Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc,
rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo nọ
đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lễ dưới chân, rồi đứng sang một
bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con
mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ một mình ở chỗ vắng,
tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do
mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình,
chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm
cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái
sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã
khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi
nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói như vậy phải
chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe,
khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Này Tỳ-kheo, nếu để sai sử theo sử,
tức là chết theo sử.
Nếu chết theo sử là bị thủ trói buộc.
Nếu Tỳ-kheo không bị sai sử theo sử, thì sẽ không chết theo sử. Không chết
theo sử, tức là giải thoát đối với thủ.”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã
hiểu, bạch Thiện Thệ!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối trong pháp yếu mà Ta đã lược
nói, nếu ngươi hiểu rộng nghĩa của nó thì phải như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sắc sai sử theo sử,
sắc chết theo sử.
Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói buộc.
“Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức sai
sử theo sử, thì chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói
buộc.
“Bạch Thế Tôn, nếu sắc không sai sử
theo sử, thì sắc không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không chết theo
sử thì đối với thủ được giải thoát.
“Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức
không sai sử theo sử, thì không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không
chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.
“Như vậy, trong pháp yếu được Thế Tôn
nói tóm tắt, ý nghĩa được diễn rộng như vậy.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo! Trong
pháp yếu được Ta nói tóm tắt, ý nghĩa được diễn rộng như vậy.
“Vì sao?
“Sắc sai sử theo sử, sắc chết theo
sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói buộc.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sai
sử theo sử, thì chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói
buộc.
“Này Tỳ-kheo, nếu sắc không sai sử
theo sử, thì sắc không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không chết theo
sử thì đối với thủ được giải thoát.
“Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức
không sai sử theo sử, thì không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không
chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.”
Bấy giờ,
vị Tỳ-kheo kia sau khi nghe Đức Phật dạy xong tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi
lui. Vị kia ở một mình nơi chỗ vắng tinh cần tu tập, sống không buông lung.
Sau khi tinh cần tu tập sống không buông lung rồi, vị kia tư duy về lý do mà
một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình, … cho đến, tự biết không còn tái sanh đời
sau nữa. Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành A-la-hán, tâm được giải thoát.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà,
nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo nọ đi đến chỗ Phật thưa hỏi những việc
như trên, nhưng có những sự sai biệt như sau:
“Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì cái đó
tăng các số.
Nếu không sai sử theo sử mà chết theo sử, thì không tăng các số.”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với những pháp mà Ta đã nói tóm tắt, ngươi hiểu
rộng nghĩa của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo kia bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu sắc sai sử theo sử thì chết theo
sử. Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì cái đó tăng các số.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sai sử theo sử thì
chết theo sử. Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì cái đó tăng các số.
“Bạch Thế Tôn, nếu
sắc không sai sử theo sử thì không chết theo sử. Nếu không sai sử theo sử mà
chết theo sử, thì không tăng các số.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức không sai sử theo
sử thì không chết theo sử. Nếu không sai sử theo sử mà chết theo sử, thì
không tăng các số.
“Bạch Đức Thế Tôn, trong những pháp đã được nói tóm
tắt, con đã hiểu nghĩa rộng của nó như vậy.”
Như trên và cho đến … ‘đạt được A-la-hán, tâm
được giải thoát’.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà,
nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai
bên phải, chắp tay bạch Đức Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không
buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện
nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia
đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu
cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập,
những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời
này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở
một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho đến, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.’ Ngươi đã nói như vậy phải chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì
ngươi mà nói.
“Này Tỳ-kheo, pháp nào không thích ứng
đối với ngươi thì nên nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi,
được ích, được an vui lâu dài.”
Tỳ-kheo kia bạch Phật rằng:
“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện
Thệ!”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với những pháp đã được nói tóm tắt, ngươi hiểu
rộng ý như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sắc chẳng phải là thích ứng đối với
con, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức
chẳng phải là thích ứng đối với con, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn
trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài. Cho nên, bạch Thế
Tôn, đối với pháp mà Thế Tôn đã nói tóm tắt con đã hiểu rộng nghĩa của nó
như vậy.”
Đức Phật dạy:
“Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, đối với những
pháp đã được nói tóm tắt của Ta, ông đã hiểu nghĩa rộng của nó. Vì sao? Vì
sắc chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ.
Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần
phải nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an
vui lâu dài.”
Sau khi vị Tỳ-kheo
kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một
mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung. Sau khi siêng
năng tu tập, sống không buông lung, thầy tư duy về lý do mà một thiện nam tử
xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh
vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần
làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành bậc A-la-hán, tâm được
giải thoát.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà,
nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai
bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không
buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện
nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia
đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu
cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập,
những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành
thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không
buông lung... cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói
như vậy phải chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ
kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Nếu có pháp nào chẳng phải là thiùch ứng của các ông
và cũng chẳng phải là thích ứng của người khác, thì hãy nhanh chóng đoạn trừ
pháp ấy.
Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Tỳ-kheo kia, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã
hiểu.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông hiểu nghĩa
rộng của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sắc
chẳng phải là con, chẳng phải là thích ứng của con,
cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn
trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy
thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là con, chẳng phải là thích ứng của con,
cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn
trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cho nên
đối với những pháp mà Như Lai đã nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng
của nó như vậy.”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành
thay! Đối với những pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu nghĩa rộng của
nó. Vì sao? Này Tỳ-kheo, sắc chẳng phải là ta, chẳng phải là thích ứng của
ta, cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng
đoạn trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng
vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là ta, chẳng phải là thích ứng của ta,
cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn
trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Sau khi vị Tỳ-kheo
kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một
mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung, cho đến, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.’
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành bậc A-la-hán, tâm được
giải thoát.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc,
rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, từ chỗ ngồi đứng
dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con
mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng,
tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do
mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời
sau nữa.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã
khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi
nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói như vậy phải
chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe,
khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Tỳ-kheo, pháp bị trói buộc bởi kết
sử, hãy nhanh chóng đoạn trừ.
Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Tỳ-kheo kia, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch
Thiện Thệ, con đã hiểu.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt,
ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Đức Thế
Tôn, sắc là pháp bị kết sử trói buộc.
Pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn trừ. Khi đã đoạn trừ rồi,
sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức
là pháp bị kết sử trói buộc. Pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng
đoạn trừ. Khi pháp kia đã được đoạn trừ rồi, thì sẽ được lợi, được ích, được
an lạc lâu dài. Cho nên đối với những pháp đã được Đức Thế Tôn nói tóm tắt,
con đã hiểu được nghĩa rộng của nó.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Đối với những
pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu được nghĩa rộng của nó. Vì sao? Vì
sắc là pháp bị kết sử trói buộc, pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh
chóng đoạn trừ. Khi đã đoạn trừ rồi, sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu
dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức là pháp bị kết sử trói buộc, pháp bị
kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn trừ. Khi pháp kia đã được đoạn
trừ rồi, thì sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Sau khi vị Tỳ-kheo kia nghe những lời
dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một mình ở chỗ vắng, siêng
năng tu tập, sống không buông lung, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời
sau nữa.
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành bậc
A-la-hán, tâm được giải thoát.
Thâm kinh cũng nói như vậy.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc,
rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, từ chỗ ngồi đứng
dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con
mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng,
tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do
mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời
sau nữa.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã
khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi
nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói như vậy phải
chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe,
khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Này Tỳ-kheo, người nào dao động thì
sẽ bị ma trói. Nếu người nào không động thì sẽ giải thoát khỏi Ba-tuần.”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã
hiểu, bạch Thiện Thệ.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt,
ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, khi bị sắc làm dao
động
thì bị ma trói buộc. Nếu không dao động thì giải thoát khỏi
Ba-tuần. Cũng vậy khi thọ, tưởng, hành, thức làm dao động thì bị ma trói
buộc. Nếu không dao động thì giải thoát khỏi Ba-tuần. Cho nên đối với những
pháp đã được Đức Thế Tôn nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng của nó.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Đối với những
pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu được nghĩa rộng của nó. Vì sao? Khi
bị sắc làm dao động, thì bị ma trói buộc. Nếu không động, thì giải thoát
khỏi Ba-tuần. Cũng vậy khi bị thọ, tưởng, hành, thức làm dao động, thì sẽ bị
ma trói buộc. Nếu không động, thì giải thoát khỏi Ba-tuần”… cho đến: ‘… tự
biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tâm được giải thoát, thành bậc
A-la-hán.