Cà phê giúp chống lại ung thư da
GNO - Một nghiên cứu gần đây cho thấy người có thói quen uống cà phê được bảo vệ khỏi các khối u ác tính, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do ung thư da tại Hoa Kỳ.
Người uống từ 4 tách cà phê trở lên mỗi ngày
giảm được 20% nguy cơ phát triển các u ác tính
Theo báo cáo, người uống từ 4 tách cà phê trở lên mỗi ngày giảm được 20% nguy cơ phát triển các u ác tính so với người không uống cà phê. Kết quả này được đăng trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ ngày 20-1 qua.
Tác giả Erikka Loftfield, nghiên cứu sinh Đại học Y khoa Yale cùng đồng sự thuộc Viện Ung thư Quốc gia khẳng định: Vẫn phải bảo vệ mình khỏi tia cực tím và tránh phơi mình dưới nắng mới là cách tốt nhất để chống lại ung thư da.
Nghiên cứu này lấy dữ liệu từ khảo sát của Viện Y tế Quốc gia và Hiệp hội Hưu trí Hoa Kỳ, theo dõi 447.357 người đã nghỉ hưu trong 10 năm. Trong số này có khoảng 2.904 ca mắc u ác tính (một loại ung thư phát triển ở lớp trên cùng bề mặt da) và khoảng 1.874 ca đang ở giai đoạn đầu của u ác tính.
Theo tác giả, đây là nghiên cứu tiến hành trên quy mô lớn nhất từ trước đến giờ tìm hiểu về sự liên hệ giữa u ác tính trên da và cà phê.
Theo đó, người tham gia nghiên cứu cung cấp thông tin về sự hấp thụ cà phê của họ và các nhân tố tác động khác cũng được xem xét như chế độ thể dục, lượng cồn hấp thụ và chỉ số khối cơ thể. Và để dự đoán mức độ tiếp xúc với tia cực tím của người tham gia, nghiên cứu sử dụng dữ liệu của NASA.
Nghiên cứu đã cho thấy có khoảng gần 60% số ca ung thư da hàng năm uống ít nhất 4 tách cà phê mỗi ngày so với khoảng gần 78% số ca ung thư da hàng năm không uống cà phê.
Kết quả này được quan sát thấy ở người uống cà phê còn nguyên caffeine, chứ không phải loại đã trích xuất caffeine. Theo các chuyên gia, ngoài caffeine ra thì có thể vẫn có một số hợp chất khác trong cà phê đóng góp vào tác dụng này.
Tuy nhiên nghiên cứu trên còn một số giới hạn đối với tác dụng bảo vệ khỏi ung thư da bởi cà phê như các nhóm tuổi khác nhau, thói quen phơi mình dưới trời nắng của người tham gia, màu da,… Và các chuyên gia cũng chưa rõ chính xác là loại chất nào trong cà phê mang lại tác dụng này.
Đức Hòa (Theo Live Science)
Ngọc Sương (TinTamLinh.Com)