.

 

 

KINH HOA NGHIÊM


Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà

Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 - 1983

--- o0o ---

 

TẬP 5

PHẨM THẬP NHẪN

THỨ HAI MƯƠI CHÍN

 

Bấy giờ Phổ-Hiền Bồ-Tát bảo chư Bồ-Tát :

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười thứ nhẫn, nếu được nhẫn nầy thời được đến nơi vô-ngại nhẫn-địa của tất cả Bồ-tát, tất cả phật-pháp vô-ngại vô-tận.

Ðây là mười nhẫn : âm-thanh nhẫn, thuận nhẫn, vô-sanh-pháp nhẫn, như huyễn nhẫn, như diệm nhẫn, như mộng nhẫn, như hưởng nhẫn, như ảnh nhẫn, như hóa nhẫn, như không nhẫn.

Mười nhẫn nầy, tam-thế chư Phật đã nói, nay nói, sẽ nói.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát âm-thanh nhẫn?

Nghĩa là nghe những pháp của chư Phật nói, chẳng kinh chẳng hãi chẳng sợ, thâm tín ngộ giải, ưa thích xu-hướng, chuyên tâm ghi nhớ, tu tập an-trụ.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát thuận-nhẫn ?

Nghĩa là ở nơi phật-pháp tư-duy quán-sát bình-đẳng không trái, tùy thuận biết rõ, khiến tâm thanh-tịnh, chánh trụ tu tập xu nhập thành-tựu.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát vô-sanh-pháp nhẫn ?

Ðại Bồ-Tát nầy chẳng thấy có chút pháp nào sanh, cũng chẳng thấy có chút pháp nào diệt. Tại sao vậy ? Vì nếu đã vô-sanh thời vô-diệt. Nếu đã vô-diệt thì vô-tận. Nếu vô-tận thời ly-cấu. Nếu ly-cấu thời vô-sai-biệt. Nếu vô-sai-biệt thời vô-xứ-sở. Nếu vô-xứ-sở thời tịch-tịnh. Nếu tịch-tịnh thời ly-dục. Nếu ly-dục thời vô-tác. Nếu vô-tác thời vô-nguyện. Nếu vô-nguyện thời vô trụ. Nếu vô-trụ thời vô-khứ vô-lai. Ðây gọi là thứ ba, vô-sanh-pháp-nhẫn của đại Bồ-Tát.

Chư Phật-tử ! Thế nào là như-huyễn-nhẫn ?

Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả pháp đều như huyễn, từ nhơn duyên khởi. Ở trong một pháp hiểu nhiều pháp, trong nhiều pháp hiểu một pháp. Ðã biết các pháp như huyễn, đại Bồ-Tát nầy rõ thấu quốc-độ, chúng-sanh, pháp-giới. Rõ thấu thế-gian bình-đẳng, Phật xuất-thế bình-đẳng, tam-thế bình-đẳng. Thành-tựu những thần-thông biến-hóa.

Ví như huyễn chẳng phải voi, ngựa, xe, nam, nữ, đồng-nam, đồng-nữ, chẳng phải cây, lá, bông, trái, đất, nước, lửa, gió, chẳng phải ngày, đêm, mặt trời, mặt trăng, chẳng phải nửa tháng, một tháng, một năm, trăm năm,một kiếp, nhiều kiếp, chẳng phải định, loạn, thuần, tạp, một, khác, chẳng phải rộng, hẹp, nhiều, ít, lượng, vô-lượng, thô, tế. Huyễn chẳng phải tất cả sự vật, tất cả sự vật chẳng phải huyễn, nhưng do huyễn thị-hiện ra những sự vật sai khác.

Cũng vậy, đại Bồ-Tát quán tất cả thế-gian như huyễn. Những là nghiệp thế-gian, phiền-não thế-gian, quốc-độ thế-gian, pháp thế-gian, thời thế-gian, thú thế-gian, thành thế-gian, hoại thế-gian, vận-động thế-gian, tạo-tác thế-gian.

Lúc Bồ-Tát quán tất cả thế-gian như huyễn, chẳng thấy chúng-sanh sanh, chẳng thấy chúng-sanh diệt, chẳng thấy quốc-độ sanh diệt, chẳng thấy các pháp sanh diệt, chẳng thấy quá-khứ có thể phân-biệt được, chẳng thấy vị-lai có khởi tác, chẳng thấy hiện-tại một niệm trụ, chẳng thấy quán-sát bồ-đề, chẳng thấy Phật xuất-hiện, chẳng thấy Phật niết-bàn, chẳng thấy trụ đại-nguyện, chẳng thấy nhập chánh-vị, chẳng ngoài tánh bình-đẳng.

Ðại Bồ-Tát nầy dầu thành-tựu Phật-độ mà biết quốc-độ vô-sai-biệt. Dầu thành-tựu chúng-sanh mà biết chúng-sanh vô-sai-biệt. Dầu khắp quán pháp-giới mà an-trụ pháp-tánh vắng lặng chẳng động. Dầu thấu rõ tam-thế bình-đẳng mà chẳng trái phân-biệt pháp tam-thế. Dầu thành-tựu uẩn xứ mà dứt hẳn sở-y. Dầu độ thoát chúng-sanh mà rõ biết pháp-giới bình-đẳng không các thứ sai khác. Dầu biết các pháp xa lìa văn tự không thể ngôn thuyết mà thường thuyết pháp biện-tài vô-tận. Dầu chẳng chấp lấy việc giáo-hóa chúng-sanh mà chẳng bỏ đại-bi, vì độ tất cả mà chuyển pháp-luân. Dầu vì chúng-sanh khai thị nhơn duyên quá-khứ mà biết tánh nhơn-duyên không có động chuyển. Ðây gọi là như huyễn nhẫn thứ tư.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát như diệm nhẫn ?

Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả thế-gian đồng như dương-diệm.

Ví như dương-diệm chẳng có phương-sở, chẳng phải nội, ngoại, hữu, vô, đoạn, thường, chẳng phải một màu, nhiều màu, cũng chẳng phải không màu, chỉ tùy theo ngôn thuyết thế-gian mà hiển thị.

Cũng vậy, đại Bồ-Tát như thiệt quán-sát, rõ biết các pháp hiện chứng tất cả khiến được viên-mãn. Ðây gọi là như diệm nhẫn thứ năm của đại Bồ-Tát.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát như mộng nhẫn?

Ðại Bồ-Tát nầy biết tất cả thế-gian như mộng.

Ví như mộng chẳng phải thế-gian, chẳng phải rời thế-gian, chẳng phải dục-giới, sắc giới, vô-sắc-giới, chẳng phải sanh, diệt, nhiễm, tịnh, nhưng vẫn có hiển-thị.

Cũng vậy, đại Bồ-Tát biết tất cả thế-gian đồng như mộng. Vì không đổi khác, vì như tự-tánh của mộng, vì như mộng chấp trước, vì như mộng tánh ly, vì như bổn-tánh của mộng, vì như mộng hiện ra, vì như mộng vô-sai-biệt, vì như mộng tưởng phân-biệt, vì như lúc mộng thức giấc. Ðây gọi là như-mộng-nhẫn thứ sáu của đại Bồ-Tát.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát như-hưởng-nhẫn ?

Ðại Bồ-Tát nầy nghe Phật thuyết pháp quán các pháp-tánh tu học thành-tựu đến bỉ-ngạn, biết tất cả âm-thanh đồng như vang không lai không khứ mà hiển thị như vậy.

Ðại Bồ-Tát nầy quán-sát tiếng của đức Như-Lai chẳng từ trong phát ra, chẳng từ ngoài phát ra, cũng chẳng từ nơi trong ngoài phát ra. Dầu biết rõ tiếng chẳng phải từ trong, từ ngoài, từ trong ngoài phát ra, mà có thể thị-hiện danh cú thiện-xảo diễn thuyết thành-tựu.

Ví như âm vang nơi hang từ duyên phát ra, mà cùng pháp-tánh không trái nhau. Khiến các chúng-sanh theo loài được hiểu biết và tu học.

Như Thiên-Ðế phu-nhơn, con gái vua A-Tu-La, tên Xá-Chi, trong một âm-thanh phát ra ngàn thứ âm-thanh, nhưng Phu-Nhơn vẫn không có tâm nghĩ làm cho phát ra như vậy.

Cũng vậy, đại Bồ-Tát nhập vô-phân-biệt-giới, thành-tựu tiếng tùy loại thiện-xảo, ở trong vô-biên thế-giới hằng chuyển pháp-luân. Ðại Bồ-Tát nầy khéo hay quán-sát tất cả chúng-sanh, dùng tướng lưỡi rộng dài mà vì họ thuyết pháp. Tiếng đó vô-ngại khắp cõi nước mười phương khiến chúng-sanh tùy sở-nghi nghe pháp đều riêng khác. Dầu biết tiếng không khởi mà khắp hiện âm-thanh. Dầu biết không sở-thuyết mà nói rộng các pháp. Diệu-âm bình-đẳng tùy loại đều hiểu riêng khác, đều dùng trí-huệ mà có thể rõ thấu. Ðây gọi là như-hưởng-nhẫn thứ bảy của đại Bồ-Tát.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát như-ảnh-nhẫn ?

Ðại Bồ-Tát nầy chẳng phải sanh ở thế-gian, chẳng phải mất ở thế-gian, chẳng phải ở trong thế-gian, chẳng phải ở ngoài thế-gian, chẳng phải du hành nơi thế-gian, chẳng phải đồng với thế-gian, chẳng phải khác với thế-gian, chẳng phải qua đến thế-gian, chẳng phải chẳng qua đến thế-gian, chẳng phải trụ ở thế-gian, chẳng phải chẳng trụ ở thế-gian, chẳng phải là thế-gian, chẳng phải xuất-thế-gian, chẳng phải tu bồ-tát-hạnh, chẳng phải bỏ đại-nguyện, chẳng phải thiệt, chẳng phải chẳng thiệt. Dầu thường hành tất cả phật-pháp mà có thể làm xong tất cả thế-sự. Chẳng theo thế-lưu cũng chẳng trụ pháp-lưu.

Ví như mặt trời, mặt trăng, nam, nữ và các vật như nhà cửa, núi rừng, sông suối vân vân, hiện bóng trong những vật thanh-tịnh như nước, dầu, châu bửu, gương sáng. Bóng cùng nước gương vân vân chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải ly, chẳng phải hiệp. Nơi trong giòng sông, bóng chẳng bị trôi, nơi giếng ao, bóng cũng hẳng bị chìm đắm. Dầu bóng hiện trong đó không chỗ chấp trước, nhưng các chúng-sanh biết ở chỗ đó có bóng ấy hiện, cũng biết chỗ kia không có bóng như vậy. Vật gần vật xa dầu đều hiện bóng, nhưng bóng không theo vật mà có gần xa.

Cũng vậy, đại Bồ-Tát hay biết tự-thân và tha-thân tất cả đều là cảnh-giới của trí chẳng nhận là hai mà cho là tự tha riêng khác. Dầu vậy nhưng nơi tự quốc-độ, nơi tha quốc-độ, đều riêng sai khác đồng thời hiện khắp.

Như một hột giống không có rễ, mầm, cọng, mắt, nhánh, lá, mà hay sanh khởi tất cả.

Cũng vậy, đại Bồ-Tát vô-nhị mà phân-biệt hai tướng phương-tiện thiện-xảo thông đạt vô-ngại. Ðây gọi là như-ảnh-nhẫn thứ tám của đại Bồ-Tát.

Ðại Bồ-Tát thành-tựu như-ảnh-nhẫn nầy dầu chẳng qua đến cõi nước mười phương mà có thể hiện khắp tất cả cõi Phật. Cũng chẳng rời đây, cũng chẳng đến kia, như bóng hiện khắp chỗ du hành vô-ngại. Làm cho chúng-sanh thấy thân sai khác đồng với tướng cứng chắc của thế-gian. Nhưng sự sai khác nầy chính là chẳng phải sai khác. Khác cũng chẳng khác không có chướng ngại.

Ðại Bồ-Tát nầy từ nơi chủng-tánh Như-Lai mà sanh thân ngữ và ý thanh-tịnh vô-ngại nên có thể được thân vô-biên sắc tướng thanh-tịnh.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát biết tất cả thế-gian thảy đều như hóa ? Nghĩa là tất cả chúng-sanh ý-nghiệp hóa, vì giác-tưởng sanh khởi. Tất cả thế-gian chư hành hóa, vì phân-biệt sanh khởi. Tất cả khổ vui điên-đảo hóa, vì vọng-thủ sanh khởi. Tất cả thế-gian pháp chẳng thiệt hóa, vì ngôn thuyết hiện khởi. Tất cả phiền-não phân-biệt hóa, vì tưởng niệm sanh khởi. Lại có thanh-tịnh điều-phục hóa, vì vô-phân-biệt hiện khởi. Nơi tam thế chẳng chuyển hóa, vì vô-sanh bình-đẳng. Bồ-Tát nguyện lực hóa, vì tu hành quảng-đại. Như-Lai đai-bi hóa, vì phương-tiện thị-hiện. Chuyển pháp-luân phương-tiện hóa, vì trí-huệ vô-úy biện-tài diễn-thuyết.

Ðại Bồ-Tát rõ biết thế-gian xuất-thế-gian hóa hiện như vậy, chứng biết, biết rộng lớn, biết vô-biên, biết đúng sự, biết tự-tại, biết chơn-thiệt. Chẳng phải hư-vọng-kiến có thể huynh động được. Tùy theo sở-hành của thế-gian cũng chẳng hư mất trí biết ấy.

Ví như hóa chẳng từ nơi tâm phát khởi, chẳng từ nơi tâm-pháp phát-khởi, chẳng từ nơi nghiệp phát khởi, chẳng thọ quả báo, chẳng phải thế-gian sanh, chẳng phải thế-gian diệt, chẳng thể theo dõi, chẳng thể rờ chạm, chẳng phải còn lâu, chẳng phải giây lát, chẳng phải ở nơi thế-gian, chẳng phải rời thế-gian, chẳng chuyên thuộc một phương, chẳng thuộc khắp các phương, chẳng phải hữu-lượng, chẳng phải vô-lượng, chẳng nhàm, chẳng dứt, chẳng phải chẳng nhàm dứt, chẳng phải phàm, chẳng phải thánh, chẳng phải nhiễm, chẳng phải tịnh, chẳng phải sanh, chẳng phải tử, chẳng phải trí, chẳng phải ngu, chẳng phải thấy, chẳng phải chẳng thấy, chẳng phải y-tựa thế-gian, chẳng phải nhập pháp-giới, chẳng phải thông-minh, chẳng phải đần-độn, chẳng phải lấy, chẳng phải chẳng lấy, chẳng phải sanh-tử, chẳng phải niết-bàn, chẳng có, chẳng phải không có.

Ðại Bồ-Tát phương-tiện thiện-xảo như vậy, du hành thế-gian tu hạnh bồ-tát. Biết rõ thế-pháp phân thân hóa hiện mà đến, chẳng chấp thế-gian, chẳng lấy tự thân, nơi thế-gian và thân không phân-biệt. Chẳng trụ thế-gian, chẳng rời thế-gian, chẳng trụ nơi pháp, chẳng rời nơi pháp. Do bổn nguyện nên chẳng bỏ một chúng-sanh-giới, chẳng điều-phục thiểu chúng-sanh-giới, chẳng phân-biệt nơi pháp, chẳng phải chẳng phân-biệt. Biết các pháp-tánh không lai không khứ. Dầu không chỗ có mà tròn đầy phật-pháp. Rõ pháp như hóa, chẳng có chẳng không.

Ðại Bồ-Tát lúc an trụ như-hóa-nhẫn đều hay tròn đủ tất cả đạo bồ-đề của chư Phật lợi-ích chúng-sanh.

Ðây gọi là như hóa nhẫn thứ chín của đại Bồ-Tát.

Ðại Bồ-Tát thành-tựu như-hóa-nhẫn nầy, phàm việc làm ra đều đồng với hóa, ví như hóa-sĩ.

Nơi tất cả cõi Phật không chỗ y-trụ. Nơi tất cả thế-gian không chỗ chấp lấy. Nơi tất cả phật-pháp chẳng sanh phân-biệt. Dầu vậy mà hướng đến Phật bồ-đề không rời mỏi, tu hạnh bồ-tát, rời những điên-đảo. Dầu không có thân mà hiện tất cả thân. Dầu không chỗ trụ mà trụ các quốc-độ. Dầu không có sắc mà hiện khắp các sắc. Dầu chẳng chấp lấy thiệt-tế mà chiếu sáng pháp-tánh bình-đẳng viên-mãn.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát nầy nơi tất cả pháp không chỗ y-chỉ nên gọi là bực giải thoát. Thảy đều bỏ rời tất cả lỗi lầm nên gọi là bực điều-phục. Chẳng động chẳng chuyển vào khắp tất cả chúng-hội Như-Lai nên gọi là bực thần-thông. Nơi pháp vô-sanh đã được thiện-xảo nên gọi là bực vô-thối. Ðủ tất cả lực, núi Tu-Di núi Thiết-Vi không làm chướng được, nên gọi là bực vô-ngại.

Chư Phật-tử ! Thế nào là đại Bồ-Tát như-không-nhẫn ?

Ðại Bồ-Tát nầy rõ tất cả pháp-giới như hư-không, vì vô-tướng. Tất cả thế-giới như hư-không, vì vô-khởi. Tất cả pháp như hư-không vì vô-nhị. Tất cả chúng-sanh hạnh như hư-không, vì vô-sở-hành. Tất cả Phật như hư-không, vì vô-phân-biệt. Tất cả phật-lực như hư-không, vì vô-sai-biệt. Tất cả thiền-định như hư-không, vì tam-thế bình-đẳng. Tất cả pháp diễn thuyết như hư-không, vì chẳng ngôn thuyết được. Tất cả thân Phật như hư-không, vì vô-trước vô-ngại.

Bồ-Tát dùng phương-tiện như hư-không rõ thấu tất cả pháp đều không chỗ có.

Ðại Bồ-Tát dùng nhẫn-trí như hư-không lúc thấu rõ tất cả pháp thời được thân và thân-nghiệp như hư-không, được ngữ và ngữ-nghiệp như hư-không, được ý và ý-nghiệp như hư-không.

Ví như hư-không, tất cả pháp y-tựa, chẳng sanh chẳng diệt.

Cũng vậy, đại Bồ-Tát, tất cả pháp thân chẳng sanh chẳng diệt.

Ví như hư-không, chẳng thể phá hoại được. Cũng vậy, đại Bồ Tát, tất cả trí-huệ các lực chẳng thể phá hoại được.

Ví như hư-không là chỗ y-chỉ của tất cả thế-gian mà không sở-y. Cũng vậy, đại Bồ-Tát là chỗ y-chỉ của tất cả pháp mà không sở-y.

Ví như hư-không bất sanh bất diệt mà hay giữ lấy tất cả thế-gian sanh diệt. Cũng vậy, đại Bồ-Tát không hướng không đắc mà hay thị-hiện hướng đắc, khiến khắp thế-gian tu hành thanh-tịnh.

Ví như hư-không chẳng có chỗ chẳng có góc mà hay hiển-hiện vô-biên chỗ góc. Cũng vậy, đại Bồ-Tát không nghiệp không báo mà hay hiển-thị những thứ nghiệp báo.

Ví như hư-không chẳng đi chẳng đứng mà hay thị-hiện các thứ oai-nghi. Cũng vậy, đại Bồ-Tát chẳng đi chẳng đứng mà hay phân-biệt tất cả các hành.

Ví như hư-không chẳng phải sắc chẳng phẳng phải phi-sắc mà hay thi-hiện các loại màu sắc. Cũng vậy, đại Bồ-Tát chẳng phải sắc thế-gian, chẳng phải sắc xuất thế-gian mà hay thị-hiện tất cả thân sắc.

Ví như hư-không chẳng phải lâu chẳng phải gần mà hay ở lâu hiển hiện tất cả vật. Cũng vậy, đại Bồ-Tát chẳng phải lâu chẳng phải gần mà hay ở lâu hiển-thị những hạnh của Bồ-Tát làm.

Ví như hư-không chẳng phải tịnh chẳng phải uế, chẳng rời tịnh uế. Cũng vậy, đại Bồ-Tát chẳng phải chướng chẳng phải không chướng, chẳng rời chướng không chướng.

Ví như hư-không tất cả thế-gian đều hiện ra trước, chẳng phải hiện ra trước tất cả thế-gian. Cũng vậy, đại Bồ-Tát tất cả pháp đều hiện ra trước, chẳng phải hiện ra trước tất cả pháp.

Ví như hư-không vào khắp tất cả mà không biên-tế. Cũng vậy, đại Bồ-Tát vào khắp tất cả pháp, mà tâm Bồ-Tát không biên-tế. Tõi sao vậy ? Vì chỗ làm của Bồ-Tát như hư-không. Nghĩa là việc tu tập, việc nghiêm-tịnh, việc thành-tựu thảy đều bình-đẳng, một thể, một vị, một thứ phần lượng. Như hư-không thanh-tịnh khắp tất cả chỗ.

Ðại Bồ-Tát như vậy chứng biết tất cả pháp, với tất cả pháp không có phân-biệt. Nghiêm-tịnh tất cả Phật-độ. Viên-mãn tất cả thân vô-sở-y. Rõ tất cả phương không có mê lầm. Ðủ tất cả lực chẳng thể phá hoại. Ðầy đủ tất cả vô-biên công-đức. Ðã đến tất cả pháp-xứ thậm-thâm. Thông đạt tất cả đạo ba-la-mật. Ngồi khắp tất cả tòa kim-cang. Phát khắp tất cả tiếng tùy loại. Vì tất cả thế-gian mà chuyển pháp-luân chưa từng lỗi thời.

Ðây gọi là hư-không-nhẫn thứ mười của đại Bồ-Tát.

Ðại Bồ-Tát thành-tựu nhẫn nầy thời được thân Như-Lai, vì vô-khứ. Ðược thân vô-sanh vì vô-diệt. Ðược thân bất-động, vì vô-hoại. Ðược thân chơn-thiệt, vì rời hư-vọng. Ðược thân nhứt-tướng, vì vô-tướng. Ðược thân vô-lượng, vì phật-lực vô-lượng. Ðược thân bình-đẳng, vì đồng tướng như. Ðược thân vô-sai-biệt, vì quán tam-thế bình-đẳng. Ðược thân đến tất cả chỗ, vì tịnh nhãn chiếu khắp không chướng ngại. Ðược thân rời dục-tế, vì biết tất cả pháp không hiệp tan. Ðược thân hư-không vô-biên-tế, vì phước-đức-tạng vô tận như hư-không. Ðược thân biện-tài vô-đoạn vô-tận pháp-tánh bình-đẳng, vì biết tất cả, pháp-tướng chỉ là một tướng, không tánh làm tánh như hư-không. Ðược thân âm-thanh vô-lượng vô-ngại, vì không chướng ngại như hư-không. Ðược thân đầy đủ tất cả bồ-tát hạnh thiện-xảo thanh-tịnh, vì nơi tất cả chỗ đều không chướng-ngại như hư-không. Ðược thân tất cả phật-pháp thứ đệ tiếp nối,vì chẳng thể đoạn tuyệt như hư-không. Ðược thân trong tất cả cõi Phật hiện vô-lượng phật-độ, vì rời tham chấp như hư-không vô-biên. Ðược thân thị-hiện tất cả pháp tự-tại không thôi nghỉ, vì như hư-không chẳng có biên-tế. Ðược thân tất cả thế-lực kiên cố chẳng thể phá hoại, vì như hư-không nhiệm-trì tất cả thế-gian. Ðược thân các căn sáng lẹ như kim-cang kiên-cố không thể phá hoại, vì như hư-không tất cả kiếp hỏa chẳng đốt cháy được. Ðược thân có sức giữ lấy tất cả thế-gian, vì sức trí-huệ như hư-không.

Chư Phật-tử ! Trên đây gọi là mười nhẫn của đại Bồ-Tát.

Bấy giờ Phổ-Hiền Bồ-Tát muốn tuyên lại nghĩa nầy mà nói kệ rằng :  
 

Như trong đời có người

Nghe chỗ có kho báu

Vì có thể hưởng được

Nên lòng rất vui mừng.

Cũng vậy, đại trí - huệ

Bồ - Tát chơn phật - tử

Ðược nghe các phật - pháp

Tướng thậm - thâm tịch - diệt,

Lúc nghe thâm - pháp nầy

Trong tâm được an - ổn

Chẳng kinh cũng chẳng hãi

Cũng chẳng sanh sợ - sệt.

Ðại - Sĩ cầu bồ - đề

Nghe tiếng quảng đại nầy

Tâm tịnh hay kham nhẫn

Nơi đây không nghi lầm.

Tự nghĩ : do nghe được

Pháp thậm - thâm vi - diệu

Sẽ thành nhứt - thiết - trí

Nhơn - Thiên Ðại - Ðạo - Sư.

Bồ - Tát nghe tiếng nầy

Trong lòng rất hoan - hỉ

Phát sanh ý kiên - cố

Nguyện cầu các phật - pháp

Vì mến thích bồ - đề

Nên tâm lần điều phục

Lòng tin thêm tăng trưởng

Không trái chê chánh - pháp.

Thế nên nghe tiếng nầy

Nơi lòng được kham nhẫn

An trụ vững chẳng động.

Tu hành hạnh Bồ - Tát.

Vì cầu đạo bồ - đề

Chuyên tu hướng về đó

Tinh - tấn không thối chuyển

Chẳng bỏ những thiện nghiệp.

Vì cầu đạo bồ - đề

Trong lòng không sợ hãi

Nghe pháp thêm dũng - mãnh

Cúng Phật khiến hoan - hỉ.

Như có người đại - phước

Gặp được kho chơn - kim

Theo thân chỗ nên đeo

Chế tạo đồ trang - nghiêm.

Bồ - Tát cũng như vậy

Nghe nghĩa thậm - thâm này.

Tư - duy thêm trí - huệ

Ðể tu pháp tùy thuận.

Pháp hữu cũng thuận biết,

Pháp vô cũng thuận biết,

Tùy pháp đó như vậy

Như vậy biết các pháp.

Thành - tựu tâm thanh - tịnh

Minh triệt rất hoan - hỷ

Biết pháp theo duyên khởi

Dũng - mãnh siêng tu tập.

Bình - đẳng quán các pháp

Biết rõ tự tánh đó

Chẳng trái phật pháp - tạng

Biết khắp tất cả pháp.

Chí nguyện thường kiên cố

Nghiêm tịnh Phật bồ - đề

Bất - động như Tu - Di

Nhứt tâm cầu chánh - giác.

Do phát tâm tinh - tấn

Lại tu đạo tam - muội

Vô - lượng kiếp siêng làm

Chưa từng có thối thất.

Pháp của Bồ - Tát nhập

Là chỗ đi của Phật

Nơi đây rõ biết được

Thời không lòng lười chán.

Như lời chư Phật dạy

Bình - đẳng quán các pháp

Chẳng phải nhẫn bất - đẳng.

Thành được trí bình - đẳng.

Tùy thuận lời Phật nói

Thành - tựu môn pháp nầy

Biết rõ đúng như pháp

Cũng chẳng phân - biệt pháp.

Trong Tam - Thập - Tam Thiên

Có bao nhiêu Thiên - Tử

Cùng đồng ăn một bát

Ðồ ăn đều khác nhau.

Ðồ ăn riêng nhiều món

Chẳng từ mười phương đến

Ðúng theo nghiệp đã tu

Tự - nhiên hiện trong bát.

Bồ - Tát cũng như vậy

Quán - sát tất cả pháp

Ðều từ nhơn duyên khởi

Vô - sanh nên vô - diệt,

Vô - diệt nên vô - tận,

Vô - tận nên vô - nhiễm,

Nơi pháp biến - dị kia

Biết rõ không biến - dị.

Không đổi thời không xứ

Không xứ thời tịch - diệt,

Trong lòng không nhiễm trước

Nguyện độ các chúng - sanh.

Chuyên niệm nơi phật-pháp

Chưa từng có tán động

Mà dùng tâm bi nguyện

Phương - tiện đi trong đời.

Siêng cầu nơi thập - lực

Ở đời mà chẳng trụ,

Không đi cũng không đến

Phương - tiện khéo thuyết pháp.

Nhẫn nầy là trên hết

Biết pháp là vô - tận

Vào nơi chơn pháp - giới

Thiệt cũng không sở - nhập.

Bồ - Tát trụ nhẫn nầy

Thấy khắp các Như - Lai

Ðồng thời thọ ký cho

Gọi là thọ Phật - chức.

Thấu rõ pháp tam - thế

Tướng tịch - diệt thanh - tịnh

Mà đều độ chúng - sanh

Ðể ở trong đường lành.

Các loại pháp thế - gian

Tất cả đều như huyễn

Nếu biết được như vậy

Thời tâm không bị động

Các nghiệp từ tâm sanh

Nên nói tâm như huyễn

Nếu rời phân - biệt nầy

Diệt hết cõi hữu - lậu.

Ví như nhà huyễn - thuật

Khắp hiện các sắc tượng

Cho chúng luống tham vui

Rốt ráo vô - sở - đắc.

Thế - gian cũng như vậy

Tất cả đều như huyễn

Vô - tánh cũng vô - sanh

Thị - hiện có các thứ.

Ðộ thoát các chúng - sanh

Khiến biết pháp như huyễn

Chúng -sanh chẳng khác huyễn

Biết huyễn không chúng - sanh.

Chúng - sanh và quốc - độ

Những pháp trong tam - thế

Như vậy đều không thừa

Tất cả đều như huyễn.

Huyễn làm hình nam nữ

Và voi, ngựa, trâu, dê

Nhà cửa, núi, suối, ao

Vườn, rừng, cùng bông, trái,

Vật huyễn không tri - giác

Cũng không có trụ xứ

Rốt ráo tướng tịch - diệt

Chỉ theo phân - biệt hiện.

Bồ - Tát được như vậy

Thấy khắp các thế - gian

Tất cả pháp hữu vô

Thấu rõ đều như huyễn.

Chúng - sanh và quốc - độ

Các thứ nghiệp tạo ra

Vào nơi như - huyễn - tế

Với kia không nương chấp.

Ðược thiện - xảo như vậy

Tịch - diệt không hí - luận

Trụ nơi bực vô - ngại

Khắp hiện oai - lực - lớn.

Các Phật - tử dũng - mãnh

Tùy thuận nhập diệu - pháp

Khéo quán tất cả tưởng

Ràng - rịt các thế - gian.

Các tưởng như dương - diệm

Khiến chúng hiểu điên - đảo.

Chúng - sanh đều riêng khác

Hình loại chẳng phải một

Thấu rõ đều là tưởng

Bỏ rời những điên - đảo.

Chúng - sanh đều riêng khác

Hình loại chẳng phải một

Thấu rõ đều là tưởng

Tất cả không chơn - thiệt.

Các chúng - sanh mười phương

Ðều bị tưởng che ngăn

Nếu bỏ thấy điên - đảo

Thời diệt tưởng thế - gian.

Thế - gian như dương - diệm

Do tưởng có sai khác

Biết thế - gian do tưởng

Xa lìa ba điên - đảo.

Như - nắng quá gắt nóng

Người đời cho là nước

Thiệt ra không có nước

Người trí chẳng nên cầu.

Chúng - sanh cũng như vậy

Ðời loài đều không có

Như diệm ở nơi tưởng

Cảnh - giới tâm vô - ngại.

Nếu lìa những vọng tưởng

Cũng lìa những hí - luận

Kẻ ngu - si chấp tưởng

Ðều khiến được giải - thoát.

Xa lìa tâm kiêu - mạn

Trừ diệt tưởng thế - gian

Ở chỗ tận vô - tận

Phương - tiện của Bồ - Tát.

Bồ - Tát biết thế pháp

Tất cả đều như mộng

Chẳng chỗ, chẳng không chỗ

Thể - tánh hằng tịch - diệt.

Các pháp vô - phân - biệt

Như mộng, tâm không khác

Tam thế những thế - gian

Tất cả đều như vậy.

Tánh mộng không sanh - diệt

Cũng không có phương sở

Ba cõi đều như vậy

Người thấy tâm giải - thoát.

Mộng chẳng tại thế - gian

Chẳng tại phi thế - gian

Cả hai chẳng phân - biệt

Ðược nhập nơi bực nhẫn.

Như trong mộng ngó thấy

Những cảnh loại khác nhau,

Thế - gian cũng như vậy

Cùng mộng không sai khác.

Người trụ trong mộng - định

Biết đời đều như mộng

Chẳng phải đồng và khác

Chẳng phải một và nhiều.

Chúng - sanh các cõi, nghiệp,

Tạp - nhiễm và thanh - tịnh

Như vậy đều biết rõ

Cùng mộng đều bình - đẳng.

Hạnh của Bồ - Tát làm

Và cùng các đại nguyện

Biết rõ đều như mộng

Cùng thế - gian không khác.

Biết thế - gian không tịch

Chẳng hoại nơi thế - pháp

Như chiêm bao ngó thấy

Những hình sắc dài vắn.

Gọi đây : như - mộng - nhẫn

Nhơn đây biết thế pháp

Mau thành trí vô - ngại

Rộng độ các chúng - sanh.

Tu hành hạnh như vậy

Xuất sanh trí rộng lớn

Khéo biết các pháp - tánh

Nơi pháp tâm không chấp.

Tất cả các thế - gian

Những âm - thanh sai khác

Chẳng phải trong, chẳng ngoài

Biết đó đều như vang.

Như nghe các tiếng vang

Tâm chẳng sanh phân - biệt

Bồ - Tát nghe âm - thanh

Không phân - biệt cũng vậy.

Chiêm ngưỡng các Như - Lai

Và nghe nói pháp - âm

Diễn khế - kinh vô - lượng

Dầu nghe mà không chấp.

Như vang không lai khứ

Tiếng đã nghe cũng vậy

Mà hay phân - biệt pháp

Cùng pháp không trái lầm.

Khéo biết các âm - thanh

Nơi tiếng không phân - biệt

Biết tiếng đều không - tịch

Khắp phát âm thanh - tịnh

Biết pháp chẳng tại lời

Khéo vào vô - ngôn - tế

Mà hay hiện ngôn thuyết

Như vang khắp thế - gian.

Biết rõ ngôn - ngữ - đạo

Ðầy đủ phần âm - thanh

Biết thanh - tánh không tịch

Dùng thế - ngôn để nói

Như âm - thanh thế - gian

Hiện đồng pháp phân - biệt

Tiếng đó đều cùng khắp

Khai ngộ các quần - sanh.

Bồ - Tát được nhẫn nầy

Tịnh - âm độ thế - gian

Khéo diễn thuyết ba đời

Nơi đời không chấp trước.

Vì muốn lợi thế - gian

Chuyên ý cầu bồ - đề

Mà thường nhập pháp - tánh

Nơi đó vô - phân - biệt.

Quán khắp các thế - gian

Tịch - diệt không thể - tánh

Mà thường làm lợi ích

Tu hành ý chẳng động.

Chẳng trụ nơi thế - gian

Cũng chẳng rời thế - gian

Nơi thế không sở - y

Y - xứ bất - khả - đắc.

Rõ biết tánh thế - gian

Nơi tánh không nhiễm trước

Dầu chẳng nương thế - gian

Giáo hóa khiến siêu độ.

Bao nhiêu pháp thế - gian

Ðều biết tự - tánh nó

Rõ pháp không có hai

Cũng không chấp không hai

Tâm cũng chẳng rời thế - gian

Cũng chẳng trụ thế - gian

Chẳng phải ngoài thế - gian

Tu hành nhứt - thiết - trí.

Ví như bóng trong nước

Chẳng phải trong chẳng ngoài

Bồ - Tát cầu bồ - đề

Biết thế chẳng phải thế

Chẳng nơi thế trụ xuất

Vì thế bất - khả - thuyết

Cũng chẳng trụ trong ngoài

Như bóng hiện thế - gian.

Nhập nghĩa thậm - thâm nầy

Lìa nhơ đều sáng suốt

Chẳng bỏ tâm bổn - thệ

Ðèn trí - huệ chiếu khắp.

Thế - gian không biên - tế

Trí nhập cũng vô - biên

Giáo hóa khắp quần - sanh

Khiến họ bỏ những chấp.

Quán - sát pháp thậm - thâm

Lợi ích những quần - sanh

Từ đây nhập vào trí

Tu hành tất cả đạo.

Bồ - Tát quán các pháp

Biết chắc đều như hóa

Mà tu hạnh như hóa

Rốt ráo trọn chẳng bỏ.

Tùy thuận hóa - tự - tánh

Tu tập đạo bồ - đề

Tất cả pháp như hóa

Bồ - Tát hạnh cũng vậy.

Tất cả các thế - gian

Và cùng vô - lượng nghiệp

Bình - đẳng đều như hóa

Rốt ráo trụ tịch - diệt.

Những Phật trong tam thế

Tất cả cũng như hóa

Bổn - nguyện tu các hạnh

Biến - hóa thành Như - Lai.

Phật dùng đại từ bi

Ðộ thoát hóa chúng - sanh

Ðộ thoát cũng như hóa

Hóa - lực vì thuyết pháp.

Biết thế - gian như hóa

Chẳng phân - biệt thế - gian

Hóa - sự nhiều loại khác

Ðều do nghiệp sai - biệt.

Tu tập hạnh bồ - đề

Trang - nghiêm nơi hóa - thành

Vô - lượng khéo trang - nghiêm

Như nghiệp làm thế - gian.

Pháp nầy rời phân - biệt

Cũng chẳng phân - biệt pháp

Cả hai đều tịch - diệt

Hạnh Bồ - Tát như vậy.

Hóa - hải rõ nơi trí,

Hóa - tánh ấn thế -gian

Hóa chẳng phải sanh diệt

Trí - huệ cũng như vậy.

Nhẫn thứ mười quán rõ

Chúng - sanh và các pháp

Thể - tánh đều tịch - diệt

Không xứ - sở như không

Ðược trí như - không nầy

Lìa hẳn các chấp trước

Như hư - không vô - tướng

Nơi thế - gian vô - ngại
 
 

Thành - tựu sức không - nhẫn

Như hư - không vô - tận

Cảnh - giới như hư - không

Chẳng phân - biệt hư - không.

Hư - không không thể tánh

Cũng chẳng phải đoạn diệt

Cũng không những sai khác

Trí - lực cũng như vậy

Hư - không không sơ - tế

Cũng không có trung, hậu

Lượng đó bất - khả - đắc

Trí Bồ - Tát cũng vậy.

Quán pháp - tánh như vậy

Tất cả như hư - không

Không sanh cũng không diệt

Sở - đắc của Bồ - Tát.

Tự trụ pháp như - không

Lại vì chúng - sanh nói

Hàng - phục tất cả ma

Phương - tiện của nhẫn nầy.

Tướng thế - gian sai khác

Ðều không chẳng có tướng

Vào nơi chỗ vô - tướng

Các tướng đều bình - đẳng.

Chỉ dùng một phương - tiện

Vào khắp các thế - gian

Là biết pháp tam - thế

Ðều đồng tánh hư - không.

Trí - huệ cùng âm thanh

Và thân của Bồ - Tát

Tánh đó như hư - không

Tất cả đều tịch - diệt.

Mười thứ nhẫn như vậy

Phật - tử đã tu hành

Tâm họ khéo an - trụ

Rộng vì chúng - sanh nói.

Nơi đây khéo tu học

Thành - tựu sức quảng - đại

Pháp - lực và trí - lực

Là phương - tiện bồ - đề.

Thông đạt môn nhẫn nầy

Thành - tựu trí vô - ngại

Vượt hơn tất cả chúng

Chuyển pháp - luân vô - thượng.

Hạnh quảng - đại đã tu

Lượng đó bất - khả - đắc

Ðiều - Ngự - Sư trí - hải

Mới phân - biệt biết được

Bỏ ngã mà tu hành

Nhập vào pháp - tánh sâu

Tâm thường trụ tịnh - pháp

Dùng đây thí quần - sanh.

Chúng - sanh và sát - trần

Còn biết được số đó

Công - đức của Bồ -Tát

Không thể biết hạn lượng.

Bồ - Tát hay thành - tựu

Mười thứ nhẫn như vậy

Trí - huệ và công - hạnh

Chúng - sanh chẳng lường được.

 

--- o0o ---

 

Mục Lục

Phẩm 01020304050607080910

 11121314151617181920

 2122232425 2627282930

 313233343536373839 | 40

 

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Lạc nhà 淨空法師 李木源 著書 chùa quan âm 念地藏圣号发愿怎么说 học phật é å ç 佛教禪定教室 Tháng Giêng nhớ mẹ Thầy 三乘總要悟無為 cửa 4 lưu ý giúp tránh suy nhược tinh thần 僧人心態 10 dieu nhan nhu toi ban than luc doi mat voi moi æˆ å šæ Hơi bún 大学生贫困证明 离开娑婆世界 佛说如幻三昧经 Sen cay Thi v b Ngu dot N u do de suy nghiem loi phat xin an ma khong an xin Sen hồng tháng Bảy cám 弘忍 le cung thi thuc theo tinh than kinh nikaya ä¹ äº é å å ˆç ä huy xay dai hung dai luc cua bo tat quan the am 净空老法师临终遗言 đư mẹ Bo tinh than co cua khoa dung cua dao phat đoàn ï¾ ï½ ä½ åŽ æŽ æ dung bao gio lo mieng noi nhung cau lam cha me dau 山風蠱 高島 trống