dịch
- 3
- CHƯƠNG BA
- BA PHÁP
III. PHẨM NGƯỜI
21-30. CHỨNG THỰC VỚI THÂN
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi,
tại Jetanava, vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Savittha, Tôn giả
Mahàkotthita đi đến Tôn giả Sàriputta ; sau khi đến nói lên với Tôn giả
những lời chào đón hỏi thăm … Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả
Savittha đang ngồi xuống một bên :
- Có ba hạng người này, này Hiền
giả Savittha, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Thân chứng, kiến
chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện
ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền
giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn ?
- Có ba hạng người này, này Hiền
giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Thân chứng,
kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện
ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người tín giải,
hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ
sao ? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, tín căn được tăng
thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với
Tôn giả Mahàkotthita :
- Có ba hạng người này, này Hiền
giả Kotthita, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Thân chứng, kiến
chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện
ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền
giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn ?
- Có ba hạng người này, này Hiền
giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Thân chứng,
kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện
ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người thân chứng,
hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ
sao ? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, định căn được
tăng thượng.
Rồi Tôn giả Mahàkotthita thưa với
Tôn giả Sàriputta :
- Có ba hạng người này, này Hiền
giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Thân chứng,
kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất
hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào
Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn ?
- Có ba hạng người này, này Hiền
giả Kotthita, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Thân chứng, kiến
chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện
ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người kiến chí,
hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ
sao ? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, tuệ căn được
tăng thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với
Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita như sau :
- Thưa các Hiền giả, tất cả
chúng ta đã trả lời, tuỳ theo biện tài của mình. Thưa các Hiền giả,
chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến chúng ta sẽ hỏi Thế Tôn về
ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta hãy như vậy
thọ trì.
- Vâng, thưa Hiền giả.
Tôn giả Savittha và Tôn giả
Mahàkotthita vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Rồi Tôn giả Sàriputta, Tôn giả
Savittha và Tôn giả Mahàkotthita đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảng lễ
Thế Tôn rồi ngồi xuống, một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả
Sàriputta thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện xảy ra với Tôn giả
Savittha và Tôn giả Mahàkotthita.
- Ở đây, này Sàriputta, thật
không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù
diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là
hạng người tín giải này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, là
hạng người thân chứng này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, hạng
người kiến chí này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không
dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu
hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng
người thân chứng này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, là hạng
người tín giải này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, hạng người kiến
chí này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không
dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu
hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng
người kiến chí này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, còn hạng
người tín giải này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, và hạng người
thân chứng này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không
dễ gì để trả lời một chiều rằng hạng người này là hy hữu hơn và
thù diệu hơn trong ba hạng người kia ?
NGƯỜI BỆNH
- Có mặt ba hạng người bệnh này,
này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, một hạng
người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, dầu có được các
thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được
sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, không
được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, dầu có được các
thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được
sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, được
bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người bệnh, có được ăn các món thích hợp, không phải không được, có
các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc
thích đáng, không phải không được, được bình phục từ chứng bệnh
ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người
bệnh này, có được các món ăn thích hợp, không phải không được, có
các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc
thích đáng, không phải không được, được bình phục khỏi chứng bệnh
ấy. Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các món
ăn thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, các thuốc men
thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận., sự chăm sóc thích
đáng với người bệnh đã được chấp thuận. Chính do duyên với hạng
người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các người bệnh khác cần phải được
chăm sóc như vậy.
Ba hạng người bệnh này, này các
Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng
người này, có mặt, xuất hiện ở đời, có thể so sánh với ba hạng người
bệnh này. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người được thấy Như Lai hay không được thấy Như Lai, được nghe Pháp
và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai
trình bày, không có đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các
Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người
không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày,
hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết
định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp
và Luật do Như Lai trình bày, không phải không được nghe Pháp và Luật do
Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các
Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp
và Luật do Như Lai thuyết giảng, không phải không được nghe, đi vào
tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp. Chính do
duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, thuyết pháp được chấp nhận, và
chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, pháp được thuyết giảng
cho các người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời được ví dụ với ba hạng người bệnh.
CHẤT CHỨA
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người chất chứa các thân hành có não hại, chất chứa các khẩu hành
có não hại, chất chứa các ý hành có não hại. Sau khi chất chứa thân
hành có não hại, chất chứa khẩu hành có não hại, chất chứa ý hành
có não hại, người ấy sanh trong thế giới có não hại. Vì phải sanh
trong thế giới có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại.
Người ấy, vì cảm giác các cảm xúc có não hại, nên cảm giác các cảm
thọ có não hại, nhất hướng đau khổ, như các chúng sanh ở trong địa
ngục.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não
hại. Sau khi chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành
không có não hại, người ấy được sanh trong thế giới không có não hại.
Được sanh trong thế giới không có não hại, người ấy cảm giác các cảm
xúc không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc không có não hại, người
ấy cảm giác các cảm thọ không có não hại, nhất hướng lạc, như chư
Thiên ở Biến Tịnh Thiên.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … chất chứa ý
hành có não hại và không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não
hại và không có não hại …, sau khi chất chứa ý hành có não hại và
không có não hại, được sanh vào thế giới có não hại và không có não
hại. Được sanh vào thế giới có não hại và không có não hại, người
ấy cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại. Do cảm giác
các cảm xúc có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm
thọ có não hại và không có não hại, xen lẫn lạc và khổ, ví như loài
Người, một loại chư Thiên và một loại sanh trong đọa xứ.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
NHIỀU LỢI ÍCH
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
làm nhiều lợi ích cho người khác. Thế nào là ba ?
Do người nào, này các Tỷ-kheo, có
người được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, người ấy là hạng người
làm lợi ích nhiều cho người kia. Đây là hạng người làm nhiều lợi
ích cho người khác.
Lại nửa, này các Tỷ-kheo, do người
nào, người khác rõ biết : "Đây là khổ", … rõ biết : "Đây
là con đường đưa đến khổ diệt", người ấy là hạng người làm
nhiều lợi ích cho người kia. Đây là hạng người làm nhiều lợi ích cho
người khác.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do người
nào, người khác đoạn trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng
trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát. Đây
là hạng người làm nhiều lợi ích cho người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
Đây làm lợi ích nhiều cho người khác. Ta nói rằng không có một người
nào khác làm lợi ích nhiều hơn cho người bằng ba hạng người này. Ta
nói rằng người này không thể khéo léo trả ơn cho ba hạng người kia,
như đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, hành động thân thiện, bố thí các
vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh …
VẾT THƯƠNG LÀM MỦ
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Hạng người với tâm ví dụ
như vết thương, với tâm ví dụ như chớp sáng, với tâm ví dụ như kim
cang.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người với tâm ví dụ như vết thương ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
phẫn nỗ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít, cũng tức tối phẫn
nộ, sân hận, sừng sộ, biểu lộ sự phẫn nộ, sân hận và bực tức.
Ví như môt vết thương đang làm mủ, nếu bị cây gậy hay một mảnh sành
đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây gọi
là hạng người được ví dụ với vết thương đang làm mủ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người được ví dụ như chớp sáng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người như thật rõ biết : "Đây là khổ",.. như thật rõ biết
"Đây là con đường đưa đến khổ diệt". Ví như một người có
mắt, thấy các sắc trong đêm tối mù mịt, khi có chớp sáng. Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, ở đây có người thật rõ biết : "Đây là khổ",
… như thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt".
Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người với tâm được ví như
chớp sáng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người với tâm được ví dụ như kim cang ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có
hạng người, nhờ đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự
mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải
thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người,
với tâm được ví dụ như kim cang.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
CẦN PHẢI CẨN THẬN
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Có hạng người này, này
các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ
cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, nên thân cận gần gũi, nên
sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo,
sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ
cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường
? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thấp kém về giới, định, tuệ.
Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống
chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng thương tưởng, vì
lòng từ mẫn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường ? Ở đây,
này các Tỷ-kheo, có hạng người đồng đẳng với mình về giới định,
tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, nên gần gũi, nên sống
chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao ? Với ý nghĩ : "(Cả hai)
thiện xảo về giới, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, được
diễn tiến (lợi ích) cho cả hai chúng ta, và sẽ làm cho hai chúng ta được
an lạc. (Cả hai) là thiện xảo về định… (Cả hai) là thiện xảo về
định … (Cả hai) là thiện xảo về tuệ, câu chuyện của chúng ta sẽ
thuộc về tuệ, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai, và chúng sẽ làm
cho hai chúng ta an lạc". Cho nên, người như vậy nên gần gũi, nên sống
chung, nên hầu hạ cúng dường ? Thế nào là hạng người, này các Tỷ-kheo,
sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ
cúng dường.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người thù thắng về giới, định và tuệ. Hạng người ấy, này các Tỷ-kheo,
sau khi cung kính tôn trọng, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần
phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao ? Với y nghĩ : "Như vậy, nếu
giới chưa đầy đủ, ta sẽ làm đầy đủ, hay nếu giới được đầy đủ,
ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu định
chưa đầy đủ, ta sẽ làm đầy đủ, hay nếu định được đầy đủ, ta
sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu tuệ chưa đầy
đủ, ta sẽ làm đầy đủ, hay nếu tuệ được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ
thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Cho nên, với hạng người này, sau
khi cung kính tôn trọng, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải
hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt
Rồi cũng bị hạ liệt
Thân cận người đồng đẳng
Được khỏi bị thối đọa
Ai gần bậc thù thắng
Mau chóng được thăng tiến
Do vậy hãy sống chung
Bậc ưu thắng hơn mình
ĐÁNG GHÊ TỞM
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Có hạng người đáng ghê tởm,
không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu
hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn một
cách thản nhiên, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung,
không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần
phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống
chung, không cần phải hầu hạ cúng dường ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, co
hạng người ác giới, tính tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những
hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng hiện tướng là Sa-môn, không
sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy
những tham dục, tánh tình bất tịnh. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo,
đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung,
không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao ? Vì rằng, dầu không thuận
theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được
đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một con rắn đi vào trong đống phân, dầu nó
không cắn ai, người cũng bị (đống phân) làm cho ô uế. Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như
vậy … là tôn sùng kẻ ác. Cho nên, hạng người như vậy đáng ghê tởm,
không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên
sống chung, không nên hầu hạ cúng dường ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có
hạng người phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một
vết thương làm mủ, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời chảy
mủ ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, sân
hận và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que lửa bằng gỗ
tindukà, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời xịt lửa xịt
khói ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, … Ví như, này các Tỷ-kheo,
một hố phân được cây gậy hay mảnh sành quật vào, thời mùi hôi thốt
lại càng nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ,
sân hận và bực tức. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, không nên gần
gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao ? Vì
nghĩ rằng : "Người ấy có thể nhục mạ ta. Người ấy có thể chửi
mắng ta. Người ấy có thể làm hại ta." Cho nên, hạng người như vậy
cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống
chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là hạng người cần gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng
dường.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người giữ giới, tánh tình hiền thiện. Người như vậy, này các Tỷ-kheo,
cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Vì cớ sao ? Vì rằng, dầu không thuận theo chúng nào tri kiến của người
như vậy, nhưng tiếng tốt được đồn xa về người ấy là có bạn
lành, là có bằng hữu, là tôn sùng kẻ lành. Cho nên, hạng người như vậy,
cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt
Rồi cũng bị hạ liệt
Thân cận người đồng đẳng
Được khỏi bị thối đọa
Ai gần bậc thù thắng
Mau chóng được thăng tiến
Do vậy hãy sống chung
Bậc ưu thắng hơn mình
NÓI NHƯ HOA
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Hạng người nói như phân,
hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người nói như phân ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi đi vào
hội trường, hay đi vào hội chúng, hay đi đến giữa các người bà con,
hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến giữa
cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói : "Ngươi biết
gì, hãy nói lên". Người ấy không biết, nói rằng : "Tôi có biết"
; có biết, nói rằng : "Tôi không biết" ; không thấy, nói rằng :
"Tôi có thấy" ; có thấy, nói rằng : "Tôi không thấy". Do
vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói
láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như phân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người nói như hoa ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi đi vào
hội trường, hay đi vào hội chúng, hay đi đến giữa các người bà con,
hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến giữa
cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói : "Ngươi biết
gì, hãy nói lên". Người ấy không biết, nói rằng : "Tôi không biết"
; có biết, nói rằng : "Tôi có biết" ; không thấy, nói rằng :
"Tôi không thấy" ; có thấy, nói rằng : "Tôi có thấy".
Không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý
nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như
hoa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người nói như mật ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận ác
ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai
ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích,
được nhiều người thích ý, người ấy nói những lời như vậy. Này
các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
MÙ LÒA
- Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Người mù, người một mắt,
người có hai mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
mù ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có mắt để có thể với
mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm
cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch ; không có mắt để có thể
với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội
và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người có một mắt ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có
thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch
hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch ; nhưng không có mắt
để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện,
có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và
trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người một mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người có hai mắt ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có
thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch
hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch ; có mắt để có
thể mới mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội
và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
Kẻ mù mắt bị hư’
Cả hai đều bất hạnh
Vừa công đức không làm
Vừa không được tài sản
Thứ đến là hạng người
Được gọi là một mắt
Liên hệ pháp phi pháp
Tầm cầu các tài sản
Với trộm và man trá
Cùng với cả nói láo
Vừa khéo góp tài sản
Vừa giỏi hưởng dục lạc
Từ đây đến địa ngục
Người một mắt bị hại.
Còn vị có hai mắt
Được gọi người tối thượng
Thâu hoạch các tài sản
Một cách đúng chánh pháp
Các tài sản đã có,
Tăng trưởng đúng chánh pháp
Bố thí, ý tốt đẹp
Không phân vân ngập ngừng
Được sanh chỗ hiền thiện
Đi chỗ ấy không sầu
Vậy hãy tránh thật xa
Người mù, người một mắt
Thân cận bậc hai mắt
Bậc tối thắng trượng phu !
LỘN NGƯỢC
- Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Hạng người với trí tuệ
lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ
rộng lớn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
với trí tuệ lộn ngược ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi
đến khu vườn (tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo. các vị
Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có
nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Người
ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý
đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến
đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối
với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu,
không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như
này các Tỷ-kheo, mộ cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn
chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng
người đi đến khu vườn … không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi
người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên … không có tác ý đoạn cuối. Này
các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
với trí tuệ bắp vế ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến
khu vườn (tinh xá). Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết
giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu, có tác ý đến đoạn giữa, có
tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng dậy,
đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn
đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối.
Ví như này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn
được chồng lên như hạt mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ
chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả. Cũng vậy,
này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn … Người
ấy, tại chỗ ngồi ấy … có tác ý đoạn cuối. Nhưng khi người ấy tại
chỗ ngồi ấy đứng dậy … không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là hạng người với trí tuệ bắp vế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người có trí tuệ rộng lớn ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi đến
khu vườn (tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.
Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến
đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ
ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn
đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái
ghè được dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có
chảy đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ở đây, có hạng người đi đến
khu vườn (tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.
Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến
đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ
ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn
đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng
người có trí tuệ rộng lớn.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
Hạng trí tuệ lộn ngược
Không thông minh, không mắt
Họ thường thường đi đến
Đến gần các Tỷ-kheo
Đoạn đầu của bài giảng
Đoạn giữa và đoạn cuối
Họ không học được gì,
Họ không có trí tuệ
Hạng trí tuệ bắp vế
Được gọi là tốt hơn
Họ thường thường đi đến
Đến gần các Tỷ-kheo
Đoạn đầu của bài giảng
Đoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Đứng dậy không hiểu rõ
Quên mất điều đã nắm
Bậc trí tuệ rộng lớn
Được gọi tốt hơn cả
Họ thường thường đi đến
Đến gần các Tỷ-kheo
Đoạn đầu của bài giảng
Đoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Thọ trì điều được nghe
Suy tư điều tối thắng
Với ý không dao động
Là hạng người như vậy
Thực hành pháp, tùy pháp
Có thể đoạn khổ đau.
--- o0o ---
|
Mục lục Kinh Tăng Chi bộ ||
Phẩm
kế
|
--- o0o ---
| Thư
Mục Tác Giả |
Tổ
chức đánh máy: Hứa Dân Cường
Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện
tử bộ Kinh này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/01/2002)
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục