Kinh Điển - Lược giải Kinh Pháp Hoa.

 

 

 

LƯỢC GIẢI

KINH PHÁP HOA

Sadharma Pundarika Sutra 

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

 

MỤC LỤC

 

Lời tựa

Lịch sử kinh Pháp Hoa

Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa

Phẩm 1        : Tựa

Phẩm 2        : Phương tiện

Phẩm 3        : Thí dụ

Phẩm 4        : Tín giải

Phẩm 5        : Dược thảo dụ

Phẩm 6        : Thọ ký

Phẩm 7        : Hoá thành dụ

Phẩm 8&9   : Ngũ bá đệ tử thọ ký thọ học vô học nhân ký

Phẩm 10      : Pháp sư

Phẩm 11      : Hiện bảo tháp

Phẩm 12      : Đề Bà Đạt Đa

Phẩm 13      : Trì

Phẩm 14      : An lạc hạnh

Phẩm 15      : Tùng địa dũng xuất

Phẩm 16      : Như Lai thọ lượng

Phẩm 17      : Phân biệt công đức

Phẩm 18      : Tùy hỷ công đức

Phẩm 19      : Pháp sư công sức

Phẩm 20      : Thường Bất Khinh Bồ tát

Phẩm 21      : Như Lai thần lực

Phẩm 22      : Đà la ni

Phẩm 23      : Dược Vương Bồ tát bổn sự

Phẩm 24      : Diệu Âm Bồ tát

Phẩm 25      : Phổ Môn

Phẩm 26      : Diệu Trang Nghiêm Vương bổn sự

Phẩm 27      : Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát

Phẩm 28      : Chúc Lụy

 

 

LỜI TỰA

 

Nói đến kinh Pháp Hoa, các vị danh Tăng đều hết lòng ca ngợi.  Riêng tôi, từ sơ phát tâm đã có nhân duyên đặc biệt đối với bộ kinh này.  Lần đầu tiên, khi tôi theo một số Thầy đến chùa Hoàng Khai ở Tân An để thỉnh Phật, tôi được Thầy Đạt Dương tặng bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán.  Mặc dù lúc đó tôi chưa biết thọ trì, nhưng khi nghe đến tên kinh, trong lòng tự nhiên cảm thấy thích thú kỳ lạ. 

Từ đó, cảm tình của tôi đối với kinh Pháp Hoa cứ  ấp ủ lớn dần.  Tôi mang tâm sự này kể cho cụ thân sinh của tôi.  Lúc ấy, tôi mới biết khi tôi còn trong thai mẹ, ông thường chuyên thọ trì kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn.

Điều này gợi cho tôi có cảm nghĩ rằng tôi đã từng nghe kinh này từ lúc chưa chào đời.  Hạt giống Pháp Hoa mà cha tôi đã gieo trồng trong tâm thức tôi, lúc tôi còn đang say ngủ trong thai mẹ lớn dần theo năm tháng.  Để rồi hạt giống lành vụt bộc phát mạnh mẽ thúc đẩy tôi xuất gia vào năm 12 tuổi.  Cái lứa tuổi mà bao trẻ thơ khác chưa biết gì ngoài vòng tay thương yêu che chở của cha mẹ.

Đơn giản như thế đó, nhưng cũng thật đầy lẽ mầu nhiệm khi nhân duyên với Pháp Hoa cứ tự động phát triển theo từng bước chân tu học của tôi.  Năm 17 tuổi, vào học Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, tôi nhận thấy cố Hòa thượng Trí Hữu, người có công sáng lập chùa này cũng chuyên thọ trì Pháp Hoa.

Người thợ đắp tượng Phật Thích Ca thờ ở chánh điện chùa ngày nay cũng là hành giả Pháp Hoa.  Để trang bị cho thân tâm thanh tịnh hướng trọn về đức Phật, ông đã lạy từng chữ trong kinh Pháp Hoa suốt thời gian ông làm tượng Phật, tổng cộng đến hơn 60 ngàn lạy.

Đến năm 25 tuổi, được sang Nhật Bản nghiên cứu kinh Pháp Hoa ở trường Đại Học Rissho.  Tôi mới bắt đầu làm quen với tư  tưởng Bổn môn của Nhật Liên Thánh Nhân.  Đó là tư tưởng đặc thù của Phật giáo Nhật Bản.

Niềm khao khát hiểu biết thúc đẩy tôi tiếp tục tham quan một số đạo tràng chuyên tu Pháp Hoa.  Tôi nhận ra rằng muốn hiểu kinh, phải hành trì đúng pháp.  Vì thế, có người đọc kinh, lầm tưởng là đã hiểu rõ tất cả nghĩa kinh.  Nhưng dưới mắt đạo, họ vẫn chưa hiểu gì cả.  Đây chính là kinh nghiệm bản thân tôi hơn 20 năm về trước. 

Thật vậy, tôi tốt nghiệp Tiến sĩ về kinh Pháp Hoa.  Dĩ nhiên các tác phẩm liên quan đến bộ kinh này, tôi đều để tâm tìm hiểu.  Tuy nhiên, khi thật sự thâm nhập thế giới tâm linh, thọ trì đọc tụng Pháp Hoa, tôi mới tỏ ngộ rằng khi ngồi ghế nhà trường, mình chưa hiểu chút gì về Pháp Hoa cả.  Bởi lẽ trên thực tế, chúng ta có bước vào thế giới tu hành, mới hiểu được tại sao người trình độ văn hóa kém, họ lại làm được những Phật sự quan trọng.  Còn những người học giỏi, nhưng suốt đời không có đất dung thân. 

Riêng tôi, tiếp thu được lời dạy của các danh Tăng Nhật.  Khi trở về nước hành đạo, âm thầm thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa, lễ lạy Hồng danh Pháp Hoa.  Pháp hành này nhằm tạo mối liên hệ giữa tôi với Phật và Bồ Tát.  Và có truyền thông được với tâm Phật, hạnh Bồ Tát, mới khả dĩ nhận được lực gia trì hộ niệm của các Ngài cho chúng ta hành đạo. 

Cảm nhận về kinh Pháp Hoa như vậy, tôi càng thọ trì đọc tụng kinh này càng thấy gần gũi chư Phật, chư Bồ Tát hơn.  Vì thế, suốt hơn 15 năm qua, với nhiều biến động ngoài xã hội cũng như trong Phật giáo, tôi vẫn thấy an lành trong thế giới Pháp Hoa. 

Và từ sự thanh thản nhẹ nhàng của thế giới quan Pháp Hoa bước ra cuộc đời hành đạo, tôi đã thành tựu được một số Phật sự nho nhỏ trong tầm tay. 

Đối với tôi, kinh Pháp Hoa không phải là bộ kinh bằng giấy trắng mực đen nằm ngoài tôi.  Trái lại kinh đã ở trong tôi, biến thành chất dinh dưỡng nuôi sống thân mạng của chính tôi.  Tôi cảm thấy cả một quá trình gắn bó cuộc đời mình với kinh Pháp Hoa một cách sâu xa, mật thiết, tự nhiên, không thể thiếu được. 

Quán sát tạng kinh Pháp Hoa dưới góc độ kinh là mạng sống của mình, tôi nảy sinh những ý tưởng hiểu kinh, giảng kinh Pháp Hoa không hạn cuộc trong văn tự ngôn ngữ.  Tôi cố tìm ý sâu xa tiềm ẩn trong kinh để ứng dụng vào cuộc sống, được chút kết quả nào trên bước đường hành đạo xin giới thiệu với các bạn đồng hành.  Ai có nhân duyên căn lành với kinh Pháp Hoa và đồng quan điểm với tôi, thì dùng nó làm hành trang cùng tiến bước trên lộ trình giải thoát. 

Đây là tác phẩm đầu tay của chúng tôi biên soạn về kinh Pháp Hoa, thiết nghĩ khó tránh khỏi những sơ suất.  Kính mong các bậc cao minh vui lòng chỉ giáo thêm để lần tái bản tới, tác phẩm được hoàn mỹ hơn.  Chúng tôi chân thành biết ơn quý vị. 

Xin hồi hướng công đức cúng dường Pháp bảo này đến toàn thể pháp giới chúng sinh đồng thâm nhập Pháp Hoa hải hội của chư Phật.

     

Mùa An cư PL.2535 – 1991

Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG

 

 

 

LỊCH SỬ KINH PHÁP HOA

 

I.       NGUỒN GỐC PHÁT XUẤT BỘ KINH 

Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh được nhiều dân tộc trên thế giới tán ngưỡng.  Mỗi người tùy trình độ tu chứng khác nhau mà cảm nhận về kinh và lý giải kinh khác nhau. 

Ngài Thế Thân Bồ tát cho kinh này là Tối thượng thừa vì nó vượt trên các kinh và là mục tiêu của tam thừa v.v... 

Ngài Trí Giả đại sư cho kinh này là một pháp mầu nhiệm có thể thống nhiếp tất cả các phát. 

Ngài Nhật Liên Thánh nhân cho kinh này là môn đại đà la ni, người tu hành chỉ niệm đề kinh (tức tên kinh) là tiêu trừ được tất cả tội chướng và thành Vô thượng bồ đề. 

Ngoài ba vị Thánh Tăng nêu trên, tất cả pháp sư, thiền sư đều thọ trì, đọc tụng, lễ bái, thậm chí có người kính lễ từng chữ, từng câu. 

Ngài Thái Hư đại sư nói: “Chưa thấy một bộ kinh nào được kính trọng như thế”. 

Đối với những vị Bồ tát hay những vị có căn lành đặt trọn niềm tin và thân mạng nơi chư Phật thì  dòng lịch sử kinh Pháp Hoa ví như dòng trí tuệ Phật trôi chảy miên viễn từ thời Phật Oai Âm Vương và trước đó nữa.  Vì bất cứ một đức Phật nào tu hành đạo Bồ tát để thành Phật đều phải học và tu theo kinh này. 

Kinh này là kinh Pháp Hoa vô văn tự của chư Phật, Bồ tát đang sống và giữ gìn, là kinh mà Thường Bất Khinh Bồ tát nghe được khi đốt thân bằng lửa tam muội và Thái tử Sĩ Đạt Ta nghe được sau 49 ngày tư duy thiền định ở Bồ đề Đạo tràng. 

Chính nguồn kinh này tạo thành một dòng lịch sử Phật giáo siêu việt, nuôi dưỡng tuệ giác cho những người con Phật hơn 2000 năm, vẫn còn sống động. 

Như vậy lịch sử kinh Pháp Hoa không phải là lịch sử tri thức con người, lịch sử của gạch vụn và xác khô.  Nhưng là lịch sử của những người đang sống với bản tâm, không bị thân ngũ ấm ngăn che, vượt qua được không gian mười muôn ức thế giới và tự tại với thời gian ngũ bách ức trần. 

Về mặt học thuật, kinh Pháp Hoa còn là một thể tài chứa đựng những tư tưởng phong phú, tạo sự thích thú cho các học giả khắp thế giới. 

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 19, công xứ người Anh là ông Hamilton tìm thấy ở Nepal một bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Phạn viết trên lá bối, thờ trong một động đá (ta quen gọi là Pháp Hoa Nepal). 

Sau đó, có 19 bản Pháp Hoa khác chép tay bằng chữ  Phạn ngữ được phái đoàn người Nhật, anh, Pháp, Đức tìm thấy. 

Vì là một thể tài siêu tuyệt làm say mê các nhà khảo cứu nên công việc sưu tầm nguồn gốc kinh Pháp Hoa không ngừng lại ở con số 20 bản kinh đã tìm thấy. 

Người Nhật phát động phong trào thám hiểm truy nguyên dấu tích kinh và người Anh bào trợ cho hội nghiên cứu kinh Pháp Hoa. 

Kết quả là bốn phái đoàn thám hiểm Nhật, Anh, Đức và Nga đi sang vùng Trung Á tìm thêm được ở vùng Kotan sáu bộ kinh Pháp Hoa bằng Phạn ngữ và một bộ kinh ở Kucha (quê của Ngài Cưu Ma La Thập). 

Đến năm 1932, một bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất được tìm thấy ở vùng Kashmir nối liền với Afganistan (ta quen gọi là bộ Pháp Hoa Gilgit).  Bộ kinh này gồm có 2/3 bằng chữ Phạn và 1/3 chữ Magadhi là loại chữ cổ nhất của nước Ma Kiệt Đà. 

Đem so sánh 28 bộ kinh Pháp Hoa tìm được rải rác khắp nơi, ta thấy bộ kinh thiếu đoạn này, bộ thiếu đoạn khác, có ít nhiều sai biệt. 

Điều này cũng dễ hiểu, vì tuy từ kim khẩu đức Phật nói ra, nhưng kinh đã được kiết tập vào nhiều giai đoạn ở nhiều địa điểm khác nhau, do những nhóm người có trình độ không đồng nhau.  Vì vậy, sự thông hiểu và diễn đạt tất nhiên không thể giống nhau. 

Tuy có sai biệt, nhưng tư tưởng căn bản của kinh không thay đổi và trọng tâm của kinh nằm trong phẩm 2, 11, 16 thì tất cả bản kinh nào cũng đều có đủ ba phẩm này, chỉ khác phần phụ thuộc. 

Tóm lại, theo sự khảo cứu trên, kinh Pháp Hoa được kiết tập và hệ thống lại vào khoảng 100 năm trước Tây lịch và chỉ đạo cho sự cai trị của vua A Dục. 

Ông cho xây 84,000 tháp ở khắp nơi theo tinh thần của phẩm Dược Vương trong kinh Pháp Hoa và cũng mang tinh thần của phẩm Tựa.  Giống như tám người con của đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, các con của vua A Dục đều bỏ thú vui thế tục, xuất gia, trở thành những nhà truyền giáo đầy nhiệt tâm ở thời bấy giờ.  Họ xây chùa, hoặc mang kinh Pháp Hoa đi truyền bá tận Trung Đông, Trung Á... 

Một bằng chứng khác cho sự hiện hữu trước kỷ nguyên của kinh Pháp Hoa là một vài tác phẩm xuất bản vào thế kỷ thứ nhất đã mang tư tưởng kinh Pháp Hoa. 

Đặc biệt là Đại Trí Độ luận của Long Thọ Bồ tát đã dùng kinh này để chứng minh thuyết Trung đạo. 

Đến Ngài Thế Thân Bồ tát, chẳng những dẫn dụng kinh Pháp Hoa trong bộ Nhiếp Đại Thừa luận, mà còn soạn ra bộ Pháp Hoa luận, để làm nền tảng cho các chú giải về sau.

 

II.    SỰ PHÂN BỐ VÀ TRUYỀN DỊCH KINH PHÁP HOA. 

Nguyên bản Phạn văn Sadharma Pundarika Sutra tìm được ở Tây Vực và Népal mà ta quen gọi là Pháp Hoa Népal và Tây Vực.  Gần đây người ta đã dịch hai bản kinh Pháp Hoa này ra nhiều thứ tiếng để đối chiếu với các bản dịch xưa mà tôi sẽ thứ đệ trình bày. 

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ ghi lại một phần nhỏ sử liệu hiện còn để chứng minh sự phân bố và truyền dịch kinh Pháp Hoa trên thế giới. 

1 – Kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán: 

Trong thư mục Trung Hoa có rất nhiều tác phẩm nói đến lịch sử kinh Pháp Hoa, nhưng trong bài này chỉ căn cứ vào những sử liệu trong Xuất Tam Tạng Ký Tập, Chúng Kinh Mục Lục, Lịch Đại Tam Bảo Ký, Cổ Kim Dịch Kinh Mục Lục, Đại Đường Nội Điển Lục, Đại Châu San Định Chúng Kinh Mục Lục, Khai Ngyên Thích Giáo Lục, Trinh Nguyên Tân Định Thích Kinh Mục Lục để tìm các bản dịch Trung Hoa. 

A – Chánh Pháp Hoa Kinh: 

·        Xuất Tam Tạng Ký Tập: 

Bộ kinh Pháp Hoa gồm có 27 phẩm chia thành 10 quyển do Ngài Pháp Hộ dịch vào đời Thái Khương

năm thứ 7, tháng tám (286).

 

·        Lịch Đại Tam Bảo Ký: 

Kinh Pháp Hoa có 10 quyển do Ngài Trương Sỉ Minh, Trương Trọng Chánh, Pháp Hiển, Đàm Thuyên

dịch vào đời Thái Đường năm thứ 7.

 

·        Đại Đường Nội Điển Lục: 

10 quyển 189 tờ do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch tại Trường An vào đời Tây Tấn, niên hiệu Thái Khương.

 

·        Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ: 

10 quyển do Ngài Đàm Ma La Sát, người nước Nhục Chi dịch tại Lạc Dương vào đời Tây Tấn, vua Võ Đế niên hiệu Thái Thủy năm thứ nhất.

 

·        Khai Nguyên Thích Giáo Lục: 

10 quyển cũng gọi là Phương Đẳng Chánh Pháp Hoa kinh do Trương Sĩ Minh, Trương Trọng Chánh và pháp sư Nhiếp Thừa Viễn dịch vào năm Thái Khương thứ 7 ngày 10 tháng 8.

 

B – Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: 

·        Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ: 

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có 7 quyển do Ngài Cưu Ma La Thập dịch vào năm thứ 4, niên hiệu Hoằng Thủy Đời Dao Tần (402). 

·        Xuất Tam Tạng Ký Tập: 

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có 7 quyển cũng gọi là Tân dịch kinh Pháp Hoa được dịch tại Trường An vào mùa Hạ, niên hiệu Hoằng Thủy thứ 8 do Ngài Tăng Hữu đề tựa và Ngài Pháp Hộ tu chỉnh tại thành Lạc Dương. 

·        Chúng Kinh Mục Lục 

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa 7 quyển, 175 trang do Ngài Cưu Ma La Thập dịch tại vườn Tiêu Dao (Trường An) vào năm thứ 7 niên hiệu Hoằng Thủy đời Hậu Tần.

 

C – Thêm Phẩm Pháp Hoa Kinh: 

Thêm Phẩm Pháp Hoa kinh tức là bộ kinh Pháp Hoa được tăng bổ, hiệu đính các bản dịch trước và cũng là tiền thân của bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa được thông dụng ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam ngày nay. 

Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, bộ kinh này do hai Pháp sư người Tây Vực tên  Khuất Đa và Cấp

Đa soạn tại chùa Phổ Diệu vào năm Nhân Thọ thứ nhất đời nhà Tùy (601). 

Trong bộ Đại Đường Nội Điễn Lục cũng ghi rằng:  “Kinh này gồm có 8 quyển, 155 trang, do Ngài Cấp Đa dịch tại chùa Hưng Thiện vào đời nhà Tùy, niên hiệu Nhân Thọ thứ hai”. 

Ngoài ba dịch phẩm bằng chữ Hán còn lưu lại trong bộ Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh kể trên, một số dịch bản khác vẫn được nhắc đến trong thư mục Trung Quốc, nhưng không thấy nguyên bản như:

 

A-    Tác Đàm Phân Đà Lợi Kinh: 

·        Chúng Kinh Mục Lục: 

Kinh này thuộc hệ thống Pháp Hoa vì trong đó có phẩm Hiện Bảo Tháp và phẩm Đề Bà Đạt Đa. 

·        Dịch Kinh Đồ Kỷ: 

Một bộ 6 quyển do Ngài Đàm Ma La Sát dịch vào đời Tấn Vũ Đế niên hiệu Thái Thủy thứ nhất. 

·        San Địch Chúng Kinh Mục Lục: 

Kinh này do Trúc Pháp Hộ người nước Nhục Chi dịch ra chữ Hán vào đời Tây Tấn.

 

B – Phương Đẳng Pháp Hoa Kinh: 

·        San Định Chúng Kinh Mục Lục: 

Bộ kinh này do Ngài Chi Đạo Căn dịch.  Trúc Đạo Tổ sao lục vào đời Đông Tấn, niên hiệu Hàm Khương thứ nhất. 

·        Tân Định Thích Kinh Mục Lục: 

Phương Đẳng Pháp Hoa kinh gồm có 5 quyển đều bị thất lạc.  Một bộ kinh khác mang tên Pháp Hoa

Tam Muội cũng được nhắc đến trong thư mục Trung Hoa.  Nhưng theo San Định Chúng Kinh Mục Lục thì Ngài Chi Cương Lương Tiếp dịch tại đất Giao Châu tức Bắc Việt ngày nay nên chúng tôi xin ghi vào sự nghiệp dịch kinh của người Việt Nam (tài liệu trên rút trong bộ Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh quyển thứ 49, 51 va 55). 

2 – Kinh Pháp Hoa bằng chữ Tây Tạng: 

Theo văn học sử Tây Tạng, các nhà truyền giáo Phật giáo nương theo lối ký âm Sanskrit mà chế tác ra văn tự Tây Tạng vào triều đại Sron Btsan Sgampo. 

Đến thế kỷ thứ 8 thì bộ Ldan-Dharma được hoàn thành, kinh Pháp Hoa bằng tiếng Tây Tạng cũng được dịch vào thời kỳ này và còn tìm thấy trong những bộ đại tạng : Shar Thàn, Sde Dge, Bắc Kinh v.v... 

3 – Kinh Pháp Hoa bằng chữ Tây Hạ: 

Người Tây Hạ dịch kinh Pháp Hoa ra tiếng bản xứ vào thời Bắc Tống và nguyên bản còn giữ tại Đông Dương văn khố Nhật Bản. 

4 – Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Triều Tiên: 

Theo Phật giáo sử Triều Tiên, năm 1463 vua Thế Tổ triều Lý đã ký một sắc lệnh cho dịch bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng chữ Hán ra tiếng bản xứ.  Các triều đại kế tiếp hiệu đính lại và lưu truyền đến ngày nay. 

5 – Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mãn Châu: 

Không biết kinh Pháp Hoa truyền sang Mãn Châu vào thời nào.  Nhưng bộ kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mãn Châu được giữ tại Sở Nghiên cứu kinh Pháp Hoa của Nhật ngày nay là bộ Pháp Hoa duy nhất nằm trong bộ Ngự Dịch đại tạng kinh của vua Càn Long đời Thanh.  Bộ này được dịch lại từ bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng chữ Hán của Ngài Cưu Ma La Thập. 

6 – Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mông Cổ: 

Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mông Cổ cũng không biết rõ được dịch vào thời kỳ nào.  Nhưng bản kinh hiện đang lưu hành được dịch ra từ bộ kinh Pháp Hoa bằng tiếng Tây Tạng, vì cách thức bố cục cũng như nội dung gần với tiếng Tây Tạng hơn những bản dịch khác. 

7 – Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Đức và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: 

Đến nay các học giả Phật giáo cũng chưa xác định được bộ kinh Pháp Hoa bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được dịch ra vào thời kỳ nào và sự tín ngưỡng của dân tộc ấy ra sao. 

Nhưng trong thời gian cộng tác với Sở Nghiên cứu kinh Pháp Hoa, tôi tìm được trong văn khố một tác phẩm dày 119 trang với nhan đề “Ein Turkishi Ubersetzung des XXV Kapithsderchineschen Ausgabe Des Sadharma Pundarika Sutram”. 

Sách có phần nguyên bản chữ Vigur (thủy tổ dân Thổ Nhĩ Kỳ), bản dịch tiếng Đức, sau cùng là lời chú giải. 

Nội dung của sách tương ứng với phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (sách này còn giữ tại Sở Nghiên cứu kinh Pháp Hoa Tokyo). 

8 – Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Anh: 

Hiện có 4 bản dịch bằng tiếng Anh:  The Lotus of the True Law, The Lotus Scripture Essence, the Lotus of the Wonderful Law và The Lotus Sutra. 

·        The Lotus of the True Law: 

Bộ này thuộc bộ tạng The Sacred Books of the East do học giả Kern dịch vào năm 1880 gồm có 27 phẩm, 442 trang, được dịch ra từ bộ Phạn ngữ Népal. 

·        The Lotus Scripture Essence: 

Bộ này thuộc bộ The New Test Ament of High Buddhism của Lichard xuất bản năm 1900, gồm có 28 phẩm và lược dịch từ bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng chữ Hán. 

·        The Lotus of the Wonderful Law: 

Bộ kinh này gồm có 28 phẩm do hai học giả Sottthill và Kato dịch và xuất bản tại Luân Đôn năm 1930. 

·        The Lotus Sutra: 

Bộ kinh này gồm có 28 phẩm do Senchu Murano dịch từ bộ Diệu Pháp liên Hoa của Ngài Cưu Ma La Thập, được tông Nhật Liên xuất bản năm 1974 tại Nhật Bản. 

9 – Kinh Pháp Hoa bằng chữ Pháp: 

Pháp vẫn chỉ có một bộ duy nhất mang tên Le Lotus de la Bonne Loi do Hàn Lâm Học sĩ E. Burnouf dịch ra từ bộ Phạn ngữ Népal vào năm 1925 và còn lưu truyền đến ngày nay. 

Bộ kinh này cũng được cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch ra tiếng Việt vào năm 1937 và cư sĩ Mai Thọ Truyền tĩnh lược trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa năm 1964. 

10 – Kinh Pháp Hoa bằng chữ Nhật: 

Nhật có rất nhiều dịch bản, tôi chỉ đơn cử 6 bản thông dụng về học thuật và tín ngưỡng: 

·        Phạn Hán đối chiếu Tân Dịch Kinh Pháp Hoa: 

Bộ này do Hàn Lâm Đại Học Sĩ Nanjoo dịch vào năm 1913 bằng cách so sánh giữa bộ Diệu Pháp Liên Hoa chữ Hán và Sadharma Pundarika Sutram mà dịch ra quốc ngữ. 

·        Phạn Bản Hoà  Dịch Pháp Hoa Kinh: 

Bộ này do hai giáo sư Sakamoto và Iwamoto dịch và chú giải từ bản Phạn ngữ Népal và nguyên bản Kimarajiva (Cưu Ma La Thập). 

·        Phạn Tạng Truyền Dịch Quốc Dịch Pháp Hoa Kinh: 

Bộ này giáo sư Kawaguchi so sánh hai bản tiếng Phạn và Tây Tạng mà dịch ra quốc âm. 

·        Hòa Dịch Pháp Hoa Kinh: 

Bộ này do giáo sư Yamagawa kê cứu các bản kinh chữ Hán dịch ra quốc âm. 

·        Hán Hòa đối chiếu Diệu Pháp Liên Hoa Kinh: 

Bộ này do giáo sư Shimachi và một số học giả khác so sánh và kê cứu tất cả bản kinh đang lưu hành mà giám định lại kinh Pháp Hoa chữ Nhật. 

11 – Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Việt Nam: 

Sự nghiệp dịch kinh của người Việt Nam rất sớm và phát triển mạnh nhất vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai.  Theo Lịch Đại Tam Bảo Ký, bộ kinh Pháp Hoa Tam Muội đã được Ngài Chi Cương Lương Tiếp hợp tác với các học giả Việt Nam và dịch ra chữ Hán tại đất Giao Châu vào năm 260. 

Và trước đó, Ngài Khương Tăng Hội đã trích dịch phẩm Thí Dụ với tên Phật Thuyết Tam Xa Dụ kinh. 

Lịch sử dịch kinh Pháp Hoa của người Việt Nam có thể chia ra làm ba thời kỳ khác nhau là:  thời kỳ chữ Hán, thời kỳ chữ Nôm và thời kỳ chữ Quốc ngữ. 

Thời kỳ chữ Hán: 

Theo sử liệu Trung Hoa thì đạo tràng phiên dịch ở Giao Châu (Hà Nội) đã được thành lập vào đời Hậu Hán do sự giúp đỡ của các quan thứ sử và sự hợp tác của các danh gia Ấn Độ, Trung Á, Trung Đông v.v... 

Một thương gia người Khương Cư (Khương Tăng Hội) đem cúng hết của hương hỏa và xin hợp tác với đạo tràng này vào năm 247 và trở thành một nhà truyền giáo nổi tiếng ở Đông Ngô.  Những học giả khác của Trung Quốc cũng xin vào nghiên cứu. 

Ngài Giác Hiền đi từ Kashmir vượt thông lãnh để tìm đến đạo tràng Giao Châu trước khi sang Trung Quốc, đã làm cho các sử gia Nhật Bản lưu tâm . 

 Một bộ kinh Pháp Hoa sáu quyển được dịch ra Hán văn tại đạo tràng Giao Châu vào năm 256 đã làm cho đạo tràng này càng ngày càng thêm sáng chói trên văn đàn Trung Quốc. 

Kế tiếp theo đó là một số tu sĩ Việt Nam được mời vào cộng đồng phiên dịch tại Trường An (soạn theo tài liệu trong Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh). 

*  Thời kỳ chữ Nôm: 

Các nhà sư Việt Nam rất thông Hán học, nhưng lòng yêu nước và tinh thần độc lập, tự chủ đã thúc đẩy họ dùng ký hiệu Quốc âm để thoát ly ảnh hưởng văn học Bắc thuộc. 

Nhiều tác phẩm mang thể tài Phật giáo vừa mới tìm thấy ở miền Bắc có thể coi như sớm nhất trong văn học quốc âm (chữ Nôm). 

Bộ Quốc Dịch Pháp Hoa kinh bằng chữ Nôm hiện còn giữ tại Đông Dương văn khố Tokyo đã nói lên được tinh thần dân tộc, độc lập và óc sáng tạo của tiền nhân. 

*   Thời kỳ Quốc ngữ: 

Sau khi bị bắt buộc học văn hóa Pháp và dùng lối ký âm Latin, vào năm 1937, cư sĩ Đoàn Trung Còn cũng đã so sánh hai bản dịch của Pháp và Hán mà soạn ra bộ kinh Pháp Hoa bằng Quốc âm. 

Mười năm sau, Hoà Thượng Trí Tịnh cũng ký âm Latin và dịch nghĩa bộ Diệu Pháp Liên Hoa để giúp các nhà tân học tiện việc trì tụng và nghiên cứu. 

Nhìn lại sự nghiệp kể trên, chúng ta thấy dân tộc Việt Nam đã đóng góp cho sự phát huy tư tưởng “Nhất Phật Thừa” không ít, và kinh Pháp Hoa cũng trở thành nguồn sống của một dân tộc hiếu hòa. 

Đất nước chúng ta trải qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm trên dòng sanh diệt, nhưng Pháp Hoa vẫn hiện hữu sáng ngời nhiệm mầu qua biểu tượng mẹ hiền Quan Âm và các Bồ tát mang tình thương và đời.

 

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG NGHĨA

 

Pháp Hoa là con đường dẫn đến thế giới mầu nhiệm của chư Phật, là giai đoạn chót của tam thừa.  Ngài Kiều Trần Như, Ca Diếp, Xá Lợi Phất, v.v... trải hơn 40 năm theo Phật mới được nghe kinh này.  5000 Tỳ kheo tăng thượng mạn đành cam mất trân bảo, trở lại cuộc sống phàm phu. 

Chúng ta không sanh cùng thời với Phật, nhưng thọ trì được kinh Pháp Hoa, cảm nhận được công đức kinh.  Điều này chứng tỏ chúng ta thành tựu một phần nào của bốn pháp mà Phật  nói trong phẩm Phổ Hiền: có căn lành, được chư Phật hộ niệm, sống trong chánh định và phát đại bi tâm. 

Căn lành đã sẵn, chư Phật luôn hộ niệm cho ta, nhưng vì sống trong đường hiểm sanh tử, thiếu niệm đại bi, xa rời chánh định.  Vì vậy, chúng ta gần Phật mà chẳng thấy Ngài, không vào được cửa Pháp Hoa. 

Vì những chúng sanh này, Phật hiện ra trên thế gian như một đóa sen, một đấng cứu thế. 

Đứng ở vị trí ngũ thừa, kinh Pháp Hoa được coi là pháp viên đốn, là Tối thượng thừa Viên giáo.  Nếu xét trong năm thời thuyết pháp của đức Phật, thì Ngài nói kinh Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và sau cùng mới giảng Pháp Hoa.  Với vị trí quan  trọng như vậy, phương thức tu hành theo kinh Pháp Hoa hết sức tinh mật. 

Vì là pháp dạy cho Bồ tát, hàng phàm phu tầm thường trong nhân gian khó đặt chân vào thế giới này, trừ khi hội đủ bốn điều kiện như đã nói trên. 

Chính Phật xác định trong phẩm Phương Tiện, khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề, muốn mang pháp tối thượng giảng dạy.  Nhưng quan sát thấy chúng sanh trí kém, đang bị nung nấu trong nhà lửa tam giới.  Nếu chỉ nói nhất Phật thừa, họ không thể hiểu, sẽ chìm đắm trong sanh tử. 

Pháp Phật chứng được thường tự vắng lặng, chỉ có chư Phật mới thấu tột và không thể diễn tả bằng ngôn ngữ phàm phu.  Muốn chỉ cho chúng sanh tướng chân thật, Ngài phải dùng phương tiện. 

Trong 40 năm nói pháp, Phật dùng vô số phương tiện giảng nói các pháp giúp chúng sanh xa  rời ngũ dục thế gian. 

Đến hội Linh Sơn, hàng A la hán dứt sạch chấp trước và lên bờ giải thoát, Ngài mới dạy chân lý Pháp Hoa bằng cách khai tam thừa nói Nhất thừa hay khai phương tiện, chỉ chân thật. 

Các pháp ứng cảm tùy cơ, bên ngoài là Thanh văn Nhị thừa hay quyền thừa cho Bồ tát mới phát tâm, nhưng thực bên trong là ẩn mật Pháp Hoa kinh.  Các pháp phương tiện nói trước, nếu không phải là nhân của Pháp Hoa thì khi nghe pháp chân thật nhất thừa, các đệ tử của Ngài không thể hiểu và phát tâm tu Pháp Hoa được. 

Cũng như chư Phật quá khứ, ban đầu nói pháp Tứ đế đến Thập nhị nhân duyên và Lục độ ba la mật.  Chúng sanh nương theo tu hành, đắc đạo, đắc quả, đắc pháp sai khác. 

Điều này chứng tỏ kinh Phật nói có vô lượng, vô biên, vô số nghĩa.  Bước qua được cửa Vô lượng nghĩa, mới thâm nhập vào cảnh giới Pháp Hoa. 

Vì vậy, kinh Pháp Hoa được thuyết giảng trải qua nhiều năm tháng, hành giả vẫn cảm nhận và tu được.  Nếu chỉ có một nghĩa, thì chỉ cần hành trì một lần là thông được với chư Phật, không phải nhọc công suốt đời tu tất cả pháp. 

Hành đạo từ địa vị phàm phu đến quả Thánh, tâm hành giả triển chuyển theo từng niệm sanh diệt, nên giáo pháp của Phật cũng theo đó mà thay đổi. 

Từ khi sơ chuyển pháp luân đến hội Pháp Hoa, trải 40 năm, Phật rèn luyện và giáo dưỡng chúng tam thừa thuần thục.  Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát ví như ba cấp bậc của tiểu học, trung học và đại học. 

Trong thời gian 40 năm đào tạo chúng tam thừa, Phật đưa ra những mô hình tu tập kiểu mẫu để chuẩn bị cho họ buớc vào tạng bí yếu của Như Lai. 

Ngài Trí Giả đại sư ví Phật trao kinh Pháp Hoa giống như ông trưởng giả chỉ phú chúc gia tài cho người con có đủ tư cách và khả năng trông coi sự nghiệp. 

Cũng vậy, đức Phật huấn luyện chúng hội suốt 40 năm đoạn sạch trần cấu, hoàn toàn thanh tịnh, Ngài mới cho gia bảo Pháp Hoa.  Được giáo dưỡng thuần thục rồi, chúng tam thừa cùng bước vào thế giới Vô lượng nghiã gọi là đồng quy giáo. 

Như vậy, kinh Vô lượng nghĩa là cửa ngõ dẫn vào thế giới Pháp Hoa, dùng để tổng kiểm tra lần cuối tư cách của chúng tam thừa trước khi họ thực sự trở thành hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu. 

Theo Ngài Thiên Thai, thọ trì Pháp Hoa tam đại bộ gồm: Vô lượng nghĩa, Pháp Hoa và Quán Phổ Hiền mới trọn vẹn được. 

Trước khi Phật giới thiệu pháp hội vượt ngoài tầm thấy biết của con người, Ngài nói kinh Đại thừa Vô lượng nghĩ hay nói những gì mà tâm thức con người không tiếp thu được, vì sự vật luôn biến đổi không dừng. 

Lúc trước, chúng hội tu hành theo mô hình cố định để diệt trừ tham sân phiền não.  Đến nay, bước vào thế giới Vô lượng nghĩa, thâm nhập vào dòng thác trí tuệ Như Lai, không còn khuôn mẫu cố định nào có thể có tác dụng. 

Tất cả pháp trôi chảy miên viễn, biến hóa linh hoạt vô cùng tận, chỉ hiện hữu những Bồ tát đa dạng, tùy loại hiện thân để cứu khổ chúng sanh. 

Linh hoạt tánh của Vô lượng nghĩa diễn nói vô cùng tận.  Không đạt được trạng thái tâm chứng này mà tu hành, Huyền Giác thiền sư quở trách như kẻ đếm tiền dùm người khác.  Đếm suốt đời mình, vẫn là kẻ ăn xin, chẳng được lợi ích gì. 

Trụ trong Vô lượng nghĩa, một câu một chữ trong kinh mang ý nghĩa biến đổi không lường, là nhịp cầu đưa hành giả đến thế giới mầu nhiệm của Pháp thân và Báo thân Phật. 

Thật vậy, Ngài Trí Giả thâm nhập cửa Vô Lượng nghĩa bước vào thế giới Pháp Hoa cảm nhận được chữ Diệu, Ngài giảng cho vua Tuyên Đế nghe suốt ba tháng vẫn chưa nói hết ý nhgĩa của chữ này. 

Hoặc Ngài Nhật Liên Thánh nhân tổng nhiếp được Vô lượng nghĩa trong một câu niệm đề kinh Pháp Hoa.  Ngài liền thông được tất cả pháp, tạo thành một lực dụng bất khả tư nghì, sóng bủa ba đào cũng phải lặng yên và chuyển đổi cả tư tưởng xã hội thời bấy giờ. 

Trước khi đưa chúng hội vào cảnh giới pháp Hoa, Phật nói kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa. 

Bồ tát Đại Trang Nghiêm hỏi Phật:  “Kinh này từ nơi nào tới, sẽ về đâu và trụ ở chỗ nào?”.  Ngài trả lời:  “Kinh này từ nhà chư Phật mà tới”. 

Nhà chư Phật là tâm từ bi.  Chúng tam thừa đã ra khỏi sanh tử, vì tình thương tràn đầy đối với chúng sanh mà đức Phật trao kinh này cho các Ngài.  Tâm từ của các Ngài lan rộng đến đâu thì pháp cũng theo đó biến chuyển thành vô lượng. 

“Kinh này sẽ đến chỗ chúng sanh phát tâm Bồ đề”.  Chúng tam thừa đã phát tâm Bồ đề, đã vượt ra ngoài định luật chi phối của tam giới và đang tiếp tục đoạn đường cầu Vô thượng chánh đẳng giác, cứu độ chúng sanh. 

Thành tựu tư cách như vậy, các Ngài mới đủ khả năng thâm nhập trí tuệ Như Lai và trở thành người thay thế Phật diễn dịch Vô lượng nghĩa pháp. 

Qua câu trả lời của Phật với Bồ tát Đại Trang Nghiêm, chúng ta nhận được ý nghĩa của danh từ “Giáo Bồ tát pháp” trong tên kinh, không chỉ đơn giản có một nghĩa thông thường là pháp để dạy Bồ tát.  Nó còn mang ý nghĩa quan trọng là pháp để hình thành các vị Bồ tát, một biểu tượng đẹp trong nhân gian, khiến mọi người quy ngưỡng, làm lợi ích cho muôn loài. 

Ngoài ba đặc tính:  Đại thừa, vô lượng nghĩa, giáo Bồ tát pháp, đặc tính thứ tư của pháp này là Phật sở hộ niệm.  Chư Phật hành đạo Bồ tát là tu nhân, thành Phật là kết quả.  Qua quá trình tu hành, các Ngài đã tìm ra chân lý, tìm được dòng thác trí tuệ Như Lai và đang sống trong kết quả đó.  Nếu rời bỏ tri giác ấy, không còn là Phật. 

Tư cách của hành giả tham dự vào cảnh giới Vô lượng nghĩa, được triển khai đầy đủ qua ba phẩm: Đức hạnh, Thuyết pháp và Công đức. 

Ba phẩm này tiêu biểu cho ba tầng kiểm tra tư cách hành giả.  Tầng thứ nhất kiểm tra đức hạnh, tầng thứ hai kiểm tra tri thức và tầng thứ ba kiểm tra khả năng truyền bá kinh Pháp Hoa của hành giả. 

Vượt qua ba tầng kiểm tra này, hành giả là mẫu người lý tưởng, hoàn toàn thánh thiện để bước vào cảnh giới mầu nhiệm Pháp Hoa. 

1 – Kiểm tra đức hạnh: 

Mục tiêu Phật ra đời, giảng kinh Pháp Hoa, khai tri kiến Phật, giúp cho chúng sanh thành Phật.  Tuy nhiên, quan sát chúng sanh nghiệp cấu nặng nề, đầy đủ tham sân phiền não, không thể trong nhất thời chuyển đổi chúng thành thuần thiện được.  Ngài mới dùng phương tiện diù dắt họ từng bước vào đạo.

Trải qua 12 năm đầu, Phật nói pháp Tứ đế, lấy giới làm căn bản, tác động cho đại chúng xa rời nghiệp ác, phát triển tánh lành, trở thành người tốt trong xã hội. 

12 năm này chỉ để xây dựng đại chúng thành người đức hạnh, đào tạo con người phàm phu trở thành một Tỳ kheo.  Tỳ kheo là người phải có dáng giải thoát, trông xa thấy đẹp như loài cỏ hương, nhưng sống gần vị Tỳ kheo thấy càng đẹp hơn.  Không phải chỉ có tướng hảo bên ngoài, cử chỉ, lời nói, hành động đều thánh thiện kiến cho người vơi đi phiền não. 

Chúng Thanh văn tu pháp Tứ đế, rèn luyện đức hạnh, trở thành người đạo đức thực sự, không lỗi lầm, không làm mất lòng người.  Họ mới có thể giáo hóa chúng sanh. 

Phật uốn nắn Thanh văn trong quá trình 12 năm tu, phải lóng nghe những chỉ trích xung quanh để y pháp sám hối, tự sửa mình cho trong sạch lần và tu cho tròn đủ 37 trợ đạo phẩm.  Trong 37 Trợ đạo phẩm lấy Bát chánh đạo làm căn bản để định giá trị của hành giả Pháp Hoa. 

Trước hết, hành giả tự xét cái nhìn sự vật có chính xác hay không, có đúng sự thật không?  Thông thường cái thấy của phàm phu thường bị thiên lệch hoăïc tầm nhìn không quá đường chân trời, còn bị lệ thuộc vào yếu tố tình cảm từng người.  Nếu thấy trên căn bản tham vọng, bè phái, thì còn vô số sai trái khác nữa. 

Tùy trình độ tu chứng mà chúng hội đạt được những cái thấy khác nhau.  Hàng A la hán an trụ thiền định, thực chứng huệ nhãn, biết được diễn biến của ba đời trước và ba đời sau.  Hàng Bồ tát chứng đắc pháp nhãn biết được tổng hợp các pháp và đến giai đoạn cuối cùng đắc được Phật nhãn thấy tất cả pháp tồn tại biến hóa một cách chính xác như thấy vật trong lòng bàn tay. 

Kế đến kiểm tra lời nói của hành giả có đúng như thật hay không.  Tâm lý thế gian thường muốn cho câu chuyện hấp dẫn, thường bịa đặt thêm thắt Phật dạy chúng ta không được nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều.  Sở dĩ Phật được mọi người tin cậy, tôn kính, vì lời nói của Ngài luôn luôn đúng.  Ngài suy nghĩ lời hay lẽ phải theo chánh pháp. 

Chúng sanh thì để tâm trí chạy theo ý nghĩ ác độc tà dại, buông lung.  Sức tập trung trở thành yếu kém.  Trái lại, Phật luôn trụ trong tư duy chân chính, mọi hiểu biết không bao giờ sai lầm. 

Từ suy nghĩ đúng đắn, hành giả siêng năng phát huy việc làm tốt đẹp, mang lợi ích cho mọi người.  Ngoài ra, đời sống và nghề nghiệp của hành giả Pháp Hoa phải lương thiện chân chính và luôn sống trong tam tạng giáo điển.  Sự hiểu biết của hành giả do trầm mình trong giáo pháp Như Lai, đạt được thấy biết chính xác.

Thành tựu viên mãn pháp tu Bát chánh đạo, tròn đủ giới đức, qua được cửa thứ nhất của Vô lượng nghĩa để thâm nhập thế giới Pháp Hoa.  

Nếu thiếu phần đức hạnh căn bản này, hành giả tự bị đào thải từ vòng thứ nhất như  5,000 Tỳ kheo tăng thượng mạn.  Họ không bị ai đuổi mà tự xấu hổ, lễ Phật, rồi bỏ đạo tràng ra đi. 

 

2 – Kiểm tra khả năng hiểu biết là nội dung của phẩm Thuyết Pháp: 

Trước khi hành giả thuyết pháp, phải thấu rõ pháp.  Nếu không biết mà giảng nói, pháp trở thành phi pháp. 

Ở giai đoạn trước, tu Duyên giác, Phật dạy quan sát các pháp.  Nghĩa là quan sát sự vật biến chuyển và biết được sự thay đổi chính xác của nó, sẽ nói không sai lầm.  

Đức Như Lai không rời thế giới này, Ngài đắc đạo do quán thế gian pháp.  Vì vậy quán sát pháp là quan sát thế gian.  Lìa bỏ thế gian tu hành không thể thành tựu pháp nào. 

Trang bị bằng hiểu biết đúng như thật, từ sơ chuyển pháp luân ở Lộc Uyển đến Kỳ Hoàn tịnh xá qua Trúc Lâm và sau cùng ở hội Linh Sơn, đức Phật thuyết pháp cho các đối tượng khác nhau:  quốc vương, A la hán, Bích chi Phật, Bồ tát.  Tùy cơ cảm mà chúng hội thọ nhận pháp tương ứng lợi lạc khác nhau. 

Tuy nhiên, gặp đối tượng có đủ khả năng tiếp nhận, Phật mới giảng.  Đối với hàng Duyên giác có phước đức trí tuệ tích lũy từ nhiều đời, bẩm tánh thông minh.  Ngài dạy họ pháp quán nhân duyên, quan sát vũ trụ từ hữu hình đến vô hình, thấy được cội nguồm của chân thật pháp và mối tương quan tương duyên tạo nên tồn tại giữa các pháp. 

Từ đó, Duyên giác dùng lửa chánh định đốt sạch, không còn vật nào dính líu với họ và đạt quả vị Bích chi Phật.

Phật cũng dạy họ quan sát về sự hình thành của thân người do tứ đại tạo nên.  Đối với người chỉ sống với bản năng, cơm ăn áo mặc, tất nhiên tuyệt phần ở lãnh vực tri kiến này. 

Hàng Bích chi Phật quan sát tận cùng thân ngũ uẩn, thấy rằng nó có do nhân duyên giả hợp, nhân duyên ly tán, thân sẽ tự mất.  Dù sao, con người theo lời Phật dạy là một sinh vật tối linh so với các loài khác.  Chỉ có con người mới có khả năng tu thành Phật, nhờ tám giác quan mà các loài khác không hội đủ. 

Khi tu pháp quán 12 nhân duyên để trở thành Bích chi Phật, đức Phật dạy hành giả quan sát ngũ ấm có sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức tổng cộng gọi là 18 giới.  18 giới này tác động trong sáu đường chúng sanh gây ra 108 phiền não. 

Quan sát căn bản phiền não qua pháp nhân duyên, nhận thấy từ một niệm tâm của hành giả phóng ra, xoay vần trong sự tương quan tương duyên biến hóa và đưa đến tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao. 

Ở giai đoạn kiểm tra đợt hai, hành giả phải có khả năng hiểu biết tường tận, biết được diễn biến vật lý và tâm lý đúng như thật rồi mới thuyết pháp.  Vì vậy bài pháp của hành giả thỏa mãn được sở cầu sở nguyện của chúng sanh, mới giáo hóa họ được. 

Trụ ở từng thứ nhì của Vô lượng nghĩa, hành giả đang đi trên con đường Trung thừa. 

Tư cách đạo đức ở tầng thứ nhất của Vô lượng nghĩa phải gắn liền với tri thức chính xác như thật ở giai đoạn hai, mới thực sự tạo thành hình ảnh một hành giả Pháp Hoa thay Phật tuyên pháp mầu trên thế gian này.

 

3 – Tầng thứ ba của Vô lượng nghĩa kiểm tra về khả năng giáo hóa là Bồ tát hạnh hay mười điều công đức của kinh:

 

Khi đầy đủ đức hạnh vẹn toàn và trang bị một tri kiến chính xác đúng như thật, hành giả dấn thân vào đời chứng nghiệm những bài pháp học được ngay trong thực tế cuộc sống. 

Mỗi người tùy tư thế và vị trí hành đạo mà sử dụng được từng phần công đức khác nhau.  Nếu hành giả may mắn vào được thế giới Pháp Hoa, nhận được một trong những công đức bất khả tư nghì.  Nhưng một niệm tâm khởi lên ngăn cách với đức Phật, hành giả liền rơi trở lại thực tế của phàm phu.  Bấy giờ tưởng còn mầu nhiệm, nhưng sự thật không có kết quả nữa. 

Cũng như muốn sử dụng máy phải có người biết điều khiển.  Con người của Pháp Hoa mới thọ trì được Kinh Pháp Hoa.  Con người của Pháp Hoa là Bồ tát ở dưới dạng thức thứ hai, không phải là con người phàm phu này. 

Vì vậy tu các pháp thuộc nhân thiên, đức Phật ví như ta làm việc “cái giá một ngày” hết sức cực khổ mà lợi ích không được bao nhiêu. 

Tất cả việc hành giả làm dù hữu lậu hay vô lậu, nếu biết nương theo Bồ tát hạnh đều được chuyển sang thế giới Thật Báo.  Nhờ vậy tuy thân còn ở thế giới này mà đã liên hệ với thế giới kia. 

Khi hành giả làm việc bằng tâm vô cầu, mọi công đức mầu nhiệm sẽ tuần tự hiện ra.  Trái lại, khi đặt kế hoạch liền kẹt vào cuộc sống:  sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nghĩa là bị con người ngũ uẩn ngăn che, không thể nhận được mầu nhiệm nữa. 

Mười công đức của kinh Pháp Hoa dưới đây là kết quả của Bồ tát ở tam thừa, chỉ bằng Bồ tát sơ phát tâm ở viên thừa.

 

1 – Công đức thứ nhất:  Chuyển phiền não thành Bồ đề. 

Khi hành giả thọ trì kinh, tâm duyên được với kinh và Phật, công đức lành sanh ra.  Những ngăn che của phàm phu tự tan biến, sáu căn trở thành thanh tịnh.  Tất cả phiền não trước kia tác hại hành giả bao nhiêu, nay đều chuyển thành phương tiện tốt để hành đạo. 

Trước đó, khi chuyển pháp Tứ đế ở thành Ba la nại, Đức Phật dạy phải đoạn trừ phiền não.  Vì đối với tâm lượng chán nản mệt mỏi của chúng hội bấy giờ, phiền não là chướng ngại. 

Ngược lại, nay tuy Bồ tát bị cách ấm, mang thân phàm phu mà cảm được kinh hay niệm danh hiệu Phật, tất cả nghiệp xấu trở thành tánh Bồ đề, ác hóa thiện.  Ví như hoa sen hút bùn nhơ chuyển ra hương sen thơm ngát. 

Nương công đức kinh và thần lực của chư Phật, hành giả chuyển đổi toàn bộ con người, những tâm trược ác, tham lam ganh ghét, sân hận, si mê không còn tác dụng nữa và biến thành tâm đại bi, nhẫn nhục, trí tuệ. 

Tuy nhiên, nếu hành giả khởi niệm đắc được pháp này, tức thì công đức cũng tự động tiêu tan theo vọng niệm điên đảo. 

Sử dụng được công đức bất khả tư nghì thứ nhất, hành giả có khả năng hành đạo như Bồ tát sơ địa.  Chẳng những không qua giai đoạn tiệm tu của Thanh văn, mà bỏ luôn được 40 giai đoạn của Bồ tát từ thập tín đến thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng để đi thẳng vào Bồ tát thập địa.  Đạt được công đức thứ nhất, tự nhiên công đức thứ hai sanh ra. 

2 – Công đức thứ hai:  Tu một pháp thông tất cả pháp. 

Theo ngài Trí Giả, từ Phật giới quan sát tất cả pháp xuống đến tận cùng 9 loài thế giới khác đều không chướng ngại.  Khởi đầu, Phật nói pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều Trần Như và các ông tiếp nhận được dễ dàng.  Pháp này là tư nghì sanh diệt Tứ đế, không phải là pháp chân thật, vì có thể tu và hiểu bằng tri thức phàm phu. 

Từ pháp sanh diệt lần tu lên, tâm niệm chúng hội đổi thay từng giai đoạn và nhận được nghĩa lý khác nhau.  Quả vị cũng theo đó lớn dần, đắc được pháp noãn, pháp đảnh, pháp nhẫn, quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. 

Đến giai đoạn này, chúng hội đã bước sang bất tư nghì sanh diệt Tứ đế, vượt ngoài hiểu biết của loài người. 

Đến quả vị A la hán, chúng hội vượt qua ranh giới sanh diệt môn, vào cảnh giới bất tư nghì bất sanh bất diệt Tứ đế.  Hành giả hoàn toàn tự tại, nói pháp không chướng ngại.  Cũng những ngôn ngữ ban đầu, mà nay giải đáp được vô số bài toán của thế gian.  Đó là con đường hành đạo thông thường của mọi người. 

Tuy nhiên, hành giả Pháp Hoa không theo phương hướng này.  Hành giả đốt giai đoạn, vượt bỏ thời gian 40 năm theo Phật, nghe pháp, để đạt đến tiền Pháp Hoa. 

Hành giả dùng tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô nhiễm trước mọi phiền não trần lao, tu một pháp thông được tất cả pháp.  Ở giai đoạn này, hành giả vẫn làm công việc bên ngoài thấy tầm thường như lạy Phật, tụng kinh.  Nhưng tạo được lực dụng bất khả tư nghì, tự nhiên thông được tam thiên đại thiên thế giới. 

Hành giả thông suốt pháp Phật và căn tánh hành nghiệp của chúng sanh.  Vì vậy, một câu, một chữ trong kinh giảng thành vô số nghĩa, nói một ngày, một tháng, một năm cũng không hết. 

Chúng sanh đến, hành giả biết họ muốn gì, làm gì, tu pháp gì và tùy căn cơ, dạy họ được lợi ích. 

Trường hợp điển hình ở Nhật có ông Ikeda sử dụng được công đức thứ hai này.  Ông mồ côi cha mẹ, làm nghề bán báo, được Nhật Đạt Thượng Nhân dạy niệm đề kinh, bất thần ông mất tướng ngọng và trở thành pháp sư nói giỏi hơn thầy.  Nhờ niệm đề kinh, ông thông được tất cả pháp.  Nương thần lực kinh, ông tự động giải đáp tất cả vấn đề, không phải học. 

Thành tựu công đức thứ hai, tuy còn mang thân phàm phu nhưng làm việc như hàng Bồ tát nhị địa. 

3 – Công đức thứ ba:  Hành giả còn phiền não vẫn được tự tại trong ba cõi. 

Khi thông được tất cả pháp, hành giả qua lại ba cõi, xuống lên chín đường hoàn toàn không chướng ngại, không ô nhiễm.  Mặc dù mang thân ngũ ấm, đã liên hệ được với chư Phật tương tục, ra vào sanh tử tự do.  Từ Bồ tát giới đến địa ngục giới, tùy ý thay đổi sắc thân.

 

Đến đây, hành giả đủ tư cách đảm nhiệm sứ mệnh mà Phật giao phó.  Dù ở trong nhà lửa, vẫn an nhiên tự tại đưa mọi người về thế giới Cực lạc.  Đây là tư thế của Bồ tát ở Ta bà để trợ hóa cho Phật, tương đương với Bồ tát đệ tam địa. 

4 – Công đức thứ tư:  Chưa độ mình mà có thể độ người. 

Tuy còn thân phàm phu vẫn làm bạn được với Bồ tát mười phương.  Cũng như Huệ Tư thiền sư lập giới đàn vô tướng để đưa Trí Giả đến thế giới chư Phật, tham dự vào Bồ tát học xứ, ngang hàng với Bồ tát hành đạo trong mười phương. 

Dù chỉ mới phát tâm Bồ đề, hành giả cũng được coi là Pháp vương tử, cha là Phật, mẹ là kinh Pháp Hoa.  Bồ Tát mới phát tâm được ví như hoàng tử.  Dù còn nằm nôi vẫn được thần dân kính nể và làm bạn với các con vua khác. 

Ở vị trí đồng đẳng với Bồ tát mười phương, hành giả một mặt trụ thân nơi Ta bà, một mặt tham dự các Bồ tát học xứ, trau giồi trí tuệ.  Vì vậy, tuy hành giả còn nhỏ nhưng nhận được Phật lực, Pháp lực, Bồ tát lực mười phương, tạo được lực dụng bất khả tư nghì, ngày đêm đều có Thiên long bát bộ che chở, ác ma ngoại đạo không xâm hại được. 

5 – Công đức thứ năm:  Tuy còn phiền não mà làm việc như có thần thông. 

Trì kinh Pháp Hoa đạt được bốn điều công đức nói trên, hành giả tuy còn phiền não, trông vào thật tầm thường, nhưng làm được việc phi thường. 

Đó là Bồ tát nội bí ngoại hiện, bề ngoài thị hiện thân phàm phu, Thanh văn, mà bên trong đầy đủ thần thông, độ được vô số chúng sanh.  Việc làm của các Ngài vượt ngoài sự thấy biết của phàm phu. 

Họ hành đạo dưới dạng tâm chơn như, tác động cho người mà người cũng không hay biết.  Kinh ví họ như Long cung thái tử, mới sanh 7 ngày đã có thể làm mây nổi lên và mưa tuôn xuống.  Hành giả ở giai đoạn này ngang với Bồ tát đệ ngũ địa. 

6 – Công đức thứ sáu:  Tuy còn phàm phu mà làm cho người dứt phiền não. 

Hành giả còn đủ phiền não ràng buộc, nhưng đã là bóng mát nương tựa cho chúng sanh.  Những tâm hồn đau khổ tuyệt vọng đến độ có thể tan thân mất mạng, nếu đến với hành giả đều được bình ổn.  Thậm chí chỉ nghe tên, hoặc chỉ nghĩ đến hành giả, cũng nhận được sự an lành. 

Nương công đức kinh, hành giả trấn át được nghiệp lực chúng sanh, trong nhất thời, ngang hàng với đệ lục địa Bồ tát. 

Được công đức thứ sáu này, lời nói nào của hành giả cũng thành sự thật.  Mọi người nương theo tu hành đều đắc pháp, đắc quả.   

Kinh ví như hoàng tử còn nhỏ, nhờ uy đức của vua cha nên cai trị được toàn dân.  Hành giả cũng vậy, tuy còn ở địa vị phàm phu, nhưng nhận được Phật lực truyền vào, thay thế chư Phật giáo hóa chúng sanh, mọi việc làm đều là Phật sự. 

7 – Công đức thứ bảy:  Tự nhiên được Ba la mật và các thần thông. 

Đồ chúng của đức Phật như Ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề v.v... theo Phật từ ban đầu, gia công tu hành 37 Trợ đạo phẩm, chứng Diệt đế Niết bàn. 

Hành giả Pháp Hoa không tu 37 phẩm Trợ đạo, mà tự nhiên các Trợ đạo phẩm đều thành tựu.  Thật vậy, hành giả không cần phải trải qua nhiều kiếp để tu pháp đoạn dục khử ái, chỉ nhất tâm thọ trì kinh Pháp Hoa, tự động nhàm chán mọi đắm say dục lạc thế gian. 

Hoặc hành giả không tu Bát chánh đạo, pháp này cũng tự thành tựu.  Vì trong một niệm tâm thanh tịnh tương ưng với kinh, thấy đúng như thật, không còn tà dại.  Chẳng những 37 phẩm Trợ đạo mà cả 6 pháp Ba la mật không tu, tự nhiên chứng được. 

Tuy nhiên, đó không phải là thực chứng như hàng A la hán, Bồ tát đạt được.  Hành giả nương vào công đức kinh và thần lực chư Phật có được những pháp bất khả tư nghì này.  Ngược lại, chỉ khởi một niệm tăng thượng mạn, liền rớt trở lại thân phận hẩm hiu của phàm phu. 

8 – Công đức thứ tám:  Những người chống trái thành thuận. 

Hành giả có khả năng làm cho người phát tâm Bồ đề.  Họ không phát tâm, nhưng nhờ nương công đức kinh, hành giả chuyển đổi được họ. 

Bồ tát sơ tâm khởi một niệm thanh tịnh duyên với kinh, sẽ khơi dậy tâm Bồ đề cho tha nhân.  Nhưng niệm sau không thanh tịnh, nên không trưởng dưỡng được Bồ đề tâm. 

Ngược lại, các vị Bồ Tát lớn thanh tịnh miên viễn, công đức tròn đầy, bất cứ lúc nào nghĩ tưởng đến các Ngài, chúng sanh đều thanh tịnh.

 

9 – Công đức thứ chín:  Túc nghiệp dứt, được nhạo thuyết biện tài, chứng được đà la ni. 

Đến giai đoạn này, những nghiệp còn lại nhất thời đều tan hoại và hành giả được nhạo thuyết biện tài, chứng được đà la ni, tương đương với Bồ tát cửu địa.   

Đến giai đoạn này, hành giả thông suốt mọi vấn đề không cần phải học, như hai vợ chồng ông Okano ở Nhật được gọi là ông Hòa Thượng, là một người thợ sửa radio tầm thường. 

Khi ông phát tâm Bồ đề, nương công đức kinh tu tập, cuộc đời hai người hoàn toàn đổi khác.  Từ một người thợ tầm thường, cả hai ông bà trở thành pháp sư nổi tiếng, nhạo thuyết biện tài.  Bất cứ người nào đến với ông bà cũng tìm được sự bình an cho tâm hồn.  Vì mức độ cảm nhận kinh và lòng từ bi của ông bà liên tục nên công đức và phước báo không thay đổi. 

Đắc được pháp này, tuy còn ở địa vị phàm phu, đã phân thân đi giáo hóa khắp thế giới, thậm chí dạy cả loài thú tu hành. 

Hành giả thuyết pháp, khuyên dạy dưới dạng con người thứ hai, chính hành giả cũng không biết.  Vì vậy, từ loài người đến loài cầm thú cảm ơn giáo hóa, tìm đến quy ngưỡng. 

10 – Công đức thứ mười:  Phàm phu thân hành Bồ tát đạo. 

Sử dụng được công đức thứ mười, hành giả tương đương với Bồ tát đẳng giác.  Tuy còn ở chốn phàm phu đã phát được a tăng kỳ thệ nguyện.  Tình thương của hành giả bằng với Quan Âm, phổ cập đến muôn loài mọi giới, nhất thời đầy đủ 10 hạnh nguyện của Phổ Hiền. 

Nương công đức kinh giáo hóa được khắp mười phương.  Một niệm vọng động khởi lên, liền rớt trở lại thế giới phàm phu.  Nhưng hành giả vẫn nhận được công đức từ các thế giơí kia gởi về, nghĩa là bị đọa mà vẫn tu được. 

Mười công đức nói trên được Phật xác định chỉ có Bồ tát nhân gian mới sử dụng được.  Bồ tát nhân gian là Bồ tát vì thương chúng sanh trở lại cõi Ta bà để hóa độ. 

Các Ngài thọ ngũ ấm thân, bên ngoài vẫn có phiền não trần lao như mọi người, còn bị nghiệp tập quán chi phối, nhưng bên trong hoàn toàn thanh tịnh. 

Khi thọ trì kinh, thân tâm các Ngài hoàn toàn thanh tịnh, đương nhiên phá được bức màn vô minh.  Và trở lại tư thế phàm phu, các Ngài vẫn thanh tịnh. 

Vì vậy, Phật khẳng định Bồ tát hiện vào Ta bà độ sanh có kinh bảo quản, không sợ mất kiếp.  ngược lại, thân tâm của chúng phàm phu đều nhiễm ô.  Nghiệp chủng tử của họ là nghiệp tội lỗi, chưa đối cảnh mà tâm ác đã hiện ra.  Đây là chúng sanh phàm phu điên đảo, vì năm món dục trôi lăn trong sanh tử, không thể sử dụng được phần công đức này. 

Tóm lại, kinh Vô lượng nghĩa đánh dấu tổng kết 40 năm thuyết pháp của Phật và mở ra cánh cửa cho chúng tam thừa đã hoàn tất quá trình tu giới, định, tuệ bước vào thế giới Pháp Hoa.  Các Ngài nhận lãnh ấn chỉ của Phật, thay Phật giáo hóa ở cõi Ta bà làm lợi lạc cho chúng hữu tình.

 

---o0o---

 

Mục Lục >> Phẩm 1

 

---o0o---

 

Vi tính: Jane Le. Trình bày: Nhi Tuong

Cập nhật: 01-10-2006

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

å æžœå žå¾ vien ngoc minh chau Ni giới Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX 七五三 æ ²ç å Các thực phẩm chay đánh bật ÐÑÑ loi khuyen cuoc song tu nhung nguoi thanh cong gião về เฏ vi sao phat giao duoc bau chon la ton giao thé tap tho mua xuan toan ven Quảng একব র khà ng 护法 激安仏壇店 cuối đời trắng tay หลวงป แสง hãy còn bỏ vết chim 簡単便利戒名授与水戸 願力的故事 أبا درج Dựng tượng Quách Thị Trang trước Dấu chân chợ Tết thã¹y 心经 tam hoan hy 梵僧又说我们五人中 Nghiên cứu về Ni giới một đề 散杖 Một chuyến trở về rÃÆ VÃƒÆ 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 僧人食飯的東西 æ²çå tịnh Thêm lý do để đưa bông cải xanh vào 一念心性 是 心中有佛 mở 因地不真 果招迂曲 cáo 機十心 夜渡凡尘 削发更衣 放下凡夫心 故事