi tay, tôi đều tỉnh giác. Khi mang y kép, y bát, tôi đều tỉnh giác. Khi ăn, uống, nhai, nuốt, tôi đều tỉnh giác. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, tôi đều tỉnh giác. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng, tôi đều tỉnh giác” (Trung bộ kinh, số 27: Tiểu kinh dấu chân voi; kinh số 38: Đại kinh đoạn tận ái; kinh số 39: Đại kinh xóm ngựa; kinh số 51: Kandaraka; kinh số 107: Ganaka Moggallana; kinh số 112: Kinh Sáu thanh tịnh; kinh số 125: Kinh Điều ngự địa; Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm XX; kinh số 198; chương Mười pháp, phẩm X, kinh số 99). Điều này có nghĩa là, cần phải luôn luôn nhận rõ, chủ động kiểm soát, hộ trì, chế ngự và điều khiển tâm ý mình tránh các điều xấu ác, giữ tâm thanh tịnh, không khởi tham vọng, không giận dữ, không si mê ảo giác. Nhờ đó, chúng ta sẽ không gây ra thiệt hại và sai trái cho mình và cho người khác. Đây là sự hiến tặng sự sáng suốt, bình an, thanh bình và tĩnh lặng cho tất cả.
Hiến tặng cho đời: mỗi ngày ta chọn nhiều niềm vui
Sống trên đời, biết hiến tặng những gì tốt đẹp
nhất là cách ta trả ơn đời thiết thực nhất. Với những cách hiến tặng trong Phật
giáo, chúng ta thấy rằng ai cũng có khả năng hiến tặng nhiều thứ cho cuộc đời
này. Nếu có khả năng về tài vật, ta có thể chia sẻ chúng với người khác, bằng
không, ta sẽ hiến tặng những món quà phi-vật-chất như hướng dẫn người sống
thiện lành theo lời Phật dạy qua món quà Pháp thí cao thượng.
Thêm vào đó, ta còn có những món quà vô giá khác là nhân cách, phẩm hạnh, nếp sống đạo đức không lỗi lầm, không bị tham dục, sân giận và si mê chi phối ta đều có thể hiến tặng. Như vậy, đâu nhất thiết dư dả tiền bạc, của cải vật chất dồi dào mới có thể cho người. Sự hiến tặng đâu chỉ là vật chất. Nếu không đủ duyên bố thí tài vật, ta còn nhiều cách hiến tặng còn thú vị và ý nghĩa hơn nữa mà.
Đức Phật có dạy rằng nếu người nào giữ lòng tịnh tín, quy y Tam bảo và giữ tròn 5 giới căn bản, thì đó là đại bố thí và là nguồn công đức vô lượng cho chúng sinh, đã san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không não hại (Tăng chi bộ kinh, chương Tám pháp, phẩm IV, kinh số 39). Gọi là đại bố thí vì khi tuân giữ các nguyên tắc sống đạo đức nền tảng này, người ấy mang lại sự an lành, thương yêu, hài hòa, bình an và hạnh phúc đến cho mọi người, mọi loài sống chung quanh người ấy một cách ổn định và lâu dài.
Bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong các hội
chúng khác nhau, vào các thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời hoằng hóa, Đức
Phật gởi đến tất cả những ai hướng về đời sống chân-thiện-mỹ bức thông điệp
chung rằng sự kiểm soát và làm chủ tâm ý, hộ trì thân, miệng và ý, chánh niệm
tỉnh giác trong từng sát-na sống, xây dựng một nếp sống đạo đức đúng nghĩa là
một cách hiến tặng sự bình an và hạnh phúc không giới hạn cho chính mình và cho
tất cả mọi người.
Được như vậy, mọi người cùng nhau thiết lập một xã hội lý tưởng theo mô hình đạo đức kiểu mẫu mà Đức Phật đã xây dựng. Mỗi người đều ý thức nỗ lực và nhân rộng sự thiện lành này dần ra trong cộng đồng là một cách sống tích cực, góp phần xây dựng một xã hội mình đang sống ngày càng đẹp hơn, thuần thiện hơn, bình an và hạnh phúc nhiều hơn.
Trong cuộc sống, cách hành xử nhằm làm giảm bớt sự tham lam, giận dữ và ảo giác của mình cũng sẽ gián tiếp giúp cho những người chung quanh bớt khổ sở hơn, vì họ không còn phải đối đầu với những thứ ấy mà mình có thể gây ra cho họ.Thực thi sự hiến tặng, không nhất thiết chỉ là những món quà có giá trị vật chất, mà ở những món quà cao quý hơn là bình an và hạnh phúc đến từ sự thực hành một nếp sống đạo đức, trau rèn nghị lực để làm chủ bản thân, tập lòng khoan dung, nuôi dưỡng tâm ngay thật và lương thiện của mình nữa.
Với sự hiến tặng đa dạng và phong phú như vậy, chúng ta ai cũng có thể làm được để cùng chung tay xây dựng một thế giới rộng mở, một cuộc sống an hòa và hạnh phúc thật sự được kết tinh từ những chất liệu của trí tuệ và tình thương yêu thuần chân nhất thông qua quá trình chuyển hóa tự thân.
Liên Trí
Ngọc Sương (TinTamLinh.Com)