3 CHƯƠNG BA BA PHÁP
IX. PHẨM SA-MÔN
SA-MÔN
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba hạnh Sa-môn cần phải làm này của Sa-môn. Thế nào là ba ?
Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Đây là ba hạnh Sa-môn cần phải làm của Sa-môn. Ở đây vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau : "Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con lừa đi theo sau lưng đàn bò nghĩ rằng : "Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò", nhưng nó không có màu sắc giống như con bò. Nó không có tiếng giống như con bò. Nó không có chân giống như con bò. Tuy vậy, nó vẫn đi theo đàn bò, nghĩ rằng : "Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng : "Ta cũng là Tỷ-kheo, ta cung là Tỷ-kheo". Nhưng vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng giới học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng tâm học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng tuệ học như các Tỷ-kheo khác. Tuy vậy, vị ấy vẫn đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng : "Ta cũng là Tỷ-kheo, ta cũng là Tỷ-kheo"
Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau : "Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tâm học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
NGHỀ NÔNG
1. Có ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu gia chủ cần phải làm trước. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người nông phu gia chủ, trước hết khéo cày và khéo bừa. Khéo cày và khéo bừa xong, người ấy cho gieo hạt giống đúng thời. Cho gieo hạt giống đúng thời xong, người ấy cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu gia chủ cần phải làm trước.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba việc này, một Tỷ-kheo cần phải làm trước. Thế nào là ba ? Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ba công việc này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm trước. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau : "Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi thọ trì tăng thượng tâm học. Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi thọ trì tăng thượng tuệ học". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
83. NGƯỜI VAJJI
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, chỗ giảng đường có góc nhọn. Rồi một Tỷ-kheo người Vajji đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo người Vajji bạch Thế Tôn :
- Bạch Thế Tôn, hơn 150 học phái này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc, ở đây, con không có thể học nổi.
- Này Tỷ-kheo, Thầy có thể học ba học pháp không, tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học ?
- Bạch Thế Tôn, con có thể học ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
2. - Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy hãy học tập ba pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Nếu Thầy học tập tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Này Tỷ-kheo, nhờ học tập ba học pháp này, tham sẽ đoạn tận, sân sẽ đoạn tận, si sẽ đoạn tận. Do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si ; điều bất thiện, Thầy sẽ không làm ; điều ác, Thầy sẽ không theo.
3. - Tỷ-kheo ấy, sau một thời gian học tập tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ ; do học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng tâm, học tập tăng thượng tuệ, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận. Vị ấy, do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si ; nên không làm điều bất thiện, không theo điều ác.
84. HỮU HỌC (1)
1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo bạch Thế Tôn :
- Hữu học, hữu học, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là hữu học ?
- Học tập, này Tỷ-kheo, nên được gọi là hữu học, và học tập cái gì ? Học tập tăng thượng giới, Học tập tăng thượng tâm, Học tập tăng thượng tuệ. Vị ấy, này Tỷ-kheo, do vậy được gọi là vị hữu học.
Bậc hữu học, học tập
Đi theo con đường thẳng
Ở trong sự diệt tận
Trí thứ nhất khởi lên
Tiếp theo không gián đoạn
Chánh trí mới sanh khởi
Rồi chánh trí giải thoát
Trí như vậy khởi lên
Bất động ta giải thoát
Hữu kiết sử đoạn tận
85. HỮU HỌC (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các người thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp họp lại thành ba học giới này. Thế nào là ba ? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học giới này, này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, chỉ trở về thế giới này một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời này nữa.
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần ; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các học giới không phải là rỗng không.
86. BẢN TỤNG ĐỌC (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các người thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp họp lại thành ba học giới này. Thế nào là ba ? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học giới này, này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc tối đa phải sanh lại bảy lần. Sau khi sanh lại bảy lần, sau khi dong ruổi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, liền đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc "Gia gia", dong ruổi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, phải trở lui lại đời này chỉ một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm … chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Thượng lưu, đạt được Sắc cứu kính thiên. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Hữu hành Bát Niết bàn. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Vô hành Bát Niết bàn. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát Niết bàn.
4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm … chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần ; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các học giới không phải là rỗng không.
87. BẢN TỤNG ĐỌC (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này … (như kinh trước, số 1) … này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm … chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
3. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát-Niết-Bàn. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Tổn hại Bát Niết bàn … là bậc Vô hành Bát Niết bàn … là bậc Hữu hành Bát Niết bàn … là bậc Thượng lưu, chứng đạt Sắc cứu kính thiên. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, sau khi làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, chỉ trở lui đời này một lần nữa, rồi đoạn tận khổ đau. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc "Gia gia", sau khi dong ruổi, luân chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc Tối đa phải sanh lại bảy lần, sau khi dong ruổi, luân chuyển tối đa bảy giữa chư Thiên và loài người, rồi đoạn tận khổ đau.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần ; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các học giới không phải là rỗng không.
88. HỌC GIỚI
1. - Có ba học giới này. Thế nào là ba ? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
Thế nào là tăng thượng giới học ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo giữ giới … chấp nhận, học tập trong các giới. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng giới học.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tăng thượng tâm học ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện … chứng và trú Thiền thứ tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tâm học.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tăng thượng tuệ học ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như thật rõ biết : "Đây là khổ", như thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tuệ học.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba học giới.
89. HỌC PHÁP
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba học pháp này. Thế nào là ba ? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
… (Hoàn toàn giống như kinh trước với tăng thượng giới học và tăng thượng tâm học, nhưng tăng thượng tuệ học có khác) …
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tăng thượng tuệ học ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tuệ học. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba học pháp.
Người tinh tấn, nghị lực
Kiên trì và Thiền tu
Sống hộ trì các căn
Hãy hành ba tăng thượng
Trước thế nào, sau vậy
Sau thế nào, trước vậy
Dưới thế nào, trên vậy
Trên thế nào, dưới vậy
Ngày thế nào, đêm vậy
Đêm thế nào, ngày vậy.
Hãy nhiếp phục mọi phương
Với vô lượng tâm định
Đây gọi hữu đạo học
Là thuần tịnh hạnh đức
Đây gọi là Chánh giác
Bậc trí đạt tối hậu
Với thức được đoạn diệt
Ái diệt, được giải thoát
Như đèn sáng tịch diệt
Tâm vị ấy giải thoát
90. PANKADHÀ
1. Một thời Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala, tên là Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Pankadhà. Pankadhà là một thị trấn của dân chúng Kosala.
Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo tên là Kassapogotta trú ở Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỉ. Rồi Tỷ-kheo Kassapogotta, trong khi Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng : "Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ !".
2. Thế Tôn, sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, rồi ra đi, du hành hướng đến Ràjagaha, tiếp tục du hành và đến tại Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, núi Gitjjhakùta.
Rồi Tỷ-kheo Kassapogotta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, cảm thấy hối hận, ăn năn, nghĩ rằng : "Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ta lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng : "Sa-môn này quá tăn măn, tỉ mỉ ! "(quá khắt khe ?). Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội".
3. Rồi Tôn giả Kassapogotta, sau khi dọn dẹp lại chỗ nằm, cầm y bát, rồi ra đi đến hướng Ràjagaha, tiếp tục đi đến Ràjagaha, núi Gijjhakùta, đến Thế Tôn, sau khi đến. Đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kassapogotta bạch Thế Tôn :
- Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn trú ở Pankadhà, Pankadhà là một thị trấn các dân tộc Kosala. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, trong khi Thế Tôn, với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con cảm thấy bất mãn, nghĩ rằng : "Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ". Rồi Thế Tôn sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, liền ra đi, du hành đến Ràjagaha. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, con cảm thấy hối hận, ăn năn : "Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ta lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng : "Sa-môn này quá tăn măn, tỉ mỉ !". Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội !". Phạm tội đã chinh phục con, bạch Thế Tôn, ngu si như con, đần độn như con, bất thiện như con. Vì rằng trong khi Thế Tôn, với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con cảm thấy bất mãn, nghĩ rằng : "Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ". Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận con có phạm tội là có phạm tội, để con ngăn chận trong tương lai.
4. - Thật vậy, này Kassapogotta, phạm tội đã chinh phục Thầy, ngu si đần độn như Thầy, bất thiện như Thầy ! Vì rằng trong khi ta với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Thầy lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng : "Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ". Và này Kassapogotta, khi Thầy thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận cho Thầy. Đây là sự tăng trưởng giới luật của bậc Thánh này, khi ai thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, để ngăn chặn trong tương lai.
5. Nếu một trưởng lão Tỷ-kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và đối với các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo trưởng lão như vậy, này Kassapa, Ta không có tán thán. Vì cớ sao ? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với trưởng lão ấy, nghĩ rằng : "Bậc Đạo sư tán thán vị ấy". Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta không tán thán Tỷ-kheo trưởng lão ấy.
6. Nếu một trung niên Tỷ-kheo, này Kassapa, … nếu một tân học Tỷ-kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo tân học như vậy, này Kassapa, Ta không có tán thán. Vì cớ sao ? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với tân học ấy, nghĩ rằng : "Bậc Đạo sư tán thán vị ấy". Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta không tán thán Tỷ-kheo tân học ấy.
7. Nếu một trưởng lão Tỷ-kheo, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo trưởng lão như vậy, này Kassapa, Ta tán thán. Vì cớ sao ? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với trưởng lão ấy, nghĩ rằng : "Bậc Đạo sư tán thán vị ấy". Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta tán thán Tỷ-kheo trưởng lão ấy.
8. Nếu một Tỷ-kheo trung niên, này Kassapa, … nếu một Tỷ-kheo tân học, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo tân học như vậy, này Kassapa, Ta tán thán. Vì cớ sao ? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với tân học ấy, nghĩ rằng : "Bậc Đạo sư tán thán vị ấy". Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta tán thán Tỷ-kheo tân học ấy.
Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện
tử bộ Kinh này.
Nguồn: www.quangduc.com