KINH PHỔ MÔN
CHÚ GIẢNG
Bhikkhu THÍCH THÁI HÒA

----o0o----

 

5.

 

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA,
PHẨM PHỔ MÔN- BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM.
Tỷ khưu Thích Thái Hòa dịch từ bản Hán của Ngài Cưu Ma La Thập.

 

Bấy giờ Bồ Tát Vô Tận Ý[1], từ chỗ ngồi đứng dậy, trạc áo vai bên phải, chắp tay hướng đến đức Phật mà thưa rằng:

"Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát Quán Thế Âm[2] vì lý do gì mà gọi là Quán Thế Âm?"

Đức Phật dạy Bồ Tát Vô Tận Ý rằng: Hỡi thiện nam tử!  Nếu có vô lượng,  trăm  ngàn  vạn ức chúng  sanh, bị chịu các khổ đau, nghe nói đến Bồ Tát Quán Thế  Âm, một lòng trì niệm danh hiệu của Ngài, Bồ Tát Quán Thế Âm tức khắc quán chiếu âm thanh của người trì niệm ấy, là họ đều được giải thoát.

Nếu có người trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, giả thiết rằng, người ấy đi vào trong lửa dữ, thì lửa dữ không thể đốt người ấy. Tại sao? Vì do sức mạnh oai thần của Bồ Tát ấy vậy.

Hoặc bị nước lớn cuốn trôi mà trì niệm danh hiệu của vị Bồ Tát ấy, liền được chỗ nước cạn.

Hoặc có trăm ngàn vạn ức chúng sanh, vì tìm cầu vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu và các thứ báu vật khác mà đi vào trong biển cả, giả sử bị trận gió xoáy u ám dữ dội, thổi bạt thuyền tàu dạt vào đảo quốc quỷ La Sát, trong đó cho đến chỉ có một người xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tất cả mọi người đều thoát khỏi nạn quỷ La Sát. Vì những lý do như vậy, nên gọi là Quán Thế Âm.

Lại nữa, hoặc có người sắp sửa bị sát hại, người ấy trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì dao gậy trong tay đao phủ liền bị gãy từng đoạn và người bị sát hại thoát nạn.

Giả sử các loài quỷ Dạ Xoa và La Sát có mặt cùng khắp trong một tỷ thế giới muốn đến ám hại người nào, mà chúng nghe người ấy xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì các loài quỷ độc ác ấy, còn không thể dùng mắt mà nhìn huống nữa là làm hại.

Lại nữa, giả sử nếu người có tội, hoặc không có tội mà thân thể của họ bị buộc trói, gông cùm, xiềng xích, người ấy xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì mọi hình cụ đều đứt rã, họ liền được thoát nạn.

Hoặc giặc cướp có mặt cùng khắp trong quốc độ gồm một tỷ thế giới, có một vị thương chủ, cầm đầu đoàn thương gia mang cầm bảo vật quý giá, đi qua con đường hiểm, có một người trong đoàn thương gia ấy, liền xướng lên rằng: "Hỡi các Thiện nam tử, đừng có sợ hãi, quý vị hãy một lòng xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, là vị Bồ Tát có khả năng bố thí sự không sợ hãi cho chúng sanh, chúng ta hãy cùng nhau xưng niệm danh hiệu của vị Bồ Tát ấy, thì chúng ta sẽ được thoát khỏi tai nạn của giặc cướp. Những người đi buôn nghe nói, liền phát lên lời niệm "Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm". Do xưng niệm danh hiệu của vị Bồ Tát ấy, nên thoát khỏi tai nạn.

Này Vô Tận Ý! Sức oai thần của Đại Bồ Tát Quán Thế Âm cao lớn như vậy.

Nếu có chúng sanh, tính nhiều dâm dục, thường cung kính xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, liền thoát được tính dục; nếu tính nhiều sân hận, thường cung kính xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, liền thoát được tính sân; nếu tính nhiều ngu si, thường cung kính xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, liền thoát được tính si.

Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm, có sức oai thần to lớn và nhiều lợi ích đại loại như vậy, do đó chúng sanh phải thường xuyên tâm niệm.

Nếu có người nữ nào, giả sử muốn cầu con trai, họ lễ bái và cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì liền sanh con trai có trí tuệ và phước đức; giả sử họ muốn cầu con gái, thì liền sanh con gái có tướng nữ đoan chánh đã từng gieo trồng gốc rễ phước đức, được mọi người thương kính.

Hỡi Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có uy lực như vậy, nên nếu có chúng sanh nào cung kính, lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước đức của họ không thể trống rỗng.

Do đó, chúng sanh nên trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

Hỡi Vô Tận Ý! Nếu có người trì niệm sáu mươi hai ức hằng hà sa danh hiệu Bồ Tát và lại suốt đời cúng dường thực phẩm, ăn, uống, y phục, dụng cụ ngồi nằm, thuốc men,... ý ông nghĩ thế nào, người thiện nam hay thiện nữ đó công đức có nhiều chăng?

Vô Tận Ý thưa: "Rất nhiều, bạch đức Thế Tôn!".

Đức Phật dạy: "Nếu có người thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, cho đến lễ bái, cúng dường chỉ một thời gian, thì phước đức của hai người ấy như nhau không khác. Phước đức ấy, trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp, không cùng tận".

Vô Tận Ý! Trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm được phước đức lợi ích vô lượng vô biên như thế.

Bồ Tát Vô Tận Ý, lại thưa với đức Phật rằng:

"Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát Quán Thế Âm du hóa ở trong thế giới Ta Bà này như thế nào? Thuyết pháp cho chúng sanh như thế nào? Và sức phương tiện của Bồ Tát ấy như thế nào?".

Đức Phật dạy Bồ Tát Vô Tận Ý rằng:

"Này Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh ở quốc độ nào, cần dùng thân tướng Phật để hóa độ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm dùng thân tướng ấy để thuyết pháp, đối với những chúng sanh cần dùng thân Duyên Giác để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Thanh Văn để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng Thanh Văn mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Phạm Vương để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Đế Thích để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Tự Tại Thiên để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Đại Tự Tại Thiên để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân của Thiên Đại Tướng Quân để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Tỳ Sa Môn[3] để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Tiểu Vương để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Trưởng giả để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Cư sĩ để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Tể quan để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân Bà la môn để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp; đối với những chúng sanh cần dùng thân tướng Tỳ khưu, Tỳ khưu ni,  Ưu  bà  tắc,  Ưu  bà  di  để  hóa  độ  thì  Bồ  Tát liền  hiện  các  thân  tướng  ấy  mà  thuyết  pháp;  đối với  những  chúng  sanh  cần  dùng  thân  tướng  phụ nữ  thuộc  Trưởng  giả,  Cư  sĩ, Tể  quan  và  Bà  la môn  để  hóa  độ  thì  Bồ Tát liền hiện các thân tướng ấy mà thuyết pháp;  đối  với  những  chúng  sanh  cần  dùng  thân tướng  đồng  nam,  đồng  nữ  để  hóa  độ  thì  Bồ  Tát liền  hiện  các  thân  tướng  ấy  mà  thuyết    pháp;    đối   với   những   chúng   sanh   cần dùng các thân  tướng Trời, Rồng[4], Dạ  Xoa, Càn Thát Bà[5], A Tu La[6], Ca  Lầu  La[7], Khẩn  Na  La[8], Ma  Hầu La Già[9], Nhơn, Phi  nhơn[10],… để hóa độ thì Bồ Tát liền  hiện các thân tướng ấy mà thuyết pháp, đối với những chúng sanh cần dùng thân tướng vị Thần Chấp Kim Cang[11] để hóa độ thì Bồ Tát liền hiện thân tướng ấy mà thuyết pháp[12].

Hỡi Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm thành tựu các công đức như vậy, dùng mọi hình tướng ở trong mọi quốc độ mà hóa độ hết thảy mọi chúng sanh. Vì vậy, quý vị nên nhất tâm cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm. Ở trong tai nạn nguy cấp kinh hãi, chính Đại Bồ Tát Quán Thế Âm có khả năng hiến tặng sự không sợ hãi, nên ở nơi thế giới Ta Bà này, mọi người đều tôn xưng Ngài là vị Bồ Tát hiến tặng sự không sợ hãi.

Bồ Tát Vô Tận Ý, bạch đức Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Nay con xin cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm.”

Thưa xong, Bồ Tát Vô Tận Ý liền cởi chuỗi ngọc Anh lạc bảo châu, trị giá cả trăm ngàn lượng vàng đang đeo nơi cổ, cúng dâng lên Bồ Tát Quán Thế Âm mà thưa rằng:

"Thưa Nhân giả, xin Ngài nhận cho trân bảo hiến cúng đúng chánh pháp này!".

Bấy giờ, Bồ Tát Quán Thế Âm không nhận.

Bồ Tát Vô Tận Ý, lại thưa với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng:

"Thưa Nhân giả, xin Ngài hãy thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc Anh lạc này!".

Bấy giờ, đức Phật dạy Bồ Tát Quán Thế Âm rằng:

"Hãy thương Bồ Tát Vô Tận Ý, thương bốn chúng và các loài; Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhơn, Phi nhơn,... mà nhận chuỗi ngọc châu Anh lạc ấy".

Ngay lúc ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm, thương bốn chúng và các hàng Trời, Rồng, Nhơn, Phi nhơn..., mà nhận chuỗi ngọc châu Anh lạc, và phân chuỗi ngọc làm hai phần; một phần dâng cúng đức Phật Thích Ca và một phần dâng cúng bảo tháp của đức Phật Đa Bảo.

Này Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có thần lực du hóa ở nơi thế giới Ta Bà một cách tự tại như vậy.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Tận Ý, đã thưa hỏi đức Thế Tôn bằng lối kệ tụng như sau:

"Thế Tôn đủ tướng đẹp

Con xin hỏi lại Ngài

Phật tử nhơn duyên gì

tên là Quán Thế Âm?

 

 

Đấng đầy đủ tướng đẹp

trả lời Vô Tận Ý:

Ngươi nghe hạnh Quán Âm

khéo thích ứng mọi nơi.

 

Nguyện sâu rộng như biển

trải qua vô lượng kiếp

từng theo ngàn ức Phật

phát nguyện lớn thanh tịnh.

 

Tôi vì người nói lược

ai nghe danh, thấy hình

tâm niệm không bỏ qua

diệt các khổ hiện hữu.

 

Giả sử ai ác ý

xô rớt hầm lửa lớn

do sức niệm Quán Âm

hầm lửa biến hồ sen.

 

Hoặc trôi nổi biển cả

gặp nạn quỷ, cá, rồng,

do sức niệm Quán Âm

sóng gió không nhận chìm.

 

Hoặc tại đỉnh Tu Di,

bị người ác xô rớt

do sức niệm Quán Âm

như mặt trời trên không. 

 

Hoặc bị người ác đuổi,

rớt xuống núi Kim Cang

do sức niệm Quán Âm

không hại một mảy lông.

 

Hoặc gặp giặc vây hãm

cầm dao muốn giết hại

do sức niệm Quán Âm

khiến giặc khởi lòng thương.

 

Hoặc gặp khổ vương nạn

sắp sửa đem hành quyết

do sức niệm Quán Âm

dao gậy gãy từng đoạn.

 

Hoặc tù ngục xiềng xích

tay chân bị gông cùm

do sức niệm Quán Âm

liền thoát khỏi tự nhiên.

 

Bị thuốc độc, trù, ếm,

nguy hại đến thân mạng

do sức niệm Quán Âm

người gây lại nhận quả.

 

Hoặc gặp La Sát dữ,

Rồng độc và các quỷ...,

do sức niệm Quán Âm

khiến chúng không dám hại.

 

Hoặc ác thú vây hãm,

nanh móng nhọn ghê rợn

do sức niệm Quán Âm

khiến chúng liền tuôn chạy.

 

Rắn độc và bò cạp,

phun lửa khói, khí độc

do sức niệm Quán Âm

nghe tiếng chúng tự lui.

 

Sấm sét mây điện chớp

mưa lớn tuôn xối xả

do sức niệm Quán Âm

ngay đó được tạnh ráo.

 

Chúng sanh bị khốn ách

vô lượng khổ bức thân

sức trí mầu Quán Âm

năng cứu khổ cho đời.

 

Đầy đủ sức thần thông

rộng tu trí phương tiện

các cõi trong mười phương

thân Ngài đều hiện khắp.

 

Các cõi đến xấu xa

địa ngục, quỷ, súc sanh;

khổ, sanh, già, bệnh, chết

khiến từ từ tiêu diệt.

 

Quán chiếu đến tuyệt đỉnh[13]

Quán chiếu  thuần vô nhiễm[14]

Quán chiếu bằng tuệ lớn[15]

Quán chiếu bằng Đại bi[16]

Quán chiếu bằng Đại từ[17]

Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng.

 

Ánh sáng trong, vô nhiễm

mặt trời tuệ phá tối

điều phục nạn gió lửa

sáng soi khắp thế gian.

 

Bản thể Bi hiện hữu

sấm dậy vang lòng Từ

ý Từ đức tuyệt đẹp

như mây lớn bủa khắp

 

rưới mưa pháp Cam lồ

dập tắt lửa phiền não[18].

Đến cửa quan kiện tụng

trong quân trận hãi hùng

do sức niệm Quán Âm

oán thù tự tan rã.

 

Âm thanh thật nhiệm mầu

Âm thanh nhìn cuộc đời

Âm thanh thật trong suốt

Âm thanh như sóng biển

Âm thanh vượt cuộc đời,

nên tu phải thường niệm.

 

Từng niệm đừng nghi ngờ,

Tịnh Thánh Quán Thế Âm

trong tai nạn khổ chết

Ngài là chỗ nương tựa.

 

Hoàn thành mọi công đức

mắt thương nhìn chúng sanh

biển phước chứa vô lượng

nên cần đảnh lễ Ngài[19].

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Trì Địa[20], từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật bạch rằng:

"Bạch đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào, nghe phẩm nói về Bồ Tát Quán Thế Âm, có nghiệp cảm tự tại, có năng lực thần thông thị hiện cùng khắp mọi nơi; thì nên biết rằng, người ấy công đức không phải là ít".

Lúc đức Phật nói phẩm Phổ Môn, trong chúng có tám vạn bốn ngàn chúng sanh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác


[1] Bồ Tát Vô Tận Ý: Phạn, Akṣayamatir bodhisattva ( Buddhist Sanskrit Texts, No 6, P 250 ). Hán dịch Vô Tận Ý Bồ Tát, Vô Lượng Ý Bồ Tát. Bồ Tát nầy do quán chiếu nhân duyên, quả báo của hết thảy hiện tượng, sự tướng đều là vô tận, nên phát tâm, trên là cầu thành tựu công đức vô tận của chư Phật, dưới là hóa độ chúng sanh vô tận, nên gọi là Bồ Tát Vô Tận Ý  (Phật Quang 6, tr 5133). Burton Watson dịch Bodhisattva Inexhaustible Intent.

[2] Bồ Tát Quán Thế âm: Phạn, Avalokiteśvaro, Buddhist Sanskrit Texts, No 6, P 250. La Thập dịch là Quán Thế  Âm, Đại Chính 9, tr 56. Pháp Hộ dịch là Quang Thế Âm, Đại Chính 9, tr 128. Xà Na Quật Đa dịch là Quán Thế Âm, Đại Chính 9, tr191. Ở Bát Nhã Tâm Kinh, Ngài Huyền Trang dịch là Quán Tự Tại. Avalokite, Ngài Huyền Tráng dịch là Quán và Iśvara là Tự tại. Quán là xem xét, soi chiếu, nhìn cùng khắp; Tự tại  là tự tại đối với năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới hay là tự tại đối với hết thảy mọi sự  hiện hữu; tự tại đối với mọi pháp tu và vô ngại đối với mọi pháp chứng; tự tại đối với

mọi diệu dụng để tùy duyên hóa độ và tự tại đối với bản thể chân như thường trú. Do công hạnh như vậy, nên Ngài có tên là Quán Tự Tại. Lại nữa, tự tại có bốn nghĩa: -Quán cảnh tự tại: Bồ Tát do thực hành quán chiếu Bát Nhã, rõ thấy chân như ở nơi vạn pháp, nên Bồ Tát tự tại đối với vạn pháp. –Quán chiếu tự tại: Bồ Tát do thực hành quán chiếu Bát Nhã, thấu triệt năm uẩn không có tự tính, chứng thực tướng của vạn pháp ngay trong hiện tiền, không vướng hữu không kẹt vô, tự tại đối với pháp tu và vô ngại với đạo lý cũng như với mọi phương tiện biện thuyết. – Tác dụng tự tại: Bồ tát do thực hành quán chiếu Bát Nhã sâu xa, chứng nhập được pháp thân của bản hữu, do đó từ bản thể mà phát khởi diệu dụng để tùy duyên giáo hóa một cách vô ngại tự tại. - Thường hữu tự tại: Bồ Tát do thực hành quán chiếu Bát Nhã mà thể nhập Thực tướng Bát Nhã, hội nhập tự tánh chân như, tức là lý thường tại của tự tính, nên gọi là Quán Tự Tại.

         Bồ Tát do thực hành quán chiếu Bát Nhã sâu xa, thấy rõ đương thể của năm uẩn đều là không có thực thể, chúng chỉ là những yếu tố giả hợp, nên Bồ Tát tự tại đối với năm uẩn và mỗi uẩn. Bởi công hạnh tu chứng của Bồ Tát như vậy, nên Bồ Tát có tên là Quán Tự Tại.

        Bồ Tát Quán Tự Tại cũng còn gọi là Quán Thế Âm. Quán Thế Âm có hai nghĩa: - Đối với dụng công tu tập: Trong sáu căn, Ngài dùng nhĩ căn để tu tập, lắng nghe tất cả âm thanh của cuộc đời, nhưng không khởi vọng tâm phân biệt, không bị âm thanh của cuộc đời làm lay chuyển, lại còn có khả năng nghe lại tự tánh nghe, thành tựu nhĩ căn viên thông, nên gọi là Quán Thế Âm. - Đối với tùy duyên hóa độ: Bồ Tát vì Đại bi tâm, nên đối với hết thảy chúng sanh, khi gặp tai nạn, nhất tâm xưng trì danh hiệu của Ngài, tức thời Ngài dùng trí tuệ soi chiếu, và khởi tâm thương yêu rộng lớn, tùy duyên phó cảm để cứu độ, nên gọi là Quán Thế Âm.

      Ở kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm đã nói hạnh tu của mình với Thiện Tài Đồng Tử như sau:

      “ Nầy Thiện Nam Tử! Ta đã thành tựu Hạnh quang minh Pháp môn Đại bi, giáo hóa thành thục tất cả chúng sanh, thường trú nơi cảnh giới của chư Phật, nhưng tùy theo chúng sanh mà ứng hóa cùng khắp trước mặt của họ. Hoặc dùng bố thí cho đến đồng sự mà nhiếp thủ chúng sanh; hoặc hiện sắc thân mầu nhiệm, không thể nghĩ bàn để nhiếp thủ chúng sanh; hoặc phóng lưới ánh sáng vĩ đại trừ diệt mọi phiền não nóng bức cho chúng sanh; hoặc phát ra âm thanh mầu nhiệm mà hóa độ họ; hoặc dùng oai nghi thuyết pháp; hoặc dùng thần lực tự tại; hoặc dùng phương tiện giác ngộ; hoặc hiển thị thân biến hóa; hoặc hiện thân đồng loại cho đến đồng sống chung để nhiếp thủ chúng sanh.

         Nầy Thiện Nam Tử! Lúc tôi thực hành hạnh quang minh của pháp môn Đại bi, phát khởi thệ nguyện rộng lớn, gọi là Nhiếp thủ hết thảy chúng sanh, muốn cho chúng sanh xa lìa sự sợ hãi con đường nguy hiểm, sợ hãi nhiệt não, sợ hãi  ngu si, sợ hãi trói buộc, sợ hãi giết hại, sợ hãi bần cùng, sợ hãi không sống, sợ hãi tranh cãi kiện tụng, sợ hãi đại chúng, sợ hãi chết, sợ hãi ác đạo, sợ hãi nẻo đến xấu ác, sợ hãi tâm ý bất đồng, sợ hãi thương và không thương, sợ hãi tất cả điều ác, sợ hãi thân bị bức bách, sợ hãi tâm bị bức bách, sợ hãi đau buồn,… Nầy Thiện Nam Tử! Tôi chỉ biết thực hành Quang minh Pháp môn Đại bi nầy của Bồ tát”.(Hoa Nghiêm 51, tr 718B, Đại Chính 9 ).

       Như vậy, theo kinh Hoa Nghiêm pháp môn tu tập của Bồ Tát Quán Thế Âm, chính là thực hành tâm Đại bi cứu hộ hết thảy chúng sanh vượt ra khỏi mọi sự bức não và sợ hãi.

[3] Tỳ Sa Môn: Phạn Vaiśravaṇa ( Buddhist Sanskrit Texts No. 6, P. 252). Hán phiên âm là Tỳ  sa môn, dịch là Đa văn. Vị Thiên vương ở phía Bắc đã được tham dự và nghe nhiều buổi thuyết pháp của Đức Phật, nên gọi là Đa văn thiên vương. Cũng có khi còn gọi là Phổ môn thiên vương. Vị Thiên vương có nhiều tài bảo, nổi tiếng khắp cả bốn phương, vì vậy gọi là Phổ môn Thiên vương. Vị Thiên vương nầy có nhiều uy lực, thống lãnh loài quỷ Dạ xoa và La sát. Dạ xoa là một loài quỷ có khả năng biến hóa làm người và những loài khác, hình thù dữ tợn, nhiều tay, nhiều chân. La Sát là loài quỷ cực ác, thô bạo, ghê rợn, thích ăn thịt người. Cảnh giới của chúng có thể ở dưới biển cả, có thể ở trên đất liền. Hai loại quỷ nầy đều chịu khuất phục dưới sự lãnh đạo của Tỳ sa môn Thiên Vương.

[4] Rồng: Phạn Nāgār, Hán dịch là Long. Rồng có tám loại:

1-Nandanagārāja: Hán dịch là Nan đà long vương, Hoan hỷ long vương. Vua của loài rồng có lòng hoan hỷ.     

2-Upanandanagārāja : Hán dịch là Bạt nan đà long vương, Cận hỷ long vương. Vua của loài rồng thường gần gũi và hoan hỷ với nhân gian.

3- Sāgaranagārāja : Hán dịch là Ta già long vương, Hàm hải long vương. Vua của loài rồng cư trú ở dưới biển.

4- Vāsukinagārāja : Hán dịch là Hòa kiết tu long vương, Đa đầu long vương, Bửu xưng long vương. Vua của loài rồng có chín đầu.

5- Tacchakanagārāja : Hán dịch là Đức ca xoa long vương, Hiện độc long vương, Đa thiệt long vương. Vua của loài rồng có nhiều lưỡi và biểu hiện nhiều sự độc hại.

6- Anavataptanagārāja : Hán dịch là A na bà đạt đa long  vương, Vô não hại long vương. Vua của loài rồng ở trên hồ của núi tuyết, thường biểu hiện sự hiền lành.

7- Manasvin : Hán dịch là Ma na tư, Đại thân, Đại lực. Vua của loài rồng có thân hình và có thế lực rất lớn.

8-Utpala : Hán dịch là Ưu bát la, Liên hoa sắc. Vua của loài rồng có màu sắc như hoa sen hồng.

Tám vị Long vương nầy đứng đầu trong hàng Long chúng đã từng đến Núi Linh Thứu để nghe Phật nói kinh Pháp Hoa.

[5] Càn thát bà: Phạn là Gandhara, Hán chuyển âm là Càn thát bà và dịch là Khứu Hương Thần – loài thần nuôi sự sống bằng cách ngửi hương. Thân thể của vị thần này thường phát ra hương thơm.

Đến nghe kinh Pháp Hoa có bốn vị Càn thát bà vương.

1.Manodjnagandhararàja: Hán chuyển âm và dịch là Nhạc Càn thát bà vương. Vua của một loài âm nhạc ở cõi trời Đế Thích, có tài về hát và nhảy theo những vũ khúc.

2.Manodjnasvaragandhararàja: Hán chuyển âm và dịch là Nhạc âm Càn thát bà vương. Vua của loại âm nhạc về điều âm và hòa âm của các loại nhạc khí và có tài nhảy theo những nhạc điệu hòa âm và điều âm ấy.

3.Madhuragandhararàja: Hán chuyển âm và dịch là Mỹ Càn thát bà vương. Vua của thần nhạc, có tài điều khiển nghệ thuật về vũ khúc một cách tinh diệu.

4.Madhurasvaragandhararàja: Hán chuyển âm và dịch là Mỹ âm Càn thát bà vương. Vua của loài thần nhạc có khả năng huấn luyện những nghệ thuật vũ khúc cho kẻ khác và điều tiết âm thanh, để phát ra những âm thanh vi diệu.

Bốn vị Càn thát bà vương này đã từng đến núi Linh Thứu để nghe Đức Phật nói kinh Pháp Hoa.

[6] A tu la: Phạn Asura, Hán chuyển âm là A tu la và dịch là Phi thiên, Phi đoan chính. Một loài quỷ thần, có nhiều thần lực, có cung điện, có phước báo gần bằng chư Thiên, chứ không phải như chư Thiên. Tâm niệm chóng thay đổi, dễ nóng giận, nên gọi là Phi đoan chánh.

Đến nghe kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu có bốn vị A tu la vương.

1.Bàlesuraràja: Hán chuyển âm và dịch là Bà trĩ A tu la vương, Đoàn viên, Bị phược. Một loài quỷ thần bị trói buộc.

Sở dĩ loài này có tên như vậy là theo truyền thuyết, loài A tu la này đánh nhau với cõi trời Đế thích, bị thua cuộc và bị bắt trói, vả lại còn bị giáng chức thấp thua các vị Thiên thần.

2.Suraskandhàsuraràja: Hán chuyển âm và dịch Khư la khiên đà A tu la vương, Quảng kiên A tu la vương. Loài thần A tu la có vai rất rộng, ở dưới biển.

3.Vematchiràsuraràja: Hán chuyển âm và dịch Tỳ ma chất đa la A tu la vương, Tranh tâm, Chủng chủng nghi, Bào cẩm… Loài thần A tu la có tâm hay tranh cãi, nóng giận, nhiều nghi ngờ và mặc áo mão rằn ri.

4.Ràhosuraràja: Hán chuyển âm và dịch La hầu A tu la vương, Chấp nhật, Chướng trì. Nghĩa là loài A tu la dùng tay che khuất ánh sáng mặt trời. Loài này là loại tiền phong của loài A tu la.

[7] Ca lâu la vương: Phạn là Garudaràja. Hán chuyển âm và dịch là Câu lâu la vương, Kim sí điểu vương.

Đến nghe kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu có bốn loại Ca lâu la vương.

1.Mahàtedjagarudaràja: Hán chuyển âm và dịch là Đại oai đức Ca lâu la vương. Vua của loài chim có đôi cánh vàng rộng lớn, bay xa 335 vạn dặm; 1 dặm 576 # 600m = 193.536.000m, nơi cổ loài chim này có hạt Như ý bảo châu, nó bay bắt rồng để ăn. Do đó nó có oai đức lớn đối với loài rồng, khiến cho loài rồng phải kinh hãi.

2.Mahàkayagarudaràja: Hán chuyển âm và dịch nghĩa là Đại thân Ca lâu la vương. Vua của loài chim thân lớn, sà hai cánh cách xa nhau 30 ức vạn dặm.

3.Mahàpumagarudaràja: Hán chuyển âm và dịch Đại mãn Ca lâu la vương; loài chim bắt rồng để ăn được sung mãn theo ý muốn.

4.Mahàrdhipràptagarudaràja: Hán chuyển âm và dịch là Như ý Ca lâu la vương. Vua của loài chim có hạt châu Như ý đeo ở nơi cổ.

[8] Khẩn na la: Phạn là Kinarà. Hán chuyển âm và dịch là Khẩn na la, Nghi thần; một loài quỷ thần quái lạ, giống như người mà không phải người, trên đầu có một cái sừng. Vị thần này đặc trách âm nhạc ở cõi trời Đế thích, chuyên về tấu nhạc.

1.Dharmakinnararàja: Hán chuyển âm và dịch là Pháp Khẩn la la vương. Vua của loài thần tấu nhạc, chuyên ca ngợi về đạo lý Tứ Đế.

2.Sudharmakinnararàja: Hán chuyển âm và dịch là Diệu pháp Khẩn na la vương. Vua của loài thần chuyên tấu nhạc để ca ngợi sự vi diệu của đạo lý Duyên khởi.

3.Mahàdharmakinnararàja: Hán chuyển âm và dịch là Đại pháp Khẩn na la vương. Vua của loài thần tấu nhạc chuyên ca ngợi đạo lý Lục độ, đạo lý Đại thừa Bồ tát.

4.Dharanadharmakinnararàja: Hán chuyển âm và dịch là Trì pháp Khẩn na la vương. Vua của loài thần có khả năng tấu nhạc duy trì và tổng hợp pháp Ba thừa để dẫn đến Nhất thừa.

Khi đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa có bốn vị Khẩn na la vương đến dự.

[9] Ma hầu la già: Phạn là Mahoraga, Hán chuyển âm và dịch là Ma hầu la già, Ma hô lạc ca, Đại mãng thần. Nghĩa là loài chúa tể của rắn, thân hình to lớn, thân thể thuộc về rắn, nhưng đầu giống như đầu người. Loài này dùng bụng để đi.

Khi đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu, loài thần rắn này cũng đến sự hội nghe pháp.

[10] Nhân phi nhân: Là danh từ tổng kết tám bộ gồm: Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già. Trong

 đó, tám bộ loại này có thể hiện thân người, nhưng không phải người. Trong khi Phật nói kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu thì có tám bộ loại này đến tham dự.

[11] Thần Chấp Kim Cang : Phạn là Vajrapāṇivaineyānāṃ (Buddhist Sanskrit Texts No 6, P 252). Vajra là Kim cang; pāṇi là tay cầm;

vaineyānāṃ là Thần. Vajrapāṇivaineyānāṃ, Vị Thần tay nắm chày Kim  Cang.  La  Thập  dịch   執金剛身,  Chấp  Kim  Cang  Thân ( Đại  Chính 9, tr 57B). Pháp Hộ dịch 執金剛 神,Kim Cang Thần  (Đại Chính 9, tr 129C). Xà Na Quật Đa dịch執金剛神, Chấp Kim Cang Thần ( Đại Chính 9, tr 192B ).

[12] Đối với những chúng sanh, cần dùng thân tướng vị Thần Chấp Kim Cang để hóa độ, thì Bồ Tát liền hiện thân ấy mà thuyết pháp. Tương đương với Phạn văn: Vajrapāṇivaineyānāṃ sattvānāṃ vajrapāṇirupena dharma daśayati (Buddhist Sanskrit Texts No 6, P 252). = Với chúng sanh cần vị Thần tay cầm chày Kim Cang để thuyết pháp, liền biểu hiện hình tướng tay cầm Chày Kim Cang.

[13] Quán chiếu đến tuyệt đỉnh : Phạn là śubhalocana. ( Buddhist Sanskrit Texts No 6, P 255). Śubha là đẹp tuyệt vời, đẹp tuyệt đỉnh, tuyệt diệu,... ; locana là quán chiếu, soi chiếu, nhìn sâu vào để thấy rõ bản chất. Śubhalocana Ngài La Thập và Ngài Xà Na Quật Đa đều dịch là 真觀 ,Chơn quán  ( Đại Chính 9, tr 58A, tr 193A), quán chiếu đúng chân lý. Burton Watson dịch sang Anh ngữ  The true gaze. (The Lotus Sutra, P 305, Columbia University Press New York 1993).

[14] Quán chiếu thuần vô nhiễm: Phạn là Śuddhalocanā.  Śuddha có gốc là Śudh,  làm cho thuần khiết, làm cho vô nhiễm. Vậy, Śuddhalocanā là sự quán chiếu thuần khiết, sự quán chiếu vô nhiễm. Ngài La Thập và Xà Na Quật Đa đều dịch là 清淨觀 ,Thanh tịnh quán. Burton Watson dịch là The pure gaze.

[15] Quán chiếu bằng tuệ lớn : Phạn là Prajñājñānaviśiṣṭalocanā. Prajñājñāna  là trí tuệ ; viśiṣṭa là đặc biệt, tuyệt vời; locanā sự quán chiếu. Prajñājñānaviśiṣṭalocanā, sự quán chiếu bằng trí tuệ đặc biệt, bằng trí tuệ tuyệt vời. Ngài La Thập và Xà na Quật Đa đều dịch 廣大智慧觀,Quảng đại trí tuệ quán.  Burton Watson dịch là The gaze of great and encompassing wisdom.

[16] Quán chiếu bằng Đại bi : Phạn là kṛpalocana. Quán chiếu  những tập khởi khổ đau của chúng sanh mà khởi tâm thương yêu và có hành động cứu độ cụ thể. Ngài La Thập và  Xà Na Quật Đa đều dịch là 悲觀,Bi quán. Burton  Watson dịch là The gaze of pity.

 Ở kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Thanh Liên Hoa Tạng  nói với Bồ Tát Liên Hoa Tạng rằng, Đại bi là quán sát các quyến thuộc nội thân; Đại từ là quán sát bản thể tịch diệt của chúng sanh. ( Hoa Nghiêm 31, Đại Chính 9, tr 595C).

[17] Quán chiếu bằng Đại từ : Phạn là Maitralocanā. Quán chiếu khổ báo của chúng sanh mà khởi tâm thương yêu, chăm sóc, an ủi, vỗ về, khiến cho khổ báo từ từ được chuyển hóa. Ngài La Thập và Xà Na Quật Đa đều dịch là 慈觀 , Từ quán. Burton Watson dịch là The gaze of compassion.

[18] Hán: 悲體戒雷震,慈意妙大雲,澍甘露法雨,滅除煩惱焰, Bi thể giới lôi chấn, Từ ý diệu đại vân, chú Cam lồ pháp vũ, diệt trừ phiền não diệm.( Đại Chính 9, tr 58A, 193A). Phạn : kṛpasadguṇa maitragarjitā śubhaguṇa maitramanā mahāghanā/ kleśāgni śamesi prāninaṃ dharmavarpaṃ amṛtaṃ pravarpasi // ( Buddhist Sanskrit Texts No 6, p 255). kṛpasadguṇa: bản thể bi hiện hữu; maitragarjitā:  sấm dậy vang lòng từ; śubhaguṇa maitramanā: ý từ đức tuyệt đẹp; mahāghanā: mây lớn bủa cùng khắp. kleśāgni śamesi prāninaṃ: dập tắt lửa phiền não; dharmavarpaṃ amṛtaṃ pravarpasi: rưới mưa pháp Cam lồ. Như vậy, bài kệ nầy ta có thể dịch theo Phạn văn như sau: Bản thể Bi hiện hữu, sấm dậy vang lòng Từ, ý Từ đức tuyệt đẹp, như mây lớn bủa khắp, rưới mưa pháp Cam lồ, dập tắt lửa phiền não.

Mây lớn che phủ và mưa pháp Cam lồ không những chuyển tải chất liệu bản nguyện Từ bi của các vị Bồ Tát đối với chúng sanh mà còn là phương pháp giáo hóa hết sức xảo diệu của các đức Như Lai như  kinh Hoa Nghiêm nói: “Đức Như Lai Bậc Toàn Giác trước khi mưa pháp, Ngài làm cho mây pháp nổi lên che khắp chúng sanh, sau đó mới mưa Chánh pháp Cam lồ, làm cho chúng sanh các căn của họ thành thục. Và sau khi các căn của họ thành thục rồi, Ngài mới mưa Cam lồ pháp vị. Nếu Như Lai nói ngay pháp thâm diệu, thì chúng sanh sẽ sanh ngay sự sợ hãi. Nên, Như Lai mưa từ từ khiến cho tất cả họ thấm nhuần  Cam lồ pháp vị của Nhất Thiết Chủng Trí”. ( Hoa Nghiêm 34,  Đại Chính 9, tr 620A ).

[19] Phần kệ tụng nầy, Phạn ở Buddhist Sanskrit Texts No 6, cũng như  bản dịch Hán của  Ngài La Thập và Ngài Xà Na Quật Đa đều có; Bản Chánh Pháp Hoa Kinh của Ngài Pháp Hộ không có.

[20] Bồ Tát Trì Địa: Phạn: Dharaṇidharo bodhisattva. Các Hán bản đều dịch Trì Địa Bồ Tát. Burton watson dịch là  Bodhisattva Earth Holder. Theo Bửu Vân Kinh, quả đất có mười đặc điểm: 1- Quảng đại: Rộng lớn. 2- Chúng sanh y: Làm chỗ nương tựa cho chúng sanh. 3- Vô hảo ố: Không kỳ thị xấu tốt. 4- Thọ đại vũ: Tiếp nhận mưa lớn. 5- Sanh thảo mộc: Sinh truởng cây cỏ. 6- Chủng tử sở y: Làm nơi nương tựa cho các loại hạt giống 7- Sanh chúng bửu: Sinh ra các loại bảo vật. 8- Sanh chúng dược: Sinh ra các loại dược thảo. 9- Phong bất động: Không bị gió lay chuyển. 10- Sư tử hống diệc bất năng kinh: Không kinh hãi bởi tiếng rống Sư tử. Vị Bồ Tát nầy tu tập Thiền định thành tựu mười đặc tính như quả đất vậy, nên gọi là Trì Địa Bồ Tát. ( Pháp Hoa Khoa Chú 7).

 

 

---o0o---

 

Mục Lục  >  1  > 2  > 3  > 4  > 5  > 6  > 7  > 8

 

---o0o---

Nguồn: phatviet.com

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 2-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục