118 - SÁM VĂN XƯNG TÁN TAM THẾ PHẬT
Vô thượng cảnh Niết bàn ÐẠI GIÁC,
Phóng hào quang chiếu đạt Tam thiên,
Hư linh hoạt bát vô biên,
Quán thông Pháp giới, định yên đất trời.
PHẬT, BỒ TÁT ba đời mười hướng,
Ánh kim quang muôn trượng chói lòa,
Từ bi thệ nguyện hải hà,
Ðộ trong lục đạo thoát mà khổ nguy.
Tây phương cảnh Tổng trì Cực lạc,
A DI ÐÀ PHẬT tác Tịnh bang,
Kim thân vô lượng hào quang,
Thọ mạng kiếp kiếp muôn vàn khôn phân.
Xưa bốn tám nguyện chơn quảng đại,
Ðộ chúng sinh tam giới mười phang,
Ðồng lên chín phẩm sen vàng,
Hưởng phần khoái lạc tịnh an thanh nhàn,
Ta bà giới khổ nàn Uế độ,
Ngũ trược thời PHẬT TỔ THÍCH CA.
Giáng trần độ chúng hằng sa,
Dùng, Bi, Trí, Dũng, diễn ra phép mầu.
Ðạo Chánh giác cao sâu Bát nhã,
Cả Tam thừa, Tứ quả, gội nhuần,
Phép thiền giải thoát độ nhơn,
Khỏi nơi khổ hải, đặng gần Thiên Thai.
Cõi Ðâu Suất, Liên đài chói rạng,
DI LẶC NHƯ LAI quảng độ sanh,
Từ Thị diệu lạc tánh thành,
Tử kim trăm ức thân sanh khắp cùng.
Ðời mạt kiếp muôn trùng tai họa,
Kế THÍCH CA PHẬT hóa vạn linh,
Ðương lai trần thế hạ sinh
Long Hoa đại hội diễn minh đạo mầu.
Phép Bồ Tát cao sâu huyền diệu,
QUAN THẾ ÂM lượng liệu hóa thân,
Nhành dương quét sạch trược trần,
Tịnh bình cam lộ giải tan não phiền.
Ðại bi rải khắp miền Nam Thiệm,
Tìm tiếng kêu nguy hiểm khóc than,
Cứu người thoát khỏi tai nàn,
Ðồng đăng Bát nhã từ thoàn Tây qui.
CHIẾN THẮNG PHẬT hộ trì bốn biển,
Cứu chúng sanh tai biến vương mang,
Tà ma quỉ quái kinh hoàng,
Phục tùng Thánh lịnh, qui hàng pháp minh.
THỦ GIÀ LAM, oai linh HỘ PHÁP,
Trục tà ma, hộ Phật, Pháp, Tăng,
Ðộ người thiện niệm đạo hằng,
Thân tâm an tịnh, huệ tăng phước tràn.
Thượng thiên cảnh KIM CANG BÁT BỘ,
Chư Thiện Thần cứu khổ giải oan,
Thập phương BỒ TÁT hóa thân,
Lịch đại chư Tổ, ân cần hộ nhơn.
Hóa vạn loại ngộ chơn Chánh giác,
Ra khỏi miền đọa lạc trầm luân,
Ðồng lên bệ Phật chín tầng,
Muôn năm an hưởng kim thân Bồ Ðề.
Dạ thành kỉnh một bề qui mạng,
Pháp Pháp Tăng tiếp vãng Niết Bàn,
Cầu PHẬT, BỒ TÁT mười phang,
Giải tiêu thủy hỏa tai nàn đao binh.
Hộ quốc thái, an ninh lê thứ,
Khắp năm châu xứ xứ hòa bình,
Ðạo mầu Chánh giác phổ minh,
Chúng sanh đồng đặng vãng sinh cõi Thiền,
Nam mô Thập Phương Tam Thế Phật, Bồ Tát Thánh Chúng.*
119 - SÁM VĂN KỶ NIỆM
PHẬT ÐẢN
Ngày xưa vào giữa tháng Tư,
Chúng sanh mừng đức Ðại Từ cung nghinh.
Ngày nay kỷ niệm Ðản Sanh,
Thiện nam, tín nữ lòng thành dâng hương.
Thông hòa thế giới mười phương,
Một lòng hướng thiện, một đường cần tu.
Giải oan, quên hận, dứt thù,
Thương yêu, cứu trợ, hòa nhu, tươi cười.
Vì đời, đức Phật ra đời,
Vớt người mê đắm, cứu người khổ đau.
Hy sinh danh lợi sang giàu,
Vẹn nguyền tu niệm quản bao phong trần.
Sáu năm ép xác, gầy thân,
Năm năm tầm đạo, bước chân mỏi mòn.
Ðộ sanh bốn chín năm tròn,
Thân vàng dầu mỏn, lòng son chẳng dời.
Treo gương giải thoát soi đời,
Treo gương từ ái dạy người từ bi.
Lợi sanh xả kỷ trường kỳ,
Siêu sanh độ thế huyền vi đạo tràng.
Tịch nhiên cứu cánh Niết bàn,
Ðưa người giác ngộ lên đàng tiêu diêu.
Ðạo Từ quí báu cao siêu,
Giúp đời kể biết bao nhiêu cho cùng,
Nhơn ngày Khánh Ðản lễ chung,
Cùng trong Phật tử, cùng đồng pháp môn.
Hiệp vầy dưới bóng Từ Tôn,
Một lòng thành kính ghi ơn cao dày.*
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
120 - SÁM VĂN KỶ KIỆM PHẬT NIẾT BÀN
- Chúng con cung kính nghe rằng :
Ðức Bổn Sư Từ phụ,
Ba đời đạo quả vuông tròn,
Giáo pháp lưu truyền vũ trụ.
Sáu độ tu nhơn đầy đủ,
Pháp vương nhập diệt Niết bàn.
Tuy rằng : Chân tánh thường an,
Sao khỏi hóa thân biến dịch.
- Nhớ xưa đấng cha lành họ Thích,
Khi hóa thân tuổi đã tám mươi.
Hóa du khắp cả trời người,
Ðại sự nhân duyên đã mãn.
Người từng báo tin ba tháng,
Rằng ta sẽ nhập Niết Bàn...
- Một hôm cùng chúng lên đàng,
Ði về phía rừng Song Thọ,
Giữa đêm trăng thanh sáng tỏ,
Trước mặt đông đủ Thánh Hiền.
Với cùng vô số nhơn thiên,
Tay phóng hào quang rực rỡ.
Mọi người hết thảy lo sợ,
Ðợi chờ biến cố xảy ra...
Với cả rừng cây Ta La,
Lúc ấy biến thành sắc trắng,
Ðấng Chánh Ðẳng, Chánh Giác,
Người tuyên bố như vầy :
- Ta nay đã đến ngày,
Vào Niết bàn tịch diệt,
Vậy những gì chưa biết,
Với những gì hoài nghi,
Bất luận một việc chi,
Các người cứ xin hỏi,
Ta Ðạo Sư ba cõi,
Sẽ giải thích rõ ràng.
Ðể mọi người tâm an,
Ta ra đi vui vẻ.
A Nan nghe cặn kẽ,
Lòng bối rối băn khoăn,
Liền quì gối thưa rằng :
Xin Thế Tôn từ mẫn.
Dạy các điều thỉnh vấn,
Xin bày tỏ sau đây :
- Chư Tăng lấy ai làm thầy,
Chư Tăng nương đâu để sống,
Sau khi Thế Tôn vãng bóng,
Tại các Pháp hội xưa nay ?
Và việc nữa thấy này :
Các Tỳ kheo ác tánh,
Các Tỳ kheo thô hạnh,
Làm thế nào ở chung ?
Việc quan trọng sau cùng,
Khi kết tập kinh điển.
Nên mở đầu mỗi quyển,
Bằng những câu thế nào ?
Trước khi vào phần chính.
Dạy các việc thế này:
Chư Tăng lấy giới luật làm Thầy
Chư Tăng lấy lục hòa để sống.
Sau khi ta vắng bóng,
Ở chung mà tu hành,
Còn những người chẳng lành,
Thì đồng tâm mặc tẫn.
Việc kết tập cẩn thận,
Mở đầu kinh thế này :
Rằng tôi nghe như vầy,
Một thuở nọ đức Phật...
Lời lẽ phải thành thật,
Ðúng lời dạy của Thầy...
- Nghe Phật dạy tới đây
A Nan liền cúi lạy.
Xin vâng lời Phật dạy,
Lòng buồn bã ngại ngùng,
Trước lời dạy sau cùng,
Ðầy lo âu xúc động
Không biết thức hay mộng,
Nay NGHE THẤY tại đây,
Mai chỉ nghe như vậy,
Mà không thấy Thầy nữa !
Rồi giờ ăn đến bữa,
Ai ngồi trước Chư Tăng,
Ai dạy bảo khuyên răn,
Ai dắt dìu đại chúng.
Ai hóa duyên ứng cúng,
Ai phục ngoại hàng ma...?
- Ôi thôi ! Còn đâu Giáo chủ Ta bà !
Ôi thôi ! Còn đâu Ðạo Sư vũ trụ!
- Ðêm đấy cỏ cây ủ rũ,
Cúi đầu lễ Phật Niết bàn !
Ðêm ấy Thánh chúng bàng hoàng,
Quỳ khóc Thầy nhập diệt !
Biết bao nỗi niềm thương tiếc,
Chi xiết mất mát thiệt thòi.
Rồi từ đây đường về Xá Vệ trăng soi,
Nào thấy bóng thầy La Hán.
Nẻo đến Linh Sơn gió thoảng,
Ðâu nghe tiếng pháp Giác Hoàng !
Và còn buồn hơn nữa :
- Kỳ Viên tấc đất tấc vàng.
Tịnh xá giờ này mây che gió lạnh,
Ta La đôi cây đôi nhánh,
Kim thân ngày đó lửa tắt củi tàn !
Vậy thì người đi đâu ?
- Chẳng theo chân Tịnh Phạn phụ hoàng ?
Không nối gót Ma Gia thánh mẫu ?
Chúng sinh khó mà hiểu thấu,
Chư Phật hẳn đã cảm thông.
Và rồi cũng từ đó :
Tây Thiên - Ấn Ðộ núi sông,
Vắng mặt Pháp vương cao cả.
Lộc Uyển, Trúc Lâm sơn dã,
Mờ hình Từ phụ nghiêm trang !
Nhưng giờ thì chỉ còn :
- Nhục thân xá lợi ngọc vàng,
Tháp miếu phụng thờ bốn biển.
Xá lợi Pháp thân kinh điển,
Thọ trì đọc tụng năm châu.
- Mấy nghìn năm truyền bá pháp mầu,
Xe pháp biết bao vất vả !
- Mấy nghìn năm lưu thông đạo cả,
Thuyền từ chi xiết gian nguy.
- Gieo rắc từ bi, mở mang trí tuệ.
Cứu nhân độ thế, cứu quốc an dân.
- Nơi nơi mát mẻ tứ thân,
Xứ xứ thấm nhuần Pháp vũ,
- Ân ban cây cỏ, đức hòa càn khôn.
Ðiên đảo tỉnh hồn, lợi danh tan mộng.
- Nghìn thu cửa thần cao rộng,
Muôn thuở nhà Phật thâm nghiêm.
- Nhớ xưa cũng ngày đêm này :
- Ta La trăng sáng trọn đêm,
Ðưa Phật đến thành Bất thối
Bản tự đèn chong suốt tối,
Rước người về từ cõi Vô dư.
Ðến đây :
Hương giới hiến cúng một lư,
Hoa lòng kính dâng mấy đóa.
Trống chuyển luân Bát Nhã,
Âm nhạc cử tác Thánh ca.
Tất cả hướng về thành cũ Thi Na.
Tất cả vọng đến vườn xưa Song Thọ.
Gởi hồn xuôi theo chiều gió,
Dâng lòng đến với làn hương,
Cúng dường ngôi Trí Tuệ khôn lường,
Tôn vinh đấng Từ Bi vô lượng.*
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
121 - MƯỜI HAI ÐẠI NGUYỆN
CỦA ÐỨC QUÁN THẾ ÂM
Nguyện Thứ Nhứt : Khi thành Bồ Tát
Danh hiệu tôi : Tự Tại Quán Âm
Mười hai lời nguyện cao thâm
“Nghe tiếng cứu khổ”, Quán Âm thề nguyền.
Nguyện Thứ Hai : Không nài gian khổ
Quyết một lòng cứu độ chúng sanh
Luôn luôn thị hiện biển Ðông
Vớt người chìm đắm, khi dông gió nhiều.
Nguyện Thứ Ba : Ta Bà ứng hiện
Chốn U Minh nhiều chuyện khổ đau
Oan oan tương báo hại nhau
Nghe tiếng than thở, mau mau cứu liền.
Nguyện Thứ Tư : Hay trừ yêu quái
Bao nhiêu loài ma quỉ gớm ghê
Ðộ cho chúng hết u mê
Dứt trừ nguy hiểm, không hề nhiễu nhương.
Nguyện Thứ Năm : Tay cầm dương liễu
Nước cam lồ rưới mát nhân thiên
Chúng sanh điên đảo, đảo điên
An vui mát mẻ, ưu phiền tiêu tan.
Nguyện Thứ Sáu : Thường hành bình đẳng
Lòng từ bi thương xót chúng sanh
Hỷ xả tất cả lỗi lầm
Thường hành bình đẳng, chúng sanh mọi loài.
Nguyện Thứ Bảy : Dứt ba đường dữ
Chốn ngục hình, ngạ quỉ, súc sanh
Cọp beo... thú dữ vây quanh
Quán Âm thị hiện, chúng sanh thoát nàn.
Nguyện Thứ Tám : Giải thoát còng la
Nếu tội nhân sắp bị khảo tra
Thành tâm lễ bái thiết tha
Quán Âm phò hộ, thoát ra nhẹ nhàng.
Nguyện Thứ Chín : Cứu vớt hàm linh
Trên con thuyền Bát Nhã lênh đênh
Bốn bề biển khổ chông chênh
Quán Âm độ hết, đưa lên Niết Bàn.
Nguyện Thứ Mười : Tây phương tiếp dẫn
Tràng hòa thơm, kỹ nhạc, lộng tàn
Tràng phan, bảo cái trang hoàng
Quán Âm tiếp dẫn, đưa đàng về Tây.
Nguyện Mười Một : Di Ðà thọ ký
Cảnh Tây phương, tuổi thọ khôn lường
Chúng sanh muốn sống miên trường
Quán Âm nhớ niệm, Tây phương mau về.
Nguyện Mười Hai : Tu hành tinh tấn
Dù thân nầy tan nát cũng đành
Thành tâm nghiêm chỉnh thực hành
Mười hai câu nguyện độ sanh đời đời.*
122 - VĂN TÁN NGUYỆN QUAN ÂM
Cúi đầu làm lễ QUAN ÂM,
Phật tiền đệ tử chí tâm khẩn nguyền:
Một cầu mở hoát tâm nguyên,
Biết liền cả thảy pháp thiền NHƯ LAI.
Hai cầu Bát Nhã tánh khai,
Sớm đặng trí huệ nhãn rày quang minh.
Ba cầu từ huệ rộng thinh,
Ðộ liền cả thảy chúng sinh khỏi nàn.
Bốn cầu tâm địa mở mang,
Sớm đặng phương tiện trí toan lẹ làng.
Năm cầu tâm đạo vẹn toàn,
Liền lên Bát Nhã từ thoàn Tây qui.
Sáu cầu tránh khỏi tai nguy,
Sớm qua khổ hải thoát ly hồng trần.
Bảy cầu thanh tịnh tâm thân,
Mau thành GIỚI, ÐỊNH, HUỆ chơn pháp thiền.
Tám cầu đạo hạnh cố kiên,
Sớm lên bỉ ngạn tịnh yên Niết Bàn.
Chín cầu tánh đặng thanh an,
Vô vi diệu trí minh quang phát liền.
Mười cầu hành đạo tinh chuyên,
Sớm thành Phật tánh diệu viên Bồ đề.
Mong ơn Bồ Tát chứng tri,
Ðộ cho đệ tử tu trì thành công.*
123
- SÁM VĂN QUAN ÂM
MƯỜI HAI NGUYỆN
Cúi đầu làm lễ VIÊN THÔNG,
QUAN ÂM TỰ TẠI mở lòng độ hơn.
Từ bi quảng đại vô lường,
Lập hoằng thệ nguyện vẹt đường khổ nguy.
Một niềm lòng chẳng ngại chi,
QUAN ÂM ân đức chơn vi hải hà.
Thường cư Nam Hải Phổ Ðà,
Chí nguyền độ chúng khỏi sa tội tình.
Ta bà thế giới u minh,
QUAN ÂM thường trụ hiện hình khắp nơi,
Tầm thinh cứu kẻ lưng vơi,
Chí nguyền độ thế về nơi an nhàn.
Trừ yêu trục quỉ kinh mang,
QUAN ÂM oai đức phục hàng chúng Ma.
Vớt người nguy hiểm đọa sa,
Chí nguyền phổ tế, nhọc mà chẳng than.
Thường cầm thanh tịnh bình vàng,
QUAN ÂM cậy có nhành dương cam lồ,
Rưới tâm phiền não lửa lò,
Chí nguyền độ chúng an cư Niết bàn.
Từ bi tánh đức mở mang,
QUAN ÂM hỉ xả tâm hoàn huệ thông,
Thường hành bình đẳng đại đồng,
Chí nguyền hóa độ khắp trong muôn loài.
Mười phương tuần sát đêm ngày,
QUAN ÂM tinh tấn mựa nài công lao,
Ðộ đều nhơn vật khỏi hao,
Chí nguyền diệt tận khổ đau ba đường.
Một lòng vọng tưởng Nam Sơn,
QUAN ÂM lễ bái ân cần hôm mai.
Xem nơi xiềng tỏa đọa đày,
Chí nguyền độ kẻ mang tai khỏi nàn.
Từ bi tạo chiếc Pháp thoàn,
QUAN ÂM dạo khắp khổ nàn biển khơi.
Ðộ người lặn hụp chơi vơi,
Chí nguyền tiếp dẫn về nơi Niết bàn.
Tràng phan bửu cái nghiêm trang,
QUAN ÂM sắp đặt rỡ ràng trước sau
Rước người niệm Phật chẳng xao,
Chí nguyền dìu dắt thẳng vào Tây phương.
Vô Lượng Thọ Phật cõi thường,
QUAN ÂM thọ ký, chỉ đường vô sanh,
Từ bi phổ hóa hàm linh,
Chí nguyền độ chúng kiến minh Di Ðà.
Ðoan nghiêm thân hiện sáng lòa,
QUAN ÂM diệu tướng thiệt là vô song,
Lực, hùng, bi, trí viên dung,
Mười hai đại nguyện quả công tu tròn.*
124 - THIỆN SINH KỆ VĂN
Sắp bình minh mỗi ngày,
Nghe gà gáy dậy ngay,
Ðánh răng, rửa mặt sạch,
Y phục liền đổi thay.
Trang nghiêm lại đạo tràng,
Sửa bông, thắp đèn nhang,
Thay nước cho thanh tịnh,
Cúng dàng Phật Pháp Tăng.
Chắp tay cung kính lễ,
Tam bảo khắp tam the,á
Phát nguyện báo tứ ân,
Chuyên cần không biếng trễ.
Ân sư trưởng, mẹ cha,
Ân xã hội, nước nhà,
Ân chúng sinh muôn loại,
Ân Phật Pháp Tăng già.
Nên phát tâm chơn thật,
Hành sáu Ba la mật,
Pháp môn thật nhiệm mầu,
Ðưa đến quả vị Phật.
Một là phát bi tâm,
BỐ THÍ khắp xa gần,
Ðộ người bớt mê khổ,
Khiến ta dứt keo tham.
Hai là TRÌ GIỚI luật,
Ðể ngăn ngừa phóng dật,
Vi phạm các điều răn,
Cho phước sanh, tội mất.
Ba là khẩu, ý, thân,
NHẪN NHỤC trừ nóng sân,
Ðối với mọi nghịch cảnh,
Khiến hằng được an lành.
Bốn là thường gắng sức,
TINH TẤN trong mọi lúc,
Diệt lười biếng, hôn trầm,
Ðể thành tựu công đức.
Năm là chăm TU THIỀN,
Diệt ý mã, tâm viên,
Khiến tâm hằng khế hội,
Chân như tánh diệu huyền.
Sáu là TRÍ BÁT NHÃ,
Văn, tư, tu hành cả,
Diệt vọng tưởng, ngu si,
Ðể thành bậc GIÁC GIẢ.
Ngày tháng chẳng chờ người,
Siêng tu chớ biếng lười,
Sanh, già, bệnh, chết khổ,
Thân mạng, được bao thời.
Huống chi khi sắp chết,
Chẳng ai thay cho hết,
Không chốn nào dựa nương,
Oằn oại trong rên xiết.
Dù cho có sang giàu,
Thuốc thang chữa được đâu,
Phước trời còn lúc hết,
Phước người được bao lâu.
Nào mẹ, cha, con, vợ...
Ðều như khách ngủ trọ,
Ðêm qua cùng sống chung,
Sáng nay đà tan vỡ.
Có hợp là có ly,
Trần thế thật khổ nguy,
Vô thường là như vậy,
Mau lo việc tu trì.
Vả lại trong sáu ngả,
Do nghiệp đưa đẩy cả,
Luân hồi không tạm dừng,
Sống chết thật vất vả.
Nay may được thân người,
Nghe gặp chánh pháp rồi,
Hãy mau tự tu tiến,
Và khuyến hóa cho đời.
Thuyền từ là lục độ,
Hay vượt qua biển khổ,
Sinh tử để đến bờ,
An vui nơi tịnh thổ.
Chư Phật Vô Lượng Quang,
Cha lành cõi Lạc bang,
Nguyện lực thật rộng lớn,
Tiếp dẫn đến đài vàng.
Thọ ký Bồ đề đạo,
Dứt khổ mê phiền não,
Bất thoái chuyển chóng thành,
Quả vô thượng rốt ráo.
Tứ chúng hãy vâng lời,
Cõi Phật quyết cầu sang,
Ðể thoát ly sanh tử,
Thể nhập đại Niết bàn.*
125 - BỐN MƯƠI TÁM LỜI NGUYỆN
CỦA ÐỨC PHẬT A DI ÐÀ.
Nguyện Thứ Nhứt : khi tôi thành Phật,
Trong nước tôi, không có ngục hình,
Hay loài ngạ quỉ, súc sanh,
Không bao giờ có sanh thành nơi đây.
Tôi nguyện không được như vầy,
Thề không thành Phật lời này không sai.
Nguyện Thứ Hai : nhân dân trong nước,
Ðều hóa sanh từ “Chín Phẩm Liên”,
Nương theo nguyện lực tinh chuyên,
Ðến khi thọ mạng, sen liền nở hoa.
Nguyện Thứ Ba : hóa ra vật thực,
Nhiều thứ ngon, khỏi phải tìm cầu,
Dùng xong, vật dụng liền thâu,
Không cần phải rửa, phải lau nhọc nhằn.
Nguyện Thứ Tư : y phục mỗi ngày,
Muốn bao nhiêu : áo, mũ, dép, giầy,
Thảy đều hóa đủ trưng bày,
Khỏi mua, khỏi giặt, khỏi may cực lòng.
Nguyện Thứ Năm : thành trì bát ngát,
Nhiều lâu đài , cung điện nguy nga,
Bảy hàng cây báu đơm hoa,
Hương thơm ngào ngạt, tỏa ra nhe nhàng.
Nguyện Thứ Sáu : kính mến tương giao,
Không xan tham, giúp đỡ lẫn nhau,
Không lời qua lại trước sau,
Không ganh, không ghét, thương nhau vô vàn.
Nguyện Thứ Bảy : nhân dân trong nước,
Không có lòng uế trước, dâm ô,
Cũng không có tiếng tục thô,
Cùng là nóng giận, hồ đồ ngu si.
Nguyện Thứ Tám : chuyên trì chánh niệm,
Nhớ điều hay, điều dở bỏ đi,
Nếu ai muốn nói chuyện gì,
Người kia hiểu ý, tức thì khỏi phân.
Nguyện Thứ Chín : chỉ nghe điều thiện,
Có hơi đâu, nghĩ chuyện dông dài,
Chuyên tâm tu niệm hằng ngày,
Rồi ra nghiệp chướng dứt ngay không còn.
Nguyện Thứ Mười : biết thân này huyễn,
Thì không nên tham luyến thế gian,
Khổ thay trần thế không an,
Xin đừng tham đắm, vô vàn điêu linh.
Nguyện Mười Một : trời, người tuy khác,
Hình dung đồng một sắc vàng y,
Người người nghiêm chỉnh phương phi,
Mặt mày đẹp đẽ, không chi sánh bằng.
Nguyện Mười Hai : Thinh Văn, Duyên Giác,
Nhờ chuyên cần tu tập hành thiền,
Cho đến động vật... nhân, thiên,
Chứng quả Duyên Giác, Thinh Văn không lường.
Nguyện Mười Ba : dân số Phật Ðà,
Không còn có số tính ra cho bằng,
Nhiều như số cát sông Hằng,
Tại An Dưỡng Quốc, khó phân khó lường.
Nguyện Mười Bốn : sống đời trường thọ,
Cảnh thanh nhàn hưởng thọ tự nhiên,
Không sao tính được vận niên,
Sống lâu vô lượng, vô biên đời đời.
Nguyện Mười Lăm : hưởng lạc an nhàn,
Trọn sống đời Cực lạc, cao sang,
Như người vượt thoát trần gian,
Lậu hoặc dứt hết, Lạc bang vui vầy.
Nguyện Mười Sáu : thanh tịnh trang nghiêm,
Hẳn xa lìa vọng tưởng triền miên,
Sống đời tịch tịnh an nhiên,
Niết-bàn hiển hiện, Chân nguyên tỏ bày.
Nguyện Mười Bảy : thực hành đạo cả,
Suốt đêm ngày ròng rã độ sinh,
Thiết tha nói pháp tụng kinh,
Hoằng khai Phật đạo, công trình hơn ai.
Nguyện Mười Tám : biết được kiếp trước,
Hễ vừa sanh vào cõi nước tôi,
Người người rõ chuyện xa xôi,
Trăm, ngàn, muôn kiếp qua rồi đều thông.
Nguyện Mười Chín : “cái thấy ” thông suốt,
Dân chúng tôi có thể xa trông,
Toàn thể vũ trụ mênh mông,
Rõ ràng trước mặt, đều không trở ngại.
Nguyện Hai Mươi : “cái nghe” rõ ràng,
Ở phương xa, chư Phật nói kinh,
Thảy đều nghe rõ âm thinh,
Nghìn muôn ức cõi, như hình đâu đây.
Nguyện Hăm Mốt : biết rõ tâm người,
Cách trăm ngàn thế giới xa xăm,
Chúng sanh vừa mới mống tâm,
Dân tôi đều biết, không nhầm mảy may.
Nguyện Hăm Hai : thong dong tự tại,
Những tận đâu, chẳng nại đường xa,
Chỉ trong khoảnh khắc vượt qua,
Mười phương các cõi như là dạo chơi.
Nguyện Hăm Ba : công đức vui mừng,
Khen ngợi tôi, đại chúng đồng thanh,
Phát tâm vui vẻ hiền lành,
Lâm chung sẽ được, hóa sanh sen vàng.
Nguyện Hăm Bốn : quang minh chiếu diệu,
Nơi đảnh tôi rực rỡ vô ngần,
Sáng hơn nhật nguyệt muôn lần,
Luôn luôn tỏ rạng, khó phân đêm ngày.
Nguyện Hăm Lăm : hào quang chói lọi,
Ðến tận nơi các cõi U Minh,
Chư Thiên cho đến bàng sinh,
Thấy hào quang sáng, tự mình quy y.
Nguyện Hăm Sáu : quang minh cảm hóa,
Khắp mười phương các cõi nhân dân,
Hào quang chiếu đến bản thân,
Từ hòa tâm tánh hơn dân cõi trời.
Nguyện Hăm Bảy : vãng sanh Tịnh độ,
Cho những người giữ giới, ăn chay,
Ðến những ai thiền định, đêm ngày,
Khi nào mãn báo thân nầy
Tôi và Thánh chúng đông vầy,
Phóng quang tiếp dẫn, lên ngay sen vàng.
Nguyện Hăm Tám : trời, người các cõi,
Nghe danh tôi, trần thiết huy hoàng,
Ngày đêm tưởng niệm vái van,
Người ấy sẽ được, Lạc bang sanh về.
Nguyện Hăm Chín : chúng sanh các cõi,
Nếu dốc lòng ra khỏi bến mê,
Tên tôi mười niệm, không hề,
Xao lãng chánh niệm, được về Tây phương.
Trừ những kẻ tánh tình ngỗ nghịch,
Cùng những người báng Phật, Pháp, Tăng.
Ra vào tập tánh hung hăng,
Chắc đọa địa ngục, muôn năm thọ hình.
Nguyện Ba Mươi : mọi điều như ý,
Kiếp trước đây tạo nghiệp không lành,
Hôm nay, phát nguyện tu hành,
Tây Phương Cực Lạc, cầu sanh dễ dàng.
Nguyện Băm Mốt : mọi người cung kính,
Nghe tên tôi, đảnh lễ cúng dàng,
Người đó sẽ được dễ dàng,
Trời, người, kính nể, quy hàng, tán dương.
Nguyện Băm Hai : sanh làm nam giới,
Những đàn bà con gái chán đời,
Phát tâm tín niệm danh tôi,
Thân sau sẽ khỏi luân hồi nữ nhi.
Nguyện Băm Ba : chứng liền đạo quả,
Bậc “Nhất Sanh Bổ Xứ” chứng liền,
Lại còn những vị siêu nhiên,
Muốn sanh cõi khác, tôi liền giúp cho.
Giúp cho hạnh nguyện Phổ Hiền,
“Tịch Diệt”, “Phạm Hạnh” cần chuyên thi hành.
Rồi ra giáo hóa chúng sanh,
Chứng nên Phật quả, viên thành nguyền xưa.
Nguyện Băm Bốn : nhân dân trong nước,
Muốn sanh về cõi khác độ sanh,
Nếu không như nguyện, cũng không,
Ðọa ba đường dữ, thoát vòng trầm luân.
Nguyện Băm Lăm : các hàng Bồ Tát,
Muốn cúng dường chư Phật những đâu,
Hương, hoa, anh lạc, trân châu,
Mang đi khắp cả, vừa hầu bữa ăn.
Nguyện Băm Sáu : được như ý nguyện,
Nếu ước muốn mọi vật có liền,
Ðưa đi khắp cả các miền,
Cúng dường chư Phật, về liền chưa trưa.
Nguyện Băm Bảy : thông minh trí tuệ,
Hàng Bồ Tát phúng tụng các kinh,
Liền được trí huệ thông minh,
Diễn dương Chánh Pháp, tài tình cao siêu.
Nguyện Băm Tám : biện tài vô ngại,
Chư Tôn Bồ Tát huệ sáng ngời,
Giảng kinh thuyết pháp khắp nơi,
Biện tài vô ngại, không người sánh phân.
Nguyện Băm Chín : nhân dân trong nước,
Ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm,
Kim cang thần lực vô biên,
In như chư Phật, kim thân sáng ngời.
Nguyện Bốn Mươi : quốc độ trang nghiêm,
Trong cây báu, muốn xem chư Phật,
Mười phương các cõi ở xa,
Hiển hiện trước mặt như là soi gương.
Nguyện Bốn Mốt : mọi đường công đức,
Bồ Tát nào chưa được hoàn toàn,
Có thể biết được Ðạo tràng,
Bề cao cho đến bốn ngàn do tha.
Nguyện Bốn Hai : người, vật khôn lường,
Quốc độ tôi, đồ vật, chúng sinh ...
Mỗi người mỗi vật tịnh minh,
Dù chứng thiên nhãn, chẳng nhìn hết đâu.
Nguyện Bốn Ba : mọi người trong nước,
Chí mong cầu nghe được Pháp, Kinh,
Tự nhiên có sẵn âm thinh,
Không cần mời thỉnh, theo tình thế gian.
Nguyện Bốn Bốn : Bồ Tát, Thinh Văn,
Trong nước tôi, trí huệ oai linh,
Trên đảnh có ánh quang minh,
Biện tài nói pháp, in hình Thế Tôn.
Nguyện Bốn Lăm : mười phương Bồ Tát,
Nghe tên tôi phát nguyện quy y,
Lại thêm thiền định hành trì,
Liền được giải thoát không gì vướng ngăn.
Nếu chí muốn cúng dường chư Phật,
Trong khoảnh khắc khắp cả các phương,
Ðường xa tuy khó đo lường,
Nương nhờ thần lực, trên đường thong dong.
Nguyện Bốn Sáu : chư Tôn Bồ Tát,
Ở phương xa, tinh tấn tu hành,
Tam muội, giải thoát chứng xong,
Thường thấy chư Phật số đông không lường.
Nguyện Bốn Bảy : dân số đông dầy,
Hàng hàng lớp lớp về đây tu hành,
Người người nguyện thỏa vô sanh,
Vào hàng Bất thối, viên thành nơi đây.
Nguyện Bốn Tám : hoàn thành Pháp Nhẫn,
Người người đều thành khẩn quy y,
Hoàn thành nguyện lớn một khi,
Nhất, nhị, tam nhẫn, hành trì luôn luôn.
Pháp Tạng phát nguyện vừa xong,
Mười phương các cõi thảy đồng hân hoan,
Hương, hoa, kỹ nhạc, lộng tàn,
Cúng dường Giáo Chủ Lạc Bang Di Ðà.*
126 - BÀI KINH TÁM ÐIỀU
Kinh tám điều người trên hiểu biết,
Con Phật thời nên hết đêm ngày,
Dốc lòng tụng niệm không ngơi,
Tám điều hiểu biết của người bậc trên.
Thứ nhất : biết thế gian không chắc,
Hiểu rõ rằng cõi nước yếu nguy,
Thân này nào có ra chi,
Ðất, nước, gió, lửa hợp về lại tan.
Luống những chịu muôn ngàn đau khổ,
Ngũ ấm([1]) không, còn có mình sao,
Khác nào như cảnh chiêm bao.
Biến thiên sinh diệt, ai nào chủ trương,
Lòng này chính là nguồn độc ác,
Ðem thân ra gánh vác tội tình.
Nay đà xem xét cho rành,
Dần dần xa lánh tử sinh có ngày.
Ðiều thứ hai : ta đây hiểu biết,
Ham muốn nhiều chỉ mệt mà thôi,
Chết đi, sống lại bao đời,
Tham là gốc khổ, mấy người tỉnh đâu.
Ham muốn ít, không cầu cạnh mấy,
Thân tâm đều tự tại tiêu dao,
Ðiều thứ ba : rõ trước sau,
Lòng không chán đủ, tham cầu không ngơi,
Gây nên tội tầy trời tầy bể,
Bồ Tát không như thế bao giờ,
Biết vừa nên chẳng cầu dư,
Phận nghèo giữ đạo sớm trưa an nhàn.
Cốt sao cho trí khôn sáng tỏ,
Ðiều thứ tư : cũng rõ gót đầu,
Biếng lười sa xuống vực sâu,
Nên cần tinh tiến để cầu tiến lên.
Phá sạch hết điều phiền não trước,
Bốn con ma ([2]) dẹp hết là xong,
Ngục ngũ ấm thoát khỏi vòng,
Thứ năm : biết rõ thủy chung muôn loài,
Thuần chỉ những sống say chết ngủ,
Bồ Tát thường lấy đó làm lo.
Học hành chẳng quản công phu,
Nghe nhiều học rộng cốt cho thành tài.
Trí tuệ lớn vẹn đầy sau trước,
Dạy muôn loài đều được yên vui,
Sáu là : hiểu rõ đầu đuôi,
Nghèo cùng khổ não lắm người thù riêng,
Thường mắc phải ác duyên hoạnh họa.
Bồ Tát cho khắp cả muôn loài,
Một niềm bình đẳng không hai,
Oán thân như một lòng đầy từ bi,
Ðiều xấu cũ không hề vướng vít,
Kẻ xấu xa chẳng ghét không chê,
Thứ bảy : biết ngủ nghê ăn uống,
Danh, Sắc, Tài ham muốn là nguy,
Dù chưa thay đổi hình nghi,
Còn là người tục chẳng mê thói đời,
Áo, bát, pháp đêm ngày tưởng nhớ,
Theo đạo mầu chí cố xuất gia,
Giữ gìn trong ngọc trắng ngà,
Nết thanh cao giữ thật là thanh cao.
Lòng từ bi lúc nào cũng đủ,
Thứ tám là : biết rõ tử sinh,
Khác nào lửa cháy bên thành,
Chứa chan khổ não nghĩ tình xót thương,
Mở lòng rộng tìm đường cứu vớt,
Thay muôn loài chịu hết đắng cay,
Khiến cho hết thảy muôn loài,
Ðều cùng giải thoát tháng ngày yên vui.
Tám việc ấy là nơi chư Phật,
Cùng các Ngài Bồ Tát Ðại nhân,
Ðều cùng hiểu rõ nguồn cơn,
Từ bi trí tuệ sửa tròn trước sau,
Làm việc đạo bấy lâu tinh tiến,
Thuyền Pháp thân chở đến Niết bàn,
Là nơi yên tĩnh an nhàn,
Lại về cõi khổ cưu mang mọi loài,
Tám việc trước ta đây hiểu biết,
Mở đường ra cho hết thảy đi,
Khiến bao loài trước ngu si,
Biết sống, chết, khổ bỏ lìa muốn năm, ([3])
Theo đạo chính tận tâm tu tập,
Nếu quả là con Phật tụng đây,
Trong khi nghĩ tám việc này,
Bao nhiêu tội lỗi tức thời sạch ngay.
Ðạo Bồ đề thẳng tới nơi,
Lên ngôi Chính giác chỉ giây phút thành,
Ðoạn tuyệt hẳn đường sanh nẻo tử.
Ðời đời thường ở chỗ yên vui.*
127 - SÁM A DI ÐÀ PHẬT
Nam mô Giáo chủ Tây phang,
A DI ÐÀ Phật tịnh an Niết bàn,
Kim thân vô lượng hào quang,
Thọ mạng kiếp kiếp muôn vàn khôn phân.
Từ bi rải khắp đức ân,
Hóa miền Tịnh độ muôn phần trang nghiêm.
Ðức công phổ độ vô biên,
Khắp trong tam giới các miền chúng sanh.
Lực, Hùng, Bi, Trí, lập thành,
Liên trì hải hội đức lành sấm vang.
Có hàng La Hán, Thinh Văn,
Cùng chư Bồ Tát pháp năng cao cường.
Chúng sanh trong cõi Tây phương,
Chẳng hề thối chuyển, hằng nương đạo trường.
Tu hành tiến hóa phi thường,
Một đời thành đạo chứng chơn Phật Ðà.
Số người đắc quả hằng sa,
Ở ngôi Bồ Tát, Ta bà độ sanh.
Thiện nam tín nữ kính thành.
Một niềm tín ngưỡng trì danh hiệu Ngài.
Lâm chung giờ đến chẳng sai,
Di Ðà chúng Thánh hiện ngay nhãn tiền.
Thân an tâm chẳng đảo điên.
Liền sanh Cực Lạc Tây thiên Di Ðà.
Ðức công Phật Tổ hải hà,
Nguyện xưa bốn tám thiệt là từ bi.
Chúng sanh tín ngưỡng qui y,
A DI ÐÀ Phật độ ly khổ nàn...
Hằng ngày hộ niệm tâm an,
Liền đặng phước huệ, Tịnh bang vãng hồi.
Ai mà trước phát nguyện rồi,
Hoặc là nay nguyện, hoặc rồi nguyện sau.
Muốn sanh cõi Phật tối cao,
Ðạo mầu Chánh Giác trước sau chắc thành.
Ngưỡng trông đức cả tột lành,
Hiển linh soi xét lòng thành chứng minh.
Ðộ cho bá tánh khương ninh,
Nhà an nước trị, hòa bình năm châu.
Phép mầu phương tiện cao sâu,
Thần thông độ khắp hồi đầu tánh linh.
Hữu tình cùng với vô tình,
Ðồng thành chủng trí, vãng sinh Niết bàn.
Lại nguyền Tam bảo đạo tràng,
Nhờ ân Phật Tổ điểm ban diệu huyền.
Ðạo mầu chánh giác hoằng tuyên,
Pháp môn vĩnh viễn rộng truyền khắp nơi.
Ðộ người biển khổ lưng vơi.
Lên thuyền Bát Nhã về nơi thanh nhàn.*
PHỤ LỤC
KỆ
VĂN A NAN THỈNH PHẬT
CHỨNG MINH
Tâm Chánh Ðịnh như như bất động,
Phật Ba thân nhân thế khó tìm.
Trăm ngàn muốn kiếp đảo điên,
Vô minh dứt sạch, chứng liền Pháp Thân.
Nay con nguyền chứng ngôi Chánh Giác,
Ðộ chúng sanh như cát sông Hằng.
Thân, tâm này nát như trần, (bụi)
Hồng ân chư Phật, chút phần báo ơn.
Cung thỉnh Thế Tôn lại chứng minh,
Ðời năm trược con xin vào trước,
Một chúng sanh quả Phật chưa thành,
Con nguyền không chứng Vô Sanh Niết Bàn.
Ðại Hùng, Ðại Lực, Ðại Từ Bi,
Giúp con dứt sạch sân, si, buồn, phiền.
Ðể sớm được lên miền Thượng Giác,
Ngồi Ðạo Tràng bát ngát mười phương.
Hư không có thể tiêu tan,
Nguyện con kiên cố không hề lung lay.
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Phật,
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Pháp,
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tăng.*
* Trích “Thiền Môn Nhựt Tụng” , HT Minh Trực soạn,Tổ đình Phật Bửu ấn hành, 1992
* Trích “Kinh Tam Bảo”, Ni Trưởng Huỳnh Liên,Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. xuất bản, 1992
* Trích “Pháp Sự Khoa Nghi Việt Ngữ”, HT. Thích Hiển Tu, chùa Xá Lợi ấn hành, 1994
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày”, HT. Thích Thiện Thanh, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. xuất bản, 1994
* Trích “Thiền Môn Nhựt Tụng”, HT Minh Trực soạn,Tổ Ðình Phật Bửu ấn hành, 1992
* Trích “Thiền Môn Nhựt Tụng”, Ht Minh Trực soạn, Tổ đình Phật Bửu ấn hành, 1992
* Trích “Nghi Thức Trì Niệm Dược Sư Pháp Bảo”, Thích Thanh Ngọc,
chùa Khuông Việt ấn hành, 1984
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày”,HT Thích Thiện Thanh, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. xuất bản, 1994
[1]) Năm thứ che lấp, làm cho mờ tối tâm tính gây nên khổ não: 1. Hình tướng màu sắc, 2. Hưởng thụ khổ vui, 3. Mơ tưởng nghĩ lầm, 4. Khởi ra mối nghĩ lầm làm việc, 5. Nhận xét phân biệt.
[2]) Sinh, già, ốm, chết là bốn con ma rất độc ác, thường quấy nhiễu chúng sinh trong thế gian khổ não không bao giờ ngơi.
[3]) Năm thứ người ta vẫn ham muốn hằng ngày : Của cải, Sắc dục, Thanh danh, Ăn uống, Ngủ nghê.
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày” chữ Việt, Sa Môn Trí Hải dịch, chùa Bồ Ðề ấn hành, Sài gòn, 1969
* Trích “Thiền Môn Nhựt Tụng” ,HT Minh Trực,Tổ đình Phật Bửu ấn hành, Sàigòn,1992
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày”,HT Thích Thiện Thanh, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. xuất bản, 1994
Nguồn: www.quangduc.com