PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA

(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)

 Chánh Trí Mai Thọ Truyền

--- o0o ---

Quyển 2

PHẨM THỨ BA

THÍ DỤ (La Parabole)

 

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-Phất hớn hở vui mừng, liền đứng dậy cung kính bạch Phật: “Hôm nay con được nghe mấy lời Phật dạy, thật là việc chưa từng có. Bao nhiêu nghi ngờ của con đã dứt sạch. Trước kia con thường tự hỏi: Phật cũng ở trong pháp-tánh như mình, cớ sao Phật được là Phật còn mình lại không? Vậy ra mình đã mất cái khả-năng thành Phật của mình rồi sao?

Nay nghe Phật dạy, con mới hiểu rằng Phật đã tuỳ nghi mà dạy bảo.

-   Vì xưa con thấy sai, hiểu lầm (tà kiến), nên Phật, để trừ tà-kiến ấy, phải tạm đem cảnh Niết-bàn ra mà dụ dẫn con (phương-tiện).

-   Kế đó, tà-kiến trừ được, con không còn tham Niết-bàn và đạt đến cái lý “Không” chân thật, con tự cho là đã “diệt độ” rồi.

-   Nay con mới hiểu rằng như thế cũng chưa diệt độ  hoàn toàn. Thật diệt độ là khi nào đạt đến chỗ thành Phật, đủ 32 tướng tốt và làm Thầy của trời, người.

Xá-lợi-Phất nói tiếp: “Lúc mới nghe Phật nói con sẽ thành Phật, con thật nghi ngờ và tự hỏi Ma giả Phật để não loạn lòng con. Nhưng sau nhờ thí-dụ của Phật, con mới hết nghi, và tin quả quyết rằng con sẽ thành Phật”.

Phật bèn nói với Xá-lợi-Phất: “Tôi xưa kia đã từng giáo hoá ông, đã từng dìu dắt ông trên đường thành Phật, nhưng ông lại quên mà tưởng là được diệt độ trong khi chưa tới đích. Tuy nhiên, tôi nói trước cho ông biết, trong vị-lai vô lượng số kiếp, ông sẽ thành Phật hiệu là Hoa-Quang Như-Lai, nước tên Ly-Cấu, kiếp tên Đại-Bảo Trang-Nghiêm”.

Thính chúng thấy Phật “thọ ký” cho Xá-lợi-Phất lấy làm vui mừng hớn hở.

Xá-lợi-Phất bèn thưa: “Trước kia Phật dạy hễ lìa sanh, già, bệnh, chết là đến Niết-bàn. Các hàng Thanh-văn hiện diện đã nghe và làm theo, ai cũng tưởng là đã được Niết-bàn rồi. Nay Phật lại đưa ra một giáo-pháp mới chưa ai từng nghe, là Niết-bàn ấy chưa phải rốt-ráo, mà rốt-ráo là phải thành Phật, con sợ hàng Thanh-văn còn chỗ nghi ngờ. Cúi xin Thế-Tôn giải thích”.

Phật đáp: “Trước đây, tôi há chẳng nói rằng tất cả các giáo-pháp đã dạy đều là phương-tiện đưa đến Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác (thành Phật) sao? Nhưng thôi, để cho bậc trí hiểu được, tôi có cái thí-dụ này:

“Có một ông nhà giàu to, tuổi đã già suy. Nhà cửa ông rộng lớn, sức chứa nhiều người, trong số có các con của ông, nhưng phải cái nguy là nhà ấy mục nát, rắn rít rất nhiều thêm nỗi đang bị lửa cháy mà cửa ra thì chỉ có một cái, lại bé hẹp.

Ông lão đứng ngoài, lo sợ cho các con, muốn xông vào cứu chúng, nhưng nhớ đến cửa nhỏ, sợ các con giãy giụa mà không đem ra được hết. Trong lúc ấy, dầu nguy hại trước mắt, các con của ông cứ nô đùa, không biết sợ sệt gì hết và cũng không muốn ra vì không biết lửa là gì, chết thiêu là gì.

Ông bèn lập kế. Ông hô to: “Các con ơi! Ba có những đồ chơi đẹp lắm đây nè, nào là xe dê, xe hưu, xe bò, chiếc nào cũng trang sức lộng lẫy. Đứa nào ra đây cha cho!”.

Các con nghe, ùn-ùn kéo nhau chạy ra khỏi nhà cháy rồi bu lại đòi đồ chơi. Ông nhà giàu bèn ban cho các con đồng một thứ xe lớn, tốt đẹp vô cùng. Vì sao không cho ba thứ xe lớn, nhỏ, tốt đẹp khác nhau, mà lại cho ròng một thứ tuyệt đẹp? Vì ông lão giàu có, kho tàng đầy ngập.

Đến đây, Đức Phật hỏi Xá-lợi-Phất: “Ông trưởng giả đã hứa cho ba thứ xe, nay lại cho có một thứ, mà là thứ lớn và tốt nhất, vậy ông có nói dối không?

Xá-lợi-Phất bạch: “Dạ không. Dầu cho thứ xe nhỏ nhất, xấu nhất, ông cũng không nói dối, hà huống cho thứ lớn và tốt. Vì sao? Vì việc hứa cho xe chỉ là một phương-thế, phương-tiện cứu các con ông ra khỏi nhà cháy”.

Phật khen: “Đúng đấy! Như-Lai là cha của tất cả thế gian. Tuy đã ra khỏi thế-gian, vẫn vì sự lợi-ích của tất cả mà trở vào nhà lửa ba cõi cũ mục này để độ chúng-sanh ra khỏi nạn sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, ngu si, tối tăm, ba độc (tham, giận, mê-muôi). Sống trong cảnh khổ nhà cháy như thế mà chúng-sanh cứ vui chơi, hỷ hạ, chẳng hay đang bị lửa đốt, chẳng biết sợ sệt, không nhàm không chán, không cầu ra khỏi (giải thoát).

“Như-Lai mới nghĩ phương cứu-độ. Đem trí-huệ, thần-thông ra giảng nói ư? Không thể được, chúng-sanh đang bị thiêu đốt (đau khổ, mê muội), làm gì nghe hiểu. Vậy phải dùng một phương-thế nào đó, miễn cứu chúng ra khỏi là được. Do đây mà có việc quyền lập phép tu sửa. Một là Thanh-văn-thừa (xe dê), hai là Duyên-giác-thừa (xe hưu), ba là Bồ-tát-thừa (xe bò), tuỳ căn-cơ trí-huệ của mỗi hạng chúng-sanh.

“Như ông nhà giàu cho đồng đều các con mỗi đứa một cỗ xe to khi chúng ra khỏi nhà lửa, Như-Lai cũng thế, khi chúng-sanh đã ra khỏi sự khổ-não, bất luận là do xe Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, bèn cho cái vui, cái lợi-ích to lớn hơn xưa: thiền-định, giải-thoát…là những cỗ xe đưa đến Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Và cũng như ông trưởng giả kia, Phật không phạm tội nói dối.

“Nhưng coi chừng! Đừng đem kinh này, sự thật này mà nói với những hạng người vô trí là hạng:

  1. Kiêu-mạn (làm phách)

  2. Lười biếng

  3. Ngã chấp (Quá tự-ái)

         Họ sẽ không tin, phỉ báng lời Phật để rồi sẽ chịu những quả báo ghê rợn. Nên chỉ nói cho hạng người lợi căn, trí-huệ sáng-láng, học rộng, nhớ dai, lòng mong cầu giải-thoát (Phật-đạo), lìa xa phàm-phu, bạn ác, thích thanh tịnh, tu hành…

 

Huyền nghĩa

   Ở phẩm này, Kinh dùng một thí-dụ để giải tại sao chỉ có một con đường Phật-đạo), mà trước kia Phật dạy tới ba. Hay để nói theo Kinh, chỉ có một cỗ xe chớ không phải ba.

         Trong thí-dụ nhà lửa (nhà bị cháy):

-         Ông nhà giàu chỉ Phật, những đứa con chỉ chúng-sanh.

-         Lửa cháy, mục nát, rắn rít, chỉ cảnh khổ của chúng-sanh là sanh, già, bệnh,

chết, sầu não, mê-muội;

-         Ba xe chỉ ba thừa hay ba bậc tu hành: Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát. Hai

bậc trước tu vì mình cho nên ví với xe dê, xe hưu, là những xe nhỏ, sức  chở một người mà thôi (tự độ). Bậc Bồ-tát vì người quên mình, cho nên ví với xe bò--chớ không phải xe trâu—là thứ xe lớn, sức chở nhiều người (độ tha)

Trước kia, sở dĩ Phật quyền chia giáo-pháp của Ngài ra ba bậc, ấy vì chúng

-sanh mê sống trong cảnh của thể xác và tâm tình, tức của ba giới (dục, sắc và vô- sắc-giới), Phật không thể đem cái Chân-lý tuyệt vời là cái thấy biết (tri-kiến) của Phật ra dạy ngay được. dầu có dạy đi nữa , cũng không ai hiểu, bởi cái thấy -biết của Phật là cái thấy-biết của bậc đã ra khỏi ba giới. Do đây, phải dạy tu tập lần hồi, tuỳ khả-năng của từng hạng người, để ai cũng được an ẩn (paix intérieure) và khoái lạc (sérenité) là điều-kiện cốt yếu, nhiên hậu mới đem sự-thật cuối cùng ra dạy.

   Những con của trưởng giả ra khỏi nhà lửa , chỉ chúng-sanh, nhờ sự dụ dẫn của ba thừa, ra khỏi ba giới, được an ẩn và khoái lạc, tạm gọi là Niết-bàn.

   Ông cha cho các con một thứ xe vừa to, vừa tốt, đó là giáo-pháp Đại-thừa, là giáo-pháp năng sanh cái lạc tịnh diệu hạng nhất, là mức cuối cùng của con đường tiến hoá tâm linh từ phàm đến Thánh, từ chúng-sanh đến Phật, nghĩa là từ ô-trược đến thanh-tịnh hoàn-toàn, từ trói trăng mất cả tự-do đến giải-thoát tự-tại hoàn-toàn, từ đau khổ đến an lạc, từ sanh tử đến bất sanh bất diệt.

   Nhà to mà chỉ có một cửa ra, chỉ Tam giới rộng lớn, muốn ra khỏi chỉ có một con đường, chỉ có một cửa. Cửa tuy mở nhưng khó ra, ám chỉ công phu tu học khắc-khổ và kiên-nhẫn.

   Ở trên đã nói ông nhà giàu chỉ cho Phật, mà Phật là Tâm. Vậy câu: “ông trưởng-lão giàu có, kho tàng đầy ngập” có nghĩa là Tâm đầy đủ mọi công-đức (Đức-tạng), mọi pháp (Pháp-tạng). Mà Tâm thì ai cũng có và không sai-biệt. Vậy ai cũng có sẵn nơi mình mọi khả năng, mọi điều-kiện để đạt đến cái kết-quả cuối cùng là Phật-quả. Điều cần yếu là mỗi người phải  tự biết mình có cái kho tàng quý báu vô song đó và phải biết khai thác, diệu dụng. Đó là mục đích của Đại-thừa giáo.

   Tuy chia có ba xe, tất cả đều là xe mà công-dụng là đưa người từ một địa-điểm này sang một địa-điểm khác. Giáo pháp của Phật tuy chia có ba bậc, vẫn đồng một công-dụng là đưa chúng-sanh ra khỏi nhà lửa, hướng về cái đích duy nhất là Giác-ngộ. Giải-thoát hoàn-toàn, cho nên hứa cho ba thứ xe, rốt cuộc lại cho có một.

 

PHẨM THỨ TƯ

TÍN GIẢI (Les inclinations)

 

Tu-bồ-đề, Ca-chiên-Diên, Đại Ca-Diếp, Mục-kiền-Liên, vui sướng thấy Phật thọ ký cho Xá-lợi-Phất, bèn phát tâm tin tưởng mình cũng được đến quả Phật, là một lợi ích hiện tiền vô giá, không cầu mà tự đặng.

Để chứng tỏ sự tin tưởng và thông hiểu của mình, các Bồ-tát này bèn giải thích lời Phật dạy bằng một câu truyện  thí dụ như sau:

Có một người, lúc bé thơ, đã bỏ cha đi hoang. Sau mấy mươi năm trôi giạt, tuổi lớn thêm nghèo đến phải đi ăn xin, từ nơi này sang nơi khác. Tình cờ chàng ta trở về xứ sở  mà không hay.

Trong lúc ấy, ông cha tìm con khắp nơi mà không gặp. Ông là nhà giàu lớn, tiền của đầy kho, tôi trai tớ gái chật nhà. Ông chẳng những là một nhà giàu trong xứ mà còn có của cải tận các nước khác.

Không tỏ với ai việc cha con biệt ly, ông thường suy nghĩ: “Ta nay  giàu có như thế này mà con không có, một mai chết rồi, ai đâu là người giao phó, của cải ắt phải tan mất. Phải chi ta gặp con để giao cho nó thì dầu có chết cũng an lòng!”.

Một hôm, đứa con lạc loài lại tình cờ đến trước nhà ông. Đứng ngoài cổng  ngó vào, nó thấy phú ông sang trọng, uy nghi, đang ngồi trên ghế cao, xung quanh có người hầu hạ, trong nhà thì ngọc ngà châu báu  không biết bao nhiêu. Chàng ta đâm hốt hoảng, thầm bảo là đã lạc bước đến chỗ vua chúa. Nghĩ xong, chàng sợ bị bắt, bỏ chạy đi tìm một xóm nghèo, hợp với tình cảnh của chàng, để kiếm việc làm độ nhật.

Nhưng phú-ông đã thấy và nhận biết chàng là con của ông. Hai gia-nhân liền được ông sai rượt bắt chàng lại. Bị bắt, chàng ta sợ quá, van xin mà không được thả, chàng ngã xuống đất chết ngất.

Ông cha thấy vậy ra lệnh: “Thôi ta không cần người ấy đâu. Hãy lấy nước rưới lên mặt cho nó tỉnh rồi cho nó đi”

Vì biết con mình quen sống với cảnh nghèo hèn ty tiện, nay nếu đột nhiên nhận nó là con mình, mà mình lại giàu sang tôt bậc, nhất định nó không tin mà còn đem lòng sợ sệt. Chi bằng thả nó đi rồi lập kế dẫn dụ nó. Đó là thâm ý của ông cha.

Kế đến, ông mật sai hai người giả dạng bần khổ, tìm đến anh chàng và rủ chàng đi làm thuê hốt rác.

Sau khi biết sẽ được trả công gấp đôi, anh chàng nhận lời và cả ba vào làm việc hốt rác ở nhà sau phú-ông.

Thấy con tiều tuỵ, đất cát bụi bặm cùng mình, ông lão thương xót quá. Ông thay bỏ quần áo sang cả, mặc đồ thô rách, lân la với đám người hốt rác. Một hôm, ông bảo người con: “Anh này, nên tiếp tục làm ở đây, ta sẽ trả thêm tiền cho. Còn có cần dùng gì cứ nói, ta sẽ cấp cho và nên xem ta như cha”.

Nói xong, lấy lẽ ông là người tuổi tác còn anh chàng còn trai trẻ, ông kêu anh bằng con.

Chàng ta rất mừng, nhưng không dám quên mình là người hạ tiện.

Ít lâu  sau, ông lão có bệnh. Ông cho kêu anh chàng đến, giao cho anh việc quản lý gia tài ông và cho anh được quyền xuất nhập bất cấm trong nhà. Anh làm tròn bổn-phận, nhưng không bao giờ dám tiêu phí quá sự cần-dùng của anh, còn ở thì cũng tiếp tục ở nhà sau, chỗ cũ, không dám bén mảng lên nhà trên.

Trải qua một thời gian ngắn, phú-ông biết mình sắp lìa trần. Ông hội cả thân tộc và trước mặt vua quan, ông chỉ anh chàng mà tuyên bố: “Anh này là con ruột tôi, bấy lâu xa cách vì anh bỏ nhà ra đi lúc nhỏ. Nay cha con chúng tôi đã trùng phùng, tôi giao cho anh tất cả gia tài của tôi mà trước đây anh đã quản-lý và biết rõ”.

Người con nghe nói, mừng quá, cho là việc chưa bao giờ có và tự nghĩ: “Không mong mà được, thật là lạ!”.

Chấm dứt câu chuyện thí dụ, Tu-bồ-Đề, Ca-chiên-Diên…bạch Phật: “Ông trưởng giả thí như Đức Như-Lai còn chúng con như gã thất lạc kia. Như-Lai là cha, chúng con là con Phật mà không biết.

“Chúng con vì ba món khổ([1]) mãi ở trong cảnh sanh-tử chịu các sự nóng đốt, lo phiền, mê lầm, ngu dốt, cho nên ưa thích những “giáo-pháp nhỏ” (tiểu pháp). Làm cái việc hốt rác rến “giáo pháp trò đùa” mà tự cho là thoả mãn với cái giá trả công Niết-bàn.

Như-Lai không bắt, không cưỡng bách chúng con theo con đường “tất cả đều có phần hưởng thọ kho tàng tri-kiến Như-Lai” mà tha cho chúng con theo cái khuynh-hướng ([2]) thấp hèn, rồi phương-tiện thuận theo chúng con mà dạy bảo.

Chúng con là con của Phật (Phật tử) mà không biết.Vì không biết nên không dám mong hưởng thọ sự-nghiệp vĩ đại của Cha là Phật, mà chỉ cam phận với đồng tiền làm thuê Nhị-thừa. Ấy vì tại chúng con  không dám tự nhận là con Phật (mong tu Đại-thừa) nên hoá ra Phật cũng không tự nhận là Cha được (không thể nói pháp Đại-thừa).

Nay tạng-báu của Pháp-vương lại tự nhiên mà đến, quả thật không cầu mà được.

 

Huyền nghĩa

Kinh Hán-văn gọi anh chàng bỏ nhà bỏ cha trốn đi là “ cùng tử”, nghĩa là đứa con bần-cùng, Ô.E.Burnouf dịch là “le fils prodigue”, là đứa con hoang.

Có bỏ nhà bỏ cha ra đi, là trước kia cha con cùng ở chung một chỗ. Chỗ đó là “Phật-độ viên giác, thanh tịnh”

Không riêng gì Tu-bồ-Đề, Ca-chiên-Diên…mà tất cả chúng ta và Phật đều cùng nguyên quán, đều cùng ở một chỗ là nơi hoàn toàn sáng suốt (viên giác) và trong sạch (thanh tịnh).

Nhưng khi “vô-minh bất-giác” nổi lên, như thấy vàng mà ham, thấy sắc mà động chẳng hạn, thì bị vàng bị sắc cám dỗ đến nỗi bỏ nhà viên-giác thanh-tịnh mà ra đi, dấn thân vào cảnh phàm-phu, làm đứa con hoang, làm anh chàng cùng-tử, một mảnh trí-huệ quý báu không có, thành phải chịu phiền-não luân-hồi.

Nhớ thương, cha bỏ xứ đi tìm, dụ cho việc Phất xuất thế hạ trần, chịu ngũ-trược để độ chúng-sanh.

Nhưng khi gặp nhau lại quá cách biệt, cha thì giàu tột bậc (Phật đầy đủ đức tướng) còn con thì bần cùng khổ sở (chúng-sanh phúc bạc tội dày).

Cha biết con, mà con thì thấy mình quá hèn quá thấp không dám ngó, đừng nói tới việc nhìn cha. Chúng ta cũng thế, tuy miệng tự xưng là Phật-tử, nhưng nào ai dám tưởng rằng mình là con ruột của Phật và có quyền thừa hưởng tất cả kho tàng vô giá bảo-pháp của Như-Lai.

Bị bắt mà sợ đến chết giả, chẳng khác người đời khi nghe Phật dạy “tất cả sẽ thành Phật” là hốt hoảng thất thanh.

Ông cha biết: vì đã quen sống đời sống ăn xin bần tiện, con ông nay không làm sao đột ngột đổi khuynh-hướng được. Ông bèn dùng kế cho hai người (Thanh-văn và Duyên-giác thừa) tìm rủ con ông vào nhà ông (nhà Phật) làm cái việc ty tiện hốt rác, không xứng với cái địa vị chân thật là con Phật. Và biết tánh vụ lợi của kẻ nghèo (trí-huệ), ông hứa trả công gấp hai.

Đứa con hoang rất thích làm việc dơ-bẩn, thấp hèn này, như chúng-sinh thích nghe những giáo-pháp thấp thấp của tứ-quả Thánh và tu tập theo những giáo-pháp ấy, không dám nghĩ đến cái cao hơn.

Muốn gần con để lần hồi dạy bảo, dẩn dụ, ông cha bỏ quần áo sang cả, mặc bô vải thô xấu, là dụ cho Phật dùng quyền xão phương-tiện, hạ thấp tri-kiến mình để nói bày theo cái hiểu nông cạn của chúng-sanh. Gần được con, ông cha đốc suất làm việc như Phật khuyến-khích sự tinh tấn tu hành, và hứa ban thưởng xứng đáng muốn gì cho nấy, như Phật hứa cho niết-bàn an lạc.

Nhưng con không bỏ cái ý hèn kém, chẳng rời nhà tranh (Thanh-văn, Duyên-giác) dù đã trải qua 20 năm làm việc hốt rác và vô ra nhà cha (Như-Lai).

Cha có bệnh, kêu con giao gia tài cho quản lý, như Phật đã đem tri-kiến của Phật ra lần dạy bảo và cho tu tập. Nhưng con không dám dùng cũng như không có ý muốn dùng, đó là lòng hoài nghi của tất cả chúng-sanh đối với khả năng thành Phật của mình.

Đến giờ sắp chết (Phật nhập Niết-bàn), cha hội thân tộc (Hội Pháp-hoa), tuyên bố chàng cùng-tử là con ruột (thọ ký thành Phật), nay trao cho tất cả của quý (từ, bi, hỷ, xả) mà bấy lâu đã tập cho chàng thu xuất, nay đã thông thuộc.

Con rất vui mừng, nghĩ thầm; không cầu mà có, tự nhiên mà đến.

 

٭

٭    ٭

Thưở xưa có một con sư-tử cái đang có mang. Vì có mang nên không đi kiếm mồi được, phải đói khổ. Một hôm, gặp một bầy cừu, chị gom tàn lực nhảy vồ. Chị sảo thai và ngã ra chết. Bầy cừu nuôi chú sư-tử mất mẹ. Đến lớn chú ăn cỏ và kêu la như cừu, và luôn luôn tin mình là cừu. Một hôm gặp một con sư-tử già, sư-tử già bắt chú nhỏ soi mặt dưới khe trong.

Thấy mình cũng nanh nhọn, đầu bờm, chú cừu tự giác mình là sư-tử chúa sơn lâm chớ không phải là cừu con ty-tiện, chú rống lên một tiếng nhảy phóc vô rừng, hết đời cừu con!

Người là sư-tử con, không phải cừu. Nay Phật đã cho ta soi mặt ở khe, vậy ai cũng phải rống lên một tiếng cho chuyển động đất trời, rồi trở về bảo-lâm mà đừng theo đồng cỏ nữa!


 

[1] Ba món khổ (tam khổ): 1) Khổ-khổ: sự khổ đã đến thì làm phát sanh cái khổ phiền não. Do đây nói khổ-khổ; 2) Hoại-khổ: một loại khổ phiền não khác do cái mất vui, mất sướng mà ra; 3) Hành-khổ: loại khổ phiền não thứ ba, sanh ra bởi tính-cách vô thường, dời đổi, họp tan.

[2] Thú hướng hay khuynh-hướng: Inclinations, có lẽ vì điểm này mà Ô.E.Burnouf dịch tựa của phẩm này là “ Les Inclinations”.

--- o0o ---

Mục Lục | Quyển I | Quyển II | Quyển III  

Quyển IV | Quyển V | Quyển VI |  Quyển VII

--- o0o ---

Vi tính: Chánh Dũng
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-04-2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Nghiên cứu về Ni giới một đề 散杖 Một chuyến trở về rÃÆ お仏壇通販 VÃƒÆ 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 僧人食飯的東西 æ²çå ä ƒäº ä å å น ยาม ๕ ç Š Dịch giả cuốn sách nổi tiếng Đức 春播千亩道稻 对仗 下联 tịnh 今之儒者 自以为正心诚意之学者 Thêm lý do để đưa bông cải xanh vào Ăn Tết Ăn văn hóa nt 丢失菩提心的因缘 総持寺 盆踊り bún 高級 霊園 爐香讚全文 å å ç ªä å ç ¾ 心中有佛 mở 因地不真 果招迂曲 墓 購入 激安仏壇店 ba phuong thuc giao duc tuoi tre phat giao bon phap xay dung doi song tai gia hanh phuc cáo big bang va ly thuyet vu tru cua dao phat 機十心 中孚卦 bay phap de xay dung mot hoi chung hung thanh æµæŸçåŒçŽ 栃木県寺院数 02 lời nói đầu เพรงดนต ฟ duc dalai lama va nhung cau noi dang suy ngam 唐安琪丝妍社 clip ve luat nhan qua lam chung ta phai suy ngam Vu lan 夜渡凡尘 削发更衣 cho đi và nhận lại 成绩不好检讨 chuong ix so tham ve hue lam va quan thien luan ธรรมะก บพระพ ทธเจ Chùa Linh Ứng Sơn Trà 牧牛 12 duong nhan qua anh huong den cuoc doi moi أبا درج