Kinh Điển - Diệu Huệ Đồng Nữ.

 

 

 

 

Diệu Huệ Đồng Nữ

Đường hướng xây dựng hạnh phúc cao thượng

 

Nguyên tác:

Diệu Huệ Đồng Nữ kinh, tức Tu Ma Đề kinh (Sumati Sùtra)

Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch từ Phạn sang Hán

 

Dịch giả &chú thích: Thích Tín Đạo

(1982)

Diệu Huệ Đồng Nữ

Đường lối xây dựng hạnh phúc cao thượng

 

A. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ:

 

Tinh thần Đại thừa Phật giáo nhằm mục đích cải tạo và nâng cao đời sống nhân loại chúng sanh để đạt được hạnh phúc an vui và siêu thoát ngay từ trong thế giới hiện tại và mãi mãi ngàn sau.Tinh thần đó được thể hiện trong tư tưởng của nhiều kinh điển đại thừa, nhất là sau thời kỳ phong trào Đại thừa Phật Giáo được hưng khởi và phát triển mạnh từ sau kỳ kiết lập kinh điển lần thứ IV. Tư tưởng này mang nhiều ý nghĩa đặc sắc trong chiều hướng xây dựng về đời sống con người. Nó có tính cách nhân bản, lấy con người làm đối tượng xây dựng và phụng sự. Đó là đường hướng xử thế, và chính là công hạnh lợi tha của Bồ Tát Đạo.Tinh thần Bồ Tát Đạo rộng lớn bao la tuyệt diệu, nên sự thực hành của Bồ Tát cũng phóng khoáng, phổ biến tự tại. Tinh thần đó không bị giới hạn trong thành phần xuất gia hay tại gia, hoàn cảnh hay phương tiện, cũng không hạn cuộc trong không gian thời gian, phần lớn sự thực hiện Bồ Tát đạo được lưu ý và nhấn mạnh đến vai trò hộ pháp và duy trì đạo pháp của người cư sĩ tại gia, đặc biệt ở đây là tinh thần Bồ Tát đạo được ý thức, trình bày và thực hiện bởi tâm niệm cao cả của một nữ nhi: DIỆU HUỆ ĐỒNG NỮ

 

KINH DANH:

 

Diệu Huệ Đồng Nữ Kinh còn có tên là Tu Ma Đề Bồ Tát Kinh. Từ tên kinh: Diệu Huệ Đồng Nữ cũng nói lên phần nào ý nghĩa của chuyện sắp được kể.

 

Diệu Huệ là tên của nhân vật chính trong chuyện. Tàu dịch là Tu Ma Đề. Nói đến Diệu (Su) tức là nói đến những cái gì khéo léo, hoàn hảo, tuyệt vời và màu nhiệm, xứng nghĩa với tiếng Phạn là Su, tức là cái tốt đẹp hoàn thiện. Diệu Huệ là một khả năng trí tuệ tuyệt vời, một tấm lòng nhân ái sáng suốt bao la hoàn hảo.

 

Đồng Nữ: Tức là cô gái, tiểu thư. Cô bé Diệu Huệ hay Tu Ma Đề trong câu chuyện này là hiện thân của một vị Bồ Tát đã phát tâm Bồ Đề vá tích tụ nhiều công đức tu niệm từ nhiều đời quá khứ, có một khả năng trí huệ sáng suốt (trí thức), và một lòng từ bi (tình thương) đối với tất cả chúng sanh còn mê mờ chưa tu tập và thực hành theo chánh pháp. Mục đích của Bồ Tát là phải bảo vệ chánh pháp để đạt đến cứu cánh tối hậu là đưa tất cả chúng sanh về trong nguồn suối chánh pháp an lạc.

Chánh pháp được bao gồm cả hai phương diện: tình yêu và trí tuệ, thì Bồ Tát cũng phải thể hiện hai công hạnh, tình thương và trí thức. Phải hiểu biết và phân biệt rõ ràng đâu là hạnh phúc khổ đau, và đâu là chân thật giả dối. Bồ Tát Diệu Huệ dùng trí tuệ quán thông tất cả nỗi khổ của chúng sanh và đích thân đến chúng hội thính pháp rồi cung kính bạch Phật để cầu mong Ngài giảng giải phương cách phải xây dựng và hướng dẫn đời sống mình và người khác như thế nào để tiến lên một hạnh phúc an lạc trường cửu vững bền. Xây dựng niềm an lạc cho chính bản thân mình và dẫn đến nguồn hạnh phúc vĩnh viễn cho kẻ khác, đó chính là hành động, là đường lối xử thế, là thái độ sống, là thực hành Bồ Tát đạo. Đường lối sống này theo quan điểm của Diệu Huệ được tóm tắt trong 10 nghi vấn và được Đức Phật giải đáp, trình bày chi tiết rõ ràng trong 40 vấn đề được gặp lại trong Diệu Huệ Đồng Nữ Kinh

 

XUẤT XỨ:

 

Diệu Huệ Bồ Tát trong câu chuyện sau đây được trích dịch từ kinh Bảo Tích (Ratnakuta), có nơi dẫn tên là Ratnakùta. Đó là một văn hệ kinh  điển Sanskrit, bao gồm tư tưởng Đại thừa Bồ Tát kinh, ở trong đó tích tập nhiều văn hệ khác gồm nhiều tư tuởng về Bát Nhã, Mật giáo đại tập, Hữu bộ Tỳ Nại Da tập sự, v.v….Đây là một công trình tuyển lọc những kinh điển có hàm chứa về công hạnh của các Bồ tát trên đường nhiếp hóa chúng sanh trở về nguồn suối an lạc. Từ ý nghĩa đó kinh Bảo Tích được hiểu như là một đống báu, một kho báu , gác báu v.v… chứa đựng nhiều tấm gương sáng ngời công hạnh Bồ Tát trên sự nghiệp hoằng hóa, bảo vệ và duy trì chánh pháp. Đó là Bồ Tát tạng, chứa đựng tư tưởng phóng khoáng, cấp tiến, thung dung tự tại của đạo Bồ Tát, biểu hiện một truờng phái mới dị biệt với tư tưởng bảo thủ của Tiểu Thừa, trong đó đặt nặng vai trò hộ pháp và trách nhiệm hoằng hóa của người cư sĩ ý thức trách nhiệm mình trong việc duy trì và bảo vệ chánh pháp. Hẳn nhiên thỉnh thoảng cũng có xuất hiện một vài tư tưởng hay quan  điểm chống lại những thành phần tu sĩ cố chấp, bảo thủ sai lầm. Ngày nay, dĩ nhiên chúng ta không thể tìm lại được nguyên bản Phạn văn, vì kinh Bảo Tích được tuyển lọc các văn kiện từ nhiều văn hệ khác nhau nên chỉ cón tìm thấy trong Đại Tạng kinh bằng Hán văn và trong Đại Tạng kinh bằng văn Tây Tạng.

 

Diệu Huệ Đồng Nữ Kinh này được trích dịch từ kinh Bảo Tích (3). Đây là một phẩm hội trong 49 phẩm hội tất cả của văn hệ Bảo Tích. Tuy nhiên, có nhiều bản dịch kinh này về Hán văn, như bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập đời nhà Tần, dịch từ Phạn sang Hán văn, có bản dịch Ngài Trúc Pháp Hộ đời Tấn dịch. Riêng bản văn này do Ngài Bồ Đề Lưu Chi đời Đường đã dịch ra.

         

Chúng ta cũng có thể tìm bản kinh này trong Đại Tạng (4) với tên kinh là Tu Ma Bồ Đề Tát Kinh trong đó có nêu rõ tên vị trưởng giả thân phụ của Tu Ma Đề là Ưu Ca hoặc Úc Ca theo hai bản dịch của Ngài La Thập và Pháp Hộ. Ngoài ra, theo truyền thống kinh văn Pali trong Tăng Nhứt A Hàm (5) Tu Ma Đề Nữ kinh do Ngài Đam Ma Nan Đề đời Tần dịch từ Pali sang Hán văn, thì nội dung câu chuyện với nhiều chi tiết đã hoàn toàn sai khác ý nghĩa và nội dung tinh thần Bồ Tát mà kinh Diệu Huệ Đồng Nữ đã trình bày.

 

B. NỘI DUNG CÂU CHUYỆN:

 

Điểm đặc biệt kỳ thú của câu chuyện là hình ảnh một cô bé 8 tuổi ở vào thời chánh pháp, nhân lúc nghe Phật thuyết pháp, đã khéo léo đưa ra những điều nghi vấn để thưa thỉnh Đức Phật nguỡng cầu Thế Tôn khai ngộ và mở đường cho chính mình và tất cả chúng hội Tỳ kheo cùng với các vị Đại Bồ Tát Đại Thừa tu tập công đức thiện hạnh để cải tạo đời sống con người trở nên một đời sống hạnh phúc cao đẹp, vĩnh viễn an vui và giải thoát của các bậc thánh nhân. Chuyện được kể rằng:

 

Một thuở nọ Đức Phật Thích Ca trú tại thành Vương Xá thuyết pháp cho chúng hội Tỳ kheo, Bồ Tát Đại sĩ vô cùng đông đảo đến tham dự. Điều khiến cho tất cả đại chúng ai nấy đều ngạc nhiên giữa pháp hội là sự xuất hiện của một đứa bé gái với vẻ mặt tươi sáng thông minh thánh thiện đoan trang đến dự thuyết pháp. Sự ngạc nhiên càng tăng thêm nữa khi cô bé tiến dần đến pháp tòa của Đức Phật đảnh lễ cung kính, đi nhiễu quanh thế Tôn 3 vòng rồi quỳ xuống để thưa thỉnh ý kiến, Đức Phật nhận thấy rằng đây là một nhân duyên tốt, một cơ hội thuận tiện để Ngài giải trừ tất cả nghi ngờ, mê vọng cho tất cả chúng sanh. Ngài hoan hỷ cho phép được trình bày ý nghĩ của mình, cô bé ấy không ai khác hơn là Diệu Huệ Đồng Nữ, một vị đã phát tâm Bồ Đề từ đời quá khứ, tích tụ rất nhiều công đức và đã từng hộ niệm rất nhiều vị Bồ Tát thành tựu vô sanh pháp nhẫn.

 

Sau khi được Phật cho phép thưa thỉnh, Diệu Huệ liền quỳ xuống đọc một bài kệ, với nội dung nêu rõ mười quan điểm nhận thức sau:

 

1)     Làm thế nào để thành tựu được thân đoan chánh, có đầy đủ các tướng xinh đẹp trang nghiêm?

 

2)     Muốn sanh vào địa vị giàu sang, được mọi người tôn quý thì phải thực hiện những hạnh gì?

 

3)     Làm thế nào để bảo đảm vững bền không khí đầm ấm khắn khít hòa nhã trong gia đình, bà con, quyến thuộc không bị phân tán chia lìa?

 

4)     Làm sao thành tựu được thân mình thọ báo trong cõi hóa sanh, trú trên ngàn cánh sen để quy hướng, cúng dường các Đức Phật?

 

5)     Muốn chứng đặng thần thông tự tại siêu việt, đến khắp vô lượng cõi Phật để đảnh lễ cung kính các đức Phật phải tu hạnh gì?

 

6)     Làm sao đạt được tâm không oán hận, ra xử thế cũng không bị người khác oán hận?

 

7)     Phải sống như thế nào để bất cứ lúc nào lời nói mình đều được mọi người tin tưởng, hoan hỉ và ghi nhận?

 

8)     Làm thế nào để xa lìa tất cả chướng ngại, và thành tựu dễ dàng các pháp thanh tịnh?

 

9)     Các ma nghiệp làm thế nào để đoạn trừ và xa lìa tất cả?

 

10) Làm thế nào đến giờ phút trút hơi thở cuối cùng được thấy chư Phật hiện tiền, nghe thuyết pháp thanh tịnh, không còn thọ báo khổ não?

 

Bài kệ được tóm tắt trong 10 nghi vấn mà Diệu Huệ vừa thưa thỉnh Thế Tôn hàm chứa ý nghĩa sâu xa về nhân sinh quan Phật giáo trong tiến trình tu tập và tìm kiếm con đường dẫn đến một đời sống an vui vĩnh viễn từ lúc thọ sanh được thân người cho đến lúc lâm chung, được tóm tắt qua 10 nghi vấn, thắc mắc. Bằng một khả năng trí tuệ tuyệt vời mới khởi sinh ra những nghi vấn đó, và bằng một tình thương bao la bình đẳng mới thực hiện trọn vẹn những công hạnh mà Đức Phật khuyên dạy đáp ứng với những điều băn khoăn thắc mắc nghi vấn trong tâm tư của Đồng Nữ. Nêu lên 10 câu hỏi này tức là đặt vấn đề làm thế nào để dẫn đến một đời sống an vui hạnh phúc cao thượng. Sở dĩ chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp thân phận chuyển xoay mãi hoài trong vòng sinh tử, trầm luân khổ não vì vọng động vô minh, không nhận chân được một hướng đi đích thực cho mình và tất cả mọi người, cứ để cho vô minh phiền não vọng nghiệp cuốn trôi theo dòng đời ảo mộng. Ngay từ bây giờ phải ý thức kịp thời điều đó để sớm xóa bỏ một giòng sống mê lầm điên đảo thành một kiếp sống an lạc.

 

Đức Phật nhân cơ hội này bèn giảng giải và cắt nghĩa rõ ràng bốn mươi phương cách cần phải thực hiện để đạt được toàn vẹn những khát vọng chính đáng của chúng sanh. Ngài ca ngợi tán thán về ý nghĩa tuyệt diệu vấn đề Diệu Huệ vừa đặt ra. Ngài khuyên tất cả hãy lắng tâm tư rồi nhớ kỹ những điều giải đáp để hành trì tu tập.

 

A. GIẢI THÍCH VÀ TRÌNH BÀY NHỮNG PHƯƠNG THỨC SỐNG ĐÁP ỨNG NHU CẦU MƯỜI NGHI VẤN:

 

Đức Phật tuần tự giải thích từng vấn đề và qua mỗi nghi vấn Ngài trình bày bốn phương thức sống để đạt được ý nguyện chính đáng cao đẹp đó.

 

1.Trước hết, làm thế nào để thành tựu được thân đoan chánh, có đầy đủ tướng xinh đẹp trang nghiêm, Ngài dạy các Bồ Tát phải thực hiện bốn phương  pháp sau  đây:

 

-Đối với các ác hữu, không khởi tâm sân hận:

 

Nếu thiện hữu tri thức là những nhân duyên hệ trọng lớn lao trong năng lực trợ duyên cho chúng ta thoát ly ra khỏi cảnh đời khổ não tử sinh, thì ác hữu chưa hẳn là duyên xấu, để đưa chúng ta vào trầm luân khổ hải. Trên đường đời nếu càng gặp nhiều trở ngại và nghịch cảnh thì càng lại rèn luyện un đúc thêm các đức tính chịu đựng, nhẫn nhục, mềm dẻo, kiên chí để trở thành con người tốt làm lợi ích cho tất cả mọi người và thích ứng với mọi hoàn cảnh. Điển hình như trong kinh Pháp Hoa, Đề Bà Đạt Đa – em họ của Đức Phật, trọn đời thường hay làm những việc ác tâm phản nghịch, cố tình phá hoại uy tín, đạo đức của Ngài, đến nỗi cố tình ám hại sinh mạng của Phật như tẩm độc vào móng tay để cào cấu lúc đảnh lễ dưới chân Ngài, hoặc thả bày voi say để chà đạp tàn hại, xô đá lăn xuống mình Ngài. Tuy nhiên Phật chẳng hề khởỉ tâm sân hận mà còn phải tìm cách hướng dẫn họ quay về chánh pháp.

 

Trước giờ phút xả bỏ nhục thân để tịch diệt Niết Bàn, Đức Phật đã ân cần nhắc nhở các Thầy Tỳ Kheo một cách thật cảm động: „Các Thầy Tỳ Kheo! nếu ai cắt  xả thân các Thầy ra từng mảnh, từng đoạn, các Thầy phải tự kìm chế tâm mình, đừng cho giận dữ …Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ, kẻ ấy không được ca tụng là người nhập đạo có trí(5)

 

-Tâm thường trụ trong tình thương rộng lớn:

 

Người tu hạnh Bồ Tát phải thực hành hạnh từ bi bên cạnh trí tuệ sáng suốt để huớng dẫn chúng sanh nhập vào thánh đạo giải thoát. Bồ Tát lăn xả vào cuộc đời không ngại nhọc nhằn, không tiếc thân mạng, để hoàn thành mục đích cứu khổ cho tất cả chúng sanh. Ngày nào chúng sanh còn khổ đau thì thực hành của Bồ Tát đạo vẫn còn liên tục. Chúng sanh vì vọng niệm vô minh nên mãi còn chìm đắm trong khổ đau phiền trược, nên sự thực hành tâm từ bi đem an vui, cứu khổ cho muôn loài lại cần phải đề cao một cách khẩn thiết hơn nữa. Bồ Tát thực hiện tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh kẻ nào đang đau khổ cần được an vui thì cố gắng tìm mọi sự an vui cho thân tâm họ, không bao giờ khởi lên trong tâm niệm mình một ý niệm ác độc để não hại kẻ khác. Ngoài ra riêng đối với bản thân mình cũng phải tìm cách hàng phục tâm mình đừng nên giận dữ, não loạn. Vì vậy kinh Thập Thiện nghiệp đạo có nhấn mạnh hai đức tính này như sau: „ Vì lấy lòng từ trang nghiêm, nên đối với chúng sanh không khởi tâm não hại.Vì lấy lòng bi trang nghiêm, nên thương các chúng sanh thường không chán bỏ“(7)

 

Thực hiện tâm từ bi rộng lớn và an trú trong tâm từ bi đó vừa đem lại an vui lợi ích cho mọi người, đồng thời chính công hạnh này đã phát triển tâm niệm rộng rãi bao la trong nguồn an lạc vô biên cho chính mình. Đó là hai hạnh cao cả và đầu tiên khi Bồ Tát đi vào việc tu tập và thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

 

-Tâm thường vui vẻ sâu xa trong chánh pháp:

 

Chánh pháp tối thượng có khả năng đưa hành giả từ trong đớn đau thống khổ đi đến an vui giải thoát. Tâm đã diệt trừ tất cả mọi phiền não vọng tưởng để an trú vào trong chánh pháp tối thượng đó, phải luôn luôn phát khởi niềm tin thâm sâu hoan hỷ và vui vẻ tắm gội trong nguồn suối chánh pháp. Tâm một khi đã  an trụ vào trong chánh pháp rồi thì đạt đến trạng thái an tịnh, siêu thoát, tự tại dễ dàng thung dung trong tiến trình tu tập và thực hiện tinh thần Bồ Tát đạo, làm lợi ích và an  lạc cho hết thảy mọi loài hữu tình chúng sanh. Đó là nhân duyên tốt trên con đường tiến đến thành tựu và chứng đắc đạo quả Vô Thượng Bồ Đề (Anuttara Samyak Sambodhi).

 

-Đắp tạo các hình tượng chư Phật, và các vị Bồ Tát:

 

Thân tướng của chư Phật, Bồ Tát có nhiều tướng hảo trang nghiêm, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nên chiêm ngưỡng pháp thân Ngài để phát khởi tâm hoan hỷ, tinh tấn, kẻ mới phát tâm tu học cần đối tượng tôn kính, để chiêm ngưỡng, làm tăng thêm tín tâm. Nhìn tướng hảo của các Ngài để phát tâm từ bi, hỷ xả, diệt trừ sân hận và si mê, đồng thời nhìn vào để soi chiếu tấm gương trí tuệ trên tiến trình mong cầu tuệ giác. Vì vậy tạo lập hình tượng để tôn thờ và để cho kẻ khác chiêm ngưỡng sẽ thành tựu công đức vô cùng to lớn. Trong kinh Địa Tạng (Ksitigarbha Sùtra), Đức Phật đã dạy cho Bồ Tát Phổ Quảng và đại chúng biết rằng chính nhờ vào công đức cúng dường, đắp vẽ tạo dựng hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát dù bất cứ bằng phương tiện nào như đất, đá, keo, đồng, sơn, sắt, v.v…thường dâng cúng hương hoa, đồ ăn, đồ uống, y phục, gấm lụa, vật báu. v.v….nhờ gieo phước đức cúng dường đó, dù là nữ nhân sẽ chuyển được thân nữ cả trăm ngàn muôn kiếp, lại có tướng mạo xinh đẹp đoan trang, sau khi chết sẽ sanh lên cõi trời Đao Lợi, không còn sa đọa vào ác đạo. Cũng kinh này(9), vị Kiên Lao Địa Thần có trình bày về mười điều lợi ích trong công đức đắp họa hình tượng Bồ Tát, đốt hương cúng dường chiêm lễ ngợi khen thì chỗ đó được 10 điều lợi ích như đất cát tốt màu, nhà cửa an ổn, người chết sanh lên cõi trời, người hiện còn  hưởng lợi ích cầu chi cũng toại ý, không có tai họa về nước và lửa, trừ sạch việc hư hao, dứt hẳn ác mộng, ra vào có thần theo hộ vệ, thường gặp bậc thánh nhân.

 

2. Trả lời cho câu hỏi thứ hai: Muốn sanh vào địa vị giàu sang, được mọi người tôn quí, thì phải thực hiện những hạnh nguyện gì? Đức Phật bèn dạy cho Diệu Huệ phải thành tựu bốn phương pháp sau đây:

 

-Gặp thời thích ứng nên thực hành bố thí:

 

Bố thí (Dàna) cũng gọi là huệ thí (Tyaga), tức là vì lòng nhân ái mà ban bố hay dâng tặng. Con người khổ đau cùng tột chỉ vì mất mát và thiếu thốn về cả hai phương diện tinh thần như tình yêu, trí thức, về phương diện vật chất như của cải tài sản. Bố thí tức là thiết lập lại thế quân bình giữa mình và tha nhân, để san sẻ những đau thương, mở rộng tâm hồn mình trong mối quan hệ tình người bao la như đại dương và để đưa những kẻ khổ đau, thù nghịch xích lại gần nhau trong tình nhân ái, chân thành, đồng thời cũng để diệt trừ tâm bỏn xẻn keo kiệt của mình nữa. Đức Phật dạy rằng nhờ công đức bố thí mà sinh mạng mình được trường thọ, đời sống sung túc tùy niệm, được mọi người tôn quí. Công đức bố thí đứng đầu trong phép lục độ, đó là bước đầu của hạnh Bồ Tát để thực hiện hạnh lợi tha. Tuy nhiên điều quan trọng chủ yếu là phải bố thí bằng cách nào để người nhận ân huệ khỏi bị tủi thân, không bị mặc cảm khi nghĩ đến thân phận hèn kém, thiếu thốn của mình, nghĩa là trong sự bố thí đó phải bao gồm tất cả niềm yêu thương và kính mến chân thật.

 

-Không nên có tâm khinh thường ngạo mạn:

 

Tất cả mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh (Bùddhatà). Ai cũng có khả năng thành Phật, chứng đắc đạo quả giải thoát, ngay cả loài vật cũng thế. Nếu kẻ nào tinh tấn tu trì tích tụ nhiều công đức thì sẽ sớm được giác ngộ. Không nên khinh thường chê bai và ngạo mạn đối với bất cứ ai, dù họ là kẻ tội lỗi, tàn ác đến mấy đi nữa, nên tìm cách hướng dẫn họ quay về vớí chánh pháp. Trong kinh Pháp Hoa (Saddharma Pundarika)(10) Đức Phật có kể lại câu chuyện của một vị Bồ Tát tên là Thường Bất Khinh, thường khi ra đường gặp các bậc xuất gia hay cư sĩ, Ngài đều đem tâm tôn kính chấp tay mà nói rằng: ”Tôi rất kính trọng Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật ở đời vị lai”. Có kẻ cho Ngài là giả dối, có kẻ sanh tâm giận hờn, khinh chê, nhiếc mắng và thậm chí có kẻ lấy gạch ném vào mình Ngài, nhưng có nhằm gì đối với vị Bồ Tát tu pháp hạnh bất sanh nhẫn (Anurpadà dharaskganti). Và có ai hiểu được rằng vị Bồ Tát bị khinh chê, xua đuổi nhục mạ đó lại là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sàkya Muni), một người sinh ra trong dòng họ tôn quý được toàn cả nhân loại tôn quý, kính ngưỡng muôn đời.

 

-Hoan hỷ để mà cho không nuối tiếc:

 

Bố thí với tâm hoan hỷ là một sự bố thí ý nghĩa và cao quý nhất. Giúp cho kẻ khác các vật dụng như của cải, tài sản, cơm áo để san sẻ những thiếu thốn, đói kém nhưng đồng thời ta gieo vào một niềm thương chân tình, một nguồn hoan hỷ vô biên để chia xẻ những nỗi chua xót, thương đau và tủi khổ, thể hiện tình nguời một cách thắm thiết và gắn bó, tạo duyên lành cùng nhau trở về chánh pháp vô thượng. Hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng của Phật giáo Trung Quốc là biểu tượng cho một tâm niệm bố thí hoan hỷ, an lạc. Câu chuyện Đông Cung Thái Tử Tu Đại Noa bố thí tài của, voi quý, ngựa xe, vợ con(11), một cách hoan hỷ không nuối tiếc là biểu trưng cho hạnh bố thí Ba La Mật của tinh thần Bồ Tát Đạo. Đó là tinh thần vô trụ tướng bố thí và chẳng vì vụ lợi.

 

-Chẳng mong cầu quả báo:

 

Bồ Tát xả thân ra thực hiện công việc hoằng hóa chúng  sanh chẳng phải để mong cầu được lợi ích phước báo ở mai sau. Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (Vajraprajnà Pàramità Sùtra) Đức Phật dạy Ngài Tu Bồ Đề (Sùbhuti) rằng: Bồ tát đã thực hành bố thí tâm không nên trụ vào tưởng bố thí ((Dànalaksana), không trụ vào nhân tưởng (Pudgala Samjna), chúng sanh tưởng (Sattva Samjna)), thọ giả tưởng (Jiva Samjna). Vì nếu Bồ tát thực hành bố thí mà còn trụ vào tưởng đó thì không phải là Bồ tát, vì tâm vị Bồ Tát đó còn trụ tưởng, còn mong cầu không thành tựu được phước đức vô lượng không thể đếm được (Aprameỳamkhyeya Punyaskandha).

 

Chính nhờ thành tựu trọn vẹn được bốn pháp đó mà ngày nay Diệu Huệ Đồng Nữ trong hiện tại được sanh làm con vị trưởng giả giàu sang, tôn quí, tướng mạo xinh đẹp, đoan trang. Tuy nhiên được thân tướng xinh đẹp và đoan nghiêm, sinh vào nơi giàu sang tôn quí chưa hẳn được hạnh phúc nếu bà con quyến thuộc còn bị oán hận, phân tán, chia lìa. Muốn đạt đến một đời sống an vui, hòa thuận, gắn bó phải xử sự như thế nào?

 

3. Đức Phật đã dạy cho Diệu Huệ Đồng Nữ bốn phương thức dẫn đến hạnh phúc: bảo đảm vững bền không khí đầm ấm, khắn khít, hòa thuận trong gia đình, bà con quyến thuộc không bị phân tán chia lìa.

 

-Khéo léo xả bỏ lời nói ly gián:

 

Nguyên nhân của lời nói ly gián là vì khẩu nghiệp, do bởi tâm sân hận, ác độc và vọng khởi làm tan vỡ sự hòa hợp khắn khít đầm ấm và hạnh phúc của kẻ khác, gọi là hoại tha (Paràbhoda) đó là những lời nói vụn vặt (Bhinuapralnà) được phát ra với tâm ô nhiễm, nó trái ngược với sự thật, khác hẳn với thực chất mà chúng ta nghĩ ngợi trong tâm, các nhà luật sư phái Tỳ Bà Sa (Vibhàsà) gọi là uế ngữ. Luận Câu Xá (Kosá) có giải thích rằng: “Nếu bằng tâm ô nhiễm để phát ra lời nói cốt yếu để làm chia rẽ kẻ khác (dù rằng kẻ khác có bị ly gián hay không) đều bị tác thành nghiệp tội ly gián. Trong kinh Thập Thiện nghiệp đạo, phẩm thứ 12 nói về công đức xa lìa nghiệp hai lưỡi, Đức Phật dạy Long Vương nếu xa lìa nghiệp hai lưỡi thì sẽ thành tựu được 5 pháp bất hoại, trong đó có nói đến trường hợp bà con quyến thuộc bất hoại, không ai có thể phá hoại chia lìa, ngược lại còn gặp anh chị em, bà con quyến thuộc thân ái, gần gũi các bậc Thiện tri thức, đem công đức đó hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề, sau sẽ thành Phật, làm bà con quyến thuộc với hàng Bồ Tát, Ma Vương, ngoại đạo không thể quấy phá.

 

-Dẫn dắt chúng sanh ở trong tà kiến an trụ vào chánh kiến:

 

 

Tà kiến là nhận thức sai lầm, không đúng chân lý. Theo quan điểm của các nhà duy thức luận (thì nó là một trong năm thứ phiền não làm trói buộc chúng sanh vào trong lục đạo), luân hồi sanh tử. Nó cũng gọi là một phần yếu tố phân biệt hoặc tức là sự mê lầm do bởi sự học hỏi. Nhận thức và kinh nghiệm sai lầm, hoặc do bởi hoàn cảnh gia đình, xã hội tạo nên. Chúng sanh nào bị rơi vào tà kiến không thể phát khởi Bồ Đề tâm, tu tập các thiện pháp, không tin Tam Bảo, không tin nhân quả và cuối cùng hậu quả dẫn đến sự đọa lạc vô cùng khổ não, Bồ tát phải tư duy tìm đủ mọi cách để đưa những chúng sanh đó trở về với chánh pháp để họ không còn trôi lăn trong luân hồi lục đạo nữa.

 

          -Chánh pháp sắp hoại diệt hộ trì để trường tồn:

 

          Đây là trọng trách cao cả của một vị Bồ Tát, xả thân trong mọi hoàn cảnh cho dù bị tổn thất đến sinh mạng của mình vẫn không từ nan, miễn sao đạt được mục đích dẫn dắt tất cả chúng sanh mê lầm trở về trong suối nguồn chánh pháp vô thượng, nhưng nếu gặp thời nhiễu nhương, đạo đức bị coi thường, chánh pháp sắp bị lu mờ hoại diệt, thì  Bồ Tát phải cấp bách vận dụng mọi phương cách để bảo vệ, duy trì biểu dương chánh pháp để được tồn tại lâu dài, vì chánh pháp là nguồn sống an lành, nguồn suối hạnh phúc giải thoát vô biên của mọi loài hữu tình chúng sanh.

 

          - Giảng dạy chúng hữu tình hướng về trí tuệ Phật:

 

           Đó là trí tuệ Bát Nhã. Chỉ có trí tuệ Bát Nhã quán chiếu mới nhận được chân lý. Đó là một khả năng trí tuệ sáng suốt đúng như thật không hư dối, không lầm lạc, tà kiến. Đem trí tuệ đó để tu tập các thiện pháp như: Tứ đế, Lục độ, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, v.v…cùng tạo điều kiện tốt đẹp thuận lợi cho kẻ khác cùng tu tập chánh pháp để cùng nhau đạt được trí tuệ đó. Tất cả chúng sanh đều tha thiết hương về trí tuệ này, chuyên trì tu tập thiện pháp thì sẽ diệt trừ được tất cả vọng nghiệp và mê lầm, thoát ly được dòng sinh tử trầm luân, gần gũi nhau trong trí tuệ siêu phàm của tuệ giác và cứu cánh chứng đạo quả vô thượng chánh đẳng, chánh giác.

 

          4. Để trả lời cho câu hỏi: “làm sao thấy thân an tọa trên hoa sen, để cung phụng chư Phật? Đức Thế Tôn đã giảng dạy cho Diệu Huệ phải thành tựu 4 các công đức sau đây:

         

          Dâng cúng các hoa sen vi diệu đủ màu: hồng, xanh, vàng, trắng, tung rải hương thơm thanh khiết, vi diệu lên thân Như Lai và các nơi chùa tháp, xá lợi, sự dâng cúng hương hoa, chuỗi ngọc hương bột, hương xoa, hương đốt…các thứ đèn nến, đèn dầu thơm, đèn dầu, bông tonata, đèn dầu bông chiêm bặc, đèn dầu bông Bà Sư Ca, đèn dầu bông Ưu Bát La…được Đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong kinh Pháp Hoa(12), để cúng dường tán thán người chí thành thọ trì kinh Pháp Hoa. Cũng thế, mỗi khi Đức Phật giảng pháp vi diệu thì trên hư không chư thiên vẫn thường rưới hoa Mạn đà la, hoa Mahà mandara lên pháp thân Phật và đại chúng Tỳ kheo, Bồ Tát có lò hương báu đốt hương vô giá, xông lên cúng dường Đức Phật và đại chúng. Trong kinh Địa Tạng (Kasitigarbha Sùtra)(13) Đức Phật bảo Bồ  Tát Quán Thế Âm (Avalokites,vara Bodhi-sattva) rằng: “ Này Quán Thế Âm Bồ Tát người nào thấy hình tượng Bồ Tát, nghe danh hiệu Bồ Tát rồi đem các thứ hương hoa, y phục, đồ ăn, thức uống, vật báu v.v… mà bố thí cúng dường sẽ thành tựu phước đức vô lượng vô biên không thể kể xiết.

 

          -Không gây tổn hại cho kẻ khác:

 

          Đức Phật là hiện thân của từ bi và trí tuệ, Ngài có lòng thương bao la đối với tất cả chúng sanh, xem hết thảy mọi người mọi loài đều là bà con quyến thuộc. Ngay cả Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ác tâm hại Phật mà Ngài vẫn thương xót. Cho đến khi Devadatta thọ báo nghiệp khổ ở trong địa ngục, Phật còn cho Ngài Anand tìm vào thăm viếng ân cần hỏi han. Ai cũng muốn mình luôn luôn được sống một cuộc đời an vui hạnh phúc, không bị những khổ đau, phiền lụy, mất mát về cả hai mặt vật chất và tinh thần, thực hiện tinh thần Bồ Tát Đạo tức là lấy khổ đau của chúng sanh làm khổ đau lo lắng cho chính mình. Không những mình không gây tổn hại, phiền não, thương đau cho kẻ khác mà lại còn tìm cách đem lại niềm vui an lạc cho kẻ khác, an ủi, xoa dịu, khuyên nhủ, giúp đỡ bằng mọi phương cách, gây dựng một niềm cảm thông chân thành và thiết thực nhất trong tinh thần từ bi và hỷ xả của đạo giải thoát. Có như thế mới đem lại đời sống lợi ích an vui cho mình, cho người chung quanh và đồng thời sẽ không bao giờ thọ lãnh ác báo về sau.

 

          Tạo lập hình tượng Như Lai an tọa trên hoa sen:

 

          Trong kinh A Di Đà (Amita Sùtra) mô tả thế giới Tịnh Độ (Sudhi Ksetra) hay thế giới Cực Lạc (Sukhàvati) là một cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm, có ao 7 báu, có bến tắm gồm 8 thứ nước công đức, vừa trong, sạch, mát, dịu, thơm, lành, ngọt…có các loại hoa sen màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hương thơm vi diệu, tinh khiết. Chúng sanh ở thế giới này do hoa sen hóa sanh, ngày đêm sáu thời thường được nghe nhạc trời vi diệu, có các thứ hoa thơm do chư thiên tung rải cúng dường, có âm thanh tuyệt vời kỳ lạ của các loài chim như: bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tầng già…chúng đồng cất lên các âm thanh về ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo…và các chúng sanh nghe đến âm thanh này sẽ khởi tâm thanh tịnh niệm Phật, Pháp, Tăng, không còn hiện lên các cảnh tướng ác đạo.

 

          -Tạo ra các hình tượng của các đức Như Lai an tọa trên hoa sen:

 

          Là thể hiện một ước vọng hóa sinh trên hoa sen. “Phật chủng tùng duyên khởi”, gây duyên hóa sanh với giống Phật giải thoát cao đẹp, chắc chắn sẽ được thành tựu như ý nguyện mong cầu.

 

          -Khởi niềm tin sâu xa với Phật đạo:

 

          Tín (s,raddha), là căn bản đầu tiên để đi dần vào con đường tu tập. Nó là yếu tố đứng đầu trong 10 món thiện (kusála). Tịnh độ giáo cũng đặt nặng Tín lên hàng đầu trước khi đi dần qua các giai đoạn Hạnh và Nguyện. Chánh pháp của Như Lai có khả năng diệt trừ khổ não, đưa đến quả giác ngộ giải thoát, chúng ta phải khởi phát niềm tin sâu xa chắc chắn như thế. Đây không phải một niềm tin mù quáng mà phải thực hiện bằng khả năng tu chứng, không phải là một đức tin bị bắt buộc bởi một quyền lực hay giáo điều nào đó, vì nếu bắt buộc mình phải tin tưởng và chấp nhận một điều gì đó mà mình chẳng hiểu một tí nào, vấn đề đó nó thuộc về chính trị, chứ không phải là tâm lý hay tri thức. (To force oneself to believe and to accept a thing without understanding is political, and not spiritual or intellectual). (what the Buddha taught, by W. Rahula).

 

          Quan điểm thứ tư này của Diệu Huệ Đồng Nữ, xứng hợp với tư tưởng về niềm tin của Tịnh Độ giáo (Sukhàvati) trong tín ngưỡng Di Đà (Amita). Gây tạo công đức, tu tập thiện pháp khởi phát niềm tin sâu xa vào sự tiếp thọ của chư Phật, Bồ Tát. Niệm Phật cầu tha lực, chắc chắn sẽ được Phật A Di Đà tiếp độ về thế giới cực lạc do hoa sen hóa sanh, được tự tại cúng dường và phụng hành giáo pháp của chư Phật. Nhưng muốn tự tại các cõi Phật (Buddhaksetra) thì phải tu tập thiện pháp nào?

 

          5. Phật bảo Diệu Huệ: “này Đồng Nữ, nếu muốn chứng đặng thần thông tự tại siêu việt, đến khắp vô lượng cõi Phật để đảnh lễ cung kính, cúng dường các Đức Phật phải tu pháp hạnh gì? ấy là phải thành tựu 4 phương pháp sau đây:

 

          -Không làm phiền não và chướng ngại người tu tập thiện pháp:

         

          Những người tu tập thiện pháp, không những đem lại an lạc giải thoát cho tự thân mà còn tăng thêm lợi ích cho kẻ khác nữa, tiến xa hơn họ còn thành tựu phước lợi nhơn thiên, xa lìa ác nghiệp ma đạo, được các vị hộ pháp, thiện thần hộ trì che chở. Nhưng trước khi tu tập thiện pháp phải phát khởi tâm Bồ Đề rộng lớn làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh là căn bản trên tiến trình tu tập để cầu đặng đạo quả giải thoát. Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sùtra) Đức Phật có dạy cho thấy rằng những người nào chưa phát tâm Bồ Đề, hoặc đã phát mà lãng quên mất, tu hành các thiện pháp thì đó là hành động theo ma nghiệp. Quên mất tâm Bồ Đề, dù cũng tu tập thiện pháp nhưng lại dễ dàng sa lạc vào ma đạo, huống gì không phát khởi tâm bồ đề, hoặc đã phát khởi rồi mà lại bỏ quên. Vì vậy nên biết rằng sự phát tâm thệ nguyện rộng lớn vì thành tựu đạo nghiệp cao cả, trên phụng báo ân Phật, dưới hoằng hóa cứu độ tất cả chúng sanh, đem tâm từ bi rộng lớn cứu giúp thương xót tất cả mọi loài, dùng trí tuệ sáng suốt để tu tập thiện pháp thì đó là đường lối tu tập chính đáng và hữu hiệu ích lợi nhất, sẽ thu thập nhiều phước đức lớn lao. Kẻ đó chắc chắn sẽ được chư Phật hoan hỷ tán thán, chư thiên đồng ủng hộ, mọi người cung kính tôn trọng. Nên thấy kẻ nào đúng như pháp mà tu tập thiện pháp như thế thì chúng ta phải phát khởi tâm cung kính, ngợi khen, cúng dường, tôn trọng, chớ đừng nên tạo những chướng ngại, phiền não cho họ.

 

          -Chưa từng làm ngăn ngại kẻ thuyết pháp:

 

          Làm ngăn ngại người thuyết pháp tức là làm trở ngại sự truyền bá giáo pháp giải thoát cao thượng của Đức Thế Tôn. Tội hủy báng Tam Bảo, phá hoại chánh pháp sẽ bị rơi vào địa ngục vô gián, chịu nhiều khổ báo vô cùng thống thiết. Kinh Pháp Hoa(14), nói rằng kẻ thọ trì kinh Pháp Hoa sẽ được các Thiên vương ủng hộ, che chở, không bị ách nạn, ma vương quấy nhiễu, nếu kẻ nào xâm hủy đến các vị Pháp Sư tức là xâm hủy đến các Đức Phật rồi. Ngay cả những loài quỉ như: mười quỷ La Sát Nữ, quỷ Tử Mẫu cũng đến bạch với Thế Tôn xin hết lòng ủng hộ cho kẻ thọ trì, đọc tụng giảng nói kinh này. Trong kinh Kim Cương(Vajra Sùtra) nói rằng nếu có người đối với kinh này thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà giảng nói, dù chỉ một bài kệ (gàthà) bốn câu mà thôi, khiến họ phát tâm tu niệm thì phước đức đó không thể lấy gì so sánh cho bằng. Huống gì thấy người khác thuyết pháp mà sanh tâm hoan hỷ, đến thính thọ, cung kính cúng dường thì thành tựu công đức lớn lao không thể tính được.

 

          -Đốt đèn cúng dường bảo tháp Đức Như Lai:

 

          Ngọn đèn tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt. Nhờ ánh sáng tỏa chiếu mà diệt trừ bóng đêm u tối. Cũng thế, nhờ trí tuệ Bát Nhã sáng soi mà diệt trừ hắc ám vô minh. Bảo tháp tượng trưng cho pháp thân thanh tịnh của Chư Phật. Pháp tánh đó sẵn có trong mọi loài chúng sanh hữu tình. Đốt đèn bảo tháp Như Lai tức là khơi dậy trí tuệ Bát Nhã, làm sống dậy bản tánh thanh tịnh Phật Đà (Buddhatà) chính ngay trong mỗi người chúng ta để thành tựu tuệ giác vô thượng bồ đề. Kinh Pháp Hoa(15) nói rằng Đức Thế Tôn hiện pháp thân bằng pháp màu bảy báu từ dưới đất vọt lên hư không, mùi thơm bát ngát vi diệu. Chư thiên tung hoa, rải hương cúng dường bảo tháp đó. Phật giảng giải bảo tháp là toàn thân của Đa Bảo Như Lai, thật tánh bất diệt. Đức Thích Ca cũng ngồi chung 1 tòa bảo tháp, vì Phật tánh vốn đồng thể tánh bất sanh, bất diệt. Bảo tháp là toàn thân Như Lai, là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nên nơi nào có thọ trì Pháp Hoa, thì chính ngay trong thân tướng của chúng sanh đó thể hiện đức tướng Như Lai.Vì vậy đốt đèn cúng dường các bảo tháp của các Đức Như Lai chính là khơi dậy trí tuệ Phật sáng suốt ngay chính trong tâm chúng sanh hiện tại của mình.

 

          -Siêng năng tu tập theo thiền định (dhỳana):

 

          Thiền định, Trung Hoa dịch là tĩnh lự (Samàdhi) tức là những phương pháp tu trì quán tưởng trong im lặng. Hành giả tu tập đòi hỏi phải lắng nghe tâm mình trong im lặng, tĩnh mịch, an nhiên và bất động. Gạt bỏ tất cả ngôn ngữ ý niệm, tập trung vào định lực (Samàdhi). Tu tập thiền định đòi hỏi một khả năng trí tuệ bén nhạy trong tiến trình tư duy, nhận chân được chân lý giác ngộ, giải thoát. Trước khi nhập Niết Bàn Đức Phật đã dạy cho các tỳ kheo phải luôn luôn giữ tâm lại trong thiền định, vì có như thế mới có thể quán thông tất cả những pháp biến chuyển của vạn hữu. Khi tâm đã an trú ở trong thiền định rồi thì cho dù bất cứ tác động nào như: đứng, đi, ngồi, nằm v.v… cũng không bị tán loạn. Lúc đó trí tuệ Bát Nhã liền hiển lộ quán chiếu, thành tựu trí tuệ sáng suốt của Đức Như Lai mà chứng đắc đạo quả vô thượng bồ đề.

 

          Nhờ góp nhặt tất cả những công đức tu tập cho chính bản thân mình mà khi quan hệ với tha nhân, ra xử sự với đời không bị oán hận. Nhưng làm thế nào để khỏi bị mọi người ghen ghét, oán hận? Phật dạy cho Diệu Huệ Đồng Nữ các phương pháp sau đây:

 

          6. Muốn đạt được tâm không oán hận, ra xử thế cũng không bị kẻ khác ghen ghét, oán hận, thì Bồ Tát phải thành tựu 4 pháp này:

 

          - Gần gũi bạn lành, chẳng nên nịnh hót:

 

          Tâm lý người đời ai cũng quí mến mọi điều chân thật, đạo lý giải thoát của Như Lai đặt căn bản trên sự tôn trọng sự chân thực trong chiều hướng đi tìm cầu và đạt đến chân lý. Phải xóa tan tất cả những mê mờ, vọng niệm phân biệt, giả dối, vì tất cả những điều đó không xứng hợp chân lý. Bồ Tát phải đem tâm chân thực ra đối xử với mọi người, kẻ nào sống bằng tâm lý dua nịnh tức là không thể hiện tấm lòng chân thực của chính mình, đó là vọng tâm, là nhiễm ô, là điên đảo, trái ngược với đạo pháp. Tâm lý dua nịnh đem ra xử sự cho đẹp mắt đối với mọi người, bạn hữu, thân nhân…cũng chỉ là để che dấu sự dối trá bên trong mà thôi, nó không những không tạo nên sự gắn bó mật thiết, thân ái lâu dài, mà có thể đưa tới hậu quả mặc cảm vì kẻ đó sau này hiểu rõ được rằng mình là kẻ bị người dối trá gạt gẫm, có thể đưa đến một sự oán hận sâu xa không lường được.

 

          -Với tha thắng pháp, không sinh tâm ghét bỏ, khinh chê:

 

          Tha thắng pháp, hay còn gọi là tha thắng xứ: Tức là kẻ chiến bại, kẻ bị thua sút tất cả mọi người, là kẻ bị tất cả mọi người đánh bại. Vì Tỳ kheo phạm Ba la di, gọi là kẻ tha thắng.

 

          Trong Du-già Sư Địa Luận (Yogacàra Sàstra) có nói đến 4 trường hợp sau đây của một vị Bồ Tát gọi là tha thắng:

 

          + Bồ Tát vì tham dục, cầu lợi dưỡng cung kính, khen mình, chê người.

 

          + Bồ Tát không tài thí, huệ thí và pháp thí.

 

          + Bồ Tát oán hận, làm thương tích hữu tình, không thể can ngăn.

 

          + Bồ Tát hủy báng Bồ tát tạng, thiết lập pháp tương tự để lôi cuốn kẻ khác tin, hiểu sai lạc tinh thần Bồ Tát Đạo.

 

          Phạm chỉ một điều khoản cũng đủ mất tư cách, và nếu nhiều lần không biết hổ thẹn, coi như tự động xả giới, gọi là tha thắng xứ. Đối với những trường hợp đó, nên thương xót  khuyên ngăn, can gián, chớ đừng nên sinh tâm khinh khi, ghét bỏ. Tha Thắng pháp cũng chỉ cho pháp ngoại đạo tà giáo, không thể địch lại với giáo pháp cao siêu của Đức Phật.

 

          -Thấy người được tiếng tăm vinh dự, tâm thường hoan hỷ:

 

          Tâm lý người đời, ai cũng muốn mình trổi vượt hơn tất cả mọi người về bất cứ lãnh vực nào, vật chất cũng như tinh thần. Nhưng nếu lỡ bị thua kém mà sanh tâm đố kỵ (ìrạỳa) thì đó là một tính xấu, một loại phiền não tùy thuộc (upaklesá), nó có khả năng làm nhiễu hại tâm trí, khiến cho chúng ta bị rối loạn đầu óc, ray rức tinh thần, làm dày vò khổ sở cho tâm ta. Kẻ nào tu tập theo thiện pháp được người đời cung kính tán dương, tôn trọng thì mình phải nên sanh tâm hoan hỷ ca ngợi vì biết rằng người đó là bậc đáng được tôn trọng, là kẻ đang trên cuộc hành trình của Thánh đạo giải thoát. Họ sẽ là những lợi ích lớn lao cho tất cả mọi người, cho vạn loài chúng sanh.Vì thế đối với những vị đó chúng ta cần phải phát khởi tâm kính mến chứ đừng ganh ghét, hủy báng.

 

-Chẳng nên khinh khi các vị hiện thân Bồ Tát hạnh:

 

Niềm khát vọng thiết tha và chính đáng nhất của tất cả mọi người mọi loài là làm thế nào được sống yên ổn, hạnh phúc và an vui, có tính cách lâu dài. Nhưng chẳng có một ai có thể đạt được niềm khát vọng và mơ ước đó, trái lại còn bị muôn ngàn khổ đau phiền não của đời sống luôn luôn níu kéo, trói buộc, chẳng có lúc nào thực sự đạt đến hạnh phúc trọn vẹn. Vì vậy lý tưởng của Bồ Tát đạo là tạo dựng một hạnh phúc an vui và giải thoát cao thượng, bền vững cho hết thảy chúng sanh. Chí nguyện của Bồ Tát thề cùng chúng sanh lặn lội vào trong bất cứ khổ đau, luân hồi, lục đạo, chịu đựng tất cả những  khổ sở thương đau để cùng với chúng sanh trong từng giờ, từng phút, từ đời này qua kiếp khác, để tìm mọi cách đưa chúng sanh mê lầm tội lỗi ra khỏi vọng nghiệp khổ đau mà hoàn thành đạo nghiệp. Có những vị Bồ Tát điển hình phát khởi thệ nguyện rộng lớn như: Địa Tạng Bồ Tát (Ksitigarbha) thề không chứng vị đạo quả nếu trong cảnh địa ngục vẫn còn những chúng sanh bị thọ báo những cực hình khổ sở. Đức Quán Thế Âm (Avalokitésvara) phát nguyện cứu vớt khổ đau cho bất cứ chúng sanh nào trong biển đời trầm luân khổ ải mà tha thiết nhớ nghĩ đến danh hiệu Ngài. Ngài còn hóa hiện ra thân Tiêu Diện Quỷ để đem oai đức thống lãnh ma quân, chuyển quả báo đau khổ trong loài địa ngục, ngạ quỷ trở thành cảnh giới giải thoát trong nhiều phước báu an lạc của cõi nhân thiên. Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) với bản nguyện trong tương lai sẽ xuất hiện trên cõi Ta Bà này, hiệp cùng vị Chuyển Luân Vương để  cải tạo xã hội uế trược này thành cõi Tịnh Độ về cả hai mặt: văn hóa và tinh thần. Hình ảnh của Bố Đại Hòa Thượng, có thuyết cho rằng đó là hiện thân của Đức Phật Di Lặc, trong tinh thần hoan hỷ đi khắp nơi để hóa độ chúng sanh. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu hình ảnh của các vị Bồ Tát quyền hiện ra bất cứ hình thức và phương tiện tùy theo sự mong cầu chúng sanh mà nhiếp hóa. Tư tưởng này chúng ta có thể tìm thấy rõ ràng trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói về Bồ Tát Quán Thế Âm phương tiện ứng hiện ra cả 33 thân tướng chúng sanh mong cầu để hóa độ, từ thân tướng trang nghiêm của Chư Phật, đến thân chư thiên, thân vua quan, thân tỳ kheo, cư sĩ…cho đến cả thân phụ nữ hay con nít để đáp ứng nhu cầu cần hóa độ. Chúng sanh không nên vì một vài hình thức, cử chỉ hành động của các Ngài có vẻ tầm thường mà sinh tâm khinh khi ngạo báng. Chính Bồ Tát là kẻ thực hiện pháp nhứt thừa, là môi giới của các Đức Phật và tất cả các chúng sanh để duy trì chánh pháp Đức Như Lai.

 

          Bồ Tát thực hiện 4 pháp đó tức là đặt quan hệ mật thiết với tha nhân trong tinh thần gắn bó, khắn khít, sẽ không bị người đời oán hận mà lại còn có nhiều phước đức vô biên trong tinh thần tự lợi và lợi tha nữa.

 

          7. Tuy nhiên “ không bị người đời oán hận”, chưa đủ, mà còn phải làm thế nào để mọi người tin tưởng, kính mến, nói ra đều được ghi nhận. Phật dạy Diêu Huệ rằng muốn thực hiện như vậy Bồ Tát phải thực hiện 4 phương thức sau đây:

 

          -Lời nói và sự thực hành phải đi đôi với nhau:

 

          Bồ tát xả thân hoằng hóa chúng sanh không những chỉ dùng lời nói chân thật, như pháp để xử sự với đời hay giảng dạy kẻ khác, mà chính Bồ Tát là người tiên phong thực hành những điều đó một cách chân chính và nghiêm túc nữa. Nếu khuyên dạy mọi người tu tập thiện pháp mà Bồ Tát đi ngược lại thì chính mình đã tự phá hoại đạo nghiệp của mình. Lời giảng đã mất hết ý nghĩa mà chẳng còn ai tin tưởng vào giá trị lời nói, đồng thời mình đã đánh mất niềm tin và sự kính mến trong lòng kẻ khác rồi. Giá trị và nhân cách của con người đã thể hiện trong ngôn ngữ và trong thái độ phong cách của người đó. Sự thành tín cũng là một đức tính chủ yếu và cao quí giá trị nhất trong sự tương quan mật thiết giữa ngôn ngữ và hành động.

 

          -Không che dấu điều xấu xa tội lỗi với bậc thiện hữu, tri thức:

 

          Phàm người đời không ai tránh khỏi những việc xấu xa tội lỗi hoặc do vì vọng niệm, ý tưởng không chân chính, hoặc do vì sân hận dùng lời nói xấu ác để hủy báng, nhục mạ, ly gián, chửi mắng kẻ khác hoặc do vì thù hận, ác tâm đánh đập giết hại hay tạo nên các nghiệp xấu xa, đê hèn. Tuy nhiên điều quan trọng và cao quí nhất là ý thức được rằng mình có gây nên những tội lỗi đó mà khởi tâm tàm quí đối với chính mình hay kẻ khác mà phát khởi tâm ân hận, xấu hổ, thẹn thùng, ăn năn tỏ bày sám hối. Đối tượng để cho chúng ta phát lồ tội lỗi để cầu xin sám hối chính là Đức Phật, chư Bồ Tát, Thánh hiền Tăng tu hành phạm hạnh. Đối tượng gần gũi với đời sống chúng ta trong mọi sinh hoạt hằng ngày là các bạn lành, các thiện tri thức, là điểm tựa, là nhân duyên lớn lao, là tấm gương sáng để chúng ta nương vào cải đổi tâm tính xấu xa tu tập pháp lành mong diệt trừ ác nghiệp. Vì vậy mỗi khi chúng ta bị ray rứt, dằn vặt về những tội lỗi, mặc cảm xấu xa nào đó, chúng ta có thể thẳng thắn bày tỏ với các vị thiện hữu để tìm cầu lời khuyên dạy hữu ích, chuyển hóa những phiền não tội lỗi thành những pháp thanh tịnh an lạc, thuận duyên trên đường hướng tu tập đạo lý giải thoát, hợp với chân lý giải thoát.

 

          -Với giáo pháp được nghe, không tìm tòi những sơ hở, lầm lỗi:

 

          Giáo pháp vô thượng sâu xa, vi diệu của Đức Phật không dễ gì mà nghe đặng. Có những chúng sanh vì nghiệp quả nặng nề chịu những quả báo khổ sở cực hình trong loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không có lúc nào được nghe đến một danh hiệu Phật, chẳng nghe được một câu kinh, câu kệ để tu tập sám hối những ác nghiệp đã tạo vô lượng kiếp về trước. Có những kẻ trải qua trăm nghìn kiếp mới gặp được giáo lý cao thượng đó để phụng trì. Vì vậy ngày nay chúng ta được giảng dạy, được học hỏi, được thọ trì giáo pháp Phật chắc chắn nhờ nhiều phước duyên đã gây tạo từ vô lượng kiếp về trước, nên mỗi khi nghe đặng giáo pháp nên khởi tâm hoan hỉ sung sướng, hân hạnh diễm phúc được tắm gội trong giáo pháp cao minh đó. Cần phải tìm hiểu rõ ràng sáng suốt, thấu đáo ý nghĩa, tuy nhiên đừng đem tâm vấn nạn, dùng tâm xấu xa để vạch tìm những lầm lỗi vô lý hay cố tình xuyên tạc chánh pháp. Giáo pháp của Như Lai cao siêu, nhiệm mầu và chân thật, nếu có lệch lạc và không thích hợp với hoàn cảnh, với căn cơ trí tánh của người nghe, hoặc vì người thuyết giảng không giải thích, phân tích và trình bày một hệ thống chặt chẽ, có phương pháp lý luận vững vàng, phân minh: Vì vậy Bồ Tát cầu học đạo lý giải thoát nên nhất tâm học hỏi ý nghĩa thấu đáo hơn là vạch tìm nhũng sơ hở vụn vặt trong đó.

 

          -Chẳng nên sanh ác tâm với người thuyết pháp:

 

          Pháp sư là người thay Đức Phật để thuyết giảng đạo lý vô thượng cho hữu tình chúng sanh để diệt trừ nghiệp quả khổ não, luân hồi sanh tử mà tu tập chánh pháp Như Lai, thành tựu quả vị chánh đẳng, chánh giác. Kinh Pháp Hoa (16), có nói lời nguyện của 10 vị La Sát Nữ bạch với Đức Thế Tôn rằng họ luôn luôn ủng hộ những người thọ trì kinh này nếu như có ai khởi ác tâm rình tìm chỗ dở của pháp sư tức thì tâm niệm đó bị hủy diệt. Đồng thời họ cũng thệ nguyện rằng thà nhảy lên ngồi hay chà đạp đầu óc của họ còn hơn là não hại đến vị pháp sư, cho đến ngay cả trong chiêm bao cũng đừng khởi lên tâm não hại như thế. Có những vị thiết tha muốn nghe đặng một câu kinh, một bài kệ dám hy sinh cả thân mạng mình, như trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahà parinirvàna Sùtra)(17) trước giờ từ biệt hàng đệ tử thân yêu, để đi vào tịch diệt, Đức Phật đã kể cho Ngài Ca Diếp và toàn thể đại chúng nghe câu chuyện một vị Thích Đế Hoàn Nhơn biến ra thân quỉ La Sát, dung mạo xấu xa tàn ác để thuyết pháp: Lúc bấy giờ có một người tu khổ hạnh trên núi tuyết đến nghe pháp. Quỷ La Sát bèn cất tiếng thanh nhã để tuyên nói bài kệ của Đức Phật đời quá khứ. Bài kệ vi diệu gồm có 4 câu. Quỷ La Sát chỉ đọc hai câu đầu của 1 bài kệ:

 

“Chư hạnh vô thường

Thị sanh diệt pháp…”

 

rồi im bặt đưa mắt nhìn quanh bốn phía. Khi đó người tu khổ hạnh nghe đặng nửa bài kệ lòng rất vui mừng sung sướng như khát nước lâu ngày gặp được giòng nước mát, như nắng hạn gặp mưa, lòng ngạc nhiên vô cùng, không ngờ một con quỷ La Sát mà lại thông hiểu bài kệ như vậy, lòng nghĩ rằng có lẽ trong đời quá khứ quỷ La Sát này đã gặp được Chư Phật và đã nghe hiểu giáo pháp, liền đến trước quỉ La Sát nói rằng: Thật là hy hữu, Ngài đọc được bài kệ của Đức Phật quá khứ ở đâu thế? Xin Ngài nói cho tôi nghe nốt nửa bài còn lại sau cùng, tôi sẽ xin nguyện trọn đời theo Ngài làm đệ tử trung thành hầu cận.

 

          Quỷ cho rằng hiện giờ đang bị cơn đói cồn cào trong ruột, nếu có thức ăn tươi nóng no đủ thì mới nói hết được, nhưng ác nghiệt thay thức ăn phải là thịt người thì mới có thể dùng được. Người khổ hạnh vì muốn cầu đặng pháp báu, liền sẵn sàng hoan hỷ chấp thuận; nói xong liền cởi ngay tấm áo đang mặc trải làm pháp tòa cho pháp sư La Sát thuyết pháp. Quỷ La Sát đọc tiếp liền hai câu kệ sau cùng:

“Sanh diệt, diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc”

 

rồi nhảy đến trước mặt người khổ hạnh yêu cầu thực hành đúng lời hứa. Người khổ hạnh liền suy nghĩ rằng bài kệ này quả là lời thuyết pháp của Phật ba đời không dễ gì ai cũng nghe đặng, nên lấy vật cứng khắc lên cây đá, vẽ khắp nơi bên đường mong cho sau này ai ai cũng có thể đọc hiểu và nương vào đó để tu tập rồi nhảy lên một thân cây cao buông mình rơi xuống. Tuy nhiên lúc đó quỷ La Sát hiện lại hình Thiên Đế hứng lấy thân vị khổ hạnh đó để nhẹ xuống đất. Thích Đế Hoàn Nhơn và chư Thiên đều đảnh lễ vị đó rồi biến mất.

 

          Qua câu chuyện đó chúng ta thấy rằng dù kẻ thuyết pháp là quỷ ma chăng nữa, nếu vị đó nói đúng chánh pháp đem lại lợi ích cho chúng hữu tình thì chúng ta phải cung kính tôn trọng cúng dường chứ đừng nên sinh ác tâm hãm hại.

 

          8. Diệu Huệ còn phân vân, không biết phải làm thế nào để xa lìa tất cả các pháp chướng ngại, mà thành tựu dễ dàng các pháp thanh tịnh?

 

          Phật dạy: Này Diệu Huệ, muốn thành tựu được ước nguyện trên, Bồ Tát trước hết phải thành tựu 4 pháp sau đây:

 

          -Đem tâm ý sâu xa, vui vẻ nhiếp thọ ba luật nghi:

 

          Luật nghi (Samvara), Trung Hoa dịch là hộ,có nghĩa là phòng hộ. Nếu giới (sìla) có tính cách phổ biến, đưa dẫn ra những phép tắc, hành vi thiện để ngăn ngừa, cấm chỉ những điều không được phạm, thì luật có tính cách đặc thù, nêu ra con đường cần phải noi theo để điều chỉnh đến hành vi của thân, ngữ ý khỏi bị lỗi lầm, sai quấy. Luật nghi có tính cách rộng rãi, tự do bao trùm cả đời sống của một tập thể hay Tăng đoàn.

 

          Bồ Tát phải hiểu rõ các pháp luật nghi đó và đem tâm lý sâu xa, vui vẻ nhiếp thọ ba pháp, tâm ý luôn luôn nhớ nghĩ về các thiện pháp để nhiếp hóa và rộng độ cho tất cả chúng sanh.

 

-         Nghe kinh luận, không sanh tâm chê bai hủy báng:

 

Kinh luận nói chung là một phần bộ tôn quý và quan trọng trong ba ngôi báu quý nhất trên đời. Chính nhờ giáo pháp cao thượng đó mà đạo lý của Đức Như Lai mãi trường tồn và lợi ích lâu dài cho những hữu tình chúng sanh. Chúng ta phải nhờ tu tập nhiều phước đức và nhân duyên lớn lao từ nhiều đời nhiều kiếp quá khứ nên ngày nay mới gặp đặng giáo pháp và học hỏi thực hành giáo pháp đó. Vì vậy nghe được giáo pháp là một hân hạnh và phước đức vô cùng to lớn, chẳng nên sanh tâm chê bai, hủy báng. Tội hủy báng Tam Bảo sẽ bị mắc quả báo khổ sở, đọa lạc vào địa ngục vô gián chẳng bao giờ nghe đặng Phật pháp, chẳng bao giờ gặp gỡ thân cận thiện tri thức. Giáo pháp Đức Phật là thuyền từ đưa người qua bể khổ. Vì vậy nơi nào có kinh điển phải nhất tâm tôn kính học hiểu, thọ trì đọc tụng xây tháp báu để tôn trí, rải ướp hương hoa và kính ngưỡng như sự tôn kính Đức Phật. Vai trò của giáo pháp càng quan trọng hơn khi giữa phút giây sắp thị tịch Ngài đã ân cần dặn dò và di chúc kỹ lưỡng cho Ngài A Nan và đại chúng, trong khi Anan cảm thấy sắp mất mát bậc Thầy kính yêu nhất của đời sống tu niệm “ sau khi vắng bóng Thế Tôn rồi, các con đừng buồn tủi, hãy lấy giới luật làm Thầy, nương vào giáo pháp Như Lai mà sách tấn nhau tu học và thực hành theo chánh pháp, phải đặt niềm tin sâu xa và học hiểu rõ ràng thấu đáo giáo pháp đó”.

 

-         Đối với những vị Bồ Tát mới phát khởi tâm ý, phải nên sinh khởi tâm tôn kính:

 

Một vị Bồ Tát sơ tâm tức là một vị bắt đầu khai phóng phạm vi ý tưởng, sự thực hiện trong đời sống mình một cách rộng rãi. Nói khác, họ thay đổi hẳn từ ý thức, lối nhìn, thái độ sống từ quan niệm vị kỷ hẹp hòi chuyển sang lý tưởng vì hết thảy mọi người, mọi loài trong tinh thần tôn trọng, tự do, bình đẳng. Lý tưởng đó nhằm thực hiện hai mục đích cao đẹp, to lớn: trên thiết tha mong cầu đạo quả vô thượng giải thoát, dưới thương yêu cứu giúp, độ thoát khổ não cho tất cả chúng sanh, để tất cả cùng trở về trong tuệ giác Phật, trong tinh thần bình đẳng tánh. Hai yếu tố và pháp hạnh căn bản của một vị Bồ Tát là luôn luôn phát khởi tình thương yêu rộng lớn (tình yêu) bên cạnh một trí tuệ sáng suốt (tri thức) trong công việc xả thân vào đời cứu độ cho tất cả chúng sanh. Do đó khi có một vị Bồ Tát mới phát tâm quảng đại Bồ Đề, thì phải đem tâm hoan hỷ, kính mến, tán thán,cúng dường, tôn trọng chứ không nên ganh ghét, hủy báng.

 

-Thể hiện tâm đại bi, bình đẳng với tất cả hữu tình chúng sanh:

 

Bồ Tát lăn xả vào đời trong phận sự hoằng hóa chúng sanh không ngại gian lao, khổ nhọc, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, không coi trọng kẻ thân người sơ, luôn luôn đem tất cả tấm lòng thương yêu chân thật để cứu giúp, bố thí, cúng dường mong cho kẻ khác được an lạc, hạnh phúc. Vì lòng từ bi quảng đại, Bồ Tát cũng không phân biệt kẻ thân người thù, kẻ thiện người ác. Gặp lúc bất cứ người nào nguy khốn, thảy đều cứu giúp trong tinh thần vô cầu và bất vụ lợi.

 

Chính nhờ công đức nhiếp thọ các thiện pháp luật nghi thanh tịnh, tin kính phụng trì kinh luận, tôn trọng ngợi khen các vị Bồ tát mới phát tâm Bồ Đề, thể hiện tâm từ bi, bình đẳng rộng lớn để thương xót cứu giúp hết thảy chúng sanh, không có tâm phân biệt, mà Bồ Tát thành tựu được pháp an nhiên thanh tịnh, thuận duyên trên tiến trình tu tập đạo lý giải thoát vô thượng bồ đề. Nhưng trên bước đường tu tập hành giả gặp rất nhiều ma vương, ác nghiệp quấy nhiễu, làm não loạn, điên đảo tâm trí, khiến lu mờ tuệ nhãn Như Lai. Diệu Huệ băn khoăn thắc mắc tiếp tục thưa Phật, mong Ngài chỉ dạy.

 

9. Phật dạy: Này Đồng Nữ, Bồ Tát nào thực hành 4 pháp sau đây thì có thể xa lìa và đoạn trừ hết thảy các ma nghiệp, đó là:

 

-Thấy rõ pháp tánh đều bình đẳng:

 

Bản tánh của các pháp vốn là bình đẳng, nhưng vì chúng sanh vọng tưởng, phân biệt mê lầm, chấp trước mà có sai khác nhau. Trong Bát Nhã Tâm Kinh (Prajnà paramità hrdaya sùtra) Bồ Tát Quán Tự Tại (Arỳa-valokitesvara Bodhisattva) trong khi Ngài thực hành công việc ở trong nhận thức vượt bến sâu xa, bấy giờ Ngài thấy đặng ngũ uẩn (panca skandhà) và quán sát chúng sanh không có tự hữu. Từ các pháp ngũ uẩn vốn không, cho đến vạn pháp cũng đều bất sanh bất diệt, không có sạch dơ, chẳng hề tăng giảm. Lục căn lục trần cũng quy về không tánh (sùnyàtà). Cho đến các pháp tứ đế, mười hai nhân duyên… bản chất của chúng cũng vốn không và một khi biểu hiện được ra ngoài cũng là do nhận thức và biến hiện của tâm. Biết rõ như thế để phát triển trí tuệ, liễu ngộ không tâm và pháp tánh bình đẳng giữa Chư Phật và chúng sanh. Luôn luôn nghĩ tưởng đến Chư Phật, đảnh lễ Chư Phật cũng chính là nghĩ tưởng và đảnh lễ tôn kính pháp tánh cao thượng, bình đẳng siêu việt trong thể tánh Phật, trí tuệ ở ngay chính trong con người chúng ta.

 

-Thường phát khởi sự tinh tấn sâu xa vào sự tưởng niệm các Đức Như Lai và giáo pháp thâm sâu:

 

Muốn đánh bạt tất cả nghiệp lực và ma chướng, trước hết phải dốc lòng tinh tấn tu trì các phương pháp lục độ, quán tứ diệu đế, mười hai nhân duyên, bát chánh đạo, đồng thời phải luôn luôn quán tưởng thân tướng trang nghiêm của các Đức Như Lai, niệm Phật cầu mong tha lực gia bị hộ trì cho công việc hành trì tu tập đặng có nhiều kết quả tốt đẹp mãn nguyện. Ma nghiệp thường có nhiều mãnh lực để lôi kéo tư tưởng, hành vi của chúng ta. Chúng thường ẩn núp trong các trạng thái phiền não (klesá) như giãi đãi (kausidya), phóng dật (pramàda) v.v… và sẽ dễ dàng sinh khởi làm rối bận tâm trí và chí niệm người tu tập thiện pháp. Mỗi khi phiền não khởi lên, tâm trí chúng ta bị ma nghiệp dẫn dắt để rồi đưa đến hành động trong mê mờ tội lỗi, lúc đó sẽ không còn sáng suốt để nhận định giá trị chân lý, không còn biết phân biệt điều gì đáng làm và điều gì phải nên tránh. Phật dạy tâm chúng sanh nhảy nhót chao động như khỉ, ý tưởng của chúng sanh luôn ở trong trạng thái trạo cử (auddhatya), nên phải luôn luôn tinh tấn (vìrya) phải dùng giới, định tuệ để kiểm thúc, kiểm chế lại mới diệt trừ đặng tất cả vô minh, vọng niệm, tội lỗi xấu xa được.

 

-Siêng năng niệm Phật:

 

Trong Phật giáo có hai con đường tu tập để trực ngộ chân lý, đắc quả giải thoát, đó là con đường tu tập nhất thời gọi là đốn (yugapat) những kẻ muốn thực hiện sự tu chứng của mình bằng con đường này đòi hỏi một khả năng và trình độ nhận thức khá bén nhạy và lanh lẹ, phải luôn tư duy về những chân lý của các pháp vô thường trong vũ trụ. Nếu kẻ nào căn tánh ám độn, kém thông minh hơn thì có thể thực hiện phương pháp tu trì của mình một cách từ từ bằng cách tích tụ công đức và niệm Phật cầu tha lực để được vãng sanh về cõi Cực Lạc thế giới (sukhàvati ksetra), đó là con đường tiệm tu (kramasá). Đây là phương pháp căn bản và phổ thông cho những ai muốn đi vào con đường tu tập của Tịnh Độ giáo. Niệm Phật là phương pháp hay nhất cho những ai bị ma nghiệp dẫn dắt vào trong các phiền não trói buộc, khiến cho tâm trí luôn luôn bị tán loạn. Niệm Phật cũng là một phương pháp để tạo giữ lại thế quân bình và thanh tịnh cho tâm, để phiền não lắng xuống, đồng thời chí thành cầu mong tha lực gia hộ che chở, tiếp thọ, để tiêu trừ nghiệp chướng tu trì thiện pháp. Khả năng của con người thì có hạn mà oai lực phước đức của Chư Phật thì vô biên, niệm Phật tức là nương vào oai đức của các Ngài để tinh tiến tu trì, cầu mong được thọ sanh và tiếp dẫn về cảnh Cực Lạc siêu thoát.

 

-Hồi hướng tất cả các thiện căn:

 

Bồ tát sau khi đã phát tâm quảng đại bồ đề, thực hành các thiện pháp để được lợi lạc cho tất cả hữu tình chúng sanh, đem tất cả những thiện căn hồi hướng lên Mười Phương Chư Phật, Bồ Tát thánh chúng để nguyện cho hết thảy chúng sanh đều thành tựu Phật Đạo. Đây là một hạnh nguyện cuối cùng cao cả phổ biến của Bồ Tát Phổ Hiền (Sámanta bhadra) như trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsake Sùtra) có nói đến, nghĩa là Ngài Phổ Hiền Bồ Tát phát nguyện rằng xin đem tất cả bao nhiêu thiện căn từ hạnh nguyện thứ nhất: lễ kính chư Phật đến nguyện thứ chín: tùy thuận chúng sanh, đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp hư không pháp giới đều được an lạc, không bệnh khổ, tai nạn, ác thú nhiễu hại, ai tu thập thiện căn đều đặng thành tựu vô thượng bồ đề. Nếu có chúng sanh nào bị thọ quả khổ, Ngài đều phát nguyện thay thế chịu quả khổ cho họ. Dù cho cả cõi hư không, chúng sanh nghiệp cảm phiền não có cùng tận chăng nữa, nhưng nguyện hồi hướng của Ngài vẫn không bao giờ cùng tận, cho đến lúc tất cả đều an trú trong giác ngộ, giải thoát, khi đó đạo nghiệp của Bồ Tát mới viên thành.

 

Tất cả những thiện pháp trên đều được thực hành, áp dụng để bồi bổ phước đức cho mình trên đường tu tập và đem ra hoằng hóa lợi ích cho hết thảy chúng sanh trọn cả cuộc đời phụng sự và hộ trì chánh pháp. Tuy nhiên, đến lúc lâm chung, khi xả báo thân này, làm sao thấy được hiện tiền Chư Phật , Bồ Tát đến để hộ niệm tiếp dẫn?

 

10. Phật dạy: Đến giờ phút trút bỏ hơi thở cuối cùng, để được thấy Chư Phật hiện tiền, nghe thuyết pháp thanh tịnh, không còn thọ báo khổ não, Bồ tát nên thực hành 4 pháp sau đây:

 

-Vì tất cả mọi người mà thực hiện toàn vẹn các thệ nguyện, ai có mong cầu điều gì, khiến cho họ được mãn nguyện:

 

          Hạnh nguyện của Bồ Tát lấy sự khổ đau của kẻ khác làm nỗi khổ đau cho chính mình, lấy hạnh phúc của kẻ khác làm nguồn hoan lạc, hạnh phúc cho chính mình, vì vậy trong mục đích tột cùng của đạo giải thoát, lý tưởng của Bồ tát được tóm tắt trong hai mục tiêu duy nhất: trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ hết thảy chúng sanh. Và muốn trọn vẹn mãn túc hai chí nguyện rộng lớn cao thượng đó, Bồ Tát phải thực hiện đầy đủ tất cả các thệ nguyện. Thấy ai đau khổ, hoạn nạn, thiếu thốn thì phải xả thân cứu giúp, không vì danh dự lợi dưỡng, lợi ích riêng cho cá nhân mình. Những đức hạnh như an ủi, giúp đỡ, bố thí, cúng dường tức là thể hiện tâm từ bi rộng lớn, xem tất cả mọi người đều là cha mẹ bà con, hết lòng giúp đỡ, cung phụng. Kinh Hoa Nghiêm có nói: Phụng sự tùy thuận chúng sanh tức là tùy thuận cúng dường Chư Phật vậy.

         

-         Đối với các thiện pháp, sanh lòng tin tưởng rõ ràng sâu xa:

 

Tam Thế Chư Phật, chư đại Bồ Tát, hiền thánh tăng thành tựu được đạo lý giác ngộ giải thoát đều đã tu tập và thực hành các thiện pháp. Thiện pháp là nguyên nhân, là đường lối dẫn đến cảnh giới giải thoát, an lạc. Tu tập, thực hành, khuyên dạy cho mọi người khác thực hành sẽ đặng công đức vô cùng to lớn. Thực hành theo thiện pháp không những chỉ đem lại phước đức cho mình mà còn gây ảnh hưởng tốt đẹp cho tất cả mọi người ai ai cũng kính mến, chư thiện thần, hộ pháp, hộ trì che chở, chư Phật tán thán. Sau cùng phước đức đó thành tựu đặng công đức vô biên, dẫn đến phước báo cao quý của cõi nhân thiên và rốt ráo sẽ thành tựu tuệ giác vô thượng.

 

          -Bố thí, cúng dường trang nghiêm đầy đủ các bậc Bồ Tát:

 

          Các bậc Bồ Tát thường xả thân vì lợi ích và an lạc hạnh phúc cho hết thảy chúng sanh, để thực hiện tất cả những hạnh nguyện cao cả lớn lao của mình có khi quên cả thân mạng. Vì thế chúng ta thực hành các việc bố thí cúng dường trang nghiêm đầy đủ các Ngài tức thể hiện sự báo ân sâu xa đối với tinh thần hy sinh cao cả đó. Đồng thời nếu thấy những ai phát tâm bố thí cúng dường như thế thì phải phát tâm tùy hỷ, và nếu sự cúng dường bố thí của họ ít ỏi thiếu kém, khả năng mình có thể hỗ trợ thêm thì cũng nên tùy phương tiện để được sung mãn công đức. Nếu thấy có ai khởi niệm cúng dường hoan hỷ như thế, chúng ta nên khuyến khích tán dương công đức để cùng nhau thành tựu pháp cúng dường trang nghiêm đầy đủ các bậc Bồ Tát. Trên hành trình tham vấn tìm cầu về sở hạnh của Bồ Tát, Thiện tài đồng tử (Sudhana) trong giai đoạn cuối cùng lần thứ 53, tới tham vấn Ngài Phổ Hiền (Samantabhadra) đạt pháp môn: “ Nhứt thiết Phật sát vi trần số Tam Muội”.Và trong 10 hạnh nguyện đó, có hạnh thứ ba  “Quảng tu cúng dường” trang nghiêm đầy đủ các đức Phật, Bồ Tát. Sự cúng dường này có một ý nghĩa cao thượng hơn khi tu hành đúng theo lời Phật dạy, xả thân làm việc lợi ích và sẵn sàng thệ nguyện thọ lãnh tất cả mọi sự khổ sở cho chúng sanh và dẫn tiếp họ quay về với chánh pháp.

 

          -Thường nhớ nghĩ, siêng năng tu tập sự cúng dường Tam Bảo:

 

          Pháp cúng dường Tam Bảo là pháp tối thượng nhất trong tất cả các pháp bố thí cúng dường. Hầu hết các kinh điển đều có nói đến pháp cúng dường này. Sự cúng dường có thể là nhũng âm thanh vi diệu của tiếng ca, tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng tán thán, hoặc các thứ hương hoa tinh khiết tuyệt diệu của các cõi trời, cõi người mà cúng dường các Đức Như Lai và đại chúng Tỳ kheo, Bồ Tát thính pháp. Ngoài ra còn có các vật cúng dường thượng diệu như mây tràng hoa, mây trời, hương bột, hương Chiêm- bặc (Campaka), các thứ đèn dầu Tô Lạc, đèn dầu thơm để thành kính cúng dường. Có những thí chủ tín tâm lại cúng dường y phục, dược liệu, đồ uống ăn, đất vườn, tịnh xá v.v…Tuy nhiên, kinh Hoa Nghiêm nói rằng nếu đem tất cả những thứ kể trên mà cúng dường cho ba đời Đức Phật, Bồ Tát, hiền thánh Tăng sẽ thành tựu công đức vô biên, nhưng vẫn chưa bằng một phần trăm, phần ngàn, phần trăm ngàn, a do tha…cho đến một phần Ưu Ba Ni Sa Đà (upanisad) so với một niệm công đức của pháp cúng dường. Nghĩa là phát khởi tâm cúng dường, theo đúng chánh pháp mà tôn trọng tu hành để cùng đặng giải thoát, đó chính là pháp cúng dường Tam Bảo thượng diệu nhất.

 

          Bồ Tát thành tựu được 4 pháp này thì phước đức vô lượng tăng trưởng, thiện thần ủng hộ, khỏi bị ma nghiệp quấy nhiễu, đến giờ phút lâm chung sẽ được thấy Chư Phật hiện tiền thuyết pháp và tiếp dẫn về cảnh giới Cực Lạc giải thoát. Bồ Tát nào thành tựu trọn vẹn đầy đủ cả bốn mươi pháp hạnh đó thì tạo được pháp báo lớn vô cùng, làm nhân giải thoát cho chính mình, đồng thời tạo lợi ích không thể đếm được đối với tất cả chúng sanh trên đường hướng về nguồn sống an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu của tòa nhà chánh pháp.

 

Sau khi nghe Đức Phật giải thích, cắt nghĩa rõ ràng 10 nghi vấn và trình bày 40 phương thức sống để làm lợi ích vô cùng to lớn cho hết thảy chúng sanh, chuyển đổi cuộc sống phiền não khổ đau thành hạnh phúc an vui. Diệu Huệ Đồng Nữ, cô bé 8 tuổi đời, đã vô cùng hoan hỷ sung sướng như khát nước gặp được nguồn suối mát lành, vội cúi xuống sụp lạy dưới chân Đức Phật thành tâm tự phát nguyện trước Thế Tôn xin thọ trì toàn vẹn cả 40 điều một cách nghiêm túc không hề thiếu sót. Sự thệ nguyện đã được sự chứng tri của tất cả hội chúng Tỳ kheo, Bồ Tát, các vị đại Bồ Tát, nhất là các vị đại đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật như Ngài Mục Kiền Liên (Maugalỳayana), trí tuệ bậc siêu phàm như Ngài Văn Thù Sư Lợi (Mãnjusri). Chính các vị đó cũng không thể hiểu nổi tâm lớn lao của một cô bé hiện thân hạnh Bồ Tát như thế. Bởi vậy vừa nghe cô bé phát thệ nguyện xong, Ngài Mục Kiền Liên thắc mắc hỏi cô bé có đủ khả năng để thực hiện lời nguyện lớn lao như thế không, hay chỉ là một sự phát nguyện chưa suy nghĩ chín chắn, bốc đồng? và cũng ngay lúc đó, để chứng minh cho lời thệ nguyện của mình có tính cách chân thật, rõ ràng, Diệu Huệ xin nguyện cho khắp ba cõi đại thiên thế giới có sáu món chấn động, hoa trời rơi xuống, trống nhạc vọng vang, và hiệu quả xảy ra đúng y hệt như thế. Cả đại chúng đều vô cùng kinh ngạc. Và giữa sự kinh ngạc vô cùng như thế Diệu Huệ còn dõng dạc trình bày thêm cho Ngài Mục Kiền Liên hay rằng đến đời vị lai Diệu Huệ cũng sẽ thành Phật như Đức Thích Ca ngày nay vì lời nói hôm nay là lời nói không giả dối, và để chứng minh lời nói này là chân thực thì xin cho tất cả đại chúng ở trong pháp hội này đều biến thành sắc vàng hết, và lời nói vừa dứt thì hiệu quả không sai khác. Bậc thần thông như Ngài Mục Kiền Liên còn phải khâm phục, vội vàng đảnh lễ dưới chân Phật, đảnh lễ cô bé thị hiện đó.

 

Đến lượt Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi thêm một vài chi tiết về khả năng trí tuệ của Đồng Nữ để tìm hiểu cô bé trụ vào pháp nào để phát ra lời đại nguyện ấy, và cô bé nhấn mạnh cho Ngài Văn Thù nhớ rằng trong pháp giới này chẳng có cái gì gọi là trụ cả. Và từ trong thái độ vừa thản nhiên, vừa từ tốn cô bé trả lời thông suốt tất cả các câu hỏi rất siêu đẳng để trình bày cho Ngài Văn Thù và đại chúng biết rằng cô bé đã trả lời trong chân lý, chẳng hề nương vào  mật ý hay phi mật nào cả. Bồ Đề hay phàm phu cũng không sai khác, ngay cả Đức Như Lai cũng như thế, vì tất cả đều cùng một tướng pháp giới.

 

Với lối giải thích như thế, vừa thông minh vừa lanh lợi ở trí nhận thức của một cô bé 8 tuổi, bậc đại trí như Ngài Văn Thù cũng phải khâm phục, yêu cầu đồng nữ chuyển đổi nữ thân để hoằng hóa chúng sanh và dễ dàng thành tựu Thánh đạo. Diệu Huệ cho biết rằng thực ra tướng nữ nhân cũng bất khả đắc, khó chuyển được, chính vì muốn trừ đoạn nghi hoặc mà hiện thân đồng nữ. Chính lời nói chân thật này mà đời vị lai cô bé sẽ đắc quả vô thượng bồ đề. Tỳ kheo nào y theo lời phụng mạng đó mà tu tập sẽ đặng mọi điều sung mãn tùy niệm, cõi đó không có ma quỷ, cũng chẳng có nữ nhân, hảo tướng trang nghiêm cực kỳ mỹ lệ. Và cũng chứng minh cho lời chân thật của mình, Diệu Huệ xin nguyện cho hết thẩy đại chúng đều trở thành sắc vàng, còn mình thì chuyển thành thân nam, khoảng 30 tuổi, ứng tri pháp Tỳ kheo và lời nguyện  đó được như sở nguyện. Bấy giờ Đức Phật mới nói rõ những công đức và hạnh nguyện của Diệu Huệ Đồng Nữ ở đời quá khứ cho toàn thể đại chúng nghe, rồi Phật lại còn cho hay về đời tương lai, Diệu Huệ sẽ thành bậc Chánh Đẳng Giác, hiệu là Thù Thắng Công Đức Bảo Tạng Như Lai ( Visésagupa ratnakosá Tathàgata) Phật đó sẽ giảng kinh Diệu Huệ Đồng Nữ này, có vô lượng chúng sanh sau khi nghe pháp xong thực hành tu tập, cúng dường tán thán, nhờ công đức đó đều hoặch đắc trí chứng.

 

Đức Phật Thích Ca liền gọi Ngài Văn Thù Sư Lợi và dạy rằng: Bản kinh vi diệu này chính là Khế Kinh của các vị Bồ Tát, Thế Tôn phó chúc lại cho Ông, và Ông nên thọ trì đọc tụng và khuyên mọi người cùng nên phát khởi tinh tấn biên chép, đọc tụng và giảng rộng cho tất cả mọi người cùng biết để thực hành thì sẽ đặng phước đức vô biên.

 

§§§

 

 

§§§         * **         §§§

                                                                          

 

           B/.NỘI DUNG BẢN KINH:

 

            PHẬT NÓI KINH TU MA ĐỀ, cũng gọi là DIỆU HUỆ-ĐỒNG NỮ KINH ( Ngài Tam Tạng Pháp sư BỒ ĐỀ LƯU CHI đời Đường dịch Phạn ra Hán)

 

          Tôi nghe như thế này, một thuở nọ, khi Đức Phật trụ tại thành Vương Xá  (Ràjagrha) trong núi Kỳ Xà Quật (Grdhakùta) cùng với đại chúng Tỳ Kheo một nghìn hai trăm năm mươi người, cùng với mười ngàn vị Bồ Tát, Đại Sỹ đến tham dự. Lúc bấy giờ tại thành Vương Xá đó có một cô con gái của một vị trưởng giả tên là Diệu Huệ tuổi mới lên tám nhan sắc vô cùng xinh đẹp, các tướng mạo đầy đủ vẹn toàn, bất cứ ai nhìn tới thảy đều sanh tâm hoan hỷ cảm mến.

 

          Sở dĩ được như vậy vì trong đời quá khứ, cô đã từng thân cận cúng dường vô lượng các Đức Phật và gieo trồng nhiều căn lành. Bấy giờ cô bé đến chỗ pháp tòa của Đức Như Lai (Tathàgatà) đảnh lễ dưới chân Ngài, đi nhiễu quanh về phía tay mặt ba vòng, rồi quỳ xuống, cung kính chấp tay mà bạch bài kệ rằng:

 

Ngưỡng bạch đấng Vô Thượng Chánh Giác

 Là đèn sáng cho khắp thế gian

Là sở hạnh cho các Bồ Tát

Xin nguyện nghe lời con thưa thỉnh.

 

                    Phật bảo Diệu Huệ rằng: “ Hôm nay chính tự tâm con thưa hỏi, Thế Tôn sẽ vì con giải thích rõ ràng để đoạn trừ tất cả các vọng tưởng nghi ngờ. Lúc bấy giờ Diệu Huệ liền đối diện ở trước Đức Phật, dùng bài kệ sau đây để thưa hỏi:

 

Làm thế nào có thân đoan chánh

Được giàu sang, sinh nơi tôn quý

Lại do tạo những nhân duyên gì?

Để quyến thuộc khỏi bị chia ly

Làm sao thấy đặng rõ thân mình

Thọ báo vào trong cõi hóa sinh

Ở trên ngàn cánh hoa sen

Cung phụng các Đức Thế Tôn

Làm sao có thể chứng đắc

Thần thông tự tại siêu việt

Thung dung khắp các cõi Phật

Cung kính đảnh lễ các Ngài

Làm sao khỏi bị oán hận,

Nói ra mọi người tin nhận

Diệt trừ đặng các chướng pháp

Vĩnh viễn xa lìa ma nghiệp?

Lâm chung làm sao thấy Phật

Đặng nghe pháp màu thanh tịnh

Chẳng sanh vào nơi khổ não?

Lạy Đấng Đại Bi Vô Thượng

Xin nguyện vì con giảng thuyết.

 

          Lúc bấy giờ Đức Phật bèn bảo với Diệu Huệ Đồng Nữ rằng: „ hay thay hay thay, lời thỉnh vấn này mang nhiều ý nghĩa sâu xa tuyệt diệu: „Con hãy lắng nghe, lắng tâm suy tư và nhớ kỹ trong lòng, ta sẽ vì con mà nói“. Diệu Huệ bạch rằng: „Bạch Thế Tôn, đúng như vậy con nguyện muốn được nghe „

 

          I/. Đức Phật bảo Diệu Huệ rằng: Bồ tát nào thành tựu 4 pháp này sẽ được thân đoan chánh. Bốn pháp đó là gì?

 

1.     Đối với ác hữu chẳng khởi tâm sân hận.

2.     Tâm thường trụ trong tình thương rộng lớn.

3.     Thường vui vẻ sâu xa trong chánh pháp.

4.     Đắp tạo các hình tượng Chư Phật.

 

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

 

Sân tiêu diệt, thiện căn mới tăng trưởng

Sống từ tâm, lạc pháp tạo Phật hình

Sẽ được thân trang nghiêm, đầy đủ tướng

Thảy chúng sanh thường hoan hỷ khi nhìn

 

          I I/. Lại nữa, này Diệu Huệ, vị Bồ Tát nào thành tựu  4 pháp sau đây sẽ được thân phú quý. Bốn pháp đó là gì?

 

1.     Gặp thời thích ứng nên thực hành bố thí.

2.     Không nên có tâm khinh thường ngạo mạn.

3.     Đem tâm hoan hỷ mà cho.

4.     Chẳng mong cầu quả báo.

 

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

 

Ứng thời hành thí, chẳng khinh khi

Hoan hỷ mà cho chẳng mong cầu

Với các nghiệp nào siêng tu tập

Sẽ sinh vào chốn rất sang giàu

 

          III/. Lại nữa này Diệu Huệ, vị Bồ Tát nào thành tựu 4 pháp sau đây sẽ được hòa hợp trong quyến thuộc, không bị tan rã, 4 pháp đó là gì?

 

1.     Khéo léo xả bỏ lời ly gián.

2.     Dẫn dắt chúng sanh ở trong tà kiến an trụ vào chánh kiến.

3.     Chánh pháp sắp hoại diệt, phải hộ trì để được trường tồn.

4.     Giảng dạy các chúng hữu tình về trí tuệ Phật.

 

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nói bài kệ rằng:

 

Khéo hay xả bỏ lời ly gián

Đưa chúng sanh tà vào chánh kiến,

Hộ trì chánh pháp đừng hoại diệt,

Giảng dạy hữu tình thành tuệ Phật

Quyến thuộc chẳng bao giờ phân ly

 

          IV/.Lại nữa, này Diệu Huệ, Bồ Tát nào thành tựu 4 pháp sau đây sẽ được ở trước Chư Phật, thọ báo vào cõi hóa sanh, ngồi trên tòa hoa sen. Bốn pháp đó là gì?

 

          1. Dâng cúng các thứ hoa trái và các thứ hương thơm vi diệu tung rải cúng dường lên thân Như Lai và các nơi chùa tháp.

          2. Trọn đời chẳng hề vọng tưởng thêm điều gì làm tổn hại cho kẻ khác.

          3. Tạo hình tượng các Đức Như Lai an tọa trên hoa sen.

          4. Sinh khởi niềm tin thuần tịnh đối với Chư Phật Bồ Tát.

 

          Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

 

Hương hoa tung rải tháp Như Lai

Chẳng ám hại ai, tạo Phật hình

Tin hiểu sâu xa nguồn trí đạo

Sanh giữa sen màu trước Như Lai

 

          V/.Lại nữa, này Diệu Huệ, Bồ Tát thành tựu 4 pháp sau đây sẽ được tự tại từ nơi cõi Phật khác. Bốn pháp đó là gì?

 

1.     Thấy người nào tu tập thiện pháp, không làm chướng ngại phiền não cho họ.

2.     Chưa từng làm ngăn ngại khi người khác thuyết pháp.

3.     Đốt đèn cúng dường bảo tháp Đức Như Lai.

4.      Đối với các pháp thiền định thường siêng năng tu tập.

 

Lúc bấy giờ Thế Tôn bèn nói bài kệ rằng:

 

Thấy người tu thiện hay thuyết pháp

Đừng khởi chê bai, làm ngăn ngại

Đèn sáng cúng dường tháp Như Lai

Tu Tập pháp thiền, du cõi Phật.

 

          VI/. Lại nữa, này Diệu Huệ, Bồ Tát nào thành tựu 4 pháp sau đây, ra xử thế không bị người oán hận. Bốn pháp đó là gì ?

 

1.     Không nên đem tâm nịnh hót gần gũi bạn lành.

2.     Đối với tha thắng pháp(19), không sanh tâm ganh ghét.

3.     Thấy kẻ khác được tiếng tăm, danh dự, tâm thường hoan hỷ.

4.     Đối với các hạnh Bồ Tát, không nên sinh tâm khinh khi, hủy báng.

 

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ rằng:

 

Chẳng nên  nịnh hót với bạn lành

Với người tha thắng chẳng ghét khinh

Thấy người danh tiếng sanh hoan hỷ

Không chê Bồ Tát, oán không sinh.

 

          VII/. Lại nữa, này Diệu Huệ, Bồ tát nào thành tựu 4 pháp sau đây  thì lời nói mình ra sẽ được mọi người tin tưởng. Bốn pháp đó là gì ?

 

1.     Lời nói ra và sự tu hành thường tương xứng với nhau.

2.     Không che dấu tội lỗi xấu ác với thiện hữu.

3.     Không tìm tòi những thiếu sót lỗi lầm với pháp được nghe.

4.     Chẳng sinh ác tâm đối với người thuyết pháp.

 

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

 

Ngôn ngữ tu hành phải tương ưng

Tội lỗi chẳng nên dấu bạn lành

Nghe pháp chẳng bới tìm lầm lỗi,

Nói năng tất cả đều tin yêu.

 

          VIII/. Lại nữa, này Diệu Huệ, Bồ Tát nào thành tựu 4 pháp sau đây thì sẽ lìa được pháp chướng ngại, liền chóng được pháp thanh tịnh. Bốn pháp đó là gì?

 

1.     Đem tâm ý sâu xa vui vẻ nhiếp thọ ba luật nghi.

2.     Nghe kinh điển nghĩa lý sâu xa, mầu nhiệm, không sinh tâm hủy báng chê bai.

3.     Thấy ai mới phát tâm ý Bồ Tát, nên sinh khởi tất cả tâm trí cung kính tôn trọng.

4.     Thể hiện tâm đại bi, bình đẳng với tất cả các loài hữu tình.

 

Lúc bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

 

Đem tâm ý thích nhiếp luật nghi

Nghe nghĩa kinh sâu hãy tin nghi

Kính kẻ phát tâm như Phật tưởng

Lòng từ ban bố, chướng tiêu trừ.

 

          IX/. Lại nữa, này Diệu Huệ, Bồ Tát thành tựu 4 pháp sau đây thì sẽ lìa được các thứ ma chướng. Bốn pháp đó là gì?

 

1.     Biết rõ pháp tánh vốn là bình đẳng.

2.     Luôn luôn phát khởi sự tinh tấn.

3.     Thường hay chuyên cần niệm Phật.

4.     Tất cả các thiện căn, thảy đều hồi hướng.

 

Lúc bấy giờ Thế Tôn bèn nói bài kệ rằng:

 

Biết chư pháp tánh thường bình đẳng

Khởi tâm tinh tấn niệm Như Lai

Hồi hướng tất cả các thiện căn

Ma chướng chẳng hề hay quấy nhiễu.

 

          X/. Lại nữa, này Diệu Huệ, Bồ Tát thành tựu 4 pháp sau đây, đến lúc lâm chung thấy đặng Chư Phật hiện tiền. Bốn pháp đó là gì?

 

1.     Ai mong cầu gì, sẵn sàng bố thí khiến cho họ được đầy đủ.

2.     Đối với các thiện pháp, sinh khởi sự tin tưởng sâu xa.

3.     Đối với các bậc Bồ Tát, nên bố thí cúng dường trang nghiêm đầy đủ.

4.     Siêng năng tu tập pháp cúng dường Tam Bảo.

 

 Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

 

Ai có mong cầu giúp đỡ ngay,

Tin rõ pháp sâu, cúng nghiêm dầy

Tam Bảo phước điền siêng tu cúng,

Giờ phút lâm chung Phật hiện ngay.

 

          Diệu Huệ Đồng Nữ sau khi nghe Phật giảng thuyết xong, liền bạch với Đức Phật rằng:

“ Bạch Đức Thế Tôn, như các hạnh Bồ Tát mà Ngài vừa mới giảng dạy, con xin nguyện trọn vẹn phụng hành. Bạch Thế Tôn, nếu đối với 40 pháp hạnh này mà con có bỏ sót dù chỉ một hạnh, không lo tu tập thì coi như con đã trái ngược giáo pháp của Phật khinh dối Như Lai”

 

          Lúc bấy giờ tôn giả Mục Kiền Liên (Maudgalỳayana) bảo với Diệu Huệ rằng: “ Hạnh của Bồ Tát rất khó có thể thực hành được, nay Ngươi phát nguyện thù thắng đó, thì đối với các nguyện này, Ngươi có được tự tại không?”

 

          Khi ấy Diệu Huệ liền bạch với Tôn Giả rằng: “ Nếu hoằng nguyện của tôi chân thật không giả dối, có thể làm cho các hạnh đều được viên mãn thì xin nguyện cho khắp trong cõi tam thiên đại thiên thế giới này chuyển lên sáu món chấn động(19)”.

 

                Bấy giờ Diệu Huệ lại bạch thêm với Mục Liên rằng: “ Vì lời nói của tôi chân thật như thế, ở trong đời vị lai tôi sẽ thành Phật cũng như Đức Thích Ca ngày hôm nay. Ở trong nước của tôi không có các việc ma quái cùng loài ác thú và tên nữ nhân. Nếu tôi nói lời này chẳng hề hư dối, xin nguyện cả đại chúng đây thân đều trở nên sắc vàng.”

 

          Vừa nói lời ấy xong, cả đại chúng đều thành sắc vàng sáng rực.

 

          Lúc đó Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên vội vàng từ chỗ ngồi đứng dậy mở bày vai hữu(20), đảnh lễ dưới chân Phật, bạch với Thế Tôn rằng:

 

          “ Nay con trước hết đảnh lễ vị Bồ Tát mới phát tâm cùng với chúng Bồ  Tát, Đại Sỹ (Bodhisattva mahà bodhisattva).

 

          Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử bèn bảo Diệu Huệ rằng: “ Ngươi trụ vào pháp nào mà phát ra đại nguyện chí thành như vậy?”

 

          Diệu Huệ đáp rằng: “ này Văn Thù Sư Lợi, Ngài chẳng nên hỏi như vậy, tại sao? Bởi vì trong pháp giới không có chỗ trụ.”

 

          Văn Thù lại hỏi: “ Sao gọi là Bồ Đề (bodhi)”?

 

          Đáp rằng: “ Pháp không phân biệt là Bồ đề.

 

          Lại hỏi: Sao gọi là Bồ Tát ( Bodhisattva?)

 

          Đáp rằng: Tất cả các pháp đều cùng tướng hư không ấy gọi là Bồ tát.

 

          Lại hỏi: “ Thế nào gọi là hạnh Bồ Đề?”

 

          Đáp rằng: “cũng giống như hạnh của quáng nắng, âm vang trong núi, đó là hạnh Bồ Đề.

 

          Lại hỏi: “Ngươi y vào mật ý nào mà nói như vậy?”

 

          Đáp rằng: “Đối với các pháp trong đây, tôi chẳng thấy một pháp nhỏ nào gọi là mật hay phi mật gì cả.”

 

          Lại hỏi: “Nếu vậy thì tất cả phàm phu đều là Bồ đề sao?”

 

          Đáp rằng: “ Nghĩa là Ngài cho rằng Bồ đề khác với phàm phu à? Đừng nên thấy như thế, tại sao? Vì tất cả các pháp đề cùng một tướng pháp giới, chẳng nên thủ, chẳng nên xả, chẳng thành tựu hay biến hoại gì cả.”

 

          Lại hỏi: “ Với nghĩa lý này, những người có thể liễu ngộ được bao nhiêu?

 

          Đáp rằng: “ Số lượng như nghìn huyển hóa của tâm, tâm sở, chúng sanh liễu ngộ nghĩa lý này cũng nhiều nghìn huyển hóa vậy.”

 

          Văn Thù Sư Lợi bảo rằng: “ Huyển hóa vốn là không ( Sùnyata) làm sao có như pháp tâm, tâm sở được”

 

          Đáp rằng: “ Pháp giới cũng như vậy, chẳng có chẳng không, cho đến Như Lai cũng như vậy.”

 

          Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, nay có Diệu Huệ này thật hy hữu mới có thể thành tựu được pháp nhẫn như vậy.”

 

          Phật dạy: “Đúng thế, đúng là như vậy, Diệu Huệ chân thật y như lời nói, chính đồng nữ này đã phát tâm Bồ đề trải qua 30 kiếp ta mới phát thú Vô Thượng Bồ Đề, và cũng chính người này đã khiến Ông trụ vào vô sanh pháp nhẫn ( anutpada dharmaksanti).

 

          Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù Sư Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Diệu Huệ rồi bạch với vị Bồ tát này rằng: “Từ vô lượng xa xưa về trước tôi đã từng gặp gỡ cúng dường Ngài chớ chẳng phải nay mới được thân cận Ngài đâu”.

 

          Diệu Huệ bảo rằng: “ này Văn Thù Sư Lợi, Ngài chớ nên khởi sự phân biệt mới đặng pháp vô sanh nhẫn.”

 

          Văn Thù Sư Lợi hỏi Diệu Huệ: “ Bây giờ Ngài vẫn chưa chịu chuyển thân nữ nhân sao?”

          Diệu Huệ đáp rằng: “ Tướng của Nữ nhân rõ ràng bất khả đắc bây giờ làm sao chuyển đặng? Này Văn Thù Sư Lợi, tôi sẽ vì Ngài mà đoạn trừ nghi hoặc, do lời nói của tôi chân thật như vậy ở trong đời vị lai khi chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, các chúng Tỳ Kheo nghe lời phán : “Thiện Lai”, mà đặng xuất gia nhập đạo. Những chúng sanh ở trong nước tôi thân đều sắc vàng, y phục đồ dùng đều đầy đủ như cõi trời đệ lục, đồ ăn uống sung túc tùy niệm mà đến, không có ma quỷ và các loài ác thú, lại cũng không có tên nữ nhân. Có bảy rừng báu bên trên có lưới báu bao bọc, có bảy hoa sen che chở bảo trướng, cũng thành tựu được tất cả vẻ trang sức mỹ lệ chẳng khác gì cõi thanh tịnh trang nghiêm của Ngài Văn Thù Sư Lợi. Nếu lời nói tôi chẳng hề giả dối, thì khiến cho thân của tất cả đại chúng đều biến thành sắc vàng, thân gái của tôi đây cũng biến thành nam tử như một vị tỳ kheo vào khoảng tuổi ba mươi rành rẽ giới pháp.” Khi lời nói này xong, toàn thể đại chúng đều trở thành sắc vàng, Diệu Huệ Bồ Tát cũng chuyển nữ thành nam như vị Tỳ kheo vào khoảng ba mươi tuổi biết rõ giới pháp.

 

          Lúc ấy chúng Địa cư thiên chuyển vang lời tán thán rằng: hay thay, hay thay Bồ Tát Đại Sỹ Diệu Huệ, khi ở thời vị lai sẽ đắc quả Bồ Đề, trang nghiêm hộ trì cõi Phật, công đức như vậy.

 

          Lúc bấy giờ Đức Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: Bồ Tát Diệu Huệ này ở trong đời tương lai sẽ thành bậc chánh đẳng giác, xuất hiện ở đời hiệu là Thù Thắng Công Đức Bảo Tạng Như Lai (Visesaguna ratnakosa)(24)

 

           Khi Phật giảng thuyết kinh này, có 30 cu đề (koti) chúng sanh(25) trụ bất thối chuyển ở trong quả vô thượng đẳng chánh giác, 80 cu đề chúng sanh xa lìa cấu uế, được pháp nhãn tịnh, 8000 chúng sanh đắc hoạch trí tuệ chứng ngộ, 500 vị Tỳ kheo trong khi thi hành Bồ Tát thừa tâm muốn thối chuyển, nhân bởi nhờ oai đức phòng hộ thiện căn của Diệu Huệ Bồ tát thù thắng như vậy mà mỗi người tự thoát cởi pháp phục đang mặc trên thân để cúng dường Như Lai. Bố thí như vậy xong rồi phát lời nguyện rộng lớn rằng: Chúng con đem công đức này nguyện thành quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, vượt qua các sự khổ não về sinh tử trong 90 kiếp, chẳng hề thối chuyển quả vị A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

 

          Lúc đó Thế Tôn liền thọ ký cho rằng: các ông ở trong đời tương lai, sau khi trải qua chừng một ngàn kiếp Vô Cấu Quang Minh của thế giới Dương diệm, cõi Phật Nam Nhẫn  (Duskanti) ở trong một kiếp tuần tự nhau thành Phật, đều cùng một tên, hiệu là Biện Tài Trang Nghiêm Như Lai xuất hiện ở đời.

 

          Này Văn Thù Sư Lợi, pháp môn như vậy có oai đức lớn lao vô cùng, có khả năng làm cho các bậc Bồ Tát, Đại Sỹ và chúng Thanh văn thừa đắc hoạch lợi ích lớn lao. Và này Văn Thù Sư Lợi, nếu có kẻ thiện nam tín nữ nào vì muốn cầu đạo Bồ đề mà không có phương tiện khéo léo nào, thì nên thực hành 6 pháp Ba La Mật đầy đủ trong một ngàn kiếp. Nếu lại có người trải qua thời gian chừng nửa tháng biên chép đọc tụng kinh này thì cũng đắc hoạch phước đức giống như công đức nói trên, có thể là trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn koti, phước đó vô cùng lớn lao cho đến không thể dùng con số toán học để ví dụ được. Vì vậy, này Văn Thù Sư Lợi, pháp môn vi diệu như vậy tức là bản khế kinh căn bản của các vị Bồ Tát, nay Thế Tôn phó chúc lại cho Ông, ở đời vị lai Ông hãy gắng thọ trì đọc tụng vì người khác giảng thuyết thì cũng không khác gì có vị chuyển Luân Thánh Vương ( Cakravartin) xuất hiện ở đời, có đủ bảy món báu trước khi vua xuất hiện, và các món báu cũng ẩn mất sau khi vua băng diệt.

 

          Pháp môn vi diệu như vậy nếu đuợc lưu bố và thực hành rộng rãi trên đời tức là các pháp Thất Bồ Đề phần của Đức Như Lai rõ ràng không hoại diệt. Trái lại nếu không lưu hành như thế thì chánh pháp thường bị hủy diệt ngay.

 

          Vì thế, này Văn Thù Sư Lợi, nếu có thiện nam, tín nữ nào vì cầu đạo Bồ Đề phải nên phát khởi tinh tấn biên chép kinh này, thọ trì đọc tụng, vì người khác giảng rộng những nghĩa lý vi diệu trong đó. Đó là lời ân cần khuyên dạy của ta, chớ để sau này sanh tâm hối hận.

 

          Khi Đức Phật giảng thuyết kinh này xong, Diệu Huệ Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cùng các đại chúng Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà. v.v… nghe lời Phật dạy thảy đều vô cùng hoan hỷ, tin tưởng tôn trọng thực hành kinh Tu Ma Đề ( Diệu Huệ Đồng Nữ ) này.

 

          C/.NHẬN ĐỊNH :

 

Những quan điểm nhận thức của Diệu Huệ Đồng Nữ đưa ra thỉnh vấn Đức Phật để cầu mong Ngài giải thích và chỉ dạy các phương thức phải làm thế nào để đạt được những ước vọng chính đáng nhất của con người nhằm hướng đến một đời sống hạnh phúc cao thượng. Những quan điểm này cũng bao trùm trọn vẹn tất cả niềm thao thức của con người khi đối diện hoặc va chạm với cuộc sống hiện tại vốn đầy dẫy những trói buộc, phiền não, khổ đau, mất mát, v.v… không bao giờ đáp ứng được niềm an vui hạnh phúc tuyệt đối vĩnh cửu. Chính Đức Phật đã nhận rõ trước nhất, và Ngài đã đem chân lý khổ đau của kiếp sống ra giảng dạy lần đầu tiên cho chúng đệ tử của Ngài, nhóm Kiều Trần Như (Ajnata Kaundinya) lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển ( Krgadava).

 

          Diệu Huệ Đồng Nữ trình bày cho thấy có nhiều chúng sanh bị khổ đau, phiền não vì cuộc sống hiện tại thiếu thốn, nghèo cùng, ước vọng được sinh ở trong địa vị giàu sang thân tướng vốn xấu xí, muốn đặng đoan trang toàn hảo? gia đình bà con thân thuộc bị phân tán chia lìa, muốn có được sự đầm ấm hòa nhã, khắn khít thương yêu, ra xử thế bị oán hận, thù nghịch, lời nói chẳng ai tin tưởng, làm việc gì cũng gặp nhiều chướng ngại, thất bại, ma nghiệp luôn luôn khởi lên quấy phá… Sở dĩ chúng ta bị thọ báo những kết quả khổ đau hiện tại như thế do vì những vọng nghiệp, vô minh mê mờ tích tập từ vô lượng kiếp. Phải tận diệt tất cả vọng niệm mê lầm, chấm dứt khổ đau để đạt quả vị Vô thượng chánh đẳng, chánh giác (Anuttana Samyak Sambodhi). Mỗi nghi vấn của Diệu Huệ Đồng Nữ được Đức Phật trả lời bằng 4 quan điểm sống, và tất cả 40 phương thức đó là kim chỉ nam cho một hành giả sống theo đời sống cao thượng trong tinh thần Bồ Tát Đạo. Với tất cả ý chí, ngôn ngữ, hành động chân chánh cúng dường chư Phật, Bồ Tát và phụng sự cho tất cả chúng sanh. Khởi điểm từ đây cũng chưa muộn trong trách vụ lớn lao của Bồ Tát tạo nên những nhân duyên tốt đẹp, cao quý cho chính bản nguyện của mình và lợi ích tha nhân, làm hành trang tư lương cho giờ phút giã từ cuộc sống giả tạm này, nhẹ nhàng thanh thản đến bờ giác ngộ an vui.

 

          Dù có những ước vọng thuộc phạm trù lý tưởng và như là không thể thực hiện ngay trong cuộc sống hiện tại: Làm sao thọ báo vào cõi hóa sanh, trụ trên ngàn cánh sen…cúng dường các Đức Thế Tôn, nghe Ngài thuyết pháp, hoặc làm sao có thể chứng được thần thông tự tại siêu việt, vô ngại dung thông trong vô lượng cõi Phật để đảnh lễ cung kính, ma nghiệp làm sao trừ diệt, hoặc là làm sao khi trút bỏ hơi thở cuối cùng, giã từ kiếp sống được thấy Chư Phật hiện tiền, nghe thuyết pháp để chứng ngộ vô sanh pháp nhẫn, đắc quả vô thượng Niết Bàn, không còn thọ báo khổ não trầm luân. Những phương thức mà Đức Phật giảng dạy để đạt tới ước nguyện chí thành đó thì vô cùng đơn giản, và bất cứ ai cũng có thể thực hiện được, nhưng phải đòi hỏi một ý chí, một tâm nguyện rộng lớn, chí thành và thiết tha vì sự an lạc cho chính mình và hạnh phúc cho tha nhân, nghĩa là trang nghiêm về cả hai phương diện chánh báo làm lợi ích cho tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình.

 

          Bốn mươi quan điểm sống của Bồ Tát hạnh chính là đường hướng xây dựng đời sống hạnh phúc an lạc cao cả của Bồ Tát đạo, là thái độ sống tuyệt vời không phải dành riêng cho Diệu Huệ Đồng Nữ hay đại chúng thính pháp thời gian xa xưa trong khu núi rừng Kỳ Xà Quật (Grdhakùta) thuộc thành Vương Xá (Ràjagrha) mà có thể áp dụng trong bất cứ từng lớp xã hội, không phân biệt giai cấp chủng tộc, xuất gia, tuổi tác sang hèn, siêu vượt cả thời gian và không gian.

 

          Qua lai lịch tiền kiếp của Bồ Tát Diệu Huệ mà Đức Phật đã kể lại cho đại chúng cùng nghe, cho thấy vị Bồ Tát này đã từng giáo hóa ở đời sống quá khứ, và chính Ngài đã khai thị cho Ngài Văn Thù Sư Lợi trụ vào vô sanh pháp nhẫn. Trong đời hiện tại, vì lòng thương vô bờ bến đối với tất cả chúng sanh mà Bồ tát ứng hiện làm thân một cô bé gái khai mở các phương thức tu trì Bồ Tát hạnh, tạo nên một bầu không khí kinh ngạc không ít cho toàn thể đại chúng kể từ các vị đại Bồ tát thần thông trí tuệ bậc nhất cho đến các vị Bồ tát Đại sỹ và đại chúng đông đúc. Nét độc đáo ở đây là Bồ tát hiện thân làm một đứa bé gái nhân giữa pháp hội, phương tiện trình bày các quan điểm nhận thức, thỉnh vấn Đức Thế Tôn để mong Ngài khai thị cho tất cả đại chúng cùng nghe, để cùng rút ra những phương thức, và đường hướng thực hành tinh thần Bồ Tát, lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Tinh thần đó không chỉ hiểu biết ở trên quan điểm luận lý, về mặt tri thức, mà cần đòi hỏi bằng tất cả tâm nguyện và ý chí, bằng những hành vi tích cực, thiết tha trong mục đích cầu tuệ giác vô thượng và bạt khổ cho hết thảy chúng sanh chẳng tiếc đến thân mạng mình. Một người dù tài trí thông minh đến đâu nếu không vận dụng lòng từ bi cứu độ, và nếu không dấn thân bằng ý chí và tâm nguyện, chỉ đạo Bồ tát cũng khó thành. Nhưng nếu một Nữ Nhi tuổi còn măng sữa mà sớm ý thức và thệ nguyện một cách chí thành để thực hiện lợi ích cho chúng sanh thì bổn nguyện thành tựu một cách viên mãn. Diệu Huệ Đồng Nữ đã xóa bỏ được thành kiến từ lâu coi thường phái nữ. Đành rằng bản tánh của nữ giới thường mềm yếu nghiệp trọng phước khinh, phải tu trì tinh tấn lâu đời lâu kiếp, chuyển đổi thành thân nam giới mới mong thành đạo quả, nhưng qua hình ảnh một nữ nhi với sự thệ nguyện chân thành xin trọn vẹn thực hiện 40 pháp hạnh cao cả đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh, để đề cao vai trò người phụ nữ trong việc cải tạo đời sống xã hội theo tinh thần Bồ tát đạo đại thừa Phật giáo.

 

          Mặt khác, cũng nói lên vai trò truyền bá chánh pháp, hộ trì Phật pháp không phải chỉ là trách nhiệm dành riêng cho giới xuất gia mà cũng chính là vai trò quan trọng của người cư sĩ tại gia, không phân biệt giai cấp, địa vị từ hạng vua chúa như ngài Duy Ma Cật (Vimalakirti), Thắng Man Phu nhân (Srìmàla), A Dục Vương (Asóka), Lương Võ Đế…và nhiều vị Bồ Tát ứng hiện đủ các thân loài để hoằng hóa chúng sanh.

 

          Đó chính là những đặc điểm đặc sắc nhất trong tinh thần Bồ tát đạo được ẩn chứa trong Diệu Huệ Đồng Nữ Kinh.

 

          D/. PHẦN CHÚ THÍCH:

 

1)     Diệu Huệ Đồng Nữ kinh (Sumati Sùtra). Đại Tạng kinh Đại Bảo Tích quyển 92, hội thứ 30 trong 49 phẩm hội.

2)     Tu Ma Đề Bồ Tát kinh (Sumati Bodhisatta Sùtra) Đại Tạng XII, Kinh Bảo Tích quyển hạ, trang 76, số 334.

3)     Xem chú thích (1)

4)     Xem chú thích (2)

5)     Kinh Tăng Nhất A Hàm ( Anguttara Nikàya), quyển XXII, phẩm 30, Tu Ma Đề Kinh (Sumatu Sutta).

6)     Kinh Di Giáo, bản dịch của TT. Trí Quang, Minh Đức xuất bản 1961 trang 130.

7)     Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. TT. T Hoàn Quan, Hoa Đạo xuất bản 1971. trang 174.

8)     Kinh Địa Tạng ( Kritigartha), bản dịch của TT. Trí Tịnh, xuất bản 1962, phần thứ VI, Như Lai tán thán, trang 76

9)     Kinh Địa Tạng (nt) trang 142, phần thứ XI Địa Thần Hộ Pháp.

10)Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika) Phẩm XX, Thường Bất Khinh Bồ Tát.

11)Kinh Bổn Duyên quyển thượng, Đại Tạng VII, Lục Độ Tập kinh quyển 2, Tu Đại Noa Kinh, trang 7, số 152.

 Kể chuyện Thái Tử Tu Đại Noa, nước Diệp ba, tiền thân của Đức Phật Thích Ca, vì thực hiện tinh thần Bồ tát hạnh, tu pháp Lục Độ, bố thí tất cả tài sản của cải, cho đến cả voi quý của Vua cha cũng không chừa, bị đày ra đảo hoang với vợ con. Giữa đường có người đến xin vợ con, xe, ngựa… Ngài thảy đều cho luôn để đạt được sở nguyện của mình. Sau Trời Đế Thích cảm đức bố thí của Ngài mà tán thán, cung kính, ủng hộ Ngài trở về Hoàng cung, Vua cha xúc động thương xót truyền ngôi.

12)Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (’Saddhama Phundarika); Phẩm Đà La Ni thứ XXVI.

13)Kinh Địa Tạng ( Kritigarbha Sùtra), phẩm Kiến Văn Lợi Ích thứ XIX:

14)Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika), Phẩm Pháp Sư Công Đức XIX.

15)Kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển 4, Phẩm Hiện Bảo Tháp thứ XI.

16)Kinh Pháp Hoa, Phẩm Pháp Sư Công Đức XIX

17)Kinh Đại Niết Bàn ( Mahà Parinirvàna sùtra) quyển 1, Phẩm Thánh Hạnh thứ XIXN.

18)Kinh Pháp Cú (Pàli) Dhammapàda, tập XX, Tiểu Bộ kinh (Phuddsha Nikàya), Ba pháp luật nghi tức là 3 pháp phòng hộ về Thân, Khẩu, Ý.
Kayena samvaro sàdhu, sàdhu vàcàya samvaro, manasà samvaro sàdhu, sabbattha samvuto bikkhu sabbadukkha pamuccati
(Lành thay, phòng hộ thân, lành thay phòng hộ lời, lành thay phòng hộ ý, Tỳ Kheo khéo phòng hộ, phòng hộ khắp tất cả, thoát được mọi khổ đau). ( bản dịch chủ TT. Minh Châu)

19). Tha thắng pháp hay tha thắng xứ (paràjika): thường dùng để chỉ cho một vị Tỳ kheo phạm tội ba la di, gọi là kẻ chiến bại, kẻ khác đều vượt hơn.

20) 3 pháp luật nghi: Trong  Câu Xá Luận ( Abhidharma Ko’sa Sàtra) Đ.T.XXIX, quyển thứ 14 phẩm Nghiệp: có phân biệt 3 loại luật nghi sai khác.

 

Biệt giải thoát luật nghi (prati moksa samvara), còn gọi là Biệt biệt giải thoát hay Bảo giải thoát, tức là thành tựu được giới nào thì đạt giải thoát giới thể đó. Luật này có tính cách bảo vệ, phòng hộ để khỏi phạm giới, có tính cách vô biểu và sát na, thuộc về cõi dục giới.

 

Tịnh lự luật nghi (dhỳanasamvara) cũng gọi là định cọng giới, tức là giới thành tựu và giải thoát do bởi khả năng thiền định, thuộc cõi sắc giới.

 

Đạo sanh luật nghi (màrgajà samvara): còn gọi là vô lậu giới, vô lậu giới phát sinh đầu tiên vào sát na thứ nhất nhờ Kiến Chơn Lý Thánh Đế, tức Kiến Huệ. Giới thể này phát sinh ra bởi tu tập vô lậu định. Nếu hai luật nghi trước thuộc về hữu lậu, thì luật nghi này thuộc vô lậu và có mặt ở hai cõi, sắc giới, vô sắc giới (xem thêm chú thích 18)

 

  21) Sáu món chấn động gồm có hai loại:

- 3 thứ tiếng vang dội: Tiếng nổ chấn động – Tiếng của các loài thú hữu tình kêu la – Tiếng bị va chạm của các loài vô tình

- 3 tiếng rung động của hình sắc: Tiếng rung động tới lui, qua lại - Tiếng rung động của thân vọt lên cao - Tiếng rung động của thân đang nằm vụt đứng dựng dậy.

 

22). Thiên đản hữu kiên : kéo trịch áo bày vai mặt. Các vị Sa Môn hoặc Bà la Môn  khi tỏ vẻ cung kính đối với các bậc trưởng thượng tôn túc khi chào hỏi, tác lễ hay thưa thỉnh thường mở bày vai mặt tỏ cử chỉ thái độ cung kính.

23) Trả lời cho câu hỏi này, ở trong bản dịch của Ngài La Thập nói hạnh Bồ Đề như bóng trăng hiện xuống nước, như mộng như ngựa hoang như đá vang trong hang núi.

Cũng cần biết thêm, trong bản dịch Diệu Huệ Đồng Nữ, đặc biệt bản dịch của Ngài La Thập có kể thêm một đoạn Thế Tôn hỏi Đồng Nữ về pháp ngã, pháp vô sở trụ, về sự huyển hóa, về vô minh…và Diệu Huệ đã trả lời một cách rành rẽ thông suốt. Đoạn đó không tìm thấy trong hai bản dịch của Ngài Bồ Đề Lưu Chi và Trúc Pháp Hộ.

24)   Một sự sai khác trong 3 bản dịch nói về danh hiệu của Tu Ma Đề sau khi thành Phật. Bản thân của Ngài Bồ Đề sau khi thành Phật. Bản thân của Ngài Bồ Đề Lưu Chi ghi hiệu Thù Thắng Công Đức Bảo Tạng Như Lai và bản của Ngài Trúc Pháp Hộ ghi là Bảo Đức Hiệp  (Niệm) Cát Tường Như Lai.

25)   Trong phiên dịch danh nghĩa Đại-Tập, hoặc trong Cư –Xá có giải thích 1 cu-đề hay cu-chi (koti) bằng 107 = 100.000.000 vậy 30 loài chúng sanh bằng 3.000.000.000 chúng sanh. Ý chỉ một lượng tượng trưng sự đông đảo tương đương.

26)   Bằng cách tính trên chúng ta có thể biết được con số 80 cú- đề (koti) chúng sanh gần bằng 8.000.000.000 chúng sanh.

 

 

 

Chép kinh pháp thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền

Pháp môn xin nguyện học

Ân nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Phật xin chứng nên

 

Nhân mùa Vu Lan 2008 năm Mậu Tý, chúng con một  số đệ tử Đức Quốc, xin được thành tâm ghi chép lại cuốn” Diệu Huệ Đồng Nữ Kinh”, do Thầy chúng con biên soạn hầu đền đáp được chút ít ân đức Sư Trưởng của chúng con, đem lại lợi ích cho mọi người trên con đường nguyện đời sống Đạo

Nếu có chút ít công đức nào xin được hồi hướng cho Ông Bà, Cha Mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ của chúng con từ nhiều đời, nhiều kiếp, cùng tất cả pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật Đạo

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh

 

 

---o0o---

 

Cập nhật: 1-10-2008

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

å æžœå žå¾ vien ngoc minh chau Ni giới Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX 七五三 æ ²ç å Các thực phẩm chay đánh bật ÐÑÑ loi khuyen cuoc song tu nhung nguoi thanh cong gião về เฏ vi sao phat giao duoc bau chon la ton giao thé tap tho mua xuan toan ven Quảng একব র khà ng 护法 激安仏壇店 cuối đời trắng tay หลวงป แสง hãy còn bỏ vết chim 簡単便利戒名授与水戸 願力的故事 أبا درج Dựng tượng Quách Thị Trang trước Dấu chân chợ Tết thã¹y 心经 tam hoan hy 梵僧又说我们五人中 Nghiên cứu về Ni giới một đề 散杖 Một chuyến trở về rÃÆ VÃƒÆ 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 僧人食飯的東西 æ²çå tịnh Thêm lý do để đưa bông cải xanh vào 一念心性 是 心中有佛 mở 因地不真 果招迂曲 cáo 機十心 夜渡凡尘 削发更衣 放下凡夫心 故事