Một thời Bà Già Bà ở tại rừng cây ông Kỳ Ðà, vườn ông Cấp Cô Ðộc, nước Xá Vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
–Hãy lắng nghe ta nói về căn bản các pháp.
Các Tỳ kheo thưa:
–Dạ vâng.
Ðức Thế Tôn bảo:
–Nếu có ngoại đạo có học thuyết khác đến hỏi các thầy: “Nguồn gốc của các pháp là gì?”, các thầy phải trả lời với họ: “Các pháp lấy dục làm gốc”. Nếu họ hỏi lại:
–Lấy gì làm tập khởi?
–Lấy cánh (xúc) làm tập khởi.
–Lấy gì làm đồng thú (dẫn khởi)?
–Lấy thống làm đồng thú.
–Lấy gì làm hữu?
–Lấy Niệm làm hữu.
–Lấy gì làm minh đạo?
–Lấy tư duy làm minh đạo.
–Lấy gì làm đệ nhất?
–Lấy tam muội làm đệ nhất.
–Lấy gì làm tối thượng?
–Lấy trí tuệ làm tối thượng.
–Lấy gì làm chắc thật?
–Lấy giải thoát làm chắc thật.
–Lấy gì làm cứu cánh?
–Lấy Nê hoàn làm cứu cánh.
–Này các Tỳ kheo, như vậy dục là gốc của các pháp, cánh là tập của các pháp, thống là đồng thú của các pháp, niệm là hữu của các pháp, tư duy là minh đạo của các pháp, tam muội là đệ nhất của các pháp, trí tuệ là tối thượng của các pháp, giải thoát là chắc thật của các pháp, Nê hoàn là cứu cánh của các pháp.
Các Tỳ kheo hãy nên học tập như vậy, thường nên có niệm tưởng về sự xuất gia học đạo, tưởng niệm về sự phi thường (vô thường), tưởng niệm về vô thường nên khổ, tưởng niệm về khổ nên phi thân (vô ngã), tưởng niệm về thực phẩm ô uế, tưởng niệm về bất tịnh, tưởng niệm về sự chết, tưởng niệm về tất cả thế gian không có gì hoan lạc, tưởng niệm để biết sự tà chánh của thế gian, tưởng niệm về sự phân biệt có, không của thế gian, sự tập khởi, sự cố thủ, hoan lạc (vị ngọt), sự biến thất (tai hoạn), và mục đích chủ yếu (quy thú) của thế gian. Hãy nên học như vậy, dùng chánh kiến để biết rõ.
Các Tỳ kheo suy niệm như vậy để đoạn ái, bỏ dục, thâm nhập trí tuệ chơn chánh đạt được biên giới của khổ.
Ðức Phật nói như vậy xong, các Tỳ kheo hãy đều hoan hỷ phụng hành.
PHẬT NÓI KINH CHƯ PHÁP BỔN
Nguồn: www.quangduc.com