NSGN - Mỗi kiếp, rút kinh nghiệm được một chút thì một lúc nào đó, hiếu hạnh sẽ được thực hiện nhuần nhuyễn...

Hiếu hạnh

NSGN - Mỗi kiếp, rút kinh nghiệm được một chút thì một lúc nào đó, hiếu hạnh sẽ được thực hiện nhuần nhuyễn...

Từ nhỏ đến lớn

Là đến khi cha mẹ mất, chẳng bao giờ nghe ông bà nhắc đến hai chữ hiếu hạnh. Chưa hề nghe ông nói: “Con phải hiếu hạnh với mẹ cha”. Chỉ nghe ông bảo: “Mẹ ngủ, con đóng cửa nhẹ thôi”. “Con đi khẽ thôi, không thì mẹ thức giấc”. “Con lớn hơn em thì phải nhường em một chút”. Chỉ là những việc lặt vặt như thế. Có lẽ ông nghĩ tôi còn quá nhỏ, chưa đủ để ý thức về hai chữ hiếu hạnh nên không nói. Còn tôi, tuân lệnh cha vì sợ ông hơn là ý thức điều đó cần thiết cho mình hay cho một gia đình êm ấm. Cũng không ý thức đó là biểu hiện của lòng hiếu hạnh. Cho đến ngày, tôi có thể ý thức được ít nhiều về một vấn đề gì đó thì ông đã không còn.

chutieuy.jpg
Mình nuôi dạy con, không mong tương lai nó nuôi lại mình.
Chỉ cần chúng lo được cho bản thân là đủ - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Mẹ, lại càng không nói. Mẹ sống lâu hơn cha mười mấy năm, nhưng cũng không hề nghe bà nói gì về hai chữ hiếu hạnh. Có thể, bà không biết gì về món quà mà con trẻ được ban tặng do việc hiếu hạnh mang tới. Có thể, với bà hiếu hạnh không cần thiết cho cuộc đời con trẻ bằng nghề nghiệp và tiền bạc. Cũng có thể bà biết tất cả nhưng không nói, vì nghĩ nói ra chắc gì nó đã nghe v.v... Có rất nhiều lý do khiến hai chữ hiếu hạnh không đến tai tôi. Chỉ không biết chính xác là lý do nào. Sống với mẹ ngần ấy năm mà chẳng hề biết con người mẹ thế nào, mẹ suy nghĩ ra sao…

Cho đến ngày mẹ mất

Đó là lần đầu tiên, tôi ý thức ít nhiều về thứ mà thiên hạ gọi là tình mẫu tử thiêng liêng.

Tôi đã khóc và nói với chư Phật rằng tôi bất hiếu. Thân tuy lớn mà trí không hơn đứa con nít. Chưa đủ lớn để ý thức về những gì nên làm và không nên làm đối với mẹ cha.

Tôi đã nói với chư Phật, là tôi mong muốn gặp lại bà để làm những gì mà tôi chưa làm được. Tôi tin có kiếp trước, kiếp sau và tin những kẻ hữu duyên sẽ gặp lại nhau. Tôi đã nguyện khi nào gặp lại mẹ, sẽ làm mọi thứ để trả cái hiếu chưa tròn.  

Mẹ mất, tôi tụng tám vạn biến chú vãng sinh như thiên hạ đã dạy. Ngày đó chưa biết tu là gì. Cũng chưa gặp được Hòa thượng. Còn đang lang thang đây đó. Người ta chỉ cái gì, chỉ biết thành tâm làm cái đó. Tụng hơn tám vạn biến. Dư chút đỉnh phòng cho thiếu sót.

Ngày cha mất, mẹ mang tiền cúng dường khắp nơi. Tôi cũng làm như thế cho bà. Tôi đi khắp các chùa ở Sài gòn, Biên Hòa, Thủ Đức để làm việc đó. Hy vọng mẹ được bình an.  

Mẹ mất, hai mắt không nhắm sát. Người ta nói: “Tại đi mà tâm không yên”. Tôi vuốt mắt cho bà cũng không thấy động tịnh. Anh vuốt, bà chịu nhắm. Tại anh hứa chăm sóc hai đứa nhỏ. “Mẹ cứ yên tâm mà đi”. Và bà đã yên tâm. Anh hiểu bà hơn tôi. Chẳng trách ngày còn sống, bà rất thương anh. Anh trưởng thành và mềm mỏng. Tôi thì cái gì cũng cứng ngắt, lại hay nóng nảy, hở chút là nhăn với bà.

Khi bà đi, phải thay cho bà đúng cái áo mà bà thích. Bà thích cái áo xanh bông trắng tôi đã mua tặng bà tết năm đó. Bà không thích cái áo màu lam, nên cứ dán chặt người xuống giường, không cho ai thay áo. Đến khi mang đúng cái áo đó ra, mọi thứ mới yên ổn. Người ta nói kiểu đó khó siêu thoát…

“Khó” không có nghĩa là “không”.

Thánh nữ Bà-la-môn trong kinh Địa Tạng, vì mẹ mà phát tâm trải dài sanh tử độ thoát chúng sanh trong ba đường khổ. Nguyện khi nào chúng sanh thành Phật hết rồi, cô mới thành Phật. Bà cụ thoát khỏi địa ngục, sanh thiên và đời vị lai cũng thành Phật, độ vô số chúng sinh. Trên đời này, không có gì không giải quyết được nếu biết cách giải quyết.

Tôi đến với đạo, không phải vì có hiếu với mẹ cũng không vì để trả hiếu cho mẹ, chỉ là vì thấy cuộc đời bế tắc quá, không có đạo chắc sống không nổi.

Không biết đã lần nào dám phát nguyện để cứu mẹ thoát chốn tam đồ chưa. Chỉ nhớ một lần, trong cơn mơ, thấy mẹ buồn buồn, tôi đã ôm bà vào lòng và phát thệ nguyện rằng: “Nguyện đời đời trải dài sanh tử, độ thoát tất cả chúng sanh trong các đường khổ để mẹ được yên vui mãi mãi”. Nguyện xong, thấy mưa gió sấm sét đầy trời. Chắc tại phát tâm hùng hồn quá. Hùng đến nỗi tỉnh hồn dậy luôn. Thành thứ gì cũng dễ quên mà phần phát nguyện đó vẫn nhớ. Chỉ là… trong mơ.

Tu là báo hiếu 

Hiếu hạnh được dạy rất kỹ trong các kinh luận. Nhưng tôi thấy người ta hay đồn thổi đạo Phật không bàn đến hiếu hạnh. Chắc tại thấy bỏ cha bỏ mẹ đi tu, nên tưởng đạo Phật chỉ dạy cắt ái ly gia, không ngó gì đến cha mẹ. Thật ra Phật dạy rất kỹ về hiếu hạnh, về việc con cái phải hiếu hạnh với cha mẹ thế nào. Dù trong cái duyên phải bỏ cha, bỏ mẹ đi tu thì trong việc đi tu ấy đã có sẵn phần công đức hồi hướng cho cha mẹ. Ở nhà lo cho cha mẹ chưa chắc đã bằng xuất gia tu hành, rồi dùng công đức tu hành đó hồi hướng cho cha mẹ. Đối với con cái cũng vậy. Mình lo toan cho chúng, không bằng mình tu hành cho có công đức, rồi dùng công đức đó hồi hướng cho chúng.

Nghe tới đó, đừng hỏi tôi “biết vậy sao còn ở đó, không xuất gia”?

Chỉ là nằm ở quan điểm của chính tôi: Tu là ở tâm, không phải ở chùa hay ở nhà. Ở nhà mà chịu trừ bỏ tham sân, phá bỏ những nghiệp tập của mình, đó là tu. Vào chùa, nếu buông lỏng thương ghét, phát huy phân biệt, thêm lớn cao mạn thì tuy có “đi” mà không có “tu”. Ở nhà, nếu chạy theo tham dục, hết tán dốc, lại lên mạng, rồi coi ti-vi, không niệm Phật, cũng không tụng kinh, không có chút thời khóa tu tập nào cho mình thì không tu. Vào chùa, nếu giữ vững giới luật, thời khóa tu hành nghiêm túc và làm lợi ích cho mọi người, đó là tu. Dù chưa thể thực hành công phu miên mật, chỉ mới dừng ở mặt giữ giới và giúp đỡ mọi người, như một Trưởng lão thời Phật Bảo Tạng,(1) vẫn quý vô cùng.

Thời Đức Bảo Tạng Như Lai, chúng hội đông. Trong việc tu tập, Phật dạy rằng: “Nên nhớ thiền định. Chớ có giải đãi. Cũng cần tìm phương tiện tụng tập kinh giới”. Trong chúng, nhiều người không làm được. Như Lai phải hạ cấp xuống: “Tỳ-kheo nào mà các căn ám độn, không thể thực hành thiền pháp thì nên tu ba pháp của bậc thượng nhân. Đó là tọa thiền, tụng kinh và siêng năng giúp đỡ việc chúng”. Trưởng lão do tuổi đã lớn không kham nỗi thiền pháp, nên đã suy nghĩ: “Ta nay đã già yếu, không kham nổi thiền pháp, nay nên tìm cách làm pháp siêng năng giúp đỡ”. Nghĩ rồi, liền quyết định vào thành, xin dầu thắp đèn về cúng dường Đức Bảo Tạng Như Lai, khiến ánh sáng không dứt. Rồi nguyện mang công đức đó hồi hướng, để tương lai luôn gặp được pháp hội như vậy, Thánh chúng như vậy, nghe pháp như vậy, và tu tập mà thành tựu quả vị Phật trong tương lai. Sau đó Trưởng lão thành Phật, hiệu là Nhiên Đăng Như Lai.

Thành với tôi, nói đến tu, thì ở nhà hay ở chùa đều tu được, vấn đề là có tu hay không. Dù là tu ít mà có tu, rồi dùng công đức tu hành ít ỏi đó hồi hướng cho con đường thành Phật của mình là được. Cũng y công đức đó mà hồi hướng cho những kẻ hữu duyên. Còn vào chùa mà việc chung không làm, tu cho bản thân cũng không tu, giới luật cũng không giữ, thì thôi nên ở nhà, vào chùa thêm rầu nồi canh của thiên hạ.

Hiếu hạnh không nên đặt ở môi

Ngày còn mẹ, hiếu không tròn. Mẹ mất, người ta nói không siêu thoát. Thành làm việc gì cũng hay nghĩ mẹ còn đó. Đã nghĩ mẹ còn đó thì… “làm vậy mẹ buồn, mẹ lo”, đương nhiên không làm nữa. Tâm mình đối với con cái thế nào, cứ y tâm đó mà làm cho mẹ.

Mình nuôi dạy con, không mong tương lai nó nuôi lại mình. Chỉ cần chúng lo được cho bản thân là đủ. Còn ở đời, không thể tránh được những bất trắc. Vấn đề là thái độ của chúng đối với những bất trắc đó thế nào? Vững chãi hay suy sụp? Con cái không tự lo được cho bản thân hoặc suy sụp trước những bất hạnh của mình, cha mẹ sẽ chẳng yên. Thành với tôi, việc tự lo cho bản thân và vững chãi trước những nghịch cảnh hay cám dỗ, là nhân tố quan trọng trong mục báo hiếu. Nếu tôi có định, có tuệ và tạo được nhiều phước đức cho mình, nhất định cha mẹ yên vui. Cái yên vui đầu tiên, là không phải lo lắng vì sự yếu kém ngu si của con cái. Cái yên vui thứ hai là biết con cái không còn rơi vào các đường khổ. Bản thân con cái cũng yên vui, không chỉ do định tĩnh được trước những hiểm nguy mà còn có công đức hồi hướng cho cha mẹ, dù ông bà chỉ nhận được 1/7 công đức đã tạo dựng đó(2).

Khi thấy gia đình bên cạnh, anh em tranh giành tố tụng lẫn nhau, dân phố rồi đến công an phải vào tận nơi giải quyết sự việc. Còn đứa con gái, khi lo cho em út, chỉ biết lo chứ không quan tâm em út đối xử với mình thế nào. Tốt cũng được. Không tốt cũng được. Tôi nhận ra rằng: Việc anh chị em trong nhà hòa thuận, thương yêu và biết đùm bọc lẫn nhau để giữ gìn truyền thống êm ấm của gia đình, cũng là cái duyên khiến cha mẹ vui lòng. Việc này đòi hỏi sự chung sức của anh chị em trong gia đình. Chung sức được thì khỏe. Không chung sức được thì mình làm một mình. Người đời không thể giải quyết sự việc êm đẹp, vì họ không thể bỏ qua những gì xúc phạm đến họ. Nhưng với người tu, nếu thật có đạo trong người, thì không có gì không thể làm được. Có đạo là có tình thương. Những gì người đời không thương được, người có đạo vẫn thương được. Đã lấy từ tâm làm nền tảng thì mọi việc nhất định xong. Cha mẹ thấy mình xử sự khi nào cũng với lòng rộng mở thì nhất định yên tâm. Nếu việc đã không thuận, mà còn đay nghiến, ghét bỏ, đi rao cùng khắp thiên hạ, cốt giữ uy tín cho mình thì chỉ tạo thêm rạn nứt, mà uy tín chưa chắc đã giữ được. Chẳng ích lợi gì cho mình và cho anh chị em trong nhà, lại còn bôi tro trét phấn lên mặt cha ông.  

“Giữ gìn truyền thống gia đình”, là lời dạy của Đức Phật dành cho gia chủ Ca Thi La Việt(3), khi cha ông qua đời. Đương nhiên phải giữ gìn những gì thuộc thiện pháp. Đó là lời Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia không tu giải thoát. Nhưng tôi thấy nó cũng giúp mình buông xả khá nhiều trong những quan hệ giao tiếp không vui. Chỉ cần nghĩ làm vậy là phá vỡ hết những gì cha mẹ đã gầy công tạo dựng là tự nhiên tâm mình buông xả dễ dàng. Thành việc giữ gìn truyền thống này cũng giúp buông đi những loại ý nghiệp bất thiện. Ý nghiệp đã buông thì thân nghiệp khẩu nghiệp cũng buông. Nó giúp mình nghĩ đến cái chung mà bỏ đi cái tâm riêng tư nhỏ hẹp của mình. Mình tu thiền thì được cái lợi là người đời giữ gìn mà có khi rơi vào định chấp. Mình tu thiền, nhờ giữ mà buông. Buông ở mình nhưng không chấp đối với người.

Cha không nói với tôi về hai chữ hiếu hạnh, nhưng cha dạy tôi cách thể hiện hiếu hạnh. Hiếu hạnh không thể chỉ dừng ở bờ môi chót lưỡi mà phải được thể hiện thành hành động ngay từ những ngày còn bé. Nhưng vì không ý thức được đó là hiếu hạnh, là việc tối cần thiết giúp con người hạnh phúc, nên tôi đã bỏ mặc nhiều thứ, chỉ làm những gì mà cha đã dạy trong những ngày cha còn sống. Không hề biết rằng bất hiếu khiến cuộc sống của mình ẩn nhiều bất hạnh.

Phật đã nói đến hiếu hạnh, dạy con trẻ cách hiếu hạnh, nói đến cái quả hạnh phúc mà con trẻ nhận được từ hiếu hạnh. Cũng nói bất hiếu đưa đến quả khổ thế nào. Nó giúp con trẻ ý thức nhiều hơn đối với việc hiếu hạnh.  

Nhẹ nhàng một chút vẫn hơn

Ngày nay, nhìn cách con cái thương cha mẹ theo kiểu “nhà binh”, tôi thường dùng từ đó để chỉ cho tình trạng khắt khe quy tắc mà con cái đối với cha mẹ, tôi nhớ lại cái thuở còn trẻ của mình. Khi mẹ làm việc gì đó cho tôi, nếu không đúng ý, sự bực bội liền xuất hiện. “Ai bảo mẹ làm, để yên đó đi”. Vì mẹ là mẹ mình nên nhiều khi lời ăn tiếng nói không cần giữ kẽ. Nhưng tôi không nói ở mặt đó. Tôi muốn nói đến mặt khác. Là mình chỉ quan tâm đến việc đúng ý hay không đúng ý của mình, mà không quan tâm tấm lòng bà đã dành cho mình. Đúng là không đúng ý mình, nhưng bà đã vì mình mà làm việc đó. Nếu mình nghĩ đến tấm lòng bà đối với mình, thái độ của mình sẽ khác đi. Nhưng mình ít nghĩ được như vậy, vì mình chỉ quan tâm đến cái ý của mình.  

Ngay cả những việc muốn tốt cho mẹ, mình cũng bắt bà phải theo mình, chứ không quan tâm đến phần tâm sinh lý mà bà phải gặp khi phải thay đổi một thói quen. Mình thiếu sự mềm mỏng, một phần vì chưa đủ trí tuệ để nhìn thấu mọi việc, một phần do tình thương của mình đối với mẹ không đủ lớn để có thể mềm mỏng hơn.

Shoun là một thiền sư thuộc tông Tào Động, cha Sư qua đời sớm, vì thế Sư phải săn sóc mẹ già.

Khi nào đến thiền phòng, Sư cũng mang mẹ theo. Và vì có mẹ, Sư không thể ở chung với các nhà sư khác. Sư phải dựng một cái chòi nhỏ để ở cùng mẹ. Sư chép thuê kinh điển để có tiền sinh sống và nuôi mẹ già.

Sư thường vào chợ mua cá cho mẹ. Mọi người bàn tán vì nhà sư thì không được ăn thịt cá. Sư không quan tâm nhưng bà cụ thấy đau lòng khi nghe người khác chế giễu con mình. Và vì thế bà ăn chay và trở thành một Ni cô.

Mẹ mất, Sư không có mặt ở nhà.

Khi sắp mất, Sư báo với đệ tử rằng Sư sắp ra đi vào lúc chính ngọ. Sư đốt hương trước mẹ và người thầy của mình, rồi làm bài kệ: “Tận lực năm mươi sáu năm nay/ Đã tạo đường riêng ở chốn này/ Mưa dừng mây hết trời quang đãng/ Trời xanh hiện hiển mảnh trăng đầy”. Sư đi khi tiếng tụng kinh của đệ tử đang vang vọng.

Người đời thường do ái luyến mà chu tất mọi sự. Nếu không ái luyến thì rơi vào bỏ mặc. Người có đạo, không bỏ mặc cũng không ái luyến. Chỉ vì duyên như thế thì làm như thế. Làm cho trọn. Nghiệp cũ tiêu đi.   

Giờ nếu còn mẹ, có lẽ cách xử sự của tôi sẽ khác. Có thể do tuổi đời chồng chất, kinh nghiệm thêm nhiều, mất mát đã xảy ra, nên con người thành như thế. Cũng có thể, do đạo trong người đã phát huy được ít nhiều, nên mình bớt chấp nhặt hơn đối với thế nhân. 

Dù là gì, thì mọi nên hư trong cuộc đời này đều được ghi nhận lại trong tạng thức của mỗi người.

Mỗi kiếp, rút kinh nghiệm được một chút thì một lúc nào đó, hiếu hạnh sẽ được thực hiện nhuần nhuyễn ngay từ khi còn nhỏ mà không cần phải đợi ai nhắc nhở mới biết. Nhất định là vậy. Mọi thứ sẽ thành tự nhiên khi chúng ta huân tập nó chuyên cần và có ý thức. Tổ Hiền Thủ nói “Tập lâu thành tánh” là vậy(4).

Chân Hiền Tâm

 ______________

(1) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 3, phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về Bát chánh (1). 

(2) Kinh Địa Tạng bổn nguyện.

(3) Kinh Trường bộ quyển 2, phẩm Lễ bái sáu phương.

(4) Hoa nghiêm kinh thám huyền ký - Tổ Hiền Thủ.


Về Menu

Hiếu hạnh

Cao เฏ Liễu Quán æåŒ åº Ăn chay làm giảm lượng phát thải 簡単便利戒名授与水戸 首座 ศ กษาพระพ ทธะว vang 心经 横浜 永代供養 Giàu có  描写家乡的桥的句子 福井県 寺院数 chá sự thật đằng sau thực phẩm æ ¹æ žå ç å² å šã ç ç Cánh diều quê 上人說要多用心 Ùng tue พลอย อ ยดา æ ˆå ƒ giác ngộ là gì 20 mß äº ç äº ç æ æ Rau mùi Gia vị ngon 佛教极乐世界指什么 le hang thuan net dep hon le trong nha chua luật lần thứ tư 梵僧又说我们五人中 สโตร ส รา 名闻心 上座部佛教經典 积极向上的名言警句 お寺との付き合い 檀家 ماتش مصر والراس الاخضر يلا lái åœ å æ³ สรวงส ดา สงร กษ 崔红元 彌å ä ç Ÿç nhá Phật giáo nhung dieu can biet ve le cung giao thua va le gat yeu thuong