Tổng
Quan Văn Bản
[^]
(1) Kim quang minh kinh, theo Phật học
nghiên cứu (Bài 10 trang 52), có 6 bản dịch. Bản Một, Kim quang minh kinh, 4
cuốn, 19 phẩm, Đàm mô sấm dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là
414-426. Bản Hai, Kim quang minh kinh, 7 cuốn, 21 phẩm, Chân đế dịch. Niên đại
phiên dịch của ngài này là 548-569. Bản Ba, Kim quang minh kinh tục, 4 cuốn,
Quật đa da xá dịch. Bản Bốn, Kim quang minh kinh ngân chủ chúc lụy phẩm,
Xà na quật đa dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 561-600. Bản Năm,
Kim quang minh kinh, còn gọi là Hợp bộ Kim quang minh kinh, 8 cuốn, Bảo quí
san tiết, niên đại 598. Bản Sáu, Kim quang minh tối thắng vương kinh, 10 cuốn,
31 phẩm, Nghĩa tịnh dịch. Sẽ ghi riêng ở dưới.
(2) Nhưng hiện nay trong Đại tạng
kinh bản Đại chính chỉ còn các bản Một, Năm và Sáu. Bản Một còn
nguyên vẹn, mang số hiệu 663, Đàm mô sấm diểch. Ngài là vị đã dịch
kinh Đại bát niết bàn và Phật sở hành tán rất nổi tiếng. Văn và nghĩa
tất cả dịch phẩm của ngài này rất là trong sáng. Chỉ tiếc kinh Kim
quang minh thì Phạn bản của ngài căn cứ chắc chắn thiếu sót. Thế nhưng
trước bản Sáu, bản Một này được quan tâm nhiều lắm. Mục lục Đại
tạng kinh bản Đại chính ghi có 5 bản sớ giải (số hiệu 1783-1787), toàn
do các vị đại sư viết, trong đó có các ngài Trí giả, Cát tạng. Mục lục
Tục tạng kinh bản chữ Vạn ghi 6 bản, trong các tập 30-31. Gần như nói
kinh Kim quang minh là nói bản Một.
Bản Năm, nói là hợp, nhưng Phật
học nghiên cứu (bài 10 trang 52) nói là san tiết 4 bản trước. Thế là việc
làm công ít hơn tội. San tiết đến mức nào, theo tiêu chuẩn nào, thì chưa
quyết đoán được, nay, sơ khởi, chỉ xét đại thể, thì bản Năm này hợp
18 phẩm của bản Một; 4 phẩm (3, 5, 6, 9) của bản Hai, nhưng toàn là những
phẩm rất quan trọng; lại hợp 2 phẩm (11 và 24) của bản Bốn.
Đáng thống trách là bản Hai của
ngài Chân đế dịch đã không còn. Không những dịch giả là ngài Chân đế,
mà bản này khá đủ (28 phẩm), nên bản này chắc chắn quan trọng. Nhưng
hiện nay đã mất. Nếu bản Năm cũng có trách nhiệm phần nào trong sự mất
ấy thì bản Năm công ít hơn tội.
(3) Nay nói riêng bản Sáu. Đó là
chính văn tôi dịch. Chính văn bản này nằm trong Chính 16/403-456. Ở đó,
chót hết, trang 456, có ghi: Phạn bản kinh này là của hiệp hội Asia hoàng
gia Anh quốc. So với bản dịch của ngài Nghĩa tịnh, thì Phạn bản này
có chỗ thiếu. Tức như minh chú thiếu khá nhiều. Căn cứ bản dịch của
Tây tạng (Đồ thư quán đại học Tôn giáo của Nhật) mà đối chiếu, thì
kinh Kim quang minh Tây tạng có 2 bộ. Một trong 2 bộ ấy đúng là bản Hoa văn
của ngài Nghĩa tịnh dịch, dẫu tựu trung vẫn có khác chút ít.
Như vậy Phạn bản kinh này, vì
quá phổ thông, sao chép không ít, nên Phạn bản của các bản Một và Hai
đã khác nhau, lại khác với bản Sáu. Phạn bản của bản Sáu cũng khác
chút ít với Phạn bản hiện còn, với bản dịch Tây tạng. Chưa hết,
theo ghi chú của chính ngài Nghĩa tịnh (Chính 16/437) mà tôi ghi lại (số
78) thì khi dịch kinh này, ngài Nghĩa tịnh có trong tay không phải chỉ có 1
Phạn bản. Thế nhưng, nhìn chung bản Một và bản Sáu, suy đoán thêm bản
Hai, thì có thể biết Phạn bản tuy sao chép không hoàn toàn đồng nhất mà
lại rất đồng nhất về đại thể.
Dịch giả bản Sáu, ngài Nghĩa tịnh,
thì lược truyện nằm trong Chính 50/710-711. Nhưng ở đây chỉ trích 2 lời
ghi. Một, Chính 98/662 ghi: Ngài người Tề châu, họ Trương, tự Văn minh,
năm 671 du học Ấn độ, năm 695 về nước. Năm 700-711 dịch Kim quang minh tối
thắng vương kinh v/v, lại viết Đại đường tây vức cầu pháp cao tăng
truyện v/v. Năm 713 viên tịch. Hai, Phật học nghiên cứu (bài 10 trang 18)
ghi: Ngài Nghĩa tịnh năm 15 tuổi đã nuôi chí du học Ấn độ, nhưng năm
37 tuổi mới đi được. Ban đầu có đồng chí vài mươi người, nhưng rồi
lui cả. Ngài phấn chí độc hành. Trải đủ gian nan hiểm nạn. Đến đâu
cũng biết tiếng nói ở đó. Tù trưởng nào cũng trọng. Trải 25 năm, qua
hơn 30 tiểu quốc, lưu học Na lan đà 10 năm. Khi về, mang theo Phạn bản
kinh luật luận gần 400 bộ, dịch được 56 bộ, 230 cuốn (kiểm tra Chính
98/662 liệt kê thì 58 bộ, 236 cuốn). Sau ngài Huyền tráng chỉ một ngài
này mà thôi. Ngài viết Đại đường tây vức cầu pháp cao tăng truyện,
Nam hải ký qui truyện, Nội pháp truyện, toàn là sách quí về chưởng cố
của Phật giáo. Cuốn hạ Cầu pháp truyện, nơi truyện Huyền lục, ngài tự
thuật du tích khá rõ.
Bản dịch kinh này của ngài Nghĩa
tịnh có 3 bản sớ giải. Trung hoa có bản của ngài Tuệ chiểu (số hiệu
1788), Nhật bản có 2 bản (các số hiệu 2196 và 2197). Dĩ nhiên bản của
ngài Tuệ chiểu phải được tham khảo hơn cả. Tôi đã tham khảo bản
này mà dịch. Về ngài Tuệ chiểu thì là tam truyền của ngài Huyền
tráng, tác giả Duy thức liễu nghĩa đăng. Chính 98/659 ghi: Húy là Huyền, họ
đời là Lưu, người Bành thành, ở chùa Đại vân thuộc Truy châu. Thâm đạt
huyền chỉ Pháp tướng tông, viết nhiều sớ giải. Lại tham dự dịch trường
của các ngài Nghĩa tịnh và Bồ đề lưu chí. Viên tịch năm 714. Vậy là
dịch giả và sớ giả bản Sáu viên tịch cách nhau có 1 năm, lại cọng sự
phiên dịch, thì bản sớ giải của ngài Tuệ chiểu được viết lúc ngài
Nghĩa tịnh đang còn, chắc là như vậy.
Tổng Quan Ngoại Hình [^]
(1) Trước hết nên thu xếp 31 phẩm
lại một chút.
Phần một là phẩm 1 "mở đầu
pháp thoại".
Phần hai là phẩm 2 "thọ lượng
Thế tôn" và phẩm 3 "phân biệt ba thân" là nói pháp thân bất
diệt.
Phần ba là phẩm 4 "âm thanh trống
vàng", phẩm 7 "hoa sen ca tụng" phụ thuộc phẩm 4, phẩm 5
"diệt trừ nghiệp chướng", tất cả đều nói sám trừ ác nghiệp.
Phần bốn là phẩm 6 "minh chú
tịnh địa" là nói 10 địa 10 độ.
Phần năm là phẩm 9 "trùng
tuyên về Không" và phẩm 10 "mãn nguyện vì Không" là nói do
Không mới sám trừ ác nghiệp và tu hành địa độ.
Phần sáu là phẩm 8 "minh chú
Kim thắng", phẩm 13 "minh chú Ly nhiễm", phẩm 14 "ngọc báu
Như ý", là nói minh chú căn bản, nhất là phẩm 8 và phẩm 13.
Phần bảy là các phẩm 11 (phụ
vào là phẩm 12), phẩm 15, phẩm 16 (phụ vào là phẩm 17), phẩm 18, phẩm
19, phẩm 22, tất cả là nói thiên thần hộ trì (chư thiên và thiện thần
hộ trì cho nhân loại).
Phần tám là phẩm 20 "vương pháp
chính luận" và phẩm 21 "Thiện sinh luân vương" là nói tư cách
quốc trưởng.
Phần chín là phẩm 23 "thọ ký
làm Phật", phẩm 24 "chữa trị bịnh khổ" và phẩm 25
"truyện của Lưu thủy" là nói năng lực trì kinh (qua tiền thân).
Phần mười là phẩm 26 "xả bỏ
thân mạng" nói một bồ tát hạnh của Phật.
Phần mười một là các phẩm 27,
28, 29 và 30, là nói sự tán dương Phật.
Phần mười hai là phẩm 31 "ký
thác kinh vua", kết thúc pháp thoại.
(2) Tất cả 12 phần trên, trừ phần
đầu và phần cuối, còn lại nên chia ra 2 bộ phận. Bộ phận chính thuyết,
gồm có phần hai đến phần năm. Bộ phận phụ thuyết gồm 6 phần còn lại.
Bộ phận chính thuyết cốt nói
sám hối, diệt trừ ác nghiệp, là vì bản thể là pháp thân trong sáng,
vì ác nghiệp là Không. Cũng từ Không mà viên mãn thệ nguyện và hoàn
thành 10 địa mà thực hiện pháp thân.
Bộ phận phụ thuyết nói uy linh của
minh chú và sự hộ vệ của chư thiên thiện thần; nói tư cách, đặc biệt
tư cách quốc trưởng, được sự hộ vệ ấy; nói vài tiền thân của Phật
liên hệ kinh này. Tất cả đều cốt để duy trì và quảng bá kinh này
(mà bộ phận chủ thuyết đã nói).
(3) Tựu trung có vài chỗ cần nói.
Phần bốn phẩm 6 nói số lượng chư Phật tuyên thuyết minh chú cho 10 địa
có vẻ ước lệ quá. Đoạn nói sự trạng mà 10 địa thấy thì có mấy sự
trạng hơi lạ.
Phần mười phẩm 26 nói tiền thân
của Phật xả thân cho mẹ con cọp đói ăn. Về văn tự, phần chỉnh cú của
phẩm này rõ ràng sao chép có phần thiếu thứ tự, hóa ra như có chỗ
trùng lặp. Nhưng cái điều đáng nói là, qua chỉnh cú 80, 81 và 82, nói cọp
mẹ sau là Đại thế chúa (?), 7 cọp con là 5 vị tỷ kheo đầu tiên và
các ngài Xá lợi phất và Mục kiền liên, sự kết thúc này cho thấy hành
động xả thân của Phật đã không là xúc động thiếu suy xét. Bởi vì,
hoặc do quá chân thành mà cảm ra, hoặc do quá biết trước sẽ xảy ra, đàng
nào việc Phật làm vẫn có hậu quả là cọp mẹ cọp con đều không còn
là cọp nữa. Trước đó, trong văn trường hàng, đã thuật lời tiền
thân của Phật, rằng "Ngày nay ta sai cái thân này làm cái việc cao cả.
Trong biển sinh tử, nó phải là thuyền tàu to lớn". Vậy thì tiền
thân Phật xả thân không vì xúc cảm thiếu suy xét, càng không vì chán
mình.
(4) Kinh này dầu là loại hiển mật,
nhưng hiển giáo vẫn là phần chính. Xét phần này thì thấy kinh này chịu
ảnh hưởng rõ rệt, quá rõ rệt, của các kinh sau đây.
Trước hết là ảnh hưởng của Pháp
hoa. Phần hai, với phẩm 2 và 3, cho thấy như vậy. Không những pháp thân bất
diệt, mà báo thân cũng bất diệt. Phật bất diệt là như vậy.
Rồi đến ảnh hưởng của Bát
nhã. Phần ba với phẩm 5, phần năm với phẩm 9 và phẩm 10, đích thị là
chủ yếu của kinh này, mà căn bản là cái Không vừa siêu việt, vừa biện
chứng, vừa tích cực.
Sau hết, ảnh hưởng cũng không nhỏ
của kinh Giải thâm mật và kinh Duy ma cật. Không nói rải rác đây đó,
mà chỉ nói phần bốn phẩm 6 và phần năm phẩm 10 cũng quá đủ để thấy
ảnh hưởng ấy.
Tuy nhiên, tuy kinh này có đến 31 phẩm,
qui nạp thành 12 phần, và chịu ảnh hưởng nhiều kinh, nhưng kinh này vẫn
có tư tưởng hệ riêng và rõ, rất thống nhất và hoàn chỉnh.
Tổng
Quan Nội Dung [^]
(A/1) Toàn bộ Phật giáo, bất kể
nguyên thỉ, bộ phái hay đại thừa, đều rất trọng cái thân loài người.
Nói tu theo Phật giáo là nói do cái thân người và do ý thức nơi thân ấy.
Kinh này, trước hết, cũng là như vậy.
Không cần lặp lại, Phật tử thì
ai cũng biết thân người dễ tu chứng, nhân loại là nơi Phật thị hiện
thân Phật. Vì ở đây không quá khổ quá sướng, ở đây tư duy và hành
động sắc bén, quả cảm. Nhưng kinh này còn nói rõ chính nơi cái thân ngũ
uẩn mà phát hiện pháp thân và thực hiện pháp thân ấy.
Rõ ràng hơn nữa, kinh này nói
"thân này thì bản thân, yếu tố, đối cảnh, đối tượng, kết quả,
tất cả toàn là dựa vào chân như, và nó thật khó mà nghĩ bàn. Thân này
là cỗ xe vĩ đại, là thể tánh Như lai, là bào thai Như lai" (phẩm 3).
Câu đầu đoạn văn này phải giải thích. Bản thân thì thân này là thắng
thân (cái thân đặc thù, hơn hết), làm cái dụng cụ chứa đựng Phật pháp.
Yếu tố là thắng thiện (điều thiện đặc thù, hơn hết) đời trước làm
nhân tố có ra thân này. Đối cảnh là trí tuệ và phước đức mà thân
này vin lấy. Đối tượng là đối tượng tối thượng và tối hậu mà
thân này nhắm đến, hoạt động theo, đó là đại bồ đề. Kết quả là
sự đại giải thoát hội nhập chân như. Bản thân là dị thục quả, yếu
tố là tăng thượng quả, đối cảnh là đẳng lưu quả, đối tượng là
sĩ dụng quả, kết quả là ly hệ quả. Trọn vẹn kinh này, hay bất cứ
kinh nào, nằm gọn như vậy trong cái thân này.
(A/2) Dựa vào thân ấy mà kinh này
nói về diệu pháp sám hối. Sám hối là chủ đề của kinh này. Sám hối
là vì một, bản thể là bất diệt và hai, ác nghiệp vốn Không.
Bản thể bất diệt nghĩa là bản
thể không sinh diệt, vốn và vẫn trong sáng. Bản thể ấy là chân như. Do
vậy mà phải sám hối và có thể sám hối được. Tựa như trăng vốn và
vẫn sáng, nên mây mù phải được, và có thể được, xua tan đi.
Bản thể ấy thực hiện là Phật.
Nên Phật thì bất diệt, thọ lượng bất tận. Niết bàn chỉ là sự thị
hiện vì cần phải thị hiện như vậy. Nhưng Phật bất diệt không phải
chỉ là pháp thân bất diệt. Có 2 trường hợp nữa. Một, cái nhân thọ lượng
bất diệt (bất sát và dữ thực) Phật rất viên mãn, nên báo thân của
Phật là bất diệt. Phật thường ở Linh sơn, kinh Pháp hoa và kinh này đều
nói minh bạch như vậy. Hai, Phật ở ngay cạnh ta. Ta không thấy được vì
cái thấy của ta thấy sống thấy chết. Cái thấy ấy không thể thấy
được cái không sống chết là Phật. Phật là thực tướng hiện tiền.
Ác nghiệp diệt trừ thì đương xứ tiện thị, bản lai như thị.
(A/3) "Thiện nam tử, tất cả các
pháp sinh từ yếu tố tương quan; Như lai đã nói sự thể này sinh thì sự
thể khác diệt, vì yếu tố khác biệt với nhau, nên sám hối sinh thì nghiệp
chướng diệt. Do vậy, ác pháp đã có thì diệt trừ vì sự sám hối, nên
nghiệp chướng không còn sót lại; thiện pháp chưa sinh thì phát sinh vì sự
sám hối, nên nghiệp chướng không thể sinh nữa. Lý do là vì, thiện nam tử,
tất cả các pháp toàn là Không; Như lai đã nói không ngã nhân chúng sinh
thọ giả, không sinh không diệt, không cả hành pháp sám hối. Thiện nam tử,
tất cả các pháp toàn dựa vào căn bản chân như, nên cũng không thể diễn
tả -- vì căn bản chân như thì siêu việt tất cả trạng thái sinh diệt.
Thiện nam hay thiện nữ nào hội nhập diệu lý như vậy mà kính tin, thì
thế là không chúng sinh mà có căn bản -- Chính vì ý nghĩa này mà nói đến
sự sám hối, diệt trừ nghiệp chướng" (phẩm 5). Chưa kinh luận nào
có văn ý đơn giản mà rõ ràng như đoạn văn này, nói về sự sám hối,
về Không trong sự sám hối. Cái Không ấy vừa là siêu việt, vừa là biện
chứng, lại vừa là tích cực. Cái Không tích cực là "vì Không mà
các pháp được thành tựu", nên kinh này nói 10 địa độ, nói
"mãn nguyện vì Không".
Và như vậy thì nội dung bộ phận
chủ thuyết của kinh này có thể tạm ngừng ở đây. Dưới đây là nội
dụng bộ phận phụ thuyết.
(B/1) Có cái điều này chẳng phải
chỉ là nội dung của bộ phận phụ thuyết, mà là chủ yếu của trọn
kinh này. Ấy là kinh này rất trọng cái gọi là thắng diệu lạc: hạnh
phúc đặc thù và tuyệt hảo trong nhân loại và chư thiên, nhưng đặc biệt
vẫn là trong nhân loại. Rất giống kinh Địa tạng, kinh này đề cao thắng
diệu lạc từ đầu đến cuối. Kinh này không nói gì cao xa, chỉ nói sự
yên ổn, yên vui, nhất là sự yên vui của quốc gia. Tiền tài, danh vọng,
kinh này không khinh thị. Nhưng thắng diệu lạc, trước hết, vẫn là
thoát ly "cái khổ trong lĩnh vực Diêm vương", trong các ác đạo.
Thế nhưng thắng diệu lạc là xuất
từ kinh này và có khả năng theo kinh này. Thắng diệu lạc không có cho ai
có khả năng vì thắng diệu lạc mà làm trái kinh này. Cho nên tiền tài,
danh vọng, nói rộng ra cho đến nền thanh bình của một quốc gia, không thể
có được từ những nguyên nhân và dẫn đến hậu quả phi chánh pháp.
Minh chú và chư thiên thiện thần không giúp được ước vọng thắng diệu
lạc phi thực chất thắng diệu lạc.
Điều cần nói thêm là thắng diệu
lạc của một quốc gia thực chất phải là hoán cải theo chánh pháp. Trong
thực chất ấy, rõ hơn bất cứ kinh luận nào, kinh này đối với nền an
ninh quốc gia không phủ nhận mà trái lại còn đề cao quân lực, đề cao
chiến đấu, và chiến đấu thành công, trong sự tự vệ. Kinh này phủ nhận
hoàn toàn sự xâm lăng, bành trướng, chấp nhận rõ ràng các quốc gia phải
sống hòa bình tương nhượng, nên nếu bị giặc thù xâm lăng thì sự chống
trả được hỗ trợ.
Nhưng trên đây chỉ mới nói giặc.
Không thắng diệu lạc còn có 2 sự nữa được kinh này luôn luôn nêu
lên, ấy là đói (nhân mãn) và dịch (truyền nhiễm). Không một chút khó
khăn gì để thấy tại sao kinh này quan tâm đến 2 điều này.
(B/2) Nhưng thắng diệu lạc của quốc
dân và quốc gia tùy thuộc, nếu không hoàn toàn thì cũng là chủ yếu,
vào chức vị nguyên thủ. Chức vị đó được gọi là quốc vương, hay là
gì, chỉ là vì thể chế, nhưng thực sự vẫn chịu trách nhiệm đối với
quốc dân và quốc gia. Kinh này, vì vậy, nói khá nhiều về quốc vương.
Căn bản của quốc vương là phục
vụ quốc dân và quốc gia bằng sự áp dụng chánh pháp cho bản thân, thân
quyến và quốc dân. Ông phải tự cấm và tự trừng trị ông, phải cấm
và từng trị những kẻ gian tham và dua nịnh. Ông không được để những
kẻ này phá hoại quốc gia và quốc dân như những con voi điên dẫm đạp
hoa viên. Ông không đáng gọi là quốc vương nếu không áp dụng chánh
pháp, trừng trị phi pháp. Ông phải tự làm và làm cho quốc dân "hướng
về nhau bằng từ tâm". Nếu ông là một quốc vương xứng danh và thực
như vậy thì quốc dân và quốc gia của ông thịnh vượng vì quân lực,
vì thương nghiệp và nông nghiệp, không thể bị hoành hành vì giặc, đói
và bịnh.
(B/3) Kinh này dĩ nhiên đề cao sự
hộ vệ của chư thiên thiện thần. Chư thiên và thiện thần kinh này nói
mà ít thấy ở kinh khác, đó là Phạn vương, Đế thích, Thiên vương, Đại
biện tài thiên nữ, Đại cát tường thiên nữ, Kiên lao địa thần, Bồ
đề thọ thần, Chánh liễu tri đại tướng. Hãy chú ý vị cuối cùng. Đấy
là đại tướng thủ lãnh của bộ loại Dược xoa. Dược xoa là Kim cang
quyến thuộc, trong Mật tông thì thống thuộc Kim cang tạng bồ tát (Phổ
hiền bồ tát của Hiển giáo). Bộ loại Dược xoa mạnh, nhanh, bí mật, do
nghiệp lực mà có cũng có, do nguyện lực mà có cũng có. Bộ loại này
được nói đến trong sự hộ trì kinh chú và người trì kinh chú, trong sự
hộ vệ quốc gia và quốc dân.
Đặc điểm kinh này nói về thiên
và thần là giữa họ với nhân loại có sự tương quan. Ấy là nhân loại
sống theo chánh pháp thì họ được nhờ và họ hộ vệ. Phải chú ý sự
tương quan này mới nói đến sự hộ vệ của chư thiên thiện thần.
Đương cơ của kinh này là Diệu
tràng, một vị bồ tát người thành Vương xá. Trong danh sách bồ tát loài
người, thời Phật, phải kê thêm tên vị này. Và thật là dễ hiểu khi
thấy đặc tính nhân bản rất rõ và nhất quán của kinh này.
12.1.2538.
Nghi Thức Sám Hối Đơn Giản
Trước Khi Tụng Kinh
[^]
Một
Nếu không phải ăn chay trường thì
nên chọn ngày ăn chay. Phải đánh răng, súc miệng, tắm rửa, thay đồ sạch.
Chưng hoa quả nếu có, thắp hương đèn. Rồi đứng nghiêm chỉnh, chắp
tay, lắng lòng trong nửa phút, đọc chú tịnh pháp giới Án lam sa ha 7 lần,
chú tịnh tam nghiệp Án sa phạ bà phạ, thuật đà sa phạ, đạt ma sa phạ,
bà phạ thuật độ hám cũng 7 lần, rồi quì xuống, đọc lời cúng hương:
- Nguyện hương vân này
- khắp cả pháp giới,
- hiến cúng chư Phật
- hiến cúng Phật pháp
- hiến cúng Bồ tát
- Độc giác Thanh văn,
- duyên khởi ánh sáng
- thi thố việc Phật:
- xông cho chúng sinh
- phát tâm bồ đề,
- viễn ly vọng nghiệp
- viên thành Phật đạo.
Xá 1 xá rồi tác bạch lời cầu
nguyện: Hôm nay con tên XX, pháp danh XX, nguyện vì bản thân, vì thân nhân,
vì mọi người, vì chúng sinh, mà trì tụng kinh Ánh sáng hoàng kim. Trước
khi trì tụng, con xin sám hối y như kinh dạy. Chú ý: vì thân nhân và vì mọi
người là nói chung. Khi vì ai đích thị thì phải nói tên ra.
Hai
Trước hết kính lạy Tam bảo: Nhất
tâm đảnh lễ giáo chủ kinh Ánh sáng hoàng kim là đức Bổn sư Thích ca
mâu ni thế tôn, cùng với hết thảy Phật bảo (1 lạy). Nhất tâm đảnh lễ
kinh Ánh sáng hoàng kim cùng với hết thảy Pháp bảo (1 lạy). Nhất tâm đảnh
lễ liệt vị Bồ tát Độc giác Thanh văn trong pháp hội Ánh sáng hoàng
kim, cùng với hết thảy Tăng bảo (1 lạy).
Rồi quì xuống đọc 3 lần lời sám
hối sau đây: Kính lạy đức Thích ca mâu ni, bậc Như lai, cúng, Chánh
biến tri, là đấng Thế tôn của con. Xin đức Thế tôn từ bi nhiếp thọ
cho con, chứng minh cho con sám hối ác nghiệp. Vì hoặc chướng và vì báo
chướng, con đã tạo ra bao nhiêu nghiệp chướng. Thân làm, miệng nói, ý
nghĩ, toàn là phi chánh pháp. Ngày nay con xin sám hối tất cả, nguyện cắt
đứt sự liên tục của ác nghiệp. Ngưỡng nguyện Thế tôn da trì cho con
vượt qua mọi nghịch cảnh, thắng được mọi thói quen, chí hướng thượng
không thoái lui, tâm tu hành không suy giảm, trừ sạch nghiệp chướng, thể
hội pháp thân. Con lại xin thay cho cha mẹ thân nhân, thay cho đa sinh phụ mẫu,
thay cho mọi người, thay cho chúng sinh, mà sám hối như vậy. Ngưỡng mong
Thế tôn, bậc Như lai, cúng, Chánh biến tri, từ bi da trì cho sự sám hối
của con được thành tựu.
Đứng dậy lạy Phật:
- Kính lạy đức Thích ca mâu ni như lai,
- Kính lạy đức Bất động như lai ở hướng đông,
- Kính lạy đức Bảo tràng như lai ở hướng nam,
- Kính lạy đức A di đà như lai ở hướng tây,
- Kính lạy đức Thiên cổ âm như lai ở hướng bắc,
- Kính lạy đức Quảng chúng đức như lai ở hướng
trên,
- Kính lạy đức Minh đức như lai ở hướng dưới,
- Kính lạy đức Bảo tạng như lai,
- Kính lạy đức Phổ quang như lai,
- Kính lạy đức Phổ minh như lai,
- Kính lạy đức Hương tích vương như lai,
- Kính lạy đức Liên hoa thắng như lai,
- Kính lạy đức Bình đẳng kiến như lai,
- Kính lạy đức Bảo kế như lai,
- Kính lạy đức Bảo thượng như lai,
- Kính lạy đức Bảo quang như lai,
- Kính lạy đức Vô cấu quang minh như lai,
- Kính lạy đức Biện tài trang nghiêm tư duy như
lai,
- Kính lạy đức Tịnh nguyệt quang xưng tướng
vương như lai,
- Kính lạy đức Hoa nghiêm quang như lai,
- Kính lạy đức Quang minh vương như lai,
- Kính lạy đức Thiện quang vô cấu xưng vương
như lai.
- Kính lạy đức Quan sát vô úy tự tại vương
như lai,
- Kính lạy đức Vô úy danh xưng như lai,
- Kính lạy đức Tối thắng vương như lai,
- Kính lạy hết thảy các đức Như lai,
- Kính lạy đức Quan tự tại đại bồ tát,
- Kính lạy đức Địa tạng đại bồ tát,
- Kính lạy đức Hư không tạng đại bồ tát,
- Kính lạy đức Diệu cát tường đại bồ tát,
- Kính lạy đức Kim cang thủ đại bồ tát
- Kính lạy đức Phổ hiền đại bồ tát,
- Kính lạy đức Vô tận ý đại bồ tát,
- Kính lạy đức Đại thế chí đại bồ tát,
- Kính lạy đức Từ thị đại bồ tát,
- Kính lạy đức Thiện tuệ đại bồ tát,
- Kính lạy tất cả các vị Bồ tát, Độc giác,
Thanh văn.
Ba
Ngồi xuống tụng kinh Ánh sáng
hoàng kinh. Tụng theo cuốn hay tụng theo phẩm. Mỗi lần tụng đều mở đầu
bằng nghi thức này, cho đến hết bộ. Nếu muốn mỗi ngày tụng 1 lần, tụng
thường xuyên, thì có thể chỉ tụng phẩm Diệt trừ nghiệp chướng (cuốn
3 phẩm 5). Khi tụng cũng mở đầu bằng nghi thức này. Bắt đầu tụng thì
niệm 3 lần Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn.
Bốn
Tụng kinh rồi trì minh chú Kim thắng:
Nam mô, rát na, tra da da, tát da tha, kun tê, kun tê, ku sá tê, ku sá lê, ku sá
lê, ích chi li, mi ti li, soa ha. Chú ý: tra da da, chữ tra đọc theo vần Pháp
văn (tr-a). Trì minh chú này 7 lần, 21 lần, 49 lần, hay hơn nữa tùy ý.
Năm
Rồi hồi hướng: Nguyện đem công
đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành
Phật đạo. Và tam tự qui: Tự qui y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo
đạo cả, phát lòng vô thượng. Tự qui y Pháp, xin nguyện chúng sinh, thâm
nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. Tự qui y Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống
lý đại chúng, hết thảy không ngại.
Mục Lục
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6
|7 |
8
|
9|
10 |
11|
12|
13|
14|
15|
16|
17|
18|
19|
20|
21|
22|
23
| 24
|
25
|
26
|
27|
28|
29|
30|
31|ghi chú|
--- o0o ---
| Thư
Mục
Tác
Giả
|
--- o0o ---
Source
: www.buddhismtoday.com
-o0o-
Trình
bày: Nhị
Tường
Cập
nhật:
01-02-2002