NỘI DUNG
Lời Nói Ðầu
Qua đó, chúng tôi lại có dịp tiếp nối công trình còn dang dỡ, thu thập tư liệu, biên soạn lại các bài sám văn tuy rằng xưa này, nhưng là mới với tất cả chúng ta, để ra mắt đến quí vi tuyển tập IV : “55 Bài sám văn chọn lọc”.
Ðến tuyển tập IV này nhìn lại từ đầu chúng tôi tạm hình dung ra những mô típ cốt lõi, mà từ đó, các nhà trước tác dựa theo nhu cầu của những nghi lễ, những lễ hội và cho ra đời các sám văn ; các áng văn thơ hay, để mọi người cùng nhau đọc tụng truyền bá.
Tổng hợp các loại hình sám
văn trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo, chúng ta có thể tóm lượt khái
quát như sau :
A. Phân loại theo lễ hội :
1. Sám văn kỷ niệm các đại lễ (Phật Ðản, Vu Lan).
2. Sám ăn kỷ niệm các ngày vía (Phật, Bồ Tát).
3. Bài sám sám văn sử dụng, trong các lễ hội trai đàn (Thí thực, bố thí).
B. Phân loại theo nghi lễ :
1. Sáu văn lễ cầu an đảo bệnh.
2. Sám văn lễ cầu an chúc thọ.
3. Sám văn lễ cầu an tiêu tai.
4. Sám văn lễ cầu siêu đám tang.
5. Sám văn lễ cầu siêu cúng giỗ.
6. Sám văn lễ cầu siêu cô hồn.
C. Phân loại theo hành trì :
1. Sám văn phát nguyện.
2. Sám văn sám hối.
3. Sám văn cảnh tỉnh khuyến tu.
4. Sám văn chỉ bày pháp tu.
Như trên, chúng tôi khái lược phân loại thành hệ thống các ý nghĩa của sám văn, cho ta thấy rằng, nguyên nhân hình thành nên các bài sám văn, được bắt nguồn từ những yêu cầu chủ quan theo tiêu đề phân loại trên.
Tuy nhiên, trải qua thời gian đọc tụng và truyền khẩu, phần nhiều các bài sám văn đã không còn là nguyên tác ban đầu. Lý do thứ nhứt là do người trước tác theo chủ quan ý nguyện của mình, cùng với trình độ thư pháp, ngữ pháp của tác giả, cho nên khi phổ biến rộng đến mọi người, có sai sót trong câu cú hành văn, hoặc thất niêm vận, nên người sau sửa lại. Lý do thứ hai, lúc phổ biến rộng rãi đến một một nơi khác, để cho phù hợp với bối cảnh, hoàn cảnh của một đạo tràng, lễ hội khác mà tụng giả và thính chúng thấy cần sửa lại thêm bớt đôi chút cho phù hợp chùa mình, sơn môn mình để tiện bề sử dụng.
Một đặc điểm phổ biến trong tổng thể các sám văn mà chúng ta cần lưu ý, đó là dị bản chỉ cùng một gốc do các nhà soạn và dịch khác nhau. Ví dụ như từ bài Qui mạng, Khể thủ, Ngã niệm, Thập phương, Nhứt tâm... bằng chữ Hán, mỗi bài đã có không dưới năm bản dịch với lối hành văn khác nhau. Ở đây, trong phạm vi các tuyển tập đã giới thiệu, chúng tôi có chọn lọc những dị bản theo hai ý:
1. Là những sám văn đã được nhiều người biết đến, được sử dụng rộng rãi lâu nay trong các chùa.
2. Là những sám văn có văn phong khác biệt trong lối dịch, có cách diễn đạt Việt ngữ phong phú ít trùng lặp giữa các dị bản.
Bên cạnh những sáng tạo từ ngữ văn phong rất thú vị và hay ho của các dị bản, vẫn còn những mặt hạn chế là đôi khi trùng lặp trong cách dịch, làm cho các bài sám văn này mất đi ít nhiều giá trị tính sáng tạo đặc thù riêng. Phân tích điều này, ta thấy có các nguyên nhân :
1. Do một soạn giả soạn ra nhiều bài sám. Từ đó, ý tưởng và cách hành văn thường lặp đi lặp lại giữa các bài sám văn cùng một tác giả.
2. Do người sau muốn sử dụng các bài sám nơi đạo tràng của mình, nên biến cải và thêm một đôi câu của riêng mình tâm đắc trong pháp môn tu, trong phát nguyện v.v... cách này ta dễ dàng nhận ra ở đoạn kết các bài sám.
3. Do sự vay mượn lắp ghép của những người soạn dịch sau, mà phần nhiều do hạn chế về trình độ sáng tạo, nghèo từ ngữ mà có ra. Hiện tượng lắp ghép vay mượn từ các bài sám có sẵn nầy đã trở nên phổ biến.
4. Do sự truyền khẩu lẫn nhau, hay cách học thuộc lòng qua sự truyền khẩu của người khác, rồi lẫn lộn giữa các bài, các ý, mà nảy sinh các bài sám “đầu gà đuôi vịt”.
Trên đây mới chỉ là đôi nét phác thảo về cách phân tích lược khảo. Nếu có điều kiện sau nầy, chúng tôi sẽ thực hiện lược khảo đầy đủ khi đã hoàn thành trọn vẹn việc sưu tầm biên soạn các tuyển tập sám văn.
Ở tuyển tập số IV này, vẫn có mang đặc điểm riêng như mỗi tuyển tập trước. Ðó là việc sưu tầm các áng văn hay mang tính cách cảnh tỉnh nhân thế, như của Ngài : Toàn Nhật Thiền sư, Mạc Thiên Tích, Tổ Liên Tôn - Huyền Ý, Tổ Huệ Ðăng, Chơn Thường Thiền sư v.v... ở thế kỷ trước và trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930 trở về sau. Ngoài ra, chúng tôi còn sưu tầm đưa thêm vào hệ thống tuyển tập các bài sám văn ở các Hệ phái Nguyên Thủy, Hệ phái Khất sĩ, và các Sơn môn Tổ đình riêng trên cả ba miền đất nước mà nội dung ý nghĩa đều chung luồng tư tưởng khi biên tập. Nhưng dĩ nhiên là có chọn lọc, cho phù hợp với hệ thống chung nhất, ai cũng có thể sử dụng được. Bởi vì tất cả đều là tài sản chung của hệ thống kinh sám trong Văn hóa Phật-giáo Việt Nam. Dụng ý chúng tôi là chỉ muốn giới thiệu cái hay, cái chung để chúng ta cùng sử dụng rộng rãi trong tất cả cộng đồng, sơn môn pháp phái, mà không còn ranh giới nữa, để mọi người có cùng chung Phật tánh xích lại gần nhau hơn trong một nhà Phật pháp.
Thế nhưng, một mình chúng tôi thì sẽ không tránh khỏi sự chủ quan và hạn chế. Rất mong sự đóng góp bổ sung của chư Tôn đức, Thiện tri thức và đọc giả, tụng giả xa gần phát tâm chỉ bảo cho những chỗ sai cùng những gì còn thiếu sót.
Cuối cùng, vẫn như cách sắp đặt tiếp nối ở các tuyển tập trước. Tuyển tập IV này bắt đầu từ bài số 166 đến 220. Nếu có dịp tái bản lại các tập tuyển trước, chúng tôi sẽ bổ sung những điều thiếu sót tồn tại, và sửa chữa, chú giải theo hệ thống sắp đặt trên đây để hoàn thiện dần bộ tuyển tập sám văn này thật đầy đủ.
Cuối Thu, năm Ðinh Sửu 1997
Người góp nhặt
ÐỒNG BỔN.
Nguồn: www.quangduc.com