Bấy giờ trong thành Vương-xá có dâm nữ tên Thượng Kim Quang Thủ đoan trang đẹp đẽ, ai thấy cũng đều thích, Hình dáng thong thả, điệu bộ sáng rỡ như hoa. Nhờ quả báo đã tu đức thuở trước nên thân cô ta tự nhiên có màu vàng rực. Nơi nào cô ta đi dạo, ở, nằm, ngủ, đứng, ngồi, kinh hành thì đất nơi ấy cũng đều biến thành màu giống như thân cô ta, lụa vải mặc trên thân thì tự nhiên chuyển thành màu vàng ròng được vô số người kính trọng. Ai nhìn cô cũng ngây ngất không biết chán. Cô ta nói năng không cọc cằn thô tháo mà rất nhã nhặn dịu dàng, dung mạo sáng rỡ không tiều tụy. Trong đại thành Vương-xá ấy dù quốc vương, thái tử, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, thanh niên... đều yêu thương cô. Họ quyết chí muốn được nhìn thấy cô ta, dù đi đến đâu nơi công viên, bờ sông, ngõ hẽm, giữa rừng họ cũng đi theo. Vô số nam nữ lớn nhỏ đều đi theo sau cô ta để ngắm nhìn.
Một ngày nọ, Thượng Kim Quang Thủ cùng với Úy Gian con ông trưởng giả mua quà đẹp để tặng nhau, làm những thức ăn ngon mang đến vườn Du-quán, có xe tứ mã, cờ lộng, trân bảo, châu minh nguyệt vàng ròng để trang hoàng, trải tọa cụ tốt đẹp, chở đủ loại hương của hoa Tư-di, theo các kỹ nhạc đến vườn Du-quán để cùng nhau vui chơi. Dẫn đầu đi trước là trống nhạc âm thanh xướng hát, còn đồ cúng dường thì chở theo phía sau. Người đi theo nhìn nhiều không thể kể.
Khi ra khỏi tịnh thất, Văn Thù Sư Lợi sanh lòng đại bi thương xót quần sanh, xem người nào có thể chuyển hóa hướng về Ðại-thừa mà dùng ba phẩm pháp để làm sáng rỡ đạo, huệ, đó là thần túc biến hóa, thuyết pháp biến hóa, giáo thọ biến hóa rồi hướng dẫn họ vào giới luật.
Thấy Thượng Kim Quang Thủ kết bạn với Úy Gian con trưởng giả và cùng ngồi chung một xe đến vườn Du-quán và biết căn nguyện bổn hạnh của cô gái có nhiều phước đức, Văn Thù Sư Lợi nghĩ: “Ta nên hóa độ và giảng pháp chắc chắn cô ta sẽ hiểu rõ thông suốt”. Lập tức Văn Thù Sư Lợi biến thân hóa làm một thiếu niên cực kỳ đẹp đẽ đi trước. Ai thấy cũng vui thích hân hoan, kính chuộng. Dáng vẻ oai vệ rực rỡ choáng cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng, dáng kiểu y phục hơn thế gian. Y phục của thiếu niên sáng chiếu cả 40 dặm, từ nơi thân biểu hiện ra các vẻ đẹp theo ý muốn. Sửa soạn y phục xong, Văn Thù theo dõi con đường dâm nữ đi rồi đứng đợi phía trước con đường ấy. Vừa mới đứng ở trước thì xa mã của con trưởng giả và Thượng Kim Quang Thủ lập tức bị ánh sáng y phục của Văn Thù che lấp không hiện nữa. Ánh sáng của họ tắt mất hẳn giống như khối mực đen ở bên viên minh châu. Thượng Kim Quang Thủ thấy Văn Thù Sư Lợi với dung mạo tuấn tú, ánh sáng trên thân rực rỡ giống như vị trời khó sánh nổi, sắc mặt tươi tắn, y phục khác lạ. Vừa thấy vậy, cô nhìn lại mình không lấy làm lạ. Vì tham y phục của Văn Thù, cô suy nghĩ: “Nên xuống khỏi xe của con trưởng giả này, đến cùng chung vui với người kia. Và lại muốn thân mình có ánh sáng và kiểu y phục ấy”. Cô vừa nghĩ xong, Văn Thù Sư Lợi thâu nhiếp oai thần bảo Tức Ý Thiên Vương hóa thành nam tử nói với cô gái:
- Thôi ! Thôi ! Ðừng có tâm phóng đãng ấy nữa. Vì sao ? Vì người kia không để tâm vào sắc dục.
Cô ta hỏi:
- Vì sao ?
Tức Ý Thiên Vương trả lời:
- Vì vị ấy là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.
Cô gái lại hỏi:
- Vì sao đặt tên là Bồ tát ? Ðó có phải là thiên tử, rồng, quỉ thần, Càn-đạp-hòa, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, Thích-phạm hay Tứ-thiên-vương không ?
Tức Ý trả lời:
- Người mà cô muốn biết đó chẳng phải trời, rồng, thần, cũng chẳng phải Thích phạm. Vị đó gọi là Bồ tát, vì vị ấy làm thỏa mãn tất cả lời nguyện cầu cho mọi người. Thấy chúng sanh mong cầu điều gì, đều không làm trái ý họ, nên gọi là Bồ tát.
Cô gái suy nghĩ: “Theo những gì ta được nghe, chắc chắn vị ấy sẽ cho ta y phục tốt đẹp”. Nghĩ thế rồi cô liền xuống xe đến chỗ Văn Thù Sư Lợi thưa:
- Thưa nhơn giả ! Hãy cho tôi y phục này.
Văn Thù Sư Lợi trả lời:
- Thưa đại tỷ ! Nếu đại tỷ phát tâm Ðạo Vô Thượng Chánh Chơn thì tôi mới lấy y phục cho cô.
Cô gái nói:
- Xin vâng ! Sao gọi là Ðạo ?
Văn Thù trả lời:
- Muốn biết thì chính cô là Ðạo.
Cô hỏi:
- Thế nào thưa Văn Thù Sư Lợi ! Nếu Ngài không giảng rộng và phân biệt nghĩa lý thì tôi không sao hiểu được. Vì sao nói rằng thân của tôi là Ðạo ?
Bấy giờ, Thượng Kim Quang Thủ nói kệ:
Văn Thù Sư Lợi nói kệ:
Nếu cô có thể Phát tâm đạo Phật
Thì ta sẽ lấy Y phục cho cô
Nếu tâm kiên cố Trụ vào ý đạo
Trên trời thế gian Sẽ đều lễ lạy.
Thượng Kim Quang Thủ nói kệ:
Như nói về đạo Lời lẽ thế nào
Ai là người nói Ai được đắc đạo
Chí hướng đến nghiệp Phải tập thế nào
Ðể thành Phật đạo Dạy người chưa ngộ.
Văn Thù Sư Lợi trả lời:
- Ðại tỷ ! Nếu muốn biết thì có Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác hiệu Thích Ca Văn hiện đang thuyết pháp, diễn bày sự bình đẳng của thân, đều phụng hành theo đạo. Ðại tỷ nghĩ thế nào ? Chẳng lẽ chính ta sanh các ấm chủng và các nhập sao ?
Nhờ hạnh lành đức sẵn có đã chứa nhóm kiếp trước, nên vừa nghe Văn Thù Sư Lợi nói vậy cô ta đạt được ánh sáng của pháp, và thưa Văn Thù:
- Ðúng vậy ! Ðúng vậy ! Ðúng như Ngài đã nói, nhờ thân của tôi mà đạt đến các nhập và ấm chủng.
Văn Thù hỏi:
- Ý của đại tỷ thế nào ? Sắc có đối tượng để niệm, có đối tượng để biết không ?
Cô gái trả lời:
- Không.
Văn Thù Sư Lợi nói:
- Ðại tỷ nên biết ! Ðạo không có đối tượng để niệm, không có đối tượng để phân biệt. Vì sao ? Vì Sắc bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Do đó mà tôi nói đại tỷ là đạo.
Ý đại tỷ thế nào ? Thọ, tưởng, hành, thức có đối tượng để niệm, có đối tượng để phân biệt không ?
Cô gái trả lời:
- Không.
Văn Thù Sư Lợi nói:
- Ðạo không niệm cũng không phân biệt. Thọ, tưởng, hành, thức bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Cho nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Ý đại tỷ thế nào ? Há có thể thấy sắc ở trong, ngoài, chặng giữa, xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, tía, hồng, ở chỗ kia và phương kia không ?
Cô gái trả lời:
- Không.
Văn Thù Sư Lợi nói:
- Ðạo cũng không thấy, không ở trong không ở ngoài, không ở chặng giữa, không ở trong tướng hồng tía, không ở chỗ kia, phương kia. Vì sắc đã bình đẳng nên Ðạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Ý đại tỷ thế nào ? Thọ, tưởng, hành, thức có thể thấy ở trong, ngoài, chặng giữa, trong tướng năm màu, phương kia không ?
Cô gái trả lời:
- Không.
Văn Thù Sư Lợi nói:
- Ðạo cũng như vậy không ở trong, ở ngoài, chặng giữa và trong năm màu, không kia, không đây cũng không có phương hướng. Vì thọ, tưởng, hành, thức bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo. Năm ấm như huyễn, hư ngụy, điên đảo, do nhân duyên sanh. Nên đạo cũng như huyễn, là âm thanh giả mượn mà thôi. Huyễn là bình đẳng năm ấm bình đẳng. Huyễn đã bình đẳng thì đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo. Năm ấm như mộng, không có đầu cuối, đạo cũng như mộng vốn không có xứ sở. Vì mộng bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Năm ấm giống như sóng nắng do hư dối mà phát sanh nghiệp mê hoặc. Ðạo như sóng nắng nên nó là như vậy, không có người tạo tác cũng không có báo ứng. Cho nên năm ấm sóng nắng bình đẳng. Sóng nắng đã bình đẳng thì đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Năm ấm như bóng trong gương. Gương không có sở hữu. Ðạo cũng như ảnh trong gương không có sở hữu. Do đó mà bóng năm ấm trong gương bình đẳng. Bóng trong gương bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói đại tỷ là đạo.
Văn Thù Sư Lợi nói:
- Hãy lắng nghe ! Năm ấm không tạo tác, đạo cũng không tạo tác. Ấm không tự nhiên, đạo cũng không tự nhiên. Ấm không sở hữu, đạo không có chỗ sanh. Năm ấm vô thường, hiểu đạo là vô thường. Năm ấm không an, hiểu đạo là khổ. Năm ấm trống không, không thật, hiểu đạo là trống không. Năm ấm vô ngã, nếu hiểu rõ nghĩa vô ngã thì đó là đạo. Các ấm tịch nhiên đạm bạc thì đó là đạo. Các ấm không có người thọ, không có sự thọ đó là đạo. Các ấm không trụ, cũng không có đối tượng để chấp lấy. Không trụ không chấp ấy là đạo. Các ấm không đến cũng không đi, không đến không đi là đạo. Vì có năm ấm nên chấp vào thánh pháp dựa vào âm thanh giả mà nói là Hiền thánh. Nhưng đối với đạo pháp thì nói ngược lại. Họ đã nói năng nhưng không có gì để nói năng. Năm ấm đều không vì vốn là thanh tịnh. Như Lai hiểu rõ vốn thanh tịnh như vậy mà đắc thành Chánh-giác. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Vì vậy năm ấm vốn thanh tịnh, đạo cũng vốn thanh tịnh. Vì đạo thanh tịnh nên các pháp thanh tịnh.
Ðại tỷ ! Nay các ấm vốn thanh tịnh. Chư Phật Thế Tôn cũng vốn thanh tịnh. Tất cả vốn thanh tịnh là như vậy. Cũng vậy năm ấm của chúng sanh vốn thanh tịnh. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Ðã hiểu rõ năm ấm thì hiểu rõ đạo là đạo của chư Phật. Lại nữa, chư Phật không lìa năm ấm mới thành Phật đạo. Ðạo không lìa năm ấm, nhưng biết rõ năm ấm nên mới có hiệu là Phật.
Cho nên này đại tỷ ! Nên quán như vầy: Tất cả chúng sanh đều ở trong Ðạo. Ðạo cũng ở trong tất cả chúng sanh. Ðạo không duyên vào lời nói. Cho nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo. Năm ấm do ngã mà sanh bốn chủng. Thế nào là bốn ? Ðó là Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong.
Ðịa chủng là không ngã, không người, không thọ, không mạng. Vì Ðịa chủng bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Vì vốn nó không có đối tượng để thọ nên gọi là bình đẳng. Thủy chủng bình đẳng, đạo cũng cứu cánh, đầu cuối là như vậy. Hỏa chủng bình đẳng vì đạo là cứu cánh đầu cuối không có tỳ vết. Phong chủng bình đẳng vì đầu cuối của đạo không chỗ thấy.
Ðại tỷ nên biết ! Nhờ địa chủng này mà Như Lai thành đạo. Thủy, Hỏa, Phong chủng là Chủng của Như Lai. Cũng vậy, Như Lai nhờ đây mà thành đạo. Nếu hiểu rõ địa chủng và nhờ thủy hỏa phong mà được thành Phật. Nên nói rằng đại tỷ là đạo.
Các chủng địa thủy hỏa phong không có tưởng. Vì không có tư tưởng về bốn đại này, cho nên gọi là đạo. Vì thế tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Bốn đại chủng nương nơi ngã mà có nhãn, nhĩ, tỷ, khẩu, ý. Nhãn ấy là không, nên hiểu Nhãn như vậy. Ai phân biệt được cái không đó thì là đạo. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, khẩu, ý cũng thế. Ý là không, nếu hiểu rõ cái không như vậy thì đó là đạo. Vì Nhãn trống không nên không biết tìm cầu sắc. Vì sắc là tự nhiên không nên đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng thế. Vì ý trống không nên không biết tìm cầu. Các pháp không chấp trước, pháp tự nhiên không, đó là đạo. Nhãn không tiếp nhận sắc, thì đạo cũng vậy. Vì nhãn không có sắc; lục tình cũng thế tất cả không được tiếp nhận. Lại cho rằng đạo không có tâm pháp.
Như vậy này đại tỷ ! Nhãn thức giới đối với sắc giới không có chỗ trụ, với nhãn thức giới và sắc giới thì đạo không có chỗ trụ. Nhĩ thức giới, tỷ thức giới, khẩu thức giới, thân thức giới, ý thức giới không trụ vào pháp giới, đạo cũng không trụ. Ðối với tâm pháp thức giới thì đạo không tiếp nhận. Do đó đạo và nhãn thức giới là một. Cũng vậy nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý thức giới... thì đạo và ý thức là một. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Lại nữa này đại tỷ ! Nếu phân biệt tường tận về nhãn, đó là đạo. Nhãn vốn trống không, thanh tịnh. Nếu hiểu rõ tự nhiên không thì đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng vậy, vốn tự nhiên không. Nếu phân biệt giác ngộ rõ ràng nó vốn thanh tịnh, tự nhiên không, đó là đạo. Vì nhãn tự nhiên không nên không bị nhiễm không kết hận, không xâm hại, khinh khi, trừ bỏ dâm nộ si, đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng thế. Ý là tự nhiên, tự nhiên ấy không nhiễm cũng không kết hận, không bị xâm hại, khinh khi, trừ dâm nộ si, đó là đạo. Nhãn không có chủ tể, không có ngã cũng không tiếp nhận. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng vậy không có chủ tể, không có ngã và không tiếp nhận. Ðạo cũng không có chủ tể, không có ngã và không tiếp nhận.
Lại cho rằng Nhãn không phải pháp nam, không phải pháp nữ. Nếu đã hiểu rõ về đạo không có pháp nam-nữ, không nam không nữ, đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng không có pháp nam, không có pháp nữ. Ðạo cũng vậy không có pháp nam nữ. Như Lai đã giác ngộ rõ về Nhãn sắc không có nguồn gốc. Nếu hiểu rõ không nguồn gốc thì đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng vậy. Như Lai đã giác ngộ rõ về ý không có nguồn gốc. Nếu giác ngộ rõ như thế thì đó là đạo. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.
Lại nữa, này đại tỷ ! Chính thân mình không có ngã, không ngã, không nhơn, không thọ, không mạng, không hình, không ý, không tạo tác, không thọ nhận, không thấy, không nghe, không nắm bắt, không buông xả, không đắc, không biết, thì đạo cũng không ngã, không nhơn, không thọ, không mạng, không nam, không nữ, không thân, không tạo tác và cũng không chỗ thấy. Lại không có ý thức về sắc thanh hương vị xúc. Dừng chỉ tất cả pháp đó gọi là đạo.
Nay đại tỷ mờ mịt không trí, thân tà ở hiện tại. Giống như cây cỏ tường vách gạch ngói. Với địa chủng bên trong và địa chủng bên ngoài, Như Lai dùng trí huệ thông đạt rốt ráo. Nếu hiểu địa chủng ấy thì đạt thành Chánh-giác. Cho nên tôi nói đại tỷ là đạo.
Này đại tỷ ! Các tưởng niệm của tâm ý thức ấy do tâm sai sử ý mà có pháp này. Nhưng pháp này không đến không đi. Thân không chỗ đến, giáo pháp không có chỗ đạt, không có nước dãi, không có gân mạch, không xương cốt lông tóc, không ở não, không ở tủy, không ở trong, không ở ngoài. Vì nhãn không (chỗ) trụ nên nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng không trụ, không có chỗ trụ, chẳng phải không trụ; không kiến lập cũng không lìa sự kiến lập; không có xứ sở, không có đất đai, không có phương hướng, không sắc không thấy, không trao không nhận, không sai sử, không dạy bảo, không bỏ ra, không nắm vào, thanh tịnh, lắng trong đó là hiển bày. Tâm thức ấy cũng không tham trước, không thanh tịnh, không dính bụi trần, bổn tế thanh tịnh. Vì thế không tham trước không thanh tịnh. Còn như hiển bày thì liền có thân, vì thế cũng không tham trước, không thanh tịnh.
Này đại tỷ ! Các nhập và ấm chủng tự nhiên là đạo. Ðạo cũng tự nhiên hiểu rõ phân biệt các nhập và ấm chủng. Nếu chính mình có thể diệt trừ các nhập và ấm chủng thì đó là đạo. Vì sao ? Vì Ðạo không lo buồn, không bị nguy hại. Nếu hiểu rõ như vậy thì gọi là Ðạo. Giác ngộ rõ ràng tất cả các pháp bình đẳng thì đó gọi là đạo.
Khi Văn Thù Sư Lợi nói pháp này ở vườn Du-quán thì ở giữa hư không có 500 thiên tử đều phát tâm Vô Thượng Chánh Giác. Ði theo Thượng Kim Quang Thủ có nam nữ lớn nhỏ. Trong đó có 200 người phát tâm đại đạo. 60 vị trời và người xa lìa trần cấu chứng Pháp nhãn tịnh.
Bấy giờ, Thượng Kim Quang Thủ rất vui mừng, đặt năm vóc lạy sát đất cúi đầu dưới chân Văn Thù Sư Lợi qui y Phật-Pháp-Tăng, tịnh tu phạm hạnh, giữ gìn năm giới, tâm ngay thẳng phát tâm đạo Vô-thượng-chánh-chơn và nói rằng:
- Con xin vâng làm theo những gì Ngài dạy. Xin Văn Thù Sư Lợi thương xót tất cả chúng sanh, không làm đứt đoạn giáo pháp của Phật. Nếu ai phát tâm đạo lớn thì cũng nên biết như vầy. Ðạo được kiến lập ra là để thi hành pháp thí, giáo hóa dân chúng. Lại giảng pháp để rửa sạch nghiệp tội cấu ác, khiến họ được thanh tịnh, thì tất cả pháp mới được tịch nhiên đạm bạc. Mặc dầu theo sự suy nghĩ nhưng vốn nó không khác. Tự tham đắm lấy thân mà làm những việc điên đảo, không hiểu rõ sự bình đẳng để rồi tập theo sắc dục. Dục từ thân phát sanh. Vì dục mà chúng sanh có trần lao.
Thưa Văn Thù Sư Lợi ! Tất cả các pháp và phi pháp vốn thanh tịnh, vì mê hoặc giả hợp, do nhân duyên hội họp mà có tham dục. Tôi có thể thâu nhiếp tất cả pháp kiến lập vào đạo Vô-thượng-chánh-chơn. Vì sao ? Vì tất cả trần lao do tư tưởng hư ngụy mà có. Ai có thể hiểu biết rõ về hư ngụy thì có thể diệt trừ sự hư ngụy. Lại nghe Văn Thù Sư Lợi giảng nói phân biệt vấn đề phát sanh trần dục. Nó ví như mây, sương móc tự nhiên không thật. Dục như điện chớp xẹt đó rồi biến mất. Dục như gió xét đầu đến cuối không dính vào đâu. Dục như hư không dung nạp tất cả cõi. Dục như bọt nước không đứng lâu dài. Dục như quỉ biến hóa với niệm bất chánh. Dục như bệnh sốt bị hoảng hốt nói bậy bạ. Dục không thật, nó duyên vào vọng tưởng mà sanh. Vì dục như sợi dây trói buộc chấp có ngã. Vì dục không có hình thể nên chấp trước thân. Vì dục như khaùch đến, không có chỗ xuất phát. Dục như huyễn, nó chỉ theo ý tưởng nhớ nghĩ của chúng sanh. Dục như tấm gương do nhiều loại phát sanh ra. Dục không có chỗ sanh chỉ do tham muốn sanh ra. Dục không có sự biết, từ đó mà ngã sanh. Dục được phát sanh là nhờ các ấm. Dục giới như bụi lửa do ý cảnh mà có. Dục như các ấm vì nhờ các nhập. Dục như bóng vì là sắc giả danh. Dục không hiểu biết vì trái chánh niệm.
Thưa Văn Thù Sư Lợi ! Xét dục như vậy, nếu hiểu rõ sự nhàm chán ấy thì có thể biết đạo. Vì sao ? Vì đạo không động chuyển trần lao của chúng sanh. Vì dục như bị phá hoại nên phân biệt rõ về đạo. Vì dục là tâm, nên hiểu rõ. Vì dục như đàn cầm nên hiểu rõ. Vì sao ? Vì đạo không hoại dục trần không hoại tức là thuận với đạo. Ai thấy được dục thì đó là đạo. Vì sao ? Vì dục đi vào các cõi, không chỗ nào mà nó không đến. Giả sử Phật thừa không có sở hữu, không có hình tướng thì dục trần lao cũng vậy không có hình tướng. Ðối với các hữu dục không có sở hữu, trụ mà không có chỗ trụ. Vừa phát sanh thì diệt ngay. Tâm như vậy nên trần lao cũng vậy. Vì sao ? Vì tâm không thể quán sát. Nếu nói ra tức là tâm bị kết chặt vào nhiễm si. Nếu tâm ấy không có thể thấy thì dục trần lao cũng không thể thấy. Vì không có chỗ chứa giữ, không có phương hướng.
Bồ tát đại sĩ ! Nếu đã hiểu rõ pháp trần lao thì nên vì người tham dục mà giảng giải pháp để họ không nhàm chán. Nếu giáo hóa cho những kẻ ngu si và mọi tầng lớp người thì nên hướng dẫn khuyến khích, giảng pháp không mệt mỏi uể oải.
Thưa Văn Thù Sư Lợi ! Như thân tôi tham muốn các dục cũng như thế. Nếu tôi sân giận và ngu si thì tất cả việc sân giận và ngu si cũng như vậy. Tôi có trần lao thì chúng sanh cũng có trần lao. Như lửa dữ thiêu trụi cây cỏ, thì lửa trí huệ của Hiền thánh cũng thiêu cháy trụi trần lao.
Ví như ánh sáng mặt trời chiếu sáng chỗ tối tăm nhưng không hợp với tối tăm. Cũng vậy, huệ của bậc Thánh đẩy lùi trần lao nhưng không hợp với trần lao.
Ví như ngọn gió đi qua không bị vướng víu bởi núi non cây cỏ. Cũng vậy, trí hạnh của Bồ tát không vướng mắc vào tất cả dục của trần lao.
Ví như kiếp tận thiêu cháy các hình thể nhưng không thể đốt cháy hư không. Cũng vậy, huệ hạnh của Bồ tát thiêu cháy các ái dục, không hòa hợp với tất cả trần lao.
Ví như nước trong sạch không hòa với ô uế. Cũng vậy Bồ tát không hòa hợp với trần lao.
Ví như hư không giữ gìn trái đất. Cũng vậy, trí huệ không hòa hợp xen tạp với dục.
Ví như gió lớn phá hoại núi Thiết vi. Cũng vậy, Bồ tát dùng gió trí huệ thổi tan các dục.
Ví như có con tượng tên Cứu Diệm Khí dùng sữa và nước hòa nhau thành một. Cũng vậy, Bồ tát dùng trí huệ của bậc Thánh diệt trần lao, giáo hóa họ cho sáng suốt để hợp thành một huệ.
Ví như thiên hạ và người thân quen ở phía Bắc núi Tu di không phóng dật, ngồi dưới gốc cây suy nghĩ. Cũng vậy, Bồ tát dùng sự sáng suốt của trí huệ thấy và phân biệt căn cơ của chúng sanh.
Thưa Văn Thù Sư Lợi ! Tôi nay không sợ dục trần và cũng không bị trở ngại. Vì sao ? Vì tôi hiểu dục trần vốn thanh tịnh. Lại mặc áo giáp đức lớn của Bồ tát dũng mãnh tinh tấn, không bị chướng ngại.
Ví như người khiếp sợ mong có ai cứu giúp. Hạng người này không cho là dõng mãnh. Bồ tát đại sĩ cũng vậy, nếu lìa dục không phải là Bồ tát.
Ví như người bị giặc phá hoại, không cho đó là dõng tướng. Cũng vậy, Bồ tát phá hoại ái dục không phải là Bồ tát.
Ví như người muốn lấy nước trong sạch, thì bỏ viên minh châu vào trong sông dục dơ, nước liền trong ngay, không bị bùn dơ làm ô nhiễm. Cũng vậy, Bồ tát ở trong trần lao ái dục mà không bị ô nhiễm một tỳ vết nào cả.
Sau khi nói vậy, Thượng Kim Quang Thủ xoay lại hỏi Văn Thù Sư Lợi:
- Sao gọi là Bồ tát không có trần lao ?
Văn Thù Sư Lợi trả lời:
- Nếu Bồ tát còn thấy ý sanh hay ý diệt thì không gọi là Bồ tát. Ví như người hữu hạn mà xem bao quát thì không gọi là đạt vô lượng. Cũng vậy, nếu Bồ tát thấy trần lao mà tâm có sanh diệt thì chẳng phải là Bồ tát vô trần. Vô trần dục là không thấy hữu trần, không thấy kết hận, không thấy chẳng thấy, xa lìa tưởng niệm mới gọi là vô trần. Nếu tâm ý thức của hành giả được tự tại thì tất cả không có ý tưởng về Nê hoàn. Vì sao ? Vì không có sự duyên vào tưởng niệm của dục trần thì mới được tự tại. Cũng vậy, đối với những thiện ác, sở hành vô hành, hữu vi vô vi, hữu hình vô hình... tất cả đều biết rất rõ. Sanh tử trần lao là cấu hữu dư. Mắt quán sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc vật, tâm tiếp pháp. Nếu ý chí được định trong tĩnh lặng thì đối với ái dục không cấu uế. Như thế mới gọi là không phóng dật, hiệu là vô nghiệp. Vì không có gì để tu tập nên nói như vậy. Vô trần lao là lìa hữu vi và vô vi, chính là không bị tỳ vết.
Này đại tỷ ! Nếu Bồ tát không có trần lao thì có thể làm thoát khỏi những cấu dục cho người. Như Lai nói như vậy là không có trần lao, cứu vớt dục trần cho người khác, tu tập theo Bồ tát, đó mới là tinh tấn.
Cô gái là hỏi:
- Sao gọi là Bồ tát hiện tại tinh tấn ?
Văn Thù Sư Lợi trả lời:
- Quán không không thối chuyển, nên sanh lòng thương xót những chúng sanh tà kiến. Quán vô tướng không thối chuyển nên thương xót cứu giúp những chúng sanh hữu tướng. Quán vô nguyện không thối chuyển nên thương xót cứu giúp những chúng sanh tham nguyện. Quán vô sở hành không thối chuyển nên thương xót cứu giúp những chúng sanh chấp vào việc làm. Quán vô sở sanh không thối chuyển nên thương xót cứu giúp chúng sanh trong sanh tử. Quán vô sở khởi không thối chuyển nên thương xót cứu giúp chúng sanh khởi diệt. Quán Thanh Văn thừa đạt quả Thanh Văn khiến không thối chuyển. Quán Duyên Giác thừa đạt quả Duyên Giác không thối chuyển. Quán Bồ tát thừa thì thương xót tất cả quần sanh. Ðó là sự tinh tấn mà Bồ tát tu tập hạnh bình đẳng.
Ví như người vào đại hải, phải đi rất xa rất xa mới lấy được châu báu. Cũng vậy, này đại tỷ ! Hãy quán sát cho thật kỹ là quán cho đúng về không, vô tướng, vô nguyện, vô sở hành, không sanh, không khởi, thừa Thanh Văn, thừa Duyên Giác để cho người khó tiến làm cho tiến lên đạt Bất thối chuyển, đó mới lìa nhân duyên.
Lại như có người vào giữa trận chiến khốc liệt khiến khó tiến lên, nhưng lại cố gắng phấn chấn hăng hái xông lên không bị hại, đó mới là khó. Cũng vậy, này đại tỷ ! Quán sát đúng đắn ba môn giải thoát, không mất thiện quyền thì cái khó ấy cũng thế.
Cô gái hỏi:
- Sao gọi Bồ tát là quyền phương tiện ?
Văn Thù Sư Lợi trả lời:
- Quyền phương tiện là biết thời tiết không lo sợ bộ phận sanh tử, kết bạn Nê hoàn, quyền phương tiện là môn sanh tử, môn Nê hoàn, môn không vô, môn sở kiến, môn vô tướng, môn vô nguyện, môn sở tưởng, môn vô sở hành, môn đạo hạnh, bổn đức tinh tấn, môn vô sở xuất, môn đời hiện tại, môn vô sở lập, môn ấm chủng các nhập không chỗ phát sanh, môn không chỗ diệt, môn vô sở hành, môn đạm bạc, môn giáo hóa chỉ dạy chúng sanh, môn pháp giới, môn hộ trì chánh pháp, môn Thanh Văn, môn Duyên Giác, môn nói đạo Phật, môn độ đạo Phật. Nếu ai làm cho Bồ tát thấy môn sợ hãi mà không chấp trước vào các môn, đó gọi là thiện quyền phương tiện. Nói tóm lại, môn tham dục lìa các ái; môn sân giận là lìa kết hận; môn ngu si là lìa si mê không sáng suốt; môn trần lao lìa uế trược; môn các nẽo là không qua lại. Ðó là quyền phương tiện của Bồ tát. Cho đến tất cả hành môn của phàm phu ngu si, môn học, vô học, Duyên Giác, Bồ tát, Như Lai, nếu ai có thể hiểu rõ các môn đó thì gọi là thiện quyền phương tiện.
Bấy giờ đức Thế Tôn tản bộ đi kinh hành bên bờ suối của núi Linh Thứu, lúc đó có thị giả là hiền giả A-nan đi theo. Thế rồi Thế Tôn bèn khen ngợi:
- Lành thay ! Lành thay ! Văn Thù Sư Lợi ! Ðó là Bồ tát tu tập hạnh tinh tấn bình đẳng, ngay hiện tại có thiện quyền phương tiện. Ðúng như những gì thầy ấy đã nói.
Lúc đó tiếng lành thay này được vang khắp ba ngàn thế giới. AÂm thanh ấy chấn động sáu cách. Nghe âm thanh này có vô số trời rồng quỉ thần, Càn-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, nhơn phi nhơn, Thích phạm, Tứ thiên vương đều nhận sắc lệnh đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân Phật và lùi đứng qua một bên, rồi bạch Phật:
- Vừa rồi Ðại Thánh đã khen ngợi ai vậy, làm cho cả tam thiên đều được nghe và đại thiên chấn động sáu cách ?
Thế Tôn dạy:
- Thiên tử muốn biết ư ? Ðó là Ta khen ngợi sự giáo hóa của Văn Thù Sư Lợi đấy.
Thiên tử hỏi:
- Bây giờ Văn Thù Sư Lợi đang giáo hóa ở đâu ?
Phật dạy:
- Ở ngã tư trong cửa Ðông thành Vương-xá, ông ta đang giảng nói Kinh pháp và bàn luận những hướng đi cho Thượng Kim Quang Thủ. Các Thiên tử hãy đến đó để nghe pháp.
Khi ấy, trời rồng, Càn-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, nhơn và phi nhơn, Thích phạm, Tứ thiên vương đều vâng lời và cùng nhau đến chỗ Văn Thù Sư Lợi hiện nửa thân và mưa hoa trời ngập cả đại thành Vương-xá. Ngay lúc này, mặc dầu chư thiên thấy (gặp) người người thấy (gặp) chư thiên nhưng tất cả đều an ổn, không ai tranh giành ồn ào. Hàng ngàn người trong thành Vương-xá nhặt hoa của Chư Thiên rải đem đến chỗ Văn Thù Sư Lợi.
Vua A-xà-thế cùng 4 bộ chúng hậu cung thể nữ, đại thần, bách quan, các vua nhỏ đều đi đến chỗ Văn Thù Sư Lợi. Thấy Thượng Kim Quang Thủ với oai dung rực rỡ, các căn điềm tĩnh, các tôn giả, trưởng giả tử, thái tử, quần thần phá tan các trần lao, lìa điên đảo, trang hoàng thân bằng đức thù diệu và không còn dấy lên những ý tưởng tham dục.
Văn Thù Sư Lợi nói với Thượng Kim Quang Thủ:
- Hôm nay mọi người đến đây hội họp, vì nguyên do nào mà không còn nhiễm trước vậy ? Trước đây bị trần dục sao bây giờ được an lạc tự tại ?
Cô gái thưa Văn Thù Sư Lợi:
- Dục trần lao của tất cả chúng sanh được kiến lập nơi ý chí trí huệ thoát bổn tế, trụ vào vô bổn của pháp giới. Vô bổn là như vậy không có sai khác, không sanh không diệt cũng không có xứ sở. Dục trần ấy là bổn tịnh, phân biệt bình đẳng.
Văn Thù hỏi:
- Sao nói dục trần là bổn tịnh ?
Cô gái trả lời:
- Vô tưởng bất tưởng, vô ứng bất ứng, nên dục trần này là bổn tịnh. Tuy dục trần tùy thuận với hành nhưng không sanh khởi đó là bổn tịnh. Nên biết rằng dục trần là khách qua lại, hiểu rõ không huệ ở chung một nhà với đạo. Huệ vô tướng, huệ vô nguyện, minh của bổn tịnh đều ở chung với nhau, quán sát pháp này đều là vô sở hữu. Ví như con rắn ngậm độc hại người. Nếu có người mang đến thuốc hay thì có thể làm trừ đi chất độc. Ðược thuốc, chất độc rắn không còn nữa. Biết rắn không còn khí độc, trai gái lớn nhỏ cùng đùa giỡn quấn nó trong chân mà không bị hại và cũng không bị nọc độc cắn người. Người như vậy vốn chưa từng nghe pháp luật, nghĩ đến những việc không thích hợp nên bị điên đảo, ở trong trần dục bị thiêu đốt. Tự mình tham dục chìm đắm vào sắc đẹp. Ðã quán rõ sắc như đống bọt thì biết thân pháp giống như huyễn hóa. Biết rõ sự vui thú giống như mộng, hiểu rõ ái dục như bọt nước. Mạng người như sương mai, vạn vật đều vô thường. Hiểu rõ các ấm như não hoạn, biết thân bất tịnh đều qui về không. Quán tất cả pháp đều vô ngã. Suy nghĩ đúng đắn từ gốc đến ngọn đều là hư vọng, không hủy báng người khác, không tự khen mình, cũng không tự trói buộc mình hay trói buộc người khác. Hôm nay được nghe ngài giảng pháp, tôi đã tin ưa và được giải thoát. Cho nên mắt thấy mà không bị đắm nhiễm. Vì sao ? Vì theo những việc cần làm ở trong trần lao mà Ngài đã nói thì trần không có dục cấu, vậy ai bị dục cấu ?
Thượng Kim Quang Thủ thưa Văn Thù Sư Lợi:
- Tất cả chư thiên, nhân dân trong đại hội sẽ không lo sợ, vì họ suy nghĩ đúng như pháp đã giảng. Nay chư thiên hiểu rõ dục trần vốn thanh tịnh, vậy nên thương xót tất cả để họ phát tâm Vô-thượng-chánh-chơn.
Văn Thù Sư Lợi nói:
- Tuy dục trần vốn thanh tịnh nhưng người tin ưa rất ít. Vì sao ? Vì họ không hiểu. Nếu giác ngộ trần là thanh tịnh thì được thành đạo rồi. Ví như không có lửa thì không thể thiêu cháy người. Cũng vậy nên biết rằng: niệm vô tưởng thì không còn chấp ngã, ví như làm lửa bùøng cháy rồi tự thiêu đốt mình. Như vậy nên biết ! Do những ý niệm thuộc vọng tưởng và tham dục trần lao mà tạo ra thân sanh tử. Giống như củi sanh ra lửa, rồi ngọn lửa cháy bùng lên. Như vậy nên biết một khi tà kiến điên đảo phát sanh thì ba cõi trần lao bị thiêu đốt. Cũng như sau khi lửa đã được dập tắt thì không còn ánh sáng của ngọn lửa. Như vậy nên biết điên đảo đã được ngưng lại thì trần lao không còn phát sanh, tức là ở trong ba cõi mà không có dính bụi dơ. Cũng như lửa đã dập tắt trăm ngàn năm con người không nghi ngờ lo sợ khói tro tàn. Như vậy nên biết qua nhiều kiếp tập theo dơ uế của dục trần. Nhưng nếu đã quán rõ ràng nó rồi thì không còn gì cất giữ nữa, ví như lửa đã dập tắt ráo không còn tác dụng nữa. Nếu minh huệ tĩnh lặng thì trần lao không phát sanh. Như lửa trong thân nóng ấm, mặc dầu nó có đầy trong thân nhưng không bị cháy. Như vậy xét thấy tâm ấy vốn thanh tịnh sáng suốt vời vợi. Dù khách trần muốn nổi lên nhưng không bao giờ làm ô nhiễm nguồn tâm.
Khi ấy Văn Thù Sư Lợi hỏi cô gái:
- Phải quán sắc thân như thế nào ?
Cô gái trả lời:
- Như bóng trăng trong nước.
Văn Thù hỏi:
- Quán thân năm ấm như thế nào ?
Cô gái trả lời:
- Như hóa Như Lai mà không hóa.
Văn Thù hỏi:
- Quán các chủng như thế nào ?
Cô gái trả lời:
- Như thủy giới, hỏa giới.
Văn Thù hỏi:
- Nên quán các nhập như thế nào ?
Cô gái trả lời:
- Như những hành động về tội phước mà không có nhơn duyên.
Văn Thù hỏi:
- Làm thế nào để quán các hội này ?
Cô gái trả lời:
- Làm chiếu diệu tâm tánh của người trong hội.
Văn Thù hỏi:
- Quán trở lại thân như thế nào ?
Cô gái trả lời:
- Giống như cha mẹ của mình, xem bình đẳng không có hai.
Lại hỏi:
- Quán thân như thế nào ?
Trả lời:
- Giống như người mù không thấy các màu sắc.
Lại hỏi:
- Từng nghe pháp này như thế nào ?
Trả lời:
- Ðã nghe pháp ấy như nghe việc thầy ảo thuật hóa người.
Lại hỏi:
- Thế nào ? Chẳng lẽ ngươi vì đạo ấy mà phát tâm đạo Vô thượng Chánh chơn sao ?
Trả lời:
- Ðạo ấy tôi không có chí cầu tìm.
Lại hỏi:
- Làm thế nào để thực hành thí độ vô cực ?
Trả lời:
- Tu tất cả độ để xả bỏ trần lao.
Lại hỏi:
- Làm thế nào để đầy đủ giới độ vô cực ?
Trả lời:
- Làm đầy đủ như hư không.
Lại hỏi:
- Làm thế nào để phụng hành nhẫn nhục ?
Trả lời:
- Tuân hành tất cả, đối với các pháp không sanh không khởi.
Lại hỏi:
- Làm thế nào để hành siêng năng tinh tấn ?
Trả lời:
- Tu hành các pháp không bị ngưng trệ.
Lại hỏi:
- Làm thế nào để kiến lập tịnh độ vô cực ?
Trả lời:
- Kiến lập pháp giới, trụ mà không có chỗ trụ.
Lại hỏi:
- Làm thế nào để đầy đủ trí độ vô cực ?
Trả lời:
- Chí không kiêu mạn, tâm không tự đại.
Lại hỏi:
- Hành từ như thế nào ?
Trả lời:
- Hiểu rõ tất cả chúng sanh đều vô sở hữu.
Lại hỏi:
- Nên cầu Bồ tát đại bi ở đâu ?
Trả lời:
- Nên cầu trong trần lao của chúng sanh. Vì sao ? Vì muốn chế ngự trần lao chúng sanh, Bồ tát đại bi phải phát tâm đạo Vô thượng Chánh Chơn.
Lại hỏi:
- Nên cầu Bồ tát hành hỷ ở đâu ?
Trả lời:
- Tâm mình chân thật, bản tánh thanh tịnh, hóa giải các sầu lo, đó là Bồ tát Hỷ.
Lại hỏi:
- Làm thế nào để đầy đủ Bồ tát hành xả ?
Trả lời:
- Hóa giải trọn vẹn những sự tranh cãi đấu tranh của chúng sanh để đưa đến sự hòa thuận.
Lại hỏi:
- Sao gọi là tranh cãi ?
Trả lời:
- Vứt bỏ những việc không thật hư ngụy của trần lao, lập chí vững vàng với đạo Phật.
Lại hỏi:
- Tranh cãi với ai ?
Trả lời:
- Với bọn ngoại đạo tà kiến dị học, người không hợp ý.
Lại hỏi:
- Bọn học tà dị làm gì ?
Trả lời:
- Thấy người khác hưng thịnh lên mình không nhịn nổi rồi chạy theo họ.
Lại hỏi:
- Vì sao Bồ tát nhẫn nhục lập chí hướng ?
Trả lời:
- Vì giáo hóa tất cả chúng sanh. Vì sao ? Vì nếu không khai mở giáo hóa thì sao gọi là nhẫn nhục hóa độ chúng sanh. Không sân kết hận, không lo buồn đó là nhẫn nhục.
Lại hỏi:
- Sao gọi là nguy hại ?
Trả lời:
- Tích lũy đức bổn mà làm việc ưu não đó là nguy hại.
Lại hỏi:
- Sao gọi là vô hại ?
Trả lời:
- Các giới không lo là liêm khiết nhơn nghĩa. Ðó gọi là vô hại.
Lại hỏi:
- Sao gọi là Bồ tát chọn lựa chiến đấu ?
Trả lời:
- Chọn lựa các pháp mà không nhận pháp nào cả.
Hỏi:
- Thế nào là Bồ tát chiến thắng ma ?
Trả lời:
- Vì không chấp trước nên không diệt trần lao. Vì sao ? Vì Bồ tát chiến thắng 5 ấm nên không tương ưng với trần lao. Do đó mà Bồ tát chiến thắng ma, dẹp sạch bụi trần, không ô nhiễm vốn thanh tịnh, hiểu rõ rốt ráo các pháp xưa nay, khai hóa chúng sanh, giải trừ hoạn nạn lão tử. Và nói với thiên tử: Bồ tát Văn Thù đã xa lìa tất cả trí và các thông huệ tưởng.
Hỏi:
- Bồ tát khai hóa chúng sanh như thế nào ?
Trả lời:
- Chuyên giữ thiện quyền tu hành trí huệ.
Hỏi:
- Bồ tát xây dựng chúng sanh như thế nào ?
Trả lời:
- Xây dựng tâm mình đạt được thánh huệ rồi Bồ tát mới có thể khai hóa tất cả quần sanh.
Hỏi:
- Nay Ngài giảng pháp này, chúng hội đều được tiếp thu tốt chứ ?
Trả lời:
- Chúng hội không được tiếp thu tốt. Vì sao ? Vì còn ý tưởng về bỉ thử, ngược lại họ cố xây dựng nơi thức.
Hỏi:
- Làm thế nào để người nghe pháp được một cách hoàn hảo ?
Trả lời:
- Nếu ai tin chính mình như mộng, Kinh pháp vị ấy giảng như thầy huyễn biến hóa ra những âm thanh giả, mà không chấp vào âm thanh ấy và không tạo giải thoát. Có hai việc ấy thì mới gọi là tiếp thu pháp một cách hoàn hảo.
Hỏi:
- Làm sao để được thọ lãnh nghĩa lý của pháp ?
Trả lời:
- Ðó là qui mạng pháp của Văn Thù Sư Lợi.
Nhờ oai thần của Văn Thù Sư Lợi đồng chơn đã kiến lập và nhờ trí huệ đã tu tập xưa kia nên Thượng Kim Quang Thủ ở giữa chúng nói pháp rất hợp lý. Một vạn hai ngàn người phát tâm đạo Vô Thượng Chánh Chơn. 500 thiên tử nhờ đã trồng phước đức từ kiếp trước lập chí Bồ tát thừa nên đắc khởi pháp nhẫn. Ba vạn hai ngàn trời, người xa lìa các pháp trần cấu đắc pháp nhãn tịnh.
Sau khi nói pháp xong, cô gái rất hân hoan liền đắc Nhu Thuận Pháp Nhẫn và đê đầu lạy sát chân Văn Thù Sư Lợi, thưa:
- Cúi xin đấng Chí Thánh cho con được làm Sa môn. Hãy thương xót cứu thoát những ý niệm không chính đáng, những hành nghiệp của chúng sanh. Vì đó đều chẳng phải là Hiển quán.
Khi ấy Văn Thù Sư Lợi nói:
- Bồ tát không cho rằng bỏ râu tóc của mình là xuất gia. Vì sao ? Vì nếu đoạn trừ trần dục của chúng sanh, để tinh tấn tu hành, đó chính là sự xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho rằng tự mình mặc áo ca-sa là xuất gia. Vì ca-sa đời Tấn gọi là Khử uế. Nghĩa là trừ bỏ mọi dơ bẩn dâm nộ si của chúng sanh khiến không còn chút tỳ vết, thường thực hành tinh tấn. Ðó chính là sự xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho rằng tự mình giữ gìn cấm giới là xuất gia. Mà không những mình giữ gìn mà còn chỉ dạy chúng sanh phải giữ gìn cẩn thận. Ðó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không lấy việc mình ở nơi thanh vắng là xuất gia. Nếu có thể kiến lập chúng sanh trong 5 đường vào huệ yên tĩnh. Ðó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không lấy việc dung mạo, hình dung. oai nghi, lễ bái là xuất gia. Mà giáo hóa các lê dân khuyên họ sống với lòng từ bi đó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho mình có công đức là xuất gia. Mà khuyên dạy làm thấm nhuần tất cả chúng sanh, vun xới gốc đức. Ðó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho mình đã giải thoát lập chí vào diệt độ là xuất gia. Mà giải thoát tất cả tâm tánh chúng sanh để đạt đến diệt độ. Ðó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho mình trừ trần lao là xuất gia. Mà diệt bỏ tất cả trần lao của chúng sanh, đó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không vì giữ cho riêng thân mình, giữ chặt tâm là xuất gia. Mà phải bảo hộ tâm chí cho tất cả quần manh. Ðó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho tự mình giải thoát là xuất gia. Mà độ thoát tất cả quần manh trong luân hồi. Ðó mới là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho cứu nạn sanh tử của chính mình là xuất gia. Mà độ thoát hết hoạn nạn sanh tử của tất cả chúng sanh. Ðó mới là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Bồ tát không cho sự thích Nê hoàn là xuất gia. Mà đầy đủ các pháp của chư Phật. Ðó chính là hạnh xuất gia của Bồ tát.
Ban bố lòng từ bi thương xót chúng sanh, không tìm kiếm lỗi người, không nói những lầm lỗi của họ, khen ngợi đức lòng tin của người, chỉ dạy tín hạnh và đem bố thí cho tất cả. Nghĩa xuất gia là như vậy. Nếu xuất gia nương vào người khác đó là Bồ tát không chỗ nương tựa.
Cô gái hỏi Văn Thù Sư Lợi:
- Sao gọi là xuất gia nương nhờ vào người khác ?
Trả lời:
- Người xuất gia nương tựa vào giới cấm, lại không lấy việc trì giới để xuất gia. Ngươi muốn biết điều này nên lập chí vào thiền định không phóng dật. Người xuất gia nương vào huệ, không đi theo với bạn ác, tuân hành môn giải thoát đó là xuất gia. Nếu tâm chưa giải thoát thì không phải là xuất gia.
Cô lại hỏi:
- Sao gọi là Bồ tát không nương tựa vào người khác ?
Văn Thù trả lời:
- Không tin người nào cả là không nương tựa, cũng không dò xét để nhìn nhan sắc người. Có trí huệ gì đều do sự nhận định sáng suốt của mình. Những người ấy có đức lạ gì đều do đạt được các đại huệ thông không mong cầu gì cho bản thân mình. Ðây gọi là không dựa vào người khác.
Khi Văn Thù Sư Lợi nói phẩm xuất gia này thì có 500 Bồ tát cởi trân bảo anh lạc đang đeo nơi thân cúng dường Văn Thù Sư Lợi.
Tất cả đều nói:
- Nghe ngài dạy về giáo lý hoàn hảo việc xuất gia, chúng tôi sẽ nương nơi chánh nghĩa này mà thực hành đầy đủ hạnh xuất gia.
Khi ấy Văn Thù Sư Lợi nói với Thượng Kim Quang Thủ:
- Cô hãy lên xe tứ mã, đem giáo pháp này khai thị giáo hóa cho Úy Gian con trưởng giả. Ðó là hạnh xuất gia của ngươi đấy.
Bấy giờ đại chúng đều suy nghĩ: “Chẳng lẽ người còn dục và người ly dục ở chung với nhau sao ?”. Biết tâm niệm của đại chúng, cô gái liền giải thích:
- Bồ tát ly dục và chúng sanh còn dục đều phát sanh cùng một lúc, chỉ vì muốn khai thị giáo hóa cho họ sáng suốt.
Chư vị nên biết: Bồ tát lìa sân giận ngu si thì sống chung với hạng người sân giận ngu si. Vì muốn giáo hóa ban bố lòng từ và sự sáng suốt. Nếu Bồ tát đã lìa trần lao thì cùng sống chung với hạng người tham dục để giáo hóa những kẻ dâm dật. Ví như con người, mẹ con sống chung với nhau nhưng không bị ô nhiễm. Cũng vậy, Bồ tát luôn ở chung với tất cả chúng sanh nhưng không bị ô nhiễm. Ví như người đánh đàn cầm và thầy chú thuật. Mặc dầu tập làm theo sở thích nhưng không thích. Cũng vậy, Bồ tát ở trong tưởng niệm của ba cõi, như thần chú thuật không bị đắm nhiễm.
Khi ấy đã đến đúng thời cơ, Thượng Kim Quang Thủ đã thấu đạt nghĩa pháp, được sáng suốt lìa các tối tăm, thấy rõ trần lao khai mở chơn đế, đê đầu lạy sát chân Văn Thù và đi nhiễu ba vòng rồi lên lại trên xe, nói kệ:
Khi ấy Thượng Kim Quang Thủ cùng đi chung xe với con trưởng giả đến vườn Du-quán thanh tịnh.
Văn Thù Sư Lợi giảng nói kinh điển tất cả chúng hội vui mừng hớn hở, tâm họ khai mở bỗng nhiên bừng sáng và họ đều nói:
- Hãy cùng nhau đến chỗ Như Lai để nghe giảng pháp.
Thế rồi họ rời khỏi Du-quán đến tịnh xá của Phật.
Bấy giờ, Thượng Kim Quang Thủ và Úy Gian con trưởng giả ở vườn Du-quán rải hoa, đốt hương, trang hoàng lộng báu, sắp dọn thức ăn uống, xướng ca hát nhạc cùng nhau vui chơi. Dùng hương bột pha lộn với nhau để làm phấn xoa ướp. Thấy con trưởng giả và ý người trong hội đã hài lòng, cô gái dùng sức thần thông tự hóa thân của mình lập tức qua đời, nhan sắc biến thành xấu xí ghê gớm giống như người chết. Máu mũ trong tai mắt mũi miệng chảy ra. Thân thể sình lên nát rữa ra không thể nhìn thấy được nữa. Trong miệng xuất ra mùi hối thối tanh rình. Tất cả lỗ chân lông hở ra. Bụng nứt ra, ngũ tạng ruột mật gan phèo phổi, tủy não đều chảy tràn lan. Ruồi nhặng bay đến bu xung quanh thân thể.
Thấy cô gái này biến thân như vậy, Úy Gian rất sợ hãi không an, muốn tìm chỗ nào để mình nương tựa thoát khỏi lo sợ. Nay gặp cảnh hãi hùng ghê sợ ấy, nên phải đi đâu để tránh khỏi ưu phiền khủng khiếp ấy. Lại có hai nạn: Người phàm phu thấy các vết dơ về tội lỗi của mình sẽ không làm đế vương. A Xà Thế biết ách hại về mạng mình thì tất cả quyến thuộc và người trong hội sẽ kinh hãi run sợ. Họ đều nói: Phải tìm ai là trời rồng quỉ thần Nhược-càn-đạp, Sa-môn hay Phạm chí để cứu thoát đại ách. Con trưởng giả kia vốn không có đức, nghe Văn Thù Sư Lợi nói kinh và đối với những việc nên thi hành thì ông ta không hiểu rõ.
Nhờ oai thần của Văn Thù Sư Lợi đồng chơn làm cho cây trong vườn tự nhiên phát ra âm thanh khen ngợi rằng:
Nghe bài tụng này con trưởng giả rất vui mừng hớn hở, liền sanh thiện ý rồi đem hòm áo đựng tử thi của cô gái vứt giữa rừng rồi bỏ đi.
Vì muốn giáo hóa con trưởng giả, từ nơi thân đức Thế Tôn phóng ánh sáng chiếu khắp cõi Ma Kiệt. Thiếu niên trông thấy Như Lai có chúng Tỳ-kheo vây quanh nghe pháp, giống như khi mặt trời mọc đường sá tự nhiên hiện lên đủ sự việc vi diệu vọi vọi, hành lang bằng châu báu và rãi các loại hoa. Trời Ðế thích đứng phía trước khen ngợi:
- Thiếu niên được lợi ích tốt đẹp được phước đức vui vẻ nên phát tâm và an vui, thấy Như Lai với thân Phật cụ túc. Người như vậy trở về con đường chân chánh, muốn thấy ánh sáng và dung mạo Như Lai, nên phát sanh hạnh như thế.
Nghe họ khen ngợi, thiếu niên cùng trời Ðế Thích đến chỗ Phật. Ðế thích đem hoa ý trời đưa thiếu niên và nói:
- Hãy đem hoa này rãi cúng dường Thế Tôn.
Thiếu niên liền lấy hoa rải cúng dường Thế Tôn và đê đầu sát chân Phật rồi đi nhiễu ba vòng, thưa:
- Con nay xin qui y Phật, Pháp và Thánh chúng, con xin Ngài khuyến hóa giúp đỡ đạo Vô Thượng Chánh Chơn. Kính thưa Ðại Thánh ! Có dâm nữ tên Thượng Kim Quang Thủ cô này người trong quận huyện châu thành ai đều biết. Cô đang vui chơi nơi vườn Du-quán thì hôm nay nhan sắc tự nhiên biến đổi ghê gớm rồi qua đời, lìa bỏ tất cả dòng họ quyến thuộc thật đáng sợ hãi, không quốc vương nào tìm đến hỏi cả.
Phật nói:
- Thôi, thôi ! Vì tham dục nên có sợ hãi. Ta sẽ ban úy hết nạn lo sợ. Người qui y Phật không nên sợ hãi. Nếu có sợ hãi thì phải đoạn trừ tận gốc của nó.
Thiếu niên hỏi:
- Do đâu mà lo sợ ?
Thế Tôn dạy:
- Do dâm nộ si mà có sợ hãi. Do chấp ngã mà kiêu mạn tự đại và thấy điên đảo hợp ân ái, chấp ngã có thật và chuyển tham ái đưa đến đấu tranh. Tự thấy thân mình bị trói chặt, vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là lạc, không thân tưởng có thân, không kiến tưởng là thật, nhận lấy 5 ấm để tạo nghiệp, quán 4 đại chủng vì tìm cầu các nhập có xứ sở, không thấy rõ thọ mạng và sự an nhàn của thân. Do đó mà đưa đến sự lo sợ, hãy vứt những ý ấy đi. Ngươi có thấy thân hư hoại vữa nát của cô gái ấy không ?
Thiếu niên thưa:
- Con đã thấy.
Phật dạy:
- Này thiếu niên ! Tất cả các pháp đều sẽ biệt ly, là pháp khổ hoạn không thường còn. Sự ngu si tham lam cũng không lâu dài, thành tựu rồi cũng tan hoại, báo ứng tội phước thì nguy hiểm nhiều an lạc ít. Sắc như huyễn hóa, như mộng, như bị sóng nắng làm mê hoặc. Sắc như bóng chiếu vụt qua, ví như bóng trong gương do nhân duyên hội họp mà có báo ứng tội phước rồi diệt mất. Như trăng trong nước thành đó rồi hoại đó. Như âm thanh không nói năng gặp duyên thì nó vang. Như đi trong bóng mát bỗng chốc liền mất. Như co tay lại rồi duỗi tay. Tất cả đều do bổn tịnh sanh khởi tự do. Như gió không giữ lại được là hư ngụy không thật, không có gì phải hoảng hốt vì nó là hư ngụy. Theo ý mà đặt tên và nhờ nhân duyên tụ hội là mà thành. Tất cả các pháp không có chủ tể, nên chớ tham đắm vào nó. Ý của thiếu niên thế nào ? Do thói tham dục rồi sanh tư tưởng sao ?
Thiếu niên trả lời:
- Bạch Thế Tôn ! Kẻ phàm phu ngu si nghĩ đến dung mạo đẹp đẽ xinh xắn rồi khởi lên lòng tham dục. Ðối với nghĩa kinh giáo pháp thì thấy có tỳ vết không ưa thích. Nếu không suy nghĩ chính chắn chơn thật thì tập theo tham dục chạy theo buông lung.
Phật dạy:
- Lành thay ! Thiếu niên nói rất đúng. Tâm tánh của thói tham dục là như vậy. Hãy bỏ tư tưởng tà vạy, suy nghĩ điều chân chánh rồi tu tập theo nghiệp ấy, đừng tạo nghiệp tà nữa, lìa Ngã kiến rồi, nên quán nó đều bình đẳng.
Thiếu niên hỏi:
- Sao gọi là Bồ tát tư duy đúng đắn các pháp ?
Phật dạy:
- Này thiếu niên ! Nếu tư duy phân biệt tham dục, sân giận, ngu si và các trần lao vốn đều thanh tịnh, đó là Bồ tát cầu Phật đạo. Ví như thiếu niên là một vật hữu hình rồi dâm nộ si. Bồ tát cũng vậy, hiểu rõ tất cả, phân biệt rõ các pháp, sinh hoạt tự tại. Vì ba độc đó không có nguồn gốc cũng không có chỗ trụ. Giống như nhà không có chủ, trong nhà vắng tanh trống rỗng. Do lìa ngã, nhơn, thọ mạng nên không còn vọng tưởng. Người nào không chấp vào ý niệm tức là đã diệt trừ sự chấp trước rồi. Vì bỏ sự chấp trước nên vô nguyện, tâm chí đã được hỷ lạc, thì ân ái cũng đều tiêu trừ, không có các hành và cũng không có tạo tác. Tánh dâm nộ si vốn thanh tịnh. Bồ tát cũng vậy, do hiểu rõ tất cả pháp nên được tự tại. Nếu Bồ tát học đúng các pháp thì phát tâm đều là đạo. Vì sao ? Vì nếu hiểu rõ tâm mình thì hiểu rõ tâm Như. Biết rõ phân biệt tất cả pháp không có sắc không có hình thì không chỉ dạy, tự nhiên như huyễn, do trong ngoài nương tựa vào nhau, đó cũng là đạo. Vì Bồ tát không có đạo nào khác nên phải thi hành để tự hiểu tâm. Vì sao ? Vì nếu hiểu rõ tâm mình thì có thể hiểu biết tâm tất cả chúng sanh. Tâm mình tĩnh lặng thì tâm chúng sanh điềm nhiên. Tâm mình vốn thanh tịnh thì tâm chúng sanh cũng thanh tịnh. Tâm mình thanh khiết, tâm chúng sanh cũng thanh khiết, tâm mình ly dục thì tâm chúng sanh cũng ly dục. Tâm mình không sân giận thì tâm chúng sanh cũng không sân giận. Tâm mình không si thì tâm chúng sanh cũng sáng suốt không si. Tâm mình không có trần cấu thì tâm chúng sanh cũng không có bụi dơ. Nếu ai hiểu rõ việc như vậy thì đó là hiểu biết thông suốt với Nhất thiết trí. Ai tu hành đúng như vậy đó là Bồ tát. Gần với bổn tịnh thì biết tâm niệm của tất cả chúng sanh. Giả sử có những sự ưa thích bị khách vọng tưởng trần lao dựa vào tâm để làm ô uế thì không nên nhàm chán mà phải tu hành bằng pháp quán. Nếu có người hiểu rõ đúng đắn thì khách vọng tưởng trần lao không còn trần lao nữa.
Sau khi đức Phật nói vậy xong, Úy Gian con trưởng giả đắc được Nhu Thuận Pháp Nhẫn.
Thấy con trưởng giả được khai hóa thuận theo giáo nghĩa, Thượng Kim Quang Thủ cùng 500 ngọc nữ đánh đàn trời trỗi lên các âm nhạc, đến chỗ Phật lễ lạy sát chân Ngài đi nhiễu ba vòng rồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi nói với Úy Gian:
- Ông biết cô này không ?
Ông trả lời:
- Biết.
Văn Thù hỏi:
- Biết thế nào ?
Khi ấy Úy Gian thưa Văn Thù Bồ tát bằng kệ:
Thế rồi, Thế Tôn ứng thời mà cười, trong miệng phát ra ánh sáng 5 màu. Hiền giả A-nan đứng dậy sửa pháp phục, gối phải sát đất chắp tay thưa:
- Bạch Thế Tôn ! Vì sao Ngài cười ? Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác chưa từng cười suông, mà chắc chắn phải có lý do ?
Phật dạy:
- Này A-nan ! Ông có thấy Thượng Kim Quang Thủ không ?
A-nan thưa:
- Thưa Thiên Trung Thiên ! Con đã thấy !
Phật dạy:
- Này A-nan ! Vào thời quá khứ xa xưa, Văn Thù Sư Lợi đã khuyến hóa cô gái này phát tâm đạo. Nay cô ta trở lại nghe pháp liền đạt được Nhu Thuận Pháp Nhẫn. Ông có thấy con trưởng giả kia không ?
A-nan thưa:
- Thưa đã thấy !
Phật dạy:
- Này A-nan ! Ðời trước ta vốn khuyến hóa ông ta phát đạo tâm. Nay trở lại được nghe Phật giảng pháp, liền đạt Nhu Thuận Pháp Nhẫn.
- Này A-nan ! Qua 92 trăm ngàn kiếp, Thượng Kim Quang Thủ sẽ thành Phật hiệu Bảo Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Thế giới tên Bảo Cái, kiếp tên Bảo Thành. Trong nước ấy những thức ăn uống, y phục, nhà cửa giống như trên cõi trời Ðao Lợi thứ hai. Quốc độ cõi Phật ấy không có châu bảo nào khác cả, chỉ lấy Bồ tát làm trân bảo. Tuổi thọ của Như Lai ấy sống vô lượng. Sau khi thành Phật rồi thì con trưởng tên Úy Gian ấy sẽ làm Bồ tát tên Ðức Quang Diệu Lãnh thọ giáo pháp của Thế Tôn ấy. Khi đức Quang Minh Như Lai chưa diệt độ thì thọ ký cho Bồ tát Ðức Quang Diệu rồi mới Bát Niết Bàn. Sau đời ta, Bồ tát Ðức Quang Diệu ấy sẽ được thành Phật hiệu Trì Diệm Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác giống như cõi Phật trên không khác.
Vừa thọ ký cho tộc tánh tử này thì ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách, có ánh sáng lớn chiếu khắp thế giới, khi được thọ ký đầy đủ như vậy, thì tám ngàn người được phát tâm đạt Vô Thượng Chánh Chơn.
Hiền giả A-nan bạch Phật:
- Cúi xin Ðại Thánh ! Kinh này nên đặt tên là gì và nên phụng hành như thế nào ?
Thế Tôn dạy:
- Kinh này đặt tên là “Ðại Tịnh Pháp Môn Phẩm Văn Thù Sư Lợi Khuyến Trợï Hý Biến”. Lại gọi là “ Thượng Kim Quang Thủ bổn chi hóa”. Nên phụng trì và khai thị cho tất cả.
Phật dạy như vậy xong, hiền giả A-nan, Thiếu niên nam tử và nữ nhơn, Văn Thù Sư Lợi, Chư Thiên, rồng, thần, A-tu-la đều rất hoan hỷ.
KINH PHẬT THUYẾT ÐẠI TỊNH PHÁP MÔN -
hết.
Nguồn: www.quangduc.com