PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Lúc bấy giờ Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “Thế-Tôn! Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào nghe Kinh Pháp-Hoa mà lòng vui đẹp (tuỳ hỷ), thì những người ấy đặng bao nhiêu phước đức?.
Phật bảo Bồ-tát Di-Lặc:“A-Dật-Đa! Sau khi Như-Lai diệt độ, nếu có Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cùng hạng người trí khác, nghe Kinh này mà lòng vui đẹp, rồi từ trong pháp-hội ra đến chỗ khác hoặc tại nơi chư Tăng ở (tăng -phường), hoặc chỗ vắng vẻ, hoặc nơi thành ấp, đường sá, xóm làng, ruộng rẫy, đem điều đã nghe, tuỳ sức mà diễn thuyết cho cha mẹ, họ hàng, bạn lành, bạn học cùng nghe, rồi những người này nghe xong lại đi chuyển dạy cho người khác nữa, như vậy cho tới người thứ năm mươi, thì, này A-Dật-Đa, công đức nghe Kinh vui đẹp của hàng thiện-nam-tử nữ-nhân thứ năm mươi đó sẽ được như lời ta sắp nói đây, ngươi hãy lóng nghe”
“Nếu có người làm hạnh bố-thí, ban cấp những thức cần dùng cùng ngọc ngà, châu báu, voi ngựa, xe cộ, cung điện, lầu gác cho vô số chúng-sanh trong vô số thế-giới, suốt một thời-gian là 80 năm. Tài thí như vậy xong rồi, vị thí-chủ ấy lại nghĩ đến việc đem Phật-pháp ra mà dạy dỗ dìu dắt chúng-sanh lúc ấy đã già suy, tuổi quá tám mươi, tóc bạc mặt nhăn, không bao lâu sẽ chết. Vị thí chủ ấy liền nhóm chúng-sanh giáo-hoá, khiến chúng đặng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Ý của ông nghĩ sao? Công-đức của vị đại thí-chủ đó có nhiều chăng?”.
Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “Thế-Tôn! Công-đức của người ấy nhiều vô lượng vô biên. Nội việc tài thí đã là vô lượng rồi, hà huống còn pháp thí đến đặng quả A-la-hán”.
Phật bảo Bồ-tát Di-Lặc: “ Ta rành nói ngươi nghe nhé! Công đức của vị thí chủ ấy không bằng một trong trăm ngàn muôn ức phần công đức của người thứ năm mươi nghe Kinh Pháp-Hoa mà lòng vui đẹp”.
“Này A-Dật-Đa, người nghe Kinh Pháp-Hoa thứ năm mươi mà còn được công đức tuỳ hỷ vô lượng vô biên như thế, huống hồ hạng người nghe Kinh lúc ban sơ, ngay trong Pháp-hội”.
“Này A-Dật-Đa! Nếu có người vì lòng muốn nghe Kinh này mà đến chùa, hoặc ngồi, hoặc đứng, dầu trong chốc lát để nghe nhận lời Kinh, người ấy sẽ có những công đức nhờ đó mà sẽ tái sanh trong cảnh giàu có rồi sau lại lên thiên cung”.
“Còn người nào, trong chỗ giảng Kinh mà biết khuyên người đến sau ngồi nghe, hoặc chia chỗ cho ngồi, thì người ấy, khi chuyển thân, đặng chỗ ngồi của Đế-Thích, Phạm-vương hay Chuyển-luân-Thánh-vương.
A-Dật-Đa! Nếu lại có người giới thiệu và khuyến khích người khác đi nghe giảng Kinh Pháp-Hoa, và người được khuyên nhận lời đến nghe, dầu trong chốc lát, thời người giới thiệu và khuyến khích đặng công-đức, khi chuyển thân, cùng sanh một nơi với hàng Bồ-tát “đà-la-ni”, căn tánh bén nhọn, có trí-huệ, trăm ngàn muôn đời chẳng hề ngọng câm, miệng lưỡi không hôi thối, môi răng tốt đẹp, mặt mày đoan-trang, mũi lớn cao thẳng.
A-Dật-Đa! Ngươi thử xem; khuyên một người đi nghe Pháp mà được công-đức như thế, hà huống một lòng (nhất tâm) nghe, nói, đọc, tụng kinh Pháp-Hoa, lại trong đám đông vì Người mà giải thích và tu hành đúng như lời nói trong Kinh”.
*
* *
Huyền nghĩa
Vui sướng nghe Kinh, dầu trong chốc lát, vui sướng mời kẻ khác cùng nghe, chia chỗ cho kẻ khác cùng ngồi nghe, giới thiệu, khuyến khích người nghe, tất cả những công-đức ấy lớn lao vô cùng, không thể đem những công-đức tài-thí, pháp-thí của Tiểu-thừa mà so sánh được.
Tại sao? Tài-thí và pháp-thí của Tiểu-thừa chưa phải là con đường đưa đến sự Giải-thoát hoàn toàn, chưa phải là ánh-sáng giúp chúng-sanh tự thấy có khả năng thành Phật, nói tóm, chưa vạch cho chúng-sanh thấy Sự-Thật trong Kinh Pháp-Hoa.
Nghe Kinh Pháp-Hoa mà thích, mà vui là người chẳng phải tầm thường, nhưng công-đức chưa bằng hạng người vui nghe và khuyến khích người khác cùng nghe như mình. Ở hạng sau này, lòng vị tha của Bồ-tát đã phát khởi.
Nhưng cũng chưa bằng công-đức của người nghe diễn, đọc, tụng và tu hành đúng như Kinh dạy.
*
* *
Lúc bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát Thường-Tinh-Tấn: “Nếu có trai lành gái tín nào lãnh giữ Kinh Pháp-Hoa này bằng cách hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì người đó đặng:
- 800 công-đức về mắt
- 1200 - tai
- 800- mũi
- 1200 - lưỡi
- 800- thân
- 1200 - ý.
Dùng những công đức ấy mà trang nghiêm (làm cho tốt đẹp) sáu căn, thì sáu căn được thanh-tịnh.
1)Nhãn căn công-đức. Đôi mắt thịt cha mẹ sanh ra, nếu được thanh-tịnh, thì thấy được tất cả núi rừng, sông biển trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới, thấp đến địa ngục A-Tỳ (Avici), cao đến Trời Hữu-đảnh; cũng thấy được tất cả chúng-sanh trong các thế-giới ấy, cùng những nghiệp-nhân, nghiệp-báo và những nơi sanh do quả báo định. Tất cả những sự việc ấy đều thấy, đều biết với đôi mắt phàm thanh-tịnh
2)Nhĩ căn công đức. Đôi tai cha mẹ sanh ra, một khi được thanh-tịnh rồi, thì nghe được tất cả các thứ tiếng khắp ba ngàn đại thiên thế-giới, như:
· tiếng voi, ngựa, trâu, xe (thú vật)
· tiếng khóc la, buồn than
· tiếng trống, tiến loa, chuông lớn, chuông nhỏ
· tiếng cười, tiếng nói
· tiếng trai, tiếng gái, tiếng con nít nam nữ
· tiếng Pháp, tiếng chẳng phải Pháp
· tiếng khổ, tiếng sướng
· tiếng phàm-phu, tiếng Thánh-nhân
· tiếng đáng vui, tiếng chẳng đáng vui
· tiếng trời, tiếng rồng, tiếng các hàng A-tu-la
· tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió
· tiếng địa ngục, súc sanh,ngạ quỉ
· tiếng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật.
Tóm lại, tuy chưa được thiên-nhĩ, nhưng nếu đôi tai tầm thường của cha mẹ sanh ra mà thanh-tịnh rồi, thì tất cả các thứ tiếng trong ngoài ba ngàn đại-thiên thế-giới, đều nghe được và phân biệt từng loại một, nhưng không vì đó mà “nhĩ-căn” phải bị hư hoai.
3)Tỹ căn công-đức. Lãnh giữ Kinh Pháp-Hoa thì mũi được thanh-tịnh, nhờ đó mà “nghe” được các mùi trong ba ngàn đại-thiên thế-giới và phân biệt được:
- mùi các thứ hoa tu-mạn-na, xà-đề, mạt-lợi,..v.v..
- mùi các thứ hoa sen xanh, vàng, trắng, đỏ
- mùi cây có hoa, mùi hoa cây có trái
- mùi các thứ hương.
Lại rõ biết các thứ mùi chúng-sanh, như:
- mùi thú vật (voi, ngựa, dê, trâu,..v.v..)
- mùi trai, gái, con nít nam, nữ
- mùi cỏ cây, rừng bụi, hoặc xa, hoặc gần.
Dầu ở đây, vẫn nghe:
- các mùi cây, hoa trên trời
- mùi nhân dân cõi trời ở các cung-điện hưởng phước, hoặc ở diệu pháp-đường nói pháp, hoặc khi dạo chơi.
Lại cũng nghe được:
- mùi hương của chư thiên đốt
- mùi Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát và Phật.
Nghe nhưng tỹ-căn không hư không lầm. Nếu muốn phân biệt nói cho người khác nghe, thì ghi nhớ không sai.
4)Thiệt căn công-đức. Trì Kinh Pháp-Hoa thì lưỡi được thanh-tịnh, nhờ đó mà:
_ cuối cùng không thọ ác vị.
_ tất cả các thức uống ăn đều xấu tốt, ngon dở, đắng chát đều biến thành vị ngon ngọt như cam-lộ.
_ thuyết pháp nói đến chỗ thâm diệu, thấu đến tâm người nghe, khiến họ vui mừng sướng thích, và cảm hoá được chư thiên và A-tu-la, hàng tu hành giàu có sang trọng.
- vì khéo nói pháp nên được hàng quyền quí, nhân dân theo hầu cúng-dường, và được chư Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật ưa thấy, và người nói pháp khéo ở đâu, thì được chư Phật xoay về phía đó mà nói pháp, nương đó mà có khả-năng thọ-trì tất cả các pháp Phật, lại có thể nói ra tiếng pháp thâm diệu.
5)Thân căn công-đức. Trì Kinh Pháp-Hoa, sau khi Phật diệt độ, thì thân được trong sạch như ngọc lưu-ly, làm cho chúng-sanh ưa nhìn xem thân ấy. Như mảnh gương sáng, thân ấy là thân thanh-tịnh của Bồ-tát, trong đó các sắc-tượng đều hiện mà chỉ riêng mình thấy mà thôi. Các sắc-tượng ấy hoặc là tất cả chúng-sanh trong sáu nẻo luân-hồi, hoặc cung-điện trên các cõi trời, hoặc địa ngục, hoặc Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật.
Tuy chưa được “Vô lậu pháp-tánh diệu thân”, nhưng nhờ thanh-tịnh, cho nên tất cả đều hiện được trong cái thân thương.
6)Ý căn công-đức. Sau khi Phật diệt độ mà Trì Kinh Pháp-Hoa thì được ý căn thanh-tịnh. Dùng ý-căn thanh-tịnh đó mà nghe một bài kệ, một câu kinh cũng đủ thấu suốt vô lượng nghĩa; hiểu rõ diễn nói cả tháng, cả năm cũng được; mỗi pháp nói ra có thể có những nghĩa thú riêng, nhưng tất cả đều đúng với “Thực-tướng” (Réalité). Thậm chí khi bàn nói đến sách vở ngoài đời, cách xử thế tiếp vật hay nghề nghiệp sinh-nhai, cũng vẫn thuận với Chánh-pháp. Lại nữa còn biết được những hành-động, lời nói đùa trong tâm của sáu đường chúng-sanh trong ba ngàn đại-thiên thê-giới.
Dầu chưa đặng trí-huệ vô lậu, nhưng nếu ý-căn thanh-tịnh như thế thì tất cả suy-nghĩ, tính lường, lời nói đều đúng với lời Phật dạy, không chỗ nào là không chân thật và đúng với lời nói của chư Phật trước (thời xưa).
*
* *
Huyền nghĩa
Pháp-sư công-đức là những công-đức thu thập được bởi những người diễn đạt Kinh Pháp-Hoa bằng một trong những cách: đọc theo mặt chữ, tụng hay đọc thuộc lòng, giải thích bằng lời nói, hoặc biên chép.
Làm được những việc ấy gọi là trì-kinh, là nắm giữ Kinh cả về hai mặt văn-tự và nghĩa-lý (posséder). Mà nắm giữ là không rời. Vậy trì Kinh Pháp-Hoa có nghĩa là sống vì Kinh Pháp-Hoa và trong Kinh Pháp-Hoa.
Sống được như vậy, tất 6 căn trở thành lần hồi thanh-tịnh, không còn ô-uế, đầy lấm bụi trần như trước. Do đây Ô. Burnouf dịch “Perfectionnement des sens” (cải thiện 6 căn ngày càng hoàn mỹ).
Phẩm thứ 18 nói về công-đức (mérites, profits spirituels) của việc nghe Kinh mà lòng sanh hoan hỷ. Phẩm 19 này ghi công-đức của việc “thọ-trì”, nhờ đây mà những cái biết bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trước kia eo hẹp, thấp thỏi, phù phiếm và nhất là chấp trước (mê luyến, say đắm) bao nhiêu, thì nay nhờ công-đức thọ-trì mà trở thành bao la, cao thượng, sâu xa, giải thoát bấy nhiêu.
Mắt trước kia chỉ thấy việc hiển hiện trong phạm vi thị-hiếu của mình, như anh ghiền rượu chỉ thấy rượu ngon thịt béo, anh mê cờ bạc chỉ thấy những cuộc đỏ đen…. Ngoài ra không còn thấy, còn biết gì nữa. Nay vì Kinh, theo Kinh không còn vì, còn theo những cái say đắm ấy nữa, nên cái thấy được mở rộng tầm quan-sát, chẳng những trong cõi thế-gian hữu-hình, mà còn trong cõi vô-hình, thậm chí thấy được nghiệp nào đã làm nguyên nhân, những nghiệp nào là quả-báo, luôn cả những nơi mà nghiệp-báo sẽ dắt dẫn tái sanh.
Nhờ công-phu thọ trì mà tai trở thành thanh-tịnh, nghe được khắp vũ-trụ vô biên, những tiếng tăm cả trong lẫn ngoài, của cầm thú, nhân loại, quỉ thần, hiền thánh. Nghe mà nhĩ-căn bất hoại, nghe mà hoàn toàn giải-thíat, không say đắm, trìu mến một thứ âm thanh nào.
Cũng nhờ công-phu thọ-trì mà mũi trở thành thanh-tịnh đến nghe được khắp vũ-trụ vô biên những mùi của chúng-sanh, của chư thiên, chư Thánh-hiền. Nghe hết, thơm cũng như thối, nhưng tỹ-căn không vì đó mà hoại, nghĩa là say đắm. Và nghe được là biết mùi ấy ở đâu.
Lại cũng nhờ công-phu tu trì mà lưỡi biến vị đắng thành ngọt, nói lời thâm diệu, làm thấu lòng người, khiến người sanh lòng vui mừng, sướng thích. Tiếng của người có lưỡi thanh-tịnh là Tiếng Pháp (Pháp âm: La Voix du Dharma, autrement dit de la Vérité).
Cũng thế nhờ công-phu thọ-trì mà trong thân thanh-tịnh hiện ra tất cả các sắc-tượng (phénomènes) của tất cả chúng-sanh trong sáu nẻo, tốt xấu, trên dưới, hoặc của các Thánh-hiền, Bồ-tát, Phật. Thân thanh-tịnh như thế, tuy chưa phải là Pháp-thân chứa đựng tất cả, vẫn có một sức chứa đựng gần bằng Pháp-thân, nghĩa là được “Thanh hoá” (sublimé) khá nhiều rồi.
Rốt hết, cũng nhờ công-phu thọ-trì mà ý-căn trở nên thanh-tịnh, nghe một hiểu mười, hiểu một cách sâu xa và đắc biện tài, muốn diễn nói bao lâu, bao nhiêu cũng được. Thậm chí khi bàn luận về việc đời cũng vẫn có mùi đạo và không sai với chánh-pháp (Người chánh nói pháp tà, pháp tà trở nên chánh). Lại trong chỗ suy nghĩ tính toán, không gì là không chân-thật và hiểu biết lời trong tâm chúng-sanh.
*
* *
Sống với Kinh là sống trong Đạo, là sống xa đời và những ô-nhiễm của đời. Vì vậy tuy chưa chuyển hết 8 thức, vẫn chuyển được 5 thức đầu (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) thành “Thành-sở-tác-trí”, và thức thứ sáu lá ý-thức thành “Diệu-quan-sát-trí”, là bước đầu của người tu học.
Chí như công-đức ít nhiều, thức thì được 800, thức khác lại được 1.200, ấy cũng vì sự nhanh nhọn của mỗi thứ. Thức nào nhạy nhiều trong tội lỗi thì được công to khi chuyển hướng, thức nào nhạy ít thì được công nhỏ. Mắt đâu thấy xa bằng tai nghe, cho nên cách vách không thấy người khổ nhưng tai có thể nghe được tiếng than. Nghe mà cứu giúp, thì công-đức đó phải quy về cho tai. Hoặc nghe tiếng hát đàn mà cảm đến sanh tâm sái quyấy, tội cũng phải quy cho tai. Suy ra mấy thức kia cũng vậy. Vậy “lục tặc” chưa hẳn là kẻ cướp, tùy ta mà chúng sẽ giúp ích, chúng sẽ là “Pháp-sư”, nếu căn của chúng (tâm) được thanh-tịnh bằng nhiều phương pháp mà trì Kinh Pháp-Hoa là một.
Lúc bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát Đại-Thế: “Ngươi nay nên biết, nếu Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di trì Kinh Pháp-Hoa mà bị mắng nhiếc chê bai, thời người mắng nhiếc chê bai mắc tội báo lớn như trước đã nói, còn người trì Kinh thì đặng công-đức như cũng đã nói rồi: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đặng thanh-tịnh.
“Này Đại-Thế, thuở xưa cách nay vô lượng vô biên số kiếp, có Phật hiệu Oai-Âm-Vương ra đời, nhằm thời (kiếp) Ly-Suy, tại nước Đại-Thành. Vì người cầu quả Thanh-văn, Phật nói pháp Tứ-đế; vì người cầu quả Bích-chi-Phật, Ngài nói pháp Thập-nhị nhân-duyên; vì hàng Bồ-tát cầu Vô-thượng-giác, Ngài nói pháp ba-la-mật dẫn đến cứu-kính Phật-huệ.
“Đắc-Đại-Thế, Phật Oai-Âm-Vương sống lâu 40 ức na-do-tha hằng-sa kiếp; Chánh-pháp của Phật trụ trong một số kiếp nhiều như vi-trần của một thế-gian; Tượng-pháp trụ trong một số kiếp nhiều như vi-trần của 4 châu. Sau khi Phật Oai-Âm-Vương diệt độ, Chánh-pháp, Tượng-Pháp diệt độ, một Đức Phật khác ra đời, cùng tại một nước, cũng lấy hiệu là Oai-Âm-Vương. Sau đó và tuần tự, có hai muôn ức Đức Phật ra đời cùng một danh-hiệu”.
“Phật Oai-Âm-Vương đầu tiên diệt độ rồi và sau lúc Chánh-pháp diệt độ thời trong thời Tượng-pháp, các tỳ-kheo tăng-thượng-mạn([1]) có thế lực lớn. Bấy giờ có một Bồ-tát tên Thường-Bất-Khinh([2]). Sở dĩ có tên này là vì mỗi khi gặp các hàng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Bồ-tát lễ lạy khen ngợi: “Tôi rất kính quí vị, không dám khinh dễ, vì quí vị đều đi trên đường Bồ-tát và sẽ được làm Phật". Bồ-tát Thường-Bất-Khinh không chuyên đọc kinh điển, chỉ thực hành việc lễ bái, thậm chí hễ xa thấy tứ chúng là lạy nói: “Tôi chẳng dám khinh quí vị, quí vị đều sẽ làm Phật”.
“Trong tứ chúng, có người lòng bất tịnh, giận mắng: “Ông vô-trí tỳ-khưu này ở đâu đến mà cứ nói” tôi chẳng dám khinh quí vị rồi lại thọ-ký cho chúng tôi sẽ thành Phật; chúng tôi không dùng lời thọ-ký láo khoát đó đâu”.
“Tuy trải qua nhiều năm bị mắng nhiếc, Bồ-tát Thường-Bất-Khinh không giận hờn, cứ luôn nói: “Quí vị sẽ làm Phật”. Lắm khi bị đánh mắng bằng gậy, bị ném gạch đá, Bồ-tát chạy tránh ra xa, miệng vẫn nói: “ Tôi chẳng dám khinh quí vị, quí vị đều sẽ làm Phật”. Vì đó mà ông được gọi là : Thường-Bất-Khinh”.
“Lúc Bồ-tát Thường-Bất-Khinh mệnh chung, trong hư-không nghe tiếng của trọn hai mươi ngàn muôn ức bài kệ Kinh Pháp-Hoa của Phật Oai-Âm đã nói thuở trước. Nghe xong, Bồ-tát liền năng thọ-trì, đặng sáu căn thanh-tịnh như đã nói. Sáu căn đặng thanh-tịnh rồi, Bồ-tát sống thêm hai trăm muôn ức na-do-tha tuổi, vì người rộng nói Kinh Pháp-Hoa”.
“Lúc đó, những người trong tứ-chúng trước kia đã khinh rẻ Bồ-tát Thường-Bất-Khinh, nay thấy Bồ-tát đặng sức thần-thông lớn, sức nhạo-biện-tài, sức đại-thiện-lực([3]) và nghe Bồ-tát thuyết pháp, đều tin phục và theo Bồ-tát (làm đệ tử)”.
“Bồ-tát Thường-Bất-Khinh giáo hoá ngàn muôn chúng, khiến đứng yên trong Vô-thượng-giác. Những chúng ấy, sau khi mệnh chung, đặng gặp hai ngàn ức Phật, đồng hiệu Nhật-Nguyệt Đăng-Minh trong pháp-hội nói Kinh Pháp-Hoa này. Nhờ nhân-duyên đó, những chúng ấy lại gặp hai ngàn Phật đồng hiệu Vân-Tự-Tại Đăng-Vương tại pháp-hội của các Ngài, rồi thọ-trì, đọc tụng, vì hàng tứ-chúng nói Kinh Pháp-Hoa, cho nên sáu căn thường mà đặng thanh-tịnh, nói pháp cho tứ chúng nghe mà lòng không sợ sệt”.
“Này Đắc-Đại-Thế, sau khi cúng dường cung kính, tôn trọng bao nhiêu đức Phật như thế và trồng các rễ lành, Bồ-tát Thường-Bất-Khinh cuối cùng lại gặp ngàn muôn ức Phật, theo Phật-pháp mà nói Kinh này, thành tựu công-đức và sẽ thành Phật”.
“Nay Đắc-Đại-Thế, ngươi có biết Bồ-tát Thường-Bất-Khinh thuở ấy là ai chăng? Đó là thân ta vậy. Nếu đời trước ta chẳng thọ-trì đọc tụng và giải nói cho người khác nghe Kinh này, thời ta chẳng thể mau đặng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Vì ta đã có trong nước Phật, thọ trì, đọc tụng và vì người khác nói Kinh này, nên mau đặng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.
“Này Đắc-Đại-Thế, những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di của thời đã nói, vì khinh tiện ta, nên trong hai trăm ức kiếp luôn luôn chẳng gặp Phật, chẳng nghe Pháp, chẳng thấy Tăng, ngàn kiếp ở địa-ngục chịu khổ não lớn. Hết tội rồi, lại gặp Bồ-tát Thường-Bất-Khinh giáo hoá cho về Vô-thượng-giác”.
“Này Đắc-Đại-Thế, bốn chúng đã khinh khi Bồ-tát Thường-Bất-Khinh nào phải ai lạ, chính đó là những người hiện nay đều là bậc bất-thối-chuyển trên đường Chánh-giác, tức là bọn 500 Bồ-tát của Bạt-Đà-Bà-La, bọn 500 tỳ-khưu của Sư-Tử-Nguyệt, bọn 500 ưu-bà-tắc của Ni-tư-Phật, đang ở trong pháp-hội này”.
“Này Đắc-Đại-Thế, phải biết Kinh Pháp-Hoa này rất lợi ích cho các đại Bồ-tát, có thể giúp họ đến Vô-thượng-giác, cho nên sau khi Phật diệt độ, phải thường thọ trì, đọc tụng, giải nói”.
Đức Phật bèn đọc một bài kệ nhắc lại nghĩa vừa nói.
*
* *
Huyền nghĩa
Ly-Suy là lìa sự suy-tổn, tướng của cái chết. Vậy ly-suy là xa lìa cái chết, tức là giải-thoát sanh tử. Ai giải-thoát đượcsự sanh-tử là người không còn quyến luyến cảnh thế-gian. Có giải-thoát mới thực hiện được một sự thành-công vĩ đại (Đại-thành) là thực-hiện cái Chân-ngã (Oai-Âm-Vương) là nghe được tiếng của tâm (âm), nhận chịu sự điều khiển của oai quyền ấy (oai) như oai quyền của một nhà vua (Vương).
Tâm chỉ có một, cho nên bao nhiêu Phật cũng chỉ có một danh hiệu. Phật lại là Pháp, cho nên cũng chỉ có một Pháp. Do đây Kinh nói Phật Oai-Âm nào cũng chỉ thuyết Tứ Diệu-đế, Thập-nhị nhân-duyên, Lục ba-la-mật.
Lúc tâm còn trong trắng (Phật chưa diệt độ), hoặc trong lúc tâm hết trong trắng (Phật đã diệt độ) mà con người chưa quá xa tâm (thời Chánh-pháp) thời còn khá, vì con người còn có khi biết mình là ai. Đến khi quá xa rồi (Chánh-pháp diệt tới thời Tượng-pháp), con người tự quên mình, luôn luôn tự khinh mình, ai bảo mình có khả năng làm Phật (trở thành sáng suốt) thời không tin lại nhạo báng, cho nên phải sa vào chỗ tối tăm (không gặp Phật), nghe chân-lý không được (chẳng nghe Pháp) và sống trái với cái Hoà của vũ-trụ (chẳng gặp Tăng). Do đây mà phải chịu khổ não.
Ngày nào thức tỉnh (hết tội), không còn tự khinh mình nữa (được Bồ-tát Thường Bất-Khinh giáo hoá) thì sẽ đi về nẻo Vô-thượng-giác.
Phải luôn luôn đừng khinh mình (Thường-Bất-Khinh). Mỗi chúng ta phải là một Bồ-tát Thường-Bất-Khinh đối với chúng ta, ngày đêm phải tự nhắc: “Ngươi sẽ thành Phật”.
*
* *
Lúc bấy giờ, vô số Bồ-tát đã từ đất vọt lên đều ở trước Phật (Thích-Ca). Tất cả đều nhất tâm chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan Phật mà bạch rằng: “Thế-Tôn, sau khi Phật diệt độ, chúng con sẽ rộng nói Kinh này (Pháp-Hoa) ở xứ nào của quốc-độ mà nơi đó các phân-thân Phật diệt độ. Tại sao thế? Tại chúng con cũng tự muốn lãnh giữ, đọc tụng, giải nói, biên chép để cúng dường “pháp lớn chân-tịnh”.
Lúc ấy, trước mặt Văn-Thù Sư-Lợi và vô lượng Bồ-tát xưa kia ở thế-giới Ta-bà, cùng các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và Thiên, Long bát bộ. Thế-Tôn hiện sức thần-thông lớn là le lưỡi rộng dài tới cõi trời Phạm-thế và từ các lỗ chân lông phóng ra vô số tia sáng đủ màu, khắp soi mười phương thế-giới. Các đức Phật ngồi trên toà sư-tử, dưới cội cây báu, cũng làm như thế: le lưỡi rộng dài và phóng vô lượng ánh sáng.
Đức Phật Thích-Ca và các đức Phật dưới cây báu hiện sức thần-thông mãn trăm ngàn năm, sau đó mới rút lưỡi vô và đồng thời tằng-hắng và cùng chung khảy móng tay. Hai thứ tiếng vang đó lan khắp mười phương thế-giới của chư Phật, làm đất rung động sáu cách. Trời, Rồng, Dạ-xoa…. người và loài chẳng phải người v.v…, nhờ sức thần của Phật, đều thấy trong cõi Ta-bà này vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Phật ngồi trên toà sư-tử, dưới những cây báu, và thấy Phật Thích-Ca và Đa-Bảo Như-Lai ngồi trên toà sư-tử trong tháp báu. Lại thấy vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Bồ-tát và tứ chúng cung kính vây quanh đức Phật Thích-Ca. Tất cả đều vui mừng như đặng cái chưa từng có.
Ngay lúc ấy, chư thiên trong hư-không lớn tiếng xướng lên: “Cách đây vô lượng thế-giới, có nước tên Ta-bà, nơi ấy có Phật hiệu Thích-Ca hiện đang vì các đại Bồ-tát nói Kinh Đại-thừa tên “Diệu-Pháp Liên-Hoa giáo Bồ-tát sở hộ niệm”. Các ngươi nên vui theo trong thâm tâm, cũng nên lễ bái cúng dường Phật Thích-Ca”
Chúng-sanh nghe tiếng trong hư-không ấy rồi, bèn chắp tay, quay về cõi Ta-bà, nói: “ Nam-mô Thích-Ca Mâu-Ni Phật! Nam-mô Thích-Ca Mâu-Ni Phật!” rồi dùng các món hoa, hương, chuỗi ngọc, cờ, lọng…. xa rải xuống thế-giới Ta-bà. Các vật rải đó. từ mười phương đến ví như mây đùn, biến thành một bức màng báu trùm khắp không-gian, phía trên chư Phật. Bấy giờ thế-giới mười phương thông suốt với nhau, không gì ngăn ngại, như là một nước Phật duy nhất.
Lúc bấy giờ, Phật bảo các hàng Bồ-tát bậc thượng-hạnh: “Sức thần-thông của chư Phật vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn là như thế. Nếu ta dùng thần-thông ấy mà nói bày công-đức của Kinh Diệu-Pháp để lưu truyền về sau, thì dầu có trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức kiếp cũng chẳng nói hết. Tóm lại, tất cả pháp của Như-Lai, tất cả thần lực tự-tại của Như-Lai, tất cả kho tàng bí-yếu của Như-Lai đều được tuyên bố, bày giải, nói rõ trong Kinh Diệu-Pháp, cho nên, sau khi Như-Lai diệt độ, các ngươi phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép và tu hành đúng theo lời Kinh, hoặc chỗ nào có quyển Kinh Pháp-Hoa, bất luận nơi đó là vườn, là rừng, là dưới cội cây, là phòng chư Tăng, là nhà người thế-tục, là chỗ thờ Phật, là núi hoang, đồng trống, thời nên dựng tháp cúng dường. Vì sao? Vì phải biết chỗ có Kinh đó là đạo-tràng, là nơi chư Phật đặng Vô-thượng-giác, là nơi chư Phật chuyển pháp-luân, là nơi chư Phật nhập Niết-bàn.
Lúc đó, để lập lại nghĩa vừa nói, Thế-Tôn nói bài kệ:
Chư Phật, đấng cứu thế,
Vững trong thần-thông lớn,
Để vui đẹp chúng-sanh,
Hiện vô lượng sức thần:
Lưỡi dài đến trời Phạm
Thân ánh vô số tia
Vì người cầu nẻo Phật
Hiện sự ít có này.
Tiếng tằng-hắng chư Phật
Cùng tiếng khảy móng tay
Khắp nghe mười phương nước
Đất đều rung sáu cách.
Sau khi Phật diệt độ,
Người giữ được Kinh này,
Các Phật đều vui mừng
Hiện vô lượng thần-lực.
Vì muốn lưu truyền Kinh
Nên khen người thọ trì
Nhưng dầu vô lượng kiếp
Cũng không khen hết lời
Công-đức của người đó
Vô biên, vô cùng tận,
Như hư-không mười phương
Không biết đâu ranh rấp,
Người trì được Kinh này
Thời là đã thấy ta
Cũng thấy Phật Đa-Bảo
Và các phân-thân Phật,
Lại thấy ta ngày nay
Giáo hoá các Bồ-tát
Người trì được Kinh này
Khiến ta và phân-thân
(Cùng) Phật Đa-Bảo (đã) diệt độ
Tất cả đều vui mừng
Mười Phương Phật hiện-tại
Phật quá-khứ, vị-lai
Cũng thấy, cúng dường được
Cũng làm cho vui mừng
Pháp bí yếu chư Phật
Tìm đặng tại đạo-tràng
(Thời) Người trì được Kinh này,
Chẳng lâu cũng sẽ đặng
Người trì được Kinh này,
Thời về nghĩa các pháp,
Cũng như chữ và lời,
Không gì làm ngăn-ngại,
Sau khi Như-Lai diệt
Mà biết Kinh Phật nói
Rồi có đầu có đuôi,
Tuỳ nghĩa nói đúng “Thực”
Thời như sáng trời, trăng,
Năng trừ mọi tăm tối.
Người đó đi trên đời
Năng dứt tối cho người,
Dạy vô lương Bồ-tát
Rốt ráo vững “nhất-thừa”
Cho nên người có trí
Nghe lợi công-đức này
Sau khi ta diệt độ,
Nên thọ trì Kinh này,
Được vậy thời quyết định,
Là người trên nẻo Phật.
Huyền nghĩa
Trước khi trình bày thiển kiến của tôi, tôi xin ghi lại sau đây lời giải của Ngài Giác-Đạo-Tuân, Minh-Chánh Thiền-sư trong sách “Pháp-Hoa Đề-Cương”, thuộc bộ Việt-Nam Phật-điển Tùng-san
Phần Hán-văn Dịch ra Việt-văn
“Như-Lai hiện thần-lực” phẩm giả, thử tương phó nhất đại sự nhân duyên, Diệu-pháp thời dã.
Phẩm “Như-Lai hiện thần-lực” đấy là ghi lại lúc Như-Lai sắp trao Diệu-pháp, một “biến-cố” (événement) lớn vậy.
Cái Kinh tiền phóng quang, dĩ hiển nhãn-căn Kiến-tánh. Thử Kiến-tánh tùng vô lượng-nghĩa bất-tư-nghì bổn-lai thanh-tịnh tâm trung chi ứng dụng, linh chư chúng-sanh phản bỉ Kiến-tánh, hồi quán tự kỷ bổn-lai tâm, ngộ-nhập Phật tri-kiến
Bởi vậy, trước khi nói Kinh, Như-Lai phóng hào-quang để làm tỏ cái Kiến-tánh của nhãn-căn. Tánh này do Tâm-vô-lượng nghĩa, bất tư nghì, bổn lai thanh-tịnh, mà ứng hiện. Làm tỏ cái Kiến-tánh để khiến chúng-sanh quày cái Kiến-tánh của mình mà ngó lại cái bổn-lai tâm của mình, hầu nhận thấy và đi vào con đường tri-kiến của Phật.
Thứ tiệm tiệm khai diễn tâm căn bổn nhất, tri kiến nguyên đồng, thể dụng bất nhị. Nãi chí kục căn, đồng thị bổn lai thanh-tịnh tâm chi ứng dụng.
Kế đó lần lượt mở bày cho thấy Tâm với căn vốn một, tri-kiến của chúng-sanh và Phật đồng nguồn, thể và dụng không hai. Thậm chí sáu căn, cũng đều là ứng dụng của tâm bổn-lai thanh-tịnh.
Thử tâm tức thị nhất đại sự Phật chi tri kiến.
Tâm ấy là điều quan trọng nhất của tri-kiến Phật.
Chúng ký tri dĩ, nhiên ư lục căn môn đầu, vị tri tùng hà căn nhập, vi tối thượng diệu pháp. Cố thử hựu phóng quang, biểu dữ tiền quang bất dị, nhị hựu xuất quảng trường thiệt giả, tức biểu thuyết hy-hữu đại pháp dã. Hựu biểu thiệt căn năng diễn thuyết Đại-thừa pháp-âm, linh văn giả, tâm năng ngộ nhập. Cái thiệt nãi tâm chi miêu, thiệt thuyết tức tâm thuyết dã.
Các đệ-tử (Phật) đã biết những điều vừa nói xong, nhưng trong sáu căn, họ chưa phải biết theo căn nào để vào cõi tối thượng diệu-pháp. Bởi cớ (Phật) lại phóng quang (quang này với quang trưóc không khác, đồng là một lối tiêu biểu), rồi lại thè lưỡi dài, đó là tiêu biểu cho việc sắp nói Đại-pháp chưa từng có, mà cũng tiêu biểu cho cái khả năng diễn thuyết tiếng Pháp Đại-thừa của lưỡi, làm cho người nghe, tâm bèn năng ngộ nhập. Bởi vì lưỡi là mẹ của tâm, lưỡi nói là tâm nói vậy.
Thử hựu khánh khái, đàn chỉ tác thanh dã. Thử chánh xúc diện thân phó đại pháp thời dã. Cái biểu nhân thanh dĩ hiển xuất nhĩ-căn văn-tánh. Nhi nhĩ-căn viên thông thường chiếu, ngũ căn sở bất tể. Cố Phật khánh-khái, đàn chỉ, mật linh tư giác, sử tùng nhĩ-căn nhị nhập.
Kế lại tằng hắng và khảy móng tay, làm cho có tiếng. Đây là lúc chạm mặt tự thân giao phó đại pháp. Một lối tiêu biểu khác, dùng Tiếng để làm tỏ cái Tánh-nghe của “Lỗ tai” (Nhĩ-căn). Nhĩ-căn thì thường chiếu hoàn-toàn, các căn khác không bằng. Bởi cớ Phật tằng hắng và khảy móng tay, mật khiến mỗi người tự tỉnh, theo lỗ tai mà nhập vào Phật tri-kiến.
Lăng-Nghiêm Kinh vân: “ Thử phương chân giáo Thế, thanh-tịnh tại âm văn. Dục thủ tam-ma-đề, thực tùng văn trung nhập”.
Kinh Lăng-Nghiêm có câu: Phương pháp này là lối dạy chân chánh về Thể, Thanh-tịnh nằm tại chỗ nghe tiếng. Muốn nắm được Chánh-định, thời nói thực, phải theo cái nghe mà được.
Hựu vân: “Đản dụng thử căn tu viên thông siêu Dư giả”. Nhiên Phật bất dụng pháp-âm hiển nhĩ-căn giả, biểu ly ngôn thuyết tướng dã.-Dụng khánh-khái, đàn chỉ âm thanh, hiển nhĩ-căn giã, biểu ly tâm duyên tướng dã. Đản chỉ nhĩ-căn văn-tánh, đà đà viên chiếu giả như dĩ dã.
Kinh Lăng-Nghiêm lại nói: “Chỉ dùng căn này (Nhĩ) mà tu cái Viên-thông (Vô-thượng-giác), vượt khỏi Hữu-dư Niết-bàn”. Nhưng Phật không dùng Pháp-âm để làm rõ Nhĩ-căn, là tiêu biểu cho cái tướng “ly ngôn thuyết”. Dùng âm thanh của tằng-hắng và khảy móng tay, là làm tỏ nhĩ-căn, tiêu biểu cho cái tướng “ly tâm duyên”. Làm như thế, chỉ có một mục-đích là chỉ cho thấy cái Chiếu sáng tròn đủ thông suốt (Viên-chiếu đà-đà) của Tánh-nghe của Nhĩ-căn mà thôi vậy.
Chư Phật đồng phóng quang nãi chí đồng khánh-khái, đàn-chỉ giả, biểu thập phương nhất thế chư Phật đồng nhất đạo dã. Hựu hiển dương cơ kiến văn, giác tri linh-minh chi tánh, nhất thời đồng biến thập phương chư Phật thế-giới, đồng triệt vô ngại, nhi vô tạp dã.
Việc các đức Phật đồng phóng quang, thậm chí cùng tằng-hắng và khảy móng tay, tiêu biểu cái lẽ mười phương chư Phật đều đồng một đạo vậy. Lại cũng để làm tỏ rõ điểm này là cái Tánh :kiến-văn, giác-tri” rất linh-thiêng và sáng suốt của các hàng đệ-tử đang nghe pháp (đương cơ) đều đồng một lúc bủa khắp mười phương thế-giới chư Phật, thấu suốt vô ngại mà không tạp vậy.
Đương tri thử tiết, dữ Lăng-Nghiêm Kinh, sở hiển lục-căn công-đức số lượng, dĩ tuyển trạch viên-thông căn trung, đệ nhất thông lợi giả. Tùng thử căn nhập, tắc kích chung dĩ hiển nhĩ-căn văn-tánh, minh lợi viên thông thường chiếu, tối vi thù thắng. Tư kinh tắc khánh-khái, đàn-chỉ diệt thử ý dã.
Nên biết phẩm này (của Kinh Pháp-Hoa) và chỗ trong Kinh Lăng-Nghiêm nói về số lượng công-đức của sáu căn, đều là để lựa coi trong sáu căn-viên thông căn nào thông lợi hơn hết, để theo căn ấy mà vào (Phật tri-kiến). Bởi vậy (trong Kinh Lăng-Nghiêm) có việc đánh chuông để hiển cái Tánh-nghe của Nhĩ-căn, để làm rõ cái viên-thông thường chiếu trội hơn hết của Nhĩ-căn (đối với các căn khác). Ở đây, Phật không đánh chuông mà tằng-hắng và khảy móng tay, nhưng không ngoài ý vừa nói.
Kinh văn: “Chư Phật khánh-khái thanh, cập đàn-chỉ chi thanh, chu văn thập phương quốc, địa giai lục chủng động trọng tại “chu văn” nhị tự dã. Hựu khánh-khái giả, tức linh tri kỳ hồi cố dã. Đàn-chỉ giả, tức tảo đăng nhất thế bổn lai vô pháp khả thuyết.
Kinh nói: “Chư Phật tằng-hắng và khảy móng tay, tiếng ấy vòng quanh mười phương quốc độ đều nghe thấy, đất lại chấn động sáu cách. Trong câu này, quan trọng nhất là hai chữ “chu văn” (nghe vòng quanh). Tằng-hắng lại còn có nghĩa là khiến mỗi người biết là mình đã quày đầu. Khảy móng tay, là ý quét sạch tất cả (vì) ở chỗ nguồn gốc, không có một pháp nào mà có thể nói được.
Trực chỉ nhĩ đích linh minh chu văn động thập phương giả, thị nhữ bổn-lai thanh-tịnh chi tự-tánh dã. Văn giả, ưng như thị ngộ nhập.
*
* *
Ở đây, nên phân biệt có hai hạng Bồ-tát: 1) hạng dưới đất vọt lên (tượng trưng cho những đức tướng trong tâm của mỗi chúng-sanh); 2) hạng đương cơ, tức là những Bồ-tát bằng xương bằng thịt, đang nghe Phật thuyết pháp.
Câu bạch ở đoạn đầu của hàng Bồ-tát thứ nhất có nghĩa: “trong tâm nào (quốc độ) mà ánh-sáng giác (phân-thân Phật) tắt mất (diệt độ), nghĩa là bị vô-minh che áng, thời người tu muốn được thanh-tịnh (pháp lớn chân tịnh) phải thọ trì, đọc tụng…Kinh Pháp-Hoa để gieo trồng đức tướng. Có đức là có thanh-tịnh.
Lưỡi rộng dài tiêu biểu cho tiếng Pháp (Pháp-âm), tức như hiện nay chúng ta nói tiếng của lương-tâm. Nghe được tiếng Pháp, trở thành sáng suốt hay giác ngộ (phóng quang).
Nghe được tiếng Pháp, tiếng của cõi lòng xa xuôi, chỉ những người cột tâm trói ý hay nhập định (Phật ngồi dưới cây báu, ám chỉ lúc Đức Thích-Ca ngồi dưới cội Bồ-đề tư duy 49 ngày). Nghe được rồi, (rút lưỡi vô), thời sức nghe thấy phát triển lạ lùng (thần thông), đến nỗi nghe được những tiếng nhỏ nhặt của cõi lòng (tằng-hắng và khảy móng tay), và nghe lớn như những tiếng trời gầm, lan khắp vũ-trụ vô biên và làm rung rinh quả đất. Còn cái thấy thì cũng thần thông lạ lùng: thấy tất cả chúng-sanh đều có Phật-tánh (vô lượng ức Phật ngồi toà sư-tử trong cõi Ta-bà), thấy Tâm nào (tháp báu) cũng đều có chứa đựng Ánh-Giác (Thích-Ca) và hằng-sa đức tướng (Đa-Bảo), lại thấy vô số chúng-sanh đang tiến về Ánh-Giác, trước sau thứ bậc Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di (tứ chúng).
Nghe thấy được như vậy là sanh tâm kính tín, như trong hư-không có tiếng thúc giục, rồi tự nhiên mà niệm Phật, quy ngưỡng và cúng dường. Cúng dường hết sức mình, nghĩa là khi đã hiến trọn thân mình cho Phật, cho Giác-ngộ, thì sự giác-ngộ nơi mình trở thành bao-la, soi thấy mười phương thế-giới một cách thông suốt, không còn gì ngăn ngại nữa.
Tóm lại, trong Tâm (Như-Lai) có tất cả pháp, tất cả thần-lực tự-tại, tất cả điều bí-yếu huyền-diệu. Và tất cả những cái ấy đều có nói rõ và đầy đủ trong Kinh Pháp-Hoa. Vậy phải thọ trì, đọc tụng,…và nhất là theo lời Kinh mà tu hành cho đúng.
Trên đây là ý nghĩa thâm huyền mà chúng tôi cảm thấy trong phẩm này. Trong cái nghe thấy thần thông nói ở đây, không gì khác hơn là chữ Huệ, hay nói đúng hơn, những diệu dụng của Huệ.
Lúc bấy giờ, đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, từ pháp toà đứng dậy, hiện sức thần lớn, dùng tay mặt xoa đầu vô lượng đại Bồ-tát mà nói rằng: “Trong vô lượng trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ, ta đã tu tập pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác khó đặng này, nay đem giao phó cho các ngươi; các ngươi nên một lòng truyền bá để rộng thêm sự ích lợi.
Đức Phật ba phen xoa đầu các Bồ-tát và ba phen lập lại câu nói trên.
Vì sao? Vì Như-Lai có từ bi lớn không tham tiếc cùng không có điều sợ sệt, năng cho chúng-sanh trí-huệ của Phật, trí-huệ của Như-Lai, trí-huệ tự-nhiên. Như-Lai là đại thí-chủ([5]) của tất cả chúng-sanh, các ngươi nên theo học pháp của Như-Lai, chớ nên tham tiếc. Đời sau, nếu có trai lành gái thiện nào tin trí-huệ của Như-Lai thời các ngươi nên vì những người ấy mà diễn nói Kinh Pháp-Hoa, để họ nghe biết mà được sự sáng suốt của Phật. Nếu gặp hạng chúng-sanh không tin lãnh lời Kinh, thời nên dùng pháp khác trong các giáo-pháp thâm diệu của Như-Lai, mà chỉ dạy cho họ được lợi ích vui mừng. Làm được như thế là các ngươi đã báo ân Phật rồi vậy.
Khi nghe Phật nói xong, các đại Bồ-tát đều cảm thấy sự vui mừng lan khắp thân thể. Lòng thêm cung kính, các Bồ-tát nghiêng mình cúi đầu, chấp tay hướng Phật đồng bạch: “Chúng con sẽ làm đầy đủ theo lời Thế-Tôn dạy, kính xin Thế-Tôn chớ nên lo nghĩ”.
Lúc bấy giờ, đức Phật Thích-Ca dạy các phân-thân Phật từ mười phương đến, đều trở về nước mình và nói rằng: “Chư Phật mỗi vị tuỳ chỗ an trú của mình mà trở về vào tháp của Phật Đa-Bảo như cũ”.
Trong lúc Phật nói, mười phương vô lượng phân-thân Phật đang ngồi trên toà sư-tử dưới cây báu, cùng Phật Đa-Bảo với vô biên vô số Bồ-tát như Xá-lợ-Phất ..v.v… hàng Thanh-văn, bốn chúng và tất cả ba hạng chúng-sanh lành là thiên, nhân, A-tu-la, nghe lời Phật nói đều rất vui mừng.
*
* *
Huyền nghĩa
CHÚC là gởi, phó thác. – LỤY (lẽ ra phãi đọc là LŨY) có nghĩa là chồng chất. Bây giờ chúng ta nói: Ký thác, như ký thác vào một Ngân-hàng, với nghĩa gởi bạc một khi một ít vào một Ngân-hàng. Do đây, Ô. Burnouf dịch là “depôt”.
Ánh-sáng ấy tạm gọi là Trí-huệ của Phật. Thật sự Trí-huệ ấy là của Như-Lai tức là của Chân-tâm, Phật-tánh. Nói đúng hơn, đó là Trí-huệ tự-nhiên ở con người, khác với cái Trí-huệ “hậu-đắc” tức là cái trí-huệ cần phải học hỏi mới có, như trí-huệ của môt nhà toán-học, bác-sĩ, chẳng hạn.
Như-Lai là đại thí-chủ có nghĩa là Tâm không bao giờ từ chối với ta một tia sáng trí-huệ nào. Tại chúng ta nghe theo tình dục không hỏi Tâm nên Tâm không ban cho những lời chỉ bảo sáng suốt, chớ nào phải Tâm keo kiết, bỏn sẻn, tham tiếc. Vây ai đã tìm thấy nguồn ánh-sáng ấy nơi mình, thì nên theo lòng hào-hiệp của Tâm mà ban bố ánh-sáng ấy, không nên giữ riêng cho mình.
Nhưng tin rằng Tâm mình là Phật, trong Tâm mình có Kinh Pháp-Hoa, nguồn Vô-thượng giác, là một việc khó, phải là bậc Bồ-tát mới làm được. Vì vậy, gặp những người “chưa tin trí-huệ của Như-Lai” thời nên dùng pháp khác trong vô lượng pháp thâm diệu của Như-Lai (Tâm) mà khai mở cho họ được lợi ích.
“Chư phân-thân Phật, mỗi vị tùy chỗ an trú của mình mà trở vào Tháp của Phật Đa-Bảo như cũ” có nghĩa tất cả chúng-sanh đều là Một, và Một ấy là Pháp (Đa-Bảo) và Pháp là Tâm.
Nói tóm, Tâm chứa lấy đầy đủ Trí-huệ, Giác-ngộ, đó là nơi ký thác Vô thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Tú-Vương-Hoa bạch Phật: “Thế-Tôn! Làm thế nào mà Bồ-tát Dược-Vương dạo nơi thế-giới Ta-bà? Bồ-tát Dược-Vương có bao nhiêu ngàn muôn ức hạnh khổ khó làm? Nguyện Thế-Tôn giải nói một ít cho Thiên-Long bát bộ, cho các hàng Bồ-tát từ nước khác lại cùng bậc Thanh-văn ở đây nghe, để tất cả đều đặng vui mừng”.
Phật đáp trong quá khứ cách nay vô lượng hằng-sa kiếp, có Phật hiệu Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức. Ngài có tám mươi ức đại Bồ-tát, bảy mươi hằng-sa đại Thanh-văn, thọ bốn muôn hai ngàn kiếp, chư Bồ-tát cũng sống lâu như thế. Trong nước của đức Phật ấy, không có đàn-bà, địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh, a-tu-la .v.v…cũng chẳng có các khổ nạn. Đất bằng lưu-ly, mặt phẳng như bàn tay, có trồng cây báu, trên có màn báu bao trùm, tràng phan hoa báu buông thông. Khắp nước, bình báu, lò hương dẫy đầy. Cách mỗi cây, khoảng một lằng tên có một đài bằng bảy báu. Dưới những cội cây ấy, có chư Bồ-tát, Thanh-văn ngồi, còn trên mỗi đài thì trăm ức chư Thiên trổi nhạc trời, hát múa cúng dường Phật”.
Lúc bấy giờ, Đức Phật Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức nói Kinh Pháp-Hoa cho Bồ-tát Nhất-Thế Chúng-Sanh Hỷ-Kiến cùng các hàng Bồ-tát, Thanh-văn nghe.
Bồ-tát Hỷ-Kiến ưa tu tập khổ hạnh, trong pháp của Phật Tịnh-Minh-Đức tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, (nhờ vậy) mà mãn một muôn hai ngàn năm đặng chánh-định “hiện nhất thế sắc thân”. Bồ-tát mới tự nói trong lòng: “Đặng chánh-định này là nhờ sức nghe Kinh Pháp-Hoa, vậy ta nên cúng dường Phật Tịnh-Minh-Đức và Kinh Pháp-Hoa”. Tức thời Bồ-tát nhập định, trong hư-không rưới các thứ hoa-hương cõi trời cúng dường Phật”.
Cúng dường xong, Bồ-tát xuất định và tự nói trong lòng: “Tuy ta đã dùng thần-lực cúng dường Phật, nhưng sao bằng lấy thân cúng dường”. Bồ-tát liền uống các chất thơm, kế uống dầu làm bằng các thứ hoa thơm mãn một ngàn hai trăm năm, rồi lấy dầu thơm thoa thân, dùng áo báu cõi trời quấn mình trước Đức Phật Tịnh-Minh-Đức, rưới các thứ dầu thơm lên áo và dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân. Ánh sáng toả soi tám mươi ức hằng-sa thế-giới. Trong ánh sáng ấy, chư Phật đồng thời đều khen: “Lành Thay! Lành thay! Như vậy mới thật là tinh tấn, mới thật là cúng-dường Pháp. Các lối cúng dường khác bằng hương hoa, chuỗi ngọc.v.v… đều chẳng bằng, thậm chí đem cả một nước, thành quách, vợ con mà bố-thí cũng chẳng bằng. Trong các lối bố-thí, bố-thí thân là bậc nhất”.
Nói xong, chư Phật im lặng. Lửa thân Bồ-tát cháy trót một ngàn hai trăm năm, sau đó thân Bồ-tát mới tận.
Cúng-dường Pháp xong và sau khi mạng chung, Bồ-tát Hỷ-Kiến phục sanh trong nước Phật Tịnh-Minh-Đức, tại nhà vua Tịnh-Đức, phục sanh một cách bỗng nhiên, trong trạng thái ngồi kiết-già. Hoá sanh xong bèn vì cha đọc bài kệ:
Đại-Vương nay nên biết:
Nhờ kinh hành nơi ấy
Tức thời đặng tất cả
Chánh-định trong các thân,
Sau cần cố gắng hơn
Nên bỏ thân yêu mến
Dâng cúng-dường Thế-Tôn
Để cầu huệ vô-thượng.
Nói xong, Bồ-tát thưa với vua cha: “Trước cúng-dường Phật Tịnh-Minh-Đức xong, tôi “giải đặng tất cả đà-la-ni của tiếng nói chúng-sanh”, kể lại nghe vô số kệ của Kinh Pháp-Hoa. Nay Phật Tịnh-Minh-Đức vẫn còn, tôi xin cúng dường nữa”. Bồ-tát bèn ngồi lên đài bảy báu, bay lên hư-không, qua đến chỗ Phật Tịnh-Minh-Đức, làm lễ và đọc một bài kệ khen Phật:
Lạ lùng thay dung nhan
Mười phương soi ánh-sáng
Tôi đã từng cúng-dường
Nay lại con thân kiến.
Nói kệ xong, Bồ-tát Hỷ-Kiến bạch Phật Tịnh-Minh-Đức: “Thế-Tôn còn ở thế chứ? Đức Phật bảo: “Giờ diệt tận đã đến, ngươi nên sắp đặt giường đi, ta trong đêm nay sẽ nhập Niết-bàn”. Phật lại nói thêm “Ta nay giao phó Phật-Pháp và Vô-thượng-giác cho ngươi, cho các Bồ-tát và các đại đệ tử: “Ta cũng giao cho ngươi ba ngàn đại-thiên thế-giới bảy báu, các cây báu, đài báu và chư thiên hầu hạ. Sau khi ta diệt độ, ta cũng giao cho ngươi tất cả xá-lợi của ta, ngươi nên lưu bố khắp nơi để cho đông người được xây nhiều tháp cúng dường”.
Đến cuối đêm, Phật Tịnh-Minh-Đức nhập Niết-bàn.
Bồ-tát Hỷ-Kiến dùng gỗ chiên-đàn làm giàn hoả thiêu, thâu xá-lợi đựng vào 84.000 bình báu, xây 84.000 ngọn tháp cao ba thế-giới.
Bấy giờ, Bồ-tát lại tự nghĩ: Cúng dường xá-lợi như thế chưa đủ. Bèn ở trước 84.000 tháp, đốt hai cánh tay được trang nghiêm bằng trăm phước, suốt bảy muôn hai ngàn năm, khiến vô số hạng cầu quả Thanh-văn và vô lượng người phát tâm Vô-thượng-giác đều đứng vững trong chánh-định “hiện nhất thế sắc thân”.
Các Bồ-tát, trời, người, a-tu-la v.v… thấy vậy đều sầu khổ buồn thương. Bồ-tát, trong đại chúng, bèn lập thệ: “Ta bỏ hai tay ắt sẽ đặng thân Phật. Nếu quả đúng như vậy, thời xin cho hai tay ta tự nhiên trở lại như cũ”. Thệ vừa xong, hai tay tự nhiên trở lại, ấy là nhờ phước-đức và trí-huệ thuần hậu của Bồ-tát chấp lại.
*
* *
Đức Phật Thích-Ca hỏi Bồ-tát Tú-Vương-Hoa: “Ý ngươi nghĩ sao? Bồ-tát Hỷ-Kiến thuở xưa đâu phải ai lạ, chính nay là Bồ-tát Dược-Vương đó. Ông ấy đã xả bỏ, bố-thí, vô lượng số thân như thế. Này Tú-Vương-Hoa, ai phát tâm muốn đặng đạo vô-thượng mà đốt một ngón tay hay một ngón chân cúng dường Tháp Phật, còn hơn người dùng nước, thành, vợ, con, cùng trân bảo trong ba ngàn đại-thiên thế-giới mà cúng dường. Còn ai dùng bảy báu trong khắp ba ngàn đại-thiên thế-giới mà cúng dường Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, La-hán, cũng không có công-đức bằng người thọ trì Kinh Pháp-Hoa, dầu là một bài kệ bốn câu cũng vậy.
Tú-Vương-Hoa, trong các dòng nước, biển là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh của Như-Lai nói, Kinh Pháp-Hoa là sâu lớn hơn hết.
Trong các thứ núi, núi Tu-Di là bậc nhất; cũng thế, trong các thứ Kinh, Kinh Pháp-Hoa là cao hơn hết.
Trong các tinh-tú, mặt trăng là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh, Kinh Pháp-Hoa là sáng soi hơn hết.
Như mặt trời năng trừ mọi thứ tối-tăm, Kinh Pháp-Hoa phá tất cả những tối-tăm của cái chẳng-lành.
Trong các hàng Tiểu-vương, Đại-đế là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh, Kinh Pháp-Hoa đáng tôn trọng hơn hết.
Như Đế-Thích làm vua thống ngự 33 cõi trời, Kinh Pháp-Hoa là vua các Kinh.
Như Phạm-thiên là cha của tất cả chúng-sanh, Kinh Pháp-Hoa là cha của tất cả Hiền-Thánh.
Trong hàng phàm-phu, Tứ Thánh và Duyên-giác là bậc nhất; cũng thế, trong tất cả các Kinh do Như-Lai, Bồ-tát Thanh-văn nói, Kinh Pháp-Hoa là bậc nhất. Ai thọ trì được là bậc nhất trong hàng chúng-sanh.
Trong tất cả hàng Thanh-văn và Duyên-giác, Bồ-tát là bậc nhất. Cũng thế, trong tất cả các Kinh, Kinh Pháp-Hoa là bậc nhất.
Như Phật là vua các pháp, Kinh này là vua của các Kinh.
Tú-Vương-Hoa! Kinh này có thể cứu tất cả chúng-sanh, làm cho chúng-sanh xa rời các khổ não; Kinh này có thể cho chúng-sanh nhiều lợi ích, làm thoả mãn những mong cầu của chúng-sanh, như ao nước trong có thể làm thoả mãn người khát nước. Như người lạnh được lửa, như trần truồng được quần áo, như đi buôn gặp người dẫn mối, như con gặp mẹ, như muốn qua sông gặp thuyền, như bệnh gặp thầy, như tối được đèn, như nghèo được báu, như dân được vua, như khách buôn gặp biển, như đuốc trừ tối, Kinh Pháp-Hoa này cũng thế, có thể làm cho chúng-sanh xa lìa mọi thứ thống khổ, mọi thứ tật bệnh, có thể cổi mở sự trói buộc của sanh-tử.
Ai nghe được Kinh này, hoặc tự mình chép, hoặc bảo người chép, thì được công-đức nhiều đến nỗi trí-huệ Như-Lai cũng không ước tính được. Nếu chép Kinh này mà còn dùng các thứ hoa hương, đèn dầu cúng dường, thời cũng được vô lượng công-đức như thế.
Tú-Vương-Hoa! Ai nghe phẩm “Bồ-tát Dược-Vương Bổn-Sự” này cũng được vô biên công-đức, Nếu là đàn-bà thì sau khi dứt báo thân, không còn trở lại làm đàn bà nữa. Năm trăm năm sau Phật diệt độ, người nữ nào nghe Kinh này và tu hành đúng theo lời Kinh dạy, thời khi mạng chung, được vãng sanh qua cõi An-lạc của Phật A-Di-Đà, hết bị tham, sân, si, mạn làm khổ nữa, được vô-sanh pháp-nhẫn và nhãn căn thanh-tịnh.
Bây giờ, các đức Phật đồng xa khen: “Hay thay! Lành thay! Này thiện-nam-tử, người có thể trong pháp của Phật Thích-Ca mà thọ trì, đọc tụng, suy gẫm Kinh Pháp-Hoa và nói cho người khác nghe, ngươi đặng công-đức vô lượng vô biên, lửa chẳng đốt đặng, nước chẳng làm trôi, phá được giặc ma, đánh bại quân sanh-tử, và diệt trừ các quân thù khác. Thiện-nam-tử, trăm ngàn đức Phật sẽ giữ gìn ngươi, tất cả trời người, không ai bằng ngươi và, trừ Như-Lai, không Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn nào có trí-huệ bằng ngươi.
Ai nghe phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” này mà biết tuỳ hỷ khen ngợi, thời người đó trong đời hiện tại, miệng thường thoảng mùi thơm hoa sen, và các lỗ chân lông thường tiết mùi trầm.
Tú-Vương-Hoa, ta giao phó phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” cho ngươi; năm trăm năm sau khi ta diệt độ, phải đem ra truyền bá nói rộng ở cõi Diêm-phù-đề, vá đem sức thần-thông mà giữ-gìn, vì đây là phương thuốc hay cho người bệnh thế-gian, ai bệnh mà nghe được Kinh này thời bệnh liền tiêu diệt, chẳng già, chẳng chết.
Thấy ai thọ trì Kinh này, Tú-Vương-Hoa nên dùng hoa sen xanh đựng đầy hương bột rải trên người ấy và nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu quyết định sẽ trải cỏ ngồi nơi Đạo-Tràng, phá các ma quân, thổi ốc pháp, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng -sanh ra khỏi sanh già bệnh chết.
Lúc Đức Phật nói phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” này có 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát đặng đa-la-ni “Giải nhất thế chúng-sanh ngôn-ngữ”
Đức Phật Đa-Bảo trong Tháp báu khen Tú-Vương Bồ-tát: Lành thay! Lành thay! Tú-Vương-Hoa, ngươi thành tựu những công-đức không thể nghĩ bàn mới hỏi được Đức Phật Thích-Ca việc như thế, làm lợi ích vô lượng cho tất cả chúng-sanh.
*
* *
Huyền nghĩa
Các phẩm trước chỉ cho thấy tất cả chúng-sanh đều có Phật-tánh
(Hiền Tánh), phẩm Dược-Vương này chỉ cách hành (Hiển Hành), tức phương-pháp làm cho Phật-tánh phát hiện.
Vậy “Dược-Vương Bồ-tát Bổn-Sự” có nghĩa là sự tích của phương thuốc chúa, (Dược là thuốc, Vương là vua, là chúa).
Hai câu hỏi của Bồ-tát Tú-Vương-Hoa nêu ở đầu phẩm hàm chứa hai ý: 1) làm thế nào cho phương thuốc ấy được truyền khắp thế-giới Ta-bà? 2) phương thuốc ấy gồm có những hạnh khó làm nào?
Toàn phẩm đã đáp lại hai câu hỏi này bằng sự tích tượng trưng của Bồ-tát Hỷ-Kiến.
Phật Nhật-Nguyệt Tinh-Minh-Đức ám chỉ đức Thanh-Tịnh làm sáng tâm.
Có thanh-tịnh là có sáng suốt, có sáng suốt là thấy Tánh được (minh tâm kiến tánh), và sự kiến Tánh ấy được nhân-cách-hoá (personnifié) ở đây bằng một vị Bồ-tát có tên là “Nhất-thế chúng-sanh hỷ-kiến”, có nghĩa là: Cái mà tất cả chúng-sanh vui thấy, Thấy được Tánh là một sự vui mừng mà không chúng-sanh nào không thưởng thức.
Thấy được Tánh, tức thấy luôn rằng Tánh ở trong (hiện) tất cả chúng-sanh (sắc-thân), cho nên Kinh nói là được chánh-định “hiện nhất thể sắc thân”.
Muốn thấy Tánh (Hỷ kiến) phải tu tập khổ-hạnh, tinh-tấn, tham-thiền (kinh hành) trong thanh-tịnh, một lòng cầu giác-ngộ (thành Phật). Như thế là vì Pháp mà hy-sinh làm mọi cố-gắng tinh-thần (dùng thần-thông cúng dường).
Nhưng cố gắng cho thế mấy mà còn nghĩ đến thân, còn luyến tiếc cái “ta” thì sự hy-sinh chưa trọn vẹn. Do đây mà phải phá “ngã chấp” (dùng thân cúng dường).
Xả bỏ thân, hy-sanh thân, bằng cách cho nó uống các chất thơm, thoa các thứ dầu thơm (trong ngoài thanh-tịnh thơm sạch) và dùng thần-thông, tức sức mạnh của định mà thiêu đốt tất cả những ô-trược. Sự thanh-tịnh-hoá ấy (purification) phải liên tục trong nhiều thời-gian (thân cháy trót 1.200 năm), sau đó mới diệt tận các chất nhơ (thân tận).
Có chết với đời sống ô-trược như thế, mới phục sanh trong Trong-sạch (Tịnh-Đức), ở mãi trong nhà trong sạch (nhà vua Tịnh-Đức). Kết quả ấy toàn do sự tham-thiền (ngồi kiết-già hoá sanh).
Có thanh-tịnh mới giải đặng nghĩa ẩn của lời nói chúng-sanh (giải nhất thế chúng-sanh ngữ-ngôn) là những phương-tiện diễn đạt chân-lý hết sức eo hẹp, mới hiểu thâm sâu được những bài kệ tóm nghĩa Kinh Pháp-Hoa, là những lời nói với Tâm chớ không phải với trí-óc tầm thường. Nhưng nghĩa Kinh dầu hiểu, Tánh dầu đã thấy, vẫn phải cố-gắng thêm (cúng dường) để thân chứng([6]) Phật-tánh (gặp Phật, thấy cho tạn mặt).
Thân chứng được rồi là nắm đặng Phật-Pháp và Chánh-giác vô thương (Phật giao phó).
Bây giờ đến giai-đoạn chót là “đốt hai tay” chỉ biết làm phước thế-gian, để được hai tay khác là phước-đức và trí-huệ (lưỡng túc tôn).
*
* *
Cúng dường cho Phật-Pháp như thế mới là lối hy-sinh cao cả và chân chánh nhất. Lễ Phật, dâng hoa hương, tiền bạc mà không làm một cố gắng nào, không hy-sanh thân tâm phàm-phu mình cho Chánh-Pháp (Phật), thời bất quá tạo phước để hưởng trong sanh già bệnh chết, sao bằng dùng món thuốc chúa nói trên để mưu sự giài-thoát luân-hôi (chẳng già, chẳng chết).
[1] Tăng-thượng-mạn: Ngạo nghễ, tu chưa đắc quả mà tư cho là đã đắc.
[2] Thường-Bất-Khinh: Luôn luôn không khinh dễ
[3] Thần-thông, tài biện luận và đức thiện, khi tu tập đến mức rộng lớn thời trở thành những sức mạnh tinh thần, vì vậy gọi là sức (lực).
[4] Chúc luỵ: Giao phó, gởi gấm.
[5] Đại thí chủ: người cho nhiều, cho không tiếc.
[6] Thân chứng = réaliser.
Mục Lục
Nguồn: www.quangduc.com