Một thời đức Phật cùng với năm trăm vị Sa môn du hành ở tại nước Tùy Ðề. Bấy giờ có Thệ Tâm (Phạm chí) tên là Phạm Ma Dụ, người nước Di Li (Di Tát La), là bậc kỳ túc, đã một trăm hai mươi tuổi, rộng thông các kinh, tinh tú, đồ thơ, bậc thầy dự biết mọi việc. Phạm Ma Dụ nghe đồn đức Phật là con của nhà vua, sanh trong dòng họ Thích, bỏ sự tôn vinh của nước, làm Sa môn, đã đắc đạo, thanh tịnh chí tôn, cùng với năm trăm Sa môn ở nước Tùy Ðề khai hóa chúng sanh. Phạm Ma Dụ hết sức tán thán rằng:
-Sa môn Cù Ðàm là bậc Thánh cao vòi vọi, là Như Lai, Ứng nghi, chánh chơn, giác đạo, thần thông, là bậc trượng phu, tôn hùng, Pháp ngự, chúng thánh, thầy của trời và người. Vị ấy đã trừ hết tâm ô uế, đã hết các điều ác, được tự giác, không điều gì mà Ngài không biết. Vị ấy ở giữa Sa môn, Thệ Tâm, Thích, Phạm, Long, Qủy vì họ thuyết pháp, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thanh tịnh, huyền diệu, trát tuyệt, các Thánh đều nghe danh.
Phạm Ma Dụ giảng rộng cho môn đồ một cách rõ ràng rằng: Ngài là bậc vô thượng, chánh giác, đúng là vua của các Thánh, chúng ta nên đảnh lễ và mong được giáo hóa.
Ðệ tử của Thệ Tâm là bậc Á thánh, tên là Ma Nạp, cũng rộng hiểu kinh điển, thông minh như thầy, có thể xem đủ các tướng bí mật để biết thân Phật có ba mươi hai tướng đặc thù, là bậc chí tôn vô song hay không? Hãy dùng tâm quán chiếu. Vị thầy bảo Ma Nạp:
-Ta nghe Cù Ðàm là bậc thần thánh vô thượng, chư thiên cùng tôn thờ, nói một mình, bước một mình, bước một mình, bậc hùng trong các Thánh. Vậy ngươi hãy đến xem thử oai nghi biểu lộ của Ngài có đúng là bậc mô phạm cho mọi người mà người ta đã tán thán chăng? Nếu ngươi nhận thấy quả đúng như vậy, ta sẽ đến cúi lạy, tôn thờ.
Ma Nạp hỏi rằng:
–Con nên lấy gì để quán sát?
Thầy đáp:
–Trong kinh há lại không nói sao? Rằng ở đời sau có một vị vua tên là Bạch Tịnh, hoàng hậu tên là Thanh Diệu, đầy đủ thông minh đạo đức, họ sanh ra người con Thánh, là vị trời giữa trời, độc tôn trong thiên hạ, thân thể cao một trượng sáu, có ba mươi hai tướng tốt. Nếu làm vua sẽ là vị phi hành Hoàng Ðế (Chuyển Luân Thánh Vương), nếu xuất gia học đạo làm Sa môn, chắc chắn sẽ thành Phật.
Ma Nạp vâng lời, đảnh lễ dưới chân thầy, đến nước Tuy Ðề, liền đến chỗ đức Phật vái chào khiêm cung lui qua một bên ngồi xuống, lắng lòng quan sát kỹ tướng tốt trên thân của đức Phật, nhưng không thấy hai tướng:
1. Tướng lưỡi rộng dài;
2. Tướng Âm mã tàng; trong ý nghi ngờ.
Ðức Phật biết trong tâm của Ma Nạp có điều nghi ngờ, Ngài liền dùng thần túc hiện tướng Âm mã tàng và hiện tướng le lưỡi rộng dài che luôn cả mặt, liếm tới mép tai bên trái, bên phải, rồi Ngài thu lưỡi vào miệng trở lại. Ngài phóng ra năm sắc hào quang bay quanh thân Ngài ba vòng rồi biến mất nơi đảnh đầu.
Lúc ấy trong tâm của Ma Nạp rung động, vừa mừng vừa sợ, sung sướng tán thán:
–Sa môn Cù Ðàm đích thực là đức Phật, Ngài có hảo tướng quang minh đầy đủ, thật là hi hữu trong thế gian, thật là đáng để gọi Ngài là Như Lai, Ứng cúng, bậc Chánh giác. Ta nên kính trọng theo Ngài để học oai nghi, để hóa giải sự ngu hoặc và thưa lại với thầy ta.
Ma Nạp liền tìm đến trong chỗ đức Thế Tôn thiền định, chỗ Ngài giáo hóa cùng khắp để cứu vớt chúng sanh. Ma Nạp hoặc nghỉ hoặc đi đều theo tăng chúng, chưa bao giờ ở một mình. Sáu tháng trôi qua, Ma Nạp theo Phật như bóng theo hình, đã xem đủ cái đức thần hóa vòi vọi của đức Phật, liền cúi lạy dưới chân đức Phật, cáo từ trở về bổn xứ. Khi đến chỗ thầy mình, Ma Nạp cúi lạy như xưa, rồi ngồi xuống tòa.
Thầy hỏi:
–Thầy bảo con đi quán sát oai nghi của Thiên tôn Cù Ðàm về tướng tốt, thần hóa có đúng như mọi người xưng dương? Không ngoa chăng? Hay là đúng như vậy? Ðể ta đến đảnh lễ dưới chân Ngài sát dưới mặt đất để tỏ lòng cung kính.
Ma Nạp thưa rằng:
–Ðức Phật có tướng tốt, thần đức hơn cả trời, vòi vọi khó xưng tán được. Dù cho Ðế Thích hay Phạm Thiên cũng không thể so lường được. Các Thánh cũng không thể trù lượng được, các hiền xưng tán dù đến ức năm cũng không được một phần của Ngài, huống chi là trí huệ như lửa đom đóm của con mà xưng tán hết được. Con chỉ nói một cách tóm lược về ba mươi hai tướng tuyệt thế của đức Phật mà thôi. Ðó là:
1. Sa môn Cù Ðàm có tướng lòng bàn chân bằng phẳng.
2. Tướng lòng bàn tay và lòng bàn chân của Ngài có hình bánh xe, bánh xe có một ngàn căm.
3. Tướng xương của Ngài đóng kín lại như móc câu.
4. Tướng ngón tay, ngón chân dài.
5. Tướng gót chân đầy.
6. Tướng tay chân mềm mại, lòng bàn tay có thể nắm ngược ra ngoài.
7. Tướng bàn tay, bàn chân của Ngài đều có màn lưới.
8. Ðùi của Ngài như tướng đùi hươu chúa.
9. Có tướng Mã âm tàng.
10. Tướng sắc thân Ngài có màu vàng tía, sáng láng rực rỡ.
11. Tướng thân của Ngài giống như Kim cương, tuyệt đối không có chút bẩn.
12. Tướng da thịt mềm mại, bụi nước không thể dính vào thân được.
13. Tướng mỗi lỗ chân lông đều mọc một sợi lông.
14. Tướng lông có màu xanh biếc, xoắn theo phía hữu.
15. Tướng thân vuông vức.
16. Tướng phần trên thân như thân sư tử.
17. Tướng thân không khòm, thân như thân của Phạm Thiên.
18. Tướng hai vai liên tiếp qua cổ đầy đặn.
19. Tướng khi đứng thẳng, hai tay sờ tới gối.
20. Tướng cằm như cằm sư tử.
21. Tướng có bốn mươi cái răng.
22. Tướng răng vuông vức.
23. Tướng răng đều đặn.
24. Tướng răng trắng trong, không ai sánh bằng.
25. Tướng lưỡi rộng dài.
26. Tướng răng có mùi vị bậc nhất.
27. Tướng tiếng nói như tiếng trời Phạm Thiên.
28. Tướng bảy chỗ trên thân (hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ) đầy đặn.
29. Tướng trong mắt màu trắng có sắc xanh biếc.
30. Khóe mắt của Ngài trên và dưới đầy đặn như trâu chúa.
31. Tướng có một sợi lông trắng trong giữa hai hàng lông mày.
32. Tướng trên đảnh có nhục kế, rực rỡ hơn cả mặt trời, mặt trăng.
Sa môn Cù Ðàm có đầy đủ ba mươi hai tướng cao nhã, không thiếu tướng nào. Hình dáng thần diệu tuyệt vời, rất đặc thù, rất quý giá, vốn hy hữu từ xưa. Con xem lúc Cù Ðàm bước đi liền bước chân hữu trước, dài, ngắn, chậm hay mau đều hợp với oai nghi. Lúc đi, hai gót chân không chạm vào nhau. Lúc đi thân ngay thẳng, hai vai không lay động. Nếu Ngài nhìn lui, không dùng sức, đứng ngay thẳng, bỗng nhiên quay ra sau mà thân không quay, đầu không cúi xuống, không ngước lên, tay chân ngay thẳng, lúc đi ngay thẳng, chưa từng liếc ngó, oai nghi lúc bước đi là như vậy. Lúc Sa môn Cù Ðàm đi, chư thiên dâng bảo cái, rải hoa tuyết, trời, rồng, chim bay không dám bay lên trên. Chúng sanh trong ba cõi đều không thấy đảnh tướng của Ngài. Chư thiên trỗi nhạc đi theo để đưa Ngài. Long thần, Ðịa kỳ sửa đường ngay thẳng, không có cao thấp. Khi chân Ngài bước đi có in tướng bánh xe trên mặt đất, hào quang chiếu huy hoàng rực rỡ đến bảy ngày mới hết, cây rừng cúi đầu kính ngưỡng như người quỳ lạy đảnh lễ. Khi hành động phù hợp với sự cầu thỉnh. Xà nhà cao hay thấp Ngài vẫn để thân ngay thẳng mà vào, xà nhà không nâng cao thêm mà Cù Ðàm vẫn không cúi thấp xuống. Lúc ngồi, Ngài ngồi giữa giường, không thụt tới trước cũng không lui về sau. Ngài chéo tay mà ngồi, không hề chỉ trỏ, không có chống cằm. Lúc xuống giường không cần cong mình mà bỗng nhiên bước tới đất. Dù Thiên ma có mang độc dược tới hại Ngài, nhưng tâm Ngài vẫn không sợ hãi, mặt Ngài phát ra hào quang mà độc tự giải. Lòng từ thương xót chúng sanh mà độc nào chẳng tiêu. Ngài dùng bát lấy nước thì bát không nghiêng một bên, không vất vao lên, nước cũng không nhiều không ít. Lúc rửa bát, nước và bát đều vắng lặng, không có một tiếng chao động nhỏ. Ngài chưa bao giờ để bình bát dưới đất. Trong lúc rửa tay, tay và bát đều sạch. Lúc đổ nước trong bát ra hoặc cao, thấp xa gần đều thích hợp với chỗ muốn đổ. Lấy bát để nhận cơm, cơm không làm dơ bát. Khi đưa cơm vào miệng, nhai cơm, ba lần đưa cơm quanh miệng mới nuốt. Hạt cơm lúc Ngài ăn đều nát, không dính ở kẽ răng, thức ăn có bao nhiêu mùi vị Ngài đều phân biệt biết hết. Ngài ăn vừa đủ để nuôi thân, không phải để vui sướng. Cù Ðàm thọ thực là vì tám nhân duyên:
1. Không phải để vui chơi.
2. Không có tâm tà hạnh.
3. Chí muốn vô dục.
4. Không có hành động xảo ngụy.
5. Viễn ly ba cõi phiền não.
6. Khiến chí đạo vắng lặng, nương vào phước, được độ thoát, đoạn trừ sự đau nhức cũ của mười hai biển (mười hai nhân duyên).
7. Diệt trừ tội cũ để được đạo lực.
8. Giữ bất tưởng định không tịch.
Rồi Ngài rửa bát như trước. Ðối với pháp y, bình bát, ý Ngài không ghét cũng không đắm trước. Ngài vì người bố thí chú nguyện, thuyết kinh xong thì trở về tinh xá, không nói với đệ tử là ăn ngon, ăn dở. Ngài ăn xong đồ ăn tự tiêu hóa, không có sự dơ bẩn của việc đại tiểu tiện. Khi vào phòng, tịnh mặc, tư duy sâu xa các định, trong thời gian ngắn liền xuất định, chưa từng sai giờ. Ngày đêm không ngủ nhưng không bao giờ thiếu ngủ. Rộng phân biệt minh pháp để khuyên dạy, sách tấn đệ tử, làm cho họ được nhập đạo. Không dùng tài sắc là hạnh ô uế đạo để dạy cho các đệ tử. Ngài thuyết pháp cao xa mà không thể thấy nghe được ở các sách tiên thánh, làm cho mọi người hứng khởi, thanh tịnh hành đạo. Lúc kinh hành, Ngài không quay đầu liếc ngó. Nếu lúc đắp y, tư thế y không lơi khỏi thân, bụi không dính vào thân. Pháp phục nơi thân Ngài cao thấp, lúc gấp lúc hoãn đều đẹp. Khi vào vườn rửa chân, không cần chà rửa mà chân tự sạch. Thân sắc Ngài rạng ngời giống như trời vàng.
Ý Ngài không đắm trước ái dục, tâm như hư không. Lúc Ngài ngồi thiền định, hoát nhiên vô tưởng. Ba độc, bốn thống, năm ấm, sáu nhập, bảy kết, tám tào Ngài đều dùng trí tuệ vô thượng để tiêu diệt tất cả, Ngài dùng định: không, bất định, vô tướng, đoạn trừ chín thần xứ. Dùng thập thiện để tiêu trừ thập ác. Ngài nói mười hai bộ kinh là để bứng gốc cội rễ của mười hai nhân duyên, sáu mươi hai tà kiến, các ghẻ lở, phiền não tệ hại, làm cho tâm niệm uế trược được vắng lặng. Ngài dùng Tứ đẳng Ðại thừa để tự độ thân cao quý của Ngài và cứu vớt chúng sanh bằng cách thuyết những cảnh giới mô phạm. Ðệ tử chưa thưa hỏi mà Ngài đã tự cười, trong miệng ngài phóng ra luồng ánh sáng bao quanh Ngài ba vòng rồi từ từ biến mất.
Tôn giả A Nan sửa lại y phục, cúi lạy thưa hỏi:
–Thuyết pháp có mấy loại tiếng?
Ðức Phật liền đáp:
–Tiếng Ðại thuyết pháp có tám loại: tiếng rất hay, tiếng dễ hiểu, tiếng nhu nhuyến, tiếng điều hòa, tiếng trí tuệ tôn kính, tiếng không lầm lẫn, tiếng thâm sâu vi diệu, tiếng không yếu ớt. Lời nói không rơi rớt, thiếu sót, không có lỗi lầm. Mỗi lần Ðại thuyết kinh, hai mươi bốn cõi trời Phạm thiên, Ðế Thích, Tứ thiên vương, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, trong đó có chư thần, Ðế vương, nhân dân, rồng quỷ, chẳng ai mà chẳng khâm phục, cúi lạy mà ra về, rồi phụng trì chấp hành vậy. Rồi đức Phật đi vào phòng ngồi im lặng. Chưa từng thấy đức Vô thượng Thiên khinh mạn đệ tử và các chúng sanh.
Con theo đức Cù Ðàm trong sáu tháng, như bóng theo hình, quan sát đầy đủ lúc Ngài đi, lúc ở, lúc kinh hành, lúc vào thất, tắm rửa súc miệng, ăn uống chú nguyện, thuyết kinh, lúc khuyến khích đệ tử, lúc thiền định ...
Ma Nạp thưa:
–Cung cách, nghi dung của Cù Ðàm là như vậy. Sự trình bày của con giống như một giọt nước trong biển cả, không phải là chỗ thâm tưởng các thánh có thể biết được, chư thiên không thể hiểu hết, đất trời không thể luận bàn được. Vòi vọi thay bậc Vô thượng. To lớn thay không biên giới, không thể đo, không thể lường, khó mà nói cho hết được.
Phạm Ma Dụ nghe đệ tử nói về cái đức của đấng Thiên sư, ngạc nhiên rơi nước mắt mà nói rằng:
–Tuổi của ta như mặt trời sắp lặn, mãi chỉ sống uổng chết uổng mà không thấy được bậc thượng minh, thầy của trời.
Phạm Ma sung sướng rơi lệ nói:
-Ta nên đến gặp ngài để thấy được đức Phật, dù chết cũng vinh.
Rồi than thở rằng:
-Người ngu tuy có tuổi thọ của đất trời nhưng nào khác gì đất đá.
Ông liền đứng lên, sửa lại y phục, năm vóc gieo xuống đất, cúi lạy ba lần nói rằng:
–Con quy y Phật, quy y Pháp và quy mạng thánh chúng. Mong cho con lúc tuổi thọ còn sống sót được thân cận chiêm ngưỡng, đảnh lễ Thế Tôn và mong được hóa độ.
Ðức Phật dùng ánh sáng của lục thông thấy Phạm Ma tự quy y Phật, từ xa Ngài thọ ký cho vị ấy.
Ðức Phật từ nước Tùy Ðề, đến nước Di Di, ngồi dưới một gốc cây. Quốc vương, quần thần, thệ tâm, lý gia dần dần truyền nhau rằng:
–Sa môn Cù Ðàm xuất thân từ nhà họ Thích, con của vị đế vương, ở tại Xà Lê, nhưng nay thanh tịnh, chí tánh đạm bạc, không có sự ô uế của tham dâm, độc hại của nhuế nộ, tối tăm của ngu si, là bậc tối thượng của các Thánh, giống như ngôi sao có mặt trăng, thần đức rưới khắp, chư thiên tôn kính, là đức Như Lai, Ứng nghi, bậc Chánh chơn giác, đã hết vô minh ô uế, trí tuệ sáng ngời độc chiếu. Dù thần thánh tuy nhiều cũng không sánh kịp, bậc đứng giữa càn khôn, vị ấy thấy những việc khúc chiết, chấp trước vi tế trong mười phương, những mầm mống chưa sanh ở đương lai, chẳng chuyện gì mà chẳng biết. Những lời hay đẹp vị ấy nói ra tất cả đều chơn thật.
Quốc vương, quần thần, thệ tâm và cao sĩ đều bỗng nhiên nói rằng:
-Sanh thời chúng ta làm sao được gặp vị Thiên sư, đấng đáng tôn quý, đáng đội lên đầu, nên đến đảnh lễ để được thấm nhuần sự thuần hóa.
Nhơn đó họ cùng nhau hội tụ, xe ngựa, bộ hành và tự mình đến đảnh lễ dưới chân đức Phật, quỳ xuống chắp tay, tự nói lên tên mình, rồi đều ngồi xuống im lặng.
Phạm Ma Dụ nghe đức Phật cùng Thánh chúng đồng đến, hết sức vui mừng, bảo các đệ tử đồng đến chỗ đức Phật. Vừa đến ven rừng, vị ấy nghĩ rằng: “Trước hết ta hãy bảo người đến nói lên tấm lòng chí thành của ta đối với đức Phật. Nếu tự mình đi thẳng tới là không đúng pháp chăng?”.
Ông liền bảo đệ tử:
–Ngươi hãy nhân danh ta, đến cúi lạy dưới chân đức Phật, thưa rằng: Thệ tâm Phạm Ma Dụ, đã một trăm hai mươi tuổi, khao khát lời dạy của Thánh, muốn được chiêm ngưỡng luồng gió mát lành. Thưa Cù Ðàm, thân thể có thường an lạc, đạm bạc, vô dục chăng? Nay con đến xin yết kiến.
Người đệ tử đảnh lễ thầy, liền đến chỗ đức Phật, cúi lạy xong, trình bày đầy đủ lời thỉnh cầu của thầy mình, rồi vị ấy hướng về phía đức Phật, tán thán thầy mình rằng:
–Quốc sư Phạm Ma Dụ rộng thông các kinh, quán thông mấu chốt những lời sấm ký bí mật, ở yên trai phòng, dự biết thiên văn, đồ thơ, việc tốt, việc xấu, chẳng gì mà chẳng biết. Nhưng vì ở đời này có vị thầy của trời, thân cao một trượng sáu, da có màu vàng tía, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, là vị trời giữa trời, là vua trong các thánh, cho nên nay thầy con đến quy mạng Tam tôn, hiện đang đứng gần ngoài rừng cây, chưa dám tự đến, mong được ra mắt Thế Tôn để cung kính Ngài.
Ðức Thế Tôn liền nói:
–Lành thay! Mời vào.
Các đệ tử vâng lệnh trở ra, đem lời dạy rõ ràng của đức Phật trình bày đầy đủ với thầy. Vị thầy liền cúi lạy dưới đất, vui mừng bước vào. Các Thệ tâm, trưởng giả, lý gia ở trong nước từ xa thấy thầy mình bước vào, cung kính vòng tay, cúi đầu. Phạm Ma Dụ nói với mọi người:
-Các ngươi hãy ngồi xuống. Nay ta ngồi gần một bên pháp ngự của Thế Tôn Cù Ðàm.
Ông liền lấy năm vóc gieo xuống đất, cúi lạy chân đức Phật, cung kính ngồi xuống, im lặng lắng lòng, nhìn kỹ tướng của đức Phật. Ông liền thấy ba mươi hai diệu tướng của đức Phật, nhưng có hai tướng không hiện, ông sanh nghi, cúi lạy dưới đất dùng kệ để hỏi đức Phật rằng:
Trong kinh điển Phạm chí
Sấm ghi điều quan trọng
Trược thế vua Tịnh Phạn
Hoàng hậu tên Thanh Diệu
Thái tử tên tất Ðạt
Thân sắc màu vàng tía
Thân có tướng Thiên tôn
Lánh đời theo chánh đạo
Chánh chơn tướng vô thượng
Ðủ ba hai tướng chăng?
Trinh khiết, Âm mã tàng
Vô dục đặc biệt chăng?
Có tướng lưỡi rộng dài
Che mặt, tới mép tai
Thuyết pháp hơn các Thánh
Phạm, Thích khó được nghe
Thầy dẫn đường trời, người
Hay dứt các nghi ngờ
Giữ đạo, sống an nhàn
Ðời sau thành Phật chăng?
Phật chứng được Nê hoàn
Xa lìa tam giới chăng?
Tâm, ý, thức, hồn linh
Diệt các khổ được chăng?
Phạm chí đã trình bày sự nghi trong tâm của mình, đức Phật biết rõ trong tâm của Phạm chí nghi về hai tướng. Ngài liền dùng thần túc hiện tướng Âm mã tàng, rồi Ngài đưa cái lưỡi rộng dài ra che khắp cả mặt, chấm đến hai bên mép tai. Hào quang trong miệng chiếu sáng cả nước Di Di, nhiễu quanh thân Ngài ba vòng rồi trở vào miệng lại. Ðức Phật liền đáp rằng:
–Ðiều ông đã hỏi về ba mươi hai tướng của Ðại sĩ, thân tướng của ta đầy đủ tất cả, chẳng thiếu tướng nào. Từ vô số kiếp đến nay, ta thực hành bốn đẳng tâm, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, cứu tế chúng sanh như tự cứu mình, dứt mong cầu, niệm không, giữ vô tưởng định, tâm ô uế đã trừ sạch, không còn hiện hữu nữa. Từ khi tập hạnh này đến đây, các tai ương trừ hết, vạn điều thiện chứa nhóm liền thành thân Phật, tướng tốt quang minh, đi một mình trong ba cõi, vĩnh viễn xa lìa sự ngu si tối tăm trong năm đường, được ánh sáng vô thượng, chí tôn, cho nên gọi là Phật. Nếu có sự độc hại của tham dâm, giận dữ, ngu si, sự tối tăm của năm ấm, sáu suy, nhỏ như sợi tơ sợi tóc còn sót lại ở tâm thì vẫn không thành Phật đạo. Chưa có người, vật nào bì kịp. Ngày nay tâm niệm của chúng sanh, từ phương nào đến, chưa rõ trong vô số kiếp, sự quanh co, sâu xa, nếu có điều nào không biết, thì đó chẳng phải là Phật. Bốn vô sở úy, tám thinh, mười lực, mười tám bất cộng pháp, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nếu thiếu một cái thì chẳng phải là Phật. Nay ta đầy đủ, chẳng thiếu vật gì, cho nên gọi là Phật. Sa môn đã được đạo Ứng nghi, có thể phân một thân ra thành mười thân, mười thân thành trăm thân, trăm thân thành ngàn thân, ngàn thân thành vạn thân, vạn thân thành vô số thân; lại có thể hiệp vô số thân trở lại thành một thân. Lấy ngón chân ấn xuống mặt đất thì ba ngàn đại thiên thế giới thảy đều chấn động. Nhờ tâm hành được định vô dục cho nên mới có khả năng như vậy, huống gì là Phật. Cái đức một tướng lông mày của Phật, hằng sa công đức có thể biết được, cái tướng giữa lông mày thì khó có thể trù tính được công đức, huống chi cái đức toàn thân Ngài? Lại nói: Phạm chí tin Phật, Tam tôn thì đời hiện tại được an ổn, lúc mạng chung được sanh lên trời, hễ muốn thì nghỉ, hễ nghi thì hỏi, đừng ngại khó khăn.
Phạm chí nghĩ rằng: “Những điều Sa môn Cù Ðàm nói ra huyền diệu sâu xa, ta chẳng còn gì để hỏi nữa”. Lại nghĩ: “nay ta nên hỏi việc đời này chăng, hay việc đời sau?”. Trong ý ông lại nghĩ: “Những việc trọng yếu của ba đời, chỉ có Phật là biết rõ, đâu phải tiên, thánh, quần nho mà biết được”. Phạm chí thưa:
–Sao gọi là Thệ tâm? Sao gọi là thông đạt? ? Sao gọi là tịnh? Sao gọi là tịch nhiên? Sao gọi là Phật.
Ðức Phật trả lời Phạm chí:
–Ta có lời chơn thật để giải thích cho ngươi, hãy lắng lòng mà nghe: người được ba thần túc thì gọi là Thệ tâm. Biết rõ việc xưa, phân biệt sanh địa, dùng đạo nhãn nhìn xem núi đá, núi đá vẫn không ngăn cản, quyết đán sự tối tăm, giải thích sự nghi ngờ, thấu rõ ba đời, gọi là thông đạt. Nhờ được lục thông, tâm cấu uế đã trừ sạch gọi là tịch nhiên. Ðã diệt ba độc, tâm như Thiên kim gọi là thanh tịnh. Gốc si sanh tử diệt sạch không còn, đạo hạnh thanh tịnh rưới khắp ba cõi, các si mê đã tìm ra, chẳng có gì mà chẳng đạt được, được Nhất thiết trí, tôn hiệu là Phật.
Phạm chí vui mừng đứng dậy, năm vóc gieo xuống đất, đầu mặt lạy dưới chân đức Phật, dùng miệng hôn chân Phật, lấy tay xoa chân đức Phật, lại tự xưng tên rằng:
–Con là Phạm Ma Dụ, là Thệ tâm, xin quy mạng đức Phật, quy mạng Pháp và quy mạng tăng.
Ông rơi nước mắt, nói rằng:
–Chúng sanh chúng con bị sáu thứ suy che lấp, thấy Phật không thờ, thấy kinh không đọc, thấy Sa môn không có tâm kính yêu, không mong nhờ sự thần hóa nên mãi mãi suy vi.
Các môn đồ của Phạm chí thấy thầy của mình hết lòng thành khẩn, nhìn nhau nói rằng:
-Tôn sư của chúng ta thấu triệt kinh điển, không sách nào mà không xem, danh tiếng vang lừng bốn nước, các nho sĩ đều tôn thờ, nay lại cúi mình, chắp tay đảnh lễ dưới chân Cù Ðàm, huống chi là bọn chúng ta?
Ðức Phật bảo Phạm chí:
–Hãy lại ngồi xuống, ta sẽ khai sáng tâm ông, có chơn tín huệ, hướng tới đức Như Lai.
Ông ta thọ giáo, ngồi xuống. Ðức Phật lại thuyết công đức của sự trì giới, phước báo của sự bố thí, bỏ sự dơ bẩn uế trược của gia đình, khen ngợi thượng hạnh của chí đạo. Ðức Phật biết Phạm chí là bậc thượng sĩ có tâm hoan hỷ, hiểu rộng. Ðức Phật nói cho ông nghe về sự rất trọng yếu của đạo: vạn mối khổ đau đều do thân mà ra. Người trí tuệ thâm chiếu biết sự ấy là mê hoặc, nếu ngược dòng tìm gốc, đạt được cái gốc của không. Ở đây gọi là bậc Thượng sĩ huệ minh chơn đế, không biết sự khổ của thân rất nhiều, khổ là do tập sanh, bậc Thượng sĩ biết như vậy, sự biết rõ ấy là chơn đế, ba cõi như huyễn, có hiệp phải có ly, vậy cái gì thạnh mà không suy? Nhân duyên họp tức tai họa sanh, nhân duyên ly tức khổ diệt. Bậc Thượng sĩ quán sát ngay căn bản mới biết nó vốn không. Sự biết rõ ấy là chơn đế. Nhờ biết vốn không liền kiến lập tam giới, tam không, Hạnh tịch, không mong cầu các dục, được vô tưởng định. Trong tâm cứ giữ ba ngôi tôn quý là được.
Tâm Phạm chí khai mở, giống như miếng vải trắng phau, không ô uế, đem nhuộm thành màu sắc, tâm Phạm chí cũng vậy, đã nhiều kiếp thường tôn thờ chư Phật, gìn giữ giới thanh tịnh rồi, nên nay nghe đức Thế Tôn dạy, hiểu tất cả giác đạo chánh chơn vô thượng. Tâm ô diệt sạch, nhập vào ba môn giải thoát, mãi lìa các khổ. Ông lại bạch đức Phật:
–Lúc con chưa thấy đức Phật, con đã ôm lòng hành động hết sức sai lầm, bị mắt mù che lấp, tin người cuồng ngu, gọi đó là chơn đế. Nay mới gặp Phật, bệnh cuồng đã hết, cái thấy mù, cái nghe điếc, nói câm, thân gù, người ở nhà tù ... đã được thoát khỏi; làm kẻ khổ đau, ngu hoặc, sống uổng chết uổng, không nếm được mùi vị chơn đạo của thiên tôn, cứ mãi ở trong lửa cháy, khổ đau, cuộc đời của con khổ đau biết bao! Nay đây may thay được gặp đức Phật, đã thuyết cho con nghe về sự rất trọng yếu của đạo, khiến cho con được trở về căn bổn vô vi trường tồn. Từ nay về sau, con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ kheo tăng, nguyện làm thanh tín sĩ (ưu bà tắc), giữ lòng nhơn từ, không sát sanh, sống tri túc không có trộm cắp, trinh khiết không dâm, giữ chữ tín không nói láo, hết lòng hiếu thảo, không uống rượu say sưa. Ðức Thiên tôn thương xót con! Sáng mai con thỉnh Ngài cùng thánh chúng hạ cố thọ dụng bữa cơm đạm bạc của con cúng dường.
Ðức Phật im lặng nhận lời.
Trong tâm Phạm chí vui mừng, cúi lạy dưới chân đức Phật, trở về nhà sửa soạn bữa cơm trăm vị ngon bổ và lúc hừng sáng, đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ, quỳ gối, cung kính bạch đức Phật rằng:
-Nay đã đúng thời, cúi mong đức Thế Tôn hạ cố.
Ðức Phật mặc pháp phục, cùng Thánh chúng đồng đến nhà Phạm chí, tất cả đều ngồi xuống pháp tòa. Phạm chí tự tay múc nước rửa, hết lòng cung kính cúng dường. Như vậy cho đến bảy ngày.
Ðức Phật thuyết pháp thuần hóa cho ông nghe xong ngài trở về nước Tùy Ðề. Sau đó không bao lâu thì Phạm chí mạng chung. Các Tỳ kheo nghe như vậy, cùng báo đức Phật:
-Bạch Thế Tôn, Phạm chí này chết sẽ sanh vào đâu?
Ðức Thế Tôn bảo:
-Phạm chí này là bậc thánh tâm hiểu rộng, sẽ được quả Bất hoàn. Ngũ cái đã hết, thanh tịnh như trời vàng, vị ấy ở đó được thanh tịnh, đắc quả ứng chơn A la hán, đi đến vô vi (Niết bàn).
Ðức Phật nói kinh xong, các Tỳ kheo vui mừng.
PHẬT NÓI KINH PHẠM MA DỤ
Nguồn: www.quangduc.com