Hán dịch: Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la

Việt dịch: Thích Đức Thắng

Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

 

雜阿含經

 

[T2n99]

 

KINH TẠP A-HÀM

--- o0o ---

TẠP A-HÀM QUYỂN 42

 

KINH 1145. ƯNG THÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Mt thi Đức Pht trong vườn Cp cô đc, rng cây K-đà, nước Xá-v. By gi, vua Ba-tư-nc[2] đến ch Pht, cúi đu l dưới chân Pht, ri ngi lui qua mt bên, bch Pht:

“Bạch Thế Tôn, nên thí cho những người nào?”

Phật đáp:

“Đại vương, tùy vào sở thích của tâm.”

Vua Ba-tư-nặc lại bạch Phật:

“Nên thí chỗ nào để được quả báo lớn?”

Phật đáp:

“Đại vương, đây là câu hỏi khác. Câu hỏi: ‘Nên thí chỗ nào’, đây là một câu hỏi khác. Lại hỏi: ‘Thí chỗ nào sẽ được quả báo lớn’, đây lại là câu hỏi khác.[3]

“Bây giờ Ta hỏi Đại vương và cứ tùy ý trả lời Ta:

“Này Đại vương, giả sử nước này, khi lâm trận chiến đấu, tập hợp các chiến sĩ, trong đó có một người con trai của Bà-la-môn từ phương Đông đến, tuổi nhỏ, ấu trĩ, yếu ớt, đoan chánh, da trắng, tóc đen, không tập võ nghệ, không học sách lược chiến thuật, sợ hãi rút lui, khiếp nhược không thể tự an được, không dám nhìn kẻ địch, hoặc đâm hay bắn, không có phương tiện, nên không thể đả thương địch. Thế nào, Đại vương, người như vậy Đại vương có thưởng không[4]?”

Vua bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thưởng.”

“Cũng vậy Đại vương, có đồng tử Sát-lợi từ phương Nam đến. Đồng tử Bề-xá từ phương Tây tới. Đồng tử Thủ-đà-la từ phương Bắc tới, không có võ thuật, giống như con trai của Bà-la-môn từ phương Đông. Vua có thưởng không?”

Vua bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thưởng.”

Phật hỏi Đại vương:

“Khi nước này tập hợp quân vào trận chiến đấu, có đồng tử Bà-la-môn từ phương Đông đến, trẻ tuổi, đoan chánh, da trắng tóc đen, giỏi võ nghệ, biết cách chiến đấu, dũng cảm không sợ hãi, khổ chiến không rút lui, đứng yên xem xét tình hình, múa đao cự địch có thể làm thương tổn, phá hoại. Thế nào, Đại vương, người như vậy Đại vương có trọng thưởng không?”

Vua bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sẽ trọng thưởng.”

“Cũng vậy, Đại vương, có đồng tử Sát-lợi từ phương Nam đến. Đồng tử Bề-xá từ phương Tây tới. Đồng tử Thủ-đà-la từ phương Bắc tới, trẻ tuổi, đoan chánh, da trắng tóc đen, giỏi võ nghệ, biết cách chiến đấu, dũng cảm không sợ hãi, khổ chiến cự địch, đều như những đồng tử Bà-la-môn từ phương Đông đến. Những chiến sĩ như vậy, nhà vua có thưởng không?”

Vua bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sẽ trọng thưởng.”

Phật nói:

“Này Đại vương, cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn, xa lìa năm chi, thành tựu năm chi, kiến lập phước điền; nếu ai thí vào ruộng phước này thì được phước lợi lớn, được quả báo lớn. Những gì là lìa bỏ năm chi? Tham dục cái, sân nhuế, ngu si, trạo hối, nghi cái đã đoạn, đã biến tri. Đó gọi là lìa bỏ năm chi. Những gì là thành tựu năm chi? Thành tựu giới thân vô học, định thân vô học, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân. Đó gọi là thành tựu năm chi.

“Này Đại vương, người nào lìa bỏ năm chi, thành tựu năm chi, kiến lập phước điền; thí vào ruộng phước này thì sẽ được quả báo lớn.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

Múa kiếm chiến đấu giỏi,

Là dũng sĩ kham năng.

Vì họ người chiến đấu,

Nên theo công trọng thưởng.

Không thưởng dòng danh tiếng,

Người khiếp nhược, yếu hèn.

Nhẫn nhục tu hiền lương,

Thấy Đế, lập phước điền.

Đủ luật nghi Hiền thánh,

Thành tựu trí thâm diệu;

Dòng họ tuy thấp hén,

Kham làm ruộng phước thí.

Y thực, tiền, của báu,

Giường nằm cùng các loại;

Đều nên thí cung kính,

Do trì giới thanh tịnh.

Mé rừng vắng, xa người,

Đào giếng, cấp bộ hành.

Bắc cầu qua khe suối.

Làm quán trọ đường xa.

Chúng đa văn giới đức,

Đi đường được dừng nghỉ.

Thí như mây dầy giăng,

Sấm chớp vọng vang rền;

Mưa rơi khắp mặt đất,

Trăm cỏ chen nhau vươn;

Cầm thú thảy vui vẻ,

Nông phu cũng vui mừng.

Cũng vậy, tâm tịnh tín,

Văn, tuệ, xả keo bẩn;

Tiền của, ăn uống đủ,

Thường thí ruộng phước tốt.

Xướng lớn, càng ưa thí[5],

Như sấm mưa ruộng tốt;

Công đức chảy nhuần khắp,

Thấm ướt tâm thí chủ.

Được nổi tiếng, giàu có,

Và quả lớn Niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ ra về.

]

 

KINH 1146. SÁNG TỐI[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thế nào, bạch Thế Tôn, Bà-la-môn chết rồi có sanh trở lại dòng Bà-la-môn hay sanh vào nhà Sát-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la?”

Phật nói:

“Này Đại vương, sao được như vậy! Đại vương nên biết, có bốn loại người. Những gì là bốn? Có một loại người từ tối vào tối; có một loại người từ tối vào sáng; có một loại người từ sáng vào tối; và có một loại người từ sáng vào sáng.

“Đại vương, thế nào là loại người từ tối vào tối? Có người sanh vào nhà thuộc dòng thấp hèn, như sanh vào nhà Chiên-đà-la, nhà người săn bắn, bắt cá, làm đồ tre, nhà người kéo xe và những nhà làm nghề nghiệp công xảo hạ tiện khác; bần cùng, đoản mạng, hình thể tiều tụy mà lại tu hành theo nghiệp thấp kém, cũng lại bị người hạ tiện sai khiến. Đó gọi là tối. Ở trong chỗ tối này, thân lại làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Vì những lý do này, khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào đường ác, rơi vào trong địa ngục. Giống như người từ tối vào tối, từ nhà xí vào nhà xí, lấy máu rửa máu[7], bỏ ác lấy ác. Người từ tối vào tối cũng lại như vậy, cho nên gọi là từ tối vào tối.

“Thế nào là từ tối vào sáng? Người sanh vào nhà thấp hèn cho đến bị người sai làm những điều hèn hạ. Đó gọi là tối. Nhưng người ở trong tối này, thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành; vì những lý do này, khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào đường lành, được hóa sanh cõi trời. Thí như người lên giường[8], cỡi ngựa, từ ngựa tiến lên voi; từ tối vào sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là người từ tối vào sáng.

“Thế nào là người từ sáng vào tối? Có người đời sanh vào gia đình giàu sang khoái lạc như nhà dòng lớn Sát-đế-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, nhà dòng lớn Trưởng giả, cùng sanh vào những gia đình giàu có khoái lạc khác, có nhiều tiền bạc, của cải, nô tỳ, người sai khiến, nhóm họp nhiều người thân quen, thân thể đoan chánh, thông minh trí tuệ. Đó gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Vì lý do này, khi thân hoại mạng chung, sanh vào đường ác, rơi vào trong địa ngục. Giống như có người từ lầu cao, xuống cưỡi voi lớn, xuống voi lớn cưỡi ngựa, xuống ngựa đi xe, xuống xe ngồi giường, xuống giường đi đất, từ đất rơi xuống hầm hố. Người từ sáng vào tối lại cũng như vậy.

“Thế nào là có người từ sáng vào sáng? Có người sanh vào nhà giàu sang vui vẻ,... cho đến hình tướng đoan nghiêm. Đây gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành. Vì lý do này, khi thân hoại mạng chung, sanh lên đường lành, được hóa thân cõi trời. Giống như có người từ lầu quán đến lầu quán;... cho đến từ giường đến giường; người từ sáng vào sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là từ sáng vào sáng.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Người bần cùng khốn khổ,

Không tín, thêm sân hận;

Tưởng tà ác, xan tham,

Si mê không cung kính.

Gặp Sa-môn, đạo sĩ,

Người đa văn, trì giới;

Hủy báng, không khen ngợi,

Ngăn người cho và nhận.

Những người như vậy đó,

Từ nay đến đời khác,

Sẽ đọa vào địa ngục;

Là từ tối vào tối.

Nếu có người bần cùng,

Tín tâm, ít sân hận;

Thường sanh tâm tàm quý,

Bố thí lìa keo bẩn.

Gặp Sa-môn, Phạm chí,

Người đa văn, trì giới;

Khiêm cung mà thưa hỏi,

Tùy nghi khéo cúng cấp.

Khuyên người nên bố thí,

Khen người cho và nhận.

Người tu thiện như vậy,

Từ nay đến đời khác.

Sanh đường lành cõi trời,

Là từ tối vào sáng.

Người giàu có khoái lạc,

Không tín, nhiều sân hận;

Tưởng ác, xan tham, tật,

Tà mê không cung kính.

Gặp Sa-môn, Phạm chí,

Hủy báng không khen ngợi;

Cản trở người bố thí,

Và ngăn người đến nhận.

Những người ác như vậy,

Từ nay đến đời sau,

Rơi vào khổ địa ngục;

Là từ sáng vào tối.

Nếu người giàu của cải,

Tín tâm, không sân hận;

Thường sanh tâm tàm quý,

Bố thí, lìa sân nhuế.

Gặp Sa-môn, Phạm chí,

Người đa văn, trì giới,

Trước nghinh tiếp thưa hỏi,

Tùy nghi cấp vật cần.

Khuyên người nên cúng dường,

Khen người cho và nhận.

Những người như thế đó,

Đời này đến đời sau,

Sanh cõi Tam thập tam,

Là từ sáng vào sáng.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về.

]

 

KINH 1147. NÚI ĐÁ[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ sáng sớm[10], vua Ba-tư-nặc thân dính đầy bụi bặm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Phật hỏi:

“Đại vương từ đâu đến?”

Vua đáp:

“Bạch Thế Tôn, con theo pháp của Quán đảnh vương[11], tự tại trong loài người[12], tinh cần phương tiện, thống lĩnh cõi đất, thống lý vương sự, sau khi đi xem xét mọi nơi rồi đến đây.”

Phật bảo Đại vương:

“Nay hỏi Đại vương, cứ tùy ý trả lời Ta. Thí như có người từ phương Đông lại, có tín, có duyên[13], chưa từng giả dối, đến tâu với vua rằng: ‘Tôi từ phương Đông lại, thấy một núi đá, rất vuông vức to lớn, không bị đục thủng, không bị phá hoại, cũng không xói lở, đang nghiền đất mà đến. Tất cả cây cỏ và sanh vật đều bị nghiền nát.’ Từ phương Nam, Tây, Bắc cũng có người đến, có tín, có duyên, chưa từng giả dối, đến tâu với vua rằng: ‘Tôi thấy một núi đá rất vuông vức to lớn, không bị đục thủng, không bị phá hoại, cũng không xói lở, đang nghiền đất mà đến. Tất cả cây cỏ và sanh vật đều bị nghiền nát.’ Ý Đại vương thế nào? Sự việc khủng bố, hiểm ác, chết chóc lớn lao như vậy xảy đến; vận của chúng sanh đã hết; sanh làm người thật khó. Đại vương sẽ phải tính sao?”

Vua bạch Phật:

“Nếu như vậy, thì không còn cách tính nào khác, chỉ còn cách tu thiện, chuyên tâm phương tiện nơi Pháp luật của Phật.”

Phật bảo Đại vương:

“Cớ sao lại nói là những chuyện hiểm ác khủng bố chợt xảy đến cho đời, vận của chúng sanh đã hết, thân người khó được; chỉ còn phải thực hành theo pháp, hành nghĩa, hành phước, phải chuyên tinh phương tiện nơi giáo pháp của Phật? Vì sao không nói, địa vị của Quán đảnh vương, đứng đầu trên mọi người, uy quyền tự tại, thống lãnh đại địa, sự vụ, nhân dân để đối phó sự việc ấy?”

Vua bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đó là nói khi thanh bình, thì vương vị quán đảnh là đứng đầu mọi người, thống lãnh cõi đất, để doanh lý mọi việc. Dùng tài sản đấu tài sản. Dùng voi đấu voi. Dùng xe đấu xe. Dùng bộ đấu bộ. Hoặc thắng hoặc bại, ngay lúc đó không thể tự chủ. Cho nên, con nói đến khi sự việc hiểm ác khủng bố xảy đến, chúng sanh vận cùng, thân người khó được; khi đó không có kế nào khác, mà chỉ còn có thực hành theo pháp, hành nghĩa, hành phước, chuyên tâm quay về nương tựa nơi giáo pháp của Phật.”

Phật bảo Đại vương:

“Đúng thế! Đúng thế! Thường xuyên bị nghiền nát, nghĩa là kiếp ác, già, bệnh, chết, khổ, não nghiền nát chúng sanh, sẽ phải làm sao? Chính là phải tu nghĩa, tu phước, tu thiện, tu từ, ở trong Phật pháp tinh cần phương tiện.”

Bấy giờ, Phật nói kệ:

Như có núi đá lớn,

Cao rộng không hoại khuyết;

Khắp từ bốn phương đến,

Nghiền nát đại địa này.

Không binh mã, chú thuật,

Sức mạnh để phòng ngự.

Kiếp ác, già, bệnh, chết,

Thường nghiền nát chúng sanh.

Bốn chủng tộc, dòng lớn,

Thợ săn, Chiên-đà-la,

Tại gia và xuất gia,

Người trì giới, phạm giới.

Tất cả bị nghiền nát,

Không ai cứu hộ được.

Cho nên người trí tuệ,

Quán sát lợi tự mình.

Kiến lập lòng tin sạch,

Tin Phật, Pháp, Tăng bảo;

Thân, khẩu, ý thanh tịnh,

Tùy thuận theo Chánh pháp.

Đời này được tiếng khen,

Mạng chung sanh lên trời.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về.

]

 

KINH 1148. XÀ-KỲ-LA[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.

Khi ấy có bảy người Ni-kiền Tử, bảy người Xà-kỳ-la[15], bảy người Nhất-xá-la[16], thân thể thô lớn, đang đi lượn quanh, rồi đứng trước của tinh xá Kỳ-hoàn. Vua Ba-tư-nặc từ xa trông thấy họ đang lượn quanh ngoài cửa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi ra trước cửa, chắp tay bạch hỏi và tự xưng tên ba lần: “Tôi là vua Ba-tư-nặc, vua xứ Câu-tát-la.”

Bấy giờ, Phật hỏi vua:

“Vì cớ gì, hôm nay bệ hạ lại cung kính những người đó, chắp tay thưa hỏi, ba lần xưng tên họ?”

Vua bạch Phật:

“Con tự nghĩ ở thế gian nếu có những vị A-la-hán, thì chính họ là những vị đó.”

Phật dạy bảo vua Ba-tư-nặc:

“Này bệ hạ, thôi đủ rồi. Chính bệ hạ cũng không phân biệt được đó có phải là A-la-hán thật, hay không phải là A-la-hán, vì không có được tha tâm trí. Vả lại cần phải gần gũi, xem xét giới hạnh của họ[17], một thời gian lâu mới có thể biết được; chớ tự quyết vội vàng. Hãy xem xét kỹ, không chỉ hời hợt[18]; hãy dùng trí tuệ, chớ không phải vô trí. Phải kinh qua các khổ cực khó khăn, mới có khả năng tự mình biện biệt[19], đối chiếu so sánh, thật giả sẽ phân biệt được. Thấy lời nói mới biết sự sáng suốt[20], chứ không thể phân biệt vội vàng, cần phải dùng trí tuệ tư duy quán sát.”

Vua bạch Phật:

“Lạ thay! Bạch Thế Tôn, khéo nói lý này. Phải tiếp xúc chuyện trò một thời gian lâu, quán sát giới hạnh của họ... cho đến thấy sự nói năng hiểu biết rõ ràng.

“Con có người nhà cũng đi xuất gia. Mang hình tướng cũng như những người này, đi khắp các nước và khi trở về lại, khi cởi bỏ y phục kia, là trở lại hưởng thọ ngũ dục. Cho nên, nên biết, Thế Tôn nói đúng, nên cùng họ sống chung để xem xét giới hạnh của họ,... cho đến nói năng mà biết có trí tuệ.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Không do thấy hình tướng,

Biết thiện ác của người.

Không phải vừa gặp nhau,

Mà cùng đồng tâm chí.

Điều kín hiện thân, miệng,

Tâm tục không kiểm thúc;

Giống như miếng đồng xi[21],

Thếp lên lớp vàng ròng.

Trong ôm lòng tạp mọn,

Ngoài hiện oai nghi Thánh;

Đi khắp các quốc độ,

Lừa dối khắp thế gian.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về.

]

 

KINH 1149. BẢY VUA[22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đứng đầu vua Ba-tư-nặc cùng bảy vị quốc vương[23] và các vị đại thần cùng họp nhau bàn luận như vầy:

“Trong ngũ dục, cái nào nhất?”

Có người nói:

“Sắc là nhất.”

Lại có người nói:

“Thanh, hương, vị, xúc là nhất.”

Trong đó có người nói:

“Chúng ta mỗi người đều cho của mình là nhất, rốt cùng không thể phán định. Hãy cùng nhau đến Thế Tôn, hỏi về nghĩa này. Cứ theo lời dạy Thế Tôn, sẽ cùng nhau ghi nhớ thọ trì.”

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc dẫn đầu bảy vị quốc vương và các đại thần, quyến thuộc, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con bảy vị quốc vương và các đại thần, bàn luận như vầy: ‘Công năng năm thứ dục lạc, thứ nào hơn hết?’ Trong số này, có người nói sắc là hơn hết; có người nói thanh là hơn hết; có người nói hương là hơn hết; có người nói vị là hơn hết; có người nói xúc là hơn hết. Cuối cùng không thể quyết định, nên đến hỏi Thế Tôn, rốt cùng cái nào hơn hết?”

Phật bảo các vua:

“Mỗi người đều nói lên theo ý thích của mình, còn Ta thì nói khác. Vì lý do này, Ta nói về năm công năng của dục. Nhưng đối với sắc, có người tự vừa ý, chỉ yêu mến một thứ sắc, là thỏa mãn chí nguyện của mình. Giả sử có những sắc đẹp hơn, nhưng không phải sở ái của họ, thì sẽ không đụng đến, không ngó ngàng đến. Nên chỉ nói thứ sắc sở ái của mình là nhất không còn sắc nào vượt lên trên nó. Như người yêu mến sắc; thanh, hương, vị, xúc cũng đều như vậy; những gì mình sở ái, thì liền cho đó là tối thắng, rồi hoan hỷ, ưa đắm. Cho dù có thứ vượt trên thứ đó nữa, nhưng vì không phải là sở dục của họ, nên họ không đụng đến, không ngó ngàng đến. Chỉ có những gì ta yêu là tối thắng tối diệu, không gì so sánh, không gì trên được.”

Bấy giờ giữa chúng có một Ưu-bà-tắc tên là Chiên-đàn[24] từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai hữu, chắp tay bạch Phật rằng:

“Thế Tôn khéo nói! Thiện Thệ khéo nói!”

Phật bảo Ưu-bà-tắc:

“Chiên-đàn khéo nói! Chiên-đàn, hãy nói đi!”

Khi ấy Ưu-bà-tắc Chiên-đàn liền nói kệ rằng:

Vua Ương-già quý tộc,

Đeo ngọc, giáp anh lạc.

Dân Ma-kiệt vui họp,

Như Lai hiện nước này;

Tiếng đồn vang khắp nơi,

Như núi chúa Tuyết sơn;

Như hoa sen thanh tịnh,

Trong sạch không vết nhơ,

Nở theo ánh mặt trời,

Hương thơm xông khắp nước.

Hiện sáng nước Ương-kỳ[25],

Như mặt trời giữa không.

Quán tuệ lực Như Lai,

Như đêm đốt đuốc sáng;

Là mắt, ánh sáng lớn,

Đến Người vì quyết nghi.

Khi ấy các quốc vương đều khen rằng:

“Ưu-bà-tắc Chiên-đàn khéo nói!”

Lúc này, bảy vị quốc vương cởi bảy cái áo báu tặng cho Chiên-đàn.

Sau khi bảy vị quốc vương nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Khi Ưu-bà-tắc Chiên-đàn biết các vị quốc vương đã đi rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai phải, chắp tay bạch Phật:

“Hôm nay bảy vị quốc vương để lại cho con bảy cái áo thượng hảo hạng này, xin Thế Tôn vì lòng thương xót mà nhận bảy cái áo này.”

Bấy giờ, Thế Tôn vì lòng thương xót, nên nhận bảy cái áo đó, Ưu-bà-tắc Chiên-đàn hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

]

 

KINH 1150. THỞ SUYỂN[26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, với thân thể mập lớn, mồ hôi ướt đẫm, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, hơi thở hổn hển.

Bấy giờ, Thế Tôn nói vua Ba-tư-nặc:

“Đại vương thân thể mập quá!”

Đại vương bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy! Con đang lo về cái thân quá mập và thường rất khổ sở, nhờm chán, hổ thẹn, vì cái thân mập béo này.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Người nên tự cột niệm,

Khi ăn biết tiết độ;

Thì các thọ sẽ giảm,

Yên ổn mà sống lâu.

Khi ấy có một thiếu niên tên là Uất-đa-la[27] ngồi giữa hội chúng. Vua Ba-tư-nặc nói với Uất-đa-la rằng:

“Khanh có thể ghi nhớ bài kệ vừa được nói này từ Thế Tôn, rồi đến mỗi bữa ăn đọc lên cho ta được không? Nếu được; ta sẽ ban cho mười vạn tiền vàng và sẽ thường xuyên ban cho thức ăn.”

Uất-đa-la tâu vua:

“Xin vâng lời dạy. Tôi sẽ đọc!”

Sau khi vua Ba-tư-nặc nghe Phật nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

Khi ấy Uất-đa-la biết vua đã đi rồi, đến trước Thế Tôn xin nhận bài kệ Phật đã nói. Khi vua ăn, cứ mỗi bữa vua ăn đều tụng lên, tâu rằng: “Đại vương, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, đã nói bài kệ này:

Người nên tự cột niệm,

Khi ăn biết tiết độ;

Thì các thọ sẽ giảm,

Yên ổn mà sống lâu.

Như vậy, từ đó trở đi, vua Ba-tư-nặc thân thể gầy thon lại, tướng mạo đoan chánh. Ở trên lầu, hướng về chỗ Phật ở, vua cung kính chắp tay quỳ sát đất, nói ra ba lần như vầy:

“Nam-mô kính lễ Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Nam-mô kính lễ Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Nam-mô kính lễ Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, đã ban cho con những lợi ích trong hiện tại và đời sau. Đời này, đời sau được lợi ích do biết tiết độ ăn uống.”

]

 

KINH 1151. A-TU-LA[28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ.

Khi ấy có một thiếu niên A-tu-la[29] đến chỗ Phật, ở trước Phật dùng những lời bất thiện, thô ác, sân si, mạ lỵ, chỉ trích Phật[30].

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Không giận, thắng sân nhuế,

Lấy thiện phục bất thiện;

Bố thí phục keo kiệt,

Nói thật diệt nói dối.

Không mắng cũng không ngược,

Luôn trụ tâm Thánh hiền.

Người ác ôm sân hận,

Bất động như núi đá.

Kiềm giữ sân nhuế khởi,

Hơn giữ xe ngựa cuồng;

Ta nói đánh xe giỏi,

Không phải người cầm cương.

Bấy giờ, thiếu niên A-tu-la, bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, con xin hối lỗi. Con thật ngu, thật si, không biết phân biệt, không tốt, ở trước mặt Cù-đàm dám trách mắng hủy nhục.”

Sám hối như vậy xong, A-tu-la nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

]

 

KINH 1152. TÂN-KỲ-CA[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có một thiếu niên Bà-la-môn tên Tân-kỳ-ca[32], đến chỗ Phật, ở trước mặt Thế Tôn dùng những lời bất thiện, thô ác, sân si, mạ lỵ, chỉ trích Phật.

Bấy giờ Thế Tôn bảo thiếu niên Tân-kỳ-ca:

“Vào những ngày tốt, anh có mời bà con thân thuộc hội họp không?”

Tân-kỳ-ca bạch Phật:

“Có! Bạch Cù-đàm!”

Phật bảo Tân- kỳ:

“Nếu những người bà con thân tộc của anh không nhận vật thực thì sẽ thế nào?”

Tân-kỳ bạch Phật:

“Nếu không nhận vật thực thì vật thực ấy trở về tôi.”

Phật bảo Tân-kỳ:

“Cũng vậy, ở trước mặt Như Lai anh nói ra những lời mạ nhục, quở trách thô ác, bất thiện. Cuối cùng Ta không nhận, thì những lời trách mắng như vậy chúng sẽ thuộc về ai?”

Tân-kỳ bạch Phật:

“Như vậy, bạch Cù-đàm, tuy người kia không nhận, nhưng vì đã tặng nhau nên coi như đã cho rồi.”

Phật bảo Tân-kỳ:

“Như vậy, không gọi là quà tặng nhau, thì đâu được gọi là cho nhau?”

Tân-kỳ hỏi:

“Thế nào mới gọi là quà tặng nhau, gọi là cho nhau? Thế nào gọi là không nhận quà tặng nhau, không gọi là cho nhau?”

Phật bảo Tân-kỳ:

“Hoặc sẽ như vầy: mắng thì trả mắng, sân thì trả sân, đánh thì trả đánh, đấu thì trả đấu; gọi là quà tặng nhau, gọi là cho nhau[33]. Lại nữa, Tân-kỳ, hoặc mắng không trả mắng, sân không trả sân, đánh không trả đánh, đấu không trả đấu; nếu như vậy thì không phải là quà tặng nhau, không gọi là cho nhau.”

Tân-kỳ bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, tôi nghe chuyện xưa có vị trưởng lão Bà-la-môn, kỳ cựu, được trọng vọng, là bậc Đại Sư hành đạo, nói: ‘Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác bị người mạ nhục, sân nhuế, chỉ trích trước mặt, vẫn không sân, không giận.’ Mà nay Cù-đàm có sân nhuế chăng?”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Không sân sao có sân,

Chánh mạng để chế ngự;

Chánh trí, tâm giải thoát,

Người trí tuệ không sân.

Người lấy sân báo sân,

Thì chính là người ác;

Không lấy sân báo sân,

Chế ngự giặc khó chế.

Không sân thắng sân nhuế,

Ba kệ nói như trước.

Bấy giờ, thiếu niên Tân-kỳ bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, con xin hối lỗi. Con thật ngu, thật si, không biết phân biệt, không tốt, ở trước mặt Sa-môn Cù-đàm dám nói ra lời trách mắng, sân si, thô ác, bất thiện.”

Sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ ra về.

]

 

KINH 1153. MẠ LỴ (1)[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong giảng đường Lộc tử mẫu, vườn phía Đông, nước Xá-vệ. Bấy giờ buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Thế Tôn đến dưới bóng mát giảng đường, đi kinh hành giữa khoảng đất trống. Khi ấy có Bà-la-môn Kiện Mạ Bà-la-đậu-bà-giá[35], đến chỗ Phật, trước mặt Phật thốt ra những lời thô ác, bất thiện, mạ lỵ, chỉ trích. Thế Tôn kinh hành. Ông đi theo sau Thế Tôn. Khi Thế Tôn đã kinh hành xong, dừng lại một chỗ, Bà-la-môn nói:

“Cù-đàm! Bị thua chăng?”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Người hơn liền thêm oán,

Người thua nằm không yên.

Hơn thua đều buông xả,

Là được ngủ an lành.

Bà-la-môn bạch:

“Bạch Cù-đàm, nay xin sám hối! Con thật ngu, thật si, không biết phân biệt, không tốt, ở trước mặt Cù-đàm thốt ra những lời thô ác, bất thiện, mạ lỵ, chỉ trích!”

Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

]

 

KINH 1154. MẠ LỴ (2)[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong giảng đường Lộc tử mẫu, phía Đông nước Xá-vệ. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi ấy có Bà-la-môn Kiện Mạ Bà-la-đậu-bà-giá[37], vừa thấy Thế Tôn liền thốt ra những lời mắng nhiếc, sân si, thô ác, bất thiện; hốt bụi đất ném vào Phật. Khi ấy có gió ngược, thổi bụi bay trở lại, bụi này tự phản dính vào người ông.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu người không sân hận,

Thì mạ nhục đến đâu,

Vẫn sạch không dính nhơ,

Ác kia trở lại mình.

Giống như người tung bụi,

Ngược gió hoàn tự nhơ.

Lúc ấy, Bà-la-môn bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, xin sám hối! Con thật ngu, thật si, không biết phân biệt, không tốt, sao ở trước mặt Cù-đàm thốt ra những lời mạ lỵ, quở trách, thô ác, bất thiện!”

Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ quay đầu lại mà đi.

]

 

KINH 1155. TRÁI NGHĨA[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Khi ấy có Bà-la-môn tên là Vi Nghĩa[39], nghe Sa-môn Cù-đàm từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, tự nghĩ: “Ta sẽ đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để nghe thuyết pháp và sẽ bẻ lại nghĩa.” Nghĩ như vậy rồi, liền đến tinh xá tìm chỗ Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn đang nói pháp cho vô lượng quyến thuộc đang vây quanh. Thế Tôn vừa thấy Bà-la-môn Vi Nghĩa đến, liền ngồi im lặng.

Bà-la-môn Vi Nghĩa bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, hãy thuyết pháp. Tôi mong muốn nghe.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Bà-la-môn Vi Nghĩa,

Chưa thể hiểu nghĩa sâu.

Lòng giận hờn, ganh tị,

Muốn cản trở pháp thuyết.

Điều phục tâm chống đối,

Những ý dục bất tín;

Dứt các bẩn chướng ngăn,

Mới hiểu lời thâm diệu.

Khi ấy, Bà-la-môn Vi Nghĩa tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’

Sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

]

 

KINH 1156. BẤT HẠI[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi ấy có Bà-la-môn Bất Hại[41] đến chỗ Phật, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, tên con là Bất Hại, có xứng thật danh không?”

Phật bảo:

“Như thế này mới xứng thật danh: nếu thân bất hại, nếu miệng bất hại, nếu tâm bất hại thì mới xứng thật danh.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu thân không sát hại,

Cả khẩu, ý cũng vậy;

Thì đó lìa sát hại,

Không khủng bố chúng sanh.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Bất Hại nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ quay đầu lại mà đi.

]

 

KINH 1157. HỎA DỮ[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ buổi sáng, Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Lần lượt đi khất thực, đến nhà Bà-la-môn Hỏa Dữ[43]. Bà-la-môn vừa thấy Phật đến, liền bày đầy đủ các thức ăn ngon cúng dường đầy bát Thế Tôn. Hai ba ngày như vậy, lại đến nhà này khất thực, Bà-la-môn Hỏa Dữ vừa thấy Phật đến tự nghĩ: “Sa-môn đầu trọc sao lại đến mãi, vì tham thức ăn ngon chăng?”

Lúc ấy, Thế Tôn biết được ý nghĩ của Bà-la-môn Hỏa Dữ liền nói bài kệ:

Trời ngày nào cũng mưa,

Nông phu ngày đêm cày;

Thường xuyên gieo giống lúa,

Ruộng thâu lúa luôn luôn.

Như người thường mang thai.

Bò sữa mãi nhớ nghé.

Thường luôn có người xin,

Lúc nào cũng bố thí.

Vì luôn mãi bố thí,

Nên luôn nổi tiếng lớn.

Nhiều lần quăng thây chết,

Nhiều lần khóc tiếc thương.

Nhiều lần sanh rồi chết,

Nhiều lần khổ ưu, bi;

Nhiều lần lấy lửa đốt,

Nhiều lần bị trùng ăn.

Nếu được đạo Hiền thánh,

Không mãi thọ các hữu;

Cũng không mãi sanh tử,

Không mãi khổ ưu, bi.

Không luôn luôn lửa đốt,

Không mãi bị trùng ăn.

Sau khi Bà-la-môn Hỏa Dữ nghe Phật nói kệ xong, khởi tín tâm trở lại và đem thức ăn cúng dường đầy bát Phật. Nhưng Thế Tôn không nhận vì nhân nói kệ mới được cúng. Lại nói kệ:

Nhân vì nói kệ pháp,

Không nên nhận thức ăn;

Nên quán sát tự pháp,

Thuyết pháp, không nhận ăn.

Bà-la-môn nên biết,

Đó là lối sống tịnh.

Nên cúng dường người khác,

Bậc Đại Tiên thuần tịnh,

Đã hết các hữu lậu,

Pháp nhơ đã đoạn tất;

Cúng dường các thức ăn,

Cho ruộng phước tốt này.

Người muốn cầu phước đức,

Thì ruộng Ta là tốt.

Bà-la-môn Hỏa Dữ bạch Phật:

“Thức ăn này bây giờ nên để chỗ nào?”

Phật bảo:

“Ta không thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên thần hay người đời có thể ăn đồ tín thí này mà thân được an lạc. Ông nên đem thức ăn này bỏ vào nước không trùng và đất ít cỏ mọc.”

Khi ấy Bà-la-môn liền đem thức ăn này bỏ vào trong nước không trùng. Nước liền bốc khói, sôi thành tiếng xèo xèo. Giống như hòn sắt nung đỏ bỏ vào trong nước, nước liền bốc khói, sôi thành tiếng xèo xèo. Cũng lại như vậy, Bà-la-môn đem thức ăn này bỏ vào trong nước, nước liền bốc khói, sôi thành tiếng xèo xèo. Lúc đó, Hỏa Dữ Bà-la-môn khen rằng:

“Lạ thay! Cù-đàm đức độ lớn, thần lực lớn, có thể khiến thức ăn này hiện thần biến.”

Bấy giờ, Hỏa Dữ Bà-la-môn nhân thấy thức ăn thần biến này nên phát tâm kính tín, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay con có thể được xuất gia, thọ giới cụ túc và tu phạm hạnh ở trong Chánh pháp không?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nay ông có thể xuất gia, thọ cụ túc và tu phạm hạnh ở trong Chánh pháp.”

Bà-la-môn liền xuất gia và tự suy nghĩ đến lý do khiến những thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà... cho đến đắc A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

]

 

KINH 1158. BÀ-TỨ-TRA[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nước Xá-vệ có một nữ Bà-la-môn là Bà-tứ-tra[45], tin Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng. Đối với Phật, Pháp, Tăng đã dứt hồ nghi; đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng đã dứt nghi hoặc, thấy đế, đắc quả, được tuệ vô gián[46]. Chồng của bà là Bà-la-đậu-bà-giá thuộc chủng tánh Bà-la-môn. Mỗi khi bà làm công việc gì mà có chút ít nên hay hư, đều niệm: “Nam-mô Phật”, hướng về phương nào mà ở đó Như Lai đang trụ, chắp tay nói ba lần: “Nam-mô Đa-đà-a-già-độ A-la-ha Tam-miệu-tam-phật-đà[47], thân chói sáng như vàng ròng, sáng xa một tầm, thân tròn đầy như cây Ni-câu-luật, Đấng Mâu-ni khéo nói diệu pháp, là Thượng Thủ Tiên Nhân, là Đại Sư của con.”

Bấy giờ người chồng Bà-la-môn nghe vậy, sân hận không vui, nói với vợ:

“Bà bị quỷ ám chăng? Không có lý này. Bà đã bỏ các vị đại đức Bà-la-môn tam minh[48] mà đi xưng tán lão Sa-môn đầu trọc, phần tử hắc ám, mà đời không ai khen[49]. Bây giờ tôi sẽ đến cùng tranh luận với Đại Sư của bà thì đủ biết ai hơn thua.”

Người vợ nói với chồng:

“Tôi không thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, các Thần và người đời mà ai có thể cùng tranh luận với Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, thân sắc vàng, chói sáng một tầm, thân tròn đầy như cây Ni-câu-luật, là Bậc Thượng Thủ Tiên Nhân, khéo nói pháp vi diệu, là Bậc Đại Sư của tôi. Nhưng bây giờ thì ông cứ đến đó để tự biết.”

Lúc ấy, Bà-la-môn liền đi đến chỗ Phật. Thăm hỏi ủy lạo xong, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Giết hại những thứ gì,

Mà giấc ngủ an ổn?

Giết hại những thứ gì;

Khiến tâm còn không lo?

Giết hại những thứ gì,

Được Cù-đàm khen ngợi?

Bậy giờ, Thế Tôn biết ý nghĩ Bà-la-môn, Ngài nói kệ:

Người giết hại sân hận,

Giấc ngủ được an ổn.

Người giết hại sân hận,

Thì tâm không còn lo.

Sân nhuế là rễ độc,

Hay hại hạt giống ngọt;

Người nào giết hại chúng,

Được Thánh hiền khen ngợi.

Nếu người nào hại chúng,

Tâm họ không còn lo.

Khi ấy, Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá nghe những gì Phật nói, được khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho vui mừng và lần lượt Ngài thuyết pháp. Nghĩa là nói về bố thí, nói về trì giới, nói về pháp sanh lên trời, nói về sự mê đắm dục vị là tai hoạn, phiền não; về thanh tịnh xuất yếu, viễn ly, tùy thuận phúc lợi thanh tịnh, phân biệt một cách rộng rãi. Giống như tấm vải trắng trong sạch dễ được nhuộm màu, cũng vậy, Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá ngay tại chỗ ngồi, đối với bốn Thánh đế mà chứng đắc hiện quán[50], thấy Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bà-la-môn này thấy pháp, đắc pháp, biết pháp và nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc, không do người khác độ. Đối với Chánh pháp luật được vô sở úy. Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên hữu, chắp tay bạch Phật:

“Con đã được độ, bạch Thế Tôn! Con đã được độ, bạch Thiện Thệ! Hôm nay sau khi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng rồi, suốt đời con nguyện làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con.”

Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

Trở về nhà mình, vợ ông Ưu-bà-di vừa thấy chồng về, liền thưa rằng:

“Ông đã cùng luận nghị với Thầy tôi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác có thân sắc vàng ròng, sáng xa một tầm, thân đầy đặn như cây Ni-câu-luật là Thượng Thủ Tiên Nhân, Đấng Đại Mâu-ni khéo nói pháp phải không?”

Người chồng đáp:

“Tôi chưa từng thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Quỷ thần hay người đời mà có thể luận nghị với Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác thân sắc vàng ròng, sáng xa một tầm, thân đầy đặn như cây Ni-câu-luật, Bậc Tiên Nhân Thượng Thủ, khéo nói diệu pháp, là Đấng Mâu-ni, Đại Sư của bà. Bây giờ bà may cho tôi một pháp y tốt để tôi đem đến chỗ Thế Tôn xin xuất gia học đạo.”

Lúc ấy, người vợ lấy xấp vải lụa trắng, sai may pháp y cho ông. Bà-la-môn cầm y đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay con có thể xuất gia học đạo, tu phạm hạnh, ở trong pháp của Thế Tôn được không?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nay, ông có thể xuất gia học đạo, tu các phạm hạnh, trong Pháp luật này.”

Ông liền xuất gia, một mình ở chỗ vắng suy tư về lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo,... cho đến đắc A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

]

 

KINH 1159. MA-CÙ [51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Ma-cù[52] đến chỗ Phật, cùng nhau chào hỏi an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, ở nhà con thường hay bố thí. Nếu một người đến thì bố thí cho một người. Nếu hai người, ba người cho đến trăm ngàn, tất cả đều bố thí hết. Con bố thí như vậy có được nhiều phước không?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ông bố thí như vậy, thật được phước lớn. Vì sao? Vì ở nhà ông thường làm việc bố thí. Một người đến xin liền thí cho một người. Hai người, ba người, cho đến trăm ngàn người đến xin, tất cả đều được thí cho, nên được phước lớn.”

Lúc ấy, Bà-la-môn Ma-cù liền nói kệ:

Tại gia thường tổ chức,

Bố thí cùng đại hội;

Nhờ việc bố thí này,

Muốn cầu công đức lớn.

Nay xin hỏi Mâu-ni,

Những hiểu biết của con;

Đồng sở kiến Phạm thiên?

Vì con phân biệt nói.

Làm sao để giải thoát,

Về đường lành thắng diệu?

Phương tiện nào để tu,

Được sanh về Phạm thế?

Tùy vui bố thí gì,

Sanh Phạm thiên thù thắng?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Người lập đại hội thí,

Tùy sở thích bố thí kia,

Tâm tịnh tín, hoan hỷ,

Duyên vào công đức lành.

Nhờ sự kiến lập đó,

Mong xa lìa lỗi ác;

Xa lìa nơi tham dục,

Tâm kia khéo giải thoát.

Tu tập nơi lòng từ,

Công đức này vô lượng.

Huống lại thêm chí thành,

Mở đại hội thí khắp.

Nếu ở trong hội này,

Có được các tâm lành;

Hướng đến khéo giải thoát,

Hoặc đến đường thuần thiện.

Nhân thù thắng như vậy,

Được sanh về Phạm thiên;

Người bố thí như vậy,

Nhờ tâm kia bình đẳng.

Nên sanh về Phạm thế,

Thọ mạng được lâu dài.

Sau khi Bà-la-môn Ma-cù nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

]

 

KINH 1160. CẦM LỌNG VÀNG[53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn dẫn theo tùy tùng cầm lọng hoa[54], mang xá-lặc[55], đi đến chỗ Phật, cùng nhau chào hỏi, an úy xong, ngồi lui qua một bên, mà nói kệ:

Nếu phi Bà-la-môn,

Sở hành không thanh tịnh[56].

Sát-lợi tu khổ hạnh,

Cúng trái ngược với tịnh.

Bà-la-môn Ba kinh[57]:

Đây mới là thanh tịnh;

Người thanh tịnh như vậy,

Chúng sanh khác không có.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Không biết đạo thanh tịnh,

Và các tịnh vô thượng;

Ai tìm tịnh nơi khác,

Cuối cùng không được tịnh.

Bà-la-môn bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài giảng về đạo thanh tịnh và thanh tịnh vô thượng chăng? Thế nào là đạo thanh tịnh? Thế nào là thanh tịnh vô thượng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Chánh kiến là đạo thanh tịnh. Tu tập, tu tập nhiều chánh kiến, sẽ đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế và đoạn trừ ngu si. Nếu Bà-la-môn nào đã đoạn hẳn tham dục, đã đoạn hẳn sân nhuế, si mê, dứt hẳn hết cả phiền não, thì gọi là thanh tịnh vô thượng. Chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định gọi là đạo thanh tịnh. Sau khi tu tập, tu tập nhiều về chánh định, đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế, đoạn trừ ngu si và đoạn trừ hẳn tất cả phiền não thì gọi là thanh tịnh vô thượng.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài giảng về đạo thanh tịnh và thanh tịnh vô thượng chăng? Bạch Cù-đàm, thế gian nhiều việc nay con xin kiếu từ trở về.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nên biết đúng thời.”

Bà-la-môn dẫn tùy tùng cầm lọng hoa, mang xá-lặc, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

]

 

KINH 1161. LA-HÁN PHÁP[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn đi đến chỗ Phật, cùng nhau chào hỏi úy lạo xong, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Thế nào là Thi-la?

Thế nào là oai nghi?

Thế nào là công đức?

Thế nào gọi là nghiệp?

Thành tựu những pháp nào,

Bà-la-môn La-hán?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Trí nhớ biết túc mạng,

Thấy sanh thiên, đường dữ;

Các thọ sanh đã đoạn,

Mâu-ni minh quyết định[59].

Biết tâm khéo giải thoát,

Giải thoát tất cả tham;

Đầy đủ cả ba minh,

Ba minh Bà-la-môn.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

]

 

KINH 1162. VỢ CHỒNG GIÀ[60]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, có Tôn giả A-nan đi theo sau Thế Tôn.

Khi ấy có hai lão nam nữ là vợ chồng, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu. Họ đến đầu ngõ hẻm, chỗ đốt phân rác, cùng ngồi chồm hỗm hơ lửa. Thế Tôn thấy hai vợ chồng già này, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm. Thấy rồi, bảo Tôn giả A-nan:

“Ông có thấy hai vợ chồng kia, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, cùng ngồi chồm hỗm hơ lửa, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm chăng?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo A-nan:

“Hai vợ chồng già này, vào thời thiếu niên, thân thể tráng kiện, nếu siêng năng tìm cầu tài vật, cũng có thể là gia chủ giàu có nhất trong thành Xá-vệ. Còn nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, tinh cần tu tập, thì cũng có thể chứng được thượng quả đệ nhất A-la-hán. Nếu ở giữa phần hai cuộc đời còn tráng kiện, siêng năng tìm cầu tài vật thì cũng có thể trở thành người giàu thứ hai trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả A-na-hàm. Nếu ở giữa phần ba trung niên, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ ba trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tư-đà-hàm. Nếu ở phần thứ tư, khi tuổi già, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ tư trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tu-đà-hoàn. Nhưng ngày hôm nay, họ tuổi già, các căn suy yếu, không có tiền của, không có phương tiện, không có khả năng; lại không thể kham năng nếu có tìm kiếm tiền của, cũng không có cách nào để chứng đắc Pháp thượng nhân được.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Vì không hành phạm hạnh;

Nên niên thiếu không của;

Suy nghĩ việc xa xưa,

Ngủ đất như cung cong.

Không tu hành phạm hạnh;

Niên thiếu không tài sản;

Giống như chim hạc già,

Chờ chết nơi đầm hoang.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, phụng hành.

]

 

KINH 1163. GIÀ CHẾT[61]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Nói như trên chỉ có khác ở bài kệ:

Hoại diệt bởi già chết,

Thân và cảm thọ diệt.

Chỉ có phước bố thí,

Là tư lương theo mình.

Nhiếp hộ nương vào thiện,

Và tu thiền công đức.

Tùy sức mà bố thí,

Tiền tài và ẩm thực.

Tỉnh thức giữa đám mê,

Không phải sống luống không.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn kia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

q


 

[1].    Đại Chánh, quyển 42. Quốc Dịch, quyển 36, “Tụng vii Kệ; 4. Tương ưng Câu-tát-la”, phẩm 2 tiếp theo. Ấn Thuận, “Tụng viii Tám chúng; 20. Tương ưng Sát-lợi” tiếp theo (Đại Chánh quyển 40, kinh 1226-1239). Phật Quang, quyển 42. Đại Chánh kinh 1145, Pāli, S. 3. 3. Issattha. Biệt dịch, №100(68).

[2].    Ba-tư-nặc 波斯匿. Pāli: Pasenadi.

[3].    Pāli: kattha dànaư dàtabbaư, “sự cho cần được cho ở đâu?”; kattha dinnaṃ mahapphalaṃ, “vật cho ở đâu có kết quả lớn?”

[4].    Pāli: bhareyyāsi taṃ purisaṃ, “Vua có phù trì người ấy không?”

[5].    Hán: cao xướng tăng hoan thọ 高唱增[08][09](bản Cao-ly: ái ). Pāli: āmodamāno pakireti, detha dethāti bhāsati, phân phát với tâm hoan hỷ, người ấy nói, “Hãy bố thí! Hãy bố thí.”

[6].    Pāli, S.3.21. Puggala. Biệt dịch, №100(69).

[7].    Pāli: lohitamalā vā lohitamalaṃ gaccheyya, từ chỗ vấy bẩn máu đi đến chỗ vấy bẩn máu.

[8].    Hán: đăng sàng 登床. Pāli: pathaviyā pallaṅkaṃ āroheyya “người từ đất nhảy lên kiệu”.

[9].    Pāli, S.3.25. Pabbatūpamā. Biệt dịch, №100(70).

[10]Bản Cao-ly, Ấn Thuận: nhật nhật nhật nhật 日日; mỗi ngày. Biệt dịch: nhật trung, giữa trưa. Phật quang: bạch nhật, ban ngày. Pāli: divā divassa, buổi sáng sớm.

[11]Quán đảnh vương. Pāli: Khattiya-muddhāvasitta-rājan, vua thuộc dòng Sát-đế-lợi, đăng quang bằng phép quán đảnh.

[12]Pāli: issariyamadamattaṃ, kiêu hãnh với vương quyền.

[13]Hán: hữu tín, hữu duyên 有信有緣. Pāli: saddhāyiko paccayiko, người thân tín, đáng tin cậy.

[14]Pāli, S.3.11. Jaṭila. Biệt dịch, №100(71).

[15]Xà-kỳ-la 闍祇羅. Pāli: jaṭila, đạo sĩ bện tóc.

[16]Nhất-xá-la 一舍羅. Pāli: ekasāṭaka, ngoại đạo một y (khoác một mảnh vải duy nhất).

[17]Pāli: saṃvāsena … sīlaṃ veditabbaṃ, bằng sự sống chung mà biết được giới hạnh của một người.

[18]Pāli: saṃvohārena … soceyyaṃ veditbbaṃ, bằng nghiệp vụ chung mới biết được sự thanh tịnh của một người.

[19]Pāli: āpadāsu … thāmo veditabbo, trong những khổ nạn mới biết sức chịu đựng của một người.

[20]Hán: kiến thuyết tri minh 見說知明. Pāli: sākacchāya … paññā viditabbā, cùng đàm luận mới biết trí tuệ của một người.

[21]Đại Chánh: 鋀石銅? Ấn Thuận, Phật quang: thâu thạch đồng 鍮石銅, loại đồng đỏ. Pāli: patirūpako mattikakuṅḍalo, hoa tai bằng đất sét được thếp vàng.

[22]Pāli, S.3.12. Pañcarājāno. Biệt dịch, №100(72); №125(33.1).

[23]Pāli: năm vua.

[24]Chiên-đàn Ưu-bà-tắc 栴檀優婆塞. Pāli: Candanaṅgaliko upāsako.

[25]Hán: Ương-kỳ quốc minh hiển » Trong Pāli, Aṅgīrasa là xưng hiệu thường dùng để chỉ Phật, vì dòng họ Gotama nguyên thủy thuộc bộ tộc Aṅgīrasa.  Bản Hán hiểu đây là tên một nước.

[26]Pāli, S.3.13. Doṇapāka. Biệt dịch, №100(73).

[27]Uất-đa-la 鬱多羅. Pāli: Sudassano māṇavo.

[28]Quốc Dịch, quyển 36, phần cuối, “Tụng vii. Kệ. 5. Tương ưng Bà-la-môn”, hai phẩm. Ấn Thuận, “Tụng viii. Tám chúng; 21. Tương ưng Bà-la-môn” ba mươi tám kinh: 1250-1287 (Đại Chánh, quyển 42, kinh 1151-1163; quyển 3 (phần cuối) và quyển 4 (phần đầu), kinh 88-102; quyển 44 (phần đầu), kinh 1178-1187). Quốc Dịch, phẩm 1. Pāli, S.7.3. Asurinda. Biệt dịch, №100(74).

[29]Niên thiếu A-tu-la 年少阿修羅. Pāli: AurindakaBhāradvājo brāhmaṇo, người Bà-la-môn tên là Asurindaka Bhāradvāja.

[30]Bản Pāli: Nghe tin anh mình xuất gia theo Phật, Asurindaka giận dữ, đến mắng Phật.

[31]Pāli, S.7.3. Akkosa. Biệt dịch, №100(75).

[32]Tân-kỳ-ca Bà-la-môn 賓耆迦婆羅門; phiên âm từ Bilaṅgika (?); xem cht. 35, kinh 1154. Pāli: AkkosakaBhāradvājo brāhmaṇo; trong bản Pāli, người này là anh của người được đề cập trong kinh trên.

[33]Hán: tương tặng di, tương dữ 相贈遺相與. Pāli: sambhuñjati, vītiharati; ăn chung với nhau (= giao tế), trao đổi nhau (giao hoán).

[34]Pāli, S.7.2. Akkosa. Biệt dịch, №100(76).

[35]Kiện Mạ Bà-la-đậu-bà-giá 健罵婆羅豆婆遮. Pāli: Akkosa-Bhāradvāja. Biệt danh Akkosa (Kiện Mạ), vì đến nhiếc mắng Phật.

[36]Pāli, S. 7.4. Bilaṅgika. Biệt dịch, №100(77).

[37]Xem kinh 1153. Bản Pāli: Bilaṅgika.

[38]Pāli, S.7.16. Paccanīka. Biệt dịch, №100(78).

[39]Vi Nghĩa 違義. Pāli: Paccanīkasāta.

[40]Pāli, S.7.5. Ahisa. Biệt dịch, №100(79), №101(26).

[41]Bất Hại 不害. Pāli: Ahiṃsaka.

[42]Pāli, S.7.12. Udaya. Biệt dịch, №100 (80).

[43]Hỏa Dữ 火與. (Pāli: Aggidatta?). Nhưng, bản Pāli: Udaya.

[44]Pāli, S.7.1. Dhānañjanī. Biệt dịch, №100(81).

[45]Bà-tứ-tra 婆肆吒. Oali: Dhānañjanī.

[46]Vô gián tuệ 無間慧.Tống-Nguyên-Minh: vô văn tuệ 無聞慧

[47]Nam-mô Đa-đà-a-già-độ A-la-ha Tam-miệu-tam-phật-đà 南無多陀阿伽度阿羅呵三 藐三佛陀. Pāli: Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

[48]Tam minh đại đức Bà-la-môn 三明大德婆羅門; đây chỉ ba bộ Vệ-đa nguyên thuỷ. Cf. Pāli, Di. 88: tiṇṇaṃ vedānaṃ pāragū, (người Bà-la-môn) tinh thông ba tập Vệ-đà.

[49]Cf. Di.90, văn Pāli về những lời mà Bà-la-môn chưởi Phật và đệ tử: ye ca kho te … muṇḍakā samaṇakā ibbhā kiṇhā bandhupādāpaccā, “bọn chúng là những Sa-môn trọc đầu, ti tiện, đen điu, con cháu của bọn tiện tì”.

[50]Đại Chánh: vô ngại đẳng 無閡等. Về vô gián đẳng, tức hiện quán Thánh đế, xem các kinh trên (quyển 1, 3, 5, 6, 10…)

[51]Pāli, Sn. 3. 5. Māgha-sutta. Biệt dịch, №100(82).

[52]Ma-cù 魔瞿. Pāli: Māgha māṇava.

[53]Pāli, S.7.7. Suddhika. Biệt dịch, №100(83).

[54]Bản Cao-ly: kim cái 金蓋 . Bản Tống-Nguyên-Minh: hoa cái 花蓋 . Ấn Thuận và Quốc Dịch đều đọc là kim cái: lọng có cán bằng vàng.

[55]Xá-lặc 舍勒; Huyền ứng âm nghĩa 16: “Xá-lặc, đây nói là y; hoặc nói là nội y”. Tức cái quần (Pāli: sāluka). Bản Pāli không có các chi tiết này.

[56]Hán: vô phi…, có lẽ dư một phủ định từ. Cf. Pāli, S. ibid.: Na brāmaṇo sujjhati koci loke, sīlavā pi tapo karaṃ, không Bà-la-môn trong đời này được thanh tịnh, dù có trì giới, tu khổ hành (trừ phi vị ấy tinh thông ba bộ Vệ-đà).

[57]Tam điển Bà-la-môn 三典婆羅門; chỉ Bà-la-môn tinh thông ba bộ Vệ-đà nguyên thủy.

[58]Quốc Dịch, phẩm 2. Pāli, S.7.8. Aggika (không hoàn toàn tương đương). Biệt dịch, №100(84).

[59]Minh, chỉ ba minh vừa nêu trên: túc mạng trí minh, sanh tử trí minh, lậu tận trí minh.

[60]Biệt dịch, №100(85).

[61]Pāli, A. 3. 51-52. Jinna.

.

--- o0o ---

Mục Lục

01|02|03|04|05|06|07|08|09|10

11|12|13|14|15|16|17|18|19|20

21|22|23|24|25|26|27|28|29|30

31|32|33|34|35|36|37|38|39|40

41|42|43|44|45|46|47|48|49|50

--- o0o ---

Source: www.phatviet.com

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-4-2005

 

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

å ç æžœ Bưởi 村上市お墓 îlº 共业 定义 sống nom tu bi 生日祝福语 1992 梵僧又说我们五人中 åœ å æ³ cuoc Æ 看完新闻联播的观后感 お墓の種類と選び方 七佛灭罪真言全文念诵 æµæŸçåŒçŽ tính nhân bản của luật nhân quả ß nữ hÓi 丢失菩提心的因缘 tại sao đổi từ ấn độ giáo sang phật 即刻往生西方 礼佛大忏悔文 mon quá 念地藏圣号发愿怎么说 tột hạnh phúc toàn diện 10 điều tính dung dị của người việt qua ca dao không 大一学期改进措施与下学期计划 mật Nguyên tuy åƒäæœä½ 四十二章經全文 cao pho hoa thuong thich quang buu 原子电负性的影响因素 พระร ตนไต 轉識為智 บทถวายส งฆทานสด tu giác ngộ là gì 簡単便利戒名授与水戸 tìm Chạy