.

 

KINH  VỊ  TẰNG  HỮU  CHÁNH  PHÁP

Hán dịch: Tống,  Pháp Thiên.

Việt dịch:  Thích nữ Tịnh Nguyên

 Chứng nghĩa: Tỳkheo Thích Ðỗng Minh,

Tỳ kheo Thích Tâm Hạnh.

--- o0o ---

 

Quyển thứ ba

Bấy giờ đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni lại bảo Xá Lợi Phất:

- Ông nên phát tâm Vô thượng Bồ đề, tu các hạnh của Bồ tát, không nên ưa thích quả Thanh Văn. Vì sao ? Này Xá Lợi Tử ! Vì tất cả chúng sanh ở trong luân hồi, không biết sợ sệt thì làm sao giải thoát. Cho nên các Bồ tát nên phát đại tinh tấn ở trong luân hồi mà đủ cách hóa độ để họ sợ sanh tử mà ra khỏi ba cõi. Nếu ông chỉ thích quả Thanh văn thì không thể nào phát tâm đại Bồ đề để cứu độ tất cả chúng sanh. Cho nên tất cả chúng sanh nếu được gặp Bồ tát khuyên dạy phát sanh tinh tấn thì được giải thoát sanh tử và cũng có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Này Xá Lợi Tử ! Vào thời quá khứ có Phật ra đời hiệu là Cụ Túc Công Ðức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Trong hội của Phật ấy có trăm câu chi chúng Thanh văn, có tám ngàn chúng Bồ tát. Ðức Phật ấy sống mười vạn tuổi, có hai vị Thanh văn làm thượng thủ. Một vị tên Xuất Hiện có trí huệ đệ nhất. Còn vị thứ hai tên Phấn Tật có thần thông đệ nhất. Bấy giờ, đúng giờ ăn Cụ Túc Công Ðức Như Lai đắp y ôm bát có đại chúng đi theo vào một vương thành theo thứ lớp mà khất thực. Thành này tên Diệu AÂm. Khi Phật vào thành vị Thanh văn trí huệ đi bên phải đức Phật, vị Thanh văn thần thông thì ở bên trái, còn chúng Thanh văn khác đều đi phía sau. Riêng chúng Bồ tát thì đi trước hướng dẫn. Lại có Ðại Phạm Thiên Vương, Ðế Thích, Thiên chủ hộ đời, Tứ Thiên Vương và các chúng trời đi theo Thế Tôn vào vương thành ấy.

Bấy giờ, trong thành có ba đồng tử trang sức đủ loại đứng ở bên đường cùng nhau đùa nghịch. Ba đồng tử nhìn thấy Thế Tôn với tướng tốt đẹp đẽ, oai đức vô lượng, ánh sáng rực rỡ giống như vàng ròng, hình dáng oai nghiêm như đại long vương. Thấy vậy, ba đồng tử hoan hỉ sanh lòng cung kính. Ðồng tử thứ nhất nói :

- Các bạn thấy đức Phật Thế Tôn kia không ? Là bậc tối tôn tối thượng trong chúng sanh, có phước đức vô cùng tận, trời người đều cung kính. Chúng ta nên cùng nhau cúng dường chắc chắn được quả lớn.

Cùng nhau bàn luận xong, đồng tử thứ nhất nói kệ :

Phật này tôn quí trong chúng sanh

Bậc xứng đáng trời người cúng dường

Chúng ta nên thiết lễ cúng dường

Ðược quả báo lớn không uổng công.

Hai đồng tử còn lại nói kệ :

Tôi bày cúng dường không hương hoa

Cũng không có những vật tốt đẹp

Nhưng chỉ có cả thân mạng này

Sẽ đem cúng dường Phật Thế Tôn.

Thế rồi đồng tử thứ nhất liền cỡi những trân châu anh lạc quí báu đeo trên thân giá trị một trăm ngàn lượng vàng nói với hai đồng tử bằng kệ :

Nay tôi sẽ đem anh lạc này

Cúng Phật Như Lai Ðại Trí Tôn

Nguyện tôi sau khi cúng dường Phật

Sẽ được phước đức đại vô lượng.

Thấy đồng tử này đã dâng cúng dường rồi, hai đồng tử còn lại cũng đều cởi những anh lạc đeo nơi thân nói đồng tử kia bằng kệ :

Tôi đem anh lạc dâng cúng dường

Bậc Nhất Thiết Tối Thắng Chánh Giác

Ðã cúng dường với lòng thành này

Nguyện cầu được chánh pháp của Phật.

Thấy hai đồng tử này cùng dâng cúng anh lạc, đồng tử trước nói với họ:

- Hai bạn đã làm phước lợi vô tận, đối với Phật pháp nên cầu những quả gì ?

Ðồng tử thứ hai nói :

- Tôi nguyện vào đời đương lai được làm đệ tử ở bên phải của Thế Tôn và được trí huệ đệ nhất.

Ðồng tử thứ ba nói :

- Tôi nguyện vào đời đương lai được làm đệ tử ở bên trái của đức Phật và được thần thông đệ nhất.

Sau khi nói sở nguyện của mình xong, hai đồng tử lại hỏi đồng tử thứ nhất :

- Bạn dẫn đường rất giỏi là bạn lành của tôi. Vậy bạn dâng cúng dường là muốn cầu gì ?

Ðồng tử thứ nhất trả lời :

- Sở nguyện của tôi là nguyện sẽ đắc quả Vô thượng Bồ đề, đầy đủ Nhất thiết trí phóng ánh sáng rực rỡ, để tất cả chúng sanh thấy hoan hỉ mà phát tâm Bồ đề, giống như Sư tử chúa có đại chúng vây quanh, giống như Phật ngày nay không khác.

Phật dạy Xá Lợi Tử :

- Khi ba đồng tử ấy phát thệ nguyện thì trong hư không có tám ngàn thiên tử cùng nói rằng : “ Lành thay ! Lành thay ! Các ông nói lời này rất hay. Sự mong muốn quả thù thắng quyết định có thật không nghi ngờ”.

Ba đồng tử ấy đều đem anh lạc đến trước Phật. Ðức Phật dạy Xá Lợi Phất:
- Cụ Chư Công Ðức Như Lai thấy ba đồng tử đem các anh lạc đến chỗ Phật liền nói Bí sô Hải Huệ rằng :

- Này Bí sô ! Ông thấy ba đồng tử này không ?

Hải Huệ thưa :

- Bạch Thế Tôn ! Con đã thấy !

Phật dạy :

- Này Bí sô ! Lòng mong cầu của đồng tử thứ nhất khác với hai đồng tử kia, vì cất chân hạ chân đều tự tại đặc biệt tôn quí giống như Chuyển Luân Thánh Vương. Giả sử trăm ngàn Phạm Vương, Ðế Thích cũng không thể sánh bằng. Nay đến chỗ Phật mà phát tâm đạo vì muốn cầu được chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

Ðến chỗ Phật, ba đồng tử đều lễ lạy sát chân Thế Tôn và đem anh lạc dâng cúng dường Thế Tôn, được đức Phật thọ nhận. Nếu ai phát tâm Thanh văn thì những anh lạc đã hiến cúng trụ trước Phật. Nếu ai phát tâm Bồ đề thì anh lạc đã hiến cúng trụ trong hư không phía trên đức Phật, biến thành đài báu có bốn trụ và được trang hoàng đẹp đẽ, phía trên có vô lượng chư Phật ngồi kiết già, hiện các tướng đẹp, đủ những trang nghiêm thù thắng vô lượng.

Bấy giờ, Cụ Chư Công Ðức Như Lai liền nhập Tam muội, quán khắp tướng biến hóa của chư Phật Như Lai. Từ giữa mặt, Phật ấy phóng ra ánh sáng đủ màu sắc, như xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, xanh lục. Ánh sáng ấy chiếu khắp vô biên thế giới lên đến trời Phạm thiên, làm che lấp ánh sáng mặt trời mặt trăng. Sau khi ánh sáng ấy chiếu như vậy, rồi nhiễu phải ba vòng và vào trở lại đảnh đầu của Như Lai.

Bí sô Hải Huệ thưa trước Phật :

- Bạch Thế Tôn ! Có nhân duyên gì mà phóng ánh sáng này, cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con được biết.

Phật dạy Bí sô :

- Ông thấy anh lạc mà hai đồng tử kia cúng dường Phật đang trụ trước Phật không ?

Bí sô thưa :

- Bạch Thế Tôn ! Con đã thấy.

Phật dạy Bí sô:

- Hai đồng tử này vì cầu quả Thanh văn, ưa thích chứng Tự lợi Niết bàn nên không thể phát tâm đại Bồ đề.

Này Bí sô ! Anh lạc mà đồng tử đầu tiên cúng dường ở trong hư không phía trên đức Phật, hiện những biến hóa. Người này vì cầu chứng Vô thượng Bồ đề, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Còn hai đồng tử kia chỉ thích trí huệ và thần thông nên không làm lợi lạc cho chúng sanh. Cho nên sự cúng dường ấy cũng không có tướng thù thắng. Ông nên biết ! Ai phát tâm đại Bồ đề thì được phước đức cũng không thể lường. Nay ông nên xả bỏ tâm Thanh văn mà phải cầu Vô thượng Bồ đề.

Phật dạy Xá Lợi Tử :

- Thuở đó, đồng tử phát tâm Bồ đề chẳng phải người nào lạ, mà chính là ta vậy. Người thích trí huệ chính là ông. Còn người thích thần thông chính là Mục Kiền Liên. Thanh văn các ông dù tránh khỏi luân hồi chỉ thích cầu về Niết bàn, không bao giờ làm lợi ích rộng lớn cho chúng sanh. Chư Phật thì tâm bình đẳng giống như hư không vô cùng vô tận, phước tụ vô lượng và công đức vô lượng vượt qua cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác.

Này Xá Lợi Tử ! Các ông hãy mau phát tâm Vô thượng Bồ đề..

Khi ấy, các đại Thanh văn Xá Lợi Tử, Ðại Mục Kiền Liên, Ðại Ca Diếp, A Nê Lâu Ðà, Ưu Ba Ly, Phú Lâu Na, Tu Bồ Ðề.v.v.. đồng thanh thưa :

- Lành thay, bạch Thế Tôn ! Ngài đã khai mở chỉ đạo một cách tường tận. Chúng con nay phát tâm đại Bồ đề. Bạch Thế Tôn ! Xin Ngài biết cho. Thiện nam thiện nữ nào trồng các căn lành muốn cầu giải thoát, nên phát tâm rộng lớn và hạnh nguyện rộng lớn. Người này sẽ được thấy và nghe chánh pháp với trăm ngàn chư Phật.

Bạch Thế Tôn ! Chúng con từ xưa đến nay vì trí huệ hạn hẹp nên không dám mong cầu trí vô biên của Phật, nay tự trách mình mà phải phát tâm rộng lớn. Ví như có người sau khi đã tạo nghiệp bất thiện, nếu không ăn năn tội lỗi sửa ác theo lành thì không thể nào tránh khỏi những khổ não. Thanh văn chúng con chỉ cầu tự lợi nếu không bỏ tâm hẹp hòi để cầu trí huệ của Phật thì cũng không bao giờ mất vô dư Niết bàn (?) lại giống như người sắp chết tâm thức hôn mê rối loạn, không còn có thể lưu luyến với quyến thuộc yêu thương. Cũng vậy, con cầu Niết bàn tự lợi không có tâm hóa độ chúng sanh.

Xin Thế Tôn biết cho ! Vô thượng Bồ đề giống như mặt đất. Tất cả chúng sanh trên thế gian đều nhờ đất mà được tồn tại, nhờ đất mà được phát triển. Cũng vậy, tất cả căn lành đều nương vào Vô thượng Bồ đề mà được sanh trưởng.

Bấy giờ trong hội có một vạn người sau khi nghe Phật nói về nhơn duyên của những việc xưa và nghe Xá Lợi Phất nói như vậy đều phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Kỳ nọ, vua nước Ma Già Ðà sửa soạn xa giá đến chỗ đức Phật. Sau khi đến hội của Phật, vua đem đầu mặt lạy sát chân Ngài và đi nhiễu Phật ba vòng rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, vua chắp tay hướng về Phật nhất tâm cung kính thưa :

- Bạch Thế Tôn ! Tất cả chúng sanh do đâu mà tạo nghiệp ? Nhơn duyên tạo nghiệp dựa vào đâu mà tồn tại ?

Phật dạy :

- Này đại vương ! Tất cả chúng sanh, thọ giả cho đến Bổ đặc già la đều nương vào thân kiến của ngã mà tồn tại để rồi phân biệt một cách điên đảo. Do phân biệt nên mới tạo nghiệp. Vì tạo nghiệp nên không được giải thoát.

Vua lại hỏi :

- Bạch Thế Tôn ! Thân kiến của ngã lấy gì làm căn bản ?

Phật dạy :

- Lấy vô minh làm căn bản.

Vua hỏi :

- Như vậy nói Vô minh là lấy gì căn bản ?

Phật dạy :

- Lấy tác ý không như lý làm căn bản.

Vua hỏi :

- Tác ý không như lý lấy gì làm căn bản ?

Phật dạy :

- Lấy tâm không bình đẳng làm căn bản.

Vua hỏi :

- Sao gọi là tâm không bình đẳng ?

Phật dạy :

- Từ vô thủy đến nay không biết như thật nên gọi là tâm không bình đẳng.

Vua hỏi :

- Sao gọi là không biết như thật ?

Phật dạy :

- Từ vô thủy đến nay, tất cả chúng sanh đối với vô lai chấp là hữu, đó gọi là không biết như thật.

Vua hỏi :

- Vì sao đối với không  cho là có nghĩa là sao ?

Phật dạy :

- Vì pháp phân biệt không sanh không thật mà chấp là có thật.

Vua hỏi :

- Nếu pháp không sanh thì nay lấy gì nói ?

Phật dạy :

- Này đại vương ! Vì thân của ngã còn không, nên pháp không có gì để nói.

Vua hỏi :

- Bạch Thế Tôn ! Nếu thân là không thì làm sao tạo tác, làm sao trụ tin vi ?

Phật dạy :

- Này đại vương ! Mặc dầu có tạo tác nhưng không chấp trước vào nó.

Vua hỏi :

- Vậy thì không chấp trước này phải nói thế nào ?

Phật dạy :

- Pháp không chấp trước nên nói như thật, đó là lời nói của bậc Thánh.

Vua hỏi :

- Sao gọi là lời nói như thật ? Sao gọi là lời nói của bậc Thánh?

Phật dạy :

- Này đại vương ! Ðối với tất cả  pháp lìa trần kiến, lời nói chân thật ấy gọi là nói chân thật. Người nào nói chân thật đó là lời nói của bậc Thánh. Người nào có lời nói của bậc Thánh tức là người hiểu rõ các pháp vốn không chỗ sanh nên trụ như vậy, nên học như vậy.

Nghe Phật nói pháp, vua nước Ma Già Ðà rất hoan hỉ và thưa Phật :

- Thật hy hữu thay bạch Thế Tôn ! Ngài đã dạy rất rõ về pháp chân thật chưa từng có này. Như Phật Thế Tôn lấy trí vô lậu để làm lợi lạc khắp cho tất cả chúng sanh, cho nên nói pháp chân thật. Ðối với chúng sanh bị nghiệp tội trói buộc thì không thể nào nghe thọ để tu hành. Con cũngnhư vậy, xin Thế Tôn thương nghĩ đến con, từ xưa đến nay, con không gặp bạn lành, do tâm bất thiện nên con cũng tạo nhiều nghiệp bất thiện. Vì thế mà con không thể nào gần gũi Thế Tôn để nghe chánh pháp. Con ở nơi thâm cung, chỉ thích vui chơi ăn uống yến tiệc, đêm ngày không chút tạm bỏ, nên con không thể đến chỗ đức Phật để nghe chánh pháp.

Bạch Thế Tôn ! Con nay hối hận tội lỗi và tự trách mình. Những tội ác xưa đã tạo đã ăn sâu vào tư tưởng của con, ngày đêm không khi nào thấy an lạc, giống như người tội bị mắc nợ luôn luôn sợ hãi. Thế Tôn có lòng Ðại bi là cha của chúng sanh, làm chỗ nương tựa hco người không nơi nương tựa, làm người dẫn đường cho người mắt không thấy, làm sự an lạc cho những người đau khổ, làm người chỉ đường chánh cho người bị lạc, làm người bố thí trân báu cho người nghèo thiếu, tâm Ngài bình đẳng không mệt mỏi, làm lợi lạc cho tất cả không có tư tưởng kẻ oán người thân. Cúi xin Ngài thương xót cứu độ cho con, nghĩ đến những tội lỗi đã tạo, con rất sợ hãi. Giống như người sắp rớt xuống hầm hố chỉ mong được cứu vớt. Con sợ đọa trong đường ác, cứu xin Ngài cứu hộ diệt trừ tội cấu của con, để con được hiểu ngộ chánh pháp.

Biết vua nước Ma Già Ðà sám hối tội lỗi, tha thiết phát lộ, ưa thích pháp sâu xa của Ðại thừa, đức Thế Tôn suy nghĩ : “ Bồ tát Diệu Cát Tường có trí huệ biện tài, có thể giảng nói cho vua”. Nhờ oai lực của đức Phật, nên tôn giả Xá Lợi Tử biết tâm niệm của Phật bèn nói với vua nước Ma Già Ðà :

- Ðại vương nên biết ! Bồ tát Diệu Cát Tường có biện tài vô lượng trí huệ vô lượng, nói hoàn hảo về  pháp giải thoát. Bồ tát chắc chắn sẽ giảng nói chánh pháp cho vua để vua khai ngộ đạt được an lạc lớn. Vua nên thỉnh Bồ tát vào cung cúng dường thức ăn uống để được vô lượng lợi ích.

Tôn giả Xá Lợi Tử lại bảo tất cả nhân dân trong thành Vương Xá hãy chiêm ngưỡng lễ lạy ca ngợi và tùy hỷ theo sự nghe thấy, trồng các căn lành đạt được phước thù thắng.

Theo lời của tôn giả Xá Lợi Phất, vua nước Ma Già Ðà liền thưa với Bồ tát Diệu Cát Tường :

- Bồ tát có lòng đại bi xin hãy thương xót con, vào cung để con cúng dường thức ăn uống. Cúi xin Ngài thương mà nhận lời thỉnh cầu của con.

Bồ tát Diệu Cát Tường nói với vua :

- Ta nhận lời mời của vua để làm cho vua được thỏa nguyện. Vua phát tâm thù thắng đó là Ta đã nhận sự cúng dường rồi. Vua ưa thích nghe pháp Ta sẽ giảng nói cho.

Này đại vương ! Ðối với các pháp không nên chấp trước, đó là Ta nói pháp cho vua. Ðối với các pháp, không nên nghi ngờ, đó là Ta nói pháp cho vua. Ðối với các pháp, không chấp trước vào tướng ba đời, đó là Ta nói pháp cho vua. Ðối với các pháp Niết bàn của Thanh văn, Duyên giác là tướng tịch diệt, đó là Ta nói pháp cho vua

Vua thưa với Bồ tát Diệu Cát Tường :

- Cúi xin Bồ tát thương xót con cùng các đại chúng đồng nhận cúng dường của con.

Bồ tát Diệu Cát Tường nói :

- Ðại vương hãy gát qua một bên về việc vua đem thức ăn uống y phục cúng dường cho đại chúng. Vì sự thương xót mà nhận sự cúng dường, đây không phải là lợi không phải là phước. Phàm người cúng dường là đối với pháp nên sanh tâm hy hữu, không có tưởng về tạo tác, không có tưởng ngã, không có tưởng chúng sanh, không có tưởng thọ mạng, không có tưởng Bổ đặc già la, không chấp trước vào tướng mình, không chấp trước vào tướng người. Ðó là cúng dường. Nên quán các pháp không nắm bắt, không có uẩn xứ giới, không có trong không có ngoài, không ở trong ba cõi chẳng lìa ba cõi, không thiện cũng không ác, không ưa thích không nhàm chán, chẳng phải thế gian chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu lậu chẳng phải vô lậu, chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi, chẳng có phiền não chẳng lìa phiền não, chẳng phải luân hồi, chẳng phải tịch diệt, ai quán đúng như vậy là cúng dường.

Vua lại hỏi Bồ tát Diệu Cát Tường :

- Bồ tát xin hãy thương xót làm lợi lạc mà nhận sự cúng dường của con.

Bồ tát Diệu Cát Tường nói :

- Này đại vương ! Không nên cầu lợi lạc, không có gì để thương xót. Vì tâm ấy không chấp trước, không động không chuyển, không khen không chê, không nắm bắt không xả bỏ, không cầu lợi lạc nên không có gì để thương xót. Các pháp bình đẳng và không sở đắc. Ðó gọi là nhận sự cúng dường.

Này đại vương ! Nếu ai được như vậy thì đó là lợi lạc chân thật.

Vua thưa Bồ tát Diệu Cát Tường :

- Pháp vốn là vô tướng và không động tác. Vậy con dâng cúng sự cúng dường cũng như vậy.

Diệu Cát Tường nói :

- Không tánh, vô tướng cũng không động tác. Người nào cầu pháp là vô tưởng, vô nguyện, vô hành, vô tác cũng không phải vô tác. Vì sao ? Này đại vương ! Vì tự tánh của các pháp vốn không động, cũng không có tạo tác. Tự tánh của chúng sanh vốn không nên ba nghiệp không có động tác. Ðại vương nên quán tất cả hành đều vô tác, đó là do hiểu rõ tự tánh của tất cả pháp là không.

Vua nói :

- Các hành có tạo tác sao lại nói là không ?

Diệu Cát Tường nói :

- Này đại vương ! Như pháp quá khứ đã diệt, pháp vị lai chưa đến, pháp hiện tại không chỗ sanh. Các hành hữu vi cũng như vậy. Sở dĩ không chấp vào ba đời vì tất cả đều là vô thường, pháp không tăng cũng không giảm.

Này đại vương ! Nên hiểu rõ các hành là như vậy.

Vua hỏi :

- Hai pháp Thánh đạo và phiền não có bình đẳng không ?

Diệu Cát Tường nói :

- Hai pháp đều bình đẳng, không tăng không giảm.

Này đại vương ! Khi ánh sáng mặt trời xuất hiện có hòa hợp với tối tăm không ?

Vua thưa :

- Không ! Khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì những tối tăm không còn.

Diệu Cát Tường hỏi :

- Vậy khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì những tối tăm ấy đi về đâu ?

Vua trả lời :

- Những tối tăm ấy cũng không có chỗ đi.

Diệu Cát Tường nói:

- Phiền não và Thánh đạo cũng như vậy. Hai pháp này không gặp nhau cũng không tăng không giảm, chẳng phải trụ chẳng phải không trụ.

Này đại vương ! Vì phiền não bình đẳng nên Thánh đạo cũng bình đẳng. Vì hai pháp này bình đẳng cho nên các pháp cũng đều bình đẳng.

Ðại vương nên biết ! Tánh của phiền não là không, cũng không có chỗ trụ. Nhờ phiền não mà được Thánh đạo. Vì được Thánh đạo nên không còn phiền não. Cho nên hai pháp này không tăng không giảm cũng không khác nhau.

Vua hỏi :

- Phiền não và Thánh đạo từ đâu sanh ra ?

Diệu Cát Tường nói :

- Do tâm sanh ra. Nếu tâm không sanh thì phiền não không sanh. Nếu phiền não không sanh thì Thánh đạo không sanh. Cho nên biết rằng, phải quán phiền não như vậy và Thánh đạo cũng phải quán như vậy. Nếu đã quán như vậy thì tâm vô sở đắc.

Vua hỏi :

- Pháp Thánh đạo có qui về Niết bàn không ?

Diệu Cát Tường trả lời :

- Không. Vì các pháp không đến không đi. Niết bàn cũng thế.

Vua hỏi :

- Thánh đạo trụ thế nào ?

Diệu Cát Tường trả lời :

- Thánh đạo trụ như vậy.

Vua hỏi :

- Thánh đạo không phải chỗ trụ của giới định huệ sao ?

Diệu Cát Tường nói :

- Các pháp là vô hành, vô tướng xa lìa các hý luận. Nếu là giới định huệ thì tức là hý luận. Nếu có hành có tướng thì không nên trụ như vậy. Trụ như vậy tức là chẳng phải trụ chẳng phải bất trụ. Thánh đạo cũng như vậy.

Vua hỏi :

- Tất cả thiện nam thiện nữ nếu tu hạnh Bồ đề thì có đắc Thánh đạo không ?

Bồ tát nói :

- Người nào tu Bồ đề thì không có pháp nhỏ nào có thể đắc. Vì đạo Bồ đề chẳng phải khổ chẳng phải lạc, chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã, chẳng thường chẳng phải vô thường, chẳng tịnh chẳng uế, không có luân hồi để nhàm chán, cũng không có Niết bàn để chứng đắc. Cho nên tất cả pháp đều không thể đắc. Pháp Thánh đạo cũng không thể đắc.

Vua thưa Bồ tát Diệu Cát Tường :

- Lành thay ! Ðại sĩ thật là hy hữu. Ngài giảng nói rất hoàn hảo về pháp giải thoát làm con đều tin hiểu. Con thành tâm cung kính bày sự cúng dường. Con sẽ dâng thức ăn uống để cúng dường đại chúng, xin Bồ tát đến chỗ con.

Diệu Cát Tường nói :

- Thức ăn không có sự làm, bố thí không có sự thọ. Người bố thí và người thọ nhận không hai, không khác. Vua đã thành tâm thì tôi sẽ thọ nhận.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Bồ tát Diệu Cát Tường :

- Nay đã đúng lúc hãy nhận lời thỉnh của vua để làm lợi ích lớn cho nhiều người.

Bồ tát Diệu Cát Tường thưa trước Phật :

- Con vâng lệnh Phật đã nhận lời thỉnh cầu của vua, và sẽ cùng đại chúng thọ nhận sự cúng dường.

Biết Bồ tát Diệu Cát Tường đã nhận lời thỉnh cầu của mình, vua nước Ma Già Ðà rất vui mừng và được an ổn lớn, cung kính lễ lạy Thế Tôn và Bồ tát Diệu Cát Tường cùng các đại chúng. Sau đó vua đến hỏi tôn giả Xá Lợi Tử:

- Bồ tát Diệu Cát Tường đã nhận sự cúng dường của con, các Bồ tát cùng đến là bao nhiêu vị ?

Xá Lợi Tử nói :

- Sẽ đi chung với năm trăm vị Bồ tát đến dự hội của vua.

Bấy giờ vua nước Ma Già Ðà về cung trước, sửa soạn nhà rộng lớn, bảo những người tôi tớ đều phải thanh lọc tâm mình cho thanh tịnh, chuẩn bị sắp đặt đủ thứ món ăn uống thượng hạng, dựng tràng phan bảo cái và lộng báu với trân châu tốt đẹp, rải các hoa đẹp, đốt đủ loại hương thơm, gắn trân châu anh lạc hết trên hoa ấy, trải năm trăm chỗ ngồi. Còn Vương thành thì cho sửa sang đường xá, rải hoa đốt hương, không còn bụi dơ, dọn sạch sẽ những con đường ấy.

Khi ấy, nhân dân trong thành nghe Bồ tát Diệu Cát Tường vào cung vua nhận sự cúng dường, tất cả đều hoan hỉ nhất tâm mong chờ. Ai nấy đều đem hương hoa đứng chực sẵn bên đường.

Bấy giờ vào đầu đêm, Bồ tát Diệu Cát Tường suy nghĩ : “ Sáng mai đến chỗ vua thỉnh, Bồ tát đi cùng ta ít quá. Ta nên đến các cõi Phật để mời các vị đại Bồ tát cùng đi đến thắng hội trang nghiêm trong cung vua. Nếu ta thuyết pháp cho vua thì các Bồ tát ấy có thể làm chứng minh”. Vừa nghĩ vậy xong, Bồ tát biến mất, trong chốc lát đã qua tám vạn cõi Phật ở phương Ðông, đến một thế giới tên Thường Thanh. Phật hiệu là Cát Tường Thanh Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Chánh Giác hiện đang thuyết pháp. Ngài giảng nói pháp đại thừa cho các Bồ tát. Các Bồ tát ấy đều ở vào địa Bất thối chuyển. Trong cõi Phật ấy có cây bảy báu trổ nhiều hoa quả. Cành lá cây ấy thường phát ra âm thanh vi diệu, như là tiếng khen ngợi Phật, tiếng khen ngợi Pháp, tiếng khen ngợi Bồ tát địa Bất thối chuyển, thường phát ra tiếng khen Tam bảo như vậy. Nên gọi là thế giới Thường Thanh. Sau khi đến cõi đó, Bồ tát Diệu Cát Tường đến trước Cát Tường Thanh Như Lai lễ dạy dưới chân ngài và thưa :

- Con từ cõi Ta Bà đến đây. Con được vua nước Ma Già Ðà thỉnh vào cung để cúng dường thức ăn uống, nhưng vì chúng Bồ tát ít quá, nên con đến thỉnh mời các thượng sĩ đại Bồ tát vào sáng mai đi cùng con đến cung vua để thọ nhận sự cúng dường của vua, để cho tất cả chúng sanh được phước. Cúi xin đức Thế Tôn bảo các Bồ tát nhận lời thỉnh cầu của con.

Bấy giờ Cát Tường Thanh Như Lai bảo tám vạn đại Bồ tát :

- Này các nam tử ! Nay Bồ tát Diệu Cát Tường đến thỉnh các ông đến cung vua nước Ma Già Ðà trong thế giới Ta Bà để nhận cúng dường thức ăn uống. Các ông hãy cùng đi mà làm Phật sự.

Nghe lời dạy đức Thế Tôn, các Bồ tát liền phụng hành. Thế rồi Bồ tát Diệu Cát Tường làm lễ từ biệt Cát Tường Thanh Như Lai và cùng tám vạn đại Bồ tát biến mất trở về cõi Ta Bà đến chỗ cũ. Sau khi cùng các đại Bồ tát an tọa, Bồ tát Diệu Cát Tường nói :

- Tôi có pháp môn tên là Ðại Tổng Trì, nay tôi sẽ giảng nói phân biệt cho các đại sĩ. Sao gọi là pháp môn Tổng trì ? Nghĩa là người nào muốn chứng pháp môn Tổng trì thì phải trụ tâm chánh niệm không tán loạn, lìa bỏ si giận, dùng trí huệ thông đạt tất cả pháp, thực hành đạo của Như Lai đắc môn biện tài, trụ vào vô tướng, thể nhập tất cả pháp, nắm giữ hết các trí môn, nối dõi Thánh đạo giữ gìn Tam bảo, nói năng luận bàn điều gì không bị ngưng trệ trở ngại, hiểu rõ ngôn ngữ của tất cả chúng sanh. Tất cả những thứ ngôn ngữ khác nhau của trời, rồng, dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhơn, phi nhơn cho đến Ðế Thích, Phạm vương dưới đến loài dị loại bàng sanh vẫn có thể theo từng ngôn ngữ của chúng mà thuyết pháp, biết rõ căn tánh của chúng sanh lợi hay độn, tùy theo hạng ấy mà được hiểu biết, các căn thanh tịnh tránh xa các tà kiến, bình đẳng an trụ vào pháp môn tổng trì, không vướng vào tám loại pháp thuận nghịch ở thế gian, viên mãn tất cả thiện pháp xuất thế, giảng nói cho chúng sanh về hành nghiệp nhơn duyên quả báo để họ được nhiều an lạc, dùng trí huệ thông đạt tất cả xứ, có thể làm cho chúng sanh vứt bỏ những gánh nặng. Tâm không lo buồn , biết tự tánh của các pháp, tùy theo căn cơ mà giảng pháp để phù hợp với chứng bệnh làm cho họ tinh tấn đạt được nhiều thiện lợi. Tâm của Bồ tát hoan hỉ không mong cầu quả báo. Nếu có các căn lành chỉ hồi hướng lên Nhất thiết trí, cầu Nhất thiết trí, làm lợi lạc lớn cho tất cả chúng sanh. Ðối với lục độ đều hành thành tựu. Hạnh bố thí viên mãn hồi hướng lên Nhất thiết trí. Hạnh trì giới viên mãn hồi hướng cho chúng sanh để chúng được an lạc. Hạnh nhẫn nhục viên mãn được tướng tốt của Phật, trang nghiêm đầy đủ. Tinh tấn viên mãn làm thành thục tất cả căn lành. Thiền định viên mãn đắc pháp tương ưng tự tại vô ngại. Trí huệ viên mãn thông đạt tất cả pháp. Ðối với pháp được tự tại tránh xa các lỗi lầm.

Này thiện nam tử ! Pháp môn tổng trì là như vậy. Nếu đươc pháp môn này rồi không bị quên mất. Vì Tổng là giữ gìn Nhất Thiết Trí.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Pháp môn Tổng trì lại có thể giữ gìn tất cả pháp, nghĩa là hiểu rõ tất cả pháp là không, vô tướng, vô nguyện, không động, không tạo tác, lìa các phân biệt, không sanh không diệt, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng phải hữu chẳng phải vô, không đến không đi, chẳng thành chẳng hoại, chẳng tụ chẳng tan, chẳng phải hữu tánh chẳng phải vô tánh, chẳng phải hữu tưởng chẳng phải vô tưởng, lìa các hí luận, chẳng phải ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, Bổ đặc già la, không nắm bắt không xả bỏ, chẳng thấy chẳng nghe, chẳng hay chẳng biết. Ðó gọi là giữ gìn tất cả pháp.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Pháp môn Tổng trì còn gọi là giữ tất cả pháp, vì tự tánh nó là không, như thấy trong mộng, như bọt nước, như sóng nắng, như hư không.v.v... lại có thể giữ gìn tất cả pháp là khổ, không, vô thường, vô ngã, tịch diệt.v.v.. tự tánh nó không tạo tác, không lạc không khổ, không đắc không chứng. Pháp môn Tổng trì lại ví như mặt đất vì giữ gìn thế gian, không lớn không nhỏ nó đều giữ gìn cũng không mệt mỏi. Ðại Bồ tát đắc pháp môn Tổng trì cũng như vậy. Vì chúng sanh mà phát tâm Bồ đề, thâu nhiếp các căn lành không cho tan mất, dù trải qua atăngkì kiếp cũng không chút biếng nhác thối lui. Lại như mặt đất có thể nuôi dưỡng vạn vật. Bồ tát đắc pháp môn Tổng trì có thể giáo hóa làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Như mặt đất có thể sanh sản ra cây cối để làm chất dinh dưỡng nuôi chúng sanh. Bồ tát đắc pháp môn Tổng trì có thể sanh ra tất cả pháp lành để làm lợi ích chúng sanh. Như mặt đất không tăng không giảm, giữ gìn vạn vật không cao không thấp. Tâm Bồ tát đắc pháp môn Tổng trì cũng như vậy, không tăng không giảm, giữ gìn chúng sanh không có tư tưởng oán hay thân. Như mặt đất nhận nước mưa không bao giờ nhàm chán. Bồ tát đắc pháp môn Tổng trì ưa thích nghe thọ pháp hội Bồ tát của Phật không nhàm chán. Như mặt đất có thể giữ gìn tất cả hạt giống, theo thời gian tăng trưởng không bao giờ dừng nghỉ. Bồ tát đắc pháp môn Tổng trì có thể giữ gìn tất cả hạt giống pháp lành. Lại như người dũng sĩ ở thế gian, oai lực mạnh mẽ có thể chiến thắng quân địch khác. Bồ tát đắc pháp môn Tổng trì có đầy đủ tinh tấn, thần thông oai đức có thể chiến thắng quân ma.

Này thiện nam tử ! Nên biết rằng : tự tánh của tất cả pháp không quên không ghi nhớ, là thường là vô thường, là khổ hay lạc, là tịnh hay bất tịnh, là ngã hay vô ngã, là hữu tình hay chẳng phải hữu tình, là thọ mạng hay chẳng phải thọ mạng, là Bổ đặc già la hay chẳng phải Bổ đặc già la.v.v.. Pháp môn Tổng trì cũng như vậy, cũng không ghi nhớ vì các pháp lìa hai tướng, cũng không quên mất.

Nøy thiện nam tử ! Pháp môn Tổng trì giống như hư không tuy giữ gìn mặt đất nhưng không có tư tưởng giữ gìn, thâu giữ tất cả pháp mà không có tướng nắm giữ. Lại như ánh sáng mặt trời chiếu sáng tất cả tướng, pháp môn Tổng trì có thể quán chiếu tất cả pháp. Lại như chúng sanh có thể giữ tất cả loại phiền não không bao giờ tan mất. Pháp môn Tổng trì có thể giữ gìn tất cả pháp không cho tan mất. Lại như chư Phật Bồ tát có bánh xe tâm ghi nhớ có thể chuyển tâm ý của tất cả chúng sanh. Pháp môn Tổng trì có thể giữ gìn tất cả pháp mà cũng không có tướng giữ gìn.

Này các thiện nam tử ! Theo những thí dụ đã nói ở trên không cùng tận các pháp không cùng tận, thì pháp môn Tổng trì cũng không cùng tận. Vì vô lượng vô biên giống như hư không.

Khi Bồ tát Diệu Cát Tường nói pháp này, trong hội có năm trăm đại Bồ tát đắc pháp môn đại Tổng trì.

- Hết Quyển thứ ba -

 

--- o0o ---

Quyển thứ 1 | Quyển thứ 2 | Quyển thứ 3

Quyển thứ 4 | Quyển thứ 5 | Quyển thứ 6

--- o0o ---

 

Vi tính: Thọ Huệ

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 5-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

trống 摩訶俱絺羅 đời cuối đời trắng tay nguyen 禅の旋 æ å 期æ å æœ å å ¹æ Žä¹ˆå su can thiet cua nghi le phat giao viet nam noi sư nghi ngơ câ n thiê t ศ กษาพระพ ทธะว thống khi gap kho khan con hay nho tuong den phat y nghia 7 buoc chan cua duc phat thich ca trùng tang là gì có hay không お墓のお手入れ方法 仏壇の線香の位置 åƒäæœä½ tín tâm bất hoại nu dien vien tre xuat gia gieo duyen mot thang tai หลวงป แสง trên ngọn tình sầu Một ngày Thở và cười trước ton kinh tuong niem lan thu 29 co ht thich tri hãy còn bỏ vết chim ç½ åˆ¹å ³ trước lời khen chê 大悲咒的威力有多强 thien khong lien can gi voi cach chung ta ngoi Mùa Mệt 永代 墓 giu gioi la con duong tuoi sang cho tuoi tre giu su song cho nguoi khac la phuoc lon nhat å å å¾ ç Ÿ 烹佛祖 般若波罗蜜多心经 繁体 أبا درج mở cánh cửa không Dựng tượng Quách Thị Trang trước Dấu chân chợ Tết thã¹y 心经 ve dep huy hoang va trang le cua co do sukhothai 七佛灭罪真言全文念诵 vo thuong tu musangsa trung tam thien phat giao tam hoan hy hinh anh nguoi phat tu thuan thanh trong thoi ëng 六因四缘五果的来源和作用 地藏十轮经 hoc cach yeu thuong de co nhan duyen tot dep