Khi ấy, Xá Lợi Phất suy nghĩ: “ Sắp đến giờ ăn, các Ðại Bồ tát này nói pháp chưa xong. Thanh văn chúng ta và các Bồ tát sẽ thọ thực ở đâu?” Biết ý nghĩ của Xá Lợi Phất, Vô Cấu Xứng nói:
- Thưa đại đức! Ðức Như Lai dạy tám pháp giải thoát cho các vị Thanh văn, ngài đã hiểu rồi đừng vì tài thực mà làm nhiễm ô tâm của mình, hãy lắng nghe chánh pháp. Nếu Ngài muốn ăn thì hãy đợi một chút sẽ có món ăn chưa từng có.
Nói xong, Vô Cấu Xứng liền nhập vào Vi diệu tịch định, dùng thần thông thù thắng thị hiện làm cho các Bồ tát, đại Thanh văn thấy cách cõi Phật này về phương trên qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có thế giới tên Nhất Thiết Diệu Hương, Phật hiệu Tối Thượng Hương Ðài, hiện đang trụ trì an ổn. Trong cõi ấy có mùi thơm vi diệu đệ nhất, các mùi thơm của cõi trời, người, cõi Phật khắp mười phương cũng không sánh bằng. Cây cối trong cõi ấy đều tỏa ra mùi thơm ngọt ngào xông ướp tất cả mọi nơi. Cõi ấy không có tên của Nhị thừa chỉ có mỗi chúng Ðại Bồ tát thanh tịnh và được nghe đức Như Lai ở đó thuyết pháp. Trong cõi này, tất cả lầu đài, cung điện, nơi kinh hành, vườn cây, y phục đều bằng những hương thơm vi diệu. Mùi thơm mà đức Thế Tôn và chúng Bồ tát cõi ấy ăn là vi diệu đệ nhất, xông ướp vô lượng cõi Phật.
Khi đức Như Lai và các Bồ tát ấy cùng ngồi thọ thực, có vị trời tên là Hương Ngiêm đã phát tâm sâu sắc về đại thừa dâng cúng đức Như Lai và các Bồ tát cõi ấy.
Bấy giờ, tất cả đại chúng ở đây đều thấy đức Như Lai cùng các Bồ tát ngồi thọ thực với những sự việc như vậy.
Vô Cấu Xứng hỏi tất cả các vị Bồ tát:
- Thưa các ngài! Ai có thể đến đó lấy cơm thơm vi diệu?
Do sức oai thần của Diệu Cát Tường, các Bồ tát đều im lặng.
Vô Cấu Xứng hỏi Diệu Cát Tường:
- Vì sao ngài không gia hộ cho đại chúng này, để đến nỗi như vậy?
Diệu Cát Tường nói:
- Cư sĩ! Ông không nên khinh chê hủy báng các Bồ tát. Như Phật đã dạy: Chớ khinh chê người chưa học.
Khi ấy, ngay trên giường Vô Cấu Xứng hóa hiện một vị Bồ tát ở trước mặt đại chúng với thân vàng rực, tướng tốt trang nghiêm, ánh sáng oai đức che lấp cả đại chúng và nói rằng:
- Thiện nam tử! Ông nên đến phương trên cách cõi Phật này qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có cõi Phật tên Nhất Thiết Diệu Hương. Phật hiệu Tối Thượng Hương Ðài, đang cùng thọ thực với các Bồ tát. Ông hãy đến đó, đảnh lễ chân Phật và nói như vầy: “ Phương dưới có Vô Cấu Xứng cúi đầu lạy chân ngài gởi lời kính thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, sức khỏe điều hòa và an lạc không? Nơi xa tâm hướng đến đi nhiễu bên phải hơn trăm ngàn vòng, đảnh lễ dưới chân Thế Tôn và thưa xin được cơm dư thừa của ngài để về cõi kham nhẫn phương dưới làm Phật sự, khiến cho các hữu tình dục lạc, thấp kém sẽ ham thích đại huệ và cũng làm cho tiếng lành vô lượng công đức của Như Lai bay tỏa khắp nơi.
Tức thì, trước đại chúng Hóa Bồ tát bay lên hư không làm cho toàn thể đại chúng đều thấy. Với thần thông nhanh chóng chỉ trong chốc lát đã đến cõi Nhất Thiết Diệu Hương đảnh lễ dưới chân Phật Tối Thượng Hương Ðài, và nói lại rằng: “ Phương dưới có Bồ tát tên Vô Cấu Xứng cúi đầu đảnh lễ chân ngài và kính thăm hỏi Thế Tôn có ít bệnh, ít não, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực điều hòa và an lạc không, nơi xa tâm hướng đến đi nhiễu hơn trăm ngàn vòng, đảnh lễ dưới chân Ngài thưa xin được cơm thừa của Thế Tôn để về cõi Kham nhẫn phương dưới làm Phật sự, làm cho các hữu tình dục lạc thấp kém ham thích đại huệ và cũng làm cho tiếng lành vô lượng công đức của Như Lai được lan tỏa khắp nơi”.
Thấy hóa Bồ tát này với tướng tốt trang nghiêm, ánh sáng oai đức vi diệu thù thắng, các Bồ tát phương trên khen chưa từng có: “ Ðại sĩ này từ đâu đến, cõi Kham nhẫn ở đâu. Vì sao gọi là dục lạc, thấp kém”. Họ liền hỏi Như Lai Tối Thượng Hương Ðài:
- Cúi xin đức Thế Tôn hãy nói cho chúng con biết về sự việc này.
Ðức Phật dạy:
- Này các thiện nam tử! Cách cõi Phật này về phương dưới qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có cõi Phật tên Kham nhẫn, Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác hiện đang trụ trì an ổn trong đời năm trược, giảng dạy chánh pháp cho các hữu tình ưa thích pháp thấp kém. Cõi ấy có Bồ tát tên Vô Cấu Xứng đã an trụ vào pháp môn giải thoát bất khả tư nghì. Vì muốn khai thị diệu pháp cho các Bồ tát nên sai hóa Bồ tát đến đây, xưng dương công đức danh hiệu của Ta và khen ngợi các đức trang nghiêm ở cõi này để các Bồ tát cõi ấy tăng trưởng căn lành.
Các Bồ tát cõi này đều nói:
- Ðức của vị ấy như thế nào mà hóa đại thần thông, sức vô úy như vậy?
Ðức Phật Tối Thượng Hương Ðài nói:
- Này các thiện nam! Ðại Bồ tát ấy thành tựu pháp đại công đức thù thắng. Trong một sát na hóa hiện vô lượng vô biên Bồ tát. Ông ta sai các Bồ tát này đi khắp tất cả cõi nước trong mười phương thi hành Phật sự để làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Thế rồi, đức Như Lai Tối Thượng Hương Ðài liền lấy bát tỏa mùi hương thơm đựng thức ăn được ướp những mùi thơm, trao cho Bồ tát mà Vô Cấu Xứng hóa ra. Ngay khi ấy ở cõi Phật này có chín trăm vạn Ðại Bồ tát đồng lên tiếng xin đức Phật ở đây:
- Chúng con muốn cùng với hóa Bồ tát này đến cõi Kham nhẫn phương dưới chiêm ngưỡng đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai và đảnh lễ cung kính nghe chánh pháp. Và muốn chiêm ngưỡng kính lễ Vô Cấu Xứng cùng các Bồ tát ở đó. Cúi xin đức Thế Tôn gia hộ cho phép.
Ðức Phật cõi ấy dạy:
- Này các thiện nam! Nay đã đúng lúc, các ông hãy đi đi. Các ông phải tự thâu nhiếp mùi thơm trên thân thể của mình rồi vào cõi Kham nhẫn, đừng để hữu tình cõi ấy say đắm buông lung. Các ông phải giấu sắc tướng của mình rồi vào cõi Kham nhẫn, đừng để các Bồ tát cõi ấy sanh xấu hổ. Ðối với cõi Kham nhẫn ấy, các ông đừng có tư tưởng thấp kém mà làm chướng ngại cho mình. Vì sao? Này các thiện nam! Vì tất cả quốc độ đều như hư không. Chư Phật Thế Tôn vì muốn làm thành thục cho các hữu tình, theo sở thích của chúng mà thị hiện các cõi Phật, hoặc nhiễm, hoặc tịnh, tướng không nhất định, nhưng sự thật các cõi Phật đều thanh tịnh, không khác nhau.
Bấy giờ, hóa Bồ tát nhận bát cơm đầy cùng chín trăm vạn Bồ tát tăng nương oai thần đức Phật cõi này và sức của Vô Cấu Xứng bỗng nhiên biến mất, trong chốc lát lặng lẽ hiện trong nhà Vô Cấu Xứng ở cõi Kham nhẫn. Lúc này, Vô Cấu Xứng hóa hiện ra chín trăm vạn tòa Sư tử, trang nghiêm đẹp đẽ giống y hệt như các tòa Sư tử ở trước. Các Bồ tát đều đến ngồi. Hóa Bồ tát đem bát cơm đầy đưa Vô Cấu Xứng. Bát cơm được ướp mùi thơm vi diệu, mùi thơm này bay tỏa khắp đại thành Quảng Nghiêm và ba ngàn đại thiên thế giới. Tất cả thế giới đều tỏa ngát mùi thơm. Các Bà la môn, trưởng giả, cư sĩ, nhơn, phi nhơn... trong đại thành Quảng Nghiêm ngửi mùi thơm này khen chưa từng có, ngạc nhiên vô cùng, thân tâm phấn chấn. Vua dòng Ly Chiêm Tỳ trong đại thành này tên Nguyệt Cái cùng tám vạn bốn ngàn họ Ly Chiêm Tỳ trang sức đẹp đẽ rồi vào nhà Vô Cấu Xứng. Thấy trong nhà này số Bồ tát rất đông, có các tòa Sư tử cao rộng đẹp đẽ, ai nấy đều rất vui mừng chưa từng có, lễ lạy các Bồ tát và đại Thanh văn rồi đứng lùi một bên.
Khi ấy, Ðịa thần và hư không thần, chư thiên cõi Dục và cõi Sắc ngửi hương thơm ấy rồi cùng với quyến thuộc cả vô số trăm ngàn vạn người đều vào nhà Vô Cấu Xứng.
Vô Cấu Xứng nói với tôn giả Xá Lợi Phất cùng hàng đại Thanh văn:
- Tôn giải hãy ăn món thức ăn cam lồ mà đức Như Lai đã cho, nó được xông ướp bằng lòng đại bi. Vậy đừng đem tâm hành hạn hẹp phần nhỏ mà ăn thức ăn này. Nếu ăn như vậy thì nhất định không thể tiêu hóa.
Trong chúng có vị Thanh văn thấp kém nghĩ: “ Thức ăn này rất ít làm sao làm no đủ cho cả đại chúng đông như thế này”.
Hóa Bồ tát nói:
- Các ngài đừng đem phước huệ ít ỏi của mình mà so lường với vô lượng phước huệ của Như Lai. Vì sao? Vì nước bốn biển cả có thể bị cạn nhưng thức ăn thơm ngon ấy không bao giờ hết. Giả sử tất cả hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế giới cứ mỗi người mỗi vắt cơm. Vắt cơm ấy sánh bằng núi Tu di, vắt cơm lớn như vậy thì ăn trải qua một kiếp hoặc hơn trăm kiếp vẫn không hết. Vì sao? Vì thức ăn ấy do vô tận giới định, huệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến sanh ra. Thức ăn hương thơm dư thừa này của Như Lai, dù vô lượng hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế giới ăn qua trăm ngàn kiếp cũng không bao giờ hết.
Thế rồi cả đại chúng đều ăn thức ăn này và tất cả đều no đủ nhưng thức ăn vẫn còn dư. Sau khi ăn cơm này xong, các Thanh văn, Bồ tát, trời, người ... tất cả trong chúng hội đều cảm thấy thân an lạc, ví như Bồ tát ở thế giới Nhất Thiết An Trụ Trang Nghiêm. Sau khi được hưởng tất cả an lạc, những lỗ chân lông trên thân của các vị ấy đều tỏa ra mùi thơm giống như cây thơm ở thế giới Nhất Thiết Diệu Hương luôn tỏa ra vô lượng mùi thơm vi diệu.
Lúc ấy, Vô Cấu Xứng hỏi các Bồ tát cõi Nhất Thiết Diệu Hương:
- Các ngài biết không? Ðức Như Lai của quí ngài nói pháp cho các Bồ tát như thế nào?
Các Bồ tát ấy đều trả lời:
- Ðức Như Lai của cõi chúng tôi không dùng lời chữ để nói pháp mà chỉ dùng hương thơm làm cho các Bồ tát đều được điều phục cả. Các Bồ tát ở cõi chúng tôi đều ngồi dưới cây hương thơm. Những cây hương thơm ấy đều tỏa ra những mùi thơm ngào ngạt. Nghe mùi thơm này, các Bồ tát ấy đạt được Nhất Thiết Ðức Trang Nghiêm Ðịnh. Sau khi đạt được định này thì đầy đủ tất cả công đức của Bồ tát.
Khi ấy các Bồ tát Bồ tát đến từ phương trên hỏi Bồ tát Vô Cấu Xứng:
- Như Lai Thích Ca Mâu Ni ở cõi này giảng pháp cho các hữu tình như thế nào?
Vô Cấu Xứng nói:
- Hữu tình cõi này rất cứng cõi khó giáo hóa, nên đức Như Lai lại ở đây phải dùng lại những lời nói cứng cõi để điều phục giáo hóa họ. Dùng những lời nói cứng cõi để điều phục giáo hóa như thế nào? Nghĩa là giảng nói đây là cõi địa ngục, đây là cõi bàng sanh, đây là cõi ngạ quỉ, đây là chỗ tai nạn, đây là chỗ người căn bị thiếu ,đây là ác hạnh của thân là quả báo ác hạnh của thân; đây là ác hạnh của lời nói là quả báo thuộc ác hạnh của lời nói, đây là ác hạnh thuộc về ý là quả báo thuộc ác hạnh của ý; đây là sát sanh là quả báo sát sanh; đây là trộm cắp là quả báo trộm cắp; đây là tà dâm là quả báo tà dâm; đây là lời nói hư dối là quả báo của lời nói hư dối; đây là lời nói ly gián là quả báo của lời nói ly gián; đây là lời nói thô ác là quả báo của lời nói thô ác; đây là lời nói thêu dệt là quả báo của lời nói thêu dệt; đây là tham dục là quả báo tham dục; đây là sân giận là quả báo sân giận; đây là tà kiến là quả báo của tà kiến; đây là xan lận là quả báo xan lận; đây là phá giới là quả báo phá giới; đây là sân hận là quả báo sân hận; đây là biếng nhác là quả báo biếng nhác; đây là loạn tâm là quả báo loạn tâm; đây là ngu si là quả báo ngu si; đây là được học đây là vượt qua sự học; đây là giữ giới đây là phạm giới; đây là nên làm đây là không nên làm; đây là du dà đây chẳng phải du dà, đây là đoạn hẳn đây chẳng đoạn hẳn; đây là chướng ngại đây chẳng phải chướng ngại, đây là phạm tội đây là xuất tội; đây là tạp nhiễm đây là thanh tịnh; đây là chánh đạo đây là tà đạo; đây là thiện đây là ác; đây là thế gian đây là xuất thế gian; đây là có tội đây là không có tội; đây là hữu lậu đây là vô lậu; đây là hữu vi đây là vô vi; đây là công đức đây là lỗi lầm; đây là có khổ đây là không khổ; đây là có vui đây là không vui; đây có thể nhàm chán đây có thể ham thích; đây có thể vứt bỏ đây có thể tu tập; đây là sanh tử đây là Niết bàn; Pháp có vô lượng môn như vậy, hữu tình cõi này tâm cứng cõi nên Như Lai ở đây nói những pháp môn như vậy làm an trụ tâm họ để họ điều phục. Ví như voi ngựa hung hăng không thể điều phục được thì phải dùng biện pháp đánh đập đau đớn thấu xương tủy, sau chúng mới điều phục. Cũng vậy, hữu tình ở cõi đây cứng cõi khó giáo hóa, đức Như Lai dùng phương tiện bằng những lời nói cay đắng đau đớn như vậy để ân cần dụ dẫn rồi sau điều phục họ nhập vào chánh pháp.
Sau khi nghe nói vậy, các Bồ tát đến từ phương trên vui mừng chưa từng có và cùng nói:
- Thật kỳ diệu thay! Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni luôn làm việc khó làm, ẩn dấu vô lượng công đức tôn quí nên thị hiện những phương tiện điều phục như vậy. Vì làm thành thục những hữu tình bần cùng thấp kém nên dùng những phương pháp điều phục để làm lợi ích. Các Bồ tát ở cõi này cũng chịu khổ, đủ những lao nhọc, làm thành tựu lòng đại bi tinh tấn thù thắng hy hữu, kiên cố không thể nghĩ bàn, trợ giúp xiển dương chánh pháp vô thượng của Như Lai, làm lợi lạc cho hữu tình khó giáo hóa.
Vô Cấu Xứng nói:
- Ðúng vậy, đúng như lời cư sĩ đã nói. Thích Ca Như Lai hay làm việc khó làm, ẩn dấu vô lượng công đức tôn quí, không sợ lao nhọc, dùng phương tiện để điều phục những hữu tình cứng cõi khó độ như vậy. Các Bồ tát sanh cõi Phật này cũng kham chịu những lao nhọc, thành tựu lòng đại bi tinh tấn tối thắng kiên cố không thể nghĩ bàn, trợ giúp xiển dương chánh pháp vô thượng của Như Lai, làm lợi lạc vô lượng hữu tình.
Cư sĩ nên biết! Bồ tát cõi Kham nhẫn này hành Bồ tát hạnh, làm lợi ích hữu tình được công đức trong một đời nhiều hơn công đức của Bồ tát ở thế giới Nhất Thiết Diệu Hương hành Bồ tát hạnh làm lợi ích các hữu tình trong trăm ngàn đại kiếp. Vì sao? Vì cõi Kham nhẫn có mười điều tu tập pháp lành mà các thế giới Phật thanh tịnh khác trong mười phương không có. Thế nào là mười?
1- Lấy bố thí mà hộ trì người nghèo khổ.
2- Ðem tịnh giới mà hộ trì người phá giới cấm.
3- Lấy Nhẫn nhục mà hộ trì các sân giận.
4- Lấy tinh tấn mà hộ trì người biếng nhác.
5- Lấy tịnh lự mà hộ trì người loạn tâm.
6- Lấy thắng huệ mà hộ trì người ngu si.
7- Nói pháp trừ bát nạn để hộ trì tất cả hữu tình bị tám nạn.
8- Giảng nói chánh pháp đại thừa mà hộ trì tất cả ai thích pháp nhỏ.
9- Ðem những căn lành thù thắng mà hộ trì những người chưa có những căn lành.
10- Lấy bốn nhiếp pháp vô thượng luôn làm thành thục tất cả hữu tình.
Ðó là mười điều để tu tập pháp lành, chỉ có cõi Kham nhẫn này có đầy đủ, còn những cõi Phật thanh tịnh khác trong mười phương thì không có.
Khi ấy các Bồ tát ở cõi Phật Diệu Hương nói:
- Các Bồ tát ở cõi Kham nhẫn này thành tựu bao nhiêu pháp để không bị thương tổn mà sau khi ở cõi này qua đời lại sanh vào cõi tịnh khác?
Vô Cấu Xứng nói:
- Các Bồ tát ở cõi Kham nhẫn này thành tựu tám pháp nên không bị thương tổn, sau khi ở đây qua đời được sanh vào cõi thanh tịnh khác. Thế nào là tám?
1- Bồ tát suy nghĩ như vầy: Ðối với hữu tình, ta nên làm những việc thiện mà không nên trông mong quả báo thiện.
2- Bồ tát suy nghĩ như vầy: Ta nên thay thế chịu những khổ não cho tất cả hữu tình. Ta được những căn lành nào đều đem cho họ.
3- Bồ tát suy nghĩ như vầy: Với tất cả hữu tình, ta nên có tâm bình đẳng, tâm không sợ sệt.
4- Bồ tát suy nghĩ như vầy: Ta nên bẻ gãy lòng kiêu mạn của các hữu tình để có sự kính ái như Phật.
5- Bồ tát có lòng tín giải tăng thượng với những kinh điển sâu xa chưa từng nghe, vừa được nghe thì không nghi ngờ không hủy báng.
6- Bồ tát không ganh tỵ khi thấy người khác có lợi dưỡng. Còn mình có lợi dưỡng thì không kiêu mạn.
7- Bồ tát điều phục tâm mình, luôn xét lỗi của mình, không gièm chê lỗi người.
8- Bồ tát không biếng nhác, thích tìm cầu các pháp lành, tinh tấn tu hành pháp phần Bồ đề.
Các Bồ tát ở cõi Kham nhẫn này nếu thành tựu đầy đủ tám pháp trên thì không bị tổn thương sau khi ở đây qua đời sanh vào cõi thanh tịnh khác.
Khi Vô Cấu Xứng ở trong đại chúng giảng nói pháp vi diệu cho các Bồ tát: Diệu Cát Tường ... có trăm ngàn chúng sanh phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Mười ngàn Bồ tát chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Bấy giờ, đức Phật vẫn còn đang giảng pháp cho đại chúng ở rừng Yêm La Vệ, ngay chỗ chúng hội bỗng nhiên rực rỡ rộng lớn sạch đẹp. Tất cả đại chúng đều hiện màu vàng rực:
A Nan Ðà liền thưa:
- Bạch Thế Tôn! Ðây là tướng báo trước điều gì mà làm cho trong chỗ chúng hội bỗng nhiên rực rỡ rộng lớn sạch đẹp như vậy và đại chúng đều hiện màu vàng rực.
Ðức Phật dạy Cụ thọ A Nan Ðà:
- Ðó là Diệu Cát Tường và Vô Cấu Xứng cùng đại chúng cung kính vây quanh muốn đến chúng hội này nên hiện tướng trước như thế.
Khi ấy, Vô Cấu Xứng nói với Diệu Cát Tường:
- Chúng ta nên cùng các đại sĩ đến đảnh lễ cúng dường chiêm ngưỡng đức Thế Tôn và nghe diệu pháp.
Diệu Cát Tường nói:
- Ðã đến lúc chúng ta cùng đi thôi.
Thế thì Vô Cấu Xứng hiện sức thần thông khiến các đại chúng vẫn ngồi trên tòa Sư tử rồi đặt trong lòng bàn tay phải của mình để đi đến chỗ Phật. Sau khi đặt xuống đất rồi, tất cả cung kính đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, đi nhiễu bên phải bảy vòng rồi lui đứng một bên, chắp tay hướng về Phật.
Các Ðại Bồ tát rời khỏi tòa Sư tử cung kính đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, đi nhiễu bên phải ba vòng rồi đứng lui qua một bên chắp tay cung kính hướng về Phật.
Các đại Thanh văn, Thích, Phạm, Tứ Thiên vương hộ đời... cũng rời khỏi tòa cung kính đảnh lễ dưới chân Thế Tôn rồi lùi qua một bên dứng chắp tay cung kính hướng về Phật.
Bấy giờ, đức Thế Tôn như pháp ân cần hỏi thăm các đại Bồ tát cùng tất cả đại chúng:
- Các đại sĩ! Các ông hãy về lại tòa của mình.
Nhờ sắc lệnh của đức Phật, các Bồ tát đều trở về chỗ của mình và ngồi rất cung kính.
Ðức Thế Tôn dạy Xá Lợi Phất:
- Ông có thấy việc làm thần lực tự tại của Bồ tát đại sĩ tối thắng ấy không?
Xá Lợi Phất thưa:
- Thưa vâng, con đã thấy.
Thế Tôn lại hỏi:
- Ông có ý tưởng gì?
Xá Lợi Phất thưa:
- Có ý tưởng khó nghĩ. Con thấy đại sĩ bất khả tư nghì tác dụng công đức thần lực của vị ấy thì con không thể tính lường, không thể suy nghĩ, không thể đo lường, không thể ngợi khen hết được.
Lúc ấy, A Nan Ðà thưa:
- Bạch Thế Tôn! Mùi hương thơm con ngửi được từ xưa đến nay chưa từng có. Như mùi hương thơm ấy là mùi thơm gì vậy?
Phật dạy:
- Này Xá Lợi Phất! Mùi thơm đó từ lỗ chân lông của các Bồ tát tỏa ra.
Xá Lợi Tử nói với A Nan Ðà:
- Lỗ chân lông của chúng tôi cũng tỏa ra mùi thơm ấy.
A Nan Ðà hỏi:
- Vì sao thân của quí thầy có mùi thơm?
Xá Lợi Tử nói:
- Ðó là Vô Cấu Xứng dùng thần lực tự tại sai hóa Bồ tát đến cõi Phật Tối Thượng Hương Ðài Như Lai ở phương trên xin thức ăn dư thừa của Phật ấy, về cúng dường đại chúng trong nhà này. Trong đó, ai được ăn thức ăn ấy thì tất cả lỗ chân lông đều tỏa ra mùi thơm.
A Nan Ðà hỏi Vô Cấu Xứng:
- Hương thơm ấy tồn tại bao lâu?
Vô Cấu Xứng nói:
- Thức ăn chưa tiêu hết thì hương thơm ấy vẫn còn.
A Nan Ðà hỏi:
- Như vậy thức ăn ấy bao lâu mới tiêu?
Vô Cấu Xứng nói:
- Thức ăn này phân tán trong thân bảy ngày bảy đêm sau đó mới tiêu dần dần. Mặc dầu nó tiêu lâu nhưng không bị bệnh hoạn.
Cụ Thọ nên biết! Hàng Thanh văn thừa chưa nhập vị Chánh tánh ly sanh, nếu ăn thức ăn này thì đến khi nhập vị Chánh tánh ly sanh rồi, sau mới tiêu. Nếu người chưa ly dục mà ăn thức ăn này khi đắc ly dục, sau đó mới tiêu. Người chưa giải thoát, nếu ăn thức ăn này, tâm giải thoát rồi sau đó mới tiêu. Những vị có chủng tánh Ðại thừa Bồ tát chưa phát tâm Vô thượng Bồ đề, nếu ăn thức ăn này thì sau khi phát tâm Vô thượng Bồ đề sau đó mới tiêu. Ai đã phát tâm Bồ đề, nếu ăn thức ăn này được chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn, sau đó mới tiêu. Ai đã chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn rồi, nếu ăn thức ăn này mà an trụ địa vị Bất thối chuyển, sau đó mới tiêu. Ai đã an trụ vào địa vị Bất thối chuyển rồi, nếu ăn thức ăn này mà an trụ địa vị Nhất sanh hệ (còn một đời nữa) thì sau đó mới tiêu.
Cụ Thọ nên biết! Ví như ở thế gian có thuốc Dược Vương tên là Tối thượng vị, nếu chúng sanh bị độc toàn thân thì lấy cho họ uống thậm chí các chất độc ấy chưa tiêu hết thì đại dược vương đó chưa tiêu, khi nào chất độc hết hẳn thì sau đó thuốc mới tiêu. Ai ăn thức ăn này cũng vậy, nếu tất cả chất độc phiền não chưa diệt trừ thì thức ăn vẫn không tiêu. Sau khi diệt trừ phiền não rồi, sau đó mới tiêu.
A Nan Ðà nói:
- Ðại sĩ được thức ăn thơm bất khả tư nghì như vậy, có thể vì chúng sanh mà làm các Phật sự.
Ðức Phật dạy:
- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như lời ông vừa nói. Vô Cấu Xứng này được thức ăn thơm bất khả tư nghì, có thể vì chúng sanh mà làm các Phật sự.
Ðức Phật dạy A Nan Ðà:
- Như Vô Cấu Xứng được thức ăn thơm, vì chúng sanh mà làm các Phật sự, đối với mười phương cõi hoặc có cõi Phật dùng ánh sáng để làm Phật sự; có cõi Phật dùng cây Bồ đề để làm Phật sự; có cõi Phật dùng Bồ tát làm Phật sự; có cõi Phật thấy tướng tốt đẹp của sắc thân Như Lai mà làm các Phật sự; có cõi Phật dùng những hóa nhơn để làm Phật sự; có cõi Phật dùng những y phục để làm Phật sự; có cõi Phật dùng các ngọa cụ để làm Phật sự; có cõi Phật dùng những thức ăn uống để làm Phật sự; có cõi Phật dùng vườn cây để làm Phật sự; có cõi Phật dùng lầu đài để làm Phật sự; có cõi Phật dùng hư không để làm Phật sự. Vì sao? Vì các hữu tình nhơn nơi phương tiện này được điều phục. Hoặc có cõi Phật vì các hữu tình mà dùng những văn tự để giảng nói ví dụ như huyễn, như mộng, trăng trong nước, tiếng vang vọng lại, sóng nước, bóng trong gương, mây nổi, thành Kiền đạt phược, lưới Ðế thích... mà làm Phật sự; có cõi Phật dùng âm thanh ngôn ngữ, văn tự giảng nói tánh tướng của các pháp để làm Phật sự; hoặc có cõi Phật thanh tịnh tịch nhiên không nói không năng, không chê không khen, không có chỗ tìm cầu, không hý luận, không hiển thị. Hữu tình được hóa hiện nhân đây mà tịch tịnh, tự nhiên chứng nhập vào tánh tướng của các pháp mà làm Phật sự.
Như vậy ông nên biết! Cõi Phật mười phương thế giới nhiều vô biên, Phật sự đã làm cũng vô lượng vô biên. Nói tóm lại, tất cả oai nghi tấn chỉ thọ dụng thi hành đều là hóa hiện để điều phục hữu tình. Cho nên tất cả là Phật sự.
Lại nữa tất cả bốn ma, tám vạn bốn ngàn phiền não ở thế gian làm não hại hữu tình. Chư Như Lai dùng pháp này vì các chúng sanh mà làm Phật sự. Ðược pháp môn ấy gọi là ngộ nhập vào tất cả Phật Pháp.
Nếu các Bồ tát nhập vào pháp môn này, mặc dầu thấy tất cả cõi Phật thành tựu vô lượng rộng lớn công đức nghiêm tịnh nhưng không vui thích; mặc dầu thấy tất cả cõi Phật không có công đức, dơ bẩn cũng không buồn giận. Ðối với chư Phật có lòng tin thượng phẩm thì cung kính khen ngợi chưa từng có. Tất cả công đức của chư Phật thì bình đẳng viên mãn vì đạt được tánh của tất cả pháp hoàn toàn chân thật bình đẳng. Vì muốn làm thành thục những hữu tình khác nhau mà thị hiện những cõi Phật khác nhau.
Các ông nên biết! Như các cõi Phật mặc dầu đất đai tốt xấu khác nhau nhưng trên hư không hoàn toàn như nhau. Như vậy nên biết rằng chư Phật Thế Tôn vì muốn làm thành thục các hữu tình mà thị hiện những sắc thân khác nhau nhưng không bị chướng ngại, và phước đức trí huệ rốt ráo viên mãn hoàn toàn giống nhau.
Ông nên biết! Tất cả Như Lai đều bình đẳng, đó là oai quang sắc thân tối thượng, tròn đầy vô cực, các tướng tốt vẻ đẹp, chủng tộc tôn quí, thanh tịnh, giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, các lực, vô úy, bất cộng pháp, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, lợi ích an lạc, oai nghi, việc làm, chánh hạnh, thọ mạng, giảng pháp, độ thoát, làm thành thục hữu tình làm thanh tịnh cõi Phật, tất cả đều bình đẳng, tròn đầy tối thượng, rốt ráo vô cùng tận. Cho nên các ngài đều đồng gọi là Chánh Ðẳng Giác, gọi là Như Lai, gọi là Phật Ðà.
Ông nên biết! Giả sử Ta muốn Phân biệt giảng rộng về nghĩa ba câu ấy dù trải qua một kiếp ông nghe không gián đoạn cho đến hết tuổi thọ của ông cũng không thể hiểu hết được. Giả sử hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế gian đều đều như A Nan đắc niệm tổng trì, đa văn đệ nhất trải qua một kiếp nghe không gián đoạn đến hết tuổi thọ cũng không hiểu hết được. Nghĩa của ba câu Chánh Ðẳng Giác, Như Lai và Phật Ðà này không thể nào giảng nói cặn kẽ rốt ráo được chỉ trừ đức Như Lai mà thôi. Như vậy nên biết! Bồ đề của chư Phật với công đức vô lượng, biện tài không ngưng trệ, không thể nghĩ bàn.
Sau khi đức Phật dạy như vậy, A Nan Ðà thưa:
- Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau con không dám tự xưng mình đắc niệm tổng trì, đa văn đệ nhất nữa.
Ðức Phật dạy:
- Ông không nên có ý nghĩ thối lui như vậy. Vì sao? Vì từ xưa đến nay Ta chỉ nói ông là người đắc tổng trì, đa văn, đệ nhất trong chúng Thanh văn chứ ta không nói ở trong Bồ tát. Ông đừng nói nữa. Nếu người có trí thì không nên so lường việc làm của Bồ tát. Ông nên biết rằng: Ðáy biển cả sâu thẳm còn có thể lường được còn biển cả trí huệ niệm định tổng trì, biện tài của Bồ tát không ai có thể lường được.
Thanh văn các ông hãy gát những việc làm thuộc cảnh giới của Bồ tát qua một bên, không nên suy nghĩ nữa. Trong khoảng chừng một bữa ăn, Vô Cấu Xứng đã thị hiện biến hóa thần thông như vậy còn tất cả Thanh văn và các Ðộc giác trải qua trăm ngàn đại kiếp dù thị hiện biến hóa thần thông cũng không làm được.
Bấy giờ, các Bồ tát đến từ phương trên đều lễ lạy Thích Ca Mâu Ni, chắp tay cung kính thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con mới đến thấy những sự dơ bẩn ở cõi Phật này liền có ý tưởng thấp kém. Bây giờ, chúng con thấy xấu hổ hối hận và đã trừ bỏ tâm ấy rồi. Vì sao? Vì cảnh giới của chư Phật có phương tiện thiện xảo bất khả tư nghì, vì muốn làm thành thục các hữu tình nên theo sở thích khác nhau của chúng mà thị hiện các cõi Phật như vậy như vậy.
Kính bạch Thế Tôn! Xin ngài ban bố cho chúng con chút pháp để khi trở về thế giới Nhất Thiết Diệu Hương, nhờ pháp ấy chúng con luôn nhớ đức Như Lai.
Sau khi Bồ tát ấy nói vậy, Thế Tôn dạy:
- Này các thiện nam! Có pháp môn giải thoát của Bồ tát gọi là hữu tận vô tận. Các ông nên cung kính lãnh thọ siêng năng tu học. Sao gọi là hữu tận vô tận? Hữu tận tức là pháp hữu vi có sanh diệt. Vô tận tức là pháp vô vi không sanh diệt. Bồ tát không nên dứt bỏ hữu vi cũng không nên trụ vào vô vi. Vì sao Bồ tát không dứt tận hữu vi? - Vì các Bồ tát không rời bỏ đại từ, đại bi, đại xả, luôn phát tâm tăng thượng ý lạc; tôn trọng giữ chặt tâm niệm vào Nhất thiết trí không bao giờ quên mất; làm thành thục các hữu tình không biết mệt mõi; không lìa bỏ bốn nhiếp pháp, giữ gìn chánh pháp không tiếc thân mạng; tu tập các pháp lành không bao giờ biết đủ; thích an lập vào những phương tiện hồi hướng; tìm cầu chánh pháp không hề mệt mỏi; giảng giải giáo pháp không che giấu; luôn thích chiêm ngưỡng cúng dường phụng thờ chư Phật; vào trong sanh tử mà không sợ sệt, mặc dầu gặp thịnh suy nhưng không vui buồn; không bao giờ khinh khi những vị chưa học; với những người đã tu học thì kính trọng như Phật; đối với phiền não tạp nhạp suy nghĩ đúng lý; không đắm nhiễm với các vui viễn ly; không tham chấp vào những sự vui của mình; thâm tâm tùy hỷ với sự vui của người; tu tập được tịnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí thì tưởng như địa ngục không tham trước vào đó, dạo qua sanh tử tưởng như vườn hoa không nhàm chán; với người đi xin tưởng như bạn lành; đem cho tất cả sở hữu không tiếc nuối; có tưởng hồi hướng lên Nhất thiết trí; với những người phạm giới cấm có tưởng cứu hộ; với Ba la mật đa có tưởng như cha mẹ mau làm cho viên mãn; với pháp phần Bồ đề có tưởng như người hầu cận khiến họ cứu cánh; với các pháp lành luôn luôn siêng năng tu tập; thích trang nghiêm cõi Phật; thích khen ngợi cõi Phật khác, thích mau thành tựu cõi Phật của mình; mau thành tựu các tướng trang nghiêm tốt đẹp viên mãn do tu hành thanh tịnh là đại thí chủ vô ngại; được thân khẩu khẩu ý nghiêm sức thanh tịnh do viễn ly tất cả những pháp ác, phạm giới; thân tâm được cứng rắn chịu đựng do xa lìa tất cả phiền não sân hận; tu hành mau được cứu cánh do đã trải qua vô số kiếp sanh tử; tâm mình dõng mãnh kiên chắc do nghe vô lượng công đức của Phật không mệt mỏi; muốn diệt trừ tận gốc oán địch phiền não thì dùng phương tiện tu sửa bằng kiếm Bát nhã; muốn gánh vác gánh nặng cho các hữu tình do biết rõ uẩn giới xứ; muốn chiến thắng tất cả quân ma do tinh tấn mạnh mẽ không biếng nhác; muốn hộ trì chánh pháp vô thượng do lìa ngã mạn siêng năng cầu trí huệ giáo hóa thiện xảo; được thế gian tôn trọng kính mến vâng lời do luôn thích hành ít muốn biết đủ; với pháp thế gian không tạp nhiễm mà tùy thuận với tất cả thế gian với các oai nghi không hủy hoại mà còn thị hiện tất cả việc làm, phát sanh những thần thông diệu huệ, làm lợi ích an lạc tất cả hữu tình; thọ trì hết thảy chánh pháp đã được nghe; có diệu trí chánh niệm tổng trì; phát sanh diệu trí biết các căn thắng liệt mà đoạn tất cả nghi ngờ của hữu tình để chứng đắc biện tài vô ngại; giảng giải chánh pháp không bao giờ ngưng trệ; được hưởng thọ hỷ lạc thù thắng trời người do siêng năng tu tập thanh tịnh mười nghiệp đạo thiện; khai mở con đường Phạm Thiên do diêng năng tinh tấn tu hành bốn trí vô lượng; được âm thanh thượng diệu của Phật do siêng năng cầu thỉnh giảng pháp rồi tùy hỷ khen ngợi; được oai nghi thượng diệu của Phật do thường tu ba nghiệp tịch tịnh thù thắng; tu hành trong mỗi niệm được tăng trưởng tốt do tâm không đắm nhiễm vào tất cả pháp; khéo điều phục chư Bồ tát tăng do thường đem giáo lý đại thừa khuyến khích chúng sanh tu học; không làm mất tất cả công đức do không bao giờ buông lung; các căn lành lần lượt tăng trưởng do thích tu hành các đại nguyện; muốn trang nghiêm tất cả cõi Phật do luôn siêng năng tu tập căn lành rộnglớn; sự tu hành được rốt ráo vô tận do thường tu tập phương tiện thiện xảo hồi hướng.
Này các thiện nam! Tu hành pháp như vậy gọi là Bồ tát không tận hữu vi.
Thế nào là Bồ tát không trụ vô vi? Nghĩa là mặc dầu Bồ tát hành không nhưng với cái không ấy lại không thích tác chứng. Mặc dầu hành vô tướng nhưng với vô tướng lại không thích tác chứng; mặc dầu hành vô nguyện nhưng với vô nguyện lại không thích tác chứng; mặc dầu hành vô tác nhưng đối với vô tác lại không thích tác chứng; mặc dầu quán chư hành đều là vô thường nhưng tâm không nhàm chán căn lành; mặc dầu quán thế gian tất cả đều là khổ nhưng vẫn cố ý thọ sanh trong sanh tử; mặc dầu thích quán sát bên trong không có ngã nhưng hoàn toàn không xả bỏ chán thân mình; mặc dầu thích quán bên ngoài không có hữu tình, nhưng luôn giáo hóa chỉ dạy tâm không nhàm chán, mệt mỏi; mặc dầu quán Niết bàn rốt ráo tịch tịnh nhưng hoàn toàn không rơi vào tịch diệt; mặc dầu quán viễn ly hoàn toàn an lạc nhưng hoàn toàn không nhàm chán thân tâm; mặc dầu thích quán sát không có A lại da nhưng không vứt bỏ pháp tạng thanh bạch; mặc dầu quán sát các pháp hoàn toàn vô sanh nhưng luôn gánh vác làm lợi ích cho chúng sanh; mặc dầu quán vô lậu nhưng lại luân hồi không dứt trong sanh tử; mặc dầu quán vô hành nhưng thực hành làm thành thục hữu tình; mặc dầu quán vô ngã nhưng đối với hữu tình không bỏ lòng từ bi; mặc dầu quán vô sanh nhưng đối với nhị thừa không rơi vào chánh vị; mặc dầu quán các pháp hoàn toàn không tịch nhưng không làm không tịch phước đức đã tu; mặc dầu quán các pháp hoàn toàn viễn ly nhưng không viễn ly trí huệ đã tu được; mặc dầu quán các pháp hoàn toàn không thật nhưng luôn an trụ vào tư duy viên mãn; mặc dầu quán các pháp hoàn toàn không có chủ nhưng luôn siêng năng cầu trí tự nhiên; mặc dầu quán các pháp không có biểu tướng nhưng đối với liễu nghĩa thì an lập vào hạt giống của Phật (giác ngộ).
Này các thiện nam! Tu hành pháp này gọi là Bồ tát không trụ vào vô vi.
Này thiện nam! Các Bồ tát vì luôn siêng năng tu tập Tư lương phước nên không trụ vô vi; vì siêng năng tu tập tư lương trí nên không tận hữu vi; vì thành tựu đại bi không giảm sút nên không trụ vô vi; vì thành tựu đại bi không giảm sút nên không tận hữu vi; vì làm lợi ích an lạc cho hữu tình nên không trụ vô vi; làm cứu cánh viên mãn các Phật pháp nên không tận hữu vi; làm thành tựu viên mãn sắc thân Phật trang nghiêm với tất cả tướng tốt đẹp nên không trụ vô vi; vì chứng đắc thân trí Phật, tất cả lực, vô úy... nhưng không tận hữu vi; dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa chúng sanh nên không trụ vô vi; vì dùng trí huệ vi diệu quán sát hoàn hảo nên không tận hữu vi; vì tu sửa cõi Phật rốt ráo viên mãn nhưng không trụ vô vi; vì Phật thân an trụ vào thường vô tận nên không tận hữu vi; luôn làm lợi ích chúng sanh nên không trụ vô vi; vì lãnh thọ pháp nghĩa không phế bỏ nên không tận hữu vi; vì tích chứa căn lành vô tận nên không trụ vô vi; giữ gìn căn lành không đoạn mất nên không tận hữu vi; vì muốn thành tựu viên mãn sở nguyện xưa nên không trụ vô vi; đối với vĩnh viễn tịch diệt không mong cầu nên không tận hữu vi; làm viên mãn ý lạc thiện thanh tịnh nên không trụ vô vi; làm tăng trưởng ý lạc thiện thanh tịnh nên không tận hữu vi; vì luôn luôn du hí năm thần thông nên không trụ vô vi; Phật trí lục thông thiện viên mãn nên không tận hữu vi; tư lương Ba la mật đa viên mãn nên không trụ vô vi; những suy nghĩ trước đây chưa viên mãn nên không tận hữu vi; cất chứa tài bảo pháp không nhàm chán nên không trụ vô vi; không thích mong cầu pháp nhỏ nên không tận hữu vi; giữ vững lời nguyện không thối lui nên không trụ vô vi; có thể làm cho thệ nguyện cứu cánh viên mãn nên không tận hữu vi; tích trữ tất cả diệu pháp lạc nên không trụ vô vi; tùy theo người đáng trao pháp lạc nên không tận hữu vi; biết rõ bệnh phiền não của chúng sanh nên không trụ vô vi; diệt trừ bệnh phiền não của chúng sanh nên không tận hữu vi.
Này các thiện nam! Bồ tát không tận hữu vi, không trụ vô vi như vậy gọi là an trụ vào pháp môn giải thoát hữu tận vô tận. Các ông nên tinh tấn tu hành.
Bấy giờ, các Bồ tát ở cõi Phật Tối Thượng Hương Ðài Như Lai thuộc thế giới Nhất Thiết Diệu Hương nghe nói pháp môn giải thoát hữu tận vô tận rồi, giáo pháp được khai mở, lòng họ phấn khởi, ai nấy đều rất vui mừng khôn xiết, đem vô lượng các hương hoa thượng diệu và những vật trang nghiêm để cúng dường Thế Tôn và các Bồ tát và pháp môn giải thoát hữu tận vô tận đã nói. Lại đem nhiều hưong hoa thượng diệu rải khắp ba ngàn đại thiên thế giới, hương hoa ấy che lấp mặt đất tới đầu gối.
Khi ấy các Bồ tát cung kính đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, đi nhiễu bên phải ba vòng, khen ngợi ca tụng Thích Ca Mâu Ni, các Bồ tát và pháp đã được nói. Thế rồi các vị Bồ tát cõi Diệu Hương bỗng nhiên biến mất, trong chốc lát đã trở về cõi của mình.
Hết quyển thứ năm
Nguồn: www.quangduc.com