KINH ÐỊA TẠNG
HT. Thích Trí Quang dịch giải
---o0o---
Phẩm
8:
Chúa
Tôi Diêm La Xưng Tụng
Lúc
ấy có vô số chúa quỉ, vốn ở trong dãy núi thiết vi và đã
tháp tùng Diêm la thiên tử mà lên Đao lợi, cùng đến chỗ
đức Thế tôn, đại loại như chúa quỉ Ác độc, chúa quỉ
Ác nhiều, chúa quỉ Cọp dữ, chúa quỉ Cọp trắng, Chúa
quỉ Cọp huyết, chúa quỉ Cọp đỏ, chúa quỉ Gieo tai họa,
chúa quỉ Phi thân, chúa quỉ Ánh điện, chúa quỉ Nanh sói, chúa
quỉ Ngàn mắt, chúa quỉ Ăn thú vật, chúa quỉ Vác đá, chúa
quỉ Chủ hao tổn, chúa quỉ Chủ tai họa, chúa quỉ Chủ
thực phẩm, chúa quỉ Chủ tài sản, chúa quỉ Chủ gia súc,
chúa quỉ Chủ loài chim, chúa quỉ Chủ loài thú, chúa quỉ
Chủ quỉ mị, chúa quỉ Chủ sản dục, chúa quỉ Chủ sinh
mạng, chúa quỉ Chủ bịnh tật, chúa quỉ Chủ hiểm nguy, chúa
quỉ Ba mắt, chúa quỉ Bốn mắt, chúa quỉ Năm mắt, chúa
quỉ Kỳ lợi thất, chúa quỉ Đại kỳ lợi thất, chúa quỉ
Kỳ lợi xoa, chúa quỉ Đại kỳ lợi xoa, chúa quỉ A na tra,
chúa quỉ Đại a na tra ... Những chúa quỉ này ai cũng có cả
trăm cả ngàn chúa quỉ nhỏ, cùng ở tại châu Diêm phù, có
nhiệm vụ và có quyền hành riêng. Những chúa quỉ này cùng
Diêm la thiên tử, nhờ thần lực của đức Thế tôn và của
Địa tạng đại sĩ, mà cùng nhau đến được tại tại Đao
lợi thiên cung, đứng vào một phía. Bấy giờ Diêm la thiên
tử quì xuống, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, hôm
nay con với các chúa quỉ nhờ thần lực của đức Thế tôn
và của Địa tạng đại sĩ mới đến được nơi pháp hội
Đao lợi lớn lao như thế này. Việc ấy cũng đã là lợi ích
tốt đẹp mà chúng con được hưởng. Bây giờ con có một
nỗi hoài nghi nhỏ, dám xin thỉnh vấn đức Thế tôn. Xin đức
Thế tôn từ bi chỉ dạy cho con. Đức Thế tôn bảo Diêm la
thiên tử, tùy ý ông hỏi, Như lai sẽ nói cho.
Diêm
la thiên tử lúc ấy chiêm ngưỡng và đảnh lễ đức Thế tôn,
rồi xoay qua chiêm ngưỡng Địa tạng đại sĩ. Sau đó xoay
lại mà thưa, bạch đức Thế tôn, con thấy Địa tạng đại
sĩ ở trong sáu đường, vận dụng hàng trăm hàng ngàn phương
tiện cứu vớt những kẻ tội khổ, không từ mệt nhọc. Đại
sĩ có thần lực bất khả tư nghị như vậy, nhưng mọi người
thì thoát khỏi đường dữ không lâu lại sa vào chốn ấy.
Bạch đức Thế tôn, Địa tạng đại sĩ đã có thần lực
bất khả tư nghị như vậy, tại sao mọi người không sống
trong đường lành, siêu thoát mãi mãi? Con thỉnh cầu đức
Thế tôn giải thích cho con.
Đức
Thế tôn dạy, Diêm la thiên tử, người Diêm phù tính khí
ương ngạnh, khó hướng dẫn, khó chế ngự. Địa tạng đại
sĩ trong hàng trăm hàng ngàn kiếp, cứu vớt từng người
một, ước mong làm cho họ sớm được giải thoát. Đến
nỗi những người tội chướng như vậy bị sa vào nẻo đường
rất dữ đi nữa, đại sĩ cũng vận dụng năng lực phương
tiện mà cứu vớt họ thoát khỏi nghiệp quả căn bản, làm
cho họ biết rõ cái khổ của đời sống vừa qua. Tự vì người
Diêm phù đã kết quá nặng cái thói nghiệp dữ, nên đường
dữ mới ra lại vào, làm mệt đại sĩ bao kiếp hóa độ.
Như
kẻ quên mất nhà mình, lầm vào đường hiểm. Đường ấy
lắm dạ xoa và cọp sói sư tử, hổ mang bò cạp ... Trong đường
hiểm như vậy, kẻ lầm đường chỉ lát nữa là sẽ bị
hại. May có người bạn tốt biết nhiều thuật giỏi, không
những trừ được các thứ độc tố mà còn trị được dạ
xoa và mãnh thú, bắt gặp kẻ lầm đường đang muốn đi sâu
vào đường hiểm ấy, vội hỏi, quái lạ, cần gì mà anh vào
đây? Anh có phép lạ nào để chế ngự những sự độc
hại? Kẻ lầm đường nghe vậy mới biết là đường hiểm,
tức khắc lùi bước, cầu thoát nơi ấy. Người bạn tốt
nắm tay mà dắt, dẫn ra khỏi đường hiểm, thoát khỏi độc
hại. Khi đến đường tốt, yên ổn vui mừng rồi, bảo, kẻ
lầm lạc, từ nay về sau đừng bước vào con đường ấy
nữa. Đường ấy mà vào thì đã khó ra mà còn mất mạng.
Kẻ lầm đường cũng biết cảm kích ơn nặng. Lúc chia tay,
người bạn tốt lại bảo, anh thấy ai, bất kể quen lạ, nam
nữ, hãy bảo cho họ biết đường ấy lắm độc và nhiều
dữ, vào đó là mất mạng. Đừng để họ tự rước lấy cái
chết.
Địa
tạng đại sĩ đầy lòng từ bi vĩ đại, cứu vớt những
kẻ tội khổ ra khỏi đường dữ, làm cho họ sinh trong nhân
loại hay trên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu.
Những kẻ tội khổ ấy, biết cái khổ đường dữ, nên thoát
được rồi thì không bao giờ còn dám trở lại. Như kẻ
lầm đường, lầm vào đường hiểm, được bạn tốt dẫn
ra rồi thì không bao giờ còn bước lại vào đó. Gặp ai bước
vào cũng biết khuyên can, bằng cách tự nói chính vì mình đã
lầm vào đó mà biết là đường hiểm, nay ra được rồi thì
không dám vào lại nữa. Ngược lại, kẻ nào vẫn cứ bước
vào, ấy là vì còn quá ngu và lầm, quên đi đó là đường
hiểm mà trước đây mình đã lạc vào, nên có thể tự gây
ra sự mất mạng cho mình. Khác nào những kẻ sa vào đường
dữ, được Địa tạng đại sĩ dùng năng lực phương tiện
cứu cho thoát khỏi, sinh lên nhân loại hay chư thiên, nhưng
liền sau đó lại tái tục sa vào. Rồi nếu nghiệp dữ kết
lại quá nặng thì ở mãi trong địa ngục, không biết bao
giờ thoát khỏi.
Lúc
ấy chúa quỉ Ác độc chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức
Thế tôn, chúa quỉ như chúng con số lượng nhiều lắm. Tại
châu Diêm phù, có kẻ giúp ích cho người, có kẻ gây họa
cho người, việc làm khác nhau. Nhưng vì nghiệp và nghiệp báo
của người Diêm phù mà làm cho thuộc hạ của chúng con đi
đến đâu cũng gây họa nhiều hơn giúp ích. Tuy nhiên, nếu
họ qua nhà cửa của ai, hoặc đô thị làng xóm hay trang
trại phòng ốc nào mà có kẻ, hoặc nam hoặc nữ, biết làm
nghiệp lành dầu bằng tơ tóc, hơn nữa biết treo một tràng
phan hoặc một bảo cái, sắm một ít hương hay một ít hoa mà
hiến cúng hình tượng Phật đà hay hình tượng Bồ tát,
hoặc đốt hương mà hiến cúng và trì tụng bản kinh tôn quí
này, thì dầu chỉ được một câu đủ nghĩa hay một bài
chỉnh cú, những chúa quỉ như chúng con vẫn kính lạy những
người ấy như kính lạy chư Phật trong mọi thì gian quá
khứ hiện tại và vị lai. Chúng con lại hạ lịnh cho những
quỉ nhỏ nhưng có sức lớn, cho kẻ có trách nhiệm về khu
vức ấy, tự nhiên họ ra sức hộ vệ, làm cho việc dữ và
việc ngang trái, bịnh dữ và bịnh ngang trái, cho đến mọi
sự không vừa ý, đều không đến gần được khu vức có nhà
cửa cho đến phòng ốc của những người ấy cư trú, huống
chi để cho xâm nhập cửa ngõ. Đức Thế tôn khen chúa quỉ
Ác độc, lành thay việc các người với Diêm la thiên tử
hộ vệ được như vậy đối với những người thiện nam
hay thiện nữ. Như lai cũng khuyến khích Phạn vương Đế thích
hộ vệ cho các người.
Khi
đức Thế tôn nói lời ấy thì trong pháp hội có một chúa
quỉ khác, chúa quỉ Chủ sinh mạng, thưa với ngài, bạch đức
Thế tôn, nghiệp của con là chủ trì sinh mạng của người
Diêm phù. Lúc sinh cũng như lúc chết, con chủ trì cả. Bản
nguyện của con rất muốn ích lợi cho họ. Nhưng tự họ không
biết ý con, nên sinh và chết đều không yên. Tại sao như
vậy, vì người Diêm phù mới sinh, không kể nam nữ, lúc
sắp sinh thì chỉ nên làm lành để ích lợi thêm cho nhà
cửa, tự nhiên quỉ thần khu vức họ ở hoan hỷ vô lượng,
hộ vệ cả mẹ lẫn con được sự yên vui lớn lắm, ích
lợi đến cả thân thuộc; lúc sinh rồi thì phải hết sức
thận trọng, tránh sự sát sinh để kiếm vị tươi ngon cung
cấp sản phụ hoặc để tụ tập thân thuộc uống ăn rượu
thịt, ca hát đàn thổi. Nếu làm như vậy thì làm cho cả
mẹ lẫn con không được yên vui. Vì lẽ lúc sinh nở thì vô
số quỉ dữ yêu tinh muốn ăn uống máu huyết hôi tanh, chỉ
vì con đã ra lịnh trước cho các vị thần linh khu vức, nên
họ che chở hộ vệ cho cả mẹ lẫn con được yên vui ích
lợi. Sản phụ và thân nhân thấy yên vui ích lợi thì lẽ đáng
phải biết làm phước để gián tiếp đáp tạ thần linh khu
vức, đằng này ngược lại, sát sinh và tụ tập bà con mà
yến tiệc. Làm như vậy là phạm vào tội ác, và đương nhiên
tự chịu tai họa là mẹ con cùng bị thương tổn.
Lại
nữa, người Diêm phù khi sắp chết, bất cứ họ đã làm lành
hay làm dữ, con muốn làm cho ai nấy đều khỏi sa vào đường
dữ, huống chi tự họ biết làm lành, gián tiếp tăng thêm năng
lực cho con. Tại châu Diêm phù này, những người biết làm lành
mà khi sắp chết vẫn có cả trăm cả ngàn quỉ thần ác
biến ra giống như cha mẹ bà con của họ, dẫn dụ cho họ sa
vào đường dữ, huống chi những kẻ vốn chỉ biết làm ác.
Bạch
đức Thế tôn, như vậy, bất cứ nam nữ, người Diêm phù lúc
sắp chết, hầu hết nghiệp thức hôn mê, lành không biết
dữ không hay, thị giác thính giác hết cả khả năng thấy
nghe. Lúc ấy thân nhân của họ nên cố gắng làm việc hiến
cúng lớn, trì tụng bản kinh tôn quí, trì niệm danh hiệu
của Phật đà hay của Bồ tát. Nhân tố thánh thiện như
thế này có năng lực làm cho người chết thoát khỏi đường
dữ, quỉ thần thuộc ảnh hưởng ma vương cũng lùi bước và
tản mất. Bạch đức Thế tôn, hết thảy mọi người khi
sắp chết, nếu được nghe một danh hiệu Phật đà, một
danh hiệu Bồ tát, hoặc một câu đủ nghĩa hay một bài
chỉnh cú của kinh điển đại thừa, thì con thấy những người
ấy, ngoại trừ năm thứ nghiệp dữ vô gián và nghiệp dữ sát
hại, còn những nghiệp dữ tương đối nhỏ hơn nhưng vẫn có
thể làm cho họ đáng lẽ sa vào đường dữ, thì tức khắc
thoát khỏi được cả.
Đức
Thế tôn dạy chúa quỉ Chủ sinh mạng, chính vì ông có đức
Từ lớn lắm mới phát ra thệ nguyện trọng đại, nguyện
ở trong sinh tử mà hộ vệ chúng sinh. Trong thì gian vị lai,
con người bất cứ nam nữ, lúc họ sinh hay lúc họ chết, ông
đừng bỏ thệ nguyện của mình, hãy hộ vệ cho họ trong
tất cả những lúc ấy thoát khỏi tai họa, mãi mãi yên vui.
Chúa quỉ Chủ sinh mạng bạch đức Thế tôn, xin đức Thế tôn
đừng lo nghĩ. Con nguyện suốt đời con, ý nghĩ này liên
tiếp ý nghĩ khác, hộ vệ người Diêm phù, làm cho họ lúc
sinh cũng như lúc chết đều được yên vui. Con chỉ cầu
nguyện mọi người, lúc sinh hay lúc chết, hãy tin theo lời
con, thì không ai mà không thoát khỏi tai họa và được ích
lợi lớn lao.
Đức
Thế tôn nói với Địa tạng đại sĩ, chúa quỉ Chủ sinh
mạng này đã hàng trăm hàng ngàn đời làm chúa quỉ lớn,
ở trong sinh tử mà hộ vệ chúng sinh. Vì thệ nguyện từ bi
mà vị đại bồ tát này biến hình làm chúa quỉ lớn, thật
không phải quỉ đâu. Sau này, qua một trăm bảy chục kiếp
nữa, vị đại bồ tát này sẽ thành Phật đà với danh
hiệu Vô tướng như lai, thời kỳ tên An lạc, quốc độ tên
Tịnh trú. Vô tướng như lai sống lâu với thì gian dài không
thể tính kể. Địa tạng đại sĩ, việc của chúa quỉ lớn
này đến như thế ấy, không thể nghĩ bàn, nhân loại và chư
thiên mà vị ấy cứu độ cũng không thể nào tìm thấy
giới hạn và số lượng.
[
Phẩm 7]
[Mục
Lục]
[Ghi
Chú]
[
Phẩm 9]
--- o0o ---
| Thư
Mục
Tác
Giả
|
--- o0o ---
Source
: www.buddhismtoday.com
-o0o-
Trình
bày: Nhị
Tường
Cập
nhật:
01-02-2002