中 阿 含 經
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng, vườøn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như lúc mưa lớn, bọt nước sanh ra rồi diệt. Nếu ai có mắt đứng yên một nơi mà quán sát bọt nước khi sinh, khi diệt. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như mưa lớn, giọt nước rơi xuống hoặc chỗ cao, hoặc ở chỗ thấp; nếu ai có mắt, đứng yên một nơi mà quán sát nước lúc giọt chỗ cao, lúc giọt chỗ thấp. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như ngọc lưu ly, thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết, ô uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc đen, trắng; người nào có mắt, đứng yên một chỗ mà quán sát ngọc lưu ly này thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết, ô uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, đen, trắng. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như hai nhà có chung cửa ngõ, nhiều người ra vào; nếu ai có mắt, đứng yên một chỗ thì thấy người ra, kẻ vào. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Nếu ai có mắt, đứng yên trên lầu cao nhìn người dưới thấp qua lại, đổi thay đủ cách, ngồi, nằm, chạy, nhảy. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Nếu chúng sinh nào sinh ở nhân gian, không hiếu thảo với cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau, thì do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh ấy sanh vào cảnh giới của Diêm vương. Người của Diêm vương bắt đưa đến chỗ vua và thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, chúng sinh này lúc còn làm người, không hiếu thảo cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau. Mong Thiên vương trừng phạt đúng theo tội trạng của nó.
“Bấy giờ, Thiên vương dẫn Thiên sứ thứ nhất ra mà tra hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ nhất đến không?
“Chúng sinh đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Ở trong một thôn ấp có hài nhi bé nhỏ hoặc nam hoặc nữ thân thể yếu đuối, nằm ngửa giữa phẩn và nước tiểu, không thể kêu cha mẹ; cha mẹ bồng khỏi chỗ bất tịnh, tắm rửa thân nó cho được sạch sẽ. Người có thấy cảnh tượng đó không?
“Chúng sinh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ rằng: ‘Chính ta lệ thuộc sự sanh[2], không lìa khỏi sinh; ta nên làm nghiệp thiện với thân, khẩu và ý?’
“Chúng sinh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do Trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ nhất này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ hai ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ hai đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Trước kia ở trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn bà hoặc đàn ông, tuổi quá già nua, sức sống rũ liệt gần tàn, răng rụng, tóc bạc, lưng còm, chống gậy mà đi, thân thể run rẩy?
“Chúng sinh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
“Diêm vương lại bảo:
“– Ngươi từ đó về sau, khi đã có hiểu biết, tại sao không nghĩ rằng: 'Chính ta lệ thuộc sự già, không lìa khỏi sự già; ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’
“Chúng sanh kia hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ hai này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ ba ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ ba đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Trước kia trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn ông hoặc đàn bà bệnh tật nguy khốn, hoặc nằm ngồi trên giường, hoặc nằm ngồi trên chõng, hoặc nằm ngồi dưới đất, thân thể rất đau đớn, đau đớn cùng cực, không thể ái niệm, để cho rút ngắn mạng sống chăng?
“Chúng sanh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, khi ngươi đã có hiểu biết, nhưng tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự tật bệnh, không lìa khỏi bệnh. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’
“Chúng sanh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ ba này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ tư ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ tư đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Trước kia, trong một thôn ấp, ngươi có thấy người đàn ông hay đàn bà lúc chết rồi qua một hai ngày cho đến sáu bảy ngày bị quạ mổ, chó ăn, hoặc lửa đốt, hoặc chôn xuống đất, hoặc vữa nát tan?
Chúng sanh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
“Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã có hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự chết, ta không lìa khỏi sự chết. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’
“Chúng sanh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ tư này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ năm ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ năm đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Ngươi trước đây không thấy chăng, người của vua tróc nã kẻ phạm tội, tra khảo, trừng trị đủ cách, như chặt tay, chặt chân, hoặc chặt cả tay chân; xẻo tai, xẻo mũi, hoặc xẻo cả mũi tai; hoặc thái hoặc cắt; nhổ râu, nhổ tóc, hoặc nhổ cả râu tóc; hoặc bỏ vào trong cũi, quấn trong vải mà đốt; hoặc dùng cát lấp kín, dùng cỏ quấn lại mà đốt; hoặc bỏ vào trong bụng con lừa bằng sắt, hoặc bỏ vào trong miệng con heo bằng sắt, hoặc đặt vào trong miệng cọp bằng sắt mà đốt; hoặc bỏ vào trong chảo bằng đồng, hoặc bỏ vào trong chảo bằng sắt mà nấu; hoặc chặt ra từng đoạn; hoặc dùng chĩa nhọn mà đâm, hoặc dùng móc mà móc; hoặc bắt nằm trên giường sắt mà dội nước sôi; hoặc cho người vào cối sắt, dùng chày sắt mà giã; hoặc cho rắn rít mổ; hoặc dùng roi da mà quất, hoặc dùng gậy mà đánh, hoặc dùng hèo mà phang; hoặc treo sống lên ngọn nêu cao, hoặc chặt đầu đem bêu?
“Chúng sanh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, khi ngươi đã hiểu biết, tại sao không nghĩ: ‘Nay ta hiện thấy điều ác, bất thiện’?
“Chúng sanh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Diêm vương đã dẫn Thiên sứ thứ năm này ra để khéo tra hỏi, khéo kiểm xét, khéo giáo hóa, khéo quở trách xong, liền giao phó chúng sanh ấy cho ngục tốt. Ngục tốt liền dẫn y giam vào trong đại địa ngục có bốn cửa.
“Ở đây có bài tụng rằng:
Bốn trụ có bốn cửa,
Vách vuông mười hai góc,
Dùng sắt làm tường rào,
Ở trên đậy nắp sắt.
Trong ngục đất bằng sắt,
Hừng hực lửa sắt nung,
Suốt vô lượng do-diên,
Cho đến tận đáy đất.
Cực ác không chịu nổi,
Sắc lửa khó nhìn thấy,
Thấy rồi, lông dựng đứng,
Khủng khiếp, sợ, rất khổ.
Chúng sanh đọa địa ngục,
Chân treo, đầu chúc xuống,
Do phỉ báng Thánh nhân,
Điều ngự thiện, Thánh thiện.
“Một thời gian thật lâu xa về sau, trong bốn cửa của đại địa ngục, cửa phía Đông liền mở cho chúng sanh kia. Sau khi cửa mở, các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, tìm chỗ nương tựa. Nếu khi các chúng sanh ấy tụ tập khoảng vô lượng trăm ngàn, thì cửa phương Đông của địa ngục liền tự đóng lại. Chúng sanh ở trong đó chịu đựng khổ đau cùng cực, khóc lóc kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Một thời gian lâu xa nữa, cửa Nam, cửa Tây, cửa Bắc lại mở. Khi cửa Bắc đã mở, các chúng sanh kia liền nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, tìm chỗ nương tựa. Các chúng sanh kia nếu khi tụ tập đến số vô lượng trăm ngàn, thì cửa Bắc của địa ngục tự nhiên đóng lại. Những chúng sanh ở trong đó chịu khổ đau cùng cực, khóc lóc, kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, các chúng sanh kia ra khỏi đại địa ngục Bốn cửa. Tiếp theo đại địa ngục Bốn cửa, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Phong nham[3], lửa đầy bên trong, không khói, không lửa ngọn, khiến các chúng sanh ấy đi trên lửa, qua lại khắp nơi, da thịt, máu huyết ở đôi bàn chân, bước xuống thì cháy sạch mà dở lên thì sanh lại như cũ. Địa ngục ấy hành hạ các chúng sanh ấy như vậy cho đến vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột vẫn không chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian thật lâu xa về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi địa ngục Phong nham. Tiếp theo địa ngục Phong nham, lại sanh vào đại địa ngục Phấn thỉ[4], bên trong đầy dẫy phân, sâu đến vô lượng trăm trượng. Các chúng sanh kia đọa hết vào trong đó. Trong đại địa ngục Phấn thỉ ấy có rất nhiều sâu. Sâu tên là Lăng-cù-lai[5], thân trắng đầu đen, mỏ nhọn như kim. Loại trùng này rúc rỉa, đục phá chân của chúng sanh kia; sau khi đục phá chân, lại đục phá xương đùi; sau khi đục phá xương đùi, lại đục phá xương bắp vế; sau khi phá xương bắp vế, lại đục phá xương bàn tọa; đục phá xương bàn tọa xong, lại đục phá xương sống; đục phá xương sống xong, lại đục phá xương vai, xương cổ, xương đầu; đục phá xương đầu xong, lại ăn sạch não. Các chúng sanh kia chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu đau khổ cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian rất lâu về sau, các chúng sanh kia ra khỏi địa ngục Phấn thỉ. Tiếp theo địa ngục Phấn thỉ, lại sanh vào đại địa ngục Thiết diệp lâm[6]. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là mát mẻ, nghĩ rằng: ‘Chúng ta qua nơi khoái lạc ấy để được mát mẻ’. Các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, muốn tìm chỗ nương tựa. Nếu tụ tập được vô lượng trăm ngàn, thì các chúng sanh ấy liền vào trong đại địa ngục rừng cây lá sắt. Trong đại địa ngục Thiết diệp lâm đóù, bốn bề có gió nóng lớn thổi đến; gió nóng thổi đến thì lá cây bằng sắt rụng xuống. Lá sắt rụng cắt lìa tay, cắt lìa chân, hoặc cắt lìa cả tay chân; cắt lìa tai, cắt lìa mũi hoặc cắt lìa cả tai lẫn mũi và các bộ phận còn lại; cắt thân máu chảy vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy có chó rất lớn xuất hiện, răng dài thườn thượt, ngoạm cả chúng sanh kia, lột da từ chân đến đầu mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu khổ đau cùng tột vẫn không thể chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của chúng dứt sạch. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy có con chim đen lớn, có hai đầu, mỏ sắt, đứng trên trán chúng sanh, mổ sống con mắt mà nuốt; mổ vỡ sọ lấy não mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Sau một thời gian hết sức lâu dài, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết diệp lâm. Tiếp theo đại địa ngục Thiết diệp lâm, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Thiết kiếm thọ[7]. Đại kiếm thọ cao một do-diên, mũi nhọn dài một thước sáu, chúng sanh kia bị bắt trèo lên tuột xuống. Lúc mới từ dưới leo lên cây thì mũi nhọn chúc xuống; lúc trên cây tuột xuống thì mũi nhọn lại dựng lên; mũi nhọn của kiếm thọ đâm suốt thân chúng sanh, đâm tay, đâm chân hoặc đâm cả tay chân; đâm tai, đâm mũi, hoặc đâm cả tai mũi và các bộ phận khác nữa; đâm thân máu đổ suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng cực, rốt cuộc vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian lâu dài về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết kiếm thọ. Tiếp theo đại địa ngục Thiết kiếm thọ, các chúng sanh ấy lại sanh vào địa ngục Hôi hà[8], có hai bờ rất cao bao quanh tạo thành mũi nhọn. Trong sông có nước tro sôi và tối om. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là nước mát, nghĩ rằng ‘sẽ có[9] mát’. Sau khi tưởng như vậy, các chúng sanh ấy liền nghĩ: ‘Chúng ta đến đó tắm rửa, tha hồ uống no, được mát mẻ khoái lạc’. Các chúng sanh ấy tranh nhau chạy đến mà vào trong đó, muốn tìm nơi hoan lạc, tìm chỗ nương tựa. Nếu các chúng sanh ấy tụ tập chừng vô lượng trăm ngàn, thì liền rớt xuống sông tro. Sau khi rơi vào sông tro, có chúng sanh trôi ngược rồi lại trôi xuôi. Lúc các chúng sanh trôi xuôi, trôi ngược, trôi cả ngược xuôi thì da chín rã xuống, chỉ còn lại xương tủy. Hai bên bờ sông tro có lính địa ngục, tay cầm đao kiếm hoặc chĩa sắt lớn. Các chúng sanh ấy muốn leo lên bờ, tức thì lính ngục đẩy nhận xuống. Lại nữa, hai bên bờ sông tro có lính địa ngục tay cầm móc câu liệng xuống, móc chúng sanh từ sông tro lên bỏ vào nơi sắt nóng, lửa cháy hừng hực, móc chúng sanh ấy đưa lên rồi quật mạnh xuống đất. Rơi xuống, chúng sanh ấy đang quằn quại, bị cật vấn:
“– Ngươi từ đâu lại?
“Các chúng sanh ấy cùng đáp:
“– Chúng tôi không biết từ đâu đến, nhưng hiện giờ chúng tôi chỉ sợ đói lắm.
“Lính địa ngục ấy liền xách chúng sanh liệng lên giường sắt nóng, lửa cháy hừng hực, bắt ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng kẹp vạch miệng ra, dùng hòn sắt nóng đang cháy hừng hực, bỏ vào. Hoàn sắt nóng ấy đốt cháy môi; cháy môi xong, đốt cháy lưỡi; cháy lưỡi xong, đốt lợi răng; lợi cháy xong, đốt cuống họng; cuống họng cháy xong, đốt tim; tim cháy xong, đốt ruột già; ruột già cháy xong, đốt dạ dày; dạ dày cháy xong hoàn sắt từ thân rơi xuống. Các chúng sanh ấy bị bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng cực, rốt cuộc không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Lại nữa, lính địa ngục ấy hỏi chúng sanh:
“– Ngươi muốn đi đâu?
“Chúng sanh đáp:
“– Chúng tôi chẳng biết muốn đi đâu, chỉ sợ khát lắm.
“Ngục tốt liền xách chúng sanh ném lên giường sắt nóng đang cháy đỏ rực, bắt buộc ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng, kẹp vạch miệng ra, lấy nước đồng sôi rót vào. Nước đồng sôi đó đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi răng, đốt lợi răng rồi đốt cuống họng, đốt cuống họng rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt ruột già, đốt ruột già rồi đốt ruột non, đốt ruột non rồi đốt dạ dày, đốt dạ dày rồi nước ấy từ thân chảy xuống. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Nếu nghiệp ác bất thiện mà những chúng sanh ở địa ngục kia không dứt sạch, không dứt sạch tất cả, không dứt sạch đến mức không còn lưu dư thì những chúng sanh ấy lại rơi vào đại địa ngục Sông tro, lại chịu cảnh trèo lên tuột xuống ở đại địa ngục Rừng cây kiếm sắt, lại vào đại địa ngục Rừng cây lá sắt, lại rớt xuống đại địa ngục Phấn thỉ, lại qua đại địa ngục Phong nham, lại vào Bốn cửa đại địa ngục.
“Nếu nghiệp ác bất thiện của những chúng sanh kia dứt sạch, dứt sạch tất cả, dứt sạch đến mức không còn lưu dư, thì những chúng sanh ấy từ đó về sau hoặc đọa vào loài súc sanh, hoặc đọa vào loài ngạ quỷ, hoặc sanh vào cõi trời. Nếu lúc ấy chúng sanh đó vốn là người mà bất hiếu với cha mẹ, không biết tôn kính Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau thì phải thọ khổ báo không khả ái, không khả niệm, không khả hỷ như vậy, giống như trong địa ngục kia. Nếu chúng sanh kia vốn là người mà hiếu thuận với cha mẹ, biết tôn kính Sa-môn, Phạm chí, làm đúng như thật, tạo nghiệp phước đức, sợ tội đời sau, thì được thọ lạc báu khả ái, khả niệm, khả hỷ như thế, giống như trong cung điện của thần Hư không.
“Thuở xưa, Diêm vương ở tại viên quán mà nguyện rằng: ‘Thân mạng này mất, ta được sanh vào loài người. Nếu có dòng họ nào giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ; dòng họ ấy là gì? Tức là Đại trưởng giả thuộc dòng Sát-lợi, Đại trưởng giả thuộc dòng Phạm chí, Đại trưởng giả thuộc dòng Cư sĩ. Nếu có dòng họ giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ như thế, thì ta mong sanh vào nhà ấy. Sau khi sanh vào thì giác căn thành tựu, mong được tịnh tín pháp luật chân chánh do Đức Như Lai nói ra. Được tịnh tín rồi thì cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo. Con nhà quý tộc đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo thì chỉ mong cầu vô thượng phạm hạnh, trong đời hiện tại, tự biết, tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.’
“Thuở xưa, Diêm vương ở trong viên quán đã nguyện như thế.”
Bấy giờ có bài tụng rằng:
Bị Thiên sứ quở trách,
Người vẫn cứ phóng dật,
Chuốc sầu não mãi hoài,
Tệ ấy do dục che.
Bị Thiên sứ quở trách,
Quả thật có thượng nhân,
Không còn phóng dật nữa,
Khéo nói diệu Thánh pháp.
Thấy thọ là khiếp sợ,
Mong cầu sanh, lão dứt,
Không thọ, diệt không còn,
Thế là sanh lão hết.
Là an ổn khoái lạc,
Đắc diệt độ đời này,
Vượt khỏi mọi khiếp sợ,
Cũng vượt dòng thế gian.
Phật dạy như vậy. Sau khi nghe xong điều Đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.
[1]. Tương đương Pāli: M.130 Devadūta-suttaṃ; A. 3. 35. Devadūta. Hán biệt dịch, No.42 Phật Thuyết Thiết Thành Nê-lê Kinh, Đông Tấn Trúc Đàm-vô-lan dịch; No.43 Phật Thuyết Diêm-la Vương Ngũ Thiên Sứ Giả Kinh, Lưu Tống, Tuệ Giản dịch; No.86 Phật Thuyết Nê-lê Kinh, Đông Tấn Trúc Đàm-vô-lan dịch; 125 (32.4) Tăng Nhất, phẩm 32 kinh số 4.
[2]. Hán: ngã tự hữu sanh pháp 我 自 有 生 法, ta tự mình có pháp sanh. Pāli: ahampi khomhi jātidhammo.
[3]. Phong nham địa ngục 峰 巖 地 獄, địa ngục vách núi. Pāli:
[4]. Phấn thỉ địa ngục 糞 屎 地 獄, địa ngục bằng phân cứt. Pāli: Gūtha-nirya.
[5]. Lăng-cù-lai 凌 瞿 來.
[6]. Thiết điệp lâm 鐵 鍱 林, rừng cây là sắt. Pāli: Asipattavana-niraya, địa ngục rừng là gươm (kiếm diệp lâm).
[7]. Thiết kiếm thọ 鐵 劍 樹, cây bằng gươm sắt. Pāli: simbalivana (châm thọ lâm), rừng cây kim.
[8]. Hôi hà 灰 河, sông tro. Pāli: Khārodakā nadī, sông đá vôi.
[9]. Thường hữu 常 有; Tống-Nguyên-Minh: đương hữu 當 有, sẽ có.
Cập nhật: 01-05-2003
Nguồn: www.quangduc.com