Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Giảng nghĩa: Pháp Sư Thích Thiện Trí

Giáo sư của Giảng sư Cao cấp PGVN& Học viện PGVN

--- o0o ---

 

Quyển Thứ Bảy

Phẩm Diệu Âm Bồ Tát

Thứ Hai Mươi Bốn

 

Nhận rõ “sắc thân” do “tự tánh nhiệm mầu” biển hiện nên không bị nhiễm chấp bởi “sắc thân nào cả”. Liễu triệt như thế mới gọi là “đốt thân cúng dường Phật và  mới đạt thành thể hiện nhất thiết sắc thân tam muội”.

Nhưng đó mới chỉ là phá trừ “sắc ấm”, còn “thọ ấm” chưa phá trừ được, thì cái “vọng tưởng hư minh” nhận làm sự nghe, hay biết nơi sắc thân cho là của “tự tánh nhiệm mầu”. Ví như sự thương xót chúng sinh được ứng với lòng đại từ đại bi của chư Phật, chư Bồ Tát. Nhưng nếu không nghe tiếng nói “huyền diệu của chân tâm” để hiện hành những đức tướng vi diệu thì sự thương xót kia sẽ mắc vào “ái kiến đại bi” tâm trí dao động không đủ sáng suốt để nhận ra tính không tịch của sự vật. Những hành vi tạo tác sẽ do vọng tưởng hư minh sai sử.

Do vậy, Phẩm “Diệu Âm Bồ Tát” được thiết lập để phá trừ “thọ ấm” đưa chúng sinh vào nơi chánh định, chánh thọ, đạt đến chỡ “vô sắc đắc”.

“Lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật từ  nhục kế phóng ra ánh sáng. Và phóng ánh sáng từ tướng lông trắng giữa chân mày, soi khắp 800 ức na do tha hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông. Qua khỏi số cõi đó có thể giới tên Tịnh Quang Trang Nghiêm, nước đó có Phật hiệu Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Phật Thế Tôn. Aùnh sáng lông trắng của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật soi khắp cõi nước đó”.

Ánh sáng từ nhục kế và từ lông trắng giữa chặn mày là tượng trưng cho trí tuệ Bát Nhã tuyệt vời không bị mắc kẹt trong sự tương phân đối đãi, không mắc kẹt trong 800 muốn ức đức tướng trang nghiêm phát xuất từ “tâm địa nhiệm mầu”.

“Qua khỏi số cõi đó” tức là vượt qua sự vướng chấp bởi những hành vi tạo tác vi diệu khi ứng cơ tiếp vật. Lúc đó mới nhận ra được tất cả hành vi tạo tác đều không ngoài “bản tâm thanh tịnh”. Hay nói cách khác là: thế giới “Tịnh Quang Trang Nghiêm” và chính nơi đó có “Đức Phật hiệu Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai”. Nghĩa là chính nơi “bản tâm thanh tịnh” có trí tuệ Bát Nhã tuyệt vời.

Trong nước “Tịnh Quang Trang Nghiêm có một Bồ Tát tên là Diệu Âm”. Điều đó đã chứng minh được rằng ở nơi “bản tâm thanh tịnh” có tiếng nói “huyền diệu nhiệm mầu”. Tiếng nói ấy bao gồm trăm nghìn muôn ức hằng sa tam muội hay “Bồ Tát Diệu Âm đặng trăm nghìn muôn ức tam muội như : Diệu tràng tướng tam muội, Pháp Hoa tam muội, Tịnh Đức tam muội, Thần thông du hí tam muội... (nghĩa là ở nơi đó có cảnh giới chánh định, lý đạo Nhất thừa, đức tâm thanh tịnh, trí Bát Nhã tuyệt vời). “Diệu Âm” ấy đã đặng trăm nghìn muôn ức hằng sa tam muội. Thì chỉ có “Tri kiến Phật” mới soi thấy được.

Do vậy mà “Quang minh của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật soi đến mới thấy được Bồ Tát Diệu Âm”.

“Tri kiến Phật” và tiếng nói huyền diệu kia đã có trong tự thể của mỗi người chúng sinh, nên Phật quang vừa soi đến thì tiếng nói kia liền hiển bày.

Bởi thế mà “Bồ Tát Diệu Âm” đã xin Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai đến cõi Ta bà. Khi đó Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai bảo Ngài Diệu Âm Bồ Tát: “Ông chớ khinh cõi nước Ta bà sinh lòng tưởng là hạ liệt”.

Điều đó đã nhắc cho mọi chúng sinh hiểu rằng “mặc dù còn mang đầy phiền não chướng và sở tri chướng, nghĩa là còn “vọng tâm điên đảo”, nhưng chớ khinh rằng chẳng có “Diệu Âm”.

Nên Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí dạy tiếp: “Thiện nam tử! Cõi Ta bà kia cao thấp không bằng, các núi đất đá đầy đủ sự dơ xấu, thân Phật kém nhỏ”.

Với ý nghĩa: Chúng sinh chỉ vì “vọng tâm điên đảo” nhiễm trước cảnh duyên, xao xuyến, dao động khởi niệm phân biệt, ví như “các núi đất đá không bằng”, chính vì thế mà những hành vi tạo tác đều “đầy dẫy sự dơ xấu”.

Ánh sáng giác chưa tỏa khắp nơi nên “thân Phật còn kém nhỏ”. Chỉ khi nào “bản tâm thanh tịnh” nghe được tiếng nói huyền diệu của chân tâm. Mọi đức tướng đều trang nghiêm thanh tịnh, như Bồ Tát Diệu Âm, thì thân sẽ cao bốn muôn hai nghìn do tuần tốt đẹp thứ nhất.

Có được như thế cũng chỉ vì chẳng tự khinh mình là hạ liệt mà cho là chẳng có “Diệu Âm”.

“Lúc ấy Ngài Diệu Âm Bồ Tát bạch với Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai: Bạch Đức Thế Tôn ! Con qua cõi Ta bà đều do sức thần của Như Lai, do thần thông du hí của Như Lai”.

Nghĩa là chúng sinh muốn nhận ra được tiếng huyền diệu của chân tâm thì phải nhờ đến trí tuệ Bát Nhã, hay còn gọi nhờ “thần thông du hí của Như Lai”.

Nhưng trước khi đến cõi Ta bà, ngài Diệu Âm Bồ Tát đã hiện tướng “chẳng rời khỏi tòa, cách pháp tòa chẳng bao xa hóa làm tám muôn bốn nghìn hoa sen báu”.

Như vậy có ý nghĩa rằng: tiếng huyền diệu ấy ở ngay nơi “bản tâm thanh tịnh” nên gọi là “chẳng rời khỏi tòa, thân chẳng lay động”. Nhưng tiếng huyền diệu ấy từ bản tâm đã hiển bày những đức tướng vi diệu như “84 nghìn hoa sen báu đẹp”. Đó là biểu tượng tượng trưng cho cái dụng của tự tánh, cái dụng của tiếng huyền diệu. Chứ chưa phải là “tự tánh nhiệm mầu” nên gọi là “cách pháp tòa chẳng bao xa”.

Do vậy mà Ngài Văn Thù Sư Lợi đã thấy ngay “tám muôn bốn nghìn hoa sen báu đẹp” đó. Vì Ngài Văn Thù là bậc đại trí, tượng trưng cho “trí” mà “trí” là dụng của “tự tánh” chứ chưa phải là “tự tánh” nên Ngài Văn Thù chưa thấy được “Diệu Âm”.

Vì thế chúng hội muốn thấy được “Diệu Âm” Bồ Tát thì phải nhờ đến “Đức Đa Bảo Như Lai” mới vời được “Diệu Âm” đến cõi Ta bà được.

Nghĩa là muốn nhận ra “tiếng huyền diệu của chân tâm” thì phải nhờ đến “bản giác diệu minh” chứ không phải dùng “trí dụng” mà thấy được.

Bởi vì “Đức Đa Bảo Như Lai” là biểu tượng tượng trưng cho “bản giác” hay “bản tâm thanh tịnh” của mỗi chúng sinh đều có vậy.

Nên “lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi : Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ từ lâu, sẽ vì các ông hiện bày thân tướng của Bồ Tát đó”.

Nơi cõi Ta bà chúng sinh nào muốn thấy “Diệu Âm” thì lục căn phải thanh tịnh, không nhiễm trước bởi sự thấy, nghe hay biết của sắc thân. Bởi vì “Diệu Âm” đẹp đẽ rỡ ràng cao quý như “trăm nghìn muôn mặt trăng hòa hiệp”, cũng không bằng vẻ đẹp của “Diệu Âm”. Đã thế lại không bị thời gian và không gian chi phối. Như “thân sắc vàng ròng vô lượng trăm nghìn công đức trang nghiêm”.

Và “Diệu Âm” chỉ hiển bày nơi thể “hiện nhất thiết sắc thân tam muội”. Hay chuyển thất đại thành thất bảo. Nên đoạn kinh đã viện dẫn:

“Bấy giờ Ngài Diệu Âm Bồ Tát nơi cõi nước kia ẩn mặt, cùng với tám muôn bốn nghìn Bồ Tát đồng nhau qua cõi Ta bà, ở các cõi nước trải qua sáu điệu vang động, thảy đều rưới hoa sen bằng bảy báu, trăm nghìn nhạc trời chẳng trổi tự kêu, mắt của các Bồ Tát như cánh hoa sen xanh rộng lớn, giả sử hòa hiệp trăm nghìn muôn mặt trăng, diện mạo của Ngài lại tốt đẹp hơn nhiều, thân sắc vàng ròng vô lượng. Ngài vào đài thất bảo bay lên hư không, đến núi Kỳ Xà Quật ở cõi Ta bà, đến rồi xuống tòa thất bảo”.

Đoạn kinh đó với ý nghĩa đã nêu trên, đã nói lên rằng : tiếng huyền diệu của chân tâm vô cùng cao quý, chỉ có trí tuệ Bát Nhã mới nhận ra được sự vi diệu cao quý đó”.

Do vậy “Bồ Tát Diệu Âm” đã dâng chuỗi ngọc vô giá cho Đức Thích Ca Mâu Ni Phật để cúng dường là ý nghĩa đó.

Cúng dường và vấn an Đức Thế Tôn đó là đức tướng vi diệu phát xuất từ “tiếng huyền diệu” vừa chiếu tỏa, làm phương tiện cho chúng sinh quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” mà nhận ra tiếng huyền diệu ở nơi mình.

Nhưng muốn nhận được “tiếng huyền diệu” ấy thì “tâm hãy hỏi tâm”. Có:

- Ít bệnh, ít khổ, đi đứng có thơ thới, sở hành có an vui chăng?

- Bốn đại điều hòa chăng?

- Việc đời có nhẫn được chăng?

- Chúng sinh có dễ độ chăng?

- Sự tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn xẻn, kiêu mạn có nhiều chăng?

- Chẳng thảo với cha mẹ, chẳng kính sa môn, tà kiến, tâm chẳng lành chăng?

- Có nhiếp năm tình chăng?

- Có hàng phục được ma oán chăng?

- Đức Đa Bảo Như Lai diệt độ từ lâu trong tháp báu có đến nghe pháp chăng?

Những lời hỏi ấy được hiển bày một cách rất vi diệu, mà đoạn kinh nêu là Ngài Diệu Âm Bồ Tát đã bạch cùng Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn ! Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật hỏi thăm Đức Thế Tôn bằng những câu hỏi vừa mới nêu trên.

Đó là ý chỉ thâm diệu muốn nói lên rằng: “tâm hãy hỏi tâm”, hỏi tâm qua “tiếng huyền diệu”. Như thế là đã cúng dường Đức Thích Ca. Như thế là ra mắt Đức Đa Bảo cùng nghe kinh Pháp Hoa và ra mắt chư Đại Bồ Tát.

Tánh trí không hai, “tiếng huyền diệu” kia không ngoài “tánh trí”. Do vậy, sau khi hỏi thăm “Đức Thích Ca Mâu Ni Phật” cùng ra mắt “Đức Đa Bảo Như Lai”. Được Đức Đa Bảo khen rằng: “Hay thay ! Hay thay ! Ông có thể vì cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và nghe kinh Pháp Hoa cùng ra mắt Văn Thù Sư Lợi... mà qua đến cõi này”.

Ngay lúc đó Ngài Hoa Đức Bồ Tát bạch cùng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật rằng: Ngài Diệu Âm Bồ Tát trồng cội lành gì? Tu công đức gì? Mà có sức thần thông như vậy?

Đức Phật bảo Ngài Hoa Đức Bồ Tát rằng: “Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân Lôi Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... cõi nước tên “Hiện Nhất Thiết Thế Gian”, Diệu Âm Bồ Tát trong một vạn hai ngàn năm, dùng mười muôn thứ kỷ nhạc cúng dường Đức Vân Lôi Âm Vương Phật. Do nhân duyên quả báo đó nay sinh lại nước của Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai”.

Do vì không nhiễm trước bởi âm thanh của 12 loại chúng sinh. Tiếng huyền diệu lại phát xuất từ “bản tâm thanh tịnh” nên có oai lực mạnh mẽ như “tiếng sấm vang”, hay gọi là “Vân Lôi Âm”. Chính vì nhân duyên vi diệu như thế mà phát ra thâu vào “vô ngại tự tại” vẫn không ngoài tâm trí, hay nói cách khác “do vì nhân duyên quả báo như thế mà nay sinh lại nước của Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai”.

Ý ông nghĩ sao?

- Diệu Âm Bồ Tát đâu phải người nào xa lạ thuở đó, chính là Diệu Âm Bồ Tát hiện tiền.

Liễu triệt được như thế mới nhận ra được rằng: “tiếng huyền diệu” kia không ngoài “tự tánh nhiệm mầu”. Nên bất cứ loại chúng sinh nào từ “Phạm Vương, Đế Thích, Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại Thiên, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, Tiểu Vương, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tể Quan, hoặc Trời, Rồng, Dạ xoa, A tu la, Nhân cùng Phi Nhân...” ở mỗi mỗi chúng sinh trong các loại chúng sinh đó đều có “tiếng huyền diệu của chân tâm”. Để từ đó sáng soi, nhắc nhở, an ủi, dìu dắt, uốn nắn cho chúng sinh quay về với “tự tánh nhiệm mầu”.

Một khi “tiếng huyền diệu” hiện lên hay trỗi dậy thì sự sân hận, si mê và nhiễm chấp nơi từng loại chúng sinh, nơi từng sắc thân, nơi từng quả vị đều được giải thoát một cách tuyệt vời.

Nên “Nếu chúng sinh nào đáng dùng thân Thanh văn đặng độ thoát thì Diệu Âm Bồ Tát liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”.

Với ý nghĩa những chúng sinh nào tu theo pháp Tứ Đế, chứng được quả vị Thanh văn lìa “chấp ngã” nhờ “tiếng huyền diệu của chân tâm” sẽ nhận ra được nguồn gốc hư vọng của phiền não, thông đạt được pháp diệt hư vọng cùng huyễn hư mà lìa “chấp pháp” để đạt đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

- Nếu đáng dùng thân Bồ Tát mà độ thoát liền hiện thân Bồ Tát mà vì đó nói pháp.

Với ý nghĩa chúng sinh nào tu theo pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nhờ “tiếng huyền diệu của chân tâm” mà loại trừ được “vi tế vô minh” để đạt thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Theo chỗ đáng độ mà chúng sinh hiện ra các thứ thân hình như thế, nhẫn đến đáng dùng diệt độ đặng độ thoát liền thị hiện diệt độ mà độ thoát.

Nghĩa là chúng sinh nào an trụ vào nơi “tịch diệt vô vi” mà hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì “tiếng huyền diệu của chân tâm” sẽ hiển bày ở nơi thể “tịch diệt vô vi” làm cho chúng sinh đó đạt thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Tiếng huyền diệt ấy” không phải khởi từ vọng thức điên đảo khi ứng tiếp khác trần mà phát xuất từ “bản tâm thanh tịnh” sáng suốt nhiệm mầu”.

Cho nên Ngài Hoa Đức Bồ Tát đã bạch với Đức Thích Ca Mâu Ni Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! Bồ Tát đã trụ tam muội gì mà có thể ở các nơi biến hiện thân hình độ thoát chúng sinh như thế?.

Phật bảo Ngài Hoa Đức Bồ Tát: Thiện nam tử! Tam muội đó tên là “hiện nhất thiết sắc thân”.

Với ý nghĩa, ở nơi bất cứ sắc thân nào, bất cứ chúng sinh loại nào, bất cứ đức tướng nào hiện hành, tiếng huyền diệu kia vẫn ứng hiện một cách vi diệu. Bởi vì tiếng ấy không ngoài “tự tánh nhiệm mầu”.

Như thế sự thấy, nghe, hay, biết từ cảnh duyên bên ngoài đưa đến, nếu nhiễm chấp thì vọng tâm dấy khởi, làm sao tránh khỏi sáu nẻo luân hồi, trôi lăn tam giới.

Chỉ khi nào rời bỏ vọng tưởng hư minh phá trừ thọ ấm, ngay nơi đó ở nơi thể “hiện nhất thiết sắc thân tam muội” thì “tiếng huyền diệu của chân tâm” sẽ hiển bày.

Ngay nay đó đức tướng hiện hành chính là “Diệu Âm Bồ Tát” hiện hành vậy.

 

Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn

Thứ Hai Mươi Lăm

 

Sau khi đã phát trừ “thọ ấm”, mặc dù thoát khỏi cái lụy hình hài nhưng “tập khí vọng tưởng” vẫn còn. Tuy nhiên đã cảm nhận được sự vi diệu của “bản tâm thanh tịnh”.

Đến đây nếu phá trừ “tập khí vọng tưởng” hay nói cách khác là phá trừ “tưởng ấm” thì tâm thanh tịnh sáng suốt kia giống như gương đã sạch bụi nhơ.

Do đó mới thấy vạn phát sinh diệt không ngừng, duyên khởi giả lập nên vượt thoát được phiền não chướng mà bước vào “lý đạo Nhất thừa”.

Nhưng điều cần quán triệt là sau khi thoát khỏi cái “lụy hình hài” thì phát sinh trí tuệ, ở nơi đây lại tham cầu “thiện xảo” liền vướng vào danh ngôn và giả tướng do vậy lại bước vào mê lộ.

Pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” là phương tiện vi diệu để phá trừ mê lộ của “tưởng ấm”.

- Quán Thế Âm là quán sát hay xem xét tiếng nói của vọng tưởng. Tiếng nói của chúng sinh trong pháp giới.

- Quán Thế Âm là “Diệu Âm thường chiếu”.

Thường chiếu bằng những đức tướng vi diệu hiện hành. Và Bồ Tát chỉ cho những đức tướng vi diệu ấy, vượt khỏi danh ngôn và giả tướng.

Vượt khỏi “vọng tưởng hư minh” tương ưng tánh lý để làm lợi ích chúng sinh, vì Bồ Tát là “Bồ Đề Tát Đỏa” (Bodhisattva) là giác hữu tình.

Do vậy vào đầu phẩm kinh Ngài Vô Tận Ý đã bạch cùng Đức Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm”.

Với danh xưng “Vô Tận Ý” là biểu tượng, tượng trưng cho “ý tưởng” hay “tưởng ấm”. Nói đến “Ý tưởng” là nói đến sự suy lường phân biệt. Ý tưởng đây dấy khởi liên miên bất tận không bến không bờ.

“Ý tưởng” ấy không làm sao liễu tri về “Diệu Âm thường chiếu”.

Vì thế mà “Vô Tận Ý” mới bạch cùng Đức Thế Tôn hỏi về danh xưng “Quán Thế Âm”. Có nghĩa là chỉ cho “Tri kiến Như Lai” mới giải bày cho thức tâm liễu tri về “Diệu Âm thường chiếu”. Hay nói cách khác là chỉ cho “Tri kiến Phật” mới phá trừ “tưởng ấm”, và làm tỏ rõ nhân duyên gì mà có “từ bi quán” hay do nhân duyên gì mà “Diệu Âm thường chiếu”.

Vì như đã nêu “Diệu Âm thường chiếu” chính là “Quán Thế Âm”. Diệu Âm lúc nào chẳng có nơi bản tâm của chúng sinh. Nhưng hiển lộ bằng hành vi, những đức tướng vi diệu để làm lợi ích cho chúng sinh, thì “Diệu Âm” lúc đó là “Quán Thế Âm” hay “Diệu Âm thường chiếu”.

Nêu Đức Thế Tôn đã bảo Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát một lòng xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát, tức thời xem xét tiếng tăm kia đều đặng giải thoát”.

Điều đo đã nói lên rằng: “vọng tưởng hư minh” làm cho chúng sinh điên đảo khổ đau. Phiền não chướng và sở tri chướng phủ mờ tánh giác. Trước cảnh duyên dao động bức bách đau khổ tột cùng vô phương hy vọng. “Vọng tưởng hư minh” bặt lối suy lường. Ngay lúc đó chúngsinh quay về “tự tánh nhiệm mầu”. Lập tức tiếng huyền diệu của chân tâm hiển bày chiếu phá “huyễn cảnh” do “vọng tưởng hư minh” giả lập”.

Sự chiếu phá này không thể dùng suy lường mà suy lường được. Vì nó có công năng dung thông và chiêu cảm chẳng thể nghĩ bàn đối với sự sự vật vật, làm cho chúng sinh kia liền được giải thoát. Nên gọi là một lòng xưng danh Quán Thế Âm này tức thời xem xét tiếng tăm kia đều đặng giải thoát.

Hơn thế nữa, ngay nơi hiện tiền vì bặt dứt suy lường “cảnh giới tịnh diệu” do “Diệu Âm thường chiếu” tương ứng với cảnh giới do thánh trí hiện bày mà chúng hữu tình rơi lọt vào đó, cảm nhận sự vi diệu và giải thoát cảnh giới khổ đau do “vọgn tưởng hư minh” đã dựng lập.

Lại nữa, Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng, tượng trưng cho “bản tâm thanh tịnh” có đầy đủ đức tướng từ bi và nhẫn nhục. Chỉ vì “vọng tưởng hư minh” che lấp nên “tâm cảnh tương phân” nẩy sinh ý niệm thiện, ác, địa ngục, Niết bàn. Một khi đã trực nhận “các pháp tự tánh là không”, nghĩa là quán xét được thực tướng của các pháp. Lúc đó bậc đại trí chỉ hành xử bằng những đức tướng vi diệu đầy đủ tha lực từ bi và chính như thế mới gọi là “Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện hành giải thoát đau khổ”.

Đức Thế Tôn dạy tiếp: “Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát này vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng”.

Thế nào là lửa lớn?

Khi ứng tiếp với khách trần, ví như trước lời nói êm ái, ngọt ngào, trước vàng, bạc, lưu ly, các thứ châu báu... hoặc trước sự chà đạp chửi mắng, trước hành động dã man... niệm khởi phát sinh như nung nấu, như ngọn lửa hừng hực bốc cao, khiến cho thân tâm dao động, mở ra cảnh giới tương ưng để nhận chịu và chấp cho là “thực cảnh”. Ngọn lửa của sân hận, si mê, phiền não có năng lực thiêu hủy những đức tướng vi diệu và che lấp “tự tánh nhiệm mầu”. Ngay lúc đó chúng sinh biết quay về tánh giác. Hay còn gọi “niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát”. Nghĩa là ngay nơi đó “tiếng huyền diệu của chân tâm” chiếu tỏa, phá tan “vọng tưởng hư minh” thì “huyễn cảnh” lửa lớn kia chẳng cháy đặng.

- Lại nữa, “nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu của Bồ Tát này liền đặng chỗ cạn”.

Với ý nghĩa, “nước lớn” là dụ cho dòng nước ái, nước ái dục một khi đã cuồn cuộn dâng lên thì không gì ngăn cản nổi.

Sự thèm khát về dục lạc, về mùi vị, ăn uống làm sao đong đầy, làm sao thỏa mãn, nó sai sử cuốn lôi và thúc dục mọi chúng sinh phải tìm đủ phương cách dù có hiểm nguy, dù hy sinh nhiều phương tiện làm sao thỏa mãn được dụng vọng trong một chu kỳ tất định, để rồi liên tục thay nhau từ dục vòng huyễn hư này đến dục vọng huyễn hư khác.

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện khởi của từ bi và trí tuệ.

Phát xuất từ “bản giác diệu minh” như chiếc thuyền kiên cố được lèo lái vững vàng lướt nhẹ trên cuồng lưu dục vọng.

Nên, “nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát này liền đặng chỗ cạn”.

- Lại nữa, “Nếu chúng sinh nào tìm vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu và các thứ báu... mà vào biển lớn. Giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tấp vào nước quỷ La sát, trong đó nhân có một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời các người kia đều thoát khỏi nạn quỷ La sát”.

Vì nhiễm trước cảnh duyên nên tham đắm vật chất bị gió lớn của “tài lợi, thương cảm, xấu xa, chê bai, vui sướng, đau khổ, xưng tán, khen tặng”. Ngọn “bát phong” này thổi bay vào nơi ác đạo hay gọi là “nước quỷ La sát”, ngay nơi đó “niệm giác bừng lên” hay còn gọi là có người “xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát” thời những niệm dơ nhiễm, niệm chúng sinh đều được giải thoát.

- Lại nữa, “nếu có người sắp bị hại lại xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thời dao gậy của người kia liền gãy khúc mà đặng thoát khỏi”.

Với ý nghĩa, “dao gậy” chỉ cho cảnh duyên, “sắp bị hại” chỉ cho căn, trần giao tiếp.

Ngay nơi đó “vọng thức nảy sinh” lo lắng, đau buồn, thất vọng, tức tối, oán trách... nếu kịp thời quán chiếu, hay gọi là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” thì những niệm khởi “khổ đau” kia liền rơi rớt giống như “dao gậy của người kia liền gãy từng đoạn” vậy.

- Lại nữa, “nếu quỷ Dạ xoa cùng La sát đầy dẫy trong tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thời các quỷ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn huống làm hại đặng”.

Vọng tưởng nhơ nhiễm xấu ác đầy dẫy nơi chúng sinh giống như quỷ Dạ xoa, La sát đầy dẫy trong cõi tam thiên đại thiên.

Vừa nãy sinh, vừa thúc dục để tạo nên tội lỗ như bị “quỷ dữ” nhìn sắp làm hại.

Kịp quán sát soi rọi ác tướng làm cho các tướng không còn chỗ sinh khởi nên gọi là “nếu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời các quỷ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn huống làm hại đặng”.

- Lại nữa “dầu có người hoặc có tội, hoặc không tội gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thảy đều đứt rã, liền đặng thoát khỏi”.

Vọng tưởng tham cầu chồng chất luôn luôn trói buộc chúng sinh. Tham cầu phước báu, tham cầu ngũ dục, giống như: “Kẻ có tội hoặc không tội bị gông cùm xiềng xích trói buộc” mà khổ đau, nhất là khi tham cầu chẳng đạt thành ý.

Hơn nữa sự tham cầu lại như hố sâu không đáy. Do vậy mà chúng sinh cứ lặn lội tìm đủ phương cách để đạt đến tuyệt đĩnh của tham cầu. Nhưng tuyệt đỉnh kia không bao giờ đến được, “sợi dây” tham cầu lại trói buộc lấy mình. Trực nhận đó cũng chỉ là “vọng tưởng hư minh” thì khổ đau kia liền thôi dứt. Hay còn gọi là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì gông cùm xiềng xích kia thảy đều đứt rã, mà đặng giải thoát”.

- Lại nữa, “nếu có kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có vị thương chủ đem các người buôn, đem theo nhiều của báu trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có người xướng rằng: các thiện nam tử chớ nên sợ sệt, các người phải một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát này hay đem pháp vô úy thí cho, các người nếu xưng danh hiệu thời sẽ đặng thoát khỏi oán tặc này”.

“Oán tặc” thời chỉ cho ác sự. Ác sự thường do “thân, khẩu, và ý” gây nên.

- Thân như vạc dầu.

- Miệng như dòng thác,

- Ý tựa rừng gươm.

Tạo ra không biết bao nhiêu ác sự, nên gọi là “oán tặc đầy dẫy” trong cõi tam thiên đại thiên.

Nhưng trước ác sự mà thiện tâm phát khởi để quay về thiện sự thì đó là một vấn đề vô cùng khó khăn. Giống như “vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu trải qua con đường hiểm trở”.

Ví như chúng sinh trước cảnh nghèo đói, túng thiếu, thèm khát mà chẳng hành động đen tối, để giải quyết sự đòi hỏi bức bách, đó là vấn đề khó khăn.

Trước cảnh sỉ nhục, đánh đập, xua đuổi, mà chẳng giận hờn, oán trách, đó là vấn đề khó khăn, giống như “trải qua con đường hiểm trở”.

Ngay nơi sự bức ngặt để gây nên ác sự mà “niệm giác bừng lên” tức thời xóa tan được “vọng tưởng hư minh” đem lại sự bình thản yên vui hay gọi là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát liên thoát khỏi oán tặc này”.

“Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có sức oai thần cao lớn như thế!”.

Sức oai thần ấy làm cho “tham, sân, si” trở thành “giới, định, huệ” nên chúng sinh thường niệm nhớ nơi lòng.

- Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là “niệm giác” là niệm từ bi và trí tuệ.

- Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là trực nhận “bản thân thanh tịnh”, thể nhận “tiếng huyền diệu của chân tâm”.

- Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện nhất thiết sắc thân tam muội, ứng cơ tiếp vật, tự tại dung thông.

Do vậy:

“Nếu có người nữ muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm liền sinh con trai phước đức trí tuệ, hoặc muốn cầu con gái bèn sinh con gái có tướng xinh đẹp”.

Với ý nghĩa: nếu chúng sinh nào còn mang đầy “ái nhiễm”, như lời dụ trong kinh là “người nữ”, mà muốn thoát khỏi ái nhiễm để “trí tuệ”, phát sinh, hay muốn cầu con trai hoặc muốn có phước đầy đủ, hay muốn cầu con gái mà lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát hay quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” thì phước huệ kia sẽ được viên mãn.

Bởi Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng tượng trưng cho “bản thân thanh tịnh” mà chúng sinh biết quy hướng thì “vọng tưởng hư minh” không còn là áng mây che mờ tánh giác nữa.

Đến đây Đức Thế Tôn đã dạy tiếp:

“Này Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự 62 ức hằng hà sa Bồ Tát, trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang, ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy có nhiều chăng?”.

“Bạch Đức Thế Tôn rất nhiều”.

Với ý nghĩa, nếu dùng “tư tưởng suy lường” mà suy lường thật sâu xa, xem xét tất cả công hạnh vi diệu như:

- Hạnh tinh tấn.

- Hạnh bố thí (Dõng Thí Bồ Tát).

- Hạnh từ bi (Di Lắc Bồ Tát).

- Hạnh không khinh mình, khinh người (Thường Bất Khinh Bồ Tát).

Với 62 ức hằng sa Bồ Tát hay 62 ức hằng sa công hạnh, hằng sa đức tướng vi diệu hiện hành để giác hữu tình. Nhưng vô lượng vô số đức tướng vi diệu ấy muốn hiện hành vô trụ vô chấp thì đều phải khởi tứ hạnh quán sát, nghĩa là dùng “Diệu Âm chiếu tỏa” để từ đó vô biên hạnh kia mới không còn bị vướng nhiễm bởi “danh ngôn và giả tướng” mới “vô trụ vô chấp” được.

Mà “Diệu Âm chiếu tỏa” chính là hạnh Quán Thế Âm. Do vậy mà Đức Thế Tôn đã dạy rằng: “Nếu có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường thời phước báu của hai người đó bằng nhau không khác”.

Lúc đó ngài Vô Tận ý Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát dạo đi trong cõi Ta bà như thế nào? Nói pháp cho chúng sinh như thế nào? Sức phương tiện việc đó như thế nào?

Điều đó có ý nghĩa:

“Tiếng huyền diệu của chân tâm” thường chiến phá “vọng tưởng hư minh” như thế nào? Vì Quán Thế Âm tượng trưng cho “Diệu Âm thường chiếu”. “Vọng tưởng hư minh” chỉ cho cõi Ta bà, và “dạo đi trong cõi Ta bà” là chỉ cho sự chiếu phá dung thông tự tại của “Diệu Âm” bao trùm cả pháp giới.

Nhưng dùng phương tiện gì để chiếu phá?

Đức Thế Tôn dạy rằng:

- “Này thiện nam tử ! Nếu chúng sinh nào đáng dùng thân Phậ tđặng độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp”.

Nghĩa là, nếu chúng sinh nào đã thể nhập được “tự tánh nhiệm mầu” chẳng sinh, chẳng diệt, thường tịch, thường chiếu. Thì “Diệu Âm” nơi “bản tâm thanh tịnh” cũng từ đó hiện hành chiếu tỏa phát khởi những đức tướng vi diệu, ứng cơ tiếp vật tự tại dung thông.

“Diệu Âm chiếu tỏa” hiện hành chính là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện hành.

Do vậy mà kinh viện dẫn: “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp”.

- “Nếu chúng sinh nào đáng dùng thân Duyên giác đặng độ thoát, liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp”.

Nghĩa là nếu chúng sinh nào tu về “Thập nhị nhân duyên”, nhận rõ rằng vì chấp niệm “minh”  mà trở thành “vô minh”. Từ đó “vận hành” phân biệt nên có “thức”. Từ phân biệt mà có danh ngôn, giả tưởng, gọi là “danh, sắc”. Tâm cảnh tương phân tương ưng thu nhập, gọi là “lục nhập”. Từ “lục nhập” mà có tiếp giao, gọi là “xúc”. Từ tiếp giao mà có “thọ” nhận. Do thọ mà nảy sinh ưa thích vướng nhiễm với nhau, gọi là “ái”. Do vướng nhiễm nên muốn giữ gìn. Gọi là “thủ”. Từ đó không muốn rời nhau, muốn có nhau luôn, gọi là “hữu”. Chính vì thế mà có sự tương tục giả lập thoát khỏi sợi xích duyên khởi giả lập trùng điệp nảy sinh trong từng niệm thì phải phá trừ niệm chấp “minh”. Nghĩa là phá trừ “vô minh”. Đến đây nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” liễu triệt giúp gốc vi tế của vô minh giải thoát sự trụ chấp vào quả vị “Duyên giác” mà tiến vào “lý đạo Nhất thừa”. Nên gọi là “Quán Thế Âm liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp”.

- Người đáng dùng thân Thanh văn đặng độ thoát, liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”.

Bởi vậy chúng sinh tu theo pháp Tứ Đề, đạt đến quả vị Thanh văn, biết rõ nguồn gốc hư vọng của khổ đau, lìa chấp ngã. Đến đây nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” phá trừ chấp pháp, nhận rõ pháp diệt khổ cũng huyễn hư, quả vị Thanh văn cũng chỉ là nấc thang hữu hạn mà tiến vào “lý đạo Nhất thừa”. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát dùng thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”.

Do “niệm tưởng hư minh” rơi vào cảnh giới Phạm Thiên, hưởng thọ phước báu nơi cảnh giới này. Vì biết quay về “tự tánh”, nhờ “tiếng huyền diệu của chân tâm” chiếu phá sự mê nhiễm pháp lành hữu lậu nơi cảnh giới Phạm Thiên mà tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Tiểu Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Tiểu Vương mà vì đó nói pháp”.

Nếu chúng sinh nào đang sống trong lối sống vương giả như Tiểu Vương mà không lầm chấp nơi địa vị ấy, trực nhận được “bản tâm” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Lối sống kia sẽ hiển bày những đức tướng vi diệu tự giác, giác tha. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Tiểu Vương mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Trưởng giả đặng độ thoát, liền hiện thân Trưởng giả mà vì đó nói pháp”.

Trưởng giả là người giàu có, sống trong cảnh sang trọng, đầy đủ phước báu mà biết quy hướng vê tâm. Nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” trực nhận “tự tánh nhiệm mầu” nên biết rõ không có sự sang trọng giàu có nào bằng sự giàu có nơi tánh của mình. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Trưởng giả mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thâm Cư sĩ đặng độ thoát, liền hiện thân Cư sĩ mà vì đó nói pháp”.

Cư sĩ là người tu còn có gia đình và sự nghiệp. Ở nơi gia đình và sự nghiệp đang vướng nhiễm ấy mà biết quy hướng về “tâm”, nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Ở ngay “duyên cảnh” ấy mà hiện hành đúng pháp tự giác, giác tha. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Cư sĩ mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Tể quan đặng độ thoát, liền hiện thân Tể quan mà vì đó nói pháp”.

Tể quan là vị có quyền cao chức trọng. Ngay lối sống quan quyền ấy mà biết quy hướng về “tự tánh nhiệm mầu” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” không cần rời bỏ lối sống ấy mà vẫn hiện hành đủ các pháp tự giác, giác tha. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện Tể quan mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Dạ xoa đặng độ thoát, liền hiện thân Dạ xoa mà vì đó nói pháp”.

Dạ xoa là thân xấu dự tợn. Vì chính những tư tưởng xấu ác nên hiện tướng chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về Bồ Tát nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên giải thoát được tư tưởng ác xấu này. Do đó gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Dạ xoa mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Càn thát bà đặng độ thoát, liền hiện thân Càn thát bà mà vì đó nói pháp”.

Càn thát bà là thân tướng tạo bởi hương thơm. Vì nhiễm chấp mùi thơm mà hiện thâm chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên giải thoát sự tham nhiễm mùi vị mà tiến vào Phật đạo. Do đó gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Càn thát bà mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Khẩn na la đặng độ thoát, liền hiện thân Khẩn na la mà vì đó nói pháp”.

Khẩn na la là thân được thành tựu bởi âm nhạc. Vì nhiễm chấp bởi âm thanh vi diệu của các loại nhạc khí mà hiện thân chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên vượt thoát sự vướng nhiễm bởi nhạc khí mà tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Khẩn na la mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Chấp Kim Cang Thần đặng độ thoát, liền hiện thân Chấp Kim Cang thần mà vì đó nói pháp”.

Chấp Kim Cang thần là thân tướng mạnh và uy dũng. Do vì niệm khởi trước cảnh duyên thúc bách, cần phải có hành động hùng dũng để trấn át đối cảnh mà hiện tướng chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về “Bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” có oai lực làm tiêu hủy tưởng hùng dũng đang phát khởi bởi cảnh duyên mà tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Chấp Kim Cang thần mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Ca lầu la, Ma hầu là già đặng độ thoát, liền hiện thân Ca lầu la, Ma hầu là già mà vì đó nói pháp”.

Ca lầu la là thân tướng hung dữ như loài chim súy điểu chuyên ăn thịt loài thú vật lớn nhất ở biển (gọi là ăn thịt rồng).

Ma hầu la già thân tướng ghê sợ như thân rắn mãng xà.

Do vì cảnh duyên thúc bách mà niệm tưởng giết hại và độc dữ bùng lên như loài chim súy điểu, như loài rắn mãng xà. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Ngay nơi đó trực nhận được niệm tưởng nhơ nhiễm kia chỉ là “vọng tưởng hư minh” mà giải trừ được sự thúc bách do các duyên giả lập tác thành. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Ca lầu la, Ma hầu la già mà vì đó nói pháp”.

- “Người đáng dùng thân Nhân cùng Phi nhân đặng độ thoát, liền hiện thân Nhân cùng Phi nhân mà vì đó nói pháp”.

Nhân cùng phi nhân là thân người chẳng phải người hoặc dị hình.

Do vì niệm tưởng “bất định” (thay đổi không ngừng) mà chao động khổ đau, như lo lắng, đau buồn, oán trách, mừng giận, thay đổi liên tục theo cảnh duyên. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” giải trừ được sự bất định mà trong kinh viện dẫn “Nhân cùng Phi nhân” tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Nhân cùng Phi nhân mà vì đó nói pháp”.

Như thế đã nói lên rằng chúng sinh trong ba cõi, dù mang sắc thân loại nào trong 12 sắc thân. Mỗi chúng  sinh đều có “bản tâm thanh tịnh”, đều có “Diệu Âm thường chiếu”. Bởi “Vọng tưởng hư minh” làm che mờ tánh giác. Nhưng biết quy hướng về tâm, ứng nơi duyên cảnh, mỗi niệm đều tỉnh giác, hay nói cách khác là “nhất tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” thì vọng tưởng hư minh kia tức thời tan biến.

Hằng niệm, hằng niệm đều quy ngưỡng “Quán Thế Âm Bồ Tát” hay quy ngưỡng về “bản tâm thanh tịnh” thì làm gì không giải thoát và giác ngộ.

“Này Vô Tận Ý Bồ Tát ! Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành tựu công đức như thế. Dùng các thân hình dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh, cho nên các ngươi phải một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát đó ở trong chỗ nạn gặp sợ hãi hay ban sự vô úy. Cho nên cõi Ta bà này gọi Ngài là vị Thí Vô Úy”.

“Diệu Âm chiếu tỏa” được thành tựu những công đức “bất khả tư nghi” nên chúng sinh một lòng quy hướng “Diệu Âm”. Có quy hướng thì “vọng tưởng hư minh” mới có thể dứt trừ, nên gọi Ngài là “Thí Vô Úy” hay “cho cái không sợ sệt” cái an nhiên tự tại, rỗng sáng, mà tự thể của chúng sinh đã sẵn có, chỉ biết quay về là trực nhận được ngay.

“Lúc bấy giờ Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Con nay phải cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, liền mở chuỗi ngọc bằng các thứ châu báu nơi cổ, giá trị bằng trăm nghìn lượng vàng đem trao cho ngài Quán Thế Âm Bồ Tát mà nói rằng: Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này”.

Với ý nghĩa, một khi thúc tâm biết quay về “tánh giác” thì cái kho tàng quý báu nơi “tự tánh nhiệm mầu” sẽ được mở bày.

Hay nói cách khác là “Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền mở chuỗi ngọc bằng các thứ báu giá trị trăm nghìn lượng vàng”.

Vì “Vô Tận Ý” như đã nêu từ trước là biểu tượng, tương trưng cho ý tưởng sâu xa thẳm suốt. Một khi đã rõ thông các pháp vi diệu do Đức Thế Tôn tuyên bày. Nhận ra được “Diệu Âm thường chiếu” ở thân mình. Đó là sự quý báu vô cùng, không có thứ châu báu nào so sánh được.

Nhưng sự trực nhận quý báu như “xâu chuỗi ngọc báu” đó cũng chưa phải là rốt ráo. Vì đó chỉ mới là “trực nhận” chưa phải là những “đức tướng vi diệu từ Diệu Âm chiếu tỏa”, hiện hành để giác hữu tình. Nên sự trực nhận kia cần phải thăng hoa để hướng về “Đức dụng Quán Thế Âm”.

Hơn nữa, Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng, tượng trưng cho “giác pháp” hiện hành, phát xuất từ  “bản giác diệu minh”. Nhận được như thế đó làsự quý báu vô lượng của “ý tưởng thẳm sâu”.

Làm thế nào đưa ý tưởng thẳm sâu như vậy về thực tại hiện hành, hay về đức dụng Quán Thế Âm? Điều đó chỉ có “Tri kiến Như Lai” mới dung thông được.

Do vậy Đức Thế Tôn đã bảo Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát: “Người nên thương Vô Tận Ý và hàng tứ chúng mà nhận chuỗi ngọc đó”.

Nghĩa là phải nhờ đến “tri kiến Như Lai” chiếu phá đưa tư tưởng thẳm sâu về “giác pháp”. Do vậy khi hiện hành “giác pháp” mới “vô trụ vô chấp” được.

Cho nên “Quán Thế Âm Bồ Tát thương hàng tứ chúng, trời rồng.... mà nhận chuỗi ngọc đó”.

Nghĩa là “giáp pháp” sở dĩ hiện hành hay “Quán Thế Âm Bồ Tát” sở dĩ nhận chuỗi ngọc là từ “thử tánh viên minh” thương xót chúng sinh mà hiện hành hay Quán Thế Âm Bồ Tát thương xót chúng sinh mà nhận chuỗi.

Pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” hiện hành vi diệu, để “giác hữu tình” đều có chỗ nhận mà nhận, đâu có chỗ trụ mà trụ. Tất cả giác pháp đều phát xuất từ “bản tâm thanh tịnh” thương xót chúng sinh mà dùng phương tiện “ứng cơ tiếp vật”. Do vậy mà “Quán Thế Âm Bồ Tát” nhận chuỗi anh lạc vô giá pháp thí là chia làm hai phần:

- Một phần dâng tháp Phật Đa Bảo.

- Một phần dâng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

Với ý nghĩa ý tưởng thẳm sâu nhận ra “giác pháp” và “giác pháp” được hiện hành để giác hữu tình đã phát xuất từ bản giác và đó chính là “đức dụng của bản giác”.

- Bản giác là tượng trưng cho Đức Đa Bảo.

- Đức dụng của bản giác là tượng trưng cho Đức Thích Ca. Tượng trưng cho “trí tuệ Bát Nhã”.

Giác pháp bắt nguồn từ “bản giác và trí tuệ”.

Do vậy mà “Quán Thế Âm Bồ Tát đã dâng chuỗi ngọc báu, một phần cho Đức Đa Bảo, một phần cho Đức Thích Ca”. Điều đó đã nói lên ý nghĩa rằng thể và dụng không hai. Thể và dụng và tự tánh nhiệm mầu.

Cũng chính từ ý nghĩa đó mà Đức Thế Tôn đã từ “bản giác diệu minh” xuất nhập tự tại, thị hiện đồng cư với chúng sinh để dìu dắt uốn nắn, cho đến hôm nay căn cơ của chúng hội đã thuần thục, Đức Thế Tôn mới thuyết pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” để chúng sinh thể nhập “Tri kiến Phật” nơi tánh mình.

Do vậy phần trùng tụng một lần nữa Đức Thế Tôn đã ân cần nhắc nhở về pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” này.

Ngài đã nêu rõ “Mỗi chúng sinh đều có Diệu Âm thường chiếu”. Trong từng niệm khởi “Diệu Âm” ấy sẽ chiếu phá được “vọng tưởng hư minh” làm cho niệm khởi mê thành giác.

Muốn được như thế thì mỗi chúng sinh đều phải có sự thệ nguyện rộng sâu và luôn luôn “hầu nhiều nghìn Đức Phật” hay luôn luôn hướng về “tánh giác”. Chỉ có sự phát nguyện như thế thì “hạnh Quán Âm” hay “Diệu Âm” mới chiếu tỏa được, hay “khéo ứng” được.

Nên phần trùng tụng đã nêu.

Kệ đáp Vô Tận Ý,

Người nghe hạnh Quán Âm,

Khéo ứng các nơi chỗ,

Thệ rộng sâu như biển,

Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn,

Hầu nhiều nghìn Đức Phật,

Phát nguyện thanh tịnh lớn”.

Và một khi đã thệ nguyện rộng lớn luôn luôn hướng về “bản tâm thanh tịnh” thì sẽ nghe được “tiếng huyền diệu của chân tình”, sẽ thấy rõ được hành vi tạo tác hiện hành xứng hợp với tiếng huyền diệu ấy, mà giải thoát mọi khổ đau do “vọng tưởng hư minh” dựng lập, nên gọi là:

Nghe tên cùng thấy thân,

Tâm niệm chẳng luống qua

Hay diệt khổ các cõi.

Nếu chúng sinh nào khởi niệm: thương yêu, buồn vui... làm cho thân tâm dao động, thọ nhận khổ đau. Giống như “có người sinh lòng hại mà xô rớt xuống hầm lửa”. Ngay lúc đó biết quy hướng về “Tâm” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” hay nhờ “lực niệm Quán Âm” mà dứt trừ được niệm khởi mê nhiễm, thân niệm liền được an định, giống như “hầm lửa mà kẻ kia bì xô xuống lại biến thành ao mát vậy”.

Giả sử sinh lòng hại

Xô rớt xuống hầm lửa

Nhờ lực niệm Quán Âm

Hầm lửa biến thành ao.

- Hoặc có khi chúng sinh bị “dòng nước ái” cuốn lôi vào biển lớn của”ác tưởng”, thân tâm rơi vào cảnh giới của ngạ quỷ, súc sinh...

Ngay lúc đó biết quy hướng về “Tâm” nghe tiếng huyền diệu của chân tâm hay nhờ “lực niệm Quán Âm” thì lập tức “ác tưởng” đang bùng lên như làn sóng sắp làm chìm ngập thân tâm liền được giải trừ.

Hoặc trôi giạt biển lớn

Mắc nạn quỷ, cá, rồng

Nhờ lực niệm Quán Âm

Sóng chẳng làm chìm đặng

- Hoặc có khi tâm tưởng đang được “thanh tịnh tuyệt vời như ở chót núi Tu Di”. Bỗng gặp “trần cảnh” niệm khởi vướng nhiễm bùng lên làm cho thân tâm dao động, như bị người xô từ chót núi Tu Di rơi xuống. Ngay lúc đó biết quy hướng về “Tâm” nghe “tiếng huyền diệu của chân tâm” hay nhờ “lực niệm Quán Âm” mà thân tâm liền an định. Giống như kẻ kia đang bị xô rớt từ đỉnh núi Tu Di xuống, bỗng nhiên được cứu vớt như “mặt trời trụ giữa hư không”.

Hoặc ở chót Tu Di

Bị người xô rớt xuống

Do sức niệm Quán Âm

Như mặt nhật trụ không.

- Hoặc có lúc chúng sinh bị cuốn lôi vì ngũ dục làm cho sự tinh tấn, kiên cố, thiền định... bị tiêu hủy. Giống như kẻ bị người dữ rượt làm cho “rớt xuống núi Kim Cang”. Nghĩa là làm cho hoảng sợ mà mất đi sự cứng rắn, can đảm của mình. Ngay lúc đó biết quay về với “tự tánh” thì “Diệu Âm thường chiếu” sẽ phá tan “vọng tưởng hư minh” đang vướng nhiễm về sự hoảng sợ, hay còn gọi là nhờ “lực niệm Quán Âm” mà đặng giải thoát như “rớt xuống núi Kim Cang mà chẳng tổn đến mảy lông”.

Hoặc bị người dữ rượt

Rớt xuống núi Kim Cang,

Do sức niệm Quán Âm

Chẳng tổn đến mảy lông

- Hoặc có lúc chúng sinh khởi lên ác tưởng. Ác tưởng đó lại sắp hiện hành, giống như kẻ nhiều “oán tặc vây và oán tặc kia đang tiến hành làm hại” ngay lúc đó nhờ “lực niệm Quán Âm” hay nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” làm cho niệm khởi ác đều trở thành thiện niệm hay kẻ oán tặc lại khởi tâm lành.

Hoặc oán tặc bao vây,

Đều cầm dao làm hại,

Do sức niệm Quán Âm,

Đều liền sinh lòng lành.

- Hoặc có lúc chúng sinh gây nên tội lỗi rồi bị ám ảnh bởi tội lỗi, giống như kẻ bị pháp luật hành hình. Ngay lúc đó niệm danh hiệu Quán Thế Âm hay “Diệu Âm chiếu tỏa” thì sự ám ảnh kia sẽ dần dần tiêu hủy, hay sự hành xử bị tội được giải trừ.

Hoặc bị khổ nạn vua,

Khi hành hình sắp chết,

Do sức niệm Quán Âm,

Gươm liền gãy từng đoạn.

- Hoặc có lúc chúng sinh vì cảnh dục lôi cuốn trói buộc, giống như bị “gông cùm xiềng xích”, nhờ sức niệm Quán Âm hay “Diệu Âm chiếu tỏa” thì “vọng tưởng tham cầu” sẽ được tiêu trừ, sợi xích kia được tháo rã.

Hoặc tù cấm xiếng xích

Tay chân bị gông cùm,

Do sức niệm Quán Âm,

Tháo rã đặng giải thoát.

- Hoặc có lúc chúng sinh bị kẻ dữ khởi niệm hại mình, do sức niệm Quán Âm, hay “Diệu Âm chiếu tỏa”, tư tưởng hãm hại kia chẳng làm lay động mình và chính tư tưởng ấy dằn vặt nơi kẻ khởi niệm.

Nguyền rủa các thuốc độc,

Muốn hại đến thân mạng,

Do sức niệm Quán Âm,

Trở lại hại bổn nhân.

- Hoặc có lúc chúng sinh niệm tưởng xấu ác hung hiểm dấy khởi như: hung hăng, sân độc, bạo ngược... giống như gặp “La sát dữ, rồng độc, các loài quỷ”. Nhờ “sức niệm Quán Âm” hay “Diệu Âm chiếu tỏa”, ác tưởng kia liều tiêu trừ và hành động hung hiểm không thể nào thực hiện được.

Hoặc gặp La sát dữ,

Rồng độc các loại quỷ

Do sức niệm Quán Âm

Liền đều không dám hại

- Hoặc có lúc chúng sinh gặp duyên cảnh nghịch bức ngặt nên khởi niệm giận hờn, đau buồn, thù oán... như “thú dữ vay quanh, nanh vuốt đáng sợ”. Ngay lúc đó chúng sinh biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” hay còn gọi là do “sức niệm Quán Âm” mà tư tưởng ác hại vừa dấy khởi liền thôi dứt như “ác thú hoảng sợ quay đầu bỏ chạy”.

Hoặc thú dữ vây quanh,

Nanh vuốt nhọn đáng sợ,

Do sức niệm Quán Âm,

Vội vàng bỏ chạy thẳng.

- Hoặc có lúc chúng sinh khởi niệm thâm độc âm thầm hại người như “loài rắn độc cùng bò cạp”. Niệm khởi ấy lại được tiến hành sử dụng để hại người như “hơi độc, khói lửa đốt người”, nhờ biết hồi quang phản chiếu hay do “sức niệm Quán Âm” mà các niệm tưởng âm thầm đó tự thôi dứt.

Rắn độc cùng bò cạp,

Hơi độc khói lửa đốt,

Nhờ lực niệm Quán Âm,

Theo tiếng tự bỏ đi

- Hoặc có lúc chúng sinh vì tham dục bốc cao như “giông nổi sấm sét” thúc bách tìm cầu để thỏa mãn tham dục như “thiên nhiên đổ mưa đá lớn”. Trực nhận bản tâm nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Vọng tưởng hư minh của tham dục bị tiêu trừ hay “cơn mưa đá kia” tự nhiên thôi dứt.

Mây giăng nổi sấm sét,

Đổ trận mưa đá xuống,

Do sức niệm Quán Âm,

Tưc thì đặng tiêu tan.

Vì “vọng tưởng hư minh” làm cho chúng sinh lầm chấp rơi vào cảnh tương ưng giả lập để nhận chịu khổ đau chìm ngập trong vũng lầy sinh tử.

Suốt trong ba thời: hiện đại, quá khứ, vị lai, và trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chúng sinh luôn luôn bị khổ ách và bức ngặt. Nếu biết quay về “tự tánh nhiệm mầu”, nhờ “Diệu Âm thường chiếu” thì “vọng tưởng hư minh” kia sẽ được tiêu trừ mà giải thoát được bức ngặt đó.

Chúng sinh bị khổ ách,

Vô lượng khổ bức thân,

Quán Âm diệu trí lực,

Năng cứu thế gian khổ.

Nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên đã nhận rõ được những niệm khởi làm mê. Để từ đó dùng phương tiện khác mà vượt qua sự trói buộc các “vọng tưởng hư minh” khắp cả pháp giới, khi tâm cảnh tương phân thì “vọng tưởng hư minh” dấy khởi, và cũng khắp cả pháp giới khi “tâm cảnh nhất như” cũng đều có “Diệu Âm thường chiếu” để giải trừ mê lộ do “vọng tưởng hư minh” dựng lập.

Do vậy mà Quán Thế Âm Bồ Tát có đầy đủ sức thần thông.

Đầy đủ sức thần thông

Rộng tu trí phương tiện

Các cõi nước mười phương

Không cõi nào chẳng hiện

Dù cho chúng sinh có ở trong các đường dữ như địa ngục, ngạ quỹ, súc sinh, hoặc ở trong cảnh đổi thay của mỗi sắc thân của mỗi loài như “sinh, già, bệnh, chết” làm cho thân tâm đau khổ. Nhưng biết hồi quang phản chiếu hay do “sức niệm Quán Âm” thì tâm tưởng khổ đau kia liền được giải thoát.

Các loài trong đường dữ

Địa ngục, quỷ, súc sinh

Sinh, lão, bệnh, chết, khổ

Lần đều khiến dứt hết.

Như vậy “Diệu Âm thường chiếu” hay Quán Thế Âm cũng chính là:

- Chân quán, nghĩa là nhận được tướng chân thật của vạn pháp. Thể nhập được “tự tánh nhiệm mầu”.

- Cũng chính là “Thanh tịnh quán” nghĩa là rõ “bản tâm thanh tịnh”.

- Cũng chính là “trí huệ quán” nên nhận rõ được “vọng tưởng hư minh” đang dấy khởi khi ứng tiếp với khách trần.

- Cũng chính là “Bi quán” nên nhận rõ “vọng tưởng hư minh” làm khổ đau và giải trừ vọng tưởng ấy.

- Cũng chính là “Từ quán” nên nhận rõ được cách dùng phương tiện để giải thoát khổ đau. Do vậy, chúng sinh nào muốn giải thoát khổ đau thì phải có sự kiên quyết thệ nguyện rộng sâu là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” một cách thường xuyên liên tục. Để từ đó mặt trời huệ tự chiếu mà phá tan “vọng tưởng hư minh”.

Do vậy mà đoạn kinh đã nêu:

Chân quán, thanh tịnh quán,

Trí huệ quán rộng lớn

Bi quán và Từ quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng

Sáng thanh tịnh không nhơ

Mặt trời huệ phá tối.

Chính vì niệm Quán Thế Âm thường xuyên như thế mà bát phong không nhiễu động, lửa tham dục, sân hận, phiền não... dứt trừ nên “trí huệ rộng mở”.

Niệm bi mạnh như sấm

Ý từ diệu dường mây.

Và “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” ngay lập tức chúng sinh cảm thấy như uống nước cam lồ để dập tắt “phiền não chướng và sở tri chướng”.

Năng dẹp tai gió lửa,

Khắp soi sáng thế gian

Giới bị thể như sấm

Ý từ diệu dường mây

Rưới mưa pháp cam lồ

Dứt trừ lửa phiền não.

Và cũng vì thế mà những “niệm tưởng bất định”, không rõ thiện ác chỉ là “vọng tưởng hư minh” giống như hai kẻ “thưa kiện đến chỗ quan” giống như kẻ ở trong quân trận chưa rõ hơn thua mà đã sợ sệt.

Do “sức niệm Quán Âm” hay nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” mà niệm tưởng bất định kia được giải trừ.

Thưa kiện đến chỗ quan

Trong quân trận sợ sệt

Do sức niệm Quán Âm

Cừu oán đều lui tan

Như thế “Quán Thế Âm” chính là “Diệu Âm chiếu tỏa” nên được trong sáng. Như “Phạm âm” có sức mạnh trào dâng như tiếng “hải triều” tiêu hủy tất cả tiếng nói do “vọng tưởng hư minh” dựng lập, nên gọi là hơn các tiếng thế gian vì thế mà chúng sinh thường phải niệm.

Diệu Âm, Quán Thế Âm

Phạm Âm, Hải Triều Âm

Hơn các tiếng thế gian

Cho nên thường phải niệm

Từng niệm, từng niệm sinh diệt nối nhau, theo cảnh duyên mà dấy khởi nên tạo ra “tam giới”. Tạo ra các cõi để rồi những niệm tưởng kia dẫn dắt chúng sinh “Sinh, tử, luân hồi”. Nếu biết thường xuyên liên tục “niệm Quán Thế Âm”, nghĩa là thường xuyên liên tục quay về “tự tánh nhiệm mầu” thì những niệm tưởng tham, sân, mê nhiễm không còn chỗ dính mắc. Niệm niệm đều do “Diệu Âm chiếu tỏa”. Niệm đó là niệm giác, niệm thanh tịnh nên “Quán Thế Âm” gọi là “Tịnh Thánh”.

Chính vì Tịnh Thánh mà đã nhận và giải trừ được niệm tưởng xấu ác làm khổ đau cho chúng sinh. Quán Thế Âm Bồ Tát là đức dụng của “bản tâm thanh tịnh” có đầy đủ công đức, là mắt lành của “vọng tưởng hư minh”, là biển phước lớn không lường cho nên phải đảnh lễ.

Niệm niệm chớ sinh nghi

Quán Âm bậc tịnh thánh

Nơi khổ não nạn chết

Nay làm chỗ nương tựa

Đầy đủ cả công đức

Mắt lành trông chúng sinh

Biển phước lớn không lường

Cho nên phải đảnh lễ

Đến đây ngài Trì Địa Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào nghe Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát đạo nghiệp tự tại phổ môn thị hiện sức thần thông này phải biết công đức người đó chẳng ít”.

Với ý nghĩa Ngài Trì Địa Bồ Tát là biểu tượng, tượng trưng cho “đất tâm”, mảnh đất tâm này chứa đựng đầy đủ hằng sa công đức tự tại dung thông. Nếu chúng sinh nào nghe và tin hiểu rằng mình có “Diệu Âm thường chiếu” ở nơi đất tâm ấy và không gì hơn nếu chúng sinh thường niệm Quán Thế Âm.

Nghĩa là nếu chúng sinh sống xứng hợp với “Tri kiến Như Lai” thì “Diệu Âm thường chiếu” sẽ hiện hành đầy những đức tướng vi diệu, để từ đó “ứng cơ tiếp vật, giác hữu tình”.

Lúc Phật nói Phẩm Phổ Môn này trong chúng có tám muôn bốn nghìa chúng sinh đều phát tâm vô đẳng. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

 

Phẩm Ðà La Ni

Thứ Hai Mươi Sáu

 

 Sau khi phá trừ tướng ấm. Tâm đã trong sáng như gương. Ví như cảnh đến bóng hiện rõ ràng trong gương, nhưng cảnh dời đi gương chẳng lưu hình, cội gốc của sinh diệt đã phơi bày. Trí tuệ phát sinh nhận ra được sự sinh diệt của các pháp. Nhìn sự sự vật vật như ánh chớp giữ hư không, như huyễn như hóa. Chúng sinh nhận rõ các pháp như huyễn ấy mà vào đại định, phá trừ được “hành ấm”. Ở nơi thức thể lặng yêu ấy nhận ra cội gốc của hành ấm là “vọng tưởng u uẩn trong tính thể bình đẳng nhất như” nên diệt trừ cội nguồn sinh tử, tiến vào đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nhưng nếu chưa tỏ rõ chân lý ở nơi đây lại nhận lầm “vọng tưởng u uẩn nơi tính thể là viên thường thì sa vào tà kiến”.

Ví như hành giả xét cho cùng bản tính của tâm và cảnh không có nguyên nhân gì cả. Vì nương theo 800 công đức của nhãn căn mà thấy tám muôn kiếp, tất cả chúng sinh đều theo dòng nghiệp báo xoay vần, chết nơi này sinh nơi khác, luân hồi trong đó. Ngoài tám muôn kiếp mờ mịt không thấy gì nữa lại cho rằng sự sự vật vật trong mười phương ngoài tám muôn kiếp không do nguyên nhân nào mà tự có.

- Hoặc nhận thấy trong tám muôn kiếp người vẫn sinh người, chim vẫn sinh chim, các pháp cũng đều như thế. Ngoài tám muôn kiếp sự sự vật vật cũng đều như thế không có nhân duyên gì sinh khác cả.

- Hoặc khi “hành ấm” đã phơi bày, nhận được dòng sinh diệt luôn luôn tiếp tục lại chấp dòng sinh diệt vận hành ấy là tính viên thường nên thấy tất cả chúng sinh sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, xoay vần như thế không bao giờ dứt.

- Hoặc thấy chúng sinh do tứ đại hợp thành nên chúng sinh có sinh diệt mà tứ đại không sinh diệt, vọng chấp cho đó là thường.

- Hoặc mắc vào luận “càn loạn bất tử”, nghĩa là chấp  “cũng có tức cũng không, trong cái cũng không không phải cũng có”, không dứt khoác gì cả.

Do hành ấm hiển bày liên tục không hề ngừng nghỉ, vọng chấp sa vào tà kiến, tự nhận đã chứng ngộ mắc vào tội đại vọng ngữ vừa hại mình hại người mà sa vào “địa ngục vô gián”.

Do vậy phẩm Đà la ni này được tuyên bày để phá trừ hành ấm. Nghĩa là phá trừ “vọng tưởng u uẩn liên tục vận hành để gây ra cội nguồn sinh tử”.

Vì Đà la ni là tổng trì, lấy “niệm giác bất tư  nghì làm thể”. Do vậy, mà không còn sự vận hành liên tục của vọng tưởng u uẩn. Chính như thế ý niệm phân biệt, ý niệm suy lường đã thành “vô phân biệt niệm”. Vượt thoát “văn từ ngôn ngữ và nghĩa lý”. Chính như thế mà những lúc tướng vi diệu hiện hành vô trụ vô chấp mới giác hữu tình.

Nên vào đầu phẩm kinh, Ngài Dược Vương Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng: Thế Tôn ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì được kinh Pháp Hoa hoặc đọc tụng thông lệ hoặc biên chép quyển kinh đặng bao nhiêu phước đức?”.

Với ý nghĩa “Dược Vương Bồ Tát” là biểu tượng, tượng trưng cho “pháp tướng vi diệu hiện hành” để điều phục chúng sinh, pháp tướng vi diệu ấy không còn trụ chấp nơi quả vị tu chứng như “Ngài Dược Vương từ chỗ ngồi đứng dậy”. Vì “từ chỗ ngồi đứng dậy” là ý chỉ thâm diệu về sự vượt thoát không còn trụ chấp nơi các pháp hiện hành.

Chính vì thế mới thể nhập được “tự tánh nhiệm mầu”. Và mới tùy thuận chúng sinh, là lấy đức tướng vi diệu trang nghiêm cho tự thân, nên gọi là “trịch áo bày vai hữu”, dung thông sự sự vật vật, nhận rõ “tâm vật nhất như không đồng không dị” nên hiện tướng “chắp tay”. Hướng về Đức Phật là hướng về “Như Lai”, hướng về “giác tánh”. Và cũng chỉ có “giác tánh” mới hiển bày được “pháp tướng vi diệu” hay có nghĩa là chỉ có Đức Thế Tôn mới trả lời câu hỏi do “Dượng Vương Bồ Tát” đã nêu.

Dượng Vương Bồ Tát đã nêu rằng: “Đối với kinh Pháp Hoa này, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hay thọ trì, đọc tụng, biên chép quyển kinh đặng bao nhiêu phước đức?”.

Điều đó có nghĩa là: “Nếu chúng sinh nào hành trị Diệu Pháp thì được bao nhiêu phước đức?”.

Như thế đã nêu từ trước “Diệu Pháp Liên Hoa” là phương tiện vi diệu hiển bày “Tri kiến Phật”. Chúng sinh nào thọ trì kinh Pháp Hoa là sống xứng hợp với “Bản tâm thanh tịnh”. Chúng sinh đó thể nhập được “pháp giới tính nhiệm mầu”.

Vì thế, Đức Thế Tôn dạy rằng:

“Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đó với kinh này có thể thọ trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu đọc tụng giải nghĩa đúng như lời mà tu hành thời công đức rất nhiều”.

Với ý nghĩa, nếu chúng sinh nào liễu triệt được ý chí thâm diệu của Đức Thế Tôn đã tuyên bày “Diệu Pháp” mà thể nhập “tự tánh nhiệm mầu”, chúng sinh đó sẽ rõ thông các pháp nơi thể “vô cấu thức” mà hiện hành “pháp tướng vi diệu”để giác hữu tình, “pháp tướng vi diệu” ấy là “phương thuốc nhiệm mầu, là Dược Vương Bồ Tát diệu dụng tùy duyên không thể dùng suy lường mà suy lường được.

Tâm mật ấy không thể dùng văn tự ngôn ngữ, nghĩa lý mà giải được.

Tâm mật ấy nếu tuyên bày sẽ là một loại ngôn ngữ cô đọng, loại mật ngữ nghĩa lý không lường, nên không dùng cách gì để diễn đạt. Chính vì thế mà Dược Vương Bồ Tát đã tuyên bày sự tổng trì Diệu Pháp bằng loại mật ngữ, bằng “ký hiệu tối mật” không cần lý giải. Loại ngôn ngữ này nếu chúng sinh nào thể nhập “pháp giới tính nhiệm mầu” sẽ tương ứng với diệu nghĩa của nó. Mật ngữ Đà la ni này có công năng làm cho chúng sinh vượt thoát sự tương phân đối đãi hay thể nhập được “Tri kiến Phật”. Mật ngữ Đà la ni có công năng phá trừ sự vận hành u uẩn của thức.

Mật ngữ Đà la ni của Bồ Tát Dược Vương tuyên đọc là:

“An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ, già lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ chuyên đế, mục đế mục đa lý, ta lý, a vĩ ta lý, tang lý, ta lý xoa duệ, a xoa duệ, a kỳ nhị chuyên đế, xa lý, đà la ni, a lư dà bà ta ky dá tỳ xoa nhị, nễ tỳ thế, a tiện đa la nễ lý thế, a đàn đá ba lệ thâu địa, âu cứu lệ, mâu cứu lệ, a la lệ, ba la lệ, thủ ca sai, a tam ma tam lý, Phật đà tỳ kiết lợi điệt đế, đạt ma ba lợi sai đế, tăng già niết cù sa nễ, bà xá bà xá thâu địa, mạn đá lã, mạn đá lã xoa dạ đa, bưu lâu đá, bưu lâu đá kiêu xá lược, ác xoa lã, ác xoa dã đa đã, a bà lư, a ma nhã na đa dạ”.

Tâm mật này là do chúng sinh đã kiến tánh phá trừ được 62 kiến chấp (ngã kiến, đoạn kiến, thường kiến) do sự vận hành u uẩn của vọng thức kiến về sắc uẩn chấp:

1. Sắc là ta.

2. Lìa sắc là ta.

3. Ta nhỏ sắc lớn, Ta lớn sắc nhỏ.

4. Ta lớn sắc lớn, Ta nhỏ sắc nhỏ.

Thọ, thượng, hành, thức, cũng như thế.

Như vậy năm uẩn gồm có 20 kiến chấp, dùng cho ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai, được nhân lên là 60 kiến chấp. Cộng với đoạn kiến và thường kiến là đủ 62 kiến chấp.

Trong Quy Nguyên Trực Chỉ có nêu: “Trừ lục thập nhị kiến, tà ngụy vô sở dụng”.

Nên trong kinh đã nêu: “Đà la ni này là do 62 ức hằng hà sa các Đức Phật đã nói, nếu có kẻ xâm hủy Pháp sư chính là xây hủy các Đức Phật đó rồi”. 

Nghĩa là nếu chúng sinh nào còn vọng động  không phá trừ kiến chấp thì xem như xâm hủy đến “Phật tính” của mình vậy.

Lại nữa, nếu chúng sinh nào thọ trì kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” thì sẽ đạt thành “tam mật tương ưng”, thân mật, khẩu mật, ý mật. Do vậy mà sự vận hành u uẩn của vọng thức nảy sinh, những ác tưởng không còn chỗ hở nào để dấy khởi nữa.

Chính sự dõng mãnh tinh tấn lìa bỏ trói buộc nơi trần cảnh mà hiện hành đức tướng vi diệu để giác hữu tình, như đoạn kinh đã nêu:

“Ngài Dõng Thí Bồ Tát cũng vì người thọ trì kinh Pháp Hoa mà tuyên thuyết Đà la ni. Tâm mật Đà la ni này do sự tinh tấn vượt thoát nhiễm chấp làm cho chúng hữu tình giác ngộ, có công năng phá trừ sự vận hành u uẩn của vọng thức nảy sinh những tư tưởng xấu ác, mà kinh viện dẫn.

“Dạ xoa, La sát, hoặc Phú đơn na, hoặc Kiết giá... không thể nào rình tìm chỗ dở của Pháp sư để hại được”. Do vậy, Ngài Dõng Thí Bồ Tát đã thuyết chú như sau:

“Toa lệ, ma ha toa lệ, ức chỉ, mục chỉ, a lê, a la bà đệ niết đệ, niết lệ đa bà đệ, y trí nỉ, vi trí nỉ, chỉ tri nỉ, niết lệ tri nỉ, niết lệ tri bà để”.

Tâm mật Đà la ni này là do niệm giác bất tư nghị ở nơi thể bất động mà có, nên kinh đã nêu: “Thần chủ này của hằng sa các Đức Phật đã tuyên bày”.

Lại nữa, thọ trì kinh Pháp Hoa là thể nhập “pháp giới tính nhiệm mầu” luôn luôn vận hành những ý tưởng thuần thiện, có đủ khả năng tiêu hủy sự vận hành của ác tưởng để tự lợi và lợi tha khi “ứng cơ tiếp vật”. Giống như Tỳ Sa Môn Thiên vương hay Trì Quốc Thiên Vương thống lãnh chư quỷ thần mà hộ trợ cho nhân thiên vậy.

Sự thâm mật vi diệu vừa thâu nhiếp sự vận hành ác tưởng vừa làm cho những đức tướng thuần thiện hiện hành đối với những chúng sinh có căn thuần thiện hướng về “tự tánh nhiệm mầu” được thể hiện bằng mật ngữ Đà la ni mà Tỳ Sa Môn Thiên Vương và Trí Quốc Thiên Vương đã tuyên đọc:

“A lê, na lê, a na lư, na lý, câu na lý”. Hoặc:

“A dà nể, dà nể, cù lợi, càn đà lợi, chiên đà lợi, ma đẳng kỳ thường cầu lợi, phú lầu tá nỉ, ác đế”.

Mật chú này đều do “thọ trì kinh Pháp Hoa” mà có được. Nghĩa là do hành trí xứng hợp với lý tánh mà có được. 

Lại nữa, thọ trì kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” sẽ được “lục căn thanh tịnh” nên ý tưởng “ái nhiễm” nếu dấy khởi sẽ được tiêu trừ. Sự thâu nhiếp ý tưởng “ái nhiễm” tâm sẽ an định, tổng trì. Nên đoạn kinh đã nêu : “Bấy giờ có những La sát nữ như Lam Bà, Tỳ Lam Bà, Khúc Xỉ, Hoa Xỉ, Hắc Xỉ, Đa Phát, Vô Yểm Túc, Trì Anh Lạc, Cao Đế, Đoạt Nhất Thiết Chúng Sinh Tinh Khí” đều tuyên thuyết tâm mật Đà la ni:

“Y đề, y đề vẫn, y đề lý, a đề lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, lâu hê,  lâu hê,  lâu hê,  lâu hê, đa hê, đa hê, đa hê, đâu hê, nâu hê”.

Do vậy mới thấy rõ “Diệu Pháp Liên Hoa” là tạng bí yếu thâm mật của chư Phật. Chúng sinh nào thọ trì được thì “tự tánh nhiệm mầu thâm mật” có công năng phá trừ sự vận hành của ác tưởng. Sự phát trừ ấy giống như nhánh lá của loại cây A Lê cao vút ở xứ Ấn Độ, khi rơi xuống tới đất cành lá kia sẽ tan nát làm nhiều phần.

Thọ trì kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” có sức oai thần như thế. Mà phương tiện vi diệu hiển bày nơi phẩm kinh đã viện dẫn ở đoạn chúng La sát nữ tuyên đọc bài kệ sau:

Nếu chẳng thuận chú ta

Não loạn người nói pháp

Đầu vỡ làm bảy phần

Như nhánh cây A lê

Như tội giết cha mẹ

Cũng như họa ép dầu

Cân lường khi dối người

Tội Điều Đạt phá Tăng

Kẻ phạm pháp sư đây

Sẽ mắc họa như thế

Do thọ trì kinh Pháp Hoa mà chúng sinh sẽ ở nơi thể “Diệu trạm tổng trì” mà ứng cơ tiếp vật. Nghĩa là ở nơi thể an định, thường có tác dụng nhiệm mầu. Nhận pháp giới tính làm thân, nắm giữ sự diệu dụng của pháp giới tính. Vận dụng pháp giới tính mà tự giác, giác tha.

Chú là biểu hiện hoàn toàn thể, toàn dụng của tâm, của tự tánh. Do vậy, trì chú là giữ gìn sự thâm mật của “bản tâm”. Tâm là chú, là “tự tánh nhiệm mầu thanh tịnh”.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là pháp nhũ bao trùm cả pháp giới. Tùy theo chủ tánh của chúng sinh mà thể nhập “Diệu lý Pháp Hoa tam muội”.

Đạt thành sự thâm mật nơi tâm sẽ chiếu phá được “vọng tưởng hư minh” u uẩn liên tục dấy khởi. Ở nơi tâm mật ấy chỉ còn có “niệm giác bất tư nghị” làm thể tạo thành những phương thuốc nhiệm mầu hay “giác pháp” để tự lợi và lợi tha khắp cùng pháp giới.

 

Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự

Thứ Hai Mươi Bảy

 

Sau khi phá trừ hành ấm, cội gốc của sự khởi động u uẩn để sinh ra các pháp đều đã thôi dứt. Sáu căn rỗng lặng không dong ruổi theo sáu trần.

Sinh diệt đã diệt, tịch diệt hiển bày, nhân đó phát sinh trí tuệ đạt đến thể vô sinh.

Các bậc Nhị thừa thì phá trừ “câu sinh ngã chấp” nghĩa là phát trừ sự huân tập tiềm ẩn, u uẩn vận hành chấp ngã mà đạt thành A la hán tiến vào “lý đạo Nhất thừa”.

Các vị Bồ Tát thì phá trừ “câu sinh ngã chấp” và đang trừ nốt “câu sinh pháp chấp” để tiến vào thể “diệu giác chân thường” như thế ma sự không còn quấy nhiễu nữa.

Người chưa rõ chân lý, tạm thời diệt được sinh diệt và cũng tạm thời tịch diệt hiển bày.

Sau căn thanh tịnh, trong ngoài sáng suốt, đem cái trí bất động sáng suốt nhập vào cái thể bất động. Nhưng sự thật “trí và thể” “bất nhị” nên không có gì để nhập. Do bởi thức ấm hãy còn nên mặc dù thấy rõ nguyên nhân thọ mạng của các loài chúng sinh. Thấy rõ thể tánh của các loài chưa từng sinh diệt. Thấy được sự đồng nhất của tất cả sự vật. Nhưng sự đồng nhất đó là sự đồng nhất đối đãi với sự không đồng nhất. Chưa thể nhập nơi tính “không đồng không dị” của sự sự vật vật.

Ví như nhận rằng “cỏ cây mười phương đều là hữu tình cùng với người không khác”. Cỏ cây làm người, người chết rồi trở thành cỏ cây. Với nhận thức ấy sẽ rơi vào cái chấp “tri vô tri”. Nghĩa là chấp tất cả đều có hay biết, bỏ mất chánh tri kiến.

Hoặc khi hành ấm được phá trừ, thức ấm hiện tiền lại nhận lầm tất cả sự sự vật vật đều do sự ngày sinh ra. Chúng sinh này đã sa vào cái chấp “năng phi năng”. Nghĩa là không phải năng sinh mà cho là năng sinh, bạn bè với bọn “đại mạn thiên”, nhận mình là tạo hóa sinh ra tất cả. Vì nướng theo đại định tạm thời diệt được sinh diệt, gần thể nhập pháp giới tính nhiệm mầu, lại bị vi tế vô minh sai khiến nên rơi vào mê lộ chấp ngã chấp pháp. Tự cho mình “liễu đạo” chỉ bày cho chúng sinh khác lạc vào tà đạo. Phạm tội đại vong ngữ vừa hại mình hại người mà sa vào ba đường dữ.

Nếu không phá trừ vi tế vô minh nơi thức ấm thì không thể nào nhập “tri kiến Như Lai”, thể nhập pháp giới tính nhiệm mầu.

Do vậy Phẩm “Diệu Trang Nghiêm Vương” được tuyên bày để phá trừ vi tế vô minh nơi “thức ấm”.

Vì thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì tính thể “Diệu trạm tổng trì” được hiện lộ. Tính thể ấy không tăng, không giảm, không sinh, không diệt, tự tại dung thông, vô thỉ vô chung sáng sáng vô cùng.

Đến đây chúng hội đã rõ thông tâm mật Đà la ni phá trừ được sự u uẩn vận hành của thức, vừa thâu nhiếp vừa hiện hành những đức tướng vi diệu phát xuất từ “niệm giác bất tư nghị” để giác hữu tình.

Chính vì thế mà Đức Thế Tôn đã chỉ bày cho chúng hội rõ tính thể “Diệu trạm tổng trì” hãy chỉ bày cho chúng hội nhận ra “bản lai diện mục” của tự thân. Do vậy mà vọng thức không còn sinh khởi nên khứ lai vô ngại ứng hiện tùy duyên.

Vì thế Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn sự được tuyên bày còn có ý chỉ thâm diệu là làm sáng tỏ “tự tánh sáng suốt, tự tánh chân chính, tự tánh thanh tịnh” của mỗi chúng sinh. Nên vào đầu phẩm kinh Đức Thế Tôn bảo hàng đại chúng rằng:

“Về thuở xưa cách đây vô lượng vô biên bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp, có Đức Phật hiệu là Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Phật Thế Tôn”.

Với ý nghĩa, từ vô thỉ “tiếng huyền diệu của chân tâm” như tiếng sấm trên mây, vang dội khắp cùng. Chiếu tỏa muôn nơi, có oai lực không lường như “thuở xưa từ vô lượng bất khả tư nghì kiếp có Đức Phật hiệu Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí”.

Vậy, Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai là chỉ cho “Diệu Âm thường chiếu”. Diệu Âm ấy không ngoài “bản giác diệu minh”. Vì thế nên “Đức Vân Lôi Âm Phật” ở nơi quốc độ “quang minh trang nghiêm”.

Bây giờ là nơi thể an định sáng suốt nhiệm mầu diệu dụng tùy duyên, vô trụ vô chấp, lấy cái “diệu” của “bản tâm thanh tịnh” trang nghiêm làm “Chúa” cho các pháp hiện hành. Để phá trừ “thức ấm” nên “trong pháp hội Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai có vua tên là “Diệu Trang Nghiêm”. Chính vì “Diệu” nên nội tâm an định, mà có thể nói là “tịnh trị vô minh, có danh tịnh đức”.

Nghĩa là do nơi thể an định mà dứt trừ được vi tế vô minh, nhóm chứa hằng sa công đức. Nên kinh đã viện dẫn là “vua Diệu Trang Nghiêm có phu nhân tên Tịnh Đức”.

Vua thì tên là “Diệu Trang Nghiêm”, phu nhân tên là Tịnh Đức. Như thế mới thật là “Diệu trạm tổng trì”. Như thế mới có thể tạo thành “phước huệ trang nghiêm”.

Ngoài hiện những đức tướng vi diệu thu nhiếp vọng tâm, trong dung thông tự tại liễu liễu minh minh  mới có hai con tên là “Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn”.

- Tịnh Nhãn là tượng trưng cho sức đại thần thông.

- Tịnh Tạng là tượng trưng cho sự nhóm chứa, hằng sa tam muội. Mà kinh việc dẫn là: “Hai người con đó có sức đại thần thông đã từ lâu tu tập đạo hạnh Bồ Tát như là thí Ba la mật, giới Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, lại có các môn tam muội như: nhật tinh tú tam muội, tịnh quang tam muội, tịnh sắc tam muội...”.

Nội tâm thanh tịnh, trí tuệ tuyệt vời, hằng sa tam muội tự tại dung thông đã phát xuất từ “Diệu Âm thường chiếu” từ “bản giác diệu minh” nên mới hiện hành những đức tướng vi diệu vô trụ vô chấp, để từ đó trang nghiêm cho tự thân mình.

Nếu không được như thế thì “Dịeu Trang Nghiêm” kia sẽ rơi lạc vào tà đạo. Nghĩa là sẽ trụ vào sự tu dưỡng chứng đắc mà hưởng phước báo ở các cõi thiên, hoặc ở các cõi của ma vương. Vì ở nơi đó vẫn có “phước đức và trí tuệ”. Nhưng không phải “phước đức và trí tuệ” nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nên “Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai” đã vì vua “Diệu Trang Nghiêm” mà thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa.

Cũng chính vì ý nghĩa đó mà hai con “Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn” đã hiện tướng “đi, đứng, nằm, ngồi” khi ẩn, khi hiệu giữa hư không, thần biến vô ngại mà trong đoạn kinh đã nêu như: “vọt lên hư không, hiện các món  thần biến, đi, đứng, nằm, ngồi... thần trên phun ra nước, thân dưới phun ra lửa, hoặc hiện thân đầy dẫy hư không... hoặc ở trong hư không ẩn mất”.

Trong thì thâm mật khôn lường, ngoài thì hiện hành vô trụ vô chấp như thế mới hiển bày được “nhất chân thật tướng pháp giới”. Như thế mới chân thật “Diệu Trang Nghiêm” không còn rơi vào cảnh giới lầm chấp do bởi sự tu tập ở các quả vị Nhị thừa hay ngoại đạo.

Nên kinh đã viện dẫn: “Cha thấy con có sức thần như vậy lòng rất vui mừng đặng điều chưa từng có”.

Ngay lúc đó vua Diệu Trang Nghiêm lại hỏi sự thần biến như vậy do đâu mà có? Thầy của các con là ai? Con là đệ tử của ai?

Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn đã thưa với vua cha rằng: “Thầy chúng con là Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa trí Như Lai người đang ngự trên pháp tòa chúng hội mà rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa”.

Với ý nghĩa, sự thần biến vi diệu hi hữu như thế đều do nơi “Diệu Âm thường chiếu” nơi “bản giác diệu minh” hay còn gọi là ở nơi “Đức Phật ấy mới là thầy chúng con, chúng con vì Ngài mà làm các Phật sự”.

Nghĩa là chỉ có “bản tâm thanh tịnh” mới có “pháp âm vi diệu vang dội cả pháp giới” đó là “thầy” chúng con, thầy của cha mẹ, thầy của mọi chúng sinh.

Và chỉ có “Diệu Âm thường chiếu” mới làm cho Diệu Trang Nghiêm thật sự trang nghiêm được.

Nhận ra được “bản lai diện mục” của chính mình thật vô cùng khó khăn. Bởi vì không phải do chuyển thức thành trí mà được.

Thức và Trí là phương tiện khéo bày để chúng sinh thể nhập vào “tự tánh nhiệm mầu”. Nói thức chuyển thành trí là phương tiện mà nói. Tự tánh kia vốn không sinh, không diệt, không thêm, không bớt. Nói chuyển là phương tiện để cho chúng sinh rời bỏ mọi sự chướng nhiễm.

Tin rằng chúng sinh đều có “tự tánh nhiệm mầu” đó là điều vô cùng khó khăn. Điều đó có thể nói là khó tin, khó hiểu, chỉ có trí tuệ Bát Nhã mới liễu tri được. Và cũng chỉ có sự hiện hành vô trụ vô chấp nơi các pháp thì mới trực nhận được “bản tâm thanh tịnh”. Do vậy mà Tịnh Đức cho các con xuất gia. Vì sao? Vì Phật khó gặp. Nghĩa là “Phật tâm” khó thấy.

Nhưng muốn thấy Phật hay muốn nhận ra “Diệu âm thường chiếu” mà kinh đã nêu là muốn đến nơi “Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật” thì vua và phu nhân, các con và quần thần... đều phải thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nghĩa là sống xứng hợp với lý tánh thì mới nhận ra “Diệu Âm thường chiếu” nơi “tự tánh nhiệm màu”. Nhận ra được như thế là vô cùng quý báu. Quý báu như xâu chuỗi trân châu vua cùng phu nhân “Diệu Trang Nghiêm” đang đeo nơi cổ.

Nhưng sự trực nhận ấy phải dẫn đến thực tại hiện hành vô trụ vô chấp làm lợi ích cho chúng sinh thì mới được viên mãn.

Do vậy chuỗi ngọc quý kia đức vua liền cởi “tung lên giữa hư không” hóa thành đài báu bốn trụ để cúng dường Đức Phật.

Diệu Trang Nghiêm Vương cùng phu nhân, hai con và quyến thuộc, nói chung là tâm thức mà có thể phương tiện tạm gọi “Diệu Trang Nghiêm Vương là A lại da thức, Tịnh Đức là Mạt na thức, Tịnh Tạng là Ý thức, Tịnh Nhãn là Nhãn thức” (nhãn thức có thể tiêu biểu cho năm thức trước).

Tâm thức kia đã thanh tịnh, nhưng đó mới chỉ là sở thành, chỉ mới là quả vị Thanh văn, Duyên giác cần phải phá trừ sở thành này để tiến về “lý đạo Nhất thừa” để khỏi rơi lọt vào tà đạo. Phá trừ không có nghĩa là chuyển thức thành trí, mà thức chính là trí. Vì tâm thức này đã tịnh diệu, nên chỉ trực nhận là thể nhập “Tri kiến Như Lai”, không còn vướng nhiễm nơi các pháp. Nên kinh đã viện dẫn: “Diệu Trang Nghiêm Vương, phu nhân và các con đều xuất gia”. Vì xuất gia là rời bỏ vướng nhiễm nơi các pháp.

Khi đã rời bỏ vướng nhiễm thì 84 vạn tế hạnh, hạnh nào không là đạo hạnh. Do vậy, nên “vua xuất gia” rồi trong tám muôn bốn nghìn năm thường tinh tấn hành trì “Diệu pháp” thì mới đặng môn “nhất thiết tịnh công đức trang nghiêm tam muội”.

“Vua Diệu Trang Nghiêm” nơi pháp hội hiện tiền chính là “Hoa Đức Bồ Tát” tượng trưng cho phước đức.

“Tịnh đức phu nhân” chính là “Quang Minh Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ Tát” tượng trưng cho trí tuệ.

Hai con vì thương xót cha và quyến thuộc mà sinh vào cung vua. Với ý nghĩa vì muốn “phước huệ” trang nghiêm thì giáo pháp hiện hành kia trong pháp giới Phật vô trụ vô chấp, vượt khỏi trụ chấp của Nhị thừa.

Nghĩa là muốn trang nghiêm tự thân bằng phước đức và trí tuệ mà thể nhập vào “pháp giới tính nhiệm mầu” thì phải hiện hành bằng những đức tướng tối diệu, tối thượng, vô trụ vô chấp mà giác hữu tình.

Nên Tịnh Tạng xưa kia nay chính là Dược Vương Bồ Tát, biểu tượng tượng trưng cho phương thuốc nhiệm mầu hay “pháp tướng vi diệu”.

Tịnh Nhãn nay là Dược Thượng Bồ Tát là biểu tượng tượng trưng cho phương thuốc thượng diệu hay “pháp tướng thượng diệu”.

Do vậy, lúc Đức Thế Tôn nói phẩm này, chúng hội thể nhập được “Pháp Hoa tam muội” xa rời cấu nhiễm mà chứng được “Pháp Nhãn tịnh” vậy.

Sau khi phá trừ hành ấm, cội gốc của sự khởi động u uẩn để sinh ra các pháp đều đã thôi dứt. Sáu căn rỗng lặng không dong ruổi theo sáu trần.

Sinh diệt đã diệt, tịch diệt hiển bày, nhân đó phát sinh trí tuệ đạt đến thể vô sinh.

Các bậc Nhị thừa thì phá trừ “câu sinh ngã chấp” nghĩa là phát trừ sự huân tập tiềm ẩn, u uẩn vận hành chấp ngã mà đạt thành A la hán tiến vào “lý đạo Nhất thừa”.

Các vị Bồ Tát thì phá trừ “câu sinh ngã chấp” và đang trừ nốt “câu sinh pháp chấp” để tiến vào thể “diệu giác chân thường” như thế ma sự không còn quấy nhiễu nữa.

Người chưa rõ chân lý, tạm thời diệt được sinh diệt và cũng tạm thời tịch diệt hiển bày.

Sau căn thanh tịnh, trong ngoài sáng suốt, đem cái trí bất động sáng suốt nhập vào cái thể bất động. Nhưng sự thật “trí và thể” “bất nhị” nên không có gì để nhập. Do bởi thức ấm hãy còn nên mặc dù thấy rõ nguyên nhân thọ mạng của các loài chúng sinh. Thấy rõ thể tánh của các loài chưa từng sinh diệt. Thấy được sự đồng nhất của tất cả sự vật. Nhưng sự đồng nhất đó là sự đồng nhất đối đãi với sự không đồng nhất. Chưa thể nhập nơi tính “không đồng không dị” của sự sự vật vật.

Ví như nhận rằng “cỏ cây mười phương đều là hữu tình cùng với người không khác”. Cỏ cây làm người, người chết rồi trở thành cỏ cây. Với nhận thức ấy sẽ rơi vào cái chấp “tri vô tri”. Nghĩa là chấp tất cả đều có hay biết, bỏ mất chánh tri kiến.

Hoặc khi hành ấm được phá trừ, thức ấm hiện tiền lại nhận lầm tất cả sự sự vật vật đều do sự ngày sinh ra. Chúng sinh này đã sa vào cái chấp “năng phi năng”. Nghĩa là không phải năng sinh mà cho là năng sinh, bạn bè với bọn “đại mạn thiên”, nhận mình là tạo hóa sinh ra tất cả. Vì nướng theo đại định tạm thời diệt được sinh diệt, gần thể nhập pháp giới tính nhiệm mầu, lại bị vi tế vô minh sai khiến nên rơi vào mê lộ chấp ngã chấp pháp. Tự cho mình “liễu đạo” chỉ bày cho chúng sinh khác lạc vào tà đạo. Phạm tội đại vong ngữ vừa hại mình hại người mà sa vào ba đường dữ.

Nếu không phá trừ vi tế vô minh nơi thức ấm thì không thể nào nhập “tri kiến Như Lai”, thể nhập pháp giới tính nhiệm mầu.

Do vậy Phẩm “Diệu Trang Nghiêm Vương” được tuyên bày để phá trừ vi tế vô minh nơi “thức ấm”.

Vì thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì tính thể “Diệu trạm tổng trì” được hiện lộ. Tính thể ấy không tăng, không giảm, không sinh, không diệt, tự tại dung thông, vô thỉ vô chung sáng sáng vô cùng.

Đến đây chúng hội đã rõ thông tâm mật Đà la ni phá trừ được sự u uẩn vận hành của thức, vừa thâu nhiếp vừa hiện hành những đức tướng vi diệu phát xuất từ “niệm giác bất tư nghị” để giác hữu tình.

Chính vì thế mà Đức Thế Tôn đã chỉ bày cho chúng hội rõ tính thể “Diệu trạm tổng trì” hãy chỉ bày cho chúng hội nhận ra “bản lai diện mục” của tự thân. Do vậy mà vọng thức không còn sinh khởi nên khứ lai vô ngại ứng hiện tùy duyên.

Vì thế Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn sự được tuyên bày còn có ý chỉ thâm diệu là làm sáng tỏ “tự tánh sáng suốt, tự tánh chân chính, tự tánh thanh tịnh” của mỗi chúng sinh. Nên vào đầu phẩm kinh Đức Thế Tôn bảo hàng đại chúng rằng:

“Về thuở xưa cách đây vô lượng vô biên bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp, có Đức Phật hiệu là Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Phật Thế Tôn”.

Với ý nghĩa, từ vô thỉ “tiếng huyền diệu của chân tâm” như tiếng sấm trên mây, vang dội khắp cùng. Chiếu tỏa muôn nơi, có oai lực không lường như “thuở xưa từ vô lượng bất khả tư nghì kiếp có Đức Phật hiệu Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí”.

Vậy, Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai là chỉ cho “Diệu Âm thường chiếu”. Diệu Âm ấy không ngoài “bản giác diệu minh”. Vì thế nên “Đức Vân Lôi Âm Phật” ở nơi quốc độ “quang minh trang nghiêm”.

Bây giờ là nơi thể an định sáng suốt nhiệm mầu diệu dụng tùy duyên, vô trụ vô chấp, lấy cái “diệu” của “bản tâm thanh tịnh” trang nghiêm làm “Chúa” cho các pháp hiện hành. Để phá trừ “thức ấm” nên “trong pháp hội Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai có vua tên là “Diệu Trang Nghiêm”. Chính vì “Diệu” nên nội tâm an định, mà có thể nói là “tịnh trị vô minh, có danh tịnh đức”.

Nghĩa là do nơi thể an định mà dứt trừ được vi tế vô minh, nhóm chứa hằng sa công đức. Nên kinh đã viện dẫn là “vua Diệu Trang Nghiêm có phu nhân tên Tịnh Đức”.

Vua thì tên là “Diệu Trang Nghiêm”, phu nhân tên là Tịnh Đức. Như thế mới thật là “Diệu trạm tổng trì”. Như thế mới có thể tạo thành “phước huệ trang nghiêm”.

Ngoài hiện những đức tướng vi diệu thu nhiếp vọng tâm, trong dung thông tự tại liễu liễu minh minh mới có hai con tên là “Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn”.

- Tịnh Nhãn là tượng trưng cho sức đại thần thông.

- Tịnh Tạng là tượng trưng cho sự nhóm chứa, hằng sa tam muội. Mà kinh việc dẫn là: “Hai người con đó có sức đại thần thông đã từ lâu tu tập đạo hạnh Bồ Tát như là thí Ba la mật, giới Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, lại có các môn tam muội như: nhật tinh tú tam muội, tịnh quang tam muội, tịnh sắc tam muội...”.

Nội tâm thanh tịnh, trí tuệ tuyệt vời, hằng sa tam muội tự tại dung thông đã phát xuất từ “Diệu Âm thường chiếu” từ “bản giác diệu minh” nên mới hiện hành những đức tướng vi diệu vô trụ vô chấp, để từ đó trang nghiêm cho tự thân mình.

Nếu không được như thế thì “Dịeu Trang Nghiêm” kia sẽ rơi lạc vào tà đạo. Nghĩa là sẽ trụ vào sự tu dưỡng chứng đắc mà hưởng phước báo ở các cõi thiên, hoặc ở các cõi của ma vương. Vì ở nơi đó vẫn có “phước đức và trí tuệ”. Nhưng không phải “phước đức và trí tuệ” nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nên “Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai” đã vì vua “Diệu Trang Nghiêm” mà thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa.

Cũng chính vì ý nghĩa đó mà hai con “Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn” đã hiện tướng “đi, đứng, nằm, ngồi” khi ẩn, khi hiệu giữa hư không, thần biến vô ngại mà trong đoạn kinh đã nêu như: “vọt lên hư không, hiện các món  thần biến, đi, đứng, nằm, ngồi... thần trên phun ra nước, thân dưới phun ra lửa, hoặc hiện thân đầy dẫy hư không... hoặc ở trong hư không ẩn mất”.

Trong thì thâm mật khôn lường, ngoài thì hiện hành vô trụ vô chấp như thế mới hiển bày được “nhất chân thật tướng pháp giới”. Như thế mới chân thật “Diệu Trang Nghiêm” không còn rơi vào cảnh giới lầm chấp do bởi sự tu tập ở các quả vị Nhị thừa hay ngoại đạo.

Nên kinh đã viện dẫn: “Cha thấy con có sức thần như vậy lòng rất vui mừng đặng điều chưa từng có”.

Ngay lúc đó vua Diệu Trang Nghiêm lại hỏi sự thần biến như vậy do đâu mà có? Thầy của các con là ai? Con là đệ tử của ai?

Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn đã thưa với vua cha rằng: “Thầy chúng con là Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa trí Như Lai người đang ngự trên pháp tòa chúng hội mà rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa”.

Với ý nghĩa, sự thần biến vi diệu hi hữu như thế đều do nơi “Diệu Âm thường chiếu” nơi “bản giác diệu minh” hay còn gọi là ở nơi “Đức Phật ấy mới là thầy chúng con, chúng con vì Ngài mà làm các Phật sự”.

Nghĩa là chỉ có “bản tâm thanh tịnh” mới có “pháp âm vi diệu vang dội cả pháp giới” đó là “thầy” chúng con, thầy của cha mẹ, thầy của mọi chúng sinh.

Và chỉ có “Diệu Âm thường chiếu” mới làm cho Diệu Trang Nghiêm thật sự trang nghiêm được.

Nhận ra được “bản lai diện mục” của chính mình thật vô cùng khó khăn. Bởi vì không phải do chuyển thức thành trí mà được.

Thức và Trí là phương tiện khéo bày để chúng sinh thể nhập vào “tự tánh nhiệm mầu”. Nói thức chuyển thành trí là phương tiện mà nói. Tự tánh kia vốn không sinh, không diệt, không thêm, không bớt. Nói chuyển là phương tiện để cho chúng sinh rời bỏ mọi sự chướng nhiễm.

Tin rằng chúng sinh đều có “tự tánh nhiệm mầu” đó là điều vô cùng khó khăn. Điều đó có thể nói là khó tin, khó hiểu, chỉ có trí tuệ Bát Nhã mới liễu tri được. Và cũng chỉ có sự hiện hành vô trụ vô chấp nơi các pháp thì mới trực nhận được “bản tâm thanh tịnh”. Do vậy mà Tịnh Đức cho các con xuất gia. Vì sao? Vì Phật khó gặp. Nghĩa là “Phật tâm” khó thấy.

Nhưng muốn thấy Phật hay muốn nhận ra “Diệu âm thường chiếu” mà kinh đã nêu là muốn đến nơi “Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật” thì vua và phu nhân, các con và quần thần... đều phải thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nghĩa là sống xứng hợp với lý tánh thì mới nhận ra “Diệu Âm thường chiếu” nơi “tự tánh nhiệm màu”. Nhận ra được như thế là vô cùng quý báu. Quý báu như xâu chuỗi trân châu vua cùng phu nhân “Diệu Trang Nghiêm” đang đeo nơi cổ.

Nhưng sự trực nhận ấy phải dẫn đến thực tại hiện hành vô trụ vô chấp làm lợi ích cho chúng sinh thì mới được viên mãn.

Do vậy chuỗi ngọc quý kia đức vua liền cởi “tung lên giữa hư không” hóa thành đài báu bốn trụ để cúng dường Đức Phật.

Diệu Trang Nghiêm Vương cùng phu nhân, hai con và quyến thuộc, nói chung là tâm thức mà có thể phương tiện tạm gọi “Diệu Trang Nghiêm Vương là A lại da thức, Tịnh Đức là Mạt na thức, Tịnh Tạng là Ý thức, Tịnh Nhãn là Nhãn thức” (nhãn thức có thể tiêu biểu cho năm thức trước).

Tâm thức kia đã thanh tịnh, nhưng đó mới chỉ là sở thành, chỉ mới là quả vị Thanh văn, Duyên giác cần phải phá trừ sở thành này để tiến về “lý đạo Nhất thừa” để khỏi rơi lọt vào tà đạo. Phá trừ không có nghĩa là chuyển thức thành trí, mà thức chính là trí. Vì tâm thức này đã tịnh diệu, nên chỉ trực nhận là thể nhập “Tri kiến Như Lai”, không còn vướng nhiễm nơi các pháp. Nên kinh đã viện dẫn: “Diệu Trang Nghiêm Vương, phu nhân và các con đều xuất gia”. Vì xuất gia là rời bỏ vướng nhiễm nơi các pháp.

Khi đã rời bỏ vướng nhiễm thì 84 vạn tế hạnh, hạnh nào không là đạo hạnh. Do vậy, nên “vua xuất gia” rồi trong tám muôn bốn nghìn năm thường tinh tấn hành trì “Diệu pháp” thì mới đặng môn “nhất thiết tịnh công đức trang nghiêm tam muội”.

“Vua Diệu Trang Nghiêm” nơi pháp hội hiện tiền chính là “Hoa Đức Bồ Tát” tượng trưng cho phước đức.

“Tịnh đức phu nhân” chính là “Quang Minh Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ Tát” tượng trưng cho trí tuệ.

Hai con vì thương xót cha và quyến thuộc mà sinh vào cung vua. Với ý nghĩa vì muốn “phước huệ” trang nghiêm thì giáo pháp hiện hành kia trong pháp giới Phật vô trụ vô chấp, vượt khỏi trụ chấp của Nhị thừa.

Nghĩa là muốn trang nghiêm tự thân bằng phước đức và trí tuệ mà thể nhập vào “pháp giới tính nhiệm mầu” thì phải hiện hành bằng những đức tướng tối diệu, tối thượng, vô trụ vô chấp mà giác hữu tình.

Nên Tịnh Tạng xưa kia nay chính là Dược Vương Bồ Tát, biểu tượng tượng trưng cho phương thuốc nhiệm mầu hay “pháp tướng vi diệu”.

Tịnh Nhãn nay là Dược Thượng Bồ Tát là biểu tượng tượng trưng cho phương thuốc thượng diệu hay “pháp tướng thượng diệu”.

Do vậy, lúc Đức Thế Tôn nói phẩm này, chúng hội thể nhập được “Pháp Hoa tam muội” xa rời cấu nhiễm mà chứng được “Pháp Nhãn tịnh” vậy.

 

Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát

Thứ Hai Mươi Tám

 

Khi đã thể nhận được rằng:

Pháp thân bất động

Ứng hiện tùy duyên

Khứ lai vô ngại

Liễu triệt tứ sinh

Vô thường thị thường

Ứng cơ tiếp vật

Bản giác thường minh

Thì sự vận hành mới vô trụ vô chấp được.

Phẩm “Phổ Hiền Bồ Tát khuyến pháp” được tuyên bày vào cuối thời “Pháp Hoa Hải Hội” là hiển bày “nhất chân thật tướng pháp giới” làm cho chúng hội liễu triệt được tính “Diệu trạm tổng trì”. Nghĩa là ở nơi thể như như bất động mà ứng hiện tùy duyên. Trí vàdụng không hai.

Do vậy vào đầu phẩm kinh đã nêu:

“Lúc bấy giờ Ngài Phổ Hiền Bồ Tát dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn, cùng vô lượng bất khả xưng số vị Đại Bồ Tát từ phương Đông mà đến, các nước đi ngang qua khắp đều rúng động”.

Vi Phổ Hiền Bồ Tát là biểu tượng tượng trưng cho “đại hạnh”. Hạnh khắp cả pháp giới là “Phổ”, làm cho muôn loài giác ngộ, thể nhập “tri kiến Như Lai” là “Hiền”. “Bồ Tát Phổ Hiền” và vô số Đại Bồ Tát từ phương Đông mà đến,  nghĩa là “đại hành”, chính từ “trí tuệ Bát Nhã” mà hiện hành. Khi đã hiện hành thì sẽ làm cho “các cõi nước đi qua khắp đều rúng động” hay làm cho những tư tưởng lầm chấp của chúng sinh trong tam giới đều tỉnh giác quy hướng về “bản tâm”. Nên đoạn kinh đã viện dẫn:

“Các nước đi ngang qua khắp đều rúng động lại cùng vô số đại chúng Trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà... vây quanh đều đến cõi Ta bà đầu mặt lạy Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đi quanh bên hữu bảy vòng”.

Chính vì “Phổ Hiền Bồ Tát” là “giác pháp”. Hiện hành giác pháp ấy không ngoài “bản giác diệu minh”. Cho nên “Phổ Hiền Bồ Tát” ở nơi nước của “Bảo Oai Đức Thượng Vương Phật”. Nghĩa là “Phổ Hiền hạnh” ở nơi “bản tâm thanh tịnh” của mỗi chúng sinh. Nhưng nước của Đức Phật ấy đối với cõi Ta bà lại rất xa. Cũng như “chân tánh thanh tịnh nhiệm mầu” của mỗi mỗi chúng sinh vốn từ vô thỉ vô chung thường hằng ngự trị nơi mỗi sắc thân mà chúng sinh đang nhận lãnh. Thế mà chúng sinh lại dùng “vọng tưởng hư minh” để phủ mờ chân tánh, làm cho chân tánh trở thành xa lạ. Nhất là sau khi Như Lai diệt độ ở nơi đời ác năm trược làm thế nào chúng sinh thể nhập được “Tri kiến Như Lai”. Do vậy mà đức Phổ Hiền Bồ Tát đã bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Con ở nơi nước của Đức Bảo Oai Đức Thượng Vương Phật, xa nghe cõi Ta bà này nói kinh Pháp Hoa nên cùng với vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức chúng Bồ Tát đồng đến để nghe. Cúi mong Đức Thế Tôn vì chúng con mà nói đó. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân sau khi Như Lai diệt độ làm thế nào mà có thể đặng kinh Pháp Hoa này?”.

Nghĩa là sau khi Đức Thế Tôn diệt độ việc ngộ nhập “Tri kiến Như Lai” hay thể nhập “Pháp Hoa tam muội” thật là khó vô cùng.

Nhưng nếu chúng sinh nào thành tựu bốn pháp sau đây thì sẽ thể nhập được “Pháp Hoa tam muội”.

1. Phải được các Phật hộ niệm.

Nghĩa là tánh giác phải luôn luôn được giữ gìn.

2. Trồng các cội công đức.

Nghĩa là thể nhận được “tự tánh nhiệm mầu” không sinh, không diệt, năng sinh muôn pháp, nhóm chứa hằng sa phước đức và nhận ra được tự tánh các pháp là không (Chư pháp tùng bổn lai, Thường tự tịch diệt tướng). Ý nghĩa này cũng trùng hợp như trong kinh Pháp Bảo Đàn đức Lục Tổ đã dạy: “Kiến tánh là công - bình đẳng là đức”.

3. Vào trong chánh định.

Nghĩa là ở nơi thể như như bất động mà tùy duyên ứng tiếp khách trần.

4. Phát lòng cứu tất cả chúng sinh.

Nghĩa là phải tự giác, giác tha.

Điều đó đã nói rằng: Nếu chúng sinh nào trực nhận bản tâm, dùng trí tuệ Bát Nhã ở nơi thể an định mà ứng cơ tiếp vật, thì chúng sinh đó đã thể nhập “Pháp Hoa tam muội”.

Do vậy mà Đức Thế Tôn đã dạy:

“Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ đặng kinh Pháp Hoa này: Một là được các Phật hộ niệm. Hai là trồng các cội công đức. Ba là vào trong chánh định. Bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sinh”.

Đến đây Ngài Phổ Hiền Bồ Tát bạch cùng Đức Thế Tôn: “Trong đời ác năm trược, nếu chúng sinh nào thọ trì kinh điển này, con sẽ giữ gìn trừ các sự khổ hoạn làm cho đặng an ổn, khiến không ai đặng tiện lợi rình tìm chỗ dỡ mà làm hại đặng”.

Điều đó có nghĩa là nếu mỗi chúng sinh đang sống trong “vọng thức điên đảo” mà biết quay về “tánh giác”. Thể nhập “pháp giới tính nhiệm mầu”. Hiện hành đức tướng vi diệu để giác hữu tình, hay còn gọi là “thọ trì kinh điển này”.Thì đại hạnh bao trùm cả pháp giới ấy chính là “Phổ Hiền Bồ Tát” hộ trì. Như thế mới không còn chỗ để cho những ác tưởng u uẩn dấy khởi tổn hại đến thân tâm được.

Cho nên chúng sinh đó đi, đứng đều ứng hợp với chân như tánh, có trí tuệ tuyệt vời như “tượng vương trắng”. Có đầy đủ sáu pháp Ba la mật như “sáu ngà quý báu của tượng vương”.

Thể nhập lý tánh được như thế mới có công năng xoay chuyển vạn pháp vào nơi “vô tướng bình đẳng chân như pháp tính”. Nghĩa là xoay chuyển các pháp trở về “nhất pháp”. Từ nơi “nhất pháp” mà nảy sinh vô lượng pháp. Đó chính là pháp thân bất động, ứng hiện tùy duyên. Đó là tâm mật triền Đà la ni, bởi vì “triền” có nghĩalà xoay chuyển, “Đà la ni” là tổng trì.

“Xoay chuyểnđể thâu nhiếp vạn pháp, thâu nhiếp vạn pháp để xoay chuyển”.

Cho nên gọi là “người đó hoặc đi hoặc đứng đọc tụng kinh này, bấy giờ con cỡi tượng vương trắng sáu ngà cùng chúng Đại Bồ Tát đều đến chỗ người đó mà tự hiện thân ra để cúng dường thủ hộ an ủi tâm người đó... Do thấy thân con nên liền đặng tam muội và Đà la ni tên là “triền Đà la ni” trăm nghìn muôn ức “triền Đà la ni”, pháp âm phương tiện Đà la ni”.

Do vì hiện hành những đức tướng vi diệu vô trụ vô chấp mà “Nhất thừa pháp” được hiển lộ. Như thấy thân “Phổ Hiền Bồ Tát” mà đặng tam muội và “triền Đà la ni”. Chính sự tổng trì thâm mật ấy mới rời bỏ được “khát ái” rời bỏ ngũ dục. Nên người “đặng chú Đà la ni này không có phi nhân nào phá hoại”. Nghĩa là không còn niệm khởi u uẩn vọng động, cũng không còn “người nữ nào làm mê loạn”. Nghĩa là không còn bị dục vọng cuốn trôi.

Sự thâm mật này được Ngài Phổ Hiền tuyên thuyết bằng một loại ngôn ngữ hàm chứa vô lượng nghĩa không thể nghĩ bàn nên cũng không cần lý giải. Muốn thâm nhập vào loại ngôn ngữ vô lượng nghĩa này thì chúng sinh cần phải đạt thành “vô phân biệt trí” ở nơi thể “hiện nhất thiết sắc thân tam muội” mà giác hữu tình thì sẽ tương ưng thâm nhập. Tâm mật ấy là:

“A đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ, tu đà la bà để, Phật đà ba chuyên nể, tác bà đà la ni a bà đa ni, tác bà bà sa a bà đa ni, tu a bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết đà đà ni, a tăng kỳ, tăng già bà dà địa, đế lệ a đọa tăng già đâu lược, a la đế ba la đế, tát bà tăng già địa, tam ma địa, dà lan địa, tát bà đạt ma tu ba lợi sát đế, tát bà tát đỏa lâu đà kiêu xá lược, a nâu dà địa, tân a tỳ kiết lợi diệt đế”.

Cho nên chúng sinh nào trì kinh Pháp Hoa này là hiện hành hạnh Phổ Hiền. “Đại hạnh” này có đầy đủ trí tuệ, từ bi và nhẫn nhục. Nghĩa là chúng sinh ấy đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai và được Như Lai lấy tay xoa đầu.

Ngay trong đời ác năm trược mà hiện hành được những đức tướng vi diệu để giác hữu tình thì phải biết đó là sức oai thần của Bồ Tát Phổ Hiền.

“Nếu chỉ biên chép người này mạng chung sẽ sinh lên trời Đao Lợi. Bấy giờ bốn muôn tám nghìn thiên nữ trổi các kỷ nhạc mà đến rước đó. Người đó liền đội mão bảy báu ở trong hàng thể nữ, vui chơi khoái lạc. Huống là thọ trì, đọc tụng ghi nhớ chân chính hiểu nghĩa thú kinh, đúng như lời mà tu hành”.

Với ý nghĩa, nêu chỉ trực nhận được rằng:

- Mỗi chúng sinh đều có “tri kiến Như Lai”.

- Mỗi chúng sinh đều có “tự tánh nhiệm mầu”.

Dụ như người “biên chép kinh Diệu Pháp Liên Hoa” thì cũng đủ phước báu vô lượng không thể nghĩ bàn. Vì sao ? Vì niềm tin dõng mãnh ấy làm cho hạt giống vô lậu nảy mầm. Không thể dùng sự sung sướng ở cảnh giới nơi cung trời Đao Lợi mà ví được.

Lại nữa, “nếu có người thọ trì, đọc tụng, hiểu nghĩa thú kinh này, người đó khi mạng chung được nghìn Đức Phật trao tay... lên cung trời Đâu Suất, có trăm nghìn muôn ức thiên nữ quyến thuộc sinh vào nơi đó”.

Bởi vì thọ trì, đọc tụng, hiểu nghĩa thú kinh này là dụ cho sự “minh tâm kiến tánh”, liễu triệt tử sinh. Ánh giác đã bừng lên, đặng môn “Diệt ý tam muội” không còn rơi vào ba đường dữ mà hiện hành các pháp thuần thiện.

Phước báu khôn lường mà kinh đã dụ là: “Lên cung trời Đâu Suất... có trăm nghìn muôn ức thiên nữ quyến thuộc sinh vào trong đó”.

Sự “minh tâm kiến tánh” có lợi ích như thế cho nên “người trí phải một lòng tự chép hoặc bảo người chép, thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chính, đúng như lời mà tu hành”.

Muốn giữ gìn, hỗ trợ cho chúng sinh trở về với “chân tánh” hay muốn “giữ gìn kinh này” thì phải thực hành “đại hạnh”. Đại hạnh ấy do sức trí tuệ Bát Nhã từ nơi “bản giác diệu minh” hiển bày. Do vậy mà kinh đã gọi là được “Đức Thế Tôn thủ hộ cho”.

Chúng sinh nào thọ trì kinh này sẽ thể nhập được “Tri kiến Như Lai” nên gọi là “thấy Phật nghe pháp”.

Chúng sinh nào thọ trì kinh này sẽ trừ được tam độc tham, sân, si, đó mới là Phật tử. Nên được “Đức Thích Ca Mâu Ni lấy tay xoa đầu, lấy y trùm cho”.

Người như thế chẳng còn tham ưa ngũ dục, chẳng ưa kinh sách của ngoại đạo, rời bỏ được “vọng tưởng hư minh”. Không còn bị những ý tưởng “ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn” dấy khởi. Chúng sinh đó sẽ đạt thành hạnh nguyện Phổ Hiền. Và chúng sinh đó chính là “Phổ Hiền Bồ Tát” là “giáo pháp vi diệu” từ nơi “tự tánh nhiệm mầu” hiển hiện viên dung.

Phải biết rằng trong thời kỳ mạt pháp, nếu chúng sinh nào thọ trì kinh này thì “chẳng bao lâu sẽ đến đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

“Chúng sinh đó sẽ đến đạo tràng phá dẹp binh ma, chuyển pháp luân vô thượng.... rưới mua pháp, ngồi tòa sư tử trong đại chúng trời người”.

Chúng sinh nào trong thời kỳ mạt pháp mà thọ trì kinh này “người đó chẳng còn ham ưa y phục giường nằm, những vật nuôi sống”.

Vì chúng sinh đó đã nhận rõ tướng chân thật của vạn pháp. Dùng trí tuệ Bát Nhã phá dẹp tứ ma: phiền não ma, ngũ ấm ma, tử ma, thiên ma, mà thể nhập “pháp giới tính nhiệm mầu”.

Nếu chúng sinh nào khinh chê người thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa là tự khinh chê mình. Tự chôn vùi Phật tánh của mình, và sống không xứng hợp với chân lý. Niệm niệm sinh diệt như “cuồng lưu” mê muội điên đảo. Như thế “đời đời sẽ không có mắt” hay đời sống trong đen tối.

Tạo tác những điều nhơ nhớp xấu xa thân tâm dao động chẳng khi nào an định, như “kẻ bị hủi lở ngứa ngáy khó chịu”.

Nếu khinh cười tức là kẻ tăng thượng mạn được ít cho là đủ, giống như “kẻ răng nướu thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp”.

Nếu theo tà kiến không nhận rõ chân lý, không tin kinh này thời giống như “kẻ chân tay cong quen, mắt lé thân thể hôi dơ”.

Các tướng trạng ấy để dẫn dụ chỉ cho những chúng sinh đã tự chôn vùi hạt giống Phật nơi mình.   

Vì thế Đức Thế Tôn đã dạy:

“Này Phổ Hiền! Nếu thấy người thọ trì kinh này, phải đứng dậy ra rước, phải kính như Phật”. 

 

--- o0o ---

Mục Lục | Quyển I | Quyển II | Quyển III

Quyển IV | Quyển V | Quyển VI | Quyển VII

--- o0o ---

Source: http://daosuduytue.com/
Vi tính: Diệu Mỹ

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Dấu chân chợ Tết thã¹y 心经 ve dep huy hoang va trang le cua co do sukhothai 七佛灭罪真言全文念诵 vo thuong tu musangsa trung tam thien phat giao tam hoan hy hinh anh nguoi phat tu thuan thanh trong thoi ëng 六因四缘五果的来源和作用 地藏十轮经 hoc cach yeu thuong de co nhan duyen tot dep chìa hòa thượng yto zosimichi Nghiên cứu về Ni giới một đề 散杖 Một chuyến trở về rÃÆ お仏壇通販 VÃƒÆ 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 僧人食飯的東西 æ²çå ä ƒäº ä å å น ยาม ๕ ç Š Dịch giả cuốn sách nổi tiếng Đức 春播千亩道稻 对仗 下联 tịnh 今之儒者 自以为正心诚意之学者 Thêm lý do để đưa bông cải xanh vào Ăn Tết Ăn văn hóa nt 丢失菩提心的因缘 総持寺 盆踊り bún 高級 霊園 爐香讚全文 å å ç ªä å ç ¾ 心中有佛 mở 因地不真 果招迂曲 墓 購入 激安仏壇店 ba phuong thuc giao duc tuoi tre phat giao bon phap xay dung doi song tai gia hanh phuc cáo big bang va ly thuyet vu tru cua dao phat 機十心 中孚卦 bay phap de xay dung mot hoi chung hung thanh æµæŸçåŒçŽ 栃木県寺院数