Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim
(Kim quang minh tối thắng vương
kinh)
bản Hoa dịch của ngài Nghĩa tịnh
HT. Thích Trí Quang
dịch giải
---o0o---
Phẩm 1:
Mở Đầu Pháp Thọai
Tôi nghe như vầy. Một thời đức
Thế tôn, tại đỉnh Thứu phong thuộc thành Vương xá, Ngài ở nơi pháp giới
rất trong sáng, rất sâu xa. Pháp giới ấy là lĩnh vực của Phật đà, là
trú xứ của Thế tôn.
Bấy giờ chúng đại bí sô có
chín mươi tám ngàn vị, toàn là a la hán; khéo tự thuần hóa, in như voi chúa;
sơ hở đã hết, không còn phiền não; tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải
thoát; việc làm hoàn tất, bỏ mọi gánh nặng; đạt đến tự lợi, hết
sạch kiết sử; được đại tự tại, ở trong tịnh giới; phương tiện
khéo léo, tuệ giác trang nghiêm; được tám giải thoát, đến bờ bên kia.
Danh hiệu các vị là cụ thọ A nhã kiều trần như, cụ thọ A thuyết thị
đa, cụ thọ Bà thấp ba, cụ thọ Ma ha na ma, cụ thọ Bà đế lị ca, tôn
giả Đại ca nhiếp ba, tôn giả Ưu lâu tần loa ca nhiếp, tôn giả Dà da ca
nhiếp, tôn giả Na đề ca nhiếp, tôn giả Xá lị tử, tôn giả Đại mục
kiền liên, tôn giả A nan đà, người ở vị trí đang còn tu học. Các vị
đại thanh văn như vậy, sau lúc quá trưa cùng xuất định, đến chỗ đức
Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải,
rồi lui ra cùng ngồi một phía.
Chúng đại bồ tát trăm ngàn vạn
ức vị, có uy đức lớn, như đại long vương; tiếng khen vang khắp, ai
cũng biết đến; thường thích phụng hành tịnh thí tịnh giới; nhẫn nhục
tinh tiến qua vô số kiếp; vượt mọi thiền định, tâm ở trước mắt; mở
cửa tuệ giác, thiện dụng phương tiện; tự tại du hành thần thông vi diệu;
thành đạt tổng trì, hùng biện vô tận; cắt đứt phiền não, hệ lụy
không còn; đã gần thành đạt trí tuệ toàn giác; chế ngự ngoại đạo
cho sinh tịnh tâm; chuyển đẩy pháp luân, hóa độ người trời; mười
phương cõi Phật đều trang hoàng cả; sáu nẻo hữu tình đều nhờ ích lợi;
thành tựu đại trí, viên mãn đại nhẫn; có tâm đại từ bi, có lực đại
kiên cố; phụng sự chư Phật, không nhập niết bàn; phát nguyện rộng lớn,
cùng tận vị lai; nơi các đức Phật trồng sâu tịnh nhân; cả ba thì gian
ngộ vô sinh nhẫn; vượt qua lĩnh vực nhị thừa bước đi; đem đại thiện
phương tiện mà hóa đạo thế giới; phu diễn được hết giáo huấn của
Phật; với đạo lý Không sâu xa bí mật, đều thấu triệt cả không còn
nghi hoặc. Danh hiệu các vị là bồ tát Vô chướng ngại chuyển pháp
luân, bồ tát Thường phát tâm chuyển pháp luân, bồ tát Thường tinh tiến,
bồ tát Bất hưu tức, bồ tát Từ thị, bồ tát Diệu cát tường, bồ tát
Quan tự tại, bồ tát Tổng trì tự tại vương, bồ tát Đại biện trang
nghiêm vương, bồ tát Diệu cao sơn vương, bồ tát Đại hải thâm vương,
bồ tát Bảo tràng, bồ tát Đại bảo tràng, bồ tát Địa tạng, bồ tát
Hư không tạng, bồ tát Bảo thủ tự tại, bồ tát Kim cang thủ, bồ tát
Hoan hỷ lực, bồ tát Đại pháp lực, bồ tát Đại trang nghiêm quang, bồ
tát Đại kim quang trang nghiêm, bồ tát Tịnh giới, bồ tát Thường định,
bồ tát Cực thanh tịnh tuệ, bồ tát Kiên cố tinh tiến, bồ tát Tâm như
hư không, bồ tát Bất đoạn đại nguyện, bồ tát Thí dược, bồ tát Liệu
chư phiền não bịnh, bồ tát Y vương, bồ tát Hoan hỷ cao vương, bồ tát
Đắc thượng thọ ký, bồ tát Đại vân tịnh quang, bồ tát Đại vân trì
pháp, bồ tát Đại vân danh xưng hỷ lạc, bồ tát Đại vân hiện vô biên
xưng, bồ tát Đại vân sư tử hống, bồ tát Đại vân ngưu vương hống,
bồ tát Đại vân cát tường, bồ tát Đại vân bảo đức, bồ tát Đại
vân nhật tạng, bồ tát Đại vân nguyệt tạng, bồ tát Đại vân tinh
quang, bồ tát Đại vân hỏa quang, bồ tát Đại vân điện quang, bồ tát
Đại vân lôi âm, bồ tát Đại vân tuệ vũ sung biến, bồ tát Đại vân
thanh tịnh vũ vương, bồ tát Đại vân hoa thọ vương, bồ tát Đại vân
thanh liên hoa hương, bồ tát Đại vân bảo chiên đàn hương thanh lương thân,
bồ tát Đại vân trừ ám, bồ tát Đại vân phá ế. Các vị đại bồ tát
như vậy, sau lúc quá trưa cùng xuất định, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh
lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra
cùng ngồi một phía.
Lại có năm trăm tám ngàn đồng tử
Lê xa tì, tên là đồng tử Sư tử quang, đồng tử Sư tử tuệ, đồng tử
Pháp thọ, đồng tử Nhân đà ra thọ, đồng tử Đại quang, đồng tử Đại
mãnh, đồng tử Phật hộ, đồng tử Pháp hộ, đồng tử Tăng hộ, đồng
tử Kim cang hộ, đồng tử Hư không hộ, đồng tử Hư không hống, đồng
tử Bảo tạng, đồng tử Cát tường diệu tạng. Những đồng tử như vậy
làm người đứng đầu. Họ cùng đứng vững nơi vô thượng giác, thâm
tín vui thích đối với đại thừa. Sau lúc quá trưa họ đến chỗ đức
Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải,
rồi lui ra cùng ngồi một phía. Có bốn mươi hai ngàn thiên tử, tên là
thiên tử Hỷ kiến, thiên tử Hỷ duyệt, thiên tử Nhật quang, thiên tử
Nguyệt kế, thiên tử Minh tuệ, thiên tử Hư không tịnh tuệ, thiên tử Trừ
phiền não, thiên tử Cát tường. Những thiên tử như vậy làm người đứng
đầu. Họ phát đại nguyện hộ vệ đại thừa, làm cho chánh pháp rực rỡ
liên tục. Sau lúc quá trưa, họ đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang
chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi
một phía. Có hai mươi tám ngàn long vương, long vương Liên hoa, long vương
EÁ la diệp, long vương Đại lực, long vương Đại hống, long vương Tiểu
ba, long vương Trì sử thủy, long vương Kim diện, long vương Như ý. Những
long vương như vậy làm người đứng đầu. Họ thường thích nhớ chánh
pháp đại thừa, tin tưởng sâu xa, tán dương duy trì. Sau lúc quá trưa, họ
đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng
theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía. Có ba mươi sáu ngàn
Dược xoa, đứng đầu bởi Tì sa môn thiên vương, tên của họ là dược
xoa Yêm bà, dược xoa Trì yêm bà, dược xoa Liên hoa quang tạng, dược xoa
Liên hoa diện, dược xoa Tần mi, dược xoa Hiện đại bố, dược xoa Động
địa, dược xoa Thôn thực. Những dược xoa như vậy ưa thích chánh pháp của
đức Thế tôn, chân thành duy trì, không hề giải đãi. Sau lúc quá trưa, họ
đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng
theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía. Có bốn mươi chín
ngàn yết lộ trà vương, đứng đầu bởi Hương tượng thế lực vương;
có kiền thát bà, a tô la, khẩn na la, mạc hô lạc dà, vân vân; có các thần
tiên rừng núi sông biển; có quốc vương của các quốc gia lớn, được
tháp tùng bởi hoàng hậu hoàng phi; có nam nữ đức tin trong sáng. Các
chúng nhân loại và chư thiên cùng đến vân tập, cùng nguyện hộ vệ đại
thừa tối thượng, đọc xét văn nghĩa, tụng tập thuộc lòng, học hỏi
tiếp nhận, nắm giữ trong trí, sao chép lưu thông (2) . Sau lúc quá trưa, họ
đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng
theo chiều phải, rồi lui ra cùng ngồi mỗi chúng một phía.
Đại hội như vậy, bao gồm thanh
văn, bồ tát, nhân loại, chư thiên, tám bộ long thần, vân tập cả rồi,
ai cũng nhất tâm, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng Thế tôn, mắt không rời
Ngài. Họ thích thú muốn nghe chánh pháp siêu việt, nhiệm mầu.
Lúc ấy đức Thế tôn, sau lúc quá
trưa, xuất khỏi thiền định, quan sát đại hội mà nói những lời chỉnh
chú sau đây.
- (1) Ánh sáng hoàng kim,
- bản kinh nhiệm mầu,
- siêu việt hơn hết,
- vua của các kinh.
- Kinh ấy rất sâu,
- khó mà được nghe;
- kinh ấy chính là
- lĩnh vực của Phật.
- (2- 3) Như lai ngày nay
- sẽ tuyên thuyết đến
- bản kinh như vậy
- cho cả đại hội.
- Hướng đông có đức
- A súc như lai,
- hướng nam có đức
- Bảo tướng như lai,
- Như lai hướng tây
- là Vô lượng thọ,
- Như lai hướng bắc
- là Thiên cổ âm,
- bốn đức Như lai
- bốn hướng như vậy
- cùng đem uy thần
- hộ trì kinh này.
- (4) Như lai sẽ nói
- pháp mầu sám hối,
- pháp ấy cát tường
- pháp ấy thù thắng.
- Năng lực pháp ấy
- diệt mọi tội ác,
- loại trừ sạch sẽ
- những hành vi ác,
- (5) tiêu tan mọi nỗi
- khổ não tai họa,
- thường xuyên đem lại
- yên vui khó lường.
- Căn bản pháp ấy
- là nhất thế trí,
- và được trang hoàng
- bởi bao phẩm chất.
- (6) Những ai cơ thể
- không được hoàn hảo,
- đời sống sắp sửa
- đi đến hủy diệt,
- những sự đáng sợ
- đã biến hiện ra,
- chư thiên thiện thần
- cùng lánh xa cả.
- (7) Thân hữu tức giận,
- thân quyến phân ly,
- mọi phía chống nhau,
- sản vật tan tác,
- (8) ác tinh tác quái,
- tà độc xâm phạm,
- ưu sầu quá nhiều,
- khổ não lại ép,
- (9) ngủ nghỉ ác mộng
- từ đó phiền não.
- Người ấy phải nên
- tắm rửa sạch sẽ,
- và mặc y phục
- sạch sẽ tinh khiết.
- (10) Đối với kinh này
- bản kinh mầu nhiệm,
- rất mực sâu xa
- Như lai ca tụng,
- hãy nên chuyên chú
- lòng không tán loạn,
- nghiên cứu, tụng thuộc,
- lắng nghe, tiếp nhận,
- nắm giữ trong trí
- chuyên tâm phụng trì.
- (11) Thì nhờ uy lực
- của kinh pháp này
- mà được tách rời
- mọi sự tai họa,
- bao nỗi khổ sở
- cùng trừ diệt cả.
- (12) Bốn vị thiên vương
- hộ vệ thế giới,
- cùng với đại thần
- tùy thuộc của họ,
- vô lượng dược xoa
- nhất tâm hộ vệ.
- (13 - 14) Lại có thiên nữ
- tên Đại biện tài,
- thần sông Ni liên,
- thần mẹ Ha lị,
- địa thần Kiên lao,
- Phạn vương, Đế thích,
- cùng với long vương,
- và khẩn na la,
- kim sí điểu vương,
- tu la, chư thiên.
- (15) Bao nhiêu chư thiên
- thần chúng như vầy
- ai cũng đem theo
- tùy tùng của mình,
- cùng đến hộ vệ
- cho người như vậy,
- cả ngày liền đêm
- thường không tách rời
- (16) Như lai sẽ nói
- về kinh pháp này,
- bản kinh rất sâu,
- chỗ Như lai đi,
- và là mật giáo
- của chư Như lai,
- ngàn vạn đời kiếp
- khó mà gặp được.
- (17) Ai nghe kinh này,
- đem nói cho người,
- hay sinh tùy hỷ
- hoặc thiết cúng phẩm,
- (18) thì người như vậy
- sẽ vô lượng kiếp
- được các thiên nhân
- long thần kính trọng.
- (19) Cái khối phước đức
- nhiều hơn hằng sa,
- nghiên cứu, tụng thuộc
- kinh pháp như vầy,
- thì sẽ có được
- khối phước đức ấy,
- (20) được chư Thế tôn
- khắp trong mười phương,
- được chư Bồ tát
- tu hành sâu xa,
- cùng hộ trì cho
- tách rời khổ nạn.
- (21) Hiến cúng kinh này
- thì như đã nói
- tắm rửa sạch sẽ,
- phụng hiến hoa hương,
- khởi ý từ bi
- vì người phụng hiến.
- (22) Muốn nghe kinh này
- tâm phải sạch sẽ,
- thường sinh hoan hỷ
- lớn thêm công đức.
- (23) Đem lòng tôn trọng
- mà nghe kinh này,
- thì thế chính là
- khéo làm thân người,
- rời xa mọi nỗi
- khổ não tai nạn.
- (24) Kẻ ấy thiện căn
- đã là thuần thục,
- được chư Như lai
- cùng nhau ca tụng,
- mới nghe kinh này
- và sám pháp này.
Mục
Lục
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|7
|
8
|
9|
10
|
11|
12|
13|
14|
15|
16|
17|
18|
19|
20|
21|
22|
23
| 24
|
25
|
26
|
27|
28|
29|
30|
31|ghi
chú|
--- o0o ---
| Thư
Mục
Tác
Giả
|
--- o0o ---
Source
: www.buddhismtoday.com
-o0o-
Trình
bày: Nhị
Tường
Cập
nhật:
01-02-2002