(1) Trước hết hãy biết một vài
ghi chú. Ngài Huyền tráng ghi: Đến Phệ xá ly (Tì da li)... Tây bắc cung
thành cách năm sáu dặm có 1 già lam, cạnh già lam có 1 ngôi tháp, đó là
chỗ xưa Phật nói kinh Tì ma la cật (Duy ma). Đông bắc cách ba bốn dặm
có 1 ngôi tháp, đó là nhà cũ của Tì ma la cật. Nhà này hãy còn nhiều sự
linh dị. Cách đó không xa, có 1 phòng chất đá làm ra, đó là chỗ Tì ma
la cật hiện bịnh thuyết pháp. Bên cạnh có nhà cũ của Bảo tích, nhà cũ
của Yêm ma la nữ. (Chính 55/235).
Ngài Khuy cơ ghi: Phệ xá li, dịch
Quảng nghiêm. Nước này chu vi có 8000 dặm. Đại đô thành nước này nay
tuy đổ nát, nhưng nền cũ vẫn còn, chu vi sáu bảy mươi dặm. Nền thành
vương cung chu vi bốn năm dặm. Phía tây bắc cung thành cách năm sáu dặm
có một ngôi già lam, học tập Chánh lượng bộ. Cạnh ngôi già lam này có
1 ngôi tháp, Phật đã ở đây nói kinh Vô cấu xưng, chỗ mà bấy giờ trưởng
giả tử Bảo tánh dâng lọng. Phía bắc ngôi già lam cách ba bốn dặm là vườn
Yêm la nữ, được đem hiến Phật và Ngài thường ở đấy. Đông bắc
ngôi già lam cách ba bốn dặm thì có nhà cũ của Vô cấu xưng. Cách nhà
không xa, có 1 nhà thần, hình dáng như chất gạch, truyện nói rằng đó
là phòng chất đá mà thành, và là chỗ Vô cấu xưng hiện bịnh thuyết pháp.
Cách chỗ này không xa, có 1 ngôi tháp, đó là nhà cũ của Bảo tánh. Cạnh
nhà này không xa, là nhà cũ của Yêm ma la nữ... Yêm ma la là Ấn độ có
trái yêm ma la. Thành này có nữ nhân lấy tên theo trái ấy, nên gọi là
Yêm ma la nữ. Yêm ma la nữ có khu vườn hơn hết..., sau đem hiến Phật, và
Ngài thường du ngụ (Vạn 29/196AB).
Ngài Thái hư ghi: Đời Đường có
Vương Huyền Sách từng đến Ấn độ. Bấy giờ nhà của ngài Duy ma đang
còn. Ông vốn ngờ kinh này nói nhà này nhỏ mà chứa được 900 vạn người
và 32000 tòa sư tử cao lớn. Tòa sư tử thì xác định lớn, mà nhà không
biết nhỏ đến đâu. Ông lấy hốt mà đo chu vi nhà thì 4 phía đều được
10 hốt. Mỗi hốt 1 thước, tức 1 trượng. Do vậy mà tán thán thần lực
của ngài Duy ma. Ngài Huyền tráng cũng đến Ấn độ, từng đến nhà ngài
Duy ma. Nhìn cái nhà nhỏ, bụng nghi kinh nói không thật, muốn viết lên
vách nhà để tỏ ý mình. Nào ngờ chấm bút muốn viết thì vách với người
chung cục cách nhau mãi mà không gần được, sờ cũng không thấu, gần trọn
ngày mà không viết được chữ nào. Ngài gác bút mà tán thán di tích còn
thế, huống chi thần lực xưa kia (Thái hư toàn thư, 866).
Tham chiếu các kinh khác, như kinh
Nguyệt thượng nữ v/v, chép ngài Duy ma họ Lôi, vợ là Kim cơ, con trai là
Thiện tư, con gái là Nguyệt thượng. Vậy ngài Duy ma là người thật đời
Phật (Thái hư toàn thư 903).
Vài ghi chép trên đây chứng tỏ
ngài Duy ma không những là người thật thời Phật, mà còn 1 vị đại cư
sĩ, đại bồ tát đến có thể gọi là bồ tát bất khả tư nghị. Thế
nhưng tại sao sách vở của cái Phật giáo gọi là nguyên thỉ xưa nay ghi về
đệ tử tại gia danh tiếng của Phật không thấy ghi về ngài. Tất phải
có một sự húy kào đó. Thời Phật, nói bồ tát chỉ có đức Di lạc,
là sai. Ngoài đức Di lạc, và ngài Duy ma, nổi tiếng còn có hoàng hậu Thắng
man, nhất là có 16 người gọi là nhóm Hiền hộ. Tất cả đều không được
sách vở Phật giáo nguyên thỉ ghi đến.
Nhưng ở đây xác định ngài Duy ma
là một vị đại bồ tát. Dầu kinh ngài nói là nói về bất khả tư nghị
đi nữa, không thể vì vậy mà cho là nhân vật giả tạo, bồ tát giả tạo.
(2) Kinh này được kê có 6 bản dịch.
Nhưng trong Đại tạng hiện còn chỉ có 3 bản. Thứ nhất là của Cung minh
Chi khiêm. Thứ hai là của dịch giới chi vương La thập. Thứ ba là của Đại
đường tam tạng Huyền tráng. Tức các số 474, 475, 476 của Đại tạng
kinh bản Đại chính tân tu (Chính 14/519-588). Bản thứ hai là định bản.
Phật giáo đại sự biểu của Lương Khải Siêu ghi bản ấy xuất hiện năm
406 (Phật học nghiên cứu, phụ lục bài 1, trang 16).
Bản thứ hai có cái tên Duy ma cật
sở thuyết bất khả tư nghị giải thoát pháp môn kinh: bản kinh mà ngài
Duy ma cật nói về pháp môn giải thoát tên bất khả tư nghị. Vậy gọi là
kinh Duy ma là gọi tắt tên người, nhưng phần chính kinh Duy ma là sự Bất
khả tư nghị.
Bản dịch thứ hai này của ngài La
thập được hầu hết các vị đại sư danh tiếng chú thích, trong đó có
các ngài Tuệ viễn, Trí giả và Cát tạng. Nhưng quí nhất, căn bản nhất,
chính là bản Chú Duy ma kinh của chính ngài Tăng triệu, thuật lại lời ngài
La thập, ngài Đạo sanh và lời mình (Vạn 27/170-278). Bản này là tài liệu
chính yếu mà tôi căn cứ để dịch giải kinh này. Ngoài ra, bản dịch thứ
ba của ngài Huyền tráng thì có chính ngài Khuy cơ chú sớ (Chính
29/182-322). Dĩ nhiên bản dịch thứ ba và bản chú sớ này tôi tham khảo rất
nhiều.
Cũng nên nói thêm, bản dịch thứ
hai của ngài La thập không những nổi tiếng vì nghĩa lý mà còn nhất là
vì văn chương. Thi hào Vương Duy đời Đường lấy hiệu Ma cật, là lấy
tên ngài Duy ma đó. Chưa hết. Các tác giả từ chương và kịch khúc còn lấy
cảm hứng ở đoạn thiên nữ hiến hoa trong phẩm 7. Học giả Hồ Thích đã
nói kinh này là hài kịch triết lý.
Như đã thấy, kinh này gọi tắt
là kinh Duy ma, nhưng chủ yếu là sự bất khả tư nghị. Từ ngữ này có
nghĩa là sự việc không thể nghĩ và bàn một cách bình thường. Ở đây
cũng có chút ít cái ý bất khả tư nghị là siêu việt tư duy mô tả, là
tâm hành xứ diệt và ngôn ngữ đạo đoạn.
Trọn kinh Duy ma, từ đầu đến cuối,
từ đại thể đến chi tiết, đều là bất khả tư nghị. Bối cảnh và nội
dung bất khả tư nghị ấy không phải chỉ có một chiều. Tuy nhiên phần
chính vẫn là trực tiếp và gián tiếp tấn công tiểu thừa. Nên kinh Duy
ma đại thừa này mà không bị cái gọi là Phật giáo nguyên thỉ gạt đi,
ngài Duy ma không bị không ghi đến, mới là điều đáng ngạc nhiên.
(3) Sự bất khả tư nghị đầu tiên
là kinh Duy ma đề cao cư sĩ. Thế nhưng không phải đề cao là nói làm sao
cho vai trò cư sĩ cao lên.
Tăng bảo dĩ nhiên là thiểu số,
trong đạo cũng như ngoài đời. Phật cũng không khuyến khích lắm hay tìm
cách làm cho ai cũng xuất gia. Nhưng hàng xuất gia là Tăng bảo. Tăng bảo mà
bất xứng thì bản thân Tăng bảo và Phật giáo phải rán chịu, chứ địa
vị Tăng bảo không ai có thể thay thế.
Trong kinh Duy ma, vị cư sĩ này biện
tài vô ngại. Không một thanh văn hay bồ tát nào gặp ông mà có thể đối
thoại. Thế nhưng, trừ đoạn tôn giả Phú lâu na trong phẩm 2, các vị tỷ
kheo có lạy ngài Duy ma. Ngoài ra, lễ nghi tăng già cư sĩ không có chỗ nào
sơ suất. Vậy đề cao cư sĩ là đề cao thế nào?
Bản chất của Phật pháp là không
phải chỉ đặc biệt giành cho ai. Ai cũng có phần Phật pháp. Nhưng là
cái phần đúng theo giới pháp và hình thức giới pháp. Như vậy nói chỉ
có Tăng bảo mới hoằng pháp là sai, và dĩ nhiên cũng là sai nếu nói cư
sĩ chỉ hộ pháp. Trừ sinh hoạt kiết ma, tất cả Phật tử, Tăng bảo
cũng như cư sĩ đều tùy vị trí mà làm mọi việc Phật. Có điều làm như
vậy, nếu là xuất gia thì tương đối dễ hơn, vì, như kinh Ưu bà tắc
nói, bồ tát có 2, có tại gia có xuất gia. Xuất gia làm việc bồ tát thì
không khó, tại gia làm việc bồ tát mới khó hơn, vì tại gia thì bị bao
nhiêu điều phiền nhiễu.
Do vậy mà Duy ma là một hình ảnh
cư sĩ bất khả tư nghị. Hình ảnh đó, trước hết kinh này muốn có.
(4) Phật xuất thế, đầu tiên thiết
lập Tăng bảo ngay nơi vị trí thanh văn. Thanh văn mà phạn hạnh dĩ lập,
bất thọ hậu hữu, ấy là đã rốt ráo. Sự thiết lập này, về sau, vừa
làm cho Tăng bảo ngày càng xa với Phật quả, vừa làm cho Phật pháp ngày
càng hẹp hòi. Mục đích luận của Phật giáo lại chẳng phải chỉ là la
hán. Vì lẽ đó, sau khi đưa Tăng bảo đến thanh văn rồi thì tất nhiên
Phật phải hướng dẫn họ bước tới nữa. Thậm chí ngang đây, Pháp hoa
công nhận có thanh văn mà không công nhận có niết bàn của thanh văn.
Phật, sau thanh văn thì tất nhiên
đưa đến bồ tát. Bồ tát không phải chỉ là cái thân tối hậu của một
đức Phật, không phải chỉ là vị trải qua 100 kiếp tu bách phước tướng
hảo, cũng không phải chỉ là vị được thọ ký thay Phật. Bồ tát được
quan niệm như vậy là của tiểu thừa. Đại thừa thì ai cũng có thể làm
Phật. Phật có bao nhiêu phẩm chất mà La hán không có. Làm Phật thì phải
bằng giai đoạn bồ tát. Đại thừa nói rõ tâm ta tưởng Phật thì tâm
ấy là Phật, tâm ấy làm Phật. Nghĩa là ai cũng có thể làm bồ tát,
không kể tại gia hay xuất gia. Mà tại gia có khi còn có cơ hội hơn.
Khi hướng dẫn thanh văn thì Phật
bảo phạn hạnh dĩ lập, bất thọ hậu hữu. Khi thăng tiến thanh văn làm
bồ tát thì Phật bảo tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh (làm sạch
thế giới, làm nên chúng sinh). Chính vì vậy mà Duy ma đóng góp vào việc
thăng tiến này. Thế nhưng sự bất khả tư nghị ở đây không phải ở nơi
ngài Duy ma, mà chính là ở nơi các vị thanh văn đóng cái vai trò bị khiển
trách để thực hiện ý muốn của Phật.
(5) Đặc biệt là Thuyết hữu bộ,
sau khi chiếm Thượng tọa bộ, trọng luận hơn kinh, trước tác nghiêm mật,
làm cho sinh khí linh động của Phật giáo, nhất là Phật giáo thời Phật,
gần như mất hẳn. Chính điều này đã sản sinh hoạt động của các bộ
phái, đặc biệt là đại thừa, đặc biệt là kinh Duy ma. Kinh này cực kỳ
linh động, trong tư tưởng cũng như trong ngôn ngữ. Do vậy, cái sinh khí
trung đạo linh động của thời Phật dầu không sống lại được hoàn
toàn, kinh Duy ma cũng phá vỡ được những hình thức cứng nhắc, những
sinh hoạt tự cao và cô lập, phá vỡ cái Phật giáo Thuyết hữu bộ. Tất
cả những gì gọi là bất khả tư nghị trút hết cho việc thứ 4 ở trên
thì nay lại càng trút hết cho việc thứ 5 này.
(6) Thống quán toàn bộ Duy ma, trước
hết thấy hay nói đến nhất là sự phát bồ đề tâm và chứng vô sinh nhẫn.
Phát bồ đề tâm là chí nguyện đại thừa. Vô sinh nhẫn là nhẫn sự vô
sinh phiền não (tức gần như vô sinh trí, sau tận trí, nói theo tiểu thừa).
Thống quán như vậy tự lộ ra toàn
bộ Duy ma là nói về tịnh độ. Kinh này có 14 phẩm, trừ 2 phẩm sau là phần
lưu thông, còn 12 phẩm trước toàn là nói về tịnh độ.
Tịnh độ của kinh Duy ma trình bày
thật là linh động. Từ phẩm 1 nói tâm tịnh độ tịnh, đến phẩm 12 nói
muốn được tịnh độ thì phải đi theo đường đi của Phật.
Duy ma nói về tịnh độ dưới nhiều
sự việc và dạng thức thật là bất khả tư nghị, đề cao và lấy làm
tiêu ngữ 2 câu tóm tắt hết thảy bồ tát hạnh, ấy là làm sạch thế giới,
làm nên chúng sinh.
Có một chi tiết nhỏ cũng đáng
nói đến. Tức như cái phòng của ngài Duy ma, ở đây không nói là báo độ
như các nơi khác, mà nói theo ngôn ngữ Duy ma là bất khả tư nghị. Lại còn
một chi tiết nữa, tuồng như Đông phương tịnh độ (Bất động như lai)
thịnh hành trước cả Tây phương tịnh độ (Di đà như lai).
(7) Thế nhưng vấn đề vẫn chưa hết.
Phải có sự so sánh chút ít giữa Duy ma và Pháp hoa. Pháp hoa đối với tiểu
thừa thì nhận là phương tiện bước đến đại thừa. Pháp hoa nói thanh
văn là nội bí bồ tát hạnh, ngoại hiện thanh văn tướng. Pháp hoa thọ
ký cho tiểu thừa cuối cùng thành Phật tất cả. Duy ma không như vậy. Duy
ma linh hoạt, bất khả tư nghị, lấy chúng sinh và phiền não làm đất bùn
mọc lên hoa sen. Thế nhưng 2 lần ngài Ca diếp than mất phần, không có khả
năng để làm gì được nữa về sự bất khả tư nghị, thì rõ ràng Duy
ma tấn công mà không hội qui tiểu thừa.
22.10.2535.