Kinh Điển - Bí Truyền Kinh Vương.

 


 

BÍ TRUYỀN KINH VƯƠNG

 

Thích Như Điển

--- o0o --- 

 

Nhân sinh nhật lần thứ 57 (kể theo tuổi ta) của tôi năm nay (28.6.2005) có một Phật Tử Việt Nam tại New York, Mỹ Quốc, gởi tặng cho tôi một bộ kinh Kim Cang rất quý, có xuất xứ từ đời nhà Thanh (Trung Hoa) và chính do vua Khang Hi (1666-1722) viết, được phục chế lại. Quả là một món quà vô giá.

Ngoài hộp bằng da cũ kỹ có 3 dòng chữ. Đó là: Hoàng Thất Bí Truyền Kinh Vương. Nghĩa là: Vua trong các kinh được giữ bí mật tại Hoàng cung. Sau đó là những chữ lớn: Bát Nhã Ba La Bí Truyền Kim Cang Kinh và phía tay trái của hộp đựng kinh có 4 chữ: Khang Hi Ngự Thơ và có đóng những dấu triện bằng son đỏ của Hoàng Triều.

Lật vào bên trong hộp, đọc được những dòng chữ nầy: 

"Nguyện đồng niệm Phật nhơn, tận sanh Cực Lạc quốc, Nam Mô A Di Đà Phật, kiến Phật liễu sanh tử, như Phật độ nhứt thiết.

Tạng kinh vân: Niệm thử Phật giả, hiện thế tiêu tai bảo thọ, thử Phật hữu đại thệ nguyện vân: Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, chí tâm tín nhạo, dục sanh ngã quốc, thập thinh niệm ngã danh hiệu, nhi bất sanh giả, ngã bất tác Phật. Như mỗi triêu, hợp chưởng hướng tây, chí thành niệm Phật thập thinh, niệm thượng tứ cú kệ nhứt biến, tây phương thất bảo trì, sanh liên hoa nhất đóa, tha nhựt ư kỳ trung thác sanh, y thực tùy ý hóa thành, trường sanh bất tử".

                                                                           Khang Hi ngự thơ

 

Xin tạm dịch ra tiếng Việt như sau:

"Nguyện cùng người niệm Phật, sanh hết nước Cực Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật. Thấy Phật rõ sanh tử, như Phật độ tất cả.

Kinh dạy rằng: Người niệm Phật nầy, hiện đời tiêu tai sống lâu. Phật nầy có thệ nguyện rằng:

Khi ta thành Phật, mười phương chúng sanh, chí tâm vui tin, muốn sanh nước ta, niệm mười tiếng danh hiệu ta, mà chẳng sanh được, ta chẳng thành Phật.

Như mỗi sáng chắp tay hướng về Tây chí thành niệm Phật mười tiếng, niệm bốn câu kệ trên một lần, ở nơi ao báu tại Tây Phương, sanh một đóa hoa sen. Ngày kia khi thác sanh, về nơi đây. Áo quần, ăn uống tùy ý hóa thành, sống hoài chẳng chết".

Khang Hi ngự thơ

 

Đó, ta có thể tin là lời của nhà Vua phát nguyện trước khi trì kinh Kim Cang và nhà Vua cũng xác quyết một trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà là như thế. Không biết là Vua hay vị Đại Thần nào đó viết chữ kinh rất sắc sảo trên nan tre được trau chuốt rất tinh vi và phía sau được khâu dính vào với lụa nguyên thủy. Đồng thời hai bên đầu và chân của mỗi trang đều có vẽ truyện Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh bằng son đỏ. Cuối kinh chỉ viết: "Đại Thanh Hoàng Thất kinh thơ tạng phẩm" rồi đóng 3 con dấu đỏ thật lớn. Dấu thứ nhất "Khang Hi ngự thơ". Dấu thứ 2 "Ngự thơ phòng  tạng" và dấu thứ 3 " Hoàng Thất ích dân tạng thơ". 

Quả thật là tôi đã được một báu vật không có ý đợi chờ. Vì vị Phật Tử ấy nghĩ rằng ở trên núi đồi Đa Bảo tại Úc, mỗi tối khi nhập thất, tôi đều trì tụng kinh nầy. Do vậy mà gởi tặng. Đó là sự chân thành. Ngoài ra có lẽ vị ấy cũng nghĩ rằng do không biết chữ Hán; nên trao về tôi đọc cũng như trì tụng thì ích lợi hơn. Do vậy mà bản kinh ấy hiện được tôn trí tại Chùa Viên Giác Hannover - Đức Quốc. 

Kinh nầy được chia ra làm 32 đoạn và mỗi đoạn có một tiêu đề, giới thiệu tổng quát về nội dung của đoạn đó. Nơi đây tôi chỉ lược qua chứ không đi vào chi tiết. 

Đoạn một nói về nguyên do của Pháp hội là sau khi Đức Thế Tôn vào thành Xá Vệ để khất thực, sau đó về lại vườn của Trưởng Giả Cấp Cô Độc dùng trưa và sau khi rửa chân xong, liền ngồi đó. 

Đoạn thứ hai nói Ngài Thiện Hiện tức là Tu Bồ Đề khải thỉnh Đức Phật rằng: Ngài đã phó chúc cho các Bồ Tát khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, mà làm thế nào để trụ và làm thế nào để hàng phục được tâm nầy? 

Đến đoạn thứ ba nói về phần chính của sự phát tâm Đại Thừa. Có nhiều loại chúng sanh đã vào vô dư Niết Bàn; nhưng thật ra chẳng có chúng sanh nào vào Niết Bàn cả. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát mà có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức không phải là Bồ Tát.

Đoạn thứ tư nói về "diệu hạnh vô trụ". Ở nơi pháp mà không trụ để bố thí, ấy gọi là không trụ vào tướng. Còn nếu trụ vào tướng để bố thí thì phước đức chẳng có. 

Đoạn thứ năm nói về lý như thật khi nhận thấy sự việc. Phàm tất cả cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu xem các tướng mà không phải tướng, thì mới thấy được Như Lai. 

Đoạn thứ sáu nói về sự chánh tín hy hữu. Sau 500 năm Đức Phật diệt độ mà có người hay trì tụng kinh nầy và có tín tâm thì đối với kẻ đó không phải chỉ trong một đời Phật mà ở trong nhiều vị Phật đã trồng căn lành, thì phải biết rằng kẻ ấy phước đức nhiều lắm. Vì vậy cho nên đừng chấp vào pháp mà cũng đừng chấp vào phi pháp. Vì lẽ ấy mà Đức Phật thường hay nói với các Tỳ Kheo rằng: Sự thuyết pháp của ta cũng như chiếc bè. Chánh pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp. 

Đoạn thứ bảy "chẳng được, chẳng nói". Chỗ này Ngài Tu Bồ Đề hiểu rằng Phật đã dạy chẳng có pháp nào là nhứt định cả và chẳng có pháp nào để chứng đắc. Vì tất cả các vị hiền thánh đều từ pháp vô vi mà có chỗ sai biệt. 

Đoạn thứ tám nói về việc "y cứ vào pháp để sanh". Nếu kẻ dùng của cải quý báu để bố thí thì phước nầy dẫu có, nhưng không bằng kẻ thọ trì kinh nầy cho đến đọc tụng 4 câu kệ. Vì lẽ tất cả chư Phật đều từ kinh nầy mà ra. Cho nên nói là Phật Pháp mà cũng chẳng phải là Phật Pháp. 

Đoạn thứ chín nói về một tướng và vô tướng. Bốn quả Thánh tuy có chứng đắc; nhưng thật ra chẳng có vì trong ấy không có kẻ chứng đắc và quả vị để chứng đắc. 

Đoạn thứ mười nói về: Trang nghiêm Tịnh Độ. Chính đoạn thứ 10 nầy rất quan trọng và Ngài Huệ Năng đã ngộ được chân lý của Kim Cang ở nơi nầy: "Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Nghĩa là "Chẳng nên trụ vào hình tướng để sanh tâm, chẳng nên trụ vào âm thanh, sắc đẹp, mùi vị, sự va chạm và các pháp để sanh tâm, mà nên ở vào chỗ không trụ để sanh tâm". Chỗ không trụ là chỗ không chấp trước; chỗ không trụ là chỗ không đến, không đi, không còn, không mất, v.v... 

Đoạn thứ 11 nói về cái phước của vô vi là hơn cả. Kẻ dùng của bố thí như cát của sông Hằng tuy rằng phước nhiều đấy; nhưng vẫn không bằng kẻ thiện nam, người thiện nữ ở nơi kinh nầy cho đến thọ trì 4 câu kệ thôi, là phước nầy hơn phước bố thí kia rất nhiều. 

Đoạn thứ 12 nói về việc "tôn trọng chánh giáo". Kẻ nào mà trì tụng cho đến 4 câu kệ của kinh nầy thì nơi đó tất cả thế gian, trời, người, A Tu La đều cúng dường như tháp miếu của Phật; huống gì là có kẻ hay thọ trì đọc tụng. Chỗ nào có kinh nầy, như là có Phật tại đó. Nếu là Phật Tử thì nên tôn trọng. 

Đoạn thứ 13 nói về sự "thọ trì như pháp". Kinh nầy được gọi là kinh: Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật và Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề rằng: Có thể dùng 32 tướng để thấy Như Lai chăng? thì Ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng: Không thể. 

Đoạn thứ 14 nói về: Lìa tướng tịch diệt. Ngài Tu Bồ Đề xưng tán kinh nầy và còn nói rằng việc tin hiểu thọ trì thật khó sau 500 năm nếu có người nghe kinh nầy mà tin tưởng, giải nghĩa, rồi thọ trì thì phải biết rằng khó có lắm. Vì lẽ kẻ ấy là kẻ không có tướng ta, không có tướng người, không có tướng chúng sanh và chẳng có tướng thọ giả. Vì tất cả đều chẳng có tướng. Vì lìa tất cả tướng là chư Phật vậy.

Ở đây có thuật lại chuyện ngày xưa Ngài đã vì Vua Ca Lợi mà cắt hết thân thể. Khi cắt như thế thì không có tướng ta, không có tướng người, không có tướng chúng sanh và chẳng có tướng thọ giả. Vì lẽ nếu trụ vào tướng thì sẽ bị sân hận. Vì khi làm tiên nhơn nhẫn nhục ở 500 đời trước cũng chẳng trụ vào những tướng nầy. Do vậy muốn chứng quả vô thượng Bồ Đề phải lìa hết tất cả tướng. 

Đoạn thứ 15 nói về: Công đức của việc trì kinh. Nếu có kẻ nào từ sáng, trưa, tối mỗi ngày 3 lần như thế đem của cải hoặc thân nầy để bố thí nhiều như cát sông Hằng trong trăm ngàn kiếp mà khi nghe kinh nầy có tín tâm chẳng nghịch thì phước nầy nhiều hơn phước kia; huống gì là biên chép, thọ trì, đọc tụng và vì người khác giải nói. Nói tóm lại là kinh nầy thật "bất khả tư nghì". 

Đoạn thứ 16 nói về kinh nầy hay làm cho thanh tịnh các nghiệp chướng. Nếu có kẻ nào trì tụng kinh nầy mà có người khinh chê thì phải biết người ấy đời trước đang đọa vào đường ác; nên đời nầy mới thế, mà khi nghe được kinh nầy thì nghiệp đời trước được tiêu diệt và chứng quả. Hoặc khi nghe kinh nầy mà có kẻ hồ nghi, tâm cuồng loạn chẳng tin thì phải biết kinh nầy thật bất khả tư nghì và quả báo cũng lại như thế. 

Đoạn thứ 17 nói về: Cứu cánh vô ngã. Khi người phát tâm thì phải sanh tâm như thế nầy: Ta muốn diệt độ tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh diệt độ rồi mà chẳng có một chúng sanh nào thật diệt độ cả. Vì lẽ nếu Bồ Tát còn ngã tướng thì chẳng phải là Bồ Tát. Đức Phật Thích Ca đã chẳng vì chỗ Phật Nhiên Đăng mà được thọ ký cũng như thành Phật. Vì chẳng có pháp nào để được chứng đắc cả. Có người nói Phật chứng quả; nhưng thật ra chẳng có quả nào để Phật chứng cả. Ở đấy chẳng thật chẳng hư. Cho nên Phật đã nói rằng: Tất cả pháp đều là Phật Pháp. 

Đoạn thứ 18 nói về: Nhứt thể đồng quán. Phật hỏi Tu Bồ Đề về nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn để biết rằng có tất cả những cái có ấy trong tổng thể như cát sông Hằng; nhưng Như Lai nói các tâm đều chẳng phải là tâm, thì ấy mới gọi là tâm. Vì lẽ quá khứ tâm đã chẳng được, hiện tại tâm chẳng thể được và vị lai tâm cũng chẳng thể được. Sở dĩ như vậy, vì lẽ không có cái gì là thực tướng cả, mà ngay cả tâm nầy cũng luôn luôn thay đổi. 

Đoạn thứ 19 nói về sự lưu thông của Pháp giới. Đức Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề rằng có người dùng của quý báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, thì người nầy với nhân duyên ấy, phước đức có nhiều chăng? Ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng: Rất nhiều. Nhưng Phật bảo rằng: Nếu phước đức mà thật có thì chẳng nói là phước đức nhiều mà chẳng có phước đức thì đó mới được phước đức nhiều. 

Đoạn thứ 20 nói về: Lìa sắc, lìa tướng. Phật có thể dùng cụ túc sắc thân để thấy chăng? Chắc là không. Vì Như Lai bảo: Cụ túc sắc thân tức chẳng phải là cụ túc thì đó mới là cụ túc, mà các tướng cụ túc chẳng phải là cụ túc thì đó mới là tướng cụ túc. 

Đoạn thứ 21 nói về: Chẳng nói mà nói. Ngươi cũng đừng bảo rằng ta đang thuyết pháp. Nếu có ai đó bảo ta đang thuyết pháp, tức là hủy báng ta. Vì sao vậy? Vì thuyết pháp có nghĩa là không có pháp nào có thể nói cả, thì đó gọi là thuyết pháp. 

Đoạn thứ 22 nói về: Chẳng có pháp nào để đắc cả. Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật là Ngài đã chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề và được chỗ vô vi chăng? Phật bảo rằng: Như thế như thế. Vì lẽ chẳng có pháp nào để được; nên gọi là được. 

Đoạn thứ 23 nói về Tịnh tâm hành thiện. Pháp nầy bình đẳng chẳng có cao thấp nên gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả, tu tất cả pháp lành tức chứng được quả giải thoát. 

Đoạn thứ 24 nói về: Chẳng sánh với phước trí. Ở đây xác định một lần nữa rằng trong tam thiên đại thiên thế giới nếu người giàu có, của chất như núi Tu Di bằng bảy báu mà đem bố thí thì người nầy so với người thọ trì, đọc tụng và giải nói cho người khác 4 câu kệ của Bát Nhã Ba La Mật Đa thì phước đức của người trước chẳng bằng một phần trăm và trăm ngàn vạn ức phần cho đến tính đếm thí dụ cũng chẳng bằng người sau. 

Đoạn thứ 25 nói về: Hóa vô sở hóa. Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề rằng có phải Phật đang độ chúng sanh không? Ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng: Thật ra chẳng có chúng sanh nào để độ cả. Nếu mà Như Lai còn có chúng sanh để độ thì Như Lai còn ngã, chúng sanh, thọ giả. Nếu có ngã tức còn phàm phu mà phàm phu tức chẳng phải phàm phu thì ấy mới là phàm phu. 

Đoạn thứ 26 nói về: Pháp thân phi tướng. Đoạn nầy có kệ:

Nếu dùng hình sắc để thấy ta

Dùng âm thanh để cầu ta

Người nầy hành tà đạo

Chẳng thể thấy Như Lai.

Nếu dùng hình tướng và âm thanh để cầu thì đó không phải là thật tướng. Vì thật tướng chẳng thấy thì làm sao dùng cái đối đãi để cầu cái không có đối đãi được. 

Đoạn thứ 27 nói về: Chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu kẻ phát tâm Bồ Đề để chứng quả giải thoát thì phải nói rằng các pháp chẳng đoạn mà cũng chẳng diệt. 

Đoạn thứ 28 nói về: Chẳng thọ, chẳng tham. Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật rằng: Tại sao Bồ Tát chẳng thọ phước đức? Đức Phật trả lời rằng: Tuy Bồ Tát có tạo phước đức; nhưng không tham trước nơi phước đức; nên nói là chẳng thọ phước đức. 

Đoạn thứ 29 nói về: Uy nghi tịch tĩnh. Nếu có người bảo Như Lai, đến, đi, ngồi, nằm thì người ấy chẳng hiểu rõ nghĩa của Như Lai nói. Vì sao vậy? Vì Như Lai có nghĩa là: Chẳng từ đâu đến, lại chẳng đi về đâu. Cho nên nói là Như Lai. 

Đoạn thứ 30 nói về: Lý của một hợp tướng. Trong tam thiên đại thiên thế giới gồm nhiều vi trần; nhưng thật ra chẳng có thế giới nào cả; nên mới gọi là thế giới. Vì lẽ nếu thế giới thật có tức là một hợp tướng; mà hợp tướng tức chẳng phải hợp tướng thì đó gọi là một hợp tướng. 

Đoạn thứ 31 nói về: Tri kiến bất sanh. Nếu có kẻ nào đó nói Như Lai nói ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức chẳng hiểu rõ Như Lai. Vì Như Lai nói những loại nầy chẳng thực tướng; nên nó có tên là như thế. Các pháp cứ như thế mà biết, chẳng sanh, chẳng diệt. Cho nên nói pháp tướng tức phi pháp tướng. Ấy chính là pháp tướng. 

Đoạn thứ 32 nói về: Ứng hóa phi chơn. Kẻ nào dùng của bố thí trong vô lượng A Tăng Kỳ thế giới bằng bảy của báu và đối với người phát tâm thọ trì kinh nầy cho đến 4 câu kệ hoặc đọc tụng và vì người khác diễn nói thì phước nầy hơn phước kia rất nhiều. 

Tất cả các pháp hữu vi

Như mộng huyễn bào ảnh

Như sương mai, điện chớp

Nên quán theo như vậy. 

Rõ ràng là mọi pháp hữu vi trên thế gian nầy đều không thật tướng. Nó như mộng, như huyễn, như bọt nước. Có đó rồi mất đó. Nó giống như giọt sương ban mai trông rất đẹp mắt; nhưng khi ánh thái dương đến thì tan đi. Điện chớp cũng thế, lúc có lúc không; không hiện hữu. Do vậy mà người tu theo pháp Bát Nhã phải thấy rằng: Tất cả những cái gì còn đối đãi là còn bị vô thường chi phối. Cái nào còn sanh diệt, tức cái ấy không có thật tướng. 

Sau khi nghe Đức Phật nói kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa rồi thì Trưởng Lão Tu Bồ Đề, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng tất cả trời người, A Tu La nghe Phật nói đều hoan hỷ tín thọ và hành trì. 

Quả thật những ai đã hữu duyên khi Phật còn tại thế mà trực tiếp nghe được kinh nầy và liễu ngộ được cái không để chứng đắc và Phật còn nhắc nhở rằng nếu sau 500 năm Phật nhập diệt rồi mà còn có kẻ đọc tụng, giải nói, thọ trì thì quả rằng kẻ ấy còn có phước đức rất nhiều. Nhiều hơn cả những kẻ đem vàng bạc của báu nhiều như núi Tu Di để đem đi bố thí trong suốt bao nhiêu A Tăng Kỳ Kiếp trong tam thiên đại thiên thế giới nầy. 

Chúng ta ngày nay sinh ra trong thời kỳ mạt pháp nầy, cách Phật rất xa, đã hơn 2.500 năm lịch sử rồi; nhưng nay có cơ duyên đọc tụng kinh nầy, mà còn nói cho người khác cùng hiểu nữa thì quả thật trong vô lượng vô biên kiếp về trước, chúng ta đã có nhân duyên với chư Phật và chư vị Bồ Tát rồi. 

Mặc dầu ở thế kỷ thứ 4 sau Thiên Chúa, Ngài Huệ Viễn sáng tổ của Tịnh Độ Tông Trung Hoa có viết quyển "Sa Môn Bất Kỉnh Vương Giả Luận" tức là quyển luận nói về việc các bậc tu hành không quỳ lạy vua chúa và thuở ấy đã có nhiều sự bàn cãi tranh luận, nhưng mãi về sau nầy những ông Vua Phật Tử của Trung Hoa như Đường Thái Tông, Thuận Trị, Khang Hi v.v... vẫn một mực tôn thờ Phật Giáo và đã có nhiều lần Phật Giáo là quốc giáo nơi đất nước hơn một tỷ dân nầy. 

Bây giờ Phật Giáo tại Trung Hoa không còn thịnh hành như ngày xưa nữa. Âu đó cũng do vô thường biến đổi; nhưng không vì thế mà Phật Giáo bị mất đi vị thế của mình. Dẫu biết rằng tất cả cũng chỉ là không và cái không ấy Vạn Hạnh Thiền Sư, bậc Thầy của Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ đã để lại bài kệ rằng: 

Thân như bóng xế chiều tà

Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời

Sá chi suy thạnh cuộc đời

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành. 

Đó là một bài văn dịch tuyệt vời ra tiếng Việt của cố Hòa Thượng Thích Mật Thể. Còn nguyên văn chữ Hán như thế nầy: 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy như bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. 

Cái không ấy theo tinh thần Kim Cang Bát Nhã, Vạn Hạnh Thiền Sư đã liễu triệt vào đầu thế kỷ thứ 11 và mãi đến thế kỷ thứ 17 triều nhà Thanh, Vua Khang Hi ở Trung Hoa lặp lại cũng không ngoài cái không ấy và bây giờ chúng ta ở chốn trời Tây nầy nói và hiểu cái không của Bát Nhã của Kim Cang cũng là cái không vô tướng ấy. 

Xin hồi hướng tất cả những phước báu có được cho những ai khi đọc qua bài lược giải nầy và nguyện rằng tất cả nên trụ vào chỗ không trụ ấy để thành tựu trí bát nhã.  

                                       Viết xong trong mùa An Cư Kiết Hạ năm Ất Dậu 2005

                                          tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc.

 

 

--- o0o ---

 Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-10-2005

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

新学期新展望内容怎么写 忏悔 æ ²æ¼ æ žä ç nguoi tu phat la nguoi tim ve nguon an lac giai ác khẩu làm tổn thương người khác 藥師琉璃光如來本願功德經 楞严经拼音版 曹洞宗宗務庁ホームページ 新西兰台湾佛寺 LỜI PHẬT DẠY äºŒä ƒæ tho va thien 瑞州三峰院的平和尚 唐代 臨濟 Dà u 云南省拆除水箱套什么定额 åƒäæœä½ 放下凡夫心 故事 thu gui me cua con loi cua mot thai nhi Ï khuyên sÃ å µä½ æœº lá Ÿ Giç Cà ri chay Vai trò của Trần Nhân Tông và hòa giải å žå æ 正念正知正見 ý nghĩa chắp tay trong nghi thức phật Tạp bút Lề đời TẠgoi mien bac yeu dau cua toi Mẹo dùng quả nho chữa bệnh háºnh thung 5 bỏ kiên Ï 积极向上的名言警句 å æžœ niệm phật å æžœå žå¾ vien ngoc minh chau Ni giới Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX 七五三 æ ²ç å Các thực phẩm chay đánh bật ÐÑÑ