.
Kinh Trường Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Sài gòn 1991
---o0o---
29. KINH
THANH TỊNH
Như vầy tôi nghe.
1. Một thời, Thế Tôn trú giữa
giòng tộc Sakya (Thích ca) trong vườn xoài của một gia đình Thích ca tên
là Vedhannà.
Lúc bấy giờ, Nigantha Nàthaputta vừa
mới tạ thế ở Pàvà. Sau khi vị này tạ thế, các vị Nigantha chia ra làm
hai phái, chia rẽ nhau, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau
với binh khí bằng miệng - "Ngươi không biết pháp luật này, ta biết
pháp luật này. Sao Ngươi có thể biết pháp luật này? Ngươi theo tà
hạnh,
ta theo chánh hạnh. Lời nói của ta tương ưng, lời nói Ngươi không tương
ưng. Điều đáng nói trước, Ngươi nói sau; điều đáng nói
sau, Ngươi nói
trước. Điều Ngươi quan niệm trình bày, đã bị đảo lộn. Quan điểm của
Ngươi đã bị thách đố. Ngươi đã bị đánh bại. Hãy đi giải tỏa quan
điểm của Ngươi! Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ngươi có thể làm
được." Hình như các đệ tử của Nigantha Nàthaputta muốn tàn hại lẫn
nhau. Chính các đệ tử cư sĩ mặc đồ trắng của Nigantha Nàthaputta cũng
chán ngấy, cơ hiềm, và phản đối các vị Nigantha, vì pháp luật của họ
đã được trình bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng
hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Đẳng Giác
tuyên thuyết, pháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y
chỉ.
2. Rồi Sa di Cunda, sau khi an cư mùa
mưa ở Pàvà đến thăm tôn giả Ananda ở Sàmàgama, sau khi đến, đảnh lễ
tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên. Sa di
Cunda bạch tôn giả Ananda:
- Bạch Tôn giả, Nigantha Nàthaputta
đã từ trần ở Pàvà sau khi vị này tạ thế, các Nigantha chia ra làm hai
phái... Tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.
Khi nghe nói vậy, tôn giả Ananda
nói với Sa di Cunda:
- Này Hiền giả Cunda, đây là vấn
đề đáng đưa ra để yết kiến Thế Tôn. Này Hiền giả
Cunda, chúng ta
hãy đi yết kiến Thế Tôn; sau khi đến xong, chúng ta hãy trình bày vấn đề
này để Thế Tôn biết.
- Bạch Tôn giả, vâng!
- Sa di Cunda vâng lời tôn giả
Ananda.
3. Rồi tôn giả Ananda cùng với Sa
di Cunda, đi đến yết kiến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi
xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ananda bạch Thế
Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Sa di Cunda có nói:
"Nigantha Nàthaputta đã từ trần ờ Pàvà. Sau khi vị này từ
trần,
các vị Nigantha chia ra làm hai phái... tháp y chỉ đã bị đổ
vỡ, không
cõ chỗ y chỉ."
- Này Cunda, như vậy ở đây pháp
luật đã được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng
hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không di vị Chánh Đẳng Giác
tuyên thuyết.
4. Này Cunda, ở đây có vị đạo
sư không phải là Chánh Đẳng Giác, có pháp luật đã được trình bày
tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng
dẫn, không hướng
đến an tịnh, không do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết. Và người đệ
tử trong pháp này, không thành tựu và an trú trong pháp và tùy pháp, không
sống đúng chánh hạnh, không sống đúng tùy pháp, sống vượt ra ngoài
pháp. Người đệ tử ấy cần được nói như sau: "Này Hiền
giả, thật
là lợi ích cho Ngươi. Thật khéo chứng đắc cho Ngươi. Đạo sư của
Ngươi không phải là vị Chánh Đẳng Giác. Pháp của Ngươi đã được trình
bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng
dẫn, không
hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Đẳng Giác tuyên bố. Và Ngươi
trong pháp này, không thành tựu và an trú trong pháp và tùy pháp, không sống
đúng chánh hạnh, không sống đúng tùy pháp, vượt ra ngoài pháp. Này
Cunda, như vậy ở dây, vị đạo sư đáng quở trách, ở đây pháp đáng quở
trách, nhưng ở đây đệ tử đáng tán thán. Này Cunda, với vị đệ tử
như vậy, nên nói như sau:" Này Đại đức, dầu Đại đức thực hành
đúng như pháp vị đạo sư đã dạy và trình bày, ai có suy
tầm, ai có bị
suy tầm, ai có suy tầm rồi như thực thi hành, tất cả đều không có phước
báo. Vì sao vậy? Vì pháp luật đã được trình bày tuyên bố một cách vụng
về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an
tịnh, không do
vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết."
5. Này Cunda, ở đây, vị đạo sư
không là vị Chánh Đẳng Giác, và pháp được trình bày tuyên bố một
cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an
tịnh,
không do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết, và vị đệ tử trong pháp này,
sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống theo chánh hạnh, sống đúng tùy
pháp, sống luận theo pháp. Người này nên được nói như sau: "Này Hiền
giả, thật không lợi ích cho Ngươi, thật không khéo chắng đắc cho
Ngươi. Vị đạo sư của Ngươi không là vị Chánh Đẳng Giác và pháp được
trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng
dẫn,
không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Đẳng Giác tuyên
thuyết, những
người trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống theo chánh
hạnh,
sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp". Này Cunda, ở đây vị đạo
sư đáng quở trách, ở đây pháp đáng quở trách, ở đây vị đệ tử
cũng đáng quở trách. Này Cunda, với vị đệ tử như vậy, có
ai, nên nói
như sau: "Thật vậy, Đại đức thành tựu theo chánh
hạnh, tinh tấn
trong chánh hạnh, người khen, người được khen, người được khen như vậy
lại càng tinh tấn hơn nữa, tất cả đều không đưựoc phước đức."
Vì sao vậy? Này Cunda, vì pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng
về,
không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị
Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết.
6. Này Cunda, ở đây vị đạo sư là
vị Chánh Đẳng Giác, pháp được khéo giảng và trình bảy, có hiệu năng
hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác tuyên
thuyết. Vị
đệ tử trong pháp này sống không thành tựu pháp và tùy pháp, sống không
theo chánh hạnh, sống không đúng tùy pháp, sống không thuận theo pháp. Vị
đệ tử ấy cần phải được nói: "Này Hiền giả, thật không lợi
ích cho Ngươi, thật không khéo chứng đắc cho Ngươi. Vị đạo sư của
Ngươi là vị Chánh Đẳng Giác, pháp được khéo tuyên bố trình bày, có
hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác
tuyên thuyết. Nhưng Ngươi trong pháp này sống không thành tựu pháp, sống
không theo chánh hạnh, sống không đúng tùy pháp, sống không thuận theo
pháp." Này Cunda, ở đây vị đạo sư đáng được tán thán, ở đây
pháp đáng được tán thán, ở đây vị đệr tử đáng quở trách. Nếu
có ai, hãy nói với vị đệ tử ấy như sau: "Đại đức hãy thực
hành đúng như pháp do vị đạo sư của Đại đức trình bày và tuyên
thuyết.
Ai có điều tra, ai có bị điều tra, ai có bị điều tra rồi như thực thi
hành, tất cả đều được phước báo". Vì sao vậy? Này
Cunda, pháp luật
này khéo thuết khéo trình bày là như vậy, có hiệu năng hướng
dẫn, hướng
đến an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết.
7. Này Cunda ở đây vị đạo sư là
Chánh Đẳng Giác, và pháp được khéo tuyên thuyết, khéo trình bày, có hiệu
nằn hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Cháng Đẳng Giác tuyên
thuyết,
và vị đệ tử trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống
thành tựu chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp. Nếu có
ai, hãy nói vị đệ tử ấy nói như sau: "Này Hiền giả, thật là lợi
ích cho Ngươi, thật khéo chứng đắ cho Ngươi. Vị đạo sư của Ngươi là
vị A la hán Chánh Đẳng Giác, pháp được khéo tuyên thuyết, được khéo
trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Đẳng
Giác tuyên thuyết. Và Ngươi trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy
pháp, sống thành tựu chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo
pháp". Này Cunda, như vậy ở đây vị đạo sư đáng được tán thán,
ở đây pháp đáng được tán thán, ở đây vị đệ tử cũng đáng được
tán thán. Này Cunda, nếu có ai, hãy nói vị đệ tử ấy như
sau: "Thật vậy, Đại đức thành tựu như pháp, tinh tấn như pháp, người
khen, người
được khen, người được khen như vậy lại càng tinh tấn thực hành, tất
cả đều được nhiều công đức". Vì sao vậy? Này Cunda, vì pháp luật
được khéo tuyên thuyết, khéo trình bày như vậy, có hiệu năng hướng
dẫn,
hướng đến an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết.
8. Này Cunda, ở đây vị đạo sư
xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, và pháp được khéo
tuyên thuyết, được khéo trình bày, có hiệu năng hướng
dẫn, hướng đến
an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết. Và các vị đệ tử chưa
được tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn chưa được
tỏ lộ cho các vị này, chưa được trình bày rõ ràng, với tất cả thứ
bậc vị trí liên hệ, chưa được trở thành diệu dụng, chưa được khéo
trình bày cho loài Người, và vị đạo sư viên tịch. Này
Cunda, đối với
vị đạo sư như vậy, nếu viên tịch, các đệ tử sẽ ưu tư rất
nhiều.
Vì sao vậy? Vì đạo sư của chúng ta xuất hiện ở đời, và pháp được
khéo tuyên thuyết, khéo trình bày, có hiệu năng hướg dẫn, hướng đến
an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết. Nhưng chúng ta chưa được
tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn chưa được tỏ lộ
cho chúng ta với tất cả thứ bậc, vị trí liên hệ, chưa được trở thành
diệu dụng, chưa được khéo trình bày cho loài Người, và vị đạo sư của
chúng ta viên tịch. Này Cunda, vị Đạo sư như vậy có viên
tịch, các đệ
tử có sự ưu tư.
9. Này Cunda, ở đây vị đạo sư
xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, pháp được khéo
tuyên bố và được khéo trình bày, có hiệu năng hướng
dẫn, hướng đến
an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết. Và các vị đệ tử được
tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn được tỏ lộ cho
các vị ấy với tất cả thứ bậc vị trí liên hệ, được trở thành diệu
dụng, được khéo trình bày cho loài Người, và vị đạo sư của những vị
ấy viên tịch. Này Cunda, vị đạo sư như vậy có viên tịch, các đệ tử
không có ưu tư. Vì cớ sao? Vị đạo sư của chúng ta xuất hiện ở đời
là bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, pháp được khéo tuyên
thuyết, được
khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an
tịnh, được vị
Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết. Còn chúng ta được tinh thông diệu pháp,
và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn được tỏ lộ cho chúng ta biết với tất
cả thứ bậc vị trí liên hệ, được trở thành diệu dụng, được khéo
trình bày cho loài Người, và vị Đạo sư của chúng ta viên
tịch. Này Cunda, vị đạo sư như vậy có viên tịch, các đệ tử không có ưu tư.
10. Này Cunda, nếu phạm hạnh được
đầy đủ những chi phần như vậy, nếu không có một vị đạo sư là một
vị Thượng tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến tuổi
trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, một phạm hạnh như vậy
được xem là không viên mãn, trong trường hợp như vậy. Này
Cunda, nếu phạm
hạnh được đầy đủ những chi phần như vậy, và nếu có vị đạo sư
là một vị Thượng tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến
tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, một phạm hạnh như
vậy được xem là viên mãn, trong trường hợp như vậy.
11. Này Cunda, nếu phạm hạnh được
đầy đủ những chi phần như vậy, và có vị đạo sư là vị Thượng tọa
có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng,
đã đến tuổi trưởng thành, nhưng không có các vị Thượng tọa Tỷ
kheo, những vị đệ tử là những vị sáng suốt, tự điều
phục, vô úy,
đa văn, đã đạt đến sự an ổn, cỏ thể thuyết diệu pháp, với giáo
lý ngoại đạo được khởi lên có thể khéo nhiếp phục với giáo pháp của
mình, có thể thuyết diệu pháp bất tư nghì; như vậy phạm hạnh này
không thể viên mãn bởi chi tiết này.
12. Này Cunda, khi nào phạm hạnh
được đầy đủ về những phương diện này, vị đạo sư là vị Thượng
tọa, có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu ngày, đã đến tuổi trưởng
thượng, đã đến tuổi trưởng thành, và những vị Thượng tọa Tỷ
kheo, những vị đệ tử... nếu không có các vị Trung lạp Tỷ
kheo, những
vị đệ tử... Có các vị Trung lạp Tỷ kheo, những vị đệ
tử... nhưng
nếu không có các vị Hạ lạp Tỷ kheo, những vị đệ tử... có các Hạ
lạp Tỷ kheo, những vị đệ tử... nhưng nếu không có các vị Trưởng lão
Tỷ kheo ni, các vị đệ tử... nhưng nếu không có các vị Trung lạp Tỷ
kheo ni, các vị đệ tử... nhưng nếu không có các vị Hạ lạp Tỷ kheo
ni, các vị đệ tử... có các vị Hạ lạp Tỷ kheo ni, các vị đệ
tử...
nhưng nếu không có Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo
trắng,
sống theo phạm hạnh... có những Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại
gia, mặc
áo trắng, sống theo phạm hạnh... nhưng nếu không có những Nam cư sĩ đệ
tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc... có những
Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục
lạc...
nhưng nếu không có những Nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại
gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh... có những Nư cư sĩ đệ
tử, những vị tại
giam mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh... nhưng nếu không có những Nữ
cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận dục
lạc...
có những Nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận
dục lạc ...phạm hạnh như vậy nếu không được thành công, hưng
thịnh,
phát triển và phổ thông một cách rộng rãi, khéo tuyên bố giữa các người,
nhưng không đạt được danh xưng và lợi dưỡng một cách tối
thắng, phạm
hạnh như vậy không được viên mãn về phương diện này.
13. Này Cunda, khi nào phạm hạnh
được đầy đủ với những phương diện này, vị đạo sư là Thượng tọa
có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng,
đã đến tuổi trưởng thành, và những vị Thượng tọa là những bậc Tỷ
kheo, những vị đệ tử sáng suốt, tự điều phục... thuyết pháp diệu dụng,
có Trung lạp Tỷ kheo đệ tử, có Hạ lạp Tỷ kheo đệ tử, có Trưởng lão
Ni đệ tử, có Trung lạp Ni đệ tử, có Hạ lạp Ni đệ tử, có Nam cư
sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh, có
Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc,
có Nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm
hạnh, có những vị Nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng,
chấp nhận dục lạc; phạm hạnh như vậy được thành công, hưng thịnh,
phát triển, và phổ thông một cách rộng rãi, khéo tuyên bố giữa các người,
đạt được danh xưng và lợi dưỡng một cách tối thắng, phạm hạnh như
vậy được viên mãn về phương diện này.
14. Này Cunda, nay Ta hiện tại là bậc
Đạo sư xuất hiện ở đời, là bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, và pháp
được khéo tuyên bố, khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng
đến an tịnh, được vị Chánh Đẳng Giác trình bày, và các vị đệ tử
của Ta tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn được tỏ
lộ với tất cả thứ bậc vị trí liên hệ, được trở thành diệu dụng,
được khéo trình bày cho loài Người. Này Cunda, nay Ta là vị Đạo sư Trưởng
lão, có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu ngay, đã đến tuổi trưởng
thượng, đã đến tuổi trưởng thành.
15. Này Cunda, nay Ta có những vị Thượng
tọa Tỷ kheo đệ tử sáng suốt, tự biết điều phục, vô úy, đa văn, đã
đạt đến sự an ổn, có thể thuyết diệu pháp, đối với giáo lý ngoại
đạo được khởi lên, có thể khéo chiết phục với giáo pháp của mình,
có thể thuyết diệu pháp bất khả tư nghì. Này Cunda, Ta lại có những
Trung lạp Tỷ kheo sáng suốt. Này Cunda, nay Ta có những vị Hạ lạp Tỷ
kheo đệ tử. Này Cunda, nay Ta có những vị Trưởng lão Tỷ kheo ni đệ tử.
Này Cunda, nay Ta có những vị Trung lạp Tỷ kheo ni đệ tử. Này Cunda, nay
Ta có những vị Hạ lạp Tỷ kheo ni đệ tử. Này Cunda, nay Ta có những vị
Nam cư sĩ, là những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh.
Này Cunda, nay Ta có những vị Nam cư sĩ, là những vị tại gia mặc áo trắng,
chấp nhận dục lạc. Này Cunda, nay Ta có những vị Nữ cư sĩ, là những vị
tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh. Này Cunda, nay Ta có những vị
Nữ cư sĩ là những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận dục lạc...
Này Cunda, nay Phạm hạnh của Ta được thành công, hưng thịnh, phát triển,
và phổ thông một cách rộng rãi, khéo tuyên bố giữa mọi người.
16. Này Cunda, đối với tất cả những
vị đạo sĩ nay xuấg hiện ở đời; này Cunda, Ta không thấy một vị đạo
sư nào khác có thể bằng Ta về phương diện lợi dưỡng và danh xưng tối
thượng. Này Cunda, đối với tất cả các đoàn thể, các hội chúng nay xuất
hiện ở đời; này Cunda, Ta không thấy một đoànnthể nào khác có thể bằng
đoàn thể Tỷ-kheo về phương diện lợi dưỡng và danh xưng tối thượng.
Nếu có ai, khi tả một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, không thiếu
sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu
truyên bố đúng đán sẽ tuyên bố như sau: "Thành tựu hết thảy tướng...
phạm hạnh được khéo tuyên bố". Này Cunda, Uddaka con của Ràma thường
nói: "Thấy mà không thấy". Thấy cái gì mà không thấy? Với một
con dao sắc bén, chỉ thấy lưỡi dao không thấy khía cạnh sắc bén của
dao. Này Cunda, đấy là nghĩa của câu: "Thấy mà không thấy". Này
Cunda, ở đây Uddaka con của Ràma đề cập đến một vật đê tiện, hạ
liệt, thuộc về phàm phu, không xứng bậc Thánh, không có lợi ích, nói về
con dao. Này Cunda, nếu nói đúng đắn câu "Thấy mà không thấy",
thời phải nói như sau: "Thấy mà không thấy". Vị ấy thấy cái
gì mà không thấy? Một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, đầy đủ
hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố
một cách viên mãn, được khéo trình bày. Chính vị ấy thấy phạm hạnh
này. Nếu vị ấy trừ bớt một phương diện nào tại một chỗ nào, nghĩ
rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị
ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ
được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một
phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy được viên mãn hơn, vị
ấy sẽ không thấy gì. Như vậy gọi là "Thấy mà không thấy".
Này Cunda, nếu có ai khi tả một phạm hạnh thành tựu hết thảy tướng...
phạm hạnh được khéo tuyên bố, vị ấy sẽ tuyên bố đúng đắn như
sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng,
không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên
mãn, được khéo trình bày".
17. Do vậy, này Cunda, những pháp do
Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp
lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa
với nhau, các câu với nhau để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu
dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn
loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên
và cho loài Người. Này Cunda, thế nào là những pháp do Ta tự chứng tri
và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng
đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các
câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an
trú lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng
thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài
Người? Những pháp ấy là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý
túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác chi, Tám Thánh đạo. Này Cunda, những
pháp ấy do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả Ngươi hãy
hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh
các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn
tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc của muôn loài, vì an lạc
cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho
chư Thiên và cho loài Người.
18. Này Cunda, các Ngươi hãy hội họp
với nhau trong tinh thần hòa đồng và tương kính, không có tranh luận nhau.
Có vị đồng phạm hạnh nói pháp giữa Tăng chúng. Nếu các Ngươi nghĩ rằng
"Vị Đại đức này nắm nghĩa sai lạc hay hành văn sai lạc", các
Ngươi không nên tán thán, không nên bác bỏ. Không tán thán không bác bỏ,
các Ngươi nên nói với vị ấy:
"Này Hiền giả, với nghĩa này,
cách hành văn này hay cách hành văn kia, cách nào thích hợp hơn? Giữa những
cách hành văn này, nghĩa này hay nghĩa kia, nghĩa nào thích hợp hơn?" Nếu
vị ấy trả lời: "Này Hiền giả, với nghĩa này, cách hành văn này
thích hợp hơn cách hành văn kia. Giữa những cách hành văn này, nghĩa này
thích hợp hơn nghĩa kia", các Ngươi không nên bác bỏ vị ấy, không
nên phỉ báng vị ấy. Không bác bỏ, không phỉ báng, các Ngươi phải giải
thích cho vị ấy một cách cẩn thận cả nghĩa lẫn hành văn.
19. Lại nữa này Cunda, có vị đồng
phạm hạnh khác nói pháp giữa Tăng chúng. NẾu các Ngươi nghĩ rằng:
"Vị Đại đức ấy nắm nghĩa sai lạc nhưng hành văn đúng đắn",
các Ngươi không nên tán thán, không nên bác bỏ. Không thán thán, không
bác bỏ, các ngươi nên nói với vị ấy: Này Hiền giả, giữa những cách
hành văn này, nghĩa này hay nghĩa kia, nghĩa nào thích hợp hơn?" Nếu vị
ấy trả lời: "Này Hiền giả, giữa những cách hành văn này, nghĩa này
thích hợp hơn nghĩa kia", các Ngươi không nên bác bỏ, không phỉ
báng, các Ngươi phải giải thích một cách cẩn thận ý nghĩa đúng đắn
cho vị ấy.
20. Này Cunda, có vị đồng phạm
hanh khác nói pháp giữa Tăng chúng. Nếu các Ngươi nghĩ rằng: "Vị Đại
đức này nắm nghĩa đúng đắn, nhưng hành văn sai lạc", các Ngươi không
nên tán thán, không nên bác bỏ. Không tán thán không bác bỏ, các Ngươi nên
nói với vị ấy: "Này Hiền giả, giữa những cách hành văn này, nghĩa
này hay nghĩa kia, nghĩa nào thích hợp hơn?" Nếu vị ấy trả lời:
"Giữa những cách hành văn này, nghĩa này thích hợp hơn nghĩa
kia", các Ngươi không nên bác bỏ vị ấy, không nên phỉ báng vị ấy.
Không bác bỏ, không phỉ báng, các ngươi phải giải thích một cách cẩn
thận cách hành văn cho vị ấy.
21. Này Cunda, có vị đồng phạm hạnh
khác nói pháp giữa Tăng chúng, nếu các Ngươi nghĩ rằng: "Vị Đại
đức này nắm nghĩa đúng đắn và hành văn đúng đắn", các Ngươi nên
tán đồng và tán thán vị ấy với câu: "Thật là tốt đẹp", các
Ngươi phải nói với vị ấy" "Thật là tốt đẹp", các Ngươi
phải nói với vị ấy: "Này Hiền giả thật là lợi ích cho chúng
tôi, này Hiền giả thật là lợi ích cho chúng tôi; này Hiền giả, thật
là may mắn cho chúng tôi; này Hiền giả, thật là may mắn cho chúng tôi,
khi chúng tôi thấy một vị đồng phạm hạnh như Hiền giả, tinh thông nghĩ
lý như vậy, tinh thông hành văn như vậy".
22. Này Cunda, một pháp mới, Ta thuyết
giảng để ngăn chận các lậu hoặc ngay trong hiện tại. Này Cunda, Ta
không thuyết pháp, chỉ để diệt trừ các lậu hoặc trong tương lai mà
thôi. Này Cunda, Ta thuyết pháp vừa để ngăn chận các lậu hoặc ngay trong
hiện tại mà cũng để diệt trừ các lậu hoặc trong tương lai nữa. Do vậy,
này Cunda, tấm y mà Ta cho phép các Ngươi mặc, như vậy vừa đủ cho các
Ngươi ngăn chận lạnh, ngăn chận nóng, ngăn chận sự xúc chạm của các
loài ruồi muỗi, của gió, mặt trời và các loài rắn, và các che dấu sự
hổ thẹn. Các món ăn khất thực mà Ta cho phép các Ngươi dùng, như vây vừa
đủ cho các Ngươi ngăn chận lạnh, ngăn chận nóng, ngăn chận sự xúc chạm
của ruồi muỗi, gió, mặt trời và các loài rắn, chỉ với mục đích
tránh thoát sự nguy hiểm của thời tiết, và an hưởng đời sống tịnh
cư. Các dược phẩm và thuốc trị bịnh mà Ta cho phép các Ngươi dùng, như
vậy vừa đủ để ngăn chận các cảm thọ đau ốm khởi lên và để gìn
giữ sức khỏe.
23. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra, các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Các Sa-môn Thích tử sống
đam mê hỷ lạc". Này Cunda, nếu được nói như vậy, các du sĩ ngoại
đạo phải được trả lời như vậy: "Này Hiền giả, thế nào là
đam mê hỷ lạc? Đam mê hỷ lạc có nhiều loại, có nhiều cách". Này
Cunda, bốn loại đam mê hỷ lạc này là thấp kém, hạ liệt, thuộc phàm
phu, không xứng Thánh hạnh, không có lợi ích, không hướng đến yểm ly,
vô tham, tich diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn.
Thế nào là bốn? Này Cunda, ở đây
có người ngu si, sau khi sát sanh, tự mình sung sướng hoan hỷ, đó là hỷ
lạc thứ nhất. Lại nữa, này Cunda, ở đây có người sau khi lấy của không
cho, tự minh sung sướng, hoan hỷ, đó là hỷ lạc thứ ba. Lại nữa này
Cunda, ở đây có người say đắm, đam mê sống vây quanh với năm món dục
lạc, đó là hỷ lạc thứ tư. Này Cunda, bốn loại hỷ lạc này là thấp
kém, hạ liệt, thuộc phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không có lợi ích,
không hướng đến yểm ly, vô tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác
ngộ và Niết-bàn.
24. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra, các ngoại đạo có thể hỏi: "Các Sa-môn Thích tử có phải sống
đam mê bốn loại hỷ lạc này không?" Họ cần phải được trả lời:
"Chớ có nói như vậy. Các ông nói như vậy là nói không đúng đắn.
Nói như vậy là các ông xuyên tạc, không đúng sự thật, không thực
có". Này Cunda, có bốn loại hỷ lạc nhất định đưa đến yểm ly, vô
tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bốn?
Này Cunda, ở đây vị Tỷ-kheo, ly dục, ly ác pháp, chứng và an trú Sơ thiền,
một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Đó là hỷ lạc
thứ nhất. Lại nữa này Cunda, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và
trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm
không tứ, nội tình nhất tâm. Đó là hỷ lạc thứ hai. Lại nữa này
Cunda, vị Tỷ-kheo ly hỷ... Đó là hỷ lạc thứ ba. Lại nữa này Cunda, vị
Tỷ-kheo xả lạc... Đó là hỷ lạc thứ tư. Này Cunda, bốn loại hỷ lạc
nhất định đưa đến yểm ly, vô tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí,
giác ngộ, Niết-bàn. Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra. Các du sĩ ngoại
đạo có thể nói: "Các vị Sa-môn Thích tử đang sống đam mê bốn loại
hỷ lạc này". Họ cần phải được trả lời: "Nói như vậy là
phải; các ông nói như vậy là nói đúng đắn. Nói như vậy là các ông
không xuyên tạc, đúng sự thật, và thực có".
25. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra. Các du sĩ ngoại đọa có thể nói: "Này Hiền giả, những ai sống
đam mê theo bốn loại hỷ lạc ấy có thể mong đợi kết quả gì, lợi
ích gì?" Được nói vậy, phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo
như sau: "Này Hiền giả, những ai sống đam mê bốn loại hỷ lạc ấy,
có thể mong đợi bốn kết quả, bốn sự lợi ích. Thế nào là bốn? Này
Hiền giả, ở đây, vị Tỷ-kheo diệt trừ ba kiết sử, được nhập vào
dòng Thánh, không còn bị đọa lạc, nhất định sẽ được giác ngộ. Đó
là kết quả thứ nhất. Lại nữa này Hiền giả, vị Tỷ-kheo diệt trừ
ba kiết sử, làm muội lược tham, sân, si, chứng bậc Nhật lai, chỉ còn
trở lại đời này một lần nữa trước khi diệt tận khổ đau. Đó là kết
quả thứ hai, lợi ích thứ hai. Lại nữa, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo diệt
trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh ở tại chỗ ấy mà nhập Niết-bàn,
không còn phải trở lại đời này nữa. Như vậy là kết quả thứ ba, lợi
ích thứ ba. Lại nữa, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo diệt trừ các lậu hoặc,
tự mình chứng tri, chứng ngộ và an trú ngay trong hiện tại vô lậu Tâm
giải thoát, Tuệ giải thoát. Như vậy là kết quả thứ tư. Này Hiền giả,
vị nào sống đam mê bốn loại hỷ lạc này, có thể mong đợi bốn kết
quả, bốn lợi ích như vậy".
26. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Các Sa-môn Thích tử sống
không giữ vững lập trường". Này Cunda, các vị du sĩ ngoại đạo nói
vậy cần phải được trả lời như sau: "Này Hiền giả, Thế Tôn, vị
đã biết, đã thấy, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã thuyết, đã
trình bày những pháp cho các đệ tử cho đến trọn đời. Này Hiền giả,
giống như cột trụ bằng đá hay bằng sắt, chân cột được khéo chôn
sâu vào đất, không lắc qua lại, không có rung động. Cũng vậy này Hiền
giả, Thế Tôn, vị đã biết, đã thấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
đã thuyết, đã trình bày những pháp cho các đệ tử cho đến trọn đời.
Này Hiền giả, giống như cột trụ bằng đá hay bằng sắt, chân cột được
khéo chôn sâu vào đất, không lắc qua lại, không có rung động. Cũng vậy
này Hiền giả, Thế Tôn, vị đã biết, đã thấy là bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác đã thuyết, đã tri nh bày những pháp cho các đệ tử cho đến
trọn đời. Này Hiền giả, vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã diệt trừ
các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, các việc phải làm đã làm, đã đặt
gánh nặng xuống, mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã diệt trừ, chánh
trí giải thoát, không thể làm chín việc sau đây: Này Hiền giả, vị Tỷ-kheo
đã diệt trừ các lậu hoặc, không thể cố ý tước đoạt sanh mạng của
loài hữu tình; vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc không thể lấy của
không cho, tức là ăn trộm; vị Tỷ kheo đã diệt trừ các lậu hoặc
không thể hành dâm; vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc, không thể
biết mà nói láo; vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc không thể cất
chứa tiền của để hưởng thọ dục lạc, như khi còn tại gia; vị Tỷ-kheo
đã diệt tận các lậu hoặc không thể đi con đường hành tham; vị Tỷ-kheo
đã diệt tận các lậu hoặc không thể di con đường hành sân; vị Tỷ-kheo
đã diệt tận các lậu hoặc, không thể đi con đường hành si; vị Tỷ-kheo
đã diệt tận các lậu hoặc, không thể đi con đường hành theo sợ hãi.
Này Hiền giả, một vị Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, đã
diệt tận các lậu hoặc, (phạm hanh) đã thành, các việc phải làm đã
làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã diệt
trừ, chánh trí giải thoát, không thể làm chín việc như vậy".
27. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói như sau: "Đối với quá khứ,
Sa-môn Gotama có tri kiến siêu việt. Nhưng đối với tương lai, Sa-môn
Gotama không có tri kiến siêu việt; như sự việc xảy ra như thế nào và
vì sao lại xảy ra như vậy?" Như vậy, các vị du sĩ ngoại đạo này
chủ trương rằng tri kiến về vấn đề này có thể được trình bày nêu
rõ bởi tri kiến một vấn đề khác, như những kẻ ngu si không thông minh
khác. Này Cunda, về vấn đề quá khứ, Như Lai có thức nhớ đến đời sống
quá khứ. Ngài muốn như thế nào, Ngài có thể nhớ xa được như vậy. Về
vấn đề vị lai, Như Lai có trí do tuệ sanh: "Đây là đời sống cuối
cùng, nay không còn đời sống nào khác nữa".
28. Này Cunda, nếu những gì thuộc
quá khứ là hư vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời.
Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chơn chánh, như thật, nhưng không
lợi ích, Như Lai cũng không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc quá
khứ là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu
hỏi ấy. Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là hy vọng, không thật,
không lợi ích, Như Lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc vị
lai là chơn chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời.
Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là chơn chánh, như thật, có lợi
ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy một cách vắn tắt. Này
Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là hư vọng, không thật, không lợi
ích, Như Lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại và
chơn chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai
cũng không trả lời. Này Cunda, nếu
những gì thuộc hiện tại là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai
biết thời trả lời câu hỏi ấy. Như vậy, này Cunda, đối với các pháp
quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời nói chơn chánh,
nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới
gọi là Như Lai.
29. Này Cunda, trong thế giới này với
chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư
Thiên và loài Người, những gì được thấy, được nghe, được cảnh giác,
được phân biệt, đưựoc đạt đến, được tìm cầu, được suy đạt với
ý, tất cả đều được Như Lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như Lai. Này
Cunda, trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng
Giác và đêm Như Lai nhập Vô dư y Niết-bàn giới, trong thời gian ấy, những
gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả
là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai. Này Cunda, Như
Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Nói gì thời làm vậy,
làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai. Đối với thế giới với
chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư
Thiên và loài Người, Như Lai là bậc Toàn Thắng, không ai có thể thắng nổi,
bậc Toàn kiến, bậc Tự Tại.
30. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Thế nào Hiền giả, Như
Lai có tồn tại sau khi chết không. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra
là sai lầm?" Này Cunda, được nói vậy, Ngươi phải trả lời các du sĩ
ngoại đạo như sau: "Như Lai không có nói: "Như Lai có tồn tại
sau khi chết. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm!" Này
Cunda, sự kiện này có thể xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói:
"Thế nào Hiền giả, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, có phải
không? Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm?" Này Cunda, được
nói vậy, Ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại đọa như sau: "Như Lai
không có nói: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Như vậy là đúng
sự thực, ngoài ra là sai lầm!" Này Cunda, sự kiện này có thể xảy
ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Thế nào Hiền giả, Như Lai có
tồn tại và không tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết... Như lai không tồn tại và không không
tồn tại sau khi chết? Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm?"
Này Cunda được nói vậy, Ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại đạo như
sau: "Như Lai không có nói: "Như Lai không có tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm!".
31. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Này Hiền giả, vì
sao Sa môn Gotama lại không
nói?" Này Cunda, được nói vậy, Ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại
đạo như sau: "Này Hiền giả, vì không liên hệ đến lợi ích, không
liên hệ đến Pháp, không liên hệ đến căn bản phạm hạnh, không hướng
đến yểm ly, vô tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết
bàn. Do vậy Thế Tôn không trả lời."
32. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Này Hiền giả, Sa môn
Gotama nói điều gì?" Này Cunda, được nói vậy, Ngươi phải trả lời
các du sĩ ngoại đạo như sau: "Đây là Khổ, này Hiền giả, đó là
điều Thế Tôn nói. Đây là Khổ tập, này Hiền giả, đó là điều Thế
Tôn nói. Đây là Khổ diệt, này Hiền giả, đó là điều Thế Tôn nói.
Đay là con đường đưa đến Khổ diệt, này Hiền giả, đó là điều Thế
Tôn nói."
33. Này Cunda, sự kiện này có thể
xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Này Hiền giả, vì sao Thế
Tôn lại nói vậy?" Này Cunda, được nói như vậy, Ngưươi phải trả
lời cho các du sĩ ngoại đạo như sau: "Này Hiền giả, vì liên hệ đến
lợi ích, liên hệ đến Pháp, liên hệ đến căn bản phạm hạnh, vì nhất
định hướng đến yểm ly, vô tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác
ngộ và Niết bàn. Do vậy, Thế Tôn mới nói."
34. này Cunda, mọi biện luận về
các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ, những biện luận nào đáng
nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi. Còn những biện luận nào
không đáng nói cho các Ngươi, sao Ta lại sẽ nói cho các Ngươi? Này Cunda,
mọi biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận
nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi. Còn những biện nào
không đáng nói cho các Ngươi, sao Ta lại sẽ nói cho các Ngươi?
Này Cunda, thế nào là những biện
luận về tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ, những biện luận nào
đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi, và những biện luận
không đáng nói cho các Ngươi? Này Cunda, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có
những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: "Bản ngã và thế
giới là thường còn, như vây là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm".
Có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến
như sau:
"Bản ngã và thế giới là
không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là thường
còn và không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là
không thường còn và không không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là do
mình tự tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do
người khác tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do
mình tạo ra và do người khác tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là
không do mình tự tạo ra và cũng không phải không do mình tự tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là tự nhiên sanh, không do mình tạ tạo ra,
không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra sai lầm.
"Lạc, khổ là thường còn...
"Lạc, khổ là vô thường...
"Lạc, khổ là thường còn và
vô thường...
"Lạc, khổ là do tự mình tạo
ra...
"Lạc, khổ là do người khác tạo
ra...
"Lạc, khổ là do tự nhiên
sanh, không do mình tự tạo ra, không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng
sự thực, ngoài ra đều là sai lầm".
35. Này Cunda, những vị Sa-môn,
Bà-la-môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: "Bản ngả và
thế giới là thường còn, như vậy là đúng sự thật, ngoài ra đều là
sai lầm". Ta đến những vị ấy và nói: "Này Hiền giả có phải
Hiền giả nói rằng: "Bản ngã và thế giới là thường còn"
không?" Nếu các vị ấy trả lời: "Như vậy là đúng sự thật,
ngoài ra đều là sai lầm", thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy?
Có một số hữu tình có những tư tưởng sai khác. Ta cũng không xem quan
điểm ấy ngang bằng quan điểm của Ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy
ở đây Ta cao hơn về thượng trí.
36. Này Cunda, những Sa-môn,
Bà-la-môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: "Bản ngã và
thế giới là thường còn...
"Bản ngã và thế giới là vô
thường...
"Bản ngã và thế giới là thường
còn và vô thường...
"Bản ngã và thế giới là
không thường còn và không không thường còn... "Bản ngã và thế giới
là do mình tự tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do
người khác tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do tự
mình tạo ra và do người khác tạo ra..." "Bản ngã và thế giới
là do tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra. "Bản ngã và thế
giới do tự nhiên sanh, không do mình tự tạo, không do người khác tạo
ra...
"Lạc, khổ là thường còn...
"Lạc, khổ là vô thường...
"Lạc, khổ là thường còn và
vô thường...
"Lạc, khổ không thường còn
và không vô thường...
"Lạc, khổ là tự mình tạo
ra...
"Lạc, khổ là tự người khác
tạo ra...
"Lạc, khổ là tự mình tạo ra
và tự người khác tạo ra...
"Lạc, khổ là tự nhiên sanh,
không tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự
thực, ngoài ra đều là sai lầm".
Ta đến những vị ấy và nói: Này
Hiền giả, có phải Hiền giả nói rằng: "Lạc, khổ là tự nhiên
sanh, không tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra?" Nếu các vị
ấy trả lời: "Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra đều là sai lầm",
thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Có một số hữu tình có
những ý tưởng sai khác. Này Cunda Ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng
quan điểm của Ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây Ta cao hơn về
thượng trí. Này Cunda, những biện luận về các tà kiến liên hệ đến
quá khứ tối sơ này, biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói
cho các Ngươi. Còn những biện luận nào không đáng nói cho các Ngươi, sao
Ta lại sẽ nói cho các Ngươi?
37. Này Cunda, thế nào là những biện
luận về tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng
nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi; và những biện luận không đáng
nói cho các Ngươi?
Này Cunda, có một số Sa-môn,
Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: "Bản
ngã là có sắc, không bệnh, sau khi chết. Như vậy là đúng sự thật,
ngoài ra là sai lầm".
Lại nữa này Cunda, có một số
Sa-môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau:
"Bản ngã là vô sắc...
"Bản ngã là không phải sắc,
không phải vô sắc...
"Bản ngã là có tưởng...
"Bản ngã là vô tưởng...
"Bản ngã là không có tưởng,
không vô tưởng...
"Bản ngã là đoạn diệt, biến
hoại, sau khi chết không có tồn tại, như vậy là đúng sự thật ngoài ra
là sai lầm".
38. Này Cunda, những vị Sa-môn,
Bà-la-môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: "Bản ngã là
có sắc, không bệnh sau khi chết. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là
sai lầm", Ta đến những vị ấy và nói: "Này Hiền giả có phải
Hiền giả có nói: "Bản ngã là có sắc, không có bệnh sau khi chết?"
Nếu các vị ấy trả lời: "Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là
sai lầm", thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Này Cunda, vì
có mọt số hữu tình có những tư tưởng sai khác. Này Cunda, Ta cũng không
xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của Ta, chớ đừng nói cao hơn.
Như vậy ở đây, Ta cao hơn về thượng trí.
39. Này Cunda, có những Sa-môn,
Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau:
"Bản ngã là vô sắc...
"Bản ngã là có sắc và vô sắc...
"Bản ngã là không có sắc và
không không có sắc...
"Bản ngã là có tưởng...
"Bản ngã là không tưởng...
"Bản ngã là không có tưởng và
không không có tưởng...
"Bản ngã là đoạn diệt, biến
hoại, sau khi chết không có tồn tại. Như vậy là đúng sự thật, ngoài
ra là sai lầm".
Ta đến những vị ấy và nói:
"Này Hiền giả, có phải Hiền giả nói rằng: "Bản ngã là đoạn
diệt biến hoại, sau khi chết không có tồn tại?" Này Cunda nếu những
vị ấy nói: "Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm",
thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Vì có một số hữu tình
có những tư tưởng sai khác. Này Cunda, Ta cũng không xem quan điểm ấy
ngang bằng quan điểm của Ta chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây, Ta
cao hơn về thượng trí. Này Cunda, những biện luận về những tà kiến
liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta
đã nói cho các Ngươi. Còn những biện luận nào không đáng nói cho các Ngươi,
sao Ta lại sẽ nói cho các Ngươi?
40. Này Cunda, với mục đích đoạn
trừ và vượt qua những biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ
tối sơ này và các biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai này,
mà bốn pháp Niệm xứ được ta truyền thuyết, trình bày. Thế nào là bốn?
Này Cunda, ở đây vị Tỷ kheo sống quan thân trên thân, tinh thần, tỉnh
giác, chánh niệm, với mục đích nhiếp phục tham, sân ở đời, sống quán
thọ trên các cảm thọ... trong các tâm... quán pháp trên các pháp, tinh cần,
tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích nhiệp phục tham, sân ở đời. Này
Cunda, với mục đích đoạn trừ và vượt qua các biện luận về các tà
kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ này và các biện luận về các tà kiến
liên hệ đến tương lai này mà bốn Niệm xứ được Ta truuyền thuyết trình
bày.
41. Lúc bấy giờ, Tôn giả Upavàna
đang đứng sau lưng hầu quạt Thế Tôn. Tôn giả Upavàna bạch Thế Tôn:
- Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn!
Thật kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế TÔn, pháp thoại này thật
là thanh tịnh! Bạch Thế Tôn, pháp thoại này thật là tuyệt đối thanh tịnh!
Bạch Thế Tôn, pháp thoại này tên là gì?
- Này Upavàna, páp thoại này là
Thanh tịnh (Pàsàdikà), hãy như vậy mà phụng trì.
Thế Tôn thuyết dạy như vậy. Tôn
giả Upavàna hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
--- o0o ---
| Mục lục - Kinh Trường Bộ |
|
1| 2 | 3 |
4 | 5 |
6 & 7 | 8 | 9
| 10 | 11 | 12
| 13 | 14
| 15
| 16 |
17 | 18 |
| 19 | 20 | 21
| 22 | 23 | 24
| 25 | 26 | 27
| 28 | 29
| 30 | 31 | 32
| 33 | 34 |
--- o0o ---
| Thư Mục Tác Giả |
Tổ chức đánh máy:
Hứa Dân Cường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử bộ
Kinh này.
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục