PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA

(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)

 Chánh Trí Mai Thọ Truyền

--- o0o ---

Quyển 5

 

PHẨM THỨ 14

AN LẠC HẠNH (La position commode) 

Bây giờ, Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Thế-Tôn! Các vị Bồ-tát này làm việc khó có là phát nguyện hộ-trì, đọc nói Kinh Pháp-Hoa trong đời ác trược về sau. Thế-Tôn! Làm thế nào mà các vị Bồ-tát lại nói được Kinh Pháp-Hoa trong đời ác trược. Phật bảo Văn-Thù: Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát, ở đời ác trược, muốn nói kinh  này, thì nên an trú vào 4 pháp sau đây:

1.      Hành xứ: Bồ-tát hành xứ là đứng vững trên đất nhẫn-nhục, dịu hòa, thuận thảo mà không nóng nảy, tâm cũng chẳng sợ sệt, lại ở trong muôn vật mà lòng không xao xuyến, xem muôn vật trống không như “thực tướng”([1]), không nghĩ ngợi gì mà cũng không phân biệt.

2.      Thân-cận xứ: Bồ-tát không gần gũi:

-   hạng người quyền thế( vua, con vua,,quan lớn, quan nhỏ)

-   hạng người tu theo ngoại đạo (Phạm-chí, Ni-kiền-tử….)([2])

-   hạng văn nhân, thi sĩ của thế tục.

-   các phái Lộ-già-da-đà, Nghịch-lộ-già-da-đà…([3])

-   hạng người chơi hung, lấy sự đâm chém, đánh đá làm thích

-   bọn na-la([4]) quen chơi với sự tà thuật biến hoá.

-   bọn Chiên-đà-la (Tchandâlas)([5])

-   hạng người làm sai giới luật như nuôi heo, dê, gà, chó, đi săn, chài lưới.

Những người trong các giới ấy, nếu có lúc họ đến với mình, thì Bồ-tát phải vì họ mà giảng dạy cho họ nghe, lòng đừng hy vọng mong cầu một điều gì.

Cũng không nên làm thân với những người cầu được làm Thanh-văn, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cũng không nên hỏi chuyện họ. Dầu ở trong phòng, dầu lúc đang đi kinh hành, dầu lúc ở giảng đường, bất luận ở đâu, không nên làm họ đứng dừng một chỗ. Nếu gặp lúc họ đến với mình thì tùy nghi mà thuyết pháp, lòng đừng hy-vọng mong cầu một điều gì.

Văn-Thù Sư-Lợi! Bồ-tát lại còn không nên ngó thân người nữ mà sanh lòng ham muốn rồi nói pháp cho họ nghe, cũng đừng ưa thấy nữ nhân. Khi vào nhà người, đừng nói chuyện với trẻ gái nhỏ, con gái lớn và đàn bà goá. Cũng không nên gần những người “bất nam”. Đừng một mình vào nhà người. Nếu có duyên cớ cần vào nhà người một mình, thì phải giữ một tâm niệm Phật.

Khi nói pháp cho đàn-bà, con gái nghe, đừng cười hở răng, đừng bày hông, ngực. Thâm chí đối với người vì pháp mà đến, cũng không nên gần gũi thân mật với họ, hà huống là đối với những người đến vì chuyện khác.

Không nên thích nuôi những đệ-tử ít tuổi, những sa-di trẻ con. Cũng không nên ưa cùng chúng một thầy, mà nên ưa ngồi thiền ở chỗ vắng lặng, sửa nắm tâm mình.

Đó là “thân cận xứ” thứ nhất của Bồ-tát.

Lại nữa, Bồ-tát phải thấy muôn vật đều “không” như: thực-tướng; không điên đảo, không động, không thối, không hư-không, thấy muôn vật không có thực tánh, chẳng sanh, chẳng xuất, chẳng khởi, vô danh, vô tướng, thực không có gì cả, vô lượng vô biên, vô ngại vô chướng; thấy những danh-từ lời nói dùng để chỉ vật này sự nọ, đều là trái với chân-lý (ngữ ngôn đạo đoạn), chỉ vì cái nguyên nhân điên đảo nên mới nói thế này thế nọ. Phải vui xét cái tướng của vạn vật là như thế.

Đó là “thân cận xứ” thứ nhì của Bồ-tát.

3.      An lạc hạnh. Phật nói tiếp: Sau khi nghe Như-Lai diệt độ, trong đời mạt pháp. muốn nói Kinh này, Bồ-tát phải ở yên trong “An lạc hạnh”. Nghĩa là, khi nói cũng như khi đọc Kinh này, chẳng nên ưa nói đến cái sự sái quấy của người và của Kinh điển, cũng chẳng nên có lòng khinh rẻ, kiêu ngạo đối với các Pháp-sư, chẳng nên nói đến sự tốt xấu, hay dở của người khác; đối với hàng Thanh-văn, chẳng nên nêu đích danh mà nêu sự sai lầm, gàn dở của họ, cũng không kêu đích danh mà khen tặng cái hay của họ, lại cũng không sanh tâm thù hiềm. Khéo sửa lòng cho được an lạc như vậy thì không làm nghịch ý người nghe. Còn có ai vấn nạn thì đừng giải đáp bằng pháp tiểu-thừa mà bằng pháp đại-thừa, để cho người hỏi được Chánh-giác.

Bố-tát muốn thuyết pháp phải giữ lòng an vui, trong sạch, thân thể phải tắm rửa cho sạch, mặc y mới, nói tóm lại là trong ngoài phải thanh tịnh, nhiên hậu mới lên ngồi pháp-tòa, tùy lời hỏi của người mà giảng. Đối với người vì Đạo thì đem diệu nghĩa ra mà dạy, mặt mày hòa nhã; đối với người vấn nạn, thì tùy nghĩa mà đáp, khi thì dùng nhân duyên, khi thì dùng thí dụ mà diễn giải rạch ròi, để lần hồi dắt dẫn họ vào đường sáng (Phật đạo). Tự mình, phải trừ mọi ý niệm ỷ lại, mọi tư tưởng lười biếng, xa lìa mọi lo nghĩ, buồn rầu, mở rộng lòng từ, ngày đêm nói pháp để mở mắt cho chúng-sanh mà không bao giờ mong cầu việc lấy pháp làm nhân duyên để thành Phật đạo, khiến người nghe cũng cùng một tâm niệm

Trong thời mạt pháp, Bồ-tát nào thọ trì, đọc tụng Kinh này thì không nên chứa chấp sự ganh ghét, tà vạy, khinh khi người học Phật, không làm cho hạng tu hành chán nản, cũng không nên đem Đạo-pháp ra làm bàn chơi, tranh cãi. Phải:

-   đối với tất cả chúng-sanh, khởi lòng đại bi,

-   đối với chư Như-Lai, sanh lòng kính trọng như Cha lành,

-   đối với Bồ-tát, sanh lòng tôn kính như Thầy,

-   đối với mười phương Bồ-tát, sanh lòng cung kính cúng dường.

Thực hiện đầy đủ pháp “an lạc” thứ ba này, thì khi thuyết Kinh, không làm cho người nghe hoang mang, được người cùng theo mình mà đọc tụng, còn đại-chúng sẽ tới nghe lãnh lời Kinh, lãnh rồi nắm giữ, giữ rồi sẽ đọc, đọc rồi sẽ thuyết, thuyết rồi sẽ chép và khiến người cùng chép.

4.   Phát đại-bi tâm. Lại nữa, này Văn-Thù! trong đời mạt-pháp, ai là người muốn nắm giữ Kinh Pháp-Hoa, phải sanh đại-bi tâm đối với hàng xuất gia và tại gia. Đối với người chẳng phải là Bồ-tát (chưa tu hạnh vị tha) cũng phải phát đại-bi tâm mà nghĩ như vầy: Như-Lai phương tiện tùy nghi thuyết pháp, mà họ lại chẳng nghe, chẳng biết, chẳng tỉnh, chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng giữ, thật là thất lợi vô cùng. Ngày nào ta được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, nguyện sẽ dùng thần lực, trí lực mà dắt họ vào ở yên trong Đạo-pháp.

Đó là pháp “an lạc” thứ tư.

Như-Lai diệt độ rồi, Bồ-tát nào thành tựu được pháp thứ tư này thì khi thuyết Kinh Pháp-Hoa, không bao giờ có sự sai lầm, mất mát. Người thế-gian từ vua tới dân, sẽ cung kính cúng dường, trong hư-không chư Thiên sẽ luôn luôn hộ vệ cho. Tại sao thế? Vì Kinh này được tất cả chư Phật ba đời bảo hộ. Này Văn-Thù, trong vô lượng nước, nghe được tên Kinh này còn chưa có, hà huống được thấy, được thọ trì đọc tụng. Thí như nhà vua dẹp giặc xong, muốn thưởng công tướng sĩ, có thể cấp cho đất cát, y phục, ngọc ngà, châu báu, xe ngựa, nô tỳ, nhưng không bao giờ cho viên ngọc vô giá trên mão của vua. Như-Lai cũng thế. Nhờ sức mạnh của thiền định và trí huệ, Như-Lai làm vua “Nước Pháp”, thống ngự ba cõi. Vì Ma- Vương không hàng phục  nên Như-Lai mới dùng Hiền Thánh làm tướng để đánh Ma-Vương. Đối với các bậc hữu công trong trận chiến này, Pháp-vương Như-Lai ban cho tiền của thiền định, giải thoát, vô lậu, thành quách niết bàn, tạm nói là diệt độ, để dẫn dắt tâm họ, khiến mọi người hoan hỷ, nhưng chưa vì họ nói Kinh Pháp-Hoa. Nhưng khi binh sĩ lập được công to, nhà vua sẽ cho viên ngọc vô giá. Như-Lai cũng thế, thấy đội quân Hiền Thánh đã lập được đại công chiến thắng Ngũ-ấm-ma, phiền-não-ma, tử-ma, đã diệt ba độc, ra khỏi ba cõi, phá lưới ma, nên ban cho Kinh Pháp-Hoa là lời thuyết cao cả nhất của chư Như-Lai.

 

Huyền nghĩa

Phẩm này nói về bốn điều-kiện, bốn cái thế thuận tiện (positions commodes) để hộ trì, đọc, nói Kinh Pháp-Hoa nghĩa là để tự mình thực hiện Chân-lý và dắt người cùng thực hiện như mình.

Bốn điều-kiện đó là:

1.      Hành xứ (những hành động cần có)

2.      Thân cận xứ (phải hoạt-động trong hoàn cảnh nào)

3.      An Lạc (giữ lòng bình thản và vui vẻ)

4.      Phát đại-bi-tâm (mở lòng thương-xót rộng lớn) 

1.      Hành xứ. Phải sống ra người nhẫn nhục, nhu hoà, thuận thảo, không nóng nảy, không sợ sệt, không để cho muôn vật làm lòng mình xao xuyến, xem vạn vật đúng với cái tướng chân thật của nó là không có gì cả, tâm không nghĩ ngợi gì, hay phân biệt tốt xấu, hay dở. Như thế là sống sáng suốt, làm chủ tâm mình và hoà với mọi người.

Phải tu tập các đức-tánh vừa kể, để gây thiện cảm với người nghe.

2.      Thân-cận xứ. nghĩa là chỗ mình nên gần gũi. Kinh chia có Bất thân-cận xứ và Thân-cận xứ.

a)      Chỗ không nên gần gũi (Bất thân-cận) gồm có:

v     quốc vương, vương tử, đại thần

v     ngoại đạo

v     kẻ viết sách thế-tục ca ngâm

v     kẻ múa hát đánh võ

v     kẻ làm nghề hàng thịt, nuôi súc vật, săn bắn, chài lưới

v     hạng người cầu quả Thanh-văn (ích-kỷ)

v     trẻ gái, con gái, đàn bà goá

v     những sa-di ít tuổi, trẻ nhỏ.

b)      Chỗ nên gần(thân-cận xứ):

Luôn luôn “quán nhất thế pháp không như thực-tướng” (xét thấy mọi vật trống không như thực-tướng).

Tóm lại đoạn này có nghĩa: Phải thanh tịnh u nhàn (se retirer dans le calme du silence), tránh giao thiệp với hàng quyền-thế, ngoại đạo, ác nghiệp, ca hát, ngâm vịnh, phái nữ, các bậc tu hành còn lòng ích-kỷ và phải tập ngó vạn vật đúng với thực-tướng, nghĩa là một cách bình đẳng, đừng trọng, đừng khinh, đừng mê, đừng đắm, đừng lấy, đừng bỏ.

3.      An lạc: Tâm an bình, vui vẻ, không làm trái ý người. Khi có người hỏi đạo, dùng pháp Đại-thừa mà giải, nhưng:

Ø      Không nói lỗi của người và kinh điển

Ø      Không khinh mạn các người tu hành khác

Ø      Không sanh lòng thù hiềm

Ø      Không ganh ghét dua dối

Ø      Khômg làm cho người tu hành hoài-nghi chán nản.

Trái lại, phải phát lòng thương xót đối với chúng-sanh và khởi lòng kính trọng đối với chư Phật, Bồ-tát.

4.      Đại từ-bi tâm: Sanh lòng thương xót tất cả những người không hiểu các phương tiện của Phật dùng, tuỳ căn cơ của mỗi hạng chúng-sanh mà nói pháp cho họ nghe hiểu.

      Thuyết Kinh Pháp-Hoa mà có đầy đủ những điều-kiện này thì ở đời, được người nghe, tin hiểu và cùng mình sao chép, đọc tụng, còn trong hư-không chư thiên sẽ  vệ hộ.

 

PHẨM THỨ 15

TÙNG ĐỊA DÕNG XUẤT (Apparition des Bodhisattvas)

 

Lúc bấy giờ, các Bồ-tát, nguyên từ các nước phương khác lại, đông hơn cát của 8 sông Hằng, ở trong đại chúng, đồng đứng dậy chắp tay bạch Phật: “Thế-Tôn! Nếu Thế-Tôn nhận lời, chúng con nguyện, sau khi Phật diệt độ, sẽ rộng nói Kinh Pháp-Hoa ở thế-giới Sa-bà, để gia tăng tinh tấn và hộ trì những người đọc, tụng, sao chép, cúng dường Kinh này”.

Phật đáp: “Thôi khỏi. Này thiện nam-tử! không cần các con hộ trì Kinh này. Vì sao? Vì thế-giới Sa-bà của ta tự có Bồ-tát đông như cát của sáu muôn sông Hằng; mỗi Bồ-tát có những quyến thuộc đông như cát của sáu muôn sông Hằng. Những Bồ-tát và quyến thuộc ấy, sau khi ta diệt độ, sẽ có khả năng giữ gìn, đọc tụng, rộng nói Kinh này”.

Lúc Phật nói lời này, trong ba ngàn đại thiên quốc độ ở thế-giới Sa-bà, đất đều rung nứt và từ trong lòng đất, vô lượng ngàn muôn ức Bồ-tát đồng thời vọt lên. Các Bồ-tát ấy, thân như vàng ròng, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, sáng ánh khôn lường, trước kia trú trong hư-không của chỗ thấp nhất ở thế-giới Sa-bà, nay nghe tiếng của Phật Thích-Ca, nên từ chỗ thấp ấy mà phát hiện đến. Mỗi mỗi Bồ-tát đều là bậc thủ-lãnh dẫn đường cho đại chúng, và mỗi vị đều có hoặc sáu, hoặc năm, bốn, ba, hai, một muôn Hằng sa quyến thuộc, hoặc một Hằng-hà sa, nửa Hằng-hà sa, một phần Hằng-hà sa hay một phần trong ngàn ức na-do-tha phần Hằng-hà sa, hoặc từ ngàn muôn ức na-do-tha sụt lần xuống cho tới một muôn, một ngàn, một trăm, mười, năm, bốn, ba, hai, một quyến thuộc đệ-tử. Lại cũng có những Bồ-tát chỉ có một mình, thích hạnh “viễn ly”([6]). Tất cả các Bồ-tát ấy đông vô số kể.

Từ dưới đất vọt lên rồi, các Bồ-tát ấy đều đến ngọn tháp bảy báu nhiệm mầu trên hư-không, là chỗ Phật Đa-Bảo và Phật Thích-Ca đang ngự, vập đầu xuống chân làm lễ, rồi lại tiến đến toà sư-tử, dưới cội báu, chỗ Phật ngồi mà làm lễ. Xong, các vị đi quanh bên mặt Phật ba vòng, rồi chắp tay cung kỉnh chiêm ngưỡng Phật Đa-Bảo và Phật Thích-Ca.

Từ lúc các Bồ-tát xuất hiện cho đến khi làm lễ xưng tán Phật, một khoảng thời gian trôi qua, lâu 50 tiểu kiếp.

Bấy giờ đức Thích-Ca ngồi yên nín lặng, bốn hạng đệ-tử cũng đều nín lặng. Nhờ sức thần của Phật, đại chúng thấy 50 tiểu kiếp trôi qua như nửa ngày. Cùng một lúc và cũng nhờ sức thần của Phật, bốn chúng thấy Bồ-tát đầy khắp hư-không của vô lượng ngàn muôn ức quốc-độ.

Trong số Bồ-tát ấy, có 4 vị đứng đầu: 1) Thượng Hạnh, 2) Vô biên Hạnh, 3) Tịnh Hạnh, 4) An Lập Hạnh. Đồng chấp tay nhìn đức Thích-Ca , 4 vị kính hỏi: “Bạch Thế-Tôn! Thế-Tôn có được ít bệnh, ít buồn và được an vui không? Những người đáng độ, có  thọ giáo dễ không. Họ không có làm cho Thế-Tôn mệt nhọc chứ?”

Thế-Tôn nói: “Đúng thế! Đúng thế! Này các thiện nam-tử, Như-Lai an vui, ít bệnh, ít buồn, các hàng chúng-sanh dễ mà hoá độ, không có mệt nhọc. Tại sao thế? Vì những chúng-sanh ấy, từ trước tới nay, đời đời thường được ta hoá độ cho; và chính họ cũng đã cung kính tôn trọng chư Phật trong thời quá khứ và trồng các cội lành. Các chúng-sanh ấy, hễ bắt đầu thấy thân ta, nghe tiếng ta nói, là liền tin lãnh và nhập vào huệ của Như-Lai, trừ những người trước đã tu tập theo Tiểu-thừa. Đối với hạng này, ta cũng sẽ khiến cho nghe được Kinh Diệu-Pháp và đi vào huệ Phật.

Lúc bấy giờ Bồ-tát Di-Lặc cùng 8 ngàn Hằng-sa Bồ-tát trong pháp-hội đều thầm lấy làm lạ việc vô số Bồ-tát đã từ đất vọt lên. Muốn giải nghi cho tất cả và cho riêng mình, Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “ Nguyện Thế-Tôn cho chúng con biết coi vô lượng  Bồ-tát này từ đâu mà đến và nhóm họp để làm gì. Ai đã thuyết pháp giáo hoá cho các vị? các vị đã theo ai mà phát tâm, đã thọ trì và hành Kinh nào? Lại tu tập Phật-đạo nào mà có sức trí thần-thông to lớn như thế? Bạch Thế-Tôn, chúng con chưa từng thấy một việc như vậy. Con  thường đi qua nhiều nước, gặp gỡ nhiều người, nhưng chưa hề biết một vị trong số Bồ-tát ấy. Vậy kính xin Thế-Tôn nói cho con biết coi các Bồ-tát ấy ở nước nào đến mà hốt nhiên từ đất vọt lên”.

Cùng lúc ấy, các phân thân Phật Thích-Ca từ vô lượng muôn ngàn ức cõi khác đồng đến ngồi xếp bằng trên tòa sư-tử, dưới các cội báu trong tám phương. Những thị-giả của các phân-thân Phật Thích-Ca cùng bạch hỏi về lai lịch của các Bồ-tát từ đất vọt lên. Chư phân-thân Phật đáp: “Bồ-tát Di-Lặc đã hỏi Phật Thích-Ca. Phật sẽ đáp. Vậy hãy chờ!”.

Khi ấy Phật Thích-Ca  Mâu-Ni bảo Bồ-tát Di-Lặc: “Hay thay lời hỏi của Di-Lặc! Ta sẽ tuyên bày trí-huệ, thần-thông, sức mạnh và uy thế của chư Phật, vậy hãy một lòng và tinh tấn nghe ta nói”.

Sau khi nói một bài kệ lập lại lời vừa nói, Thế-Tôn kêu Bồ-tát Di-Lặc nói: “Những Bồ-tát đông vô số kể và đã từ đất vọt lên, đều do ta giáo hoá chỉ dẫn, sau khi ta đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Tất cả đều là bậc đã điều phục tâm-mình, lòng sanh ý-đạo, và ở trong hư-không phía dưới thế-giới Sa-bà. Tất cả đã từng đọc tụng thông suốt kinh điển, phân biệt trong chỗ nghĩ suy và sửa cho thẳng những nhớ tưởng của mình. Này Di-Lặc, các Bồ-tát ấy không thích ở chỗ đông người ồn-ào, mà thường ưa ở nơi vắng lặng, siêng tu tinh tấn, chưa hề ngơi nghỉ, lại cũng không dừng bước ở cấp Nhân, Thiên, mà thường thích được trí-huệ thâm sâu, không còn vướng phải một chướng ngại nào. Lại cũng thường vui nơi pháp Phật, một lòng tinh tấn cầu Vô-thượng huệ”.

Bồ-tát Di-Lặc và vô số Bồ-tát, lòng sanh nghi hoặc, tự hỏi: “Làm thế nào mà trong một khoảng thời-gian ngắn mà Thế-Tôn giáo hoá được một số Bồ-tát đông như thế?” Nghĩ xong, bèn bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn, từ ngày còn là Thái-tử bỏ cung điện ra đi, rồi đến khi ngồi dưới cội Bồ-đề đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, từ ấy đến nay, mới vừa hơn bốn mươi năm, vậy làm thế nào mà trong khoảng thời-gian ngắn ấy Thế-Tôn lại giáo hoá cho vô lượng vô biên Bồ-tát ấy được? Vì muốn thành tựu như các Bồ-tát ấy, phải là người trong ngàn mưôn ức kiếp, trồng các căn lành ở vô lượng vô biên nước Phật và thường tu phạm hạnh. Đàng này Thế-Tôn thành đạo đến nay chưa bao lâu, còn các Bồ-tát kia phải tu hành trong vô lượng kiếp mới đặng thần thông lớn, thì làm sao hiểu được câu chuyện cha trẻ con già này được. Riêng chúng con thì một lòng tin Phật, vì Phật không bao giờ nói ngoa, nhưng các Bồ-tát mới phát tâm tu hành sau khi Phật diệt độ, có thể không tin lời Phật dạy. Vậy kính xin Thế-Tôn giải nghi cho hàng mới phát tâm này, để họ khỏi phải đoạ vào nẻo ác.

*

*   *

Huyền nghĩa

Bồ-tát các cõi khác xin giúp Phật Thích-Ca giáo hoá cõi Sa-bà. Đức Phật từ khước, nói rằng Sa-bà có đủ Bố-tát làm việc ấy.

Thế nghĩa là chúng-sanh cõi Sa-bà có khả năng tự độ,, không cần một sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ở trong một Kinh khác, đức Phật há không nói: “Tự mình hãy thắp đuốc lên mà đi?”.

Phật vừa đáp xong là đất chuyển động và rạn nứt, rồi từ lòng đất vô số Bồ-tát vọt lên. Đoạn này có nghĩa: khi tâm biết rằng chỉ có mình mới độ mình, chớ không ai độ mình được, thì liền khi ấy trong con người có một cuộc đại cách-mệnh, một sự thay đổi lớn lao xảy ra, như trời long đất lở  (xem lại phần Huyền nghĩa của phẩm 11- Hiện Bảo Tháp), mà ở đây Kinh thí-dụ như đất rạn nứt.

Vô số Bồ-tát từ lòng đầt,  vọt lên hàm hai nghĩa. Bồ-tát tượng trưng cho các đức tánh từ bi, hỉ, xả, nhẫn nhục, tinh tấn..v.v.Những đức tánh ấy ở đâu ? Ở trong tâm, mà Kinh thí dụ cho đất (tâm địa).

Trước khi chưa được Phật giáo hoá, nghĩa là trước khi thức tỉnh (giác ngộ), con người lầm tưởng những đức tính ấy phải bắt từ ngoài tụ tập mới đem vào thân. Nay giác ngộ rồi thì thấy Hằng-sa đức tánh đều nằm sẵn trong tâm, đầy đủ, không thiếu một ly hào nào, dầu trong lúc còn mê muội. Trạng-thái ấy là trạng thái của mặt trăng bị mây án. Khi mây đã tan (giác ngộ), thì ánh sáng mặt trăng tỏ rạng (Bồ-tát vọt lên) trước sau như một.

Mỗi Bồ-tát từ đất vọt lên đều thân sắc vàng, đủ 32 tướng tốt như Phật và hào quang chói loà. Các đặc điểm này chỉ rằng Bồ-tát ở đây không có nghĩa là một vị Bồ-tát mà là tiêu biểu cho một đức tướng như đã nói. Vì là một đức tướng (une qualité, une vertu) cho nên không sanh không diệt, thường tồn (thân sắc vàng y), trọn vẹn (parfait, accompli: 32 tướng tốt) và sáng suốt (hào quang chói loà).

Cái nghĩa Bồ-tát dụ cho đức tướng càng thấy rõ ở những điểm kế là: a) Bồ-tát ở phía dưới cõi Sa-bà, ẩn trú trong hư-không (phía dưới cõi Sa-bà là ở chỗ sâu kín nhất trong tâm chúng-sanh, nhưng vì chỗ sâu kín ấy không lấy mắt thịt mà tìm kiếm ra, nên thí dụ cho hư-không); b) các Bồ-tát ấy lễ Phật và tán dương Phật trong 50 tiểu kiếp, Phật cũng ngồi lặng nghe trong 50 tiểu kiếp, nhưng nhờ sức thần của Phật, khoảng thời gian lâu xa ấy lại mau như nửa ngày. Phải quày đầu về với sự giác ngộ (quy y Phật) và thiết tha sùng mến sự giác ngộ (tán dương Phật) liên tiếp trong nhiều đời nhiều kiếp (50 tiểu kiếp) với một tâm hoàn toàn vắng lặng (Phật ngồi yên lặng), thì sự giác-ngộ mới đến, nhưng khi nó đến thì mau như nửa ngày.

Bồ-tát thì đông-nên hiểu đức tướng thì nhiều-nhưng nếu trước không có 4 đức sau đây thì mấy đức kia không xuất hiện được. Đó là: 1) Thượng Hạnh (những hành động hướng thượng, nghĩa là hướng về đời sống cao-cả). 2) Vô biên Hạnh (những hành động không bờ bến, nghĩa là vượy ra khỏi vòng kiềm hảm, trói buộc của ngã-chấp, của lòng ích-kỷ). 3) Tịnh Hạnh (những hành động trong sạch, nghĩa là không bị tham, giận, si-mê chi phối, sai sử). 4) An Lập Hạnh (đứng hẳn trong chỗ an ổn, nghĩa là sống hoạt-động, nhưng với một con tâm luôn luôn an ổn, không xao động vì sức cám dỗ của ngoại cảnh hay những lo nghĩ của nội tâm).

Vì phải có bốn “Bồ-tát” hay bốn đức này trước, các Bồ-tát kia mới có sau, cho nên Kinh mới thí-dụ 4 Bồ-tát này (đức tướng) như 4 người lãnh tụ dẫn đường.

Câu hỏi: “Thế-Tôn có ít bệnh, ít buồn, và được an vui không? Những người đáng độ, có thọ giáo dễ không? Họ không có làm cho Thế-Tôn mệt nhọc chứ?” có một nghĩa ẩn mà chúng ta phải tìm trong câu đáp của đức Phật. Đây là câu đáp ấy: “Như-Lai an vui, ít bệnh, ít buồn, các hàng chúng-sanh dễ mà hoá độ, không có mệt nhọc”. Nên lưu ý: “Kinh không nói: Ta an vui, ít bệnh… mà nói: Như-Lai an vui, và Như-Lai là tâm. Khi tâm an vui, ít bệnh, ít buồn, tức là khi đã có “an lập hạnh”, “tịnh hạnh”, “vô biên hạnh”, và “thượng hạnh”, thì dễ mà hoàn cải tâm tánh phàm-phu (chúng-sanh dễ hoá độ…)

Tại sao dễ? Kinh nói: Vì chúng-sanh đã được Phật dạy bảo nhiều đời và cũng đã từng trồng căn lành dưới thời các Phật quá-khứ. Thế nghĩa là: tuy chúng-sanh đầy dẫy tội lỗi, trong chúng-sanh có sẵn muôn đức, tỷ như đã được“ dạy bảo nhiều đời”. Lại nữa, chúng-sanh nào, trong muôn ác phạm phải trong muôn lúc si-mê đen tối, lại không làm được một vài điều thiện trong một vài phút giác ngộ, thức tỉnh. Như thế là đã “trồng căn lành dưới thời các Phật quá khứ”.

Còn những người tu tập theo hạnh Tiểu-thừa, Phật cũng khiến cho nghe được Kinh Đại-thừa. Nên hiểu: Dầu ai có ích-kỷ thế mấy (tu hạnh Tiểu-thừa), một khi giác ngộ (Phật khiến) cũng sẽ rời bỏ đời sống eo hẹp mà sống đời sống bao la, lấy vũ-trụ làm nhà, lấy chúng-sanh làm thân thuộc (nghe kinh Đại-thừa).

Vì lối thí-dụ của Phật khó hiểu khó nhận, cho nên Bồ-tát Di-Lặc (thay lời cho hàng chúng-sanh nghi ngờ) mới bạch: “Bồ-tát đâu mà đông thế? Ai thuyết pháp hoá độ họ? Họ tu tập theo pháp môn nào và họ ở đâu mà lại từ đất vọt lên?”.

Phật đáp: Nhờ có bốn đức phi thường (pouvoirs surnaturels) là: 1) Trí huệ vô biên, 2) Thần thông tự tại, 3) Sức mạnh nhanh chóng, 4) Sự can-đảm, cho nên sau khi thành đạo, đức Phật mới giáo hoá cho vô lượng Bố-tát ở dưới đất vọt lên ấy. Nhưng giáo hoá được là vì các Bồ-tát ấy trụ trong hư-không ở phía dưới cõi Sa-bà, nhân đó mà thông hiểu kinh điển mau lẹ. Tất cả lại còn ít gần nơi náo nhiệt, mà ưa vắng lặng, siêng tu, không thích hưởng phúc báo làm người, làm trời, mà chỉ ham được trí-huệ cao sâu.

Phật giáo hoá được có nghĩa là sự giác-ngộ đến được với mọi người, hay nói một cách khác, mọi người có thể giác-ngộ được, là nhờ trong tâm con người có sẵn mọi khả năng, mọi đức tướng (Bồ-tát), làm cho con người thông hiểu được Chân-lý (thông hiểu kinh điển). Dầu vậy, phải tránh những nơi ồn-ào, giam mình vào chỗ vắng lặng (tham thiền nhập định), siêng tu (tinh tấn), đừng ham tưởng quả phúc cõi thế-gian và trên trời, mà chỉ mong cho được Trí-huệ cao sâu là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Đến đây, Kinh lại đặt ra một nghi vấn khác. Trên đức Thích-Ca đã bảo phải trải qua nhiều đời được Phật dạy bảo và cũng phải trồng căn lành dưới thời các Phật quá-khứ, mới thành Bồ-tát. Nay Phật lại nói chính Phật đã hoá độ tất cả vô số Bồ-tát ấy, trong khi Phật thành Phật vừa trên 40 năm. Như vậy hoá ra cha trẻ mà con già, hay thầy non mà đệ tử lão sao?.

Trong phẩm sau, Phật sẽ giải câu hỏi này. Tiện đây, chúng ta nên ghi điểm này: Đây là câu hỏi của bất cứ một ai không hiểu ý thâm của lời Phật dạy. Phật thí-dụ, mà cứ tưởng là Phật nói sự thật, cho nên nghe nói Phật, Bồ-tát , liền tin ngay là đức Phật, là các vị Bồ-tát, không dè  những danh-từ ấy đều được dùng với nghĩa tượng trưng.

 

PHẨM THỨ 16

NHƯ-LAI THỌ LƯỢNG

(La dureé de la vie du Tathagata)

 

Bấy giờ đức Phật Thích-Ca bảo các Bồ-tát và đại-chúng: “Các ngươi hãy nên tin lời thành thật của Như-Lai!”. Nói xong, Phật lập lại hai lần câu này.

Đứng đầu các Bồ-tát và đại-chúng, Bồ-tát Di-Lặc chắp tay ba phen bạch Phật: Thế-Tôn, xin cứ nói, chúng con sẽ tin lãnh lời Phật”.

Thấy hàng Bồ-tát đã ba phen cầu thỉnh, đức Phật bèn nói: “Hãy nghe đúng như sự thật, sức mạnh thần thông bí mật của Như-Lai. - Tất cả thế-gian, trời, người cùng A-tu-la đều nói rằng Phật Thích-Ca, rời cung họ Thích, đến thành Già-da (Gaya) cách đó không xa, ngồi nơi đạo tràng, chứng quả A-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Nhưng này các thiện-nam-tử, ta muôn ức na-do-tha kiếp đã trôi qua. Giả sử có người đem năm trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế-giới, tán nhỏ thành bụi, rồi đem một hạt bụi ấy đặt nơi hướng đông, sau khi vượt qua năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ nước. Đặt xong, trở lại lấy một hạt khác và cũng đem đặt ở hướng đông như lần trước, cho đến khi nào số bụi nói trên bị dời đi hết. Này các thiện-nam-tử, ý các ngươi thế nào? Có thể tưởng tượng, đếm, tính, số thế-giới trên đó các hạt bụi được đặt lên không?”.

Bồ-tát Di-Lặc và tất cả đều bạch: “Thế-Tôn, các thế-giới ấy vô lượng vô biên, làm sao đếm, tính cho được, cũng không thể dùng sức tâm mà tưởng tượng được.Tất cả hàng Thanh-văn, Duyên-giác, đến bậc “vô-lậu” (A-la-hán) còn không thể suy tưởng được  con số thế-giới ấy, huống chi chúng con mới là “a-duy-bạt-trí([7]) thì làm sao biết được.

Đức Phật nói: “Này các thiện-nam-tử, ta sẽ nói rạch ròi cho các ngươi nghe. Cứ kể mỗi hạt bụi là một kiếp, thì từ ta thành Phật đến nay, số kiếp trôi qua còn nhiều hơn số trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ hạt bụi ấy. Từ ấy tới nay, ta luôn ở tại thế-giới Ta-bà thuyết pháp, giáo hoá, lại cũng ở nơi khác tại trăm ngàn muôn ức na-do-tha nước, dắt dẫn chúng-sanh một cách ích-lợi. Này các thiện-nam-tử, trong khoảng thời gian đó, ta nói có Phật Nhiên-Đăng …v.v.. , và cũng nói có chư Phật nhập Niết-bàn, nhưng tất cả đều là phương tiện mà phân biệt (nói có thành Phật, có nhập Niết-bàn). Này các thiện-nam-tử, nếu có chúng-sanh nào đến chỗ ta ở, ta lấy Phật nhãn xem coi các căn của chúng-sanh ấy nhụt, bén thế nào, rồi theo đó mà độ. Mỗi nơi, ta tự xưng với những danh hiệu bất đồng và cho biết tuổi tác lớn nhỏ cũng khác nhau, lại nói sẽ nhập Niết-bàn và còn dùng nhiều phương tiện khác để nói bày Pháp vi diệu, hầu làm cho chúng-sanh phát tâm hoan hỷ,…- Này các thiện-nam-tử, vì thấy chúng-sanh thích nơi “tiểu pháp”, đức mỏng, bẩn trọng, cho nên Như-Lai phải vì hạng ấy mà nói rằng ta lúc trẻ xuất gia, rồi đặng Vô-lượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Thãt ra, từ ta thành Phật đến nay, lâu hơn thời-gian ấy nhiều. Đây chẳng qua là phương tiện mà nói như vậy thôi, để giáo hoá chúng-sanh và khiến họ nhập Phật-đạo. Này các thiện-nam-tử, kinh điển của Như-Lai nói ra, đều nhắm chỗ độ thoát chúng-sanh, nhưng khi nói về thân mình, khi nói về thân người khác, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người khác, nhưng dầu trong trường hợp nào, tất cả lời của Như-Lai đều chân thực chẳng dối. Tại sao vậy? Vì đúng như thật, Như-Lai thấy tướng của ba cõi không có sanh tử, không lui, không xuất, không ở đời mà cũng không diệt độ, chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải như vậy, cũng chẳng phải khác, ba cõi chẳng phải như vậy mà lại thấy có ba cõi([8]). Các việc như thế, Như-Lai thấy rõ, không bao giờ có sự sai lầm. Nhưng vì chúng-sanh tánh tánh khác nhau, ý muốn khác nhau, tưởng nhớ khác nhau, cho nên phải dùng nhân-duyên, thì-dụ, lời nói khác nhau để thuyết pháp, khiến họ sanh căn lành, Những việc của Phật làm (Phật sự) chưa từng dừng bỏ. Như vậy, từ ta thành Phật tới nay, thật rất lâu xa, còn thọ mạng thì dài vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, và luôn luôn trú trong bất-diệt. Này các thiện-nam-tử, những hành-vi theo đạo Bồ-tát của ta đến nay chưa phải là hết đâu, vì vậy thọ mạng của ta còn dài gấp mấy lần con số nói trên. Tuy nhiên, dầu chưa thực diệt độ, ta vẫn nói là sẽ diệt độ, để làm phương tiện giáo hoá chúng-sanh. Sao vậy? Vì nếu Phật ở lâu tại thế thì hạng người đức mỏng không chịu trồng căn lành, cứ giữ mãi thói bần cùng hạ tiện, tham đắm năm món dục lạc (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ). Đã mắc vào lưới nhớ tưởng vọng kiến mà nếu thấy Như-Lai ở đây mãi mãi không diệt-độ, thì làm sao không sanh kiêu mạn, phóng tâm, bỏ phế và dải đãi, và như vậy thì không tưởng đến và cũng không sanh lòng cung kính Phật như một bậc khó gặp.

“Này các Tỳ-khưu, nên biết chư Phật xuất thế là điều khó gặp. Vì sao? Những người đức mỏng trải qua vô lượng trăm ngàn ức kiếp, có khi gặp Phật mà có khi cũng không gặp. Vì vậy cho nên ta nói Như-Lai khó thấy. Nghe lời nói này, chúng-sanh tất nghĩ đến lẽ ngàn năm một thuở mà sanh lòng luyến mộ, khao khát mà trồng căn lành. Bởi cớ, tuy không thực diệt độ, mà vẫn nói là diệt độ. Lại nữa, này thiện-nam-tử, Pháp của chư Phật Như-Lai cũng vậy, đều chân thực, không hư dối, và chỉ có một mục đích là đưa dắt chúng-sanh. Thí dụ có một ông thầy thuốc giỏi, trí-huệ sáng suốt, phương dược khéo luyện, bệnh nào cũng trị hết, nhà con cái rất đông. Gặp lúc ông có việc phải đi ra nước ngoài, các con ở nhà uống phải thuốc độc, cơn điên nổi lên, té nằm dưới đất. Ngay lúc đó, ông cha về đến nhà. Các con của ông, có đứa mất tâm (thất bổn tâm),có đứa còn tâm (bất thất bổn tâm), nhưng khi xa thấy cha về, tất cả đều vui mừng, quì lạy chào hỏi và thưa vì ngu si nên uống phải độc dược, xin cha cứu tử. Cha thấy con khổ não như vậy, bèn theo các phương đã kinh nghiệm mà chế thuốc, màu sắc hương vị đều tốt đẹp và bảo các con uống; “Đây là lương dược, mùi ngon sắc đẹp, các con hãy uống đi thì sẽ mau trừ khổ não và bao nhiêu khổ hoạn sẽ không tái phục”. Những đứa không mất tâm nghe xong liền uống và được hết bệnh. Còn những đứa mất tâm, tuy thấy cha cũng vui mừng, cầu xin chữa bệnh, nhưng thuốc thì không chịu uống. Vì sao? Vì bị độc thấm sâu, đã mất tâm trí rồi, cho nên thuốc ngon sắc đẹp, lại cho là không ngon không đẹp. Ông cha thấy vậy mới suy nghĩ: Những đứa này mới đáng thương, thấy cha vui mừng cầu cứu, nhưng khi cho thuốc lại không chịu uống. Ấy cũng vì bị chất độc cho nên tâm trí đều điên đảo, vậy phải dùng chước mới được. Nghĩ xong, ông mới nói rằng: Cha nay già yếu, sắp chết nay mai, có mấy món thuốc hay để lại, các con nên giữ mà dùng, khỏi sợ lầm thuốc dở. Nói rồi ông bỏ nhà ra đi qua nước khác và cho người về báo tin ông đã chết. Hay tin dữ, các con thất tâm của ông mới nghĩ, cha lành đã chết thì nay còn ai đâu mà cứu hộ cho mình! Vì thường nhớ thương như thế, tâm bèn tỉnh ngộ, biết thuốc của cha để lại là hay, liền lấy ra dùng, bao nhiêu độc bệnh đều lành hết. Nghe tin này, ông cha trở về xứ cho con thấy mặt.

“Này thiện-nam-tử, các ngươi nghĩ thế nào? Nói dối như  ông lương-y kia, có phải là một tội không?”.

“Bạch Thế-Tôn, không”.

Đức Phật nói: “Ta cũng thế. Từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, nhưng vì muốn cứu độ chúng-sanh, cho nên phương tiện mà nói là sẽ diệt độ. Như vậy, đối với sự thật, cũng không thể nói rằng ta đã phạm tội nói sai nói dối”.

 

*

*    *

Huyền nghĩa

Để giải thích cái nghi-vấn “cha trẻ con già”, Phật cho biết hạn lượng của đời sống Như-Lai.

Thế-gian thấy có Thái-tử sanh ra, lớn lên bỏ nhà đi tu thành Phật, và thành Phật rồi mới bắt đầu thuyết pháp độ đời. Vậy Phật có một đời sống có thỉ, và cuộc đời ấy sẽ có chung, và Phật cho hay sẽ diệt độ.

Đó là một sự thật, nhưng là một sự thật trong tương đối (verité relative), trong thế-giới hữu hình và hiện tượng (phénoménal), của thể-xác đức Phật Thích-Ca.

Còn trong ý đức Thích-Ca, chữ Phật hay Như-Lai đề cập ở đây, không chỉ cái thể-xác mà chỉ cái gì ở trong thể-xác ấy. Trong văn-chương ta có câu:

“Chết là thể xác, còn là tinh hoa”

Còn là không chết, mà không chết thì cũng không có sanh. Vậy cái tinh-hoa nói ở đây ám chỉ cái mà Phật-pháp gọi là Tâm, hay Phật, hay Như-Lai.

Vậy nếu trong câu: “Ta từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên kiềp đã trôi qua, chúng ta thay hai chữ “Ta” và “Phật” bằng chữ “Tâm”, chúng ta sẽ có câu: “Tâm từ thành Tâm đến nay…” Nhưng từ Tâm mà thành Tâm thì câu nói ấy chỉ có nghĩa: Từ Tâm là Tâm (depuis que Tâm est Tâm…).

Tâm có từ bao giờ? Tâm là bản-thể bất sanh của vũ trụ, mà hể bất sanh thì đâu có bắt đầu (thỉ), vì vậy mà nói là vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, với nghĩa “một thời gian vô cùng vô cực” (temps infini).

Nếu đã là không sanh thì Tâm cũng không diệt.

Kinh điển bảo Phật đã nhập Niết-bàn tại ừng Ta-la. Chính đức Phật cũng có nói: Ta sắp nhập Niết-bàn, các đệ-tử có thắc mắc điều gì thì nên hỏi, để sau khỏi hối tiếc.

Trên thực-tế của thế-gian, nhập Niết-bàn chỉ có nghĩa là chết. Nhưng chết cũng là thể-xác mà thôi, còn tinh-hoa thì thường-tại luôn luôn, và tinh-hoa ấy mới thật là Phật, chớ xác kia nào phải là Phật!

Để cho dễ hiểu, xin lấy một thí-dụ.

Trên trời, chỉ có một vừng thái-dương nhưng khi ánh-sáng rọi xuống mặt đất và lóng-lánh trong mỗi hạt sương trên ngọn cỏ, thì nhấp-nhô không biết bao nhiêu là mặt trời.

Tâm bản-thể của vũ-trụ muôn loài là vừng thái-dương: tâm ở mỗi chúng-sanh là những lóng lánh ở mỗi hạt sương. Những lóng-lánh này có đầy đủ công năng, đức-tướng của vừng thái-dương kia, vì vậy Kinh nói: Tâm, Phật, chúng-sanh, tuy ba mà không sai biệt (khác nhau).

Nói một chúng-sanh nào đó đã thành Phật, là nói Tâm ở chúng-sanh ấy đã trở về với cái bản-lai thanh-tịnh của nó, mà như thế là y như Tâm vũ-trụ, bất diệt, thường tại vô lượng vô biên kiếp, Tâm ấy là cái mà Triết-học gọi là cái Vô-cùng (l'Infini).

Chúng-sanh mà thành Phật được, là nhờ nhận thức chân tâm của mình và xếp đặt nếp sống của mình (tu) theo chiều hướng của chân-tâm thúc đẩy. Đi theo chiều hướng đó là được tâm soi sáng (Kinh gọi là Phật giáo hoá), là đi trên con đường Phật (Phật đạo).

Mà chúng-sanh nào không đi từ tối ra sáng, không rút kinh nghiệm để biến dở thành hay. Đó là sự nhận xét của “tiểu-pháp”, còn đúng theo sự thật và “đại-pháp”, thì con người nguyên là sáng nhưng lại dại khờ bỏ sáng theo tối, nay chỉ có trở lại với nguồn sáng sẳn có là thành tựu. Sự giáo-hoá hay thức tỉnh ấy, ai cũng hưởng được và chính tự tâm hay ông Phật của mình ban cho mình, mà tâm mình thì vô thỉ vô chung, thì trên sự thật mình được giáo hoá không biết từ đời nào, chớ không phải chỉ từ khi có đức Phật Thích-Ca ra đời.

Vậy cha không trẻ mà rất già, già với một số tuổi không tính đếm được.

 

PHẨM THỨ 17

PHÂN BIỆT CÔNG-ĐỨC

(Proportion des mérites)

Khi đó, Thế-Tôn bảo Bồ-tát Di-Lặc: “Này A-Dật-Đa! Lúc ta nói về thọ mạng lâu dài của Như-Lai, thì có:

- sáu trăm tám muôn ức na-do-tha Hằng-sa chúng-sanh đặng “Vô-sanh pháp-nhẫn”([9]).

- một số đại Bồ-tát ngàn lần gấp đôi đặng môn “văn-trì đà-la-ni”([10]).

- một số đại Bồ-tát đông như một thế-giới vi-trần đặng “nhạo thuyết vô ngại biện-tài”([11]).

- một số đại Bồ-tát đông như một thế-giới vi-trần đặng trăm ngàn muôn ức vô lượng môn “triền đà-la-ni”([12]).

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của tam thiên đại thiên thế-giới chuyển được “pháp luân bất-thối”([13]).

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của nhị thiên quốc độ chuyển được “pháp luân  thanh tịnh”([14]).

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của tiểu thiên quốc độ, trong 8 đời tái-sanh sẽ được “Vô thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của bốn tứ-thiên-hạ([15]), trong 4 đời tái sanh, sẽ đặng “Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của ba tứ-thiên-hạ, trong 3 đời tái sanh, sẽ đặng “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của hai tứ-thiên-hạ, trong 2 đời tái sanh, sẽ đặng “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của một tứ-thiên-hạ, trong 1 đời tái sanh, sẽ đặng “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số chúng-sanh nhiều như vi-trần của tam thế-giới, đều phát tâm “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

Đức Phật nói xong, một trận mưa hoa báu từ hư-không rơi xuống trên vô lượng trăm ngàn muôn ức Phật ngồi trên toà sư-tử, dưới cội cây báu, trên đức Phật Thích-Ca và đức Phật Đa-Bảo đang ngồi trong tháp bảy báu, và trên tất cả Bồ-tát và bốn bộ chúng. Lại có trận mưa hương bột chiên-đàn, hương trầm-thủy, và trống trời tự vang. Lại có trận mưa thiên-y (áo trời) và trên không thòng xuống các thứ chuỗi ngọc, các lò hương báu đốt hương vô giá để cúng dường đại-chúng.

Trên mỗi đức Phật có các Bồ-tát tay cầm phan lọng, trước sau lên đến trời Phạm-thiên, dùng âm thanh vi diệu, ca vô lượng bài kệ tán thán chư Phật.

Khi ấy Bồ-tát Di-Lặc đứng dậy lễ Phật rồi nói một bài kệ nhắc lại và xưng tụng những lời Phật vừa dạy.

Bồ-tát Di-Lặc nói kệ xong, Phật nói: “Này A-Dật-Đa! Chúng-sanh nào nghe Phật thọ mạng lâu dài như thế mà chỉ sanh được một niềm tin tưởng, thì đặng công đức không thể hạn lượng. Công đức này lớn lao cho đến nỗi đem công-đức tu 5 ba-la-mật đầu (bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định) trong 80 muôn ức na-do-tha kiếp ra so sánh, thì trong muôn ức ngàn phần, công đức tu ba-la-mật không kịp một. Lại nữa, ai được công-đức tin tưởng như trên thì không bao giờ thối bước trên đường dẫn đến Chánh-giác.

Sau khi nói một bài kệ đáp lại ý trên, đức Phật nói tiếp: “Này A-Dật-Đa! Người nào nghe nói về thọ mạng lâu dài của Phật mà hiểu được cái ý thú trong lời nói đó, thì người ấy đặng công đức vô lượng, lại có thể phát khởi trí-huệ vô-thượng của Như-Lai. Huống là người rộng nghe Kinh Pháp-Hoa, hoặc bảo người nghe, hoặc tự thọ trì, hoặc bảo người thọ trì, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, hoặc dùng mọi thứ hương hoa, v.v..cúng dường Kinh. người ấy đặng công đức vô biên có thể sanh “nhầt thế chủng-trí” (trí Phật).

“Này A-Dật-Đa! Còn thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào nghe ta nói mà sanh lòng tin hiểu chắc về thọ mạng lâu dài của Phật, thì người ấy ắt thấy Phật  thường tại Kỳ-xà-quật nói Pháp cho các đại Bồ-tát và Thanh-văn vây quanh nghe. Chẳng những thế, mà còn thấy đất cõi Ta-bà bằng lưu ly, mặt liền bằng thẳng, tám nẻo rào bằng dây vàng ròng, bảy hàng cây báu và lầu đài cũng đều bằng bảy báu họp thành, trong có Bồ-tát ở. Ai mà quán tưởng được như thế, thì nên biết đó là biểu hiện của một lòng tin tưởng sâu chắc”.

“Lại nữa, sau khi Phật diệt độ, ai nghe Kinh này mà không chê bai, sanh lòng tuỳ-hỷ, thì đó cũng là biểu hiện của một lòng tin hiểu sâu chắc. Còn ai đọc, tụng, lãnh giữ Kinh này, thì người đó đầu đội Như-Lai”.

“Này A-Dật-Đa! Tin hiểu được như thế, thì không cần vì ta mà dựng chùa tháp, cũng không cần cất tăng-phường và dùng “tứ sự” cúng dường chúng Tăng. Vì sao? Vì thọ trì đọc tụng được kinh này là đã dựng tháp, tạo lập tăng-phường, là đã dùng hương hoa, chuỗi ngọc, tràng phan, kỹ nhạc…tán thán chư Phật trong muôn ngàn ức kiềp rồi”.

“Này A-Dật-Đa! Thọ trì, đọc, tụng Kinh này được công đức như thế, hà huống còn tu hạnh bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, nhất tâm (thiền-định) và trí-tuệ, thì công đức này không còn gì hơn”.

“Nếu thọ trì đọc tụng Kinh này mà còn tạo tháp xây dựng tăng-phường, cúng dường, khen ngợi chúng Thanh-văn và Bồ-tát, hoặc giải nói Kinh Pháp-Hoa rồi còn thanh-tịnh trì-giới, nhẫn-nhục, quí việc ngồi thiền, tinh tấn mạnh mẽ, căn lành trí sáng, thì đó là những người đã đến Đạo-tràng, gần ngồi dưới cội Đạo để chứng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

Tới đây, đức Phật nói một bài kệ nhắc lại ý trên.

 

Huyền nghĩa

I.    Những “pháp-lợi” (những sự lợi-ích của Pháp) khi được nghe Phật nói về “thọ mạng của như-Lai”.

Như-Lai là Tâm, mà Tâm thì bất-sanh (non-né) cho nên bất-diệt (non-mort), do đó nói thọ mạng của Như-Lai không cùng không cực.

Trong mỗi con người, có hai phần: a) phần sanh-diệt là ngũ-uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tức là xác thịt và tinh thần; b0 phần bất-sanh và bất-diệt (hay vô-sanh), tức là Tâm hay bản-thể. Phần trước thì đổi dời (vô thường), phần sau không đổi dời (thường). Chính phần sau này mới là con người thật(Chân-nhân hay Chân-ngã), còn phần trước là con người bề ngoài (homme apparent), con người giả (Giả-ngã).

Từ trước đến giờ, ai cũng lấy phần giả làm thiệt cho nên lầm tưởng mình có sanh, có chết và sống theo sự kích-thích của xác thịt, tình-cảm và tư-tưởng, nghĩ ngợi. Nay Phật đem sự thật ra nói và dạy cho biết con người thật là Tâm, là Như-Lai, không sanh cũng không diệt, sống mãi đời đời, không cùng không tận.

Ai nghe được chân-lý này và hiểu được thì thu hoạch được nhiều lợi-ích. Nhưng không phải đồng là người mà thụ hưởng được những sự lợi-ích như nhau. Vì căn cơ của chúng-sanh không đều, cho nên sự hiểu biết về “Như-Lai thọ mạng” cũng hkông đều: hiểu biết không đều cho nên sự lợi-ích hưởng được trong chỗ giác-ngộ cũng không đều. Vì vậy, hiểu cạn, hưởng lợi-ích nhỏ thì nhiều, mà hiểu sâu và hưởng lợi-ích to, thì càng sâu càng ít.

Những sự lợi-ích ấy như thế nào? Đại khái có 8:

a)      Vô-sanh pháp-nhẫn(kiến tánh): rất đông người được: 6 trăm tám mươi vạn ức na-do-tha Hằng-sa chúng-sanh.

b)      Văn-trì đà-la-ni (nghe hiểu và nắm giữ được) số người hưởng được là hàng Bồ-tát một ngàn lần nhiều hơn.

c)      Nhạo thuyết vô ngại biện tài (thích nói Pháp và có biện tài): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của một thế-giới.

d)  Triền đà-la-ni (thông hiểu đầy đủ, ra vào cửa Pháp vô ngại): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của một thế-giới.

e)      Pháp-luân bất thối (tu hành tinh tấn): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của tam thiên.

f)       Pháp-luân thanh-tịnh (được sự thanh-tịnh): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của hai ngàn cõi.

g)      Vô-lượng Chánh-đẳng Chánh-giác (thành Phật): 4 hạng đại Bồ-tát nhiều ít khác nhau và mau chậm cũng khác nhau.

h)      Phát tâm vô thượng ( phát tâm tu thành Phật): chúng-sanh nhiều như vi-trần của 8 thế-giới.

II.      Những công-đức của người hiểu và tin lời dạy của Phật về Như-Lai thọ mạng. Quan trọng vô cùng vì hơn công-đức của những người tu 5 ba-la-mật dầu là bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn và thiền-định. Chỉ những ai có tu thêm ba-la-mật thứ sáu là Trí-huệ thì công-đức mới to hơn.

III.      Kết quả của lòng tin thuyết Như-Lai thọ mạng:

Tin thuyết này là người khai mở trí-huệ nhờ đó mà cái thấy được biến cải:

a)  Không thấy chúng-sanh mà thấy Phật, tức là không đãi chúng-sanh theo hình tướng (sắc) mà đãi theo Như-Lai (chân-tâm thực-tướng).

b)  Không thấy Ta-bà uế-độ mà thấy quốc-độ thanh-tịnh. Cõi này do Tâm hay Như-Lai mà biến hiện và Ta-bà thật ra không uế mà cũng không tịnh. Uế hay tịnh là do tâm chúng-sanh. Chúng-sanh tâm uế thì Ta-bà là uế-trược. Tâm chúng-sanh thanh-tịnh thì Ta-bà là nước Phật. Huống chi trên căn bản, Ta-bà là hoàn toàn thanh-tịnh vì từ Tâm, từ bản-thể, từ Như-Lai xuất phát ra.

                    IV.      Tin như thế là pháp cúng dường tối thượng: Lối cúng dường thường là dựng chùa tháp, xây cất tăng phường hay lo miếng ăn, thức uống, nhà cửa, quần áo. thuốc men cho chư Tăng. Nhưng cúng dường những thứ ấy để làm gì há không phải với lòng mong được khai ngộ đến mức “minh tâm kiến tánh”?. Mà minh tâm kiến tánh là thấy  được Như-Lai ở trong ta, đức Như-Lai thọ lượng vô cùng, hay Tâm bất sanh bất diệt. Tánh hoàn toàn sáng suốt của ta.

Nay nghe Phật giảng về Như-Lai thọ mạng và đã hiểu được Phật muốn nói gì, thì là đã nhận ra cái “Vô-samh” rồi. Ngộ đặng “Vô-sanh”, là đạt đến mục đích của cúng dường, thì còn cúng dường nữa làm gì?

 V.      Nhưng có một thứ công-đức cao nhất: Đó là công-đức của người vừa hiểu vừa tin thuyết Như-Lai thọ mạng (nghĩa là minh tâm kiến tánh) mà cũng vừa hành 5 ba-la-mật, lại vừa tạo tháp, xây cất tăng -phường và cúng dường mọi thứ.

VI.      Kết luận phẩm này: Biết trong mình có Như-Lai thọ mạng vô cùng, là bậc sáng suốt, giác-ngộ rồi. Nhưng đó mới là giai-đoạn “tin và hiểu”. Bây giờ cần phải thực hiện cái hiểu bằng năm phép tu ba-la-mật, luôn cả những việc cúng dường bề ngoài. Hãy suy nghiệm về câu: “Phật-tử trụ thử địa, thị tắc Phật thọ dụng” (Làm tất cả những việc kể trên là cái Phật của mình có chỗ dùng- hay nói một cách khác- là diễn đạt trong thực-tế cái Như-Lai đã tin hiểu và nhận nơi mình).

 


([1]) Thực tướng: Tướng thực của vạn vật, trái với cái tướng mà ngũ quan và ý thức của con người biết được. Đó là bản thể của vạn-vật. Vì cái thực tướng không hình không dáng, cho nên Kinh tạm gọi là “trống lổng”.

([2] ) Ni-kiền-tử cũng gọi là phái loã-thể vì tín đồ không mặc quần áo. Hiện tồn  tại trên đất Ấn, lấy tên là Jainisme.

([3]) Lộ-già-da-đà: Đạo thuận theo thế tục.  Nghịch-lộ-già-da-đà: Phái nghịch với phái thuận theo thế tục.

([4]) Na-la: những người múa hát.

([5])  Chiên-đà-la: kẻ đồ-tể, quân đao phủ.

([6] ) Viễn ly: xa lìa. Nói cho đủ là “Viễn trần ly cấu”. Dứt được tất cả những cái thấy sai lầm (kiến hoặc), được Chánh-Kiến hay Pháp-nhãn-tịnh, gọi là Viễn trần ly cấu (xa bụi đời, lìa dơ bẩn).

([7] ) A-duy-bạt-trí hay A-bề bạt-trí = bất thối chuyển (không lùi bước).

([8] ) Ô. E.Burnouf dịch đoạn này như sau: “Pourquoi cela? C'est que le Tahâgata voit la réunion des  trois mondes telle qu'elle est; ce monde (à ses yeux) n'est pas engendré, et il ne meurt pas, il ne disparait pas et il ne nait pas, il ne roule pas dans le cercle de la transmigration, et il n'entre pas dans l'anéantissement complet; il n'a pas été et il n'est pas, n'ayant pas été; il n'est pas existant, et il n'est pas nonexistant; il n'est pas ainsi, et il n'est pas autrement; il n'est pas faussement, et il n'est pas réellement; il n'est pas autrement, et il n'est pas ainsi; c'est de cette manière que le Tahâgata voit la réunion des trois mondes; en un mot, il ne la voit pas comme la voient les hommes ordinaires et les ignorants…

([9])  Vô-sanh pháp-nhẫn: Mức giác-ngộ của hàng Bồ-tát đã đắc chân-trí và an trụ vào lý-thể của sanh diệt.

([10])  văn-trì đà-la-ni: Nghe pháp hiểu nhớ.

([11]) nhạo thuyết vô ngại biện-tài: Thích nói pháp và có tài biện luận thông suốt.

([12]) Triền đà-la-ni: Trong cửa pháp, ra vào vô ngại, nghĩa là thông hiểu đầy đủ, muốn giải thích thế nào cũng được.

([13]) Pháp luân bất-thối: Đẩy bánh xe pháp tới hoài không lùi.

([14]) Pháp luân  thanh tịnh: Pháp luân là bánh xe Pháp. Tuy một danh-từ thường dùng để chỉ giáo-pháp của Phật, nhưng có khi đặc biệt chỉ Bát Chánh-đạo. Bánh xe có trục, căm, vành; Pháp Phật cũng có ba tướng nhu thế (huệ, định, giới)- Thanh-tịnh là trong sạch- Ở đây ý nói, được sự thanh-tịnh như người tu giới, định, huệ.

([15]) Bốn tứ-thiên-hạ: Ám chỉ 4 châu: 1) Động-thắng, 2) Tây-ngưu, 3) Bắc-cu-lô, 4) Nam-thiệm cũng gọi là Nam-diêm-phù-đề là trái đất chúng ta hiện ở.

 

--- o0o ---

Mục Lục | Quyển I | Quyển II | Quyển III  

Quyển IV | Quyển V | Quyển VI |  Quyển VII

--- o0o ---

Vi tính: Chánh Dũng
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-04-2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

散杖 Một chuyến trở về rÃÆ お仏壇通販 VÃƒÆ 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 僧人食飯的東西 æ²çå ä ƒäº ä å å น ยาม ๕ ç Š Dịch giả cuốn sách nổi tiếng Đức 春播千亩道稻 对仗 下联 tịnh 今之儒者 自以为正心诚意之学者 Thêm lý do để đưa bông cải xanh vào Ăn Tết Ăn văn hóa nt 丢失菩提心的因缘 総持寺 盆踊り bún 高級 霊園 爐香讚全文 å å ç ªä å ç ¾ 心中有佛 mở 因地不真 果招迂曲 墓 購入 激安仏壇店 ba phuong thuc giao duc tuoi tre phat giao bon phap xay dung doi song tai gia hanh phuc cáo big bang va ly thuyet vu tru cua dao phat 機十心 中孚卦 bay phap de xay dung mot hoi chung hung thanh æµæŸçåŒçŽ 栃木県寺院数 02 lời nói đầu เพรงดนต ฟ duc dalai lama va nhung cau noi dang suy ngam 唐安琪丝妍社 clip ve luat nhan qua lam chung ta phai suy ngam Vu lan 夜渡凡尘 削发更衣 cho đi và nhận lại 成绩不好检讨 chuong ix so tham ve hue lam va quan thien luan ธรรมะก บพระพ ทธเจ Chùa Linh Ứng Sơn Trà 牧牛 12 duong nhan qua anh huong den cuoc doi moi أبا درج nam chu vang giup ban vuot qua kho khan va thu