KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA)
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
chuyển dịch thơ
* Diệu Phương xuất bản * 2003 *
--- o0o ---
Phần 1
1 . Phẩm Song Song
(1)
Việc
làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường.
(2)
Việc
làm của bản thân ta
Do
tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.
(3)
"Người kia chửi bới,
đánh tôi
Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"
Ai mà nghĩ mãi điều này
Làm sao dứt bỏ được ngay hận thù.
(4)
"Người kia chửi bới,
đánh tôi
Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"
Ai không còn nghĩ điều này
Sẽ mau dứt bỏ được ngay hận thù.
(5)
Khắp
nơi trong cõi dương gian
Hận thù đâu thể xua tan hận thù
Chỉ tình thương với tâm từ
Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm
Ðó là định luật ngàn năm.
(6)
Người
ham cãi cọ nào hay
Chúng ta đều chết một ngày gần đây
Khi ai hiểu rõ điều này
Chẳng ham tranh cãi thêm gây muộn phiền.
(7)
Ham
theo lạc thú nổi trôi
Giác quan buông thả sống đời mê say
Uống ăn vô độ hàng ngày
Lại thêm biếng nhác, chẳng hay chuyên cần
Con người bị cuốn đến gần
Ma vương dục vọng ngàn lần hại ta
Như cơn gió lốc thổi qua
Cây cành nghiêng ngả, lá hoa tơi bời.
(8)
Nhận
ra ô uế thân người
Giác quan kiềm chế, sống đời tịnh yên
Uống ăn điều độ giữ gìn
Lại thêm bền vững đức tin, chuyên cần
Người đâu dễ bị cuốn gần
Ma vương dục vọng ngàn lần thua ta
Khác gì cơn gió thổi qua
Núi cao, vách đá khó mà lung lay.
(9)
Nếu
mà mặc áo cà sa
Lòng còn ô uế, tâm tà quẩn quanh
Chưa tự chế, thiếu chân tình
Xứng đâu mà khoác vào mình áo kia.
(10)
Người
mà ô nhiễm chẳng vương
Giữ gìn giới luật vững vàng, nghiêm minh
Luôn tự chế, rất chân tình
Áo cà sa khoác vào mình xứng thay.
(11)
Những
gì không thật, hão huyền
Lại cho là thật và tin vô bờ,
Những gì chân thật lại ngờ
Lại cho không thật, chỉ là giả thôi,
Nghĩ suy lầm lạc mất rồi
Thấy sao chân thật rạng nơi pháp mầu.
(12)
Biết
đây là thật để tin
Biết kia không thật, hão huyền mà thôi
Nghĩ suy theo đúng đường rồi
Thấy ngay chân thật rạng nơi pháp mầu.
(13)
Căn
nhà lợp chẳng kỹ càng
Mưa tuôn thấm dột dễ dàng lắm thay
Tâm mà tu vụng có ngày
Bị nhiều tham dục lọt ngay khác gì.
(14)
Căn
nhà lợp thật kỹ càng
Mưa tuôn đâu dột dễ dàng mấy khi
Tâm mà tu khéo sợ gì
Bao nhiêu tham dục dễ chi lọt vào.
(15)
Ðau
buồn ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy buồn đau:
Người làm điều ác hay đâu
Buồn kia theo mãi dài lâu bên mình
Quay nhìn việc ác tạo thành
Chết mòn thân xác, héo nhanh tâm hồn.
(16)
Vui
mừng ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy mừng vui:
Người làm điều thiện
ở đời
Thấy chân hạnh phúc khắp nơi theo mình
Quay nhìn việc thiện tạo thành
Sướng vui dào dạt, an lành chứa chan.
(17)
Kiếp
này tràn ngập khổ đau
Khổ đau cũng lại kiếp sau ngập tràn
Người gây nghiệp ác thở than:
"Bao điều gian ác mình làm trước đây!"
Bây giờ đường ác đọa
đầy
Trầm luân cõi khổ biết ngày nào xong.
(18)
Ðầy
tràn vui sướng kiếp này
Sướng vui cũng lại tràn đầy kiếp sau:
Người làm nghiệp thiện vui sao
Nhủ lòng: "Mình tạo biết bao phước lành!"
Kiếp sau sẽ được tái sinh
Vào nơi hạnh phúc an bình chứa chan.
(19)
Dù
cho có tụng nhiều kinh
Không theo giáo pháp thực hành sớm hôm
Tu hành lợi ích đâu còn
Khác chi một kẻ luôn luôn chăn bò
Chăn thuê nên chỉ âu lo
Ðếm bò cho chủ, sữa bò hưởng đâu?
(20)
Dù
cho chỉ tụng ít kinh
Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya
Hết tham, hết cả sân, si
Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương
Trước sau giải thoát mọi đường
Tu hành lợi ích ngát hương muôn đời.
2 . Phẩm Không Buông Lung (*)
(21) - (22)
Người
chuyên niệm, chẳng buông lung
Coi như sống mãi, thoát vòng tử vong
Kẻ phóng dật, kẻ buông lung
Coi như đã bị mệnh chung lâu ngày
Sống mà như chết nào hay,
Người hiền trí biết điều này từ lâu
Cho nên gìn giữ trước sau
Dám đâu phóng dật, há nào buông lung
Luôn luôn cảnh giác vô cùng
Nhập vào cõi thánh vui mừng, bình an.
(*) Buông lung:
Không biết tự kiềm chế, sống bừa bãi bất chấp hậu quả. Ðồng nghĩa với chữ
phóng dật.
(23)
Nhờ
tu thiền định thâm sâu
Tháng năm kiên nhẫn, trước sau chuyên cần
Người hiền trí được bình an
Thân tâm giải thoát, Niết Bàn hưởng vui.
(24)
Luôn
cố gắng, chẳng buông lung
Nghĩ suy chín chắn, tấm lòng hăng say
Bản thân tự chế hàng ngày
Sống theo chánh pháp, tốt thay cuộc đời
Tiếng lành tăng trưởng mãi thôi.
(25)
Luôn
luôn cố gắng nhiều bề
Lại thêm hăng hái, không hề buông lung
Tự mình khắc chế mọi đường
Những người hiền trí vô cùng tinh anh
Tạo ra hòn đảo cho mình
Vượt trên sóng nước vây quanh thét gào
Não phiền theo ngọn sóng trào
Dễ gì quấy nhiễu dâng cao ngập tràn.
(26)
Kẻ
ngu si bị đắm chìm
Trong đời phóng dật, trong miền buông lung
Nhưng người hiền trí tìm đường
Chăm lo gìn giữ tâm đừng buông lung
Tựa người bạc bể tiền rừng
Chăm lo báu vật, trông chừng quý kim.
(27)
Chớ
nên chìm đắm xuôi theo
Buông lung, phóng dật là điều chẳng hay,
Chớ nên dục lạc mê say
Hãy nên tỉnh giác tâm này cho mau
Tu thiền định thật chuyên sâu
Mới mong phước báu, mới cầu bình an.
(28)
Nhờ
trừ được hết buông lung
Những người hiền trí sẽ không lo gì:
- Tựa như bậc thánh hiền kia
Lên đài trí tuệ nhìn về dưới chân
Thấy bao nhiêu kẻ ngu đần
Trăm bề đau khổ, bội phần lo âu,
- Tựa người leo tới núi cao
Cúi nhìn muôn vật lao xao dưới ghềnh
Ðắm chìm trong chốn vô minh.
(29)
Giữ
cho tinh tấn trong lòng
Giữa bao nhiêu kẻ buông lung tràn trề
Giữ cho tỉnh táo mọi bề
Giữa bao nhiêu kẻ ngủ mê li bì
Kìa trông kẻ trí khác gì
Như con tuấn mã phóng đi hào hùng
Phía sau bỏ lại trên đường
Ngựa gầy hèn yếu não nùng lết theo.
(30)
Nhờ
tinh tấn, chẳng buông lung
Khiến cho Ðế Thích thành ông thánh hiền
Ðược làm chủ cõi chư thiên
Muôn người cùng cất tiếng khen ngợi hoài,
Kẻ phóng dật bị chê bai
Mọi người khinh miệt, chẳng ai nể vì.
(31)
Tỳ
Kheo sợ tính buông lung
Chuyên tâm chú niệm, dốc lòng chuyên tu
Tiến mau biết mấy cho vừa
Ðốt tiêu phiền não tựa như lửa hồng,
Ðốt dây to nhỏ chập chùng
Từ lâu trói buộc người trong luân hồi.
(32)
Tỳ
Kheo sợ tính buông lung
Chuyên tâm chú niệm, dốc lòng tu thân
Niết Bàn đã tiến đến gần
Hố sâu đọa lạc trăm phần thoát qua.
3 . Phẩm Tâm
(33)
Thường
thường tâm kẻ phàm phu
Chập chờn, dao động, lu mờ, khó canh
Khó mà chế phục được nhanh,
Chỉ riêng kẻ trí tâm mình giữ yên
Giữ cho ngay thẳng lâu bền
Như tay thợ khéo uốn tên lành nghề
Tên luôn ngay ngắn mọi bề.
(34)
Tựa
như cá ở hồ ao
Bị đưa khỏi nước quăng vào bờ kia
Vẫy vùng, sợ sệt kể chi,
Tâm người nên vậy khác gì cá đâu
Phải vùng vẫy, phải lo âu
Cố mà phấn đấu thoát mau tâm mình
Khỏi tay Ma giới dục tình.
(35)
Tâm
phàm phu cứ xoay vần
Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao
Khó mà nắm giữ được nào,
Chỉ riêng những kẻ thanh cao tính tình
Ðã điều phục được tâm mình
Mới mong hạnh phúc, an bình mãi thôi.
(36)
Tâm
phàm phu cứ xoay vần
Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao
Tinh vi, khó thấy được nào
Chỉ riêng người trí lo âu thật tình
Canh phòng nghiêm ngặt tâm mình
Cho nên hạnh phúc, an bình mãi thôi.
(37)
Tâm
phàm phu cứ lao mình
Âm thầm, đơn độc du hành rất xa
Nào đâu hình dạng phô ra
Hang kia ẩn náu thật là thẳm sâu,
Tâm ai điều phục được mau
Thoát Ma trói buộc, lụy đâu dục tình.
(38)
Người
không an định được tâm
Không rành chánh pháp, không thông đạo mầu
Lòng tin lại chẳng bền lâu
Tất nhiên trí tuệ dễ đâu hoàn thành.
(39)
Người
nào thanh tịnh trong tâm
Không còn tham ái và sân hận gì
Vượt lên thiện, ác đôi bề
Là người giác ngộ chẳng hề sợ chi.
(40)
Thân
như đồ gốm mong manh
Giữ tâm cho vững như thành vây quanh
Với gươm trí tuệ tinh anh
Hãy mau đánh dẹp tan tành quân Ma
Dẹp Ma dục vọng quấy ta
Thắng rồi nỗ lực để mà tiến thêm
Giữ gìn chiến thắng cho bền
Vượt vùng luyến ái, thoát miền nhiễm ô.
(41)
Thân
này rồi chẳng bao lâu
Nằm dài dưới đất, chôn sâu ngủ vùi
Ðâu còn ý thức chuyện đời
Tựa cây gỗ mục vứt nơi bụi bờ.
(42)
Kẻ
thù gây hại cho nhau
Hay người oán hận trước sau rửa hờn
Cũng đâu gây hại nhiều hơn
Hại do hạnh ác trong tâm tạo thành
Gây ra cho chính thân mình.
(43)
Dù
cha mẹ hoặc thân nhân
Giúp ta chỉ được một phần thăng hoa
Chính nhờ tâm tốt của ta
Tìm về việc thiện, hướng qua hạnh lành
Làm mình cao thượng thật nhanh.
4 . Phẩm Hoa
(44)
Ai
mà tinh tấn nhận chân
Ðịa cầu và chính bản thân của mình,
Nhận chân được cõi nhân sinh
Khổ đau bốn cảnh dập dình vây quanh,
Nhận chân cõi thế gian mình
Cũng như cảnh giới thiên đình cao xa,
Khéo mang Pháp Cú giảng ra
Như người thợ khéo nhặt hoa làm tràng?
(45)
Người
còn tu học nhận chân
Ðịa cầu và chính bản thân của mình,
Nhận chân được cõi nhân sinh
Khổ đau bốn cảnh dập dình vây quanh,
Nhận chân cõi thế gian mình
Cũng như cảnh giới thiên đình cao xa,
Khéo mang Pháp Cú giảng ra
Như người thợ khéo nhặt hoa làm tràng!
(46)
Chúng
sinh nên biết thân này
Như là ảo ảnh rồi đây chóng tàn
Như là bọt nước mau tan
Nên hoa dục vọng chớ màng làm chi
Mũi tên cám dỗ bẻ đi
Dẹp Ma dục vọng còn gì hại thân,
Vượt qua tầm mắt tử thần.
(47)
Tựa
như nước lũ cuốn đi
Xóm làng say ngủ li bì nửa khuya
Tử thần cũng sẽ rước về
Những người phóng túng, đam mê tối ngày
Chỉ chuyên thu nhặt luôn tay
Cánh hoa dục lạc chất đầy trong tâm.
(48)
Những
người chỉ biết đam mê
Cánh hoa dục lạc hái về trong tay
Với tâm phóng túng đọa đầy
Không hề thỏa mãn, tối ngày cuồng say
Chính là nô lệ tốt thay
Tử thần sẽ tới lôi ngay đi rồi.
(49)
Sa
môn khất thực trong làng
Ví như ong lượn nhịp nhàng bên hoa
Kiếm tìm mật nhụy hút ra
Xong rồi tung cánh bay qua cuối vườn
Không làm hoa tổn sắc hương.
(50)
Chớ
nên dòm ngó lỗi người
Ðể xem họ đã làm rồi hay chưa,
Lỗi mình đừng có làm lơ
Phải nên nhìn lại đừng chờ đợi chi
Coi mình làm được những gì
Hay còn nhiều việc sẵn kia chưa làm.
(51)
Hoa
kia sắc đẹp phô trương
Tiếc rằng chẳng có chút hương thơm nào
Khác chi người nói ngọt ngào
Trăm điều hoa gấm, trăm câu tốt lành
Nói xong không chịu thực hành
Chẳng đem lợi ích, cũng thành uổng đi.
(52)
Hoa
kia sắc đẹp vô cùng
Lại thêm hương tỏa thơm lừng biết bao
Khác chi người nói ngọt ngào
Trăm điều hoa gấm, trăm câu tốt lành
Nói xong quyết chí thực hành
Tương lai kết quả tạo thành đẹp thay.
(53)
Như
từ một đống hoa tươi
Lựa ra ghép lại cho đời tràng hoa
Nhiều tràng phô sắc mặn mà,
Người đời cũng vậy khác xa đâu nào
Thân tâm an lạc, thanh cao
Làm nên việc thiện kể sao cho vừa.
(54)
Hương
thơm hoa quý vườn kia
Ngược chiều gió thổi dễ gì thoảng bay,
Hương người đức hạnh thơm thay
Dù cho ngược gió dâng đầy muôn phương.
(55)
Muôn
hương tỏa ngát thơm tho
Từ vườn hoa quý, từ hồ sen thanh
Dễ chi hơn được hương lành
Do người đức hạnh lưu danh cho đời.
(56)
Hương
thơm hoa quý thua xa
Hương người đức hạnh chan hòa vượt trên
Xông lên mãi tận chư Thiên
Tỏa ra ngan ngát khắp miền trời cao.
(57)
Ai
hằng ngày chẳng buông lung
Lại thêm giới hạnh vô cùng thanh cao
Có nguồn trí tuệ dạt dào
Thân tâm giải thoát há nào sợ chi
Ma vương dòm ngó dễ gì.
(58) - (59)
Như
từ trong đống bùn nhơ
Bên đường nước đọng, ai ngờ nở ra
Hoa sen phô sắc mặn mà
Tỏa hương thanh khiết gần xa đẹp lòng,
Khác chi giữa chốn bụi hồng
Giữa phường mê muội ngập trong não phiền
Nảy sinh Phật tử trung kiên
Rạng soi trí tuệ khắp miền nhân gian.
5 . Phẩm Người Ngu
(60)
Người
mất ngủ thấy đêm dài
Bộ hành mỏi mệt than hoài đường xa
Luân hồi cũng vậy thôi mà
Chập chùng tiếp nối thật là tái tê
Với người ngu dại, u mê
Biết gì chánh pháp, hiểu chi đạo mầu.
(61)
Khi
cùng sánh bước đường đời
Nếu không tìm được một người so ra
Hơn ta hay chỉ bằng ta
Một mình rong ruổi thế mà lại hay,
Gặp người ngu muội phiền thay
Chớ nên kết bạn có ngày khổ đau.
(62)
"Ðây là con cái của
tôi
Ðây là của cải mấy đời chắt chiu!"
Người ngu chỉ nghĩ bấy nhiêu
Nào hay biết được một điều thâm sâu:
Chính thân ta cũng có đâu
Mà đòi con nọ, mà cầu của kia.
(63)
Người
ngu tự biết mình ngu
Thế là có trí, người xưa dạy rồi,
Ngu mà cứ tưởng khôn thôi
Mới là một kẻ muôn đời thật ngu.
(64)
Người
ngu suốt cả một đời
Gần bên người trí cũng hoài công thôi
Hiểu đâu chánh pháp cao vời,
Như thìa, như muỗng múc nồi canh kia
Múc hoài từ sáng tới khuya
Vị canh ngon ngọt hưởng gì được đâu.
(65)
Người
thông minh dễ dàng thay
Gần người trí tuệ hiểu ngay đạo mầu
Hiểu ngay chánh pháp thâm sâu
Khác chi cái lưỡi nếm vào canh kia
Biết ngay hương vị khó chi.
(66)
Những
người ngu dại, u mê
Thiếu phần trí tuệ, thiếu bề tinh anh
Tự mình lại biến chính mình
Thành ra thù địch quẩn quanh theo hoài
Tạo muôn nghiệp ác nào hay
Chuốc vào hậu quả đắng cay sau này.
(67)
Việc
làm chẳng thiện, chẳng lành
Nếu làm xong lại tự mình ăn năn
Dầm dề nhỏ lệ khóc than
Biết rằng quả báo dữ dằn tương lai.
(68)
Việc
làm rất thiện, rất lành
Nếu làm xong thấy lòng mình thảnh thơi
Chẳng ăn năn, lại mừng vui
Tương lai quả báo đẹp tươi tốt lành.
(69)
Khi
mà nghiệp ác chưa thành
Chưa gây hậu quả thật tình thảm thương
Người ngu cảm thấy bình thường
Tưởng như được nếm mật đường ngọt thay,
Nhưng khi quả báo đọa đày
Người ngu chịu khổ, đắng cay não nề.
(70)
Với
đầu ngọn cỏ mong manh
Người ngu dùng bới cho mình thức ăn
Tu theo khổ hạnh nhọc nhằn
Nhịn ăn, nhịn uống quanh năm võ vàng
So ra đâu có phước bằng
Một phần mười sáu của hàng chân tu
Hiểu thông chánh pháp từ xưa.
(71)
Người
ngu nghiệp ác tạo nên
Nào đâu hậu quả thấy liền nơi đây
Tựa như sữa chẳng đông ngay,
Tuy nhiên nghiệp báo đêm ngày ngầm theo
Giống như ngọn lửa thầm reo
Trong than hồng ủ dưới nhiều lớp tro.
(72)
Chút
tài mọn, chút hư danh
Dù thêm vào được cho mình nay mai
Người ngu vẫn tự hại đời
Tự đưa mình tới cuối trời diệt vong
Ðể rồi hạnh phúc chẳng còn
Tiêu tan đầu não, héo hon trí người.
(73)
Kẻ
ngu thường muốn hư danh
Ngồi trong Tăng chúng muốn dành chỗ trên,
Trong Tăng viện muốn uy quyền,
Muốn người cung kính đến xin cúng dường.
(74)
Ðể
cho kẻ tục, người Tăng
Phục ta và phải nghĩ rằng ta đây:
"Chính ta làm được việc này!"
Hay: "Ta ra lệnh đó đây thi hành!"
Kẻ ngu cuồng vọng khoe mình,
Lòng tham, ngạo mạn tăng nhanh với đời.
(75)
Một
đường danh lợi thế gian
Một đường đưa tới Niết Bàn cao xa
Tỳ Kheo đệ tử Phật Ðà
Nhủ lòng cho rõ để mà bước chân,
Ðừng nên tham đắm lợi trần,
Ðạo mầu giải thoát chuyên tâm trau dồi!
6 . Phẩm Người Trí
(76)
Nếu
ta gặp được kẻ hiền
Chỉ bày điều lỗi, trách phiền chuyện sai
Giống như gặp được một người
Chỉ cho vật quý chôn nơi kho tàng
Hãy mau cùng họ kết thân
Trăm phần lợi ích, mười phân tốt lành.
(77)
Ai
thường khuyên dạy người ta
Ðừng gần điều ác, tránh xa lỗi lầm,
Người lành yêu họ vô ngần
Chỉ riêng người dữ muôn phần ghét chê.
(78)
Người
gian ác, kẻ tiểu nhân
Chớ nên làm bạn, kết thân với mình
Chỉ nên kết bạn người lành
Tác phong quân tử, tính tình thanh cao.
(79)
Một
khi chánh pháp thấm nhuần
Tươi vui cuộc sống, bình an tâm hồn
Cho nên người trí, người khôn
Hân hoan nghe Pháp thánh nhân giảng truyền.
(80)
Những
người tưới nước chăm lo
Ðào mương dẫn nước vào cho khắp miền,
Những người thợ vót cung tên
Cung tên lo uốn triền miên tháng ngày,
Những người thợ mộc khéo tay
Xẻ cây, uốn ván thẳng ngay tài tình,
Còn như người trí tinh anh
Chăm lo thuần hóa thân mình cho nhanh.
(81)
Gió
nào lay núi đá cao
Và người trí lớn khác nào núi kia
Tiếng đời trần tục khen chê
Tán dương, phỉ báng, dễ gì động tâm.
(82)
Như
là hồ nước thẳm sâu
Phô dòng phẳng lặng, khoe mầu sạch trong
Những người có trí, có lòng
Khi nghe chánh pháp cũng không khác gì
Thân tâm tịnh lạc kể chi.
(83)
Người
lành thường mãi lìa xa
Mọi điều dục lạc bỏ qua chẳng bàn,
Người hiền trí gặp vui buồn
Dù đầy hạnh phúc, hay tràn khổ đau
Không hề dao động trước sau
Tinh thần luôn vững, há nào mừng lo.
(84)
Ðừng
vì mình hay vì người
Ham cầu con cái, ham nơi ruộng tiền
Hay ngai vàng để ngự lên
Mà dùng mưu kế đảo điên ở đời,
Muốn thành công chớ hại ai
Thấy điều bất chính lầm sai tránh đường
Sống đời đức hạnh thơm lừng
Rạng vầng trí tuệ, ngát hương đạo mầu.
(85)
Ðám
đông nhân loại quanh ta
Ít người đạt được tới bờ bên kia
Còn bao kẻ khác kể chi
Ngược xuôi quanh quẩn sớm khuya bờ này
Trầm luân sinh tử thương thay!
(86)
Ai
mà có đủ duyên may
Ðược nghe chánh pháp giảng bày phân minh
Ðúng theo chánh pháp tu hành
Sẽ mau thoát cảnh tử sinh bờ này
Trùng dương dục vọng vượt ngay
Bên kia bờ giác dang tay đón chờ.
(87) - (88)
Người
hiền trí rời bỏ ngay
Con đường bất thiện giăng đầy bóng đêm
Tìm qua nẻo thiện vượt lên
Ánh vàng rực rỡ xuôi miền an vui,
Gia đình nhỏ hẹp lìa thôi
Xuất gia và sống cuộc đời độc thân
Ðúng theo phép tắc Sa Môn
Gột đi ô nhiễm trong tâm kỹ càng
Cầu vui chánh pháp Niết Bàn
Bao nhiêu dục lạc buộc ràng tránh xa.
(89)
Người
nào tu tập chuyên cần
Nương theo chánh
pháp chuyên tâm một đường,
Xa lìa cố chấp
thói thường
Sợi giây luyến
ái chẳng vương bận lòng
Não phiền đã
diệt hết xong
Trở nên sáng
suốt. Ngay trong đời này
Niết Bàn chứng
ngộ được ngay.
7 . Phẩm A La Hán (*)
(*) A La Hán: tức là bậc thánh đã dứt hết phiền não, chứng
Niết Bàn, không bị sinh tử nữa.
(90)
Với
người hoàn tất hành trình
Ưu phiền vương
vấn bên mình dứt đi
Hoàn toàn siêu
thoát mọi bề
Bao nhiêu ràng
buộc cắt lìa đã xong
Lửa tham ái sẽ
chẳng còn
Một khi tới đích
thoát vòng khổ đau.
(91)
Những
người cố gắng tu thân
Luôn luôn hăng
hái, tinh thần thật cao
Ðâu còn lưu
luyến là bao
Nơi ăn chốn ở
thuở nào tại gia
Ví như những
cánh thiên nga
Rời ao hồ cũ bay
xa tít mù
Ðâu còn nhớ tiếc
nơi xưa.
(92)
Không
màng tài sản chứa đầy
Uống ăn chừng
mực qua ngày để tu
Thoát vòng đau
khổ, ưu tư
Thảnh thơi theo
cánh gió đưa Niết Bàn
Như chim bay
giữa không gian
Tìm chim, dấu
vết vô vàn khó thay.
(93)
Nhiễm
ô, ham muốn diệt ngay
Uống ăn chừng
mực qua ngày để tu
Thoát vòng đau
khổ, ưu tư
Thảnh thơi theo
cánh gió đưa Niết Bàn
Như chim bay
giữa không gian
Tìm chim, dấu
vết vô vàn khó thay.
(94)
Ai
mà chế ngự sáu căn
Như người cưỡi
ngựa muôn phần giỏi giang
Ngựa đi thuần
thục dễ dàng,
Không còn kiêu
ngạo, hết vương não phiền
Chư thiên ái mộ
vô biên.
(95)
Bao
sân hận chẳng vương mang
Tâm như một cõi
đất bằng phẳng kia
Và như trụ đá
kiên trì
Như hồ trong
lắng không hề bùn nhơ
Người như vậy
chẳng bao giờ
Luân hồi sinh tử
diễn ra được nào.
(96)
Ai
mà thanh thản trong tâm
Lại thêm ngôn
ngữ thâm trầm nơi nơi
Thêm hành động
thật khoan thai:
Là người hiểu
biết đúng sai mọi đường
Ðã mau siêu
thoát nhẹ nhàng
Luôn luôn tịnh
lạc, hoàn toàn bình yên.
(97)
Tự
mình biết, chẳng tin ai
Tự mình giác ngộ
hiểu nơi đạo mầu
Dương trần hệ
lụy dứt mau
Nguyên nhân
thiện, ác trước sau diệt trừ
Lòng tham ái
chẳng còn ưa
Con người cao
quý khó ư sánh cùng.
(98)
Dù
làng xóm, hay núi rừng
Dù nơi vực thẳm,
hay vùng non cao
A La Hán ở chỗ
nào
Nơi này an tịnh,
dạt dào niềm vui.
(99)
Núi
rừng tịnh lạc, nên thơ
Nhưng người phàm
lại không ưa chốn này,
Riêng người giải
thoát khác thay
Tỏ ra thích ở
nơi đây vô cùng
Vì bao dục lạc
dứt xong.
8 . Phẩm Ngàn
(100)
Dù
ngàn lời nói với nhau
Nếu đều vô
nghĩa, ích đâu cho đời
Chẳng bằng chỉ
nói một lời
Một lời nghĩa
lý, mọi người mừng thay
Nghe xong tâm
tịnh lạc ngay.
(101)
Kệ
kia nói đến ngàn câu
Nếu đều vô
nghĩa, ích đâu cho đời
Một câu nói cũng
đủ rồi
Nếu đầy nghĩa
lý, mọi người mừng thay
Nghe xong tâm
tịnh lạc ngay.
(102)
Kệ
kia tụng đến trăm câu
Nếu đều vô
nghĩa, ích đâu cho đời
Chẳng bằng Pháp
Cú tuyệt vời
Một lời giáo
pháp mọi người mừng thay
Nghe xong tâm
tịnh lạc ngay.
(103)
Thắng
ngàn, ngàn địch chiến trường
Chẳng bằng tự
thắng bản thân của mình
Thắng mình oanh
liệt thật tình
Mới là chiến
thắng xứng danh hàng đầu.
(104) - (105)
Những
người tự thắng bản thân
Vẻ vang hơn
thắng địch quân hiểm nghèo
Thắng mình phải
tiết chế nhiều
Bỏ lòng dục
vọng, bỏ điều tham lam,
Dù ma quỷ, hay
thiên thần
Chẳng ai thắng
nổi khi cần đua tranh
Với người tự
thắng chính mình.
(106)
Ngàn
vàng tháng tháng bỏ ra
Trăm năm cúng tế
thật là uổng thay
Chẳng bằng giây
lát duyên may
Cúng dường đúng
bậc ngày ngày chân tu
Thật là ích lợi
vô bờ
Hơn là cúng tế
mê mờ trăm năm.
(107)
Trăm
năm ở tại rừng sâu
Dốc lòng thờ lửa
cũng đâu sánh bằng
Chỉ trong giây
lát cúng dường
Những người đạo
hạnh một đường chân tu
Thật là công đức
vô bờ
Hơn là thờ lửa
mê mờ trăm năm.
(108)
Suốt
năm bố thí, cúng dường
Ðể cầu phước báu
chẳng bằng so ra
Phần tư công đức
của ta
Khi ta kính lễ
những nhà chân tu
Thanh cao, chính
trực vô bờ.
(109)
Ai
tôn kính bậc cao niên
Tuổi cao, đức
trọng khắp miền kính yêu
Ðược thêm tăng
trưởng bốn điều:
Kéo dài tuổi
thọ, sắc nhiều đẹp tươi
Muôn phần hạnh
phúc yên vui
Tấm thân khỏe
mạnh sống đời an khang.
(110)
Cho
dù sống đến trăm năm
Chỉ hay phá
giới, không chăm tu thiền
Chẳng bằng sống
một ngày liền
Mà luôn giữ
giới, mà chuyên tu thiền.
(111)
Cho
dù sống đến trăm năm
Không còn trí
tuệ, không chăm tu thiền
Chẳng bằng sống
một ngày liền
Mà đầy trí tuệ,
mà chuyên tu thiền.
(112)
Trăm
năm dù sống dài lâu
Mà luôn lười
biếng không cầu tiến lên
Chẳng bằng sống
một ngày liền
Chuyên cần, tinh
tấn tiến thêm mọi đường.
(113)
Trăm
năm sống chẳng nhận ra
Pháp kia sinh
diệt. Thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống
chỉ một ngày
Mà hay vạn vật
chốn này giả thôi
Vô thường, tạm
bợ, nổi trôi
Sinh ra rồi
diệt, diệt rồi lại sinh.
(114)
Trăm
năm sống chẳng nhận ra
Pháp kia bất tử.
Thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống
chỉ một ngày
Mà rồi giác ngộ
thấy ngay Niết Bàn
Nơi bất diệt,
đẹp vô vàn
Không trò bệnh
lão, không màn tử sinh.
(115)
Trăm
năm sống chẳng nhận ra
Pháp kia tối
thượng. Thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống
chỉ một ngày
Mà hay rằng giáo
pháp đầy thâm sâu
Dạt dào chân lý
tối cao.
9
. Phẩm Ác
(116)
Hãy
mau thực hiện điều lành
Còn bao điều ác
tránh nhanh đừng làm,
Ðiều lành lười
biếng không ham
Làm càng chậm
trễ lại càng khổ đau
Trong tâm chuyện
ác đến mau.
(117)
Lỡ
làm việc ác mất rồi
Chớ nên tiếp tục
bước đời lầm sai
Chớ vui với việc
ác này
Tâm hay chứa ác
có ngày khổ đau.
(118)
Ðã
làm việc thiện, việc lành
Hãy nên tiếp tục
thực hành hăng say
Hãy vui với việc
lành này
Tâm hay làm
thiện có ngày hưởng vui.
(119)
Khi
mà nghiệp ác chưa thành
Người làm điều
ác tưởng mình vui thôi!
Ðến khi nghiệp
ác tới rồi
Người ta mới
thấy cuộc đời khổ đau.
(120)
Khi
mà nghiệp thiện chưa thành
Người làm điều
thiện tưởng mình khổ thôi!
Ðến khi nghiệp
thiện tới rồi
Người ta mới
thấy cuộc đời an vui.
(121)
Chớ
khinh điều ác nhỏ nhoi
Cho rằng: "Quả
báo mình thời chịu đâu!"
Nhớ rằng giọt
nước nhỏ lâu
Mỗi ngày một
chút cũng mau đầy bình,
Người ngu gom
góp vào mình
Bao điều ác nhỏ
dần thành họa to.
(122)
Chớ
khinh điều thiện nhỏ nhoi
Cho rằng: "Quả
báo mình thời hưởng đâu!"
Nhớ rằng giọt
nước nhỏ lâu
Mỗi ngày một
chút cũng mau đầy bình,
Người hiền trí
chứa tâm mình
Bao điều thiện
nhỏ dần thành phước to.
(123)
Tựa
như một kẻ đi buôn
Có mang nhiều
của nhưng không bạn bè
Tránh đường nguy
hiểm chẳng đi,
Hay người tham
sống chẳng khi nào gần
Tránh liều thuốc
độc vô ngần,
Chúng sinh noi
đó lo thân tâm mình
Tránh xa điều ác
cho nhanh.
(124)
Bàn
tay không có vết thương
Dù cầm thuốc độc
chẳng phương hại gì
Người không làm
ác sợ chi
Chẳng bao giờ bị
ác kia hại mình.
(125)
Khi
mà kẻ ác hại người
Tâm tư trong
sạch, cuộc đời hiền lương,
Ác kia trở lại
thảm thương
Gây cho kẻ ác
trăm đường khổ thay
Tựa như ngược
gió vung tay
Tung ra bụi bẩn,
bụi bay lại mình.
(126)
Con
người sinh tự bào thai
Và từ nơi đó ra
đời. Lành thay!
Thế nhưng kẻ ác
sinh ngay
Vào miền địa
ngục đọa đầy triền miên,
Những người
chính trực lành hiền
Sau này sẽ được
sinh lên cõi trời,
Nhiễm ô ai diệt
hết rồi
Mới lên được cõi
thảnh thơi Niết Bàn.
(127)
Dù
bay lên tận không trung,
Hay là lặn xuống
tận cùng bể khơi,
Chui vào hang
thẳm núi đồi
Khắp trên trần
thế chẳng nơi an toàn
Thoát tay nghiệp
ác chót mang.
(128)
Dù
bay lên tận không trung
Hay là lặn xuống
tận cùng bể khơi,
Chui vào hang
thẳm núi đồi
Khắp trên trần
thế chẳng nơi an toàn
Thoát tay thần
chết kinh hoàng.
10 . Phẩm Dao gậy
(129)
Sợ
thay gậy gộc, gươm đao
Sợ tay thần chết
hại bao cuộc đời
Suy lòng mình ra
lòng người
Chớ nên giết hại
hoặc xui giết người.
(130)
Sợ
thay gậy gộc, gươm đao
Yêu thương mầm
sống, khát khao cuộc đời
Suy lòng mình ra
lòng người
Chớ nên giết hại
hoặc xui giết người.
(131)
Ai
cầu hạnh phúc cho mình
Mà dùng dao gậy
gian manh hại người
Khiến người tan
nát cuộc đời,
Kiếp sau mình
chẳng an vui được nào.
(132)
Ai
cầu hạnh phúc cho mình
Không dùng dao
gậy gian manh hại người
Không gây tổn
hại cho đời,
Kiếp sau mình sẽ
an vui vô cùng.
(133)
Ðừng
nên mở miệng nói câu
Tục tằn, ác độc
khiến đau lòng người
Người ta cũng
nói trả thôi,
Những lời độc
địa muôn đời khổ thay
Lời qua tiếng
lại đắng cay
Như bao dao gậy
phạt ngay thân mình.
(134)
Nếu
mà ngươi giữ lặng yên
Như chuông bể
nứt im lìm chẳng vang
Trước lời ác độc
phũ phàng
Niết Bàn ngươi
đã thênh thang bước vào:
Chẳng còn sân
hận chút nào.
(135)
Người
chăn cầm gậy đi sau
Lùa đàn bò nọ
chạy mau ra đồng,
Già nua, chết
chóc đều cùng
Xua người đến
chốn tử vong khác gì.
(136)
Kẻ
ngu nghiệp ác gây nên
Ðể rồi quả báo
đến liền hay đâu,
Tương lai chịu
vạn khổ đau
Như là lấy lửa
thiêu mau chính mình.
(137) - (140)
Ai
dùng gậy gộc, gươm đao
Hại người lương
thiện, thoát nào đớn đau
Mười điều khổ
não trước sau
Tự mình lại sẽ
rước vào thân thôi:
"Một là thống
khổ kinh người,
Hai là thương
tích khắp nơi thân mình,
Ba là bệnh nặng
thật tình,
Bốn là tán loạn,
thần kinh rối bời,
Năm là tai họa
trong đời
Vua, quan áp
bức, hại thời tránh đâu,
Sáu là tội nặng
ngập đầu
Bị người vu cáo
dài lâu, phiền hà,
Bẩy là quyến
thuộc trong nhà
Bà con ly tán
xót xa bội phần,
Tám là tài sản
xa gần
Tiêu ma giây
phút, nát tan sớm chiều,
Chín là sẽ bị
hỏa thiêu
Cửa nhà cháy
hết, tiêu điều tang thương,
Mười là chết khó
tránh đường
Ðọa vào địa
ngục, diêm vương đón chờ".
(141)
Dù
tu khổ hạnh triền miên
Trần truồng, bện
tóc, tro đen xoa mình
Nhịn ăn, nằm
đất, lăn sình
Sống dơ, ngồi
xổm để hành xác thân
Nào đâu thanh
tịnh được tâm
Nếu không trừ
dứt đi phần hoài nghi.
(142)
Người
nào sống thật trang nghiêm
Thân tâm an
tịnh, giữ gìn đường tu
Bao nhiêu dục
vọng diệt trừ
Không hề buông
thả hững hờ giác quan
Lại thêm giới
hạnh chu toàn
Sinh linh chẳng
hại, tính luôn ôn hòa
Dù cho ăn mặc xa
hoa
Vẫn là tu sĩ, là
Bà La Môn.
(143)
Biết
điều hổ thẹn bản thân
Ðể mà tự chế, tự
ngăn cấm mình
Thế gian ít kẻ
đạt thành
Nhưng khi đạt
được, thân lành biết bao
Tránh lời khiển
trách khổ đau,
Như là ngựa giỏi
roi nào quất đâu.
(144)
Giống
như ngựa giỏi chạy hăng
Thêm roi thúc
giục lại càng hay hơn
Ngươi mau giữ
giới chuyên cần
Niềm tin, đạo
đức quyết tâm giữ gìn,
Trau dồi trí tuệ
vững bền
Pháp môn thiền
định nên chuyên thực hành
Theo và hành đạo
nhiệt thành
Ðể mau tiêu diệt
ngọn ngành khổ đau.
(145)
Những
người tưới nước chăm lo
Ðào mương dẫn nước vào cho khắp miền,
Những người thợ vót cung tên
Cung tên lo uốn triền miên tháng ngày,
Những người thợ mộc khéo tay
Xẻ cây, uốn ván thẳng ngay tài tình,
Còn như người trí tinh anh
Chăm lo kiểm
soát thân mình cho nhanh.
--- o0o ---
Mục Lục
|
Phần 1 |
Phần 2 |
Phần 3
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật:
7-2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục