Thiền Sư Thanh Từ
- ĐẠI HUỆ HỎI:
Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ biết chỗ tâm nghĩ của chúng đại Bồ-tát, tên kinh
Thánh Trí Sự Phân Biệt Tự Tánh, nương sức oai thần của tất cả Phật, bạch
Phật rằng: Thế Tôn! Cúi xin vì nói kinh Thánh Trí Sự Phân Biệt Tự Tánh là
chỗ nương của một trăm lẻ tám câu. Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác y đây
phân biệt nói đại Bồ-tát vào tự tướng, cộng tướng, tự tánh vọng tưởng. Do
phân biệt nói tự tánh vọng tưởng thì hay khéo biết khắp quán sát nhân pháp
vô ngã, trừ sạch vọng tưởng, soi sáng các địa, siêu việt tất cả Thanh Văn,
Duyên giác và những cái vui thiền định của ngoại đạo. Quán sát cảnh giới
sở hành bất khả tư nghì của Như Lai, quả quyết lìa bỏ năm pháp tự tánh.
Pháp thân trí tuệ của chư Phật Như Lai khéo tự trang nghiêm. Khởi cảnh
giới huyễn, lên tất cả cõi Phật, Thiên cung Đâu Suất cho đến thiên cung
Sắc Cứu Kính, liền được pháp thân thường trụ của Như Lai.
Đây là hỏi tự tánh vọng tưởng, để hiển thánh trí, để phân biệt chấp tà.
Bởi do mê tự tánh mà thành vọng tưởng, tức ở chỗ vốn không tự tha, một lúc
liền có tự tướng cộng tướng nhanh chóng hiện bày. Như nhãn thức ban đầu
thấy sắc liền được tự tướng nhãn thức, vừa rơi vào phân biệt liền thành
cộng tướng. Đây đều là cảnh giới bất giác vọng tưởng. Tất cả Bồ-tát vào
đây mà thị hiện các thứ sai biệt đã có ở thế và xuất thế gian để kiến lập
thành một trăm lẻ tám câu. Nếu giác vọng tưởng không khác tự tánh, đây là
việc thánh trí, liền đạt tự tướng cộng tướng không thể được. Tất cả Bồ-tát
cũng không bỏ các thứ sai biệt đã có ở thế và xuất thế gian mà được chỗ
thầm bày của phi một trăm lẻ tám câu. Đó là lý do Như Lai phân biệt nói tự
tánh vọng tưởng. Bởi phân biệt vọng tưởng này không riêng có tự tánh. Thế
mới biết, tự tánh vốn tự không nhân, tự tánh vốn tự không pháp. Không nhân
không pháp nên hay trừ sạch vọng tưởng mà chẳng cần dụng công. Soi sáng
các địa mà không ngại viên dung, vượt khỏi cái vui thiền định của phàm phu
ngoại đạo, vào chỗ sở hành của Như Lai, danh tướng, vọng tưởng, y tha,
biến kế liền đó chóng không, chánh trí, như như, viên thành cũng không
thật có. Pháp thân trí tuệ chư Phật Như Lai này từ tự tánh vọng tưởng mà
phát minh tâm lượng. Có sự trang nghiêm đều là trang nghiêm tự tâm, liền
chuyển cảnh giới vọng tưởng của tự tâm hiện ra. Hiện cõi nước như huyễn
lên thiên cung như huyễn. Chẳng lìa tự tâm được pháp thân cứu kính thường
trụ Như Lai.
- PHÁ NGOẠI ĐẠO VỌNG CHẤP CÓ, KHÔNG.
Phật bảo Đại Huệ: Có một thứ ngoại đạo khởi vọng tưởng chấp trước có
không, nhân giác tri hết, tưởng như thỏ không sừng. Như thỏ không sừng,
tất cả pháp cũng lại như vậy. Đại Huệ! Lại có ngoại đạo thấy chủng,
cầu-na, cực vi, đà-la-phiêu, hình xứ, hoành pháp mỗi mỗi sai biệt. Thấy
rồi, chấp trước thỏ không sừng hoành pháp, khởi tưởng trâu có sừng. Đại
Huệ! Kia rơi vào hai kiến chấp, chẳng hiểu tâm lượng. Cảnh giới tự tâm
vọng tưởng tăng trưởng, thân thọ dụng kiến lập vọng tưởng căn lượng. Đại
Huệ! Tất cả pháp tánh cũng lại như thế, lìa có, không, chẳng nên khởi
tưởng. Đại Huệ! Nếu lại lìa có, không mà khởi tưởng thỏ không sừng, ấy gọi
là tưởng tà, vì kia quán nhân đối đãi. Thỏ không sừng chẳng nên khởi
tưởng, cho đến vi trần, tánh phân biệt sự, thảy đều không thể được. Đại
Huệ! Cảnh giới thánh ly, không nên khởi tưởng trâu có sừng.
Đây là chỉ rõ không đạt được tự tánh vọng tưởng, nên có ngoại đạo tà
chấp. Vọng tưởng từ bất giác tâm lượng mà khởi. Tâm không phải tướng động
do bất giác vọng sanh. Vọng sanh chẳng phải có, vọng diệt chẳng phải
không. Có, không cả hai đều vọng, luống tăng thêm bất giác, chẳng phải cái
gốc tâm lượng. Thế nên chẳng rõ tướng sanh, mới kẹt nơi vô minh, lầm chấp
căn thân khí giới ắt rơi vào nhân thường. Dù có quán nhân hết, lại trôi
vào đoạn diệt. Đây là thỏ không sừng cùng với trâu có sừng, bởi vì đối đãi
mà tưởng sanh. Tuy ở trong chánh pháp vẫn chưa dễ gì liền đó chóng lìa.
Bởi tâm lượng bản hữu chưa tròn thì mê tình bất giác khó hết. Biết rõ hiện
tiền chẳng phải có, rỗng lặng chẳng phải không, mà đương niệm chưa tạm
thấy, tưởng lặng lẽ vẫn thầm lớn. Nên nói “lìa có, không mà lại khởi tưởng
thỏ không sừng”. Tóm lại quán không bởi vì kẹt hữu. Đã tin rõ huyễn thì
đâu cần lại không, có chẳng thể được thì không từ đâu đối đãi. Nên nói
“cảnh giới thánh ly, cứu kính không nên khởi tưởng trâu có sừng”. Nhân
giác tri hết, như Số luận sư tột tám muôn kiếp mờ mịt không biết. Xét
biết các pháp trước mắt rốt cùng trở về hết sạch, đồng với sừng thỏ. Chữ
chủng là bốn đại chủng. Cầu-na dịch là y. Đà-la-phiêu dịch là trần. Hoành
pháp là các pháp sắp bày. Như Thuận thế sư thấy tứ đại chủng y cực vi
trần làm sanh nhân, bởi có các pháp sắp bày, mỗi mỗi sai biệt, cho nên
chấp thỏ không sừng, mà khởi tưởng trâu có sừng.
Bồ-tát Đại Huệ bạch Phật: Thế Tôn! Người được không vọng tưởng thấy tướng
chẳng sanh rồi tùy đó suy nghĩ quán sát, chẳng sanh vọng tưởng nói là
không chăng?
Người thấy tướng chẳng sanh, nghĩa là thấy sừng trâu không có thật, chẳng
sanh tướng có, do đây so sánh chẳng khởi vọng tưởng. Đây là tột nhân chấp
không của ngoại đạo, muốn Thế Tôn nói rõ đó.
Phật bảo Đại Huệ: Chẳng phải quán sát chẳng sanh vọng tưởng nói không. Vì
cớ sao? Vì vọng tưởng nhân đó mà sanh. Y sừng kia sanh vọng tưởng, do y
sừng sanh vọng tưởng, thế nên nói là y nhân. Vì lìa khác và chẳng khác,
chẳng phải quán sát chẳng sanh vọng tưởng nói là không sừng.
Việc ngoài thánh trí thấy có, thấy không đều là nhân vọng tưởng, nên phải
lìa. Vọng tưởng y nơi sừng mà chấp có không, đây là do phân biệt có không
làm nhân, nó không phải chánh nhân, khác cùng chẳng khác đều là hý luận. Y
nơi sừng khởi vọng tưởng có là chẳng khác, y nơi sừng khởi vọng tưởng
không là khác, đều là nhân vọng tưởng cả hai đều không thật. Thế nên người
được thánh trí ắt không quán sát chẳng sanh vọng tưởng, nói không sừng
vậy.
Đại Huệ! Nếu vọng tưởng khác với sừng thì không nhân sừng sanh. Nếu chẳng
khác thì nhân sừng sanh. Cho đến vi trần phân tích tìm cầu trọn không thể
được. Vì không khác với sừng, kia cũng không tánh. Cả hai đều không tánh
thì pháp gì? Cớ sao nói là không? Đại Huệ! Nếu là không thì không sừng.
Quán là có nên nói thỏ không sừng, không nên khởi tưởng. Đại Huệ! Vì chẳng
phải chánh nhân mà nói là có, không, cả hai đều chẳng thành.
Đây là nhằm vào người chấp không, y nơi sừng làm sanh nhân. Nhiên hậu tìm
cùng thì nhân chẳng thật, chỗ chấp thành rỗng, nên chẳng ưng khởi tưởng. Ý
nói vọng tưởng đã khác với sừng thì lý ưng chẳng nhân nơi sừng vậy, nếu
chẳng khác với sừng tức là nhân nơi sừng. Nay chính nơi sừng phân tích đến
vi trần không thể được thì chẳng khác với sừng này mà có tánh vẫn không
thể định. Có đã phi tánh thì, cái không kia cũng phi tánh, cả hai đều vô
tánh thì thế gian vật gì, pháp gì mà có thể nói không. Thấy không mà nói
không sừng, thấy có không phải thật mà nói không sừng, đây là có, không y
nhân, chẳng nên khởi tưởng. Không phải chánh nhân là, không được thật
tướng của các pháp, hai thuyết có không đều thành hý luận.
Đại Huệ! Lại có các ngoại đạo chấp, chấp trước việc sắc, không, hình xứ,
hoành pháp, không thể khéo biết chừng ngằn của hư không. Nói sắc lìa hư
không, khởi kiến chấp vọng tưởng chừng ngằn.
Đây là kèm phá ngoại đạo chấp có, bèn gồm nói không nhân có đối đãi, nên
phải lìa hết. Chấp trước sắc khác với không, nghĩa là tứ đại chủng và vi
trần hay sanh tất cả pháp. Do không khéo biết chừng ngằn sắc cùng hư không
nên khởi tất cả vọng tưởng.
Đại Huệ! Hư không là sắc, theo vào sắc chủng. Đại Huệ! Sắc là hư không,
chỗ năng trì sở trì mà dựng lập tánh. Việc sắc không phân biệt nên biết.
Đại Huệ! Khi tứ đại chủng sanh tự tướng mỗi thứ đều khác, cũng chẳng trụ
nơi hư không, chẳng phải nó không hư không.
Theo vào sắc chủng, là thế gian không có một pháp nào lìa hư không mà
chẳng bị hư không chen vào. Năng trì là hư không năng trì. Sở trì là sắc
sở trì. Thế gian cũng không có một pháp chẳng được hư không sở trì. Đây là
kiến lập tự tánh sắc không, nên như thế mà biết. Nếu y sắc nên không, y
không nên sắc, chỉ là kẻ phàm phu và ngoại đạo vọng kiến vậy. Nguyên nghĩa
sắc không, do mê chân thành thức, đồng thời liền hiện, không có trước sau,
cũng không kia đây. Kinh Lăng nghiêm nói: “Hối muội làm không, kết không
làm sắc”. Lại nói “Hư không sanh trong đại giác, như biển sanh hòn bọt,
cõi nước vi trần hữu lậu, đều y không sanh ra”. Nay chấp sắc chấp không
đều là chừng ngằn trong mê, chẳng lìa vọng tưởng. Giác ngộ tự tâm hiện,
mới biết cảnh giới hiện ra đều đồng việc trong mộng. Hư không, căn thân,
khí giới trong mộng bỗng nhiên hiện tiền, là sắc là không y nhiên phân
biệt. Giác rồi sau mới biết là thức tưởng sanh ra, chẳng thể có không vậy.
Tự tướng tứ đại chủng mỗi thứ khác nhau, tuy chẳng trụ hư không mà sở nhập
và sở trì không thể phân biệt được. Đây bởi chấp tứ đại vi trần là sanh
nhân của các pháp, nên lại bày lời để hiểu đó vậy.
Như thế, Đại Huệ! Quán trâu có sừng nên thỏ không sừng. Đại Huệ! Lại sừng
trâu phân tích làm vi trần, lại phân biệt vi trần trong sát-na không dừng.
Kia quán cái gì mà nói không ư? Nếu nói quán các vật khác đó, pháp kia
cũng vậy.
Trọn nói chấp không, cũng nhân chấp có đối đãi mà thành, chẳng phải tướng
thật có thật không. Nếu chẳng phải nhân có chấp không, thì phân tích sừng
trâu thành vi trần, lại phân tích vi trần cho đến sát-na chẳng dừng, sừng
này đã không thì lấy cái gì so sánh quán để hiển tướng không. Cho nên,
chấp tướng có mà tướng có không trụ thì nhân tướng có chấp tướng không,
tướng có đã chẳng trụ thì, tướng không đâu có chỗ hiển bày, cũng không
năng trụ. Có không chẳng trụ liền đó là cảnh giới gì? Quán các vật khác,
là từ sừng trâu mà suy ra vậy.
Thế Tôn bảo Bồ-tát Đại Huệ: Phải lìa dị kiến vọng tưởng sừng thỏ, sừng
trâu, hư không, hình sắc. Đại Bồ-tát các ông, phải suy nghĩ tự tâm hiện
vọng tưởng. Tùy vào tất cả cõi nước vì hàng Tối thắng tử dùng tự tâm hiện
phương tiện mà dạy bảo họ.
Đây kết nói phải lìa chấp vọng tưởng hai thứ có, không, mà quán thẳng duy
tâm. Bồ-tát nếu hay quán sát tự tâm hiện lượng, thấy tất cả cảnh giới vọng
tưởng do tự tâm hiện ra, vì mê tâm làm thức nên đồng thời liền hiện, đều
như huyễn hóa. Liền đó chóng lìa tướng hữu vô sắc không v.v… nhiên hậu
dùng thân như huyễn vào cõi nước như huyễn, vì tất cả phật tử lấy phương
tiện như huyễn, nói tự tâm hiện lượng mà dạy bảo họ.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này, nói kệ rằng:
Sắc thảy và tâm không
Sắc thảy nuôi lớn tâm
Thân thọ dụng an lập
Tàng thức hiện chúng sanh
Tâm, ý cùng với thức
Tự tánh pháp có năm
Vô ngã hai thứ tịnh
Nói rộng nói thế này:
Dài, ngắn, có, không thảy
Lần lượt lẫn nhau sanh
Bởi không nên thành có
Do có nên thành không
Vi trần việc phân biệt
Chẳng khởi vọng tưởng sắc
Tâm lượng chỗ an lập
Ác kiến là chẳng ưa.
Phi cảnh giới giác tưởng
Thanh Văn cũng như thế
Chỗ nói của Cứu thế
Cảnh giới của tự giác.
Bài tụng này nói sắc v.v… nơi tâm vốn không có. Tâm nương sắc… nuôi dưỡng
mà sanh. Song tâm đã không, sắc v.v… từ đâu mà có, căn thân khí giới hiện
tiền làm chỗ cho tâm y? Bởi vì mê chân làm tàng thức, mới hiện ra tất cả
kiến chấp của chúng sanh. Đã nhân mê mà hiện, nên Như Lai rộng nói tâm, ý,
ý thức, năm pháp, ba tự tánh, hai thứ vô ngã, cũng là đến trong mê kia mà
chỉ bày danh tướng, khiến biết chọn lựa. Chính như kiến chấp sắc v.v… dài,
ngắn, có, không đối đãi nhau dựng lập, y không thấy có, y có thấy không,
đều là việc trong mê, thảy đều không có tự tánh. Nếu đối với tất cả cảnh
giới phân biệt mà chẳng khởi tất cả phân biệt, chỉ trụ tự tâm hiện lượng.
Đây là cảnh giới tự giác, Như Lai cứu thế nói ra. Ác kiến chẳng ưa là,
chẳng phải cảnh giới của phàm phu và Thanh văn.
- CHỈ TRỪ SẠCH ĐỐN HAY TIỆM.
Bấy giờ, Bồ-tát Đại Huệ vì trừ sạch tự tâm hiện lưu, lại hỏi Như Lai,
bạch Phật rằng: Thế Tôn! Làm sao trừ sạch tự tâm hiện lưu của tất cả chúng
sanh, là đốn hay là tiệm?
Tự tâm hiện lưu, hiện là hiện hạnh, lưu là lưu chú, là tám thức hiện hạnh
và lưu chú. Trước đã rõ cảnh giới vọng tưởng tự tâm hiện ra. Ở đây nói
người đạt tự tâm hiện, có những hiện hạnh lưu chú làm phương tiện gì dạy
khiến trừ sạch là đốn hay là tiệm. Đây là nói ra chánh trí trong năm pháp.
Phật bảo Đại Huệ: Tiệm tịnh chẳng phải đốn. Như trái yêm-la, tiệm chín
chẳng phải đốn; Như Lai trừ sạch tự tâm hiện lưu của tất cả chúng sanh
cũng lại như thế, tiệm tịnh chẳng phải đốn. Thí như thợ gốm làm các món đồ
tiệm thành chẳng phải đốn. Như Lai trừ sạch tự tâm hiện lưu của tất cả
chúng sanh cũng lại như thế, tiệm tịnh chẳng phải đốn. Thí như đại địa
tiệm sanh muôn vật, chẳng phải đốn sanh. Như Lai trừ sạch tự tâm hiện lưu
của tất cả chúng sanh cũng lại như thế, tiệm tịnh chẳng phải đốn. Thí như
người học âm nhạc, hội họa, các thứ kỹ thuật tiệm thành chẳng phải đốn;
Như Lai trừ sạch tự tâm hiện lưu của tất cả chúng sanh cũng lại như thế,
tiệm tịnh chẳng phải đốn. Thí như gương sáng đốn hiện tất cả sắc tượng vô
tướng, Như Lai trừ sạch tự tâm hiện lưu của tất cả chúng sanh cũng lại như
thế, đốn hiện vô tướng không có cảnh giới thanh tịnh thật. Như vầng nhật
nguyệt đốn chiếu hiển bày tất cả sắc tượng; Như Lai vì lìa tập khí lỗi lầm
tự tâm hiện của chúng sanh cũng như thế, đốn vì hiển bày cảnh giới trí tối
thắng bất khả tư nghì. Thí như tàng thức đốn phân biệt biết tự tâm hiện và
cảnh giới thân an lập thọ dụng; những Y Phật kia cũng lại như thế, đốn
thành thục cảnh giới chỗ ở của chúng sanh, đem người tu hành để yên nơi
cõi trời Sắc Cứu Kính. Thí như Pháp thân Phật hiện ra Y Phật (Báo Phật)
hào quang sáng suốt, tự giác thánh thú cũng lại như thế, kia đối với pháp
tướng có tánh, không tánh, ác kiến, vọng tưởng chiếu soi khiến trừ diệt.
Đốn, nhằm vào lý đốn ngộ đốn tu. Gồm đốn gồm tiệm nhằm chung Phật và
chúng sanh. Trước mê chân thức, các tướng hư vọng, toàn thể đồng hiện
chẳng theo thứ lớp. Thế nên, ngộ vọng không có nhân, đốn thấy chân như tự
tánh không có tướng khởi diệt, các tâm hư vọng một lúc liền hết, cũng
không có cấp bậc, đây là lý đốn ngộ đốn trừ. Kinh Hoa nghiêm về Thập trụ ở
vị đầu dùng vô tác tam-muội tự thể ứng chân khách trần phiền não toàn
không thể tánh. Chỉ có chân thể dụng, không tham sân si, hồn nhiên là
Phật, có thể gọi là đốn ngộ đốn tu vậy. Song hạnh, hướng, địa giai cấp rõ
ràng, kinh Viên Giác hai mươi lăm luân mở rộng phương tiện, mà nói rằng:
“Chỉ trừ người đốn giác, cùng pháp chẳng tùy thuận”. Cho nên biết lý viên
đốn Như Lai thấy rõ, căn dục của chúng sanh Như Lai cũng thấy rõ. Vì thế
mà quyền thật gồm nêu, ba đời Như Lai đồng một pháp thức. Nhưng xét về bản
hoài của Phật chỉ đốn chớ không tiệm, cũng y cứ tự tâm hiện lượng không có
các pháp giả dối, pháp nhĩ như thế. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Giác mê thì mê
diệt, giác chẳng sanh mê”. Kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ có đạo Nhất thừa, phân
biệt nói thành ba”. Đây là ý chỉ nhất định vậy. Như thí dụ gương sáng cùng
vầng nhật nguyệt đốn hiện sắc tượng không tướng. Bởi gương cùng nhật
nguyệt có hai nghĩa không và minh, dụ Như Lai đốn chỉ bày trí tướng thanh
tịnh bất tư nghì không thật có khiến chúng sanh biết tự tâm hiện lượng vốn
tự không và minh, vốn không ô nhiễm, đồng thời đốn lìa tập khí lỗi lầm,
chẳng do tiệm dẹp vậy. Liền dùng tàng thức đốn phân biệt biết căn thân khí
giới do tự tâm hiện ra để ví dụ. Đây tức là nhật dụng của chúng sanh tâm
biết hiện ra, vốn tự có trí dụng thanh tịnh như thế, một lúc chiếu liễu
không có trước sau. Cho nên y Phật Như Lai ở cõi trời Sắc Cứu Kính đốn vì
tất cả chúng sanh căn cơ thuần thục chẳng phiền dùng phương tiện. Lại lấy
Pháp thân Phật hiện ra Y Phật (báo thân) làm dụ, đây là đến nghiệp dụng
bất tư nghì của Như Lai, hào quang chiếu sáng. Khiến chứng tự giác thánh
trí, là biết tự pháp thể hào quang chiếu sáng, đốn lìa tất cả ác kiến có,
không, cũng không có sai biệt. Tóm lại, tánh thể thì sáng suốt, dụng có
phân mê ngộ. Mê thì căn thân (chúng sanh) khí giới (thế giới) bỗng nhiên
hiện tiền, không có cấp bậc. Ngộ thì Pháp thân, Báo thân, Hóa thân, cõi
nước rất là đẹp đẽ, há nhờ tu ư? Chuyển mê làm ngộ thật có nhiều môn. Tức
ngộ tức mê trọn không nói dạy. Do tiệm vào đốn cũng là việc bất đắc dĩ của
Như Lai.
- CHỈ BA PHẬT NÓI TRÍ, NHƯ SAI BIỆT.
Này Đại Huệ! Pháp, Y Phật nói tất cả pháp vào tự tướng cộng tướng là nhân
tập khí tự tâm hiện, là nhân vọng tưởng tự tánh chấp trước tương tục, các
thứ chẳng thật như huyễn, các thứ chấp trước không thể được.
Hiện tiền các pháp tự tướng, cộng tướng đều nhân tập khí chủng tử của tự
tâm hiện ra, hay khởi hiện hạnh vọng tưởng tương tục chấp trước. Y tha
chủng tử hiện ra các thứ như huyễn, vọng chấp hiện hạnh sở chấp các thứ
không thể được. Đây là duyên khởi vô sanh, do mê được giác ngộ. Làm thanh
tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sanh là những lời dạy của Y Phật (Báo
thân). Phàm Pháp Phật là tự tánh thanh tịnh giác. Tự tánh thanh tịnh giác
này chúng sanh cùng Phật đều có đủ, mê thì toàn mê, ngộ thì toàn ngộ,
chẳng do tri kiến chẳng nhờ công huân, tự tánh thiên nhiên vậy. Y Phật tức
là Bát-nhã do Pháp thân lưu xuất. Vốn từ tự tánh sanh, lại chiếu nơi tự
tánh, trang nghiêm thân độ gọi là Báo thân. Hóa Phật là tùy loại ứng hóa,
khắp vào tất cả chỗ. Tự tánh thường tịch quang độ, là tự thọ dụng, chẳng
phải chỗ người khác biết được. Báo Phật tha thọ dụng độ, cùng Bồ-tát Thập
địa chung. Thánh phàm đồng cư tức là Hóa Phật độ, tùy loại đều nhập, chỗ
thấy mỗi loài đều khác. Pháp thân Phật nói ra là tự tánh không nương. Y
Phật (Báo Phật) nói ra là duyên khởi vô tánh. Hóa Phật tùy chỗ muốn, xem
xét căn cơ, nói không có nhất định. Song cũng ước lược lý nên lẫn thông,
Pháp cùng Báo, Hóa chẳng phải ba chẳng phải một. Thân, độ lẽ như vậy,
thuyết pháp cũng như thế. Về nhân quả cõi trời cõi người cũng có lý vô
thượng chánh chân. Kinh Niết-bàn nói: “Có khi Như Lai nói về thế đế, mà
người cho là đệ nhất nghĩa đế, có khi Như Lai nói đệ nhất nghĩa đế mà
người cho là thế đế”. Lại tứ đế, tam thừa chung quán, đều không có nhất
định.
Lại nữa, Đại Huệ! Chấp trước duyên khởi tự tánh, sanh tướng vọng tưởng tự
tánh. Đại Huệ! Thí như các nhà huyễn thuật nương cỏ cây ngói gạch tạo ra
các thứ huyễn hóa. Khởi tất cả chúng sanh, bao nhiêu hình sắc, khởi các
thứ vọng tưởng. Các vọng tưởng kia cũng không chân thật.
Y duyên khởi tự tánh, khởi vọng tưởng tự tánh. Như nhà huyễn thuật y cỏ
cây ngói gạch v.v… hóa ra các hình sắc. Khởi các vọng tưởng, duyên khởi đã
huyễn thì vọng tưởng thành dối.
Như thế, Đại Huệ! Y duyên khởi tự tánh, khởi vọng tưởng tự tánh, các thứ
tâm vọng tưởng, các thứ tướng hành sự và tướng vọng tưởng, chấp trước tập
khí vọng tưởng, ấy là tướng vọng tưởng tự tánh sanh. Đại Huệ! Ấy gọi là Y
Phật thuyết pháp.
Y duyên khởi này mà tánh vọng chấp hiện. Đây là chỉ lý do sanh vọng tưởng
ở trước mắt. Song xét về ban đầu, trước y tập khí từ vô thủy, duyên khởi
hiện ra. Nên nói là “các thứ tâm vọng tưởng, các thứ tướng hành sự, tướng
vọng tưởng”. Duyên khởi đã hiện lại hay dẫn phát tập khí, vọng tưởng tiếp
nối. Cho nên nói “chấp trước tập khí vọng tưởng”. Đâu biết tập khí thảy do
bất giác, duyên khởi này liền đó vô sanh. Rõ cảnh duy tâm, vọng tưởng
không chỗ gá, từ Báo Phật nói.
Đại Huệ! Pháp Phật lìa tướng tâm tự tánh, tự giác cảnh giới sở duyên của
thánh, dựng lập tạo tác.
Lìa tướng tâm tự tánh, là lìa tự tâm tương ưng với pháp tướng. Tướng tâm
đã lìa thì giác thể liền hiện, không chủ, không y, chẳng phải tâm chẳng
phải cảnh. Chỗ ngôn ngữ suy nghĩ dứt bặt, chỉ người chứng mới biết, đây là
Pháp Phật nói vậy.
Đại Huệ! Hóa Phật nói thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định và tâm trí
tuệ, lìa ấm giới nhập, giải thoát thức tướng, phân biệt quán sát dựng lập,
vượt hẳn kiến chấp ngoại đạo và kiến chấp Vô sắc.
Sáu pháp ba-la-mật dạy bảo Bồ-tát, lìa ấm giới nhập được môn giải thoát,
ắt là nói chung của tam thừa, đều phân biệt thức tướng, dựng lập tự thông,
chẳng đồng với ngoại đạo nhận thức làm tâm, khởi chấp Vô sắc giới về thức
tưởng.
Đại Huệ! Lại Pháp thân Phật, lìa phan duyên, phan duyên lìa, tất cả tướng
căn lượng sở tác diệt, chẳng phải các phàm phu Thanh văn, Duyên giác và
ngoại đạo chấp trước ngã tướng và cảnh giới sở chấp. Tự giác thánh cứu
kính sai biệt tướng dựng lập. Thế nên, Đại Huệ! Tự giác thánh cứu kính sai
biệt tướng, phải siêng tu học, tự tâm hiện kiến chấp nên phải trừ diệt.
Lìa phan duyên, là lìa sở phan duyên; phan duyên lìa, là không có người
lìa phan duyên. Năng sở đã lìa, thì tất cả căn lượng sở tác thảy diệt. Đây
là tướng tự tâm hiện lượng cứu kính, chẳng đồng với phàm ngu ngoại đạo
cảnh giới ngã tướng chấp trước. Tự tâm hiện kiến, là tướng tự tâm hiện ra,
dùng tâm kiến tâm thì giác biến thành cảnh. Đây là tướng ngã, nên nói sai
biệt cần phải trừ diệt. Lại bảo Pháp thân Phật nói, tự thể hợp chân, chẳng
phải cảnh giới của Báo thân, Hóa thân Phật vậy.
- BIỆN VỀ NHỊ THỪA TỰ GIÁC THÁNH SAI BIỆT.
Lại nữa, Đại Huệ! Có hai hạng Thanh văn thừa chung phân biệt tướng. Nghĩa
là được tướng tự giác thánh sai biệt, và tướng tánh vọng tưởng tự tánh
chấp trước. Thế nào là Thanh văn được tướng tự giác thánh sai biệt? Nghĩa
là đối cảnh giới vô thường, khổ, không, vô ngã được chân đế lìa dục tịch
diệt, dứt ấm, giới, nhập, tự tướng, cộng tướng, không hoại tướng bên ngoài
mà biết như thật. Tâm được dừng lặng, tâm dừng lặng rồi được thiền định,
giải thoát, tam-muội đạo quả chánh thọ giải thoát chẳng lìa tập khí bất tư
nghì biến dịch tử, được tự giác thánh lạc trụ Thanh văn. Ấy gọi là được
tướng tự giác thánh sai biệt Thanh văn.
Đây là phân biệt hai hạng Thanh văn. Một, nhân chỗ sở đắc mà tiến lên;
hai, chỉ pháp chấp kia mà chuyển, thảy vì Bồ-tát răn dạy. Sở đắc là được
tự giác thánh trí. Hàng Thanh văn này ban đầu quán khổ, không, vô ngã, trụ
nơi chân đế, do sức lìa dục vắng lặng hay dứt ấm, giới, nhập, tự tướng,
cộng tướng, chẳng hoại tướng bên ngoài mà biết như thật. Chẳng hoại tướng
là, chân như thật tướng của tất cả pháp. Biết như thật là, như thật tướng
mà biết, không có thấy nghe khác, nên nói là chân đế. Do tâm này được dừng
lặng nên trụ cái vui thiền định giải thoát, bèn thành sai biệt. Tập khí
là, tập khí từ vô thủy. Tập khí này chưa lìa thì không thể liền đó đảm
đang được tám thức. Vẫn nhờ thiền tịch mà đổi thô thành diệu, ngoài tâm
còn pháp chưa quên. Nhị thừa không thấy Phật tánh. Bồ-tát Thập trụ thấy
Phật tánh một ít phần. Nghĩa là Nhị thừa định nhiều tuệ ít, tuy được tự
giác thánh trí mà không biết trí thể vốn lặng, vọng thấy cái vui lặng lẽ.
Bị cái lặng lẽ làm chướng, nên nói chẳng thấy. Bồ-tát Thập trụ tuệ nhiều
định ít, bởi ban đầu thấy tự giác thánh trí, trí tướng minh liễu, nơi trí
thể vốn lặng lẽ chưa được tròn suốt, nên nói thấy ít phần. Chẳng phải nói
ngoài thánh trí, lại phải nhờ thiền tịch dùng để quân bình. Song đây là
thông hay biệt? Nếu đứng về Hoa Nghiêm Viên tông thì vị đầu trong Thập
trụ, cùng Phật không khác, nên lý ưng thấy rõ ràng. Đây là chỗ sai biệt vi
tế phải nên xét kỹ. Văn sau thiết tha răn Bồ-tát chớ trụ cái vui tự giác
thánh trí của Thanh văn, chính nói ý này vậy.
Đại Huệ! Đại Bồ-tát được tự giác thánh sai biệt lạc trụ, chẳng phải diệt
môn lạc. Chính khi thọ lạc vẫn đoái hoài thương xót chúng sanh và nhớ bản
nguyện, không khởi chứng. Đại Huệ! Ấy gọi là Thanh văn được tự giác thánh
sai biệt tướng lạc, đại Bồ-tát đối với kia được tự giác thánh sai biệt
tướng lạc, chẳng nên tu học.
Đây là Thanh văn tự giác sai biệt tướng tất cả tịch lạc, Bồ-tát cũng có,
song do bản nguyện phát khởi mà không thủ chứng. Phật răn Bồ-tát chẳng nên
tu học, là vì Bồ-tát nhập tự giác sai biệt tướng lạc, dễ bị chìm lịm nơi
ấy.
Đại Huệ! Thế nào là Thanh văn tướng tánh vọng tưởng tự tánh chấp trước?
Nghĩa là đại chủng xanh vàng đỏ trắng, cứng ướt ấm động, chẳng phải tạo
tác mà sanh, tự tướng, cộng tướng, Tiên Thắng (Phật) khéo nói. Thấy rồi,
nơi kia khởi tự tánh vọng tưởng. Đại Bồ-tát đối với kia nên biết nên xả,
tùy nhập pháp vô ngã tướng, diệt nhân vô ngã tướng và kiến, thứ lớp các
địa tiếp nối dựng lập. Ấy gọi là các Thanh văn tướng tánh vọng tưởng tự
tánh chấp trước.
Tánh vọng tưởng tự tánh chấp trước là, chấp có pháp tự tánh mà khởi chấp
trước. Thanh văn tuy biết đại chủng xanh vàng đỏ trắng các pháp, chẳng
phải có tác giả, không đồng với ngoại đạo tà kiến. Nhưng thấy Phật trước
phân biệt các pháp tự tướng cộng tướng, tất cả kinh điển nói cho là thật
có, bèn thành pháp chấp. Cho nên Bồ-tát đối chỗ này phải lìa nhân vô ngã
tướng vào pháp vô ngã, thứ lớp tiến lên các địa.
-BIỆN ĐẠT ĐƯỢC THÁNH TRÍ THƯỜNG BẤT TƯ NGHÌ.
Khi ấy, đại Bồ-tát Đại Huệ bạch Phật : Thế Tôn! Thế Tôn nói cảnh giới
thường bất tư nghì tự giác thánh thú và cảnh giới đệ nhất nghĩa. Thế Tôn!
Chẳng phải các ngoại đạo nói nhân duyên thường bất tư nghì ư?
Đây là đem tự giác thánh thú đệ nhất nghĩa thường bất tư nghì, cùng với
ngoại đạo thường bất tư nghì có tác giả, muốn Phật giải thích sự sai biệt
của hai bên.
Phật bảo Đại Huệ: Chẳng phải ngoại đạo có nhân duyên mà được thường bất
tư nghì. Vì cớ sao? Vì ngoại đạo thường bất tư nghì không nhân tự tướng
thành. Nếu thường bất tư nghì không nhân tự tướng thành thì nhân đâu hiển
bày thường bất tư nghì? Lại nữa, Đại Huệ! Bất tư nghì nếu nhân tự tướng
thành thì tất phải thường. Bởi vì tác giả làm nhân tướng nên thường bất tư
nghì chẳng thành.
Như Lai bất tư nghì nhân tự tướng thành, cho nên thường. Tự tướng là tự
tâm hiện lượng. Tự tâm hiện lượng này, tuy ở vị mê mà vẫn chẳng đoạn, chỉ
vì khách trần che lấp, tạm thời bất giác, nếu giác tức là thường trụ.
Chẳng đồng tác giả do vọng chấp mà có. Đây là không phải do thật nhân
không có chỗ hiển bày, cho nên thường bất tư nghì chẳng thành.
Đại Huệ! Đệ nhất nghĩa thường bất tư nghì của ta, đệ nhất nghĩa nhân
tướng thành, lìa tánh phi tánh, được tự giác tướng, nên có tướng. Đệ nhất
nghĩa trí nhân, nên có nhân. Vì lìa tánh phi tánh, thí như vô tác hư
không, Niết-bàn, diệt tận, nên thường. Như thế, Đại Huệ! Chẳng đồng với
luận thường bất tư nghì của ngoại đạo. Như thế, Đại Huệ! Thường bất tư
nghì này chư Như Lai tự giác thánh trí nhận được. Như thế, nên thường bất
tư nghì tự giác thánh trí nhận được, nên phải tu học.
Đây là hiển bày đệ nhất nghĩa nhân tướng để thấy khác với ngoại đạo. Lìa
tánh phi tánh là, lìa tướng có và không. Được tự giác tướng, tự giác là
bản giác, tướng là thể tướng. Cho nên có tướng là, bản giác này thật có
thể tướng, chẳng phải là hư vọng. Đệ nhất nghĩa trí, tức là trí thủy giác.
Do bản giác có thủy giác, do thủy giác biết bản giác, bản giác và thủy
giác hiệp một, che trùm tương ưng, lấy đó làm nhân, là đệ nhất nghĩa trí
nhân, lìa tất cả lỗi có, không… Như ba thứ vô vi là pháp chân tịch diệt,
không có hý luận, nên lấy đó làm thí dụ. Thường bất tư nghì này chẳng đồng
với ngoại đạo. Chư Như Lai tự giác thánh trí nhận được, nên phải tu học.
Lại nữa, Đại Huệ! Thường bất tư nghì của ngoại đạo là vô thường tánh, vì
dị tướng nhân; chẳng phải sức tự tác nhân tướng, nên thường. Lại nữa, Đại
Huệ! Thường bất tư nghì của các ngoại đạo, đối sở tác tánh phi tánh vô
thường, thấy rồi suy nghĩ chấp là thường.
Đây nói ra thường bất tư nghì của ngoại đạo là vọng tưởng chấp. Nghĩa là
thường bất tư nghì của ngoại đạo là vô thường dị tướng mà chấp là thường,
chẳng phải thật có tự tánh nói là thường. Sao nói vô thường dị tướng chấp
là thường? Bởi vì ngoại đạo thấy tất cả việc làm ra thuộc hai tướng có,
không vô thường rồi, liền nơi đây tạo ra cảnh giới bất tư nghì suy nghĩ
chấp là thường. Đây là vọng tưởng nhân, chẳng phải chân nhân.
Đại Huệ! Ta cũng dùng nhân duyên như thế, việc làm ra tánh phi tánh vô
thường, thấy rồi tự giác cảnh giới thánh, nói kia thường không nhân. Đại
Huệ! Nếu các ngoại đạo nhân tướng thành thường bất tư nghì, nhân tự tướng
là tánh phi tánh đồng với sừng thỏ. Thường bất tư nghì này chỉ là ngôn
thuyết vọng tưởng. Các bọn ngoại đạo có lỗi như thế. Vì cớ sao? Vì chỉ có
ngôn thuyết vọng tưởng đồng với sừng thỏ, tự nhân tướng chẳng có phần.
Như Lai cũng đối với việc làm ra hai tướng có, không, thấy vô thường rồi,
nhưng chẳng ở nơi đây khởi chấp thường bất tư nghì. Vì có tự giác cảnh
giới thánh, vượt ngoài suy nghĩ ngôn thuyết, nên nói kia thường vô nhân.
Ngoại đạo chấp thường tự tướng chẳng thật, đồng với sừng thỏ, chỉ có ngôn
thuyết, nên nói tự nhân tướng chẳng có phần. Nghĩa là Như Lai tự giác nhân
tướng, chẳng phải họ có phần.
Đại Huệ! Thường bất tư nghì của ta vì nhân tự giác được tướng, lìa tánh
sở tác và phi tánh, nên thường; chẳng phải ngoại đạo tánh phi tánh vô
thường suy nghĩ chấp là thường. Đại Huệ! Nếu ngoại đạo tánh phi tánh vô
thường mà suy nghĩ chấp là thường, họ không biết được tướng thường bất tư
nghì tự nhân. Họ cùng cảnh giới tự giác thánh trí cách xa nhau, nên không
ưng nói.
Đây lại nói rõ Như Lai thường bất tư nghì do tự giác thánh trí làm nhân,
chẳng phải dùng việc làm ra bên ngoài hai tướng có không vô thường chấp
thường làm nhân. Ngoại đạo chẳng biết nhân tướng tự giác, nên chẳng ngay
nơi nhân tướng tự giác ở trong tự chứng nhận, mà chấp trước nhân bên
ngoài, đây là lý do cách nhau rất xa.
- BIỆN NHỊ THỪA BỎ VỌNG CẦU CHÂN.
Lại nữa, Đại Huệ! Các Thanh văn sợ sanh tử vọng tưởng khổ mà cầu
Niết-bàn. Chẳng biết sanh tử Niết-bàn sai biệt tất cả tánh, vọng tưởng phi
tánh. Sau rồi cảnh giới các căn thôi dứt, khởi tưởng Niết-bàn. Chẳng phải
nơi tự giác thánh trí thú, tàng thức chuyển. Thế nên phàm ngu nói có ba
thừa, nói tâm lượng thú hướng không thật có. Thế nên, Đại Huệ! Kia chẳng
biết quá khứ vị lai hiện tại đều là cảnh giới tự tâm hiện của chư Như Lai,
chấp trước cảnh giới ngoài tâm hiện, vòng sanh tử thường xoay.
Đây lại do Thanh văn chấp có Niết-bàn, để rõ những cái thấy ngoài tâm đều
là vọng tưởng. Thanh văn sợ sanh tử vọng tưởng mà cầu Niết-bàn, chẳng biết
sanh tử Niết-bàn tánh nó không hai. Thấy có sai biệt, đều là vọng tưởng
chấp, chẳng phải thật tánh. Nghĩa là rõ tam giới sanh nhân, căn cảnh vị
lai thôi dứt, khởi tưởng Niết-bàn. Chẳng phải chứng đến chỗ tự giác thánh
trí, chuyển tàng thức làm Niết-bàn. Đây là phàm ngu chỉ nói ba thừa mà
chẳng nói duy tâm tịch diệt. Chẳng biết quá khứ vị lai hiện tại đều là Như
Lai tự tâm hiện ra, cho là có cảnh giới ngoài tâm, vọng sanh thủ xả, vẫn
thuộc luân chuyển sanh tử.
Lại nữa, Đại Huệ! Tất cả pháp chẳng sanh, là quá khứ vị lai hiện tại chư
Phật nói ra. Vì cớ sao? Vì tự tâm hiện tánh phi tánh, lìa hữu phi hữu mà
sanh. Đại Huệ! Tất cả tánh chẳng sanh, tất cả pháp như sừng thỏ, ngựa v.v…
vì phàm phu ngu si chẳng giác tự tánh vọng tưởng nên vọng tưởng. Đại Huệ!
Tất cả pháp chẳng sanh, cảnh giới tự giác thánh trí thú, tất cả tánh tự
tánh tướng chẳng sanh. Chẳng phải hai cảnh giới vọng tưởng của ngu phu
kia, tự tánh thân tài dựng lập thú tự tánh tướng. Đại Huệ! Tàng thức tướng
năng nhiếp sở nhiếp chuyển. Ngu phu rơi vào hai kiến chấp sanh, trụ, diệt,
hy vọng tất cả tánh sanh, hữu và phi hữu vọng tưởng sanh, chẳng phải thánh
hiền… Đại Huệ! Đối với kia nên phải tu học.
Lại nêu lên tất cả pháp chẳng sanh để chỉ bày yếu chỉ tự giác cùng tột.
Đây là ba đời chư Phật nói ra. Pháp do tâm hiện nên pháp không tự tánh.
Pháp không tự tánh thì không rơi vào có, không. Chẳng rơi vào có, không
thì sanh tánh trước mắt ví như sừng thỏ. Chỉ theo vọng tưởng nên tất cả
tánh có. Nếu theo tự giác thì tất cả pháp không. Y nơi căn thân (chúng
sanh) khí giới (thế giới) mà khởi hy vọng năng sở hữu vô, đều là ngu si
chấp, chẳng phải thánh hiền. Mới biết theo tàng thức trôi lăn thì có không
trong mộng rõ ràng. Đạt cảnh giới thánh trí thì năng sở trong gương liền
không. Cởi chúng mê nơi tự giác, hội muôn pháp về một tâm. Cho nên hay lìa
được tự tánh lông rùa, dứt sanh nhân của sừng thỏ. Đây là chỗ phàm thánh
phân chia, do giác mê mà khu biệt.
- CHỈ RA CHỦNG TÁNH VỌNG TƯỞNG TRÍ, NHƯ SAI BIỆT.
Lại nữa, Đại Huệ! Có năm vô gián chủng tánh. Thế nào là năm? Nghĩa là
Thanh văn thừa vô gián chủng tánh, Duyên giác thừa vô gián chủng tánh, Như
Lai thừa vô gián chủng tánh, bất định chủng tánh, các biệt chủng tánh.
Dựng lập chủng tánh để tột chỗ sai biệt của thánh trí, đều có thể chuyển
làm cứu kính. Vô gián là pháp tánh không gián đoạn, mà chủng tử và hiện
hạnh mỗi loại có khác. Do chủng tử vô thủy huân cùng hiện hạnh tạo tập mà
thành chủng tánh. Chủng là chủng loại, một loại có đồng và biệt. Tánh là
giúp cho tánh, y nơi chủng mà trụ, nên nói “tập dữ tánh thành”. Năm chủng
tuy khác mà đồng một pháp tánh. Kinh Niết-bàn nói “Xiển-đề đều có Phật
tánh, nếu hay phát lòng tin thì không gọi là xiển-đề”.
Thế nào là biết Thanh văn thừa vô gián chủng tánh? Nếu khi nghe nói được
ấm giới nhập tự tánh cộng tướng đoạn liền biết, toàn thân lông dựng lên,
an ổn vui mừng và ưa tu tướng trí, chẳng tu tướng duyên khởi phát ngộ, ấy
gọi là Thanh văn thừa vô gián chủng tánh. Thanh văn vô gián thấy đệ bát
địa, khởi phiền não đã dứt, còn tập phiền não chưa dứt, không qua khỏi
được bất tư nghì biến dịch tử, đã qua phần đoạn tử. Khi ấy như sư tử rống
nói “Ta sanh đã hết, phạm hạnh đã xong, chẳng thọ thân sau, biết như thật,
tu tập nhân vô ngã, cho đến được giác, nhập Niết-bàn”.
Đoạn liền biết là, đoạn ấm giới nhập tự tướng cộng tướng liền được chứng
biết. Ưa tu tập tướng trí là, nơi tướng thế gian tu trí giải thoát, nơi
tướng xuất thế gian tu trí thiền định. Duyên khởi phát ngộ là, quán duyên
khởi vô sanh mà ngộ. Vô gián Thanh văn thấy đệ bát địa, kinh Hoa Nghiêm
nói “Bát địa chứng ngã không chân như, chẳng khởi diệt định, mười phương
Như Lai đồng âm khuyến phát, bảo : Tam-muội của ông Nhị thừa cũng được”.
Cho nên vô gián Thanh văn thấy chỗ chứng của mình đồng với đây vậy. Khởi
phiền não là, hiện hạnh. Tập phiền não là, chủng tử. Nhị thừa đoạn hiện
hạnh mà chẳng đoạn chủng tử. Qua phần đoạn tử, chưa qua biến dịch tử. Nhân
vô ngã là, nhân tướng của Nhị thừa. Nhập Niết-bàn là, quả tướng của Nhị
thừa.
Đại Huệ! Các biệt vô gián là, ngã nhân chúng sanh thọ mạng trưởng dưỡng
sĩ phu. Các chúng sanh kia khởi giác như thế cầu vào Niết-bàn. Lại có
ngoại đạo khác nói thảy do tác giả, thấy tất cả tánh rồi, nói đây là vào
Niết-bàn. Khởi giác như thế, đối với pháp vô ngã thấy họ vô phần, họ không
có giải thoát. Đại Huệ! Đây là chư Thanh văn thừa vô gián ngoại đạo chủng
tánh, chẳng xuất mà tưởng là xuất. Vì chuyển ác kiến cho những người này
nên phải tu học.
Các biệt này tức ở sau nói nhất-xiển-đề. Hiểu biết ngã nhân thọ mạng v.v…
là, nhận tướng ngã trong năm uẩn. Tác giả là, riêng có tác giả làm sanh
nhân, tức là dị nhân. Ngoại đạo này chẳng biết duy tâm, vọng cho có cảnh
bị biết. Phàm ngoài tâm mà thấy có Niết-bàn thì cùng chánh pháp xa nhau,
đều gọi là xiển-đề, đối với pháp vô ngã họ không phần. Thế nên biết, Thanh
văn cùng ngoại đạo đều chẳng phải giải thoát mà khởi tưởng giải thoát. Cho
nên nói chẳng xuất mà tưởng là xuất. Cần chuyển tà kiến kia nên phải tu
học.
Đại Huệ! Duyên giác thừa vô gián chủng tánh, nếu nghe nói mỗi cái duyên
khác vô gián, toàn thân lông dựng lên, rơi lệ dầm dề, duyên chẳng gần
nhau, có chỗ chẳng chấp các thứ tự thân, các thứ thần thông, hoặc ly hoặc
hiệp, các thứ biến hóa. Khi nghe nói lời ấy, tâm họ tùy nhập. Nếu biết họ
là Duyên giác thừa vô gián chủng tánh rồi, tùy thuận vì họ nói Duyên giác
thừa. Ấy gọi là tướng Duyên giác thừa vô gián chủng tánh.
Duyên giác quán mười hai nhân duyên mà được đạo. Mười hai nhân duyên ba
đời xoay quanh, nên nói vô gián. Duyên chẳng gần nhau có chỗ chẳng chấp,
đây nói họ tin chắc rất thâm thiết. Duyên giác độ sanh phần nhiều dùng sức
thần thông, chẳng dùng lời nói. Đây là đối trị cảnh giới chúng sanh, mà
chẳng phải chính là cảnh giới chúng sanh, lấy làm cảnh giới bất tư nghì,
đó là lý do cùng đại thừa sai biệt.
Đại Huệ! Như Lai thừa vô gián chủng tánh kia có bốn thứ: 1) Tự tánh pháp
vô gián chủng tánh, 2) Ly tự tánh pháp vô gián chủng tánh, 3) Đắc tự giác
thánh vô gián chủng tánh, 4) Ngoại sát thù thắng vô gián chủng tánh. Đại
Huệ! Nếu người nghe bốn việc này, khi nói mỗi thứ, và khi nói tự tâm hiện
thân tài kiến lập cảnh giới bất tư nghì, tâm không kinh sợ, ấy gọi là
tướng Như Lai thừa vô gián chủng tánh.
Tự tánh pháp là, pháp thân Như Lai. Ly tự tánh pháp là, giải thoát Như
Lai. Tự giác tánh là, Bát-nhã trí Như Lai. Ngoại sát thù thắng là, hóa
thân; có đại hóa và tùy loại hóa, mỗi thứ có hiện cõi nước. Như Lai tự
giác thánh trí chứng được, thấy tự tâm hiện ra tất cả chúng sanh thế giới,
lìa ngôn ngữ và suy nghĩ, bất khả tư nghì, nghe lời này mà chẳng sanh kinh
sợ thì biết kẻ ấy là pháp khí Phật thừa.
Đại Huệ! Bất định chủng tánh là, khi nói ba chủng tánh kia, tùy nghe nói
mà vào, tùy kia mà thành. Đại Huệ! Đây là sơ trị địa, là chủng tánh kiến
lập, vì tiến lên vào vô sở hữu địa, tạo ra kiến lập ấy. Kia tự giác tàng,
tự phiền não tập sạch, thấy pháp vô ngã, được tam-muội ưa trụ Thanh văn,
sẽ được thân tối thắng Như Lai.
Bất định là, trước kia không có chủng tập các thừa, cho nên hay tùy nói
mà vào. Nói chủng tánh sai biệt vốn vì người mới vào Bồ-tát địa, khuyên họ
tiến lên cứu kính, chẳng để họ rơi vào quyền tiểu, mà lại khuyến dụ quyền
tiểu phát tâm đại thừa. Chẳng phải bảo chủng tánh quyết không thể dời đổi
vậy. Tàng tức là tàng thức. Nghĩa là hay chứng biết thức thứ tám là Như
Lai tàng thì, khi phiền não tập kia được sạch tự nhiên thấy được pháp vô
ngã, tuy ưa trụ tam-muội của Thanh văn, đều có thể được thân tối thắng Như
Lai.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này, nói kệ:
Quả Tu-đà-bàn-na
Vãng lai và Bất hoàn
Đến được A-la-hán
Ấy thảy tâm hoặc loạn.
Tu-đà-bàn-na dịch là nhập lưu, sơ quả mới vào dòng thánh. Vãng lai là nhị
quả, tư hoặc chưa hết lại phải một phen qua cõi trời, một lần trở lại nhân
gian mới vào Niết-bàn. Bất hoàn là tam quả, chín phẩm tư hoặc đã hết, lại
chẳng trở lại Dục giới. A-la-hán dịch là Vô học, là quả thứ tư, bốn trí đã
tròn không còn pháp gì phải học. Những vị này đều sợ sanh tử khổ mà cầu
Niết-bàn, ái tập chưa hết nên nói là hoặc loạn.
Tam thừa cùng Nhất thừa
Phi thừa ta đã nói
Ngu phu ít trí tuệ
Chư thánh xa lìa tịch.
Tam thừa là, Thanh văn, Duyên giác, bất định. Nhất thừa là, Như Lai thừa.
Phi thừa là, các biệt, thảy vì ngu phu ít trí. Chư thánh lìa tịch muốn kia
chóng xảsai biệt vậy.
Pháp môn đệ nhất nghĩa
Xa lìa nơi nhị giáo
Trụ nơi vô sở hữu
Sao dựng lập ba thừa.
Pháp đệ nhất nghĩa, duy một chân thật không có hai và ba. Tức nơi tự tánh
không sự, nên nói trụ nơi vô sở hữu.
Chư thiền vô lượng thảy
Vô sắc tam-ma-đề
Thọ tưởng đều tịch diệt
Cũng không có tâm lượng.
Chư thiền là tứ thiền. Vô lượng là tứ vô lượng tâm. Vô sắc là Vô sắc
định. Tam-ma-đề là đẳng trì tam-muội. Diệt thọ tưởng là Vô tưởng cùng Diệt
tận định. Đây riêng bày duy tâm, nên nói tất cả đều không.
- CHỈ VỌNG TƯỞNG, TRÍ, NHƯ BÌNH ĐẲNG ĐỂ HIỂN BÀY XIỂN-ĐỀ PHẬT TÁNH CHẲNG
ĐOẠN.
Đại Huệ! Nhất-xiển-đề kia, phi nhất-xiển-đề, thế gian giải thoát ai
chuyển? Đại Huệ! Nhất-xiển-đề có hai thứ:
1) Bỏ tất cả thiện căn và nơi vô thủy chúng sanh phát nguyện. Thế nào bỏ
tất cả thiện căn? Nghĩa là chê bai Bồ-tát tạng và nói lời ác “Đây không
phải nói theo kinh điển giải thoát” vì bỏ tất cả thiện căn nên không được
vào Niết-bàn.
Xiển-đề này tức là các biệt chủng tánh ở trước. Nói xiển-đề mà kèm nói
Bồ-tát phương tiện, là khiến biết Bồ-tát thương xót chúng sanh tùy loại mà
hiện để nhiếp hóa người đồng sự. Thế gian giải thoát ai chuyển, là không
có Niết-bàn. Đây là chỉ chung cho hai thứ, căn cứ theo duy tâm mà nói, nên
đều có thể nói: Phi nhất-xiển-đề. Nếu phân biệt hai thứ thì bỏ tất cả
thiện căn là không tin tự tâm. Chê bai Bồ-tát tạng là trái với thành
Niết-bàn. Thương xót chúng sanh phát nguyện chẳng nhập, là vì thâm đạt tự
tâm chớ không phải không tánh Niết-bàn, chẳng khá nói lẫn lộn.
2) Bồ-tát vì tự nguyện phương tiện xưa, chẳng phải chẳng vào Niết-bàn, vì
tất cả chúng sanh mà vào Niết-bàn. Đại Huệ! Kia vào Niết-bàn, ấy gọi là
chẳng vào pháp tướng Niết-bàn. Đây cũng đến cõi nhất-xiển-đề.
Đây là thương xót chúng sanh chẳng vào Niết-bàn, vì tự nguyện phương
tiện. Chẳng phải chẳng vào Niết-bàn, là thấy chúng sanh đã vào Niết-bàn,
vì không giác biết luống chịu luân chuyển. Vì thương xót họ mà chẳng khởi
chứng, ấy cũng đến cõi nhất-xiển-đề.
Đại Huệ bạch Phật: Thế Tôn! Trong đây vì sao cứu kính chẳng vào Niết-bàn?
Phật bảo Đại Huệ: Bồ-tát nhất-xiển-đề, biết tất cả pháp xưa nay đã vào
Niết-bàn cứu kính chẳng vào Niết-bàn, mà chẳng phải như nhất-xiển-đề bỏ
tất cả thiện căn. Đại Huệ! Nhất-xiển-đề bỏ tất cả thiện căn, lại nhờ thần
lực Như Lai, có khi thiện căn sanh. Vì cớ sao? Vì Như Lai chẳng bỏ tất cả
chúng sanh. Vì lẽ đó, Bồ-tát nhất-xiển-đề chẳng vào Niết-bàn.
Tất cả pháp xưa nay đã Niết-bàn cứu kính chẳng vào Niết-bàn là, các pháp
như như, không có tướng mình người, không có tướng ngôn thuyết. Chứng tự
giác thánh thú là, thấy tự tâm hiện ra thân tài kiến lập, thảy là cảnh
giới bất khả tư nghì. Nhưng cảnh giới này mỗi người đầy đủ, chỉ do bất
giác không thể chứng biết, bèn thành thế đế lưu bố. Cho nên nhất-xiển-đề
bỏ tất cả thiện căn, do thần lực Như Lai có khi thiện căn sanh. Đây tuy là
bổn nguyện của Như Lai, cũng do Phật tánh chẳng dứt, trong ngoài huân
phát, thật có nhân duyên. Bồ-tát xiển-đề do đó chẳng vào Niết-bàn.
b-Nói về ba tự tánh.
Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ-tát phải rành về ba tự tánh. Thế nào là ba tự
tánh? Nghĩa là vọng tưởng tự tánh, duyên khởi tự tánh, thành tự tánh.
Đây là đáp câu hỏi về ba tự tánh. Tự tánh cũng nói là thể tánh. Khéo biết
ba thứ thể tánh, liền hay từ duyên khởi đạt được biến kế, trở về viên
thành, chỉ một sát-na.
Đại Huệ! Vọng tưởng tự tánh từ tướng sanh. Đại Huệ bạch Phật: Thế Tôn!
Tại sao vọng tưởng tự tánh từ tướng sanh? Phật bảo Đại Huệ: Tướng duyên
khởi tự tánh sự tướng, tướng hành hiển hiện sự tướng, chấp trước có hai
thứ vọng tưởng tự tánh. Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác kiến lập: Danh
tướng chấp trước tướng, sự tướng chấp trước tướng. Danh tướng chấp trước
tướng là, nói chấp trước các pháp trong ngoài. Sự tướng chấp trước tướng
tức là, kia chấp trước tự tướng cộng tướng trong ngoài như thế. Ấy gọi là
hai thứ tướng vọng tưởng tự tánh. Hoặc y hoặc duyên sanh, ấy là duyên
khởi.
Vọng tưởng tự tánh từ tướng sanh. Tướng này là hai thứ tướng duyên khởi,
tức là danh tướng của năm pháp. Tự tánh sự là danh. Hành hiển sự là tướng.
Như nhân bình được tên bình, nhân trong bình trống chứa nước được tướng
cái bình. Do đây khởi chấp trước tên bình tướng bình, hai thứ vọng tưởng.
Ấy gọi là hai thứ vọng tưởng tự tánh tướng. Pháp trong ngoài, tức là trong
uẩn và ngoài uẩn tất cả căn trần, nên nói chấp danh. Pháp tự tướng cộng
tướng trong ngoài, gọi là chấp tướng. Đâu biết chấp trước chưa sanh, danh
tướng do ai lập? Suy hai tướng duyên khởi không nhân, ngộ tự tánh vọng
tưởng là do chấp thì đạt được như như, thành tựu trí viên thành nào đợi gì
khác.
Thế nào là thành tự tánh? Nghĩa là lìa vọng tưởng danh, tướng và sự
tướng, thánh trí đã được và tự giác thánh trí thú cảnh giới sở hành. Ấy
gọi là thành tự tánh Như Lai tàng tâm.
Đây nói thành tự tánh, cũng chẳng vượt ngoài đạt được danh tướng là như
như, rõ vọng tưởng là chánh trí. Thánh trí đã được là chánh trí. Tự giác
thánh trí thú cảnh giới sở hành là như như. Nghĩa là lìa danh tướng vọng
tưởng, do trí nhập như, bản giác thủy giác hiệp một, ấy gọi là thành tự
tánh Như Lai tàng tâm.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nói kệ rằng:
Danh tướng giác tưởng
Tự tánh hai tướng
Chánh trí như như
Ấy là thành tướng.
Đại Huệ! Ấy gọi là kinh Quán Sát Ngũ Pháp Tự Tánh Tướng, tự giác thánh
trí đến cảnh giới sở hành. Các ông những đại Bồ-tát nên phải tu học.
Nhân quán sát năm pháp mà được cảnh giới thật tướng của ba tự tánh. Đây
phi tự giác thánh trí không thể chứng biết, viên thành hạnh kia. Đây là
chỗ thánh lạc hạnh. Bồ-tát phải nên tu học.
c- Nói về hai vô ngã.
- NÓI VỀ NHÂN VÔ NGÃ.
Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ-tát phải khéo quán hai thứ tướng vô ngã. Thế nào
là hai tướng vô ngã? Là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Thế nào là nhân vô
ngã? Là lìa ngã và ngã sở, ấm giới nhập họp, vô minh nghiệp ái sanh. Nhãn
sắc v.v… nhiếp thọ chấp trước sanh thức, tất cả các căn tự tâm hiện. Thế
giới chúng sanh là tướng tự vọng tưởng của tàng thức thành lập hiển bày.
Như dòng sông, như chủng tử, như đèn, như gió, như mây, sát-na lần lượt
hoại. Thô động như khỉ vượn, ưa chỗ bất tịnh như ruồi lằng, không nhàm
chán như gió thổi lửa. Nhân tập khí hư ngụy từ vô thủy như bánh xe đạp
nước. Sanh tử lăn lộn trong các cõi, thọ các thứ thân sắc. Như huyễn
thuật, thần chú, máy động hình đi. Khéo biết tướng kia gọi là trí nhân vô
ngã.
Đây là đáp câu hỏi về nhân vô ngã. Bởi chấp ấm giới nhập họp thật có ngã
sở, thành tướng nhân ngã. Nếu lìa ngã và ngã sở thì ấm giới nhập liền đó
không nhân (người). Vô minh nghiệp ái sanh, đây là nói chỗ sanh khởi ban
đầu của ấm giới nhập. Bèn có nhãn v.v… các thức, nhiếp thọ tất cả sắc v.v…
Song tất cả chúng sanh thế giới đều tự tâm hiện, do tàng thức hư vọng lập
bày, chẳng có thật thể. Dòng sông v.v… năm dụ để nói sát-na biến hoại. Khỉ
vượn v.v… ba dụ để nói mê lầm cuồng vọng. Do cái hư ngụy từ vô thủy này mà
luân chuyển sanh tử, như bánh xe đạp nước xoay vần chẳng dừng. Lại nói
thân sắc như huyễn thuật, thần chú, máy động hình đi, là nói trong thân
năm uẩn thật không có chủ tể. Nhị thừa tuy biết lìa ngã ngã sở chứng nhân
vô ngã, mà chẳng biết do tàng thức lập bày, đều là tự tâm hiện, nên không
thể ngay đây mà phát minh cảnh giới bất tư nghì. Nhân vô ngã này chính là
đệ nhất nghĩa trí nhận được.
- NÓI VỀ PHÁP VÔ NGÃ.
Thế nào là pháp vô ngã trí? Nghĩa là giác ấm giới nhập tướng vọng tưởng
tự tánh. Như ấm giới nhập lìa ngã và ngã sở. Ấm giới nhập chứa nhóm, nhân
nghiệp ái ràng buộc, lần luợt duyên nhau sanh, không diêu động, các pháp
cũng vậy. Lìa tướng vọng tưởng, sức vọng tưởng tự tướng cộng tướng chẳng
thật. Đây là phàm phu sanh, chẳng phải thánh hiền. Vì tâm, ý, ý thức, năm
pháp, ba tự tánh lìa. Đại Huệ! Đại Bồ-tát phải khéo phân biệt tất cả pháp
vô ngã.
Pháp ấm giới nhập vốn không tự tánh, do tướng vọng tưởng mà làm tự tánh.
Chính nơi đây giác biết liền lìa ngã sở. Đã có vô mimh phát nghiệp, ái thủ
tiếp nối, lần lượt duyên sanh mà lý bản trụ (chân tánh) vẫn không diêu
động. Mới biết tất cả các pháp tự tướng cộng tướng đều lìa. Bởi do vọng
tưởng hư ngụy vọng thấy có tướng làm tăng trưởng sức vọng, phàm phu mê
chấp chẳng đạt được nguồn cội pháp. Chân như không tánh, tâm pháp đồng
nguồn, bờ cõi vọng phân không thể gạn cùng. Nếu đạt vọng tưởng do nơi bất
giác, mới rõ muôn pháp cứu kính như như. Tâm, ý, ý thức bất giác như không
hoa đâu cần trừ dẹp. Năm pháp ba tánh như như, thể lặng lẽ nào nhọc chuyển
biến. Phàm phu vọng có, Nhị thừa phân tích thành không, đều thành pháp
chướng. Đây vẫn chẳng nói không ấm giới nhập, mà nói như ấm giới nhập. Về
tự tâm hiện lượng không thể dùng trí mà biết.
Khéo rành pháp vô ngã, đại Bồ-tát chẳng bao lâu sẽ được sơ địa. Bồ-tát vô
sở hữu quán tướng địa, quán sát khai giác Hoan Hỷ, thứ lớp tiến lên vượt
đến tướng cửu địa, được Pháp Vân địa. Nơi kia dựng lập vô lượng bảo trang
nghiêm, hoa sen báu lớn, voi chúa, cung điện báu lớn, cảnh giới huyễn tự
tánh do tu tập sanh. Ngồi nơi kia đồng một loại với các vị Tối thắng tử,
quyến thuộc vây quanh. Từ tất cả cõi Phật đến, Phật lấy tay làm phép quán
đảnh, như thái tử con vua Chuyển luân làm phép quán đảnh. Vượt địa vị phật
tử, đến tự giác thánh trí pháp thú, sẽ được pháp thân tự tại Như Lai, vì
thấy pháp vô ngã. Ấy gọi là tướng pháp vô ngã, đại Bồ-tát các ông phải nên
tu học.
Vô sở hữu cùng Hoan Hỷ đều là tướng sơ địa. Pháp Vân là thập địa. Từ địa
này hiện ra cõi nước đều là cảnh giới tự tánh huyễn, do vì tu sanh. Đến
vượt Phật tử địa mới đến tự giác thánh thú. Nếu đạt tự tâm hiện thấy thân
tài dựng lập đều là cảnh giới bất tư nghì. Chóng vào tự giác thánh thú
liền vượt lên các địa, trong sát-na chứng biết chẳng do thứ lớp, mới biết
pháp chân vô ngã.
-CHỈ THIỆN PHÁP VÔ NGÃ.
+ LÌA DỰNG LẬP PHỈ BÁNG.
Khi ấy, đại Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Tướng dựng lập phỉ
báng, cúi mong Thế Tôn nói, khiến con và chư đại Bồ-tát lìa ác kiến hai
bên dựng lập và phỉ báng, chóng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Giác
rồi, lìa kiến chấp thường là kiến lập, đoạn là phỉ báng, để không chê bai
chánh pháp.
Dựng lập và phỉ báng là hai kiến chấp có và không. Duy chánh pháp mới hay
lìa nó. Song Nhị thừa thấy ngoài tâm có pháp vẫn phải phá trừ. Ngoài uẩn
biết chân, còn chẳng khỏi xu hướng, huống là ngoại đạo. Do đó, tự giác
thánh trí xa lìa hai bên dạy bảo Bồ-tát, đây là nhân chân thật của bồ-đề.
Thế Tôn nhận lời Bồ-tát Đại Huệ thỉnh rồi vì nói kệ:
Dựng lập và phỉ báng
Không có tâm lượng kia
Thân thọ dụng dựng lập
Và tâm không thể biết.
Ngu si không trí tuệ
Dựng lập và phỉ báng.
Hai kiến chấp có không là ngoài tâm vọng chấp. Không có tâm lượng kia là,
có không chẳng phải chỗ tột, cấu thành tâm lượng. Muôn pháp như mộng, một
phen mê sanh ra. Trong mộng chúng sanh và thế giới chẳng phải chỗ biết của
tâm. Muốn đem sai biệt của việc mộng, toan nói thật về giác tâm thì nào
khác vẽ hình dáng hư không, chỉ thêm ngu si.
Thế Tôn nói nghĩa của kệ này, muốn lặp lại cho rõ ràng, bảo Đại Huệ: Có
bốn thứ chẳng phải có, mà có dựng lập. Thế nào là bốn? Nghĩa là: Chẳng có
tướng dựng lập, chẳng có kiến dựng lập, chẳng có nhân dựng lập, chẳng có
tánh dựng lập, ấy gọi là bốn thứ dựng lập. Lại phỉ báng là, đối với sở lập
kia không có chỗ được, quán sát không nhận được, bèn khởi phỉ báng. Ấy gọi
là tướng dựng lập phỉ báng.
Tự tâm hiện lượng vốn không tướng mà dựng lập tướng, vốn không kiến mà
dựng lập kiến, vốn không nhân mà dựng lập nhân, vốn không tánh mà dựng lập
tánh. Đây đều không biết tự tâm hiện lượng, cho nên chỗ dựng lập đều không
có nghĩa thật. Bởi không có nghĩa thật bèn sanh phỉ báng thì không khác
với dựng lập. Hai lối chấp này đối với tự tâm hiện lượng cách nhau quá xa.
Lại nữa, Đại Huệ! Thế nào chẳng có tướng dựng lập tướng? Nghĩa là: ấm
giới nhập chẳng có tự tướng cộng tướng mà khởi chấp trước, đây như thế,
đây chẳng khác. Ấy gọi là chẳng có tướng dựng lập tướng. Chẳng có tướng mà
dựng lập, đây là do lỗi vọng tưởng hư ngụy từ vô thủy, các thứ tập khí
chấp trước mà sanh.
Từ đây về sau bày rõ vốn không tướng v.v… mà khởi chấp trước tướng v.v…
Ấm giới nhập vốn không tự tướng cộng tướng mà khởi chấp trước tự tướng
cộng tướng. Nên bảo “pháp ngã chấp cứng không buông”, do đó chánh văn nói
“đây như thế, đây chẳng khác”. Song đều do mê Như Lai tàng mà có nghiệp
tướng chuyển tướng các thứ hư ngụy. Lại chạy theo căn thức dẫn khởi các
thứ tập khí. Đây là suy nguyên bởi do chấp trước mà sanh.
Đại Huệ! Chẳng có kiến dựng lập tướng là, ấm giới nhập kia như thế chấp
ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, trưởng dưỡng, sĩ phu dựng lập. Ấy gọi là
chẳng phải có kiến dựng lập tướng. Đại Huệ! Chẳng có nhân dựng lập tướng
là, thức ban đầu không nhân sanh, sau chẳng thật như huyễn vốn chẳng sanh
nhãn, sắc, minh, giới, niệm, trước sanh, sanh rồi, thật có rồi trở lại
hoại. Ấy gọi là chẳng có nhân dựng lập tướng.
Kiến tức là ngã kiến nơi ấm giới nhập, nên gọi là nhân ngã. Thức ban đầu
không nhân sanh là, mê tàng làm thức, do đó có nghiệp tướng chuyển tướng,
đều là việc trong mê, in tuồng sanh mà chẳng có nhân sanh. Đã in tuồng
sanh tức chẳng thật như huyễn, là vốn chẳng sanh. Do nhãn, thức, sắc, minh
in tuồng sanh tiếp nối, nối rồi lại dứt. Nói tóm lại, vốn chẳng có nhân
vọng chấp làm nhân, mà khởi ra dựng lập.
Đại Huệ! Chẳng có tánh dựng lập tướng là, hư không, diệt tận, bát
Niết-bàn, chẳng phải làm ra, chấp trước tánh dựng lập. Những thứ này lìa
tánh phi tánh. Tất cả pháp như sừng thỏ, ngựa v.v… như thấy tóc rủ, lìa có
và chẳng phải có. Ấy gọi là chẳng có tánh dựng lập tướng. Dựng lập và phỉ
báng là ngu phu vọng tưởng, chẳng khéo quán sát tự tâm hiện lượng, không
phải thánh hiền. Thế nên lìa ác kiến dựng lập phỉ báng, nên phải tu học.
Hư không, diệt tận, Niết-bàn chẳng phải tánh làm ra, vọng chấp tánh làm
ra, ấy là chẳng có tánh dựng lập. Lìa tánh phi tánh là, lìa có và không.
Đã chẳng phải tánh làm ra tức là lìa có; không cũng do đối đãi với có, nên
lìa có tức là lìa chẳng phải có (không). Xét kỹ mà nói thì tất cả pháp đều
lìa có và không, như sừng thỏ, ngựa, như thấy tóc rủ. Cho nên biết, dựng
lập phỉ báng đều là vọng chấp của ngu phu. Chẳng phải người khéo quán sát
tự tâm hiện lượng, không thể thâm đạt được thật tướng, nên cần phải tu
học.
+ TIẾN ĐẾN CỨU KÍNH ĐỘ THOÁT.
Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ-tát khéo biết tướng tâm, ý, ý thức, năm pháp, ba
tự tánh, hai vô ngã, tiến đến cứu kính. Vì an chúng sanh nên hiện các thứ
hình loại, như chỗ vọng tưởng tự tánh, y nơi duyên khởi. Thí như các sắc
hiện trong bảo châu như ý, (Bồ-tát) khắp hiện ở tất cả cõi nước chư Phật,
tất cả Như Lai có đại chúng nhóm họp, thảy đều ở trong ấy nghe nhận Phật
pháp. Nên nói tất cả pháp như huyễn, như mộng, bóng trong nắng, trăng đáy
nước, nơi tất cả pháp lìa sanh, diệt, đoạn, thường và lìa pháp Thanh văn,
Duyên giác, được trăm ngàn tam-muội, cho đến trăm ngàn ức na-do-tha
tam-muội. Được tam-muội rồi, dạo đi đến cõi nước chư Phật, cúng dường chư
Phật, sanh trong các thiên cung để tuyên dương Tam bảo. Thị hiện thân Phật
có Thanh văn, Bồ-tát, đại chúng vây quanh, dùng tự tâm hiện lượng độ thoát
chúng sanh, phân biệt diễn nói ngoại tánh là không tánh, thảy khiến xa lìa
kiến chấp có, không v.v…
Đây là tổng kết Bồ-tát phải khéo biết tướng tâm, ý, ý thức, năm pháp, ba
tự tánh, hai vô ngã. Vì khéo biết tướng này nên hay trụ tự tâm hiện lượng,
tiến đến chỗ cứu kính. Nghĩa là cứu kính hiện lượng, chẳng bị kiến chấp
phàm thánh làm hạn lượng, mới có thể tùy thời xuất hiện tự tại vô ngại.
Nhiên hậu vì an chúng sanh, thị hiện các thứ hình loại như huyễn, hiện các
thứ cõi nước như huyễn, được các thứ tam-muội như huyễn, dạo các cõi Phật
như huyễn, làm các thứ cúng dường như huyễn, sanh trên các cung trời như
huyễn, hiện các thứ thân Phật như huyễn, họp các thứ Bồ-tát, Thanh văn đại
chúng như huyễn, nói các thứ pháp như huyễn, độ các thứ chúng sanh như
huyễn, đều do tự tâm hiện lượng, xa lìa kiến chấp có, không v.v… tiến đến
cứu kính. Tự tâm hiện lượng này ở trong vị mê, y nơi duyên khởi mà khởi
các vọng tưởng, cũng mỗi thứ như huyễn, như mộng, như bóng trong nắng, như
trăng đáy nước, lìa các thứ có không, cũng lìa pháp Thanh văn Duyên giác
v.v… Chỉ do bất giác không thể chứng biết. Người giác được tự tâm hiện
lượng hay tạo ra hiện ra. Chính ở trên nói “như chỗ vọng tưởng tự tánh, y
nơi duyên khởi”, là cứu kính hiện lượng vậy.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này, nói kệ rằng:
Tâm lượng thế gian
Phật tử quán sát
Các thân chủng loại
Lìa hành sở tác
Được sức thần thông
Thành tựu tự tại.
Kệ nói tâm lượng thế gian và các chủng loại thân tướng đều lìa tánh tạo
tác. Bồ-tát quán nơi đây liền hay ở bên trong phát lực thông, thành tựu
tự tại. Đây vẫn là đạt tự tánh vọng tưởng, y nơi duyên khởi, trong khoảng
sát-na, thức trí chuyển biến, thể đồng mà dụng khác.
- CHỈ THIỆN PHÁP VÔ NGÃ ĐƯỢC BỐN TƯỚNG PHÁP VÔ NGÃ.
+ TƯỚNG PHÁP KHÔNG.
Khi ấy đại Bồ-tát Đại Huệ thỉnh hỏi Phật: Cúi mong Thế Tôn vì chúng con
nói tất cả pháp không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh. Các con và
chúng Bồ-tát khác giác ngộ pháp không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự
tánh rồi thì sẽ lìa vọng tưởng có và không, chóng được Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác. Thế Tôn bảo Bồ-tát Đại Huệ: Lắng nghe, lắng nghe! Khéo
suy nghĩ đó, nay sẽ vì ông rộng phân biệt nói. Đại Huệ bạch Phật: Thế Tôn,
lành thay! Xin vâng thọ giáo.
Không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh, Thế Tôn thường lấy diệu chỉ
này để hiển bày tự tánh, chẳng rơi vào có không. Văn sau phân biệt bốn câu
(tứ cú), mà trước chỉ cho người do chẳng lìa vọng tưởng mà được chỗ tự
chứng. Nhiên hậu biết kinh điển do ngữ mà nhập nghĩa, chẳng phải chân thật
ở chỗ ngôn thuyết.
Phật bảo Đại Huệ: Không không tức là chỗ tự tánh vọng tưởng. Đại Huệ!
Người chấp trước tự tánh vọng tưởng nói không, vô sanh, không hai, lìa
tướng tự tánh. Đại Huệ! Kia lược nói bảy thứ không, nghĩa là: Tướng không,
tánh tự tánh không, hành không, vô hành không, nhất thiết pháp ly ngôn
thuyết không, đệ nhất nghĩa thánh trí đại không, bỉ bỉ không.
Đây tức nơi tự tánh vọng tưởng chỉ ra chân không. Chân không chẳng không,
nên nói không không. Không không tức là chỗ tự tánh vọng tưởng, chỉ có
chứng biết không thể nói bày. Bởi vì chúng sanh không biết tự tánh vọng
tưởng là chân không, vọng khởi chấp trước, nên nói không, nói vô sanh, nói
không hai, nói lìa tướng tự tánh, khiến ngộ chỗ hành thánh lạc ngay trong
vọng tưởng, chỉ cần lìa chấp trước, liền đó chứng biết, lại không riêng
có. Trước bày ra bảy tướng không. Vô sanh, không hai, lìa tánh, so đồng
với nghĩa không, đều chẳng phải bỏ vọng tưởng riêng có các nghĩa.
Thế nào là tướng không? Nghĩa là tất cả tánh tự tướng cộng tướng đều
không. Vì quán sát sự triển chuyển chứa nhóm, phân biệt không tánh, tự
tướng cộng tướng chẳng sanh, tánh tự, tha, câu (chung) đều không tánh, cho
nên tướng chẳng trụ. Thế nên nói tất cả tánh tướng không, gọi là tướng
không vậy.
Tất cả pháp tánh không tự tướng cộng tướng, vọng thấy có tự tướng nên có
cộng tướng, vọng thấy cộng tướng nên có tự tướng. Triển chuyển đối đãi
nhau, chứa nhóm mà thành, đều do phân biệt vậy. Tánh phân biệt đã rỗng thì
tướng tự tha cũng dối, tức là tướng mà không tướng, cho nên nói tướng
không.
Thế nào tánh tự tánh không? Nghĩa là tánh chính mình; tự tánh chẳng sanh.
Ấy gọi là tất cả pháp tánh tự tánh không, nên nói tánh tự tánh không.
Tất cả pháp tánh vọng thấy có không, không phải tất cả pháp thật có tánh
chính nó. Pháp thiện không có tự tánh thiện, pháp ác không có tự tánh ác.
Tất cả pháp không có tự tánh tất cả pháp. Cho nên tánh tự tánh không,
chẳng phải không tánh nói là không.
Thế nào là hành không? Nghĩa là ấm lìa ngã và ngã sở. Nhân sở thành nên
sở tạo nghiệp phương tiện sanh, ấy gọi là hành không.
Nhân sở thành là chủng tử, sở tạo nghiệp là hiện hạnh. Đây là sở do các
ấm sanh khởi. Mê tâm làm thức thì chủng tử hiện hạnh lẫn huân, tâm vương
tâm sở xen nhau vọng khởi, không ngã ngã sở nên không.
Đại Huệ! Tức cái hành không như thế ấy triển chuyển duyên khởi, tự tánh
không tánh, ấy gọi là vô hành không.
Các ấm hành xứ đương thể toàn không, tức là Niết-bàn. Nhân nơi không mà
nói ấm, nhân nơi ấm mà nói không, triển chuyển duyên khởi, đều không có tự
tánh. Không ấm không không, nên nói không hành không.
Thế nào là nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không? Nghĩa là tự tánh vọng
tưởng vì không có ngôn thuyết, nên tất cả pháp lìa ngôn thuyết. Ấy gọi là
nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không.
Tự tánh vọng tưởng tức chẳng phải tự tánh vọng tưởng, chẳng phải ngoài tự
tánh vọng tưởng lại có ngôn thuyết. Cho nên biết tất cả pháp đều lìa ngôn
thuyết.
Thế nào nhất thiết pháp đệ nhất nghĩa thánh trí đại không? Nghĩa là người
được tự giác thánh trí thì tất cả lỗi tập khí kiến chấp không, ấy gọi là
nhất thiết pháp đệ nhất nghĩa thánh trí đại không.
Tự giác thánh trí vốn lìa các kiến chấp lỗi lầm về có và không. Nơi đây
chứng biết thì tất cả chỗ tất cả thời tất cả việc thành đệ nhất nghĩa, ấy
là đệ nhất nghĩa đại không.
Thế nào là bỉ bỉ không? Nghĩa là đối với kia không cái không kia, ấy gọi
là bỉ bỉ không. Đại Huệ! Thí như nhà của Lộc tử mẫu không có voi ngựa trâu
dê v.v…, chẳng phải không chúng tỳ-kheo, mà nói kia không. Chẳng phải nhà
nhà tánh không, cũng chẳng phải tỳ-kheo tỳ-kheo tánh không, chẳng phải chỗ
khác không voi ngựa. Ấy gọi là tất cả pháp tự tướng. Kia nơi kia không
kia, ấy gọi là bỉ bỉ không. Đây gọi là bảy thứ không. Cái bỉ bỉ không là
cái không rất thô, ông phải xa lìa.
Nơi kia không đây, nơi đây không kia, nên nói bỉ bỉ không. Như nhà Lộc tử
mẫu không voi ngựa trâu dê, chẳng phải không chúng tỳ-kheo, mà nói kia
không, đây là nghĩa bỉ bỉ không. Song nhà Lộc tử mẫu tuy không voi ngựa
trâu dê mà chẳng phải không chúng Tỳ-kheo. Như nhà chẳng phải không tự
tánh nhà, Tỳ-kheo chẳng phải không tự tánh Tỳ-kheo. Nhà Lộc tử mẫu không
voi ngựa, cũng chẳng phải chỗ khác không voi ngựa. Đây là tất cả pháp
không tha tướng chẳng phải không tự tướng. Cho nên bỉ bỉ không rất thô vô
nghĩa, nên phải xa lìa. Nghĩa là ngoại đạo chấp không, chẳng giống chánh
pháp của ta có sáu nghĩa không. Ngay nơi đó liền lìa tất cả tập khí kiến
chấp có không, là không có không tha tánh, mà chẳng phải không tự tánh.
+ TƯỚNG VÔ SANH.
Đại Huệ! Chẳng tự sanh chẳng phải chẳng sanh. Trừ người trụ tam-muội, ấy
gọi là vô sanh.
Chẳng tự sanh là, tự thể vốn vô sanh tánh. Chẳng phải chẳng sanh là, nhân
duyên hội ngộ in tuồng sanh tương tục, mê tình chưa hết không thể nói
không, thể vọng vốn rỗng thì sanh cũng chẳng phải có. Nên nói “pháp nhân
duyên sanh ra, ta nói tức là không”. Đây tên vô sanh, chẳng phải trụ
tam-muội mà nói vô sanh.
+ LÌA TƯỚNG TỰ TÁNH.
Lìa tự tánh tức là vô sanh. Lìa tự tánh thì sát-na tương tục lưu chú và
dị tánh hiện. Tất cả tánh lìa tự tánh, thế nên tất cả tánh ly tự tánh.
Lìa tự tánh là mật chỉ vô sanh, cho nên lại nói tức là vô sanh. Chỉ không
tự tánh thì chính khi sanh là chẳng sanh. Tuy tương tục lưu chú mà sát-na
chẳng dừng, tướng biến dị hiện, nên biết tất cả tánh lìa tự tánh.
+ KHÔNG HAI TƯỚNG.
Thế nào là không hai? Nghĩa là tất cả pháp như lạnh nóng dài ngắn đen
trắng. Đại Huệ! Tất cả cả pháp không hai, chẳng phải đây Niết-bàn kia sanh
tử, chẳng phải đây sanh tử kia Niết-bàn, vì tướng khác nhân khác mà có
tánh, ấy gọi là không hai. Như Niết-bàn sanh tử, tất cả pháp cũng thế. Thế
nên không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh, nên phải tu học.
Nói là hai, như lạnh cùng nóng khác, dài cùng ngắn khác, đen cùng trắng
khác, nên nói tướng khác nhân khác. Song tướng chẳng phải hai tướng, nhân
chẳng phải hai nhân, ấy gọi là không hai. Cho nên biết ngoài Niết-bàn
không sanh tử, ngoài sanh tử không Niết-bàn. Sanh tử Niết-bàn tướng khác,
sanh tử Niết-bàn nhân khác. Nhưng tướng chẳng hai tướng, nhân chẳng hai
nhân, nên nói nhân khác tướng khác là có tánh. Mê giác là nhân, chân vọng
thành tướng. Mê này giác này chân này vọng này dường như có thấy khác, mà
không hai thể. Tất cả pháp cũng lại như thế.
+ KẾT BỐN TƯỚNG VÀO TẤT CẢ KINH ĐIỂN.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này, nói kệ rằng:
Ta thường nói pháp không
Xa lìa nơi đoạn thường.
Sanh tử như huyễn mộng
Mà nghiệp kia chẳng hoại.
Hư không và Niết-bàn
Diệt định hai cũng thế.
Ngu phu khởi vọng tưởng
Chư thánh lìa có không.
Như Lai nói ra pháp không là nói tự tánh vọng tưởng chân không. Tự tánh
vọng tưởng chân không siêu việt đoạn thường, ở trong sanh tử trọn như mộng
huyễn. Trong mộng huyễn không có tướng hoại cùng với chẳng hoại. Nói có
nghiệp hoại, vẫn thuộc về kiến chấp có không. Tự tánh chân không như ba
thứ vô vi, chóng lìa có không, chẳng có các lỗi lầm. Cho nên chẳng đồng
với ngu phu chạy theo vọng tưởng bất giác chấp trước.
Thế Tôn lại bảo đại Bồ-tát Đại Huệ rằng: Này Đại Huệ! Không, vô sanh,
không hai, lìa tướng tự tánh, khắp vào tất cả kinh điển chư Phật. Phàm có
kinh đều nói nghĩa này. Vì các kinh điển thảy tùy theo tâm hy vọng của
chúng sanh, vì họ phân biệt nói hiển bày nghĩa ấy, mà không phải chân thật
tại ngôn thuyết. Ví như một con nai khát nước tưởng nước, rồi làm mê lầm
cả bầy nai. Nai ở nơi tướng kia chấp trước thật nước, mà nơi kia không
nuớc. Như thế, tất cả kinh điển nói ra các pháp vì khiến kẻ ngu phát hoan
hỷ, chẳng phải thật thánh trí ở nơi ngôn thuyết. Thế nên phải y nơi nghĩa
chớ chấp ngôn thuyết.
Đây lại kết nói vì tự tánh vọng tưởng, chấp trước nên nói không, vô sanh,
không hai, lìa tướng tự tánh. Nếu hay chứng biết tự tánh vọng tưởng, liền
lìa chấp trước, ngay nơi đó lặng lẽ. Thế mới biết, không, vô sanh, không
hai, lìa tự tánh vẫn là tột chỉ ra chủ yếu, mà chẳng phải hiển thẳng đệ
nhất nghĩa. Cho nên nói, các kinh điển tùy tâm hy vọng của chúng sanh,
hiển bày nghĩa kia, mà chẳng phải chân thật ở nơi ngôn thuyết. Hiển bày
nghĩa kia là do ngữ mà vào nghĩa, như ngọn đèn soi sự vật, mà chẳng phải
chân thật ở lời nói. Cho nên không thể y ngữ mà nhận nghĩa. Đây là nói
phải y nơi nghĩa chớ y nơi ngôn thuyết.
Nguồn: www.quangduc.com